Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Kiến thức nền tảng - Chương 12

CHƯƠNG 12 - QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU

Trong cuốn sách đạt giải thưởng của mình, Súng, Vi trùng, Và Thép, nhà khảo cổ và sinh học Jared Diamond đã chỉ ra một thực tế đơn giản: những lục địa khác nhau có hình dạng khác nhau. Khi mới đọc qua, câu nói này dường như quá hiển nhiên và không có gì quan trọng, nhưng nó lại chỉ ra thứ có ảnh hưởng sâu sắc tới hành vi của loài người. Một phần của Châu Mỹ đã di chuyển từ phương bắc tới phương nam. Chính vì điều này mà địa hình của châu lục này có xu hướng cao và hẹp hơn là to lớn và màu mỡ.

Về tổng quan điều tương tự cũng đúng với Châu Phi. Trong khi đó các mảng kiến tạo tạo nên Châu Âu, Châu Á, và Trung Đông lại hoàn toàn trái ngược. Sự bành trướng to lớn của lục địa có xu hướng theo hướng Đông Tây nhiều hơn. Theo Diamond, sự khác biệt trong hình dáng này đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của nền văn minh nông nghiệp trong nhiều thế kỷ. Khi nông nghiệp bắt đầu trở nên phổ biến trên toàn cầu, người nông dân đã có một thời kỳ dễ dàng hơn trong việc khai hoang dọc theo hướng đông tây hơn là theo hướng nam bắc. Lý do cho việc này là những địa hình đất đai nằm trên cùng một vĩ độ thường có sự tương đồng về điều kiện khí hậu, lượng ánh sáng mặt trời và lượng mưa, và sự thay đổi giữa các mùa. Những yếu tố này cho phép người nông dân ở Châu Âu và Châu Á thuần hóa được nhiều loại giống cây trồng và gieo trồng chúng trên diện rộng trải dài từ Pháp tới Trung Quốc. Khí hậu thay đổi đa dạng dọc từ phương bắc tới phương nam. Hãy thử tưởng tượng khí hậu tại Florida khác biệt như thế nào khi so sánh với khí hậu tại Canada. Bạn có thể là một nông dân tài ba nhất thế giới, nhưng điều đó cũng không giúp gì bạn trong việc gieo trồng cây cam Florida trong mùa đông của Canada. Tuyết là sự thay thế nghèo nàn cho đất. Để nhân rộng mùa màng trồng trọt về hướng Bắc Nam, người nông dân cần phải tìm ra và thuần hóa những giống cây trồng mới vào bất cứ thời điểm nào khí hậu thay đổi.

Kết quả là nông nghiệp phát triển nhanh hơn gấp hai tới ba lần xuyên suốt từ Châu Á sang Châu Âu so với tốc độ phát triển ở Châu Mỹ. Qua nhiều thế kỷ, thay đổi nhỏ này đã mang tới ảnh hưởng to lớn. Sản lượng lương thực tăng cho phép sự gia tăng dân số nhiều hơn. Dân số đông hơn thì các quốc gia có khả năng xây dựng quân đội vững mạnh hơn và trang bị cũng như phát triển những công nghệ hiện đại hơn. Ban đầu chỉ là những thay đổi nhỏ - một loại giống được nhân giống gieo trồng rộng hơn một chút, dân số tăng nhẹ - nhưng chúng sẽ tích lũy dần theo thời gian mang lại sự thay đổi lớn lao. Sự phát triển rộng khắp của nông nghiệp chính là ví dụ cho Quy luật số 3 trong thay đổi hành vi ở mức độ toàn cầu.

Trí tuệ thông thường chính là chìa khóa của sự thay đổi. Trong trường hợp bạn thực sự mong muốn việc gì, bạn sẽ thực sự thực hiện việc đó. Nhưng sự thật là, động lực thực sự của chúng ta là sự lười biếng, và chỉ làm những gì thuận tiện. Và cho dù những sản phẩm bán chạy hàng đầu có cho bạn biết điều gì, thì đó cũng là một chiến lược thông minh, không phải là một thứ ngớ ngẩn đâu.

Năng lượng rất quý giá, và não bộ được kết nối để bảo toàn năng lượng bất cứ khi nào có thể. Bản chất của con người là tuân theo quy luật nỗ lực tối thiểu, theo quy luật này thì khi ra quyết định lựa chọn giữa hai lựa lựa chọn tương đương nhau, con người sẽ tự nhiên bị thu hút bởi lựa chọn cần ít hoạt động hơn [*Đây là một nguyên lý cơ bản trong vật lý, nó thường được nhắc đến với tên gọi nguyên lý tác động tối thiểu 'Principle of Least Action'. Theo nguyên lý này, đường nối giữa hai điểm sẽ luôn luôn là con đường cần ít năng lượng nhất. Nguyên lý cơ bản này củng cố thêm cho các quy luật vũ trụ. Từ nguyên lý này, bạn có thể miêu tả luật hấp dẫn và luật chuyển động].

Ví dụ, mở rộng trang trại về phía đông nơi bạn có thể trồng những giống cây cũ còn hơn là mở rộng về phía bắc nơi khí hậu khác biệt. Ngoài tất cả những biện pháp mà chúng ta có thể áp dụng, ai là người nhận ra điều này chính là người nhận được lợi ích nhiều nhất từ việc nỗ lực tối thiểu. Chúng ta được khuyến khích làm những việc dễ dàng. Mỗi một hành động yêu cầu một lượng năng lượng nhất định.

Hành động cần càng nhiều năng lượng, nó càng khó có khả năng được thực hiện. Nếu mục tiêu của bạn là thực hiện 100 cú chống đẩy mỗi ngày, việc này cần rất nhiều năng lượng! Lúc ban đầu, khi bạn vẫn còn đầy hứng khởi và nhiệt huyết, bạn có thể tập trung sức mạnh để bắt đầu.

Nhưng chỉ sau vài ngày, nỗ lực to lớn đó cạn kiệt. Trong khi đó, thói quen thực hiện mỗi ngày một cú chống đẩy gần như không tốn chút năng lượng nào. Và một thói quen cần càng ít năng lượng, nó càng có khả năng được thực hiện. Hãy nhìn vào một hành động bất kỳ có đầy trong cuộc sống của bạn và bạn sẽ thấy rằng nó có thể được thực thi với động lực ở mức độ rất thấp. Những thói quen giống như việc lướt điện thoại của bạn vậy, việc kiểm tra email và xem ti vi đánh cắp rất nhiều thời gian của chúng ta bởi vì chúng ta có thể làm những việc này mà chẳng cần phải cố gắng tẹo nào. Chúng hoàn toàn tiện lợi. Ở khía cạnh nào đó, mỗi một thói quen chính là một trở ngại trong việc đạt được những điều bạn thật sự mong muốn. Ăn kiêng là một trở ngại trong việc giữ dáng. Thiền định là một trở ngại trong việc giữ bình tĩnh.

Ghi chép là một trở ngại trong việc suy nghĩ rõ ràng. Bạn không nhất thiết mong muốn bản thân thói quen đó. Thứ bạn thật sự mong muốn là kết quả mà thói quen mang lại. Trở ngại càng lớn, thói quen càng khó thực hiện, thì sự xung đột giữa bạn và kết quả cuối cùng mà bạn mong muốn càng lớn. Đây cũng là lý do chính giải thích tại sao cần biến thói quen của bạn trở nên dễ thực hiện, bạn sẽ thực hiện chúng ngay cả khi bạn không thích. Nếu bạn có thể biến những thói quen tốt của mình trở nên dễ dàng thực hiện hơn, bạn sẽ dễ dàng duy trì việc đó lâu dài hơn. Vậy còn những lúc chúng ta dường như làm những điều trái ngược?

Nếu như tất cả chúng ta đều lười biếng, vậy thì bạn giải thích như nào với việc một số người hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn như nuôi dạy một đứa trẻ, hay bắt đầu một công việc kinh doanh, hay chinh phục đỉnh Everest? Chắc chắn là bạn có khả năng thực hiện những nhiệm vụ khó khăn. Vấn đề là một số ngày bạn cảm thấy mình thích làm những công việc khó, một số ngày thì không. Trong những ngày khó khăn, điều cốt yếu là bạn làm những việc vì lợi ích của bạn nhiều nhất có thể để bạn có thể vượt qua được những khó khăn của cuộc sống bỗng nhiên xuất hiện trong đời bạn. Bạn càng ít xung đột với những thử thách đó, càng dễ dàng hơn cho bạn để trưởng thành. Ý tưởng đằng sau việc khiến nó trở nên dễ dàng không chỉ là làm những việc dễ làm. Việc khiến nó trở nên dễ dàng nhất có thể còn là làm những việc đem lại lợi ích về lâu dài.

CÁCH THỨC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU

Hãy tưởng tượng bạn đang cầm một cái ống nước tưới cây trong vườn có một đoạn cong ở phần giữa. Nước vẫn có thể chảy qua, nhưng rất ít. Nếu bạn muốn tăng lượng nước chảy, bạn có hai lựa chọn. Lựa chọn thứ nhất là bạn xoay van và điều này sẽ tạo lực đẩy đẩy nhiều nước chảy hơn. Lựa chọn thứ hai đơn giản là tháo cái đầu nối cong ra khỏi đường ống và nước sẽ chảy qua một cách tự nhiên.

Cố gắng thúc đẩy tạo động lực để duy trì thói quen khó giống như việc cố gắng tạo lực đẩy đẩy nước chảy qua một đường ống cong. Bạn có thể làm điều đó, nhưng việc đó cần rất nhiều nỗ lực và làm tăng những căng thẳng trong cuộc sống của bạn. Trong khi đó, biến những thói quen của bạn thành đơn giản và dễ dàng giống như việc tháo cái đầu nối cong ra khỏi đường ống. Giống như việc thay vì cố gắng vượt qua những bất tiện trong cuộc sống, bạn giảm thiểu chúng đi.

Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm thiểu bất tiện liên quan tới những thói quen là thực hiện việc thiết kế môi trường sống.

Ở Chương 6, chúng ta đã đề cập tới việc thiết kế môi trường sống như một phương pháp nhằm biến những tác nhân trở nên hiển nhiên hơn, nhưng bạn cũng có thể tối ưu hóa môi trường để thực hiện thói quen dễ dàng hơn. Ví dụ, khi quyết định địa điểm để thực hiện một thói quen mới, tốt nhất là chọn một nơi nằm sẵn trong lịch trình hàng ngày của bạn. Sẽ dễ dàng hơn trong việc hình thành thói quen khi những thói quen này nằm trong lịch trình thường ngày của bạn. Bạn sẽ dễ dàng tới phòng tập gym nếu nó nằm trên đường đi làm của bạn bởi vì việc rẽ vào phòng tập không ảnh hưởng gì nhiều tới lịch sinh hoạt thường ngày của bạn.

Hãy làm một phép so sánh, nếu phòng tập gym không nằm trên tuyến đường đi thường ngày của bạn - thậm chí chỉ cách đó một vài dãy nhà - thì lúc này bạn sẽ phải "rời khỏi tuyến đường quen thuộc" để đến đó. Có lẽ sẽ còn hiệu quả hơn nếu giảm thiểu sự bất tiện giữa nhà và văn phòng. Chúng ta quá thường hay cố gắng bắt đầu thói quen trong những môi trường mang tính bất lợi cao. Chúng ta cố gắng tuân thủ một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt trong khi chúng ta đi ra ngoài ăn tối với bạn bè. Chúng ta cố gắng viết một cuốn sách trong môi trường ồn ào. Chúng ta cố gắng tập trung trong khi sử dụng smartphone đầy rẫy những thứ làm ta sao nhãng. Đừng làm theo cách này.

Chúng ta có thể xóa bỏ những điểm gây bất tiện, thứ kéo chúng ta tụt lùi. Đây chính xác là điều mà những hãng sản xuất điện tử tại Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện trong những năm 1970. Trong một bài báo đăng trên tờ New Yorker với tiêu đề "Luôn luôn tốt hơn nữa", James Surowiecki đã viết:"Các hãng của Nhật đã nhấn mạnh vào cái được gọi là 'sản xuất tinh gọn', họ đã thẳng tay loại bỏ những thứ dư thừa trong quá trình sản xuất nhằm tái thiết kế lại không gian làm việc, nhờ đó công nhân không còn lãng phí thời gian vào việc quay ngang quay ngửa và tập trung vào sản xuất. Kết quả là các nhà máy này làm việc có hiệu quả hơn và những sản phẩm của Nhật có uy tín hơn các sản phẩm của Mỹ.

Vào năm 1974, các cuộc gọi về trung tâm dịch vụ của những chiếc ti vi màu do Mỹ sản xuất cao gấp năm lần so với những chiếc ti vi màu của Nhật. Tới năm 1979, công nhân Nhật lắp ráp linh kiện nhanh gấp ba lần so với công nhân Mỹ. Tôi thích việc gọi cách thức này là thặng dư từ phép loại bỏ (addition by subtraction) [*Cụm từ thặng dư từ phép loại bỏ cũng được sử dụng bởi các doanh nghiệp hay các nhóm để miêu tả việc loại bỏ bớt quân số khỏi một nhóm nhằm mục đích chung là làm cho nhóm đó vững mạnh hơn]. Các nhà máy sản xuất tại Nhật đã tìm ra những điểm gây trở ngại trong quá trình sản xuất và loại bỏ chúng. Khi họ loại trừ được những nỗ lực dư thừa, họ đã có thêm khách hàng và lợi nhuận. Tương tự như vậy, khi chúng ta loại bỏ những điểm dư thừa làm tiêu tốn thời gian và năng lượng, chúng ta có thể đạt được nhiều hơn với nỗ lực tối thiểu. (Đây là một lý do khiến việc dọn dẹp có thể khiến chúng ta cảm thấy khá hơn: Chúng ta đồng thời vừa tiến lên phía trước vừa làm rõ những gánh nặng dựa trên hiểu biết, kinh nghiệm mà môi trường đã tác động lên chúng ta).

Nếu như nhìn vào những sản phẩm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất hình thành nên thói quen, bạn sẽ nhận ra một trong những điều mà những hàng hóa và dịch vụ này làm tốt nhất là loại bỏ được những điều bất tiện nhỏ khỏi cuộc sống của bạn. Dịch vụ giao đồ ăn giảm thiểu những bất tiện trong việc đi mua sắm tại cửa hàng. Những ứng dụng hẹn hò giảm thiểu những bất tiện trong việc giới thiệu những thông tin chung. Dịch vụ đi chung xe giảm thiểu những bất tiện trong việc di chuyển xa. Tin nhắn văn bản giảm thiểu những bất tiện gửi thư qua thư tín. Giống như việc một hãng sản xuất tivi của Nhật tái thiết kế lại không gian làm việc nhằm cắt giảm những động tác dư thừa, những công ty thành công thiết kế sản phẩm của họ để tự động hóa, loại trừ, hoặc đơn giản hóa nhiều bước nhất có thể.

Họ cắt giảm nhiều thứ trong một lĩnh vực. Họ cắt giảm số lần nhấn chuột khi tạo mới một tài khoản. Họ gửi hàng theo cách thức dễ hiểu hoặc khảo sát khách hàng để đưa ra ít chọn lựa hơn. Khi tính năng ra lệnh bằng giọng nói xuất hiện - những sản phẩm như Google Home, Amazon Echo, và Apple Homepod - tôi đã hỏi một người bạn rằng anh ấy thích điểm nào ở những sản phẩm mà mình đã sắm. Anh ấy cho biết sẽ dễ dàng khi hô "Chơi một vài bản nhạc đồng quê" hơn là việc lôi điện thoại ra, mở một ứng dụng chơi nhạc, và chọn một danh sách nhạc lựa chọn. Dĩ nhiên chỉ một vài năm trước thôi, việc tiếp cận nguồn nhạc không giới hạn gói gọn trong túi bạn đã mang tính tiện lợi vượt trội so với việc lái xe tới các cửa tiệm và mua một đĩa CD.

Việc kinh doanh là một cuộc chinh phục không có hồi kết nhằm đưa tới những sản phẩm tương tự nhưng với cách thức thuận lợi hơn. Những chiến lược tương tự cũng được áp dụng một cách hiệu quả bởi chính phủ. Khi chính phủ Anh muốn tăng tỷ lệ thu thuế, họ đã chuyển đổi từ việc gửi cho người dân một trang web nơi người dân có thể tải về sang việc gửi link trực tiếp tải mẫu tờ khai nộp thuế. Việc giảm một bước trong quy trình giúp tăng tỷ lệ nộp thuế từ 19.2 phần trăm lên 23.4 phần trăm.

Với một đất nước như Anh Quốc, tỉ lệ như vậy đại biểu cho hàng triệu doanh thu thuế. Ý tưởng trung tâm là tạo một môi trường mà trong đó những việc đúng đắn càng dễ thực hiện càng tốt. Hãy giảm thiểu nhiều nhất có thể cuộc chiến trong việc hình thành thói quen tốt hơn để tìm ra các cách làm giảm sự bất tiện liên quan tới những thói quen tốt và làm tăng lên sự bất tiện liên quan tới thói quen xấu.

KIẾN TẠO MÔI TRƯỜNG CHO TƯƠNG LAI

Oswald Nuckols là một chuyên gia phát triển phần mềm ngành công nghệ thông tin đến từ Natchez, bang Mississippi. Ông cũng là một người am hiểu về sức mạnh của việc kiến tạo môi trường. Nuckols đã thực hiện thói quen dọn dẹp của mình bằng cách tuân thủ một chiến lược được ông gọi tên là "tái thiết lại căn phòng" (resetting the room). Ví dụ, khi ông vừa xem xong tivi, ông sẽ đặt điều khiển phía sau kệ tivi, xếp lại gối lên ghế ngồi, và gập chăn. Khi rời khỏi xe hơi, ông sẽ dọn dẹp sạch rác. Mỗi lần tắm ông sẽ kỳ cọ nhà tắm trong khi đợi nước ấm. (Theo các ghi chép của ông, "thời điểm hoàn hảo để vệ sinh nhà tắm chính là thời điểm ngay trước khi bạn làm sạch chính bản thân mình dưới vòi sen").

Mục đích của việc tái thiết lại căn phòng không chỉ đơn giản là dọn dẹp sau khi làm việc gì xong, mà còn là chuẩn bị cho những việc kế tiếp. Nuckols đã viết rằng "Khi tôi bước vào phòng thì mọi thứ đã ở đúng vị trí". "Bởi vì tôi làm việc này hàng ngày đối với từng phòng, đồ đạc luôn được xếp gọn gàng.... Mọi người cho rằng tôi là người chăm chỉ nhưng tôi thực sự thực sự lười. Chỉ là tôi lười chủ động. Việc này sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian."Mỗi khi bạn sắp xếp khoảng không cho một mục đích nào đó, bạn đang kiến tạo nó cho hành động tiếp theo được dễ dàng. Ví dụ, vợ tôi có một hộp đựng thiệp mừng chuẩn bị trước cho từng dịp - sinh nhật, thông cảm, đám cưới, tốt nghiệp và các dịp khác. Khi nào cần đến, cô ấy sẽ chọn một tấm thiệp phù hợp và gửi đi. Cô ấy rất giỏi trong việc nhớ gửi bưu thiếp bởi vì cô ấy đã giảm thiểu sự bất tiện khi làm việc này. Trong khi đó tôi thì ngược lại. Khi ai đó có con và tôi đã có suy nghĩ, "Mình nên gửi một tấm bưu thiếp".

Nhưng vài tuần trôi qua và cho tới lúc tôi nhớ ra để mua một tấm thiệp ở hiệu sách thì đã quá trễ rồi. Thói quen không hề dễ dàng.Có rất nhiều cách để kiến tạo môi trường luôn sẵn sàng cho việc bạn sử dụng tức thì. Nếu bạn muốn nấu một bữa ăn sáng lành mạnh, hãy đặt sẵn một cái xoong nhỏ trên bếp, đặt một chai tẩy rửa trên kệ bếp, và bày biện đĩa ăn và những đồ dùng hàng ngày mà bạn cần vào tối hôm trước. Khi bạn thức dậy, việc nấu bữa ăn sáng sẽ trở nên dễ dàng.

- Bạn muốn vẽ nhiều hơn? Hãy đặt bút chì, bút máy, sổ ghi chép, và các dụng cụ mỹ thuật khác trên mặt bàn, trong tầm với.

- Bạn muốn tập thể thao? Hãy sắp trước bộ quần áo, giày tập, túi đựng đồ thể thao, và chai nước.

- Bạn muốn cải thiện chương trình ăn kiêng? Hãy xắt nhỏ một lượt hoa quả và rau xanh vào cuối tuần và cho vào túi bảo quản thực phẩm, việc này sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận lựa chọn ăn uống lành mạnh và luôn sẵn sàng trong suốt cả tuần.

Đây là các cách đơn giản để biến thói quen tốt thành cách giảm thiểu những trở ngại. Bạn có thể đảo ngược lại nguyên lý này và kiến tạo môi trường nhằm biến thói quen xấu trở nên khó thực hiện. Nếu bạn nhận thấy bản thân đang xem ti vi quá nhiều, ví dụ, hãy rút phích cắm sau mỗi lần sử dụng. Chỉ cắm nguồn điện trở lại nếu bạn có thể nói to ra tên chương trình mà bạn muốn xem. Việc này tạo ra đủ trở ngại để ngăn chặn việc xem vô thức. Nếu như việc làm này không có hiệu quả, bạn có thể thực hiện bước tiếp theo.

Rút phích cắm tivi và tháo pin của điều khiển sau mỗi lần sử dụng, mỗi lần mở lại sẽ mất nhiều hơn mười giây. Và nếu bạn thực sự quyết tâm, hãy chuyển tivi khỏi phòng khách và cho vào phòng chứa đồ sau mỗi lần sử dụng. Bạn phải bảo đảm rằng bạn chỉ bê nó ra khi bạn thực sự mong muốn xem một chương trình nào đó. Cản trở càng lớn, thói quen càng khó hình thành. Bất cứ khi nào có thể, tôi để điện thoại ở phòng khác cho tới bữa trưa. Khi điện thoại ở gần, tôi sẽ ôm nó nguyên buổi sáng mà chẳng vì lý do nào cả. Nhưng khi để nó ở phòng khác, tôi ít khi nghĩ tới nó. Và sự bất tiện đủ lớn để tôi không ôm lấy nó mà không vì lý do nào hết. Kết quả là tôi có được ba đến bốn tiếng mỗi sáng để làm việc mà không bị làm phiền.

Nếu việc để điện thoại ở phòng khác chưa đủ hiệu quả, hãy bảo một người bạn hoặc người thân giấu nó đi trong vòng vài giờ đồng hồ. Hãy đề nghị một người đồng nghiệp giữ nó ở chỗ họ trong cả buổi sáng và chỉ đưa lại cho bạn vào bữa trưa. Điều đáng lưu ý ở đây là cách những trở ngại nhỏ có thể dừng lại được một thói quen không mong muốn. Khi tôi giấu bia vào sâu trong tủ lạnh nơi mà tôi không thể nhìn thấy nó, tôi uống ít đi hẳn.

Khi tôi xóa những ứng dụng mạng xã hội khỏi máy điện thoại, nhiều tuần sau tôi mới tải lại chúng và đăng nhập lại. Những mẹo này không chắc có thể chế ngự được một cơn nghiện thật sự, nhưng đối với nhiều người trong chúng ta, một chút trở ngại có thể là điểm khác biệt giữa việc tiếp tục theo đuổi một thói quen tốt hay là sa đà vào một thói quen xấu.

Hãy thử tưởng tượng sức ảnh hưởng lũy kế từ việc thực hiện hàng tá những thay đổi và sống trong một môi trường được thiết kế giúp cho những thói quen tốt trở nên dễ dàng hơn và thói quen xấu trở nên khó thực hiện hơn. Cho dù chúng ta thực hiện việc thay đổi hành vi với vai trò là một cá nhân, một bậc phụ huynh, hay một nhà quản lý, chúng ta nên tự hỏi bản thân câu hỏi chung: "Chúng ta có thể thiết kế một thế giới nơi chúng ta có thể làm những điều đúng đắn một cách dễ dàng như thế nào?". Hãy tái thiết kế lại cuộc đời bạn để những hành động có ý nghĩa cũng là những hành động dễ thực hiện nhất.

TÓM TẮT CHƯƠNG

- Hành vi của con người tuân theo Quy luật nỗ lực tối thiểu. Một cách rất tự nhiên chúng ta sẽ bị thu hút bởi những lựa chọn cần ít hành động nhất.

- Tạo ra một môi trường nơi những điều đúng đắn càng dễ thực hiện càng tốt.

- Giảm thiểu những trở ngại liên quan tới thói quen tốt. Khi có ít trở ngại, thói quen sẽ trở nên dễ dàng.

- Tăng lên những trở ngại liên quan tới thói quen xấu. Khi trở ngại lớn, thói quen sẽ trở nên khó thực hiện. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro