Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Tuân và kháng.

Từ biệt cha con vua Chăm, tôi quay về Thăng Long.

Mẫu hậu tôi đã cùng chị gái và em trai tôi giải quyết vấn đề phân phát lương thực cho nạn dân. Hai hoàng hậu cũng xuất hiện trấn an người dân.

Gián điệp quân Tống trà trộn vào cũng bị gô cổ toàn bộ. Hai lão Bao Công của tôi cũng vất vả lắm, vì chúng luyện tiếng Việt thành thạo như người bản xứ.

Biết gì không? Người tìm ra cách để phát hiện quân Tống trà trộn vào Thăng Long chính là An Dân đấy. Phương pháp của thằng bé làm rất đơn giản: rải đá ra khắp đường.

Người Việt có tập tục đi chân đất từ lâu. Da chân trở nên chai và dày, trèo cây rất giỏi. Nhờ phương pháp của An Dân mà chúng tôi dễ dàng phân loại được đám người Tống đã quen với việc mang giày dép. Đi qua một đoạn đường nhiều đá nhọn, tên nào chảy máu hoặc than đau thì đó không phải người Việt.

Mặc dù việc tìm vài tên gián điệp trong cả thành Thăng Long khổng lồ chẳng khác gì mò kim đáy biển. Nhưng các bạn biết đấy, thành Thăng Long đông dân, tức là camera chạy bằng cơm có ở khắp mọi nơi. Soi chân ư? Đơn giản.

Còn với Việt gian bán nước hả? Những kẻ ấy còn dễ bị bắt hơn. Ngụy Trọng Hòa và Đặng Thể Tư chỉ cần hỏi dăm ba câu là lòi đuôi chuột ngay. Dễ hiểu thôi, đám Việt gian đó làm sao bằng được lính Tống đã được đào tạo bài bản cho những nhiệm vụ thâm nhập này.

Chỉ mấy ngày sau khi tôi rời đi, quân Tống đã kéo đến cách Thăng Long chỉ còn có mấy dặm, dân chúng rối loạn, binh sĩ mất sạch ý chí. Chị Tường đã đứng trên tường thành đưa cao thanh kiếm và đọc một bài diễn văn kéo sĩ khí quân dân lên đến đỉnh điểm, Thái phó đã mặc lại áo giáp và lên xe ngựa xuất chinh.

Quân Tống kinh hãi trước sĩ khí cao ngút trời của quân Việt, lại bị tạt sườn bởi đạo quân đang đóng gần đó, dẫn đầu bởi Lê Văn Thịnh.

"Bệ hạ định ra tiền tuyến ư?" Chị Tường trố mắt nhìn tôi.

"Em không tham gia đánh trận đâu." Tôi đáp. "Em chỉ xem xét ở hạ nguồn sông thôi. Sẽ không tới tận doanh trại đâu mà."

"Nhưng mà..."

"Nhờ chị nói lại với mẹ em là đừng lo cho em nhé."

"Chuyện này..."

"Cảm ơn chị gái!" Tôi chạy vút tới bên cạnh thầy Lê trước khi chị tôi kịp nói thêm gì. Đúng ra bây giờ thầy ấy phải ở ngoài doanh trại, nhưng Lưu Khánh Ba đã đổ bệnh rồi, thầy tôi là người có kinh nghiệm nhất trong việc tháp tùng tôi... đi đây đi đó. Thế cho nên thầy trò tôi lại tiếp tục đồng hành cùng nhau.

"Thầy, chúng ta đi thôi." Tôi nhìn vào đôi mắt tràn ngập ý chí chiến đấu của thầy giáo trẻ. "Tới bến Như Nguyệt."

-

Người ta nói, sông Hồng được gọi là sông Hồng vì làn nước có màu hơi đỏ. Nhưng trong tình huống này, sông Như Nguyệt phù hợp với cái tên đó hơn.

Dòng sông nhuốm màu máu. Xác chết trôi theo dòng sông về phía tôi giống như những bộ phim cổ trang về chiến tranh mà tôi từng xem. Nhưng khủng khiếp hơn tỷ lần.

Khi xem phim, các bạn dùng mắt để nhìn. Còn tôi nhìn thấy những thân xác chỉ còn lại một nửa. Những cái đầu không có thân đang trôi, nội tạng nổi lềnh bềnh trên mặt sông Có một cánh tay mắc cạn ngay dưới chân tôi.

Bên cạnh cảnh tượng hãi hùng ấy, tiếng gào thét, tiếng vũ khí va chạm, tiếng chửi thề và cả tiếng khóc lóc của binh sĩ hai bên đang tra tấn tai trái tôi. Còn tai phải tôi nghe tiếng lũ kền kền và lũ quạ tranh nhau chỗ thịt người. Tiếng kêu của chúng, tiếng xé thịt, tiếng chúng vỗ cánh để đuổi những con khác tránh khỏi con mồi của mình. Chúng khiến đầu tôi đau như búa bổ.

Mùi máu tanh và hôi thối của những cái xác và cảm giác căng thẳng tột độ khiến cơ thể tôi đổ mồ hôi như tắm, da gà da vịt nổi lên... tất cả như hòa làm một.

Một cảm giác rùng mình đến buồn nôn xuất hiện trong tôi. Lê Văn Thịnh ở sau lưng tôi thầm tụng kinh. Tôi quỳ xuống, cầu cho linh hồn các tướng sĩ hy sinh được an nghỉ nơi chín suối.

"Cuộc chiến này là không thể tránh khỏi." Tôi nghĩ khi đi dọc bờ sông. "Những điều mình có thể làm được nhiều nhất chính là giảm thiểu thương vong cho cả hai phe. Để làm được điều đó, cần phải rút ngắn thời gian chiến sự và nhanh chóng khiến quân Tống đầu hàng."

Tôi biết kết thúc cuộc chiến là quân Tống sẽ rút lui, nhưng bộ tham mưu đã tính toán rằng cuộc chiến này có thể kéo dài. Người Việt không muốn mất nước, quân Tống cũng không muốn trở về mà không được gì.

Quân Tống lúc đầu tiến quân như vũ bão nhưng đối mặt với chiến lũy hùng vĩ của Lý Thường Kiệt và sự anh dũng thiện chiến quân sĩ Đại Việt, Quách Quỳ đã phải dừng lại và chờ thủy quân tới. Quá nhọ cho một viên tướng tài, thủy quân của nhà Tống đã tịt ngòi ở cửa sông Bạch Đằng. Trong thư, Lý Kế Nguyên đã viết sẽ không để một tên lính Tống nào đặt chân lên đất Việt. Nếu có thì hắn sẽ trở thành cái xác sớm thôi. Không biết Lý Kế Nguyên có cắm cọc không nhỉ?

"Bệ hạ?" Thầy Lê gọi tôi. "Nếu đi nữa, ta sẽ tới Vạn Xuân, sẽ gặp doanh trại của Chiêu Văn Hầu và Hoằng Chân Hầu."

Tôi nhìn về phía trước. Những túp lều bắt đầu hiện ra. Cờ quạt bay phất phới trong gió.

Tôi dừng bước.

Tôi không biết phải tiến lên hay quay về. Nếu tới đó, những người lính sẽ đặt an nguy của tôi lên hàng đầu và có thể sẽ ảnh hướng rất lớn đến công việc. Nhưng tôi không nỡ quay lại.

"Thầy," Tôi gọi. "gần đây có đền miếu gì không? Ta muốn đi cầu nguyện."

-

Ngôi đền bé nhỏ nằm bên bờ sông chăng đầy mạng nhện. Lư hương vẫn còn đó nhưng chẳng có lấy một nén hương, đến cả tấm bài vị cũng mờ đến mức không còn thấy rõ chữ nữa.

"Đền miếu thế này, chẳng biết có thiêng không nữa?" Thầy tôi làu bàu.

Thiêng hay không cũng mặc. Tôi cốt chỉ muốn giảm nhẹ gánh nặng đang đè lên vai mình. Đôi ba lời cầu nguyện nghe thì mê tín nhưng còn hơn là không làm gì.

"Đã là thần thì không phân biệt thần lớn thần nhỏ." Tôi nói. "Miễn là có thể giúp được quân sĩ đánh thắng trận, có là ma thần ta cũng khấn."

"Bệ hạ, như thế..." Thầy tôi định nói gì đó nhưng rồi lại ngừng lại. "Để thần giúp bệ hạ dọn dẹp."

Sau khi dọn sạch đống mạng nhện và lau dọn bụi bẩn, tôi đốt ba nén hương và quỳ trước tấm bài vị.

"Quân sĩ đang chiến đấu ngoài kia để bảo vệ nước nhà. Con thân là Hoàng đế lại không thể thân chinh đánh dẹp, cũng không thể đốc thúc người ngựa, thật là mất mặt với tổ tiên. Nay, con khẩn xin thần linh giúp con đánh lui giặc giã, cho đất nước thái bình, người dân được ấm no, cho nước nhà ta phồn thịnh đến thiên thu. Nếu các thần nguyện ý giúp con, xin hãy gửi cho con một dấu hiệu."

Sau khi khấn cầu thắng trận và thắp hương, tôi khẽ thở dài. Nếu như có thể gửi chút gì đó để giúp binh sĩ ngoài tiền tuyến thì tốt biết mấy. Nhưng tôi chỉ có thể làm thế này thôi. Một chút cầu nguyện cũng đủ để khiến tâm hồn nhẹ đi được một chút gánh nặng trong lòng.

Tôi nhìn tấm bài vị đã được lau sạch. Chữ vẫn mờ nhạt theo những năm tháng đã qua. Sau khi thắng trận nhất định tôi sẽ cho tu sửa ngôi đền này.

"Thần nghe nói, đền này thờ hai vị tướng quân." Lê Văn Thịnh nói.

"Thờ tướng quân à?" Tôi hỏi.

"Dân gian gọi nơi này là đền Trương Tướng quân, còn gọi là đền Thánh Tam Giang." Thầy kể. "Tương truyền, khi Triệu Việt Vương chống giặc Lương ở đầm Dạ Trạch, có hai anh em Trương Hống và Trương Hát theo phò tá diệt giặc. Sau này, Hậu Lý Nam Đế sát hại Triệu Việt Vương cướp ngôi thì hai ông giữ đã giữ tấm lòng trung quân nhảy xuống sông tự vẫn. Đền này được dựng để tưởng nhớ hai người."

"Thầy vừa nói gì?" Tôi hỏi lại.

"Đền này được dựng lên để thờ hai vị tướng Trương Hống và Trương Hát của Triệu Việt Vương Triệu Quang Phục ạ."

Tôi nhìn lại tấm bài vị. Những chữ Hán tự đã mờ kia như sáng rực lên đến mức tôi có thể nhìn thấy:

"Trương tướng quân..."

Tôi nhớ lại hơn mười năm trước, khi tôi còn học cấp hai. Lời Lê Văn Thịnh vừa nói nghe giống hệt những lời cô hướng dẫn viên du lịch nói. Hơn một trăm đứa trẻ ngồi trước đền và nhìn cánh cửa đỏ rực, tường trắng và mái ngói đỏ hồng. Mỗi lớp cử một thành viên tới thắp hương. Còn tôi thì ngủ gật.

"Thầy!" Tôi gọi lớn, miệng cười toe toét như vừa tìm được đường cứu nước.

"Bệ hạ có gì căn dặn?"

"Thầy có đem theo giấy bút không?"

Lê Văn Thịnh nhanh chóng lấy giấy bút nghiên mực ra và bắt đầu mài mực. Tôi quỳ xuống chắp tay trước tấm bài vị.

"Cảm ơn Người..." Nước mắt tôi bắt đầu lăn dài trên má. "Cảm ơn Người... đã bảo vệ cho Đất Mẹ của chúng con..."

Tôi bắt đầu đặt bút.

Từng nét chữ cứ thế tuôn ra qua đôi bàn tay nhỏ bé. Da gà da vịt tôi nổi lên. Một làn gió lạnh toát phà dọc sống lưng tôi, nhưng sau đó là cảm giác ấm áp như đang ngồi dưới ánh mặt trời mùa xuân.

Từng ký tự như đang phát sáng dưới ánh nến mờ nhạt.

Tay tôi run lên. Ai mà ngờ được, mình lại đang chấp bút cho bài thơ thần này. Chẳng lẽ đây chính là lý do tôi được đưa về đây sao?

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan... thủ bại hư."

Lê Văn Thịnh đọc bài thơ lên, cảm giác như anh ta cũng không kiềm được nước mắt, giọng anh lạc đi thấy rõ.

"Bệ hạ, đây là..."

Tôi nổi da gà. Không phải vì lạnh, thực ra một phần thực sự là vì lạnh. Nhưng hơn thế nữa, tôi đang phấn khích. Trước sức mạnh của cái gọi là tín ngưỡng.

Một người bao nhiêu năm qua chưa từng tin vào thần phật, chưa một lần nghiêm túc đi chùa, chưa một lần quan tâm đến tín ngưỡng hay tôn giáo, bây giờ lại được thần linh soi đường dẫn lối.

Đúng thế.

Dù mồ mả tổ tiên đã bị cỏ phủ xanh, nhưng họ dõi theo chúng tôi. Các vua Hùng đã dựng nước, và bây giờ, họ đang dõi theo chúng tôi, quan sát chúng tôi giữ nước.

Vong linh của các vị anh hùng, linh hồn của liệt tổ liệt tông... Họ vẫn luôn ở đây, dang tay che chở cho Đất Mẹ của triệu người con đất Việt.

"Thầy!" Tôi hét lớn và cười toác mang tai.

"Bệ hạ có gì căn dặn?"

"Giúp trẫm nhé."

-

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư."

"Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư."

Giọng thơ văng vẳng trong núi rừng. Quân sĩ Đại Việt nghe được thì lầm bầm đọc. Người nào biết chữ thì viết lại. Sau đó thì họ cùng nhau đọc lớn bài thơ thần.

"NAM QUỐC SƠN HÀ NAM ĐẾ CƯ,

TIỆT NHIÊN ĐỊNH PHẬN TẠI THIÊN THƯ.

NHƯ HÀ NGHỊCH LỖ LAI XÂM PHẠM,

NHỮ ĐẲNG HÀNH KHAN THỦ BẠI HƯ."

"ÔÔÔÔÔÔ!!!"

Sĩ khí quân Việt tăng lên đến cực đại. Còn phía quân Tống thì đang tụt dốc không phanh. Quá rõ ràng, Quách Quỳ xem như đã sa lầy ở Đại Việt. Tiến không được mà rút cũng chẳng xong.

"Ông trời ơi." Lê Văn Thịnh thở dốc do đã phải gào mồm đọc bài thơ hàng chục lần. Nhờ có hiệu ứng tiếng vang của núi sông rừng rậm mà âm thanh vang đi rất xa, lại còn có vẻ thần bí. "Bài thơ này, thực sự có thể giúp tăng sĩ khí quân ta và hạ sĩ khí quân Tống. Bệ hạ thật là thánh minh."

"Thầy nói quá rồi." Tôi gãi mũi. "Nhưng chỉ bằng bài thơ này thì không thắng được đâu."

"Bệ hạ..."

"Chúng ta... phải đến Vạn Xuân một chuyến."

-

Lê Văn Thịnh dẫn tôi vào lều chỉ huy của Thái Nguyên và Hải Dương. Bước vào trong, các tướng đều sững sờ khi nhìn thấy tôi.

"Không cần hành lễ." Tôi bắc lấy chiếc ghế và đứng lên nhìn chiếc sa bàn. "Tình hình thế nào?"

"Hồi bệ hạ, tối nay chúng ta sẽ đánh thẳng vào trại của Quách Quỳ. Thái úy cũng sẽ đánh vào trại của Triệu Tiết. Sĩ khí quân ta đang hăng, quân Tống lại mệt mỏi. Ta nhất định sẽ một trận phân định thành bại. Đuổi hết giặc cỏ ra khỏi quê cha đất tổ, giang sơn sẽ sạch bóng quân thù!"

"Tốt!" Tôi vỗ mạnh bàn. "Trẫm tin tưởng ở các khanh!"

"Bệ hạ vạn tuế!"

"Nếu cần bất cứ một thứ gì, trẫm sẽ hỗ trợ các ngươi ngay. Chỉ cần đuổi được giặc, tất cả các khanh sẽ thăng quan tiến chức!"

-

"Trẫm nghe nói, vợ em vừa mới sinh đứa thứ nhất phải không?" Tôi hỏi Chiêu Văn Hầu khi trong lều chỉ có hai người.

"Vâng." Thái Nguyên đáp. "Là con trai."

"Thế, nếu ta truyền chỉ cấm đệ dẫn quân tham chiến, đệ có chịu không?"

Đánh trận vô cùng nguy hiểm. Đây lại là xông thẳng vào bản doanh của đại tướng Quách Quỳ. Ai mà biết được trong bản doanh ấy có bao nhiêu tên giống như Trương Thủ Tiết. Thực sự là đã một năm rồi nhưng tôi vẫn thường gặp ác mộng với lão ta. Và nếu Thái Nguyên có mệnh hệ gì, sao tôi dám nhìn mặt đứa con mới sinh của anh và nói rằng "Cha con chết là vì ta.".

"Thần to gan kháng chỉ." Chiêu Văn Hầu đáp ngay tức khắc.

"Nhưng, con trai của đệ..."

"Nếu nó biết cha nó tham sống sợ chết mà ở ru rú trong doanh trại, thằng bé sẽ hận thần mà thần cũng không vui vẻ gì mà sống tiếp được."

"Đúng thế bệ hạ." Hoằng Chân Hầu bước vào.

"Hải Dương?" Chúng tôi nhìn cậu.

"Thần nhất quyết không để Chiêu Văn Hầu lĩnh trọn vinh quang." Hải Dương chắp tay đáp.

"Đây là đánh trận đấy." Tôi nhấn mạnh. "Đừng trẻ con nữa."

"Thần là tông thất, lại là nguyên soái, phải đi đầu làm gương cho quân sĩ."

"Chuyện sống chết đấy!"

"Chết nơi sa trường là vinh dự của võ tướng." Hải Dương đáp. "Bệ hạ, lời người nói năm trước, thần vẫn luôn nhớ trong lòng."

Hai người họ quỳ xuống chắp tay về phía tôi.

"Cúc cung tận tụy, đến chết không thôi."

Hay thật, lời tôi nói ra cả năm trước giờ lại hại tôi.

"Bệ hạ không muốn con trai thần mất cha, thần cũng không muốn những đứa trẻ khác mất cha mất mẹ dưới lưỡi đao của giặc ngoại xâm." Thái Nguyên nói. "Nên thần mới đứng ở đây. Thần đến nơi này là để bảo vệ đất nước, để bảo vệ nhân dân Đại Việt."

"Xin bệ hạ, để chúng thần được chiến đấu!"

"Thôi được rồi!" Tôi ngồi phịch xuống. "Dám bật cả vua cơ đấy. Trẫm lệnh cho các em, sống sót trở về!"

"Chúng thần tuân chỉ!"

Và hai người họ kháng chỉ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro