Chương 2: Món quà sinh nhật
Phong và Ngân học cùng chung cấp ba, cùng chung một lớp, và cùng do cô Hạnh chủ nhiệm suốt ba năm học.
Suốt những năm lớp 10 và học kì một của lớp 11, Phong không hề quan tâm tới cô bạn này. Trong lớp, nó là lớp phó văn nghệ, luôn luôn nhiệt tình với các hoạt động nhảy múa, hát hò. Nó luôn là người xung phong đi đầu mỗi khi trường có sự kiện gì đòi hỏi học sinh phải đóng góp các tiết mục văn nghệ, cũng như luôn là đứa sẵn sàng đứng ra mở màn nếu lớp có những giờ phút ngoại khoá bên cạnh những giờ học căng thẳng. Nó hát ở mức tạm được, không hay cũng không dở, nhưng như người ta thường nói, đôi khi người hát hay cũng không bằng người hay hát. Và tất nhiên, khi vẫn còn là học sinh, người hay hát lúc nào cũng sẽ được ưu tiên hơn cả.
Nói vậy bởi vì lũ học sinh thường ít có hứng thú với các hoạt động văn nghệ ngoại khoá. Thế nên, nếu có đứa nào đó sẵn sàng đứng ra, chúng sẽ có người để đùn đẩy trọng trách "ca sĩ" cho họ. Và cái chức lớp phó văn nghệ, sinh ra cũng vì cái lí do đó.
Ngân thì lại hoàn toàn khác hẳn. Là một đứa con gái kín tiếng và trầm tính, nó gần như không bao giờ tham gia bất cứ một hoạt động gì ngoài việc học và những dịp thăm quan hàng năm với cả lớp. Bù lại cho việc đó, nó có một thành tích học tập tương đối tốt ở tất cả các môn, khác hẳn với thành tích có phần lẹt đẹt của Phong. Hai con người ở hai thái cực đối lập nhau, vốn dĩ chẳng thể gần nhau được. Trong suốt khoảng thời gian đó, sau này nhớ lại, Phong chỉ nhớ được duy nhất một lần nó nói chuyện với Ngân, theo một cách khá buồn cười:
"Cậu tên là Ngân đúng không nhỉ? Tớ chưa nhớ tên mọi người trong lớp lắm!"
Đó là những ngày cuối năm lớp 10. Ngân nhìn nó, gật đầu:
"Ừ, học cả năm rồi giờ mới hỏi tên nhau à?"
Phong chép miệng:
"À, tớ hỏi cho chắc thôi. Mà tớ nhận ra một cái rất buồn cười nhé..."
"Cái gì đó?"
"Lúc nào đi học cậu cũng đến ngay sau tớ nhỉ? Tớ cứ dắt xe vào xong là thấy cậu tới!"
Ngân nhăn mặt:
"Vớ vẩn!"
Phong cười hì hì rồi bỏ đi mất. Đó cũng là những điều duy nhất nó ấn tượng về Ngân, một người bạn cùng lớp mà suốt bấy lâu nó chưa từng trò chuyện.
Ấy thế nhưng, đến một ngày, nó lại có những suy nghĩ kì lạ.
Hôm ấy là tiết 5 ngày thứ sáu, họp lớp. Như thường lệ, giờ họp lớp là thời gian mà cô Hạnh cầm lấy quyển sổ đầu bài, nhăn mặt, lắc đầu, ngán ngẩm đếm những lỗi vi phạm trong tuần. Lớp 12A2 mặc dù cũng là một lớp chọn trong khối, nhưng không có nghĩa là chúng không vi phạm linh tinh. Ít thì hai ba lượt, nhiều thì đến năm sáu đứa phải vô sổ đầu bài ngồi vì đủ mọi lí do khác nhau. Nào là nói chuyện riêng trong giờ học, quên vở, không làm bài về nhà, kiểm tra miệng điểm kém, hay cả đống những lí do trời ơi đất hỡi mà nhất thời không thể kể hết ra được.
Phong tất nhiên cũng là đứa thường xuyên phải vô cuốn sổ "hắc ám" đó không ít lần. Nó vốn dĩ là một đứa lắm mồm, lại lười biếng có số có má, không phải vì nói chuyện trong giờ thì cũng là quên làm bài tập về nhà (nhớ cũng không làm), quên mang vở (dù vở vẫn ở trong cặp), hay những trò nghịch ngợm quái đản của lũ học sinh vẫn thường hay làm. Điển hình là hồi lớp 10, trong giờ toán của cô Hiên, nó còn ngang nhiên cầm lược trải tóc cho cái Hoàng Hà ngồi ngay phía trước. Hồi đó, nó có cảm tình với cô bạn này, thế nên nó nghĩ ra đủ trò trêu chọc nhằm gây sự chú ý. Oái oăm thay, Hoàng Hà chú ý, thì cô Hiên ngồi lù lù phía bàn giáo viên không thể không biết gì được. Là một giáo viên nghiêm khắc nhưng cũng không kém phần vui tính, cô ngay lập tức cho Phong "ngồi" trong sổ đầu bài, kèm theo chú thích:
"Đức Phong chải tóc cho Hoàng Hà trong giờ!"
Phong đã từng rất thích Hoàng Hà. Đó là một cô bạn vui tính, nhanh nhẹn, hoạt ngôn và rất thân thiện. Nhưng mọi thứ đã kết thúc từ lâu, khi Phong chợt nhận ra rằng nó không thể thích một người chỉ vì người ấy vui tính và hoạt bát được. Nó thích cái cách mà người ta thân thiện với nó, nhưng rồi nó cũng nhận ra người ta còn thân thiện với tất cả những người khác nữa. Thế nên, đối với nó, Hoàng Hà hợp làm bạn hơn cả; Một phần cũng bởi sau đợt vào sổ đầu bài vì "chải tóc cho nhau", tình cảm của hai đứa, vốn dĩ còn chưa kịp nảy mầm nay đã mẻ mất một mảnh.
Ngoài cửa sổ, sân trường ngập nắng. Phong ngồi lơ đãng ngó những chiếc xe đạp vụt qua của đám học sinh được về sớm, lòng lại mong tan nhanh tiết sinh hoạt khô khan này. Cô Hạnh ngồi phía bàn giáo viên, vẫn như hàng tuần, đưa tay rà cuốn sổ đầu bài màu trắng. Tuần này, may mắn sao lớp lại không có biến động gì. Phong còn được sẵn một điểm chín môn giáo dục công dân, nên nó lại càng dương dương tự đắc. Đúng vậy, không những thế nó lại còn rất ra vẻ. Nó ngồi gác đầu gối vào ngăn bàn, rồi chán quá không biết làm gì, nó lại mở cặp lấy sách vở ra, gật gù nhìn ngó hai ba chữ rồi lại cất vào, ý là để thể hiện rằng ta đây đang xem lại bài tập về nhà rồi lát nữa làm luôn đấy, thật xứng đáng là tấm gương chăm chỉ cho mọi người học tập.
Cô Hạnh tất nhiên không nhìn thấy, và cô cũng chẳng thèm để ý đến "lớp phó văn thể mĩ" làm gì. Một tuần trôi qua mà "lớp phó" không để trừ điểm thi đua nào là cô đã mừng lắm lắm, huống gì tới việc làm tấm gương cho mọi người học tập? Cô đẩy cặp kính trên mắt, kí tên và đánh giá tổng quan cho lớp vào cuối trang, cảm thấy hài lòng vì tuần này không phải "giảng đạo" cho đám học sinh nghe nữa. Cô thông báo những việc cần làm cho tuần tới, rồi lại ngồi tổng hợp sổ sách, mặc cho những tiếng rì rầm nói chuyện đã nổi lên mỗi lúc một lớn dần. Bỗng chợt nhớ ra điều gì, cô nhịp nhịp cây thước sắt xuống bàn, thông báo:
"Những em nào gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì báo lại với cô để nhà trường lập danh sách gửi tặng quà Tết nhé!"
Phong nghe thế, quay sang ngó nghiêng khắp lớp. Nó là một đứa khá hiếu kì. Sinh ra và lớn lên cách trung tâm thủ đô hơn chục cây số, lại có bố mẹ làm công ăn lương với mức sống ổn định, nó rất tò mò không biết người có hoàn cảnh khó khăn là như thế nào, nhất là nếu người đó còn học chung lớp với mình nữa. Phân biệt những đứa con nhà khá giả thì rất dễ dàng: Chúng luôn dư giả tiền tiêu vặt, tay cầm điện thoại hàng hiệu bấm bấm suốt ngày, con gái thì son phấn lòe loẹt nổi bật,... Còn nhận biết những bạn có hoàn cảnh khó khăn thì lại là câu chuyện khác, vì khi khoác lên người tấm áo đồng phục, mọi học sinh dù ở tầng lớp nào bỗng trở nên vô cùng thanh lịch và bình đẳng.
Ngó nghiêng một hồi, Phong vẫn không đoán được trong lớp có ai có gia cảnh khó khăn hay không. Tự cảm thấy nếu chỉ nhìn thì có đến hết giờ cũng bó tay, nó quyết định dỏng tai lên nghe ngóng. Đâu đó có tiếng xì xào ở những vị trí cuối lớp:
"Ngân kìa!"
Nó liền nhướn mắt tìm xem Ngân ngồi chỗ nào, thấy cô bạn đang nhăn mặt lắc đầu nguầy nguậy. Cái tên ấy phát ra khiến nó thật sự tò mò. Mặc dù có thể bình thường, Ngân là một đứa khá trầm tính và giản dị, nhưng nó không nghĩ rằng trong lớp lại có người thật sự khó khăn mà nó không hề hay biết. Cuối buổi hôm đó, khi tiếng trống tan trường vừa tan lên, Phong nhảy tót lên chiếc xe đạp "chiến mã"' màu xanh dương của mình, lén lút đi theo sau xe Ngân về để hóng hớt tình hình.
Ngân đi đằng trước, nó chỉ dám đi cách xa phía sau một quãng. Nó sợ rằng nếu Ngân phát hiện ra nó, trông nó sẽ rất giống một thằng biến thái. Ngày trước, đã có lần nó đi theo người khác về nhà rồi, nhưng đó là những năm còn học cấp hai. Lên cấp ba, con người ta chưa lớn hẳn, nhưng cũng không còn là trẻ con nữa. Vả lại, nó còn là lớp phó, dẫu chỉ là lớp phó văn nghệ. Lớp phó mà phải theo đuôi "dân thường" lẽo đẽo về nhà, coi bộ có vẻ mất mặt quá xá. Đến mãi sau sau này có dịp nhớ lại, thực ra nó hoàn toàn có thể đi lên bắt chuyện và cùng đi với Ngân, chứ không nhất thiết phải lén lút như vậy. Tất nhiên, đó là chuyện của sau này, khi mà nó trưởng thành hơn, và bớt trẻ con hơn bây giờ một chút.
Đường về nhà Ngân xa lắc, chắc phải xa hơn cả từ nhà nó đến trường, dẫu cho mỗi ngày nó phải gồng mình cùng thằng Nam đạp xe ngót nghét gần ba cây số. Ngân quẹo trái, nó cũng quẹo trái. Ngân quẹo phải, nó cũng hăm hở đảo tay lái theo. Sau một vài lần như thế, nó chợt nhận ra người đi phía trước là con bé lạ hoắc lạ huơ nào chứ chả phải cô bạn cùng lớp nữa. Nó đứng chống nạnh nhìn mấy ngôi nhà đang xây xung quanh, chép miệng xác nhận: "Mình đã bị lạc!"
Phong quay xe về nhà, rất may là mò mẫm một hồi nó cũng quay trở lại con đường quen thuộc. Nhận thấy việc đi theo một người để tìm nhà người đó có vẻ không khả thi, nó liền lân la dò hỏi bạn bè ở cùng xã với Ngân để dễ bề hành động. Hăng hái là thế nhưng đến lúc tìm được nhà Ngân, nó lại thấy thất vọng tràn trề: Mặc dù nhà Ngân cũng được tính là làm nông, nhìn qua khá giống những ngôi nhà mà nó hay nhìn thấy khi về quê, nhưng xét lại, ngôi nhà ấy có sân rộng, nhà cũng phải hai ba tầng. Dẫu không biết "gia đình khó khăn" là như thế nào, nó vẫn có thể chắn chắn rằng tiêu chí để trở thành "gia đình khó khăn" không thể có mục nhà cao cửa rộng được. Bao nhiêu công sức tìm hiểu bấy lâu cuối cùng lại trở thành công cốc.
À, nói công cốc thì không hẳn. Sau đợt đó, có lẽ vì tìm hiểu quá nhiều, nó đã thích luôn Ngân từ bao giờ không biết.
Và đến tận bây giờ, nó vẫn thích cô bạn ấy như vậy.
Một giọng nói cất lên, khiến Phong bừng tỉnh khỏi những suy nghĩ vẩn vơ:
"Chọn được món nào chưa?"
Trước mặt Phong là một tủ kính bày toàn những đồ lưu niệm xinh xắn. Chị chủ quán bước tới bên nó, gợi ý:
"Định mua quà tặng bạn à? Bạn trai hay bạn gái?"
Phong ấp úng:
"Bạn... nữ ạ! Chỉ là... kiểu bạn bè bình thường thôi chị!"
Chị chủ quán phì cười:
"Thì chị có bảo gì đâu. Bạn nữ thì em xem thử gấu bông này. Nếu chưa nghĩ ra nên tặng gì thì tặng mấy món này là hợp lý nhất!"
Nhưng Phong đã tìm thấy một món đồ ưng ý. Nó chỉ qua lớp kính tủ trưng bày:
"Chị lấy em xem cái đó được không?"
Đó là một khối thủy tinh trong suốt, bên trong là hình một bông hoa hồng màu trắng. Chị chủ quán vừa mở tủ kính ra, vừa gật gù:
"Cái này cũng được này, để chị cắm điện cho nó chạy nhé!"
Khối thủy tinh ấy thực chất là một chiếc đèn trang trí. Khi đặt trên cái bệ bằng nhựa đi kèm rồi cắm điện, ánh sáng lấp lánh truyền qua thủy tinh khiến cho bông hoa ở giữa lung linh tỏa sáng. Phong rất ưng ý với món quà này, nhất là khi tên tài khoản mạng xã hội của Ngân là "Hoa hồng gai", vừa hay lại rất trùng hợp với bông hồng màu trắng đẹp đẽ kia. Nó nhanh chóng thanh toán rồi nhờ chị chủ gói hộ thật đẹp đẽ, không quên bỏ thêm một tấm thiệp nhỏ nhắn vào trong. Đoạn, nó nhét món quà vào cặp, vui vẻ đạp xe về nhà.
Món quà đó chính là món quà sinh nhật mà Phong đã dày công nghĩ ngợi suốt mấy ngày nay, lân la khắp các quán văn phòng phẩm trong huyện. Ngày sinh nhật của Ngân cách nó chỉ đúng một tuần. Nó sinh ngày mười lăm tháng tám. Cộng thêm bảy ngày nữa, ngày hai mươi hai tháng tám chính là sinh nhật của Ngân.
Hai mươi hai tháng tám rơi vào đúng thứ hai, trùng hợp thay, lại chính là ngày mà lớp 12A2 sắp xếp lại chỗ ngồi.
Phong nôn nao từ tận tối hôm trước. Nó lật đật kiểm tra lại gói quà, sắp sẵn sách vở rồi cất hết vào cặp, cố gắng để gọn gàng và ngăn nắp nhất có thể để tránh gói quà bị móp méo. Có quà rồi, nó lại trằn trọc trên giường nghĩ xem ngày mai sẽ tặng thế nào. Nó hơi ngại nếu phải đưa trực tiếp. Nó biết Ngân cũng sẽ ngại như vậy. Có lẽ ngày mai, nó sẽ lựa giờ ra chơi hoặc tiết thể dục rồi lén đặt dưới gầm bàn cậu ấy. Ừ, có lẽ như vậy sẽ là hợp lý nhất.
Chẳng những nghĩ về Ngân, Phong còn nghĩ xem ngày mai sẽ lựa chọn chỗ ngồi nào cho hợp lý. Bàn một và hai thì có vẻ hơi gần bàn giáo viên quá, còn những bàn cuối lớp thì có vẻ không ổn. Mắt nó cận khá nặng, gần tám đi-ốp, chưa kể tới việc ngồi phía dưới thì gần như chỉ ngồi chơi tán phét là chính chứ chả học hành được gì. Nó quyết định sẽ ngồi bàn ba, dãy trong cùng đối mặt phía bàn giáo viên, bởi vị trí đó cực kì thuận lợi để quay cóp nếu cần. Sáng mai nó sẽ đến thật sớm để chiếm chỗ. Gì chứ riêng việc này, chỉ cần ko qua nhà thằng Nam, nó thừa sức làm được.
Một đêm khó ngủ. Và rồi ngày trọng đại cũng đến.
Một ngày mưa tầm tã. Phong dậy từ lúc sáu giờ, đánh răng, rửa mặt rồi ăn mặc thật tươm tất. Nó sơ vin quần áo gọn gàng, thắt cái ca vát màu tím than lên cổ. Trường Ngọc Hồi mới có quy định về đồng phục của học sinh: Học sinh nam thắt ca vát, học sinh nữ thắt hình cái nơ. Phong thấy không thoải mái với cái vụ thắt ca vát này, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, trông cũng chẳng khác gì hồi còn học cấp hai phải đeo khăn quàng đỏ cho lắm. Hơn nữa, nó hoàn toàn có thể tháo ra sau giờ học, vả lại khi đeo lên cổ, tổng quan trông cũng không đến nỗi xấu lắm.
Phong mặc áo mưa, phi xe đến trường. Sấm chớp ầm ầm như thể một cơn bão. Nó phóng vụt qua ngõ vào nhà thằng Nam, chẳng là hôm qua nó đã nhắn thằng này sẽ đi trước để chiếm chỗ tốt. Bây giờ mới có sáu giờ mười lăm. Bình thường, bảy giờ năm phút trường mới bắt đầu đóng cửa điểm danh sáng. Trời hôm nay còn mưa to, nó dám chắc rằng sẽ chẳng có mấy ai đến lớp sớm chỉ để tranh chỗ ngồi như nó cả.
Mưa mỗi lúc một nặng hạt hơn và chưa có dấu hiệu sẽ dừng lại.
Đúng như nó đoán, khi đến nơi, lớp mới chỉ có vài ba đứa. Phần lớn chúng đều là những đứa muốn chọn ví trí cuối lớp để dễ bề làm việc riêng mà không bị ai dòm ngó tới. Phong giũ mạnh cái áo mưa rồi vắt bên ngoài hành lang, hiên ngang tiến vào bàn thứ ba bên trong cùng như đã định. Đoạn, nó ngồi chống cằm chờ đợi, chuẩn bị cho tiết thể dục, tiết thứ ba của hôm nay, để bí mật tặng quà cho "người trong mộng".
Trong đầu Phong giờ chỉ toàn những suy nghĩ về việc lát mình sẽ lén lút tặng quà như thế nào. Nếu thật sự để ý xung quanh, nó sẽ nhìn thấy một vài điều kì lạ khác với thường ngày. Những điều mà nếu nhận ra, rất có lẽ nó sẽ tạm dừng việc quà cáp lại và đứng dậy đi kiểm tra một chút.
Thế nhưng, nó không hề để ý nhiều như thế.
Ngân bước vào. Vẫn là dáng người nhỏ nhắn, nước da ngăm ngăm, mái tóc được cột túm phía sau còn nụ cười thì lúc nào cũng lộ ra hai chiếc răng khểnh. Ấy là Phong đang mơ mộng như thế, còn Ngân chẳng hề cười lấy một cái từ lúc vào lớp. Sau khi nhìn ngó một lúc, Ngân chủ động bước tới bàn thứ năm, dãy ngay cạnh Phong, ngồi xuống và lôi sách vở ra xếp sẵn trên bàn, đúng phong thái của một học sinh chăm chỉ. Đáng nhẽ vào ngày sinh nhật, người ta sẽ tiến tới chúc mừng và tặng quà, đúng ra là phải như vậy. Nhưng Phong vẫn ngồi im ở đó, ngoái lại nhìn cô bạn phía sau, nó trước giờ vẫn chỉ hành động y như vậy. Ngay cả trong hôm nay, việc đi tới và bắt chuyện một cách tử tế, đối với nó cũng có vẻ khó khăn quá xá.
Kế hoạch tặng quà của Phong diễn ra thật sự rất hoàn hảo. Sau tiết thể dục, Ngân về lớp và ngẩn ngơ khi thấy có một món quà đã đặt dưới ngăn bàn mình từ lúc nào. Nó hướng mắt tìm Phong nhưng tất nhiên là thằng này không còn ở trong lớp nữa. Hết cách, nó đành bỏ gói quà vào trong cặp, cũng không nỡ trả lại, phần vì nó cũng không muốn đối phương phải mất mặt chỉ vì đã cất công tặng quà sinh nhật cho nó.
Tuy nhiên, lớp 12A2 có tận ba mươi chín đứa. Ngân không muốn mọi chuyện lằng nhằng, không có nghĩa là những đứa khác lại không nổi cơn hóng hớt.
My là bạn học cùng từ hồi cấp hai của Phong. Đó là một đứa con gái cao ráo, tính tình có phần hơi lập dị một chút, nhưng lại rất tốt và luôn quan tâm tới bạn bè. Phong đang ngồi ở chân cầu thang cạnh phòng y tế, đã thấy My chạy đến, mặt hớn hở:
"Này, món quà kia là cậu tặng đúng không?"
Phong nhún vai, nó biết thừa rằng có chối cũng vô ích:
"Ừ, dễ đoán quá hả?"
Bỗng My đập nó một cái vào tay đau điếng:
"Cậu bị dở hơi à? Sao không tự tặng cho đàng hoàng mà phải lén lén lút lút thế?"
"Thì miễn cậu ấy nhận là được rồi mà."
My khuơ tay loạn xạ:
"Cậu phải tự mình tặng cho ý nghĩa chứ. Ai lại làm thế bao giờ!"
Phong chép miệng:
"Kệ tớ đi, cậu không cần phải lo!"
Đoạn, nó quay người bỏ đi mất, bỏ mặc cô bạn lâu năm ở phía sau. Nó không muốn đôi co quá nhiều với cô bạn này. Đúng một tuần trước, chính My là người duy nhất đã tặng quà sinh nhật cho nó: Một cuốn truyện hay ho của một nhà văn mà nó thích. Nó rảo bước đi loanh quanh trên hành lang, đảo vài vòng rồi quay trở lại lớp. Tất nhiên, để tránh ánh mắt của Ngân, nó không trở lại chỗ ngồi của mình ngay. Nó xà vào bàn đầu tiên của dãy thứ ba tính từ bàn giáo viên ra ngoài cửa lớp, hạ giọng năn nỉ với cô bạn đang ngồi đó:
"Ê Gấu, cho tớ mượn điện thoại đê!"
Gấu là một trong những người bạn đầu tiên Phong quen kể từ khi lên cấp ba. Thực chất tên cô bạn này là Yến, do có cá tính khá thú vị, Phong đã đặt biệt danh cho cô bạn này. Gấu ở đây trong từ "đầu gấu", cũng được hiểu rộng ra theo nghĩa là con gấu, mặc dù Yến khá gầy và hiền lành, dù là con gấu hay đầu gấu đều không được hợp lý cho lắm.
Yến đang cặm cụi vẽ một con mắt trên giấy. Nó liếc nhìn thằng này, hờ hững:
"Để làm giề? Lại chụp ảnh Ngân à?"
"Đúng là có mỗi Gấu hiểu tớ."
Phong cười hì hì xác nhận. Yến đẩy chiếc điện thoại màu đỏ của nó sang, không thắc mắc thêm gì nhiều, tiếp tục quay lại với công việc "họa sĩ" của mình. Phong đạt được mục đích, nó hí hửng cầm lấy điện thoại Yến đưa cho, mở máy ảnh, bắt đầu chụp lại những khoảnh khắc mà nó cho là đẹp nhất. Nó thích nhất là bức ảnh Ngân ngồi chăm chú đọc lại bài cũ, khuôn mặt có nét đượm buồn. Vẻ mặt ấy, ánh mắt ấy, theo ý của nó mà nói, là không thể tìm thấy ở người nào khác được.
Tiếng trống vào lớp vang lên. Phong đưa lại điện thoại cho Yến, cẩn thận dặn:
"Có gì lát gửi ảnh qua cho tớ nhé!"
Yến gật gù:
"Ờ, biết thế!"
Cuối ngày hôm đó, Phong nhanh chóng chạy xuống nhà xe rồi phi thẳng về nhà, không để cho ai có cơ hội bắt chuyện. Nó sợ rằng Ngân sẽ đáp thẳng món quà vào mặt nó, kiểu như ta đây cóc cần quà cáp của nhà ngươi, ôm về đi cho đỡ chật túi. Hoặc nó cũng sợ Ngân sẽ vứt luôn món quà của nó đi, nếu thật sự như vậy, nó cũng không muốn nhìn thấy cảnh tượng đau lòng ấy. Hoặc cũng có thể nó đang lo xa, rằng một người hiền lành như Ngân, khả năng vứt đi hay trả lại nó món quà sinh nhật dường như là rất thấp. Nó chỉ không muốn cả hai phải ngại ngùng thêm điều gì nữa. Nó nhắm mắt nhắm mũi đạp xe thật nhanh hết cỡ, chỉ cần qua ngày hôm nay, sang ngày mai mọi thứ sẽ lại bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra cả.
Đấy là nó mong muốn như thế. Nó không hề biết rằng, bầu trời hửng nắng vào đúng tiết thể dục hôm nay, đều là sự sắp đặt từ trước. Nó cũng không hề biết rằng, khi nó lén lút để món quà xuống dưới ngăn bàn, đã có một người theo dõi nó từ xa, rồi lén bước vào lớp 12A2 ngay khi nó vừa mới rời khỏi.
Ai đó, đã tới...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro