Bài soạn thị trường chứng khoán
MỤC LỤC
CHƯƠNG 1. ĐẠI CƯƠNG VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
1.1. Khái niệm về thị trường chứng khoán
1.1.1. Khái niệm về chứng khoán
Khái niệm: Chứng khoán được hiểu là các giấy tờ có giá, nó cho phép chủ sở hữu có quyền đòi hỏi về thu nhập và tài sản đối với tổ chức phát hành hoặc là quyền về mặt sở hữu theo quy ước định sẵn.
Giải thích thuật ngữ: Chứng khoán- Securities, nghĩa gốc là an toàn, để gọi tên chứng khoán xuất phát từ việc coi nắm giữ chứng khoán là việc sở hữu an toàn và thuận tiện một tài sản nào đó.
Chứng khoán có rất nhiều loại: cổ phiếu, trái phiếu, các chứng khoán phái sinh như hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, chứng chỉ quỹ đầu tư. Trong đó hai dạng chính là cổ phiếu và trái phiếu. Trong các thị trường phát triển (điển hình là thị trường chứng khoán Mỹ), bộ phận thị trường chứng khoán phái sinh hoạt động rất mạnh.
(Đặc điểm của các loại chứng khoán sẽ được giới thiệu trong chương tiếp theo)
Hiện nay: Chứng khoán không chỉ dừng lại là một giấy chứng nhận các quyền và lợi ích hợp pháp đối với người sở hữu mà nó đã trở thành hàng hóa phổ biến, là công cụ đầu tư, đầu cơ của những người kinh doanh.
Tại Việt Nam: Luật chứng khoán 2006 quy định: “Chứng khoán là bằng chứng hợp pháp xác nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.”
Tóm lại
Chứng khoán là:
- Bằng chứng xác nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với phần tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành ra chứng khoán đó
- Chứng khoán có nhiều loại, phổ biến nhất là cổ phiếu và trái phiếu
- Hình thức thể hiện của chứng khoán có thể là chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử.
- Chứng khoán được xem là công cụ đầu tư, đầu cơ, là loại hàng hóa phổ biến trên thị trường chứng khoán.
1.1.2. Khái niệm về thị trường chứng khoán
Vị trí của thị trường chứng khoán trong thị trường tài chính
Trong hệ thống tài chính hiện đại, có 2 kênh dẫn vốn đó là kênh dẫn vốn trực tiếp và kênh dẫn vốn gián tiếp. Chi tiết sẽ được trình bày dưới hình sau:
TTCK là một bộ phận của Thị trường tài chính- kênh dẫn vốn trực tiếp trong hệ thống tài chính. Vị trí của TTCK trong tổng thể của thị trường tài chính thể hiện:
- TTCK là hình ảnh đặc trưng của thị trường vốn
TTCK
TT tiền tệ
TT vốn
Như vậy, trên TTCK giao dịch 2 loại công cụ tài chính: Công cụ tài chính trên thị trường vốn và công cụ tài chính trên thị trường tiền tệ.
- TTCK là hạt nhân trung tâm của thị trường tài chính, nơi diễn ra quá trình phát hành, mua bán các công cụ Nợ và công cụ Vốn (các công cụ sở hữu)
TT TT
Trái phiếu Cổ phiếu
TT Nợ
TT Vốn CP
Từ vị trí của TTCK trong thị trường tài chính, có thể đưa ra khái niệm về TTCK như sau:
Khái niệm: TTCK là thị trường trên đó giao dịch các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu, các công cụ phái sinh...Việc giao dịch mua bán này được thực hiện theo những quy tắc được ấn định trước.
Ngày nay: Mọi quốc gia phát triển và hầu hết các quốc gia đang phát triển đều có TTCK, một thị trường không thể thiếu với mọi nền kinh tế muốn phát triển vững mạnh vì các lý do sau:
Thứ nhất, TTCK là một kênh huy động vốn quan trọng của các công ty, tính thanh khoản mà TTCK tạo ra cho phép các nhà đầu tư nhanh chóng và dễ dàng bán các loại chứng khoán khi có nhu cầu.
Thứ 2, TTCK được coi là phong vũ biểu của nền kinh tế, hoạt động của TTCK phản ánh sức khỏe của nền kinh tế: TTCK tăng điểm thường báo hiệu lượng tăng vốn đầu tư xã hội, phản ánh kì vọng của nhà đầu tư, các công ty vào sự phát triển của nền kinh tế và ngược lại.
Tóm lại
Thị trường chứng khoán là:
- Kênh dẫn vốn trực tiếp. Một bộ phận quan trọng của thị trường tài chính, mọi quốc gia đều có TTCK
- Nơi diễn ra các giao dịch chứng khoán
- Các giao dịch được thực hiện theo những nguyên tắc đã được ấn định từ trước.
1.2. Quá trình hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán
- Giai đoạn hình thành tự phát
TTCK ban đầu phát triển một cách tự phát và rất sơ khai, xuất phát từ một sự cần thiết đơn lẻ của buổi ban đầu.
Vào giữa thế kỷ 15 ở tại những thành phố trung tâm buôn bán ở phương Tây, các thương gia thường tụ tập tại các quán cà phê để trao đổi việc mua bán trao đổi các vật phẩm hàng hoá. Lúc đầu chỉ một nhóm nhỏ, dần dần sau đó tăng dần và hình thành một khu chợ riêng.
Cuối thế kỷ 15, để thuận tiện hơn cho việc làm ăn, khu chợ trở thành “thị trường” với việc họ thống nhất các quy ước và dần dần các quy ước được sửa đổi hoàn chỉnh thành những quy tắc có giá trị bắt buộc chung cho mọi thành viên tham gia “thị trường”.
Năm 1453, phiên chợ riêng đầu tiên được diễn ra tại một lữ điếm của gia đình Vanber ở Bruges Bỉ, tại đó có một bảng hiệu hình ba túi da với một tiếng Pháp là “Bourse” tức là “mậu dịch thị trường” hay còn gọi là “Sở giao dịch”.
Năm 1547, thành phố ở Bruges Bỉ mất đi sự phồn thịnh do eo biển Even bị cát lấp nên mậu dịch thị trường ở đây bị sụp đổ và được chuyển qua thị trấn Auvers Bỉ, ở đây thị trường phát triển rất nhanh và
Giữa thế kỷ 16 một quan chức đại thần của Anh quốc đã đến quan sát và về thiết lập một mậu dịch thị trường tại London Anh, nơi mà sau này được gọi là Sở giao dịch chứng khoán London. Các mậu dịch thị trường khác cũng lần lượt được thành lập tại Pháp, Đức và Bắc Âu.
Sự phát triển của thị trường ngày càng phát triển cả về lượng và chất với số thành viên tham gia đông đảo và nhiều nội dung khác nhau. Vì vậy theo tính chất tự nhiên nó lại được phân ra thành nhiều thị trường khác nhau như: Thị trường giao dịch hàng hoá, thị trường hối đoái, thị trường giao dịch các hợp đồng tương lai và TTCK… với đặc tính riêng của từng thị trường thuận lợi cho giao dịch của người tham gia trong đó.
Quá trình các giao dịch chứng khoán diễn ra và hình thành như vậy một cách tự phát cũng tương tự ở Pháp, Hà Lan, các nước Bắc Âu, các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Các phương thức giao dịch ban đầu được diễn ra sơ khai ngay cả khi ở ngoài trời với những ký hiệu giao dịch bằng tay và có thư ký nhận lệnh của khách hàng. Ở Mỹ cho đến năm 1921, khu chợ này được chuyển từ ngoài trời vào trong nhà, Sở giao dịch chứng khoán chính thức được thành lập.
- Giai đoạn phát triển có sự quản lý
Lịch sử hình thành và phát triển của TTCK trên Thế giới cho thấy thời gian đầu, thị trường hình thành một cách tự phát, đối tượng tham gia chủ yếu là các nhà đầu cơ, dần dần về sau mới có sự tham gia ngày càng đông đảo của công chúng. Khi thị trường bắt đầu xuất hiện sự trục trặc và bất ổn, chính phủ buộc phải can thiệp bằng cách thành lập các cơ quan quản lý nhằm bảo vệ quyền lợi của công chúng đầu tư và sau đó dần dần hệ thống pháp lý cũng bắt đầu được ban hành.
Kinh nghiệm đối với những thị trường mới hình thành về sau này cho thấy thị trường sau khi thiết lập chỉ có thể hoạt động có hiệu quả, ổn định và nhanh chóng nếu có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt về hàng hoá, luật pháp, con người, bộ máy quản lý và đặc biệt sự giám sát và quản lý nghiêm ngặt của Nhà nước. Song cũng có một số TTCK có sự trục trặc ngay từ ban đầu như TTCK Thái Lan, Inđônêsia, hoạt động trì trệ một thời gian dài do thiếu hàng hoá và do không được quan tâm đúng mức, TTCK Philippine kém hiệu quả do thiếu sự chỉ đạo và quản lý thống nhất hoạt động của 2 Sở giao dịch chứng khoán Makita và Manila, TTCK Balan, Hungari gặp trục trặc do việc chỉ đạo giá cả quá cao hoặc quá thấp, …
- Các bước thăng trầm của thị trường
Lịch sử phát triển các TTCK Thế giới trải qua một sự phát triển thăng trầm lúc lên, lúc xuống
Vào những năm 1875-1913, TTCK Thế giới phát triển huy hoàng cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế Thế giới lúc đó.
“Ngày thứ năm đen tối ” tức ngày 29/10/1929 đã làm cho TTCK Tây, Bắc Âu và Nhật Bản khủng hoảng mất lòng tin.
Kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, các TTCK cũng hồi phục dần và phát triển mạnh
Năm 1987, cuộc khủng hoảng trên TTCK do hệ thống thanh toán kém cỏi không đảm đương được yêu cầu của giao dịch, sụt giá chứng khoán ghê gớm, mất lòng tin và phản ứng dây chuyền mà hậu quả của nó còn nặng hơn cuộc khủng hoảng năm 1929.
Cho đến nay, phần lớn các nước trên Thế giới đã có khoảng trên 160 Sở giao dịch chứng khoán phân tán khắp các châu lục bao gồm cả các nước trong khu vực Đông nam Á phát triển vào những năm 1960 -1970 và ở các nước Đông Âu như Balan, Hunggari, Séc, Nga, và Châu Á như Trung quốc vào những năm 1980 - đầu năm 1990.
Có thể nói, TTCK là một định chế tài chính không thể thiếu được trong đời sống kinh tế của những nước theo cơ chế thị trường và nhất là những nước đang phát triển đang cần thu hút luồng vốn lớn dài hạn cho nền kinh tế quốc dân.
Kết luận
1453: Hình thành thị trường giao dịch
1547: Đánh dấu sự phát triển của thị trường (Bỉ, Anh, Pháp, Đức)
Sự hình thành và phát triển của thị trường phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế- xã hội:
Thế kỉ 15: Đây là thời kì tích lũy nguyên thủy của chủ nghĩa tư bản (phương thức sản xuất phong kiến đang tan ra, phát sinh phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa)
- Những cuộc phát kiến địa lý tìm ra các vùng đất mới, đặc biệt là việc tìm ra châu Mỹ làm phát triển mạnh mẽ thương nghiệp: chuyển hàng hóa tới các vùng đất mới, đồng thời chuyển vàng về châu Âu. Điều đó dẫn đến 2 kết quả quan trọng:
Thứ nhất, Ngành hàng hải và thương nghiệp đường biển rất phát triển. Do đó, các thành thị ven biển hoạt động rất sầm uất, hàng hóa được giao dịch với khối lượng lớn, từ đó dẫn đến sự phát triển của thị trường tài chính và tiếp theo là sự hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán.
Thứ 2, nhờ tìm ra các thị trường mới, yêu cầu về sản xuất hàng hóa để vận chuyển sang các thị trường này đã thúc đẩy các thị trường hàng hóa phát triển, kéo theo sự phát triển ngày càng phức tạp của các quan hệ liên quan đến tiền tệ. Đó là cơ sở cho sự ra đời và phát triển của TTCK sau này.
Thế kỉ 18: Chủ nghĩa tư bản đã hoàn toàn thay thế xã hội phong kiến. Cách mạng khoa học kĩ thuật tạo ra máy móc kĩ thuật phát triển -> năng suất lao động tăng cao -> sự phát triển của nền sản xuất -> Yêu cầu về vốn -> Sự phát triển của thị trường tài chính, trong đó có sự phát triển của TTCK.
TTCK thế giới đã có những bước phát triển thăng trầm, lịch sử đã ghi nhận 2 đợt khủng hoảng lớn khi mà TTCK ở Mỹ, tây Âu và bắc Âu, Nhật bị sụp đổ vào ngày thứ 5 đen tối (29/10/1929) và ngày thứ 2 đen tối (19/10/1987).
Do ảnh hưởng to lớn của TTCK đến nền kinh tế nên đây là thị trường được quản lý chặt chẽ nhất.
1.3. Bản chất và đặc điểm của thị trường chứng khoán
1.3.1. Bản chất thị trường chứng khoán
Hình thức: TTCK là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi, mua bán, chuyển nhượng các loại chứng khoán, qua đó thay đổi các chủ thể nắm giữ chứng khoán.
Bản chất: Là một bộ phận quan trọng của thị trường tài chính, TTCK là kênh dẫn vốn trực tiếp từ người tiết kiệm (người cho vay) đến những người tiêu dùng (người đi vay). Trong điều kiện của nền kinh tế hiện đại, TTCK được quan niệm là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán các chứng khoán trung và dài hạn.
Như vậy, các giao dịch chứng khoán diễn ra trên TTCK thể hiện mối quan hệ giữa cung và cầu về vốn đầu tư. Từ đó, nhà đầu tư cũng như các công ty sử dụng vốn đầu tư sẽ xác định được giá cả của vốn đầu tư. Vốn đầu tư sẽ được đưa đến nơi nào sử dụng hiệu quả nhất, do đó sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế của toàn xã hội.
TTCK là thị trường phát triển bậc cao của nền kinh tế thị trường.
1.3.2. Đặc điểm của thị trường chứng khoán
- Quan hệ tài trợ trực tiếp giữa người đầu tư mua chứng khoán và người sử dụng vốn (phát hành CK). TTCK là kênh dẫn vốn trực tiếp- bộ phận quan trọng của thị trường tài chính.
- Các tổ chức trung gian đóng vai trò hỗ trợ phát hành và giao dịch mua/bán CK
- Chứa đựng yếu tố đầu cơ, lan truyền rủi ro cao, rút vốn ồ ạt.
1.4. Chức năng, vai trò và những mặt hạn chế của thị trường chứng khoán
1.4.1. Chức năng của thị trường chứng khoán
- Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế- Chức năng kinh tế cơ bản của TTCK
Lý do: TTCK đã có những tác động quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Từ những nguồn vốn nhàn rỗi, thông qua các giao dịch mua- bán trên TTCK sẽ trở thành những nguồn vốn được sử dụng nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất có thể.
Thông qua TTCK, vốn nhàn rỗi từ trong dân cư, các công ty đang có vốn nhàn rỗi tạm thời, chính phủ cũng như người nước ngoài sẽ được đưa tới những người đang thiếu vốn: các công ty đang cần vốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, chính phủ đang cần vốn đầu tư vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng…
Như vậy, có thể thấy, từ chức năng huy động vốn, TTCK đã làm tăng hiệu quả kinh tế của toàn xã hội.
- Cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng
Trước hết, TTCK là thị trường mà hàng hóa là các loại chứng khoán, người tham gia vào thị trường này là các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư không bị hạn chế khi tiếp cận với TTCK (Hạn chế ở đây muốn nói là về cơ chế hoạt động của thị trường, không phải từ bản thân nhà đầu tư).
TTCK hoạt động với các nguyên tắc đã được ấn định trước. Những nguyên tắc này được áp dụng một cách nghiêm ngặt đối với tất cả các nhà đầu tư. Như vậy, đảm bảo được tính công bằng, minh bạch đối với tất cả các nhà đầu tư.
Hàng hóa trên TTCK: đa dạng về tính chất cũng như mức độ rủi ro (mỗi loại chứng khoán khác nhau có mức rủi ro khác nhau)… vì vậy nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn.
- Tạo môi trường giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô
+ Thực hiện chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ có 3 công cụ chính: Nghiệp vụ thị trường mở, lãi suất chiết khấu và dự trữ bắt buộc. Mục tiêu của chính sách tiền tệ là kiểm soát lượng cung tiền. Trong đó, hoạt động nghiệp vụ thị trường mở và thay đổi lãi suất chiết khấu có tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến hoạt động của TTCK. Tác động này được trình bày:
(Không xét cụ thể tác động của các hoạt động này đến lượng cung tiền cụ thể, chỉ xét tác động của nó lên TTCK)
Một là, Nghiệp vụ thị trường mở: để thực hiện được mục tiêu kiểm soát lượng cung tiền, chính phủ (cụ thể hơn là ngân hàng trung ương) sẽ thực hiện mua- bán các chứng khoán trên TTCK. Cơ chế tác động như sau:
Khi muốn giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế, chính phủ sẽ thực hiện bán các chứng khoán do mình nắm giữ (các chứng khoán này có thể bao gồm cả trái phiếu chính phủ mới phát hành). Khi thực hiện giao dịch bán này, 1 lượng chứng khoán sẽ được đưa vào thị trường và chính phủ sẽ thu về được 1 lượng tiền tương ứng với lượng chứng khoán bán ra. Lượng cung chứng khoán tăng lên, từ đó sẽ dẫn đến sự thay đổi giá chứng khoán (giảm giá). Như vậy, mục tiêu giảm cung tiền của chính phủ đã đạt được (thu về được 1 lượng tiền) và TTCK đã bị ảnh hưởng.
Khi muốn tăng cung tiền, cơ chế tác động cũng tương tự
Hai là: Lãi suất chiết khấu
Lãi suất chiết khấu được coi là lãi suất cơ sở để các tổ chức tín dụng cũng như các nhà đầu tư tham khảo khi đưa ra các quyết định tài chính
Thay đổi lãi suất chiết khấu không tác động trực tiếp đến lượng cung chứng khoán trên TTCK nhưng nó có các tác động sau:
Khi tăng lãi suất chiết khấu, điều đó hàm ý rằng, chính phủ muốn thắt chặt tiền tệ, thu hẹp hoạt động của nền kinh tế (trong trường hợp nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh). Việc tăng lãi suất chiết khấu sẽ làm tăng lãi suất trên thị trường, dẫn đến sự tăng lên của lợi nhuận kì vọng của các nhà đầu tư. Trong điều kiện như vậy, việc các công ty muốn huy động vốn từ ngân hàng hoặc từ TTCK để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh là điều khó khăn.
Khi giảm lãi suất chiết khấu, cơ chế tác động tương tự
+ Vấn đề ngân sách
Thông qua phát hành trái phiếu chính phủ, chính phủ có thể tài trợ cho thâm hụt ngân sách hoặc tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn…
Như vậy, có thể thấy: Các hoạt động của chính phủ đều có tác động đến TTCK, thông qua TTCK, các hoạt động ấy phát huy tác dụng.
1.4.2. Vai trò của thị trường chứng khoán
- Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán
Khái niệm về tính thanh khoản
Tính thanh khoản của một tài sản nói chung là khả năng chuyển đổi tài sản đó ra tiền mặt với chi phí giao dịch và thời gian ít nhất mà không làm giảm giá trị thị trường của tài sản đó.
Tính thanh khoản của chứng khoán cũng được hiểu tương tự như vậy
Ý nghĩa của tính thanh khoản
Đây là yếu tố cho thấy tính linh hoạt, an toàn của vốn đầu tư. Tính thanh khoản của chứng khoán là 1 trong những yếu tố cấu thành nên giá chứng khoán.
TTCK hoạt động càng năng động và có hiệu quả thì càng có khả năng nâng cao tính thanh khoản của các chứng khoán giao dịch trên thị trường.
- Đánh giá hoạt động của công ty
Cơ sở xác định giá chứng khoán: Kết quả hoạt động của công ty
Khi giá chứng khoán của công ty A cao hơn của công ty B hoạt động trong cùng 1 lĩnh vực, cùng 1 quy mô. Điều đó có thể cho thấy công ty A được đánh giá là hoạt động hiệu quả hơn công ty B.
Như vây, thông qua giá chứng khoán, hoạt động của doanh nghiệp được phản ánh một cách tổng hợp và chính xác, giúp cho việc đánh giá và so sánh hoạt động của các doanh nghiệp được nhanh chóng thuận tiện, từ đó cũng tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, kích thích áp dụng công nghệ mới, cải tiến sản phẩm.
- Hỗ trợ và thúc đẩy các công ty cổ phần ra đời
TTCK hỗ trợ chương trình cổ phần hóa cũng như việc thành lập và phát triển các công ty cổ phần qua việc quảng bá thông tin, định giá doanh nghiệp, bảo lãnh phát hành, phân phối chứng khoán một cách nhanh chóng, tạo tính thanh khoản cho chứng khoán và như thế thu hút được nhà đầu tư đến góp vốn vào công ty cổ phần
Ngược lại, chính sự phát triển của mô hình công ty cổ phần đã làm phong phú và đa dạng các loại hàng hóa trên TTCK, thúc đẩy sự phát triển của TTCK
1.4.3. Những mặt hạn chế của thị trường chứng khoán
Ngoài những tác động tích cực kể trên, TTCK cũng có những mặt hạn chế nhất định.
- Hạn chế về mặt thông tin
Trong 1 TTCK hoạt động hiệu quả về mặt thông tin, giá chứng khoán sẽ phản ánh đầy đủ, tức thời tất cả các thông tin liên quan đến chứng khoán đó. Tuy nhiên, do có sự khác nhau về trình độ phát triển cũng như cơ chế quản lý của các TTCK khác nhau nên mức độ hiệu quả của thông tin là khác nhau.
Trên các TTCK chứng khoán mới nổi, hệ thống công bố thông tin cũng như chất lượng của thông tin chưa được quản lý 1 cách chặt chẽ và chưa theo một chuẩn mực nhất định dẫn đến hiện tượng thông tin không cân xứng. Vì vậy, thông tin được chuyển đến nhà đầu tư là không đầy đủ và không giống nhau dẫn đến sự đánh giá sai lệch về giá chứng khoán.
Giải thích từ ngữ
Thông tin không cân xứng: Trong các giao dịch diễn ra trên thị trường tài chính nói chung cũng như TTCK nói riêng, một bên thường không biết tất cả những gì mà họ cần biết về bên kia để có những quyết định đúng đắn. Sự không cân bằng về thông tin mà mỗi bên có được gọi là thông tin không cân xứng. Vấn đề thông tin không cân xứng ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động của các thị trường.
Ví dụ: Một người vay một món tiền thường có thông tin tốt hơn về lợi tức tiềm ẩn và rủi ro kèm theo với dự án đầu tư mà người này có dự định tiến hành so với người cho vay. Tương tự như vậy, trên TTCK, người phát hành chứng khoán sẽ biết chính xác hơn về chất lượng của loại chứng khoán được phát hành so với những người mua chứng khoán.
Hiệu quả về mặt thông tin: 1 thị trường được coi là hiệu quả về mặt thông tin nếu thị giá hiện hành của chứng khoán phản ánh đầy đủ và tức thời tất cả các thông tin có ảnh hưởng tới thị trường.
- Hạn chế về hoạt động
Từ những hạn chế về mặt thông tin sẽ dẫn đến những hạn chế về mặt hoạt động của TTCK. Hiện tượng đầu cơ, xung đột quyền lực làm thiệt hại cho quyền lợi của các cổ đông thiểu số, việc mua bán nội gián, thao túng thị trường làm nản lòng các nhà đầu tư nghiêm túc và như vậy sẽ tác động tiêu cực tới việc đầu tư chứng khoán nói chung.
Giải thích từ ngữ
Đầu cơ: Trong lĩnh vực tài chính, đầu cơ là việc mua, bán, nắm giữ, bán khống các loại tài sản tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hoá, tiền tệ, bất động sản, chứng khoán phái sinh nhằm thu lợi từ sự biến động giá mạnh của chúng. Vì hoạt động đầu cơ áp dụng với các loại tài sản tài chính biến động như vậy cho nên đầu cơ là một kiểu kinh doanh có rủi ro rất cao. Ngược lại với đầu cơ là việc mua và nắm giữ các tài sản tài chính để tăng thu nhập thông qua cổ tức hoặc lãi suất, hay còn gọi là đầu tư.
Lợi ích của hoạt động đầu cơ là nó cung cấp cho thị trường một lượng vốn lớn, làm tăng tính thanh khoản cho thị trường và làm cho cho các nhà đầu tư khác dễ dàng sử dung các nghiệp vụ như phòng vệ hay kinh doanh chênh lệch giá để loại trừ rủi ro. Tuy nhiên đầu cơ cũng gây ra những tác động tiêu cực. Khi có hoạt động đầu cơ giá lên diễn ra, giá của một loại hàng hoá nhất định có thể tăng đột ngột vượt quá giá trị thực của nó, đơn giản vì việc đầu cơ đã làm gia tăng cái gọi là "cầu ảo". Giá tăng lại tiếp tục làm các nhà kinh doanh khác nhảy vào thị trường này với hi vọng giá sẽ còn lên nữa. Hiệu ứng tâm lý này tiếp tục đẩy giá lên, làm cho thị trường này trở nên rất nóng và ẩn chứa rủi ro cao. Toàn bộ quá trình này được gọi là "bong bóng kinh tế", một khi trái bong bóng này bị chọc thủng thì các nhà đầu cơ trên thị trường này có thể gặp những tổn thất vô cùng nặng nề.
* Khắc phục hạn chế
Để hạn chế các mặt tiêu cực này, Luật chứng khoán và TTCK, các điều lệ của Sở giao dịch CK, điều lệ của các Công ty môi giới CK... cần phải đề ra những quy phạm pháp lý chặt chẽ nhằm ngăn chặn hành vi tiêu cực giúp cho TTCK hoạt động có hiệu quả.
1.5. Cấu trúc của thị trường chứng khoán
Có thể căn cứ vào sự luân chuyên vốn hoặc sự căn cứ vào hàng hóa trên thị trường mà có thể chia TTCK thành thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp hoặc thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu, thị trường các công cụ chứng khoán phái sinh
1.5.1. Căn cứ vào sự luân chuyển các nguồn vốn
TTCK được chia thành thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp
- Thị trường sơ cấp
Khái niệm: Thị trường sơ cấp là thị trường mua bán các chứng khoán mới phát hành. Trên thị trường này, vốn từ nhà đầu tư sẽ được chuyển sang nhà phát hành thông qua việc nhà đầu tư mua các chứng khoán mới phát hành.
Vai trò của thị trường sơ cấp
+ Thông qua phát hành chứng khoán, công ty sẽ huy động được vốn
+ Các nguồn lực nhàn rỗi trong nền kinh tế sẽ được sử dụng hiệu quả hơn
Đặc điểm của thị trường sơ cấp
+ Thị trường sơ cấp là nơi duy nhất mà các chứng khoán đem lại vốn cho người phát hành.
+ Những người bán trên thị trường sơ cấp được xác định thường là kho bạc, ngân hàng nhà nước, công ty phát hành, tập đoàn bảo lãnh phát hành…
- Thị trường thứ cấp
Khái niệm: Thị trường thứ cấp là nơi giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp. Thị trường thứ cấp đảm bảo tính thanh khoản cho các chứng khoán đã phát hành.
Đặc điểm của thị trường thứ cấp
+ Các giao dịch chứng khoán diễn ra giữa các nhà đầu tư, như vậy, tiền sẽ vận chuyển giữa những người đầu tư chứng khoán trên thị trường
+ Giao dịch trên thị trường thứ cấp phản ánh nguyên tắc cạnh tranh tự do, giá chứng khoán trên thị trường thứ cấp do cung và cầu quyết định.
+ Thị trường thứ cấp là thị trường hoạt động liên tục, các nhà đầu tư có thể mua và bán các chứng khoán nhiều lần trên thị trường thứ cấp.
* Thị trường thứ cấp có thể được tổ chức theo 2 cách
- Thứ nhất là tổ chức thành các sở giao dịch, ở đó người mua và người bán gặp nhau tại 1 vị trí tập trung để tiến hành mua bán.
- Thứ hai là tổ chức một thị trường trao tay, trong đó các nhà buôn chứng khoán tại các địa điểm khác nhau có một danh mục chứng khoán và đứng ra mua và bán chứng khoán theo kiểu mua bán thẳng cho bất kì ai đến với họ và có ý định chấp nhận giá của họ. Do các nhà buôn bán thẳng có tiếp xúc với nhau qua hệ thống mạng thông tin điện tử nên họ biết các giá mà người này đưa ra cho người kia, thị trường có tính cạnh tranh cao và không khác nhiều so với thị trường tập trung.
Sơ đồ cấu trúc của thị trường chứng khoán
1.5.2. Căn cứ vào hàng hóa trên thị trường
TTCK được phân làm các thị trường: thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường các công cụ chứng khoán phái sinh
Thị trường cổ phiếu: Thị trường giao dịch, mua bán các loại cổ phiếu, bao gồm cổ phiếu thường và cổ phiếu ưu đãi
Thị trường trái phiếu: Thị trường giao dịch, mua bán các loại trái phiếu đã được phát hành, các trái phiếu này bao gồm các trái phiếu công ty, trái phiếu đô thị và trái phiếu chính phủ. Việc vay vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu ngày càng trở nên phổ biến ở các quốc gia. Do đó, thị trường trái phiếu ngày càng lớn về quy mô và hoạt động ngày càng sôi động.
Thị trường các công cụ chứng khoán phái sinh: Cùng với sự phát triển của TTCK, các công cụ lưu thông trên TTCK ngày càng phát triển về số lượng và đa dạng về chủng loại. Bên cạnh các giao dịch truyền thống về cổ phiếu và trái phiếu, các giao dịch mua bán chứng từ tài chính khác như: quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai… đã xuất hiện và ngày càng phát triển. Các chứng từ tài chính này được ra đời từ các giao dịch chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) và được quyền chuyển đổi sang các chứng khoán qua hành vi mua bán theo những điều kiện nhất định. Do đó, người ta gọi đó là các chứng từ có nguồn gốc chứng khoán, hay các chứng khoán phái sinh. Đây là thị trường cao cấp chuyên giao dịch những công cụ tài chính cao cấp, do đó thị trường này chỉ xuất hiện ở những nước có TTCK phát triển mạnh
* Cấu trúc của TTCK Việt Nam
Mô tả
Hiện tại, TTCK Việt Nam chưa có 1 thị trường OTC đúng nghĩa
Thị trường UPCOM là thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết.
(Công ty đại chúng theo quy định của pháp luật Việt Nam là công ty:
- Công ty đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng;
- Công ty có cổ phiếu được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán hoặc Trung tâm giao dịch chứng khoán;
- Công ty có cổ phiếu được ít nhất một trăm nhà đầu tư sở hữu, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và có vốn điều lệ đã góp từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên)
Đến nay (tháng 6/2009) đã có 963 tập đoàn, công ty và ngân hàng đăng ký là Công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và mới chỉ có 361 công ty chính thức niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên TTCK. Hơn 3.600 công ty còn lại hiện đang giao dịch cổ phiếu trên thị trường tự do với việc trao đổi, mua/bán cổ phiếu chưa chịu sự điều chỉnh bởi những quy định pháp lý.
Việc quản lý và tạo môi trường thuận lợi cho việc mua/bán, chuyển nhượng chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết và các loại hình doanh nghiệp được phép chuyển nhượng chứng khoán khác là vô cùng cần thiết.
Như vậy, có thể thấy, UPCoM là thị trường được tổ chức theo định hướng là thị trường OTC.
1.6. Thị trường chứng khoán trên thế giới và Việt Nam
1.6.1. Thị trường chứng khoán trên thế giới
Các thị trường cổ phiếu lớn trên thế giới:
Tên thị trường
Thành lập
Quốc gia
Cơ quan quản lý
Dung lượng vốn thị trường (1)
Số loại chứng khoán được giao dịch (2)
NYSE
1792
Mỹ
SEC
$10,1 nghìn tỷ
3656
LSE
1773
Anh
SFA
$2,4 nghìn tỷ
2997
TSE
1949
Nhật
MoF
$2,3 nghìn tỷ
1802
NASDAQ
1971
Mỹ
SEC
$2 nghìn tỷ
6259
HKSE
1891
Hồng Kông
Tự quản
$410 tỷ
1592
SSE
1973
Singapo
Tự quản
$170 tỷ
357
Trong đó:
NYSE: New York Stock Exchange- Sở giao dịch chứng khoán New York.
LSE: London Stock Exchange- Sở giao dịch chứng khoán London
TSE: Tokyo Stock Exchange- Sở giao dịch chứng khoán Tokyo
NASDAQ: National Association of Securities Dealers Automatic Quotation- Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán và hệ thống báo giá tự động.
HKSE: Hongkong Stock Exchange- Sở giao dịch chứng khoán Hongkong
SSE: Singapore Stock Exchange- Sở giao dịch chứng khoán Singapore
(1) Đối với NYSE, LSE, TSE, NASDAQ, số liệu về dung lượng vốn thị trường nội địa được tính đến 31- 3- 1998; đối với các thị trường khác, tổng dung lượng vốn thị trường được tính đến năm 1997
(2) Tổng số các loại chứng khoán được niêm yết tính đến năm 1997.
Một số TTCK trên thế giới
* TTCK Mỹ
TTCK Mỹ có lịch sử phát triển lâu dài và đã đạt đến trình độ cao về mọi mặt. Mô hình TTCK Mỹ đã được nhiều nước học tập, áp dụng và sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng nước. TTCK Mỹ hiện nay là một thị trường quan trọng bậc nhất trên thế giới nếu xét trên tổng thể khối lượng tư bản giao dịch và sự ảnh hưởng to lớn của nó đối với các TTCK khác
Thời điểm đánh dấu sự ra đời TTCK Mỹ là 17 tháng 05 năm 1792 khi một số nhà môi giới công bố thoả thuận cuả họ sau khi nhóm họp dưới gốc cây ngô đồng ở số 86 phố Uôn (gọi là Hiệp ước cây ngô đồng) và đến năm 1800 đánh dấu sự ra đời Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) đầu tiên, tiếp đó là hàng loạt các SGDCK được hình thành trên khắp nước Mỹ. Điều đáng chú ý là 2/3 nghiệp vụ giao dịch chứng khoán ở Mỹ được thực hiện trên thị trường phi tập trung, đặc biệt là đối với các hàng hoá là trái phiếu chính phủ.
Các sở giao dịch chứng khoán lớn tại Mỹ
- Sở giao dịch Chứng khoán NewYork (NYSE) là Sở giao dịch lớn nhất và lâu đời nhất nước Mỹ. TTCK này của Mỹ còn được gọi là thị trường phố Wall - nơi phôi thai những giao dịch đầu tiên của nước Mỹ kể từ năm 1864 và hiện là trung tâm giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới, quản lý tới hơn 80% các giao dịch chứng khoán của Mỹ và kể từ năm 1962 đã trở thành thị trường chứng khoán quốc gia.
- Sở giao dịch chứng khoán Mỹ (American Stock Exchange - AMEX) là thị trường chứng khoán tập trung lớn thứ 2 ở Mỹ và hiện nay có khoảng 1/5 số chứng khoán của Mỹ được mua bán trên thị trường này. Cũng tương tự như Sở giao dịch chứng khoán NewYork, AMEX hoạt động theo hệ thống đấu giá mở và các chuyên gia trên thị trường đóng vai trò quan trọng. Hiện nay thành viên của Sở là 661 thành viên.
Thị trường OTC
Bên cạnh các TTCK tập trung là các Sở giao dịch (hiện có khoảng 14 Sở GDCK khác nhau), tại Mỹ còn có thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC) rất phát triển đó là Nasdaq.
Thị trường OTC qua mạng máy tính Nasdaq được thành lập từ năm 1971, là bộ phận lớn nhất của thị trường thứ cấp Mỹ xét về số lượng chứng khoán giao dịch trên thị trường với trên 15000 chứng khoán, lớn hơn rất nhiều so với số lượng chứng khoán giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung NYSE. Chứng khoán giao dịch trên thị trường này chiếm đa số là của các công ty thuộc ngành công nghệ thông tin và các công ty vừa và nhỏ.
Thị truờng được vận hành bởi một hệ thống các nhà tạo lập thị trường và các nhà môi giới, có khoảng 600 nhà tạo lập thị trường hoạt động tích cực trên Nasdaq và trung bình mỗi nhà tạo lập thị trường đảm nhận 8 loại cổ phiếu. Thị trường Nasdaq chịu sự quản lý 2 cấp của Uỷ ban chứng khoán Mỹ (SEC) và Hiệp hội các nhà giao dịch chứng khoán quốc gia Mỹ (NASD) quản lý trực tiếp. Thị trướng Nasdaq hiện nay đã được nối mạng toàn cầu với nhiều thị trường OTC khác trên thế giới.
Kết luận
TTCK Mĩ là xương sườn của kinh tế tự do và là động cơ phát triển chính của kinh tế Hoa Kỳ.
- Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ phát triển một cách tự phát và tự nhiên vì nhu cầu trao đổi buôn bán.
- Các thể chế và luật pháp được đạt ra nhằm bảo đảm một một sự trong sáng và công bằng trong dịch vụ buôn bán cổ phiếu
* Thị trường chứng khoán Nhật Bản
TTCK Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn dài hạn cho Chính phủ và các công ty. Nói đến TTCK Nhật Bản trước hết phải kể đến Sở giao dịch chứng khoán Tokyô (Tokyo Stock Exchange - TSE) bởi vì Sở giao dịch chứng khoán Tokyo ra đời sớm nhất, là thị trường lớn nhất tại Nhật Bản về số lượng chứng khoán lưu hành cũng như về doanh thu.
Sở giao dịch chứng khoán Tokyo được hình thành cùng thời điểm với Sở giao dịch chứng khoán Osaka vào cuối năm 1878. Những năm 1943 - 1945, Sở giao dịch này bị đóng cửa do ảnh hưởng của chiến tranh thế giới lần thứ ll. Năm 1948, Luật chứng khoán và giao dịch chứng khoán được ban hành và Sở giao dịch chứng khoán Tokyo được mở cửa hoạt động trở lại vào năm 1949. Từ đó đến nay qua nhiều lần cải cách và đổi mới, Sở giao dịch chứng khoán Tokyo ngày càng phát triển, trở thành định chế tài chính quan trọng trong hệ thống kinh tế của Nhật Bản. Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) là sở giao dịch lớn thứ hai trên thế giới về doanh số bán, chỉ sau NYSE.
Bên cạnh các Sở giao dịch chứng khoán, tại Nhật Bản còn có các TTCK phi tập trung, tiêu biểu có hai thị trường OTC cùng hoạt động đồng thời, đó là thị trường Jasdaq và thị trường J-net.
Thị trường Jasdaq, hoạt động từ năm 1991 trên cơ sở phát triển thị trường OTC truyền thống hoạt động từ tháng 2/1963 do Hiệp hội các nhà kinh doanh chứng khoán Nhật Bản (JSDA) quản lý. Luật chứng khoán sửa đổi năm 1983 đã đưa thị trường OTC này vào quỹ đạo quản lý của Nhà nước, cơ chế thương lượng giá tay đôi giữa các công ty chứng khoán và giữa công ty chứng khoán với khách hàng được đổi sang cơ chế đấu giá tập trung qua hệ thống các nhà tạo lập thị trường. Hiện nay trên thị trường Jasdaq, có 449 công ty làm vai trò tạo lập thị trường.
Thị trường J-net mới được đưa vào hoạt động từ tháng 5 năm 2000, chịu sự quản lý trực tiếp của Sở giao dịch chứng khoán Osaka (OSE), được tổ chức dành cho các chứng khoán không được niêm yết trên sở giao dịch nhằm đáp ứng yêu cầu thời gian và chi phí cho các đối tượng tham gia thị trường, hoạt động theo phương thức thương lượng giá. Thành viên của OSE, người đầu tư và trung tâm quản lý được trực tiếp nối mạng với nhau thông qua một mạng điện tử đa tầng, tạo điều kiện cho các đối tượng này có thể chia sẻ thông tin thị trường.
1.6.2. Thị trường chứng khoán Việt Nam
Nguyên nhân hình thành và phát triển của TTCK Việt Nam
Thứ nhất: Vào những năm 1995-1996 sau gần 1 thập niên đổi mới, kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên với mô hình doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp nhà nước rơi vào tình trạng thua lỗ cần phải sắp xếp đổi mới. Trước yêu cầu phát triển kinh tế, chủ trương cổ phần hóa đã được đưa ra với nội dung chủ yếu là chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần. Từ đó, ý tưởng thành lập 1 thị trường chứng khoán sẽ tạo môi trường thuận lợi giúp cho quá trình cổ phần hóa diễn ra nhanh hơn.
Thứ 2, kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này cần rất nhiều vốn để phát triển: Vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn cho việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh… Chỉ 1 kênh huy động vốn truyền thống là thông qua hệ thống ngân hàng là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu vốn lớn như vậy. (hơn nữa, trong giai đoạn này, hệ thống ngân hàng vừa trải qua khủng hoảng 1989-1990, người dân đã mất niềm tin vào ngân hàng. Các ngân hàng trong giai đoạn này chưa phải là 1 kênh dẫn vốn hiệu quả)
Như vậy, TTCK Việt Nam hình thành nhằm 2 mục đích chính: Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thêm một kênh dẫn vốn mới cho nền kinh tế.
Sự ra đời của TTCK Việt Nam được đánh dấu bằng việc đưa vào vận hành Trung tâm Giao dịch Chứng khoán (TTGDCK) tại TP.HCM ngày 20/07/2000, và thực hiện phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/07/2000.
Sơ lược về quá trình hình thành và phát triển TTCK Việt Nam
Thời gian
Sự kiện
1993
Thành lập Ban Nghiên cứu xây dựng và phát triển thị trường vốn thuộc Ngân hàng Nhà nước
1994
Chính phủ quyết định thành lập Ban soạn thảo Pháp lệnh về chứng khoán và TTCK
1995
Thành lập Ban Chuẩn bị tổ chức TTCK giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xây dựng TTCK ở Việt Nam với các nhiệm vụ chính: Soạn thảo các văn bản pháp luật về chứng khoán và TTCK; Soạn thảo Nghị định của Chính phủ về thành lập Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước; Chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, quản lý thị trường, kinh doanh về chứng khoán; Hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế trong việc tổ chức TTCK ở Việt Nam
1996
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập
2000
Chính thức khai trương Trung tâm giao dịch chứng khoán Tp.HCM
2001
UBCKNN trở thành thành viên chính thức của “Tổ chức Quốc tế các UBCK”. Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Việt Nam
2003
Thành lập Hiệp hội các tổ chức kinh doanh chứng khoán Việt Nam Thủ Tướng phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam Chính Phủ ban hành Nghị định số 144/2003/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK
2004
Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2004/NĐ-CP chuyển Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước vào Bộ Tài chính.
Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 58/2004/TT-BTC hướng dẫn về thành viên giao dịch và giao dịch chứng khoán.
2005
Khai trương sàn giao dịch chứng khoán thứ cấp tại Hà Nội
2006
Ban hành và áp dụng Luật Chứng Khoán số 70/2006/QH11 được Quốc
Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp khoá 9
Thông qua. Đây là văn bản pháp luật cao nhất về chứng khoán và TTCK
2007
Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng Khoán
Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 38/2007/TT-BTC hướng dẫn về
việc công bố thông tin trên TTCK.
Trung tâm giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi
thành Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh với mô hình tổ chức là Công ty TNHH một thành viên.
Áp dụng khớp lệnh liên tục trên cả hai sàn giao dịch Chứng khoán.
CHƯƠNG 2. HÀNG HÓA TRÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
2.1. Khái quát chung về hàng hóa trên thị trường chứng khoán
Hàng hóa trên TTCK là các loại chứng khoán khác nhau. TTCK càng phát triển, số lượng các loại chứng khoán càng đa dạng, phong phú.
2.1.1. Các đặc điểm quan trọng của chứng khoán
Chứng khoán là một loại tài sản tài chính có các đặc điểm sau:
Tính thanh khoản hay còn gọi là tính lỏng của một tài sản là khả năng chuyển thành tiền mặt của tài sản đó. Khả năng này cao hay thấp phụ thuộc vào thời gian, phí chuyển đổi và rủi ro của việc giảm sút giá trị do chuyển đổi.
Chứng khoán được coi là một loại tài sản có tính lỏng cao do có thể dễ dàng chuyển nhượng trên thị trường, đặc biệt khi có sự ra đời và phát triển của TTCK. Mỗi loại chứng khoán khác nhau sẽ có tính lỏng khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố: chủ thể phát hành, tính chất của chứng khoán, và thời gian đáo hạn của chứng khoán.
Tính rủi ro: Chứng khoán là loại tài sản tài chính mà giá trị của nó phụ thuộc rất nhiều vào rủi ro, bao gồm rủi ro hệ thống và rủi ro phi hệ thống.
Rủi ro hệ thống là rủi ro tác động lên hầu hết tất cả các loại tài sản và nó thường là hệ quả của những thay đổi vĩ mô của nền kinh tế như: lạm phát, sự thay đổi tỷ giá hối đoái, lãi suất…
Rủi ro phi hệ thống là loại rủi ro chỉ tác động lên một hoặc một nhóm nhỏ các tài sản. Thông thường rủi ro phi hệ thống liên quan đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà phát hành.
Nhà đầu tư có thể triệt tiêu hoặc giảm bớt rủi ro phi hệ thống bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư nhưng không thể triệt tiêu hoặc giảm bớt rủi ro phi hệ thống bẳng đa dạng hóa.
Tính sinh lời: Chứng khoán là loại tài sản tài chính mà khi nắm giữ nó, nhà đầu tư mong muốn nhận được một khoản thu nhập lớn hơn trong tương lai. Thu nhập này bao gồm: khoản lợi tức nhận được hàng năm và sự tăng giá của chứng khoán.
Mối quan hệ giữa tính sinh lời và rủi ro của chứng khoán: Tính sinh lời và tính rủi ro của chứng khoán là hai tính chất có mối quan hệ mật thiết với nhau: “Chứng khoán có độ rủi ro càng cao thì lợi nhuận kì vọng càng lớn”. Do đó, các nhà đầu tư thường quan tâm tới việc xem xét, đánh giá các rủi ro liên quan để từ đó quyết định tới việc mua hay bán chứng khoán – nhà đầu tư sẽ không chịu rủi ro tăng thêm trừ khi họ kì vọng sẽ được bù đắp bằng lợi tức tăng thêm.
2.1.2. Phân loại chứng khoán
Có nhiều cách phân loại chứng khoán khác nhau, nhưng các cách phân loại phổ biến nhất là: theo tính chất của chứng khoán, theo khả năng chuyển nhượng và theo khả năng thu nhập.
- Phân loại theo tính chất của chứng khoán (nội dung kinh tế của chứng khoán).
Chứng khoán được phân chia thành: chứng khoán vốn, chứng khoán nợ và các chứng khoán phái sinh.
Chứng khoán vốn
Khái niệm: Chứng khoán vốn là bằng chứng xác nhận sự góp vốn và quyền sở hữu đối với phần vốn góp cũng như các quyền khác đối với tổ chức phát hành.
Loại chứng khoán vốn điển hình mà các nhà phát hành lựa chọn đầu tiên để huy động vốn là cổ phiếu phổ thông.
Chứng khoán nợ
Khái niệm: Chứng khoán nợ là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ (cả gốc và lãi) của tổ chức phát hành đối với người sở hữu nó.
Loại chứng khoán nợ điển hình là các loại trái phiếu, tín phiếu.
Chứng khoán phái sinh
Khái niệm: Chứng khoán phái sinh là các công cụ tài chính có nguồn gốc từ chứng khoán và có mối quan hệ mật thiết với chứng khoán gốc.
Các loại chứng khoán phái sinh phổ biến là: quyền mua, chứng quyền, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn. Mức độ đa dạng của các loại chứng khoán phái sinh phụ thuộc vào nhu cầu giao dịch của người mua – người bán và sự phát triển của TTCK.
- Phân loại theo khả năng chuyển nhượng (hình thức của chứng khoán). Chứng khoán được phân chia thành: chứng khoán vô danh và chứng khoán ghi danh.
Chứng khoán vô danh
Khái niệm: Chứng khoán vô danh là loại chứng khoán không ghi tên chủ sở hữu.
Khả năng chuyển nhượng: Chứng khoán vô danh có thể được chuyển nhượng dễ dàng mà không cần có sự xác nhận của chủ thể phát hành hoặc cơ quan công chứng.
Chứng khoán ghi danh
Khái niệm: Chứng khoán ghi danh là loại chứng khoán ghi rõ các thông tin về chủ sở hữu của chứng khoán đó.
Khả năng chuyển nhượng: Khi muốn chuyển nhượng chứng khoán ghi danh, người sở hữu phải tuân theo những quy định pháp lý cụ thể và phải chứng minh được quyền sở hữu cũng như quyền chuyển nhượng chứng khoán.
- Phân loại theo khả năng thu nhập (lợi tức của chứng khoán). Chứng khoán được phân chia thành: chứng khoán có thu nhập cố định, chứng khoán có thu nhập biến đổi và chứng khoán hỗn hợp.
Chứng khoán có thu nhập cố định:
Khái niệm: Chứng khoán có thu nhập cố định là loại chứng khoán mà người sở hữu có quyền yêu cầu một khoản thu nhập cố định không phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của người phát hành.
Thông thường, việc phát hành chứng khoán có thu nhập cố định phải kèm theo những quy định pháp lý để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Khi phân tích chứng khoán có thu nhập cố định đề ra quyết định đầu tư, nhà đầu tư thường dựa vào 2 yếu tố: khả năng sinh lời và thời hạn của chứng khoán.
Các chứng khoán có thu nhập cố định điển hình là các loại trái phiếu, tín phiếu và cổ phiếu ưu đãi lợi tức.
Chứng khoán có thu nhập biến đổi
Khái niệm: Chứng khoán có thu nhập biến đổi là loại chứng khoán mà khoản lợi tức người sở hữu nó nhận được phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của chủ thể phát hành.
Điển hình của loại chứng khoán có thu nhập biến đổi là cổ phiếu phổ thông. Khoản cổ tức mà các cổ đông nhận được hàng năm hoặc thậm chí không được nhận sẽ được quyết định bởi Hội đồng quản trị.
Chứng khoán hỗn hợp
Khái niệm: Chứng khoán hỗn hợp là loại chứng khoán vừa mang tính chất của chứng khoán có thu nhập cố định, vừa mang tính chất của chứng khoán có thu nhập biến đổi. Chứng khoán hỗn hợp có những loại chủ yếu sau:
- Trái phiếu công ty có khả năng chuyển đổi: Loại trái phiếu này không chỉ đem lại một khoản thu nhập cố định mà còn đảm bảo cho người sở hữu quyền đổi cổ phiếu thành trái phiếu trong một thời hạn xác định với những điều kiện nhất định.
Giá trị quyền chuyển đổi phụ thuộc vào 2 yếu tố: điều kiện chuyển đổi và chất lượng cổ phiếu của công ty.
- Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu: Người nắm giữ trái phiếu có quyền mua cổ phiếu, ngoài khoản lợi tức cố định được nhận giống như trái phiếu thông thường còn có quyền mua một số lượng cổ phiếu nhất định với một tỷ lệ và thời hạn ưu đãi. Loại trái phiếu này có một “chứng chỉ quyền mua” tách riêng sau khi phát hành một thời gian và lưu thông độc lập trên thị trường chứng khoán.
- Trái phiếu có thu nhập bổ sung: loại chứng khoán này đảm bảo một khoản lợi tức cố định nhưng người sở hữu có thế nhận được một khoản thu nhập bổ sung tùy thuộc vào sự dao động cổ tức mà các cổ động nhận được.
2.2. Cổ phiếu
2.2.1. Khái niệm cổ phiếu
Cổ phiếu là bằng chứng xác nhận sự góp vốn vào công ty cổ phần.
Khi sở hữu cổ phiếu, nhà đầu tư trở thành người chủ sở hữu công ty và mức độ sở hữu sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu.
Người nắm giữ cổ phiếu được gọi là cổ đông của công ty
Quyền và lợi ích của cổ đông:
Quyền được hưởng thu nhập cũng như phải chịu tổn thất trong quá trình hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn đã góp (số cổ phiếu đang nắm giữ).
Chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các hoạt động của công ty
Quyền được tham gia quản lý, giám sát các hoạt động của công ty
Trong trường hợp xấu nhất, công ty bị phá sản và phải thanh lý các tài sản, cổ đông là những người cuối cùng nhận được những gì còn lại sau khi công ty đã trang trải hết mọi nghĩa vụ.
2.2.2. Đặc điểm chung của cổ phiếu
Cổ phiếu có tất cả các đặc điểm của chứng khoán, ngoài ra nó còn có các đặc điểm sau:
Thời hạn: Cổ phiếu tồn tại và có giá trị khi công ty phát hành ra nó vẫn hoạt động và tồn tại. Do đó, thời hạn tồn tại của cổ phiếu được coi là vô hạn và nhà đầu tư không cần thiết phải quan tâm đến yếu tố này khi ra quyết định đầu tư.
Khả năng chuyển nhượng: Tất cả các cổ phiếu được giao dịch trên TTCK đều là các cổ phiếu vô danh, tức là không ghi người chủ sở hữu trên cổ phiếu đó. Làm như thế, tính thanh khoản của cổ phiếu sẽ được nâng lên do dễ dàng mua bán, chuyển nhượng; từ đó, làm cho việc phát hành tăng vốn của công ty cũng dễ dàng hơn.
2.2.3. Phân loại cổ phiếu
Cách phân loại cổ phiếu phổ biến nhất là cách phân loại theo tính chất của các quyền lợi mà cổ phiếu mang lại; từ đó, có 2 loại cổ phiếu phổ biến nhất là: cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi.
Ngoài ra, đứng trên giác độ của nhà đầu tư trên TTCK - quan tâm chủ yếu tới thu nhập mà cổ phiếu mang lại, có thể phân loại cổ phiếu thành các loại sau: Cổ phiếu thượng hạng, cổ phiếu tăng trưởng, cổ phiếu phòng vệ, cổ phiếu thu nhập, cổ phiếu chu kì, cổ phiếu thời vụ.
2.2.3.1. Phân loại theo tính chất quyền lợi mà cổ phiếu mang lại
- Cổ phiếu phổ thông
Đây là loại cổ phiếu điển hình và phổ biến nhất, và được giao dịch chủ yếu trên TTCK. Cổ phiếu phổ thông đem lại cho người nắm giữ những quyền sau:
Quyền hưởng cổ tức
Khái niệm cổ tức: Cổ tức là một phần lợi nhuận sau thuế mà của công ty dành để trả cho cổ đông.
Hình thức chi trả cổ tức: Cổ tức có thể được trả dưới dạng tiền mặt, cũng có thể được trả dưới dạng cổ phiếu.
Mức chi trả cổ tức: Do trên cổ phiếu phổ thông không quy định tỷ lệ trả cổ tức nên việc trả cổ tức hay không, tỷ lệ cổ tức, hình thức chi trả phụ thuộc vào kết quả hoạt động, chính sách của công ty trong từng thời kì và quyết định của Hội đồng quản trị. Vì thế, thu nhập từ cổ tức đối với các cổ đông là thu nhập không cố định.
Quyền mua cổ phiếu mới
Mục đích: Khi một công ty muốn phát hành thêm để tăng vốn, để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông cũ (giữ nguyên tỷ lệ sở hữu của các cổ đông cũ sau khi phát hành tăng vốn), công ty đồng thời cũng phải thông báo rộng rãi để các cổ đông cũ biết về quyền được mua trước cổ phiếu.
Cách thực hiện: Lượng cổ phiếu mới được phép mua sẽ tương ứng với tỷ lệ cổ phiếu hiện đang nắm giữ của các cổ đông. Mỗi cổ phiếu sẽ mang lại cho cổ đông một quyền mua trước.
Số lượng quyền cần có, giá mua, thời hạn của quyền mua và ngày phát hành cổ phiếu mới sẽ được quy định cụ thể trong từng đợt phát hành. Nếu cổ đông không thực hiện quyền mua cổ phiếu, họ có thể bán quyền trên thị trường.
(Cách tính giá quyền được trình bày kĩ trong phần chứng khoán phái sinh)
Quyền bỏ phiếu
Cổ đông có quyền bỏ phiếu bầu và ứng cử vào các chức vụ quản lý của công ty; có quyền tham dự đại hội cổ đông và tham gia vào quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. Trong trường hợp không tham dự được, cổ đông có thể ủy quyền cho người khác thay mặt họ biểu quyết.
Cách bỏ phiếu: Có 2 cách bỏ phiếu
Cách thứ nhất: mỗi cổ đông có thể được bỏ số phiếu tối đa cho mỗi ứng cử viên bằng số cổ phiếu nắm giữ.
Cách thứ hai: dồn toàn bộ số phiếu có thể chi phối (bằng tổng số phiếu nhân với số ứng cử viên) để bầu cho một hoặc hơn một ứng cử viên.
Cách thứ hai có lợi cho các cổ đông nhỏ, vì tuy có ít phiếu bầu nhưng họ có thể tập trung phiếu để làm tăng thêm giá trị quyền bỏ phiếu của mình.
Mục đích của nhà đầu tư khi nắm giữ cổ phiếu phổ thông: Đối với hầu hết các nhà đầu tư, việc mua và nắm giữ cổ phiếu phổ thông thường không phải vì mục đích được chi trả cổ tức. Thu nhập từ chênh lệch giá mua bán cổ phiếu mới là điểu quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư.
Ngoài ra, cổ phiếu phổ thông cũng là mối quan tâm của một số ít nhà đầu tư lớn với mục đích thâu tóm quyền kiểm soát công ty thông qua quyền bỏ phiếu mà nó mang lại.
- Cổ phiếu ưu đãi
Khái niệm: Cổ phiếu ưu đãi chứng khoán lai tạp giữa cổ phiếu phổ thông và trái phiếu.
Cổ phiếu ưu đãi giống trái phiếu: tính ổn định của thu nhập
Cổ phiếu ưu đãi là cổ phiếu: không có thời gian đáo hạn, có các quyền và lợi ích đối với công ty như các cổ đông thường (trừ quyền biểu quyết)
Có ba loại cổ phiếu ưu đãi thường dùng: cổ phiếu ưu đãi cổ tức, cổ phiếu ưu đãi về quyền bỏ phiếu và cổ phiếu cho phép đòi lại phần vốn góp. Tuy nhiên, thông dụng và lâu đời hơn cả là cổ phiếu ưu đãi cổ tức.
Cổ phiếu ưu đãi cổ tức
Mức chi trả cổ tức ưu đãi: Ấn định một tỷ lệ trả cổ tức cố định so với mệnh giá hoặc một mức cổ tức tuyệt đối. Do đó, trong trường hợp công ty hoạt động bình thường, thu nhập từ cổ tức ưu đãi hầu như là cố định.
Thứ tự ưu tiên chi trả: Trong trường hợp công ty làm ăn kém, mức cổ tức chi trả có thể bị giảm hoặc thậm chí là công ty không chi trả cổ tức. Tuy nhiên, một khi cổ đông ưu đãi chưa được nhận cổ tức thì cổ đông phổ thông cũng không được nhận.
Trong trường hợp công ty phá sản, phải thanh lý tài sản thì thứ tự ưu tiên nhận lại vốn là: người nắm giữ trái phiếu, người nắm giữ cổ phiếu ưu đãi và cuối cùng mới là người nắm giữ cổ phiếu phổ thông.
Do tính chất cố định của thu nhập mà cổ phiếu ưu đãi không được giao dịch rộng rãi trên TTCK – nơi mà nhà đầu tư quan tâm đến phần chênh lệch giá mua bán chứng khoán hơn là khoản cổ tức họ sẽ nhận được.
Các loại cổ phiếu ưu đãi cổ tức:
+ Cổ phiếu ưu đãi cổ tức tích lũy: Nếu công ty không trả được cổ tức trong năm nay thì số cổ tức chưa được trả sẽ phải được tính vào năm sau. Loại này có 2 dạng chính là tích lũy thuần và tích lũy ghép lãi.
Cổ phiếu ưu đãi tích lũy thuần: Cổ tức trả cho năm sau sẽ là tổng của số nợ cộng dồn của các năm trước và số cổ tức phải trả trong năm đó.
Cổ phiếu ưu đãi tích lũy ghép lãi: Cổ tức trả cho năm sau sẽ là tổng của số nợ cổ tức chưa trả có tính đến giá trị thời gian của tiền (số cổ tức chưa trả được tính lãi) với số cổ tức phải trả năm đó.
+ Cổ phiếu ưu đãi cổ tức không tích lũy: Nếu công ty không đủ khả năng trả hết cổ tức ưu đãi phải trả thì số cổ tức còn nợ sẽ không được trả vào năm tiếp theo
Ngoài ra, để tăng thêm sự hấp dẫn của cổ phiếu ưu đãi, nhà phát hành có thể đưa thêm vào một số điều khoản. Cổ phiếu ưu đãi tham dự cho phép cổ đông ưu đãi nhận được khoản cổ tức cao hơn mức tối đa nếu cổ đông thường nhận được một mức cổ tức quá tỉ lệ quy định. Cổ phiếu ưu đãi có thể chuyển đổi cho phép cổ đông chuyển đổi cổ phiếu ưu đãi thành cổ phiếu thường trong điều kiện công ty làm ăn phát đạt.
Tại Việt Nam: Có 2 loại cổ phiếu ưu đãi chính đó là cổ phiếu ưu đãi cổ tức và cổ phiếu ưu đãi biểu quyết
2.2.3.2. Phân loại cổ phiếu theo khả năng thu nhập mà cổ phiếu mang lại
Thu nhập từ cổ phiếu được xác định dựa vào cổ tức nhận được và phần chênh lệch giá khi bán chứng khoán
Thu nhập từ cổ phiếu = Cổ tức + Lãi vốn
Cổ tức: Phần lợi nhuận sau thuế mà công ty để dành để trả cho các cổ đông phổ thông. Mức chi trả cổ tức phụ thuộc chủ yếu vào 2 yếu tố: chính sách của công ty và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lãi vốn: Phần chênh lệch giá mà nhà đầu tư thu được khi bán cổ phiếu so với giá mua ban đầu. Tất nhiên, nhà đầu tư chỉ thu được phần lãi vốn này khi mà cổ phiếu tăng giá.
Giữa mức chi trả cổ tức và khả năng tăng giá của cổ phiếu không có mối liên hệ cố định.
Tùy theo mục tiêu đầu tư và mức độ chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư mà mỗi nhà đầu tư có thể lựa chọn đầu tư vào một trong các loại cổ phiếu sau:
Cổ phiếu thượng hạng: Cổ phiếu do các công ty lớn, có tên tuổi, ổn định và trưởng thành, có tiềm lực tài chính lớn phát hành. Loại cổ phiếu này ít khi bị mất giá nhưng khả năng tăng giá nhanh không nhiều, đồng thời cổ tức được chi trả đều đặn và ổn định.
Cổ phiếu tăng trưởng: Cổ phiếu của một công ty có doanh số, thu nhập va thị phần đang tăng với tốc độ nhanh hơn tốc độ của nền kinh tế nói chung và nhanh hơn mức trung bình ngành. Công ty này thường giữ lại phần lớn thu nhập để đầu tư tiếp, do đó tỷ lệ cổ tức mà công ty trả thường thấp hoặc không trả. Tuy nhiên, loại cổ phiếu này có tiềm năng tăng giá mạnh.
Cổ phiếu phòng vệ: Cổ phiếu của những công ty có sức chống đỡ với suy thoái. Đặc trưng của những công ty này là vẫn hoạt động ổn định trong khi toàn bộ nền kinh tế gặp suy thoái. Đó thường là những công ty sản xuất những mặt hàng thiết yếu như thuốc lá, bánh kẹo, thực phẩm. Cổ phiếu của các công ty này không bị mất giá vào thời kì nền kinh tế suy giảm; tuy nhiên, khi nền kinh tế đi vào ổn định và phát triển thì cổ phiếu của các công ty này lại khó tăng giá hơn các công ty khác. Loại cổ tức này thường chi trả cổ tức ổn định.
Cổ phiếu thu nhập: Cổ phiếu của những công ty trả cổ tức cao hơn so với mức trung bình của thị trường. Đây là loại cổ phiếu có sức hấp dẫn đối với những người mong muốn có một mức thu nhập thường xuyên; nhưng nó không có tiềm năng tăng giá. Thông thường cổ phiếu loại này do các công ty hoạt động trong lĩnh vực công ích phát hành. (Ở VN: không có cổ phiếu loại này vì các lĩnh vực công ích đều do Nhà nước điều hành và quản lý; nếu do tư nhân quản lý, Nhà nước thường phải bù lỗ - điển hình: xe buýt)
Cổ phiếu chu kì: Cổ phiếu của những công ty có mức lợi nhuận biến đổi theo chu kì kinh doanh. Vào thời kì hưng thịnh, lợi nhuận tăng, giá cổ phiếu của các công ty cũng tăng. Khi vào thời kì suy thoái, lợi nhuận giảm, giá cổ phiếu cũng giảm theo. Các ngành kinh doanh có tính chu kì là: sản xuất thép, xi măng, ô tô.
Cổ phiếu thời vụ: Cổ phiếu của những công ty mà thu nhập của nó có khuynh hướng biến động theo thời vụ, mà tiêu biểu là các công ty bán lẻ. Doanh số và lợi nhuận của các công ty này thường tăng lên vào những thời điểm nhất định trong năm.
2.3. Trái phiếu
2.3.1. Khái niệm trái phiếu
Khái niệm: Trái phiếu là một công cụ nợ đòi hỏi người phát hành (người đi vay) phải hoàn trả cho người cho vay lượng vốn ban đầu cộng với một khoản lãi trong một thời hạn nhất định.
Người nắm giữ trái phiếu là chủ nợ của tổ chức phát hành (trái chủ)
Quyền lợi của người sở hữu trái phiếu: Là chủ nợ, người sở hữu trái phiếu sẽ được nhận khoản lãi hàng kì bất kể kết quả hoạt động kinh doanh của công ty như thế nào. Thậm chí, trong trường hợp công ty bị phá sản và phải thanh lý tài sản, người sở hữu trái phiếu công ty sẽ được nhận lại phần vốn của mình trước các chủ sở hữu của công ty.
Tại Việt Nam: Luật chứng khoán quy định: “Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn Nợ của tổ chức phát hành”.
2.3.2. Đặc điểm cơ bản của trái phiếu
Trái phiếu mang tất cả đặc điểm của chứng khoán. Ngoài ra nó còn có một số đặc điểm riêng sau:
Người phát hành
- Đối tượng phát hành trái phiếu: Chính phủ và công ty
- Mối liên hệ giữa người phát hành và rủi ro của trái phiếu:
Rủi ro thanh toán (rủi ro về khả năng hoàn trả gốc và lãi của người phát hành) là rủi ro cơ bản nhất của 1 trái phiếu
Thông thường, các trái phiếu chính phủ được đánh giá là có rủi ro thanh toán bằng 0, còn các trái phiếu của các công ty khác nhau có rủi ro thanh toán khác nhau.
Mức độ rủi ro thanh toán lại ảnh hưởng đến lãi suất cuống phiếu, chính là khoản lợi tức cố định mà người sở hữu trái phiếu nhận được: các yếu tố khác không đổi, uy tín của người phát hành càng cao thì lãi suất cuống phiếu càng thấp.
Thời hạn
Thời hạn của trái phiếu là một yếu tố đặc trưng quan trọng của mỗi trái phiếu. Thời hạn của trái phiếu là khoảng thời gian xác định mà trái phiếu có hiệu lực và người sở hữu nó có quyền yêu cầu người phát hành thực hiện các nghĩa vụ quy định trên trái phiếu. Thời hạn của trái phiếu có thể từ 1 – 5 năm (trái phiếu ngắn hạn), 5 – 10 năm (trái phiếu trung hạn), trên 10 năm (trái phiếu dài hạn).
Ý nghĩa của việc xác định thời gian đáo hạn:. Dựa vào thời hạn của trái phiếu, ta có thể xác định được thời gian đáo hạn – là khoảng thời gian tính từ thời điểm hiện tại đến thời điểm người phát hành thu hồi lại trái phiếu bằng cách hoàn trả tất cả các khoản lãi và gốc. Thời gian đáo hạn là một trong những yếu tố quan trọng để người nắm giữ trái phiếu xác định được khoản lợi tức mà trái phiếu có thể đem lại cho mình cho đến khi nó đáo hạn.
Mệnh giá và lãi suất cuống phiếu
- Mệnh giá của trái phiếu: Số tiền ghi trên mặt trái phiếu mà người phát hành phải trả cho người sở hữu đủ số tiền ấy khi trái phiếu đến thời điểm đáo hạn.
- Lãi suất cuống phiếu: Lãi suất danh nghĩa ghi trên mặt trái phiếu mà người phát hành đồng ý trả cho người sở hữu hàng kì.
Lãi suất cuống phiếu có thể là lãi suất cố định hoặc lãi suất thả nổi – là loại lãi suất được ấn định lại hàng kì theo một tiêu chuẩn nào đó xác định trước.
Lấy lãi suất cuống phiếu nhân với mệnh giá sẽ thu được lãi cuống phiếu – là số tiền mà người sở hữu trái phiếu nhận được hàng kì.
Khi đầu tư vào bất kì một tài sản tài chính nào, nhà đầu tư luôn cân nhắc giữa 2 yếu tố: tỉ lệ lợi tức thu được và mức độ rủi ro. Đối với một trái phiếu thông thường, tức là trái phiếu có mệnh giá, thời hạn và lãi suất xác định; không kèm theo các điều kiện chuyển đổi, mua bán lại; thông qua các yếu tố: thời hạn, lãi suất cuống phiếu và mệnh giá; nhà đầu tư sẽ luôn định giá được trái phiếu đó; từ đó ra quyết định có nên mua nó hay không.
2.3.3. Các loại trái phiếu
Có nhiều cách để phân loại trái phiếu, tuy nhiên, chúng ta thường dùng các phân loại phổ biến là: phân loại theo người phát hành, phân loại theo khả năng chuyển nhượng, phân loại theo lãi suất danh nghĩa, phân loại theo các quyền lợi bổ sung.
Theo người phát hành, trái phiếu được phân loại thành: trái phiếu chính phủ và trái phiếu công ty.
Theo khả năng chuyển nhượng, trái phiếu được phân loại thành: trái phiếu vô danh và trái phiếu ghi danh.
Theo lãi suất danh nghĩa, trái phiếu được phân loại thành: trái phiếu có lãi suất cố định và lãi suất thả nổi.
Theo các quyền lợi bổ sung, trái phiếu được phân loại thành: trái phiếu có thể mua lại, trái phiếu có thể bán lại và trái phiếu có thể chuyển đổi.
2.2.3.1. Phân loại theo người phát hành
Trái phiếu chính phủ: Trái phiếu do chính phủ phát hành hoặc những ngành đặc biệt như bưu điện, xi măng, giao thông, điện được chính phủ ủy quyền phát hành.
Mục đích phát hành trái phiếu chính phủ: bù đắp thâm hụt ngân sách, tài trợ cho các công trình công ích hoặc làm công cụ để điều hành chính sách tiền tệ.
Trái phiếu chính phủ là một “giấy nhận nợ” của chính phủ. Nếu chính phủ phát hành trái phiếu ở trong nước thì đó là một bộ phận hình thành các khoản nợ trong nước; nếu chính phủ phát hành trái phiếu ở nước ngoài thì đó là một bộ phận hình thành các khoản nợ ở nước ngoài. Trái phiếu chính phủ được bảo đảm bằng uy tín của chính phủ, nên rủi ro thanh toán của nó được coi là bằng 0 và có tính thanh khoản rất cao.
Trái phiếu địa phương: Trái phiếu do chính quyền địa phương (tỉnh, thành phố hoặc vùng dân cư) phát hành. Việc phát hành chứng khoán địa phương đòi hỏi bắt buộc phải có giấy phép của cơ quan Nhà nước về chứng khoán. Số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để tài trợ cho các công trình công ích: xây dựng trường học, bệnh viện, đường xá giao thông.
Trái phiếu công ty: là loại trái phiếu do các công ty phát hành để vay vốn dài hạn. Đặc điểm chung của trái phiếu công ty là:
- Người nắm giữ trái phiếu được cam kết trả hết lãi và vồn gốc khi trái phiếu đáo hạn, tuy nhiên, họ không được tham dự vào các quyết định của công ty.
- Khi công ty phải giải thể hoặc thanh lý, trái phiếu được ưu tiên thanh toán trước cổ phiếu.
- Có những điều kiện cụ thể kèm theo hoặc nhiều hình thức bảo đảm.
Về mặt nguyên tắc, khi các yếu tố khác tương tự, lãi suất của trái phiếu công ty phải cao hơn lãi suất chính phủ vì trái phiếu công ty có rủi ro thanh toán cao hơn.
2.2.3.2. Phân loại theo khả năng chuyển nhượng
Trái phiếu vô danh: Trái phiếu không ghi tên trái chủ, cả trên chứng chỉ cũng như trên sổ sách của người phát hành. Khi đến hạn trả lãi và gốc, người nắm giữ chỉ cần mang nó đến nơi phát hành để nhận tiền.
Ưu điểm khi sở hữu trái phiếu vô danh: Người sở hữu có thể dễ dàng chuyển nhượng, mua bán
Nhược điểm: Kém an toàn.
Trái phiếu ghi danh: Trái phiếu có ghi tên và địa chỉ của trái chủ trên chứng chỉ cũng như trên sổ của người phát hành. Hình thức ghi danh có thể được thực hiện trên phần vốn gốc, hoặc cũng có thể được thực hiện trên cả phần gốc và lãi.
Ưu điểm: quyền sở hữu được thừa nhận trên sổ sách
Nhược điểm: Trái phiếu ghi danh có thể chuyển nhượng, mua bán song rất phức tạp vì phải tiến hành đăng kí lại thông tin về người sở hữu trên sổ sách của người phát hành.
2.2.3.3. Phân loại theo lãi suất danh nghĩa
Trái phiếu có lãi suất cố định: là loại trái phiếu quy định lãi suất trả cho trái chủ là cố định trong suốt thời hạn của trái phiếu. Sở hữu trái phiếu có lãi suất cố định, trái chủ có thể xác định được một cách tương đối chính xác lợi tức mà mình có thể thu được.
Bất lợi: Trong điều kiện lãi suất thị trường biến động mạnh, việc nắm giữ trái phiếu có lãi suất cố định có thể gây thiệt hại lớn cho trái chủ.
Khi lãi suất thị trường tăng, giá trái phiếu sẽ giảm do các khoản thu nhập dự tính trong tương lai khi chiết khấu về hiện tại sẽ có giá trị thấp hơn. Nếu mua trái phiếu vào thời điểm trước khi lãi suất tăng thì sau khi khi lãi suất tăng, nếu người sở hữu trái phiếu bán trái phiếu sẽ bị lỗ vốn (giá bán thấp hơn giá mua). Lãi suất càng tăng nhanh thì mức thiệt hại đối với người sở hữu càng lớn.
Trái phiếu có lãi suất thả nổi:
Trái phiếu trong đó quy định cứ định kỳ (6 tháng, 1 năm, 2 năm…) lại ấn định lại lãi suất theo lãi suất thị trường.
Loại trái phiếu này được phát hành trong những khoảng thời gian có những biến động mạnh về lãi suất thị trường, để hạn chế thiệt hại cho cả 2 bên. (khắc phục được hạn chế của trái phiếu có lãi suất cố định)
2.2.3.4. Phân loại theo các quyền lợi bổ sung
Trái phiếu có thể mua lại: Trái phiếu cho phép người phát hành có thể mua lại toàn bộ hay một phần những trái phiếu đã phát hành trong những điều kiện nhất định.
Trái phiếu có thể bán lại: cho phép người mua trái phiếu trong những điều kiện nhất định có thể bán lại trái phiếu cho người phát hành, thu hồi vốn trước khi trái phiếu đáo hạn.
Trái phiếu có thể chuyển đổi: cho phép người mua trái phiếu, trong những điều kiện nhất định, có thể đổi trái phiếu lấy cổ phiếu thường, theo một tỷ lệ và một mức giá đã ấn định.
2.3. Chứng chỉ quỹ đầu tư
Theo ngôn ngữ thông thường, một khối lượng tiền do nhiều người góp lại vì mục đích chung nào đó được gọi là một quỹ. Quỹ đầu tư chứng khoán cũng vậy, nó là quỹ được hình thành từ vốn góp của người đầu tư để đầu tư vào các chứng khoán.
Việc huy động vốn vào quỹ đầu tư chứng khoán được thực hiện theo 2 cách.
Cách thứ nhất, một công ty được thành lập theo quy định của pháp luật hiện hành sẽ phát hành sẽ được phép phát hành cổ phần ra công chúng. Khi mua cổ phần, người đầu tư trở thành cổ đông của quỹ và có đầy đủ các quyền do pháp luật quy định. Cổ phần của công ty này được gọi là chứng chỉ quỹ đầu tư. Bản thân qũy là một công ty, có tư cách pháp nhân, có hội đồng quản trị quỹ là cơ quan điều hành cao nhất. Hội đồng quản trị sẽ thuê người quản lý quỹ, giám sát công việc quản lý sao cho đạt được các mục tiêu của quỹ. Quỹ này được gọi là quỹ đầu tư dạng công ty.
Cách thứ hai, một công ty quản lý quỹ sẽ huy động vốn bằng cách lấy tổng lượng vốn dự kiến huy động chia nhỏ thành các phần bằng nhau, mỗi phần tương ứng với 1 chứng chỉ quỹ và công ty sẽ bán các chứng chỉ ra công chúng, như là những đơn vị đầu tư. Đây được gọi là quỹ đầu tư dạng hợp đồng. Người mua chứng chỉ quỹ sẽ không được tham gia vào quá trình ra quyết định của quỹ mà sẽ ủy thác việc quản lý quỹ cho công ty, quỹ chỉ đơn thuần là 1 khoản tiền, không có tư cách pháp nhân. Công ty quản lý quỹ sẽ đảm nhận cả 2 khâu huy động vốn và đầu tư vào các chứng khoán.
Như vậy
Chứng chỉ quỹ đầu tư là bằng chứng xác nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với:
- Phần vốn góp của công ty đầu tư chứng khoán;
- Hoặc phần tài sản được đầu tư của công ty quản lý quỹ đầu tư.
2.4. Công cụ phái sinh
2.4.1. Chứng quyền
- Khái niệm
Chứng quyền là quyền ưu tiên mua trước cổ phiếu dành cho các cổ đông hiện hữu của một CTCP được mua một số lượng cổ phần trong một đợt phát hành cổ phiếu phổ thông mới tương ứng với tỉ lệ cổ phần hiện có của họ trong công ty, tại một mức giá xác định, thấp hơn mức giá bán cho công chúng và trong một thời gian xác định (vài tuần)
- Đặc điểm
+ Mức giá đăng kí trong tất cả các dạng quyền mua cổ phần đều thấp hơn mức giá hiện hành của cổ phiếu vào thời điểm quyền được phát hành
Lý do: Rủi ro có thể xảy ra khi giá thị trường giảm trong thời gian phát hành quyền và điều đó có thể ảnh hưởng đến sự thành công của đợt phát hành
Mức chênh lệch đáng kể này làm tăng tính hấp dẫn của đợt phát hành
Ví dụ: Giá đăng kí mua cổ phiếu của công ty X được ấn định là 30.000đ/1CP trong khi giá thị trường của cổ phiếu vào thời điểm quyền được phát hành là 40.000đ/1CP.
Nếu giá đăng kí là 45.000đ thì sẽ không có 1 cổ đông nào thực hiện quyền khi giá CP tại thời điểm phát hành quyền không tăng hoặc thậm chí giảm. Như vậy đợt phát hành có thể sẽ không thành công (không bán hết được số CP mong muốn phát hành)
Mức chênh lệch 10.000đ/1CP là một con số hấp dẫn đối với bất kì nhà đầu tư nào
+ Mỗi CP đang lưu hành được đi kèm một quyền. Số lượng quyền cần thiết để mua một lượng CP mới được quy định tùy theo từng đợt phát hành.
Các công ty thường sử dụng một cách đơn giản để xác định số lượng quyền cần để mua một CP mới như sau:
Số lượng quyền cần để mua 1 CP mới= Số lượng CP cũ đang lưu hành/ Số lượng CP mới.
Ví dụ: Giả sử 1 công ty có 1 triệu CP đang lưu hành và muốn phát hành thêm 50 nghìn CP. Một triệu quyền sẽ được phát hành kèm theo 1 triệu CP đó. Công ty không muốn bán nhiều hơn 50 nghìn CP, như vậy, số quyền cần để mua 1 CP mới là 1 triệu CP đang lưu hành/50nghìn CP mới= 20 quyền
+ Nếu các cổ đông không muốn thực hiện quyền, họ có thể bán quyền đó trong thời gian quyền chưa hết hạn. Giá quyền có thể lên hoặc xuống trong khoảng thời gian chào bán quyền do giá thị trường của CP tăng hoặc giảm.
- Giá của chứng quyền
Giá của chứng quyền được xác định như sau:
Giá chứng quyền= (Giá thị trường của cổ phiếu- Giá đăng kí)/số quyền mua 1 CP mới
Ví dụ về xác định giá của quyền
1 công ty hiện đang có 1 triệu CP đang lưu hành và muốn phát hành thêm 50 nghìn CP. 1 triệu quyền sẽ được phát hành kèm theo 1 triệu CP đó. Giá đăng kí của quyền là 30.000đ/1CP. Giá CP tại thời điểm phát hành quyền là là 40.000đ/1CP. Cổ đông A đang sở hữu 10.000CP của công ty. Nếu cổ đông A thực hiện tất cả các quyền hiện có thì sẽ thu được bao nhiêu tiền lãi? Nếu số quyền này được bán ra thị trường thì giá của chúng là bao nhiêu?
Giải: Để mua 1 CP mới, cổ đông A cần sở hữu 1 triệu/50 nghìn=20 CP cũ
Cổ đông A đang sở hữu 10.000 CP, như vậy cổ đông A đang có trong tay quyền được mua thêm 10.000/20=500 CP mới
Mức giá đăng kí của các cổ phiếu này là 30.000đ/1CP. Khi thực hiện quyền mua 500CP, cổ đông A phải bỏ ra số tiền: 30.000x500=15.000.000đ (15 triệu đồng)
Số cổ phiếu này nếu được giao dịch trên thị trường thì số tiền phải bỏ ra để mua: 40.000x500=20.000.000 (20 triệu đồng)
Như vậy, nếu ông A mua số cổ phiếu này theo quyền mua trước rồi bán số CP này ra thị trường thì số tiền thu được là 20-15=5 triệu đồng (không kể phí giao dịch)
Nếu số quyền này được bán ra thị trường thì giá của chúng phải đảm bảo sao cho bằng với số tiền lời mà cổ đông A thu được khi thực hiện quyền. Vậy giá của quyền là 5 triệu đồng (500đ/1 quyền)
2.4.2. Bảo chứng phiếu (chứng khế)
- Khái niệm: Chứng khế là mội loại chứng khoán được phát hành cùng với trái phiếu hay cổ phiếu ưu đãi mà người sở hữu nó có quyền mua một số lượng chứng khoán nhất định tại một mức giá xác định và trong một thời hạn nhất định.
- Lý do phát hành chứng khế: Quyền này được phát hành trong trường hợp tổ chức lại công ty, hoặc khi công ty phát hành nhằm mục tiêu khuyến khích các nhà đầu tư tiềm năng mua các trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi với các điều kiện kém thuận lợi.
Giá đăng kí ghi trong chứng khế cao hơn giá thị trường của CP tại thời điểm phát hành chứng khế vì: đây được xem là 1 sự lựa chọn đối với sự tăng giá có thể xảy ra của CP thường.
- Thời hạn của chứng khế: Một vài năm hoặc vĩnh viễn.
Các chứng quyền do các công ty phát hành chứng khoán phát hành và các chứng khế và sau một khoảng thời gian nhất định có thể tách rời khỏi các chứng khoán cơ sở và khi đó chúng có thể được giao dịch riêng biệt trên thị trương.
- Xác định giá chứng khế
Giá chứng khế= (Giá thị trường của cổ phiếu- giá đăng kí)x số CP được mua của chứng khế
Trong thời gian tồn tại của chứng khế, nếu giá cổ phiếu thường thấp hơn giá đăng kí ghi trong chứng khế thì giá chứng khế =0
Ví dụ: CTCP A phát hành CPƯĐ với điều kiện 10 CPƯĐ sẽ kèm theo 1 bảo chứng phiếu. Quy định của bảo chứng phiếu là: Người nắm giữ 1 bảo chứng phiếu sẽ được quyền mua 20 CP thường của công ty với giá 30.000đ/1CP trong thời gian 5 năm, giá cổ phiếu hiện hành của công ty đang là 27.000đ/ 1 CP. Ông X đã mua 100 CPƯĐ của công ty. Sau 2 năm, giá CP của công ty là 35.000đ/1CP. Ông X thực hiện quyền được mua CP thường của công ty, vậy ông X đã thu được lãi bao nhiêu (không kể phí giao dịch). Nếu ông X không thực hiện quyền được mua mà đem bán các bảo chứng phiếu đang nắm giữ thì sẽ thu được lợi bao nhiêu?
Giải: Ông X đang sở hữu 100/10= 10 Bảo chứng phiếu
Ông X có thể được mua 20x10=200 CP thường của công ty với giá 30.000/CP
- Khi ông X thực hiện quyền mua, số tiền ông X phải bỏ ra để mua 200 CP này là 200x30.000=6.000.000đồng= 6 triệu đồng
Giá bán 200 CP này trên thị trường là 200x35.000=7.000.000đ= 7 triệu đồng
Như vậy, ông X đã được lợi 1 khoản 7-6= 1 triệu đồng
- Nếu ông X không thực hiện quyền mà đem bán số bảo chứng phiếu này. Giá bán của 1 chứng khế là (35000-30000)x20= 100.000đ. Vậy, nếu ông X bán tất cả số chứng khế thì số tiền thu được là 100.000x10=1.000.000đ
Cách khác: Số tiền ông X thu được ít nhất phải bằng số tiền ông ta được lợi khi thực hiện quyền mua. Vậy, giá bán tối thiểu phải là 1 triệu đồng/ 10 bảo chứng phiếu ( 100.000đ/1 bảo chứng phiếu)
- Quyền của người sở hữu chứng khế:
Người đầu tư không có tư cách cổ đông trong công ty, không được nhận cổ tức, và không có quyền biểu quyết cho tới khi thực hiện chứng khế.
* So sánh Chứng quyền và chứng khế
Giống nhau: Cho phép người nắm giữ được mua cổ phiếu thường với 1 mức giá xác định trong 1 thời hạn nhất định.
Khác nhau:
Chỉ tiêu
Chứng quyền
Chứng khế
Mục đích
Bảo vệ quyền lợi của các cổ đông cũ
Khuyến khích các nhà đầu tư tiềm năng
Thời gian tồn tại
Ngắn (vài tháng- vài tuần
Dài (vài năm- vĩnh viễn)
Giá đăng kí
Thấp hơn giá thị trường của CP tại thời điểm phát hành
Cao hơn giá thị trường của CP tại thời điểm phát hành
2.4.3. Hợp đồng kì hạn, hợp đồng tương lai
Hợp đồng kì hạn
- Khái niệm: Hợp đồng kì hạn là một thỏa thuận giữa người mua và người bán thực hiện một giao dịch hàng hóa ở 1 thời điểm chắc chắn trong tương lai với khối lượng và mức giá xác định.
- Sự khác biệt giữa 1 hợp đồng kì hạn và một giao dịch giao ngay là thời điểm thanh toán của giao dịch.
Trong giao dịch giao ngay, hàng hóa được tiến hành trao đổi và việc thanh toán thường tiến hành ngay lập tức hoặc sau từ 1-3 ngày.
Trong giao dịch kì hạn, thời điểm thanh toán và giao hàng được xác định tại 1 thời điểm trong tương lai.
- Đặc điểm của hợp đồng kì hạn
Chỉ có 2 bên tham gia vào việc kí kết, giá cả do 2 bên tự thỏa thuận với nhau, dựa theo những ước tính mang tính cá nhân.
Giá hàng hóa trên thị trường giao ngay có thể thay đổi, tăng lên hoặc giảm xuống so với mức giá kí kết ban đâu, như vậy, một trong 2 bên sẽ có bên bị thiệt khi thực hiện hợp đồng vì đã cam kết 1 mức giá thấp hơn đối với giá thị trường (nếu là bên bán) hoặc 1 mức giá cao hơn giá thị trường (nếu là bên mua).
Vì chỉ có 2 bên tham gia hợp đồng nên mỗi bên đều phụ thuộc duy nhất vào bên kia trong việc thực hiện hợp đồng. Khi có thay đổi giá cả trên thị trường giao ngay, rủi ro thanh toán sẽ tăng lên khi một trong 2 bên không thực hiện hợp đồng.
- Tính chất của Hợp đồng kì hạn
Do các đặc điểm trên mà hợp đồng kì hạn có các tính chất sau:
Hợp đồng kì hạn không được trao đổi trên thị trường
Hợp đồng kì hạn không được định giá hàng ngày
Hợp đồng kì hạn không phải theo tiêu chuẩn của thị trường riêng biệt
Ngày thực hiện hợp đồng được xác định tùy theo từng hợp đồng.
Hợp đồng tương lai
- Khái niêm: Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận để mua và bán 1 tài sản vào thời điểm chắc chắn trong tương lai với một mức giá xác định.
- Cơ chế giao dịch hợp đồng tương lai:
Một hợp đồng tương lai là một thỏa thuận pháp lý chắc chắn giữa một người mua (hoặc người bán) và một sở giao dịch có uy tín hoặc trung tâm thanh toán của sở giao dịch đó, tại đó, người mua (bán) đồng ý sẽ nhận (giao) một mặt hàng nào đó tại một mức giá cụ thể vào lúc kết thúc của 1 thời kì xác định.
Chức năng kinh tế cơ bản của thị trường hợp đồng tương lai là cung cấp 1 cơ hội cho những người tham gia thị trường để phòng ngừa rủi ro về những biến động giá bất lợi và là công cụ cho các nhà đầu cơ.
- Sự phát triển của thị trường hợp đồng tương lai
Trước năm 1972, chỉ có các hợp đồng tương lai liên quan tới nông sản truyền thống như ngũ cốc hay gia súc, thực phẩm nhập khẩu (cà phê, ca cao, đường) hay các hàng công nghiệp được giao dịch. Chúng được gọi chung là hợp đồng tương lai hàng hóa
Từ năm 1972 đến nay, giao dịch các hợp đồng tương lai dựa trên cơ sở 1 công cụ tài chính hay một chỉ số tài chính. Các hợp đồng này được gọi là hợp đồng tương lai tài chính: hợp đồng tương lai lãi suất, hợp đồng tương lai lãi suất….
* Sự khác nhau giữa hợp đồng kì hạn và hợp đồng tương lai
Chỉ tiêu
Hợp đồng kì hạn
Hợp đồng tương lai
Tính chất
Riêng biệt giữa 2 bên
(không có sở giao dịch)
Thanh khoản thấp
Được trao đổi trên thị trường
(có sở giao dịch)
Thanh khoản cao
Tiêu chuẩn hóa hợp đồng
Không được tiêu chuẩn hóa
Được tiêu chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu của sở giao dịch về loại hàng hóa, số lượng, thời gian
Rủi ro
Thanh toán
Cao
Thấp (Do thanh toán qua trung tâm thanh toán bù trừ)
2.4.4. Hợp đồng quyền chọn
Quyền chọn xuất hiện từ thế thứ 10, trong quá trình đặt cọc mua bán nông sản ở Anh, dần dần nó phát triển thành lý thuyết quyền chọn và phát triển thành loại chứng khoán phái sinh điển hình nhất như ngày nay.
Một ví dụ về quyền chọn (Ví dụ đơn giản- mang tính chất minh họa)
Bạn đang bàn bạc để mua 1 hàng hóa- giả sử là một ngôi nhà, có giá trị 100.000$, từ thời điểm bàn bạc đến thời điểm giao nhà là 6 tháng. Nếu ngay sau khi bàn bạc, bạn phải đặt cọc thì mức đặt cọc bao nhiêu là hợp lý?
- Khái niệm
Quyền chọn là 1 hợp đồng cho phép người nắm giữ nó được mua (nếu là quyền chọn mua) và được bán (nếu là quyền chọn bán) mội khối lượng hàng hóa cơ sở nhất định tại một mức giá xác định và trong một thời gian nhất định.
- Hàng hóa cơ sở: Hàng hóa, Cổ phiếu, trái phiếu, chỉ số trái phiếu, chỉ số cổ phiếu, tiền hay hợp đồng tương lai.
- Đặc điểm của hợp đồng quyền chọn
Một hợp đồng quyền chọn bất kì bao gồm 4 đặc điểm cơ bản sau:
- Loại quyền
- Tên hàng hóa cơ sở và khối lượng được mua hoặc bán theo quyền
- Ngày đáo hạn: Ngày mà sau đó quyền hết giá trị gọi là ngày đáo hạn.
- Giá thực thi: Mức giá mà tại đó quyền chọn có thể được mua hoặc được bán gọi là giá thực thi quyền
Người mua được xem là nhà đầu tư có vị thế dài hạn (long position) và người bán có vị thế ngắn hạn (short position) trên hợp đồng. Việc bán hợp đồng quyền chọn được gọi là phát hành quyền chọn.
- Giá quyền: Trong hợp đồng quyền chọn, người bán quyền trao cho người mua để đổi lấy 1 khoản tiền được gọi là phí quyền chọn hay còn gọi là giá quyền chọn. Việc xác định giá quyền là việc làm vô cùng phức tạp (không nghiên cứu)
Xét lại ví dụ trên
- Loại quyền chọn: Quyền chọn mua (bạn có quyền mua ngôi nhà)
- Tên hàng hóa: Ngôi nhà
- Ngày đáo hạn: Sau tháng thứ 6
- Giá thực thi: 100.000$
- Giá quyền: Số tiền bạn đặt cọc
- Phân loại
+ Phân loại theo khả năng thực hiện
Hợp đồng quyền chọn chia làm 2 loại: Hợp đồng quyền chọn kiểu Mỹ và hợp đồng quyền chọn kiểu châu Âu.
Hợp đồng quyền chọn Mỹ có thể được thực hiện vào bất kì thời điểm nào cho đến tận ngày đáo hạn.
Hợp đồng quyền chọn châu Âu chỉ có thể được thực hiện vào ngày đáo hạn.
+ Phân loại theo tính chất của quyền
Quyền chọn mua: Cho phép người nắm giữ được mua một loại hàng hóa nhất định trong 1 khoảng thời gian nhất định tại một mức giá nhất định
Quyền chọn bán: Cho phép người nắm giữ được bán một loại hàng hóa nhất định trong 1 khoảng thời gian nhất định tại một mức giá nhất định
- Ví dụ
Ngày 01/01/2008, Công ty A mua 1 hợp đồng quyền chọn mua với công ty B là 10.000 CP X với giá 50 USD, thời hạn 1 năm, phí chọn mua là 100.000USD. Giá hiện tại của CP X là 65USD. Cuối tháng 10, giá cổ phiếu X là 72USD, công ty A có thể thực hiện hợp đồng hoặc bán hợp đồng này trên thị trường. Trong mỗi trường hợp, hãy tính số tiền mà công ty A thu được
Giải
Số tiền công ty A phải bỏ ra để mua số CP này là 50x10.000=500.000USD
Tổng số tiền công ty A phải bỏ ra để mua số CP này là 500.000+100.000=600.000USD
Giá của số CP này trên thị trường là 72x10.000=720.000USD
Như vậy, khi thực hiện quyền, công ty A được lợi 720.000-600.000=120.000USD
- Nếu công ty A bán hợp đồng này trên thị trường thì số tiền thu được của công ty A ít nhất phải bằng số tiền được lợi từ việc thực hiện hợp đồng. Như vậy, giá bán tối thiểu cuả hợp đồng này là 120.000USD.
* Tại Việt Nam
Hiện nay, trên TTCK Việt Nam, chưa chấp nhận việc giao dịch hợp đồng tương lai, hợp đồng kì hạn hay hợp đồng quyền chọn đối với chứng khoán.
Hợp đồng kì hạn, hợp đồng tương lai mới chỉ được sử dụng trên các thị trường hàng hóa như cao su, cà phê tại khu vực Tây Nguyên.
Hàng hóa trên TTCK VN
Hàng hóa trên TTCK VN hiện tại bao gồm: Cổ phiếu, trái phiếu và chứng chỉ quỹ
Trên SGDCK Thành phố HCM
Chỉ tiêu
Toàn thị trường
Cổ phiếu
Trái phiếu
Chứng chỉ quỹ
Số chứng khoán niêm yết
233
163
66
4
Tỉ trọng(%)
100
69.96
28.33
1.72
Trên SGDCK Hà Nội
Chỉ tiêu
Toàn thị trường
Cổ phiếu
Trái phiếu
UpCom
Số chứng khoán niêm yết
738
211
514
13
CHƯƠNG 3. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN SƠ CẤP
VÀ GIÁ CHỨNG KHOÁN
3.1. Khái niệm về thị trường chứng khoán sơ cấp
Nói đến TTCK, người ta thường nghĩ đến các sở giao dịch, trung tâm giao dịch- thị trường thứ cấp mà rất ít khi nhắc đến thị trường sơ cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường sơ cấp là một bộ phận không thể tách rời của TTCK. Hơn thế nữa, nó là tiền đề cho sự ra đời và phát triển của thị trường thứ cấp. Chính vì vậy, để phát triển TTCK, công việc đầu tiên và vô cùng quan trọng là xây dựng và phát triển thị trường sơ cấp
Khác với thị trường thứ cấp là nơi chứng khoán được mua đi bán lại. Thị trường sơ cấp là thị trường mua bán lần đầu các chứng khoán mới phát hành
Thị trường sơ cấp còn được gọi là thị trường cấp 1 hoặc thị trường phát hành
Điểm khác biệt dễ nhận thấy giữa thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp là: ở thị trường sơ cấp, tổ chức phát hành thu được tiền từ đợt phát hành còn ở thị trường thứ cấp thì không.
Tóm lại
TTCK sơ cấp là:
- Nơi mua bán lần đầu các chứng khoán mới phát hành
- Nơi tổ chức phát hành thu được tiền
- Là thị trường cung cấp hàng hóa cho thị trường thứ cấp
3.2. Chức năng của thị trường chứng khoán sơ cấp
Với hai bộ phận cấu thành là thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp, TTCK trở thành một kênh chủ yếu huy động các nguồn vốn trung và dài hạn cho chính phủ và các doanh nghiệp. Nếu không có TTCK, thị trường tài chính sẽ không thể hoàn chỉnh và phát triển để cấu thành nên nền kinh tế thị trường theo đúng nghiã của nó. Tính chất và quy mô của thị trường sơ cấp sẽ quy định phạm vi và tính chất của thị trường thứ cấp. Thị trường sơ cấp có vai trò và chức năng chủ yếu sau:
3.2.1. Đối với nền kinh tế quốc dân
Thị trường sơ cấp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.
Thông qua thị trường sơ cấp, vốn sẽ đến được tay người cần
Thị trường sơ cấp là kênh phân bổ vốn hiệu quả. Dựa trên cơ chế thị trường, các nguồn vốn sẽ được phân bổ cho những dự án đầu tư có hiệu quả nhất, tạo ra nhiều giá trị kinh tế nhất.
Có thể nói thị trường sơ cấp không chỉ đóng vai trò tập trung các nguồn vốn mà còn là một công cụ giúp tăng cường hiệu quả hoạt động của nền kinh tế.
Ý nghĩa của việc phát triển thị trường sơ cấp đối với Việt Nam
Thị trường sơ cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trước hết, thị trường sơ cấp sẽ giải bài toán phân bổ vốn có hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để có được tốc độ tăng trưởng kinh tế 7% trong vòng 10 năm tới thì Việt Nam cần huy động lượng vốn là 40-50 tỷ USD. Lượng vốn này có thể huy động từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính năm 1997 đã cho thấy nguồn vốn bên ngoài tuy lớn nhưng rất không ổn định. Trong khi đó, theo đánh giá của các chuyên gia thuộc ngân hàng thế giới WB, hiện nay số tiền nhàn rỗi trong dân cư dưới dạng vàng, bạc và các loại ngoại tệ mạnh cũng lên đến 20 tỷ USD. Nếu chúng ta có thể xây dựng được một thị trường sơ cấp có hiệu quả trong việc huy động vốn trong nước, nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự độc lập cao hơn về vốn và sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế trong tương lai.
3.2.2. Đối với chính phủ
Do thu hút được nguồn vốn lớn từ nền kinh tế và nguồn vốn từ nước ngoài thông qua phát hành trái phiếu, thị trường sơ cấp giúp chính phủ giải quyết được các vấn đề sau:
Nơi chính phủ thực hiện các chính sách vĩ mô
Do lãi suất trái phiếu chính phủ là cơ sở của lãi suất thị trường nên việc phát hành trái phiếu sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tiết kiệm, đầu tư.
Giải quyết các vấn đề ngân sách
- Thiếu hụt ngân sách: Khi phát hành trái phiếu, chính phủ có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt ngân sách
- Tăng vốn để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng mà không phải phát hành tiền tạo ra sức ép về lạm phát.
Ngày nay, ở hầu hết các quốc gia, việc chính phủ phát hành trái phiếu thông qua thị trường sơ cấp là việc rất thường xuyên, theo một kế hoạch xác định nằm trong kế hoạch tổng thể của chiến lược huy động vốn quốc gia.
3.2.3. Đối với doanh nghiệp
Đối tượng quan trọng nhất của thị trường sơ cấp là các doanh nghiệp. Bên cạnh kênh huy động vốn truyền thống là thông qua hệ thống ngân hàng, thị trường sơ cấp ra đời giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được với kênh huy động vốn linh hoạt và có hiệu quả.
- Khi doanh nghiệp thiếu vốn
Doanh nghiệp cần vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có thể phát hành cổ phiếu và trái phiếu để huy động vốn.
- Khi doanh nghiệp thừa vốn
Doanh nghiệp có vốn nhàn rỗi nhưng chưa có cơ hội sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp có thể mua chứng khoán như là một tài sản kinh doanh và các chứng khoán đó có thể chuyển đổi thành tiền mặt khi cần thiết thông qua thị trường thứ cấp.
Trong trường hợp của Việt Nam là một nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường. Sự ra đời của TTCK với các định chế về tổ chức và pháp luật đi kèm còn giúp các doanh nghiệp làm quen với các phương thức quản lý hiện đại và hoạt động có hiệu quả hơn.
3.3. Phát hành chứng khoán
3.3.1. Các tổ chức được phát hành chứng khoán
- Chính phủ: Chính phủ thường xuyên phải đối mặt với thâm hụt ngân sách. Chính phủ không thể in tiền để tài trợ cho khoản thâm hụt đó, cũng không thể tăng thuế để bù đắp khoản thiếu hụt đó (mặc dù về cơ bản lãi và gốc của trái phiếu chính phủ cuối cùng sẽ được thanh toán bằng các khoản thu từ thuế). Bên cạnh đó, đối với các công trình, dự án đòi hỏi lượng vốn đầu tư ban đầu lớn, việc tăng nguồn thu từ thuế cũng không thể đáp ứng được nhu cầu về vốn ban đầu. Vì vậy việc phát hành trái phiếu là việc làm thường xuyên để tài trợ cho thâm hụt ngân sách và tài trợ cho công trình dự án quan trọng.
- Doanh nghiệp: Việc thiếu vốn trong sản xuất kinh doanh là điều thường thấy trong hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Không phải lúc nào doanh nghiệp cũng có thể giải quyết vấn đề thiếu vốn bằng cách vay ngân hàng. Khi có TTCK, phát hành cổ phiếu hay trái phiếu để vay vốn là những cách phổ biến.
- Quỹ đầu tư: Để giúp các nhà đầu tư nhỏ, cá thể phân tán rủi ro và giảm chi phí đầu tư, các công ty quản lý quỹ thành lập các quỹ đầu tư và phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng.
3.3.2. Mục đích phát hành chứng khoán
Mỗi chủ thể phát hành chứng khoán đều có những mục đích phát hành khác nhau:
- Chính phủ phát hành chứng khoán nhằm mục đích
Tài trợ thâm hụt ngân sách
Tài trợ các dự án xây dựng cơ bản quan trọng mà không gây sức ép lên lạm phát
Bình ổn nền kinh tế thông qua điều chỉnh lãi suất trái phiếu chính phủ
- Doanh nghiệp
Mục tiêu hàng đầu của doanh nghiệp khi phát hành chứng khoán là huy động vốn để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
3.3.3. Điều kiện phát hành chứng khoán
Điều kiện các doanh nghiệp được phép phát hành chứng khoán ra công chúng được chia làm 2 nhóm: Điều kiện định lượng và điều kiện định tính.
Điều kiện định lượng:
Doanh nghiệp phải có quy mô về vốn nhất định
Doanh nghiêp phải hoạt động có lãi trong 1 số năm liên tục trước khi xin phép phát hành ra công chúng
Tổng giá trị đợt phát hành phải đạt một lượng nhất định
Điều kiện định tính:
Ban lãnh đạo, nhà quản lý của doanh nghiệp phải có trình độ
Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp phải hợp lý
Các báo cáo tài chính, các tài liệu cung cấp thông tin của công ty phải minh bạch, có độ tin cậy cao. Điều này có nghĩa là các báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải được kiểm toán bởi các tổ chức kiểm toán có uy tín.
Phải có phương án khả thi đối với số vốn huy động được.
Phải có tổ chức bảo lãnh phát hành đứng ra cam kết bảo lãnh cho đợt phát hành.
Các điều kiện phát hành được đặt ra cao vì 1 số lý do:
Bảo vệ các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm, do đó các chứng khoán phát hành phải là chứng khoán có chất lượng cao và doanh nghiệp phát hành chứng khoán phải là doanh nghiệp có triển vọng phát triển.
Đảm bảo sự công khai minh bạch của các thông tin do doanh nghiệp cung cấp
Ngoài ra, ở các quốc gia đang phát triển TTCK như Việt Nam, việc đưa ra các điều kiện phát hành cao còn xuất phát từ lý do tạo dựng niềm tin của các nhà đầu tư đối với TTCK.
Tại Việt Nam, điều kiện phát hành chứng khoán được quy định như sau
- Đối với cổ phiếu
Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán;
Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
- Đối với trái phiếu
Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ mười tỷ đồng Việt Nam trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán;
Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ luỹ kế tính đến năm đăng ký chào bán, không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm;
Có phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán được Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua;
Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.
- Đối với chứng chỉ quỹ
Tổng giá trị chứng chỉ quỹ đăng ký chào bán tối thiểu năm mươi tỷ đồng Việt Nam;
Có phương án phát hành và phương án đầu tư số vốn thu được từ đợt chào bán chứng chỉ quỹ phù hợp với quy định của Luật Chứng khoán
3.3.4. Phương thức phát hành chứng khoán
- Khái niệm
Việc chào bán lần đầu tiên chứng khoán mới gọi là phát hành chứng khoán.
Nếu đợt phát hành dẫn đến việc đưa một loại chứng khoán của một tổ chức lần đầu tiên ra công chúng thì gọi là phát hành lần đầu ra công chúng.
Nếu việc phát hành đó là việc phát hành bổ sung bởi tổ chức đã có chứng khoán cùng loại lưu thông trên thị trường thì gọi là đợt phát hành chứng khoán bổ sung. Tuy nhiên, không phải mọi đối tượng đều được phát hành chứng khoán mà chỉ những chủ thể phát hành mới có được quyền này.
- Phương thức phát hành
Có 2 phương thức phát hành chứng khoán trên thị trường sơ cấp. Đó là phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng.
Phát hành riêng lẻ (Private Placement)
Khái niệm: Công ty phát hành chào bán chứng khoán của mình trong phạm vi một số người nhất định (thông thường là cho các nhà đầu tư có tổ chức có ý định nắm giữ chứng khoán một cách lâu dài) như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí... với những điều kiện hạn chế chứ không phát hành rộng rãi ra công chúng.
Đối tượng phát hành: Đa số các đợt phát hành trái phiếu đều thực hiện dưới hình thức phát hành riêng lẻ, việc phát hành cổ phiếu thường - cổ phiếu phổ thông ít khi được thực hiện dưới hình thức này.
Chứng khoán phát hành dưới hình thức này không phải là đối tượng được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán sơ cấp.
Luật điều chỉnh trực tiếp: Luật công ty
Phát hành chứng khoán ra công chúng
Khái niệm: Việc phát hành trong đó chứng khoán có thể chuyển nhượng được bán rộng rãi ra công chúng cho một số lượng lớn người đầu tư nhất định (trong đó phải dành một tỷ lệ cho các nhà đầu tư nhỏ) và khối lượng phát hành phải đạt một mức nhất định.
Ý nghĩa của việc phân biệt giữa phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng
Việc phân biệt phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng là để xác định những người phát hành rộng rãi ra công chúng phải là những công ty có chất lượng cao, hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, nhằm bảo vệ cho công chúng đầu tư nói chung, nhất là những nhà đầu tư nhỏ thiếu hiểu biết. Đồng thời, đây cũng là điều kiện để xây dựng một thị trường chứng khoán an toàn, công khai và có hiệu quả.
3.3.5. Bảo lãnh phát hành chứng khoán
- Khái niệm: Bảo lãnh phát hành là việc tổ chức bảo lãnh giúp tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, tổ chức việc phân phối chứng khoán và giúp bình ổn giá chứng khoán trong giai đoạn đầu sau khi phát hành.
Trên thế giới, các ngân hàng đầu tư thường là những tổ chức đứng ra làm bảo lãnh phát hành.
Như vậy
Bảo lãnh phát hành bao gồm các hoạt động: Tư vấn tài chính và phân phối chứng khoán
Đối tượng nhận bảo lãnh (tổ chức bảo lãnh): Ngân hàng đầu tư (Tại Việt Nam là công ty chứng khoán)
- Các phương thức bảo lãnh phát hành: Việc bảo lãnh phát hành thường được thực hiện theo một trong các phương thức sau:
Bảo lãnh với cam kết chắc chắn
Khái niệm: Phương thức bảo lãnh mà theo đó tổ chức bảo lãnh cam kết sẽ mua toàn bộ số chứng khoán phát hành cho dù có phân phối được hết chứng khoán hay không.
Trên thực tế, với các hoạt động bảo lãnh có quy mô lớn, một nhóm các tổ chức bảo lãnh hình thành một tổ hợp để mua chứng khoán của tổ chức phát hành với giá chiết khấu so với giá chào bán ra công chúng (POP) và bán lại các chứng khoán đó ra công chúng theo giá POP. Chênh lệch giữa giá mua chứng khoán của các tổ chức bảo lãnh và giá chào bán ra công chúng được gọi là hoa hồng chiết khấu.
Bảo lãnh theo phương thức dự phòng
Áp dụng: Khi một công ty đại chúng phát hành bổ sung thêm cổ phiếu thường ở các nước phát triển.
Mục đích: Khi phát hành thêm cổ phiếu, công ty cần phải bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông hiện hữu, và như vậy, công ty phải chào bán cổ phiếu bổ sung cho các cổ đông cũ trước khi chào bán ra công chúng bên ngoài.
Sẽ có một số cổ đông không muốn mua thêm cổ phiếu của công ty. Do vậy, công ty cần có một tổ chức bảo lãnh dự phòng sẵn sàng mua những quyền mua không được thực hiện và chuyển thành những cổ phiếu để phân phối ra ngoài công chúng.
Khái niệm: Bảo lãnh theo phương thức dự phòng là việc tổ chức bảo lãnh cam kết sẽ mua nốt số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành và bán lại ra công chúng.
Tại các nước đang phát triển, khi các tổ chức bảo lãnh còn non trẻ và chưa có tiềm lực lớn thì phương thức bảo lãnh phát hành dự phòng lại là phương thức bảo lãnh thông dụng nhất.
- Bảo lãnh với cố gắng cao nhất
Khái niệm: Phương thức bảo lãnh mà theo đó tổ chức bảo lãnh tổ chức bảo lãnh thoả thuận làm đại lý cho tổ chức phát hành.
Tổ chức bảo lãnh không cam kết bán toàn bộ số chứng khoán mà cam kết sẽ cố gắng hết sức để bán chứng khoán ra thị trường, nhưng nếu không phân phối hết sẽ trả lại cho tổ chức phát hành phần còn lại.
- Bảo lãnh theo phương thức bán tất cả hoặc không:
Khái niệm: Tổ chức phát hành yêu cầu tổ chức bảo lãnh bán một số lượng chứng khoán nhất định, nếu không phân phối được hết sẽ huỷ toàn bộ đợt phát hành.
- Bảo lãnh theo phương thức tối thiểu - tối đa
Đây là phương thức trung gian giữa phương thức bảo lãnh với cố gắng cao nhất và phương thức bảo lãnh bán tất cả hoặc không.
Theo phương thức này, tổ chức phát hành yêu cầu tổ chức bảo lãnh bán tối thiểu một tỷ lệ chứng khoán nhất định (mức sàn). Vượt trên mức ấy, tổ chức bảo lãnh được tự do chào bán chứng khoán đến mức tối đa quy định (mức trần). Nếu lượng chứng khoán bán được đạt tỷ lệ thấp hơn mức yêu cầu thì toàn bộ đợt phát hành sẽ bị huỷ bỏ.
- Việt Nam: Quy định về bảo lãnh phát hành chứng khoán theo Luật chứng khoán
Tổ chức bảo lãnh phát hành: Công ty chứng khoán được phép hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán và ngân hàng thương mại được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bảo lãnh phát hành trái phiếu theo điều kiện do Bộ Tài chính quy định.
Phân phối chứng khoán: Tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ chức đại lý phải phân phối chứng khoán công bằng, công khai và bảo đảm thời hạn đăng ký mua chứng khoán cho nhà đầu tư tối thiểu là hai mươi ngày; thời hạn này phải được ghi trong Bản thông báo phát hành.
3.4. Giá chứng khoán
3.4.1. Giá trị thời gian của tiền
Giá trị của tiền theo thời gian là một trong những nội dung quan trọng nhất trong quyết định tài chính. Tiền không có giá trị giống nhau ở mỗi thời điểm. Nghĩa là, một dola của ngày hôm nay thì không giống một dola trong tương lai. Lãi suất, lợi nhuận là cầu nối giữa giá trị hôm nay và trong tương lai.
- Giá trị tương lai của 1 khoản tiền hiện tại
Giá trị tương lai của 1 khoản đầu tư sau 1 năm với lãi suất r1 ( nhận lãi và gốc cuối kì):
Giá trị tương lai của 1 khoản đầu tư sau n năm, lãi suất các năm tương ứng là r1, r2, r3,..., rn, lãi nhận được hàng năm và dùng để tái đầu tư liên tục:
Nếu r1= r2=…= rn= r thì
Ví dụ: Gửi tiết kiệm 2.000.000VND, với lãi suất 12% năm trong vòng 3 năm, trả lãi hàng năm, thì sau 3 năm số tiền nhận được là:
FV= 2.000.000x(1+0,12)3= 2.809.856 VND
- Giá trị hiện tại của 1 khoản tiền trong tương lai
- Giá trị tại 1 thời điểm trong tương lai của 1 dòng thu nhập trước đó
Nếu có 1 dòng thu nhập đều đặn là C vào thời điểm cố định nào đó trong năm 1,2,3,...,n (lãi suất cố định r %/ năm) thì tại thời điểm nhận được khoản thu nhập cố định trên vào năm cuối, giá trị của cả dòng thu nhập đó là:
- Giá trị hiện tại của dòng thu nhập trong tương lai
Nếu dòng thu nhập đều đặn trong tương lai là C thì giá trị hiện tại của dòng thu nhập này là:
3.4.2. Giá chứng khoán
- Mệnh giá: Giá ghi (in) trên bề mặt của tờ CK. Giá này do đặc điểm của từng loại CK mà hình thành:
+ Mệnh giá của trái phiếu:
Tổng giá trị đợt phát hành
Mệnh giá trái phiếu =
Tổng số trái phiếu cần phát hành
Mệnh giá của trái phiếu có giá trị trong việc tính lãi suất và là số tiền lấy về khi TP đáo hạn
+ Mệnh giá của cổ phiếu
Tổng vốn điều lệ
Mệnh giá cổ phiếu=
Tổng số cổ phiếu cần phát hành
Mệnh giá cổ phiếu là căn cứ để xác định cổ tức
Ý nghĩa của mệnh giá CK cao hay thấp:
Đặt mệnh giá cao khi tổ chức phát hành chưa muốn bán CK rộng rãi ra công chúng
Khi muốn bán CK rộng rãi ra công chúng, thường ấn định mệnh giá thấp.
Để thuận tiện cho việc trao đổi mua bán trên thị trường CK, luật CK các nước thường quy định mệnh giá tối thiểu chung thống nhất cho CK. Tại Việt Nam, mệnh giá CP là 10.000đ, mệnh giá TP là 100.000đ và bội số của nó
- Giá trị sổ sách: Là giá trị của một chứng khoán được ghi trong bảng cân đối kế toán của một công ty. Giá trị sổ sách thể hiện chi phí lịch sử của tài sản hơn là giá trị hiện tại của nó.
Cách xác định giá trị sổ sách (Thư giá)
Giá trị thuần CT – Vốn cổ phần ưu đãi
Thư giá CP =
Thường Tổng số CP thường đã phát hành
Giá trị thuần công ty= Tổng tài sản- tổng nợ
Hoặc
Mệnh giá+ thặng dư vốn+ Lợi nhuận giữ lại
Thư giá CP =
Thường Tổng số CP thường đã phát hành
Thư giá của cổ phiếu ưu đãi của một công ty là số tiền mà các nhà đầu tư trả cho tổ chức phát hành lần đầu tiên và vì vậy đó là số tiền mà công ty nhận được khi cổ phiếu được phát hành.
VD: cách tính thư giá
Năm 2000, công ty cổ phần A thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng, số lượng cổ phiếu phát hành là 1 triệu cổ phiếu với mệnh giá là 10.000đ/CP
Sau 3 năm hoạt động, công ty có các số liệu sau:
Tổng Tài sản: 80tỷ
Nợ: 20tỷ Quỹ dự trữ: 10tỷ đ Quỹ tích luỹ: 40 tỷ đ
80 tỷ - 20 tỷ
Thư giá 1 CP = = 60.000/CP
1.000.000
Năm 2005, công ty quyết định tăng thêm vốn bằng cách phát hành thêm bằng cách phát hành thêm 1 triệu CP, với mệnh giá là 10.000/CP. Công ty bán trên thị trường được giá là 25.000/CP. Giả sử rằng các quỹ trích lập từ lợi nhuận giữ lại không thay đổi, nợ vẫn như cũ.
Ta có: Vốn cổ phần theo mệnh giá: 20 tỷ
Vốn thặng dư: ( 25.000 – 10.000) x 1triệu CP = 15 tỷ đồng
20 tỷ + 15 tỷ + 10tỷ + 40 tỷ
Thư giá 1 CP = = 42.5000đ/CP
2.000.000
- Giá trị thị trường: Giá trị thị trường của một chứng khoán là giá của chứng khoán đó trên thị trường. Giá trị này được xác định bởi cung và cầu trên thị trường nơi mà ngươi mua và người bán thường xuyên được thương thuyến một giá cả chấp nhận chung cho chứng khoán đang xét.
- Giá trị nội tại của một chứng khoán có thể định nghĩa là giá trị hiện tại của những luồng tiền dự tính trong tương lai thu được từ chứng khoán đó, được chiết khấu về thời điểm hiện tại với tỉ lệ lợi tức yêu cầu phù hợp. Giá trị này là lượng tiền mà nhà đầu tư xem là cân bằng trong điều kiện cho trước về số lượng, thời điểm và mức độ rủi ro của những luồng tiền trong tương lai. Một khi nhà đầu tư ước tính được giá trị nội tại của một chứng khoán thì giá trị này có thể so sánh với giá trị thị trường của nó có sẵn:
Nếu giá trị nội tại lớn hơn giá thị trường của chứng khoán, điều đó có nghĩa là chứng khoán bị định giá thấp dưới con mắt của nhà đầu tư. (Nhà đầu tư nên mua chứng khoán này)
Nếu giá trị nội tại nhỏ hơn giá thị trường của chứng khoán, điều đó có nghĩa là chứng khoán bị định giá cao. (Nhà đầu tư nếu đang nắm giữ chứng khoán này thì nên bán).
Nếu TTCK hoạt động hiệu quả thì giá trị thực của chứng khoán sẽ bằng với giá trị thị trường của chứng khoán đó. Bất cứ lúc nào giá trị thực khác với giá thị trường thì sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư để thu lợi nhuận sẽ nhanh chóng đẩy giá thị trường về giá trị thực. Khi thị trường hoạt động hiểu quả thì sẽ gây khó khăn cho 1 nhà đầu tư tạo thêm lợi nhuận từ khả năng phán đoán giá, vì giá cả sẽ phản ứng rất nhanh đối với các thông tin mới. (Thị trường hiệu quả là thị trường trong đó giá trị của tất cả các chứng khoán tại bất cứ thời điểm nào đều phản ánh đầy đủ tất cả các thông tin công khai sẵn có)
3.4.3. Thu nhập từ đầu tư chứng khoán
* Đối với trái phiếu:
Thu nhập từ đầu tư trái phiếu: Trái tức
Chênh lệch giá
Trái tức= Mệnh giá x Lãi suất cuống phiếu
- Các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập từ đầu tư trái phiếu
Người phát hành
Thời gian đáo hạn
Lãi suất cuống phiếu
(Những nội dung này đã được trình bày ở chương 2, phần Trái phiếu)
- Các thước đo lãi suất:
Lãi suất cuống phiếu
Lãi suất hiện hành = Lãi/ Giá mua
Lãi suất đáo hạn: Lãi suất làm cân bằng giá trị hiện tại của các dòng thu nhập trong thời gian tồn tại của trái phiếu với giá mua trái phiếu.
Cách tính:
Nếu mua với giá thấp hơn MG (giá chiết khấu):
(MG x i) + (MG – TG)/ N
Lợi suất đáo hạn =
(MG + TG)/ 2
Nếu mua với giá cao hơn MG (giá tăng trưởng):
(MG x i) - (TG – MG)/ N
Lợi suất đáo hạn =
(MG + TG)/ 2
- Kết luận về mối liên hệ giữa lãi suất và giá trái phiếu
Nếu giá bán trái phiếu bằng mệnh giá thì lãi suất cuống phiếu = lãi suất hiện hành = lãi suất đáo hạn
Nếu giá bán trái phiếu nhỏ hơn mệnh giá thì lãi suất cuống phiếu < lãi suất hiện hành < lãi suất đáo hạn
Nếu giá bán trái phiếu lớn hơn mệnh giá thì lãi suất cuống phiếu > lãi suất hiện hành > lãi suất đáo hạn
* Đối với cổ phiếu
Thu nhập từ đầu tư cổ phiếu: Cổ tức
Chênh lệch giá (lãi hoặc lỗ vốn)
Cổ tức: Phần thu nhập sau thuế mà công ty dành trả cho cổ đông
- Yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập từ cổ phiếu
Chính sách chi trả cổ tức
Khả năng tăng giá của cổ phiếu
(Nội dung này sẽ trình bày trong chương 6)
3.4.3. Định giá chứng khoán
- Nội dung của việc định giá: Xác định giá trị nội tại của chứng khoán
- Ý nghĩa của việc định giá: Căn cứ để ra quyết định đầu tư
- Cách thức tiến hành
Việc định giá một chứng khoán được tiến hành theo 3 bước
Bước 1: Đánh giá đặc điểm của chứng khoán bao gồm độ lớn và thời điểm các luồng tiền dự tính và mức độ rủi ro của những luồng tiền này.
Bước 2: Xác định tỉ lệ lợi tức yêu cầu của nhà đầu tư. Tỉ lệ này biểu hiện thái độ của nhà đầu tư trong việc dự đoán rủi ro và nhận biết mức độ rủi ro của chứng khoán.
Bước 3: Chiết khấu những luồng tiền dự tính trở về hiện tại với tỉ lệ lợi tức yêu cầu làm tỉ lệ chiết khấu.
Tỉ lệ lãi suất yêu cầu của nhà đầu tư được xác định bằng lãi suất không rủi ro cộng với phần bù rủi ro mà nhà đầu tư cho là cần thiết để bù đắp cho rủi ro mà họ phải gánh chịu trong việc sở hữu tài sản đó. Vì vậy, mô hình định giá chứng khoán cơ bản có thể được định nghĩa về mặt toán học như sau:
Trong đó: CFt: Luồng tiền nhận được tại thời điểm t
PV: Giá trị hiện tại của chứng khoán được tạo ra từ những luồng tiền tương lai dự tính Ct từ năm thứ 1 đến năm thứ n
k: Tỉ lệ lợi tức yêu cầu của nhà đầu tư (lãi suất chiết khấu)
n: Số năm mà luồng tiền xuất hiện
- Định giá trái phiếu
Công thức chung định giá trái phiếu
Trong đó: It: Lãi nhận được tại thời kì t
k: Lãi suất chiết khấu
C: Mệnh giá trái phiếu
Định giá các loại trái phiếu
* Trái phiếu Coupon (Trả lãi hàng kì, trả gốc vào ngày đáo hạn)
I1=I2=I3…=In
* Trái phiếu vĩnh viễn (Consol): Trái phiếu không có ngày đáo hạn, chỉ trả lãi, không trả gốc). Trái phiếu này được chính phủ Anh phát hành lần đầu vào thời kì chiến tranh với Naponeong và vẫn còn được giao dịch ngày nay, tuy nhiên chúng rất ít gặp trên thị trường tài chính.
Cách thức định giá như sau:
=
Với I1=I2=I3…=In
Khi thì , do đó
* Trái phiếu chiết khấu: Trái phiếu được bán với giá thấp hơn mệnh giá, trả số tiền bằng mệnh giá vào ngày đáo hạn
Công thức định giá:
- Định giá cổ phiếu
Đối với cổ phiếu, có nhiều phương pháp định giá, tuy nhiên, ở đây chỉ trình bày phương pháp chiết khấu cổ tức (DCF)
Như tên gọi, phương pháp này xác định giá trị nội tại của cổ phiếu qua việc dự tính luồng cổ tức trong tương lai mà việc nắm giữ cổ phiếu mang lại.
* Định giá cổ phiếu ưu đãi
Cổ phiếu ưu đãi có đặc điểm là cổ tức được ấn định ở mức cố định là D
Cổ phiếu ưu đãi được định giá như sau:
Dt là cổ tức nhận được vào thời kì t, D1=D2=D3=…=Dn
Pn là giá bán cổ phiếu ưu đãi vào thời điểm n
k là lãi suất chiết khấu
== D.
Khi thời gian nắm giữ cổ phiếu là vô hạn ()
khi ấy ,
Như vậy giá của cổ phiếu ưu đãi được xác định: (1)
(công thức này đồng nhất với công thức định giá trái phiếu vĩnh viễn ở trên)
* Định giá cổ phiếu thường
Trường hợp 1: Cổ tức được trả đều đặn và cố định
Việc định giá được xác định như cổ phiếu ưu đãi
Trường hợp 2: Cổ tức tăng trưởng đều qua các thời kì
Giả thiết: Tốc độ tăng trưởng cổ tức là g
Tại thời điểm hiện tại, cổ tức được trả D0
Năm thứ nhất cổ tức được trả là D1=D0(1+g)
Năm thứ 2: D2= D1(1+g)=D0(1+g)2
…
Năm n: Dn=D0(1+g)n
Giá của cổ phiếu được xác định:
+
(1)
Nhân cả 2 vế của (1) với
)= (2)
Lấy (2)-(1)
k>g>0 với giả thiết tỉ lệ lợi tức yêu cầu lớn hơn tỉ lệ tăng trưởng cổ tức,
do đó và khi thì và
Vậy (2)
Trường hợp 3: Cổ tức tăng trưởng không đều trong m năm đầu, từ năm m+1 trở đi, cổ tức lại tăng trưởng đều với tốc độ g
Giá cổ phiếu sẽ được xác định:
Pm được xác định như với trường hợp cổ tức tăng trưởng với tốc độ g
Vậy (3)
3.4.4. Giá chứng khoán trên thị trường sơ cấp
Một tổ chức muốn phát hành chứng khoán ra công chúng cần đến sự bảo lãnh phát hành. Tổ chức bảo lãnh phát hành thực hiện các công việc: Tư vấn tài chính trước khi phát hành và phân phối chứng khoán sau khi phát hành.
Trong quá trình tư vấn tài chính trước khi phát hành, tổ chức bảo lãnh có nhiệm vụ quan trọng nhất là phải định giá cho đợt phát hành. Mức giá này được coi là mức giá tham chiếu cho đợt phát hành. Giá bán chứng khoán được xác định thông qua quá trình đấu giá (Buổi đấu giá do tổ chức bảo lãnh phát hành tổ chức). Giá bán cao hay thấp hơn giá tham chiếu phục thuộc vào lượng cầu của nhà đầu tư đối với chứng khoán của tổ chức phát hành.
Kết luận: Giá chứng khoán trên thị trường chứng khoán sơ cấp do lượng cung- cầu về chứng khoán quyết định, nó được xác định tại phiên đấu giá và là giá đấu giá bình quân của phiên đấu giá đó. Giá do tổ chức bảo lãnh phát hành đưa ra được coi là mức giá tham chiếu.
* Sơ lược về các hình thức đấu giá
Khái niệm: Đấu giá là một cơ chế thị trường trong đó một vật hữu hình hay vô hình (bằng sáng chế…), một hay một tập hợp sản phẩm hay dịch vụ, (gọi chung là vật đấu giá) được trao đổi, mua bán trên cơ sở giá chào những người tham gia đấu giá hay người trả giá (bidder), những thành viên tham gia thị trường.
Đấu giá cung cấp một hệ quy tắc điều chỉnh qua đó quyết định mua hay bán cho người trả giá thích hợp nhất. Đấu giá được tổ chức vào thời điểm xác định với số người tham gia hạn chế.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, đấu giá được mở rộng hơn rất nhiều và phát triển lên một bước mới.
Quy trình đấu giá
Người tham gia: Một người bán đấu giá (auctionneer) sở hữu vật đấu giá hoặc được uỷ nhiệm điều khiển cuộc bán đấu giá và người tham gia.
Quy trình đấu giá:
Bước 1: Người này thông báo về vật đấu cũng như phương thức đấu giá tới các đối tượng xác định (trừ trường hợp đấu giá rộng rãi).
Bước 2: Người quan tâm tới vật đấu giá sẽ đăng ký tham gia đấu giá.
Cơ chế xác định giá: Người bán muốn bán với giá cao nhất có thể, còn người mua muốn mua với giá thấp nhất có thể. Tuỳ theo cơ chế đấu giá, người ta có thể chào giá một hoặc nhiều lần. Đôi khi, người bán đấu giá có thể đưa ra một mức giá chấp nhận tối thiểu, gọi là giá hạn chế (reservation price).
Các phương thức đấu giá
Đấu giá kiểu Hà Lan: Người bán đấu giá đưa ra một mức giá rất cao cho vật đấu giá mà thường là không người mua nào trả nổi. Mức giá sẽ được hạ xuống dần dần theo một chiếc đồng hồ. Nếu người trả giá chấp nhận mức giá thì phải ấn nút chấp nhận ngay, nếu không sẽ mất cơ hội.
Đấu giá kiểu Anh: Người bán đấu giá điều khiển cuộc bán đấu giá sao cho người trả giá thắng được mức giá hiện tại. Giá chào mới phải cao hơn giá chào cũ một khoảng cho trước. Cuộc đấu giá chấm dứt khi không còn người nào đưa ra mức giá khá hơn. Người trả giá hiện tại sẽ thắng và trả số tiền theo giá đã chào. Đấu giá kiểu Anh được coi là đấu giá mức thứ hai vì người thắng cuộc chỉ cần chào giá ở mức giá thứ hai (hoặc hơn mức thứ giá thứ 2 một chút)
Các hình thức đấu giá không chỉ được áp dụng đối với những mặt hàng hiếm mà còn được sử dụng rộng rãi tại các sàn giao dịch hàng hoá theo lô, đặc biệt là với các cơ chế khớp lệnh giao dịch tự động trong đó có TTCK. Nghiên cứu đấu giá giúp cho các nhà thiết kế thị trường có thể tối ưu hoá hoạt động mua bán.
CHƯƠNG 4. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN THỨ CẤP
4.1. Khái niệm thị trường chứng khoán thứ cấp
Khái niệm: Thị trường chứng khoán thứ cấp là nơi giao dịch các chứng khoán đã được phát hành trên thị trường sơ cấp.
Nguyên tắc hoạt động
Giao dịch trên thị trường thứ cấp phản ánh nguyên tắc cạnh tranh tự do, giá chứng khoán trên thị trường thứ cấp do cung và cầu quyết định.
Thị trường thứ cấp là thị trường hoạt động liên tục, các nhà đầu tư có thể mua và bán các chứng khoán nhiều lần trên thị trường.
4.2. Chức năng của thị trường chứng khoán thứ cấp
Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán sau khi đã phát hành: Đây là chức năng quan trọng nhất của thị trường thứ cấp.
Không có thị trường thứ cấp sẽ không tồn tại 1 thị trường sơ cấp phát triển. Nếu chứng khoán phát hành ra không lưu chuyển được trên thị trường thứ cấp, thì nhà đầu tư cũng không quan tâm đến việc mua, nắm giữ chứng khoán phát hành. Cổ phiếu của một công ty khi được mua bán nhiều phản ánh lòng tin của người đầu tư vào công ty đó.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về giá và khối lượng chứng khoán trong các lần phát hành chứng khoán tiếp theo trên thị trường chứng khoán sơ cấp.
Tạo hình ảnh cho các công ty có chứng khoán giao dịch trên thị trường chứng khoán thứ cấp. Nếu công ty phát hành các cổ phiếu có chất lượng cao ở thị trường sơ cấp thì việc mua bán trên thị trường thứ cấp mới sôi động. Ngược lại, nếu phát hành cổ phiếu không có chất lượng thì cổ phiếu đó không giao dịch được trên thị trường thứ cấp.
4.3. Thị trường chứng khoán tập trung
4.3.1. Khái niệm về sở giao dịch chứng khoán
Khái niệm Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) từ xưa đến nay vẫn được hiểu là một địa điểm họp chợ có tổ chức, tại đó các chứng khoán niêm yết được các thành viên giao dịch theo những quy định nhất định về phương thức giao dịch, thời gian và địa điểm cụ thể. Trong đó, các thành viên giao dịch chính là các nhà môi giới hưởng hoa hồng hoặc kinh doanh chứng khoán cho chính mình tham gia giao dịch trên sàn thông qua hệ thống giao dịch đã được điện toán hóa.
Như vậy, có thể thấy, SGDCK là thị trường là thị trường giao dịch chứng khoán được thực hiện tại một địa điểm tập trung gọi là sàn giao dịch hoặc thông qua hệ thống máy tính. Các chứng khoán được giao dịch trên SGDCK thông thường là chứng khoán của các công ty lớn, có uy tín, tên tuổi và đáp ứng được các tiêu chuẩn niêm yết do SGDCK đặt ra
Lịch sử phát triển của TTCK gắn liền với sự ra đời và phát triển của SGDCK. Từ phương thức giao dịch thủ công diễn ra trên sàn giao dịch, sau này có sự trợ giúp của máy tính và ngày nay hầu hết các TTCK mới nổi đã tự động hóa hoàn toàn SGDCK, không còn khái niệm sàn giao dịch.
4.3.2. Tổ chức sở giao dịch chứng khoán
Các thị trường chứng khoán trên thế giới tuy có các thời điểm ra đời khác nhau, hoạt động theo các mô hình khác nhau nhưng các sở giao dịch chứng khoán đều có cơ cấu tổ chức nhu nhau.
- Hội đồng quản trị
Là cấp cao nhất ra các quyết định về hoạt động của sở giao dịch chứng khoán, các thành viên là những người có lien quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến thị trường chứng khoán. Thành viên hội đồng quản trị bao gồm đại diện các công ty chứng khoán thành viên và một số đại diện không phải là thành viên như tổ chức niêm yết, giới chuyên môn, nhà kinh doanh, chuyên gia luật và thành viên đại diện cho chính phủ.
- Ban giám đốc điều hành
Ban giám đốc điều hành chịu trách nhiệm về hoạt động của sở giao dịch chứng khoán, giám sát các hành vi giao dịch của các thành viên, dự thảo các quy định và các quy chế của sở giao dịch chứng khoán.
Ban giám đốc điều hành bao gồm tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc điều hành phụ trách các lĩnh vực khác nhau.
- Các tiểu ban hỗ trợ
Ban này có chức năng hỗ trợ, tư vấn cho hội đồng quản trị và ban giám đốc điều hành trên cơ sở đưa ra các ý kiến đề xuất thuộc lĩnh vực của mình nghiên cứu
- Các phòng ban chức năng
Các phòng ban được xây dựng dựa trên 3 khối công việc sau: các phòng chuyên môn, các phòng phụ trợ, các phòng về kiểm soát và thư ký
Phòng chuyên môn:
+ Phòng giao dịch
+ Phòng niêm yết
+ Phòng thành viên
Phòng phụ trợ
+ Phòng kế hoạch và nghiên cứu
+ Phòng hệ thống điện toán
+ Phòng tổng hợp- đối ngoại
Phòng kiểm soát và thư ký
4.3.3. Hoạt động của sở giao dịch chứng khoán
4.3.3.1. Hệ thống giao dịch chứng khoán
Hệ thống giao dịch đấu giá theo giá và hệ thống giao dịch đấu giá theo lệnh
- Hệ thống giao dịch đấu giá theo giá (Price driven system)
Khái niệm: Hệ thống giao dịch có sự xuất hiện của các nhà tạo lập thị trường cho một số loại chứng khoán nào đó.
Nhà tạo lập thị trường: Chào các mức giá mua và giá bán tốt nhất.
Quyền lợi: Hưởng phần chênh lệch giữa giá mua và bán trong các giao dịch.
Yêu cầu: Phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh và kĩ năng đầu tư chuyên nghiệp
Đối tượng tham gia giao dịch: Giao dịch trong thị trường khớp giá được thực hiện giữa một bên là nhà đầu tư và một bên là người tạo lập thị trường
Cách xác định giá: Giá thực hiện được xác định trên cơ sở cạnh tranh giữa những người tạo lập thị trường, người đầu tư chỉ cần lựa chọn mức giá phù hợp
Ưu điểm và hạn chế của hệ thống giao dịch khớp giá là có tính thanh khoản và ổn định cao. Những người tạo lập thị trường đóng vai trò tăng cường tính thanh khoản của thị trường nhưng cũng có thể bóp méo cơ chế xác định giá trên thị trường và tăng chi phsi giao dịch của người đầu tư.
Tóm lại: Thị trường khớp giá vận hành rất phức tạp vì vậy không được áp dụng ở các TTCK mới hình thành.
Thị trường khớp giá luôn tiềm ẩn những hành vi giao dịch không công bằng do những người tạo lập thị trường có được các đặc quyền về thông tin thị trường. Như vậy, việc quản lý đối với thị trường khớp giá là một trong những lý do khiến cho các SGDCK thiên về lựa chọn hệ thống khớp lệnh cho hệ thống giao dịch.
- Hệ thống giao dịch đấu giá theo lệnh
Khái niệm: Hệ thống giao dịch trong đó lệnh giao dịch của người đầu tư được khớp trực tiếp với nhau không có sự tham gia của người tạo lập thị trường.
Xác định giá: Giá được xác định trên cơ sở cạnh tranh giữa những người đầu tư. Mức giá thực hiện thỏa mãn cả bên mua và bên bán.
Người đầu tư phải trả 1 khoản phí cho công ty môi giới . Khoản phí môi giới này nhìn chung thấp hơn trên thị trường khớp giá.
Ưu điểm của hệ thống khớp giá theo lệnh:
Quá trình xác lập giá được thực hiện một cách hiệu quả. Tất cả các lệnh mua và bán của người đầu tư cạnh tranh với nhau, qua đó nhà đầu tư có thể giao dịch tại mức giá thấp nhất.
Đảm bảo tính minh bạch cho thị trường do lệnh giao dịch của nhà đầu tư được khớp trực tiếp với nhau theo nguyên tắc khớp lệnh (không có sự tham gia của những người tạo lập thị trường)
Chi phí giao dịch thấp, kĩ thuật giao dịch đơn giản, dễ theo dõi, kiểm tra và giám sát.
Nhược điểm: Giá cả dễ biến động khi mất cân đối cung- cầu, tính thanh khoản không cao bằng thị trường khớp giá theo giá.
Khớp lệnh định kì và khớp lệnh liên tục
Có 2 phương pháp khớp lệnh trên hệ thống đấu giá theo lệnh, đó là khớp lệnh định kì và khớp lệnh liện tục
- Khớp lệnh định kì
Khái niệm: Phương thức giao dịch dựa trên cơ sở tập hợp tất cả các lệnh giao dịch mua và bán trong 1 khoảng thời gian nhất định, sau đó khi đến giờ chốt giá giao dịch, giá chứng khoán được khớp đảm bảo thực hiện được khối lượng giao dịch là lớn nhất (khối lượng mua và bán là nhiều nhất).
Trong trường hợp có nhiều mức giá cho khối lượng giao dịch là lớn nhất và bằng nhau thì sẽ lựa chọn mức giá gần với mức giá đóng cửa của phiên giao dịch ngày hôm trước làm giá giao dịch. Trường hợp đặc biệt, khi có 2 mức giá giao dịch cho khối lượng giao dịch là lớn nhất và giá đóng cửa của phiên giao dịch hôm trước nằm giữa 2 mức giá này thì tùy theo quy định của từng SGDCK sẽ lựa chọn mức giá cao hơn hoặc mức giá có chênh lệch khối lượng mua bán là thấp nhất làm giá giao dịch.
Việc lựa chọn mức giá giao dịch như trên nhằm đảm bảo tính ổn định và liên tục theo đúng nguyên tắc, mục đích tổ chức và vận hành của TTCK.
Khớp lệnh định kì thường được các SGDCK sử dụng để xác định giá đóng cửa, mở cửa hoặc giá chứng khoán được phép giao dịch lại sau 1 thời gian tạm ngưng giao dịch.
Ưu điểm:Xác định được mức giá cân bằng trên thị trường.
Lệnh giao dịch được tập hợp trong khoảng thời gian xác định nên hạn chế được những đột biến về giá, tạo sự ổn định cần thiết trên thị trường.
Nhược điểm: Giá chứng khoán không phản ánh tức thời với các thông tin trên thị trường và hạn chế cơ hội tham gia thị trường của các nhà đầu tư.
Ví dụ: Xác định giá và khối lượng giao dịch của chứng khoán A trong khớp lệnh định kì (giả sử các lệnh giao dịch là các lệnh thị trường và lệnh giới hạn)
Mua
Giá
Bán
Khách hàng
Số lượng
Tích lũy
Tích lũy
Số lượng
Khách hàng
M1
250
Thị trường
M2
150
400
100.000
1900
250
B9
-
400
90.000
1650
300
B8
M3
200
600
85.000
1350
250
B7
M4
300
900
80.000
1100
200
B6
M5
250
1150
75.000
900
50
B5
M6
150
1300
73.000
850
150
B4
M7
300
1600
70.000
700
200
B3
M8
200
1800
65.000
500
-
M9
300
2100
60.000
500
300
B2
Thị trường
B1
Theo ví dụ trên, có 2 mức giá (80.000 và 75.000) cho khối lượng giao dịch là lớn nhất và bằng nhau (900 cổ phiếu). Vì vậy, nếu phiên đóng cửa trước, giá giao dịch là 70.000 thì mức giá 75.000 sẽ là mức giá giao dịch
Trường hợp giá đóng cửa ngày hôm trước là 77.500 thì tùy theo từng SGDCK sẽ lựa chọn mức giá cao hơn hoặc mức giá có chênh lệch mua-bán ít hơn làm giá giao dịch.
Nguyên tắc khớp lệnh
Trong khớp lệnh định kì, mỗi lần khớp lệnh sẽ hình thành mức giá duy nhất- là mức giá thỏa mãn điều kiện thực hiện được khối lượng giao dịch lớn nhất. Để xác định được những lệnh được thực hiện trong mỗi lần khớp lệnh, phải sử dụng nguyên tắc của ưu tiên khớp lệnh theo trật tự sau:
Thứ nhất: Ưu tiên về giá (Lệnh mua giá cao hơn, lệnh bán giá thấp hơn được ưu tiên thực hiện trước)
Thứ 2: Ưu tiên về thời gian (Lệnh nhập vào hệ thống giao dịch trước sẽ được ưu tiên thực hiện trước)
Thứ 3: Ưu tiên khách hàng (Lệnh khách hàng- Lệnh môi giới sẽ được ưu tiên thực hiện trước lệnh tự doanh- lệnh của nhà môi giới)
Thứ 4: Ưu tiên khối lượng (Lệnh có khối lượng giao dịch lớn hơn sẽ được ưu tiên thực hiện trước)
- Khớp lệnh liên tục
Khái niệm: Phương thức giao dịch được thực hiện liên tục khi có các lệnh đối ứng được nhập vào hệ thống
Ưu điểm: Giá cả phản ánh tức thời các thông tin trên thị trường
Khối lượng giao dịch lớn, tốc độ giao dịch nhanh vì vậy hình thức này phù hợp với các thị trường có khối lượng giao dịch lớn và năng động
Hạn chế được chênh lệch giữa giá mua và giá bán, từ đó thúc đẩy các giao dịch thường xuyên và liên tục.
Nhược điểm: Giá được xác định cho một giao dịch điển hình, không phải là tổng hợp các giao dịch.
Các loại lệnh giao dịch
Trên các TTCK quốc tế, có rất nhiều loại lệnh giao dịch được sử dụng. Trên thực tế, người đầu tư thường sử dụng 2 loại lệnh là lệnh thị trường và lệnh giới hạn
- Lệnh thị trường (Market order)
Lệnh thị trường là lệnh rất phổ biến trong các giao dịch chứng khoán. Khi sử dụng loại lệnh này, nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mua hoặc bán chứng khoán theo mức giá của thị trường hiện tại và lệnh của nhà đầu tư luôn luôn được thực hiện. Tuy nhiên, mức giá do cung- cầu chứng khoán trên thị trường quyết định vì vậy lệnh thị trường còn được gọi là lệnh không ràng buộc.
Ưu điểm khi sử dụng lệnh thị trường: Ưu tiên thực hiện trước các lệnh giao dịch khác. Nâng cao khối lượng giao dịch trên thị trường, tăng tính thanh khoản cho thị trường
Nhược điểm: Dễ gây ra sự biến động giá bất thường, làm ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường do lệnh luôn tiềm ẩn khả năng được thực hiện tại mức giá không thể dự tính trước được.
Lệnh thị trường thường áp dụng trong các trường hợp bán chứng khoán do tâm lý muốn bán nhanh chứng khoán theo giá thị trường và đối tượng của lệnh này là các chứng khoán đang có sự thiếu hụt hoặc dư thừa tạm thời.
Các TTCK mới đi vào hoạt động ít sử dụng loại lệnh này. Tại SGDCKTPHCM, Lệnh thị trường chỉ sử dụng trong phiên khớp lệnh liên tục (9:00 - 10:00).
- Lệnh giới hạn
Lệnh giới hạn là loại lệnh trong đó người đặt lệnh đưa ra mức giá mua hay bán có thể chấp nhận được.
Lệnh giới hạn mua chỉ ra mức giá cao nhất mà người mua chấp nhận thực hiện giao dịch.
Lệnh giới hạn bán chỉ ra mức giá thấp nhất mà người bán chấp nhận thực hiện giao dịch
- Lệnh dừng
Lệnh dừng là loại lệnh đặc biệt để bảo đảm cho các nhà đầu tư có thể thu lợi nhuận tại một mức độ nhất định (bảo vệ lợi nhuận) và phòng chống rủi ro trong trường hợp giá chứng khoán chuyển động theo chiều hướng ngược lại.
Sau khi đặt lệnh, nếu giá thị trường đạt tới hoặc vượt qua mức giá dừng thì khi đó lệnh dừng thực tế trở thành lệnh thị trường
Phân loại: Lệnh dừng để bán và lệnh dừng để mua
Lệnh dừng để bán: luôn đặt giá thấp hơn thị giá hiện tại của một chứng khoán muốn bán.
Ví dụ về lệnh dừng bán: Ông A mua 100 cổ phiếu X vào ngày 15/08 với giá 150.000đ/1 cổ phiếu. Ngày 20/08 thị giá của cổ phiếu này là 180.000đ. Ông A nhận định giá cổ phiếu còn tăng nữa, tuy nhiên, để phòng ngừa trường hợp giá cổ phiếu hạ, ông ta đặt 1 lệnh dừng bán ở giá 170.000đ, nghĩa là nếu giá cổ phiếu X hạ tới 170.000đ thì sẽ bán ra. (Khi đặt lệnh dừng bán, nhà đầu tư đề phòng sự giảm giá)
Lệnh dừng để mua luôn đặt giá cao hơn thị giá của chứng khoán cần mua
Ví dụ về lệnh dừng mua: Ông A có ý định mua 100 cổ phiếu X.
Giá cổ phiếu X vào ngày 15/08 là 100.000đ, ông ta nghĩ giá cổ phiếu sẽ giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, để phòng ngừa trường hợp giá tăng lên, ông ta đặt 1 lệnh dừng để mua ở mức giá 110.000đ, nghĩa là nếu giá cổ phiếu X tăng lên đến 110.000đ thì sẽ bắt đầu mua vào ( Có thể thấy, khi đặt lệnh dừng mua, nhà đầu tư đề phòng 1 sự tăng giá không dự đoán được)
Lệnh dừng trở thành lệnh thị trường khi giá chứng khoán bằng với giá ghi trong lệnh.
Lệnh dừng có nhiều nhược điểm. Khi lệnh dừng trở thành lệnh thị trường, có 1 số lượng lớn lệnh này sẽ gây ra sự bất ổn về giá chứng khoán.
Để khắc phục hạn chế trên, có 1 loại lệnh mới, đó là lệnh dừng giới hạn
Lệnh dừng giới hạn: Loại lệnh chỉ ra mức giá dừng và mức giá giới hạn. Khi giá thị trường đạt tới hoặc vượt quá giá dừng thì lệnh dừng trở thành lệnh giới hạn thay vì lệnh thị trường.
4.3.3.2. Niêm yết chứng khoán
- Khái niệm
Niêm yết chứng khoán là quá trình định danh các chứng khoán đáp ứng đủ tiêu chuẩn được giao dịch trên SGDCK. Cụ thể, đây là quá trình SGDCK chấp thuận cho công ty phát hành có chứng khoán được phép niêm yết và giao dịch trên SGDCK nếu công ty đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về định lượng cũng như định tính mà SGDCK đề ra.
Niêm yết chứng khoán thường bao hàm việc yết tên các tổ chức phát hành và giá chứng khoán.
- Mục tiêu của việc niêm yết
Thiết lập quan hệ hợp đồng giữa SGDCK với tổ chức phát hành có chứng khoán niêm yết, từ đó quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức phát hành trong việc công bố thông tin, đảm bảo tính trung thực, công khai và công bằng.
Hỗ trợ thị trường hoạt động ổn định, xây dựng lòng tin của công chúng đối với TTCK bằng cách lựa chọn các chứng khoán có chất lượng cao để giao dịch.
Cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin về các tổ chức phát hành
Giúp cho việc xác định giá chứng khoán được công bằng trên thị trường đấu giá vì thông qua việc niêm yết công khai, giá chứng khoán được hình thành dựa trên sự tiếp xúc hiệu quả giữa cung và cầu chứng khoán.
- Vai trò của việc niêm yết chứng khoán đối với tổ chức phát hành
Thuận lợi
Công ty dễ dàng trong huy động vốn: Niêm yết nhằm mục đích huy động vốn thông qua phát hành chứng khoán. Thông thường, công ty niêm yết được công chúng tín nhiệm hơn công ty không được niêm yết, bởi vậy, khi trở thành một công ty được niêm yết thì họ có thể dễ dàng trong việc huy động vốn hơn.
Nâng cao tính thanh khoản cho các chứng khoán: Khi các chứng khoán được niêm yết, chúng có thể được nâng cao tính thanh khoản, mở rộng phạm vi chấp nhận làm vật thế chấp và dễ dàng được sử dụng phục vụ cho các mục đích về tài chính, thừa kế và các mục tiêu khác.
Hạn chế
Nghĩa vụ báo cáo: Công ty niêm yết phải có nghĩa vụ công bố thông tin một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời liên quan đến các mặt hoạt động của công ty cũng như các biến động có ảnh hưởng đến giá cả chứng khoán niêm yết.
Cản trở trong việc thâu tóm và sáp nhập: Công ty có thể gặp nhiều cản trở trong việc thực hiện mục tiêu thâu tóm hay sáp nhập khi tất cả các công thông tin về người sở hữu, cơ cấu sở hữu, tổ chức trong công ty đều phải được công bố.
- Phân loại niêm yết chứng khoán
Niêm yết lần đầu: Niêm yết lần đầu là việc cho phép chứng khoán của tổ chức phát hành được đăng kí niêm yết giao dịch chứng khoán lần đầu tiên sau khi phát hành ra công chúng (IPO) khi tổ chức phát hành đó đáp ứng được các tiêu chuẩn niêm yết.
Niêm yết bổ sung: Niêm yết bổ sung là quá trình chấp thuận của SGDCK cho một công ty niêm yết các cổ phiếu mới phát hành với mục đích tăng vốn hay vì các mục đích khác như sáp nhập, chi trả cổ tức, thực hiện các trái quyền hoặc thực hiện các trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu.
Thay đổi niêm yết: Thay đổi niêm yết phát sinh khi công ty niêm yết thay đổi tên chứng khoán giao dịch, khối lượng, mệnh giá hoặc tổng giá trị chứng khoán được niêm yết của mình
Niêm yết lại: Việc cho phép 1 công ty phát hành được tiếp tục niêm yết trở lại các chứng khoán trước đây đã bị hủy bỏ niêm yết vì các lý do không đáp ứng được các tiêu chuẩn duy trì niêm yết
Niêm yết toàn phần và niêm yết từng phần
Niêm yết toàn phần là việc niêm yết tất cả các cổ phiếu sau khi đã phát hành ra công chúng trên một SGDCK trong nước hoặc nước ngoài.
Niêm yết từng phần là việc niêm yết một phần trong tổng số chứng khoán được đã phát hành ra công chúng của lần phát hành đó, phần còn lại không hoặc chưa được niêm yết. Niêm yết từng phần thường diễn ra ở các công ty lớn do chính phủ kiểm soát, phần chứng khoán phát hành ra thị trường do các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ được niêm yết, còn phần nắm giữ của chính phủ hoặc tổ chức đại diện cho chính phủ nắm giữ không được niêm yết.
4.4. Thị trường chứng khoán phi tập trung
4.4.1. Khái niệm
- TTCK phi tập trung là loại thị trường xuất hiện sớm nhất trong lịch sử hình thành và phát triển TTCK. Thị trường này mang tên là OTC (Over The Counter) có nghĩa là thị trường "qua quầy". Điều này xuất phát từ đặc thù của thị trường là các giao dịch mua bán được thực hiện trực tiếp tại các quầy của các ngân hàng hoặc các công ty chứng khoán mà không phải thông qua các trung gian môi giới để đưa vào đấu giá tập trung.
- Khái niệm: Thị trường OTC là thị trường không có trung tâm giao dịch tập trung, đó là mạng lưới các nhà môi giới và tự doanh chứng khoán mua bán với nhau và với các nhà đầu tư.
- Đặc điểm quan trọng nhất của thị trường OTC để phân biệt với TTCK tập trung là cơ chế xác lập giá bằng hình thức thương lượng và thoả thuận song phương giữa người mua và người bán là chủ yếu còn hình thức xác lập giá bằng khớp lệnh chỉ được áp dụng hạn chế và phần lớn là các lệnh nhỏ.
Thời kỳ ban đầu của thị trường, việc thương lượng giá theo thoả thuận trực tiếp "mặt đối mặt" song cho đến nay với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc thương lượng có thể thực hiện qua điện thoại và hệ thống máy tính điện tử diện rộng.
4.4.2. Đặc điểm hoạt động
- Hình thức tổ chức thị trường: Thị trường OTC được tổ chức theo hình thức phi tập trung, không có địa điểm giao dịch mang tính tập trung
- Chứng khoán giao dịch: Phần lớn là các chứng khoán chưa đủ điều kiện niêm yết trên sở giao dịch song đáp ứng đủ các điều kiện về tính thanh khoản cũng như yêu cầu tài chính tối thiểu của thị trường OTC, trong đó chủ yếu là chứng khoán của các công ty vừa và nhỏ. Có 1 số lượng nhỏ các công ty có tên tuổi, đủ điều kiện niêm yết trên SGD vẫn giao dịch chứng khoán trên thị trường này (Cổ phiếu của Microsoft)
- Cơ chế xác lập giá: Thương lượng và thỏa thuận song phương giữa bên mua và bên bán (khác với cơ chế đấu giá tập trung trên SGD). Hình thức khớp lệnh trên thị trường OTC rất ít phổ biến và chỉ được áp dụng đối với các lệnh có khối lượng giao dịch nhỏ.
- Thị trường có sự tham gia và vận hành của các nhà tạo lập thị trường. Nhiệm vụ quan trọng nhất của các nhà tạo lập thị trường là tạo tính thanh khoản cho thị trường thông qua việc nắm giữ một lượng chứng khoán để sẵn sàng mua và bán với khách hàng.
- Hệ thống thông tin: Sử dụng mạng máy tính diện rộng, liên kết tất cả các đối tượng tham gia thị trường
- Cơ chế thanh toán trên OTC là đa dạng và linh hoạt. Do cơ chế xác lập giá là thương lượng và thỏa thuận nên phương thức thanh toán trên OTC linh hoạt và đa dạng, tùy thuộc vào từng giao dịch và sự phát triển của thị trường
4.4.3. Vị trí và vai trò của OTC
- Vị trí: Thị trường OTC là một bộ phận cấu thành TTCK, luôn tồn tại và phát triển song song với TTCK tập trung. Do đặc điểm khác biệt với thị trường tập trung ở cơ chế xác lập giá, hàng hóa trên thị trường đa dạng nên thị trường OTC có vị trí quan trọng trong cấu trúc TTCK, là thị trường bộ phận hỗ trợ cho thị trường tập trung.
- Vai trò
Hỗ trợ và thúc đẩy TTCK tập trung phát triển
Hạn chế, thu hẹp thị trường tự do, góp phần đảm bảo sự ổn định và lành mạnh của TTCK
Tạo thị trường cho các chứng khoán của các công ty vừa và nhỏ, các chứng khoán chưa đủ điều kiện niêm yết
Tạo môi trường đầu tư linh hoạt, thuận lợi cho các nhà đầu tư
* So sánh TTCK tập trung và TTCK phi tập trung
Chỉ tiêu
Thị trường tập trung
Thị trường phi tập trung
Địa điểm
Tập trung
Phi tập trung
Cơ chế xác lập giá
Đấu giá tập trung
Thỏa thuận
Nhà tạo lập thị trường
Không
Có
Tổ chức tự quản
Sở giao dịch hoặc hiệp hội
Sở giao dịch
Cơ chế thanh toán
Thanh toán bù trừ
Thanh toán đa dạng
*So sánh Thị trường OTC và Thị trường tự do
Chỉ tiêu
Thị trường OTC
Thị trường tự do
Tổ chức
Có tổ chức
Không có tổ chức
Cơ chế xác lập giá
Thỏa thuận qua hệ thống
thông tin
Thỏa thuận trực tiếp
Quản lý nhà nước
Có
Gần như không có sự quản lý
CHƯƠNG 5. CÔNG TY CHỨNG KHOÁN
VÀ QUỸ ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
5.1 Công ty chứng khoán
5.1.1. Khái niệm và hình thức tổ chức của công ty chứng khoán
5.1.1.1. Khái niệm công ty chứng khoán
Công ty chứng khoán (CTCK) là một tổ chức ở thị trường chứng khoán, thực hiện trung gian tài chính thông qua các nghiệp vụ chủ yếu sau:
- Môi giới chứng khoán cho khách hàng để hưởng hoa hồng (trung gian môi giới)
- Mua bán chứng khoán bằng nguồn vốn của chính mình để hưởng chênh lệch giá (Kinh doanh chứng khoán).
- Trung gian phát hành và bảo lãnh phát hành chứng khoán cho các công ty phát hành.
- Tư vấn đầu tư.
5.1.1.2. Hình thức tổ chức của công ty chứng khoán
- Công ty hợp danh: Loại hình kinh doanh có 2 chủ sở hữu trở nên
Thành viên hợp danh: Thành viên tham gia vào quá trình ra quyết định quản lý
Chịu trách nhiệm vô hạn trước các nghĩa vụ của công ty
Thành viên góp vốn: Thành viên không tham gia vào quá trình ra quyết định của công ty
Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn đã góp
Hạn chế của hình thức công ty hợp danh: Khả năng huy động vốn giới hạn trong các thành viên.
Tại Việt Nam: Theo luật doanh nghiệp 2005, Công ty hơp danh không được phát hành bất kì một loại chứng khoán nào.
- Công ty Trách nhiệm hữu hạn
Trách nhiệm của các thành viên giới hạn trong số vốn mà họ đã góp. Khả năng huy động vốn dễ dàng hơn so với hình thức tổ chức công ty hợp danh, đồng thời, khả năng tuyển dụng nhân sự cũng rộng hơn, không bị bó hẹp như công ty hợp danh.
Tại Việt Nam: Công ty trách nhiệm hữu hạn được phát hành trái phiếu huy động vốn
Nhiều CTCK được tổ chức theo hình thức này
- Công ty cổ phần: Hình thức công ty có nhiều chủ sở hữu
Đặc điểm của công ty cổ phần:
+ Rủi ro chủ sở hữu phải chịu giới hạn trong số vốn mà họ góp
+ Sự thay đổi cổ đông không ảnh hưởng đến sự tồn tại của công ty
+ Quyền sở hữu được chuyển đổi dễ dàng
Hình thức tổ chức, quản lý, chế độ báo cáo và công bố thông tin tốt hơn hẳn 2 hình thức trên
Các công ty nói chung và CTCK nói riêng chủ yếu hoạt động dưới hình thức này
Tại Việt Nam: Luật chứng khoán 2006 quy định CTCK phải được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần
Công ty cổ phần: được phép phát hành chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu) để huy động vốn.
5.1.2. Mô hình hoạt động và cơ cấu tổ chức của 1 công ty chứng khoán
5.1.2.1. Mô hình hoạt động của công ty chứng khoán
Hiện nay các CTCK hoạt động theo 1 trong 2 mô hình chủ yếu
- Mô hình hoạt động đa năng: Các Ngân hàng thương mại là chủ thể tham gia kinh doanh tiền tệ, bảo hiểm, chứng khoán.
+ Mô hình đa năng 1 phần: Các ngân hàng thương mại muốn kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm phải lập công ty con, hạch toán độc lập, hoạt động tách rời với kinh doanh tiền tệ
+ Mô hình đa năng toàn phần: Các ngân hàng thương mại được phép trực tiếp kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm cùng với kinh doanh tiền tệ cũng như các dịch vụ tài chính khác.
Ưu điểm của mô hình hoạt động:
Các ngân hàng tận dụng được thế mạnh về vốn, nhân lực, mạng lưới hoạt động trong kinh doanh.
Sự kết hợp nhiều lĩnh vực kinh doanh sẽ giảm thiểu được rủi ro cho hoạt động kinh doanh chung (với điều kiện hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường)
Đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng
Nhược điểm của mô hình
Xảy ra xung đột lợi ích giữa các nhóm hoạt động, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường tài chính (các ngân hàng thích cho vay hơn hoạt động bảo lãnh, tư vấn phát hành)
Nếu không có sự tách bạch về vốn giữa các hoạt động, các ngân hàng, bằng lượng vốn lớn, họ có thể gây lũng đoạn thị trường. Các biến động trên thị trường chứng khoán, nếu có sẽ ảnh hưởng mạnh đến hoạt động kinh doanh tiền tệ của ngân hàng, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường tài chính.
Do có những hạn chế như vậy mà trước khủng hoảng 1929-1933, các Công ty chứng khoán ở Mỹ và các nước đều hoạt động theo mô hình đa năng, nhưng sau đó đã chuyển sang mô hình chuyên doanh.
- Mô hình chuyên doanh chứng khoán:
Theo mô hình này, hoạt động chuyên doanh chứng khoán sẽ do các công ty độc lập, chuyên môn hóa trong lĩnh vực chứng khoán đảm nhận; các ngân hàng không được tham gia kinh doanh chứng khoán.
Ưu điểm của mô hình
Hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng
Tạo điều kiện cho các CTCK đi vào chuyên môn hóa sâu trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán để thúc đẩy thị trường phát triển.
Mô hình này được áp dụng ở nhiều nước, đáng chú ý là Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc.
Gần đây, xu hướng các ngân hàng quay trở lại mô hình hoạt động đa năng. Điều này xuất phát từ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư và năng lực quản lý của nhà nước ngày càng được nâng cao.
Tại Việt Nam: Các CTCK hoạt động dưới hình thức CTCK đa năng 1 phần và các CTCK chuyên doanh . Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 80 CTCK đang hoạt động trên thị trường.
5.1.2.2. Cơ cấu tổ chức của công ty chứng khoán
Cơ cấu tổ chức của CTCK phụ thuộc vào quy mô và các nghiệp vụ mà CTCK được phép hoạt động. Tuy nhiên, chúng đều có đặc điểm chung là hệ thống các phòng ban chức năng được chia làm hai khối, tương ứng với 2 khối công việc mà CTCK đảm nhận
Sơ đồ cơ cấu tổ chức của 1 CTCK (chung nhất cho mọi CTCK
- Khối 1: Có các phòng: môi giới, tự doanh, phân tích và đầu tư, bảo lãnh phát hành
Nhiệm vụ:+ Thực hiện các nghiệp vụ của CTCK. Đây là khối mang lại thu nhập cho CTCK
+ Có quan hệ trực tiếp với khách hàng, từ đó phát hiện những nhu cầu của khách hàng, từ đó tìm cách đáp ứng được các nhu cầu đó.
- Khối 2: Có các phòng như phòng kế toán lưu ký, phòng tổ chức hành chính
Nhiệm vụ: Hỗ trợ cho các hoạt động của khối 1
(Bắt buộc phải có phòng kế toán lưu ký)
5.1.3. Các nghiệp vụ của công ty chứng khoán
Là 1 chủ thể kinh doanh, CTCk cũng có các hoạt động tương tự như các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt căn bản giữa CTCK với các loại hình công ty khác là hoạt động nghiệp vụ.
5.1.3.1. Nghiệp vụ môi giới chứng khoán
Môi giới chứng khoán là việc CTCK đại diện cho khách hàng tiến hành giao dịch thông qua giao dịch tại sở giao dịch hoặc thị trường OTC mà chính khách hàng phải chịu trách nhiệm đối với các giao dịch của mình
Các hình thức môi giới chứng khoán:
- Môi giới tại sở giao dịch chứng khoán: Chia làm 3 loại:
+ Môi giới chuyên gia: Đây là những nhà môi giới có nhiệm vụ duy trì sự liên tục của thị trường cho loại chứng khoán phụ trách trên sở giao dịch
+ Môi giới thông thường: Đây là những nhân viên của một CTCK thành viên của một Sở giao dịch, làm việc hưởng lương của một CTCK và được bố trí để thực hiện các lệnh mua bán cho CTCK hay cho khách hàng của công ty trên sàn giao dịch. Họ được gọi chung là môi giới trên sàn.
+ Môi giới độc lập: Chính là các môi giới làm việc cho chính họ và hưởng hoa hồng hay thù lao theo dịch vụ. Họ là một thành viên tự bỏ tiền ra thuê chỗ tại Sở giao dịch (sàn giao dịch) giống như các CTCK thành viên.
Môi giới độc lập cũng được gọi là môi giới trên sàn, họ đóng vai trò không khác gì một môi giới thông thường, chỉ khác là họ có tư cách độc lập- tức họ không đại diện cho bất kỳ một CTCK nào cả.
- Tạo lập thị trường trên OTC: Nhà tạo lập thị trường là người thực hiện chức năng duy trì thị trường cho một loại chứng khoán trên thị trường OTC.
Tại Việt Nam: Chỉ tồn tại môi giới thông thường. Vai trò của môi giới chuyên gia và nhà tạo lập thị trường còn rất mờ nhạt.
5.1.3.2. Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán
Tự doanh chứng khoán là việc CTCK mua hoặc bán chứng khoán cho chính mình. Nghiệp vụ tự doanh hoạt động song hành với nghiệp vụ môi giới, vừa phục vụ lệnh giao dịch cho khách hàng đồng thời cũng phục vụ cho chính mình. Vì vậy, trong quá trình hoạt động có thể dẫn đến xung đột lợi ích giữa thực hiện giao dịch cho khách hàng và cho bản thân công ty. Do đó, luật pháp của các nước đều yêu cầu tách biệt rõ ràng giữa các nghiệp vụ môi giới và tự doanh, CTCK phải ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước khi thực hiện lệnh của mình.
Tự doanh chứng khoán nhằm mục đích:
Thu lợi
Đôi khi để điều tiết giá trên thị trường
Tại Việt Nam: Doanh thu từ hoạt động tự doanh của CTCK thường chiếm tỉ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu.
5.1.3.3. Bảo lãnh phát hành
- Bảo lãnh phát hànhlà việc CTCK giúp tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, phân phối chứng khoán và bình ổn giá sau khi phát hành. Như vậy, bảo lãnh phát hành gồm cả tư vấn tài chính và phân phối chứng khoán.
CTCK được hưởng phí bảo lãnh hoặc hoa hồng nhất định trên tổng số tiền thu được từ đợt phát hành.
CTCK phải đảm bảo đủ yêu cầu về vốn pháp định khi thực hiện nghiệp vụ này.
Theo Luật chứng khoán 2006: CTCK chỉ được thực hiện bảo lãnh phát hành khi thực hiện nghiệp vụ tự doanh
- Phân loại bảo lãnh phát hành (đã nói ở chương 3)
+ Bảo lãnh với cam kết chắc chắn: Phương thức bảo lãnh mà theo đó, tổ chức bảo lãnh sẽ cam kết mua hết tòan bộ chứng khoán phát hành cho dù có phân phối hết hay không.
+ Bảo lãnh với cam kết cao nhất: Tổ chức bảo lãnh chỉ cam kết sẽ cố gắng cao nhất trong việc phân phối chứng khoán, nếu không phân phối hết, tổ chức bảo lãnh sẽ sẽ trả lại tổ chức phát hành.
+ Bảo lãnh tất cả hoặc không: Tổ chức phát hành yêu cầu tổ chức bảo lãnh phải bán được 1 lượng nhất định chứng khoán, nếu không thì hủy bỏ tòan bộ đợt phát hành.
+ Bảo lãnh với hạn mức tối thiểu: Phương thức trung gian giữa phương thức bảo lãnh với cam kết cao nhất và phương thức bảo lãnh tất cả hoặc không. Theo đó, tổ chức phát hành yêu cầu tổ chức bảo lãnh phải bán được ít nhất 1 lượng tối thiểu chứng khoán nhất định. Nếu lượng chứng khoán bán ra thấp hơn mức yêu cầu thì tòan bộ đợt phát hành bị hủy bỏ.
+ Bảo lãnh theo phương thức dự phòng
5.1.3.4. Tư vấn tài chính và tư vấn đầu tư chứng khoán
- Tư vấn tài chính: CTCK thực hiện tư vấn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính như: Tư vấn niêm yết, Tư vấn chuyển đổi, chia tách, sáp nhập DN; Tư vấn phát hành, Tư vấn cổ phần hóa, Tư vấn tái cấu trúc tài chính DN, Tư vấn bán đẩu giá cổ phần.
Thực hiện tốt nghiệp vụ này sẽ góp phần hỗ trợ sự phát triển các Doanh nghiệp và tạo hàng hóa có chất lượng cao trên thị trường, đồng thời tăng uy tín của CTCK và cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho CTCK
- Tư vấn đầu tư chứng khoán: Chuyên viên tư vấn sử dụng kiến thức chuyên môn để tư vấn cho nhà đầu tư thời điểm mua, bán, thời gian nắm giữ, loại chứng khoán, tình hình diễn biến thị trường…
Hình thức tư vấn có thể là: Thông qua các bản tin, báo cáo phân tích định kì hoặc khách hàng gặp gỡ trực tiếp nhà tư vấn
Nghiệp vụ tư vấn yêu cầu phải đảm bảo tính khách quan, trung thực và khoa học.
5.1.3.5. Các nghiệp vụ hỗ trợ.
- Lưu ký chứng khoán: Là việc lưu giữ, bảo quản chứng khoán của khách hàng thông qua các tài khoản lưu ký chứng khoán. Đây là quy định bắt buộc trong giao dịch chứng khoán. Khi thực hiện dịch vụ lưu ký chứng khoán cho khách hàng, CTCK sẽ nhận được các khoản thu phí lưu ký chứng khoán, phí gửi, phí rút và phí chuyển nhượng chứng khoán.
- Quản lý cổ tức: xuất phát từ việc lưu ký chứng khoán cho khách hàng, CTCK sẽ theo dõi tình hình thu lãi, cổ tức của chứng khoán và đứng ra làm dịch vụ thu nhận và chi trả cổ tức cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng.
- Nghiệp vụ tín dụng: đối với các TTCK phát triển, bên cạnh nghiệp vụ môi giới chứng khoán cho khách hàng để hưởng hoa hồng, CTCK còn triển khai dịch vụ cho vay chứng khoán để khách hàng thực hiện giao dịch bán khống hoặc cho khách hàng vay tiền để thực hiện nghiệp vụ mua ký quỹ.
5.1.4. Nguyên tắc hoạt động của công ty chứng khoán
Nhóm nguyên tắc đạo đức
CTCK phải đảm bảo giao dịch trung thực và công bằng vì lợi ích của khách hàng; Kinh doanh có kỹ năng, tận tụy và có tinh thần trách nhiệm; Ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước khi thực hiện lệnh của công ty và có nghĩa vụ phải bảo mật mọi thông tin của khách hàng; Nghiêm cấm các CTCK thực hiện các giao dịch nội gián, thực hiện các giao dịch mua bán gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng.
CTCK không được tiến hành các hoạt động gây lũng đoạn thị trường, làm khách hàng và công chúng hiểu lầm về giá cả, giá trị và bản chất của chứng khoán hoặc các hoạt động khác gây thiệt hại cho khách hàng.
Nhóm nguyên tắc tài chính
CTCK cần đảm bảo các yêu cầu về vốn, cơ cấu vốn và nguyên tắc hạch toán, báo cáo theo quy định của UBCK Nhà nước; đảm bảo nguồn tài chính trong cam kết kinh doanh chứng khoán với khách hàng.
CTCK không được dùng tiền của khách hàng làm nguồn tài chính để kinh doanh, ngoại trừ trường hợp số tiền đó phục vụ cho giao dịch của khách hàng.
Tiền và chứng khoán của khách hàng phải được tách bạch với tài sản của CTCK. CTCK không được dùng chứng khoán của khách hàng làm vật thế chấp vay vốn trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản.
5.1.5. Vai trò của công ty chứng khoán
Vai trò của CTCK được thể hiện qua các nghiệp vụ của CTCK. Thông qua các hoạt động này, CTCK đã thật sự tạo ra ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của TTCK nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung. CTCK đã trở thành tác nhân quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển của TTCK.
- Vai trò làm cầu nối giữa cung - cầu chứng khoán
CTCK là một định chế tài chính trung gian tham gia hầu hết vào quá trình luân chuyển của chứng khoán: từ khâu phát hành trên thị trường sơ cấp đến khâu giao dịch mua bán tren thị trường thứ cấp.
+ Trên thị trường sơ cấp
CTCK là cầu nối giữa nhà phát hành và nhà đầu tư, giúp các tổ chức phát hành huy động vốn một cách nhanh chóng thông qua nghiệp vụ bảo lãnh phát hành.
Một doanh nghiệp khi thực hiện huy động vốn bằng cách phát hành chứng khoán, thường họ không tự bán chứng khoán của mình mà thông qua một tổ chức chuyên nghiệp tư vấn và giúp họ phát hành chứng khoán . Đó là tổ chức trung gian tài chính như ngân hàng, CTCK…CTCK với nghiệp vụ chuyên môn kinh nghiệm nghề nghiệp và bộ máy tổ chức thích hợp, họ thực hiện tốt vai trò trung gian môi giới mua bán, phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư và thực hiễn một số dịch vụ khác cho cả người đầu tư và người phát hành.
Với nghiệp vụ này, CTCK thực hiện vai trò làm cầu nối và kênh dẫn vốn từ nơi thừa đến nơi thiếu.
+ Trên thị trường thứ cấp
CTCK là cầu nối giữa các nhà đầu tư, là trung gian chuyển các khoản đầu tư thành tiền và ngược lại .CTCK với nghiệp vụ môi giới, tư vấn đầu tư đảm nhận tốt vay trò chuyển đổi này, giúp cho các nhà đầu tư giảm thiểu thiệt hại về giá trị khoản đầu tư của mình.
- Vai trò góp phần điều tiết và bình ổn giá trên thị trường
Từ sau cuộc khủng hoảng của TTCK thế giới ngày 28/10/1929, Chính phủ các nước đã ban hành những luật lệ bổ sung cho hoạt động của TTCK, trong đó đòi hỏi một sự phối hợp giữa Nhà nước với các thành viên tham gia Sở giao dịch chứng khoán nhằm ngăn chặn những cơn khủng hoảng giá chứng khoán có thể xảy ra trên thị trường, vì nếu TTCK bị khủng hoảng thì không những nền kinh tế bị ảnh hưởng mà ngay cả quyền lợi nhà đầu tư, các CTCK cũng bị ảnh hưởng.
Theo qui định của các nước, các CTCK có nghiệp vụ tự doanh phải dành ra một tỷ lệ nhất định giao dịch của mình để mua chứng khoán vào khi giá giảm và bán chúng khoán dự trữ ra khi giá lên quá cao nhằm góp phần điều tiết và bình ổn giá trên thị trường.
Sự can thiệp của các CTCK chỉ có hạn, phụ thuộc vào nguồn vốn tự doanh và quỹ dự trữ chứng khoán. Tuy vậy, nó vẫn có ý nghĩa nhất định, có tác động đến tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường.
Với vai trò này, các CTCK góp phần tích cực vào sự tồn tại và phát triển bền vững của TTCK.
Tại Việt Nam: Chưa có quy định này
- Vai trò cung cấp dịch vụ cho TTCK
CTCK với các chức năng và nghiệp vụ của mình cung cấp các dịch vụ cần thiết góp phần cho TTCK hoạt động ổ định, cụ thể:
+ Thực hiện tư vấn đầu tư, góp phần giảm chi phí giao dịch cho nhà đầu tư: TTCK cũng tương tự như tất cả các thị trường khác, để tiến hành giao dịch, người mua người bán phải có cơ hội gặp nhau, thẩm định chất lượng hàng hoá và thoả thuận giá cả.
Tuy nhiên, TTCK với những đặc trưng riêng của nó như người mua người bán có thể ở rất xa nhau, hàng hoá là “vô hình”, vì vậy để cung cầu gặp nhau thẩm định chất lượng , xác định giá cả thì phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho một giao dịch để phục vụ cho việc thu nhập, phân tích, xử lý thông tin …CTCK với lợi thế chuyên môn hoá, trình độ, kinh nghiệm nghề nghiệp sẽ thực hiện tốt vai trì tư vấn đầu tư, tìm kiếm đối tác và làm trung gian mua bán chứng khoán, giúp các nhà đầu tư giảm được chi phí trong từng giao dịch.
+ Cung cấp cơ chế xác định giá cho các khoản đầu tư: CTCK thông qua Sở giao dịch và thị trường OTC cung cấp một cơ chế xác định giá nhằm giúp các nhà đầu tư đánh giá đúng thực tế và chính xác các khoản đầu tư của mình.
5.2. Quỹ đầu tư chứng khoán
5.2.1. Khái quát về quỹ đầu tư chứng khoán
- Khái niệm quỹ đầu tư
Quỹ đầu tư được coi là hình thức đầu tư tập thể, tập hợp tiền của các nhà đầu tư và được ủy thác cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp tiến hành đầu tư nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất cho nhà đầu tư
Theo Luật chứng khoán 2006: “Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành từ vốn góp của nhà đầu tư với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ”
- Đặc điểm của quỹ đầu tư
Người đầu tư không trực tiếp đầu tư vào chứng khoán. Việc đầu tư do 1 tổ chức khác được thuê hay được ủy thác tiến hành. Như vậy hình thức đầu tư thông qua quỹ mang tính chuyên nghiệp cao
Lợi tức có thể thu được của người đầu tư thông qua quỹ:
+ Nhận cổ tức của quỹ
+ Nhận được lãi vốn (lỗ vốn) khi nhà quản lý quỹ bán ra 1 phần trong danh mục đầu tư
+ Hưởng lợi từ những thay đổi có lợi trong giá trị thị trường của danh mục đầu tư.
Lợi ích cơ bản của người đầu tư khi thực hiện đầu tư qua quỹ:
+ Đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro
+ Quản lý đầu tư chuyên nghiệp
+ Chi phí hoạt động thấp
- Vai trò của quỹ đầu tư trên TTCK
+ Góp phần vào việc ổn định thị trường thứ cấp
Là tổ chức đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán, các quỹ đầu tư góp phần vào sự phát triển của thị trường thông qua các hoạt động đầu tư chuyên nghiệp với các phương pháp phân tích đầu tư khoa học.
+ Xã hội hóa hoạt động đầu tư chứng khoán
Quỹ đầu tư tạo 1 phương thức đầu tư được các nhà đầu tư nhỏ, ít có sự hiểu biết về chứng khoán ưa thích. Nó góp phần tăng tiết kiệm của công chúng đầu tư bằng việc thu hút tiền đầu tư vào quỹ.
5.2.2. Công ty quản lỹ quỹ đầu tư chứng khoán
Công ty quản lý quỹ thực hiện việc quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Vai trò của công ty quản lý quỹ khá nổi bật trong dạng quỹ đầu tư hợp đồng (quỹ tín thác), đó là tổ chức đứng ra thành lập và sử dụng vốn thu được thông qua việc phát hành chứng chỉ đầu tư để đầu tư vào nơi có hiệu quả nhất.
Chức năng cơ bản của công ty quản lý quỹ:
- Phân tích và xây dựng danh mục đầu tư
- Điều chỉnh danh mục đầu tư bằng cách quyết định mua hoặc bán các chứng khoán trong danh mục đầu tư đang nắm giữ cho phù hợp với các điều kiện thay đổi của thị trường.
5.2.3. Các loại quỹ đầu tư chứng khoán
Có thể phân loại quỹ đầu tư dựa vào các tiêu chí
(Tại Việt Nam: Theo Luật chứng khoán, Quỹ đầu tư gồm 2 loại: Quỹ đại chúng và quỹ thành viên.Quỹ đại chúng gồm quỹ đóng và quỹ mở)
5.2.3.1. Dựa vào nguồn vốn huy động
Quỹ đầu tư đại chúng
Quỹ đầu tư thành viên
- Quỹ phát hành rộng rãi cho công chúng đầu tư
- Người đầu tư vào quỹ có thể là cá nhân hoặc các tổ chức kinh tế, đa phần là các nhà đầu tư riêng lẻ, ít có hiểu biết về thị trường chứng khoán
- Quỹ cung cấp cho nhà đầu tư nhỏ phương tiện đầu tư đảm bảo đa dạng hóa đầu tư, giảm thiểu rủi ro, chi phí đầu tư thấp với hiệu quả đầu tư cao do tính chuyên nghiệp trong đầu tư mang lại
- Quỹ phát hành riêng lẻ cho 1 nhóm nhỏ nhà đầu tư, có thể được lựa chọn trước
- Người đầu tư vào quỹ có thể là các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế lớn
- Các nhà đầu tư thường đầu tư với lượng vốn lớn và đổi lại, họ đòi hỏi các yêu cầu về mặt quản lý rất cao vì vậy họ khống chế việc đầu tư
- Các nhà quản lý quỹ thường tham gia kiểm soát hoạt động của công ty nhận đầu tư.
5.2.3.2. Dựa vào cấu trúc vận động vốn
Quỹ đầu tư dạng đóng
Quỹ đầu tư dạng mở
- Loại chứng khoán phát hành là cổ phiếu thường, cổ phiếu ưu đãi, trái phiếu
- Số lượng chứng khoán hiện hành cố định
- Quỹ thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng chỉ một lần
- Quỹ không mua lại chứng khoán đã phát hành
- Chứng khoán được giao dịch trên thị trường chứng khoán chính thức hoặc OTC
- Giá mua chứng khoán được xác định trên cơ sở cung- cầu chứng khoán
- Loại chứng khoán phát hành là cổ phiếu thường
- Số lượng chứng khoán hiện hành luôn thay đổi
- Quỹ thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng liên tục
- Quỹ mua lại chứng khoán đã phát hành với giá thuần
- Chứng khoán được phép mua trực tiếp từ quỹ
- Giá mua chứng khoán = Giá trị thuần + lệ phí bán
5.2.3.3. Dựa vào mô hình tổ chức.
Quỹ đầu tư dạng công ty
Quỹ đầu tư dạng hợp đồng
- Quỹ là 1 pháp nhân đầy đủ, tức là 1 công ty, người góp vốn trở thành cổ đông và có quyền bầu ra hội đồng quản trị quỹ
- Ngân hàng giám sát : Đứng ra giữ và bảo quản tài sản của quỹ, tiến hành giao, nhận chứng khoán trong các giao dịch của quỹ
- Công ty quản lý quỹ: Được hội đồng quản trị quỹ thuê, đóng vai trò là nhà tư vấn đầu tư
- Quỹ không là pháp nhân, quỹ chỉ là khoản tiền được người đầu tư góp hình thành nên quỹ. Người đầu tư không phải là cổ đông của quỹ mà là người thụ hưởng kết quả kinh doanh từ hoạt động đầu tư của quỹ
- Ngân hàng giám sát: Lưu giữ và bảo quản tài sản của quỹ, tiến hành giao, nhận chứng khoán trong các giao dịch của quỹ. Giám sát các hoạt động của công ty quản lý quỹ trong việc tuân thủ các mục tiêu và chính sách đầu tư đã đề ra
- Công ty quản lý quỹ đứng ra thành lập quỹ, tiến hành huy động vốn và thực hiện đầu tư theo những mục tiêu đã đề ra trong điều lệ qũy
CHƯƠNG 6. ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
VÀ PHÂN TÍCH CHỨNG KHOÁN
6.1. Đầu tư chứng khoán
6.1.1. Khái niệm về đầu tư chứng khoán
- Khái niệm
Đầu tư theo nghĩa chung nhất là quá trình sử dụng các nguồn lực ở hiện tại nhằm thu lại lợi ích trong tương lai.
Đầu tư chứng khoán: Quá trình bỏ vốn thực hiện mua, bán chứng khoán nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế nhất định
- Mục đích đầu tư
+ Đầu tư nắm quyền kiểm soát: Việc mua chứng khoán nhằm nắm quyền kiểm soát của các tổ chức phát hành. Để đạt được mục đích đầu tư này, nhà đầu tư phải bỏ vốn lớn, thông thường chỉ các tổ chức kinh tế mới có khả năng thực hiện.
+ Đầu tư ngân quỹ: Các công ty mua, bán chứng khoán với mục đích đầu tư ngân quỹ nhằm đảm bảo khả năng sinh lời và khả năng thanh toán (Tiền mặt là tài sản không sinh lời)
+ Đầu tư thu lợi nhuận: Các nhà đầu tư mua, bán chứng khoán nhằm mục đích thu cổ tức, trái tức, lãi vốn và các quyền lợi liên quan từ việc sở hữu chứng khoán. Nhà đầu tư có thể là cá nhân, tổ chức.
- Quy trình đầu tư chứng khoán
+ Phân tích và lựa chọn danh mục đầu tư
Nguyên tắc phân tích và lựa chọn danh mục đầu tư: Đa dạng hóa danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro. Các quỹ đầu tư thực hiện đa dạng hóa rất tốt.
+ Quản lý danh mục đầu tư chứng khoán
Sau khi đã phân tích và lựa chọn được danh mục đầu tư, việc quan trọng không kém đó là hoạt động quản lý danh mục, điều chỉnh danh mục sao cho phù hợp với xu thế của thị trường
Có thể phân biệt thành 2 phương pháp quản lý danh mục đầu tư chủ yếu là phương pháp quản lý thụ động và phương pháp quản lý chủ động
Quản lý thụ động
Quản lý chủ động
- Nhà đầu tư chọn mua và nắm giữ chứng khoán cho đến khi đáo hạn mà không quá chú trọng đến việc phân tích, dự báo diễn biến thị trường
- Danh mục sẽ là danh mục mang lại mức sinh lời ngang bằng với mức sinh lời trung bình trên thị trường
- Nhà đầu tư mua và nắm giữ chứng khoán phải dựa trên cơ sở phân tích, dự báo diễn biến thị trường để từ đó có sự điều chỉnh danh mục hợp lý
-Mục đích của phương pháp quản lý này là nhằm làm mức sinh lời của danh mục đầu tư lớn hơn mức sinh lời trung bình của thị trường
6.1.2. Rủi ro trong đầu tư chứng khoán
6.1.2.1. Các loại rủi ro trong đầu tư chứng khoán
- Khái niệm
Rủi ro trong đầu tư chứng khoán được định nghĩa là khả năng mức sinh lời dự kiến khác với mức sinh lời thực tế.
- Phân loại rủi ro
+ Rủi ro hệ thống
Rủi ro không kiểm soát được, do các yếu tố nằm ngoài công ty, có ảnh hưởng đến cả thị trường và tất cả mọi loại chứng khoán
* Rủi ro thị trường
Rủi ro thị trường là rủi ro có sự thay đổi trong mức sinh lời dự kiến của chứng khoán mà nguyên nhân của nó là do sự đánh giá của các nhà đầu tư về chứng khoán đó thay đổi
Rủi ro thị trường xuất hiện khi có những phản ứng của các nhà đầu tư đối với những sự kiện hữu hình hoặc vô hình.
Các nhà đầu tư phản ứng trên cơ sở sự kiện thực tế xảy ra như các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội. Các sự kiện vô hình sẽ xãy ra do các yếu tố tâm lý của thị trường
Như vậy: Rủi ro thị trường thường xuất phát từ những sự kiện hữu hình nhưng do tâm lý không vững vàng của nhà đầu tư nên họ hay có những phản ứng vượt quá sự kiện đó
* Rủi ro lãi suất
Rủi ro lãi suất là sự không ổn định trong giá trị của thu nhập trong tương lai, nguyên nhân là do sự dao động trong mức lãi suất chung.
Nguyên nhân cơ bản của vấn đề là sự thay đổi của lãi suất chuẩn (có thể là lãi suất chính phủ). Khi đó sẽ có sự thay đổi trong mức sinh lời kì vọng của các loại chứng khoán khác nhau. Điều này dẫn đến chi phí vốn của công ty thay đổi, từ đó tác động đến giá chứng khoán.
* Rủi ro sức mua
Rủi ro sức mua là tác động của lạm phát đến giá trị của khoản đầu tư.
Lạm phát tác động đến mức lãi suất danh nghĩa, từ đó tác động đến giá của chứng khoán.
+ Rủi ro không hệ thống (Rủi ro phi hệ thống)
* Rủi ro kinh doanh
Rủi ro kinh doanh là sự bất ổn về thu nhập của công ty mà nguyên nhân cơ bản lại xuất phát từ lĩnh vực ngành mà công ty đó trực thuộc. Sự bất ổn này là sự kết quả của sự thay đổi doanh số bán hàng của công ty
Doanh số bán hàng phụ thuộc vào các yếu tố như chất lượng sản phẩm, thị hiếu khách hàng, khả năng quản lý, chiến lược marketing…
* Rủi ro tài chính
Rủi ro tài chính là sự biến động về lợi nhuận của cổ đông khi công ty vay nợ. Nói 1 cách đơn giản thì rủi ro tài chính liên quan đên khả năng thanh toán của công ty.
6.1.2.2. Đo lường rủi ro chứng khoán
Đo lường rủi ro là việc tính toán sự dao động trong mức sinh lời của chứng khoán
Trong tài chính, công cụ đo lường rủi ro thường là toán xác suất thống kê. Thước đo sử dụng là phương sai và độ lệch chuẩn.
Phương sai và căn bậc 2 của nó, độ lệch chuẩn của mức sinh lời là những hệ số được sử dụng nhiều nhất để đo sự dao động (hay độ rủi ro) của mức sinh lời.
Phương sai kí hiệu là Var hoặc 2
Độ lệch chuẩn kí hiệu là SD hoặc
Phương sai và độ lệch chuẩn được xác định theo công thức
Công thức tính: Var =
SD =
Trong đó: n là số năm trong kì tính toán
Ri là mức sinh lời trong từng năm
là mức sinh lời bình quân trong kì
Ví dụ
Năm
Mức sinh lời
Ri
Chênh lệch
Ri-
Bình phương chênh lệch
(Ri- )2
2000
0.1162
-0.0946
0.00894916
2001
0.3749
0.1641
0.02692881
2002
0.4361
0.2253
0.05076009
2003
-0.0840
-0.2948
0.0869074
0.1735
Var = x 0.1735= 0.057833
SD = = 0.2405
Trong việc tính toán dao động như trên, có 1 số điểm cần lưu ý:
- Xác định mức sinh lời bình quân và sử dụng nó để xác định mức chênh lệch của từng năm so với mức bình quân
- Do quan niệm rủi ro là sự dao động cả 2 chiều trong mức sinh lợi nên phải bình phương các chênh lệch để triệt tiêu số âm và loại bỏ việc tổng các chênh lệch bằng không.
Độ lệch chuẩn đối với mức sinh lời của 1 chứng khoán là thước đo khá chính xác mức độ rủi ro của chứng khoán đó. Tuy nhiên, khi chứng khoán đó là thành phần của 1 danh mục đầu tư thì người ta không quan tâm đến rủi ro của 1 chứng khoán cụ thể mà quan tâm đến ảnh hưởng của chứng khoán này đối với rủi ro của toàn bộ danh mục. Từ đó sẽ phát sinh 1 thước đo rủi ro khác, gọi là beta ().
* Dự kiến mức sinh lời và rủi ro
Ví dụ: Giả sử có số liệu về mức sinh lời của 1 công ty trong từng giai đoạn như sau
Xác suất xảy ra
Mức sinh lời của công ty
Tăng trưởng cao
0.2
0.4
Tăng trưởng
0.5
0.3
Bình thường
0.2
0.2
Suy thoái
0.1
0.1
Yêu cầu đặt ra là, với các dữ liệu trên, mức sinh lời dự tính của công ty sẽ là bao nhiêu trong năm sau, đồng thời cũng phải xác định mức dao động (mức rủi ro) của công ty, tức là Var và SD của mức sinh lời ước tính đó
Có thể tính như sau:
Mức sinh lời (1)
Xác suất (2)
(3)= (1)x(2)
Ri – Er
(4)
(Ri – Er)2 (5)
(6)= (2)x(5)
0.4
0.2
0.08
0.12
0.0144
0.00288
0.3
0.5
0.15
0.02
0.0004
0.00020
0.2
0.2
0.04
-0.08
0.0064
0.00128
0.1
0.1
0.01
-0.18
0.0324
0.00324
Er = 0.28 = 28%
Var = 0.0076
SD = 0.087 = 8,7%
Một số lưu ý khi tính toán
- Xác định mức sinh lời kì vọng bằng cách lấy tổng các tích các mức sinh lời trong từng giai đoạn với xác suất của giai đoạn đó
- Sau khi bình phương chênh lệch giữa mức sinh lời trong từng giai đoạn với mức sinh lời kì vọng, ta nhân số này với xác suất của chính nó vì bản thân mỗi chênh lệch đều có xác suất nhất định.
- Tổng các xác suất phải bằng 1
- Công thức tính
Er =
Var =
Độ lệch chuẩn SD =
Trong đó: Ri là mức sinh lời trong từng giai đoạn
Pi là xác suất trong từng giai đoạn
Er là mức sinh lời ước tính
6.1.3. Những vấn đề cần quan tâm trước khi quyết định đầu tư chứng khoán
* Mối quan hệ giữa rủi ro và mức sinh lời kì vọng
Về quan hệ giữa rủi ro và mức sinh lời kì vọng, người ta đưa ra phương trình sau:
= Rf + (m- Rf )
Trong đó: : Tỷ suất sinh lời kì vọng của nhà đầu tư
Rf: Tỷ suất sinh lời phi rủi ro (Thông thường tỷ suất sinh lời phi rủi ro bằng lãi suất tín phiếu kho bạc)
m: Tỷ suất sinh lời của danh mục thị trường
: Rủi ro của khoản đầu tư
Như vậy: Khi rủi ro càng lớn thì tỷ suất sinh lời kì vọng của nhà đầu tư phải cao tương xứng mới thu hút được đầu tư.
6.2. Phân tích chứng khoán
6.2.1. Phân tích tài chính công ty
Phân tích chứng khoán được nhà đầu tư tiến hành nhằm đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý. Quy trình phân tích chứng khoán có thể bắt đầu từ việc phân tích nền kinh tế vĩ mô và các ngành kinh tế khác nhau trước khi tiến hành phân tích các cổ phiếu riêng lẻ, hoặc cũng có thể làm theo quy trình ngược lại. Tuy nhiên, cách phổ biến nhất là phân tích vĩ mô và các ngành knh tế trước khi tiến hành phân tích các cổ phiếu riêng lẻ.
6.2.1.1. Phân tích vĩ mô
* Môi trường chính trị, xã hội, pháp luật
Đối với mỗi quốc gia, môi trường chính trị- xã hội luôn có tác động trực tiếp đến hoạt động của nền kinh tế nước đó. Những sự kiện như chiến tranh, biến động chính trị hay hệ thống pháp luật trong, ngoài nước có thể tạo ra những thay đổi về môi trường kinh doanh, làm tăng thêm sự bất ổn định về kinh tế, dẫn đến sự thay đổi đầu tư và lòng tin của công chúng… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng
Môi trường pháp lý là yếu tố quan trọng tác động tới hiệu quả hoạt động của nền kinh tế. Nó có thể tạo ra những tác động tích cực nhưng ngược lại nó cũng có thể đem lại những tác động tiêu cực. Một môi trường đầu tư với khung pháp lý hoàn chỉnh, chặt chẽ sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế.
* Môi trường kinh tế
Thực trạng nền kinh tế và xu hướng trong tương lai có ảnh hưởng đến thành công và chiến lược của một doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng khác nhau của nền kinh tế trong các giai đoạn thịnh vượng, suy thoái, phục hồi sẽ ảnh hưởng đến tiết kiệm và đầu tư. Khi nền kinh tế đang trong giai đoạn có tốc độ tăng trưởng cao sẽ tạo nhiều cơ hội cho đầu tư mở rộng hoạt động của các doanh nghiệp. Ngược lại, khi nền kinh tế sa sút, suy thoái, dẫn đến giảm về đầu tư đồng thời làm tăng các lực lượng cạnh tranh, như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Lạm phát và vấn đề chống lạm phát, chính sách tiền tệ, tài khóa, tỷ giá hối đoái có tác động trực tiếp nhất đến chi phí vốn của doanh nghiệp. Tác động này là tích cực hay tiêu cực đối với doanh nghiệp và thị trường tài chính phụ thuộc vào mục tiêu của các chính sách kinh tế vĩ mô đó.
6.2.1.2. Phân tích ngành
Mục đích của phân tích ngành là nhằm giúp nhà đầu tư thấy rõ những lợi ích hoặc rủi ro có thể gặp khi quyết định đầu tư vào chứng khoán của một doanh nghiệp hoạt động trong một ngành kinh doanh cụ thể. Những nội dung cần thực hiện trong phân tích ngành gồm: Phân tích chu kì kinh doanh của ngành, xác định hệ số rủi ro của ngành kinh doanh.
* Chu kì kinh doanh của ngành
Cũng giống như nền kinh tế, mỗi ngành kinh doanh có những chu kì phát triển nhất định. Mặc dù giữa chu kì phát triển của nền kinh tế và của ngành có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau song không phải bao giờ cũng có sự biến động cùng chiều, đồng điệu với nhau.Mỗi ngành có khả năng phản ứng khác nhau đối với những thay đổi của nền kinh tế. Các ngành kinh doanh các sản phẩm không phải là thiết yếu (ô tô, sắt thép, sản phẩm điện tử…) sẽ có lợi hơn trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng nhưng cũng gặp khó khăn trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái. Ngược lại các ngành kinh doanh các sản phẩm thuộc mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ không bị ảnh hưởng nhiều ngay cả trong giai đoạn kinh tế suy thoái.
Nhìn chung, triển vọng và chu kì kinh doanh của ngành có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Nếu một công ty hoạt động trong 1 ngành kém phát triển thì cũng khó có triển vọng đầu tư đem lại hiệu quả cao.
Tóm lại: Những lý do khiến ta phải phân tích hoạt động toàn ngành trước khi phân tích từng loại chứng khoán riêng lẻ là:
- Tại 1 thời điểm nhất định nào đó, lợi suất thu nhập của các ngành khác nhau sẽ khác nhau, do đó nếu phân tích ngành thì bạn sẽ chọn được những ngành có lợi suất cao để đầu tư.
- Ngay trong 1 ngành thì lợi suất thu nhập cũng không ổn định. 1 ngành hoạt động tốt trong quá khứ không có nghĩa là nó sẽ hoạt động tốt trong tương lai. Vì vậy phải luôn theo dõi động thái hoạt động ngành để tìm cơ hội đầu tư và rút vốn đầu tư đúng lúc
- Vào cùng 1 thời điểm, các ngành khác nhau sẽ có rủi ro khác nhau. Do đó cần đánh giá mức rủi ro của ngành để xác định được mức lợi suất thu nhập mong muốn hợp lý
- Rủi ro của 1 ngành có sự biến động không nhiều theo thời gian, do vậy có thể phân tích từng ngành trong quá khứ để dự đoán mức rủi ro tương lai của ngành.
* Đánh giá mức độ rủi ro của ngành kinh doanh
Mỗi ngành kinh doanh khác nhau có mức độ rủi ro khác nhau. Việc xác định mức độ rủi ro của ngành giúp cho nhà đầu tư lựa chọn được ngành đầu tư có hiệu quả với độ rủi ro tối thiểu hoặc có thể chấp nhận được.
Quy trình phân tích, đánh giá rủi ro của ngành kinh doanh được tiến hành theo trình tự sau:
Xác định hệ số rủi ro của ngành, từ đó tính toán được mức lợi suất đòi hỏi dựa theo mô hình định giá tài sản vốn (CAPM), công thức tính như sau:
Trong đó: RE: mức sinh lợi đòi hỏi
Rf: Mức sinh lời phi rủi ro Rm: Mức sinh lợi bình quân của thị trường
: Hệ số rủi ro ngành
Để thực hiện các bước trên hiệu quả cần có dữ liệu thống kê đầy đủ. Tuy nhiên, trên TTCK Việt Nam để thực hiện được phân tích ngành là điều rất khó khăn do thông tin không đầy đủ.
6.2.1.3. Phân tích công ty
Phân tích công ty bao gồm nhiều nội dung như: phân tích tài chính công ty, phân tích rủi ro, phân tích hoạt động và khả năng tăng trưởng của công ty. Tuy nhiên, nội dung phân tích tài chính công ty là nội dung quan trọng nhất.
* Các báo cáo tài chính
- Bảng cân đối kế toán: Đây là 1 báo cáo tài chính quan trọng bậc nhất của công ty, mô tả tình hình tài chính của 1 công ty tại 1 thời điểm
Nhìn vào bảng cân đối kế toán có thể biết được quy mô, loại hình doanh nghiệp, mức độ tài chính của công ty.
- Báo cáo kết quả kinh doanh: Cho biết kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong 1 thời kì nhất định
Báo cáo kết quả kinh doanh cung cấp các thông tin tổng hợp về tình hình và kết quả sử dụng các nguồn lực về vốn, lao động, kĩ thuật và trình độ quản lý sản xuất- kinh doanh của doanh nghiệp
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
Bảng lưu chuyển tiền tệ cho biết khả năng tạo tiền, tình hình quản lí các tài sản và trách nhiệm pháp lí ngoài vốn hiện thời, chi tiết các khoản đầu tư vào tài sản sản xuất và các khoản đầu tư tài chính của doanh nghiệp. Nó cho phép cả các nhà quản lí cũng như các nhà nghiên cứu trả lời được những vấn đề quan trọng liên quan đến tiền.
* Phân tích báo cáo tài chính
- Phương pháp phân tích tài chính truyền thống được áp dụng là phương pháp phân tích các tỷ số. Đó là phương pháp sử dụng các tỷ số để phân tích. Các tỷ số này là các tỷ số đơn được thiết lập bởi chỉ tiêu này so với chỉ tiêu khác.
- Mục đích phân tích tài chính: Mỗi đối tượng khác nhau sẽ có mục đích phân tích khác nhau:
+ Đối với nhà quản trị: Phân tích tài chính nhằm đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty, xác định điểm mạnh, điểm yếu của công ty. Đó là cơ sở để nhà quản trị ra quyết định quản trị
+ Đối với nhà đầu tư: Phân tích tài chính để nhận biết khả năng sinh lời của công ty, đó là căn cứ ra quyết định đầu tư
+ Đối với người cho vay: Phân tích tài chính nhằm nhận biết khả năng vay và trả nợ của khách hàng.
- Trong phân tích tài chính, có 4 nhóm tỷ số tài chính được dùng để phân tích:
+ Nhóm tỷ số về khả năng thanh toán: Dùng để đánh giá khả năng thanh toán của công ty
+ Nhóm tỷ số về khả năng cân đối vốn: Dùng để đánh giá mức độ ổn định và tự chủ của công ty.
+ Nhóm tỷ số về khả năng hoạt động: Dùng để đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn lực của công ty
+ Nhóm tỷ số về khả năng sinh lãi: Dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động chung của công ty
- Tùy theo mục đích phân tích tài chính mà nhà phân tích chú trọng hơn tới nhóm tỷ số nào.
Ví dụ: Các chủ nợ ngắn hạn đặc biệt quan tâm đến khả năng thanh toán ngay của công ty trong khi các chủ nợ dài hạn quan tâm nhiều hơn đến hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, họ cũng cần đánh giá khả năng thanh toán hiện tại của công ty và xem xét lợi nhuận của doanh nghiệp để dự tính khả năng trả nợ cuối cùng của công ty, bên cạnh đó họ cũng cần phải quan tâm tới cơ cấu vốn vì sự thay đổi cơ cấu vốn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ.
- Một số lưu ý khi phân tích tài chính
+ Phân tích tỷ số tài chính chỉ có thể đạt kết quả cao nhất khi sử dụng đồng bộ các tỷ số tài chính (Việc phân tích riêng lẻ từng chỉ số là không có ý nghĩa)
+ Khi so sánh các tỷ số tài chính của công ty so với công ty khác, nên tìm công ty có cùng ngành nghề hoạt động, cùng quy mô để so sánh và sự so sánh cũng chỉ mang yếu tố tham khảo.
+ Các báo cáo tài chính mang tính lịch sử, ở trạng thái tĩnh. Vì vậy các tỷ số tài chính không thể phản ánh tất cả tình hình của công ty.
- Nhóm tỷ số về khả năng thanh toán
Tài sản ngắn hạn
Tỷ sốkhả năng thanh toán hiện hành =
Nợ ngắn hạn
Tài sản ngắn hạn – dự trữ
Tỷ số khả năng thanh toán nhanh =
Nợ ngắn hạn
Ý nghĩa: Hệ số khả năng thanh toán hiện hành thường được sử dụng để xem xét khả năng thanh toán nợ đến hạn thanh toán của công ty .
Hệ số khả năng thanh toán nhanh: Đánh giá khả năng thanh toán của công ty chính xác hơn so với việc đánh giá hệ số thanh toán hiện hành vì nó không tính đến dự trữ (tài sản có tính thanh khoản thấp nhất trong số các tài sản lưu động và cũng là nguồn của các khoản lỗ)
- Nhóm tỷ số về cơ cấu vốn
Nợ
Hệ số nợ =
Tổng tài sản
Nợ
Hệ số nợ trên vốn cổ phần =
Vốn cổ phần
Nhóm hệ số này để tính mức vay nợ của công ty
Ý nghĩa: Sử dụng nợ trong hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với 1 công ty. Nếu sử dụng nợ hiệu quả (tức là lợi nhuận thu được thừa để hoàn thành các nghĩa vụ phát sinh do nợ) thì có nghĩa là lợi nhuận chia cho cổ đông được tăng thêm nhờ đòn bẩy tài chính
Hệ số nợ cho biết tỉ lệ phần trăm tài sản được hỗ trợ bằng nợ
Hệ số nợ trên vốn cổ phần cho biết mức độ mạo hiểm của công ty trong cơ cấu vốn. Nó cho biết mối quan hệ giữa vốn đi vay và vốn của chủ. Tỷ lệ nợ càng cao thì rủi ro càng lớn vì trong trường hợp công ty lâm vào tình trạng phá sản thì các chủ nợ sẽ được thanh toán trước các chủ sở hữu. Vì vậy có thể nói chính vốn của chủ tạo cơ sở đảm bảo cho các chủ nợ.
Lợi nhuận trước thuế và lãi vay
Khả năng thanh toán lãi vay =
Lãi vay
Thể hiện khả năng hoàn thành nghĩa vụ phát sinh từ khoản nợ. Hệ số này càng cao chứng tỏ công ty sử dụng nợ vay có hiệu quả, đảm bảo khả năng trả lãi.
- Nhóm tỷ số về khả năng hoạt động
Các khoản phải thu
Kì thu tiền bình quân=
Doanh số bán hàng bình quân trên ngày
Kì thu tiền bình quân là số ngày cần có để chuyển các khoản phải thu thành tiền.
Ý nghĩa: Kì thu tiền bình quân giúp chúng ta đánh giá khả năng chuyển đổi thành tiền của các khoản phải thu, hay nói cách khác là khả năng của công ty trong việc thu nợ từ khách hàng. Hệ số này cũng giúp đưa ra thông tin về chính sách tín dụng thương mại của công ty đối với khách hàng
Đối với các công ty có tình hình tài chính mạnh thì họ hoàn toàn có thể cho phép thời hạn thu hồi các khoản phải thu dài hơn so với các công ty yếu ơn (tăng lợi thế cạnh tranh)
Giá vốn hàng bán
Vòng quay dự trữ =
Dự trữ
Ý nghĩa: Vòng quay hàng tồn kho cho phép xem xét hiệu quả quản lý và bán dự trữ của công ty. Đây là tiêu chuẩn để đánh giá tính thanh khoản của dự trữ của 1 công ty.
Cách đánh giá: Nhìn chung, hệ số này cao sẽ cho thấy dấu hiệu quản lý dự trữ hiệu quả, dự trữ được bán càng nhanh thì vốn lưu trong kho càng thấp, giảm chi phí lưu kho. Tuy nhiên, nếu vòng quay này quá cao cũng có nghĩa là công ty đang bị thiếu hoặc bị mất các đơn đặt hàng, giá hàng đang giảm hoặc công ty đang thiếu nguyên liệu. Ngược lại nếu hệ số này quá thấp thì là dấu hiệu của việc công ty bị đọng quá nhiều hàng trong kho hoặc hàng không bán được do chất lượng kém…
Phải đánh giá vòng quay dự trữ theo từng ngành. Đối với những công ty bán hàng nông sản, thực phẩm thì vòng quay hàng tồn kho phải cao vì đó là những sản phẩm dễ hư hỏng, trong khi đó đối với các công ty bán đồ thiết bị, máy móc thì vòng quay hàng tồn kho có thể thấp hơn, song biên lợi nhuận của các công ty này phải cao hơn.
Doanh thu
Hiệu suất sử dụng tài sản cố định =
Tổng tài sản cố định
Doanh thu
Hiệu suất sử dụng tài sản =
Tổng tài sản
Ý nghĩa: Hệ số đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản trong việc tạo doanh thu
Cách đánh giá: Hệ số này cao chứng tỏ công ty hoạt động với công suất cao. Nó cũng có nghĩa là nếu không tiếp tục đầu tư vào tài sản thì sẽ khó có thể tăng doanh thu, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh vì tài sản hiện có đã được sử dụng hết công suất.
Nếu các vòng quay tài sản tương đối thấp so với mức trung bình hoặc thấp hơn so với mức trung bình ngành thì có nghĩa công ty đã đầu tư quá nhiều vào tài sản, tài sản sử dụng không hiệu quả hoặc doanh thu bán hàng thấp. Tuy nhiên, cũng có thể có công ty đang thực hiện đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, và như vậy sẽ mang lại hiệu quả trong dài hạn.
- Nhóm tỷ số về khả năng sinh lời
+ Tỷ suất lợi nhuận thuần =
Ý nghĩa: Hệ số này cho phép xem xét khả năng kiểm soát các chi phí của công ty. Nó cho biết 1 đồng doanh thu sẽ tạo ra bao nhiêu lợi nhuận.
Hệ số này cao chứng tỏ công ty đang kiểm soát tốt các loại chi phí, và ngược lại.
+ Hiệu suất sinh lời của tổng tài sản (Return on Asset- ROA)
ROA = hoặc ROA =
(EBIT: Lợi nhuận trước thuế và lãi vay)
Ý nghĩa: ROA đánh giá hiệu quả sử dụng tổng tài sản. Nó cho biết mỗi 1 đồng tài sản đầu tư sẽ mang lại bao nhiêu đồng thu nhập
ROA tính theo cách 2 nhằm mục đích đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay vì lợi nhuận trước thuế và lãi vay là nguồn để trả lãi vay. Do đó nếu ROA lớn hơn lãi suất vay chứng tỏ công ty sử dụng vốn có hiểu quả, có khả năng thanh toán được lãi vay và ngược lại.
+ Hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (Return on Equity- ROE)
ROE=
ROE đánh giá khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu. Nó cho biết khi nhà đầu tư bỏ 1 đồng vốn vào công ty thì sẽ thu được bao nhiêu đồng lợi nhuận
Các nhà đầu tư thường so sánh ROE với mức lãi suất trên thị trường. Khi công ty tạo ra ROE cao hơn lãi suất thị trường thì việc đầu tư vào công ty là hiệu quả và ngược lại.
* Phương pháp phân tích DUPONT
Để xem xét mối liên hệ giữa các tỷ số tài chính, người ta sử dụng phương pháp DUPONT, đó là phương pháp tách tỷ số ROE thành các chỉ số thành phần
Thu nhập sau thuế Thu nhập sau thuế Tổng tài sản
ROE = = x
Vốn chủ sở hữu Tổng tài sản Vốn chủ sở hữu
= ROA x EM
EM: Phản ánh mức độ huy động vốn từ bên ngoài của doanh nghiệp
Tổng tài sản 1 1
EM = = =
Vốn chủ sở hữu Vốn chủ sở hữu Tổng tài sản – nợ
1 Tổng tài sản Tổng tài sản
=
1- Hệ số nợ
Thu nhập sau thuế Thu nhập sau thuế Doanh thu
ROA = = x
Tổng tài sản Doanh thu Tổng tài sản
= Tỷ suất lợi nhuận thuần x Hiệu suất sử dụng tài sản
1
ROE= x Tỷ suất lợi nhuận thuần x Hiệu suất sử dụng tài sản
1- Hệ số nợ
Từ mối liên hệ này sẽ cho thấy các điểm mạnh, điểm yếu của hoạt động tài chính của công ty.
Có thể nhận thấy các yếu tố tác động cơ bản đến ROE của công ty:
- Đòn bẩy tài chính (khả năng sử dụng nợ vay)
- Khả năng tăng doanh thu, công tác quản lý chi phí
- Khả năng quản lý tài sản
* Đối với các công ty cổ phần, có 1 số chỉ tiêu tài chính sau:
Lợi nhuận sau thuế- cổ tức trả cho cổ phiếu ưu đãi
EPS=
Số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành
EPS ( Earning Per Share): Thu nhập trên 1 cổ phiếu
DPS (Divedend Per Share): Cổ tức trả trên 1 cổ phiếu
Giá cổ phiếu
P/E=
EPS
6.2.2. Phân tích kĩ thuật
* Khái niệm, mục đích của phân tích kĩ thuật
+ Khái niệm: Phân tích kĩ thuật (PTKT) là phương pháp chỉ dựa vào các diễn biến giá và khối lượng trong quá khứ để dự đoán xu thế giá trong tương lai
+ Công cụ dùng để phân tích: Toán học và đồ thị
+ Mục đích của PTKT: Xác định được thời điểm mua, bán chứng khoán.
+ PTKT trả lời câu hỏi: Giao dịch cái gì (what to trade) và giao dịch khi nào (when to trade)
Với sự phát triển của công nghệ và các phần mềm PTKT, có rất nhiều người sử dụng PTKT trong đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, số ngừơi sử dụng phân tích cơ bản vẫn lớn hơn rất nhiều so với số người sử dụng PTKT.
* Các giả định nền tảng của phân tích kĩ thuật
Các nhà PTKT đưa ra quyết định đầu tư dựa trên việc xem xét các số liệu về giá và khối lượng giao dịch nhằm xác định xu thế giá trong quá khứ để từ đó dự đoán xu thế giá trong tương lai của toàn bộ thị trường cũng như của từng chứng khoán riêng lẻ.
Họ đưa ra các giả định để hỗ trợ dự đoán xu thế biến động của thị trường
- Giá trị chứng khoán được xác định hoàn toàn bởi sự tương tác cung- cầu
- Thị trường phản ánh tất cả các nhân tố logic và phi logic 1 cách hoàn toàn tự động và liên tục
Nhân tố logic: Các biến số kinh tế như trong phân tích cơ bản
Nhân tố phi logic: Trạng thái tâm lý và sự phỏng đoán
- Ngoại trừ 1 số dao động nhỏ, giá của chứng khoán và thị trường nói chung có biểu hiện biến động theo những xu thế, các xu thế này diễn ra trong những khoảng thời gian xác định.
- Các xu thế trội thay đổi tương ứng với những sự dịch chuyển trong quan hệ cung cầu. Những sự dịch chuyển này, bất kể do nguyên nhân nào, sớm hay muộn rồi cũng đều có thể được phát hiện dựa vào phản ứng của thị trường.
6.2.2.1. Lý thuyết Dow
Lý thuyết Dow là cơ sở đầu tiên cho mọi nghiên cứu kĩ thuật trên thị trường. Đây là 1 lý thuyết hoàn toàn mang “tính kỹ thuật”.
Cơ sở để xây dựng cũng như đối tượng nghiên cứu của lý thuyết chính là những biến động của bản thân thị trường (thể hiện trong chỉ số trung bình của thị trường) và không hề dựa trên cùng cơ sở của Phân tích cơ bản là các thống kê hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tìm hiểu về lý thuyết của Dow, trước tiên ta phải nghiên cứu đến chỉ số trung bình của thị trường. Nhìn chung giá chứng khoán của tất cả các công ty đều cùng lên và xuống, tuy nhiên một số cổ phiếu lại chuyển động theo hướng ngược lại xu thế chung của các cổ phiếu khác cho dù là chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần. Thực tế cho thấy khi thị trường lên giá thì giá của một số chứng khoán tăng nhanh hơn những chứng khoán khác, còn khi thị trường xuống giá thì một số chứng khoán giảm giá nhanh chóng trong khi có một số khác lại tăng lên, nhưng thực tế vẫn chứng minh rằng hầu như tất cả các chứng khoán đều dao động theo cùng một xu thế chung.
Khi nghiên cứu lý thuyết Dow có những nguyên lý quan trọng sau:
Thứ nhất: Chỉ số bình quân thị trường phản ánh tất cả
Bởi vì nó phản ánh những hoạt động có liên kết với nhau của hàng nghìn nhà đầu tư, gồm cả những người có kinh nghiệm dự đoán thị trường giỏi nhất, có những thông tin tốt nhất về xu hướng và các sự kiện, những gì có thể nhận thấy trước và tất cả những gì có thể ảnh hưởng đến cung và cầu của các loại chứng khoán. Thậm chí cả những thiên tai hay thảm họa không dự tính được thì ngay khi xảy ra chúng đã được thị trường phản ánh ngay vào giá của các loại chứng khoán.
Thứ 2. Ba xu thế của thị trường
Thuật ngữ thị trường nhằm chỉ giá chứng khoán nói chung, dao động của thị trường tạo thành các xu thế giá
- Xu thế cấp 1
Xu thế cấp 1 là những chuyển động lớn của giá, bao hàm cả thị trường, thường kéo dài hơn 1 năm và có thể là trong vài năm. Còn ngược lại nếu mỗi biến động giảm đều làm cho giá xuống những mức thấp hơn còn mỗi điều chỉnh đều không đủ mạnh để làm cho giá tăng lên đến mức đỉnh của những đợt tăng giá trước đó thì xu thế cấp 1 của thị trường lúc này là giảm giá, thị trường được gọi là thị trường con gấu-Bear Market.
Xu thế tăng giá cấp 1: Nếu như mỗi đợt tăng giá liên tiếp đều đạt đến mức cao hơn mức trước đó và mỗi điều chỉnh đều dừng lại ở mức đáy cao hơn mức đáy của lần điều chỉnh trước – thị trường lúc này là thị trường con bò tót - Bull Market.
Xu thế giảm giá cấp 1: Nếu mỗi biến động giảm đều làm cho giá xuống những mức thấp hơn còn mỗi điều chỉnh đều không đủ mạnh để làm cho giá tăng lên đến mức đỉnh của những đợt tăng giá trước đó- thị trường lúc này được gọi là thị trường con gấu- Bear Market.
- Xu thế cấp 2
Xu thế cấp 2 là những điều chỉnh có tác động làm gián đoạn quá trình vận động của giá theo xu thế cấp 1. Chúng là những đợt suy giảm tạm thời (trung gian) hay còn gọi là những điều chỉnh xuất hiện ở các Bull Market; hoặc những đợt tăng giá hay còn gọi là hồi phục xuất hiện ở các Bear Market. Thường thì những biến động trung gian này kéo dài từ 3 tuần đến nhiều tháng.
Như vậy có 2 tiêu chí để nhận định một xu thế cấp 2: Tất cả những chuyển động của giá ngược hướng với xu thế cấp 1 kéo dài ít nhất 3 tuần và kéo hoàn lại ít nhất 1/3 mức biến động thức của xu thế cấp 1 (tính từ điểm kết thúc biến động cấp 2 trước đó đến biến động cấp 2 này, bỏ qua những dao động nhỏ) thì được coi là thuộc loại trung gian hay còn gọi là biến động cấp 2. Mặc dù đã có những tiêu chí để xác định một xu thế cấp 2 nhưng vẫn có những khó khăn trong việc xác định thời điểm hình thành và thời gian tồn tại của xu thế.
- Xu thế nhỏ (Minor)
Đây là những dao động trong thời gian ngắn (dài tối đa 3 tuần, thường chỉ dưới 6 ngày) mà theo như thuyết Dow đã nói đến, bản thân chúng không thực sự có ý nghĩa nhưng chúng góp phần tạo nên các xu thế trung gian. Thông thường thì một biến động trung gian dù là một xu thế cấp 2 hay là một phần của xu thế cấp 1 xen giữa hai xu thế cấp 2 liên tiếp, đều được tạo thành từ một dãy gồm 3 hoặc nhiều hơn những dao động nhỏ khác nhau. Xu thế nhỏ là dạng duy nhất trong 3 loại xu thế có thể bị “lôi kéo” (bị tác động). Để tác động vào xu thế cấp 1 và 2 thì cần những giao dịch với khối lượng rất lớn và điều này hầu như là không thể.
Thứ 3. Bull Market (thị trường con bò tót - thị trường tăng giá)
Một xu thế tăng giá cơ bản thường bao gồm 3 thời kì. Tích tụ, tăng trưởng, bùng nổ
Thời kì “tích tụ”
Trong quá trình này, những nhà đầu tư có tầm nhìn xa sẽ tiến hành xem xét các doanh nghiệp, có thể vào thời kì này doanh nghiệp đang suy thoái nhưng nhà đầu tư nhận thấy khả năng doanh ngiệp có thể chuyển biến tình hình thành tăng trưởng nhanh chóng, có thể giá cổ phiếu của nó sẽ tăng trong thời gian tới.
Đây cũng là thời điểm mà cổ phiếu này đang được chào bán rất nhiều bởi những nhà đầu tư đang có tâm lý rất chán nản và lo lắng về tình trạng của những cổ phiếu của họ và để nhằm tăng dần giá chào bán của họ khi thị trường xuất hiện sự suy giảm trong khối lượng giao dịch. Các bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp đó có thể không tốt thậm chí rất tồi. Công chúng hoàn toàn cảm thấy thất vọng khi tham gia vào TTCK bởi họ thấy lượng tiền đã đầu tư của họ đang giảm giá trị nhanh chóng và có nguy cơ còn giảm nữa, vì vậy mà họ muốn thoát ra khỏi thị trường.
Tuy nhiên có thể nhận thấy một điều vào cuối giai đoạn thứ nhất này là trong hoạt động của công ty và trong những biến động trên thị trường đã có những biến chuyển tuy mới chỉ ở mức hạn chế, bắt đầu xuất hiện những đợt tăng giá nhỏ.
Thời kỳ tăng trưởng
Đây là thời kỳ của sự tăng trưởng khá vững chắc.
Họat động của doanh ngiệp đang theo dõi gia tăng mạnh cùng với những khởi sắc trong nội bộ doanh nghiệp và doanh thu của nó cũng tăng dần và bắt đầu thu hút các mối quan tâm trên thị trường. Đây chính là thời kì mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà kinh doanh chứng khoán theo trường phái Phân tích kỹ thuật.
Thời kì bùng nổ
Trong thời kì này thị trường bùng nổ với những biến động của nó. Công chúng rất háo hức với từng biến động của thị trường.
Tất cả các thông tin tài chính của doanh nghiệp đưa ra đều rất tốt, giá chứng khoán tăng cao ngoài sức tưởng tượng và đang là những vấn đề nóng hổi được đưa lên trang đầu của các tờ báo ra hàng ngày.
Đến thời điểm sau khoảng hai năm tính từ lúc thị trường bắt đầu đi lên, những người ít kinh nghiệm có thể mới cho rằng thị trường lúc này mới chắc chắn cho lợi nhuận của họ và muốn tham gia vào thị trường. Nhưng thực sự thì sau hai năm, giá đã tăng khá cao, câu hỏi nên đặt ra vào lúc này là “nên bán cổ phiếu nào? ” chứ không còn là “nên mua cổ phiếu nào ? ” nữa.
Vào cuối thời kì thứ 3, người ta có thể thấy nạn đầu cơ tràn lan, khối lượng giao dịch vẫn tiếp tục tăng nhưng “air-pocket-stock” xuất hiện ngày càng nhiều, số lượng cổ phiếu có giá thấp nhưng không có giá trị đầu tư cũng gia tăng và cả những đợt phát hành trái phiếu cũng ít dần đi.
Air-pocket-stock là những cổ phiếu đột ngột giám giá mạnh một cách bất thường - có thể là do nhà đầu tư bán ồ ạt do một tin đồn xấu. Lý do dùng khái niệm này là vì nó được so sánh với việc máy bay đột ngột mất độ cao, ngoài khả năng kiểm soát khi gặp air-poket là những dòng khí hướng xuống, tác động làm mất chiều cao máy bay
Thứ 4. Bear Market (Thị trường con gấu - thị trường giảm giá)
Xu thế giảm giá của thị trường cũng được chia thành ba thời kỳ: Phân bổ, hỗn loạn và kết thúc.
Thời kỳ phân bổ
Thời kỳ này thực sự bắt đầu ở giai đoạn cuối của Bull Market trước đó. Trong thời kỳ này những nhà đầu tư có tầm nhìn xa đều nhận thấy rằng doanh thu (và các chỉ số kinh doanh nói chung) của những công ty mà họ đang nắm giữ cổ phiếu đều đang đạt mức cao không bình thường và họ muốn nhanh chóng thoát khỏi vị thế sở hữu cổ phiếu của những công ty này. Khối lượng giao dịch vẫn rất cao mặc dù đã có những dấu hiệu của xu hướng giảm, công chúng vẫn rất “năng động” nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu lo lắng và cũng không còn nhiều kỳ vọng kiếm lợi nhuận.
Thời kỳ "hỗn loạn"
Số lượng người mua bắt đầu giảm dần và những người bán bắt đầu trở lên vội vã bán đi những cổ phiếu mình đang nắm giữ.
Xu thế giảm giá bắt đầu tăng mạnh làm đồ thị giá gần như dốc thẳng xuống và khối lượng giao dịch đạt đến mức đỉnh điểm. Giai đoạn này được gọi là hỗn loạn vì sự sụt giảm thường xảy ra rất trầm trọng thậm chí là thái quá với mức độ vượt quá cả thực trạng của các doanh nghiệp.
Sau giai đoạn hỗn loạn có thể có giai đoạn hồi phục (một dạng xu thế cấp hai) hoặc một giai đoạn dao động ngang của đồ thị thị trường (các dao động không có hướng đi lên hay đi xuống mà là dao động trong một khoảng cố định theo chiều ngang của thị trường) trong một thời gian tương đối dài. Giai đoạn này thể hiện tâm lý chán nản của một bộ phận nhà đầu tư, họ cũng chính là những người đã cố gắng nắm giữ cổ phiếu qua thời kỳ hỗn loạn trước đó hoặc cũng có thể là những người đã mua cổ phiếu trong thời kỳ đó bởi vì lúc đó giá của cổ phiếu rõ ràng là rẻ hơn rất nhiều so với trước đó vài tháng. Thông tin về các doanh nghiệp ngày càng xấu đi. Kết thúc giai đoạn này mới bước vào thời kỳ thứ ba.
Thời kỳ kết thúc
Xu thế đi xuống trên thị trường đã yếu dần, nhưng lại được duy trì bởi những lệnh bán nhiều và liên tục thể hiện “nỗi buồn” và sự lo lắng của những nhà đầu tư đang rất cần tiền cho những nhu cầu riêng của họ.
Các cổ phiếu đều giảm đến mức thấp nhất, thậm chí gần như mất hoàn toàn giá trị. Những cổ phiếu có chất lượng cao hầu như không được giao dịch vì những người sở hữu chúng đều muốn nắm giữ đến cùng.
Ở giai đoạn cuối của Bear Market, như một kết quả của toàn bộ thời kỳ giảm giá trước, cả thị trường chỉ tập trung vào giao dịch một số loại cổ phiếu.
Bear Market kết thúc tất cả với những tin xấu về các doanh nghiệp, về thị trường ở mức có thể coi là tồi tệ nhất đã thể hiện ra.
6.2.2.2. Chỉ số giá chứng khoán
Chỉ số giá chứng khoán là chỉ báo giá cổ phiếu phản ánh xu hướng phát triển của TTCK, thể hiện xu hướng thay đổi của giá chứng khoán và tình hình giao dịch trên thị trường. Chỉ số giá chứng khoán là giá bình quân chứng khoán tại một ngày nhất định so với ngày gốc.
* Các phương pháp tính chỉ số giá cổ phiếu
Hiện nay các nước trên thế giới dùng 5 phương pháp để tính chỉ số giá cổ phiếu, đó là:
- Phương pháp Passcher:
Đây là loại chỉ số giá cổ phiếu thông dụng nhất và nó là chỉ số giá bình quân gia quyền giá trị với quyền số là số lượng chứng khoán niêm yết thời kỳ tính toán. Kết quả tính sẽ phụ thuộc vào cơ cấu quyền số thời kỳ tính toán:
Sử dụng công thức tính sau:
Trong đó: Ip là chỉ số giá Passcher
Pit là giá cổ phiếu i thời kỳ t
Pi0 là giá cổ phiếu i thời kỳ gốc
Qit là khối lượng cổ phiếu (quyền số) thời điểm tính toán (t).
Chỉ số giá bình quân Passcher là chỉ số giá bình quân gia quyền giá trị, lấy quyền số là số lượng chứng khoán niêm yết thời kỳ tính toán, vì vậy kết quả tính sẽ phụ thuộc vào cơ cấu quyền số (cơ cấu chứng khoán niêm yết) thời kỳ tính toán.
Các chỉ số KOSPI (Hàn quốc); S&P500(Mỹ); FT-SE100 (Anh); TOPIX (Nhật); CAC (Pháp); TSE (Đài loan); Hangseng (Hồng công); các chỉ số của Thuỵ Sỹ,.. và VnIndex của Việt Nam áp dụng phương pháp này.
- Phương pháp Laspeyres
Chỉ số giá bình quân Laspeyres là chỉ số giá bình quân gia quyền giá trị, lấy quyền số là số cổ phiếu niêm yết thời kỳ gốc. Như vậy kết quả tính sẽ phụ thuộc vào cơ cấu quyền số thời kỳ gốc:
IL
Trong đó:IL là chỉ số giá bình quân Laspeyres
Pit là giá cổ phiếu i thời kỳ báo cáo
Pio là giá cổ phiếu i thời kỳ gốc
Qio là khối lượng (quyền số) thời kỳ gốc hoặc cơ cấu của khối lượng cổ phiếu (số lượng cổ phiếu niêm yết) thời kỳ gốc
Trong thực tế rất ít nước áp dụng phương pháp này (FAZ, DAX của Úc).
- Chỉ số giá bình quân Fisher
Chỉ số giá bình quân Fisher là chỉ số giá bình quân nhân giữa chỉ số giá Passcher và chỉ số giá Laspayres:Phương pháp này trung hoà được yếu điểm của hai phương pháp trên, tức là giá trị chỉ số tính toán ra phụ thuộc vào quyền số của cả 2 thời kỳ: kỳ gốc và kỳ tính toán
IF =
Trong đó: IF là chỉ số giá Fisher
IP là chỉ số giá Passche
IL là chỉ số giá bình quân Laspeyres
Về lý luận có phương pháp này, nhưng trong thống kê không thấy được áp dụng ở bất kỳ một quốc giá nào.
- Phương pháp số bình quân giản đơn:
Phương pháp tính giá bình quân giản đơn cũng thường được áp dụng để tính chỉ số giá. Công thức đơn giản là lấy tổng trị giá của chứng khoán chia cho số chứng khoán tham gia tính toán:
Ip=
Trong đó: Ip là giá bình quân;
là giá Chứng khoán i;
n là số lượng chứng khoán đưa vào tính toán.
Các chỉ số Dow Jone của Mỹ; Nikkei 225 của Nhật; MBI của Ý áp dụng phương pháp này. Phương pháp này tốt khi mức giá của các cổ phiếu tham gia niêm yết khá đồng đều, hay độ lệch chuẩn (s) của nó thấp.
- Phương pháp bình quân nhân giản đơn
Ip=
Lưu ý là chỉ nên dùng loại chỉ số này khi độ lệch chuẩn khá cao, (s) cao. Các chỉ số: Value line (Mỹ); FT-30 (Anh) áp dụng phương pháp bình quân nhân giản đơn này.
Về mặt lý luận, chúng ta có thể tính theo phương pháp bình quân cộng hoặc bình quân nhân gia quyền với quyền số là số chứng khoán niêm yết.
Quyền số thường được dùng trong tính toán chỉ số giá cổ phiếu là số chứng khoán niêm yết. Riêng Đài Loan dùng số chứng khoán trong lưu thông làm quyền số, bởi vì tỷ lệ đầu tư của công chúng của nước này rất cao (80%- 90%).
* Chỉ số VNIndex của Việt Nam
Chỉ số chứng khoán Việt Nam ký hiệu là VN - Index. VN - Index xây dựng căn cứ vào giá trị thị trường của tất cả các cổ phiếu được niêm yết. Với hệ thống chỉ số này, nhà đầu tư có thể đánh giá và phân tích thị trường một cách tổng quát.
VNIndex được tính theo công thức sau:
Trong đó: Pit : Giá hiện hành của cổ phiếu i
Qit: Khối lượng cổ phiếu I đang lưu hành
Pi0 : Giá của cổ phiếu i thời kỳ gốc
Qi0 : Khối lượng của cổ phiếu i tại thời kỳ gốc
Các trường hợp điều chính và cách điều chỉnh VNIndex
Chỉ số VNIndex phản ánh sự thay đổi giá cả của chứng khoán. Vì vậy, trong quá trình tính toán chỉ số, người ta phải loại bỏ những yếu tố làm thay đổi giá trị của chỉ số mà không phải do giá cả thay đổi, ví dụ như có cổ phiếu mới niêm yết, việc tách, gộp cổ phiếu…
Trong những trường hợp này, số chia sẽ được điều chỉnh để đảm bảo chỉ số có tính liên tục và phản ánh đúng những thay đổi về giá cả trên thị trường
1. Khi có thêm cổ phiếu được niêm yết
Số chia cũ =
(Số chia cũ = Tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết ngày đầu tiên)
Tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết cũ
+ Tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết mới
Số chia mới (d)= x số chia cũ
Tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết cũ
2. Khi có cổ phiếu bị hủy niêm yết
Tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết cũ
- Tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu bị hủy niêm yết
Số chia mới (d)= x số chia cũ
Tổng giá trị thị trường của các cổ phiếu niêm yết cũ
Ví dụ về tính VNIndex
Kết quả phiên giao dịch đầu tiên ngày 28/07/2000
Đvt: 1000đ
Tên công ty
Tên CP
Giá thực hiện
Số CP niêm yết
Giá thị trường
Cơ điện lạnh
REE
16
15.000
240.000.000
Cáp VLVT
SAM
17
12.000
204.000.000
Tổng
444.000.000
(Ngày gốc của chỉ số VNIndex là ngày 28/07/2000)
Vào ngày 02/08/2000
Tên công ty
Tên cổ phiếu
Giá thực hiện
Số lượng cổ phiếu niêm yết
Giá thị trường
Cơ điện lạnh
REE
16,6
15.000
249.000.000
Cáp VLVT
SAM
17,5
12.000
210.000.000
Tổng
459.000.000
Vào ngày 04/08/2000
Tên công ty
Tên CP
Giá thực hiện
Số CP niêm yết
Giá thị trường
Cơ điện lạnh
REE
16,9
15.000
253.500.000
Cáp VLVT
SAM
17,8
12.000
213.600.000
Giấy HP
HAP
16
1008
16.128.000
Transimex
TMS
14
2.200
30.800.000
Tổng
514.028.000
Số chia mới d =
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro