tong quat hoa map
TỔNG QUÁT HOÁ
I. Khái niệm
Bản đồ địa lý giúp ta có thể quan sát từ một phạm vi nhỏ hẹp đến toàn bộ quả đất. Đối tượng thực tế muôn vàn muôn vẽ nên trên cùng một tờ bản đồ không thể thể hiện đầy đủ tất cả các hiện tượng được, vì vậy, phải có quá trình lựa chọn các đối tượng thể hiện. Quá trình lựa chọn, phân cấp này gọi là quá trình tổng quát hoá bản đồ.
Quá trình tổng quát hoá bản đồ là quá trình lựa chọn và phân cấp các đối tượng thể hiện trên bản đồ sao cho phù hợp với nhiệm vụ, chủ đề, tỷ lệ bản đồ, phù hợp với những đặ điểm khu vực thành lập bản đồ.
Ý nghĩa của quá trình tổng quát hoá
· Tổng quát hoá là công tác quan trọng nhằm tìm hiểu đặc điểm đặc trưng của hiện tượng chứ không trình bày tất cả các hiện tượng và cũng không đi nghiên cứu một hiện tượng riêng rẽ nào
· Tuy rằng bản đồ là phương tiện để biểu hiện thực tế và truyền đạt thông tin nhưng người ta không thể đưa lên bản đồ tất cả những gì có trong thực tế mà chỉ biểu hiện những đối tượng thông qua quá trình lựa chọn để đi đến giữ lại những gì phù hợp và loại bỏ những gì không cần thiết
· Những yếu tố loại bỏ không có nghĩa là quá nhỏ bé mà vì nó không nêu được đặc trưng của hiện tượng. Trong nhiều trường hợp cần thiết phải cường điệu hoá đối tượng lên để thể hiện được đặc trưng của đối tượng nhỏ bé. Vd: con đường mòn miền núi, nếu thu nhỏ theo tỷ lệ bản đồ thì không thể vẽ được, nhưng nếu cần thiết ta vẫn cường điệu con đường lên để thể hiện trên bản đồ
· Như vậy, việc lựa chọn các đối tượng thể hiện trên bản đồ không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của người thành lập bản đồ mà phải căn cứ vào cơ sở khoa học nhất định để giữ lại những nét cơ bản điển hình và không xa rời thực tế.
II. Các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình tổng quát hoá
a.Mục đích
Trong các nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quá trình tổng quát hoá phải kể đến nhân tố mục đích. Hai bản đồ có cùng nội dung nhưng mục đích sử dụng khác nhau sẽ khác nhau về mức độ tổng quát hoá
Bản đồ giáo khoa được tổng quát hoá rất cao phù hợp với chương trình học tập của sinh viên. Trong khi bản đồ dùng để nghiên cứu đòi hỏi phản ảnh chi tiết đối tượng và đảm bảo tính rõ ràng của bản đồ
Vd: Bản đồ hệ thống sông ngòi dùng để giảng dạy thì chỉ cần nêu lên sự phân bố không gian mạn lưới sông ngòi. Ngược lại, bản đồ dùng để nghiên cứu phải nêu được lưu vực sông, đặc tính của sông dưới ảnh hưởng địa hình.
Tóm lại do mục đích sử dụng khác nhau nên nội dung bản đồ khác nhau. Nội dung được lựa chọn nhiều hay ít, chi tiết hay đơn giản phụ thuộc vào mức độ tổng quát hoá ít hay nhiều, phù hợp với mục đích sử dụng đó.
b. Chủ đề
Sự lựa chọn các đối tượng thể hiện trên bản đồ phải phù hợp với chủ đề bản đồ.
Vd: Bản đồ giao thông có các yếu tố về giao thông như đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không ... được ưu tiên thể hiện, những yếu tố không liên quan đến chủ đề thì bị loại bỏ hoặc chỉ thể hiện ở mức độ cần thiết để làm nổi rõ nội dung chính mà thôi.
c. Tỷ lệ
Tỷ lệ bản đồ ảnh hưởng thuần tuý về mặt hình học đối với quá trình tổng quát hoá, tỷ lệ bản đồ càng nhỏ thì khoảng rộng để biểu hiện các kí hiệu càng nhỏ nên đòi hỏi mức độ tổng quát hoá càng cao, nghĩa là không biểu hiện khía cạnh chi tiết các đối tượng. Ngược lại bản đồ tỷ lệ lớn đòi hỏi nên chi tiết đối tượng nên mức độ tổng quát hoá thấp hơn. Ta thấy rằng tỷ lệ bản đồ ảnh hưởng trực tiếp tới nội dung, phương pháp biểu hiện và mức độ tổng quát hoá đối tượng.
d. Đặc thù địa phương
Mức độ tổng quát hoá đối tượng không những phải căn cứ vào những đặc điểm riêng biệt của đối tượng mà còn ưu tiên biểu hiện những đối tượng đó để nói lên những đặc điểm địa phương
Vd: con đường mòn miền núi phải được thể hiện và có thể còn cường điệu lên vì nó có ý nghĩa lớn đối với miền núi.
e. Tài liệu tư liệu
Đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình tổng quát hoá. Các tài liệu tư liệu càng chi tiết, đầy đủ bao nhiêu càng tạo sự thuận lợi cho quá trình tổng quát hoá bấy nhiêu. Hơn nữa có thể thông qua các tài liệu đó để xét bản chất của đối tượng
Vd: Trên bản đồ dân cư, tài liệu đầy đủ cho phép ta vạch được sự phân bố cụ thể của từng điểm dân cư và xu hướng phát triển của chúng
Nguồn tài liệu tư liệu thành lập bản đồ càng mới, càng hiện đại, càng phù hợp với xu hướng phát triển của KHKT hiện nay thì bản đồ càng trở thành công cụ đắc lực trong việc tích luỹ và truyền đạt thông tin hiện đại nhất
f. Phương pháp biểu hiện
Vì mỗi phương pháp biểu hiện bản đồ đều có đặc tính riêng nên chúng đòi hỏi mức độ tổng quát hoá nhất định
Vd: Phương pháp kí hiệu qua quá trình tổng quát hoá vẫn giữ được độ chính xác chi tiết. Ngược lại phương pháp đường đồng cao, qua quá trình tổng quát hoá không thể giữ được mức độ chi tiết
III. Các dạng tổng quát hoá
a. Chọn lọc các đối tượng lập bản đồ
Vì thành lập bản đồ là xây dựng mô hình thực tế khách quan của một vài đối tượng, hiện tượng liên quan đến nội dung. Nên theo yêu cầu của nội dung bản đồ, lựa chọn các đối tượng hiện tượng cần phải phù hợp với nội dung, loại bỏ những đối tượng không cần thiết. Những hiện tượng chọn lọc phải: liên quan đến nội dung, phù hợp với nhiệm vụ đề tài, với tỷ lệ bản đồ và phù hợp với đặc điểm địa lý lãnh thổ
Vd: Trên bản đồ giao thông vận tải thì các yếu tố về thổ nhưỡng, thực vật, địa chất khí hậu.. .. là không cần thiết
b. Tổng quát hoá các đặc trưng số lượng
Là quá trình chuyển từ thang liên tục sang thang bậc và tăng dần khoảng cách giữa các bậc
Vd: Trên bản đồ địa hình tỷ lệ 1:1.000.000 thì thang tầng độ cao là 0-50-100-150-200-300... còn trên bản đồ 1:5.000.000 là 0-200-500-1000-2000 ...
Tỷ lệ càng nhỏ thì khoảng cao đều giữa các tầng địa hình càng tăng
c. Tổng quát hoá các đặc trưng chất lượng
Nhằm giảm bớt sự khác nhau về chất giữa các mặt nào đó của đối tượng
Vd: Trên bản đồ phân bố nông nghiệp 1:500.000 thể hiện chi tiết sự phân bố các loại đất: đất trồng lúa, khoai, sắn, ngô ... Trên bản đồ 1:1.000.000 thì 3 loại đất trên gọi chung là đất trồng cấy lương thực.
d. Tổng quát hoá về mặt hình học
Khi thu nhỏ các đối tượng lại thì đường nét của chúng phải được đơn giản hoá, nhưng vẫn có thể giữ được đặc điểm của các đường ngoại hình
e. Tổng quát hoá tập hợp đối tượng
Là thay đổi những đối tượng riêng biệt (đảo nhỏ, đồi, gò ... )bằng các kí hiệu tập hợp đối tượng, kí hiệu này phải nêu rõ hướng phân bố, dáng phân bố và mối quan hệ giữa các đối tượng
Vd: Trên bản đồ tỷ lệ lớn (1:25.000) thể hiện từng khu nhà, bản đồ tỷ lệ nhỏ (1:50.000) thể hiện từng khu phố, đường phố. Tỷ lệ nhỏ hơn (1:100.000) thể hiện đường ngoại hình của các thành phố, tỷ lệ nhỏ hơn nữa (1:1.000.000) dân cư được biểu hiện bằng một chấm tròn (phương pháp kí hiệu)
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro