Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

BÀI TẬP PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LUẬT

PHƯƠNG PHÁP PHÂN TÍCH LUẬT VIẾT

BÀI TẬP

***

Bài 1. Suy lý ngược các điều luật sau đây:

Bên có nghĩa vụ được hoãn việc thực hiện nghĩa vụ, nếu được bên có quyền đồng ý. (Khoản 2 Điều 287 BLDS 2005).

Bên bán không chịu trách nhiệm về khuyết tật của vật trong trường hợp bên mua có lỗi gây ra khuyết tật của vật. (Điểm c Khoản 3 Điều 444 BLDS 2005).

Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. (Khoản 1 Điều 426 BLDS 2005).

 

Bài 2. Áp dụng phương pháp phân tích luật viết thích hợp để xây dựng khái niệm nghĩa vụ dân sự không thể thay thế được từ điều luật sau đây: 

            “Nghĩa vụ dân sự thay thế được là nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ ban đầu thì có thể thực hiện một nghĩa vụ khác đã được bên có quyền chấp nhận để thay thế nghĩa vụ dân sự đó. (Điều 296 BLDS 2005).”

 

Bài 3. Điều 647 BLDS 2005 quy định về năng lực lập di chúc như sau:

            “1. Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

            2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.”

            Điều luật trên hoàn toàn không quy định gì về năng lực lập di chúc của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 23 BLDS 2005 có quy định:

            “ Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày”

            Căn cứ vào hai điều luật trên đây và phương pháp phân tích luật viết thích hợp anh, chị hãy đưa ra quy tắc về năng lực lập di chúc của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Bài 4. Điều 654 BLDS 2005 quy định về người làm chứng cho việc lập di chúc:

            “Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

1.      Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;

2.      Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc;

3.      Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.”

            Trong số những người không đủ tư cách làm chứng cho việc lập di chúc BLDS 2005 không đề cập đến người mất năng lực hành vi dân sự. Theo anh, chị, người mất năng lực hành vi dân sự có đủ tư cách đứng ra làm chứng cho việc lập di chúc hay không?

Bài 5. Sau khi cha A mất (năm A 10 tuổi), B- chú ruột A được cử làm người giám hộ cho A mặc dù mẹ A còn sống ( do mẹ A đã ly dị với cha A năm A bảy tuổi và đã kết hôn với người khác). Năm A 12 tuổi mẹ A bị bệnh rất nặng, A đến thăm mẹ, biết mẹ cần một số tiền lớn để điều trị bệnh nhưng gia đình mẹ lại không có khả năng chi trả. A đã đề nghị B tặng cho mẹ A một số tiền là 10 triệu đồng trích từ sổ tiết kiệm 100 triệu đồng do cha A để lại cho A. B đồng ý và đã đưa cho mẹ A 10 triệu đồng; nhờ số tiền đó mẹ A đã chữa lành bệnh. 6 tháng sau, C- cô ruột của A nhân danh là người giám sát việc giám hộ A, nộp đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng tặng cho số tiền trên là vô hiệu căn cứ vào Khoản 2 Điều 69 BLDS 2005:

            “ Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ  phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.

            Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.”

            Giả sử anh, chị là thẩm phán giải quyết vụ việc trên, anh, chị sẽ đưa ra phán quyết như thế nào?

Bài 6. Hai vợ chồng A và B là người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam từ năm 2009. Năm 2010, A và B sinh được một người con là C. Năm 2012, A và B muốn nhập quốc tịch Việt Nam nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu về mặt thời gian cư trú theo quy định điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam 2008. Anh (chị) hãy căn cứ vào điều 17, điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 và vận dụng phương pháp phân tích luật viết thích hợp để tư vấn cho A và B được nhập quốc tịch Việt Nam ngay trong năm 2012. (3,0 điểm)

Các điều luật có liên quan:

Điều 17 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 - Quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha mẹ là người không quốc tịch

1. Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam.

2. Trẻ em sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có mẹ là người không quốc tịch, nhưng có nơi thường trú tại Việt Nam, còn cha không rõ là ai thì có quốc tịch Việt Nam.

Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam 2008 - Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam

1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

c) Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam;

d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;

đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻcủa công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Ngườinhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt,nếuđược Chủ tịch nước cho phép.

4. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam. Tên gọi này do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

5. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

6. Chính phủ quy định cụ thể các điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam.

 

Bài 7. Theo khoản 5 điều 45 Luật Doanh nghiệp, “Thành viên công ty (trách nhiệm hữu hạn) có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ vốn góp của mình cho thành viên khác. Trường hợp người được tặng cho là người có cùng huyết thống đến thế hệ thứ ba, thì họ đương nhiên là thành viên công ty. Trường hợp người được tặng cho là người khác, thì họ chỉ trở thành thành viên công ty khi được hội đồng thành viên chấp nhận”

Học thuyết pháp lý nói rằng, nếu đọc kỹ toàn bộ Điều 45, thì có thể thừa nhận rằng trường hợp người được tặng cho là vơ (chồng), thì người này cũng đương nhiên trở thành thành viên công ty. Theo các bạn, học thuyết pháp lý đã sử dụng công cụ suy lý nào của phương pháp phân tích câu chữ để có được giải pháp này?

Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2005

 Xử lý phần vốn góp trong các trường hợp khác

1. Trong trường hợp thành viên là cá nhân chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của thành viên đó là thành viên của công ty.

2. Trong trường hợp có thành viên bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự thì quyền và nghĩa vụ của thành viên đó trong công ty được thực hiện thông qua người giám hộ.

3. Phần vốn góp của thành viên được công ty mua lại hoặc chuyển nhượng theo quy định tại Điều 43 và Điều 44 của Luật này trong các trường hợp sau đây:

a) Người thừa kế không muốn trở thành thành viên;

b) Người được tặng cho theo quy định tại khoản 5 Điều này không được Hội đồng thành viên chấp thuận làm thành viên;

c) Thành viên là tổ chức bị giải thể hoặc phá sản.

4. Trường hợp phần vốn góp của thành viên là cá nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì phần vốn góp đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.

5. Thành viên có quyền tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác.

Trường hợp người được tặng cho là người có cùng huyết thống đến thế hệ thứ ba thì họ đương nhiên là thành viên của công ty. Trường hợp người được tặng cho là người khác thì họ chỉ trở thành thành viên của công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận.

6. Trường hợp thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ thì người nhận thanh toán có quyền sử dụng phần vốn góp đó theo một trong hai cách sau đây:

a) Trở thành thành viên của công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;

b) Chào bán và chuyển nhượng phần vốn góp đó theo quy định tại Điều 44 của Luật này

 

Bài 8. Theo Điều 96 khoản 1 Luật Nhà ở, “Việc bán nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất phải có sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu bằng văn bản”. Thế nhưng, sau đó Luật lại nói thêm, “Trường hợp có chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung không đồng ý bán thì các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung khác có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Theo bạn quy định tại đoạn sau của điều luật áp dụng cho loại sở hữu chung nào – hợp nhất hay theo phần? Tại sao? Bạn dùng phương pháp phân tích nào để đưa ra giải pháp?

Điều luật có liên quan: Khoản 3 Điều 223 BLDS 2005 Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua”.

Bài 9. Theo BLDS 2005 Điều 83 khoản 2 điểm b, trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác, thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật, kể cả  khi Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó đã chết.

            Nhưng nếu vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết không kết hôn với người khác, thì, khi người đã bị tuyên bố là đã chết trở về, học thuyết pháp lý lại nói rằng người này và vợ hoặc chồng của mình có quyền coi như quan hệ hôn nhân giữa họ không bị gián đoạn, nghĩa là họ có quyền tiếp tục quan hệ hôn nhân đã được xác lập trước đây mà không cần tiến hành thủ tục kết hôn lại. Kết luận này được chính thức thừa nhận tại Điều 26 Luật Hôn nhân và gia đình 2000.

            Giả sử không có Luật Hôn nhân và gia đình 2000, thì có thể dựa vào phương pháp suy lý nào hoặc nguyên tắc nào của phương pháp phân tích câu chữ đối với Điều 83 khoản 2 điểm b BLDS 2005 để rút ra được kết luận này?

Bài 10. Theo điều 27 khoản 1 Luật Hôn nhân và gia đình 2000, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Cũng theo Luật Hôn nhân và gia đình 2000 điều 3 2 khoản 1, tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân.

            Giả sử tài sản riêng của người chồng (hoặc người vợ) được bán và tiền bán tài sản được dùng để mua một tài sản khác ngay trong thời kỳ hôn nhân, thì tài sản mua được là tài sản riêng hay tài sản chung? Anh (chị) phân tích các điều luật trên đây như thế nào để cho ra câu trả lời?

HẾT

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: