Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Hôi Hồ (Hồ ly xám 1)

              Hôi Hồ. (Hồ ly xám) 

              Tiết tử

"Người ta cứu, không phải y." Đôi mắt vốn hẹp dài của hồ ly cong lên giống như vành trăng lưỡi liềm, "Người mà ta cứu chính là chàng thiếu niên ở trong một đêm đông của nhiều năm về trước, ngồi bên đống lửa uống rượu nồng, đem lòng mơ ước vác kiếm phiêu bạt giang hồ."

(Tiết tử: đoạn văn dẫn nhập vào chính văn của truyện hay từng chương, từng hồi.)

https://youtu.be/xgmITaQczCM

          ************

   

   Hồ ly xám 1


     Năm đầu của Thái Bình Hưng Quốc.

    Thành Đô, ngoại ô.

     "Khách quan, mì thịt dưa chua của ngài đến rồi đây!" Tiểu nhị bưng bát mì nóng hổi, nhanh nhẹn đặt xuống trước mặt nàng, vắt cái khăn lên vai theo thói quen, rồi nói với tiểu hòa thượng ngồi bên cạnh nàng, "Tiểu sư phụ, mì chay của đệ phải chờ thêm một lát nha."

      Đào Yêu ngửi bát mì thơm phức trước mặt, hớn hở nói: "Ngửi mùi thôi là thấy ngon rồi, nghe nói ẩm thực ở đây rất ngon, ngay cả một bát mì nhỏ cũng không khiến cho người ta thất vọng."

    Nàng gắp mì lên thổi thổi, ống tay áo trượt xuống, để lộ sợ dây đỏ buộc quanh cổ tay, chiếc chuông vàng nhỏ xíu được treo trên sợi dây, trông càng nổi bật đáng yêu trên làn da tuyết trắng, song bất kể động tác của nàng mạnh mẽ bao nhiêu, chiếc chuông vàng lắc lư lung lay nhưng vẫn không hề phát ra bất kỳ tiếng động nào.

    Tiếng sụp soạt vang lên, bát mì trôi xuống bụng, nàng thỏa mãn hít vào một hơi, giơ ngón tay cái về phía tiểu nhị.

    "Khách quan thích thì tốt quá." Tiểu nhị được khen ngợi thì hết sức vui mừng, không khỏi nhìn nàng thêm mấy lần.

  

    Đó là một cô nương rất xinh đẹp, khoảng mười bốn mười lăm tuổi, đôi mắt long lanh sáng như sao, cười lên tạo thành hai vành trăng lưỡi liềm cong cong, cộng thêm hai má lúm đồng tiền, nụ cười như vậy không cần vị giác cũng cảm thấy rất ngọt ngào. Cách ăn mặc của nàng cũng rất đẹp, áo đỏ quần đỏ, trông vui tươi như bức tranh ngày tết, bên hông buộc một cái túi màu đen, trông không giống hà bao cũng chẳng giống túi thơm, miệng túi được cột bằng một sợi dây bình thường, chiếc túi căng phồng. Tiểu cô nương này chỗ nào cũng đẹp, chỉ có tóc tai là hơi tuỳ ý, hai bím tóc được thắt bừa một cái nhỏ một cái lớn, buông rũ xuống trước ngực. Còn có bên cạnh nàng là một tiểu hòa thượng tầm sáu bảy tuổi, mặc áo tăng màu xám tầm thường, cổ đeo tràng hạt, cái đầu trọc nhỏ cũng sáng lấp lánh dưới ánh đèn dầu, chỉ là từ lúc vào khách điếm tới bây giờ, tiểu hòa thượng vẫn luôn trưng bộ mặt buồn rầu "có người thiếu tiền của tôi".

      

     Hiếm khi thấy hòa thượng và cô nương tục gia cùng ngủ trọ tại khách điếm, tiểu nhị gãi đầu thắc mắc hỏi: "Khách quan không phải là người nơi đây phải không? Hình như tôi chưa từng gặp cô nương và vị tiểu sư phụ này."

     Còn dưa dứt lời, ô cửa sổ gần nàng bỗng dưng bị mở bung ra, gió rét cuốn mấy cánh bông tuyết nhân cơ hội lùa vào, tiểu nhị vội vã đi đóng kín cửa sổ lại, sợ nàng bị lạnh.

     Một cánh bông tuyết rơi trên chóp mũi nàng, lập tức tan ra, nàng quay đầu hỏi tiểu nhị: "Nơi này không giống phương Bắc, rất hiếm khi có tuyết mới đúng chứ?"

     "Đúng là không thường có tuyết lắm, vả lại rất hiếm khi tuyết lại rơi lớn như vậy." Tiểu nhị chà xát hai bàn tay, "Cô nương không bị lạnh đó chứ?"


     "Mới ăn xong bát mì, sao có thể dễ bị đông lạnh được." Nàng cười, "Quán trọ nhà ngươi đặt tên không hay lắm, đa số quán trọ đều có tên là "Duyệt Lai" hoặc "Thường An", rất hay, vậy mà các ngươi đặt là "Khách điếm Phong Tuyết", vốn dĩ không gió không tuyết, vô duyên vô cớ cũng bị các ngươi gọi đến rồi."

     Ngoài cửa lại bị một cơn gió quét qua, đèn lồng treo dưới mái hiên lung lay sắp rớt, chỉ có một chút ánh sáng lúc mờ lúc tỏ, bốn chữ "Khách điếm Phong Tuyết" như bị lung lay theo.

     Đêm lạnh tuyết dày, khó tìm thấy dấu vết, trong phạm vi hơn mười dặm quanh đây chỉ có nơi này là có ánh sáng, cho dù ai thấy cũng sẽ muốn đến đây để tránh gió tránh tuyết, ăn bát mì nóng.

  

   "Khách quan vui tính quá." Tiểu nhị cười to, "Tên của quán trọ là do chưởng quỹ đặt, có ý nghĩa là mưa thuận gió hòa, tuyết rơi là có ý báo hiệu cho một năm bội thu."

    "Đúng vậy đúng vậy, đúng là ý đó." Chưởng quỹ mập ú tuy vẫn luôn đứng trong quầy chuyên tâm gảy bàn tính nhưng lỗ tai lại rất thính, xen ngang, "Cô nương đến đúng lúc đó, sáng mai ngủ dậy, tuyết sẽ rơi rất dày, cô có thể làm người tuyết hoặc chơi ném tuyết, vui lắm!"

    Nàng không lên tiếng, chuyên tâm ăn mì.

     "Ta đói..." Tiểu hòa thượng cuối cùng cũng mở miệng nói hai chữ.


      Nàng đang gắp mì chuẩn bị cho vào miệng, bèn đặt đôi đũa xuống, hào phóng đẩy bát mì tới trước mặt tiểu hòa thượng: "Ăn đi!"

    Tiểu hòa thượng nhíu mày: "Người xuất gia không ăn thịt!"

    "Vậy thì nhịn đói đi." Nàng nhanh chóng kéo cái bát trở về, cố ý ăn từng ngụm từng ngụm lớn.

     Tiểu hòa thượng dẩu môi xoay đầu đi, hồi lâu sau mới lấy can đảm hỏi nhỏ tiểu nhị: "Ờ... xin hỏi món mì chay của ta phải chờ bao lâu nữa?"

    "Sắp nấu xong rồi." Tiểu nhị hướng về phía phòng bếp hô to, "Mì chay nhanh lên! Tiểu sư phụ đói rồi!"


     Lúc này ngồi ở đây ăn mì ngoài nàng và tiểu hòa thượng ra, còn có hai bàn khách nữa, một bàn ngồi đầy bốn thương nhân phong trần mệt mỏi, thân thể khỏe mạnh, ngựa của họ đang được buộc ở chuồng ngựa đằng sau khách điếm, chở tới mấy cái thùng gỗ lớn.

    Bàn còn lại chỉ có một vị khách, là một vị công tử nho nhã tuổi ngoài đôi mươi, mặt mũi thanh tú trắng trẻo, mái tóc đen được búi gọn gàng trên đỉnh đầu bằng một chiếc trâm bạch ngọc, mặc một bộ áo xám không mới không cũ, chiếc áo choàng cùng màu được đặt ở băng ghế bên cạnh, trên bàn chỉ có một bầu rượu và một đĩa rau xào, tự rót rượu uống một mình.

    Rốt cuộc mì chay cũng được bưng lên, tiểu hòa thượng hạnh phúc vừa cầm đôi đũa lên thì bát mì đã không thấy rồi.

    Nàng bưng bát mì chay của tiểu hòa thượng, không sợ nóng mà húp sụp soạt hai ngụm vào miệng, lúc này mới thỏa mãn mà sờ sờ bụng: "No rồi."

    Bàn tay nắm đôi đũa của tiểu hòa thượng run run, niệm mấy tiếng A Di Đà Phật rồi mới ấm ức nói: "Thí chủ mua thêm một bát mới cho ta đi..."

    



   "Hết tiền rồi." Nàng xòe tay, "Ai bảo hồi nãy dâng mì lên tận miệng mà đệ không ăn, bây giờ đệ chỉ có thể đi hóa duyên thôi."

   "Không ăn cũng được. Phật bảo, hết thảy đều không, có mì tức là không có mì, không có mì tức là có mì." Mồm miệng của tiểu hòa thượng rất lanh lợi, dứt khoát bỏ đũa xuống bàn, chắp tay niệm kinh.

    Vị chưởng quỹ kia nghe thấy buồn cười, nói: "Ta nói cô nương này, cô nương đừng trêu vị tiểu sư phụ này nữa, trời lạnh lắm, không ăn thì không được đâu, nếu cô nương xót tiền thì bát mì chay này để ta mời vậy." Ông ta kéo lớn giọng gọi tiểu nhị: "Đi, bảo phòng bếp nấu thêm bát mì chay cho tiểu sư phụ."

   Tiểu hòa thượng nghe vậy, vội vàng đứng dậy chắp tay với chưởng quỹ: "A Di Đà Phật, chưởng quỹ ở hiền chắc chắn sẽ gặp được lành."

   Nàng nghe xong, nhếch miệng, chỉ cười chứ không nói gì.




    Có vẻ như các thương nhân ăn uống rất vừa lòng, tiếng trò chuyện rất lớn, một bên ném mẫu xương đã gặm sạch sẽ, một bên uống rượu nồng hết ly này tới ly khác.

   Công tử áo xám vẫn luôn an tĩnh, sau khi uống còn dư nửa ly rượu thì đột nhiên ho dữ dội, hắn dùng một tay che miệng, một tay đấm nhẹ vào ngực mấy cái, nhưng cơn ho vẫn không thuyên giảm, ngược lại còn có dấu hiệu càng mạnh hơn.

    Các thương nhân đã chuếnh choáng say, thấy vậy thì nói năng thô lỗ: "Chắc không phải bệnh ho lao gì đó chứ, bị bệnh thì mau về phòng đi!"


     Tiểu hòa thượng thấy thế vội bước lên phía trước nói với công tử áo xám: "Vị thí chủ này, ngươi bị bệnh ư?"

     Công tử áo xám khoát tay với tiểu hòa thượng, gương mặt trắng trẻo đỏ bừng, đang định nói gì đó thì cổ họng chợt nóng lên, phun ra một ngụm máu lớn, màu máu rất sậm, gần như là màu đen.

    Sắc mặt của tiểu hòa thượng tái nhợt, vội vàng đỡ lấy cánh tay của hắn, lo lắng hỏi: "Thí chủ không khỏe ở đâu?"

    Công tử áo xám lắc đầu, một tay vẫn ôm chặt lồng ngực phập phồng giống như có thứ gì đó muốn từ bên trong vọt ra ngoài.

    Thấy hắn quá đỗi khó chịu, tiểu hòa thượng vừa niệm A Di Đà Phật vừa vỗ lưng hắn: "Thí chủ chớ hoảng sợ, ở đây có vị..."

   "Nghiến răng!" Nàng ngăn tiểu hòa thượng lại, "Chưa ăn cơm còn có sức lực tán dóc?"

    Tiểu hòa thượng quay đầu nói: "Vị thí chủ này sắp chết rồi! Cô không cứu người mà còn có thời gian tán dóc?"

   Còn chưa dứt lời, công tử áo xám đã gục xuống bàn, hôn mê bất tỉnh.

    Các thương nhân mắt say lờ đờ thấy màn này thì luôn miệng nói xui xẻo, đụng phải đứa mắc bệnh lao, bốn người sôi nổi đứng dậy, hùng hùng hổ hổ mà đi lên lầu, song còn chưa kịp bước lên cầu thang, thì cả bốn người họ thay nhau ngã xuống, nằm thành bốn đống bùn vô tri vô giác trên mặt đất.



    Tiểu hòa thượng thấy thế vội vàng chạy tới, bắt lấy cánh tay của một người trong số họ, vội nói: "Thí chủ, ông bị sao vậy? Các ông..." Lời còn chưa dứt, tiểu hòa thượng vội rụt tay về như bị rắn cắn, khoảng trống giữa ngón tay cậu với cánh tay của thương nhân giăng chất lỏng sền sệt, bốn người nằm trên mặt đất tựa như cây nến đang bị tan chảy, dần tan chảy.

    Tiểu hòa thượng há hốc miệng, chạy nhanh tới gần nàng: "Thế kia là sao? Họ bị sao vậy?"

    Nàng nhún vai: "Chắc là đã uống quá nhiều, ha ha."

    "Thí chủ còn cười?" Tiểu hòa thượng phẫn nộ nhìn nàng, "Cứu họ đi!"

Nàng nhìn lên trần nhà: "Hôm nay đệ mới quen ta à? Ta không cứu người."

"Cô..."

    Tiểu hòa thượng gấp đến dậm chân, thần sắc của nàng bỗng chốc trở nên khó coi, nàng đứng dậy, nhíu mày, không nói gì liền ngã xuống đất bất tỉnh, làm tiểu hòa thượng giật mình thiếu chút nữa hét toáng lên.

     Thoáng chốc khách điếm trở nên hỗn loạn, công tử áo xám chỉ còn chút hơi sức nằm trên bàn không nhút nhít, bốn người đàn ông nằm dưới đất từ từ tan chảy, cách đó không xa còn có cô nương mặc quần áo đỏ nằm bất động, chỉ có duy nhất tiểu hòa thượng còn tỉnh táo, đang luống cuống đứng giữa đám người luôn miệng niệm A Di Đà Phật.

   "Ai da, sao thế này?" Chưởng quỹ mê mẩn gảy bàn tính, giờ mới chầm chậm đi ra, thân hình mập ú lắc lư tiến về phía tiểu hòa thượng, thấy nàng nằm dưới đất, chưởng quỹ dè dặt giơ mũi chân đá nhẹ người nàng, nhíu mày:

    "Cứng quá, không được." Dứt lời lại đi về phía cầu thang, cũng đá vào bốn người đàn ông nằm dưới đất, sau đó nuốt nước bọt, hướng bên trong gọi to: "Mấy đứa này được nè!"

    Tiểu nhị và đầu bếp nhanh chóng chạy từ trong phòng bếp ra, mặt mày hớn hở.

     "Cô nương này làm sao đây?" Tiểu nhị nhìn chưởng quỹ, "Dáng người thật đẹp."


    Đầu bếp cười ha ha, hài hước nói: "Tiểu tử ngươi chỉ cần thấy nữ nhân là khen đẹp. Chờ lát nữa nó mềm ra thì cho đệ đó, ta và đại ca không giành với đệ đâu."

     "Đa tạ nhị ca." Tiểu nhị thật sự cảm kích.

    Tiểu hòa thượng há hốc mồm nhìn bọn họ.

    "Còn tiểu hòa thượng nữa!" Tiểu nhị chỉ vào tiểu hòa thượng rồi lại nhìn sang bên kia, "Còn cả công tử kia nữa!"

    "Trong bếp còn dư nửa nồi canh, lát nữa cho tiểu hòa thượng uống một bát là xong chuyện. Công tử kia thì thôi đi, đứa mắc bệnh lao ăn không ngon, đem đi chôn cho rồi." Đầu bếp xoa tay, "Đệ trông chừng hai đứa này nha, ta sang bên kia trước, để mềm quá mất ngon."

    

    Bên kia, chưởng quỹ mập ú thèm thuồng liếm môi, nói với đầu bếp: "Hai thằng mập là của ta, gầy thuộc về đệ."

   Tuy không quá vui lòng nhưng tên đầu bếp vẫn gật đầu.

    Hai người ngồi xuống, nhìn bốn người trước mắt, đôi mắt bắn ra tia sáng chỉ những ai rất đói bụng mới có.

 Hai chiếc ống hút dài mà mềm thò ra khỏi miệng chưởng quỹ và tên đầu bếp, đâm vào thân thể của hai thương nhân, chỉ thấy bọn họ hút mạnh một cái, máu thịt của hai thương nhân biến mất, trên mặt đất chỉ còn lại hai bộ xương.

    "Cực kỳ mỹ vị." Chưởng quỹ ợ một cái, vui sướng nghiêng đầu cùng với đầu bếp trao đổi ánh mắt thỏa mãn.

   Tiểu hòa thượng há hốc mồm, ngay cả A Di Đà Phật cũng niệm không ra.

    "Không sao, không đau đâu." Tiểu nhị sờ cái đầu trọc lóc của tiểu hòa thượng, liếm môi nhìn chưởng quỹ và đầu bếp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro