Chương 1: Melody
(Phỏng theo truyện ngắn "Một ngày thu năm ấy" - Maksim Gorky)
.
.
Constanța đích thị là một nàng tiên cá sống bên bờ Biển Đen. Thành phố cổ xưa này của Romania rộng 125 cây số vuông, với 13 kilômét đường bờ biển áp vào lồng ngực cát trắng, đẹp như huyền thoại về người thiếu nữ vẫy vùng tự do giữa lòng đại dương khoe nước da rám nắng một màu ô liu huyễn hoặc. Vẫn còn ở đây một tập hợp các quần thể kiến trúc từ cả trăm năm trước, dấu ấn của người La Mã, người Ottoman, người Hy Lạp và nhiều chủng người khác từng đặt chân đến đây, ra đi không quên để lại ít nhất một ngọn tháp cho lịch sử văn hoá đất nước Romania huyền bí. Thời tiết có đủ cả bốn mùa, và lý tưởng cho các khách viễn du chính là một ngày hè rực nắng nằm dài trên bãi biển đẹp mê hồn Mamaia. Áp mình xuống cát, lắng nghe gió và sóng vỗ bờ như ngàn năm nay đã vậy, người ta tự suy luận ra ý nghĩa của lá quốc kỳ ba màu: xanh lam của biển, vàng của cát nắng và đỏ của ly rượu cherry truyền thống vișinată.
Nhưng Dimitri không thiết tha gì đến những cảnh tượng đó.
Vì nó chỉ là những bức tranh đầy mê hoặc trong cuốn catalog du lịch của người khách ngồi phía băng ghế bên. Ngay lúc này, tâm hồn giá lạnh của anh chỉ thấy ngoài cửa sổ toa tàu buổi chiều Constanța đầu đông xám xịt và héo hắt.
Làn mây bạc vô tình làm nhói lên trong tim anh kí ức về người cha, người cha với chòm râu bạc vẫn hay dụi dụi vào má anh những ngày thơ bé, người cha đã mãi mãi bỏ anh một mình trên thế giới này. Thành phố Sofia đối với Dimitri mới là thiên đường của những giấc mơ, với những toà chung cư màu tro xám còn sót lại từ thời kỳ xã hội chủ nghĩa, với bụi hồng Bulgaria xinh xắn say ngủ trong một khu vườn không tên, nhưng tất cả đã trôi vào quá khứ. Dimitri cũng chẳng thiết nhớ về mình ngày ấy, mọi thứ anh bỏ lại sau chiếc bánh xe lửa quay tròn, quay tròn giờ chỉ là dấu chấm lửng vô nghĩa mà thôi.
Anh đến Constanța trên chuyến tàu này với chút tiền bạc cuối cùng, và hy vọng mỏng manh quên được Sofia tươi đẹp ngày ấy, nàng Sofia đã ở lại phía sau anh, rất rất xa...
.
.
Bầu trời thành phố xám xịt, đục ngầu những cuộn mây, như hằm hè đe doạ một trận mưa sắp sửa trút xuống. Một buổi chiều đông ảm đạm, nặng nề, 'và xui xẻo'. Dimitri nghĩ thầm, khi anh lê bước chân mỏi nhừ qua con phố thứ bảy, hay thứ tám gì không rõ. Chiếc vali chẳng có gì trừ vài bộ áo quần và mấy món tư trang giờ nặng như ai đem một bịch đá nhét vào, đối với một người thanh niên đã ngồi xe lửa gần mười hai tiếng và đi quanh tìm việc làm suốt cả buổi chiều. Chẳng biết vì một sự không may đáng nguyền rủa nào đó, hay vì bộ dạng rối bù thảm hại của anh mà tất cả những cửa tiệm đều đón chào chàng trai hỏi xin chỗ làm bằng một cái sập cửa. Một thằng nhóc "mắt mũi để dưới đế giày", như anh thường gọi, xô vào anh, chiếc vali khoá gỉ sét rơi xuống, bung ra một mớ áo quần sờn cũ như một hình minh hoạ sinh động trong các sách tranh của trẻ con về sự nghèo khổ. Thằng ranh lạu bạu chửi rồi bỏ đi, còn Dimitri cúi xuống lượm đồ đạc, mặc kệ một mụ to béo mặc váy đầm dài đi qua trao cho anh ánh mắt nửa điềm nhiên nửa thương hại.
Trời bắt đầu tối. Dimitri đang vừa đi vừa nghĩ ngợi, thì chợt nghe thấy tiếng mắng chửi từ một tiệm bánh nhỏ xập xệ nơi góc đường. Một lão già cao lớn, đầu trơn láng như quả đồi trọc đang rít lên như ấm nước sôi reo trên bếp lò; tay lão giật lấy giật để mái tóc màu vàng dâu chín của một cô gái trẻ nhỏ gầy đang quỳ sụm trên nền đất lạnh. Dưới chân lão già và trước mặt cô là một ổ bánh mì mới nướng lấm lem bụi đường. Lão bán bánh to béo chửi địa lên bằng chất giọng giật cục của kẻ đã ngà ngà rượu, khiến Dimitri liên tưởng đến âm thanh hài hước của một con gà trống dù bị mắc cả một quả trứng vào họng vẫn cố rống lên.
"Quân...hức... chó đểu! Đồ... nhãi ranh, giống lai căng súc vật... cha mẹ mày chết hết đi, dám... hức... mó tay vào quán nhà ông... Quỷ tha ma bắt mày đi, con ranh đàng điếm mất nết...!"
Cô gái trẻ rõ ràng không cam chịu bị bắt nạt. Dù mái đầu xoã tung bị vò nghiến trong bàn tay múp míp của lão chủ hàng, lắc lên lắc xuống theo điệu giật của tay lão, hai bàn tay nhọ nhem của cô vẫn lì lợm bấu chặt vào cánh tay lông lá của gã đàn ông, cố sức làm cho lão buông ra. Trông cảnh tượng dị hợm và khôi hài, Dimitri dừng lại, rảo chân tiến tới góc đường nơi hai con người đang vật lộn.
"Chuyện gì vậy, ông già?"
Lão già to béo dừng tay, đảo con mắt ti hí quét một lượt từ đầu đến chân chàng trai lạ mặt. Tỏ ý khinh bỉ con người nhếch nhác này, lão đáp:
"Con ranh này ăn trộm bánh mì của tao."
Rồi làm như không có sự hiện diện của Dimitri trên đời, lão lại chộp lấy mớ tóc vàng ánh đỏ của cô gái mà dúi xuống, tiếp tục chửi rủa bằng giọng giật cục:
"Lẽ ra... tao... tao... tao đã nện cho mày một trận, rồi lôi mày ra.. hức... đồn cảnh sát để chúng nó giã... ư... giã cho mày một bữa nên thân! Nhưng... hức... tao... tao sẽ nhân từ với mày, con gái ạ, hì hì... Ổ bánh của mày còn nằm kia kìa, để đó thì hoài của. Tao thương hại con gái, hì hì, bán rẻ cho mày hai lei... đưa tiền đây rồi đi cho khuất mắt tao, mau."
"Sao, không chịu à? Đồ súc vật, quân chó đẻ như mày chỉ xứng với thứ đồ ăn cho chó thôi! A, con ranh, dám cào tao cơ đấy, mẹ kiếp, ĐI NGAY!" Năm ngón tay chuối mắn của lão già chụp lấy vai cô gái xốc dậy làm cô lảo đảo.
"Dừng lại. Tôi sẽ mua."
Lão chủ tiệm bánh ngước lên nhìn chàng trai, như không tin vào đôi tai lão.
"Mày nói gì?"
"Tôi sẽ mua cho cô ta cái bánh đó." Dimitri lạnh lùng đáp.
Phải đến lúc này anh mới thấy rõ mặt cô gái. Cô hất mái tóc rũ rượi, ngẩng mặt lên nhìn anh sửng sốt, và Dimitri cũng tròn mắt nhìn lại cô, ngỡ ngàng. Trên khuôn mặt khá xinh xắn dễ thương của người con gái nổi lên hai vết tím bầm, to và đen, sắp xếp hết sức cân xứng: một vết bao lấy con mắt trái còn một vết làm xám xịt gò má bên phải. Nhưng điều đặc biệt nằm ở đôi mắt cô, đỏ rực như than hồng, bên trong nhảy múa một đốm sáng kì lạ khiến Dimitri chợt rùng mình khó chịu.
"Tôi nói thế lão đã hiểu chưa? Đây là hai lei của lão, đưa bánh mì đây và thả cho cô ta đi đi."
"À.. hừm... hic, hà hà, được thôi... anh bạn trẻ."
.
.
Lão quán to béo vừa bỏ tọt hai lei của Dimitri vào túi và mất dạng sau bức tường gạch thì cô gái trẻ cũng lồm cồm đứng dậy. Trời chạng vạng và sắp tối hẳn, cái ý nghĩ về một chỗ tránh rét qua đêm khiến Dimitri không khỏi chột dạ. Anh ấn chiếc bánh mì bụi bặm vào tay cô gái và nói cụt ngủn:
"Của cô đây. Con lợn béo núc sẽ không dám làm gì cô nữa đâu, giờ thì mau về nhà đi."
Anh vừa quay gót định đi thẳng thì bị một giọng nói trong trẻo ngăn lại:
"Anh kia, chờ chút đã!"
Cô gái kì lạ nhanh nhẹn lại gần Dimitri. Dưới ánh chiều le lói đang dần tắt, khuôn mặt thâm tím của cô loé lên một vẻ tinh quái.
"Anh thật là một quý ông giỏi làm màu đấy."
"Cô nói cái gì?" Dimitri hỏi, nửa bối rối nửa bực mình.
"Thôi nào anh bạn, trông cái bộ dạng te tua của anh mà xem. Rõ ràng anh cũng đói đâu có thua gì tôi. Tôi không có tiền, nhưng giá như có tôi cũng không đời nào mua ổ bánh chết giẫm này của con lợn sề đó đâu." Cô nháy mắt. "Tôi sẽ vật nó ngã lăn quay chổng bốn chân lên trời như một con bọ ngo ngoe bẩn thỉu, nếu nó dám buông tóc tôi ra. Nhưng sự đã rồi, coi như nhờ "ơn" anh mà chúng ta có cái thứ quái quỷ này. Nên.. cùng ăn chứ?"
Nói xong, cô nàng lấy tay phủi lấy phủi để bụi đường bám trên ổ bánh, bẻ nó ra làm đôi và đưa một nửa cho Dimitri.
"Vẫn còn xơi được. Nào ăn đi, đừng có ngại, anh chàng ga lăng ạ."
Dimitri cau mày. Có thật đây là một đứa con gái vừa bị đánh bầm dập thê thảm đến nhường kia không nhỉ? Trông cô bẻ một mẩu bánh, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến một cách hoạt bát và... điềm nhiên, cứ như thể cô vừa bước vào tiệm bánh, trả tiền và đi ra với lão chủ cười đon đả đứng vẫy tay chào. Nhưng chợt nhận ra cả ngày chưa ăn gì, anh tặc lưỡi, dùng răng rứt một mẩu bánh và nhai như chưa từng được nhai.
Bóng tối đã ụp xuống con phố quạnh quẽ như tấm màn đen căng sân khấu bất thình lình đứt tung. Lại còn gió, lại còn mưa... Những giọt nước lạnh ngắt bắt đầu trút xuống, nện vào đầu, vào cổ cặp đôi kì quặc một nam, một nữ đang lò dò dưới ánh đèn đường, như thể họ là những diễn viên thừa thãi còn nán lại một cách lì lợm khi trò vui đã hạ màn, và nhiệm vụ của màn đêm là trút nước xua đuổi họ đi... Nhưng họ biết đi đâu? Cái rạp hát quá lớn là thành Constanța này có chỗ nào dành cho họ? Ngay lúc này việc diễn cho trọn vở kịch cuộc đời với họ không quan trọng bằng nửa ổ bánh mì trên tay, và hai người im lặng đi trong tối, ngấu nghiến cái phần ăn đáng thương của họ – hay chí ít là Dimitri nghĩ vậy, khi anh vừa nhai vừa nhìn mưa rơi, rồi lại nhìn sang người bạn đường không biết ở nơi nào dạt tới cái cuộc đời này.
"Tên cô là gì?" Dimitri hỏi mà không chờ đợi câu trả lời.
"Valeria!" Cô đáp, cũng không hề ngẩng đầu lên.
.
.
Họ chui vào hốc lõm nơi chân tường một toà nhà cổ, nhìn ra ngoài chỉ thấy nền đường sủi bọt lên những bong bóng mưa vỡ long tong. Cái hốc nhất định là một khách sạn tồi, thấp lè tè, ẩm ướt và tăm tối. Những giọt mưa ngấm vào dưới chân cộng thêm gió rít liên hồi, bạt vào người hai kẻ hành khất không chăn nệm làm Dimitri người run lên từng chặp. Mùi rêu ngai ngái trên đá xù xì làm anh tưởng nhớ về một cõi xa xăm. Valeria co ro ngồi cạnh anh, trên mặt không còn vẻ tinh nghịch sống động như khi rứt ổ bánh mì đầu tiên trong ngày nữa. Dimitri chỉ thấy ánh lửa kì lạ trong mắt cô là vẫn chưa tắt. Ước gì anh có thể châm một que diêm vào đó, thắp lên một ngọn lửa đủ nhỏ và sáng để điểm xuyết vào bóng đêm đen như hũ nút này. Chắc chắn không phải để sưởi ấm, vì Dimitri nghĩ dù có hẳn một bếp lò cũng không sao xua được cảm giác thấu tận chân xương.
"Cô không về nhà?" Dimitri phá tan sự im lặng, bằng một lời trần thuật điều hiển nhiên ngay trước mắt mình hơn là một câu hỏi.
"Nhà ư? Nếu tôi còn coi cái xó quỷ tha ma bắt ấy là nhà." Valeria hấp háy mắt. Một câu trả lời tương tự thường làm người hỏi ái ngại, nhưng Valeria – vẫn cái giọng thản nhiên ấy – đáp lại Dimitri không hơn gì đọc một câu thoại trong quyển sách giáo khoa.
"Lão già đó đánh cô, phải không?"
"Cha dượng tôi." Rồi đột ngột Valeria xoay hẳn người, đối diện Dimitri. Đôi mắt cô hồng lên như than nóng, không phải sự tức giận hay phẫn nộ, mà là một luồng hơi ấm bạo liệt khiến đôi đồng tử xanh sâu thẳm của anh như muốn bắt lửa.
"Lão già chó chết. Mẹ tôi mất được nửa năm nay, để lại tôi với cái con vật béo núc, lông lá và lỗ mãng ấy. Lão đi biệt cả ngày, tối nào trở về mặt lão cũng bạnh ra, đỏ nhừ, đến nỗi tôi tưởng như chọc vào chỗ nào trên người lão cũng có rượu và mỡ chảy ra ngay chỗ ấy. Sơ sơ thì lão chỉ lèm bèm chửi, nhưng hầu như lão ta không bao giờ bần tiện ban cho tôi những trận no đòn. Tôi luôn nghĩ một ngày kia sẽ tự tay giết chết lão đem bán cho ông mổ lợn cạnh nhà, treo lên những cái móc ở quầy thịt... Rồi nó đến thật, khi tôi đang bỏ thuốc sổ vào vại bia của lão. Trời tru đất diệt con lợn rừng đó đi, lão bắt được quả tang và táng cho tôi hai cú nổ đom đóm mắt – đây này, thấy rồi chứ? Lẽ ra tôi sẽ có vinh hạnh nhận thêm một cú nữa cho đủ bộ chiếc kính râm của tôi, nhưng tôi đã vớ cây gậy bóng chày dúi thẳng vào mặt lão rồi chạy biến mất. Lẽ ra nên thó một ít tiền, nhưng tôi không có cơ hội làm việc đó. Rồi tôi định chôm một ổ bánh của thằng già cục súc Grigore, và, ừm... anh biết đấy."
Chao ôi! Có thật là Dimitri đang nghe một câu chuyện đời tang thương, hay chỉ là một cổ tích về con người cần sự cứu rỗi như các bà mẹ thường đọc bên giường con bằng giọng nhẹ tênh và âu yếm? Valeria chửi rủa lão cha dượng, lão bán bánh mì và hàng tỉ tỉ những gã cục súc khác trên trái đất này, nhưng chất giọng trong và thản nhiên của cô gái, và cái cách cô vừa kể vừa mân mê túm mái tóc vàng dâu chín xoã tung thành hai lọn rối bù! Chỉ có cái ánh lửa trong mắt cô là vẫn cháy, và Dimitri thấy buốt lạnh tận sống lưng mà không liên quan gì đến mưa, hay rét. "Cuộc sống khốn kiếp." Là lời kết thúc ngắn gọn của Valeria, khi cô mơ màng nhắm đôi mắt đỏ rực cháy sau một tiếng thở dài, nghiêng đầu áp má lên hai cánh tay khoanh trên gối và hàng mi hãy còn rung rung.
Không hiểu sao khi hàng mi ấy vừa khép – ngọn lửa kì lạ tắt ngúm, Dimitri thấy chơ vơ sợ hãi như một đứa trẻ lạc mẹ giữa chốn đông người. Một cơn gió buốt lạnh lẽo thốc vào tim anh, và anh nghe thấy tất cả: tiếng mưa, tiếng rít, tiếng hú từ thế giới bên ngoài dội vào cái hốc chật chội và cô độc. Giọng nói thủng thẳng buồn buồn của Valeria chết dần giữa tiếng hú ghê rợn đang bủa vây lấy anh và lớn dần, xung quanh anh chỉ còn bóng tối thẫm đen – phải chăng thị lực đã bỏ anh đi về một cõi địa ngục nào xa lắm? Anh run rẩy đưa hai tay áp lên gối, co người lại như một bào thai trong bụng mẹ – anh ước gì mình chưa bao giờ được sinh ra – trong cái thế giới tối tăm và đồi bại...
"Anh sao thế? Anh lạnh à?"
Hai đốm lửa đỏ rực loé lên trong tối, Dimitri nháy mắt vụt xuyên từ bào thai trở về hốc đá ướt lạnh; cả người anh ấm lên như hong trên bếp lò. Thất thần, anh nhận ra hai tay Valeria nóng hổi đặt lên cổ anh, má anh, dịu dàng và lo lắng, còn trước mắt anh lại là ngọn lửa kì diệu trên khuôn mặt tả tơi chăm chăm nhìn anh sợ sệt:
"Ô này, anh xem! Cả người anh run lên cầm cập rồi đây này! Anh lạ thế, có lạnh thì phải nói cho tôi biết chứ! Nào, mau lên, nằm xuống đây, được rồi... Như thế, nằm sát vào đây, choàng tay anh qua người tôi đây này, như thế, anh cừ lắm...! Nào, đừng sợ, anh chàng lớn xác ạ! Chúng ta hãy cứ ôm nhau cho đến sáng, miễn là qua được cái đêm chết giẫm này... Sao, thất nghiệp hả? Chuyện nhỏ, ổn thôi, chẳng hề gì...!"
Mũi Dimitri dụi vào lọn tóc màu vàng dâu ram ráp, cả người Valeria nóng rừng rực như bó đuốc, hơi thở của cô phả lên cổ anh và vòng tay hai người vẫn bện chặt lấy nhau không rời. Cô thì thầm vào tai anh những lời dịu dàng, ấm áp mà làm lòng anh nặng trĩu một nỗi buồn tủi. Anh thấy mình của mươi năm trước như hiện về, một thằng nhóc tóc đen nằm cuộn tròn trong lòng ông già râu ngả bạc, chòm râu ram ráp ấy cũng dụi dụi lên má anh khi người cha tỉ tê kể cho anh những chuyện trẻ con không đầu không cuối... Bao nhiêu tủi nhục, xót xa, đau buồn của một ngày dài ầng ậc dâng lên như thác lũ, và Dimitri vùi mặt vào mái tóc kia mà khóc! Trời ơi, anh khóc tức tưởi, khóc nức nở, cố cắn chặt răng mà vẫn không ngăn được những tiếng thổn thức vuột ra thành lời...
"Đừng khóc rống lên thế, anh chàng đáng thương của tôi ạ! Anh sợ chết đói, chết rét ư? Không hề gì, chỉ cần một mẩu bánh trắng cho một ngày là đủ sống được... Và Constanța này đã là vùng ấm nhất ở Romania, chúng ta sẽ không chết ngay như những miếng thịt khô đông cứng quắt queo đâu... Ô kìa, sao anh cứ khóc mãi thế? Nằm sát vào đây và ngủ đi, anh bạn ạ! Chúng ta sẽ quên hết... những khúc xúc xích biết nói, lông lá và nát rượu... những ổ bánh mì mua với giá hai lei... bẩn thỉu đến chết khiếp... Ngày mai chúng ta lại được ăn bánh mì mới, ngủ giường trải ga, cười đùa về cái hốc đá này..."
Valeria hôn anh, lên cổ, lên trán và lên hai má anh đầm đìa nước mắt. Cô hôn bằng tất cả tấm lòng của người bạn, âu yếm, nồng nhiệt, thiết tha và đầy phấp phỏng... "Ngủ đi, anh chàng dở hơi ạ, tóc tôi ướt sũng như miếng giẻ lau sàn rồi đây này..." Tiếng cô vừa an ủi, dỗ dành, vừa tha thiết, khẩn khoản như van lơn, nghe như một tiếng sáo vọng lên từ hốc tối nhất của tâm hồn anh, nhỏ dần, nhỏ dần khi anh lịm đi mê mệt. Nhưng nó vẫn còn đó, suốt đêm, và chưa lần nào tắt hẳn...
"Khi trời rạng sáng, chúng tôi ra khỏi thuyền, đi vào thành phố... rồi chúng tôi thân mật chia tay nhau để chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa, mặc dầu trong suốt nửa năm trời, tôi đã sục sạo tìm cô khắp hang cùng ngõ hẻm, cô Natasha đáng yêu ấy, cô gái đã từng ôm ấp tôi trong đêm thu mà tôi đã tả....
Nếu như cô qua đời - ấy là may cho cô - thì cầu cho cô được rỗi linh hồn. Nếu cô còn sống: cầu cho tâm hồn cô được thanh thản! Mong sao những ý nghĩ sa đọa đừng thức dậy trong tâm hồn cô... bởi vì đó là nỗi đau khổ vô ích trong cuộc sống." (Maksim Gorky)
-Hết chương 1-
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro