Bài Thuyết Trình Của "Đặng Lê Nguyên Vũ" Tổng Giám đốc Cafe Trung Nguyên
Upload by: knight_sky
Các bạn trẻ thân mến !
Cho tôi gửi đến các bạn lời chúc sức khoẻ dồi dào và một niềm tin mãnh liệt vào các bạn, những người có đầy đủ tài năng, tri thức và khát vọng để xây dựng một đất nước Việt Nam trỗi dậy, hùng cường.
Hôm nay, tôi xin gửi đến các bạn những trăn trở, suy nghĩ với mong muốn xây dựng một nước Việt cường phát, một khát vọng Đại Việt khám phá và chinh phục.
Soi rọi lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc mình trong hàng ngàn năm nay, các bạn và tôi đều có thể thấy hiển hiện những mâu thuẫn, những nghịch lý lớn mà những người Việt cần phải nhận ra và có lời giải pháp cho nó. Tôi xin được nêu hai nghịch lý chính như sau:
Nghịch lý thứ nhất: Yêu hoà bình nhưng luôn bị chiến tranh:
Đây là một nghịch lý cơ bản nhất, lớn nhất của dân tộc Việt. Lịch sử cho thấy chúngd ta luôn luôn phải vừa dựng nước vừa giữ nước, luôn luôn ở trong thế của kẻ bị chinh phục. Sau khi thoát khỏi sự nô lệ nghìn năm Bắc thuộc, dân tộc Việt chưa bao giờ được hưởng một thời kỳ thái bình hơn ba trăm năm. Hết Nam Hán, đến Nam Tống, đến Nguyên Mông, đến Minh, đến Thanh rồi đến hai cuộc kháng chiến trường kỳ gần đây. Trong lịch sử phát triển của loài người từ trước đến nay, ít có một dân tộc, ít một quốc gia nào lại phải chịu nhiều cảnh “nối da xáo thịt” nhiều như vậy.
Chúng ta có những chiến công hiển hách của dân tộc, nhưng đó chỉ là những chiến công trong việc giữ nước, trong những tình thế chúng ta bị dồn vào đường cùng, bị bức trách lựa chọn nô lệ hay tự do. Vậy tại sao chúng ta luôn luôn bị rơi vào các cuộc chiến tranh về quân sự trong khi chúng ta là một dân tộc vô cùng yêu chuộc hòa bình?
Nghịch lý thứ hai: Các điều kiện để phát triển kinh tế đầy đủ nhưng luôn sống trong cảnh khó nghèo và chưa bao giờ thực sự giàu mạnh.
Việt Nam có đầy đủ những điều kiện trở thành một nước giàu mạnh nhưng trên thực tế chúng ta lại mà một nước có truyền thống nghèo khó. Với vị trí địa lý thuận lợi, thiên nhiên tương đối ưu đãi, tài nguyên khoáng sản phong phú, con người cần cù, thông minh, sáng tạo – xét về những lợi thế riêng đó, chúng ta hơn hẳn Nhật Bản, Hàn Quốc rất nhiều. Vậy tại sao chúng ta luon thua kém họ?
Ngay cả trong thời điểm hiện tại, người Việt đã cư ngụ khắp năm châu và vẫn luôn được các dân tộc khác tôn trọng vì sự thông minh cần cù hiếm có, nhưng không có một tỷ phú người Việt tâm cỡ thế giới ? Thống kê mới nhất vào tháng 11 của tạp chí Fobers thì Trung Quốc có 10 tỷ phú và những dân tộc có nhiều nét tương đồng với chúng ta đã có và ngày càng có nhiều như người Thái có, người Mã Lai có, người Nhật Bản, người Hàn Quốc lại càng nhiều....
Lý giải cho những nghịch lý đó, Tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính:
Thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa lý chính trị có ý nghĩa chiến lược trong khu vực cũng như trên bình diện thế giới.
Với vị trí địa lý chính trị của mình, từ thủa đầu dựng nước đến nay, Việt Nam luôn là đối tượng thôn tín của các thế lực bành trướng. Việt Nam là cửa ngõ để Trung Quốc bành trứng sang Đông Nam Á; là cửa biển để Nhật Bản hay Hoa Kỳ ảnh hưởng đến các nước Đông Dương; là vùng đệm của văn hóa Ấn Độ ảnh hưởng đến phần còn lại của Châu Á.
Việc Trung Quốc đang trên đà trở thành siêu cường của thế giới đã tạo nên trục: kinh tế chính trị - Hoa Kỳ - Nhật Bản - Ấn Độ và Trung Quốc đang có những hành vi tranh giành ảnh hưởng len Việt nam càng làm cho vị trí địa chính trị của chúng ta càng quan trọng. Do đó, người Việt chúng ta luôn luôn bị các thế lực bành trướng nhìn ngó, luôn luôn phải sống trong tình trạng của cuộc chiến ở dạng thức này hay dạng thức khác. Nếu là thời “chiến” thì là cuộc chiến đổ xương máu bằng gươm – dao – súng - đạn, bằng sinh mạng của hàng chục thế hệ. Nếu là thời “bình” thì đó là cuộc chiến xây dựng kinh tế sao cho giàu mạnh để không bị rơi vào thế bị xâm lược, là cuộc chiến về văn hóa để hấp thu tinh hoa thế giới mà vẫn giữ được bản sắc của mình. Chính do chúng ta không ý thức được hoặc ý thức chưa đầy đủ sự cam go và khốc liệt ở những cuộc chiến thời “bình” để rồi cũng chưa có được một tinh thần, một quyết sách giữ nước đúng đắn và lâu bền nên chúng ta luôn luôn phải đổ máu trong những cuộc chiến tranh giữ nước.
Thứ hai, Tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người giàu có, đa dạng và phong phú.
Điều này dẫn tới hai việc:
Một là, với tài nguyên sản vật phong phú chính là miếng mồi béo bở cho những thế lực bành trắng hăm he chiếm đoạt.
Hai là, với điều kiện sống tương đối sung túc và dễ dàng như vậy, người Việt không cần phải cố gắng nhiều cũng có thể tự nuôi bản thân mình, nền kinh tế tự cung tự cấp, ít ham muốn khám phá chinh phục phát sinh từ chính đặc trưng này.
Yếu tố thứ ba là những rào cản về văn hóa. Những rào cản về văn hóa ở đây được xác định là những tính chất của nền văn hóa gây nên những nghịch lý Việt Nam đã được nêu ở trên. Đầu tiên là những đặc tính cố hữu của nền văn hóa dựa trên nền tảng kinh tế nông nghiệp lúa nước. Nó bao gồm các tính cách: tính manh mún, tính ưa ổn định và thiên về bảo tồn, không muốn khám phá và phát triển. Tóm lại là các đặc tính rất thiên về Âm tính, có thể gọi là Thái Âm.
Thực chất đó là những tính chất văn hóa mang nặng âm tính để cân bằng với môi trường sống gần với thiên nhiên, các đặc tính đó chủ yếu có tác dụng làm cho người Việt sống cân bằng với thiên nhiên môi trường. Thêm vào đó những đặc tính văn hóa ngoại lai đã biến nhiều đặc trưng của nền văn hóa lúa nước truyền thống thành những nguyên nhân chủ yếu tạo nên nghịch lý Việt Nam. Đó là những mặt trái khi chúng ta phải tiếp thu văn hóa một cách cưỡng ép từ bên ngoài.
Người Trung Hoa mang theo Nho, Lão và Phật giáo đại thừa dạy cho dân tộc Việt sự “dĩ hoà vi quý”, hài lòng với hiện tại, ít khát vọng khám phá và chinh phục, cộng với người Pháp, người Mỹ mang lại sự chia rẽ sâu sắc trong lòng dân tộc Việt với sự phân chia Bắc, Trung, Nam và chia rẽ làng xã họ tộc. Đó chính là những nguyên nhân chính làm cho người Việt mất đoàn kết mà đã đẩy tính Âm của nền văn hóa Việt thành Thái Âm, tức là gần như mất đi khát vọng lớn mạnh, chỉ muốn sự ổn định và kìm hãm trong cái ao làng của mỗi người.
Mặt khác, các thế lực bên ngoài không khi nào thôi không có mong muốn thôn tính một đất nước tươi đẹp như vậy, biến những con người giỏi dang như vậy lệ thuộc vào họ. Thuộc tính Thái Âm chỉ thể hiện sức mạnh khi người Việt bị dồn vào đường cùng, vào thế không còn sự lựa chọn mà bắt buộc phải chiến đấu. Nhưng sau khi được coi là “chiến thắng”, sự âm tính thái quá đó lại phát huy tác dụng, như ru ngủ cả một dân tộc, để dân tộc đó lại trở nên yếu ớt và lại bị dồn vào bước đường cùng. Vậy đã đến lúc chúng ta nên nhận ra cái vòng tròn luẩn quẩn đó và thoát ra khỏi nó cho bằng được, thoát khỏi cái hậu quả của “một ngàn năm đô hộ giặc Tàu”, một trăm năm đô hộ giặc Tây” hay không ? và hóa giải thuốc tê văn hóa thì không còn cách nào khác làp hải đánh thức bằng chính văn hóa.
Tóm lại, trong ba nguyên nhân kể trên thì chính nguyên nhân về văn hóa tạo nên cái nghịch lý Việt Nam, tạo nên cái vòng luẩn quẩn của việc yếu kém về kinh tế, bị xâm lược, phải đứng lên đấu tranh trong thế không còn sự lựa chọn nào khác, giành “thắng lợi”, sau đó lại suy yếu và lại phải chiến đấu. Hai nguyên nhân đầu có thể coi là các nguyên nhân nặng tính khách quan và có tính hai mặt, nó vừa là thách thức, nhưng thực ra đó là cơ hội cho dân tộc Việt trở nên giàu mạnh và vĩnh viễn thoát khỏi chiến tranh, thoát khỏi nghèo đói. Chính đặc tính thái Âm của nền văn hóa tạo nên một dân tộc gần như không có khát vọng để rồi từ đó luôn là đối tượng bị chinh phục của các dân tộc có tham vọng bành trướng.
Thưa các bạn !
Tôi luôn trăn trở với một suy nghĩ rằng: dân tộc Việt ngàn đời nay thiếu một khát vọng Đại Việt mạnh mẽ, thiếu một cái gì đó tương tự như “giấc mơ Mỹ” tạo nên nước Mỹ đang là bá chủ toàn cầu, nhưng “tinh thần Nhật”, như “khát vọng Đại Hàn”, như “tầm nhìn Singapore”, như định vị “Ấn Độ là bộ não của thế giới”, như tư tưởng Trung Hoa là “trung tâm” của trời đất. Đó chính là nền tảng vững chắc nhất để tạo nên những quóc gia phát triển hùng mạnh.
Đất nước nào có và luôn nuôi dưỡng được những tinh thần quốc gia dạng như vậy mới có thể trở nên hùng cường, mới có thể biến những đất nước nhỏ trở thành lớn mạnh và khiến cho những đất nước mạnh trở nên trường tồn dù có trải qua nhiều giai đoạn suy yếu nhất thời.
Đó chính là sức mạnh giúp Nhật Bản trở thành quốc gia giàu thứ hai trên thế giới sau khi bị chiến tranh thế giới thứ hai tàn phá;
Là sức mạnh cột lõi tạo nên một làn sóng Hàn đang lan tỏa khắp thế giới;
Là sức mạnh tạo nên một sự chuyển mình mạnh mẽ của Trung Quốc đang trên đà là đối trọng và có thể vượt hơn cả Hoa Kỳ.
Là sức mạnh để Hoa Kỳ vươn tới và có thể duy trì vị thế cường quốc số một của mình.
Lịch sử phát triển của các dân tộc trên thế giới cho chúng ta, một bài học rằng: sức mạnh của một dân tộc không thật sự nằm ở truyền thống lịch sử và tuổi đời của nó – (chúng ta sẽ lý giải ra sao về sức mạnh của Mỹ, về vị thế của một đất nước nhỏ bé của một dân tộc hàng ngàn năm không có tổ quốc như Ixaren?), không nằm ở tài nguyên thiên nhiên – (lý giải sao về sức mạnh của Nhật Bản, Hàn Quốc?), không nằm ở diện tích và dân số - (lý giải sao về sự phát triển của Singapore?). Sức mạnh dân tộc chính ở khát vọng của dân tộc đó được thể hiện qua sức mạnh của văn hóa, rồi từ văn hóa sẽ đưa đến sức mạnh về kinh tế, chính trị, quân sự và rồi các sức mạnh đó lại làm giàu cho văn hóa, lại chứng thực, nuôi dưỡng cho khát vọng đó ngày một to lớn và vững bền. Dân tộc Việt chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng, có thừa điều kiện để có được một điều như thế. Bởi chúng ta có những sức mạnh của dân tộc - kết hợp với những sức mạnh của thời đại.
Sức mạnh của dân tộc là lợi thế về địa lý – chính trị - tài nguyên thiên nhiên và con người Việt Nam như Tôi đã nêu ở trên. Những bài học lịch sử, truyền thống lịch sử ngàn đời nay của dân tộc Việt. Việc chứng thực một bản lĩnh Việt Nam dựa trên nền tảng sức mạnh của một nền văn hóa Việt, một lối sống mới dựa trên nền tảng chắt lọc những tinh hoa văn hóa của dân tộc kết hợp với học hỏi có chọn lọc các tinh hoa thế giới phù hợp với Việt nam không phải bây giờ chúng ta mới đề cập đến và không phải bây giờ chúng ta mới bắt đầu thực hiện. Trong lịch sử, đã có nhiều thời điểm chúng ta đã sở hữu một tinh thần như thế, mà ngay trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc: tinh thần đó, khát vọng đó, văn hóa đã được thể hiện vô cùng rõ ràng và mạnh mẽ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn muốn xây dựng một nền văn hóa như vậy, mà một ví dụ rõ rệt là cuốn sách nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn “Đời Sống Mới” của Người. Sở dĩ chúng ta có thể chiến thắng trong một cuộc chiến trường kỳ, gian khổ, kéo dài hơn 30 năm trước những lực lượng lớn mạnh nhất thế giới chính do chúng ta đã chiến đấu trên nền tảng văn hóa đó. Chúng ta đã đoàn kết toàn bộ dân tộc vì một mục tiêu lớn độc lập và thống nhất đất nước. Chúng ta đã huy động được toàn bộ các nguồn lực của đất nước, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ từ bên ngoài, khai thác khôn khéo mâu thuẫn quyền lợi của các nước lớn; chúngd ta đã chiến đấu và chiến thắng trên tất cả các mặt trận từ chính trị, quân sự, ngoại giao, đến văn hóa, văn nghệ. Không ai khác, chính cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, McNamara đã phải công nhận rằng sở dĩ Hoa Kỳ thua Viêt Nam là vì thua nền văn hóa của dân
tộc Việt.
Như vậy, đây hoàn toàn không phải là việc quá mới mẻ, chúng ta đã từng làm và đã từng thành công. Thực tiễn lịch sử hàng ngàn năm nay đã chứng minh, dân tộc Việt sẽ trở nên cứng như sắt, vững như đồng khi bị đặt vào tìnht rạng của một cuộc chiến. Dân tộc Việt đã làm nên những chiến công hiển hách mà không một dân tộc nào có thể sánh bằng: không bị đồng hóa dù trải qua ngàn năm Bắc thuộc, ba lần đại phá quân Nguyên Môn, đánh thắng Mỹ là siêu cường số một thế giới. Một dân tộc vô cùng thông minh, vô cùng sáng tạo, rất cần cù, rất hiền hậu nhưng cũng rất kiên cường - một dân tộc có đủ hầu hết mọi phẩm chất của một dân tộc vĩ đại trên thế giới. Vậy nên, vấn đề chỉ nằm ở chỗ cho mọi người ý thức được rằng mặc dù đang ở thời “bình” nhưng thực chất chúng ta vẫn đang phải chiến đấu dưới một dạng thức khác mà thôi. Nếu chúng ta không chiến thắng trong cuộc chiến này thì bắt buộc chúng ta và con cháu chúng ta sẽ lại phải đổ máu để chiến đấu trong cuộc chiến này thì bắt buộc chúng ta và con cháu chúng ta sẽ lại phải đổ máu để chiến đấu trong cuộc chiến quân sự...
Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập vào các nền kinh tế khu vực và toàn cầu thì những sức ép từ bên ngoài đối với dân tộc Việt. Đód là những áp lực trong quá trình toàn cầu hóa kinh tế thế giới. Áp lực này sẽ ngày một lớn hơn nhiều, một khi Việt Nam gia nhập WTO. Một viễn cảnh không xa sẽ có sự sụp đổ nhanh chóng và có dây chuyền của các doanh nghiệp đang hoạt động rất yếu ớt. Toàn thể người tiêu dùng cũng chính là toàn thể người Việt sẽ bị chi phối bởi hàng hóa nước ngoài, một vài hàng hóa Việt còn trụ lại được thì sẽ lại bị lệ thuộc vào kênh phân phối thuộc về sự kiểm soát của các tập đoàn đa quốc gia. Từ lệ thuộc về kinh tế mà tất cả các yếu tố còn lại cũng bị lệ thuộc về mọi mặt khác (nếu chúng ta không ý thức để đề kháng và khai thác khôn khôn khéo, hợp lý).
Sức mạnh của thời đại:
Sức mạnh của thời đại chính là những cơ hội có được trong xu thế tất yếu toàn cầu hóa. Đó là những công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin cho phép chúng ta cóthể đi tắt đón đầu một cách hiệu quả mà vẫn giữ được tính ổn định và bền vững. Chưa bao giờ các cá nhân lại có được quyền tự do để phát triển như bây giờ. Các vấn đề về thông tin, vốn, công nghệ có thể giải quyết được rất dễ dàng trong thời đại ngày nay. Chúng ta cũng có được rất nhiều bài học từ sự thành công thần kỳ của những quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng như nhiều dân tộc, nhiều đất nước khác để phục vụ cho con đường riêng và thích hợp cho dân tộc mình.
Chúng ta nhìn tất cả các vấn đề trên ở mặt tích cực để có thể tận dụng mâu thuẫn giữa các cường quốc mà tạo ra một chỗ đứng, một con đường thích hợp cho chúng ta; chúng ta có thể đứng trên vai những người khổng lồ và từ đó cũng có thể trở thành một người không lồ. Cùng với việc liên kết các nước trong khu vực, các nước đang phát triển cũng là một xu thế tất yếu của thời đại mà chúng ta có thể tham gia và hưởng lợi rất nhiều.
Thưa các bạn!
đã trình bày ở trên, tôi nghĩ rằng lịch sử Việt Nam ngàn đời nay đang trao vào trong tay những con người Việt sống ở thời đại này một sứ mạng cao cả, một cơ hội chưa từng có đó chính là việc xây dựng một nền văn hóa Việt mới dựa trên một khát vọng Đại Việt làm nền tảng cho sự phát triển giàu mạnh và lâu bền cho dân tộc về mọi mặt, đủ làm các thế lực khác phải kiêng dè. Một dân tộc yêu hòa bình sẽ vĩnh viễn thoát khỏi cảnh chiến tranh vì dân tộc đó luôn giàu mạnh. Một dân tộc có truyền thống lịch sử lâu đời sẽ có được một vị thế thực sự xứng đáng trên bản đồ thế giời vì dân tộc đó sở hữu một nền văn hóa tiên tiến và đầy bản sắc dựa trên khát vọng Đại Việt.
Một khi đã xác định vấn đề cốt yếu nằm ở nếu tố văn hóa, tôi và các bạn thêm một chút thời gian để cùng tìm hiểu sâu hơn về văn hóa Việt, cùng xác định nhứng gì cần giữ lại và phát triển, những gì cần phải kiên quyết loại bỏ, những gì cần phải thay đổi, những gì cần phải bổ sung từ tinh hoa văn hóa của thế giới, của các dân tộc khác. Các vấn đề trình bày ở phần tới đây không phải là của riêng một mình tôi, mà dựa trên những nghiên cứu về văn hóa VIệt của những học giả nổi tiếng về văn hóa Việt Nam ở trong và ngoài nước; dựa trên những nghiên cứu về các nền văn hóa có nhiều nét tương đồng với Việt Nam như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
nhắc đến tính cách của văn hóa Việt Nam, người ta thường nêu lên 5 tính cách chính, đó là: Tính tổng hợp, Tính động đồng, Tính linh hoạt, Tính ưa hài hòa, và Tính thiên về Âm tính. Mỗi đặc trưng có những đặc tính tốt được gọi là hệ quả và kèm theo đó là các đặc tính xấu, gọi là hậu quả.
- Tính tổng hợp:
• Hệ quả: Khả năng tổng hợp cao, có thể kết hợp nhiều yếu tố.
• Hậu quả: óc phân tích kém
- Tính cộng đồng
• Hệ quả
+ Tính đoàn kết
+ Tính dân chủ
• Hậu quả
+ Coi nhẹ cá nhân
+ Dựa dẫm
+ Cào bằng
+ Bè phái, địa phương chủ nghĩa
- Tính linh hoạt
• Hệ quả: Dễ thích nghi, sáng tạo, giỏi bắt chước
• Hậu quả: Tùy tiện, thiếu tính hệ thống pháp luật
- Tính ưa hài hòa
• Hệ quả: vui vẻ, ung dung, dễ hài lòng với hiện tại
• Hậu quả: Thiếu ham muốn làm giàu, tính nước đôi, thiếu rạch ròi, không quyết đoán; Đại khái, xuề xoà.
- Tính thiên về Âm tính
• Hệ quả: ưa ổn định, hiền hòa, bao dung, trọng nữ
• Hậu quả: chậm chạm, dĩ hòa vi quý, nhẹ lý và thiếu trách nhiệm trong công việc cụ thể.
Những hệ quả là những đặc tính cần phải phát huy, những hậu quả thì cần phải sửa chữa, một số thứ cần phải xóa bỏ. Có đặc tính cần phải sửa nhiều như đặc tính thiên về âm tính. Với yêu cầu hiện tại thì chúng ta cần phải thiên về dương tính, thiên về sự phát triển. Đó là đặc tính cần phải thay đổi. Còn các đặc tính khác chúng ta sẽ có những cải sửa hợp lý để vừa tận dụng được sức mạnh vốn có vừa phát huy được sức mạnh mới.
Các bạn hãy cho ý kiến về một nền văn hóa Việt mới được mô tả với năm đặc tính như sau: đây là năm đặc tính được kế thừa và phát huy các đặc tính cũ kết hợp với những học hỏi từ yếu tố thời đại:
• Tính tổng hợp trên nền tảng một định hướng phân tích rõ ràng, học hỏi phải dựa trên một nền tảng lý luận vững chắc thì mới hiệu quả.
• Tính cộng đồng Việt Nam: nếu tính cộng đồng trước đây chỉ nằm ở phạm vi làng xã, họ tộc, dân tộc thì nay cần phải mở rộng với tư tưởng tất cả người Việt là một – không phân chia xuất thân, tôn giáo, dân tộc, địa bàn cư trú cũng như trong ngoài nước. Cả dân tộc Việt có chung một nguồn gốc con Rồng cháu Tiên, là đồng bào của nhau.
• Tính linh hoạt trong khuôn khổ và nguyên tắc: xây dựng và áp dụng thêm những khuôn khổ và nguyên tắc để tập trung và phát huy được tối đa sức mạnh của tính linh hoạt vốn có, để hạn chế những hậu quả do mặt trái của tính linh hoạt thái quá mang lại.
• Tính ưa hài hòa trong trạng thái động : hài hòa làtốt nhưng cần phải thích nghi được mọi sự vật hiện tượng luôn biến đổi, vì vậy phải tìm đến sự hài hòa trong trạng thái động, tức là luôn phải thay đổi để tìm đến và lưu giữ sự hài hòa.
• Tính thiên về Dương tính: thiên về khám khá, phát triển, chinh phục.
Vấn đề cuối cùng mà Tôi muốn được trình bày với các bạn là biện pháp nào, phương thức nào, kế hoạch nào để xây dựng và vận dụng văn hóa đó. Để xây dựng một khát vọng hay một nền văn hóa mới dựa trên nền tảng khát vọng dân tộc Việt giàu mạnh, chúng ta cần phải có ba yếu tố cơ bản sau: thứ nhất làp hải có được một hệ thống triết lý cho khát vọng đó; thứ hai là phải có được một đội ngũ những con người nhiệt huyết sống và cống hiến trọn đời cho lý tưởng đó; và cuối cùng là những chương trình hành động cụ thể ở mọi mặt trận, phải toàn dân, toàn diện, phải trường kỳ để thực hiện cho được điều đó.
Cách thức xây dựng Hệ thống triết lý bắt đầu bằng những trăn trở. Từ những nghịch lý Việt Nam, từ việc nhận thức được căn nguyên sâu xa của nó nằm ở những rào cản của văn hóa, đến một khát vọng Đại Việt mạnh mẽ để có được hòa bình và phồn thịnh; viết nên một nền văn hóa mới lấy khát vọng Đại Việt làm tư tưởng xuyên suốt được xdây dựng dựa trên tinh hoa dân tộc kết hợp với tinh hoa của thời đại, của thế giới. Chúng ta lại tiếp tục cụ thể văn hóa đó thành văn hóa kinh doanh, văn hóa ứng xử, thành hoài bão, mục tiêu, thành lý tưởng sống cho giới trẻ... Rồi kiến nghị đến các tổ chức của Đảng và Nhà nước, là báo giới, là giới văn nghệ sỹ, là các doanh nhân, là những nhà văn hóa lớn có ảnh hưởng đến xã hội...
Con đường cần thiết trước tên và hiệu quả nhất chính là thông qua hoạt động giáo dục và đào tạo. Trong đó, bước đầu tiên là phải làm cho người dân hiểu rõ được vị thế của dân tộc mình, hiểu rõ được sức mạnh và những điểm yếu cần phải cải sửa vì một tương lai giàu mạnh cho cả dân tộc này, cho từng cá nhân và cho con cháu chúng ta. Vậy nên, các kiến thức về lịch sử Việt và văn hóa Việt phải luôn có trong công tác giáo dục. Nếu công tác giáo dục là truyền đạt các kiến thức cơ bản, thì công tác đào tạo là việc truyền đạt các kỹ năng cần thiết để thực hiện một công việc cụ thể nào đó cũng phải được thiết kế sao cho có thể chuyển tải được cái tinh hoa của dân tộc Việt kết hợp hài hòa với các tinh hoa của thời đại, của thế giới.
Những điều Tôi nói với các bạn ngày hôm nay chỉ là khởi nguồn hco một kế hoạch hành động và hành động ngay với một tư tưởng cống hiến cho dân tộc mình. Trên con đường chúng ta đi, mỗi người Việt ở những vị trí thích hợp của mình sẽ luôn hành động, đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc, phát huy tối đa tinh thần Đại Việt (một đất nước giàu mạnh, luôn yêu chuộc hòa bình và có đầy đủ phẩm chất vĩ đại của con người).
Cảm ơn các bạn đã dành thời gian để cho tôi được giãi bày những trăn trở của người Việt chúng ta. ĐIều mà chúng ta luôn mong muốn và sẽ dành tất cả những gì mình có thể làm bằng được là sao cho mỗi người Việt Nam chúng ta khi đứng trước các dân tộc khác trên thế giới đều có thể tự hào mà nói rằng “Tôi là người Việt Nam”
Một lần nữa xin được chúc các bạn sức khoẻ, giữ vững niềm tin và liên kết, cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam tự chủ hơn, mạnh mẽ hơn.
Đặng Lê Nguyên Vũ
(Tổng giám đốc Cà PhêTRUNG NGUYÊN)
Bài nói chuyện tại ĐHQG-Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2005
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro