BA NGUOI BAN - ......(TIEP)
Căn lều tỏa sáng từ bên trong của những người thợ trông như một quê hương nhỏ ấm
- Cậu bảo thứ ba tới chiếc Cadilac đã xong chưa? Tôi hỏi.
- Có thể, Koester đáp. Sao kia?
- Ồ, hỏi vậy thôi...
Chúng tôi đứng lên đi về nhà. - Hôm nay mình hơi điên điên sao ấy, Otto ạ, tôi nói.
- Ai cũng có lúc vậy cả. Ngủ ngon nhé, Robby.
- Cả cậu nữa, Otto!
Tôi thức ngồi trong phòng mình lát nữa. Gian buồng nhỏ bỗng chốc không còn vừa
mắt tôi chút nào. Chùm đèn quái dị, ánh sáng quá chói, những chiếc ghế bành tơi tả, lớp
vải sơn trên trần tầm thường đến thảm hại, bồn rửa mặt, cái giường bên trên treo bức tranh
vẽ trận Oateclo... Quả thật không thể dẫn về đây một con người đứng đắn, tôi nghĩ. Một
phụ nữ càng không thể. May lắm là một ả điếm từ tiệm Quốc Tế.
III Erich Maria Remarque 37 BA NGƯỜI BẠN Sáng thứ ba, chúng tôi ngồi trong sân trước xưởng ăn điểm tâm. Chiếc Cadilac đã sửa xong. Lenz cầm trong tay một tờ giấy và nhìn chúng tôi vẻ hí hửng. Là trùm quảng cáo của chúng tôi, Lenz vừa đọc cho Koester và tôi nghe một lời rao hàng mà cậu ta mới thảo ra để bán chiếc xe. Lời rao mở đầu bằng câu: “Kỳ nghỉ bên bờ biển phương Nam trong một chiếc xe lộng lẫy”. Một thứ hổ lốn nửa thi ca nửa tụng ca. Koester và tôi lặng im một lát. Chúng tôi còn phải tĩnh trí lại sau cái cơn lũ tưởng tượng đầy hoa mỹ ấy. Lenz ngỡ đâu chúng tôi đã bị chinh phục. “Đầy thi hứng hả?”, cậu ta hãnh diện hỏi, “Vào thời đại thực dụng phải biết tỏ ra lãng mạn, đó là mánh khóe. Những sự trái ngược thu hút nhau mà lại”. - Nhưng không phải vào lúc làm tiền. Tôi đáp. - Không ai mua xe hơi để đầu tư, chú em hiểu chưa? - Gotfrit lên lớp vẻ bài bác - Người ta mua chúng để mà tiêu tiền; và chính đây là điểm khởi đầu của chủ nghĩa lãng mạn, chí ít thì cũng dưới con mắt một nhà kinh doanh. Còn đối với phần lớn thiên hạ, thì đó thậm chí là điểm kết thúc của họ. Cậu nghĩ sao, Otto? - Cậu biết không... - Koester thận trọng mở đầu. - Dài lời mà làm gì - Tôi ngắt lời Otto - Đó là bài quảng cáo cho một khu nghỉ hoặc một loại kem trang điểm, nhưng không phải cho xe hơi. Lenz chực mở miệng. - Thong thả đã nào - Tôi tiếp - Hẳn cậu phải cho rằng tụi mình là định kiến, Gotfrit ạ. Vì thế mình đề nghị cậu: chúng ta hãy hỏi thử Jupp. Đó là tiếng nói của nhân dân. Jupp là người làm công độc nhất của chúng tôi, một thiếu niên mười lăm tuổi, vừa giúp việc vừa học nghề ở xưởng. Chú đảm nhiệm máy bơm xăng, sửa soạn bữa điểm tâm và dọn dẹp buổi chiều. Chú có vóc người nhỏ nhắn, gương mặt đầy tàn nhang, và đôi tai vểnh nhất mà tôi từng biết. Koester nói rằng ngộ Jupp có rơi khỏi máy bay thì cũng chẳng việc gì. Với đôi tai ấy chú sẽ hạ xuống đất êm ru. Erich Maria Remarque 38 BA NGƯỜI BẠN Chúng tôi gọi chú lại gần, Lenz đọc chú nghe bài quảng cáo. - Mày sẽ quan tâm đến một chiếc xe như vậy chứ, Jupp? Koester hỏi. - Một chiếc xe ư? Jupp hỏi lại. Tôi cười. - Tất nhiên là một chiếc xe. Gotfrit càu nhàu. - Dễ mày tưởng một con cào cào chắc? - Nó có trục cam điều khiển từ trên, và phanh thủy lực không đã? Jupp vẫn thản nhiên hỏi. - Ngu như bò, nó chính là chiếc Cadilac của bọn tao. Lenz gầm lên. - Vô lý. Jupp cười, miệng ngoác đến tận mang tai. - Thấy chưa, Gotfrit! Koester nói - Chủ nghĩa lãng mạn thời nay là thế đấy. - Xéo về cái máy bơm của mày đi, Jupp, thứ con đẻ chết tiệt của thế kỷ hai mươi. Lenz bất mãn biến vào cái văn phòng khổ để thêm vào bài quảng cáo chút nội dung kỹ thuật mà vẫn giữ được nguyên vẹn thi tứ của nó. *** Vài phút sau, chánh thanh tra Bardich đột ngột xuất hiện ở cổng sân. Chúng tôi tiếp đón ông đặc biệt trân trọng. Ông là kỹ sư và giám định viên của công ty bảo hiểm xe hơi “Phượng Hoàng”, một nhân vật quan trọng có thể đưa lại cho chúng tôi nhiều mối sửa xe. Chúng tôi hết sức ăn ý với ông. Là kỹ sư, ông sắc sảo như quỷ Sa tăng, không để lọt một chút gì thật đấy, nhưng là chuyên gia sưu tầm bươm bướm thì ông lại mềm như bún. Ông có một bộ sưu tập lớn, và lần nọ chúng tôi đem tặng ông một con bướm to bự lạc vào xưởng chúng tôi hồi đêm. Bardich tái mặt đi và trịnh trọng hẳn lên khi chúng tôi trao con bướm cho ông. Đó là con bướm Đầu Lâu, một loài cực hiếm mà bộ sưu tập của ông còn thiếu. Ông không bao giờ quên ơn chúng tôi, và kể từ đấy, hễ ở đâu có xe hỏng ông lại mách chúng tôi. Để bù lại, gặp con bướm nào chúng tôi cũng bắt đem nộp ông. - Làm một ly vermut nhé, ông Bardich? Lenz mời, đã tươi tỉnh trở lại. Erich Maria Remarque 39 BA NGƯỜI BẠN - Không uống rượu chừng nào chưa tối. Bardich đáp. Đó là nguyên tắc triệt để của tôi. - Cũng phải phá vỡ những nguyên tắc, nếu không chúng ta đâu đưa lại niềm vui. Gotfrit miệng nói tay rót rượu ra ly. Chúc cho tương lai của loài bướm đêm xám đỏ, loài bướm ngày óng ánh xà cừ và loài bướm sắc đuôi công! Bardich do dự giây lát. - Anh đã có lòng với tôi như vậy, tôi đâu thể từ chối. Ông nói và cầm ly rượu. - Nhưng rồi ta sẽ cụng ly mừng những con bướm nhỏ xinh nữa. Ông mỉm cười ngượng nghịu tuồng như ông hé ra ít nhiều ngụ ý về một người đàn bà, cốt để mua vui. - Tôi vừa phát hiện được một loài bướm mới. Với những chiếc vòi lông. - Trời đất! Lenz thốt lên. - Hết lòng bái phục ông. Vậy ra ông là một nhà tiên phong, và tên tuổi của ông sẽ đi vào lịch sử tự nhiên! Cả bọn cạn một ly nữa, mừng những chiếc vòi lông. Bardich quệt ria mép. - Tôi mang tin mừng lại cho các anh. Các anh có thể lấy chiếc xe ford về. Ban giám đốc đã chấp thuận để các anh sửa. - Tuyệt. Koester nói. - Nó sẽ có ích cho chúng tôi. Còn phần dự trù mà chúng tôi đã nêu thì sao? - Cũng chấp thuận. - Không bớt? Bardich nháy mắt. - Thoạt đầu mấy ông còn chưa chịu. Nhưng rốt cuộc... - Một ly đầy mừng công ty bảo hiểm “Phượng Hoàng”! Lenz nói và lại rót rượu. Bardich đứng lên cáo từ. - Các anh hình dung được không, ông nói khi đã cất bước, cái bà ngồi trong chiếc Ford thế mà đã chết cách đây mấy ngày. Bà ta chỉ bị cứa rách da thịt. Hình như đã mất quá nhiều máu. - Bà ta bao nhiêu tuổi? Koester hỏi. - Ba mươi tư. Bardich đáp. - Có mang bốn tháng. Bảo hiểm hai vạn mác. *** Erich Maria Remarque 40 BA NGƯỜI BẠN Chúng tôi lập tức phóng đi lấy chiếc xe về. Chủ nhân là một chủ hiệu bánh. Đêm nọ, ngà ngà say, lão đã lái xe đâm sầm vào một bức tường. Chị vợ lão bị trọng thương, còn bản thân lão bị xây xước qua gọi là. Trong lúc móc chiếc xe để kéo đi, chúng tôi gặp lão trong ga ra. Lão lặng lẽ quan sát chúng tôi hồi lâu, co ro với tấm lưng mập ú và cái cổ ngắn, đầu hơi chúi về phía trước. Với sắc mặt bệnh tật, mai mái như tất thảy các thợ làm bánh, trong bóng tối mờ mờ trông lão chẳng khác gì một con sâu bột kếch xù, ủ ê. Lão chậm chạp tiến lại gần chúng tôi. - Bao giờ thì xe sửa xong? Lão hỏi. - Quãng ba tuần. Koester đáp. Lão trỏ vào mui xe. - Kể cả cái này phải không? - Sao kia? Koester hỏi. - Nó vẫn còn nguyên vẹn mà. Lão chủ hiệu bánh phác một cử chỉ nóng nảy. - Tất nhiên rồi. Nhưng tiện thể thêm một cái mui mới vẫn hơn chứ. Đây quả là một món khá bở cho các anh mà. Chúng mình thông cảm lẫn nhau, hả? - Không được. Koester đáp. Cậu ta biết tỏng bụng dạ lão già. Lão muốn ăn không một cái mui xe mới mà lẽ ra hãng bảo hiểm không phải chịu bằng cách nhập nhằng vào khoản sửa xe. Hai bên cãi vã một hồi. Lão già dọa hủy bỏ hợp đồng, dọa nhờ một xưởng xe biết điều hơn tính lại giá thành. Rốt cuộc, Koester đành nhượng bộ. Giá như chúng tôi không cần việc làm thì đời nào cậu ta chịu. - Thấy chưa, sao không bằng lòng ngay cho rồi. Lão chủ hiệu bánh nói với nụ cười nhếch mép. - Mấy ngày tới tôi sẽ đến để lựa chọn chất liệu. Màu be, tôi nghĩ vậy. Những màu dịu ấy. Chúng tôi kéo chiếc xe đi. Ra ngoài rồi, Lenz chỉ vào nệm chiếc xe ford. Trên đó loang lổ những vệt đen lớn. - Máu của bà vợ vừa chết của lão. Lại còn nì nèo cho được một cái mui mới. Màu be. Những màu dịu. Phục thật. Mình tin rằng lão dám vòi số tiền bảo hiểm cho cả hai mạng người lắm. Vợ lão đang có mang mà lại. Erich Maria Remarque 41 BA NGƯỜI BẠN Koester nhún vai. - Có lẽ lão tự nhủ hai chuyện đó chẳng liên quan gì tới nhau. - Dám lắm. Lenz nói. - Thì cũng có những kẻ xem luôn đó là cái may trong cái rủi của họ. Còn bọn mình thì vì thế thiệt béng năm chục mác tiền lời. *** Buổi chiều, tôi viện cớ có việc phải về nhà. Tôi hẹn gặp Patrice Hollmann vào lúc năm giờ, nhưng không hé chút gì ở xưởng. Không phải vì tôi muốn giấu giếm; nhưng tôi bỗng cảm thấy khó lòng tin nổi chuyện ấy. Nàng hẹn gặp tôi tại một tiệm cà phê. Tôi chưa hề đến tiệm này; chỉ biết đó là một tiệm nhỏ và lịch sự. Hoàn toàn mù mịt, tôi tới nơi hẹn. Nhưng vừa bước chân vào, tôi đã hoảng hốt giật lùi. Căn phòng rặt bọn đàn bà mồm mép liến thoắng. Tôi đã sa vào một tiệm bánh ngọt điển hình dành cho các bà. Phải gắng lắm tôi mới chộp nổi một bàn vừa được bỏ trống. Tôi khó chịu nhìn quanh. Ngoài tôi ra, trong tiệm chỉ có hai người đàn ông, cả hai trông đều dễ ghét. - Cà phê, trà hay socola? Gã bồi vừa hỏi vừa dùng khăn phủi vô số vụn bánh trên mặt bàn vào quần áo tôi. - Cho một ly cô nhắc lớn. Tôi đáp. Gã ta mang ly rượu lại. Nhưng đồng thời gã kéo theo một nhóm khách quen đang tìm chỗ, cầm đầu là một bà hộ pháp đã đứng tuổi đội mũ lông đà điểu. - Bốn chỗ, xin mời! Gã nói, tay chỉ vào bàn tôi ngồi. - Khoan. Tôi đáp - Bàn này không trống. Tôi chờ một người mà. - Không được đâu, thưa ông. Gã bồi nói - Vào giờ này không có chỗ nào được dành trước cả. Tôi nhìn gã. Đoạn tôi nhìn cái bà hộ pháp lúc này đã đứng sát bàn, tay nắm chặt thành ghế. Tôi ngó mặt bà và từ bỏ mọi ý định chống cự. Có dùng đến cả đại bác cũng không hòng lay chuyển quyết tâm của con người này, ấy là chiếm cho được bàn của tôi. - Ít nhất anh cũng có thể đem thêm cho tôi một ly cô nhắc chứ? Tôi gắt lão bồi. - Được ạ, thưa ông. Lại một ly lớn ạ? - Phải. Erich Maria Remarque 42 BA NGƯỜI BẠN - Xin có ngay! Gã cúi mình. - Đây là bàn dành cho những sáu người cơ đấy, thưa ông. Gã nói vẻ xin lỗi. Cái bà hộ pháp hình như cũng tham gia vào hội bài rượu. Bà ta nhìn chằm chằm vào ly rượu mạnh của tôi cứ như nó là một con cá ươn không bằng. Để chọc tức bà ta, tôi gọi thêm một ly nữa và giương mắt ngó trả. Bỗng tôi cảm thấy toàn bộ những việc mình sắp làm thật nực cười. Tôi muốn gì ở đây? Và tôi muốn gì ở cô gái? Thậm chí tôi không hề biết liệu mình có nhận nổi mặt nàng giữa đám người hỗn độn và ồn ào này không. Tôi bực mình uống ực một hơi hết ly cô nhắc. - Xin chào! Có ai nói sau lưng tôi. Tôi đứng phắt dậy. Nàng đứng đó, và cười. - Anh bắt đầu kịp thời đấy nhỉ! Tôi đặt chiếc ly mà tôi vẫn cầm trên tay xuống mặt bàn và bỗng nhiên luống cuống. Trông cô gái hoàn toàn khác với hình ảnh tôi lưu giữ trong trí nhớ. Giữa cái đám đàn bà phốp pháp đang nhồm nhoàm bánh ngọt kia, nàng như một nữ kỵ sĩ trẻ trung thanh mảnh, điềm tĩnh, tự tin đến rạng rỡ và xa vời. “Giữa nàng và ta không bao giờ nên chuyện gì được”, tôi tự nhủ và hỏi nàng: - Cô vào lối nào mà như ma hiện vậy? Nãy giờ tôi không rời mắt khỏi cửa mà. Nàng chỉ tay sang phải. - Ở đằng kia có một lối vào. Nhưng tôi đến muộn, anh có chờ lâu không? - Lâu gì đâu. Hai ba phút là cùng. Tôi cũng vừa đến tức thì. Đám các bà ngồi cùng bàn lặng hẳn đi. Tôi cảm thấy sau gáy ánh mắt khinh thị của bốn bà mẹ khôn ngoan. - Chúng ta định ngồi lại đây chăng? Tôi hỏi. Cô gái lướt mắt nhìn quanh chiếc bàn. Nàng khẽ nhếch miệng, nàng tinh nghịch nhìn tôi. - Tôi e rằng ở tiệm cà phê nào cũng thế cả thôi. Erich Maria Remarque 43 BA NGƯỜI BẠN Tôi lắc đầu. - Miễn vắng hơn. Tiệm này là cái tổ quỷ, ngồi đây đâm mặc cảm đầy người. Tốt nhất là chúng ta hãy tới một quán rượu. - Quán rượu ấy à? Có những quán rượu mở cửa giữa ban ngày, ban mặt sao? - Tôi biết có một quán. Tôi nói - Tất nhiên ở đấy rất yên tĩnh. Nếu như cô muốn... - Ừ thì, cũng có lúc... Tôi ngước nhìn. Trong khoảnh khắc tôi không hiểu nổi ý nàng. Tôi chẳng hề phản đối sự mai mỉa, với điều kiện nó không chĩa vào tôi; nhưng lương tâm tôi áy náy. - Nào ta đi. Nàng nói. Tôi vẫy gã bồi. - Ba ly lớn cô nhắc. Gã trai bất hạnh gầm gừ với cái giọng như thể gã muốn thanh toán một khách hàng ở dưới mồ. - Ba mác ba mươi xu. Cô gái quay lại. - Ba ly cô nhắc trong ba phút sao? Một tốc độ mới tuyệt chứ! - Trong đó có hai ly từ hôm qua kia. - Rõ đồ dối trá. Bà người hộ pháp ngồi bên bàn rít lên sau lưng tôi. Bà nín lặng như thế là quá lắm rồi. Tôi quay lại, cúi mình. - Chúc một lễ giáng sinh vui vẻ, thưa các quý bà! Rồi nhanh chóng bỏ đi. - Anh vừa cãi nhau với họ đấy à? Cô gái hỏi khi chúng tôi ra đến ngoài đường. - Chẳng có gì đặc biệt. Tôi chỉ không được lòng các bà nội trợ trong các gia đình nề nếp. - Tôi cũng vậy. Nàng đáp. Tôi nhìn nàng. Với tôi, nàng như xuất hiện từ một thế giới khác. Tôi tuyệt đối không hình dung nổi nàng là ai và sống ra sao. Quán rượu là mảnh đất vững chắc của tôi. Fret, gã bồi rượu đứng sau quầy và đang lau chùi những chiếc ly lớn dành cho cô nhắc khi chúng tôi bước vào. Gã chào tôi như thể Erich Maria Remarque 44 BA NGƯỜI BẠN trông thấy tôi lần này là lần đầu. Như thể trước đây mới hai hôm chẳng phải chính gã đã dìu tôi về nhà. Gã từng trải nhiều, rất lịch lãm và đầy kinh nghiệm. Quán rượu gần như trống trơn trừ một bàn. Hầu như bao giờ cũng vậy, Valentin Hauder ngồi đó. Tôi biết anh từ thời chiến tranh; chúng tôi ở cùng đại đội. Một lần, anh đã băng qua hàng rào trọng pháo mang lên tuyến trước cho tôi một phong thư mà anh tưởng của mẹ tôi gửi. Anh biết tôi mong tin mẹ và bà vừa mổ xong. Nhưng anh đã lầm... đó chỉ là tờ quảng cáo mũ bảo vệ bằng vải gai. Trên đường trở lại, anh bị một viên đạn găm vào đùi. Sau chiến tranh ít lâu, Valentin được thừa hưởng một gia tài. Kể từ đó anh dốc nó vào rượu. Anh khẳng định phải uống mừng vì đã may mắn sống sót. Dẫu đã bao năm trôi qua cũng thế thôi. Anh lý giải rằng con người ta uống không biết thế nào là đủ để mừng cho đáng cái vận may ấy. Anh là một trong những người đeo đẳng một ký ức ghê sợ về chiến tranh. Chúng tôi, những kẻ khác, đã quên nhiều điều, nhưng anh thì anh nhớ như in từng ngày từng giờ. Tôi thấy anh đã nốc khá nhiều rượu. Anh ngồi rũ gục và đờ đẫn trong cái xó của anh. Tôi giơ tay lên. - Chào cậu, Valentin! Anh ngước nhìn và gật đầu. - Chào cậu, Robby! Chúng tôi ngồi vào một góc. Gã bồi rượu đến bên. - Cô muốn dùng gì? tôi hỏi cô gái. - Có lẽ một ly Martini. Nàng đáp - Một ly Martini chua. - Về khoản này thì Fret rất nghệ. Fret cho phép mình mỉm một nụ cười. - Cho tôi như thường lệ, tôi nói. Trong tiệm mát mẻ, mờ mờ tối. Nồng nặc mùi rượu gin và cô nhắc bị tràn ra. Hương thơm thoang thoảng như hương đỗ tùng và bánh mì. Trên trần treo lủng lẳng một chiếc tàu buồm nhỏ bằng gỗ. Phần tường phía sau quầy ốp đồng. Ánh sáng dịu của một ngọn đèn hắt ra những tia sáng đỏ, như thể đang phản chiếu một ngọn lửa ngầm dưới lòng đất. Trong số trụ đèn nhỏ rèn bằng sắt gắn trên tường chỉ cháy sáng có hai, một chỗ Valentin ngồi, một chỗ chúng tôi. Những cái chụp đèn được làm bằng giấy da thuộc vàng khè cắt ra từ một tấm bản đồ cũ kỹ trông chẳng khác gì những mảnh địa cầu nhỏ xíu tỏa sáng. Erich Maria Remarque 45 BA NGƯỜI BẠN Tôi hơi bối rối, không biết nên bắt chuyện cách nào. Có thể nói tôi hầu như không quen biết cô gái, và càng nhìn nàng lâu bao nhiêu, tôi càng cảm giác nàng xa lạ với mình bấy nhiêu. Đã lâu lắm rồi tôi không ngồi với ai như thế này; tôi đã mất thói quen ấy. Tôi thạo chuyện trò với cánh đàn ông hơn. Ban nãy ở tiệm cà phê tôi thấy quá ồn ào. Còn lúc này, với tôi thốt nhiên lại quá im ắng. Im ắng tới mức mỗi lời đều hóa ra quan trọng, khiến khó mà nói năng được tự nhiên. Tôi hầu như ao ước được trở lại tiệm cà phê. Fret mang rượu ra. Chúng tôi uống. Rượu rum mạnh và thơm mát, mang hương vị mặt trời. Đây là thứ có thể uống không sợ say. Tôi uống cạn và trao ngay chiếc ly cho Fret. - Cô thích quán này chứ? Tôi hỏi. Cô gái gật đầu. - Thích hơn tiệm bánh ngọt đằng kia chứ? - Tôi căm ghét các tiệm bánh ngọt. Nàng đáp. - Thế tại sao cô lại chọn chính nơi đó làm chỗ hẹn? Tôi sửng sốt hỏi. - Tôi chẳng biết nữa. Nàng bỏ mũ xuống. - Chỉ bởi đầu óc tôi không nảy ra được địa điểm nào khác. - Như vậy việc cô thích nơi đây lại càng hay. Chúng tôi thường lui tới quán này. Tối tối chúng tôi xem đây gần như là nhà mình. Nàng cười. - Điều đó không thực sự đáng buồn sao? - Không. Tôi nói. - Nó thích hợp với thời buổi này. Fret mang cho tôi ly thứ hai. Gã đặt thêm một chai Havana màu xanh lá cây lên bàn. - Của ông Hauder gửi anh. Từ cái xó của anh, Valentin vẫy sang và nâng ly. - 31 tháng bảy năm 17, Robby! Anh gọi, giọng nặng nề. Tôi gật đầu với anh và cũng nâng ly. Erich Maria Remarque 46 BA NGƯỜI BẠN Lúc nào anh cũng phải uống vì cái gì mới xong; tôi từng bắt gặp anh tối tối uống trong một quán dân quê khi mừng vầng trăng, lúc lại mừng một bụi tử đinh hương. Rồi anh nhớ tới cái ngày anh chui ra khỏi hầm trú ẩn, nơi trận chiến diễn ra đặc biệt khốc liệt, và lại tạ ơn số phận đã cho mình sống sót và còn được ngồi đây. - Bạn tôi đấy. Tôi bảo cô gái. - Một đồng đội thời chiến tranh. Anh ta là người duy nhất tôi biết đã lấy ra từ một tai họa khổng lồ chút may mắn cỏn con. Anh ta không còn biết bắt đầu ra sao với cuộc đời mình... bởi vậy, anh ta sung sướng chỉ vì mình còn sống. Nàng trầm ngâm nhìn tôi. Một tia sáng rọi chếch xuống trán và miệng nàng. - Tôi có thể hiểu được lắm. Tôi ngước nhìn. - Nhưng xin cô chớ hiểu làm gì. Cô còn quá trẻ để hiểu điều đó. Nàng mỉm cười. Một nụ cười nhẹ thoảng qua, chỉ hiện trên khóe mắt. Gương mặt nàng hầu như không thay đổi, nó chỉ sáng lên, sáng từ bên trong. - Quá trẻ ư? Nàng nói. - Đó chỉ là một từ ngữ vậy thôi. Theo tôi con người ta không bao giờ quá trẻ cả. Chỉ luôn luôn quá già. Tôi im lặng một khoảnh khắc. - Để bác lại điều cô nói, có thể viện ra vô số lý lẽ. Sau đó tôi đáp lại và ra hiệu Fret mang thêm chút gì cho tôi. Cô gái mới tự tin và thoải mái làm sao; còn tôi trái lại, cảm thấy mình cứng vụng như thanh gỗ. Tôi những muốn đưa đẩy một cuộc chuyện trò nhẹ nhàng vui nhộn, một cuộc chuyện trò thực sự, để sau đó, như thông thường, khi còn lại một mình, người ta còn nhớ đến nó. Lenz có cái tài đó, nhưng với tôi thì câu chuyện bao giờ cũng xoay ra vụng về, nặng nề. Lenz không phải không có lý khi khẳng định rằng về tài nói chuyện, tôi chỉ đáng đánh đồng với một thằng thư ký bưu điện. May mà Fret biết điều. Thay vì mang cho tôi cái ly bé xíu như cái đê khâu, gã bưng ngay đến một cốc vang rõ lịch sự, đầy phè. Như vậy gã đỡ mất công chạy đi chạy lại, mà người ta không thể biết tôi nốc bao nhiêu. Tôi phải uống; tôi chẳng còn cách nào khác khả dĩ thoát khỏi tình trạng nặng nề trì đọng này. - Cô dùng thêm một ly Martini nữa nhé? Tôi hỏi cô gái. - Anh đang uống gì vậy? - Rum đấy. Erich Maria Remarque 47 BA NGƯỜI BẠN Nàng ngắm ly rượu của tôi. - Anh vừa mới uống thứ đó xong kia mà! - Phải. Tôi đáp. - Tôi nghiện thứ này nhất. Nàng lắc đầu. - Tôi không hình dung nổi là nó lại ngon. - Tôi không hoàn toàn biết nó có ngon hay không nữa. Nàng nhìn tôi. - Thế tại sao anh lại uống? - Rum ấy à? Tôi nói, phấn khởi vì đã vớ được một đề tài khả dĩ tán được ít nhiều. - Rum không liên quan gì lắm đến sự ngon miệng. Nó không đơn giản là một thứ đồ uống... mà đúng hơn là một người bạn. Một người bạn làm vợi đi mọi điều. Thay đổi cả thế gian. Và vì thế mà người ta uống... Tôi đẩy chiếc ly sang bên. - Nhưng để tôi gọi thêm cho cô một ly Martini nữa nhé? - Một ly rum thì hơn. Tôi cũng muốn nếm thử xem sao. - Hay lắm. Tôi đáp. - nhưng đừng uống loại này. Nó quá nặng với những ai mới thử lần đầu. Cho một chai cocktail Barcardi đây. Tôi gọi với sang Fret. Fret mang ly lại. Gã còn bưng ra thêm một bát hạnh nhân muối và bạt cà phê rang. - Để luôn cả đấy cho tôi. Tôi bảo gã. *** Dần dà, câu chuyện trở nên trôi chảy và khéo léo. Nỗi hoài nghi biến mất, những lời lẽ tự tìm đến, và tôi cũng chẳng còn chú ý mình nói gì. Tôi tiếp tục uống, cảm thấy những làn sóng lớn êm ái xô tới trùm lên người, cảm thấy cái giờ khắc trống rỗng của hoàng hôn đang tự lấp đầy bằng những hình ảnh, và các giấc mơ lặng lẽ nối đuôi nhau tái hiện một cách phi thường trên những vùng u ám và hờ hững của sự sống. Những bức tường quán vươn dài ra, và nơi đây bỗng nhiên không còn là quán rượu nữa... mà là một xó xỉnh của thế giới, một góc nương thân, một gian hầm trú ẩn tối mờ bị vây giữa chiến trận hỗn mang muôn đời khốc liệt, trong đó chúng tôi ngồi náu mình và được xô đẩy đến gần nhau một cách khó hiểu xuyên qua bóng tối nhờ nhờ của thời gian. Cô gái thu mình trên ghế, xa lạ và bí ẩn, cứ như từ bờ bên kia của cuộc sống trôi dạt lại. Tôi nghe mình nói, nhưng tuồng như Erich Maria Remarque 48 BA NGƯỜI BẠN không phải tôi mà là một kẻ khác đang nói, có lẽ tôi đã từng mong ước được như gã. Những lời lẽ không còn đúng nữa, chúng biến đổi, xô đẩy nhau vào những lĩnh vực khác nhiều màu sắc hơn là bản thân chúng khi phản ánh lại những biến cố nhỏ nhặt của đời tôi.... tôi biết chúng không còn trung thành với sự thật, rằng chúng trở nên khoác lác và dối trá, nhưng thây kệ... sự thật bi đát và nhạt nhẽo, chỉ tình cảm và ánh phản chiếu những ước mơ mới là cuộc sống. Ánh đèn lấp lánh trong bồn rửa bằng đồng của quán rượu. Thỉnh thoảng Valentin lại nâng ly và lầm bầm một ngày tháng nào đó. Ngoài kia, dòng người và xe cộ cuồn cuộn xuôi ngược trong tiếng còi xe hơi ầm ĩ, tựa tiếng kêu của loài ác điểu. Hễ có ai mở cửa tiệm, phố xá lại chõ vào chỗ chúng tôi mà rít róng. Rít róng như một mụ già độc mồm độc miệng khỏe đố kỵ. Khi tôi tiễn Patrice Hollmann về nhà, trời đã tối. Chậm rãi, tôi quay trở lại. Chợt tôi có cảm giác cô đơn và trống rỗng. Mưa lâm thâm. Tôi dừng chân trước một ô kính nhà hàng. Lúc này tôi nhận ra mình đã uống quá nhiều. Không, tôi không lảo đảo... nhưng dẫu sao tôi vẫn nhận rõ là mình đã trót quá chén. Đột nhiên tôi nóng ran cả người. Tôi cởi cúc áo măng tô, hất mũ ra sau. Mẹ kiếp, một lần nữa tôi lại bị bắt quả tang! Vừa rồi tôi đã lảm nhảm những gì vậy? Tôi không dám ngẫm lại cho chính xác. Mà tôi cũng chẳng còn nhớ tí gì, đó là điều tệ nhất. Một mình nơi đây, trên đường phố lạnh lẽo rầm rầm tiếng xe buýt, dưới con mắt tôi, mọi sự hoàn toàn khác trong cảnh mờ tối nơi tiệm rượu. Tôi thầm rủa mình. Cô gái hẳn có một ấn tượng rõ đẹp về tôi! Chắc chắn nàng đã để ý. Bản thân nàng hầu như có uống gì đâu. Khi chia tay, nàng chẳng nhìn tôi một cách lạ lùng là gì. Chúa ơi! Tôi quay lại, và đụng ngay phải một lão thấp béo. - Rõ thật. Tôi giận dữ nói. - Mở to mắt ra mà nhìn, đồ chổi cùn! Lão béo sủa. Tôi nhìn lão trân trân. - Không mấy khi được thấy người hay sao, hả? Lão tiếp tục sủa nhặng lên. Lão nói trúng ý tôi. - Người thì có - tôi nói - nhưng thùng bia đi tản bộ thì chưa. Lão béo không cần suy nghĩ lấy một giây. Lão dừng ngay lại, phồng mang trợn mắt. Erich Maria Remarque 49 BA NGƯỜI BẠN - Anh biết tôi khuyên anh gì không? Lão rít lên - Đi mà vào sở thú! Những con chuột túi mơ mộng không có gì để tìm kiếm trên đường phố cả. Tôi hiểu mình đụng phải một tay chửi bới có hạng. Dù chán ngán đến đâu cũng phải bảo tồn danh dự thôi. - Xéo đường nào thì xéo, cái ngữ đẻ non thần kinh chập! Tôi nói và giơ cao bàn tay như để ban phước. Lão chẳng thèm đếm xỉa đến lời tôi đe. - Về xịt bê tông vào sọ mày ấy, đồ óc chó khô! Lão chửi. Tôi chửi giả, gọi lão là quân chân bẹt đồi trụy, lão rủa tôi là đồ vẹt Kakadu đang kỳ thay lông; tôi rủa lão quân rửa xác chết thất nghiệp. Đáp lại, trong lòng đã hơi kính nể, lão mệnh danh tôi là đồ đầu bò ung thư. Để kết thúc, tôi tặng lão cái tên nghĩa trang bít tết di động. Gương mặt lão đột nhiên rạng rỡ. - Nghĩa trang bít tết, hay! Lão nói. - Đây chưa biết từ này. Sẽ được ghi vào cẩm nang! Hẹn gặp lại... lão huơ huơ chiếc mũ và chúng tôi chia tay nhau, người nọ phục người kia sát đất. Cuộc đọ tài đã giải nhiệt cho tôi. Nhưng nỗi tức giận vẫn còn. Thậm chí nó càng tăng lên khi tôi tỉnh táo hơn. Tôi cảm giác mình như chiếc khăn tay sũng nước bị vắt kiệt. Nhưng dần dà, tôi không chỉ còn tức giận mình, tôi tức giận với hết thảy, kể cả cô gái. Cô ta chính là nguyên cớ khiến tôi say. Tôi dựng cổ áo lên. Thôi thây kệ, cô ta muốn nghĩ sao thì nghĩ... chí ít cô ta cũng được biết ngay từ đầu là cô ta đánh bạn với hạng người nào. Cầu cho quỷ tha ma bắt cả câu chuyện vừa rồi đi... cái gì đã xảy ra là đã xảy ra, không hòng cứu vãn được. Có lẽ như thế mà lại hay cơ đấy... Tôi trở lại quán rượu và bây giờ mới thật sự nốc đến say bí tỉ. IV Erich Maria Remarque 50 BA NGƯỜI BẠN Tiết trời trở nên ấm và ẩm ướt, mưa tầm tã mấy ngày ròng. Rồi trời quang mây tạnh, bắt đầu hửng nắng. Sáng thứ sáu, bước chân đến xưởng tôi thấy Mathindo Stox đang đứng ngoài sân, chổi cắp dưới nách, bộ mặt hải mã của mụ ra chiều xúc động. - Cậu xem kìa, cậu Lokham, đẹp quá thể! Lần nào cũng cứ như có phép tiên ấy thôi. Tôi đứng sững, bàng hoàng. Cây mận già bên máy bơm xăng qua một đêm đã rộ hoa. Suốt mùa đông, nó đứng đó cong queo và trơ trụi, chúng tôi đã ngoắc lên nó các lốp xe cũ, treo bi đông đựng dầu lên cành cho ráo, nó không được xem là gì khác ngoài một giá treo tiện lợi cho tất tật mọi thứ: từ chiếc giẻ lau cho tới vỏ động cơ... mới trước đây ít ngày, trên cây còn phấp phới đám quần áo vải gai tím than vừa giặt của cả bọn, hôm qua đây thôi còn chưa ai thèm để mắt đến nó... thế mà bây giờ đây, bỗng chốc qua một đêm, nó đã biến đổi như có phép màu, hóa thân thành một đám mây sắc trắng xen hồng, một đám mây hoa bừng sáng, tuồng như một đàn bướm vừa lạc vào cái sân bẩn thỉu của chúng tôi. - Mà ôi chao là thơm, mụ Mathindo say sưa nói, mắt đảo lia lịa, thơm tuyệt... đúng như mùi rum của cậu... - Tôi chẳng ngửi thấy gì cả. Nhưng tôi lập tức hiểu ra. - Thơm mùi cô nhắc dành thết khách hàng thì đúng hơn, tôi quả quyết. Mụ kịch liệt phản đối. - Cậu Lokham, cậu cảm lạnh mất rồi. Chưa chừng cậu cũng bị mọc u thịt trong mũi. Thời nay không mấy ai là không có u cả. Không, mụ Stox già lão này thính như chó săn ấy chứ, cậu cứ tin đi, đúng mùi rum mà... rum lâu năm... - Được rồi, Mathindo... Tôi rót cho mụ ly rượu rum rồi lại bên máy bơm xăng. Jupp ngồi đó. Chú đã có trước mặt một lô nhành hoa mới cắt cắm trong hộp sắt gỉ. - Thế này là nghĩa làm sao? Tôi ngạc nhiên hỏi. Erich Maria Remarque 51 BA NGƯỜI BẠN - Dành cho các bà khách - Jupp giải thích - Bà nào đến đổ xăng tôi đều biếu không một cành. Nhờ thế tôi đã bán được nhiều hơn mọi ngày chín chục lít. Cây này đáng giá ngàn vàng đó cậu Lokham ạ. Giả thử không có nó, khéo xưởng ta đến phải tự tạo ra một cây khác in hệt nó mất thôi. - Mày là một thằng choai giỏi buôn bán đấy! Chú cười ngoác miệng. Ánh nắng xuyên qua, khiến hai tai vểnh của chú trông như những ô cửa sổ nhà thờ màu hồng ngọc. - Tôi từng được chụp ảnh tận hai lần - chú phô - Đứng trước cái cây nhá! - Nghe đây, mày sẽ còn trở thành ngôi sao màn bạc cơ đấy. Tôi nói, rồi đi sang chỗ cái hố, nơi Lenz vừa chui khỏi gầm chiếc Ford. - Robby này - cậu ta nói - mình vừa sực nhớ ra. Tụi mình phải để tâm đến con bé của thằng cha Bindinh mới được. Tôi đăm đăm nhìn cậu ta. - Cậu muốn nói gì kia? - Thì đúng như mình nói đấy. Nhưng cậu nhìn cái gì mà cứ chòng chọc thế? - Mình không nhìn chòng chọc... - Thậm chí mắt còn ngây dại ra. Cô gái tên là gì ấy nhỉ? Pat, nhưng còn họ? - Mình không biết. Tôi đáp. Cậu ta đứng lên. - Cậu mà không biết? Cậu đã ghi địa chỉ của cô ta kia mà. Chính mình trông thấy hẳn hoi. - Mình đánh mất mảnh giấy rồi. - Đánh mất! Cậu ta đưa cả hai tay lên vò mớ tóc rậm vàng rơm. - Mình đã nhọc công với thằng cha Bindinh cả tiếng đồng hồ ở ngoài trời để như thế này đấy hẳn! Đánh mất! Xem nào, không chừng Otto lại có nó ấy chứ. - Otto cũng không biết đâu. Lenz nhìn tôi. - Đồ tài tử vứt đi! Còn tồi tệ hơn thế nữa! Cậu không biết rằng đó là cô Erich Maria Remarque 52 BA NGƯỜI BẠN gái tuyệt vời hay sao? Lạy Chúa! Cậu ta ngước mắt trông trời. - Rốt cuộc bọn mình đã gặp được của báu nhường ấy, thế mà cái đồ bù lông rầu rĩ này lại đánh mất địa chỉ! - Mình hoàn toàn chẳng thấy cô ta có cái gì ghê gớm đến thế. - Vì cậu là một con lừa - Lenz đáp - một thằng mặt nạc không biết chút gì vượt quá trình độ của lũ điếm ở tiệm Quốc Tế. Chính cậu ấy, ông nhạc công dương cầm ạ! Mình nhắc lần nữa cho mà biết: đó là một dịp may, dịp may hiếm có, cái cô thiếu nữ đó! Dĩ nhiên cậu thì biết cái cóc khô gì về chuyện này! Cậu có ngắm kỹ cặp mắt của nàng không nào? Dĩ nhiên không! Cậu chỉ chiêm ngưỡng độc ly rượu của cậu mà thôi. - Câm mõm đi! Tôi ngắt lời Lenz, khi nhắc tới ly rượu, cậu ta đã vô tình khơi sâu vết thương còn há miệng. - Và đôi tay nàng - cậu ta tiếp tục, chẳng thèm đếm xỉa đến tôi - đôi tay thon dài như của một cô em lai da màu, cái này thì Gotfrit khá sành, cậu có thể tin được. Đấng Moses thiêng liêng! Rốt cuộc cậu gặp được một cô gái đáng giá: xinh đẹp, tự nhiên, và đây mới là điểm quan trọng bậc nhất, nàng gây được bầu không khí... - cậu ta ngừng lời... - Cậu có hiểu thế nào là bầu không khí không đã? - Là hơi vẫn bơm vào lốp xe. Tôi gắt gỏng. - Biết ngay mà - cậu ta dài giọng vẻ thương hại và đầy khinh bỉ - hơi, sao không biết! Không khí, hào quang, sự tỏa sáng, ấm áp và bí ẩn... đó là thứ khiến sắc đẹp trở nên có hồn và sống động... nhưng nói mà làm gì... bầu không khí của cậu là hơi rum cơ... - Có câm đi không, tao lại đập vào sọ bây giờ. Tôi gầm gừ. Nhưng Gotfrit vẫn tiếp tục lải nhải và tôi chẳng làm gì cậu ta cả. Cậu ta hoàn toàn không biết những gì đã diễn ra, cũng chẳng ngờ mỗi lời mình nói đều như xát muối vào ruột tôi. Nhất là những lời đả động đến rượu. Tôi đã đào sâu chôn chặt, đã hoàn toàn khuây khỏa; thế mà giờ đây cậu ta lại khơi lên hết. Cậu ta tán tụng cô gái không tiếc lời, và tôi cũng gần như tin mình đã thật sự buột khỏi tay một cái gì đó hết sức đặc biệt, không còn mong thấy lại. *** Erich Maria Remarque 53 BA NGƯỜI BẠN Sáu giờ chiều, tôi đến tiệm cà phê Quốc Tế trong tâm trạng bực bội. Đây là chốn nương thân của tôi; Lenz cũng thừa nhận với tôi như vậy. Khi bước chân vào, tôi ngạc nhiên thấy tiệm có vẻ rộn rã tợn. Trên quầy bày bánh ngọt và những chiếc ga tô to bự, anh chàng Alois chân bẹt đang chạy vào phòng trong với một khay đầy bộ uống cà phê kêu lanh canh. Tôi đứng sững. Cà phê đựng trong bình ư? Hẳn là ở đây phải có một lũ người say bét nhè đang nằm la liệt dưới gầm bàn. Nhưng ông chủ quán giải thích cho tôi. Hôm nay người ta liên hoan chia tay với Lilly, cô bạn gái của Roda ở phòng trong. Tôi vỗ trán. Ừ nhỉ, tôi chả được mời đến dự là gì! Thậm chí tôi còn là người đàn ông độc nhất, như Roda đã nói đầy ngụ ý... vì kể làm gì cái thằng Kiki đồng tính cũng sẽ có mặt. Tôi vội vã quay ra, đi mua một bó hoa, một trái dứa, một cái mõ đồ chơi trẻ con và một thanh sô cô la. Roda chào đón tôi với nụ cười của một mệnh phụ. Ả diện áo dài đen khoét rộng cổ và ngự ở đầu bàn. Những chiếc răng vàng của ả lóe sáng. Tôi hỏi thăm con nhóc của ả, gửi ả cầm về cho con bé chiếc mõ bằng nhựa và thanh sô cô la. Mặt ả sáng rỡ lên. - Anh bao giờ cũng là một con người hào hoa, phong nhã! Roda nói. - Giờ thì lại đây, anh Robby, ngồi giữa hai chúng em đây này. Lilly là bạn thân nhất của Roda. Ả đã qua một thời oanh liệt. Ả từng là nỗi thèm khát không bao giờ đạt được của mỗi ả điếm hạng xoàng: một gái chơi nơi khách sạn. Một gái chơi nơi khách sạn không khi nào đứng đường..., ả ở trong khách sạn và tiếp khách cũng tại đó. Hầu hết các ả điếm không làm được như thế... họ không có đủ váy áo và cũng chẳng đủ tiền để có thể chờ đợi lâu lâu mới có khách chơi. Tuy chỉ hành nghề trong những khách sạn tỉnh lẻ, nhưng suốt từng ấy năm, Lilly đã dành dụm ngót nghét bốn ngàn mác. Bây giờ ả muốn lấy chồng. Gã chồng tương lai của ả là một chủ hiệu nhỏ chuyên nhận bắc các loại ống dẫn. Biết tỏng quá khứ của ả, nhưng gã mặc kệ. Trong tương lai gã có thể yên tâm được; điếm mà lấy chồng lại đáng tin cậy. Các ả nếm đủ mùi đời rồi và đã chán ngấy. Các ả sẽ thủy chung. Lilly sẽ cưới vào ngày thứ hai tới. Hôm nay Roda đãi một tiệc cà phê chia tay cô bạn thân. Các ả sẽ đến đông đủ để ngồi với Lilly lần chót. Sau lễ cưới, ả chẳng thể đặt chân đến chốn này. Erich Maria Remarque 54 BA NGƯỜI BẠN Roda rót cho tôi một tách cà phê. Alois nhón chân đi vào với một chiếc bánh ga tô bự có rắc nho khô, hạnh nhân và vỏ chanh xanh tẩm đường. Roda xắt vào đĩa cho tôi một miếng rõ to. Tôi hiểu mình phải làm gì. Vẻ sành sỏi, tôi nếm một miếng và làm bộ mặt sửng sốt cực độ. - Cha mẹ ơi, thứ này chắc chắn không thể mua được ở tiệm... - Bánh em tự làm đấy, Roda sung sướng khoe. Ả là một tay nấu nướng cừ khôi và rất thích được khen. Đặc biệt món thịt kho và bánh ga tô ả làm thì đố ai bì kịp. Con gái Bohem có khác. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Họ ngồi đó vây quanh bàn, những cô thợ trong vườn nho của Chúa, những kẻ sành người đời nhưng không biết dối lừa, những người lính của tình yêu... Oally, Người Đẹp, mới đây vừa bị đánh cắp mất con chó trắng trên một chuyến xe đêm; Lina, bất chấp cái chân gỗ vẫn tìm được người tình; Fritsi, ả điếm si mê chàng Alois chân bẹt, dẫu rằng nếu muốn, ả đã có thể sở hữu một căn hộ riêng lẫn tay nhân tình vẫn bao ả; Margot với đôi má đỏ hây hây bao giờ cũng lượn lờ trong bộ cánh nàng hầu, nhờ đó chuyên vớ được khách sộp; Marion, cô em trẻ nhất, rạng rỡ và vô tư lự; Kiki, kẻ không được coi là đàn ông, bởi hắn mặc váy đàn bà và tô son điểm phấn; Mimi, con vật tội nghiệp, đi đứng lúc nào cũng khó khăn do cái tuổi bốn mươi lăm và chứng giãn tĩnh mạch; vài cô nàng bán bar và hầu bàn mà tôi không quen; cuối cùng là Mutsen, khách mời danh dự thứ hai, nhỏ thó, xám xịt, và nhăn nheo như một trái táo héo mùa đông, ai cũng tin cậy mụ, mụ là niềm an ủi, là chỗ dựa của những cô gái ăn sương, Mutsen với cái nồi xúc xích đến từ góc phố Nicolai là quán điểm tâm biết bay, là công sở lưu động về đêm, ngoài những chiếc xúc xích Frangfuot con con, mụ còn bán vụng thuốc lá, kẹo cao su và có thể còn bố thí. Tôi biết cần xử sự ra sao. Không một lời đả động tới chuyện làm ăn, không một ám chỉ khiếm nhã vào tối nay... quên đi thành tích tuyệt vời của Roda đã khoác cho ả cái biệt danh “con ngựa sắt”, quên đi những dan díu tình ái của Fritsi với lão buôn gia súc Stefan Grigolait; quên đi những điệu nhảy uốn éo của Kiki xung quanh giỏ bánh muối vào lúc tảng sáng. Cuộc trò chuyện này chỉ có thể làm danh giá cho các bà các cô. - Cô chuẩn bị xong cả rồi chứ, Lilly? Tôi hỏi. Ả gật đầu. - Em đã có sẵn của hồi môn từ lâu rồi. Erich Maria Remarque 55 BA NGƯỜI BẠN - Món hồi môn tuyệt vời - Roda nói - không thiếu từ cái khăn đăng ten trở đi. - Người ta cần khăn đăng ten để làm gì? Tôi hỏi. - Kìa anh Robby! Roda nhìn tôi trách móc khiến tôi vội vã nói rằng nhớ rồi. Những cái khăn đăng ten... rồi chiếc thuyền buồm nhỏ bằng gỗ, dĩ nhiên rồi, chúng là biểu tượng thiêng liêng của hôn nhân, của thiên đường đã mất. Phải, tất cả bọn họ đâu có bản tính đĩ điếm, họ là những kẻ thất cơ lỡ vận do cuộc sống tư sản đưa lại. Mơ ước thầm kín của họ là chiếc giường cưới; chứ đâu phải lối sống trác táng. Nhưng họ không đời nào để lộ ra. Tôi ngồi vào đàn dương cầm. Roda chỉ mong có thế. Cũng như tất thảy các cô gái này, ả yêu âm nhạc. Để chia tay, tôi chơi lại một lần nữa tất cả các bài mà Lilly và các bạn của cô ưa thích. Mở đầu là bài Lời cầu nguyện của nàng trinh nữ . Tuy cái nhan đề không hoàn toàn thích hợp với bối cảnh nhưng đây cũng chỉ là một khúc hát đòi hỏi có kỹ thuật cao, nhiều luyến láy. Tiếp đến Dạ khúc của bầy chim nhỏ, Rán hồng trên đỉnh Anpo, Khi tình yêu chết, Bạc triệu của chú hề , và cuối cùng: Tôi muốn trở lại quê hương, bài ca mà Roda đặc biệt yêu thích. Gái điếm là những kẻ chai sạn nhất, đồng thời cũng đa cảm nhất. Tất thảy các ả đều hát theo. Anh chàng Kiki đồng cô một mình một giọng. Lilly ra về. Ả phải đi đón vị hôn phu của ả. Roda nồng nhiệt ôm hôn bạn. - Tốt đẹp cả nhé, Lilly! Đừng để bị bắt nạt nhé! Lilly đi khỏi với hai tay ôm đầy quà tặng. Có quỷ thần chứng giám, gương mặt ả hoàn toàn đổi khác so với trước đây. Những nét trơ trẽn vốn hằn trên tất thảy những kẻ nào dính dáng đến thói đê tiện của con người giờ đã bị xóa sạch, gương mặt trở nên mềm dịu hơn và thật sự phảng phất một chút gì đó của nàng trinh nữ mới lớn. Chúng tôi ra trước cửa vẫy theo Lilly. Đột nhiên Mimi òa khóc. Chính ả cũng từng có chồng. Trong chiến tranh, chồng ả chết vì lao phổi. Giá như anh tử trận thì ả đã được lĩnh một món tiền tuất nho nhỏ và không phải ra đứng đường. Roda vỗ về lưng ả. - Thôi nào, Mimi, đừng sướt mướt thế nữa! Vào đây, bọn ta làm thêm một ngụm cà phê nữa! Cả đám kéo nhau trở vào cái tiệm Quốc Tế tối tăm chẳng khác gì một bầy gà lên chuồng. Thế nhưng không khí không được như trước nữa. - Để kết thúc, hãy chơi thêm Erich Maria Remarque 56 BA NGƯỜI BẠN một bài nữa đi, anh Robby! Roda nói - Cho chúng em tươi tỉnh lên tí! - Được - tôi đáp - Chúng ta hát bài Hành khúc anh em chiến hữu cũ nhé. Sau đó tôi cũng cáo biệt. Roda còn giúi cho tôi một gói bánh ngọt nữa. Tôi tặng gói bánh cho thằng con của Mutsen lúc ấy vừa bắc xong chảo xúc xích buổi tối ở ngoài phố. Tôi ngầm nghĩ xem nên làm gì bây giờ. Đến quán rượu thì tôi không muốn một chút nào, cũng chẳng thiết vào rạp chiếu phim, hay về xưởng vậy? Tôi phân vân ngó đồng hồ. Tám giờ tối. Lúc này Koester hẳn đã quay về. Có mặt cậu ta Lenz sẽ không thể lải nhải hàng giờ về cô gái nữa. Tôi bèn về xưởng. Trong phòng sáng đèn. Không riêng trong phòng mà khắp sân đều sáng choang. Có một mình Koester ở đấy. - Làm trò gì đấy, Otto? - tôi hỏi - Hay cậu bán được chiếc Cadilac rồi? Koester cười. - Đâu có, Gotfrit nó chỉ rọi đèn một chút cho vui. Cả hai chiếc đèn pha của chiếc Cadilac sáng rực. Chiếc xe được đẩy vào vị trí sao cho luồng đèn xuyên qua cửa sổ chiếu ra sân, xói vào giữa cây mận nở đầy hoa trắng như phấn, trông thật đẹp. Bóng tối ở hai bên trông chẳng khác gì biển đen rì rầm sóng vỗ. - Tuyệt vời - tôi nói - Thế cậu ấy đi đâu rồi? - Đi kiếm chút gì về ăn. - Một ý kiến xuất chúng đấy. Mình cảm thấy người hơi lung liêng. Nhưng có thể chỉ vì đói. Koester gật đầu. - Ăn bao giờ cũng tốt. Đó là nguyên tắc cơ bản của tất thảy các cựu chiến binh. Chiều nay mình cũng làm một việc có chiều lung liêng. Mình đã đăng ký cho chiếc Karl đua đấy. - Thật sao? Tôi hỏi - Đua lần thứ sáu? Cậu ta gật đầu. - Nhưng mẹ kiếp, Otto, toàn những chiếc cự phách cả. Cậu ta lại gật. - Braumuynler trong chiếc xe thể thao thượng hạng. Erich Maria Remarque 57 BA NGƯỜI BẠN Tôi xắn tay áo lên. - Thế thì bắt tay vào việc thôi, Otto, ta sẽ lau dầu kỹ lưỡng cho cái xe thân yêu nhất của cả bọn. - Hẵng khoan! con người lãng mạn cuối cùng vừa về đến nơi bèn kêu lên - Ních no cái bụng đã! Cậu ta giở đồ ăn tối ra... phomat, bánh mì, xúc xích hun khói rắn như đá, và cá trích. Vừa ăn chúng tôi vừa uống bia ướp lạnh. Ba thằng ăn lấy ăn để như cánh thợ đập lúa đói rã vẫn ăn. Rồi cả bọn đến bên chiếc Karl. Hai giờ liền chúng tôi loay hoay với nó, kiểm tra, bôi dầu từng bộ phận một. Sau đó Lenz và tôi lại chén thêm lần nữa. Bây giờ Lenz bật luôn cả đèn chiếc xe ford. Ngẫu nhiên mà một đèn pha của nó vẫn lành lặn sau cú đâm đêm nào. Từ cái khung xe quằn vênh, cái đèn trân trân ngó xéo lên trời. Lenz hài lòng quay người lại. - Thế đấy, Robby, giờ hãy lôi lũ chai ra đây. Bọn ta sẽ uống mừng hội cây trổ hoa. Tôi đặt lên bàn chai cô nhắc, chai gin và hai cái ly. - Thế ly của cậu đâu? Gotfrit hỏi. - Mình không uống. - Cái gì? Tại sao không? - Vì mình đã chán ngấy cái trò nhậu nhẹt khốn kiếp này. Lenz quan sát tôi một lát. Đoạn cậu ta bảo Koester: - Thằng bé của bọn mình quá chén mất rồi, Otto ơi. - Cậu ta không muốn uống thì mặc cậu ta. Lenz rót cho mình một ly đầy. - Ít bữa nay chú chàng có hơi điên điên. - Điên điên thôi đã may. Tôi đáp. Phía sau mái nhà của xí nghiệp đối diện nhô lên vầng trăng to và đỏ ối. Chúng tôi ngồi im hồi lâu. - Nói thử xem, Gotfrit - tôi mở đầu - cậu là một chuyên gia trong tình yêu, đúng chứ? - Chuyên gia thôi ư? Mình là bậc thầy già đời trong tình yêu. Lenz khiêm tốn đáp. Erich Maria Remarque 58 BA NGƯỜI BẠN - Hay lắm. Cụ thể mình muốn biết có thật khi yêu con người ta bao giờ cũng xử sự ngớ ngẩn không. - Sao lại ngớ ngẩn? - À như thể bị say ấy. Lảm nhảm, tán nhăng tán cuội và bịp bợm. Lenz phá lên cười. - Nhưng bé yêu ơi! Toàn bộ trò yêu đương chẳng qua cũng chỉ là trò bịp bợm. Thói bịp bợm do Bà Mẹ Thiên Nhiên sinh ra. Hãy nhìn cái cây mận kia xem! Nó cũng đang bịp bợm đấy. Nó tự tô điểm đẹp hơn bản thân nó. Thật là quái dị nếu tình yêu lại dính dáng đến sự thật. Ơn Chúa, những nhà luân lý chết tiệt dẫu sao cũng chưa trấn áp được hết thảy. Tôi nhỏm dậy. - Cậu cho rằng không thể có tình yêu mà không có chút bịp bợm sao? - Hầu như không bé ạ. - Nhưng dẫu sao một con người vẫn có thể tự biến mình thành lố bịch một cách đáng nguyền rủa. Lenz cười nhăn nhở. - Hãy nhớ lấy một điều, chú em: không, không và không bao giờ ta có thể biến bản thân ta thành lố bịch trước người đàn bà, một khi ta làm chút gì đó vì nàng. Ngay cả trong những vai kịch đóng tồi nhất. Xin cứ làm những gì cậu muốn... trồng cây chuối, ba hoa những điều thậm chí ngu ngốc, phô trương như một con công hoặc nghêu ngao hát trước cửa sổ nhà nàng, chỉ có một điều xin chớ: ấy là chớ thực tế! Chớ nghiêm chỉnh! Tôi trở nên hoạt bát. - Ý kiến cậu thế nào, Otto? Koester cười. - Chắc cũng thế thôi. Cậu ta đứng dậy và mở máy chiếc Karl. Tôi đi lấy chai rum và một cái ly đặt lên bàn. Otto cho xe khởi động. Tiếng máy nổ rất trầm và ấm. Lenz gác cả hai chân lên bậu cửa sổ, mắt trân trân nhìn ra ngoài. Tôi ngồi xuống bên cậu ta. - Đã bao giờ cậu say rượu khi ngồi cùng với một phụ nữ chưa? - Thường xuyên - cậu ta đáp, không hề nhúc nhích. - Rồi sao? Erich Maria Remarque 59 BA NGƯỜI BẠN Cậu ta hiếng mắt nhìn tôi. - Ý cậu muốn hỏi là sau khi mình lỡ thất thố ấy à? Không nhiều lời. Hãy gửi hoa. Không thư từ gì sất. Chỉ có hoa mà thôi. Hoa sẽ phủ kín tất tật. Thậm chí cả những nấm mồ. Tôi nhìn Lenz. Cậu ta không động đậy. Cặp mắt cậu ta lóng lánh phản chiếu ánh sáng trắng bên ngoài. Động cơ ô tô vẫn nổ, khẽ rù rì, tuồng như mặt đất đang rung rung dưới chân chúng tôi. - Giờ đây mình có thể thực sự bình tâm uống tí chút - tôi nói và mở chai rượu. Koester tắt máy, đoạn quay sang Lenz. - Bây giờ trăng đủ sáng để có thể nhìn thấy ly rượu rồi đấy, Gotfrit. Tắt đèn xe đi. Đặc biệt là chiếc Ford. Với cái đèn pha hắt ngược của nợ ấy khiến mình liên tưởng tới chiến tranh. Hay ho gì đâu khi đêm đêm đèn cứ rọi lên trời rình máy bay. Lenz gật đầu. - Nó nhắc mình nhớ tới... chà, thôi mặc! - Cậu ta đứng lên và tắt các ngọn đèn pha. Trăng đã lên lơ lửng khỏi mái xí nghiệp. Mỗi lúc một tỏ. Và lúc này lơ lửng như một chiếc đèn lồng vàng treo trên cành mận. Những cành lá khẽ đung đưa trong gió thoảng. - Quái lạ thật - Lenz nói sau một lát im lặng - cớ sao thiên hạ dựng tượng đài cho đủ mọi loại người... mà không một lần tạc một vầng trăng hay một cái cây đang đâm hoa? *** Tôi về nhà sớm. Khi mở cửa hành lang, tôi nghe có tiếng nhạc. Lại chiếc máy đĩa quay của cái cô thư ký Erna Boenich. Một giọng nữ trong trẻo và khẽ khàng. Rồi dồn dập tiếng vĩ cầm trầm đục, tiếng búng banggio. Và giọng hát lại cất lên, thiết tha êm ái, như ngập tràn hạnh phúc. Tôi lắng tai nghe cho rõ lời. Cái giọng nữ hát lên khe khẽ trong khoang hành lang tối tăm này, giữa chiếc máy khâu của bà Bende và hòm xiểng của gia đình Hasso, nghe sao xúc động lạ lùng. Tôi nhìn chiếc đầu lợn lòi nhồi treo trên cửa bếp. Tôi nghe ả người ở xủng xoảng với đống bát đĩa. “Làm sao em có thể sống thiếu anh...” tiếng hát vẳng lại từ sau cánh cửa cách tôi vài bước chân. Tôi nhún vai, bỏ vào buồng mình. Erich Maria Remarque 60 BA NGƯỜI BẠN Ở phòng bên có tiếng cãi vã giận dữ. Vài phút sau có người gõ cửa, Hasso bước vào. - Tôi có làm phiền anh không? Ông hỏi, vẻ mệt mỏi. - Không phiền gì đâu ạ - tôi nói - Bác uống chút gì nhé? - Tốt hơn là đừng. Tôi ngồi nhờ một lát thôi. Ông đờ đẫn nhìn ra trước mặt. - Anh thế mà sướng - ông nói - anh độc thân. - Ồ, chuyện vớ vẩn - tôi đáp - Lúc nào cũng ngồi thu lu một mình thế này cũng chẳng ra sao... Bác cứ tin tôi đi... Ông ngồi ủ rũ trong chiếc ghế bành. Mắt ông đục lờ trong ánh sáng mờ ảo mà những ngọn đèn ngoài đường kia hắt vào. Đôi vai trễ, gầy guộc... - Tôi đã hình dung cuộc đời hoàn toàn khác - ông nói, sau một lát im lặng. - Chúng ta ai cũng thế cả. Tôi nói. Nửa giờ sau ông lại về phòng bên để giải hòa với vợ. Tôi đưa ông một vài tờ báo và nửa chai Curasao sót lại không biết từ đời thuở nào trên nóc tủ - một thứ rượu ngọt, vị khó chịu, nhưng lại rất tốt cho ông. Thì ông có hiểu quái gì về rượu đâu. Nhẹ nhàng, gần như không tiếng động, ông đi ra, một cái bóng chìm trong bóng tối, tuồng như ông đã tắt ngấm. Tôi đóng cửa lại sau lưng ông. Từ hành lang lại bay vào cái thứ âm nhạc giẻ rách tựa một chiếc khăn lụa màu - tiếng vĩ cầm, tiếng banggio trầm đục “Làm sao em có thể sống thiếu anh...” Tôi ra ngồi bên cửa sổ. Ngoài kia, nghĩa trang đắm mình trong ánh trăng lơ. Những khối vuông sặc sỡ của các đèn quảng cáo nhảy nhót trên những ngọn cây, và những tấm bia đá sáng lấp lánh. Chúng câm lặng, không chút sợ hãi. Xe hơi lao vèo vèo sát chúng, ánh đèn pha quét loang loáng trên những dòng chữ nhòa nhạt bởi phong sương. Tôi ngồi như thế khá lâu, nghĩ tới đủ thứ chuyện. Nhớ cả ngày nào chúng tôi từ mặt trận trở về, trẻ trung, mất lòng tin, như những người thợ mỏ được lôi lên khỏi một đường hầm bị sập. Chúng tôi muốn tuần hành chống lại thói dối trá, thói vị kỷ, lòng tham và sự Erich Maria Remarque 61 BA NGƯỜI BẠN nhẫn tâm, những thứ đã gây nên cái thảm họa mà chúng tôi đã phải trải qua... chúng tôi đã từng tàn ác, từng không có sự tin cậy nào khác ngoài sự tin cậy thằng bạn kề bên mình, và một niềm tin nữa chưa hề biết phản bội: đó là tin vào bầu trời, thuốc lá, cây cỏ, bánh mì và mặt đất..., nhưng chúng tôi đã đạt được gì chứ? Tất cả đều bị sụp đổ, bị ngụy tạo, bị quên lãng. Và kẻ nào không quên nổi, kẻ đó chỉ còn sống trong bất lực, tuyệt vọng, lãnh đạm và rượu mạnh. Cáo chung rồi cái thời đại của những ước mơ trượng phu vĩ đại. Những kẻ siêng năng hể hả. Tham nhũng. Lầm than. *** “Anh thế mà lại sướng, anh độc thân” - Hasso đã nói như vậy. Kể cũng hay thật... kẻ nào độc thân, kẻ đó không sợ bị bỏ rơi. Nhưng thỉnh thoảng tối đến, tòa nhà giả tạo sụp đổ, cuộc sống biến thành một giai điệu nức nở, dai dẳng, một cơn lốc của khát vọng điên cuồng, của thèm muốn, của sầu muộn, và niềm hy vọng được thoát khỏi trạng thái tê liệt vô nghĩa này, thoát khỏi cái điệp khúc vô nghĩa của chiếc đàn Ooc quay muôn thuở này, rồi muốn đến đâu thì đến. Chao, cái nhu cầu ít ỏi được một chút tình người - nó không thể là hai bàn tay và một gương mặt cúi xuống với ta sao? Hay nó cũng chỉ là lừa gạt, từ bỏ và trốn tránh? Còn cái gì khác hơn là sự cô đơn? Tôi đóng cửa sổ lại. Không, không còn gì khác cả. Mảnh đất dưới chân ta đây hẹp quá, không đủ chỗ cho những thứ khác. Nhưng sáng hôm sau tôi ra khỏi nhà từ rất sớm, tôi gõ cửa một hiệu hoa nhỏ trước khi đến xưởng. Tôi chọn một bó hoa hồng và nhờ chủ hiệu gửi đi tức khắc. Tôi có cảm giác kỳ lạ khi thong thả ghi lên tấm thiếp cái địa chỉ: Patrice Hollmann. V Erich Maria Remarque 62 BA NGƯỜI BẠN Koester đã đánh bộ comple tàng của mình đến sở tài chính, cậu ta tính chuyện xin giảm thuế cho chúng tôi. Trong xưởng còn mỗi Lenz và tôi. - Bắt đầu thôi, Gotfrit - tôi nói - Ta sửa sang cho anh chàng Cadilac kềnh càng này đi. Chiều qua bài quảng cáo của chúng tôi đã được rao đăng. Như vậy hôm nay chúng tôi có thể lường đến chuyện tiếp khách hàng... nếu như có ai đó tìm đến. Có nghĩa là phải chuẩn bị cho chiếc xe. Trước tiên chúng tôi láng một lượt nước bóng ra ngoài lớp sơn xe. Chiếc xe bóng lộn lên, trông phải đáng giá trên trăm mác nữa. Rồi chúng tôi tra vào động cơ xe thứ dầu quánh nhất mà mình có. Pittong không còn hoàn hảo nên đã hơi kêu. Nhờ dầu đặc, nhược điểm đó đã được khắc phục, máy nổ êm tuyệt. Chúng tôi cũng phết dầu đặc vào hộp số và bánh visai, sao cho chúng chạy êm ru. Rồi chúng tôi cho xe chạy thử. Gần đấy có một quãng đường cực xấu. Chúng tôi vượt nó với tốc độ mười kilomet giờ. Giàn đồng lách cách. Chúng tôi xì bớt một phần tư hơi ra khỏi các lốp xe, rồi thử lại lần nữa. Đã khá hơn. Chúng tôi lại xì bớt hơi. Bây giờ không còn xóc chút nào. Chúng tôi quay về xưởng, phết mỡ vào chiếc mui xe cọt kẹt, lót thêm vào giữa các khe một ít cao su, đổ nước nóng vào bộ tản nhiệt để máy nổ dễ dàng, và một lần nữa dùng máy thổi bụi xịt dưới gầm xe cho gầm xe cũng sáng bóng lên. Xong xuôi, Gotfrit Lenz giơ hai tay lên trời. - Giờ hãy đến đây, hỡi vị khách hàng được chúc phúc! Hãy đến đây, hỡi chủ nhân ông đáng yêu của những chiếc ví dày cộm! Chúng tôi mong mỏi ngài như chú rể ngóng đợi cô dâu! *** Cô dâu vẫn chưa chịu đến. Thấy vậy, chúng tôi đẩy cái đầu máy kếch xù của lão chủ hiệu bánh lên mặt hố và bắt đầu tháo trục trước. Chúng tôi lặng lẽ làm việc mấy giờ liền, chẳng nói chẳng rằng. Bỗng từ cây xăng vẳng vào tiếng Jupp huýt sáo bài Nghe kìa, có gì Erich Maria Remarque 63 BA NGƯỜI BẠN đi vào... Tôi nhảy lên khỏi miệng hố, nhìn ra cửa sổ. Một lão thấp béo lượn lờ quanh chiếc Cadilac. Dáng vẻ tư sản, khôn ngoan. - Nhìn xem, Gotfrit - tôi thì thào - cô dâu đó chăng? - Chính cựa - mới thoáng nhìn, Lenz đã tuyên bố - Trông cái mặt lão kìa! Chưa gặp ai mà lão đã thủ thế rồi. Nhanh chạy ra tiếp lão đi! Mình ở lại đây làm lính dự bị. Mình sẽ ra ứng cứu nếu cậu không đương đầu nổi với lão. Nhớ các mánh khóe mình đã bầy cho đấy! - Được rồi. Tôi đi ra. Lão đàn ông nhìn tôi với cặp mắt đen thông minh. Tôi tự giới thiệu - Tôi là Lokhamp. - Tôi là Blumenthan. Tự giới thiệu là mánh khóe thứ nhất của Lenz. Cậu ta quả quyết rằng sau đó không khí sẽ lập tức trở nên thân mật hơn. Mánh khóe thứ hai là phải mở đầu hết sức dè dặt và thăm dò khách hàng để có thể bập vào những điểm lợi hại. - Ngài tới để xem chiếc Cadilac phải không ạ, thưa ngài Blumenthan? - Tôi hỏi, Blumenthan gật đầu. - Nó đấy - tôi chỉ chiếc xe. - Tôi thấy rồi. Blumenthan đáp. Tôi liếc nhanh lão ta. Hãy dè chừng! Tôi nghĩ, một tay quỷ quyệt đây. Chúng tôi đi qua sân. Tôi mở cửa xe và cho máy chạy, rồi im lặng để Blumenthan có thời gian xem xét chiếc xe. Thế nào lão chẳng bới ra điểm gì đó để chê bai, khi ấy tôi sẽ lựa lời đối đáp. Nhưng Blumenthan không xem. Lão cũng chẳng chê bai. Lão nín thinh như tôi, và đứng đó ngay đơ tựa như trời trồng. Tôi không còn cách nào khác là phó mặc cho may rủi. Từ tốn, tôi bắt đầu mô tả trình tự chiếc Cadilac, chẳng khác gì bà mẹ phô đứa con của mình, vừa nói tôi vừa thăm dò xem lão có hiểu tí gì về xe cộ không. Nếu lão là tay sành xe hơi, tôi phải kể tỉ mỉ về động cơ và khung xe,... còn nếu lão mù tịt, tôi sẽ huyên thuyên về đủ thứ tiện nghi, phụ tùng. Erich Maria Remarque 64 BA NGƯỜI BẠN Nhưng đến lúc này lão vẫn kín bưng. Lão mặc cho tôi nói kỳ tới khi tôi cảm giác mình chơi vơi như trái bóng bay thì thôi. - Ngài định dùng chiếc xe vào việc gì ạ? Để đi lại trong thành phố hay đi du lịch? - cuối cùng tôi hỏi, xem may ra tìm được một điểm mà vin vào chăng. - Mọi việc. Blumenthan đáp. - Thế ạ! Ngài định lái lấy hay dùng tài xế? - Còn tùy. “Còn tùy”. Lão ném ra những câu trả lời như một con vẹt. Hình như lão là hội viên “Hội những người anh em câm lặng”. Để khiến lão hoạt bát lên, tôi gắng tìm bất kỳ một thứ gì cho lão thử. Thông thường nhờ vậy, các khách hàng sẽ trở nên cởi mở hơn. Chứ cứ đà này, tôi e lão ngủ gật mất. - Chiếc xe đồ sộ thế, nhưng mui lại đóng mở rất dễ dàng - tôi nói - Ngài thử đóng mà xem. Chỉ cần dùng một tay. Nhưng Blumenthan cho rằng không cần thiết. Lão nhìn cũng đủ. Tôi đóng sập các cánh cửa, và lay lay những chiếc tay cầm. - Không lỏng lẻo chút nào. Chắc như bánh lái! Ngài lắc thử xem. Blumenthan chẳng buồn thử. Lão coi đó là lẽ đương nhiên. Thằng cha đúng là quả hạt dẻ chết tiệt khó nhá. Tôi giới thiệu với lão tấm kính xe. - Quay lên quay xuống dễ như bỡn. Để cỡ nào, giữ nguyên cỡ đó. Lão vẫn không nhúc nhích. - Mà lại toàn kính không vỡ cơ đấy ạ. - Tôi tiếp, lòng đã hơi hoang mang - Lợi vô kể! Ở đằng kia, trong xưởng có chiếc xe ford... - tôi thuật lại câu chuyện thương tâm xảy ra với vợ lão chủ hiệu bánh, có thêm mắm thêm muối chút đỉnh, bằng cách làm cho một đứa trẻ nữa cùng lâm nạn. Erich Maria Remarque 65 BA NGƯỜI BẠN Nhưng Blumenthan có cuộc sống nội tâm khép kín như một két bạc. - Xe nào chẳng có kính không vỡ. - Lão ngắt lời tôi - Có gì đặc biệt đâu. - Không loại xe nào được lắp toàn kính không vỡ cả - Tôi đáp, gay gắt nhưng vẫn cố mềm mỏng - Giỏi lắm chỉ tấm kính trước, mà ở đôi loại thôi. Chứ cửa sổ to bên cạnh mà được lắp kính không vỡ thì đào đâu ra. Tôi bóp còi kêu bim bim rồi xoay sang mô tả những tiện nghi bên trong... thùng, đệm ngồi, các túi, bảng đồng hồ điện - Tôi liệt kê tỉ mỉ không thiếu thứ gì, thậm chí còn bật lửa cho Blumenthan châm thuốc và thừa dịp đưa thuốc lá ra mời để lấy lòng lão, nhưng lão từ chối. - Cảm ơn, tôi không hút. - Lão nói và nhìn tôi vẻ chán chường đến nỗi tôi đột nhiên sa vào một mối ngờ vực khủng khiếp: có lẽ lão không hề định tìm đến chúng tôi, có lẽ lão chỉ lạc nẻo tới đây chứ lão chủ tâm mua một cái gì hoàn toàn khác kia: một chiếc máy thùa khuyết hoặc một chiếc radio, và lão chỉ hơi tần ngần dừng bước ở đây trước khi tiếp tục đường lão. - Ta đi thử một vòng chứ, thưa ngài Blumenthan? Cuối cùng, đã rất thối chí, tôi đề nghị. - Đi thử à? Lão hỏi lại, cứ như thể lão vừa nghe tôi rủ ra ga làm một chuyến chu du bằng tàu hỏa không bằng. - Phải, đi thử. Ngài cần thấy tận mắt chiếc xe chạy ra sao chứ. Nó như tấm ván đặt trên mặt đường ray vậy. Và máy cứ thế lôi nó lướt đi, cỗ xe nặng nề thế mà chỉ như một chiếc lông tơ lao vun vút... - Dào ôi, thử thiếc gì... - Lão phẩy tay ra ý khước từ - Những chuyến đi thử có ăn nhằm gì đâu. Bao giờ cũng vậy. Dùng xe ít bữa mới thấy khuyết tật của nó. “Cố nhiên rồi, đồ quỷ già rắn hơn gang”, tôi giận dữ rủa thầm, “dễ thường lão tưởng ta đây sẽ tông tốc khai ra với lão chiếc xe trục trặc chỗ nào chắc?” - Được, thì thôi vậy - Tôi nói, vứt bỏ mọi hy vọng. Rõ ràng là lão chẳng muốn gì cả. Erich Maria Remarque 66 BA NGƯỜI BẠN Nhưng lão đột nhiên xoay người lại, nhìn chăm chăm vào mắt tôi và hỏi khẽ, rất nhanh, giọng cương quyết: - Chiếc xe giá bao nhiêu? - Bảy ngàn mác - tôi bật nhanh như tên bắn, mặt tỉnh khô không động đậy một sợi lông mi. Tôi biết không được để lão già này nhận thấy mình suy nghĩ, dù chỉ trong nháy mắt. Mỗi giây do dự sẽ đi đứt cả ngàn mác, cái ngàn mác mà lão sẽ cò kè đòi bớt giá. - Đúng bảy ngàn - Tôi khẳng định lại, bụng nghĩ: cư xùy ra đây năm ngàn, chiếc xe là của lão. Nhưng Blumenthan chẳng xùy đồng nào. Lão chỉ phì một hơi ngắn: - Đắt quá! - Tất nhiên! Tôi nói, thầm tính chuyện cho đi cái vụ mời chào này. - Tất nhiên nghĩa là thế nào? Blumenthan hỏi, giọng bỗng khá hiền hậu. - Ngài Blumenthan - tôi cắt nghĩa - Ở cái thời buổi này, ngài đã thấy kẻ nào trả lời khác ngài khi nghe nêu lên một cái giá hay chưa? Lão chăm chú nhìn tôi. Có chút gì như ánh cười lướt qua gương mặt lão. - Đúng vậy. Nhưng chiếc xe quả khá đắt. Tôi không dám tin vào tai mình. Rốt cuộc thì nó đây rồi, cái giọng thân mật của lão. Giọng của một kẻ rõ ràng quan tâm đến mặt hàng! Hay đây lại là trò tinh quái khốn kiếp mới của lão? Đúng lúc đó, một công tử bột hào hoa phong nhã đi vào sân. Chàng ta rút trong túi ra một tờ báo, xem lại số nhà một lần nữa, rồi mới tiến lại gần tôi. - Ở đây có bán chiếc xe Cadilac phải không? Tôi gật đầu, há hốc mồm nhìn chiếc can sậy vàng óng và đôi găng tay bằng da thú của anh chàng. - Tôi có thể xem qua được chứ? Chàng công tử bột hỏi tiếp, mặt tỉnh khô. - Chiếc xe đây này - tôi nói - nhưng có lẽ ngài vui lòng chờ cho một lát, tôi đang dở chút việc. Ngài ngồi tạm trong kia được chứ ạ? Erich Maria Remarque 67 BA NGƯỜI BẠN Chàng công tử bột lắng nghe tiếng động cơ rù rì, nét mặt thoạt đầu cau lại vẻ săm soi, sau giãn ra tán thưởng, đoạn theo tôi đi vào xưởng. - Đồ ngốc - tôi gầm gừ với hắn rồi tất tưởi quay lại chỗ Blumenthan. - Nếu ngài dùng chiếc xe một lần rồi, ngài sẽ suy xét đúng nó đắt hay rẻ. - tôi nói - Ngài cứ việc thử nó bao lâu tùy thích. Hay tôi tới nhà đón ngài chạy thử xe vào buổi tối cũng được, nếu như thế tiện cho ngài hơn. Nhưng sự rung động thoảng qua đã bay biến. Blumenthan lại đứng đó như một nhạc trưởng tạc từ đá granit. - Thôi khỏi cần - lão nói - Giờ tôi phải đi. Trường hợp tôi có ý định thử xe, tôi còn có thể gọi điện cho anh mà. Tôi hiểu tạm thời không thể làm gì hơn. Lão là loại người không thuyết phục nổi. - Tốt thôi - tôi nói - Nhưng ngài không muốn cho tôi số điện thoại của ngài sao, để tôi có thể báo tin cho ngài trường hợp có một ai khác quan tâm đến chiếc xe? Blumenthan nhìn tôi một cách kỳ quái. - Người quan tâm chưa hẳn là người mua. Lão móc túi ra một hộp xì gà mời tôi. Đột nhiên lão còn hút thuốc nữa chứ. Thậm chí loại Coronas hẳn hoi... hẳn lão có hàng núi tiền. Nhưng tôi đâu thèm bận tâm tới điều đó nữa. Tôi rút một điếu. - Thế nào? chàng công tử bột Gotfrit Lenz chào đón tôi. - Mình đóng trò được đấy chứ hả? Thấy cậu ngắc mãi mới được một câu mình muốn thử cứu cậu. May mà Otto đã thay bộ đồ ở đây để đến sở Tài chính. Thấy bộ đồ bảnh của cậu ta treo đó... mình bèn phi nước đại vào, đóng bộ rồi nhảy qua cửa sổ và lại hiện diện ở đây trong vai một quý khách đứng đắn! Bợm đấy chứ hả? - Ngu ngốc thì có - tôi đáp - Lão cáo hơn cả hai thằng mình gộp lại! Mở mắt ra mà nhìn điếu xì gà đây này. Một mác rưỡi một điếu chứ đùa đâu. Cậu đã đuổi mất của mình một tay tỷ phú. Gotfrit giật điếu thuốc từ tay tôi, đưa lên mũi hít hít và châm lửa hút. - Mình đã đuổi hộ cậu một thằng cha lừa đảo. Tỷ phú đâu có hút loại xì gà này. Lũ ấy chỉ dám dùng loại đáng giá mỗi điếu một xu. Erich Maria Remarque 68 BA NGƯỜI BẠN - Dớ dẩn, tôi đáp - những kẻ lừa đảo không tự xưng là Blumenthan hoặc đại loại thế. - Lão sẽ trở lại - Lenz nói, tràn trề hy vọng như mọi khi, và phun khói thuốc xì gà của tôi vào mặt tôi. - Lão ấy thì đừng mong - tôi quả quyết - Nhưng cậu lấy đâu ra cây san sậy và đôi găng thế? - Mượn. Ở đằng kia, trong cửa hiệu của Benn và Co. Mình quen một cô em bán hàng ở đó. Có lẽ mình còn mua đứt chiếc can ấy chứ, mình thích nó. - cậu ta mãn nguyện múa cái que bự ấy trong không khí. - Gotfrit này - tôi nói - cậu ru rú ở đây thật uổng. Cậu biết mình khuyên cậu gì không? Hãy tìm đến gánh hát tạp kỹ. Đó mới là sở trường của cậu. *** - Ban nãy có người gọi điện cho ông, Frida, ả hầu mắt lác của bà Zalepski nói với tôi lúc trưa khi tôi nhảy về đến nhà. Tôi quay phắt lại - Lúc nào? - Trước đây nửa giờ. Một bà. - Bà ta nói gì? - Bà ta định gọi lại vào buổi tối. Nhưng tôi đã bảo ngay rằng vô ích thôi. Ông có bao giờ ở nhà buổi tối đâu. Tôi trợn mắt nhìn ả. - Cái gì? Cô đã nói thế hả? Trời đất, phải có kẻ dạy cô cách nói chuyện điện thoại mới xong. - Tôi biết nói chuyện điện thoại - Frida tỉnh rụi đáp - Còn tối tối ông hầu như có bao giờ chịu ở nhà. - Cái đó không quan hệ gì đến cô - tôi rủa - lần sau dễ thường cô còn thóc mách xem bít tất tôi thủng lỗ nào không đấy. - Chứ sao - Frida đáp và ranh mãnh nhìn tôi với cặp mắt toét ba vành sơn son. Chúng là kẻ thù cố hữu của nhau. Erich Maria Remarque 69 BA NGƯỜI BẠN Tôi những muốn dúi ả vào nồi súp của ả, nhưng cố kiềm chế, thọc tay vào túi và tìm đồng một mác ấn vào tay ả, đoạn hỏi vẻ dàn hòa. - Thiếu phụ không xưng danh sao? - Không. Frida nói. - Giọng cô ta thế nào? Hơi trầm đục và dường như khàn một chút có phải không? - Không biết. - Frida lạnh lùng đáp, cứ như tôi chẳng hề ấn vào tay ả đồng một mác. - Cái nhẫn cô đeo ở tay kia xinh quá, quả là mê hồn - tôi nói - còn bây giờ cô thử nghĩ kỹ hộ xem nào, chẳng lẽ cô không nhớ nổi sao? - Không - Frida đáp, một niềm vui hiểm độc ánh lên trên gương mặt ả. - Thế thì treo cổ cô lên, đồ chổi cùn của quỷ. Tôi thét và bỏ mặc ả đứng đó. *** Đúng sáu giờ tối tôi đã có mặt ở nhà. Vừa mở cửa, tôi thấy một cảnh tượng khác thường. Bà Bende, nữ hộ lý chăm sóc trẻ bé, đứng trong hành lang, vây quanh bà là toàn thể các bà các cô sống trong nhà trọ. - Anh lại đây, bà Zalepski gọi. Nguyên nhân của cuộc tụ tập là một đứa bé quãng sáu tháng, được quấn nơ đủ màu. Bà Bende đưa nó từ nhà trẻ của mình về trong một chiếc xe nôi. Đó là một đứa bé hoàn toàn bình thường; thế mà các bà cúi xuống nôi với một vẻ mặt vui sướng đến điên cuồng, làm như nó là đứa trẻ đầu tiên trên thế giới sản sinh ra. Họ lại còn ríu rít trầm trồ, múa các ngón tay trước mặt cái sinh vật bé bỏng ấy và chúm môi dẩu mỏ với nó. Ngay đến Erna Boenich, mình khoác kimono thêu rồng, cũng tham dự vào cuộc truy hoan của tình mẫu tử thuần khiết, lý tưởng này. - Nó chẳng phải là một hình hài tuyệt đẹp sao? bà Zalepski hỏi với cái nhìn đắm đuối. - Phải đợi hai, ba chục năm nữa mới đánh giá đúng được - Tôi đáp, mắt liếc sang máy điện thoại. Mong sao chuông điện thoại không réo lên vào giữa lúc ai nấy đang tụ tập ở đây. Erich Maria Remarque 70 BA NGƯỜI BẠN - Anh thử ngắm nó kỹ hơn xem nào! Bà Hasso ra lệnh. Tôi nhìn. Một đứa bé như mọi đứa trẻ khác. Tôi chẳng khám phá nổi một điểm gì khác thường ở nó. Họa chăng là hai bàn tay bé tí tẹo, và thật kỳ lạ khi nghĩ bản thân mình cũng đã từng nhỏ xíu như thế - Con sâu nhỏ tội nghiệp - tôi nói - nó vẫn chưa hề biết cái gì đang chờ đợi nó. Tôi muốn xem xem nó ra đời để tham dự cuộc chiến nào đây. - Anh Robby - bà Zalepski nói - anh không có chút tình cảm nào sao? - Quá nhiều đằng khác - tôi đáp - nếu không tôi đã chẳng nghĩ như vậy. Đoạn tôi rút về phòng. Mười phút sau chuông điện thoại réo. Nghe gọi tên mình, tôi chạy ra. Thì đã hẳn, cả đám các bà vẫn còn đó! Họ cũng chẳng buồn giải tán khi tôi áp ống nghe vào tai và nghe tiếng Patrice Hollmann cám ơn tôi đã gửi hoa. Trái lại, thằng bé, kẻ có vẻ biết điều nhất đám và đã hán ngấy cái trò khỉ, bỗng khóc ré lên. - Xin lỗi cô - tôi tuyệt vọng nói vào ống máy - tôi không thể nghe rõ lời cô, ở đây có một em bé đang gào; nhưng không phải con tôi đâu. Các bà thi nhau suỵt suỵt như một ổ trăn khổng lồ để dỗ nín thằng cu đang oa oa đó. Các bà đã nhanh chóng thành công, ông lỏi càng gào khỏe hơn. Đến lúc này tôi mới nhận thấy nó quả là một đứa bé phi thường; có lẽ hai lá phổi của nó phải lấn dài xuống tận hai chân, nếu không làm sao lý giải nổi cái tiếng hét váng óc ấy. Tôi ở vào một tình huống khó xử; trong khi phóng tia mắt giận dữ vào đám đàn bà phô diễn tình mẫu tử, miệng tôi lại phải lựa những lời khả ái để nói vào ống máy - tôi là bão bùng giông tố từ đỉnh đầu xuống mũi, và là trời xuân ngập nắng từ mũi xuống cằm - tôi cũng không hiểu được tôi đã làm cách nào mà vẫn hẹn gặp được với nàng vào chiều mai. - Bà nên xây lấy một phòng điện thoại cách âm. Tôi nói với bà Zalepski. Nhưng bà đâu chịu thua. - Để làm gì? - Bà hỏi, mắt lóe sáng - Anh có nhiều chuyện cần giấu giếm thế kia à? Tôi nín lặng, cố dằn lòng. Chớ nên sinh sự với những tình mẹ đang phẫn nộ. Họ có cái luận lý của toàn thế giới. Erich Maria Remarque 71 BA NGƯỜI BẠN Mấy thằng tôi hẹn gặp nhau buổi tối ở nhà Gotfrit. Tôi ăn ở một quán nhỏ, rồi đi đến đấy. Dọc đường tôi ghé vào cửa hàng thời trang nam giới lịch sự nhất mua cho mình một chiếc cà vạt mới rõ bảnh gọi là để mừng cho ngày hôm nay. Tôi vẫn ngạc nhiên vì mọi sự trôi chảy quá và tự thề rằng ngày mai tôi sẽ nghiêm nghị như ông tổng giám đốc của một nhà thầu lễ tang. Phòng của Gotfrit là cả một thắng cảnh. Trong đó treo đầy các kỷ vật mà cậu ta tha về từ Nam Mỹ. Những tấm thảm dừa sặc sỡ trên tường, vài chiếc mặt nạ, một cái đầu lâu khô cong, những cái nồi đất sét kỳ dị, lao phóng, và vật trưng bày chính yếu là bộ sưu tập lớn những tấm ảnh phủ kín cả một bức tường - những cô nàng thổ dân, gái lai đen, những sinh vật xinh đẹp, nâu óng, uyển chuyển, hờ hững và duyên dáng đến kỳ lạ. Ngoài Lenz và Koester còn có cả Braumuynler và Grau. Mặt rám nắng, tóc đỏ như đồng, Theo Braumuynler ngả người trên đi văng ngắm say sưa bộ sưu tập ảnh của Lenz. Anh ta lái xe đua cho một hãng xe hơi và lâu nay kết thân với Koester. Mồng sáu tới anh ta cũng tham dự vào cuộc đua mà Otto đã đăng ký để tham dự với chiếc Karl. Kềnh càng, béo phị, Ferdinan Grau đã khá say ngồi bên bàn. Thấy tôi, anh đưa bàn tay to bè ra kéo tôi lại gần: Robby, anh cất giọng lè nhè, cậu đến làm gì với cái bọn hư hỏng này? Cậu chẳng tìm thấy gì ở đây đâu. Đi đi. Hãy cứu lấy cậu. Với cậu hãy còn kịp! Tôi đưa mắt sang Lenz. Cậu ta nháy mắt với tôi. - Ferdinan đang rủng rỉnh. Đã hai ngày nay cậu ta nốc rượu khóc người tình đã chết. Chả là vừa bán được bức chân dung lấy tiền ngay! Ferdinan là họa sĩ. Nhưng anh đã chết đói từ lâu nếu như không có một cách kiếm ăn riêng. Anh truyền thần ảnh những người quá cố thành những bức chân dung sống động tuyệt vời cho đám thân nhân thương tiếc khôn nguôi của họ. Nhưng thế mà anh sống… thậm chí sống rất phong lưu. Chẳng ma nào mua những bức tranh phong cảnh của anh. Vì thế trong lúc chuyện trò, bao giờ anh cũng đượm vẻ bi quan. - Khách hàng lần này là một lão chủ quán, Robby ạ - anh nói - một lão chủ quán đã làm nộm bà dì có gia tài trong dầu và dấm - anh lắc đầu - Ghê tởm! - Nghe này, Ferdinan - Lenz khuyên - cậu chẳng nên dùng những lời lẽ gay gắt tội đến thế. Cậu đã sống nhờ vào một trong những đức tính cao đẹp nhất của con người, đó là lòng hiếu thảo. Erich Maria Remarque 72 BA NGƯỜI BẠN - Láo toét - Ferdinan nói - mình sống nhờ vào lương tâm tội lỗi mới đúng. Lòng hiếu thảo chẳng khác gì ngoài lương tâm tội lỗi. Chẳng qua là người đời muốn tự bào chữa về tất cả những điều xấu xa họ đã gây nên và đã cầu nguyện cho kẻ quá cố quý hóa lúc sinh thời - anh đưa tay thong thả vuốt mái tóc đỏ rực của mình - Cậu thử nghĩ, không biết bao nhiêu lần lão chủ quán đã cầu cho thần chết tóm lấy cổ bà dì lão... để bù lại, giờ đây lão cho truyền thần bà cụ bằng những màu sắc thanh nhã nhất và treo bức chân dung ngay phía trên đi văng. Lão ưa bà già sống trong tranh hơn. Hiếu thảo! Bao giờ con người cũng chỉ sực nhớ đến những đức tính tốt đẹp hiếm hoi của mình khi đã muộn. Thế rồi hắn xúc động vì lẽ đáng ra hắn đã có thể xử sự hào hiệp biết bao và hắn tự cho mình là có phẩm hạnh. Phẩm hạnh, nhân từ, độ lượng...! Anh phẩy bàn tay to bè mập ú của mình - Người ta chỉ mong tìm thấy các đức tính ấy ở những kẻ khác, để có cơ chôn chúng cùng họ cả thể. Lenz cười ngoạc miệng. - Cậu đang lay các cột trụ của xã hội loài người đấy, Ferdinan! - Những cột trụ của xã hội loài người là tham lam, sợ sệt và sa đọa - Ferdinan đáp - Con người ác độc nhưng lại ưa điều thiện... nếu như kẻ khác mang lại điều thiện - Anh chìa ly của mình cho Lenz - thế, giờ hãy rót rượu cho mình đi và đừng có huyên thuyên suốt tối... cho người khác còn nói chứ. Tôi bước qua đi văng sang chỗ Koester ngồi. Tôi bỗng nảy ra một ý. - Otto, giúp mình một việc được không? Chiều mai mình cần chiếc cadilac. Đang mê mải ngắm nghía ảnh một vũ nữ lai da đen ăn mặc hở hang. Theo Braumuynler ngoảnh sang hỏi: Cậu đã biết cua đường rồi sao? Cho tới nay mình tưởng cậu chỉ biết thẳng tiến nếu có ai đó cầm lái hộ cậu thôi cơ đấy. - Theo ơi, cứ yên trí, tôi đáp, đến cuộc đua mồng sáu tới bọn này sẽ băm nhừ cậu ra. Braumuynler cười sằng sặc. - Thế nào, Otto? Tôi hồi hộp hỏi. - Chiếc xe không được bảo hiểm đâu, Robby. Koester nói. - Mình sẽ bò như sên và bóp còi inh ỏi như xe khách ấy. Chạy dăm cây số trong thành phố thôi mà. Erich Maria Remarque 73 BA NGƯỜI BẠN Otto lim dim cặp mắt chỉ còn bằng hai khe hở nhỏ và mỉm cười. - Được thôi, Robby, mình sẵn lòng. - Dễ thường cậu cần chiếc xe cho đồng bộ với chiếc cà vạt mới của cậu? Lenz đã sấn tới gần, hỏi. - Câm mõm lại, tôi nói và đẩy cậu ta sang bên. Nhưng cậu ta không hề suy chuyển. - Xem cái nào, bé yêu! - cậu ta sờ cái cà vạt lụa - Tuyệt! Thằng bé của tụi ta đóng vai đĩ đực. Dễ thường toan đi kiếm vợ. - Đồ hát rong, hôm nay thì đừng hòng chọc tức được thằng này. Tôi nói. - Kiếm vợ à? Ferdinan ngẩng đầu lên - Mà tội gì cậu ta không đi kiếm vợ chứ? anh quay sang tôi, tươi tỉnh hẳn lên - Xin cứ việc, Robby ơi! Cậu có thớ để làm chuyện đó. Thơ ngây rất cần cho tình yêu, mà cậu thì có nó. Hãy giữ gìn lấy sự thơ ngây. Đó là món quà Chúa ban. Đã đánh mất rồi thì chẳng bao giờ lấy lại được nữa. - Đừng thèm để tâm đến lời hắn - Lenz cười khẩy - Sinh ra ngu không nhục. Chết ngu mới là nhục. - Câm đi, Gotfrit! Loáng cái, bàn tay hộ pháp của Ferdinan đã xua bắn Lenz ra. - Việc gì đến cậu, đồ lãng mạn rởm. Cậu thì chẳng được điểm gì cho bõ tiếc. - Cứ tuôn ra cho hả, Ferdinan ạ - Lenz nói - Phun ra bằng hết bao giờ cũng nhẹ người đi đấy. - Cậu là một thằng lỉnh việc - Ferdinan nói - một thằng lỉnh việc bắng nhắng. - Bọn tao thế cả - Lenz cười nhếch mép - Bọn ta chỉ còn sống nhờ vào ảo vọng, sống vay. - Chính thế - Ferdinan nói, mắt lần lượt nhìn chúng tôi dưới cặp lông mày chổi xể - Ảo vọng quá khứ và vay mượn tương lai. Đoạn anh quay sang tôi: Robby, mình vừa nói đến Erich Maria Remarque 74 BA NGƯỜI BẠN ngây thơ. Chỉ những kẻ hay ghen ghét mới gọi ngây thơ là sự ngu ngốc. Cậu chớ vì thế mà tự ái. Đó đâu phải nhược điểm, đó là cái khiếu trời cho. Lenz toan bác lại, nhưng Ferdinan nói tiếp: Cậu hiểu ý mình đấy. Mình muốn nói đến tấm lòng chất phác, chưa bị sự hoài nghi và siêu trí tuệ ngấu nghiến. Parxivan ngu ngốc. Ông ta mà khôn ngoan, ông ta đã không đời nào chiếm được viên đá thần thiêng liêng. Chỉ kẻ nào ngu mới chiến thắng trong cuộc đời; những kẻ khác thấy quá nhiều trở ngại và chưa khởi sự đã ngã lòng. Vào thời buổi khốn khó, thơ ngây là tài sản quý giá nhất - một tấm áo khoác thần diệu che lấp mọi nguy hiểm mà kẻ cực khôn ngoan cứ đâm đầu vào như bị thôi miên. Anh tợp một ngụm rượu và nhìn tôi với cặp mắt xanh to tướng như một mảnh trời trên gương mặt nứt nẻ của anh. - Đừng bao giờ ham biết quá nhiều, Robby ạ. Càng biết ít, càng dễ sống. Biết nhiều thì tự do đấy... nhưng lại bất hạnh. Nào hãy cùng mình nâng cốc vì sự ngây thơ, sự ngu ngốc và những gì liên quan đến nó..., vì tình yêu, niềm tin vào tương lai, những giấc mơ về hạnh phúc..., vì sự ngu ngốc tuyệt diệu, cái thiên đường đã mất. Anh ngồi đó, kềnh càng, nặng nề, thốt nhiên chìm đắm vào suy tư và men say, như một mỏm gò đơn côi của nỗi sầu muộn không sao chạm tới được. Đời anh thế là hỏng, và anh biết vô phương làm lại. Anh ở trong xưởng họa lớn của mình và dan díu với mụ quản gia. Một mụ đàn bà cứng rắn, cục cằn. Ngược lại, tuy tạng người to béo, hộ pháp, Grau lại nhạy cảm và dễ xiêu lòng. Anh không sao bỏ được mụ ta và có lẽ anh cũng bất cần. Anh bốn mươi hai tuổi. Biết rằng anh say, nhưng nhìn anh như thế tôi vẫn cảm thấy hơi rùng mình khác lạ. Anh ít khi đến bù khú với cả bọn mà hầu như thường xuyên uống một mình trong xưởng họa của mình. Một nụ cười thoáng lướt trên khuôn mặt anh. Anh ấn ly rượu vào tay tôi. - Uống đi, Robby. Hãy cứu lấy cậu. Nhớ lấy những điều mình đã khuyên cậu. - Được rồi, Ferdinan! Lenz lên dây cót chiếc máy hát. Cậu ta có cả đống đĩa mọi và cho chạy vài đĩa..., những khúc hát về dòng Mississipi, về những luống bông và về những đêm hè oi ả bên các dòng sông xanh miền nhiệt đới.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro