Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Untitled Part 1

           

Câu 1: Điều kiện địa lý tự nhiên có ảnh hưởng như thế nào đối với văn hóa Việt Nam?

@ Trả lời:

Các yếu tố địa lý tự nhiên tác động lên không gian văn hóa thông qua chủ thể văn hóa. Điều kiện địa lý tự nhiên tác động lên nhận thức của tộc người, buộc họ phải thích nghi, sáng tạo và tiếp biến văn hóa, vay mượn kinh nghiệm , sở trường của các nền văn hóa khác. Sau khi qua lưới lọc chủ thể văn hóa, các điều kiện địa lý tự nhiên đã làm hình thành không gian văn hóa . Điều kiện địa lý tự nhiên là tiền đề tạo nên không gian văn hóa,cung cấp nguyên vật liệu và buộc  chủ thể văn hóa phải nhận biết và tận dụng nó thông qua sở trường, kinh nghiệm, tri thức của họ. Không gian văn hóa ấy cùng với những hoạt động của con người sẽ tạo ra văn hóa vật thể. Văn hóa vật thể lại chính là tiền đề làm hình thành và biến đổi văn hóa phi vật thể

*Điều kiện địa lý tự nhiên việt nam:

+ Về vị trí: Việt Nam nằm ở ngã tư của vùng ĐNÁ, là giao điểm các nền văn hóa, văn minh.

+ Về địa hình: có vùng đồng bằng, đồi núi, ven biển, với ¾ tổng diện tích là đồi núi, ¼ là đồng bằng. Đường biên giới trên đất liền dài 3730km. Bờ biển dài 3260km, vùng biển rộng 1tr km2 với hàng ngàn đảo.

+Khí hậu: thuộc vùng nhiệt đới ẩm gió mùa, nhiệt lượng, độ ẩm, lượng mưa cao. Tương ứng với 2 thời kỳ gió mùa Đông Bắc và Đông Nam, thời tiết chia làm 2 mùa cơ bản, mùa mưa và mùa nắng. Tuy nhiên do hình thể đất nước kéo dài từ Bắc đến Nam nên khí hậu các vùng miền có khác nhau. Nếu càng về phía Bắc, 4 mùa xuân, hạ, thu, đông càng phân biệt rõ, thì phía Nam chỉ có mùa mưa và nắng.

+Về sinh thái có các phân khu địa lý động vật: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Và 2 loại hình thực vật: Thảm thực vật rừng phân bố chủ yếu ở vùng cao và thảm thực vật nông nghiệp phân bố chủ yếu ở vùng đồng bằng.

*Ví dụ:

Về văn hóa ẩm thực, nhờ những điều kiện địa lý tự nhiên trên nước ta có điều kiện thuận lợi để phát triển cây lúa nước nên thức ăn chủ yếu của người Việt là lúa gạo. Hầu hết những loại lương thực dùng trong nước đều làm từ lúa gạo (khác với những vùng đồng bằng khô ở vùng cận nhiệt đới và ôn đới lương thực chính của họ là lúa mì hay ở những vùng thảo nguyên thì nguồn thức ăn chính của họ là thịt bởi đây là vùng có hoạt động chăn nuôi phát triển,...) Cơ cấu bữa ăn của người Việt đề cao vai trò của lúa gạo, thiên về thực vật với lúa gạo là thành phần đứng đầu. Người Việt ta có câu 'Người sống về gạo, cá bạo về nước' hay 'cơm tẻ mẹ ruột' để nhằm nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của lúa gạo đối với đời sống của nhân dân Việt Nam.

Song , môi trường địa lý tự nhiên cũng đồng thời đặt ra những hiểm họa, thách thức mà các nền văn hóa phải tìm cách ứng phó. Đó chính là tác động tiêu cực của địa lý tự nhiên lên không gian văn hóa

Tuy nhiên hiện nay, càng ngày con người lại càng có xu hướng vươn lên làm chủ thiên nhiên, mặc dù đó là điều gần như không thể.

Câu 2: Giao lưu tiếp biến văn hóa có tác dụng như thế nào đối với văn hóa Việt Nam trong lịch sử?

@Trả lời:

Sự giao lưu văn hóa thường  dẫn đến tiếp biến văn hóa, tức là sự tiếp thu, biến đổi những yếu tố văn hóa du nhập từ bên ngoài thành những yếu tố văn hóa tộc người. Để được chấp nhận, những yếu tố văn hóa du nhập không thể đối chọi với văn hóa truyền thống của tộc người. Và trong khi tiếp biến văn hóa, bản thân nền văn hóa tiếp nhận cũng sẽ biến đổi từng phần để thích ứng, dung hợp với những yếu tố văn hóa mới. Nói cách khác, chính nhờ sự giao lưu văn hóa mà các nền văn hóa, các tộc người, chủ thể mới có thêm có nguồn lực ngoại sinh để tự điều chỉnh, cách tân, phát triển (tiếp thu các tinh hoa về kỹ thuật, công nghệ,... mới của các nền văn hóa khác).

Quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa sẽ tác động lên chủ thể văn hóa, tạo ra những tri thức mới, phương tiện mới, văn hóa mưu sinh mới, tôn giáo và nhu cầu mới. Những biến đổi này góp phần hình thành thói quen mới dẫn tới ra đời những phong tục và tập quán mới. Ngoài ra, giao lưu tiếp biến văn hóa cũng làm biến đổi trực tiếp các nhân tố văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, văn hóa vật thể chịu tác động sâu sắc nhất và chính nó cũng có tác động tới nền văn hóa phi vật thể. 

Tuy nhiên, sự tiếp biến văn hóa cũng có mặt tiêu cực. Vì có tác dụng làm biến đổi văn hóa tộc người nên ở mức độ cao nhất tiếp biến văn hóa cũng có thể dẫn tới sự đồng hóa văn hóa, làm tiêu vong cả tộc người, hình thành tộc người mới. nguy cơ này đặc biệt rõ khi những yếu tố văn hóa mới du nhập đi cùng với chủ nhân của chúng là một số lượng di dân áp đảo, có tiềm lực văn hóa, kinh tế và quân sự mạnh, dẫn tới sự tiếp biến văn hóa cưỡng bức đối với tộc người bản địa (Trong tiếp biến văn hóa ngoại lai,giới trẻ hướng ngoại, không biết chọn lọc giá trị văn hóa đúng đắn).

Vì vậy để có thể giao lưu tiếp biến văn hóa mà không bị diệt vong văn hóa, các nền văn hóa và các tộc người, chủ thể văn hóa cần phải có sức mạnh văn hóa nội tại, đồng thời phải có khả năng chọn lọc, chuyển hóa những yếu tố văn hóa mới du nhập để bồi bổ cho sức mạnh văn hóa nội tại.

Ví dụ: Khi thiên cư từ trung tâm Đông Dương đến vùng Tây Bắc và miền núi Bắc Trung Bộ Việt Nam, nhóm Tiền Việt-Mường đã tiếp biến văn hóa của người Tày cổ để phát triển nền nông nghiệp lúc nước trong thung lũng và đồng bằng châu thổ và tiếp biến ngôn ngữ của người Tày cổ để hình thành tiếng Việt-Mường chung. Trong thời kỳ Văn Lang Âu Lạc, văn hóa Việt- Mường đã đạt tới những đỉnh cao rực rỡ về phát triển nông nghiệp lúa nước trên đồng bằng châu thổ, về luyện kim đồng ,sắt, về tổ chức cộng đồng làng, nước, về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, về ý thức tộc người,... Những thành tựu này của văn hóa Việt- Mường đã làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam đời sau.

Câu 3: Theo bạn, vì sao người Việt đã có thể trở thành chủ thể chính của văn hóa Việt Nam?

@ Trả lời:

Hai nhân tố hình thành và làm biến đổi văn hóa tộc người: Không gian văn hóa  và giao lưu tiếp biến văn hóa.

Về giao lưu tiếp biến văn hóa,tộc Việt tích hợp văn hóa nội sinh và ngoại sinh. Trong yếu tố nội sinh, tộc Việt đã chọn lọc và tiếp biến một loạt các giá trị văn hóa của các tộc người bản địa.Về yếu tố ngoại sinh, tộc Việt là thành phần người đón đầu các đợt sóng văn hóa ngoại lai. Chính nhờ những tinh hoa của các yếu tố văn hóa ngoại lai, tộc Việt đã phát triển kinh tế, kỹ thuật và vươn lên nắm quyền cai trị, có ảnh hưởng rộng lớn, mạnh mẽ nhất Việt Nam.

Về không gian văn hóa, tộc Việt và tiền thân của nó là Việt- Mường chiếm lĩnh không gian văn hóa đồng bằng, châu thổ( khác với các tộc người khác đại đa số cư trú ở không gian văn hóa miền núi). Trong lịch sử nhân loại tất cả các nền văn hóa hình thành trong đồng bằng châu thổ đều vươn lên lớn mạnh và giành quyền kiểm soát toàn bộ nền văn hóa của quốc gia đó. Tộc người nào chiếm lĩnh đồng bằng châu thổ đều văn minh sớm hơn các tộc người khác. Và người Việt không phải là ngoại lệ. Không gian văn hóa đồng bằng châu thổ, không gian văn hóa đồng bằng duyên hải là tiền đề thuộc  về nhân tố không gian văn hóa. Nhân tố địa lý tự nhiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận tinh hoa văn hóa ngoại sinh. Chính nhờ điều kiện thuận lợi là cư trú ở vùng đồng bằng châu thổ nên tộc Việt đã có thể hình thành và phát triển văn hóa mưu sinh đa dạng. Ngoài ra, do công nghiệp lúa nước ở đồng bằng châu thổ đem lại sản lượng rất lớn, năng suất sản lượng cao, vượt xa văn hóa Mường, nhờ vậy dân số tộc Việt tăng nhanh . Trong tiến trình lịch sử, tộc Việt cũng là dân tộc chính đương đầu với giặc ngoại xâm và là chủ thể có công trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. à Không gian văn hóa thuận lợi cũng góp phần tạo nên sức mạnh vượt trội của người Việt và văn hóa Việt.

Tích hợp hai nhân tố trên, về ĐKĐLTN và GLTBVH cho họ sức mạnh, trở thành chủ thể chính của không gian văn hóa Việt Nam.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #csvh