[Y]Ratatouille: hành trình theo đuổi đam mê khó khăn đến nhường nào?
“Change is nature, the part we can influence. And it all starts when we decide.”
Spoiler alerts.
Ratatouille không phải tên của bất kì nhân vật nào trong phim mà lại là tên món ăn cuối cùng Remy – nhân vật chính của chúng ta, hay như tên tiếng Việt của bộ phim đề cập, Chú chuột đầu bếp, nấu tại nhà hàng Gusteau. Tại sao món ăn này lại quan trọng đến vậy? Cùng tìm hiểu ở phần sau nhé.
Ratatouille là bộ phim thứ tám của Pixar, một studio chuyên phim hoạt hình hoạt hình thuộc Disney được ra mắt năm 2007. Bộ phim mang đến một mâu thuẫn tưởng chừng như không thể - một con chuột với tài nấu ăn thiên bẩm dù nó là giống loài phải sống chui sống lủi trong những chỗ tối tăm, bẩn thỉu như cống hoặc gác xép. Sau một sự cố bất ngờ, Remy có cơ hội được làm bếp dưới danh Alfredo Linguini, người bắt đầu với công việc là cậu bé dọn dẹp tại nhà hàng Gusteau và sau này được tiết lộ cũng chính là con trai của Auguste Gusteau, người sáng lập nhà hàng và cũng là thần tượng của Remy với câu nói nổi tiếng: “Ai cũng có thể nấu ăn” (Anyone can cook).
Sau khi ra mắt, Ratatouille trở thành một thành công của Pixar trên cả hai phương diện doanh thu và đánh giá chuyên môn. Không chỉ vậy, bộ phim còn mang về đến 4 đề cử Oscar cho nhà Pixar với một chiến thắng cho hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất.
Vậy, điều gì làm nên sức hút của Ratatouille?
Ratatouile mở ra một đất nước Pháp và thủ đô Paris hoa lệ, nơi có những món ăn “tuyệt vời nhất”, những món ăn được chế biến với các loại gia vị phức tạp cùng với công thức nấu riêng biệt. Vì phần hình ảnh được làm hoàn toàn bằng máy tính nên Ratatouille mang đến một trải nghiệm điện ảnh đặc sắc, sống động. Sống động trong khung cảnh Paris quen thuộc với ánh điện lung linh, với kiến trúc cổ kính, dòng sông Seine và tháp Eiffel nổi tiếng, với những hình ảnh quen thuộc như những chiếc xe scooter, căn hộ gác mái chật chội của Linguini đầu phim. Khung cảnh Paris được khắc hoạ trong phim đủ sức làm hài lòng người Pháp đặc biệt là những người sống ở Paris. Điều này còn nhờ vào sự tìm hiểu văn hoá hết sức chỉn chu của đoàn làm phim, những người đang thực sự lặn lội đến Pháp để có thể khắc hoạ một cách chính xác nhất.
Bên cạnh khung cảnh Paris hoa lệ, không thể không nói đến những cảnh nấu ăn và đặc biệt là những món ăn được nhắc đến trong Ratatouille. Với chủ đề chính được nhắc đến là ẩm thực, Ratatouille mang đến một trải nghiệm thị giác đủ khiến khán giả no mắt và…đói bụng với những món ăn được nhắc đến trong phim, từ món trứng đơn giản hay món súp phức tạp Remy nấu (thực ra là sửa lại) tại nhà hàng Gusteau. Cá nhân mình thích nhất món nấm với phô mai ở đầu phim, dù để nấu được món đó, Remy và anh trai Emile đã bị sét đánh trúng.
Ngoài ra, các phân cảnh về đàn chuột cũng đủ “thật” khiến những khán giả có thành kiến với giống loài này phải rùng mình khi xem. Tưởng tượng đàn chuột cả trăm con sống ngay trên đầu mình đang giương mắt nhìn mình xem? Đó hẳn là một trải nghiệm không ai muốn trải qua, và Ratatouile, theo cảm nhận cá nhân của mình, đã khắc hoạ được sự đáng sợ của hoàn cảnh đó.
Bên cạnh sự xuất sắc về mặt hình ảnh, điều làm Ratatouille nổi bật hơn cả là phần cốt truyện vượt trên quy chuẩn phim hoạt hình dành cho trẻ con thông thường. Tại sao có thể nói như vậy? Như đã đề cập tại tiêu đề, Ratatouille là một bộ phim nói về quá trình theo đuổi đam mê. Bạn nghĩ hành trình theo đuổi đam mê của bạn khó khăn? Hãy nhìn sang chú chuột Remy của chúng ta. Remy, hay bất kì con chuột nào, là sinh vật tuyệt đối không được xuất hiện trong bếp, bởi chúng là những sinh vật bẩn thỉu, chuyên bới rác và thậm chí là ăn trộm đồ ăn của gia chủ. Thế nhưng, Remy sinh ra là một chú chuột có khứu giác và vị giác vượt trội so với những con chuột khác, và chú không hài lòng với những gì đàn của mình đang ăn mỗi ngày. Chú không muốn ăn trộm, chú muốn tạo ra những món ăn như thần tượng của chú, Auguste Gusteau. Ước mơ của Remy bị ngăn cản không chỉ bởi định kiến mà con người dành cho chú mà còn bởi chính đồng loại mà cụ thể là người cha đầu đàn của mình, người cho rằng Remy đang không sống giống như những chú chuột khác.
Đứng trước sự trớ trêu của số phận là vậy nhưng chú chuột đầu bếp lại không chùn bước. Không kể đến tình bạn kì lạ với Linguini dẫn đến cơ duyên được “làm việc” tại nhà hàng Gusteau sau này, ngay từ khi ở ngoại ô, Remy đã luôn muốn nấu ăn, muốn trộn lẫn các hương vị để tạo nên bữa ăn hoàn hảo, cho dù có phải ăn trộm, cho dù có phải bị sét đánh đến cháy lông.
Như vậy, Remy là một người nghệ sĩ đến từ những nơi không ai ngờ tới nhất, như được đề cập trong bài phê bình cuối phim của Anton Ego. Liệu chúng ta có từng cảm thấy xấu hổ trước đam mê mãnh liệt đến mức muốn thay đổi định kiến của Remy, một con chuột xuất thân từ vùng quê? Liệu chúng ta có dám dũng cảm bước đi trên con đường chông gai để được thoả mãn đam mê cháy bỏng, đi theo tiếng gọi của ước mơ để hái quả ngọt?
Mình thích cách bộ phim khắc hoạ thành công trong quá trình theo đuổi đam mê. Remy cuối cùng có được sống với chính bản thân mình không? Có. Nhưng đằng sau thành công ấy là những hi sinh lớn lao. Và c’est la vie – cuộc sống không hề đi theo con đường mình đã vạch sẵn cho nó. Sẽ luôn có những khúc rẽ, những đoạn dốc, những chông gai không thể nào đoán được. Trên đoạn đường thành công của Remy và Linguini có rất nhiều điều không đoán trước được như thế. Linguini mất hết dàn đầu bếp, phụ bếp, bồi bàn – tất cả nhân viên của nhà hàng Gusteau – họ không thể thông cảm cho những áp lực khi là con trai Gusteau, một đầu bếp tầm cỡ thế giới cũng như không thể chấp nhận một sinh vật bẩn thỉu như chuột có thể nấu ra những món ăn đạt chuẩn nhà hàng cao cấp. Họ là những người tốt, nhưng họ cũng là những con người với những định kiến không thể vứt bỏ. Điều này làm nổi bật câu nói nổi tiếng của Gusteau, “ai cũng có thể nấu ăn” nhưng thực tế ít người có thể chấp nhận hoàn toàn được điều đó. Câu nói này cũng là động lực để Colette và cả Ego bỏ đi những định kiến cố hữu của mình về nghề nấu ăn và quay lại giúp đỡ Remy cũng như Linguini rồi sau này trở thành một trong những người duy nhất biết bí mật này. Linguini cũng mất nhà hàng của bố mình – di sản do bố mình vất vả xây dựng và cống hiến cả đời vì nó. Trong quá trình chứng tỏ bản thân, cả hai còn bị bếp trưởng Skinner, người từng là bếp phó dưới thời Gusteau cản trở, từ việc bắt cóc Remy đến việc giấu đi quyền thừa kế hợp pháp của Linguini với nhà hàng Gusteau.
Thành công của Remy và Linguini không giống như những gì cả hai người tưởng tượng khi họ không giữ được nhà hàng Gusteau và còn khiến nhà phê bình ẩm thực Anton Ego mất hết việc và sự uy tín. Nhưng sau cùng, tất cả họ đều bắt đầu lại với một nhà hàng nhỏ tên Ratatouille cũng như Ego đã hạnh phúc với việc trở thành một nhà đầu tư kinh doanh nhỏ. Họ đều thành công theo cách của riêng mình. Đây là điểm khiến mình thích nhất ở Ratatouille khi cái kết hạnh phúc của nhân vật không nằm trong dự đoán của chính nhân vật cũng như của khán giả; ở một khía cạnh nào đó, họ thất bại, nhưng là thất bại để dẫn đến trái ngọt đam mê. Điều này khiến phim trở nên thực tế, không bị xa rời với thực tại và viển vông.
Nhìn chung, Ratatouille đã thành công trong việc khắc hoạ hành trình theo đuổi đam mê gian khổ mà không theo hướng sáo rỗng, giáo điều; trái lại lại gần gũi, truyền cảm hứng một cách kì lạ. Ai lại có thể không mỉm cười khi những phút cuối cùng của phim kết thúc rồi nghĩ về đam mê của riêng mình? Để tự thúc đẩy bản thân rằng một con chuột có thể mở nhà hàng thì bản thân cũng có thể chạm tới được ước mơ?
Xếp hạng: Strawberries
Yeon.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro