[Y]Corpse Bride: nghệ thuật trong những điều kì dị.
“I was a bride. My dreams were taken from me. But now I've stolen them from someone else. I love you, Victor, but you are not mine.”
Spoilers alert.
Để mà nói thì rõ ràng phần mô tả kia phù hợp với tất cả các bộ phim của Tim Burton, đạo diễn của bộ phim hoạt hình mang tính kinh dị này. Corpse Bride mang phong cách tương đồng với các phim khác của vị đạo diễn tài hoa với sự “quái” rõ nét mang đậm phong cách Tim Burton, song đồng thời cũng là một tác phẩm nghệ thuật mang tính thi vị. Nếu bạn trước giờ chỉ biết nó qua đoạn đánh piano đôi nổi tiếng thì bây giờ, (nhất là trong thời gian dịch đang hoành hành) đây là một cơ hội hiếm có để ghé thăm thế giới ma quái của Corpse bride.
Corpse Bride được ra mắt vào năm 2005 và được đồng đạo diễn bởi Tim Burton – người đứng sau thành công của The Nightmare Before Christmas, Charlie And The Chocolate Factory và Alice In Wonderland. Phần nhạc được sản xuất bởi Danny Elfman, người cũng làm nên thành công cho nhạc nền của series đình đám The Simpsons và một số phim khác của Tim Burton. Sở dĩ mình phải ghi nhận phần nhạc phim trong bài review này vì nó quá xuất sắc trong việc tạo nên không khí huyền ảo cho bộ phim. Ở thời điểm ra mắt, Corpse Bride đã mang về tới 117,195,061 USD và giành một đề cử cho Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Oscar năm đó. Bên cạnh đó, phim cũng nhận được đánh giá tích cực của các nhà phê bình phim cũng như khán giả đại chúng.
Vậy điều gì đã làm nên sức hút khó cưỡng của Corpse Bride? Để làm rõ câu hỏi đó, chúng ta cần nhìn qua nội dung của siêu phẩm hoạt hình stop motion này.
Corpse Bride theo chân Victor Van Dort (Johnny Depp), một chàng trai trẻ nhút nhát được gia đình hứa hôn với tiểu thư Victoria Everglot (Emily Watson). Vì một lần vô tình đọc lời tuyên thệ đám cưới giữa rừng, Victor bị trói buộc hôn nhân với Emily (Helena Bonham Carter), một hồn ma cô dâu mơ mộng đã chết nhiều năm. Chàng Victor tội nghiệp bị kẹt giữa hai cuộc hôn nhân với hai cô dâu; một còn sống, một đã chết và từ đó kéo theo hàng loạt rắc rối xảy đến với cả hai thế giới.
Ở Corpse Bride, ta có thể thấy được chủ đề lớn xuyên suốt: tình yêu, đặc biệt giữa bối cảnh u ám, tình yêu vẫn hiện lên đẹp lạ lùng. Đó là tình yêu của Victor và Victoria, hai người xa lạ buộc phải kết hôn với nhau ngay ngày hôm sau; đó là tình yêu của Emily dành cho mọi thứ; dành cho người chồng cũ bội bạc, dành cho Victor, người mà cô đã trông chờ và cả tình yêu dành cho cuộc đời nói chung. Ba người họ kẹt giữa tình huống tréo ngoe tưởng như không cách nào gỡ rối, nhưng từ đó ta mới thấy được những bản tính tốt đẹp của nhân vật. Victor, dù nhút nhát, rụt rè nhưng là một người chính trực, trọng tình nghĩa và sẵn sàng bảo vệ tình yêu của đời mình. Victoria, một tiểu thư dịu dàng, kiểu cách song lại vô cùng mạnh mẽ. Cô sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của mình để dấn thân vào một nhiệm vụ mà rõ ràng là không cân sức, khi biết Victor đang gặp nguy hiểm. Ôi, và không cần nói nhiều về Emily nữa; người ta không chỉ thương cho số phận cô mà còn xót xa cho một linh hồn sống động nhường đó lại phải chịu cảnh cô đơn, chờ đợi mòn mỏi tình yêu dưới nền đất lạnh trong rừng.
“I spent so long in the darkness....I'd almost forgotten how beautiful the moonlight is!”
(Em đã ở trong bóng tối quá lâu…đến độ em quên mất ánh trăng có thể đẹp đến nhường nào!)
Ở Emily tồn tại sự lạc quan, sự yêu đời, yêu cuộc sống. Và như mọi cư dân của vùng đất của người chết, Emily có một linh hồn đầy sự sống. Cô thích nhảy múa, thích đàn ca. Cô đã tin tưởng một kẻ phản bội mình để rồi bị giết hại trong đêm trăng trong bộ váy trắng. Ưu điểm của cô có sự cộng hưởng với nam chính nhiều hơn so với nữ chính có phần nề nếp, gia giáo Victoria, khiến cho hầu hết khán giả đều hi vọng Emily sẽ có một cái kết đẹp bên anh chàng có phần lóng ngóng này. Tuy vậy, Victor rốt cuộc vẫn là một con người đã dành sẵn tình yêu với vị hôn thê cũng là con người của mình và Emily cuối cùng cũng có một cái kết khác (cũng gắn liền với ánh trăng). Dù vậy thì khán giả vẫn không thể ngăn bản thân mình thổn thức khi nhắc đến sợi dây liên kết giữa họ cũng như cho phép bản thân hi vọng một cái kết đẹp hơn của họ ở một kiếp nào khác. Theo quan điểm của mình, Emily và Victor có thể nói như là soulmate của nhau, và vì bản thân Emily trong phim là nhân vật chính nên rõ ràng cảnh tình cảm giữa hai nhân vật có phần nhỉnh hơn.
Nói đến Corpse Bride là không thể bỏ qua nghệ thuật của Tim Burton trong cả hình ảnh lẫn nội dung. Về nội dung, Tim Burton đã sáng tạo nên một chuyện tình kì dị có một không hai, nhưng bằng cách kể chuyện tài tình và phần hình ảnh hết sức lãng mạn, đây vẫn là một câu chuyện tình để lại ấn tượng mạnh mẽ với khán giả. Qua chuyện tình kì dị, Tim Burton còn châm biếm thói hư tật xấu của thời kì đó qua những câu thoại đùa cợt giữa các nhân vật. Về mặt hình ảnh, Corpse Bride mang một không khí u ám đặc trưng cũng như tạo hình nhân vật có phần gớm ghiếc, song một khi đã quen với các nhân vật, ta không thể cưỡng lại sức hút kì lạ từ họ. Bằng cách nào đó, Tim Burton đã biến chàng Victor trắng bệch với quầng thâm mắt đậm như thể đã không ngủ cả năm trời trở nên đẹp trai và thu hút hơn bao giờ hết; Emily với hình tượng nửa-xương-nửa-người trở nên ấn tượng đến độ chưa bao giờ vắng mặt trong các bữa tiệc Halloween cũng như biến nàng Victoria cứng nhắc trong những bộ váy thời Victoria trở nên dịu dàng và đáng yêu. Ngoài ra thì các nhân vật phụ cũng chiếm được cảm tình của khán giả như nhân vật chú sâu sống trong…đầu của Emily và cô nhện đã ra sức an ủi cô nàng hay các bộ xương và ma cực kì đáng yêu (dù vẫn rất kì dị) ở thế giới người chết của Tim Burton. Đây là điểm chung của Corpse Bride với tác phẩm khá nổi tiếng trước đó là The Nightmare Before Christmas khi Tim Burton khắc họa một thế giới người chết sống động, sắc màu hơn cả thế giới của những người sống.
Mình phải dành lời khen ngợi cho phần âm nhạc cực kì nên thơ của Corpse Bride. Cả bộ phim mang hơi hướng của những bộ phim nhạc kịch cũ với phần lời thoại được phổ nhạc. Đặc biệt, với đoạn đánh đàn giữa Emily và Victor, Corpse Bride đã đẩy tính nghệ thuật của nó lên tầm cao mới. Ta có thể thấy được tâm tư, tình cảm của hai nhân vật chỉ qua những nốt nhạc. Theo mình, nhờ phần hình ảnh và âm thanh đậm chất thơ, Corpse Bride là một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa khiến mình phải nghiền ngẫm và thưởng thức nó mỗi lần xem lại.
À, và không thể không đề cập đến sự xuất sắc của các diễn viên lồng tiếng. Johnny Depp và Helena Bonham Carter, không hổ danh là chàng thơ và nàng thơ của Tim Burton, đã thổi hồn cho Victor và Emily một cách xuất sắc. Ngoài hai nhân vật này thì các nhân vật khác cũng có phần thể hiện lồng tiếng khá tròn vai, dù đôi khi nó nghe có vẻ giống ngữ điệu của kịch nhiều hơn là của phim điện ảnh – có vẻ là để hợp với thể loại nhạc kịch của Corpse Bride.
Với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật độc lạ, cộp mác Tim Burton cùng hình ảnh có thể gây sợ hãi ở các em nhỏ, mình xin phép được xếp hạng Corpse Bride là Cigartettes.
Xếp hạng: Cigarettes.
Yeon.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro