Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 5: Tôm và Gấu


Phong có những người bạn mà nó cực kì tin cậy.

Những ngày đầu khi mới vào lớp mười, đặt chân tới ngưỡng cửa cấp ba, Hải Yến và Thúy là hai người bạn mới đầu tiên của nó. Lí do để Phong kết bạn với hai cô bạn này cũng rất đơn giản: Hai đứa trông có vẻ ngốc ngốc, dễ trêu chọc được. Ngoài ra, Thúy và Yến cũng là những người sẵn sàng cho nó mượn điện thoại để chơi game lén lút trong giờ học. Chính vì lợi ích to lớn đó, Phong không ngần ngại coi đây những người bạn tốt nhất trên đời, thân thiện và dễ gần hết sức. Quãng thời gian học lớp mười, khi mà Yến và Thúy ngồi trên che cho nó chơi điện thoại trong giờ là một trong những quãng thời gian tuyệt vời nhất của nó.

Thúy là một đứa khá nhút nhát. Nó khá ít nói với người lạ, có thể gói gọn trong bốn chữ: Mong manh dễ vỡ. Nó sở hữu một dáng người cao, tương đối gầy, đeo kính, mái tóc dài buộc phía sau cùng cái trán cao thể hiện sự thông minh, theo như cách mà người xưa thường quan niệm. Ấy thế nhưng, như đã nói ban đầu, thông minh thì chưa thấy đâu, chứ Phong cảm thấy cô bạn này hơi... ngố tàu.

"Cậu có thể gọi nó là Tôm."

Yến ngồi tô tô vẽ vẽ gì đó, vừa hóng chuyện vừa ngó nghiêng ra phía cửa lớp trông chừng cô vào cho tiết toán sắp tới. Yến và Thúy ngồi cạnh nhau, dường như họ là bạn thân từ hồi cấp hai, từ khi vào lớp mười, hai đứa cứ dính với nhau như hình với bóng. Phong chỉ vào Thúy đang ngồi trước mặt, ngạc nhiên:

"Sao lại gọi là Tôm?"

Thúy lên tiếng phân trần:

"Thì tên ở nhà của tao là Tôm, thế cũng phải hỏi!"

Yến cười cười:

"Cái dáng nó cũng giống con tôm nữa, cậu không thấy thế à?"

Phong nhìn kĩ Thúy từ đầu tới chân, gật gù:

"Ờ, công nhận cũng ná ná con tôm thật! Được rồi, vậy tao sẽ gọi mày là Tôm nhé!"

Ấy thế là cái tên Tôm bắt đầu trở nên thân thuộc với Phong, đến nỗi giờ nếu nó gọi Thúy bằng tên thật, nó sẽ cảm thấy không thuận miệng cho lắm. Tất nhiên, Tôm cũng hoàn toàn hài lòng với cái tên này, một phần vì đây cũng là tên ở nhà của nó. Mặt khác, cái tên Tôm cũng khá đáng yêu và đặc biệt, và những người gọi nó bằng cái tên này hầu như đều là những người khá thân thiết với nó.

Khách quan mà nói, Phong cũng khá thân thiết với Tôm. Thân thiết nhưng không thân thiện cho lắm!

Trống vào lớp vừa vang lên. Tôm bước tới chỗ ngồi của mình, lấy trong sách vở trong cặp ra chuẩn bị cho tiết mới. Nó đưa tay theo thói quen lấy cây bút, chợt nhận ra trên bàn thiếu thiếu thứ gì đó thân thuộc:

"Ủa, cái hộp bút của tao đâu rồi ấy nhỉ?"

Sau khi quay sang Yến ngồi bên cạnh, thấy bạn mình vẫn đang lúi húi với quyển sách giáo khoa, nó liền quay ngay xuống dưới, cũng như một thói quen:

"Ê Chó! Mày giấu đâu rồi?"

Chó là cái biệt danh Tôm đặt cho Phong, tất nhiên không phải vì tên ở nhà của Phong là Chó. Sở dĩ nó có cái biệt danh này bởi vì nó có thể giả tiếng chó con rất tài tình. Nó ngẩng mặt lên nhìn Tôm, trưng ra bộ mặt ngây thơ:

"Hả? Giấu cái gì cơ?"

Tôm tức tối:

"Hộp bút tao đâu? Hộp bút tao ấy, mày giấu đâu rồi?"

Phong tiếp tục ngơ ngác:

"Ủa sao mày lại hỏi tao? Hộp bút của mày sao mà tao biết được?"

"Không phải mày thì ai? Chỉ có mày là thằng hay giấu đồ của tao nhất!"

"Mày hâm à? Nhỡ Yến giấu thì sao? Nãy tao thấy Yến cầm hay sao ý."

Tôm lập tức quay sang Yến:

"Ê mày có cầm hộp bút tao không?"

Yến đáp lại Tôm bằng một vẻ mặt khó hiểu:

"Tao cầm của mày làm gì?"

Tôm ngay lập tức quay xuống:

"Ê Chó, Yến bảo không cầm! Thế thì chỉ có mày thôi!"

Phong tiếp tục tham mưu:

"Thế mày đã tìm lại kĩ trong cặp chưa?"

Tôm định ngoác mồm ra bảo "rồi", nhưng sực nhớ ra nó cũng chưa kiểm tra kĩ lại thật. Nó lật đật lục hết các ngăn cặp, ngó vào từng kẽ hở xem thằng này có giấu ở đâu không. Sau khi khẳng định là hộp bút của mình không thể ở trong bán kính xung quanh một mét, nó quay xuống đập bàn cái "bốp":

"Không có! Mày có đưa ngay đây không thì bảo?"

Nhưng nó chưa kịp đòi, cô Hạnh đã bước vào lớp. Hết cách, nó chỉ đành đứng dậy chào cô, rồi ngồi xuống bó tay chịu thua, không dám quay xuống. Chỗ nó ngồi thẳng mặt bàn giáo viên, có tài thánh nó cũng không dám cựa quậy. Đã thế, thằng Phong còn nhăn nhở đằng sau:

"Ê, có mượn bút không tao cho mượn nè!"

Nó nghiến răng:

"Mượn cái đầu mày ấy! Đưa bút đây tao còn viết bài!"

Phong cũng là một đứa hiểu chuyện. Nó đưa lên trên một cái bút bi xanh:

"Nè, cho mượn nè!"

Tôm giật lấy cái bút, lầm bầm:

"Bút của tao, vớ va vớ vẩn!"

Phong lại tiếp tục rộng lượng:

"Thế có mượn thước không?"

Rồi lại đẩy lên trên một cái thước kẻ.

Tôm phì cười, mặc dù nó đang tức lộn ruột. Nó giật cái thước, rồi lại chìa tay ra đằng sau:

"Bút chì nữa, lát kẻ mạch điện!"

Lần này nó thấy tay mình bỗng nặng hẳn lên. Rụt tay lại thấy cái hộp bút quen thuộc, nó gật gù:

"Ờ tốt! Ngoan đấy!"

Nhưng rồi nó suýt nữa nhảy dựng lên khi lục lọi bên trong:

"Bút chì tao đâu?"

Phong và Yến cười rung cả bàn, tất nhiên là chúng nó cúi người xuống để tránh cô Hạnh để ý. Và sau một hồi "cho mượn" qua lại, cuối cùng Phong cũng đẩy cái bút chì lên cho Tôm để tránh "cuộc chiến" lên tới đỉnh điểm.

Kể lể ra như vậy là để khẳng định sự ngốc nghếch của Tôm là do bẩm sinh mà có. Yến cũng phải gật gù công nhận:

"Tôm nó bị mất não đấy!"

Tôm giãy nảy:

"Ơ kìa..."

Phong bật ngón cái đồng tình:

"Có não cơ mà là não tôm!"

Tôm quay phắt sang Phong, hăm he:

"Mày im! Tao không nói chuyện với mày nhá!"

Tất nhiên, ai đe dọa chứ Tôm thì Phong chẳng thấy sợ tí nào. Nó gật gù:

"Vậy tức là mày xác nhận mày không não!"

"Không não cái khỉ mốc!"

Mặc cho Tôm liên tục phủ nhận, Phong quay sang Yến, vuốt cằm:

"Vậy thì chúng ta không thể gọi là Tôm được, vì tôm vẫn tính là có não. Chúng ta cần một số cái tên khác hợp lý hơn cho sự mất não này!"

Yến lập tức hưởng ứng:

"Bạch tuộc nè!"

"Sứa nè!"

"Sinh vật phù du nè!"

Tôm kéo áo Yến:

"Sao mày cứ hùa theo nó thế?"

Yến nhún vai:

"Thì đúng là mày không não thật mà!"

Tôm khoanh tay, phồng má, bộ dạng như thể một đứa con nít. Nó quyết định... dỗi Yến bằng cách quay vào đống sách vở trước mặt, trong lòng chắc chắn là vẫn không để đâu cho tức.

Có lẽ Phong hay trêu Tôm vì nó không dễ giận, và thường nó chỉ coi những hành động của thằng này là những trò đùa của trẻ con. Trên hết, nó không nhìn thấy sự ác ý trong những lần đùa cợt đó. Ít nhất nó tin rằng, lớp phó văn nghệ của 12A2 là thằng con trai mà nó có thể chơi cùng và... chửi nhau thoải mái, điều mà nó chưa từng làm đối với những đứa khác giới khác.

Phần lớn các cuộc trêu chọc đều hướng về Tôm. Nhưng đôi khi Yến cũng không ngoại lệ.

Phong không hay trêu chọc Yến, đó là sự thật. Khác với Tôm, Yến mặc dù cũng tỏ ra là một đứa tương đối ít nói và kín tiếng, nhưng như đã nói ở trên, sự kín tiếng của Yến đem lại cảm giác "ngầu" hơn, khác hẳn với vẻ kín tiếng rụt rè của Tôm. Và đôi lúc còn hơi đáng sợ nữa.

Yến có vẻ mặt có phần lơ đễnh và hơi bất cần. Nó thường hay lúi húi làm gì đó giữa những không gian nhộn nhịp thường ngày. Ví dụ như giờ ra chơi, mỗi khi lướt qua, Phong sẽ lại thấy nó bặm môi tô tô vẽ vẽ chằng chịt lên cuốn sách giáo khoa, có lúc lại là tờ giấy A4. Đôi khi, nó sẽ ngồi đọc manga, xem anime, lúc thì lại hoay hoay làm bài tập trên lớp. Rất ít khi Phong thấy Tôm và Yến ra ngoài chơi đùa chạy nhảy, đối với những thằng ưa nghịch ngợm như Phong, thì đám người sống hướng nội này thật sự là chán ngắt.

Mặc dù thế, Yến lại là một đứa tương đối "hợp tác" với nó trong nhiều vấn đề. Vấn đề đầu tiên có lẽ là trêu Tôm. Yến rất hay bắt tay với nó để giấu đồ và gợi ý những nơi có thể giấu được, tất nhiên là người "hành sự" là nó. Diễn xuất của cô bạn này cũng không thể chê vào đâu được. Như lần giấu hộp bút ở trên, Yến đã dễ dàng qua mặt được Tôm nhờ khuôn mặt giả ngơ của mình, mặc cho vài phút trước, nó chính là đứa ném cho Phong cái hộp bút tội nghiệp ấy.

Vấn đề thứ hai, đó là Yến thường rất ít khi từ chối những yêu cầu của Phong, miễn là nó đủ chính đáng và thuyết phục.

Phong là lớp phó văn nghệ, điều này ai cũng biết. Và ai cũng biết cả việc vốn dĩ lớp phó văn nghệ sinh ra là để gánh toàn bộ các "trọng trách" liên quan tới hát hò nhảy múa, vì chẳng đứa nào thèm tham gia các hoạt động này cả. Ngay cả những đứa to mồm và năng nổ nhất, mỗi khi Phong gọi lên hát hò, cũng đều chối đây đẩy. Chẳng hạn như:

"Tôm, lên hát một bài đi!"

Là con Tôm sẽ nhảy dựng:

"Méo!"

Và nếu như Phong dậm chân yêu cầu thứ "hải sản" kia lên trình diễn ngay lập tức bằng uy quyền của... lớp phó, Tôm sẽ giãy nảy:

"Mày điên à? Tao có biết hát hò gì đâu mà gọi tao lên!"

Đến đây thì bạn đọc cũng lờ mờ đoán được rằng Yến sẽ như thế nào rồi đúng không? Đúng, chắc chắn là Yến sẽ xô bàn xông lên sân khấu, giành lấy micro và chiếm trọn sự chú ý của mọi người. Phong cũng tin như thế, và nó yên tâm nhìn sang Yến:

"Vậy thì..."

Yến đáp ngay lập tức, không cần suy nghĩ:

"Méo!"

Thằng Phong ngẩn ngơ:

"Hả? Sao vậy, lên hát bài đi cho vui!"

Yến liền nhún vai:

"Chịu! Gọi người khác đi!"

"Nhưng mà..."

"Không!"

Sự lạnh lùng và kiên quyết của Yến làm Phong bất ngờ quá thể. Nó còn nhớ lúc cô Hiên dạy toán tổ chức cuộc thi hát ghép cặp song ca, khi gọi đến Yến, cô bạn này không ngại ngần gật đầu cái rụp, khác hẳn với điệu bộ ỉ ôi của đa số những đứa con gái khác trong lớp. Vậy mà bây giờ, khi nó có việc "cầu cứu", thứ nhận lại chỉ một chữ "không", lạnh lùng và chua chát.

Về sau, Phong mới hiểu được rằng, việc cô yêu cầu là công việc bắt buộc phải làm, còn việc nó yêu cầu chỉ là việc làm cũng được, không làm cũng không sao. Tức là, với một đứa có phần kín tiếng như Yến, xông lên hát thể hiện trên sân khấu là một việc làm thừa thãi, tốn thời gian và thiếu thuyết phục. Và trên hết, hát hò văn nghệ được quy vào "đi ngược lại quan điểm sống", nên Yến không thể đồng ý nếu không có sự thỏa thuận hợp lý được.

Ngoài chuyện đó ra, Yến gần như chưa từ chối Phong điều gì. Từ mượn vở, mượn sách, mượn điện thoại, thậm chí đến cả việc mượn tiền đi chơi net, Yến cũng không từ chối. Tất nhiên, chẳng ai lại nói huỵch toẹt ra cả. Phong thường hay ỉ ôi:

"Cho tớ mượn năm ngàn đê!"

Yến nhướn mắt:

"Để làm gì?"

"Có... việc!"

"Việc gì? Lại đi chơi điện tử chứ gì?"

"Đâu, tớ phải đi làm một việc rất trọng đại, phải đi đánh bại kẻ thù trong một tiếng và đoạt lấy chiến thẳng vinh quang. Cậu không hiểu được đâu!"

Yến nghe thằng này chém gió phần phật nghe ngứa lỗ tai quá xá. Nó lục trong ví, chép miệng:

"Còn mười ngàn chẵn thôi, lấy không?"

Lại còn phải hỏi. Phong chìa tay nhanh như chớp:

"Hì hì, có chứ có chứ! Mai tớ trả nhé!"

Và khi nó tót lên chiếc chiến mã màu xanh của mình cùng thằng Nam còng lưng đạp xe bên cạnh, ai cũng biết chỉ năm phút sau, hai thằng này đã yên vị trước dàn máy tính cùng một hoặc chai nước ngọt, tùy xem hôm đó bọn chúng dư dả đến mức độ nào.

Phong là một đứa thích đặt biệt danh cho những người bạn của nó. Lớp 12A2 như một khu rừng, và mỗi người đều có biệt danh riêng ứng với từng con vật, tất nhiên là nó chỉ đặt biệt danh cho những người nó hay tiếp xúc. Con vật đầu tiên, không ai khác, chính là Tôm, kiêm luôn Sứa, Bạch Tuộc, sinh vật phù du,...

Con vật thứ hai, là Gấu.

Mà Gấu, lại chính là Yến.

Cái tên này sinh ra trong một cuộc trò chuyện của ba đứa. Phong với lên bàn trên, tò mò:

"Ê, Quái Vật là ai nhỉ?"

Yến quay phắt lại:

"Cái gì đấy?"

Phong gãi đầu:

"Tớ thấy trên trang cá nhân của cậu có ai gọi cậu hay Tôm là Quái Vật ý!"

Giữa lúc Yến mặt nhăn như quả ớt thì Tôm toe toét:

"Quái Vật là Yến đấy!"

Yến lườm Tôm một cái dài cả cây số. Phong gật gù:

"Ờ, công nhận nhiều lúc trông Yến cũng đáng sợ đấy. Giống quái vật phết!"

Yến cầm cuốn sách trên bàn cuộn lại, giơ lên dứ dứ:

"Sao? Thế giờ cậu thích gì? Muốn bị ăn đập hả?"

Phong rụt cổ:

"Quái Vật tấn công Tôm ơi!"

Tôm cười khúc khích, hả hê khi thấy Yến đập "bốp" cuốn sách vào đầu Phong. Phong kêu lên í ới:

"Tôm ơi, thế này giống đầu gấu hơn mày ạ!"

Rồi dường bị ăn đập làm đầu óc thông thái hơn, Phong nảy ra ý tưởng:

"À đúng rồi! Nên gọi là Gấu! Gấu trong từ "đầu gấu", nghe cũng đáng yêu hơn Quái Vật nữa!"

Tôm bên cạnh cũng gật gù đồng tình:

"Ừ, Gấu nghe hay hơn đấy. Quái Vật nghe cũng không hay lắm!"

Yến khựng lại chút, có vẻ cũng phân vân giữa cái tên Quái Vật và Gấu, thầm nghĩ nếu ra đường mà thằng Phong bô bô:

"Ê! Quái Vật!"

Khéo nó độn thổ vì nhục quá. Nó đành ậm ừ với cái tên mới:

"Ờ, cậu thích gọi thế nào thì gọi."

Thế là, con vật thứ hai trong "khu rừng" tưởng tượng của Phong, chính là Gấu. Cái tên ấy đi cùng với Yến tới tận bây giờ, khi mà cả ba đã học lớp mười hai, còn Phong không còn ngồi sau Yến và Tôm nữa.

Nói thế không có nghĩa Phong nghỉ chơi với hai người bạn này. Trái lại, nó còn "lợi dụng" triệt để:

"Tớ mượn điện thoại với, Gấu!"

Gấu ngẩng mặt dậy, mặt nghệt ra vì buồn ngủ. Nó mò mẫm trong cặp cái điện thoại màu đỏ, đưa cho Phong trong khi đầu vẫn gục xuống bàn:

"Này!"

Phong hí hửng cầm lấy máy, ngồi xuống ngay bên cạnh. Con Tôm đã đi đâu đó, có lẽ là uống nước chăng? Nhưng Phong cũng chẳng quan tâm lắm. Nó lại giơ điện thoại lên, hướng về chỗ người nó thích, Ngân, để chụp lại những bức ảnh mà nó cho là vô cùng để đời. Đôi khi, nó sẽ quay điện thoại đi tứ phía, ra cái vẻ là ta đây đang chụp lại tất cả mọi thứ chứ chẳng phải đang chăm chăm chụp một mình ai đó đâu!

Tôm đi vào lớp, nheo mắt nhìn chỗ ngồi của mình bị chiếm mất. Nó hắng giọng rõ to:

"E hèm!"

Phong nghe tiếng quay ra, tiện tay giơ máy chụp đến tách một cái. Một bức ảnh dìm ngay lập tức ra đời.

Tôm không phải đứa ham hố tự sướng, chứ đừng nói đến việc để người khác chụp ảnh cho. Nó thét lên the thé:

"Xóa ngay!"

Mọi chuyện tất nhiên không thể qua mắt Gấu đang ngồi bên cạnh. Gấu trực tiếp "ra lệnh":

"Không phải xóa, để đấy!"

Phong chớp ngay lấy cơ hội, giơ tay lên trán như các người lính nhận lệnh từ chỉ huy:

"Tuân lệnh!"

Nhận thấy Gấu cố tình làm "đồng bọn" với Phong, Tôm lại bắt đầu quay sang giở trò phụng phịu. Phong nhìn cái cảnh tượng trước mặt, không thể không liên tưởng tới cảnh một đứa con nít đang nũng nịu với mẹ được. Nó nhún vai, lại giơ máy đảo khắp lớp, tiếp tục công việc nhiếp ảnh của mình.

Nhưng Tôm thì không bỏ qua dễ dàng như thế. Không thể bắt Phong xóa ảnh, nó liền hoạnh họe vấn đề khác, đúng đắn và khó để từ chối hơn:

"Lượn ra để tao ngồi!"

Lần này thì Yến không bênh thêm tí nào nữa. Chả nhẽ nó lại hùng hồn bảo Tôm: "Mày đi đâu đấy đi để Phong ngồi với tao!" à? Hơn nữa, việc thẳng Phong ngồi đây cựa quậy nãy giờ cũng ảnh hưởng ít nhiều tới giấc ngủ vội của nó. Vậy nên, nó khoát tay:

"Ừ, cậu lượn nhanh cho tớ nhờ!"

Bị "chủ nhà" và "hàng xóm chủ nhà" đuổi đi, Phong mặt dài ra như cái bơm. Nó lật đật đứng dậy, uể oải lùi xuống ngồi bàn sau, để Tôm tự đắc ngồi vào chỗ của mình. Nhìn cái đuôi tóc của Tôm lủng lẳng trước mặt, Phong ngứa tay tóm lấy cái chun buộc tóc kéo xuống. Tôm ngay lập tức nhảy dựng lên thét be be:

"Thằng Chó mày làm gì đấy?"

Nhưng khi Tôm quay lại thì Phong đã nhanh chân vụt tót ra ngoài sân từ bao giờ. Bình thường, Tôm sẽ không ngại ngần mà phi theo đòi lại cái buộc tóc ngay lập tức, dù cho nó có là một đứa hiền lành ít nói thế nào đi chăng nữa. Tuy nhiên, cái bụng của nó hôm nay đang phản đối dữ dội. Nó tức tối nhìn thẳng Phong đã ở tít ngoài sân trường, lầm bầm chửi mấy câu nhỏ tới mức Gấu ở bên cạnh phải căng tai ra mới nghe đc, rồi nhăn nhó mượn cô bạn thân chí cốt hay phản bội của mình mấy cái chun buộc tạm cho tới khi vào tiết.

Thấy Tôm không đuổi theo như thường lệ, Phong mất hứng quay lại, chống nạnh:

"Sao thế? Mọi lần mày hăng lắm cơ mà?"

Tôm lườm Phong, vẻ mặt cam chịu:

"Đang đau bụng, nay tha cho mày!"

Phong gật gù:

"Ra vậy, mày đang mắc ia..."

Tôm phì cười, vớ lấy cái hộp bút giơ lên định ném:

"Ia cái đầu mày..."

Phong nhìn cái bộ dạng hùng hổ của Tôm, khinh khỉnh:

"Ném đê! Tao thách mày dám ném đấy!"

"Sao mày nghĩ tao không dám ném?"

"À, ném xong thì nó sẽ bị bẩn ý."

"Bẩn thì tao giặt sau!"

"Cơ mà trước khi động thủ thì mày cũng nên nhìn lại cho kĩ đi chứ?"

"Hả?"

Tôm bất giác nhìn lại tay mình, phát hiện ra cái hộp bút bằng vải này vừa lạ lại vừa quen. Nó chột dạ quay sang Gấu, thấy bạn mình đang hằm hằm bên cạnh:

"Mày có để ngay hộp bút tao xuống không thì bảo?"

Nó ngoan ngoãn đặt xuống nhẹ nhàng và cẩn thận hết sức. Thấy Gấu có vẻ không "truy cứu" thêm, nó thở phào nhìn Phong, cái vẻ nhơn nhơn của thằng này làm nó ngứa mắt không chịu được. Nó lục trong hộp bút của mình ra một cái bút chì, rồi lợi dụng lúc Phong đang không để ý, nó ôm cái bụng đau xăm xăm bước tới chỗ ngồi của thằng này, giở một quyển vở bất kì trên bàn vẽ ngoằng ngoằng vào đó cho bõ tức.

Phong nhận ra ngay chỉ sau vài giây bất cẩn. Nhưng có vẻ như đã quá quen với việc này, nó quay sang Gấu, chép miệng:

"Lát tớ mượn cục tẩy nhé!"

Gấu đảo mắt trên bàn, lục trong hộp bút của Tôm ra một cục màu trắng, mới tinh vừa bóc vỏ quẹt được mấy lần:

"Nè! Khỏi cảm ơn!"

"Đa tạ! Đa tạ!"

Để mà nói về việc Tôm vẽ linh tinh vào vở Phong thì lại có cả một câu chuyện dở khóc dở cười khác. Mà để nói về câu chuyện ấy, chúng ta lại phải hồi tưởng về năm lớp mười, khi mà Phong vẫn còn ngồi dưới Tôm và Yến.

Đó là một buổi chiều đẹp trời. Tiết năm cuối cùng là tiết Giáo dục công dân, và như cô đã dặn trước đó, hôm nay cô sẽ kiểm tra miệng lấy điểm đầu giờ.

Phong cuộn tròn cuốn sách giáo khoa trong tay, mắt lim dim, miệng lẩm bẩm:

"Phương pháp luận biện chứng là xem xét sự vật, hiện tượng trong sự ràng buộc lẫn nhau giữa chúng, trong sự vận động và phát triển không ngừng của chúng..."

Rồi nó lại lượn ra ngoài hành lang trước cửa lớp, tâm đắc:

"Em thưa cô, một trong những ví dụ điển hình cho phương pháp luận biện chứng là câu nói nổi tiếng của nhà triết học cổ đại Hy Lạp Hê-ra-clip: Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Yếu tố biện chứng ở đây..."

Nó tự tin rằng phần trả lời của nó sẽ đánh gục bất cứ giáo viên dạy giáo dục công dân nào, kể cả những người khó tính nhất. Với kinh nghiệm xem tư liệu từ sách giải tới lướt web tra tin tức kết hợp với sách giáo khoa, cùng với giọng nói hùng hồn đanh thép đầy thuyết phục, chỉ sợ cô sẽ rớt nước mắt mà coi nó là học sinh ưu tú, là học trò cưng của cô, một công dân đầy trách nghiệm với lý tưởng sống cao đẹp, chứ dăm ba con điểm mười chẳng có gì là không thể đạt được cả.

Phong tự tin cũng có cái đúng của nó. Ngay đầu tiết khi cô gọi trả lời bài cũ, nó ngay lập tức giơ tay đầy hăng hái:

"Em! Em ạ!"

Cô nhìn cái vẻ mặt đầy uy tín của nó, gật gù:

"Được rồi! Đức Phong lên bảng trả lời cô xem nào!"

Tất nhiên, không ngoài dự đoán, Phong trả lời như một cái máy, kiến thức tuôn ra như thác đổ. Giọng nó diễn thuyết lúc trầm lúc bổng, nghe hay như thơ ca mà vẫn đầy tính thuyết phục. Một điểm mười là không cần bàn cãi! Cô kéo vở viết của nó lại gần, hài lòng kiểm tra lần cuối trước khi cho điểm. Bỗng, mặt cô nhăn như cắn phải ớt:

"Em vẽ linh tinh gì vào trong vở học đây?"

Sự việc quá bất ngờ khiến Phong ngẩn tò te mất mấy giây. Nó dài cổ ngó vào quyển vở của mình, ngay lập tức nhận ra những trang giấy trắng tinh đã vẽ vòng vèo bằng bút chì một cách không thương tiếc. Và cũng chỉ mất vài giây, nó cũng biết được ngay ai là "thủ phạm". Nó phân trần:

"Cái này là do bạn Thúy trêu em thôi cô ạ, không phải em vẽ linh tinh vào đâu..."

Tất nhiên là không giáo viên nào chấp nhận cái lí do đó:

"Vở của em thì em phải tự bảo quản chứ tại sao lại để bạn khác vẽ vào là thế nào? Thôi, hôm nay đáng nhẽ mười điểm, nhưng vở không đạt yêu cầu nên trừ hai điểm nhé! Tám điểm, về chỗ! Cả lớp lấy sách vở ra, chúng ta học tiếp bài cũ nào!"

Khỏi phải nói thì ai cũng biết Phong tức không để đâu cho hết. Uất ức nữa. Và nó quay về chỗ nhìn Tôm với ánh mắt hình viên đạn:

"Mày được lắm! Cú này đau đấy Tôm ạ!"

Tôm dường như cũng thấy day dứt vì việc làm của mình, liền quay xuống xin lỗi lia lịa:

"Xin lỗi mày! Ai bảo mày cứ trêu tao làm gì..."

"Nhưng mày có mất hai điểm không?"

"À thì..."

"Thì cái đầu mày ý! Cầm vở tẩy hết nhanh cho tao!"

Tôm lập tức đón lấy quyển vở, bặm môi kì bằng sạch những vết bút chì. Gấu thì khỏi nói, nó cười từ lúc Phong lên bảng tới lúc Phong về chỗ. Đến mức thẳng Phong phải hậm hực:

"Cậu cười cái gì mà cười?"

"Không có gì! Không có gì!"

Gấu cố ra cái vẻ nghiêm túc, nhưng khi quay sang Tôm vẫn đang cặm cụi tẩy lấy tẩy để, nó lại phì cười thành tiếng. Phong mặc dù đang cáu vì điểm mười tuột khỏi tay, cũng không thể nhịn được mà bật cười. Chỉ có điều, nụ cười của nó trông có phần đau khổ hơn, và trong đầu nó lại bắt đầu mưu tính "trả thù" Tôm bằng một cách nào đó hợp lý nhất.

Cũng đã hai năm kể từ cái ngày ấy. Phong ngẩn ngơ bất giác nhớ lại, cũng tự mỉm cười với chính mình. Tiếng trống vào tiết vang lên. Nó trả lại chiếc điện thoại cho Gấu, đồng thời cũng bí mật nhận lại của Gấu một món đồ gì đó, vô cùng bí hiểm.

Buổi chiều hôm nay trôi qua thật nhanh. Tiếng trống tan học báo hiệu kết thúc một ngày dài, Phong cũng uể oải vác cặp ra về. Nó nhìn lại Ngân lần cuối: Cô bạn vẫn lạnh lùng với nó y như thường ngày. Nó thất vọng quay bước về phía cửa lớp, hôm nay lại là một ngày trôi qua mà không có chút nào tiến triển. Thứ duy nhất nó thu lại được là những bức ảnh trong máy Gấu mà nó đã nhờ Gấu gửi hộ qua trang cá nhân. Nó bước dần về phía nhà gửi xe, lục tìm trong túi quần tấm vé hình chữ nhật chỉ to bằng hai ngón tay. Ở trường Ngọc Hồi, nếu để mất tờ giấy ép plastic bé tí này, nó sẽ phải đền hai mươi ngàn cho cô phát vé: số tiền mà nó có thể nạp tài khoản net năm tiếng và còn được khuyến mại thêm một chai nước ngọt. Nghĩ đến quán net, Phong lại háo hức rảo bước nhanh hơn một chút. Thằng Nam giờ này chắc cũng đã yên vị ngoài quán rồi.

Ở phía ngược lại, lớp 12A2 vọng ra một tiếng kêu đầy cay cú:

"Mày lại giấu cặp của tao đi đâu rồi? Thằng Chó!!!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro