
Quốc Tử Giám.
Quân ta đại thắng trở về. Người Tống bị bắt làm nô lệ đi hàng hàng theo sau với hàng tấn của cải cướp được.
"Bệ hạ xem kìa," Thầy Lê mở rèm và nhìn cảnh sông núi vùng Quảng. "phong cảnh nên thơ thật."
"Đại Việt thông Nam ải,
Tống triều thất vạn manh
Bản quân xuất thiên binh
Thái úy đồ Ung thành." (1)
Tôi ngồi trong xe ngựa mà cứ lải nhải mãi không thôi. Tôi cũng không biết phong cảnh nên thơ chỗ nào khi mà trước sau tôi là nườm nượp người ngựa cờ quạt phấp phới, nô lệ lê lết mà đi. Lý Thường Kiệt thì rút quân theo đường thủy nên tôi chẳng thấy mặt ông ta đâu.
"Mặc dù thần nói là nên thơ, nhưng thơ của bệ hạ thì..." Thầy tôi tặc lưỡi. "Thần tưởng bệ hạ đã hiểu rồi chứ. Việc tàn sát này..."
"Trẫm hiểu." Tôi gắt. "Chính vì trẫm hiểu nên trẫm mới không thể chấp nhận được. Tại sao lại như thế cơ chứ? Tại sao không thể hợp tác song phương? Sao chúng ta cứ phải chém giết lẫn nhau?"
"Bệ hạ còn nhớ, lý do Tần Thủy Hoàng thống nhất sáu nước không?"
"Là để kết thúc hàng trăm năm chiến loạn." Tôi trả bài. "Nhà Chu mất đi quyền uy của mình, các chư hầu nổi lên thôn tính lẫn nhau. Cuối cùng, Tần Thủy Hoàng thống nhất lục quốc, nhưng chiến tranh cũng đâu có kết thúc. Trung Hoa rồi lại loạn cào cào lên còn gì."
"Bệ hạ hãy hình dung, nếu cứ mãi chia cắt, mỗi nước một chữ viết, một văn hóa và một tín ngưỡng riêng, thì Trung Hoa có thể lớn mạnh như bây giờ không?"
"Ý thầy là gì?"
"Tuy Đại Tần chỉ tồn tại được hơn mười năm, nhưng những gì nó đem lại cho cả Trung Hoa là vô cùng to lớn. Từ hệ thống cai trị, thống nhất về mặt lãnh thổ, đo lường, văn hóa, chữ viết. Đời Hán củng cố lại, Văn Đế, Cảnh Đế, Vũ Đế nhà Hán đã tạo ra một nhà Hán hùng cường chính là nhờ sự thống nhất của Tần. Nếu Tần không thống nhất, Hoa Hạ làm gì có Hán, có Tùy. Cũng chẳng có Đường có Tống như ngày nay."
"Ý thầy là cái thành Ung Châu bé quá, ta nên xâm lược nhà Tống chiếm lấy Trung Hoa luôn hả?"
"Chuyện này thì quá khó nếu là ta của hiện tại." Lê Văn Thịnh đáp ngay. "Phía nam ta có Chân Lạp và Chiêm Thành. Nếu muốn đánh lên Đại Tống, ta cần ít nhất là một trăm vạn quân."
"Một trăm vạn?" Tôi kinh ngạc.
"Năm xưa tướng Vương Tiễn nước Tần xâm chiến Sở quốc rộng lớn đã cần tới sáu mươi vạn đại quân, nay Đại Tống giàu mạnh như thế, một trăm vạn, e còn không đủ để tới phía nam sông Hoàng Hà thôi. Chưa kể, nếu ta đánh tới tận Biện Kinh (2), có thể phải gặp cả Liêu và Tây Hạ. Và ta cũng không dại gì mà lại đi đánh lên để gặp hai kẻ địch mạnh như thế kia?"
Về đến Thăng Long, các bạn biết điều đầu tiên tôi làm là gì không?
Xử tội Lý Thường Kiệt? Không. Bây giờ có việc quan trọng hơn rồi.
Tôi giả ốm. Nhưng một khi Thái hậu tới thì chắc chắn là tôi sẽ ốm... đòn.
"Lý Càn Đức!" Mẹ tôi đứng trước cửa điện Thiên Khánh hét to. Chưa bao giờ bà gọi thẳng họ tên tôi như thế. "Con ra đây ngay cho ta!"
"Mẫu hậu, ờ, hoàng huynh ốm nặng lắm." An Dân cứu tôi bằng cách cố chặn cửa. "Không ngồi dậy nổi luôn."
"Thế ai kia?" Mẹ tôi trỏ về phía tôi, người đang cố lẻn ra khỏi điện Thiên Khánh bằng cách leo qua cửa sổ.
"M... m... mẫu hậu, con biết lỗi rồi." Tôi chạy quanh sân rồng. Mẹ tôi hóa ra khỏe thật. Đuổi theo tôi khắp cái sân rộng thênh thang.
"Sao ta lại đẻ ra đứa con ngu dại như thế này hả?" Mẹ tôi vung cây roi quấy xuống đất đánh cái tét. "Dám lừa cả mẹ. Ta còn sống sờ sờ ở đây này! Sau này khi ta chết, con định tới tận Biện Kinh ngao du luôn hả!?"
Cuối cùng tôi bị chặn lại bởi Lê Văn Thịnh.
"Thầy, cứu trẫm." Tôi cầu cứu anh ta.
"Thiên chức của thần là hầu bệ hạ học. Lời mẹ dạy chính là bài học đầu tiên ạ." Lê Văn Thịnh còn cố giữ tôi lại.
"Người đâu!" Mẹ tôi quát lớn. Mấy tên lính lập tức xuất hiện. "Giữ bệ hạ và Lê Thị độc lại."
"Hả?" Thầy Lê ngớ mặt ra nhìn mẹ tôi khi hai tên lính giữ chặt anh.
"Ta đường đường là mẫu nghi thiên hạ mà nay còn không dạy được con mình, sao dám dạy thiên hạ? Còn ngươi, làm thầy mà không biết can gián, lại còn hùa theo, bản Thái hậu phải tự tay trừng phạt hai ngươi."
"Thái hậu tha mạng!"
"Mẫu hậu, trẫm biết lỗi rồi mà."
"Mẫu hậu!" An Dân chạy tới can. "Hoành huynh biết lỗi rồi mà."
"Con im lặng!" Mẹ tôi quát cả An Dân. "Con dám bao che cho nó, ta đánh luôn cả con."
Và cả ba người chúng tôi ăn đòn.
-
"Còn đau không?" Tôi hỏi An Dân khi hai đứa tụt quần xuống và nằm úp để ngự y xoa thuốc. Lê Văn Thịnh thì phải về nhà.
"Có ạ." An Dân vẫn còn khóc. "Rát lắm."
"Anh thật có lỗi khi lôi em vào chuyện này."
"Trợ giúp hoàng huynh là việc của thần đệ. Em không giỏi được như hoàng huynh, chỉ có thể làm được như thế. Nhưng mà," An Dân nhìn tôi với ánh mắt khẩn thiết. "lần sau, anh dẫn em theo với nhé."
"Tất nhiên rồi." Tôi xoa đầu thằng bé. "Khi nào em lớn hơn chút nữa, ta sẽ đưa em đi cùng."
"Còn dám có lần sau?" Linh Nhân Hoàng Thái hậu bước vào. Ngự y lập tức đứng dậy và lùi ra. Anh em chúng tôi kéo quần lên, ra khỏi giường và quỳ xuống sàn.
"Mẹ, chúng con biết lỗi rồi."
"Còn đau không?" Mẹ tôi hỏi.
Hai anh em nhìn nhau.
"Dạ..."
"Một chút ạ..."
Mẹ tôi sà xuống ôm lấy chúng tôi.
"Mẹ xin lỗi." Bà khóc. "Mẹ xin lỗi."
"Mẹ, bọn con sai. Là bọn con có lỗi." An Dân sụt sịt.
"Là tại con. Là con bắt em ấy. Con làm vua mà không làm gương cho dân. Làm anh mà dạy hư em. Làm con mà bất hiếu với mẹ."
Cứ tưởng sướt mướt một chút là xong. Mẹ tôi bắt hai đứa ngồi tụng hết Kinh Địa mẫu ở chùa Diên Hựu. Nay là chùa một cột ở Hà Nội. Ngôi chùa này được xây từ thời ông nội chúng tôi là vua Lý Thái Tông. Tên Diên Hựu là để cầu cho vua được sống lâu. Tôi cũng muốn sống lâu. Nhưng tôi nghĩ là khi nào con trai tôi đủ lớn thì sẽ truyền ngôi cho nó và làm Thái thượng hoàng. Sau đó thì đi ngao du cho khuây khỏa.
"...Kim ngôn Mẹ đây lời mạch huyết
Đức Từ Tôn tha thiết khuyên con
Hiếu Trung giữ vẹn cho tròn
Mẹ hiền phủ điển bảo toàn chúng sanh..."
Tiếng tụng kinh cứ thế vang khắp ngôi chùa cùng với tiếng mõ. An Dân thì ngồi lắp bắp đọc theo vì thằng bé chưa học hết mặt chữ. Chính tôi cũng mất kha khá thời gian để học được hết mớ Hán tự. Và trong lúc tôi tụng kinh, tôi nghe có tiếng xì xầm bàn tán ở sau lưng. Đám sư thầy ở đằng sau cố chen chúc ở ngưỡng cửa để quan sát Hoàng đế.
Sau một lúc làm ngơ, tôi lại nghe có tiếng tụng kinh sau lưng mình.
"...Chân linh mẫu xét soi vũ trụ
Điển âm dương kết tựu anh nhi
Thượng tầng Mẫu ngự phương phi
Phân ra thiên địa trị vì chúng sinh..." (3)
Rồi dần dần, càng có nhiều tiếng đọc hơn. Đến khi tụng xong, tôi quay lại thì thấy sau lưng tôi là mấy hàng sư sãi. Có những đứa trẻ trông có vẻ còn nhỏ hơn An Dân.
"Bệ hạ vạn tuế." Họ quỳ rạp xuống.
"A di đà Phật." Một vị sư già mặc chiếc áo cà sa đỏ bước ra chắp tay chào tôi. Trông ông ta phải hơn trăm tuổi là ít. Da mặt ông nhăn nheo, đôi mắt ông trắng dã, có vẻ như đã mù, hàm răng đen nhẻm cái còn cái mất. Bên cạnh phải có một người đỡ. "Bệ hạ và Minh Nhân Vương ghé thăm bổn tự, lại tụng Địa Mẫu Kinh, chắc là đã làm điều gì khiến Thái hậu phật ý chăng?"
"A di đà Phật." Anh em tôi mỉm cười đáp lại. "trẫm vừa lỡ... gây chuyện, Thái hậu đang không vui."
"Bệ hạ là Hoàng đế. Đạo Phật là đạo tu tâm. Muốn trị quốc, không thể dựa cả vào Phật được. Còn, phận làm con mà khiến cha mẹ buồn lòng thì cũng nên làm đôi điều cho mẹ cha, kinh Phật chỉ giúp tu tâm, không phải là tất cả."
"Trẫm hiểu." Tôi gật đầu chắp tay.
"Đinh Trụ trì dạy phải." An Dân cúi người đáp. "Phụ hoàng mất khi cô còn quá nhỏ để nhớ. Nhờ mẫu hậu và các sư tăng dạy mà nên người. Cô nhất định không để mẹ già chịu thiệt thòi."
"An Dân," Tôi hỏi thằng bé khi ra khỏi chùa. Lê Văn Thịnh đã đứng đó chờ tôi sẵn. "em quen vị Đại sư đó à?"
"Vâng." An Dân đáp. "Trước lúc phụ hoàng băng hà, mẹ dẫn em đi cầu Phật. Em gặp ông ấy từ lúc đó. Rồi lúc anh đi Tống bỏ em lại thì em thường gặp ông ấy."
"Ta chưa từng gặp ông ấy." Tôi cau mày.
"Đinh Trụ trì năm nay đã hơn trăm tuổi rồi." An Dân nói. "Nghe nói cha và anh ông ấy bị kẻ gian hãm hại từ khi sáu tuổi, sau đó được mẹ và kế phụ nuôi dạy nhưng rồi các anh em con ruột của kế phụ ông ấy tranh nhau tài sản gì đó dẫn đến giết lẫn nhau thì ông ấy quy y cửa Phật."
"Bệ hạ," Thầy Lê đứng bên cạnh tôi lên tiếng. "thần xin được nói lời này."
"Thầy cứ nói."
"Các vị cao tăng có công giáo hóa chúng dân, dạy dân lễ Phật, giúp dân ta thịnh về tinh thần. Nhưng chùa chiềng mọc lên như cỏ, một số chùa còn nguy nga lộng lẫy hơn cả cung vua. Theo hạ thần, cần phải giảm các khoản chi này."
Ở thời đại này, các học giả hầu hết đều vừa thấm nhuần Nho giáo, lại vừa hiểu Phật pháp và cả tư tưởng Đạo giáo của Lão Tử, họ hình thành nên một tư tưởng mà ngày nay chúng ta hay gọi là tam giáo đồng nguyên.
Kinh điển như anh giáo của tôi, đỗ kỳ thi Minh Kinh – thông tường kinh điển Phật giáo và Đạo giáo, đồng thời là cả kỳ thi Nho học tam trường. Để đỗ được kỳ thi này, tức là anh ta phải học cả sách Nho, sách Phật và sách Đạo giáo.
"Tiền xây chùa hầu hết là tiền cúng dường của dân, chứ có phải bới từ quốc khố ra đâu."
"Vấn đề chính là, các tông thất và cả quan viên đều cúng dường rất nhiều. Thần e rằng, đó có thể là một cách để... giấu tiền hối lộ."
"Chuyện đó... để Đàm lo. Anh ta còn trẻ, nhưng giỏi lắm."
"Đàm rất giỏi, thần không phản đối gì cậu ta. Nhưng còn một vấn đề khác."
"Là gì?"
"Ngoài đường có vô số kẻ giả tăng giả sư vơ vét bất hợp pháp của dân. Chúng bán những thứ thuốc vô lý hết sức mà kẻ nào cũng mở miệng ra là chùa tôi ba đời chữa bệnh này bệnh nọ. Đó là thứ ung nhọt!" Lê Văn Thịnh có phần trở nên kích động.
"Ta... sẽ tìm cách giải quyết chuyện này."
Tôi nói dối đấy. Ở thời hiện đại, những chính trị gia lão làng còn lao tâm khổ tứ bạc hết cả đầu còn chưa giải quyết xong thì làm sao một thằng nhóc như tôi nói làm được là làm được.
"Lê Thị lang. Ta đang tìm chú đây." Lý Thường Kiệt xuất hiện.
"Bệ hạ." Ông vái tôi và An Dân. "Minh Nhân Vương."
"Thái úy có chuyện gì sao?" Lê Văn Thịnh hỏi.
"Lê Thị lang," Lý Thường Kiệt quay sang thầy tôi. "từ ngày mai, chú hãy tạm nghỉ công việc Thị độc và chuyên tâm vào việc binh."
"Nhưng, Thái úy, ta không thể bỏ qua việc dạy bệ hạ được." Lê Văn Thịnh tròn mắt.
"Thái phó đã sắp xếp rồi. Chú cứ yên trí."
-
Lý Đạo Thành đã thực sự sắp xếp tất cả. Tạm thời, ông ấy sẽ thay Lê Văn Thịnh làm công việc Thị độc. Nhưng tôi lại nảy ra một ý tưởng khác khiến cả triều đình một phen mắt chữ O mồm chữ A. Đến mẹ tôi còn trố mắt, nhưng An Dân thì thích thú vô cùng.
Buổi học đầu tiên của tôi với Thái phó Lý Đạo Thành, trong Văn Miếu có cả An Dân và một loạt con cháu của các quan lại.
"Bệ hạ, chuyện này..." Lý Đạo Thành lên tiếng.
"Thái phó yên tâm. Trẫm đã có chủ ý này từ lâu rồi." Tôi đứng ra trước lớp, ngay dưới tượng Khổng Tử.
"Các khanh," Tôi nói. Đám nhóc tì bé nhất là sáu tuổi (vâng, là em trai tôi), lớn nhất khoảng mười ba đồng loạt quỳ xuống. An Dân trơ ra một lát, tôi đánh lông mày ra hiệu, thằng bé hiểu ra liền quỳ xuống.
"Bệ hạ vạn tuế!" An Dân nói lớn.
"Bệ hạ vạn tuế!" Đám nhóc quỳ xuống nói theo. Có vài đứa còn cố liếc lên nhìn mặt tôi.
"trẫm nhiều năm nay, đều học một mình ở chốn này. Chỉ có Chu Công Khổng Tử cùng các thầy bầu bạn. Trẫm buồn vì không có người đồng trang lứa. Nên đã xuống chiếu, cho gọi con cái các quan lại vào Văn Miếu để học chung với trẫm, sau này có thể kế nghiệp cha anh, tiếp tục giúp trẫm nâng đỡ giang sơn."
"Chúng thần tuân chỉ!" An Dân gào mồm đáp, cố nghe oai phong nhưng tôi lại thấy buồn cười.
"Chúng thần tuân chỉ!" Đám nhóc cũng đáp.
"Được rồi," Tôi ngồi xuống. "bình thân."
Đám trẻ lục tục ngồi ngay ngắn vào bàn.
"Bệ hạ." Một người khoảng mười ba tuổi đứng dậy tâu. "Tiên đế xây dựng nơi này vốn là để riêng bệ hạ học và thờ các vị hiền nhân. Thảo dân chỉ là con nhà quan lại tầm thường, e là không có phúc ấy."
"Các khanh cứng nhắc quá nhỉ." Tôi xoa cằm. "Thế này đi. Từ hôm nay ta sẽ cho xây dựng trường học trong Văn Miếu. Ừm... đúng rồi! Xây Quốc Tử Giám!"
"Bệ hạ, chuyện này... không phải nên bàn với Lưu Thượng thư sao?"
"Mai trẫm sẽ bàn lại với ngài ấy. Còn hôm nay," Tôi nhìn nhóm học sinh. "trẫm muốn các khanh ra sau sân với trẫm."
Đứng giữa bãi đất trống, tôi cho lũ trẻ điểm danh rồi đứng thành hai hàng. Sau đó tôi đặt một quả bóng ra giữa.
"Bệ hạ!" Lý Đạo Thành réo lên.
"Thái úy đừng lo." Tôi trấn an ông. "Hôm nay là buổi học đầu tiên của họ, đừng khiến họ áp lực."
"Nhưng..."
"Các anh em nghe rõ đây!" Tôi nói lớn và đạp lên quả bóng. "Sau này, khi trẫm trưởng thành và có quyền nhiếp chính, các khanh chính là những người sẽ ở bên trẫm và giúp trẫm xây dựng quốc gia, bảo vệ Tổ Quốc. Chính vì thế, từ hôm nay, chúng ta sẽ cùng đồng tâm hiệp lực, đồng cam cộng khổ với nhau. Quân thần như một!"
"Bệ hạ vạn tuế!" An Dân réo lên.
"Bệ hạ vạn tuế!" Đám trẻ cũng reo lên.
"Chính vì thế, hôm nay trẫm muốn chúng ta đá một trận bóng. Đá bóng, vừa giúp nâng cao tinh thần đồng đội, vừa tăng cường sức khỏe. Tất cả đều phải chơi. Được rồi, tản ra!"
Đám nhóc chạy tản ra khắp sân.
"Thái phó," Tôi nhìn Lý Đạo Thành. "thầy làm trọng tài nhé."
Thái phó bình chương quân quốc trọng sự Lý Đạo Thành tròn mắt nhìn tôi.
"Đúng là, cha nào con nấy." Ông lầm bầm nhưng vừa đủ để tôi nghe.
"BẮT ĐẦU!"
Quả bóng lăn trên sân trong tiếng reo hò của đám trẻ.
Thế này mới là trẻ con chứ.
(1) Thơ tác giả chém.
(2) Kinh đô Bắc Tống.
(3) Cái này chép theo quyển Kinh Địa mẫu của bà ngoại tác giả, không rõ thời Lý quyển Kinh Địa mẫu chép như nào.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro