Luận bàn chữ Giáo
1.1. Khảo cứu chữ Giáo trong Luận Ngữ
1.1.1. Tại sao lại khảo cứu chữ Giáo
Trong sách luận ngữ, chữ Giáo (教) xuất hiện chỉ vọn vẹn bảy lần, dưới hình thức của động từ giáo hóa, giảng dạy: Vi Chính 20 ; Thuật nhi 24; Tử Lộ 9,29,30; Vệ Linh Công 38 và Nghiêu viết 2. Sự có mặt khiêm tốn của chữ Giáo, không có nghĩa là Khổng Tử ít đề cập đến giáo dục. Bởi lẽ, trong giáo dục tác động “dạy” (của người dạy) và “học” (của người học) có quan hệ hỗ tương và luôn đi liền với nhau, mà chữ Học (學) lại là từ xuất hiện rất nhiều trong luận ngữ (66 lần). Do đó, sự kiện xuất hiện khiêm tốn kia của chữ giáo cho thấy ông hướng đến người thụ giáo hơn là người giáo dục.
Nói cách khác, Luận ngữ cho ta một cái nhìn trực quan về việc học hơn là việc dạy. Tuy nhiên, việc khảo cứu chữ Giáo vẫn là điều quan trọng. Qua ý nghĩa của mỗi chữ trong từng văn cảnh, ta không những sẽ hiểu được tâm tư và chủ đích của Khổng Tử, mà còn hiểu được tình cảm và nguyện vọng của ông trong sự nghiệp nhà giáo nữa. Từ đó ta có được một cái tổng quan về tư tưởng giáo dục của Khổng Tử.
1.1.2. Bảy lần xuất hiện chữ Giáo
Đoạn 20 trong chương Vi Chính tường thuật cuộc nói chuyện của Quý Khương và Khổng Tử. Trả lời câu hỏi của Quý Khương về việc nhà cầm quyền làm gì để cho dân kính trọng và trung thành, Khổng Tử nói rằng nhà cầm quyền phải kính dân trước, và lo lắng cho dân: “Nên cử dùng những người tốt lành, tài cán, còn những kẻ yếu sức, nên giáo hóa họ” . Như vậy, Khổng Tử dùng chữ Giáo ở đây không đơn thuần mang nghĩa giáo dục trường lớp, mà ông muốn nói rằng nhà cầm quyền phải dạy dỗ con dân như bậc phụ mẫu, đặc biệt là với những người con còn “yếu sức”.
Trong chương Thuật nhi đoạn 24, Khổng Tử đề cập đến bốn bộ môn mà người học trò cần học là: “văn chương, đức hạnh, trung thực là thành tín” . Ở văn cảnh này, chữ Giáo mang tính học thuật rõ nét.
Tử Lộ 9 là đoạn hội thoại rất thú vị giữa ông Nhiễm Hữu đánh xe và Khổng Tử, liên quan đến chính sách để hoàn thiện xã tắc. Khổng Tử cho thấy ba việc mà nhà cầm quyền phải thi hành, theo chiều tăng về mức độ hoàn thiện là: dân số, kinh tế và giáo dục: “Dân đã đông…đã giàu có rồi, nhà cầm quyền phải làm gì nữa cho họ nhờ?’. Khổng đáp: ‘phải giáo hóa họ” . Như vậy, chữ Giáo trong đoạn văn này cũng mang cùng nghĩa với chữ Giáo ở đoạn Vi Chính 20.
Chữ Giáo trong chương Tử Lộ đoạn 29 và 30 có chung một văn cảnh với nghĩa “huấn luyện”. Ở đây, Khổng Tử nói rằng “dân chúng nếu được huấn luyện trong bảy năm, thì sẽ thành chiến sĩ hoàn toàn” , ngược lại, nếu “chẳng huấn luyện mà bắt họ đi đánh giặc, đó là đưa binh lính đến chỗ thua, chỗ chết mà thôi” . Dễ thấy chữ Giáo trong hai đoạn văn này có một âm hưởng riêng biệt, nó không phải hoạt động giáo dục thông thường, mà là sự rèn luyện của quân đội.
Chữ Giáo xuất hiện trong Vệ Linh Công đoạn 38 là một điểm nhấn quan trọng. Chỉ bằng vọn vẹn có bốn chữ: “Hữu giáo vô loại” , Khổng Tử cho thấy quan điểm tiến bộ của mình về đối tượng được giáo hóa: không loại trừ một ai. Chữ Giáo trong đoạn văn này mang nghĩa rộng rất.
Cuối cùng là chữ Giáo xuất hiện ở cuối đoạn hội thoại dài giữa ông Tử Trương và Khổng Tử, được ghi lại ở đoạn 2 chương Nghiêu viết: “Nhà cầm quyền chẳng giáo hóa dân…thì như vậy là ngược” .
Tóm lại, lược qua bảy lần xuất hiện chữ Giáo trong sách Luận ngữ, ta thấy tùy vào văn cảnh mà mỗi chữ Giáo được hiểu theo một nghĩa riêng biệt với chức năng khác nhau. Tuy nhiên, ta có thể tóm gọn được chủ trương giáo dục của Khổng Tử trong ba ý lớn. Chúng ta cùng làm rõ những ý hướng này ở mục sau đây.
1.2. Tư tưởng giáo dục của Khổng Tử
1.2.1. Vai trò giáo dục
Tư tưởng nổi bật nhất của Khổng Tử là đề cao vai trò của giáo dục trong xã hội. Thật vậy, vào thời của Khổng Tử, vua đứng đầu các nước chưa thật sự đánh giá đúng mức tầm quan trọng của việc giáo dục. Có lẽ do binh chiến loạn lạc, nên đất nước ưu tiên việc chiến sự hơn chăng? Hay do nền học thuật bấy giờ không tiến bộ, nên việc giáo dục không được đánh giá đúng mức? Vì thế mà Khổng Tử lưu tâm về vấn đề này hơn cả, bằng những hành động cụ thể: “ông là người đầu tiên giảng dạy học thuật cho đại chúng, lấy giáo dục làm nghề nghiệp, mở đầu phong trào giảng học và du thuyết…ông là người sáng lập – ít nhất cũng là phát triển rực rỡ - một tầng lớp kẻ sĩ của Trung Quốc cổ đại.” . Ta cũng biết rằng Khổng Tử là người nước Lỗ (Ung Giã 3), nhưng ông đã đi các nước: Vệ (Bát Dật 24), Trần (Công Dả Tràng 21), Tề (Thuật Nhi 13), Tống (Thuật Nhi 22)...để cùng với học trò thuyết phục các nước chư hầu nghe theo Đạo, tức là chấp nhận nền giáo dục mà ông chủ trương.
Trong Luận ngữ, bốn trong bảy từ Giáo xuất hiện đều đề cập đến vấn đề này. Trước hết, Khổng Tử đặt giáo dục là quốc sách chóp đỉnh trong việc trị nước an dân. Một đất nước muốn phát triển trước hết phải phát triển y tế và vệ sinh, nhằm giúp cho dân số trở nên đông. Kế đó, nên mở mang kinh tế (canh nông, thương mại, kỹ nghệ) trong nước, cho dân no đủ giàu có. Sau là mở mang giáo dục và văn hóa để dạy dân, giúp họ có học thức, biết lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Như vậy, giáo dục là điều kiện đủ để một đất nước trở nên cường thịnh.
Trong thời binh loạn của Khổng Tử, một quốc gia cường thịnh cũng phải có quân đội vững mạnh. Do đó, bên cạnh giáo dục về văn hóa, Khổng Tử cũng nhấn mạnh đến việc phải giáo dục về quân sự, tức là huấn luyện quân lính. Mặc dù ông gần như chẳng đề cập đến chuyện binh pháp, nhưng ông cũng đưa qua quan điểm của mình trong lĩnh vực này ở chương Tử Lộ các đoạn 29 và 30. Huấn luyện quân đội là việc khó khăn, nhưng nếu kiên nhẫn trong 7 năm thì giáo dục có thể biến dân chúng thành quân đội. Như vậy, việc xuất hiện chữ Giáo với nghĩa huấn luyện (dạy võ), là điều hoàn toàn hợp lô-gic. Qua đó, Khổng cho thấy tác động thứ hai mà nhà cần quyền cần thi hành giáo dục cho dân, không chỉ là dạy văn (giáo hóa) mà còn cần dạy võ (huấn luyện) nữa.
Thứ đến, Khổng tử cũng cho thấy vai trò của giáo dục khi liệt kê năm việc tốt cần làm và bốn việc xấu cần tránh của bậc Quân vương. Trong đó, Khổng Tử để việc giáo dục ở dạng phủ định và nó đứng đầu trong danh sách bốn việc cần tránh: “Nhà cầm quyền chẳng giáo hóa cho dân biết nghĩa vụ, phép tắc, bởi đó dân phạm tội, nhà cầm quyền bèn giết đi, như vậy gọi là ngược” . Chữ “Ngược” ở đây có nghĩa là: “ác nghiệt, tai ngược” . Sự tàn ác này rõ ràng không phải là hành vi thuận theo danh nghĩa - bất chính danh - của nhà cầm quyền, của bậc quân tử. Thật vậy, cái chí cao của bậc thánh nhân là không ngớt dạy đời, ở với người văn minh thì nâng cao trình độ của họ thêm lên; còn ở với kẻ dã man thì cũng quyết lòng khai hóa họ: “Bậc quân tử ở với học thì giáo hóa họ” . Như thế, giáo dục dân được kể như là bổn phận mà bậc quân vương phải thi hành, để xứng đáng là bậc quân vương, là người quân tử.
Mặt khác, chữ ngược còn cho thấy một tình trạng không thuận theo tự nhiên, trái với đạo lý. Vì khi không được giáo dục, tất yếu dân sẽ trở nên ngu dốt, phạm pháp, đi ngược lại quy tắc và trật tự trong xã hội. Ở một chỗ khác, Khổng tử nói rõ hơn: “Xử kiện, ta cũng biết xử như người…Nhưng nếu dạy cho dân biết nghĩa vụ, biết nhường nhịn, biết luật pháp mà giữ gìn, đặng họ chẳng đem nhau đến tụng đình, như vậy chẳng hay hơn sao?” . Như thế, Khổng Tử chủ trương coi giáo dục là một phương tiện để cầu an trị nước, hữu hiệu hơn cả việc dăn đe bằng kiện tụng và xử phạt.
1.2.2. Nội dung giáo dục
Khổng Tử không chỉ là người đi tiên phong trong việc đề cao vai trò của giáo dục, mà còn là người đi đầu trong việc đưa một chương trình học tập đầy đủ và có hệ thống. Ở tuổi 15, Khổng Tử đã bắt đầu sự nghiệp của mình, đến 68 tuổi ông trở lại quê nhà để mở mang việc dạy học và soạn sách. Ông san định lại các kinh sách của Thánh Hiền đời trước như: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch. Sau đó, ông còn viết ra sách sử Xuân Thu nữa. Tổng số môn đệ của Khổng Tử có lúc lên tới 3000 người (Tam thiên đồ đệ), và nội dung giáo dục ông đề ra là: “văn, hạnh, trung, tín” .
Văn (文) là văn chương, lục nghệ. Theo truyền thống, các nhà kinh học kim văn đều cho rằng lục nghệ là do Khổng tử đặt ra, còn các nhà kinh học cổ văn lại cho rằng Khổng Tử chỉ thuật lại lục nghệ mà thôi. Tuy nhiên, có điều chắc chắn là Khổng Tử có quan hệ mật thiết với lục nghệ và đã đem nó ra mà dạy học . Khổng Tử đặc biệt đề cao vai trò của bộ môn này, vì “vô tri bất mộ”. Do đó, ông chủ trương văn phải là môn học đầu tiên mà người quân tử phải truy tầm: “Quân tử bác học ư văn” .
Hạnh (行) là đức hạnh. “Đạo quân tử có hai phần: phần học và phần tu” . Phần học chính là học văn chương lục nghệ, và là phần mà nhiều người thông làu. Còn phần sau khó hơn là tu thân hành đạo. Như vậy học văn trước, cốt là để phục vụ việc tập tành đức hạnh. Quả vậy, đức hạnh không phải là việc hiểu biết nhưng là việc thực hành; truy tầm đức hạnh phải là việc chủ động của người thụ giáo. Khổng Tử rất lo ngại loại người không trau dồi đức hạnh: “Đức chi bất tu…thị ngô ưu giã” . Ta chớ có nhầm lẫn hiểu đức hạnh này theo lối đạo đức thông thường. Bởi lẽ, cũng có những đức hạnh tối thiểu mà kẻ đệ tử cần làm trước khi học văn chương lục nghệ như: hiếu thảo cha mẹ, kính anh chị và người lớn tuổi, cẩn thận ăn nói, thương người: “hạnh hữu dư lực, tắc dĩ học văn” .
Trung (忠) là trung thành, làm hết bổn phận. Người có học, có đức hạnh nhưng chẳng có đức trung thì việc gì cũng bỏ giở. Do đó, giả thiết người có được học vấn và đức hạnh, thì còn tiếp tục phải giữ đức trung. Khổng Tử rất đề cao đức trung, ông nói rằng người quân tử phải luôn lấy trung tín làm chủ đích: “(quân tử) chủ trung tín” . Câu này cũng là một phần trong câu trả lời cho Tử Trương về cách tôn sùng đức tính và biết rõ mối lầm . Có lẽ vì thường xuyên được thầy khuyên dạy giữ đức trung, ông Tăng Tử thủ tâm liệt đức trung vào trong ba điều mà ta phải hằng ngày xét mình: “Ngô, nhựt tam tỉnh ngô thân:…nhi bất trung hồ?” . Ông cũng nhận định rằng, đức trung và thứ là toàn bộ cái Đạo của thầy mình .
Tín (信) là sự thành thực, lòng thành thực. Khổng Tử viết “Nhân nhi vô tín, bất tri kì khả dã” , nghĩa là, người mà không có đức thành, thì không hiểu sao làm nên việc được. Để “Tín” ở cuối danh sách nội dung giáo dục, vì nó mang ý nghĩa hoàn thiện con người. Thật vậy, nếu học được cả ba mục trên nhưng lại thiếu tín thành, gian dối lừa lọc, thì chỉ mang đến tai họa mà thôi. Chữ tín ở đây gần giống với “thành kỳ ý” mà sách Đại Học đề cập. Tuy nhiên, tín thành không chỉ là điểm khởi đầu để mỗi người có thể “chính tâm” và “tu thân”, nhưng nó phải là sợi chỉ xuyên suốt đời sống của người học Đạo.
1.2.3. Đối tượng giáo dục
Vào thời của Khổng Tử, việc học hành chỉ dành cho thành phần con cháu quý tộc, quan lại. Do đó việc Khổng Tử mở ra một nền giáo dục bình dân đại chúng – “hữu giáo vô loại”– là chủ trương hết sức tiến bộ. Thật vậy, hễ ai theo đúng lễ đến xin học thì Khổng Tử không bao giờ từ chối: “Kẻ nào xin nhập môn, tự mình làm lễ dâng lên một thúc (mười chiếc) nem; thì chẳng bao giờ ta chê lễ mọn mà chẳng dạy” . Học trò mà ông thâu nhận, không kể giàu nghèo, con quan hay con dân. Lời chú giải của dịch giả Đoàn Trung Còn về điều này, cho thấy rõ tâm tình của Khổng Tử: “Dẫu là người ác, nhưng bước đến cửa đạo của quân tử, là có bụng làm thiện rồi. Cho nên, quân tử tùy phương tiện mà giáo hóa, để mở thông cái tánh làm lành sẵn có nơi mọi người. Vậy quân tử chẳng chọn người thiện, kẻ lành, mà bỏ người ác, kẻ chậm” .
Quả nhiên, Khổng Tử không những chủ trương giáo dục dành cho hết mọi người, nhưng ông còn đặc biết lưu tâm đến những đối tượng gần như không thể có cơ hội được giáo dục. Đầu tiên, phải kể đến hạng yếu sức: “còn những kẻ yếu sức, nên giáo hóa họ” . Thực ra, dịch giả dịch từ “yếu sức” từ chữ “bất năng” (不 能). Do đó, sát hơn nên dịch là kẻ “không có khả năng, không có tài cán” , tức là hạng bất tài. Bối cảnh mà Khổng Tử đưa ra quan điểm này là trong đoạn ông trả lời về một loạt những điều nhà cầm quyền nên làm cho mỗi hạng người, để dân chúng cung kính mình, trung thành với mình và khuyên nhau làm lành. Tuy nhiên, chỉ khi đề cập đến hạng người bất tài này, ở cuối danh sách, thì ông mới đưa ra chính sách giáo dục.
Ở một chỗ khác, Khổng Tử còn cho thấy ông không loại trừ cả hạng người “ác nghịch”. Đó là khi các môn đệ của ông nghi hoặc về chàng thanh niên làng Hỗ Hương (một làng nổi tiếng là ác nghịch, dịch giả dịch từ chữ “an dữ” (難 與), nên ta có thể hiểu đây là hạng người “khó thân thiện” ) đã xin yến kiến Khổng Tử để xin học. Khổng Tử dạy rằng: “Người ta có lòng tinh khiết mà đến với mình, thì mình vì lòng tinh khiết ấy mà thâu nhận người, chớ mình không bảo lãnh những việc đã qua của người…” .
Tóm lại, Khổng Tử đã thay đổi quan điểm của xã hội lúc bấy giờ về đối tượng được tiếp cận tri thức. Theo ông, tất cả mọi người đều có quyền được học tập, không loại trừ một ai. Đặc biệt ông hướng đến những người nghèo, những người kém trí tuệ và cả những kẻ ác. Miễn sao họ có lòng trong sạch và thành tâm ham thích tầm đạo.
1.2.3. Ứng tài thực giáo
Cần nhận định rằng, chỉ bằng chữ Giáo mà thôi, ta cũng không có được cái nhìn đầy đủ về tư tưởng giáo dục của Khổng Tử. Bởi vì, sách Luận Ngữ viết bằng chữ Hán cổ, nên việc hiểu được nghĩa gốc của từng chữ phụ thuộc rất nhiều vào văn cảnh của nó. Chính chữ Giáo cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, như thế ắt còn những chữ khác lại có nghĩa như chữ giáo. Quả nhiên, qua các bản dịch và chú thích, ta còn biết đến nhiều từ khác cũng có nghĩa tương đương như chữ Giáo.
Qua chữ “Ngôn” (言-nói, lời nói) ở Tử Hãn 1 và Vệ Linh Công 7; chữ “Tri” (知-biết) ở Thái Bá 10). Ta biết được tư tưởng về “ứng tài thực giáo” của Khổng Tử. Tức là giáo dục tùy theo khả năng trình độ và tiếp thu, tùy theo tính cách và thái độ của mỗi học trò, mà người thầy thực hiện các phương pháp cũng như nội dung giáo dục khác nhau. Ông biết đến từng học trò và mỗi lời dạy đều ứng hợp với người thụ giáo. Nhiều đoạn trong Luận ngữ ta thấy rằng, mặc dù giải đáp cùng một câu hỏi, nhưng Khổng Tử trả lời mỗi học trò một khác. Đáng kể nhất là bốn đoạn trong sách Vi Chính, Khổng Tử trả lời câu hỏi về đạo hiếu cho bốn học trò, theo bốn cách khác nhau: Đối với Mạnh Ý Tử, đạo hiếu là “làm con chớ nên trái ngược” ; đối với Mạnh Võ Bá, đạo hiếu là “làm cha mẹ chỉ lo sợ cho con mang bệnh” ; còn đối với cho Tử Du, Khổng Tử nhắc nhở về lòng kính trọng trong đạo hiếu: “nuôi cha mẹ mà chẳng kính trọng thì có khác gì nuôi thú vật đâu?” , còn đạo hiếu cho Tử Hạ là “đối với cha mẹ lúc nào cũng tỏ vẻ hòa vui…mới đáng gọi là hiếu” .
Ngoài ra, tùy vào trình độ của mỗi học trò, ông cũng dạy họ điều này trước điều kia sau: “Từ người bực trung sắp lên, mới nên dạy đạo lý chỗ cao. Từ người bực trung trở xuống, chớ nên giảng dải đạo lý chỗ cao siêu” . Như vậy, bằng phương pháp giáo dục này, với cả tấm lòng tận tụy, chân thành và sắc sảo, Khổng Tử giúp cho mỗi học trò tự làm sáng tỏ cái đức sáng của họ.
Kết thúc công việc khảo cứu, phân tích chữ Học và một vài chữ khác liên qua, ta thấy được bốn tư tưởng giáo dục rất đặc sắc của Khổng Tử. Nhưng, như đã nói ở phần đầu tiên, chữ Học có liên hệ mật thiết với chữ Giáo. Qua chữ Học, chắc chắn ta sẽ cũng biết thêm về nhiều tư tưởng giáo dục khác của khổng tử. Chúng ta cùng luận bàn chữ Học ở phần tiếp theo.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro