Chương 1
Sáng sớm tháng Ba, mưa dầm rả rích ngoài song cửa, từng giọt nước mưa men theo mái ngói mọc đầy rêu xanh nhỏ vào trong chậu đá, tạo ra âm thanh "tí tách", hoa lê trong sân đang nở rộ, từng khóm hoa trên đầu cành ướt đẫm mưa xuân, giọt nước "lách tách lách tách" nhỏ xuống, cùng những tàn hoa rơi đầy đất hòa thành một cảnh mưa.
Bên dưới mái hiên ngoài cửa sổ, một ông lão râu tóc mi mày trắng phơ, thân mặc đồ đạo sĩ ngắn màu xanh đậm đang ngồi thiền trên đệm cói. Trước mặt lão đặt một lư hương đang tỏa khói xanh lượn lờ. Sau lưng lão là cánh cửa sổ đóng chặt, rèm cửa cũng kéo che kín, trong phòng thỉnh thoảng vang lên tiếng nước, đợi lúc nghe được tiếng của người giãy dụa trong nước, ông lão sẽ lập tức nói: "Tĩnh tâm, ngưng thần, tĩnh khí. Tâm tĩnh, thì vạn vật đều tĩnh."
Trong phòng là Trương Tịch Nhan, lúc này không lời nào để nói, mà cũng không nói ra lời nào.
Nàng ngâm mình trong nước tắm thuốc thuần Đông y ba "không": không kiểm định chất lượng, không nắm rõ thành phần, không biết rõ công hiệu; cả người từ trên xuống giống như bị kiến cắn, từ da cắn thẳng vào trong xương tủy, muốn giãy dụa đứng lên, trên vai lại bị một bàn tay vô cùng mạnh mẽ ấn nàng không đứng dậy nổi.
Bàn tay kia trắng bệch nhăn nheo, tựa như chân gà mất nước, nhăn nhúm giống như chỉ có lớp da bọc xương. Chủ nhân của cánh tay này, đầu búi tóc đạo sĩ, trên người mặc đạo bào Giao lĩnh* màu trắng, gọn gàng tỉ mỉ, thoạt nhìn tiên phong đạo cốt, nhưng mà không thể nhìn gương mặt. Gương mặt đó đại khái chính là xương sọ được bao phủ bởi một lớp da người già nua trắng bệch, trông như một cái xác ướp biết đi.
(*) giao lĩnh: nghĩa là cổ chéo, là loại y phục với lối thức hai vạt áo chéo nhau
Vị này là bà nội Ba* của Trương Tịch Nhan, cũng chính là chị Ba của ông nội nàng, là con gái ruột của ông cố đang ngồi xếp bằng ở ngoài phòng kia.
(*) danh xưng gốc là Tam cô nãi nãi, họ dịch ra là bà cô (cô của ba). Nhưng mình thấy cô của ba, là chị/em của ông nội, thì ở mình vẫn sẽ gọi là bà nội, nên mình chuyển luôn thành bà nội Ba.
Nàng luôn hoài nghi bà nội Ba của nàng đang đóng phim ma, thế nhưng nàng không có chứng cứ.
Nhà cũ âm u, nàng luôn cảm thấy có ma, buổi tối đi ngủ rất sợ, ông cố cử bà nội Ba của nàng tới tăng thêm can đảm cho nàng.
Bà nội Ba đêm ngủ không nghe được tiếng hít thở, có đắp chăn dày đi nữa thì tay chân vẫn lạnh ngắt, kiểm tra hơi thở và mạch đập của bà, bà lập tức mở mắt ra, quay đầu, gương mặt đầu lâu, ánh mắt âm u lạnh lẽo, nói với nàng: "Ngủ đi, thời điểm gà gáy con lại phải thức dậy ngâm thuốc tắm đó."
Nhắc tới tắm thuốc, Trương Tịch Nhan chỉ có tràn đầy vô lực nhổ nước bọt.
Nàng thật tình cho rằng, mấy thứ lỗi thời nên bỏ gác xó, chứ không nên giữ lại dùng tiếp.
Nghề đạo sĩ này, theo đủ loại tuyên truyền ngày nay, nghe thì vô cùng lớn lao, nhưng trên thực tế, trước kia thuộc về một trong "Tam giáo" của "Tam giáo cửu lưu", phần lớn đạo sĩ là dân chúng tầng thấp nhất, có quan hệ với thường dân bách tính, chuyên các vấn đề nghi nan tạp chứng (hỗn tạp khó giải quyết), phàm là việc mà bác sĩ thầy thuốc trong tiệm thuốc không giải quyết được, ngoảnh đầu lại là có người tìm đến đạo sĩ hòa thượng. Phương thức chẩn bệnh hốt thuốc làm pháp sự gì đó, từ góc độ tâm lý trị được người bệnh tâm thần đều thuộc về bệnh nhẹ, thường xuyên sẽ có người điên có khuynh hướng bạo lực, bị người nhà cho rằng trúng tà, tìm đến trên đầu đạo trưởng, đại sư. Làm sao bây giờ? Mặc kệ là trúng tà hay là bệnh, người nhà chỉ muốn các đạo trưởng chữa trị. Các đạo trưởng có thể làm sao? Vung nắm đấm thôi, đánh không lại, còn phải bị chửi "Vị đạo sĩ này pháp thuật kém"! Đạo sĩ còn có một chuyên mục nghề nghiệp quan trọng -- mai táng. Xử lí tang sự, khai quan dời mộ, cũng phải là đạo sĩ. Thi thể đã chôn nhiều năm không biết đã sinh ra bao nhiêu vi khuẩn độc trùng, người xưa còn rất thích làm chống phân hủy, bôi trét đủ loại chất thuốc tự chế lên thi thể, còn đổ thêm vào quan tài, gia đình càng có tiền càng thích làm những thứ này, lúc dời mộ phần không muốn bản thân đi nhặt hài cốt của đời trước, đều để đạo sĩ xuống hố. Thời đó không có trang phục kháng khuẩn bao tay kháng độc, đều là tay không nhặt lấy.
Các đạo sĩ đụng phải chất kịch độc trong quan tài hoặc trên thi thể, chết trong hố chôn, người ta sẽ nói: "Ây da, sát khí quá nặng, vị đạo trưởng này pháp lực kém không chống được sát khí, chết trong đó rồi..."
Khóc như chưa từng được khóc!
'Bệnh lâu dài sẽ thành bác sĩ giỏi', những đạo sĩ tổ tiên nhà nàng đã nghĩ ra một bộ phương pháp chữa trị, một trong số đó, chính là tự tăng kháng thể trước -- ngâm thuốc cải thiện thể chất, còn là con đường lấy độc trị độc, hơn nữa với tâm thái chữa khỏi bách bệnh, hận không thể ngâm người thành mình đồng da sắt bách độc bất xâm.
Ngày nay cũng đều hỏa táng rồi, đến thời đại này mấy thứ quan tài và mồ mả đã có đội khảo cổ, chết trong đất hoang thì có cảnh sát và pháp y, xấu nhất, cho dù thật sự cần nàng lên, thì trong hiệu thuốc có găng tay chống khuẩn, 100 đồng là có thể mua được một xấp dày.
Trương Tịch Nhan thật lòng cho rằng không cần phải chịu thống khổ này, nhưng mà ông cố cho rằng đây là bản lĩnh tổ tiên truyền xuống, truyền tới tay ông lão thế nào thì phải được truyền xuống tiếp như vậy, không thể vứt đi.
Nàng không phản kháng được, lại thấy tổ tiên nhà mình đã ngâm nhiều năm như vậy, không chết cũng chẳng tàn, chỉ có thể tràn đầy vô lực tiếp nhận, thuận tiện âm thầm hỏi thăm Liễu Vũ lần thứ n.
Nếu không phải Liễu Vũ tự ý vạch trần thân thế của nàng, còn dùng danh tiếng của ba Trương Trường Thọ của nàng khiến nàng thành một đạo sĩ nổi tiếng, thì bây giờ nàng vẫn đang đi làm ở tòa văn phòng cấp 5A, tuy là công nhân Tài chính, nhưng chưa hẳn là thiếu tiền.
Nàng bị vạch trần thân thế thổi danh tiếng, nhưng không có chân tài thực học, hơi bất cẩn sẽ vướng cái mác "giả danh lừa bịp". Nhà nàng hành nghề này mấy đời, là nghề kiếm ăn của gia tộc, bảng hiệu danh tiếng quan trọng nhất, nếu nàng dám giả danh lừa gạt phá vỡ bảng hiệu nhà mình thì tổ huấn gia tộc sẽ đánh lên đầu nàng.
Nàng cân nhắc hậu quả, thu thập hành lý, kéo rương hành lý, về tổ trạch* quê nhà.
(*) tổ trạch: tổ = tổ tiên, trạch = nhà ở, chỗ ở
Tổ trạch quê nhà được xây giữa sườn núi, khe suối chảy quanh, phong cảnh đẹp vô cùng, là nơi thanh tĩnh cho các Đạo gia xây dựng đạo quán, chỉ có điều không phải xây đạo quán, mà xây theo cụm sân nhỏ cho dòng họ. Tổ tiên nhà nàng không phải quan to hiển quý* gì đó, không xây nổi miếu thờ lâm viên khí khái, kiến trúc phòng ốc chỉ tốt hơn nhà của người miền núi một chút, gạch xanh tường trắng ngói đen, thậm chí không có tầng hai.
(*) hiển quý: người có chức tước cao
Phòng ở kiểu xưa lấy ánh sáng không tốt lắm, hơn nữa trong núi ẩm thấp, trong phòng quanh năm âm u lạnh lẽo. Thỉnh thoảng đến ở ngắn ngày, còn có thể rời xa ồn ào hưởng thụ quang cảnh rừng núi, nhưng ở lâu ngày, rất không chịu nổi. Trương gia thôn cách tổ trạch không xa, đã trở thành thôn trống, thôn dân đã dọn xuống chân núi hoặc vào nội thành.
Tổ trạch quanh năm chỉ có ông cố nội tuổi cao 107 tuổi và bà nội Ba 82 tuổi, cùng với hai vợ chồng anh họ lớn, bây giờ cộng thêm nàng.
Những người khác hoặc an cư trong thành phố, hoặc tu hành ở đạo quan chỗ khác, cũng có người tự mở cửa tiệm làm ăn, mỗi năm về một hai chuyến là tốt rồi.
Hai người già đều đã lớn tuổi, không biết anh họ bị cái gì kích động, suốt ngày nhốt mình trong phòng không ra ngoài cũng không nói chuyện, chị dâu lo liệu sinh hoạt cho một nhà già trẻ. Nhóm anh họ và chị họ của nàng, hoặc là hoàn toàn tách khỏi nghề đạo sĩ, hoặc là thành tài xuống núi, chỉ có nàng là hoàn toàn thoát nghề này sau đó lại nhảy vào cái hố này lại, 24 tuổi mới chính thức vào nghề học tập, vì vậy rất được hai vị lão nhân chăm sóc đặc biệt, nhồi như nhồi thức ăn cho vịt.
Đối với việc này, Trương Tịch Nhan chỉ có thể vui mừng vì trí nhớ của mình tốt, từ nhỏ đến lớn ngài Trương Trường Thọ vẫn luôn để nàng học thuộc các tàng thư điển tịch trong nhà, vì vậy không cần phải học bù lớp văn hóa.
Thường ngày của nàng chính là: Lúc gà gáy thì bị bà nội Ba bộ dạng giống quỷ dọa tỉnh dậy từ trong chăn, ngâm nước thuốc, trước tiên hưởng thụ một trận đau đớn đến sảng khoái của vô số thảo dược và xà trùng con rết trong cái thùng tê cay. Tắm rửa lúc sáng sớm tinh mơ, cho nàng thời gian mười lăm phút để tắm rửa thay đồ. Phải mặc đạo bào Giao lĩnh, áo dài màu xanh nhạt, hông đeo đai lưng màu trắng, phải chỉnh đốn sạch sẽ chỉnh tề, sau đó đến nhà chính dâng hương cho Tam Thanh Tổ sư gia và đạo tổ, tụng một đoạn kinh văn, hoặc làm một đoạn pháp hội thờ cúng thỉnh Thần. Sau đó là ăn sáng, tiếp đến là thời gian tập võ, trên đùi quấn bao cát, eo quấn vòng khoen nặng trĩu, bắt đầu học từ kỹ năng cơ bản nhất, đứng trung bình tấn, bật nhảy, luyện sức lực, tập cho đến giữa trưa. Buổi trưa có hai tiếng nghỉ ngơi, ăn cơm ngủ trưa, hai giờ chiều dậy, đến Tàng thư lâu* đọc sách hai tiếng tiếp thu ông cố phụ đạo giáo dục văn hóa, đến bốn giờ ăn cơm, nghỉ ngơi một tiếng, lại tiếp tục luyện công, đến chạng vạng lúc mặt trăng mặt trời giao nhau thì ngồi thiền, mãi cho đến đêm, lại tiếp tục ngâm thuốc tắm 30 phút, sau đó tự do thu xếp.
(*) Tàng thư lâu: lầu gác lưu trữ văn thư sách vở
Mỗi ngày thức dậy lúc 3 giờ sáng, không internet không ti-vi không máy vi tính, chỉ có đủ loại điển tịch sách cổ, không có bất kỳ hoạt động giải trí nào, chỉ có thể đọc sách rồi rửa mặt đi ngủ sớm chút. Bà nội Ba của nàng ngỏ ý, có thể dẫn nàng ra ngoài giải trí một lát, ban đêm trong núi cũng có rất nhiều thú tiêu khiển vui, nàng xin miễn thứ cho kẻ bất tài -- để cho một đạo sĩ sợ ma đi dạo đêm ở nghĩa trang, ha ha! Nàng đã ngất xỉu được cõng về nhà, một tháng không nói một câu với bà nội Ba.
Xưa nay nàng kiệm lời ít nói, bà nội Ba xem như nàng tính tình trầm lắng không thích nói chuyện.
Trương Tịch Nhan nghĩ, cho nàng một cái điện thoại di động, một đường dây internet, nàng có thể ói cho bà nội Ba cả một quyển sách!
Kiên trì học tập và nghỉ ngơi liên tục ba năm, Trương Tịch Nhan từ 24 tuổi tăng lên 27 tuổi, vẫy tay từ biệt năm tháng tươi non đẹp đẽ, đồng thời nghênh đón kì thi kết thúc khóa học.
Kì thi kết khóa của nàng được tổ chức vào tiết Thanh minh, là thời điểm các trưởng bối (giám khảo) phân tán khắp nơi đều hồi hương tế tổ. Chủ khảo là ông cố nội, giám khảo là các cô, bác và anh chị họ của nàng. Trong cuộc thi kết khóa của nàng, người nhà không hề nhẹ nhàng chút nào, ra tay rất hung ác, cũng may để sớm kết thúc cuộc sống ngồi xổm trong núi này, nàng cũng đã khổ công luyện tập, thuận lợi thông qua kì thi kết khóa, từ nay về sau, nàng có thể xuống núi tự mưu sinh.
Đối với việc này, người nhà tự có sắp xếp.
Ông nội nàng năm nay 83, lần này về tổ trạch quê nhà liền không định xuống núi nữa, dưỡng lão ở quê nhà, ông ta có một căn đạo quán để truyền cho nhóm cha con bọn họ.
Trương Trường Thọ nói với nàng:
- Con đã đủ 18 tuổi, bọn ta không có nghĩa vụ tiếp tục chăm sóc con, từ chối con về nhà ở.
Ông nội nàng mỉm cười, nói:
- Vậy trước hết con ở chỗ của ta, khi nào muốn đi thì đóng cửa khóa lại là được. Mấy thứ đồ linh tinh ta để lại trong đạo quán đó, con xem rồi xử lý đi. Mấy thứ có giá trị từ trong nhà ra ngoài, ta đều cầm về rồi, còn lại đều là đồ chơi lặt vặt để lại cho con, nếu con chướng mắt thì để cho anh Hai (họ) của con xử lý giúp con, còn có thể kiếm khoản tiền sinh hoạt.
Trương Tịch Nhan không tiền tiết kiệm không nhà không xe không việc làm, chỉ có thể kế thừa đạo quán nhỏ của ông nội.
Đạo quán nhỏ thật sự, còn không lớn bằng một cái sân của tổ trạch, có hai lối vào trước và sau, sân trước để cúng bái tổ sư gia, sân sau là khu sinh hoạt, có ba phòng, trong đó một phòng làm nhà bếp, nhà WC và phòng tắm là căn phòng nhỏ được sửa từ ba bốn gian phòng trệt nằm ở góc xó trong sân, để lại lỗ cửa sổ bằng gạch lớn, đóng cửa không bật đèn thì sẽ tối đến nỗi không tìm thấy giấy vệ sinh. Được cái ba nàng có một vị khách hàng coi tiền như rác, Chủ tịch Liễu Sĩ Tắc - ông chủ của công ty Tài chính lúc nàng còn đi làm, đã quyên tiền tu sửa đạo quán từ đầu cho ông nội nàng, đã tốn không ít tiền, ngay cả tượng Tổ sư gia đều được đúc bằng vàng, đồ dùng điện trong nhà cũng được đổi thành đồ hiện đại hóa, rất là cải thiện điều kiện sinh hoạt.
Tiết Thanh minh qua đi, nàng theo vợ chồng Trương Trường Thọ xuống núi.
Nàng mặc đạo bào Giao lĩnh màu xanh nhạt, khoác thêm áo choàng con hạc có họa tiết mây, tóc dài buộc lên, một cây trâm ngọc gài cố định tóc, ăn mặc như vậy hợp với nhà cũ ở tổ trạch, sau khi xuống núi, ngoảnh lại đại khái...
Có một số người không khách sáo cầm điện thoại di động lên chụp hình nàng, còn có người tiến đến hỏi đặt hàng online bộ đồ của nàng ở đâu.
Trương Tịch Nhan rất muốn nói cho cô ta biết, là bản đạo bào do bà nội Ba bộ dạng như quỷ nhà nàng chế tác cải tiến thủ công. Đừng thấy hiện tại bà nội Ba giống quỷ, lúc trẻ vẫn là một đại mỹ nhân, tướng mạo của nàng và bà giống nhau ít nhất bảy phần. Có lẽ bà nội Ba muốn bù lại vẻ xinh đẹp đã bị mất đi ở trên người nàng, cho nên làm không ít đạo bào cho nàng, còn cải tiến thành loại tiên khí phiêu bồng. Nói cho nàng -- mặc mỗi ngày, sau khi xuống núi cũng mặc, còn cảnh cáo nàng, nếu không nghe lời, "coi chừng ta đi tìm con".
Hiệu quả cảnh cáo của bộ dạng như quỷ, bây giờ nhớ lại sau lưng vẫn lạnh toát.
Giữa việc mặc đạo bào tiên khí phiêu bồng và mở mắt ra liền thấy bà nội Ba, nàng chọn đạo bào tiên khí phiêu bồng.
Với đạo phục truyền thống trước mắt, nàng chọn đạo bào đã cải tiến tiên khí phiêu bồng.
Nàng là đạo sĩ tu tại gia, không phải đạo sĩ tu chân xuất gia, không có nhiều thanh quy đạo luật như vậy.
Nàng mới 27, không phải 87, đương nhiên phải xinh đẹp.
Trương Tịch Nhan 'miệng chê nhưng thực tế lại rất muốn' mà mặc đạo bào vào, đi theo phía sau vợ chồng Trương Trường Thọ mặc quần áo ngày thường trở về nhà -- cũng không về nhà, nàng ra sân bay, bị ngài Trương Trường Thọ gọi một chiếc taxi chở cả người lẫn đồ đưa đến đạo quán.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro