Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

01


Tháng bảy, trời Hà Nội nắng như đổ lửa, nắng rơi từ ngọn cây xuống mặt đường nhựa, hầm hập như cái bếp lò của bác thơ rèn đầu ngõ. Trưa hôm ấy, Bác nhễ nhại mồ hôi đạp xe từ công trường về vừa đúng lúc bác chủ nhà dắt người thuê mới đến xem phòng. Nhìn người thuê trọ mới cậu tặc lưỡi, chẳng biết anh ta có ở được cái xóm trọ nghèo nàn này nổi hai tuần không. Ấy vậy mà anh hàng xóm cũng trụ lại được hơn hai tháng có lẻ.

Nghe thằng bạn cùng phòng kể, anh hàng xóm ra trường lâu rồi mà chưa kiếm được việc làm, hiện đang làm pha chế rượu gì đó ở quán bar bên Phố Cổ. Thật ra cậu không có thói quen quan tâm hay tọc mạch vào chuyện của người khác đâu, nhưng các cô các bác trong xóm, lại thêm cả đứa bạn cùng phòng hay tám chuyện về anh hàng xóm nên nghe nhiều thành quen. Đến mức chẳng cần phải hỏi han làm quen cũng biết người ta tên Chiến, hơn cậu tận sáu tuổi mà nhìn trẻ lắm, mới đầu còn cứ nghĩ bằng tuổi, suýt nữa gọi mày xưng tao.

Anh hàng xóm hay đi làm về khuya, có khi tới gần sáng mới về. Về nhà một cái là khoá cửa ngủ đến nhá nhem tối mới dậy, thành thử chẳng mấy khi gặp nhau. Mà có gặp thì hai người cũng có chào hỏi nhau đàng hoàng bao giờ, chỉ gật nhẹ đầu một cái là xong.

Cho đến đêm hôm ấy, anh hàng xóm say rượu loạng choạng về nhà đúng lúc Bác vừa giải quyết nỗi buồn xong. Tính hỏi han nhưng ngại mình vô duyên nên cậu coi như không nhìn thấy, định bụng vọt nhanh về phòng thì thình lình bị gọi lại.

"Cậu gì ơi!"

Bác khựng lại, chầm chậm quay người hướng về phía anh Chiến, nhỏ giọng đáp lại: "Vâng?"

"Giúp anh đẩy xe máy vào trong nhà được không?"

"À vâng, anh để em."

Nói rồi Bác nhanh nhả đỡ lấy cái xe máy cũ rích của anh Chiến và đẩy vào trong nhà giúp. Vừa đúng lúc anh Chiến bật đèn lên cậu cũng kịp quét mắt nhìn căn phòng.

Một cái tủ bạt hỏng khoá kéo, một cái bàn sờn sơn, một cái phản gỗ. Góc nhà lèo tèo vài ba cái bát úp gọn gàng trên giá, thêm cái bếp lò không biết lần cuối đỏ lửa là khi nào. Xoong nồi ấm chảo gì cũng chẳng thấy, cả căn phòng đáng giá nhất chắc chỉ có mỗi cái xe cub cũ rích, yên xe còn thủng lỗ chỗ.

"Cảm ơn."

Đương tính bảo anh nghỉ ngơi đi mà chưa kịp nói thì anh Chiến đã thả người xuống tấm phản gỗ, hai mắt nhắm nghiền, miệng hơi hé, khe khẽ hít thở đều.

Người gì đâu lạ đời, chưa bao giờ nói chuyện, lại càng không phải quen thân bạn bè gì mà cứ vô tư ngủ vậy à? Nếu là người gian thì có khi hôm nay cái xe máy cà tàng của anh cũng bị bế đi luôn rồi cũng nên. Nghĩ thì nghĩ vậy thôi rồi Bác giúp anh Chiến tắt điện, nhẹ nhàng khép cửa lại, sau đó an tâm quay về ngủ tiếp.

Qua sáng hôm sau, khi trời còn tờ mờ sáng, lúc đi đánh răng qua phòng anh hàng xóm, thấy cửa vẫn đóng kín nên Bác mới ghé vào nhìn qua khe cửa. Chẳng biết vì sao cậu lại tò mò muốn nhìn trộm một cái, nhưng mà vừa mới đẩy nhẹ là cánh cửa lỏng bản lề kẽo kẹt kêu lên vài cái rồi mở toang. Đập vào mắt là cảnh anh hàng xóm mặc mỗi cái quần ngắn đến ngang đùi, nằm dang tay chân hình chữ đại trên tấm phản gỗ.

"Ê, nhìn gì đấy?" - Thằng cùng phòng cũng muốn hóng hớt mà bị Bác ngăn lại.

"Thôi đi đánh răng đi, có gì đâu mà nhìn."

"Vậy vừa nãy ông nhìn cái giề?"

Bác vừa vắt khăn mặt lên vai vừa nhỏ giọng kể: "Hôm qua tao đi vệ sinh xong đúng lúc gặp anh ấy say rượu về, anh ấy nhờ dắt xe máy vào phòng nên hôm nay tao mới nhìn."

Nghe Bác kể vậy Sơn mới à lên một tiếng, như nhớ ra chuyện gì, cậu ta quay sang nói: "Tao nghe bảo anh ấy làm ấy ấy đấy."

"Làm ấy ấy là làm gì?"

"Thì ấy ấy đấy. Mày nghĩ xem làm ở quán bar quán hát thì chắc chỉ có làm ấy ấy thôi."

Bác nghe xong lập tức phản bác: "Vớ vẩn, anh ấy là đàn ông con trai ai lại làm nghề đó. Với cả hôm trước mày chả kể với tao anh ấy làm pha chế rượu gì đấy cơ mà, sao hôm nay đã thành ấy ấy rồi?"

Bị Bác vặn lại Sơn cũng chỉ biết gãi đầu phân bua: "Ai biết đâu, thì cô Xuân kể tuần trước lúc cô ấy đi làm về ngang qua cửa quán thì nhìn thấy anh ấy với một bà nữa cứ lôi lôi kéo kéo nhau xong là cái bà đấy còn vuốt mặt anh ấy nhìn tình tứ lắm mà."

"Tào lao, thôi nhanh lên còn đi làm, muộn rồi."

Thật hay giả Bác không biết, công việc của người ta mình cũng đâu đánh giá được. Mà cứ cho là thật đi thì cái thời buổi người khôn của khó này, để mà trụ lại được ở đây có khi phải bán mình cho đồng tiền cũng là điều dễ hiểu.

"Mà tao bảo này, mày nghe vậy thì biết vậy thôi, đừng đi kể lung tung lại rách việc."

Sơn nghe Bác nói thế liền tặc lưỡi: "Tao có phải cô Xuân đâu. Mà có khi tao không kể thì cô Xuân cũng đi rêu rao cho cả xóm rồi cũng nên."

Cũng phải, cô Xuân loa phường có cái gì mà cô không kể, khéo giờ cả xóm này Bác là người cuối cùng biết chuyện cũng có khi.

Quả đúng thật, ngay tối hôm ấy đi làm về, ngang qua gánh đậu phụ của chị Tuất để mua hai bìa đậu về rán giòn chấm mắm thì chị ấy nhỏ giọng hỏi Bác: "Này, chú biết gì chưa? Cái thằng mới đến ở cạnh phòng chú làm trai bao đấy."

Bác nhíu mày, trả lời lấy lệ: "Vậy ạ?"

"Ừ, cô Xuân vừa kể chị biết đấy, gớm thật."

"Vâng. Chị cho em gửi tiền."

Chị Tuất nhận tiền xong vẫn còn tính nói gì đó mà Bác nhanh chân đi trước nên chị đành tặc lưỡi cho qua.

Đúng là miệng lưỡi thế gian như làn sóng biển, không phải miệng chum miệng vại làm sao mà bịt lại được. Dẫu rằng mới nói chuyện có một lần nhưng từ trước đến giờ Bác nhìn người chưa bao giờ sai, linh cảm của cậu cũng đúng nên cái chuyện mọi người đồn đại ấy Bác không tin. Vì không tin nên cậu cũng chẳng để trong lòng, lần sau mà nói chuyện với anh Chiến nhất định phải đòi trả công dắt xe.

[...]

Bên ngoài trời đổ cơn mưa.

Bác nằm nghiêng người trên chiếc giường cũ, co mình lại trong tấm chăn chiên mỏng manh, dỏng tai nghe tiếng mưa rả rích bên ngoài bậu cửa sổ.

Đêm của mưa buồn rũ rượi. Buồn tới độ mà cái bụng đói réo òng ọc Bác vẫn chẳng buồn nhấc mình dậy để pha một bát mì tôm ăn cho ấm bụng.

Anh hàng xóm đêm nay khéo lại về muộn, mãi tận khi mưa ngừng rơi mới nghe thấy tiếng lách cách mở khoá cửa. Không biết nay có say rượu như bữa nọ không nhỉ? Mà nghĩ lại thì đây nào phải chuyện Bác nên lo, cái đáng lo của cậu là đêm nay mưa, sớm mai cái mái bê tông mới đổ lúc chiều chắc ướt nhẹp, khéo mà phải làm lại cũng nên.

Rồi chợt nghe tiếng ì ạch dắt xe, uỳnh uỵch mấy bận mới ngừng hẳn. Kể ra thì anh hàng xóm cũng gầy gò như cây củi khô đầu xóm bị sét đánh gãy vào mùa mưa rằm thàng bảy năm ngoái. Nhưng cái xe cub cũ rích của anh ấy cũng đâu có nặng nề gì cho cam, chắc là anh tự dắt xe vào nhà được. Bác nghĩ vậy.

Bên cạnh thằng Sơn chợt trở mình, tiếng thở phì phò như con trâu nước của nó lúc trầm lúc bổng, thêm cả cái mồm hay hút thuốc lào hôi rình, he hé mở ra, không ngừng phả hơi vào sau gáy làm Bác rùng mình. Đương tính đẩy nó xa ra thì thình lình nó lại vắt cánh tay ngang mạn sườn cậu.

"Thằng phải gió, ngủ như lợn." - Vừa càu nhàu Bác vừa hất tay nó ra.

Lại phải dậy đi tiểu đêm. Cứ hễ không ngủ được là lại phải đi tiểu bực mình thật đấy. Dù không muốn nhưng đấu tranh mãi Bác lười biếng bò dậy, rón rén mở cửa ra nhà vệ sinh chung ở gần cổng.

Giải quyết xong nỗi buồn đêm mưa mất ngủ, lúc quay lại vừa hay phòng anh hàng xóm lên đèn. Ánh đèn sợi đốt leo heo hắt qua khe cửa sổ gỗ mục, vừa đủ để nhìn thấy bên trong phòng anh Chiến đang thay quần áo.

Thế nào mà Bác lại ngẩn người ra nhìn. Đều là đàn ông đàng ang cả, có cái gì để mà tò mò, vậy mà Bác vẫn đứng chôn chân nhìn qua khe cửa, nhìn cho bằng hết, bằng sạch đến khi anh hàng xóm thay xong quần áo mới thôi. Khác với Bác khi ngủ chỉ mặc độc mỗi cái quần đùi kaki cũ rích, anh Chiến bên trên mặc cái áo ba lỗ mỏng, do giặt đi giặt lại nhiều lần nên cổ bị giãn ra rộng xuống tận hõm ngực. Bên dưới là cái quần đùi kẻ sọc ca rô đơn giản.

Thấy anh lên giường bật quạt rồi nằm xuống, lúc này Bác mới luống cuống nhận ra mình giống như thằng biến thái rình mò người ta giữa đêm. Thẹn quá nên vội vội vàng vàng về phòng, đóng chặt cửa lại mà tim vẫn đập bình bịch trong ngực, còn trong đầu vẫn đang thắc mắc anh hàng xóm ngủ mà không tắt điện ư?

Cả một đêm trằn trọc, sáng hôm sau thằng Sơn phải gọi mãi Bác mới lò dò ngồi dậy trên phản, ngồi đực mặt ra thẫn thờ như người mới mất của, mãi không chịu đi đánh răng rửa mặt làm thằng Sơn phải giục:

"Nhanh lên mà đi đánh răng rửa mặt còn đi làm, ngồi thừ ra đấy nữa."

Nó làu bàu y hệt mẹ Bác ở quê mỗi bận bố quên không tra dầu cho cái quạt em mờ đê cũ.

Áng chừng dăm bảy phút trôi qua Bác mới lật đật mang khăn mặt với bàn chải và kem đánh răng ra bể nước. Chẳng phải lần đầu mất ngủ mà đêm qua khéo là đêm mệt nhất. Cậu mơ vớ mơ vẩn xong lại giật mình tỉnh lại mấy bận. Cứ trằn trọc vậy đến gần sáng mới vào giấc, thành thử giờ đầu óc cứ ong ong khó chịu.

Đúng như Bác nghĩ, đêm qua mưa to nên sáng nay tường ướt, mái bê tông cũng ướt nốt, cả đội phải kéo hết bạt che ra cho ráo. Xong đâu đấy lại nghe anh quản đốc thông báo hôm nay nghỉ, tường ướt quá không làm ăn gì được.

"Thế là mất mẹ nó một công rồi!" - Thằng Sơn khó chịu văng một câu chửi tục, xong lại lục đục đi dọn đồ về.

Ban đầu thằng Sơn rủ hôm nay không nấu cơm nước gì nữa, trưa nay đi làm xuất cơm bụi cho xong chuyện nhưng Bác tiếc tiền, đã bị cắt việc lại còn đi ăn cơm bụi, tiền đâu ra mà nuôi nổi cái mồm ăn núi lở. Nghĩ vậy cậu gạt đi: "Đi chợ mua thức ăn về tao nấu cho, đã bị cắt công còn đòi ăn quán!"

Bị mắng vốn thằng Sơn cũng chả chịu, nó vội trả treo: "Có phải ngày nào cũng đi đâu."

"Biết vậy nhưng thôi để hôm khác. Với cả mày còn tiền không? Tuần trước mẹ mày chả bảo cần tiền đi khám đại tràng còn gì."

"Thì tao hết tiền nhưng mày còn, mày cho tao vay hê hê." - Nhìn nó vừa nói vừa nhăn nhở kìa. Mà cũng phục cái sự lạc quan của nó thật. Được cái dù có phải vét hết tiền cho mẹ đi chữa bệnh, không còn một xu dính túi thì nó vẫn cười như con nghê. Giá mà Bác được một nửa cái sự lạc quan tích cực của nó cũng mừng.

"Tao không cho mày vay, tiền mày vay lần trước còn chưa trả đâu đấy nhá. Vay nữa là tao tính lãi chợ đen."

Nghe vậy thằng Sơn lia láu: "Cái thằng! Lại còn thế nữa. Mày nhắm tính được không?"

"Không cần phải thách, ông đây cắt lãi mày mười giá."

Nói rồi Bác phóng xe đi trước, bỏ lại sau lưng thằng Sơn đứng chống nạnh chửi um sùm.

Lúc về tới xóm trọ đã là mười giờ trưa, đúng giờ nấu cơm nên Bác chỉ dựng xe ở ngay cửa phòng, lấy chìa khoá ra mở cửa, xách cái bếp lò ra giữa sân để tí nhóm lò.

Nhác thấy Bác về cô Xuân hỏi han: "Sao nay lại về trưa à Bác?"

"Nay tường ướt tụi cháu không làm được nên về."

"Vậy hả? Thế có ăn rau muống không cô chia cho ít này. Lúc nãy chú Khang mang sang cho mà nhiều quá cô ăn không hết."

Nói rồi cô Xuân mang cho Bác bó rau muống mới cắt non mơn mởn.

"Đây, hai thằng chắc bó này là đủ. Qua mưa nên rau non lắm."

"Vâng, cháu xin."

Cô Xuân tuy hay ngồi lê đôi mách nhưng được cái có cái gì ngon cũng hay chia cho chòm xóm mỗi người một ít ăn lấy thảo. Nhưng số cô cũng khổ, có mỗi cô con gái thì nghe bảo giờ đang làm ăn tận trong Đắk Lắk. Chồng cô chết đâu cỡ hơn chục năm trước. Còn chú Khang nói ra chắc cô Xuân cũng thấy thẹn, mấy bận rùm beng khắp xóm nên bây giờ chú ít sang với cô hẳn. Thảng đem sang ít rau ít cá, hay giúp cô sửa quạt, sửa điện.

Kể cũng tội, cái tuổi goá bụa về già một mình lủi thủi, gặp được người tốt nhưng bị con cái chú Khang mấy bận đến chửi bới nên cô chú cứ mãi cái cảnh già nhân ngãi non vợ chồng. Chuyện kể ra thì dài lắm, nhưng có lẽ cô Xuân luôn thấy ái ngại về chuyện ấy nên ai khuyên cô nên sống cho mình thì cô cứ gạt đi. Cô hay nửa đùa nửa thật nói không muốn mang tiếng già rồi còn đánh đĩ kiếm chồng, vả lại cô cũng không thèm khát gì nên bóc bánh trả tiền thì được, còn đi thêm bước nữa thì cô xin kiếu.

Nói vậy chứ ai mà chẳng muốn có một người cho mình nương tựa lúc ốm đau hay lúc mắt mờ chân chậm. Nhưng có lẽ trời không thương nên cô chú cũng đành chịu.

Mỗi người ở cái xóm trọ nghèo này đều có nỗi khổ riêng, ai ai cũng có câu chuyện muốn giấu đi riêng mình. Bác vừa nhặt rau vừa ngẩn ngơ nghĩ ngợi xa xăm, không để ý thấy anh hàng xóm đã dậy từ bao giờ.

"Thằng thổ tả, mày về trước để tao cuốc bộ về mệt muốn chết." - Bị thằng Sơn mắng nên Bác ngẩng đầu nhìn về phía nó, phát hiện ra anh hàng xóm lấp ló đằng sau.

Vẫn là cái áo ba lỗ cũ, cái quần kẻ ca rô thay từ đêm hôm qua. Lúc thằng Sơn mắng cậu, anh ấy cũng quay người lại hóng chuyện, tiện vặn vẹo người mấy cái dãn cơ. Nhìn cái cổ áo rộng hoác trượt qua trượt lại, thêm cái quai áo cũng giãn chỉ, xô xệch theo từng cử động của anh. Lấp ló sau lớp áo mỏng manh là cái mạn sườn gầy trơ ra đếm được dăm ba cái xương sườn, trên ngực cũng nhấp nhô con ve chó mà thằng đàn ông nào cũng có.

Ấy vậy mà hai vành tai của Bác thấy nóng rần, khéo mà giờ đỏ lựng lên rồi.

Được cái thằng Sơn nhanh nhả: "Em chào anh Chiến đẹp trai."

Thằng Sơn chẳng bao giờ khen ai đẹp trai trừ nó, ấy vậy mà lần nào nói đến anh hàng xóm là y như rằng nó lại tíu tít khen lấy khen để. Khen mắt đẹp, khen mũi cao, khen nhân trung nam tính. Mà đúng là nó không nói ngoa thật. Bảo sao mà mấy cô gái trong xóm lần nào gặp cũng cúi đầu cười thẹn thùng.

"Hai cậu đã nấu cơm đấy à?"

"Vâng, gần mười giờ rưỡi rồi, anh cũng chuẩn bị nấu đi thôi."

Nghe Bác trả lời xong anh ấy nửa đùa nửa thật đáp: "Có cho anh gửi ké ít gạo nấu cơm chung, anh lười lắm."

"Ô, thế thì anh cứ sang đây ăn chung với hai thằng em, thêm bát thêm đũa chứ đâu mà." - Vẫn là cái mồm thằng Sơn nhanh nhảu, nó thì hay rồi, cơm nấu thì lúc nhão lúc khô, rau muống luộc xong thâm sì, kho cá cá cháy, rán thịt thịt khét mà bày đặt thêm bát với chả thêm đũa.

"Đùa vậy thôi chứ tí nữa anh chạy ù ra ăn cơm bụi là xong bữa ấy mà."

"Không đâu, nay cô Xuân cho bó rau to lắm, em cũng mua nhiều đồ ăn, hay trưa nay anh sang ăn chung với tụi em."

"Vậy thì anh không làm khách nữa đâu."

Nói rồi anh hàng xóm nhìn Bác cười tươi rói, đôi mắt phượng cong cong, khoé miệng kéo căng lộ ra hàm răng đều như hạt bắp.

"Anh đi tắm cái được không? Đêm qua về muộn quá không tắm kịp."

"Vâng, anh đi đi."

Thấy anh hàng xóm xoay người vào trong nhà một lúc, khi ra ngoài cắp theo cái chậu nhôm, bên thành chậu vắt vẻo cái khăn mặt. Đi được vài bước lại thấy anh ấy quay trở lại phòng, cúi xuống với lấy gì đó ở cạnh cửa. Hai chân dài hơi khuỵu xuống, cái quần ca rô vốn đã hơi ngắn lại bị kéo căng lên bởi cặp mông căng tròn. Lấy được hộp xà phòng xong, anh quay lại giơ lên và nói với Bác: "Anh quên hộp xà phòng."

Đặng nói xong anh đi thẳng ra nhà tắm chung, để lại Bác nghệt mặt ra với chảo cá rán đang nổ lép bép.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro