tiếp tục nhé
Có thể nói tư tưởng nghệ thuật của Gustave Flaubert đã được thể hiện tập trung trong tiểu thuyết Bà Bovary của ông. Và rõ ràng là trong sự nghiệp sáng tác của Flaubert, tiểu thuyết Bà Bovary chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng: một mặt nó là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng đầu tiên mà cũng là tác phẩm xuất sắc nhất trong toàn bộ tác phẩm của ông; mặt khác, Bà Bovary là một trong những đỉnh cao của nền tiểu thuyết Pháp mà cũng là của cả nền tiểu thuyết thế giới. Thế nhưng, để bước tới vị trí đó, tiểu thuyết Bà Bovary cũng như tác giả của nó đã phải trải qua một cơn sóng gió ngay từ lúc nó mới ra đời. Truyện kể nàng Emma Bovary, con một nông dân khá giả, lúc đi học chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết lãng mạn nên ước mơ một cuộc sống phóng khoáng, phong lưu. Nhưng rồi Emma lấy phải một anh chàng đần độn, ngốc nghếch, và nàng bị giam hãm vào cuộc sống tư sản chật hẹp, buồn tẻ, tầm thường nơi tỉnh nhỏ. Để đạt ước mơ, Emma không tránh khỏi đi vào con đường ngoại tình, rồi cuối cùng, vừa bị lừa gạt vừa mang công mắc nợ, nàng phải tự tử. Gustave Flaubert bắt đầu viết Bà Bovary vào năm 1851. Đến năm 1856 ông hoàn thành và cho đăng dần lên Tạp chí Paris, uỷ viên công tố đã tố cáo tiểu thuyết Bà Bovary là mang “màu sắc dâm dật” và xúc phạm tới luân lý công cộng và tôn giáo. Ông ta nói nhân vật Emma Bovary của tiểu thuyết đã “ca bài tụng ca ngoại tình”, “nàng thủ thỉ với Chúa những lời mơn trớn ngoại tình mà nàng nói với tình nhân”. Có điều đáng chú ý là chính ông ta cũng công nhận rằng tác phẩm đó là “một bức tranh tuyệt vời về mặt tài nghệ”, nhưng nó là “một bức tranh đáng phỉ nhổ về mặt luân lý…” , nhất là vì ở đó chẳng có lấy một mảnh khăn che mà là “tự nhiên trần truồng và sống sượng”, hơn nữa, “trong cuốn sách không có lấy một nhân vật nào có thể kết án được nàng… mà chỉ duy có một người có lý, ngự trị, chế ngự: người đó là Emma Bovary”. Trả lời uỷ viên công tố và để bênh vực tác phẩm và tác giả, luật sư bào chữa, trong nhiều ý kiến, đã nhấn mạnh một điều là tác phẩm “cổ vũ đạo đức” bằng cách gây mối “kinh sợ vì thói hư”, và ở đây, ngoại tình chỉ là một chuỗi những đau khổ, ăn năn, hối hận, rồi đi tới một hình phạt cuối cùng kinh khủng… “Hình phạt thật bất ngờ, và chính là ở chỗ đó mà cuốn sách rất mực đạo đức và bổ ích…” Rút cục, vụ án có một không hai đó đã gây nên một tiếng vang lớn trong dư luận đương thời, và, mặc dầu toà án vẫn kết luận tác phẩm “có hại cho luân lý xã hội”, bản thân tác giả lại được tuyên bố vô can… Tại sao lại như vậy? Là vì, xét cho cùng, trong vụ án này, cả toà án và uỷ viên công tố lẫn luật sư bào chữa, tuy trong lời lẽ của họ đều có những chỗ đúng về mặt khác nhưng cả hai bên, họ đều – cố ý hay vô tình? – không đi vào thực tế của vấn đề. Thực chất của vấn đề là gì? Nếu không phải là cái điều căn bản mà toà án tư sản không thể nói ra mà không kết án ngay bản thân cái trật tự tư sản, và cũng chính vì thế mà nó rất đỗi căm thù kẻ nào dám nói ra điều đó, nghĩa là nó căm thù Gustave Flaubert. Cái điều căn bản đó là bộ mặt thối nát và hèn hạ của xã hội tư sản, chính nó đã đẻ ra Emma Bovary, chính nó là nguồn gốc của mọi tội lỗi của nàng, và nàng chỉ là một nạn nhân đáng thương của nó. Mà cũng chẳng phải chỉ là chuyện cá nhân Emma Bovary, nàng chỉ là điển hình nổi bật của cả một lớp phụ nữ trong cái xã hội tư sản Pháp đương thời, mà chính con mắt hiện thực của Flaubert đã nhận ra khi ông thốt lên: “Nàng Bovary tội nghiệp của tôi, trong giờ phút này đang đau khổ và khóc lóc ở hai mươi làng của nước Pháp!” Thậm chí cái tên riêng Bovary đã đi vào ngôn ngữ Pháp, đẻ ra danh từ chung bovarisme (chủ nghĩa Bovary)! * * * Chủ nghĩa Bovary là gì? Emma Bovary là người như thế nào? Và thái độ của Flaubert với nàng thật sự ra sao? Sự thật, Emma Bovary là nhân vật hai mặt, một mặt đáng thương và một mặt đáng chê trách, và thái độ của Flaubert đối với nàng cũng vì thế mà có hai mặt khác nhau. Trước hết, Emma Bovary là con người đáng thương, ở chỗ khi mà chung quanh nàng, trong cái xã hội tỉnh lẻ mốc meo và nhờ nhờ một màu xám, hầu hết mọi người đều tự dối mình và dối người khác, cam tâm sống một cuộc đời thấp hèn, nghèo nàn, ngột ngạt, thì chỉ duy có nàng là thành thực đã dám cưỡng lại nó, chống lại nó, phản kháng nó, – tất nhiên theo cách của nàng! – để vươn tới một cuộc sống rộng rãi, phong phú, đẹp đẽ hơn. Song, sống giữa cái xã hội tư sản giả dối sớm chịu sự giáo dục của nhà tu và chuyên môn đọc những tiểu thuyết lãng mạn, thử hỏi Emma Bovary có thể ước mơ được cái gì và ước mơ đó có thể thực hiện được hay không? Có lẽ cuộc đời chỉ cười với Emma Bovary có một lần, đó là cái lần nàng đi theo chồng được mời đến lâu đài của một hầu tước, ở đó nàng đã say sưa với cuộc khiêu vũ điên cuồng để rồi sau đó, trở về với cuộc sống thực tại, nàng còn giữ mãi dư âm như qua một cơn choáng váng sẽ không bao giờ trở lại nữa. Giấc mơ quá ngắn ngủi, mà mộng đẹp cũng quá tầm thường! Nhưng, chỉ thế cũng đã làm Emma Bovary cũng sẽ không bao giờ đạt tới. Thành ra cả cuộc đời nàng cũng chỉ là một cuộc đuổi theo, như một chiếc bóng, giấc mơ khoảng khắc, hão huyền. Song, nàng càng muốn vươn lên bùn nhơ của cuộc sống thì cái tầm thường càng siết chặt lấy nàng, nàng càng bị ngập sâu xuống bùn nhơ. Đó là tất cả tấn bi kịch của cuộc đời Emma Bovary! Có người, như luật sư bào chữa của Flaubert trước toà đã nói rằng, trong tiểu thuyết của ông, “Flaubert đã muốn mô tả người đàn bà không tìm cách thoả hiệp, trong điều kiện mà họ nhận được, với hoàn cảnh của mình, với gia thế của mình, không tìm cách thích nghi với cuộc sống thuộc về mình, mà lại bận tâm với hàng nghìn khát vọng xa lạ rút ra từ một nền giáo dục quá cao đối với mình”. Nói thế, phải chăng là trách Emma Bovary đã không an phận thủ thường, đã không bằng lòng với số phận của mình? Nói thế thì quả thật xa lạ với ý nghĩa của Flaubert. Bởi chính là Flaubert rất cảm thông, với mọi nỗi cựa quậy, giãy giụa của Emma Bovary để thoát ra khỏi cuộc sống nghẹt thở nó bao vây nàng, cuộc sống mà chính Flaubert nguyền rủa và vạch trần. Song, như vậy không có nghĩa là Flaubert không có chỗ trách cứ Emma Bovary, không nghiêm khắc với nàng. Như trong cái nghĩa vợ chồng, dù Flaubert có chế giễu anh chàng Charles Bovary tầm thường và ngốc nghếch là kẻ đầu tiên làm vỡ mộng Emma, rút cục, về lâu dài, Flaubert không phải không có chỗ xúc động, trước tình thương yêu dù vụng về, nhưng ân cần, chân thành, bền bỉ, cho đến sự tha thứ cuối cùng của anh đối với vợ, và, ở chỗ này, quả thật anh ta còn nhiều hơn kẻ khác xung quanh, và phải đâu Flaubert không có chỗ trách Emma mù quáng đến vô tình trước tình thương yêu đó để chạy theo những chuyện yêu đương phóng túng, thậm chí rơi vào cạm bẫy của một tên đê hèn đểu cáng như Rodolphe Boulanger! Hoặc như về cái tình mẹ con, phải đâu Flaubert không nghiêm trách Emma khi nàng chỉ biết quan tâm tìm đặt cho con gái một cái tên thơ mộng, mà rồi bỏ con sống vất vưởng để chạy theo dục vọng cá nhân của mình, thiếu hẳn tinh thần trách nhiệm đối với con! Đặc biệt, khi mô tả từng bước con người ưa lý tưởng hoá cuộc đời ấy càng ngày càng dấn mình sâu vào con đường hư hỏng đến trở thành dối trá đớn hèn, hay khi vẽ lên bức tranh chi tiết, tỉ mỉ cuộc tự tử bằng nhân ngôn đưa đến cái chết cực kỳ thê thảm, kinh khủng của Emma, chẳng nên thơ chút nào như những cái chết trong tiểu thuyết lãng mạn nàng đã từng đọc, thì phải đâu Flaubert không ngụ một lời răn nghiêm khắc hay chí ít là một nỗi mỉa mai cay đắng đối với nhân vật thân thiết của mình! * * * Emma Bovary hai mặt là như thế đấy. Song, với tất cả những sai lầm hư hỏng của nàng, nhân vật Emma Bovary vẫn vượt lên trên tất cả những nhân vật chủ yếu khác sống chung quanh nàng. Và chính đó là một sự thật mà kẻ đại diện cho trật tự tư sản trước toà án nhận rõ hơn ai hết khi ông ta khẳng định rằng “trong cuốn sách không có lấy một nhân vật nào có thể kết án được nàng” và chỉ có nàng là người duy nhất “có lý, ngự trị, chế ngự”. Những nhân vật chủ yếu sống chung quanh Emma Bovary đó là ai? Lẽ tất nhiên, trước hết là Charles Bovary, chồng nàng, anh chàng tầm thường và ngu ngốc đến thảm hại, mở đầu cho những thất vọng dẫn tới sự tan vỡ trong cuộc đời của Emma, cái anh chàng mà Flaubert vui đùa giễu cợt ngay từ những trang đầu cuốn sách nhưng đến khi kết thúc truyện, ông không khỏi có phần ngậm ngùi trước cái chết buồn thảm của anh ta. Vợ chồng Bovary chết đi, đứa con gái của họ phải đi làm thợ để kiếm sống, một gia đình tan vỡ, thế nhưng cái xã hội tư sản kia vẫn nhởn nhơ, – mà kìa tay dược sĩ Homais được tặng thưởng huân chương Bắc đẩu bội tinh. Cuốn tiểu thuyết của Flaubert kết thúc như thế đấy. Một sự mỉa mai sâu cay đến não ruột! Dược sĩ Homais là ai? Sự thật, anh ta chẳng phải kẻ trực tiếp làm hại cuộc đời của Emma Bovary, có lỗi chăng là anh ta đã sơ suất để cho Emma lấy trộm được nhân ngôn của anh ta mà tự tử. Thế mà anh ta lại có sáng kiến xây một đài tưởng nhớ ra trò trên phần mộ Emma cơ đấy. Sự thật, cái bộ ba trực tiếp làm nên tội đối với Emma, trước hết là hai gã tình nhân của nàng tính tình trái ngược, viên luật sư tập sự Léon Dupuis thì rụt rè, uỷ mị, hèn như Thúc sinh, gã địa chủ Rodolphe Boulanger thì ngổ ngáo, trắng trợn, đểu như Sở Khanh, sau đến người thứ ba, Lheureux, thì là một con buôn và cho vay lãi xảo quyệt và chỉ biết có đồng tiền, chính hắn ta lừa gạt Emma đưa nàng đến chỗ tự sát, thế mà, nghe tin nàng chết, hắn vẫn thốt lên: “Tội nghiệp cái bà ấy!”. Cả ba con người, nghề nghiệp khác nhau, tính tình khác nhau, nhưng cùng ngập mình trong cái ánh ngày nhờ xám của xã hội tư sản thảm hại. Song, điển hình cao nhất và trọn vẹn nhất của xã hội tư sản ấy lại là tay dược sĩ Homais, nhân vật bất hủ thể hiện đầy đủ cái tầm thường tự mãn đến lộn mửa, cái giả dối đê hèn đến vô sỉ. Hắn là một thứ nửa trí thức dốt nát mà lại tưởng mình uyên bác, sính nói khoa học, hắn là đảng viên phái tự do huênh hoang cho mình là kẻ kế tục của Voltaire và Rousseau, nhưng hắn bóc lột và hành hạ đứa cháu xa, nuôi anh ta nửa để cho học nghề nửa để làm đầy tớ, hắn hạ mình viết báo để trả thù một kẻ hành khất tàn tật, và hắn sẵn sàng bợ đỡ chính quyền để cầu cạnh một tấm huân chương, cho nên chính hắn là chỗ tựa vững chắc cho một chính quyền phản động như nền Đế chính thứ hai. Và, chẳng phải ngẫu nhiên mà Flaubert kết thúc cuốn tiểu thuyết của ông bằng hai cảnh trái ngược: gia đình Emma Bovary thì lụn bại, tan vỡ mà Homais thì phát tài và được thưởng huân chương. Tính điển hình của nhân vật Homais đạt đến mức mà Flaubert viết trong một bức thư: “Tất cả những dược sĩ vùng Hạ Seine đều thấy mình ở trong Homais, họ đều muốn tìm tới để bạt tai tôi”. * * * Thế giới quan của Flaubert, tư tưởng bi quan và hoài nghi của ông, đã không làm cho ông nhìn ra được khả năng và triển vọng giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội tư sản. Cuộc đời mơ mộng của Emma cuối cùng cũng chỉ có thể kết thúc bằng cái chết bi thảm, coi đó như một lối thoát khỏi “sự lừa bịp đê tiện và mọi dục vọng”. Tuy nhiên cuốn tiểu thuyết Bà Bovary vẫn là một sức mạnh vạch trần một cách không khoan nhượng cái thực tế xấu xa của giai cấp tư sản và là một trong những kiểu mẫu về nghệ thuật tiểu thuyết. Thực vậy, như toà án tư sản đã tố cáo, cuốn tiểu thuyết của Flaubert vạch ra thật “trần truồng” và “sống sượng”, có nghĩa là Flaubert không chịu che đậy cái sự thật đó bằng tấm màn che “lãng mạn” nào. Và chính chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt của Flaubert là cái mà toà án tư sản gờm và kết án. Flaubert căm ghét cái chủ nghĩa lãng mạn muốn tô son điểm phấn cho thực tại tư sản. Trong cuốn tiểu thuyết của ông, có một cảnh có thể xem như then chốt của tư tưởng và nghệ thuật Flaubert, đó là cảnh “hội nghị nông nghiệp”. Một thủ pháp độc đáo của nhà văn đã cài xen kẽ bài diễn thuyết của viên hội đồng tỉnh với những lời ngỏ tình của Rodolphe với Emma. Thế là, bên này ca ngợi chính quyền nhà vua sáng suốt, bên kia thì phàn nàn dư luận xã hội khắt khe, bên này thì nói toàn chuyện lợn, bò, cừu, ngựa, chọn giống, bón phân… bên kia thì ước mơ hạnh phúc, tình cảm cao đẹp, trời xanh, sông nước… Mới nghe tưởng đâu như một cuộc hoà tấu lỡ điệu, hai bên họ nhại lẫn nhau, nhưng xét cho cùng lại hoá ra họ rất thống nhất trong một bản hoà âm nội tại: một đằng là chính quyền giả dối, một đàng là tình yêu bịp bợm. Cho nên, chấm dứt của chuyện là cảnh một bà già đi ở được “bọn tư sản phởn phơ” tặng thưởng “mề đay” vì “nửa thế kỷ làm tôi đòi” , và cảnh chàng với nàng ngây ngất chia tay để chàng ở lại chờ dự tiệc. Rõ ràng là Flaubert vừa chế nhạo tình yêu lãng mạn vừa bóc trần xã hội tư sản bằng một thứ bút pháp tuyệt vời. Một đặc điểm của bút pháp tuyệt vời đó là cái tính khách quan của nó: Flaubert biết lẩn mình sau câu chuyện, không bao giờ để xem vào đó ý nghĩ, tình cảm chủ quan của mình một cách lộ liễu, mà hoàn toàn để cho những sự kiện khách quan, để cho bản thân các nhân vật tự nói lên. Chính cái đó làm tăng thêm tính tuyết phục rất cao của tiểu thuyết Flaubert. Trong một bức thư gửi nhà tiểu thuyết Minna Kautsky (1885), F.Engels đã viết “… Theo ý tôi, một cuốn tiểu thuyết khuynh hướng xã hội chủ nghĩa làm đầy đủ sứ mệnh của nó khi mà, bằng một bức tranh trung thành về quan hệ thực tế, nó tiêu diệt những ảo tưởng ước lệ về bản chất của những quan hệ đó, nó lay chuyển chủ nghĩa lạc quan của thế giới tư sản, bắt buộc phải nghi ngờ tính vĩnh tồn của trật tự hiện hành, ngay cả khi tác giả không trực tiếp chỉ ra giải pháp, ngay cả khi lâm thời tác giả không tỏ rõ lập trường của mình”. Và Engels cũng đã nói: “…Tôi cho rằng khuynh hướng phải bộc lộ ra từ bản thân hoàn cảnh và hành động, mà không cần phải nói ra rõ ràng, nhà thơ không bắt buộc phải sẵn sàng đem lại cho người đọc cái giải pháp lịch sử tương lai của những xung đột xã hội mà ông mô tả”. Thiết tưởng tiểu thuyết của Flaubert, với chủ nghĩa hiện thực nghiêm ngặt và nghệ thuật khách quan của nó, đã đáp ứng yêu cầu của Engels đối với tiểu thuyết được trau chuốt tinh vi đến mức khó lòng bỏ đi một chi tiết nào mà không làm hại tới nội dung của tác phẩm, Gustave Flaubert quả thật đã trở thành một bậc thầy của tiểu thuyết. Đến mức Maxim Gorky đã phải gọi ông là “nhà truyền giáo của cái đẹp, Helen của thế kỷ XIX, người đã từng dạy nhà văn các nước tôn trọng sức mạnh của ngòi bút, hiểu cái đẹp của nó.”
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro