
Vol.47 Khoảng lặng
Hai tháng sau đám cưới của anh Doanh thằng Toàn và anh Sơn được ra viện, vì đội vẫn thiếu người nên được bổ sung thêm cặp anh em song sinh Hoàng Việt mà chúng tôi đã quen từ trước.
Về chuyện của 3 đứa mất tích, tôi đã lén nhờ anh Phú để xem kết quả khám nghiệm tử thi hôm cháy trụ sở. Kết quả cho thấy những cái xác đều bị bắn vào đầu trước khi chết cháy, 2 trong 4 cái xác bị cháy là của Khánh, cô Linh, Tim, xác còn lại là xác nữ, chắc chắn là của Trang hoặc Huyền. Vậy là ít nhất vẫn còn 1 trong 2 đứa nó còn sống và đúng là có một thế lực nào đó đã ra tay thanh trừng hội phản động mà không phải là người của chính phủ. Tôi đã nói điều này với mọi người và quyết định giữ lại 1 vị trí trống cho người còn sống. Dĩ nhiên tin này cũng khiến mọi người phấn chấn hơn rất nhiều vì từ sau đám cưới của anh Doanh thì chả có tin tốt gì khác.
Mọi thứ đã trở lại như cũ và rơi vào vòng lặp nhàm chán, chỉ có điều là nó chậm hơn. Vì mọi người đều đã nhận ra rằng dù thế giới này sắp tàn nhưng mà việc bản thân vẫn còn được sống là một điều may mắn nên các cuộc tuần tra thường được bỏ bớt đi các yếu tố giao tranh, hiện tại chúng tôi chỉ thực sự nổ súng khi gặp mục tiêu ưu tiên hoặc trong các trường hợp bất khả kháng.
Bây giờ vấn đề duy nhất mà Hà Nội gặp phải là vấn đề về điện năng, máy phát điện và nguồn điện dự trữ cũng chỉ là biện pháp tạm thời, cuối cùng thì 6 tháng từ sau cái đêm ấy, nguồn điện của Hà Nội đã rơi vào trạng thái gần như cạn kiệt. Mọi nguồn lực đổ dồn lên Hòa Bình nhằm cố gắng liên lạc hay sửa chữa đường điện đều thất bại, các đội trinh sát đều mất liên lạc. Các kế sách cuối cùng hướng về nguồn điện của pin năng lượng mặt trời nhưng gom hết cả khu 4 quận trung tâm cũng không đủ điện cho 1 quận.
Lúc này mọi tia hy vọng lại đổ về 1 khu công nghiệp tại Bắc Giang chuyên sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời. Các kế hoạch đều đã được vạch ra nhưng tính khả thi lại rất kém, phần là quá nguy hiểm, phần còn lại là phương tiện vận chuyển không phù hợp. Khó mà giấu được những chiếc xe công-ten-nơ khỏi lũ xác sống, chưa kể nếu đi 1 đoàn thế thì sẽ khá cồng kềnh vì còn vướng thêm các đoàn hộ tống. Còn nếu chọn đi nhỏ nhẹ thì sẽ phải đi nhiều chuyến, không đảm bảo được an toàn xuyên suốt chặng.
Sau rất nhiều lần thảo luận thì cuối cùng cũng chỉ còn 1 cách là chơi tất tay, thiếu năng lượng là một vấn đề quá lớn để mà đắn đo mãi. Tuy nói tất tay là thế nhưng rất nhiều bản kế hoạch chi tiết được vạch ra và các thêm các phương án dự phòng nhằm cải thiện tỉ lệ chiến thắng. Nhưng đến khi thực hiện thì mọi thứ lại dễ hơn mọi người tưởng tượng rất nhiều.
Lần này các đội trinh sát không bị mất tích, thay vào đó là các báo cáo về việc lũ xác sống đang đổ dồn xuống phía Nam và sang phía Tây. Từ đó mọi thứ dễ dàng hơn rất nhiều, Bắc Giang lúc này chả khác gì chốn không người. Thừa thắng, quân ta chiếm lại được luôn cả tỉnh Bắc Giang mà không tốn một viên đạn. Chỉ tiếc là không có ai còn sống tại đây cả. Dù sao thì vấn đề năng lượng đã được tạm khắc phục. Việc tái thiết lại khu công nghiệp năng lượng mặt trời nhanh chóng được hoàn thành. Từ giờ vấn đề điện đóm sẽ không phải lo trong vòng ít nhất một thập kỉ tới.
Thời gian lại tiếp tục trôi. Ba năm tiếp theo yên bình đến mức ngoài sức tưởng tượng, nếu không ra ngoài tuần tra thì đôi lúc tôi cũng quên mất là loài người đang bên bờ diệt vong.
Thế rồi trong quãng thời gian này đôi lúc tôi còn không nhận ra bản thân mình của 5 năm trước, tính từ lúc bùng phát. Tôi mười tám tuổi và không còn là thằng nhóc cao lêu nghêu và gầy gò nữa. Từ khi mười sáu tuổi, chế độ tập luyện được tăng cường, nhờ đó mà vai và ngực tôi nhanh chóng nở ra, cơ bắp săn chắc lại. Đôi lúc tôi đứng trần truồng nhiều giờ trước gương trong phòng tắm, ngắm nhìn từ mọi góc độ cơ thể đang biến đổi gần như nhìn thấy rõ của mình. Tôi thấy vui với những biến đổi này. Có lẽ đây là niềm vui khi được từng bước tiến đến tuổi trưởng thành.
Hơn nữa tôi cũng không phải là người duy nhất có những thay đổi. Duy thì giờ nó to hơn cả anh Doanh. Anh Nam thì đang cố nuôi râu, đồng thời cũng đang phấn đấu dành dụm tiền đi mổ mắt, đôi mắt cận nặng từ trước giờ luôn là thứ phiền phức đối với anh,... Ai cũng có một vài sự thay đổi nhất định về ngoại hình hoặc tính cách hoặc ít nhất là trong lối suy nghĩ và lối sống.
Nhưng đặc biệt nhất phải nói tới anh Doanh. Giờ anh đã là bố của hai đứa trẻ rất xinh xắn và đáng yêu, chúng sinh đôi, cả hai đều là gái, vừa mới tròn 3 tuổi vào tháng 6 vừa rồi. Anh còn đặt cho chúng hai cái tên rất lạ là Cam cho đứa chị và Kem cho đứa em, anh bảo với tôi đặt thế cho dễ nhớ vì thật ra đôi lúc anh còn chả phân biệt được đứa nào là chị, đứa nào là em. Dĩ nhiên như bao người cha khác, anh rất mực yêu thương chúng và sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để bảo vệ cho gia đình nhỏ của mình.
- Cam! Đừng nghịch dao của chú Trung nữa con, đứt tay bây giờ!
Tiếng của chị vợ anh Doanh vang bên tai tôi.
- Vââầâng!
Con bé dài hơi đáp lại mẹ nó rồi nhảy xuống khỏi lòng tôi, đặt con dao xuống cạnh ghế, bồi thêm một câu ngọng líu ngọng lô:
- Chả tro trú lày. - Xong nó chạy sang bên chỗ em Kem nó đang làm nũng với Thư và Dung để vòi vĩnh cho 2 đứa được ăn thử kẹo cao su.
- Mẹ! Cuối cùng con của mày cũng có cái giống mày rồi đấy Doanh ạ! - Anh Sơn vỗ đùi cười nắc nẻ.
- Nó mới có 3 tuổi thôi mà mày, bằng tuổi nó tao còn chả nói sõi được như thế. - Anh Doanh nói với giọng đầy tự hào.
Khó mà biết từ khi nào, chắc là từ lúc anh Doanh có con, chúng tôi đã hình thành nên một thói quen mới là cứ cuối tuần sẽ cố gắng tụ tập lại ở nhà anh Doanh để có một "bữa cơm gia đình". Hai vợ chồng anh Doanh sẽ vào bếp, chị Minko cùng với Dung và anh Đạt sẽ đi kiếm cái ăn, còn bọn tôi thì luôn phải chịu chân rửa bát. Tuy chỉ là bữa rau bữa cháo nhưng thi thoảng chị Minko sẽ lạm quyền một chút mà để dành riêng ra cho mọi người vài lạng thịt.
Sự yên bình và những thói quen tốt này đã giúp tinh thần mọi người dần trở nên tích cực hơn, dù hiện tại Hà Nội bắt đầu rơi vào cảnh thiếu lương thực vì tình trạng dân số bắt đầu quá tải. Tuy đất đai hiện tại đã được mở rộng để trồng lúa nhưng mà thời tiết có vẻ không ủng hộ, mùa màng cũng hiếm được mùa bội thu. Nhưng mọi thứ cũng chưa tồi tệ đến mức đói khát như 1945, chỉ là bữa no bữa đói xen kẽ nhau.
Tuy yên bình là thế, nhưng thi thoảng tôi vẫn nghĩ về những gì đã qua, những kí ức đau buồn luôn là thứ nhắc nhở tôi tỉnh táo và sẵn sàng đối mặt với bất cứ chuyện gì có thể xảy ra. Những kỉ niệm về những ngày tháng lúc mới bùng dịch vẫn thi thoảng vẫn trở lại dưới dạng những giấc mơ, kèm thêm sự hối tiếc thì nó đã trở thành những cơn ác mộng ám ảnh tôi dạo gần đây.
Hơn nữa chúng tôi cũng không thể tìm thấy Trang hay Huyền. Trong một năm đầu mọi người đã làm tất cả mọi thứ có thể để tìm lại một trong hai đứa nó. Nhưng mỗi lần dán tờ rơi tìm người thất lạc lên bảng bố cáo là hôm sau nó sẽ bị vùi lấp dưới một đống tờ rơi tìm người thân của những người khác. Cho đến khi anh Doanh có con thì mọi người đã gần như buông bỏ hy vọng rằng hai đứa nó còn sống, kể cả tôi.
- Đang nghĩ gì thế cu? - Anh Sơn đột nhiên vỗ vai tôi.
- Linh tinh thôi anh. - Tôi đáp.
- Mày biết không Trung? Đôi lúc anh ước là thế giới cứ như này mãi hóa ra lại hay. Ừ thì không có wifi cũng buồn đấy, nhưng mà nếu như không như thế này thì có lẽ giờ anh đang làm ở một chỗ cù bất cù bơ nào đấy, lương thì ba cọc ba đồng, cuối tháng đói quá mà vướng công kia việc nọ thì lại phải đi vay, lương tháng sau về thì lại trả nợ xong sống vật vờ bằng mấy đồng lẻ, không đủ sống thì lại phải đi vay tiếp. Nó sẽ thành 1 vòng luẩn quẩn trong cả chục năm trước khi anh ổn định được gia đình, công việc. Nhưng vẫn còn cả tỉ thứ khác phải lo. Mày hiểu ý anh chứ? - Anh Sơn vừa nói vừa rút bật lửa ra định châm thuốc lá.
- Nào, đừng hút thuốc trước mặt 2 đứa nhỏ nhà tao chứ? - Anh Doanh vội can.
- Rồi, tao xin lỗi. - Anh Sơn lại cất bật lửa với bao thuốc vào trong túi áo.
- Em hiểu ý anh chứ. - Tôi đáp - Mọi thứ thế này thì đúng là thích thật, nhưng sao anh có thể chắc được mọi thứ như thế?
- Mày nhìn thằng Doanh xem? Nếu như thế giới cũ vẫn tồn tại thì mày nghĩ nó có thể có vợ đẹp con khôn, gia đình đầm ấm, công việc ổn định như thế không? Ừ anh thừa nhận là một gia đình mà sống như thế thì hơi thiếu thốn thật. Nhưng anh chắc chắn là nếu ở thế giới cũ thì giờ này nó đang bị bạn đểu chơi xấu, người yêu thì đéo có chứ đừng nói là vợ đẹp con khôn như kia, công việc thì cũng chỉ ba cọc ba đồng, bữa đói bữa no thôi.
Thấy tôi đăm chiêu suy nghĩ, anh Sơn lại nói tiếp:
- Thôi không tính Doanh nhé, Doanh ngu bỏ mẹ, đéo tính nữa. Cứ nhìn quanh cả phòng này đi, mày thử nghĩ xem nếu ở thế giới cũ thì thằng Đạt sẽ như thế nào?
- Tao nghe thấy đấy nhé! - Anh Doanh quay đầu lại nói vọng vào dù đang ngồi ngoài hiên cửa.
- Anh Đạt á? Em cũng chả biết nữa? Chắc là đầu bếp? - Tôi gãi gãi cái đầu.
- Có cứt, nó sẽ học thiết kế đồ họa hay cái gì đấy liên quan đến vẽ vời, rồi ngồi mòn đít với cái máy tính. Việc làm thêm của nó sẽ là thợ cắt tóc rồi khi về già nó sẽ mở sạp cắt tóc ven đường.
Nghe xong tôi cũng chả biết phải nói gì hơn nên đành im lặng nghe anh Sơn nói tiếp:
- Anh không có ý bảo là cuộc sống hồi trước như cứt, dù nó tệ thật nhưng vẫn còn nhiều điều tốt. Nhưng giờ thì mình phải sống cho hiện tại, không cân thiết phải quên đi cái cũ mà cứ giữ nó trong tim thôi. Biến nó thành thứ giữ mình tích cực, tốt đẹp. Hiểu ý anh chứ? Nên là hãy thử kiếm 1 cô bạn gái đi. Trông mày cũng đẹp trai sáng sủa. Không thì để anh giới thiệu cho một hai cô cũng được, nhé?
Tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài một câu cười trừ:
- Hì, có lẽ để lúc khác đi anh chứ bây giờ với em thì chưa phải lúc.
- Ôi dào, tùy mày vậy.
Anh Sơn nói xong đứng dậy ra hiên ngồi chơi với anh Doanh và hai đứa trẻ.
End
Tobecontinued
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro