Đọc
Cửa hàng gần trường tôi dạo đấy có một người phụ nữ tầm ba, bốn chục tuổi. Người ta đến cửa hàng thường là để bỏ ra vài cắc mua một ly cà phê để nhâm nhi, mua một cái bánh viên kẹo để thưởng thức. Lũ học sinh, sinh viên như chúng tôi thì đến đấy chủ yếu để túm năm tụm bảy chơi bời. Còn bà cô ấy, chẳng ai biết vì sao bà ghé qua, và cũng chẳng biết bà từ đâu đến. Chỉ là mọi người biết bà ấy không bình thường. Tay cầm ly cà phê của cửa hàng, bà nhởn nhơ đi hết chỗ này đến chỗ kia trong cửa hàng, ra ngoài lại vào trong, ngồi ghế rồi đứng dậy. Lúc thì cười một mình, cứ một khắc là cười sảng khoái, như đang đọc truyện cười hay đang coi một vở hài kịch. Lúc thì nói chuyện với người ta, như cái kiểu đã quen biết đời đời kiếp kiếp. Nào là:
- Anh Năm ấy hả? Anh buôn bán dạo này thế nào?
- Ơ... Cũng được đó chị.
- Có gì mai mốt anh ghé qua nhà tui nhé. Rồi mình ngồi xơi bánh uống nước nhé...
Hay là
- Này chị Sáu, con cái chị sao rồi?
- Ơ thì... Làm ăn cũng khấm khá, được vài xu bỏ túi ấy mà.
- Mong thằng nhỏ nó về thăm chị, chứ nó lên thành phố mấy tháng rồi, coi chừng ở mình cô độc thì sao?
Vân vân...
Tôi cũng chả biết "ông Năm" đó có tên Năm không, và bà đó có phải tên là Sáu (Vì ở đoạn hội thoại với "chị Sáu", bà ấy nói với chính mình ở trong gương treo trên tường, thỉnh thoảng khều khều cái mép gương như khều khều thân mật với ai đó). Như thế liên tục, tôi chỉ sợ có lúc tôi sẽ thành "ông Năm", hay ông Ba, ông Bốn gì đó. Mà thôi, con người khốn nạn ấy liệu sẽ làm gì nữa, nếu ngày qua ngày cứ bước chân đến cái cửa hàng ồn ào này?
Thật đáng sợ!
*
* *
- Này cậu bé ơi, trầm ngâm gì vậy con?
Tôi giật mình, quay lại đằng sau, hóa ra một bác trung niên đã ngồi ở ghế bên cạnh, bác gọi tôi để hỏi mật khẩu wifi của cửa hàng.
- Con đang trầm ngâm gì vậy?
- Dạ thưa bác, số là... người phụ nữ đó đó, người phụ nữ lôi thôi lết từ chỗ nọ đến chỗ kia, chẳng biết bác có chút gì gọi là thông tin về con người đó không?
- Đó là một người phụ nữ tội nghiệp cậu bé à. Mà bả ở đây mấy tháng rồi, kể từ khi bả ấy gặp tai nạn để rồi mắc bệnh tâm thần như thế.
Chuyện là như vầy, nghe đâu khoảng độ năm năm về trước, lúc này bả mới lên thành phố theo chồng. Hình như bả ở Long An, ở Cần Thơ hay sao, chỉ biết là gia đình bả nghèo lắm. Hôm nọ, có một thằng đi từ đây về tỉnh, cũng là về tỉnh, thấy bà này bả đẹp, nó mới ưng, nó đòi mẹ chồng nó sắm sanh lễ vật về hỏi, còn hứa sẽ cho bả một số tiền hồi môn cao, để rồi nhà gái đồng ý. Cưới xong được mấy tháng, nó dắt vợ nó lên thành phố.
Bỏ mẹ cái cuộc đời, cứ tưởng gã này nó cưới vợ về xong nó chăm lo vợ. Vậy mà ba năm trời, nó sống trong cái nhà đó còn tệ hơn sống trong cái địa ngục. Mẹ chồng nó, bị điên hay bị cái gì đó, cứ rầy nó hoài. Nấu cơm không ngon: chửi; Nhà chưa kịp quét: chửi nữa; Đi chợ trưa mới về: cũng chửi. Nói chung cái gì không ưng bả, là bả chửi. Đến cả cái thằng chồng chó chết nó chả biết gì, nó cũng bênh mẹ nó khăng khăng, thế là người phụ nữ này cứ gánh lời này cho tới tiếng nọ, này thì "Thứ liu điu mèo mả gà đồng", rồi thì "Giống nhà quê mạt hạng". Chưa đâu con à, con nhìn sau bắp chân với cánh tay bà ta đi, chi chít là sẹo. Bị con mụ mẹ chồng với thằng chồng ác ôn nó đánh không thương tiếc, mần thế sao mà sống...
Chuyện đến đây mới đau hơn nè - bác ấy ngập ngừng một chút, rồi nói tiếp, lần đó nó có thai, cả gia đình nửa mừng nửa lo. Mà mừng với lo gì cũng rủa. Rằng phải sanh một đứa con trai để nối dõi tông đường, rằng phải cho đứa con nó tròn nó vuông. Ừ thì ai chả muốn mẹ tròn con vuông? Vậy mà ông trời ổng không tha. Khi chọc nước ối, mấy cha bác sĩ mới bảo thai có dị tật, ôi thôi con biết chuyện gì xảy ra không? Mẹ chồng với thằng chồng, cái lũ súc sinh ấy, đè ra đánh đập, rồi rủa lên rủa xuống cho bà con nghe, rồi xách va li, đồ đạc của con dâu ném ra ngoài, đuổi đi không thương tiếc. Còn bảo con rằng: "Bay về tao cưới bay vài ba con khác, chưa chấp cái con mèo mả gà đồng này làm chi cho nó tốn cơm".
Và người phụ nữ này khổ lắm. Học hành tới lớp 4 phải bỏ dở, giờ lê lết ăn xin kiếm sống. Ba năm lấy chồng, chỉ vì bị hành hạ trối chết, mà nhan sắc lại tàn tạ như một bà sắp hết tuổi trung niên, xanh xao mà gầy gò ốm yếu. Vầy mà trời như đui không có mắt. Một ngày nọ, cái thai đã to, bả đi một cách nặng nề, đôi chân khập khiễng băng qua đường cái. Tự nhiên một cái xe hơi đi qua, đâm bà một trận, cả thân thể té lăn, đầu đập xuống đất! Vậy là mất cả đứa nhỏ, rồi mất cả nhận thức!
Con thấy đấy, từ nhà quê lên có biết mẹ gì nơi thành thị đâu, té ra giờ sống không bằng chết, cứ ai ai cũng nhận là người quen, cũng thăm hỏi. Ai cũng thương bả, cứ giả bộ đã quen biết lâu rồi, và nói chuyện với bả như vậy. Vả lại bác đến đây cũng nhiều hôm, thấy bả ở đây không làm tổn thương tổn hại gì, nên không cần lo lắng đâu cậu bé ạ...
*
* *
Tôi mỗi lần ghé qua đây, và cứ thấy bà ấy cầm ly cà phê đi qua đi lại. Tôi vẫn không biết từ đâu bà có tiền để uống cà phê thường xuyên như vậy. Cho đến một hôm, tôi thấy cô lao công trong cửa hàng bỏ tiền ra mua cà phê cho bà, rồi còn chút gì cứ cho bà ấy hết. Tôi mới hỏi cô:
- Cô ơi, hình như cô mua cà phê cho người phụ nữ ấy thường xuyên ạ?
- Có sao đâu con, mình cho đi một chút không có gì là đáng tiếc nuối cả.
- Con thì thấy bình thường, chỉ lo làm nghề lao công này việc nhiều mà tiền ít, lương sợ không bao nhiêu, chẳng lẽ cô lại không giữ cho mình sao?
- Cái thằng nhỏ này - cô lao công khẽ đầu tôi rồi nói tiếp - đúng là nghề của cô lương ít thật. Nhưng đời mình như chiếc lá, đã cho đi không dám nhận lại riêng mình, thì tiền nong có còn là vấn đề nữa đâu? Dù sao cô vẫn có việc làm, có lương ăn, là hạnh phúc hơn khối người trên thế gian rồi. Huống chi bà ấy không nhà, không cửa, không việc làm, lại còn mất cả nhận thức, không phải họ đáng thương lắm sao? Cho đi không mong nhận lại, chỉ để nhận lại chút thanh thản và bình yên trong tâm hồn.
Khi những người bạn tôi bước vào trong cửa hàng, tôi vẫn luôn cảnh báo trước:
- Mày ơi, trong này có người phụ nữ hơi không bình thường, mà mày cũng chớ lo lắng nhé, bà ấy không làm gì quá đáng đâu.
- Ờ tao biết, tao vừa thấy bả ở đây nè. Mà mày yên tâm đi, dù sao những người điên họ cũng là người, ai cũng có thế giới của riêng mình. Chỉ là mình sống được với thế giới bên ngoài, còn họ không thể sống với thế giới chung, đành phải tự giam mình trong thế giới riêng ấy thôi!
Cả xã hội này (dưới ánh mắt phiếm diện của tôi) thông cảm cho người phụ nữ này.
Cả cửa hàng, người mua hay người bán, người làm hay người ngồi ăn, đều thông cảm chi bà ấy.
Và tôi, tôi cũng thông cảm cho bà. Tôi mỗi khi đứng trước bà, cũng cúi chào như những người lớn khác, như những người bình khác, đó là một phép lịch sự tối thiểu tôi cảm thấy tôi cần...
*
* *
Một buổi trưa nọ, khi tôi chạy xe qua cửa hàng, tôi vẫn thấy bà ấy. Bà ấy vẫn dửng dưng không biết gì, cứ đi đi lại lại, bước vào cửa hàng rồi lại bước ra, lại kêu í ới người chạy xe gắn máy qua đường, rồi bước xuống lòng đường một cách thiểu cẩn trọng.
Và cái giá của sự thiếu cẩn trọng ấy là một tấn bi kịch. Một chiếc xe tải chạy ngang qua, vì chạy quá nhanh nên khó thắng lại một cách nhanh chóng khi cần thiết. Rồi tệ hơn, khi tài xế nhìn thấy người phụ nữ này, hắn cố thắng, nhưng không kịp...
Người đàn bà ấy ngã sõng soài, đầu đập xuống đất. Máu chảy liên tục...
Đường trưa ấy vì xe quá đông, nên phải mấy chục phút sau xe cấp cứu mới đến đưa bà đi. Vài người khách hàng của của hàng quen biết bà này lên xe chạy theo xe cấp cứu. Tôi cũng liền gióng xe chạy theo...
- Mọi người có phải người nhà, người quen của bệnh nhân không ạ? - bác sĩ bước ra ngoài phòng mổ, hỏi những người chạy theo xe cấp cứu đến bệnh viện.
Chúng tôi ngồi ở ghế ngoài phòng mổ, ai cũng nhìn nhau, không ai nói với ai một câu gì. Bên cạnh tôi, có ông bác nói chuyện với tôi ngày trước (Người ta gọi bác là ông Ba Móm, vì bác ấy hay móm miệng dù răng vẫn còn nhiều, mới rụng một hai cái trong hàm), có cô lao công, đối diện tôi có anh đứng bán hàng, có bác bảo vệ.
- Chỉ có sao không vậy bác sĩ? - bác Ba Móm hỏi.
- Bệnh nhân đang hấp hối, có lẽ cần được nói chuyện với mọi người một chút.
Chúng tôi vội vã vào trong phòng mổ. Người đàn bà nằm lặng lẽ trên giường bệnh, đầu băng bó...
- Mấy người... là ai...
- Cô không nhận ra bọn tui sao? - chị lao công nói, là những người ở trong cửa hàng mà chị hay ghé qua đấy?
- Sao tui... phải... ở đây?
- Cô vừa gặp tai nạn - bác Ba Móm nói, bọn tui đưa cô vô.
- Tui... cám ơn... mọi người... Tui nghĩ... tui sống đủ... Đời... khổ lắm... Tui... vĩnh biệt...
Người phụ nữ ấy nói, như thể đã nhận thức được trở lại, nói xong vài lời gan ruột, bà nhắm mắt xuôi tay, ra đi mãi mãi...
Tôi đứng lặng lẽ nhìn cơ thể người đàn bà lạnh ngắt, giọt nước mắt chảy trên khuôn mặt. Chẳng biết tôi khóc để tiếc thương, hay là để vui mừng. Tiếc thương cho người phụ nữ này cũng đúng, thương cho một người con gái ở quê vốn dĩ đần độn, theo chồng lên thành thị sống, rồi lạc lối, lưu lạc, và bây giờ chết đi sau một tai nạn bất ngờ. Vui mừng cho bà cũng đúng, có khi cái chết này đã giải thoát cho bà ra khỏi những nỗi khổ đau nơi trần tục, cho bà quên hết những cơn ác mộng mà bà đã gánh phải trong dĩ vãng. Và tôi cũng nhủ thầm, có lẽ khi bà điên sướng hơn khi bà tỉnh, như đứa bạn nói, để sống trong thế giới riêng của mình thay vì chịu khổ đau bởi thế giới bên ngoài rộng lớn. Có chăng Thượng đế đã cho bà ấy mất trí trong phần sau của cuộc đời, để bà khỏi phải chịu đựng thêm sự khổ đau, cay nghiệt, mà cái vòng trần này dành cho bà? Bà đã nhắm mắt, và ở nơi nào đó chắc bà ấy không phải bận tâm với khoảng thời gian mình mất đi nhận thức, bởi khi ấy bà cảm thấy hạnh phúc hơn là khi bà làm chủ được bản thân mình.
5/11/2019, Thanh Khương
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro