baide an
Vấn đề công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Việt Nam
Không phải mới đây mà trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã có những sự kiện gắn liền với ý tưởng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
1. ý tưởng duy tân cuối thế kỷ XIX
Lịch sử Việt Nam có nhiều cuộc cải cách lớn xuất hiện ở những thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, xét về ý tưởng và nội dung, phải đến các nhà duy tân cuối thế kỷ XIX mới được coi là sự kiện thể hiện tinh thần công nghiệp hoá. Mục tiêu của các đề án duy tân lúc đó nhằm đuổi kịp trình độ tiên tiến ở các nước đã thực hiện công nghiệp hoá. Trước hết, nguy cơ xâm lược nước ta không phải từ các quốc gia láng giềng phương Bắc, mà là đế quốc phương Tây. Các nhà duy tân hiểu rằng chỉ có thể chống lại kỹ thuật hiện đại bằng cách phải trang bị kỹ thuật hiện đại. Nguyện vọng cứu nước, chống Pháp và nguyện vọng duy tân thống nhất là một. Chính xu hướng duy tân đất nước xuất hiện từ năm 1861, khi Phan Thanh Giản vào đàm phán với Pháp ở Gia Định, Nguyễn Trường Tộ làm phiên dịch cho Pháp đã viết thư cho Phan Thanh Giản đề nghị phải cấp bách tiến hành duy tân. Mặt khác, quan điểm thức thời ở những người được đi ra nước ngoài, chứng kiến tận mắt cảnh tượng "thần kỳ" của thế giới tư bản cũng định hình mục tiêu duy tân đất nước.
Những đề nghị duy tân chứa đựng nhiều tinh thần công nghiệp hoá. Ví dụ, Nguyễn Trường Tộ có các đề xuất: Phát triển công nghiệp khoáng sản và ngành luyện kim; Nhà nước vay tiền của các ngân hàng nước ngoài (như Ngân hàng Anh ở Hương Cảng) để có tiền mở mang kỹ nghệ; Đề cao giáo dục kiến thức thực dụng, kiến thức hiện đại và học tập khoa học phương Tây; Đề nghị nhà nước cử người đi du học nước ngoài, nhất là sang Anh hay Pháp, vì đây là những nước tiên tiến nhất. Như vậy, phong trào duy tân cuối thế kỷ XIX chứa trong mình hoài bão lớn. Đúng như nhà sử học Pháp Jean Chesneaux so sánh: Phong trào duy tân cuối thế kỷ XIX ở Việt Nam giống trào lưu hình thành ở Trung Quốc sau năm 1895.
Định hướng công nghiệp hoá thời kỳ này không thể hiện rõ ở bản thân những luận thuyết. Các ý kiến mang ra tranh cãi, như Paul Bernard thuyết trình tại Đại hội Liên hợp thực dân Pháp (tiểu ban Đông Dương) cuối năm 1937, nhan đề "Những vấn đề đặt ra bởi sự phát triển công nghiệp ở Đông Dương"; G.Kherian trong cuốn sách "Có cần công nghiệp hoá Đông Dương hay không?"... chưa thể coi là những công trình nghiên cứu nghiêm túc về công nghiệp hoá. Có xét hoàn cảnh khách quan lúc đó mới bộc lộ tính chất của vấn đề. Sau khủng hoảng 1930 - 1931, do chiều hướng thu hẹp thị trường trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, sự cạnh tranh không ngừng phát triển, mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với nhau ngày càng sâu sắc. Riêng tư bản tài chính Pháp ở Đông Dương đã vấp phải những khó khăn rất nặng nề về thị trường. Mâu thuẫn giữa các nhóm tư bản tài chính Pháp phát triển gay gắt hơn trước. Tình hình đó nẩy sinh xu hướng độc lập, tự lực phát triển của lực lượng kinh tế ở Đông Dương, thậm chí cả xu hướng cạnh tranh với các ngành công nghiệp tại chính quốc.
Sự kiện công nghiệp hoá Đông Dương đã nhanh chóng đi vào dĩ vãng, bởi dù sao Chính phủ Pháp không bao giờ chấp nhận cạnh tranh từ phía các nước thuộc địa. Kết cục này cho phép rút ra kết luận: Độc lập, tự chủ dân tộc là điều kiện tiên quyết tiến hành công nghiệp hoá. Công nghiệp hoá sẽ nẩy sinh những mâu thuẫn và chỉ đứng trên lợi ích tuyệt đối của dân tộc, nỗ lực của bản thân dân tộc mới giải quyết theo hướng tích cực các mâu thuẫn đó.
3. Công nghiệp hoá trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp
So với hai sự kiện trước, sự kiện công nghiệp hoá thứ ba diễn ra gần đây có những đường nét rõ rệt và quy mô to lớn hơn. Quá trình được xác định là công nghiệp hoá XHCN xây dựng trên cơ sở hệ thống lý luận phong phú: Mục tiêu, ý nghĩa, thực chất, nội dung cơ bản, những vấn đề cần giải quyết để đảm bảo công nghiệp hoá XHCN,... Công nghiệp hoá XHCN cũng được nỗ lực tiến hành trên thực tế qua các kế hoạch 5 năm và hàng năm. Mặc dù vậy, kết quả vẫn là: có đi mà chưa đến.
Nhiều người quan niệm thất bại của công nghiệp hoá gắn liền với kế hoạch hoá tập trung - phi thị trường. Thực ra đó chưa phải là cốt lõi. Điểm cốt lõi chính sự lạc hậu so với trình độ thế giới.
Một là, mục tiêu công nghiệp hoá XHCN là biến nền sản xuất thủ công thành nền đại công nghiệp cơ khí, thay lao động năng suất thấp bằng lao động sử dụng máy móc. Ngay cả khi nhấn mạnh "thực chất của công nghiệp hoá XHCN là tiến hành một cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật", thực chất cũng chưa rõ ràng về mối quan hệ giữa cuộc cách mạnh kỹ thuật hiện tại ở Việt Nam với cuộc cách mạnh KH&CN đang diễn ra trên thế giới.
Hai là, quá đề cao yêu cầu cân đối trong nước. Đã có quan niệm cho rằng, công nghiệp hoá XHCN phải nhằm xây dựng một nền sản xuất lớn có cơ cấu kinh tế hợp lý trong đó thể hiện quan hệ qua lại giữa ba ngành kinh tế cơ bản: Công nghiệp nặng, nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; thể hiện mối quan hệ giữa hai khu vực kinh tế: Kinh tế trung ương và kinh tế địa phương. Tương tự, phân công lại lao động trong quá trình công nghiệp hoá chỉ giới hạn trong phạm vi nền kinh tế nội địa.
Ba là, thiếu sự hợp tác với lực lượng kinh tế hùng mạnh trên thế giới. Hợp tác quốc tế phục vụ công nghiệp hoá XHCN diễn ra trong nội bộ các nước XHCN mà Việt Nam là một thành viên. Trong khi đó, "phía bên kia" lại nắm giữ phần lớn đỉnh cao khoa học và công nghệ. Dù cho hoàn cảnh khách quan (chiến tranh lạnh) hay nhận thức chủ quan (đánh giá sai sức sống của chủ nghĩa tư bản), thì điều chung quy vẫn là không tranh thủ được thành tựu tiên tiến của loài người, do đó khó thoát khỏi lạc hậu.
Ba sự kiện công nghiệp hoá diễn ra trong lịch sử dân tộc chưa hoàn toàn thuộc về quá khứ. Kinh nghiệm của thế giới là rất cần thiết cho Việt Nam, nhưng trước tiên chúng ta nên biết khai thác kinh nghiệm của chính mình.
Công nghiệp hoá là con đường tất yếu mà dân tộc Việt Nam phải trải qua để tiến lên. Trong quá khứ, trước mỗi bất hạnh, đều có sự trỗi dậy của nguyện vọng công nghiệp hoá. Hiện nay, trước nguy cơ tụt hậu của đất nước, nhấn mạnh vấn đề công nghiệp hoá là hoàn toàn phù hợp và rất dễ được cả dân tộc chấp nhận.
Tiến hành công nghiệp hoá cần những điều kiện về xã hội, quyền tự chủ dân tộc, tri thức về thành tựu nhân loại, bối cảnh quốc tế. Thiếu bất cứ một điều kiện nào cũng đủ ngăn cản ý đồ công nghiệp hoá trở thành hiện thực. Hiện nay chúng ta có một chính quyền cầu thị khác hẳn thời kỳ cuối thế kỷ XIX; có chủ quyền quốc gia và tự chủ dân tộc khác hẳn thời kỳ Pháp thuộc; có bối cảnh quốc tế thuận lợi hơn thời kỳ chiến tranh lạnh; có nhận thức mới về thời đại hơn các nhà duy tân cuối thế kỷ XIX và thời kỳ tập trung quan liêu;... Đây là những điều kiện thuận lợi cần khai thác và phát huy.
Có cái chung và cái riêng trong công nghiệp hoá. Cái chung là xoá bỏ nghèo nàn, tụt hậu và đưa nền kinh tế đạt tới các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tiên tiến của thời đại. Cái riêng là, do hoàn cảnh bên trong, mỗi dân tộc chấp nhận và sáng tạo các con đường phát triển khác nhau. Thất bại của các nhà duy tân cuối thế kỷ XIX có một phần bởi chủ trương tuyệt đối đi theo con đường phương Tây, bỏ qua tâm lý dân tộc. Thất bại của công nghiệp hoá mới đây có phần do chủ quan duy ý chí, coi nhẹ các điều kiện bên trong.
Những bài học bên ngoài và bên trong về công nghiệp hoá, về phát triển nhảy vọt rất đáng được chúng ta quan tâm trong chặng đường phát triển sắp tới của dân tộc Việt Nam.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro