One shot
Trời đã về chiều, một cái ráng chiều rực rỡ trải dài trên những cánh đồng hoang tàn bởi bom đạn chiến trường, tràn về từng ngọn cây ngút ngàn nơi núi rừng Việt Nam lộng gió. Nắng ngày tàn duỗi đôi tay vững vàng ôm trọn lấy từng tiếng bom đạn vang dội, nuốt chửng tất thảy tang thương vào màn đêm u tối, lại hoà trộn nỗi đớn đau thành niềm xúc cảm cho con người ta tiến bước dưới bóng quân kì. Ngồi yên trong hầm tránh bom lõm bõm những đất bùn, Nhật đẩy nhẹ cặp kính đã đầy những vết trầy xước, cắn vội nắm cơm muối vừng gói kỹ trong tấm lá chuối. Trong lòng anh hãy đương bộn bề trăm ngàn lắng lo, rằng tụi học trò chỉ vừa tan học có kịp về nhà hay chăng trước đợt oanh tạc của máy bay Mỹ vừa rồi? Dạo gần đây, chúng nó chăm càn quét quanh các làng xã quanh vùng này hơn hẳn, chẳng biết lại do nghị định mới nào gần đây. Trái tim anh bỗng nhói lên một nhịp, liệu ở nơi phòng tuyến ngoài kia người ấy có an toàn?
"Thầy Nhật ơi, lũ chúng nó rút hết về Sài Gòn rồi, thầy lên đi."
Đương cắn dở miếng cơm, giọng thằng nhóc Ánh lảnh lót vang lên đánh thức Nhật khỏi nỗi lắng lo thường trực. Tiếng thằng nhỏ đầy hào hứng, còn tếu táo đập đập hai cống lon rỗng trên tay thành từng hồi leng keng như chuông xe đạp Hà Nội. Thằng nhỏ mới trạc mười lăm, mười sáu tuổi nhưng đã láu lỉnh hơn hẳn sắp con nít trạc tuổi, đôi chân thoăn thoắt đảo hết từng nhà trong xóm, lá thư lấm lem khói súng vẫn phơ phất trên tay. Mỗi lần nghe tiếng thằng cu con, Nhật lại phấn khởi hơn hẳn. Anh chờ mãi cái cảm giác hồi hộp khi được đón lấy lá thư từ chiến trường với dòng chữ nghiêng nghiêng được nắn nót viết trên bìa thư làm từ mấy tờ giấy báo cũ lấy được từ chỗ tụi lính. Đôi khi, trên lá thư ấy hãy còn đượm mùi nước hoa Tây như cách người anh thương khoe khoang về những chiến công của mấy anh lính cụ Hồ cậu ta hằng ngưỡng mộ.
"Anh đây."
Chẳng chần chừ thêm dẫu chỉ một giây phút, Nhật đẩy tung nắp hầm đất, luồng cuống leo lên chiếc thang tre ọp ẹp ghép tạm bằng mớ dây thừng bện từ sợi lạt dai. Trước mắt anh, thằng Ánh đương suýt xoa thắp ngọn đèn dầu trên cái chõng tre cũ mèm, chu môi thổi thổi như thực sự tin lửa sẽ có thể lớn hơn một chút. Trông thấy Nhật, thằng cu con cười toe toét, lộ cả mấy cái răng mẻ do nhiều lần vội vàng mà trượt ngã trông đến là oách. Ánh vội vàng chạy lại, kéo anh khỏi hầm, nhét vào lòng thầy giáo trẻ lá thư quen thuộc.
"Thầy Nhật đọc đi, quà anh Lam đưa về từ trong nam nữa nè. Ảnh dặn ba ngày nữa thầy nhớ viết thư lại cho ảnh nha, đợt đó em lại chạy vào trỏng nữa."
Thằng nhỏ cười đến là yêu đời, đưa bàn tay lấm bùn quẹt vội vào gấu áo vải nâu đã sờn rồi mới lục lọi trong cái túi lụa được các chị thanh niên xung phong từ Hà Nội tặng cái đợt ghé làng. Loáng đôi phút, Ánh lại rút từ bên trong một cái bút chì nhỏ màu vàng, cái loại ngòi chì 2B tụi quan Pháp trên Hà Nội vẫn dùng từ cái hồi anh còn bé tựa cái kẹo ấy. Trên thân bút chì có những vết dao khắc run run, như thể người tặng đã dồn hết tâm can mà đẽo gọt trên những mỏm đất bấp bênh vậy.
Thương tặng anh Nhật.
Nhìn thấy nét chữ ấy, Nhật không kiềm nổi sự xúc động dâng trào. Đúng vậy, đây lại là một món quà giản đơn khác từ Lam, người anh thương hơn cả sinh mệnh. Mấy năm trước, cậu đã xin phép mẹ cha lên đường đi thanh niên xung phong tít tận trong nam. Suốt những ngày tháng dài đằng đẵng chẳng thể gặp mặt, những lá thư, món quà từ phương xa của Lam là nguồn động lực duy nhất để Nhật vững lòng tiếp tục công tác giảng dạy của mình. Trông thấy dòng chữ khắc tay ngay ngắn ấy, người thầy giáo mực thước cảm tưởng như khoé mắt mình đã đỏ ửng, nóng bừng tự bao giờ. Ngày ngày đối mặt với nỗi đau mất đi đồng đội, lại với sự nguy hiểm luôn cận kề, nhưng Lam chưa bao giờ quên đi anh- một người thương nơi quê nhà của cậu.
"Thầy Nhật đừng có khóc, không đến lúc về anh Lam kí vào đầu em đau chết mất."
"Được rồi, được rồi, anh không có khóc. Nam nhi đại trượng phu, ai lại khóc bao giờ."
Thằng Ánh đứng cạnh bên trông thấy cảnh này liền phát hoảng, chu chu môi cố trấn an Nhật. Thầy giáo trẻ cũng gật gật đầu, len lén lau đi khóe mi đã ướt lệ nhoà. Bàn tay anh run run cất chiếc bút chì vào ngăn bàn gỗ nơi đầu giường, cái chỗ sạch sẽ nhất trong căn nhà đất lụp xụp này. Bàn tay anh miết qua lớp giấy báo sần sùi bao ngoài lá thư tay viết vội, ngập ngừng mãi chẳng dám mở ra.
"Thầy Nhật cứ đọc nha, em chạy qua nhà bà Ba má anh Dũng, chị Nhiên đầu làng. Chị Nhiên hi sinh rồi, nhưng anh Dũng có gửi thơ."- Như nhận ra Nhật đang khá bối rối, Ánh tu ừng ực vài ngụm nước từ cái bi-đông đeo bên người rồi phóng ra cửa, khuất bóng nơi rặng tre xa.
Từ khoảnh khắc ôm lấy lá thư vào lòng cho đến khi tiếng dế ngoài bụi cỏ báo hiệu giấc nửa đêm, thầy Nhật chẳng thể làm gì khác. Anh lặng lẽ bóc lớp giấy bên ngoài, nâng niu lá thư tay với những dòng chữ vững vàng đầy chí trai như món báu vật vô giá. Lam đã viết cho anh rất nhiều, nhiều lắm. Cậu hỏi về gia đình, nơi mẹ cậu cùng hai đứa trẻ sinh đôi dạo này có khoẻ không. Lam còn kể về chiến trường miền Nam, nơi các cậu thanh niên đôi mươi dùng tiếng hát át đi tiếng bom, nơi trung đội trưởng lặng lẽ trở về một mình rồi thông báo cả trung đội đã hi sinh, nơi hằng ngày đều sẽ có một cô, cậu học trò "gác bút nghiên lên đường kháng chiến" cắn chặt răng băng bó bàn tay lấp bom đến bật máu. Qua những dòng văn thực mộc mạc của Lam, Nhật không thể nào ngăn bản thân rùng mình kinh hãi trước tất thảy những khổ đau ngoài kia. Biết bao bà mẹ mất con đã lên đường tiếp tế cho bộ đội, cho những đứa con của Đất Nước. Biết bao đứa nhỏ mất cha mẹ đã lên đường tham gia "đội thiếu niên Tiền Phong" hòng đòi lại một cuộc đời hoà bình cho những thế hệ mai sau. Biết bao con người từ tất cả những tầng lớp đã chung tay nâng đỡ Đất Nước, đã nối vòng tay lớn bảo vệ những người lính áo vải, tiếp thêm sức lực cho họ trên con đường nam tiến gian lao.
"Ngày... tháng.. năm...
Anh Nhật thương nhớ,
Từ ngày em đi đến giờ cũng đã tròn hai năm rồi, anh nhỉ. Em rất mừng vì vẫn có thể sống để gửi những dòng này về cho anh. Anh khoẻ không? Trời chắc cũng vào đông rồi đấy. Nhà u em với sắp nhỏ thế nào rồi, hở anh? Em nhớ trước ngày đi, tụi trẻ con chỉ cao đến ngang hông em, chắc bây giờ cũng trổ giò đến bụng rồi nhỉ? Em ở đằng trong này cũng ổn, đơn vị lúc nào cũng hát hò vui lắm. Địch nó nghe, mà dội bom mấy thằng trong này cũng chẳng sợ, anh ạ!
Nhưng anh ạ, cũng lắm lúc em buồn lắm chứ, muốn về nhà lắm chứ. Hôm qua anh Trường trung đội trưởng trung đội mười lăm vừa về một mình, bốn mươi chín anh em hi sinh mất rồi. Cái Hoà tổ lấp bom vội vàng chạy đến đỡ anh ấy, mà quên cả tay nó đang tươm hết cả máu ra đấy kìa. Mệ Lan hôm qua cũng từ dưới Huế đi lên, mang theo biết bao nhiêu là quà vặt cho các em thiếu niên Tiền Phong. Tụi nhỏ mới ra công tác thôi, xúng xính áo vải đến là nhất ý!
Thôi anh ạ, thư chưa dài nhưng con gà trống thiến của tổ em gáy mất rồi, trời cũng tờ mờ rồi. Em phải chuẩn bị sẵn sàng thôi. Em gửi tặng anh cái bút chì, đừng để thằng Ánh nó thó mất nhé! Thằng cu thích cái bút đó lắm.
Em thương anh lắm, ráng đợi em thêm một năm nữa, nghe anh."
Ngăn giọt lệ trào đương ướt đẫm đôi hàng mi, Nhật run rẩy áp lá thư tay viết vội vào gò má nóng hổi những nỗi niềm nhớ thương. Ôm lấy món quà từ người đã xa, anh tựa hồ như được cảm thấy cái ve vuốt ấm nồng của người thương, như được nghe thấy lời cậu thủ thỉ bên tai, như được đan từng ngón vào đôi bàn tay chai sần những vết cuốc xẻng ấy. Thế rồi, thầy giáo trẻ lặng lẽ đến bên bàn viết, vặn lớn ngọn đèn dầu le lói đủ để thấy những tờ giấy trong ngăn tủ cùng cây bút máy mới toanh anh giữ kỹ từ cái hồi còn trên Hà Nội. Những ngón tay run run len vào khe tủ chật hẹp, rút lấy một tờ giấy trắng tinh, phẳng phiu như tình cảm trung chuyên Nhật dành cho người thương. Nắn nót từng dòng, như để bày tỏ tất cả tình cảm rối bời đương cuộn xoáy trong lòng, anh viết.
Những lời văn chau chuốt trong cái đêm bộn bề ấy cũng đã đến tay người nhận nơi xa trường khốc liệt. Thằng Ánh về với đơn vị, vẫn lém lỉnh với cái cống lon rỗng kêu leng keng. Nó ve vẩy cái cờ đỏ sao vàng được một mệ ngoài miền Trung gửi cho đơn vị, tếu táo khoe khoang món quà đượm tình yêu Đất Nước mà bản thân đương ôm trong lòng. Chạy về phía Lam, thằng nhỏ chẳng cần đợi nhắc nhở đã hét lên thật to:
"Anh Lam, thầy Nhật hồi âm anh rồi."- Thằng cu lao vào lòng cậu trai trẻ đương cởi bỏ bộ đồng phục màu lá lấm tấm đất đỏ, bí mật nháy mắt với anh rồi nhét vội lá thư tay vào túi quần vải dù.- "Em xong việc rồi nhé, anh phải thưởng cho em cái bút chì có khắc tên như anh tặng thầy Nhật ấy."
"Cảm ơn em. Em la to thế trung đội trưởng lại phạt anh mất."
Lam vội đỏ mặt, cái sắc đỏ ửng hồng ấy chẳng mấy phù hợp với người thanh niên cứng cỏi cùng làn da đã đen sạm nắng gió. Cậu gõ nhẹ vào trán thằng cu con, không quên lau đi vài vết thuốc súng trên gò má thằng nhỏ. Ánh lại khệnh khạng đứng nghiêm như một người lính bé con, làm hiệu lệnh chào chuẩn chỉnh trước khi chạy vụt đi vào đám đông, hươ hươ vài lá thư từ quê nhà khác. Sự xuất hiện của thằng bé con như một niềm vui giản đơn trong cuộc đời chiến đấu của những thanh niên đôi mươi với biết bao hoài bão, sáng bừng giữa khổ đau, tiếp thêm cho các anh xiết bao hi vọng.
"Lam, nhanh lên, địch nó lại sắp càn. Tụi mình phải đào mau tay cái chiến hào cho các đồng chí cao xạ còn lên nòng vả vào mồm lão Ních- xơn!".
"Tớ biết rồi, bên các chú cứ làm trước đi, tớ sang ngay."
Trước khi Lam kịp ngắm nhìn lá thư thấm đượm tình yêu của anh Nhật, một đồng đội đã lớn tiếng gọi giật cậu lại. Khoác tạm chiếc áo vải sạch vứt lăng lóc trên cái ghế gỗ, Lam vùi chôn tình yêu cá nhân cùng chút ấm áp nơi từng con chữ vào một góc tim, tiếp tục hiến dâng sức mình cho Đất Nước. Mãi đến khi màn đêm êm đềm buông mình xuống từng góc rừng, cậu mới có thể tìm được một góc riêng tư để nghỉ ngơi. Địch không còn càn quét dữ dội như ban sáng, nơi một góc trại vắng bóng người, Lam khẽ bật cái hộp quẹt lấy được từ xác một thằng lính Mỹ tóc vàng hoe, vụng về giở từng lớp giấy bọc để đọc thật kỹ lá thư đượm hương lúa chín ngát trời.
"Ngày... tháng... năm
Em Lam thương yêu,
Anh viết những dòng hồi âm cho em vào một buổi tối lặng gió, trong ngôi nhà tranh đã lạnh đi đôi phần vì thiếu tiếng cười em.
Anh đã nhận được món quà em tặng, chiếc bút chì ấy, anh thích lắm. Nhưng Lam ạ, anh ước giá mà người tự tay trao nó cho anh là em thì thực tốt biết mấy! Hằng ngày, hằng đêm, anh đều mong đến giây phút Chiến Thắng, phút giây anh lại được gặp em, được gục đầu vào bờ vai em, được vùi mình vào vòng tay vững chãi của em. Ngày ấy sẽ không còn xa đâu, đúng không em? Anh biết ngoài kia, em cùng các anh em chiến sĩ, các chị em hậu cần đều đang chiến đấu hết mình, đều đang hướng về một sớm mơi Độc lập- Tự do- Hạnh phúc. Anh yêu em như anh yêu Đất Nước, anh tin em như anh tin Cụ Hồ, em phải thật khoẻ mạnh để còn đóng góp cho Tổ Quốc, để còn về với anh, Lam nhé!
Nhà cô Xuân vẫn khoẻ, sắp trẻ con năm nay cũng đi học rồi, giỏi lắm. U em gửi lời hỏi thăm anh em ngoài chiến trường, còn định dấm dúi cho thằng Ánh mấy cái bánh đa mà thằng cu không nhận đấy. Làng mình vẫn ổn, nhưng chị Nhiên hy sinh rồi, chắc em cũng biết nhỉ? Khổ thân, bà cụ Ba sớm hôm trông ngóng đứa con dâu về nhà, giờ chỉ còn thằng cháu nội lên hai bí bô trước nhà. Địch cũng vừa mới càn qua làng mình, em ạ, chết bốn nhà. Cụ Tư đầu ngõ, ông Sửu nhà bán rượu, chị Nga hàng thịt, cả nhà con bé Gái với ông cụ cũng không thoát. Làng mình hận Tây lắm.
Anh cũng hận Tây, vì chúng nó cướp đi em khỏi gia đình mình mất rồi. Hằng đêm anh luôn cầu cụ Thành Hoàng ngoài miếu che chở cho em, cho các anh em ngoài kia, cho cả thằng Ánh nữa. Mỗi lần chui xuống hầm, anh lại nghĩ đến em, chẳng biết em có bình an hay không. Anh thương em, nhớ em, đến độ những vần thơ tình bà Hồ thi sĩ cũng chẳng thể giãi bầy cho bằng hết. Anh ước mình có thể vứt bỏ tất thảy để hóa thành cánh bồ câu Hòa Bình mà bay đến bên em, mà ôm thật chặt lấy em dẫu chỉ trong một khoảnh khắc. Anh yêu em hơn cả bản thân mình, Lam ạ. Anh sẽ chờ em, chỉ cần em trở về, anh sẽ luôn chờ em. Nếu mai đây anh có ra đi, anh sẽ tìm về bên em với hình hài ngọn gió, em nhé.
Anh thương em, nhớ em, mong ngày bên em."
Thời khắc ve vuốt lấy từ câu từ, tâm hồn Lam như thoát khỏi hiện tại nghiệt ngã. Đôi mắt cậu mãi hoài theo đuổi những con chữ thân thương, đều đều, nghiêng nghiêng trên trang giấy trắng tinh. Nhật là lý do để cậu ra đi, để cậu vững tâm góp sức mình cho công cuộc độc lập của Tổ Quốc. Lam phải chiến đấu, trước tiên chính vì gia đình, vì Nhật, vì hai đứa trẻ con nơi quê nhà hãy còn đợi chờ cái bánh, gói quà. Nếu hèn nhát trốn tránh, một ngày mai có thể Lam sẽ phải giương mắt nhìn người mình thương tan biến cùng tiếng máy bay xé trời. Không, cậu phải chiến đấu, nhiều hơn, nhiều hơn một chút nữa.
Tất cả,
đều là vì anh.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro