Bài 10 Ý thức xã hội
Câu 1: Tồn tại xã hội và ý thức xã hội
1. Tồn tại xã hội và cấu trúc của tồn tại xã hội
- Tồn tại xã hội là khái niệm của chủ nghĩa duy vật biện chứng về xã hội, dùng để chỉ toàn bộ đời sống vật chất cùng toàn bộ những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội.
- Tồn tại xã hội bao gồm các yếu tố cơ bản là:
+ Hoàn cảnh địa lý bao gồm các yếu tố như tài nguyên, khoáng sản, khí hậu, đất đai,.. là những yếu tố ảnh hưởng thường xuyên, tất yếu tới sự tồn tại và phát triển của xã hội, nhưng không giữ vai trò quyết định phát triển của xã hội. Ở những trình độ khác nhau của xã hội, mức độ ảnh hưởng của tự nhiên đối với xã hội có khác nhau.
Điều kiện tự nhiên ảnh hưởng đến việc tổ chức phân công lao động và bố trí lực lượng sản xuất. Sự phong phú đa dạng của tự nhiên là cơ sở tự nhiên của việc phân công lao động trong xã hội. Tự nhiên có thể tạo điều kiện thuận lợi và cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất.
Sự tác động của con người đến tự nhiên sẽ làm cho tự nhiên biến đổi theo hai hướng: làm cho tự nhiên phong phú thêm, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất và đời sống con người; hoặc làm cho tự nhiên nghèo nàn đi, nó sẽ gây trở ngại trở lại đối với con người. C.Mác đã chỉ ra “nếu văn minh được phát triển một cách tự phát không có hướng dẫn một cách khoa học thì để lại sau đó một bãi hoang mạc”.
+ Điều kiện dân số bao gồm các yếu tố số dân, mật độ dân số, phân bố dân cư, tỉ lệ tăng dân số, là điều kiện thường xuyên tất yếu của sự phát triển xã hội, nhưng không giữ vai trò quyết định sự phát triển xã hội.
Điều kiện dân số ảnh hưởng đến nguồn lao động, tổ chức phân công lao động xã hội cũng như các chính sách phát triển văn hóa tinh thần khác. Việc phân bố dân cư không thể theo ý muốn chủ quan mà phải phụ thuộc trình độ phát triển của sản xuất và chế độ xã hội.
Vai trò của dân số ngày nay là vấn đề bùng nổ dân số. Nếu sản xuất có kế hoạch nhưng tăng trưởng dân số không có kế hoạch tự nó sẽ phá vỡ kế hoạch sản xuất. Nước ta hiện nay dân số tăng quá nhanh, muốn có cuộc sống văn minh, hạnh phúc thì nhiệm vụ kế hoạch hóa dân số và giải quyết việc làm cho người lao động phải là nhiệm vụ hàng đầu của chính sách xã hội.
+ Phương thức sản xuất là cách thức mà con người làm ra của cải vật chất. Đó là mối quan hệ biện chứng giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất. Nó là nhân tố quyết định tính chất, kết cấu của xã hội và quyết định sự vận động, phát triển của xã hội qua các giai đoạn lịch sử. Khi phương thức sản xuất mới ra đời thay thế phương thức sản xuất cũ lỗi thời, thì mọi mặt của đời sống xã hội cũng có sự thay đổi căn bản theo. Lịch sử xã hội loài người trước hết là lịch sử của các phương thức sản xuất kế tiếp nhau trong quá trình phát triển. Nghiên cứu những quy luật của lịch sử xã hội là nghiên cứu trong phương thức sản xuất do xã hội thực hiện trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, trong chế độ kinh tế-xã hội, chứ không phải tìm trong óc người, trong tư tưởng.
Phương thức sản xuất là yếu tố giữ vai trò quyết định tính chất, kết cấu của xã hội, quyết định sự vận động và phát triển của xã hội.
2. Khái niệm và kết cấu của ý thức xã hội?
- Ý thức xã hội là khái niệm dùng để chỉ toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội. Nó bao gồm tình cảm, tập quán, truyền thống, quan điểm, tư tưởng, lý luận,.. là sự phản ánh của tồn tại xã hội trong những giai đoạn phát triển khác nhau.
- Ý thức xã hội gồm nhiều cấp độ khác nhau: Ý thức sinh hoạt đời thường và ý thức lý luận, tâm lý xã hội và hệ tư tưởng.
+ Ý thức sinh hoạt đời thường và ý thức lý luận: sự phân chia này dựa vào sự khác nhau giữa nhân sinh quan trong thực tiễn cuộc sống chưa được hệ thống hóa với tập hợp những tư tưởng đã nghiên cứu một cách sáng tạo được hệ thống hóa thành lý luận thành học thuyết.
Ý thức sinh hoạt đời thường không có nghĩa là tầm thường tự phát, hoang dã hay ít có giá trị, mà nó lại bao hàm nội dung rộng lớn của cuộc sống. Tuy nó chưa có tính hệ thống, tính hợp lý và tính khoa học nhưng nó lại mang tính đầy đủ toàn vẹn của cảm giác sống, nó gắn với hiện thực trực tiếp của đời sống, phản ánh được những chi tiết gần gũi của đời sống. Chính kinh nghiệm của ý thức đời thường là cái kho để các khoa học tìm kiếm nội dung của mình.
+ Ý thức lý luận là toàn bộ tư tưởng, quan điểm của xã hội được hệ thống hóa thành hệ thống một cách hợp lý, thành chỉnh thể trong những khoa học cụ thể, nghệ thuật, triết học… Đặc điểm của ý thức lý luận là tính hệ thống, tính hợp lý, tính có hiểu biết về những mối liên hệ bản chất tất yếu của các hiện tượng xã hội, tính phản ánh trừu tượng khái quát bằng các phạm trù khái niệm.
+ Tâm lý xã hội là một bộ phận ở cấp độ ý thức sinh hoạt đời thường, trong đó xuất hiện những quan niệm và sự đánh giá đa dạng các hiện tượng xã hội, những lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ, những phong tục truyền thống, những thiên hướng và những hứng thú, hình ảnh, ước mơ…
Đặc điểm của tâm lý xã hội phản ánh trực tiếp điều kiện sống hàng ngày, phản ánh bề mặt của tồn tại xã hội, không có khả năng vạch ra bản chất và những nguyên nhân sâu xa các mối quan hệ vật chất xã hội. Nó mang tính chất kinh nghiệm chưa được thể hiện về mặt lý luận, những yếu tố trí tuệ thường trộn lẫn với những yếu tố tình cảm.
+ Hệ tư tưởng là bộ phận ở cấp độ ý thức lý luận, trong đó bao gồm sự đánh giá một cách có hệ thống về hiện thực xã hội, trên lập trường, quan điểm của một giai cấp, một Đảng nhất định, nêu ra nhiệm vụ và mục đích chính trị-xã hội: xây dựng hệ thống những quan điểm về quyền lực của giai cấp, của đảng phái đó.
Hệ tư tưởng phản ánh một cách sâu sắc về những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội, nó là sự nhận thức lý luận về tồn tại xã hội dựa trên cơ sở khái quát những kinh nghiệm xã hội đã được tích lũy của những giai cấp, tập đoàn xã hội nhất định.
Hệ tư tưởng có thể là tư tưởng khoa học, cũng có thể phản khoa học tùy vào việc nó có phản ánh đúng đắn các mối quan hệ vật chất của xã hội hay không.
Ý thức xã hội là sự phản ánh điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội, vì thế, trong xã hội có giai cấp, ý thức xã hội luôn mang tính giai cấp. Trong xã hội có giai cấp đối kháng, tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng là tư tưởng của giai cấp thống trị về kinh tế và chính trị của thời đại đó, các giai cấp khác thường chịu ảnh hưởng tư tưởng của giai cấp thống trị. Ý thức xã hội, ý thức giai cấp, ý thức cá nhân không phải bao giờ cũng là những khái niệm đồng nhất.
Câu 2: Mối quan hệ biện chứng giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội
Tồn tại xã hội là toàn bộ đời sống vật chất và những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội. Kết cấu của tồn tại xã hội gồm ba yếu tố: Điều kiện tự nhiên, điều kiện dân số và phương thức sản xuất do phương thức sản xuất quyết định.
Ý thức xã hội là toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội, là sự phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử.
Giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội có mối quan hệ biện chứng trong đó tồn tại xã hội giữ vai trò quyết định và ý thức xã hội tác động trở lại đối với tồn tại xã hội.
Tính quyết định của tồn tại xã hội thể hiện ở: Tồn tại xã hội có trước, ý thức xã hội có sau; tồn tại xã hội thế nào thì ý thức xã hội thế đó; tồn tại xã hội biến đổi, đặc biệt là sự biến đổi của phương thức sản xuất dẫn đến sự biến đổi của ý thức xã hội. Vì vậy, không thể tìm nguồn gốc của tư tưởng lý luận trong óc người mà phải tìm nó trong hiện thực vật chất. Không thể giải thích một cách đầy đủ sự biến đổi của một thời đại nào nếu chỉ căn cứ vào ý thức của thời đại đó. Tuy vậy, không phải bất cứ ý thức xã hội nào cũng trực tiếp phản ánh những quan hệ kinh tế của thời đại nó, mà chỉ xét đến cùng thì những quan hệ kinh tế mới được phản ánh bằng cách này hay cách khác trong những tư tưởng đó.
Tính độc lập tương đối của ý thức xã hội thể hiện những mặt sau:
- Ý thức xã hội thường có tính lạc hậu hơn so với tồn tại xã hội. Thông thường đó là thói quen, tập quán, truyền thống, niềm tin tôn giáo,.. Tính lạc hậu của ý thức xã hội bao giờ cũng cản trở đối sự phát triển của tồn tại xã hội.
- Những tư tưởng tiến bộ, khoa học thường vượt trước tồn tại xã hội, nó có vai trò định hướng, hướng dẫn cho hoạt động thực tiễn.
- Sự phát triển của ý thức xã hội luôn có tính kế thừa. Vì thế không thể chỉ dựa vào tồn tại xã hội, vào quan hệ kinh tế của một thời đại để giải thích nội dung ý thức của thời đại đó mà còn phải dựa vào quan hệ kế thừa của ý thức xã hội nữa.
- Trong sự phát triển, các hình thái ý thức xã hội luôn có sự tác động qua lại lẫn nhau. Chính vậy, có những tính chất, những mặt của ý thức xã hội hoặc của mỗi hình thái ý thức xã hội không thể giải thích được một cách trực tiếp bằng tồn tại xã hội hoặc bằng các quan hệ vật chất.
- Sự tác động trở lại của ý thức xã hội đối với tồn tại xã hội diễn ra theo hai hướng tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào ý thức xã hội là tiến bộ, khoa học hay lạc hậu, phản tiến bộ, phản khoa học.
Tuy vậy, vai trò của ý thức xã hội đối với tồn tại luôn phụ thuộc vào tính chất của các quan hệ kinh tế mà trên đó nảy sinh những tồn tại nhất định, và vai trò lịch sử của giai cấp giương cao ngọn cờ tư tưởng đó, phụ thuộc vào mức độ phản ánh đúng đắn của tư tưởng đối với nhu cầu phát triển xã hội, phụ thuộc vào mức độ thấm nhuần, mở rộng tư tưởng trong quần chúng nhân dân.
Ý nghĩa phương pháp luận của vấn đề này:
Nếu chỉ thấy tính quyết định của tồn tại xã hội một cách may móc sẽ rơi vào duy vật tầm thường. Ngược lại, nếu tuyệt đối hóa vai trò của ý thức xã hội sẽ rơi vào chủ nghĩa duy tâm. Trong hoạt động thực tiễn và nhận thức phải luôn đấu tranh khắc phục cả hai khuynh hướng đó. Trong cải tạo xã hội cũ, xã hội xã hội mới phải tiến hành cả trên hai lĩnh vực tồn tại xã hội và ý thức xã hội.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro