Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm học tập các môn học tự nhiên

1. Họ và tên: Đặng Ngọc Thơ – Lớp B1
Vấn đề đầu tiên mà tôi muốn nói đến chính là thời gian. Để học tốt các môn tự nhiên thì cần phải có tình yêu đối với nó. Vì vậy hãy dành mỗi ngày chỉ một chút thời gian để làm những gì mình thích cũng như học những môn mình yêu thích. Thời gian dành cho các môn tự nhiên cũng không bao nhiêu. Nếu siêng năng hàng ngày bạn có thể dành khoảng 3 tiếng dể phân chia học các môn tự nhiên. Ví dụ như buổi sáng các bạn bận học trên trường thì chiều các bạn nên dành 30 phút nghĩ ngơi dể bộ não được khỏe mạnh thì nó sẽ vận động tốt hơn. Sau đó thì chúng ta sẽ xem qua những lí thuyết quan trọng để áp dụng làm bài tập. Đối với những lí thuyết này thì không nhất định chúng ta phải học thuộc lòng mà chỉ cần nhớ những cái cơ bản để áp dụng làm bài tập. Đối với các bạn mà buổi chiều bận đi học thêm thì có thể giảm thời gian lại vì hầu như khi đi học thêm thầy cô đã chỉ cho ta các phương pháp học tập rất tốt rồi.
Vấn đề thứ hai là cần có tính siêng năng một xíu. Trong các quyển sách giáo khoa chúng ta học có các sách bài tập và như sách bài tập toán còn có giảng qua các lí thuyết nữa, chúng ta sẽ làm dần các bài tập trong đó. Các bạn có thể bỏ qua các bài tập tương tự nhau nếu đã biết cách giải. Sau đó các bạn có thể tìm thêm các bài tập hay, nâng cao để làm thêm.
Vấn dề thứ ba là nếu như có những lí thuyết các bạn không biết, không hiểu thì có thể hỏi thêm thầy cô và bạn bè. Đối với các bài tập khó các bạn có thể cùng bạn bè giải.
Vấn đề thứ tư là đối với các công thức quan trọng cần nhớ các bạn có thể viết lên giấy dán tiện lợi và dán nó quanh góc học tập của các bạn. Làm như vậy sẽ giúp ích rất nhiều trong việc ghi nhớ các công thức đó.
Vấn đề thứ năm là: học nhóm cũng là một phương pháp rất tốt. Nhưng đa số các bậc phụ huynh không thích việc các bạn đi học nhóm vì sợ các bạn chỉ tụ tập chơi bời vì vậy cần tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh.
Vấn đề cuối cùng là cần có một tinh thần thỏai mái khi học các môn này. Không nên quá căng thẳng. Không nên học vì điểm số mà phải học vì chính bản thân mình thích.
2. Họ và tên: Võ Đình Hiệp – Lớp B1
Khoa học tự nhiên hay tự nhiên học ngành nghiên cứu lí luận về vũ trụ qua các quy luật hay định luật về trật tự thiên nhiên. Các môn khoa học tự nhiên tạo nên cơ sở cho các khoa học ứng dụng.Môn khoa học tự nhiên được phân biệt với các ngành khoa học xã hội, nhân văn, thần học và nghệ thuật. Đối với chúng ta, việc học tập các môn khoa học tự nhiên bao gồm những môn: toán học, vật lí, hóa học, sinh học.

Toán học: là nghiên cứu nguồn gốc của những khám phá mới trong toán học, theo nghĩa hẹp hơn là nghiên cứu các phương pháp và kí hiệu toán học chuẩn trong quá khứ.

Vật lí: nghiên cứu các thành phần cơ bản của vũ trụ, các lực và tương tác của chúng, và kết quả của các lực này.

Hóa học: nghiên cứu cấu tạo, các phản ứng hóa học, cấu trúc và các tính chất của vật chất và các biến đổi lí hóa mà chúng trải qua.

Sinh học: nghiên cứu về sự sống.


Trong quá trình học tập các môn khoa học tự nhiên này, chúng ta cần phải cần phải xây dụng cho mình những phương pháp học tập đúng đắn và có hiệu quả, giúp ích cho quá trình học.Và sau đây tôi xin chia sẻ một số kinh nghiêm học tập những môn này như sau:

Lập ra thời gian biểu học tập.

Vạch ra chương trình học cụ thể, hợp lí.

Nắm chắc thời khóa biểu học ở trường, bố trí các môn học phù hợp ở nhà.


2. Cách học cụ thể.

Môn toán: Đây là môn quan trọng nhất, nó đòi hỏi quá trình rèn luyện liên tục từ thấp lên cao. Ngoài việc nắm chắc lí thuyết, phương pháp giải, còn phải rút ra những kinh nghiệm giải bài tập một cách nhanh và hiệu quả. Nắm vững các công thức, định lí, định đề vì đó là "chìa khóa" cho bạn đi vào các bai toán khó. Bạn có thể học nó mọi lúc mọi nơi.

Môn vật lí:


- Nghe qua và nắm vững bài giảng của thầy cô ở lớp.
- Môn vật lí có nhiều công thức, định luật nên cần phải nắm bắt một cách nhuần nhuyễn.
- Thường xuyên giải bài tập trong SGK, SBT, và giải thêm các bài tập nâng cao. Chỉ có vậy mới giúp bạn nắm bắt được cách giải của từng dạng bài tập khác nhau.

Môn hóa học:


- Cũng như môn lí, môn này cũng có nhiều công thức và đặc biệt là ngoài nắm bắt các công thức còn phải nắm và nhớ rõ bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học.
- Ngoài việc nắm li thuyết còn phải vận dụng lí thuyết vào giải bài tập. Luyện giải nhiều dạng bài tập để biết cách giải khi gặp phải.

Môn sinh học: Đây là môn học về lí thuyết rất nhiều, giải các bài toán dạng cơ bản và nâng cao. Để học được môn này cần phải có nền tảng, căn bản và tránh sự biếng lười.


- Chăm chú nghe giảng, tiếp thu bài giảng trên lớp.
- Về nhà tìm hiểu mở rộng thêm. Tập giải các dạng toán sinh và cố gắng đừng bỏ qua bài nào.
Ngoài ra: ngoài việc tự học, chúng ta còn có thể đi học thêm,học kèm bên ngoài.
Đấy là tất cả những kinh nghiệm mà mình muốn chia sẻ. Chúc các bạn luôn học tập thật tốt...! 

3. Họ và tên: Hồ Thị Linh Bảo – Giáo viên
Đối với dân tự nhiên, để học tốt được các môn tự nhiên, thường thì mọi người hay nắm vững lí thuyết rồi vận dụng vào các bài tập với các dạng khác nhau để nắm vững chúng .Nhưng bạn chắc rằng bạn nắm và hiểu được tất cả chúng hay không với cách học hiện nay. Sau đây tôi xin gợi ý cho các bạn một cách học các môn tự nhiên với 3 yêu cầu về sức khỏe - cách học - tinh thần .
1/ Cách học:
+ Ở trường, ta nên chú ý nghe thầy cô giáo giảng bài (có thể không cần chép bài, để lát sau mượn vở bạn chép cũng được), cần nắm ý chính, không nắm lang mang, chỗ nào không hiểu phải hỏi thầy (cô) lại ngay, nếu ngại không hỏi Gv thì bạn có thể hỏi bạn trong lớp để tránh kiến thức vụt bay mất, cần khẳng định rằng là bạn đã hiểu bài để bài học sau dễ tiếp thu hơn; ta có thể đến thư viện trường mượn sách để tham khảo thêm giúp ta tăng kiến thức vào thời gian rảnh rỗi.
+ Ở nhà, ta nên có một thời gian biểu hợp lí, một góc học tập lí tưởng nhất đối với ta. Đến giờ học bài, chúng ta nên tranh thủ học và làm bài tập ở trường một cách nhanh chóng nhưng đảm bảo phải có chất lượng học tập . Thời gian còn lại ta sẽ phân phối ra để học các môn TN, vd:1h đầu tiên ta học toán, 1h tiếp theo ta học lí ...để tránh sự nhàm chán . Ta cần học từ từ, không nóng vội, học và làm bài tập từ cơ bản đến nâng cao,đừng chỉ làm những bài khó mà quên đi những bài đơn giản, hãy làm như ta đang xây một tòa tháp vậy, điều này sẽ làm ta phát hiện ra những yếu điểm của mình để biết cách mà khắc phục . Đối với núi công thức hay những bài lí thuyết, thật khó nhớ phải không nào! Bởi vậy ta nên tìm hiểu chúng một cách cặn kẽ, sâu chuỗi lại, tìm mối liên hệ....để giúp ta dễ nhớ chúng hơn. Cần tìm cách học mọi lúc mọi nơi bạn có thể tiếp thu được, nên dán những mảnh giấy ghi nhớ vào những nơi ta dễ thấy được (góc học tập chẳng hạn), chúng sẽ giúp ta dễ nhớ mọi thứ hơn so với khi ta cố nuốt chúng vào đầu .Làm thật nhiều dạng bài để khi thi tránh tình trạng 'víu ' mà học sinh chúng ta hay gặp, xây dựng nên nhiều cách giải hay mà không bị gò bó vào một cách giải nhất định
+ Ngoài ra, ta còn có thể học nhóm với những người bạn thân của mình, người ta hay nói "Học thầy không tày học bạn "là vậy đó! với bạn bè, ta sẽ thoải mái hơn khi trao đổi bài tập, kiến thức như khi trao đổi với thầy(cô), nhưng nhất thiết đừng nên lạm dụng nó bởi có thể phản tác dụng, vd:thay vì học nhóm ta lại chuyển sang chơi chẳng hạn .....
2/ Tinh thần:
+ Muốn học tốt, ta cần có một tinh thần thoải mái, đừng bao giờ ép bản thân mình trong trạng thái không tập trung. Trong học tập, ngoài vấn đề thông minh, nhạy bén, nếu bạn là người không thông minh cho lắm thì nên xây dựng nền tảng siêng năng ngay từ hôm nay (vì cần cù bù thông minh mà), ta nên tránh học những lúc mệt mỏi, bị phân tâm,hay buồn ngủ (bởi sẽ chả thu hoạch được gì trong trạng thái đó cả). Hãy rèn luyện tính kiên nhẫn khi gặp bài toán khó, chăm chỉ đối với moi môn học
3/ Sức khỏe: 
+ Yếu tố không kém phần quan trọng so với hai vấn đề trên, đó chính là sức khỏe .Dù bạn có học giỏi đến đâu, ý chí có cao đi chăng nữa nhưng nếu bạn không có sưc khỏe tốt thì cũng chả làm được chuyện gì! Bởi vậy, hãy giữ gìn sức khỏe của mình bằng cách xen thời gian giải trí vào thời gian học để đầu óc được thư giãn, bớt căng thẳng, hay bằng các hoạt động thể dục thể thao (bóng rổ, bóng chuyền,....), bằng những trò giải trí online (nghe nhạc, xem phim, đọc báo, chat với bạn bè,..)
TÓM LẠI MỘT PP HỌC TỐT, MỘT Ý CHÍ KIÊN ĐỊNH CÙNG MỘT SỨC KHỎE SẼ ĐƯA BẠN ĐẾN THÀNH CÔNG!.
4. Họ và tên: Hoàng Lê Thu Hương – Lớp B1
Việt Nam ta đang trên con đường hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chính vì thế, để đáp ứng được công cuộc sự nghiệp đổi mới đất nước đồng thời để nền kinh tế hòa nhập với kinh tế thế giới buộc nền kinh tế nước ta phải phát triển tột bậc. Vì thế mà các ngành maketing, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng,… hiện đang được đông đảo các bạn trẻ lựa chọn cho sự nghiệp tương lai của mình. Chính vì vậy việc học tốt các môn khoa học tự nhiên sẽ giúp bạn có thể lựa chọn tốt một ngành học (công việc) mà bạn muốn theo đuổi.
Khoa học tự nhiên bao gồm các môn Toán, Vật lí, Hóa học và Sinh học tưởng chừng như rất “khô khan” và “khó nuốt” nếu như bạn chưa có một phương pháp học tập hiệu quả. Và điều đó khiến bạn nản chí và khó lòng có một tinh thần thoải mái khi học tập. Hãy cố gắng phấn đấu và đừng nản chí, vì khi bạn quyết tâm thì cánh cửa thành công sẽ mở ra trước mắt bạn.
Làm việc gì người ta cũng cần phải có phương pháp, vì có phương pháp mới dẫn tới thành công. Việc học tập cũng vậy đòi hỏi bạn phải có phương pháp một cách chặt chẽ hơn.
Tự tạo cho mình một cảm giác thoải mái nhất khi ngồi vào bàn học. Bạn đau đầu vì các chuỗi phản ứng hóa học dài, khó nhớ, các công thức phức tạp hay là một mớ lí thuyết khô khan và “khó nuốt”. Không thể nào tiếp thu được bài học nếu tinh thần học tập bị giảm sút. Hãy đặt cho mình câu hỏi “Học môn này để làm gì?” hay “Lợi mà các môn này mang lại?”. Muốn làm một viêc gì đó trước tiên ta phải xác định được mục đích của nó. Đậu tốt nghiệp hay đại học, làm bác sĩ hay kiến trúc sư…Những điều đó sẽ trở thành hiện thực nếu bạn biết xác định mục tiêu học tập của mình là gì và biết vạch ra kế hoạch tỉ mỉ để thực hiện. Điều đó sẽ trở thành động lực để giúp bạn phát huy hết khả năng sáng tạo cũng như tư duy logic của mình đồng thời bạn sẽ có một tinh tình học tập thoải mái và tích cực hơn.
Áp dụng lí thuyết vào bài tập áp dụng – Đó chính là cách giúp bạn hiểu sâu được bài học. Đừng học lí thuyết một các máy móc, học – hiểu , điều đó làm bạn nhớ lâu. Đừng nghĩ rằng học thuộc lí thuyết là có thể giải quyết được mọi vấn đề, mọi bài toán dù dễ hay khó. Đó là một suy nghĩ sai lầm! Không có cách học nào chỉ học xuông lí thuyết làm được bài tập mà chưa qua thực hành lần nào. Lí thuyết phải đi đôi với thực hành. Những công thức, định lí sẽ được áp dụng ngay vào trong bài giải của mình bằng những con số, dữ liệu. Điều đó sẽ giúp bạn thấm nhuần bài học và khắc sâu và trí nhớ. Học rập khuôn, học một cách máy móc sẽ làm khả năng tư duy sáng tạo của bạn bị han chế. Vì thế mà “học đi đôi với hành” quả không sai.
Có rất nhiều phương pháp học tập khác nhau, bằng các phương tiện khác nhau. Nhưng kĩ năng quan trọng nhất là tự học. Khả năng độc lập trong học tập, tư duy sẽ giúp bạn tiến bộ nhanh. 
Luôn hoàn thành bài hôm nay và chuẩn bị tốt bài vở ngày mai. Trước hết các bạn cần nghiên cứu trước bài học ở nhà. Công đoạn này sẽ giúp bạn nắm chắc những kiến thức quan trọng trong bài học. Khi ở trên lớp, kết hợp với việc nghe giảng và sự chuẩn bị bài ở nhà, hãy cố gắng nắm bắt các khái niệm, công thức hay định lí, có thế kiến thức trong bài học sẽ khắc sâu vào trong trí nhớ của bạn. Điều này sẽ rất thuận tiện cho việc ôn bài ở nhà, chỉ cần xem lại sách vở để nhớ lại kiến thức, kết hợp trả lời các câu hỏi cộng với việc làm bài tập trong sách giáo khoa cũng như trong sách bài tập sẽ giúp bạn có một kiến thức cơ bản vững chắc. Cách học này giúp ta học môn các môn học vững hơn. Hơn nữa nó giúp ta tiếp thu kiến thức và việc học thuộc bài một cách nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên bạn cần lưu ý, học tập hay việc làm một việc gì cũng thế, tập trung cao độ sẽ đưa việc học của bạn đạt hiệu quả cao. 
Phương pháp Sơ đồ tư duy (Mindmap) – Đây là một trong phương pháp mình thấy học hay và hiệu quả nhất rất hữu ích để giúp bạn ghi chép thông tin một cách đầy sáng tạo và hiệu quả. Khi sử dụng Mindmap, bạn có thể hiểu nhanh và nắm được những gì cơ bản nhất của một chủ đề. Thông tin trong Mindmap không rời rạc như kiểu tóm tắt thông thường mà được nối kết với nhau thông qua hệ thống những nhánh và phân nhánh. Với những ưu điểm đó, Mindmap là một cách thông minh để giải quyết một vấn đề có nhiều hướng phát triển.
Sắp xếp thời gian một cách hợp lí, chia nhỏ công việc ra để làm. Đừng dồn dập một đống công việc vào cùng một lúc. Chính điều này bạn đã tự tạo cho mình một áp lực khá lớn dẫn tới không những việc học không hiệu quả mà cơ thể sẽ trở nên mệt mỏi và chán chường hơn bao giờ hết, bạn bị stress là điều không thể tránh khỏi. Hãy lập ra cho mình một thời gian biểu thật khoa học và hợp lí, nó sẽ giúp bạn biết quản lí thời gian và công việc một cách hiệu quả nhất.
Trình bày sạch sẽ, rõ ràng, diễn đạt ý trôi chảy là một yếu tố giúp bạn làm bạn đạt điểm cao. Điều này sẽ giúp bài làm của bạn sẽ logic và thuyết phục hơn. 
Hãy tạo cho mình thói quen đọc sách! Đọc sách giúp bạn mở mang được trí óc và tầm hiểu biết của mình ngày càng xa hơn. Bên cạnh sự chăm chỉ, cần cù và kiên trì là những yếu tố không thể thiếu để giúp bạn đi tới thành công. Ngoài ra, với một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, thời gian ngủ nghỉ hợp lí sẽ tạo cho bạn một tinh sảng khoái khi học tập
Trên đây là những phương pháp và kinh nghiệm học tập các môn khoa học tự nhiên mà mình có được. Mình hi vọng các bạn sẽ đóng góp thêm ý kiến để bổ sung cho bản tham luận được hoàn thiện hơn. Chúng ta có thể trao đổi, góp ý cho nhau để mọi người có được một cách học thật tốt và hiệu quả.
5. Họ và tên: Lê Quang Hùng – Lớp A4
Ở chương trình học của THPT, các môn khoa học tự nhiên là các môn học yêu cầu khả năng tư duy, logic của học sinh. Vì vậy để học tốt các môn này cần có những phương pháp học thật khoa học, hợp lý. Mình có một số phương pháp cùng các bạn tham khảo:
Đầu tiên, các bạn cần có một thời gian biểu thật phù hợp với chương trình học trên lớp của mình. Phải sắp xếp thời gian học tập nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe, không nên học quá khuya thức quá nhiều, vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc học ở trên lớp.
Hầu hết những học sinh gặp khó khăn với những môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa, sinh đều cho rằng mình học không giỏi là do bản thân không thông minh như những bạn khác. Thực tế chỉ số thông mình của những người ngang tuổi nhau là rất gần nhau, có nghĩa là bạn và cậu học sinh giỏi toán nhất lớp thông mình ngang nhau đấy. Nhưng bạn tiếp thu bài chưa tốt hay điểm số của bạn thấp hơn những bạn cùng lớp có lẽ là do bạn chưa thực sự cố gắng hoặc chưa biết làm chủ cái đầu của mình.
Hãy tạo cho mình thái độ học tập tích cực. Hãy suy nghĩ về những ích lợi mà các môn này mang lại cho bạn như khả năng tư duy logic, óc phân tích, sự chính xác, những kiến thức thực tế có thể áp dụng… thay vì ngồi than vãn về những khó khăn. 
Hãy bắt đầu từ ngày hôm qua 
Các môn tự nhiên luôn được giảng dạy theo trình tự logic, cái dễ trước, cái khó sau, cái sau phải vận dụng cái trước. Vì vậy, nếu chưa hiểu rõ bài ngày hôm qua, làm sao bạn có thể hiểu được ngày hôm nay thầy giảng về cái gì. Hãy bắt đầu từ những vấn đề cơ bản nhất, dễ nhất. Có thể là bắt đầu từ trang đầu tiên của sách giáo khoa. Đừng sợ mất thời gian vì cái tháp nào cũng phải xây từ mặt đất mà lên.
Học thầy không tày học bạn
Ngại đem những gì chưa hiểu để hỏi bạn bè, thầy cô là sai lầm chết người dễ dẫn đến mất căn bản nhất. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng ta không thể một mình hiểu hết tất cả những gì từ thầy cô và sách giáo khoa. Cần phải có đồng đội trong học tập. Không có ai thành công mà không nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Bạn có thể lập một nhóm bạn, không cần phải cùng trình độ nhưng nghiêm túc trong học tập để học nhóm định kỳ. Học nhóm tăng sự hứng khởi, làm não tiếp thu nhanh hơn, có động lực cạnh tranh làm bạn cố gắng hơn. Tuy vậy, chú ý đừng nói chuyện đùa giỡn quá trớn sẽ làm phản tác dụng của những buổi học nhóm đấy nhé.
Cần có thời gian và sự kiên trì
Cho dù bạn có cố gắng bao nhiêu đi nữa, thành công không thể đến với bạn ngay trong ngày mai. Có thể bạn sẽ tiếp tuc lãnh điểm xấu, tiếp tục không hiểu bài nhưng đừng bỏ cuộc. Người ta thường ví cậu học sinh chăm học như con ong cần mẫn. Và người ta cũng hay nói chỉ có mười phần trăm thành công của thiên tài là do trời phú, còn chín mươi phần trăm là do nỗ lực bản thân. Như vậy cũng đủ hiểu sự chăm chỉ quan trọng như thế nào trong việc học tập. Có thể mảnh ghép cuối cùng để bạn học tốt đến từ chính sự siêng năng, cần cù của bản thân bạn. Có thể bạn còn quan tâm nhiều đến những vấn đề khác ngoài những công thức khô khan kia. Tập trung và cố gắng dành nhiều thời gian và khoảng trống trong đầu cho việc học bạn nhé.
Phải làm nhiều bài tập và tự giải theo cách của mình để tìm ra các dạng bài... Không đầu hàng trước các bài khó. Giải chưa được thì tìm bạn tranh cãi, nếu vẫn bí mới hỏi thầy cô. Như vậy nhớ rất lâu...”. Hệ thống các kiến thức đã học là việc cần thiết vì các bài học thường liên quan với nhau. Bất kỳ môn nào nếu lý thuyết được hiểu đến nơi đến chốn sẽ giải quyết bài tập nhanh
Một số cách học của các môn tự nhiên như sau:
1. Môn Lý: Bạn đã nghe qua bài giảng của thầy cô ở lớp rồi. Nghe giảng cho nghiêm túc là điều quan trọng bước đầu cho bạn. Môn học này có hai 2 phần. Phần học bài và phần làm toán.Trước tiên, bạn nên đọc qua bài một lần. Ðọc thật chậm. Phần nào khó hiểu bạn nên ghi ra giấy nháp ngay. Sau khi đọc xong một lượt bài ghi, bạn nên lập ngay dàn bài. Nhớ là từ phần của dàn bài, có đoạn quan trọng, bạn cần ghi cụ thể và gạch dưới những đoạn ấy. Lập dàn bàn xong là bạn khai triển bài học rất đê dàng. Về môn Vật lý, bao giờ cũng có những công thức, những định luật, bạn nên học thật nhuần nhuyễn các công thức, các định luật ấy. Không học sơ sơ mà nhớ phải thật nằm lòng. Bạn nên có những quyển sổ tay để ghi những công thức này. Một phương pháp giúp bạn dễ nhớ là bạn nên học trên bảng, dùng phấn viết những định luật, những công thức để khi đi qua đi lại luôn nhìn thấy và khắc sâu vào tâm óc bạn. Khi nào đã thuộc thì xóa đi để ghi nội dung khác. Hoặc bạn cũng có thể ghi dàn bài, các định luật, các công thức của môn học này trong một mảnh giấy, xếp bỏ vào túi, và bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể lấy ra nhẩm lại được. Với môn Vật lý bạn nên áp dụng làm bài tập toán ứng đụng, đừng bỏ qua một bài tập nào của sách bài tập. Vì nếu không thực hành bạn sẽ không thể giỏi về môn Lý được.
2. Môn Hóa: Cũng không khác với môn Lý, môn học này cũng có nhiều công thức. Ðiều quan trọng là bạn phải nắm chắc các hóa trị của các chất trong bảng tuần hoàn Hóa học Mendéliep. Về phương pháp học, bạn cũng áp dụng như môn Vật lý. Với môn học này bạn chịu khó nắm chắc kiến thức ngay từ ban đầu thì sẽ không khó gì cho bạn về sau
3. Môn toán: Này là môn học quan trọng nhất của bạn,nó đòi hỏi quá trình rèn luyện liên tục từ thấp lên cao. Muốn làm toán giỏi, trước tiên bạn phải hết sức chú trọng việc nghe giảng ở lớp. Bạn ghi nhanh vào sổ tay những phần bài khó hiểu, để về nghiên cứu lại. Bạn phải phân loại và nắm chắc từng dạng toán. Ðây là phần quan trọng, nếu bạn chỉ học vẹt, mà không phân biệt rõ các dạng thì muôn đời bạn không thể giỏi toán được. Ðiều thứ 2 là bạn phải học thuộc các công thức, định lý, định đề, đây là "chìa khóa" cho bạn đi vào các bài toán khó. Không thuộc công thức, bạn không sao giải nổi một bài toán cho dù rất đơn giản ví như người đứng trước một kho tàng nhưng không có chìa khóa để mở. Các giáo viên toán học cũng thấy được môn toán là môn học khó khăn "khó nuốt", nên đã làm ra những bài thơ để kích thích học sinh để dễ nhớ. Mỗi thầy dạy theo một phương pháp khác nhau. 
Phương pháp học toán cũng không đơn giản như các môn khác. Bạn cũng rất cần ghi các công thức ra bảng học. Hoặc đối với môn hình học không gian, cần vẽ hình cho thật chính xác lên bảng để đi qua đi lại, bạn nhìn hình vẽ cho quen, mà cũng có thể bạn tìm phương pháp giải một cách bất ngờ. - Về công thức, định lý, định đề ghi như vậy bạn sẽ thấy quen mắt. Bạn có thể nhẩm nhớ mà không phải "gò đầu, bó gối" để học một cách khổ sở.lMặt khác, bạn cũng có thể ghi tắt các côngthức ra mảnh giấy nhỏ cho vào túi: Ði đâu bạn cũng nhẩm, làm việc gì bạn cũng tranh thủ nhẩm lại được. Học mệt, dạo chơi trên công viên bạn cũng có điều kiện ôn lại mà, nếu quên bạn lôi "lá bùa hộ mệnh" đó ra. Chắc chắn điều đó sẽ nằm lòng bạn, và bạn sẽ không bao giờ quên nó một cách dễ dàng hoặc lẫn lộn. 
4. Môn Sinh: Ðây là một môn họcnhưng không phải chỉ là môn học bài thuộc như môn sử địa mà với lớp 11 bạn đã bắt đầu làm quen với số ít bài toán sinh đơn giản. Lên lớp 12, dạng toán nặng hơn, và môn học này sẽ trở thành quan trọng khá "khó nuốt" đối với những học sinh mất căn bản.
Kỳ thực muốn học đạt môn học này cũng không có gì khó lắm. Ngay từ đầu bạn đừng để mất căn bản có nghĩa là tránh sự biếng lười.
Muốn cho bộ môn này học chóng thuộc:
- Bạn nghe giảng ở lớp với một số quyển sổ ghi chép. Phải ghi nhanh những vấn đề chính vì thời gian ít, thầy cô chỉ lướt qua. Nếu bạn khó hiểu chỗ nào phải ghi lại
- Về nhà phải nghiên cứu ngay bài giảng đó, áp dụng sách giáo khoa. Và học ngay các đề mục đã được nghe giảng
- Thực hiện, làm các bài toán Sinh. Cố gắng làm hết đừng bỏ qua bài nào.
6. Họ và tên: Nguyễn Thị Luận – Lớp B1
Một nụ cười có thể thay đổi một ngày.
Một cái ôm có thể thay đổi một tuần.
Một lời nói có thể thay đổi một cuộc sống.
Và một phương pháp học tập tốt có thể thay đổi cả một con người.
Thực sự phương pháp học tập đúng đắn là rất quan trọng cho con đường học tập của mỗi người, có phương pháp học tập đúng đắn sẽ giúp chúng ta tiếp thu kiến thức và vận dụng một cách nhanh chóng. Phương pháp học tập khác nhau sẽ mang lại kết quả khác nhau. Và sau đây là một số kinh nghiệm của bản thân tôi trong quá trình học tập và rèn luyện các môn học phân ban tự nhiên như Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học,…các môn hầu hết có trong các khối, các ngành thi quan trọng trong các kì thi tốt nghiệp, tuyển sinh. Bắt đầu học từ những dự định, những mục tiêu của mình. Mình cần phải xác định đúng đắn, mình muốn gì, cần làm gì để thực hiện nó. Những điều đó giúp mình có thêm động lực để cố gắng học tập và khi đạt được nó mình sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc và phấn khởi. khi xác định được rồi thì bắt tay ngay vào việc thực hiện nó. Xem bài vở trước khi đến lớp, chăm chú nghe giảng, chép bài đầy đủ là những yếu tố cơ bản nhất cho tất cả các môn học. đối với môn khoa học tự nhiên, điều khó khăn nhất là hiểu được bản chất nó.
Không phải ai cũng dễ dàng hiểu rõ được mớ lí thuyết hỗn độn nhưng vô cùng quan trọng của nó, không hiểu rõ lí thuyết thì rất khó khăn để hoàn thành các bài tập. vì thế cần chú ý vào các ví dụ mở đầu để nhìn nhận một cách tổng thể về vấn đề mình sắp tiếp cận, tiếp đó là những ví dụ áp dụng định lí, những bài tập vận dụng, khi đó sẽ dễ dàng hiểu bài hơn. Những công thức cũng không cần quá máy móc, chỉ cần hiểu rõ các đại lượng, áp dụng vào bài làm. Làm nhiều bài tập thì tự khắc sẽ nhớ và sử dụng linh hoạt. còn phương pháp nhớ đơn giản nhất là viết vào mảnh giấy, dán vào những nơi hay nhìn thấy để có thể tiện tìm kiếm và học lại khi cần thiết. Những phương trình phản ứng là điểm mấu chốt của môn hóa, công thức cấu tạo, tính chất vật lí, tính chất hóa học, khả năng tham gia phản ứng của vô số chất. rất khó nhớ. Vì vậy, cần phân loại rõ ràng các loại phản ứng, các điểm tương đồng trong tính chất của chúng. Các bài tập trong sách giáo khoa cũng như sách bài tập sẽ giúp ta nắm rõ được những điều đó.
Vì vậy lười biếng làm bài tập sẽ hạn chế khả năng áp dụng lí thuyết vào bài làm. Lên kế hoạch, sắp xếp thời gian một cách hợp lí, phân chia rõ ràng giờ học bài, giờ làm bài, giờ nghỉ ngơi và vui chơi. Giải quyết các bài tập giáo viên giao cho và các bài tập làm thêm một cách tuyệt đối, không được bỏ giữa chừng. chỗ nào không hiểu, gạch chân lại để hỏi bạn bè hoặc thầy cô giáo. Tìm nhiều cách giải cho các bài toán, làm thêm bài nâng cao để có khả năng tìm ra những hướng giải cho các bài toán khác. Dùng các phương pháp giải nhanh cho các bài toán trắc nghiệm, đáp ứng nhu cầu kiểm tra và thi cử…Adam Khoo đã từng nói “Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” để động viên chúng ta phải có phương pháp học tập đúng đắn và thiết thực cho chính bản thân mình, để đạt được những kết quả và mục tiêu đã xác định trước!
7. Họ và tên: Nguyễn Thị Ngọc Trâm – Lớp B1
Học tập là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì và hứng thú. Đặc biệt đối với các môn tự nhiên thì điều này lại càng không thể thiếu. việc tìm ra phương pháp học tập đúng đắn cũng là vấn đề quan trọng góp phần học tốt các môn này. Đối với mỗi người thì có những phương pháp học tập khác nhau, phù hợp với bản thân mình. Sau đây tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm can mình trong việc học các môn trong ban tự nhiên để mọi người có thể tham khảo và rút ra kinh nghiệm cho bản thân.
Muốn học giỏi tất cả các môn học đầu tiên phải có hứng thú với nó. Để từ đó chúng ta mới có quyết tâm, say mê học tập. Hầu hết học sinh thương rất ngại các môn toán, lý, hóa. Họ nghĩ các môn học này chủ yếu cần sự thông minh. Thế nhưng theo tôi đó là ý kiến hoàn toàn sai lầm. Muốn học tốt thì quan trọng nhất là sự cần cù và chăm chỉ.
Ở trên lớp, lúc thầy cô giáo giảng bài hãy chú ý lắng nghe. Lắng nghe cả những kiến thức đơn giản mà mình đã biết. Đừng chủ quan cho rằng cái này mình đã học rồi thì cần gì nghe giảng nữa. Học không bao giờ là đủ. Khi không hiểu, đừng ngại hỏi lại thầy cô, hãy trình bày những chỗ mình chưa hiểu để thầy cô có thể giảng lại. Nếu không thì dần dần chúng ta sẽ tạo ra cho mình những lỗ hổng kiến thức hết sức nguy hiểm.
Đối với các môn học tự nhiên, việc làm bài tập là không thể thiếu. Theo tôi làm càng nhiều càng rèn luyện được kiến thức. Đừng coi thường những bài tập đơn giản. Hãy làm từ căn bản đến nâng cao. Đừng sợ tốn thời gian. Nếu như bạn đã bị mất gốc các môn học này thì hãy bắt đầu học lại từ đầu, từ những cái đơn giản nhất. Đó là cách duy nhất để bạn bù lấp lỗ hổng kiến thức mà mình tạo ra.
Cụ thể phương pháp học tập các môn học tự nhiên:
Đối với môn hóa: theo tôi thì đây là môn học khó nhất trong các môn ban A và B. Cần nắm vững kiến thức cơ bản, các phương trình hóa học để giải được các bài toán. Đừng coi thường lí thuyết bởi vì nhờ lí thuyết ta mới giải được những bài toán phức tạp. Hiện nay thì đề đại học môn học này 100% là trắc nghiệm nên chúng ta cần rèn luyện phương pháp giải toán hóa nhanh. Chúng ta có thể tham khảo các phương pháp này ở trong các sách tham khảo, trên mạng hay nhờ thầy cô chỉ dẫn.
Đối với môn toán: học sinh có lẽ sợ môn học này nhất. Nhưng đối với tôi đó là một môn học hết sức lí thú. Các bạn cần nắm vững kiến thức cơ bản,làm thật nhiều bài tập, chú ý lắng nghe giảng bài, học bài có hệ thống. Hình học không gian có lẽ là ác mộng đối với nhiều học sinh. Thế nhưng khi hiểu cặn kẽ được môn học này thì bạn lại cảm thấy rất lí thú. Học hình không gian bạn phải rèn luyện khă năng nhìn hình, học kĩ các định lí để làm bài tập. Khi vẽ hình không gian theo tôi bạn nên vẽ to, rõ ràng, thể hiện rõ những cạnh nhìn thấy và không nhìn thấy. Đó là yếu tố quan trọng trong việc làm bài tập về hình không gian.
Đối với môn lí: chúng ta cần nắm vững lí thuyết bởi vì lí thuyết của môn học này rất khó và dễ nhầm lẫn. Khi làm bài tập,cần nắm vững công thức, đọc kĩ đề bài, xác định đúng hướng đi ngay từ đầu để không bị lúng túng khi làm bài.
Cuối cùng đối với môn sinh: môn này có vẻ như dễ nuốt nhất trong các môn tự nhiên. Chúng ta cần học kĩ lí thuyết bởi vì môn học này rất nặng về lí thuyết. Cần học tập những kiến thức ở ngoài tự nhiên, tự tìm tòi, nghiên cứu. Quan trọng là phần bài tập về các phép lai. Phần này chiếm một lượng điểm khá lớn trong các đề tuyển sinh đại học và cao đẳng.
Muốn học tốt các môn tự nhiên phải biết kiên trì, nhẫn nại, học một cách khoa học. Không nên nhồi nhét kiến thức một lúc mà phải từ từ, đừng sợ tốn thời gian bởi vì học tập là quá trình lâu dài, đòi hỏi một lượng thời gian rất lớn. Cần học kĩ lí thuyết rồi mới áp dụng vào làm bài tập. Lúc gặp bài tập khó, đừng nản, hãy có gắng tìm hiểu, xâu chuỗi các giả thiết mà đề bài đã cho để tìm ra mối liên hệ. Từ đó tìm ra phương hướng làm bài. Hãy tự mình suy nghĩ và làm bài, tuyệt đối không nên ỷ vào sách giải. Mặc dù khi đọc bài giải thì bạn có thể hiểu được nhưng cách đó sẽ làm cho bạn bị thụ động, không nhớ được lâu. Muốn học tốt, bản phải phân dạng các bài toán để giải. làm như vậy bạn sẽ nắm vững được kiến thức hơn. Nhiều học sinh khi nghe giảng không hiểu bài thường ngại hỏi thầy cô, bạn bè. Chúng ta cần rèn luyện tính dũng cảm, đừng ngại giao tiếp. Điều đó chỉ thiệt cho bạn mà thôi.
Trên đây là những phương pháp học tập các môn tự nhiên của tôi. Đó chỉ là ý kiến khách quan của cá nhân tôi. Các bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý bởi vì mỗi người có những phương pháp học tập khác nhau. Có thể phương pháp này phù hợp với người này nhưng lại không phù hợp với người kia. Các bạn có thể tham khảo các kinh nghiệm của tôi để rút ra được phương pháp học tập đúng đắn các môn tự nhiên cho chính bản thân mình. Xin chân thành cảm ơn!
8. Họ và tên: Phạm Tấn Vương – Lớp B1
Đa số những học sinh gặp khó khăn với các môn Khoa học tự nhiên (Toán, Lý, Hóa) cho rằng mình học ko giỏi bởi vì mình không thông minh như những bạn khác cùng trang lứa. Nhưng thực tế thì không phải vậy, nguyên nhân là do cách học của bạn chưa thật sự hiệu quả, việc tiếp thu bài giảng trên lớp chưa tốt hay là do bạn chưa thực sự cố gắng.
KHTN là những môn nghiên cứu về vũ trụ qua các quy luật hay định luật về trật tự thiên nhiên. Hầu hết các môn KHTN là những môn khô khan và cứng nhắc, đòi hỏi sự tư duy cao, nhưng không phải vì vậy mà không có phương pháp để học tốt các môn đó.
Để học tốt các môn này, trước hết chúng ta cần nắm vững lý thuyết, vì một khi đã có kiến thức cơ bản tốt, nắm vững được các khái niệm, các định nghĩa, định luật hay quy luật đã được quy định trong chương trình... thì ta mới áp dụng vào giải các bài tập một cách nhanh nhất được. Thật vậy, khi đã nắm vững lý thuyết thì ta có thể vân dụng chúng một cách sáng tạo vào việc làm bài tập, cho dù là những bài tập khó nhất thì cũng dễ dàng để giải quyết. Nhưng không phải chỉ vậy là xong mà chúng ta cần phải xây dựng cho mình 1 thói quen học tập và học với thái độ tích cực. Hãy suy nghĩ về lợi ích của môn học này mang lại cho chúng ta, đó là mang lại cho ta khả năng tư duy, óc phân tích, tính toán chính xác, phản ứng nhanh với các vấn đề khó. Đó chính là lí do vì sao mà ta phải học tích cực.
Có câu: "Học thầy không tày học bạn"! Đúng vậy, chỉ học thầy thôi vẫn chưa đủ. Thường thì khi chúng ta gặp phải bài khó không giải quyết được, ta lại ngại không dám hỏi thầy, hỏi cô. Đó là 1 sai lầm, bởi vì khi đó chúng ta lại làm cho mình ngu dốt hơn thôi. Nếu không hỏi thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết đáp án, chúng ta cũng chẳng biết ta làm đúng hay sai, để mà sửa chữa và rút kinh nghiệm.Khi đó, nếu ngại hỏi thầy cô thì ta có thể trao đổi với bạn bè của mình để cùng nhau giải quyết, nhiều cái đầu sẽ giải quyết mọi việc nhanh hơn một cái đầu mà.
Bên cạnh đó, cần phải có thời gian và sự kiên trì. Mọi việc không thể thành công được khi bạn không biết kiên trì. Chẳng hạn, khi gặp một bài toán khó mà không tìm ra cách giải thì bạn thường hay nản lòng. Đừng vội bỏ cuộc, những điều đó mới chỉ là khởi đầu thôi. Tại sao bạn không dành chút ít thời gian rảnh của mình để tìm cách giải đó, chắc chắn rồi cũng sẽ ra cho dù là 1 tiếng, 2 tiếng hay nhiều hơn nữa...
Riêng em để học tốt các môn KHTN này cũng là một vấn đề nan giải, bởi nếu không có phương pháp học đúng đắn thì sẽ không mang lại hiệu quả có khi còn giảm hiệu quả học tập. Sau đây là một số kinh nghiệm của em trong việc học 3 môn Toán, Lý, Hóa:
Điều đầu tiên để học tốt, không chỉ riêng 3 môn này là học kĩ lý thuyết. Đó là điều căn bản nhất. Sau đó đối với từng môn, em lại có những cách học khác nhau. Ví dụ như môn Toán thì phải thường xuyên làm những bài tính toán có tư duy cao, làm những bài về hình học không gian; còn môn Hóa thì cần phải viết phương trình hóa học nhiều, nhớ tên các nguyên tố hóa học cơ bản;... Sau đó, cần xây dựng cho mình một thời gian biểu hợp lí, phân chia thời gian học các môn, mỗi môn học khoảng từ 1 - 2 tiếng mỗi ngày, 1 tuần có thể học từ 3 - 4 buổi, còn lại thời gian dành cho các môn khác và nghỉ ngơi. Cụ thể như sau:
*Phương pháp học môn Toán:
-Sáng tạo trong cách giải toán (tự tìm cách giải khác cho 1 bài toán).
- Gặp một bài toán lạ và khó, bình tĩnh và kiên nhẫn phân tích để đưa về những bài toán cơ bản và quen thuộc.
- Học thuộc những định nghĩa và định lý bằng cách làm nhiều bài tập.
- Cố gắng học từ đầu năm chứ không phải đợi đến cuối năm mới học.
- Khi bí lắm mới được phép hỏi những người xung quanh và phải thực hành nhiều hơn cho dạng toán mà mình không biết.
*Phương pháp học môn Vật Lý:
- Đọc và soạn bài kỹ trước khi đến lớp. Chú ý ghi lại những từ ngữ quan trọng, những vấn đề còn chưa rõ trong bài để khi đến lớp nghe thầy cô giảng bài ta sẽ tiếp thu nhanh hơn. Phải mạnh dạn hỏi ngay những gì còn chưa hiểu với thầy cô, bạn bè. Trong tiết học lý thuyết chú ý nghe giảng, luôn tập trung suy nghĩ, ghi chép bài đầy đủ, cố gắng nhớ những ý chính ngày tại lớp. Khi làm bài tập nên làm bằng nhiều cách khác nhau.
- Về nhà làm tất cả các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập.
- Tìm đọc thêm sách tham khảo, làm bài tập thật nhiều, bắt đầu từ những bài đơn giản rồi đến những bài tập khó.
*Phương pháp học môn Hóa học: Môn Hóa - Khó mà dễ.
- Đọc bài học trước ở nhà, đánh dấu những chỗ khó hiểu hoặc chưa hiểu rõ.
- Chú ý nghe giảng trên lớp đặc biệt là những phần mình đã đánh dấu, nếu vẫn chưa hiểu thì có thể trao đổi với bạn bè hoặc hỏi trực tiếp thầy cô.
- Ôn lại bài học trên lớp, làm nhiều dạng bài tập để khắc sâu bài giảng.
- Có niềm đam mê với môn Hóa.
- Thuộc Bảng tuần hoàn hóa học, học kỹ các tính chất hóa học của các nguyên tố và hợp chất
- Làm nhiều dạng bài tập khác nhau, từ mức độ dễ đến khó.
Đó là những kinh nghiệm mà em đã thực hiện và nó cũng mang lại cho em được lợi ích to lớn. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ mà chúng ta cần "Học - học nữa - học mãi"

9. Họ và tên: Vũ Cẩm Nhung – Lớp B1
Học là một việc rất khó, đó là con đường đầy chông gai nhưng cũng rãi nhiều hoa hồng, có người thành công trong huy hoàng nhưng lại không ít kẻ thất bại, muốn học tốt cần có sự kiên trì, nỗ lực không ngừng và một phương pháp đúng. Sau đây tôi góp ý kiến bàn về cách học các môn tự nhiên.
Đầu tiên chắc hẳn ai trong chúng ta cũng tự hỏi: Học là gì?, học để làm gì?.
Và tôi xin trả lời rằng: học để có thêm tri thức, học để sống, học để giao lưu, học để áp dụng kĩ năng vào công việc. Và sự học là vô tận.
Nhưng như vậy thật chung, thật bao quát, do đó mỗi người cần đặt ra một mục tiêu cụ thể cho mình, đó là: một kiến trúc sư, một bác sĩ, một người nông dân giỏi giang. Và từ đó đặt ra những mục tiêu nhỏ hơn, dễ thực hiện hơn, để từng bước đạt được ước mơ lớn.
Hãy bắt tay vào, thiết kế cho mình một kế hoạch thời gian hoàn hảo, sao cho để có thời gian học bài, giúp mẹ những công việc lặt vặt, quan trọng nhất là tạo một tinh thần thoải mái, không áp lực. Từ đây chúng ta sẽ có sự say mê, nhiệt huyết trong học tập.
Trong thời gian học tập dưới mái trường trung học phổ thông, chúng ta được dạy, được học nhiều bộ môn khác nhau về tự nhiên hay về xã hội.
Môn tự nhiên là bộ môn tính toán, bao gồm toán, lí, hóa, sinh. Và tôi tin chắc rằng nó đã gây ra không ít khó khăn cho những học sinh trong trường.
Do đó hôm nay tôi sẽ chia sẻ cho các bạn những phương pháp học bộ môn tự nhiên tôi đã và đang áp dụng:

Đọc bài trước khi nghe giảng. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ bài cần học, có thể theo kịp bài giảng 100%, và nhờ đó bạn sẽ biết cụ thể rằng bạn không hiểu cái gì …

Tập trung nghe giảng và đặt câu hỏi. Những vấn đề trừu tượng sẽ được giải quyết. Và khi bạn không hiểu nữa, hãy mạnh dạn hỏi thầy cô hoặc bạn bè, đừng ngại, bạn sẽ nhận được hơn một câu trả lời đấy.

Viết những định lí phức tạp thành những kí tự dễ nhớ, những công thức tính toán vào tờ giấy “ghi chú” dán lên tường đối diện mặt khi học bài, vào đèn bàn… những chỗ mà bạn thường xuyên đi qua…

Tìm hiểu tất cả các dạng bài tập của các bài mới học, từ sách, sách bài tập, bài của thầy cô cho hay các đề kiểm tra cũ..v.v.. làm một số bài tập của từng dạng để biết phương pháp giải.

Hoàn thành bài tập trước khi đến lớp, tìm lỗi sai và sửa lại cho đúng.

Tập hợp các dạng bài, các phương pháp giải cho việc ôn kiểm tra, ôn thi.

Tìm lỗi trong các bài kiểm tra, rút kinh nghiệm cho lần thi sau.


Ngoài ra để cổ động tinh thần bạn có thể dán những khẩu hiệu sau lên tường:

Lời nói bất hủ của Bác Hồ với thanh niên:


“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp bể
Quyết chí ắt làm nên”

Câu nói nổi tiếng của Nguyễn Bá Học:


“Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách bể mà khó vì lòng người ngại núi e sông”

Đó là tất cả những gì tôi học được từ sách báo, để rõ hơn bạn có thể tìm hiểu trong quyển sách “TÔI TÀI GIỎI, BẠN CŨNG THẾ”, tác giả Adam Khoo. Thực sự nó đã giúp tôi rất nhiều để trở thành một học sinh tốt. Còn bạn phương pháp của bạn là gì?
Cơ thể con người rất kì diệu, ai trong chúng ta đều có một bộ não thiên tài mà tạo hóa đã ban tặng. Vậy chúng ta hãy cùng nỗ lực phấn đấu, cùng thể hiện tài năng của mỗi người để trở thành một thanh niên năng động, thông minh, vì bản thân vì gia đình và vì toàn xã hội. Để mỗi ngày câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh còn soi sáng trong tâm trí chúng ta:
“ Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có sánh cùng các cường quốc năm châu được hay không?, đó là nhờ vào công lao học tập của các em…”.

TTT
10. Họ và tên: Vũ Thành Duy – Lớp B1
Môn học tự nhiên là những môn học đòi hỏi sự tư duy và logic cao. Ngoài ra để học giỏi các môn này bạn cần phải có một lượng kiến thức nhất định, sự thông minh và sự say mê. Tuy nhiên nếu bạn chưa thực sự thông minh lắm bạn cũng có thể cải thiện và học tốt những môn này. Nếu muốn thế, bạn cần sự siêng năng cần cù và ham học hỏi. Ngoài ra bạn cần có một số phương pháp học thật sự tốt để cải thiện kết quả học tập của mình. Sau đây là một số cách mà tôi đã áp dụng và đã đạt được một số thành tích nhất định trong học tập.
Cách tốt nhất để bạn học tốt các môn tự nhiên là là hãy tự học ở nhà nhếu bạn được nhận xét là thông minh hoặc khá giỏi. tự học sẽ giúp chúng ta nâng cao sự tư duy, kích sự sáng tạo, khám phá và giúp chúng ta học tôt hơn. Nếu bạn chưa tự học được các môn ấy thì bạn cũng có thể đi học thêm nhưng chỉ đi học thêm những gì mà chúng ta chưa hiểu rõ thôi nhé! Các giáo viên dạy thêm sẽ chỉ cho bạn cách học và làm bài tập. đó cũng là một phương pháp tốt. Tuy nhiên, việc lạm dụng học thêm quá mức như đi học thêm chỉ vì bè cánh, 2,3 cua 1 môn thì đó lại là “con dao”. Nó không những không làm cho bạn không tiến bộ mà thậm chí còn đi thụt lùi. Việc học thêm như thế làm bạn xao nhãng trong học tập, mất đi tính sáng tạo, giảm tư duy, giảm tư duy, tốn thời gian trong học tập. vì vậy cách tốt nhất là bạn hãy tự học, chỉ đi học thêm các môn học cần thiết thôi. Việc đâu tiên các bạn cần làm trong việc học là phải lên 1 thời khóa biểu và một thời gian biểu và làm theo đúng trình tự, tuân thủ đúng theo các điều bạn đã viết. Việc có 1 thời gian biểu học tập hợp lí là việc hết sức quan trọng. nó sẽ giúp bạn học tập và làm việc đúng giờ hơn nà tránh cả việc “làm biếng” trong học tập.
Trong bất cứ một môn học nào, các ban cũng cần có kiên thức cơ bản dù là môn học tự nhiên hay xã hội. Việc nắm bắt và hiểu rõ được các kiến thức cơ bản là rất quan trọng vì nó là nền tảng để giải các bài toán về hóa học, vật lý, toán học... 
Trong hóa học: bạn cần nắm rõ lý thuyết, đặc điểm cấu tạo, tính chất hóa học của các chất, các phương trình hóa học cơ bản, một số nguyên tắc cơ bản về phản ứng hóa học.
Trong toán học: bạn cần cần nhớ và hiểu được một số công thức toán học, các tính chất, các định lý, định nghĩa và các hệ quả, cách giải các bài toán cơ bản.
Trong vật lý: bạn cần nhớ các công thức và lý thuyết trong SGK. Đó là phần quan trọng để giải toán vật lý.
Tuy nhiên để nắm được các công thức và lý thuyết cơ bản đó là một việc không phải dễ dàng gì và bất cứ ai cũng phải gặp rắc rối vì chúng. Để nhớ chúng tốt hơn và dễ hơn, bạn có thể áp dụng một số cách sau đây:
- Hãy đọc các công thức khoảng 3- 5 lần cho đến khi bạn thuộc. Nếu sau khi đọc xong vấn không có kết quả tốt, bạn hãy viết các công thức đó vào một tờ giấy nhỏ và dán vào các nơi mà bạn dễ bắt gặp nhất như bàn học, tủ lạnh, máy vi tính, tivi, kệ chén, chỗ rửa chén... khi làm những công việc, bạn bắt gặp nó và nó sẽ in dấu vào trong đầu bạn, giúp bạn dễ nhớ và khó quên chúng hơn.
- Đối với toán học và vật lý, bạn hãy cố gắng chứng minh các công thức mặc dù SGK không yêu cầu bạn làm công việc này. Tuy nhiên, nếu bạn làm công việc này sẽ giúp bạ hiểu rõ các bản chất của các công thức và vấn đề. Không những thế, việc chứng minh này còn giúp bạn khắc sâu hơn kiến thức. Và nếu sau này khi bạn làm bài tập mà chỉ nhớ mang máng công thức, bạn cũng có thể chứng minh nó. Nhưng điều này thường không sảy ra vì bạn đã khắc sâu nó trong lần chứng minh trước đó.
- Một cách nữa giúp bạn nhớ các công thức thường gặp nhất, dài và khó nhớ đó là hãy làm 1 bài thơ, một bài hát hoặc một câu nói thật dễ nhớ có liên quan đến các công thức đó ví dụ như:
+ Toán học: Xin đi học, cốt không hư, tan đoàn kết, cô tan kết đoàn. Nghĩa là: sinx=Đối/Huyền, cos= Kề/ Huyền, tan= Đối/ Kề, cot=Kề/ Đối.
+ Hóa học: 3 đồng 8 loãng 2 no, 1 đồng 4 đặc cho hai khí màu. Nghĩa là: khi cho đồng (Cu) tác dụng với axitnitrit (HNO3) sẽ chia làm 2 trường hợp với phương trình hóa học sau:
3 Cu + 8 HNO3 loãng 2 NO +3 Cu(NO3)2 + 4 H2O
Cu + 4 HNO3 đặc 2 NO2 + Cu(NO3)2 + 2 H2O
Với các cách này, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc học thuộc các công thức.
Sau khi học được các kiến thức cơ bản, bạn hãy tập giải các bài toán về toán, lý, hóa hàng ngày hoặc thường xuyên hơn. Làm như vậy sẽ giúp cho bạn nắm chắc kiến thức hơn, củng cố lại mỗi ngày và bạn sẽ hiểu rõ các công thức, nhớ kĩ hơn, thành thạo hơn trong việc sử dụng nó vào các bài toán cụ thể.
Để giải những bài tập, vận dụng tối đa những kiến thức đã học vào để giải chúng. Các bước để giải một bài toán mà tôi vẫn thường làm:
- Bước 1: Gạch chân hoặc chú ý đến những từ ngữ quan trọng, chú ý đến các dữ kiện của bài toán đưa ra.
- Bước 2: Tìm ra mối liên kết giữa các đại lượng, những từ ngữ. chú ý xem đề bài cho những dữ kiện đó để làm gì? Chúng liên quan đến nhau như thế nào? Để chứng minh được nó cần sử dụng công thức, định lý, hệ gủa, tính chất gì?
- Bước 3: Xâu chuỗi các dữ kiện lại với nhau và tìm ra hướng giải.
- Bước 4: Vận dụng những công thức đã học để chứng minh.
- Bước 5: nếu giải ra, bạn hãy kiểm tra lại các bước giải để chắc chắn rằng mình đã làm đúng. Nếu không ra, bạn hãy tìm ra điểm sai xót trong bài giải và tìm ra hướng giải mới đến khi ra.
Khi quá “bí”, bạn có thể hỏi những người khác như thầy cô, anh chị... hoặc tham khảo trong sách tham khảo( đừng quá lạm dụng sách tham khảo vì như thế sẽ không tốt chho tư duy của bạn). Đối với một số bài toán cho ẩn đi 1 đại lượng nào đó mà ta tưởng như đề bài thiếu dữ kiện thì ta phải tìm ra ẩn số đó trước hoặc có thể triệt tiêu đại lượng đó khi giải.
Việc tiếp theo bạn cần làm là hãy làm thêm bài tập SGK, lên các nhà sách và tìm mua cho mình những “vũ khí” lợi hại-đó là những quyển sách trình bày cách giải nhanh trắc nghiệm lý, hóa, các quyển sách toán học nâng cao và cơ bản. Hãy học phương pháp học trong những quyển sách đó và giải bài tập áp dụng 1 cách độc lập theo suy nghĩ của bạn và đối chiếu với kết quả.
Với những cách làm trên, mình đã thực sự đạt được những thành tích và kết quả nhất định trong học tập. Điểm số về các môn tự nhiên của mình ngày càng được nâng cao và cải thiện hơn. Bất cứ ai cũng có thể học tốt các môn tự nhiên nếu chúng ta siêng năng và có phương pháp học tập đúng đắn. Tôi đã thế, bạn cũng vậy. Hãy áp dụng những cách học trên 1 cách thông minh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: