Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

CHƯƠNG 1

Mỗi tuần có 3 chương 2,4,7 nha . Còn bây giờ thì let's go.

PHẦN THỨ NHẤT I Chúng tôi đang học thì ông hiệu trưởng vào. Theo sau ông là một Người học trò ăn mặc quần áo tầm thường và một người lao công vác một chiếc bàn to. Những bạn đang ngủ bừng tỉnh, cậu nào cậu nấy đều đứng phắt dậy dường như đã bị bắt quả tang giữa giờ học. Ông hiệu trưởng ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống; rồi ông quay về phía thầy giám thị, khẽ nói: – Ông Roger, đây là người học trò mà tôi giao phó cho ông. Bây giờ em vào lớp năm. Nếu em học hành tốt và có hạnh kiểm xứng đáng, thì em sẽ được chuyển lên lớp các em lớn cho hợp với lứa tuổi. Người học trò mới cứ đúng ở góc tường, sau cánh cửa ra vào, thành ra chúng tôi chẳng nhìn thấy rõ hắn mấy. Hắn là một gã nhà quê, chừng mười lăm tuổi, có một tầm vóc cao hơn bất kỳ đứa nào trong đám chúng tôi. Hắn hớt tóc lối để bằng trên trán như dân hát lễ ở nhà thờ làng, hắn có vẻ biết điều và hết sức lúng túng. Tuy vai hắn không rộng, chiếc áo dạ xanh đơm khuy màu đen mà hắn mặc ngoài cùng xem chừng cũng chật ních, và qua kẽ hở của cửa tay áo, lộ ra hai cổ tay đỏ vốn quen bỏ trần. Chân hắn đi tất màu lơ thò ra ngoài chiếc quần vàng, nhạt được kéo lên bằng dải đeo. Đôi giày hắn vững chắc, đánh xi lem nhem, có đóng đinh. Giờ học bắt đầu. Hắn hết sức chú ý lắng tai nghe giảng bài như nghe giảng đạo, hắn không dám bắt tréo chân, tỳ khuỷu tay, và, đến hai giờ, khi chuông báo hiệu, thầy giám thị buộc phải bảo hắn ra xếp hàng cùng với chúng tôi. Khi vào lớp, chúng tôi có cái thói quen là ném mũ cát két xuống đất để tay được rảnh hơn. Ngay từ lúc qua ngưỡng cửa, chúng tôi đã phải quẳng mũ xuống dưới gầm ghế sao cho mũ vừa đập vào tường vừa làm bụi mù lên, có như thế mới đúng kiểu cách. Nhưng hoặc hắn không nhận thấy cái trò chơi ấy, hoặc hắn chẳng dám làm theo cho nên bài kinh đã xong mà người học trò mới vẫn giữ cái mũ cát két trên đầu gối, một trong những loại kiểu hỗn hợp mà ở đó người ta nhận thấy cả những thành phần, mũ trùm đầu có tuyết lẫn mũ kỵ binh Ba Lan và mũ tròn, mũ cát két bằng lông da rái cá, mũ trùm bằng vải bông, tóm lại, nó là một vật tồi mà cái vẻ xấu xí trầm lặng biểu hiện một cách sâu sắc tựa hồ bộ mặt của một kẻ đần độn. Cái mũ ấy hình quả trứng, được căng phồng bằng những chiếc gọng, mở đầu bằng ba khoanh tròn như ba khúc dồi lợn, rồi đến những hình trám bằng nhung và lông nhỏ xen kẽ nhau qua đường băng đỏ; tiếp nữa là một thứ túi độn bìa cứng hình đa giác có đường viền thêu rắc rối kiểu mũ võ quan và từ đó quả tua mũ nhỏ xíu hình thập tự bằng kim tuyến treo ở đầu một sợi dây quá mảnh. Cái mũ mới tinh, lưỡi trai bóng lộn. – Đứng dậy, – thầy giáo nói. Hắn đứng lên: Cái mũ rơi xuống. Cả lớp cười ồ. Hắn cúi xuống nhặt mũ. Một bạn ngồi cạnh hích khuỷu tay làm cái mũ lại rơi xuống, một lần nữa hắn lại cúi xuống nhặt mũ. Thầy giáo, vốn là một người tinh ý, liền bảo: – Thì em cứ bỏ cái mũ của em ra nào. Cả lớp cười rộ lên làm cho anh chàng tội nghiệp mất tinh thần đến nỗi hắn chẳng biết nên cầm mũ ở tay, nên bỏ xuống đất hay nên đội lên đầu. Hắn lại ngồi xuống và đặt mũ lên đầu gối. Thầy giáo nói tiếp: – Hãy đứng dậy và cho thầy biết tên em. Người học trò mới lắp bắp một cái tên khó hiểu. – Nhắc lại. Cái giọng lắp bắp từng vần của hắn bị tiếng la ó của cả lớp che lấp đi. Thầy giáo quát: – Nói to nữa lên! To nữa lên! Người học trò mới, lấy hết quyết tâm, há toác miệng thét thật to: Charbovari, như để gọi ai. Một tình trạng huyên náo liền nổi lên, càng ngày càng tăng, với những tiếng la the thé (chúng tôi gào thét, chúng tôi nói càn, chúng tôi dậm chân, chúng tôi nhắc đi nhắc lại: Charbovari! Charbovari!), rồi kéo dài thành những âm thanh lẻ tẻ, lắng xuống một cách khó khăn, đôi lúc lại đột khởi ở một hàng ghế vài tiếng cười cố nhịn và vẫn cứ vọt ra như những chiếc pháo tắt dở. Tuy nhiên, qua những bài phạt chép tới tấp như mưa, trật tự mới dần trở lại trong lớp, và thầy giáo sau khi bắt hắn đọc như đọc chính tả, đánh vần từng chữ rồi đọc lại, mới nắm được cái tên Charles Bovary, thầy lập tức ra lệnh cho con người đáng thương đó đến ngồi vào cái ghế học trò lười, ngay chân bàn thầy. Hắn đứng dậy, nhưng trước khi đi, hắn ngập ngừng. Thầy giáo hỏi: – Em tìm gì? – Cái m… ũ… ạ, – người học trò mới rụt rè đáp lại: đưa cặp mắt lo lắng nhìn xung quanh. – Cả lớp chép phạt năm trăm câu thơ! – Tiếng quát giận dữ của thầy giáo như một lời nạt nộ chặn đứng trận cười mới. – Ngồi im! – Thầy giáo phẫn nộ nói tiếp. Rồi thầy vừa rút khăn tay để trong chiếc mũ vải ra lau trán, vừa bảo – Còn em học sinh mới, em chép cho tôi hai mươi lần động từ ridiculus sum 1. Rồi dịu giọng lại, thầy nói: – Này! Cái mũ két của em, rồi em sẽ tìm thấy; không ai lấy mất đâu! Lớp học trở lại hoàn toàn im lặng. Mọi người đều cặm cụi vào sách vở, còn người học trò mới vẫn ngồi lại hai giờ liền trong một tư thế thật nghiêm chỉnh, tuy rằng thỉnh thoảng lại có một viên giấy từ đầu một ngòi bút nào đó được phóng ra làm vấy bẩn mặt hắn. Nhưng hắn chỉ lấy tay chùi, rồi lại ngồi yên không nhúc nhích, cúi gằm xuống. Buổi tối, đến giờ tự học, hắn rút chiếc tay áo giả từ ngăn bàn viết ra, xếp đặt gọn gàng mọi đồ dùng, kẻ giấy cẩn thận. Chúng tôi thấy hắn học tập cần cù, chữ nào cũng tra từ điển ra chiều vất vả lắm. Chắc là nhờ có cái quyết tâm học tập như thế, hắn mới không đến nỗi phải tụt xuống lớp dưới, vì tuy hắn có tạm thuộc các quy tắc đấy, câu văn của hắn vẫn chẳng được gọn gàng thanh nhã. Chẳng là ông mục sư ở làng đã vỡ lòng cho hắn về môn La-tinh; cha mẹ hắn ngại tốn kém cứ lần lữa mãi mới cho hắn đến trường trung học. Cha hắn, ông Charles-Denis-Bartholomé Bovary, nguyên phụ tá phẫu thuật quân y khoảng năm 1812 có liên can vào những vụ trưng binh, đã buộc phải thôi việc. Ông ta đã lợi dụng mẽ người của mình để chộp ngay trên đường công tác một món hồi môn là sáu vạn quan do cô con gái một nhà buôn mũ, mê cái vẻ đẹp bên ngoài ấy, đem lại. Điển trai, khoác lác, hay khoe tài khoe giỏi, ông ta để râu má nối liền ria mép, luôn luôn đeo nhẫn; ăn mặc loè loẹt, có vẻ một “người hùng”, với cái hoạt bát dễ dàng của một kẻ chào hàng. Lấy vợ rồi, ông ta sống ỷ lại hai ba năm vào lưng vốn của vợ, ăn ngon, dậy muộn, hút thuốc bằng những chiếc tẩu sứ to tướng, đêm đêm xem hát khuya mới về, và thường hay lui tới các tiệm cà phê. Bố vợ mất, chẳng để lại được là bao; ông ta tức giận, nhảy xổ vào việc kinh doanh, lỗ vốn một món, rồi rút lui về quê định sinh lợi. Nhưng vì ông ta chẳng thạo nghề canh tác hơn nghề làm vải hoa, ông ta, đáng lẽ dùng ngựa để cày lại đem ngựa đi cưỡi, đáng lẽ đưa rượu tần để bán lại uống hàng chai, ông ta chén những con gà, con vịt béo nhất, lấy mỡ lợn đánh giày đi săn, nên ông ta sớm nhận ra rằng thà vứt bỏ đấy mọi hoạt động kiếm lời còn hơn. Ông ta tìm thuê được một nơi ở giá hai trăm quan một năm, vừa có dáng dấp trại ấp, vừa có dáng dấp nhà riêng, tại một làng giáp với xứ Caux và xứ Picardie; rồi ông ta cố thủ ở đó ngay từ năm bốn mươi lăm tuổi, lòng buồn bực hối tiếc, giận hờn, ghen thiên hạ, ghét người đời, như ông nói, và nhất quyết sống yên thân. Vợ ông ta xưa kia mê say ông quá đỗi, yêu ông ta bằng lối phục tùng, khúm núm, khiến ông ta lại càng xa cách bà ta hơn. Xưa kia bà ta vui vẻ, cởi mở, đằm thắm bao nhiêu, thì nay, càng trở về già (chẳng khác rượu vang hả hơi ngả thành giấm), bà ta càng sinh khó tính, lắm điều, nóng nảy bấy nhiêu. Thoạt tiên thấy ông ta bám riết bọn gái quê để tán tỉnh, rồi đêm đêm thấy ông ta từ trăm nơi bậy bạ trở về nhà, chán chường và sặc mùi rượu, bà ta vô cùng đau khổ mà không ta thán. Nhưng rồi sau lòng tự tôn nổi dậy. Bà ta chẳng nói chẳng rằng, nuốt thầm uất hận với một sự kiên nhẫn, trầm lặng cho đến khi chết. Lúc nào bà ta cũng tất bật, hết chạy đến phòng bọn luật sư, đến nhà viên chánh án, lại lao vào việc thương lượng, khất khứa khi nhớ tới kỳ hạn các phiếu nợ, và khi ở nhà, nào khâu, nào giặt, nào là quần áo, trông coi thợ thuyền, thanh toán công xá, còn ông ta thì chẳng lo tới việc gì, suốt ngày mỏi mệt, bực bội trong giấc ngủ gà ngủ vịt, động mở mắt ra là tiếng bấc tiếng chì, ngồi hút thuốc bên đống lửa, khạc nhổ vào đống tro. Khi sinh ra một đứa con là bà ta phải gửi nó cho vú nuôi. Đến khi trở về với cha mẹ, chú bé được chiều chuộng như ông hoàng. Mẹ cứ nhét cho con hết thứ mứt này đến thứ mứt khác; bố thì mặc cho con tự do chạy chân không, rồi làm ra vẻ một nhà hiền triết, ông ta còn bảo rằng thằng bé cứ trần truồng, mà sống như giống vật sơ sinh cũng được. Ngược lại khuynh hướng của bà mẹ, ông bố giữ trong đầu óc một thứ lý tưởng hùng tráng về tuổi thơ, ông ta ra sức giáo dục con trai theo cái lý tưởng ấy, ông ta muốn nuôi dạy nó một cách khắc khổ theo kiểu người Sparta thời xưa, để nó được khoẻ mạnh vạm vỡ. Ông ta cho nó đi ngủ mà chẳng đốt lò sưởi, tập cho nó uống từng ngụm lớn rượu rum và dạy nó miệt thị các đám rước. Nhưng chú bé, vốn tính ôn hoà, chẳng đáp ứng được công sức của ông bố. Bà mẹ đi đâu cũng kéo con đi theo; bà ta cắt đồ giấy cho con chơi, kể chuyện cho con nghe, nựng con không dứt bằng những lời vỗ về lảm nhảm. Qua đời sống cô quạnh của mình, bà ta trút lên đầu chú bé tất cả những mộng ảo tản mạn tan vỡ của mình. Bà ta ước mơ cho con những địa vị cao sang, bà ta tưởng tượng thấy con đã thành đạt; đẹp trai, lanh lợi, có vai vế trong ngành cầu đường hoặc trong ngành tư pháp. Bà ta còn dạy cả nó hát vài bài tình ca nho nhỏ. Nhưng ông Bovary có quan tâm đến văn nghệ đâu, ông ta bảo rằng chẳng phải vạ! Có bao giờ mình đủ tiền cho con theo học các trường của Chính phủ, đủ tiền kiếm cho nó một chức vị hoặc cấp cho nó một vốn buôn? Vả lại, do liều lĩnh, con người thường thành đạt ở đời. Bà Bovary đành cắn môi chịu đựng, thế là chú bé lại được sống lêu lổng ở trong làng. Hắn đi theo những người cày ruộng, lấy đất ném cho quạ bay đi. Hắn ăn những quả dâu ở dọc các hào; hắn cầm sào dài chăn đàn gà tây, hắn đi mót lúa ở cánh đồng, hắn chạy vào rừng chơi. Những ngày mưa, hắn nhảy lò cò trước cổng nhà thờ, còn những ngày lễ lớn, hắn nằn nì ông gác chuông cho hắn đánh chuông để hắn được bám cả người vào cái dây chuông to lớn và cảm thấy mình cuốn đưa theo. Cho nên hắn lớn như thổi, mạnh chân khoẻ tay, đỏ da thắm thịt. Khi hắn mười hai tuổi, mẹ hắn đã xin được cho hắn học vỡ lòng. Người ta cậy cha xứ làm việc đó. Nhưng các buổi học quá ngắn ngủi vá quá loạc choạc thành chẳng bổ ích gì mấy. Học những lúc rỗi rãi, học trong phòng mặc áo lễ, phải đứng mà học, học vội học vàng giữa khoảng một cái lễ rửa tội và một đám tang, hoặc sau ba buổi cầu kinh hàng ngày khi cha xứ chẳng phải đi đâu. Thầy cho gọi trò đến, rồi cả hai lên phòng riêng ngồi học tử tế: ruồi muỗi và thiêu thân quay cuồng xung quanh cây nến. Trời thì nóng bức, chú bé ngủ thiếp đi, còn ông già, tay đặt lên bụng, cũng lim dim đôi mắt và, chẳng bao lâu, ngáy khò khò, miệng há hốc. Cũng có những lần, cha xứ đi ban thánh thể cho kẻ ốm yếu quanh vùng, khi trở về, chợt thấy Charles đang lêu lổng ngoài đồng, ông bèn gọi hắn lại khuyên răn một hồi rồi, luôn thể, bắt chú chia động từ ngay dưới gốc cây. Bài học bị đứt quãng khi trời đổ mưa hoặc có người quen thuộc đi qua. Tuy nhiên, thầy cũng luôn đắc ý về trò, thậm chí thầy còn nói chàng tuổi trẻ có nhiều trí nhớ. Nhưng Charles không thể như thế mãi được. Bà mẹ cuống quýt can thiệp. Còn ông bố thì sượng sùng, hoặc chán nản thì đúng hơn, ông ta nhượng bộ, ông ta không phản kháng nữa. Và họ còn chờ một năm để chú bé làm lễ rửa tội. Sáu tháng nữa trôi qua; rồi năm sau, Charles được gửi đến trường trung học Rouen. Vào khoảng cuối tháng Mười, hồi có phiên chợ Saint-Romain, ông bố thân hành dẫn con đi. Bây giờ thì không một ai trong chúng tôi nhớ được điều gì về hắn cả. Thực là một người học trò tính khí ôn hoà, giờ chơi thì chơi, giờ học thì học, hắn ta chăm chú nghe giảng bài ở lớp, ngủ kỹ ở phòng ngủ, ăn khoẻ ở phòng ăn. Đứng bảo lãnh cho hắn là một ông buôn bán đồ đồng, đồ sắt ở phố Ganterie; cứ tháng tháng, vào ngày chủ nhật, sau khi đã đóng cửa hàng rồi, ông ta lại cho hắn ra trường một lần, đưa hắn đến tận cảng chơi, xem tàu bè, rồi lại dẫn về trường đúng mười chín giờ, trước bữa cơm tối. Mỗi chiều thứ năm, hắn lại viết cho mẹ hắn một bức thư dài bằng mực đỏ, dán phong bì bằng ba miếng hồ rồi ôn lại các bài lịch sử hoặc đọc cuốn Anacharsis (1)2 đã cũ, bỏ lay lắt trong phòng học. Trong những buổi đi chơi, hắn thường trò chuyện với người đầy tớ cũng xuất thân từ nông thôn như hắn. Nhờ học tập cần cù, hắn luôn luôn giữ được hạng trung bình trong lớp, thậm chí có một lần, hắn còn giật được cả giải đầu khuyến khích về môn sinh vật. Nhưng cuối năm đệ tam, bố mẹ hắn thôi trường trung học để bước vào ngành y, tin rằng hắn có thể tự học thi tú tài được. Mẹ hắn tìm thuê cho hắn một căn buồng trên gác tư, khu Eau-de-Robec, tại nhà một ông thợ nhuộm quen thuộc. Bà điều đình việc trọ học, đi mua đồ đạc, một bàn hai ghế, cho chuyển từ nhà lên mộ cái giường cũ bằng gỗ anh đào, rồi lại mua thêm một cái lò sưởi nhỏ bằng gang với ít củi dự trữ để đứa con tội nghiệp được sưởi ấm. Mãi đến cuối tuần bà ta mới ra về, sau khi đã dặn đi dặn lại hắn cần xư xử tốt với mọi người vì từ nay hắn phải sống một mình. Hắn xem bản niêm yết, thấy chương trình học mà bàng hoàng: nào giải phẫu học, bệnh lý học, sinh lý học, dược học, hoá học, nào thực vật học, y học thực hành, liệu pháp học, chưa kể khoa vệ sinh và môn dược phẩm, toàn là những danh từ hắn mù tịt, chẳng biết nguồn gốc ở đâu, chẳng khác nào cơ man cửa thánh đường đầy những bóng tối uy nghiêm. Hắn chẳng hiểu gì cả, hắn nghe giải hoài mà vẫn chẳng nắm được. Tuy nhiên hắn làm việc vật lực, vở nào vở nấy đóng cẩn thận. Hắn theo đủ các giáo trình, không bỏ qua một cuộc đi khám bệnh nào. Ngày ngày, hắn thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình, như con ngựa mới tập, mắt bịt kín, cứ đi vòng quanh một chỗ, chẳng biết gì về cái công việc mình đang làm chật vật. Muốn cho đỡ tốn, hàng tuần bà mẹ nhờ người mang đến cho con một miếng thịt bê quay mà hắn dùng trong bữa sáng khi ở bệnh viện về, hắn vừa ăn vừa nện đế giày vào tường. Sau đó, hắn phải chạy đi nghe giảng bài, đến giảng đường, tới viện cứu tế, rồi qua các phố trở về nhà. Tối đến, sau bữa cơm đạm bạc của chủ nhà, hắn lên buồng riêng, lại học tập. Quần áo ẩm ướt trên người hắn bốc hơi trước lò sưởi đỏ lửa. Những buổi chiều hè đẹp trời, vào cái giờ phố xá oi bức còn vắng vẻ, lúc các chị hầu gái thường chơi cầu ở thềm nhà, hắn mở cửa sổ ra, tì khuỷu tay vào thành cửa. Trước mắt hắn, dòng sông con chảy bên dưới, ngay chỗ hắn ngồi , vàng, tím hoặc xanh lơ giữa những chiếc cầu và các hàng rào sắt, làm cho cái khu phố này của Rouen giống như một thành phố Venise nhỏ bé và nhớp nhúa. Những bác thợ, ngồi xổm trên bờ, vục cánh tay xuống nước rửa. Trên những chiếc sào dài từ những gác nóc nhà thò ra, những cuộn sợi bông đang phơi trước gió. Ở bên kia các mái nhà, bầu trời trong vắt đang toả rộng, mặt trời đỏ lặn dần. Nơi ấy thú vị biết bao! Dưới rặng cây dẻ hẳn là mát mẻ! Hắn cố hít những hương thơm từ cánh đồng xa chẳng đưa đến tới chỗ hắn được. Hắn gầy đi, người dài ra, nết mặt như mang một cái gì sầu thảm trông cũng hay hay. Cố nhiên, bởi thiếu nhiệt tình, hắn đi tới chỗ rời bỏ những điều mình quyết định trước kia. Có một lần hắn không đi thăm bệnh, hắn bỏ buổi nghe giảng vào hôm sau, rồi dần dà hắn chẳng đến lớp học nữa, khi hắn đã thưởng thức một cách khoái trá cái lười. Hắn làm quen với tiệm rượu, say sưa đánh bài cẩu. Đối với hắn, tối tối giam mình vào một phòng công cộng bẩn thỉu để đập chan chát trên bàn đá hoa những quân bài bằng xương cừu nhỏ điểm chấm đen là một hành vi tự do, quý báu, làm tăng giá trị của mình. Cái đó tựa hồ bài học vỡ lòng về cuộc đời, bước đầu đi vào những thú vui bị ngăn cấm, và, mỗi lần bước vào, hắn đặt tay lên núm cửa, với một niềm vui hầu như thuộc về nhục dục. Thế là, bao nhiêu điều dồn ép trong lòng được giãn nở; hắn học thuộc lòng những khúc ca để hát trong những dịp thù tạc, nức lòng tán thưởng Béranger3, biết pha chế rượu tiệc và cuối cùng biết yêu đương. Vì chuẩn bị như thế, hắn thất bại hoàn toàn ở kỳ thi y sĩ. Ngay tối hôm ấy, cả nhà hắn mong chờ hắn để mừng kết quả. Hắn đi bộ về nhưng dừng chân ở cổng làng, hắn nhờ người gọi mẹ ra, kể cho đầu đuôi mọi sự. Mẹ hắn tha thứ cho hắn, đổ việc hắn thi hỏng là tại ban giám khảo bất công. Bà ta trấn tĩnh hắn đôi chút và nhận dàn xếp mọi việc. Mãi năm năm sau ông Bovary mới rõ sự thật thì chuyện ấy đã cũ rồi, ông ta đành chịu, vả lại ông ta chẳng thể nghĩ rằng đứa con dứt tuột của mình lại là một thằng ngu ngốc được. Charles lại cặm cụi học và không ngừng chuẩn bị những môn phải thi bằng cách học thuộc lòng trước mọi vấn đề. Hắn thi đậu với số điểm khá cao. Thật là một ngày tốt đẹp xiết bao dành cho bà mẹ! Gia đình hắn mở một bữa tiệc linh đình. Hắn sẽ đi đâu hành nghề? Ở vùng Tostes. Ở đó chỉ có một y sĩ già. Từ lâu, bà Bovary mẹ chờ đợi lão ta chết, nhưng lão ta chưa kịp cuốn gói về với tổ tiên thì Charles đã đến dựng phòng khám bệnh trước cửa nhà lão như người kế nghiệp sẵn sàng. Nhưng nuôi con khôn lớn, cho nó học nghề thuốc rồi tìm vùng Tostes để nó lập nghiệp chưa phải là đã hết; còn phải cưới vợ cho nó nữa. Bà ta liền kiếm cho con một người: một người đàn bà goá mà người chồng chết đi là một viên mõ toà ở Dieppe, mụ đã bốn mươi lăm tuổi, có lợi tức hàng năm tới một ngàn hai trăm đồng. Tuy mụ xấu xí, thân hình khô cằn như bó củi và đầy mụn mọc như búp mùa xuân, nhưng quả thật mụ không thiếu gì đám nhòm ngó. Để đạt được mục đích, bà Bovary mẹ buộc phải hất cẳng mọi đám, bà ta lại còn rất khôn khéo phá vỡ âm mưu của tay hàng thịt được bọn cha cố ủng hộ. Charles hy vọng lấy vợ là mở đầu môt cuộc sống tươi đẹp hơn, tin tưởng mình sẽ được tự do hơn, sẽ làm chủ vợ mình và tiền tài của vợ mình. Nhưng chính vợ hắn mới là chủ; trước thiên hạ, hắn cần phải nói điều này, không được nói điều kia, phải ăn chay vào ngày thứ sáu, phải ăn mặc như ý vợ hắn muốn, phải thúc bách những con bệnh chưa trả tiền theo lệnh của vợ hắn. Mụ bóc thư riêng của chồng, theo dõi từng hoạt động của chồng và nghe trộm qua vách khi chồng khám bệnh cho đàn bà. Sáng nào, mụ cũng phải có sôcôla điểm tâm, bắt chồng phải đặc biệt nâng niu chiều chuộng mình. Mụ luôn miệng than thở về gân cốt, tim phổi, khí huyết của mình. Tiếng chân người đi lại làm mụ khó chịu; người ta bỏ đi, mụ kêu mụ bị trơ trọi một cách thảm hại; người ta trở lại, bảo chắc hẳn là để xem mụ chết đi. Đêm hôm, lúc Charles về nhà, mụ thò hai cánh tay khẳng khiu ra khỏi khăn, bá lấy cổ chồng, bắt chồng ngồi xuống thành giường, mụ kể lể mọi nỗi niềm buồn tủi của mình: nào hắn quên mụ, nào hắn đã yêu người khác! Người ta đã nói rõ ràng là mụ sẽ khổ; rồi mụ kết thúc bằng việc đòi hắn rót cho mụ một thứ thuốc ngọt nào đó để người mụ được khoẻ mạnh và tăng thêm chút dục tình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #vyvy