Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 3: Tác giả nghiệp dư

Phong là một thằng rất thích viết lách.

Nó viết từ hồi còn học lớp bảy. Ngày ấy, thời học sinh còn ngô nghê, nó mê mẩn những cuốn truyện Kính Vạn Hoa của bác Nguyễn Nhật Ánh. Nó bắt đầu học theo phong cách viết của bác, bằng bút bi và vài cuốn vở thưởng cuối năm không dùng hết, bắt đầu vẽ nên những nét đầu tiên bằng văn chương của mình. Những mẩu truyện nhỏ chưa kịp thành tên, viết rồi lại bỏ dở. Ngày ấy, viết truyện đối với nó như một sở thích bên lề. Đôi khi nó viết chỉ để thỏa mãn thú vui viết lách của mình, đến lúc chán lại quăng đó, rồi đến khi quay lại thì nó lại bắt đầu với một câu chuyện dở dang khác.

Lên cấp ba, mọi chuyện vẫn không hề thay đổi. Có chăng, giờ những mẩu chuyện nó viết đã bắt đầu dài hơn, không chỉ là viết một hai chương rồi bỏ đó. Nhưng vẫn như trước đây, đến một lúc cảm hứng vụt đi mất, nó lại bỏ dở những đứa con tinh thần của mình. Phong tin chắc nó sẽ quay lại hoàn tất chúng vào một ngày nào đó, còn ngày nào thì chưa biết được.

Những trang truyện đầu tiên Phong viết khi vào cấp ba chính là về những người nó muốn kết bạn nhưng lại không đủ tự tin đến gần họ. Một trong số những người đó là Thư Linh, một học sinh xuất sắc mà nó biết được trong những lần học bồi dưỡng để đi thi Toán cấp huyện.

Viết về một người chưa từng trò chuyện, chưa từng làm quen, quả thật là một điều khó khăn. Những gì nó viết nên đều là tưởng tượng về người đó, nó sẽ nghĩ ra trong đầu những dáng hình, câu chuyện, rồi đưa chúng vào bằng ngòi bút của mình. Ngay khi viết được vài chương đầu, Thư Linh đã đọc được những gì nó viết. Ngoài mặt, nó làm ra vẻ ta đây viết theo ý thích của bản thân, không cần ai quan tâm, nhưng kì thực nó lại rất muốn nhân vật trong tác phẩm của mình đưa ra những nhận xét. Nó muốn nghe và tìm hiểu xem mình nên viết thế nào cho sát với thực tế nhất có thể. Và nếu có ai đó theo dõi những gì nó đang làm, nó sẽ có thêm động lực để hoàn thành những điều dở dang ấy.

Tuy nhiên, đời thì không như ta mơ mộng. Thư Linh đúng là đọc được thật, nhưng Phong không biết cảm nhận của cậu ấy như thế nào. Cái nó nhận được, chỉ là cái bĩu môi của Hà thư kí:

"Viết vớ viết vẩn!"

Lớp 12A2 có tới tận sáu người tên là Hà. Để dễ gọi tên, mỗi người sẽ có một cách gọi riêng, ví dụ như Hoàng Hà, Chử Hà là cách gọi ghép họ và tên để dễ phân biệt. Hà thư kí là cách gọi ghép theo chức vụ trong lớp. Theo đó, Hà Thư Kí có thể hiểu là "bạn Hà làm thư kí lớp".

Hà thư kí còn có một cái tên ngắn gọn hơn, đó là Hà B. Đương nhiên, có Hà B thì sẽ có Hà A, nhưng lại không có Hà C. Một bạn là Hà Beo, chả biết có phải chữ Béo rồi bỏ dấu sắc đi không. Bạn cuối cùng mang tên Hà, được gọi một cách đặc biệt và đáng yêu hơn, ghép tên với một loại trái cây, đó là Hà Xoài. Đôi lúc cũng gọi là Phạm Hà, ghép tên với họ, nhưng không nhiều lắm. Không biết có phải do thích ăn xoài hay không, chỉ thấy mọi người gọi vậy nên Phong cũng gọi như vậy.

Trong tất cả sáu bạn Hà, Phong không ưa Hà B nhất. Đúng ra thì khi nào cảm thấy ghét ghét, nó sẽ gọi là Hà B, còn khi bình thường nó sẽ gọi một cách thân mật là "Thư Kí". Hà B rất hay gây sự với nó. Ví dụ như khi nó viết truyện về Thư Linh, ỷ là bạn thân từ hồi cấp hai của "nhân vật chính", Hà B liền thay lời muốn nói giúp bạn mình:

"Ai cho cậu viết linh tinh về người khác thế hả?"

Phong đã quá chán việc phải đôi co với cô bạn này. Nó giở giọng cùn:

"Ủa tớ viết ai chả được? Mắc mớ gì đến cậu?"

Thái độ này tất nhiên không thể làm Hà B vừa mắt. Nó giậm chân xuống đất bình bịch, cho rằng nếu chỉ nói suông thì không thể diễn tả đầy đủ tính nghiêm trọng của vấn đề:

"Ai bảo cậu thế? Cậu có biết viết linh tinh thế này là cậu đang bôi nhọ danh dự và nhân phẩm của người khác không? Cậu có biết là cậu đang... phạm pháp không hả?"

Nghe đối phương nâng cao quan điểm tới pháp luật, Phong nhăn mặt:

"Phạm pháp cái con khỉ! Tớ có công khai hay bôi nhọ gì ai đâu? Cậu tự mượn xem đấy chứ?"

Hà B vẫn kiên quyết không nhượng bộ:

"Không được! Cậu không được phép viết linh tinh về... bạn tớ! Đổi tên ngay đi!"

Phong nhăn nhở:

"Thế đổi tên cậu vào được không?"

Cái ý tưởng vừa thốt ra khiến Hà B chút nữa thì té ngang, Nó trừng mắt, tất nhiên là không có tí ti tác dụng nào đủ lớn để Phong ngán ngẩm. Cứ tưởng tượng một đứa con gái ăn mặc chỉn chu, quần áo đóng thùng, nút áo cài tới tận cái nút trên cùng sát cổ, trừng mắt đe dọa người khác thì sẽ ra ngay cái tình cảnh hiện tại. Nó hạ giọng, khuôn mặt đanh lại, cốt để cái thằng dở người trước mặt chịu tử tế được một chút:

"Thử xem, rồi thành đống giấy lộn hết thì đừng trách!"

"Sợ quái gì mà không dám thử", Phong nghĩ thế, nhưng không nói ra. Nó sợ rằng Hà B sẽ phi tang hết đống giấy vở của nó. Hoặc nó sẽ vẫn "thử", rồi không để cho bất cứ ai biết. Mà đã không ai biết thì Hà B có tài thánh cũng chả làm gì được.

Thấy Phong ậm ừ cho qua chuyện, Hà B biết mình đã chiến thắng. Có điều, nếu chiến thắng đơn giản thế thì đã không phải là... Hà B. Từ sau dịp đó, mỗi lần biết Phong viết truyện hay làm thơ, nó sẽ lại có hai câu cửa miệng:

"Viết vớ viết vẩn, bắt chước nhà văn Nguyễn Nhật Ánh."

"Toàn làm thơ con cóc!"

Phong cũng chẳng hiểu cô bạn này ghét bỏ gì mình. Nó tự trả lời rằng có lẽ do tính cách không hợp nên vậy. Vui vui thì nó ngoác mồm ra cãi, chán chán thì lẩn đi không nói chuyện nữa. Mặc dù hay gây gổ, Hà B với nó vẫn coi như là có thể chơi được với nhau. Ngoại trừ những lúc đáng ghét ra, khi bình thường Hà B vẫn là một đứa bạn tương đối tốt. Chưa kể tới việc, cô bạn này và thằng Nam cũng chơi khá thân. Dựa theo tính chất bắc cầu, nó chơi được với Nam, Nam chơi được với Hà B, thì chả có lí do gì để nó không thể chơi với cô bạn cáu kỉnh này cả.

Cái lần Phong viết truyện về Thư Linh, đó là vào những năm lớp mười. Khi đó, nó thật sự rất muốn được làm quen và tiếp cận với Thư Linh, nên cố tình viết lách để gây sự chú ý. Có điều, khi chiến thuật văn chương thất bại, nó cũng bỏ xó bốn năm chương truyện bỏ ngỏ vào góc nhà, hẹn sau này sẽ viết lại. Gọi là sau này, chứ bây giờ đã là lớp mười hai, Phong vẫn chưa có bất cứ ý định gì là sẽ tiếp tục cuốn truyện dở dang ấy.

Bây giờ, nó đang suy nghĩ tới một chuyện khác, thực tế hơn, cần thiết hơn. Đó là cuộc thi viết "Ngọc Hồi yêu dấu trong tôi" đang được nhen nhóm tổ chức trên trang chủ trường Ngọc Hồi.

Sau khi đọc thể lệ cuộc thi là viết về tình bạn, tình thầy trò, Phong đã biết ngay đây chính là cuộc thi dành cho mình. Nó suy nghĩ về cốt truyện cách đó cả tuần trời, đau đầu cân nhắc xem mình sẽ nên viết gì để gửi đi. Bởi đây là một cuộc thi nhỏ trong trường, nên bất cứ thứ gì nó viết ra đều sẽ được duyệt qua rồi đăng lên trang chủ để tất cả học sinh cùng được đọc. Chắc chắn là sẽ có Ngân trong đó, vì mục đích nó tham gia, chỉ là để gây chú ý với "người trong mộng" của mình.

Thế nhưng, nghĩ thì dễ, lúc đặt bút xuống viết những dòng đầu tiên mới khó.

Viết truyện, xuất phát ban đầu phải từ nguồn cảm hứng dồi dào mãnh liệt, kế đến mới cần quan tâm kĩ năng và trình độ của người viết. Cảm hứng thì Phong không thiếu, nó hoàn toàn đã định hình được mình sẽ viết về cái gì, chỉ có điều nó muốn viết sát với thực tế một chút, nên mọi việc bắt đầu trở nên khó khăn. Nếu viết về chuyện của nó và Ngân, ngẫm ra, tới tận bây giờ gần như không có gì đáng để viết cả. Như đã nói từ đầu, một bên cứ theo đuổi, một bên cứ né tránh. Cả hai cũng gần như không bao giờ nói chuyện với nhau, có chăng chỉ là những lần Phong đi qua trêu trọc hoặc đứng nhìn xem Ngân đang làm gì, rồi một trong hai bên sẽ bỏ đi mất. Sẽ chẳng có một câu chuyện ngọt ngào nào cả, cũng chẳng có bi thương bi đát như trong ngôn tình. Mọi thứ chỉ đơn giản bình thường trôi qua như vậy, không có bất kì một điểm nhấn. Thế nên, viết về cái gì, viết về chuyện gì, đoạn kết sẽ như thế nào, luôn là một điều mà nó phải cân nhắc.

Phong rảo bước trong sân trường, men theo các hành lang dài, tự tìm cho mình những cảm hứng mới mẻ. Mùa thu luôn thật đẹp và mơ mộng. Sau suốt mấy tháng hè rạo rực, bầu trời vào thu có vẻ mệt mỏi hơn nhiều. Nó xà thấp xuống mặt đất, dường như chạm cả vào những cây bàng, cây bằng lăng cao to ở sân trường. Còn nắng chiều nay thật dịu dàng và ấm áp. Nắng soi nhẹ nhàng trên những hành lang, qua cửa lớp, nắng ngủ say sưa trên những vòm cây, nắng nương nhẹ theo những tà áo tung bay của học trò. Thế mới biết thu đến trong im lặng. Thu đến với sân trường đầy lá vàng, đến trên đôi môi người con gái ta yêu và đến trong cả tâm hồn của những người như Phong nữa. Nó bước đi, chân cố tình dẫm vào những chiếc lá khô để nghe tiếng lá kêu xào xạc, cảm thấy thật dễ chịu khi gió cứ mơn man và len khắp cơ thể. Rồi bất giác nó lại suy nghĩ lung tung. Khi mùa thi kết thúc, khi không còn nữa những lúc học hành say mê thì đó cũng là khi mà quãng đời học sinh dừng lại. Mười hai năm, tưởng là dài mà giờ sao quá ngắn ngủi. Ấy thế nên vốn định tìm ý tưởng viết truyện, những vần thơ lại cứ thế tuôn trào theo những cảm xúc không tên:

"Em đâu hay thu đã
Rảo bước vội trên hè
Đâu là bước chân thu
Giữa trăm ngàn bước lẻ..."

Và đáng lẽ ra là Phong sẽ sáng tác được cả bài thơ nếu thằng Nam không oang oang cái loa phát thanh của nó :

"Ê, Phong!"

Phong quay lại, sầm mặt xuống vì tự nhiên bị mất hết cả ý tứ văn thơ :

"Cái gì thế ? Mày không thể lặng lẽ bước đến chỗ tao cho khung cảnh thêm phần thơ mộng à?"

"Loanh quanh ở đây làm gì, không vào lớp đi à?"

Phong nhướn mắt nhìn về phía của lớp lát nó sẽ học Lý :

"Đã có mấy người đến đâu? Vào sớm làm gì!"

"Nhưng Ngân đến rồi. Ngân ở trong lớp thì Phong ở đâu?"

Không cần đợi Nam nhắc khéo đến lần thứ hai, Phong hăm hở bước vào lớp, từ bỏ cái khung-cảnh-thơ-mộng của mình ngay lập tức. Gì chứ ngắm trời mây non nước thì thiếu gì lúc, việc quan trọng bây giờ là Ngân cái đã. Nó kéo tay thằng Nam, liếm môi:

"Nhanh nào!"

Nam cũng bước theo, tất nhiên là kém hăng hái hơn hẳn. Nó vừa từ tiệm net về xong, cảm thấy khó hiểu vì một thằng mê game như Phong hôm nay lại quyết định không đi chung với nó. Ừ, chắc là thằng này hết tiền. Nghĩ đến vấn đề tiền bạc, Nam chép miệng không nghĩ thêm nữa. Chẳng nói đâu xa, nó cũng vừa nạp nốt năm ngàn cuối cùng trong ví vào tài khoản chơi game rồi.

Hai thằng đi vào trong lớp. Ngân đã ngồi yên vị ở chỗ của mình, tay chống cằm, nhìn mọi vật một cách vô thức. Ánh mắt của Ngân vừa có sự mơ mộng, suy tư, lại vừa như có chút buồn. Ánh mắt ấy luôn đánh gục Phong mỗi khi chẳng may nó nhìn vào, và không biết bao nhiêu lần nó đã phải quay đi vì những lần chẳng may ấy. Nam nhìn Phong, thấy thằng này đơ ra, liền đá cho một cái để nhắc:

"Nhìn với ngó cái gì, làm bài về nhà chưa?"

Phong giật mình, ngô nghê hỏi lại:

"Bài gì?"

"Ô hay, tờ đề hôm trước ấy. Hay mày lại vứt luôn đi đâu rồi?"

Phong lục lại trong cặp một hồi, may sao khi giở sách ra vẫn thấy tờ đề nằm đó. Nó chép miệng:

"Đề này thì chắc chưa rồi! Mày làm chưa?"

Nam nhăn mặt:

"Hôm trước tao nghỉ mà mày! Thế hôm trước học gì, mày có ghi chép lại không?"

Phong nhún vai:

"Tất nhiên là... không! Thực ra là cũng có ghi chép mấy công thức, nhưng cũng có thể coi là không có chữ nào cũng được!"

Nam cũng không còn lạ gì câu trả lời muôn thuở của Phong. Nó kéo tờ đề ra trước mặt, thất vọng tràn trề khi thấy thằng này chưa khoanh một câu nào. Phong đẩy ra trước mặt nó tờ công thức, giục:

"Bấm máy tính đại mấy câu giúp tao phát, kiểu gì lát nữa cô Châu cũng còn chữa bài nữa cơ mà!"

Cô Châu là giáo viên dạy thêm của hai thằng môn Vật Lý. Mặc dù trên lớp, cô Hạnh vừa là chủ nghiệm vừa kiêm luôn dạy môn này, nhưng cô Hạnh lại không mở lớp dạy thêm. Mà theo như quan điểm của phụ huynh "không học thêm thì thi làm sao được đại học", cô Châu là lựa chọn sáng giá để hai thằng tầm sư học đạo. Cô là người xứ Nghệ, giọng vùng miền khá nặng. Thằng Nam đánh giá giọng cô nghe rất vui tai, mà cách cô giảng cũng rất dễ hiểu. Thế nên, việc Ngân cũng xách cặp đi học cho bằng bạn bằng bè cũng không có gì là lạ cho lắm.

Nam nhìn tờ đề mà như nhìn vào cái hũ đen sì không đáy. Dù cho có thành tích học tập tương đối xuất sắc và cũng rất thông minh, nó cũng cần xem qua các ghi chép tỉ mỉ cũng như các ví dụ mẫu mà cô đã giảng hôm trước. Nhận ra nếu cứ nhìn cái đề bài cũng chẳng có ích gì, nó đứng dậy, đi vòng qua chỗ Ngân ngồi cách đó hai dãy bàn, hỏi xin mượn vở. Tất nhiên, Phong ngay lập tức nhấp nhổm hóng hớt. Nam quay trở lại, thấy thằng này nhìn mình như thần tượng, nó nhếch mép:

"Thế nào? Thấy cái gì trên tay tao không?"

Phong ngưỡng mộ:

"Đỉnh đấy! Xem xong tao mượn nhé!"

Cứ tưởng thằng Nam sẽ rộng lượng đồng ý, ai dè nó quay phắt đầu:

"Không được! Ngân bảo dứt khoát không được cho mày xem!"

Phong ngẩn người:

"Thế tình bạn bao năm tao qua gọi mày đi học không vớt vát được gì à?"

"Không!"

"Ki bo thế mày, mày xem đi rồi tao mượn tí thôi mà."

Nam vừa chép lại kiến thức vào vở, vừa khinh khỉnh:

"Mày mượn để làm gì? Chả lẽ mày tính hôn quyển vở?"

Rồi nó quay sang làm bộ mặt kinh tởm:

"Êu ơi!"

Tất nhiên là cái vẻ mặt ấy khiến Phong điên tiết hết sức. Nhưng nghĩ tới cái lợi sau này, nó đành hạ giọng năn nỉ:

"Tao mượn chép bài thôi!"

Nam nhún vai:

"Thì chép luôn đi! Cho mày xem chung thôi chứ tao cũng chả dám đắc tội với Ngân!"

Phong biết thằng Nam đang nói thật. Nó liền bấm bụng lấy bút vở ra chép lại bài hôm trước với tốc độ kinh hoàng, nét chữ ngoáy đến mức đủ để bất cứ ai nhìn vào cũng không nhận ra nổi nó vừa viết cái gì, trừ chính bản thân nó. Xong xuôi, nó dòm qua Nam, liếm môi:

"Để tao trả vở cho!"

"Thôi khỏi! Đưa cho mày xong lần sau chắc tao không mượn được nữa mất!"

Thấy thuyết phục bằng nước bọt có vẻ không trôi, Phong chép miệng:

"Năm ngàn, oke không?"

Nam nhướn mắt, tỏ ý khinh thường:

"Cơ hội tán gái đáng giá có năm ngàn thôi à?"

"Thì mười ngàn, được chưa?"

"Mười lăm đi, lần sau tao lại mượn rồi cho mày đi trả tiếp!"

"Được rồi, chốt! Đưa vở đây!"

Và thế là với mức giá mười lăm ngàn, tình bạn bè của Nam và Ngân bỗng chốc bị mẻ mất một miếng.

Phong cầm quyển vở, hí hửng chạy ra chỗ Ngân. Ngân nhìn thấy thằng này lò dò đi tới, biết có chuyện chẳng lành, liền chuẩn bị sẵn tinh thần. Đợi khi Phong vừa bước tới và đứng yên vị bên cạnh, nó hờ hững hỏi:

"Cậu qua đây làm gì?"

Phong lúng túng:

"Nam nhờ tớ trả cậu quyển vở."

Ngân đánh mắt nhìn sang thằng Nam đang ngồi tít bên kia hai dãy bàn, cảm thấy lòng tin bị phản bội nặng nề. Nó quay sang thằng Phong trút giận:

"Nam mượn thì cậu ấy phải trả chứ sao cậu lại trả hộ?"

Tất nhiên là Phong bó tay trước câu hỏi nhuốm màu bực bội này. Nó vốn đã lúng túng, nay lại càng ngắc ngứ hơn. Nó ậm ừ, gãi đầu gãi tai không biết nên làm thế nào cho đúng. Cũng may cho nó, Ngân nhìn thấy cô Châu đằng xa đang đi vào, tạm buông tha:

"Để vở tớ xuống bàn rồi về chỗ đi!"

Phong như vớ được vàng, cẩn thận đặt vở xuống rồi phi thật nhanh về. Thằng Nam thấy thế, hí hửng:

"Sao rồi? Êm đẹp không?"

"Ờ thì... cũng được..."

"Tốt! Nhớ mười lăm ngàn của tao đấy nhé!"

Tốt cái con khỉ, Phong nghĩ thầm, nhưng cũng không tiếc mười lăm nghìn cho cơ hội hiếm hoi được nói chuyện với Ngân vừa rồi. Cô Châu bước vào, cầm theo một tập đề dày cộp mới, cắt đứt những suy nghĩ miên man của nó. Nó lấy máy tính bấm nốt một bài đang nghĩ dở, phòng khi lát nữa cô sẽ gọi nó lên chữa bài. Chợt nhớ đến cuộc thi "Ngọc Hồi yêu dấu trong tôi", nó bỗng nảy ra sáng kiến:

"Hay là viết luôn chuyện vừa rồi, thay đổi lại một chút nhỉ?"

Cảm hứng tới là không được bỏ lỡ. Phong quăng ngay cái máy tính qua một bên, lật ngược quyển vở Lý, bắt đầu ngồi tự viết những dòng đầu tiên. Những dòng chữ hiện ra, nắn nót khác hẳn với lúc nãy khi nó chép bài:

"Ngân đã bước đi khá xa, và cuối cùng thì cũng khuất bóng hẳn..."

Phía ngoài sân trường, một cô gái đang chăm chú nhìn nó, mỉm cười.

"À, thì ra là như vậy!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro