Công Phượng - Bông hoa trên đá
Công Phượng - Bông hoa trên đá, dù bị giông tố xô đẩy vẫn luôn hướng về phía mặt trời
HLV Park Hang Seo không thích chữ "nếu", và tôi nghĩ, khán giả Việt Nam cũng không thích chữ "nếu". Bởi với chữ "nếu", người ta có thể nhét cả Paris hoa lệ vào trong chai. Ở hội thảo "để bóng đá thành môn thể thao quốc gia", nguyên Phó Chủ tịch VFF Ngô Tử Hà đã nói một câu rất đắt: "Nếu bóng đá Việt Nam thực hiện được những kế hoạch đã đặt ra trong quá khứ, chúng ta đã được dự vòng chung kết World Cup rồi".
Cũng đúng thôi, bởi với chữ "nếu", người ta nói gì chẳng được. Nhưng có một cái "nếu" mà tôi tin chắc, không cổ động viên nào lại không đồng ý lúc này. Rằng nếu Công Phượng không phải mẫu cầu thủ "sắt đá", bản lĩnh và kiên cường một cách bền bỉ, sẽ chẳng có Công Phượng rực rỡ như đoá hoa xuân, đem lại cảm xúc rưng rưng tự hào cho người Việt Nam.
Có một Công Phượng chơi đùa cùng bóng, khiến cả Mỹ Đình "dán mắt" trông coi
Argentina chỉ có một Lionel Messi, Bồ Đào Nha chỉ có một Cristiano Ronaldo, nhưng Đông Nam Á thì có vô số những Messi, Ronaldo để xưng tụng. Ở Campuchia, Chan Vananaka là Ronaldo của xứ chùa tháp. Thái Lan có Chanathip Songkrasin - người được cổ động viên gọi là "Messi J", hay Lào, dù chưa tạo nên kỳ tích nào, vẫn có một Soukaphon Vongchiengkham được so sánh với Messi cho riêng mình.
Ở Việt Nam, trước khi Quang Hải được ví von với Messi, từng có một cái tên được so sánh với thiên tài người Argentina với niềm tự hào xen lẫn... khốn khổ.
Phút 88, sân Mỹ Đình, trong cuộc đọ sức giữa U19 Việt Nam và U19 Australia. Một cái bóng áo trắng, với một quả bóng trong chân, lao đầu vào rừng "người khổng lồ" từ châu Đại Dương với chiều cao trung bình trội hơn ít nhất 15 cm. Một người bị bỏ lại, hai người, rồi ba người. Đến khi quả bóng nằm gọn trong lưới, vẫn không ít khán giả trên sân tin được chuyện gì vừa xảy ra.
Công Phượng không phải cầu thủ xuất chúng nhất bóng đá Việt Nam từng sản sinh, nhưng nếu nói Phượng là cầu thủ mang lại nhiều cảm xúc trộn lẫn nhất, có lẽ không ngoa. Công Phượng xuất hiện như hoa nở trái mùa, gieo lại hạt mầm niềm tin giữa khoảng thời gian trống vắng, khủng hoảng nhất mà bóng đá Việt Nam từng chứng kiến trong gần một thập kỷ.
Lứa U19 Việt Nam của HLV Guillaume Graechen năm ấy, dù có thắng, có thua, song luôn để lại hình ảnh đẹp, của một tập thể đẹp, với lối chơi sạch sẽ cùng nền tảng đạo đức khiến nhiều người nể phục.
Giữa một rừng cái đẹp, đoá phượng Đô Lương là một trong những đoá phượng rực rỡ, ngao ngát hương thơm nhất.
Người Việt Nam cất giữ những pha đi bóng qua cả hàng thủ đối phương của Phượng trong tim, bởi đó là lúc, Công Phượng giống với Messi nhất. Biệt danh "Messi Việt Nam" không chỉ là sự ưu ái, mà còn là nỗi niềm kỳ vọng gửi gắm vào đôi chân từng khiến bao đối thủ phải e ngại. Nhưng qua thời gian, mong đợi của khán giả lớn nhanh hơn sự trưởng thành của Phượng, biến kỳ vọng trở thành áp lực.
Đó là lúc, những pha đi bóng đáng xem ngày nào, lại trở thành cái gai trong mắt. Khi tuyển Việt Nam bất lực trước Indonesia ở bán kết AFF Cup 2016, cổ động viên từng la ó phản đối khi Công Phượng cầm quả bóng và lao thẳng vào hàng thủ đối phương. Năm ấy, Phượng 21 tuổi, không có thêm siêu phẩm nào khiến Mỹ Đình phải trầm trồ.
"Hãy nhìn em trên sân bóng, chứ đừng nhìn em ở ngoài đời"
Áp lực trong bóng đá là chuyện bình thường. Là người nổi tiếng, sống và tận hưởng tình yêu của công chúng, thì phải chấp nhận sự soi xét và lời đàm tiếu từ đám đông, đôi khi là đám đông vô thức. Nhưng phải chịu áp lực như Phượng lại là chuyện hiếm gặp, đến mức một đồng đội ở U19 Việt Nam còn phải thừa nhận: vì Công Phượng đã hút hết "gạch đá", nên các cầu thủ còn lại có không gian riêng để yên tâm chơi bóng.
Một câu chuyện được kể lại sau thất bại của U22 Việt Nam ở SEA Games 29. Trước trận đấu quyết định với U22 Thái Lan ở vòng bảng, Hồ Tuấn Tài - khi ấy đang chịu nhiều sức ép vì pha bỏ lỡ trong trận gặp U22 Indonesia, là người sẽ thực hiện quả phạt đền trước Thái Lan nếu U22 Việt Nam có được hưởng. Song khi trọng tài thổi 11m, không phải Tài, mà Công Phượng mới là người thực hiện cú sút.
Bởi trước hôm ấy, Phượng đã xin nhận trách nhiệm thay Tài. "Nếu tôi sút hỏng, người ta... chửi tôi cũng không sao, quen rồi". Ít người để ý đến câu chuyện ấy. Một phần vì U22 thảm bại, một phần vì Phượng bị chỉ trích cứ như mặt trời mọc đằng Đông. Đằng nào cũng thế cả!
Công Phượng bị săm soi đời tư, đến mức chuyện tình cảm với một cô ca sĩ trở thành đề tài "trong ngõ nói ra, ngoài ngõ nói vào". Khi một phóng viên gặng hỏi về câu chuyện cũ, Phượng phải mong "khán giả nhìn em trên sân chứ không phải ngoài đời". Công Phượng đi bóng hỏng, bị chê, sút phạt đền hỏng, bị chê. Đội tuyển thua, Phượng không ghi bàn, cũng bị chê nốt. Phượng đi phát tờ rơi trong sự kiện thường nhật của đội bóng Nhật Bản là Mito Hollyhock, cũng bị nói là không đủ trình độ, phải đi làm những việc tầm thường.
Công Phượng được "quan tâm" đến mức, cựu HLV tuyển Việt Nam là ông Toshiya Miura còn khó chịu. "Tại sao chúng tôi có cả đội bóng, mà các anh chỉ hỏi về Công Phượng?".
Ở một thế giới song song, áp lực sẽ khiến chân sút của HAGL bỏ cuộc, rời bỏ bóng đá vì "bóng đá cho mình nhiều, mà cũng lấy đi của mình nhiều quá". Song Công Phượng ở thế giới này thì không. Áp lực lấy đi nụ cười của chàng trai sinh năm 1995, chứ không thể lấy đi niềm cảm hứng của người một thời từng khiến ít nhất bốn hậu vệ ngoái nhìn khi sở hữu quả bóng trong chân.
Bởi hôm nay Phượng vẫn ở đây...
... vẫn lầm lũi chiến đấu và cống hiến dai dẳng như loài hoa mọc trên dốc đá cheo leo, dù bị mưa gió vùi dập, vẫn kiêu hãnh sống và hướng bầu nhuỵ về phía mặt trời.
Cách đây gần tròn một năm, khi U23 Việt Nam trở về sau kỳ tích U23 châu Á trên đất Thường Châu, những Tiến Dũng, Quang Hải, Duy Mạnh, Xuân Trường chìm trong vòng tay yêu thương của người hâm mộ. Ở sảnh chính của sân bay Nội Bài, người ta bắt gặp hình ảnh Công Phượng một mình, lặng lẽ. Phượng đứng từ xa, nhìn những hậu bối được tung hô như anh hùng dân tộc, chứng kiến thước phim mà mình từng là nhân vật chính.
Phượng không buồn, bởi tiền đạo người Nghệ An hiểu rằng: vinh quang hay thất bại, cũng chỉ đến rồi đi như gió thoảng đầu mùa. Dư luận nay yêu mai ghét là chuyện thường tình, nên công việc của các cầu thủ là cố gắng, cố gắng và cố gắng. Không ngừng nỗ lực, rồi một ngày sẽ được đền đáp.
Ai cũng nhận ra Công Phượng trưởng thành thế nào dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo. Không còn hình ảnh rê bóng "tối tăm" và bỏ quên đồng đội phía sau, Phượng của thầy Park đã chơi bóng tối giản, hiệu quả hơn, đóng góp và lối chơi chung nhiều hơn, nhưng vẫn không quên sưu tập những khoảnh khắc toả sáng cho riêng mình. Pha thoát xuống thông minh, gây áp lực buộc hậu vệ Iraq phản lưới, cú rướn người tinh tế để đệm bóng cận thành, hay đỉnh cao là tình huống chạy chỗ thông minh, xé toang hàng thủ kiên cố bậc nhất giải đấu của Jordan...
Đó là hình ảnh rất khác, của một Công Phượng rất khác. Phượng không còn là ngôi sao sáng nhất, khi ngôi sao duy nhất là ngôi sao vàng trên quốc kỳ kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam. Phượng cũng không còn là cái tên được chú ý nhất, nhưng có lẽ chân sút xứ Nghệ cũng không cần. Lập công để mang lại niềm vui vô bờ cho 90 triệu người dân quê nhà, còn điều gì sung sướng và tự hào hơn nữa!
Đi qua bao nhiêu khó khăn, luôn luôn vươn thẳng dẫu cuộc đời buông tiếng cay độc. Hoa trên đá biến thách thức trở thành điểm tựa để vươn xa hơn. Công Phượng cũng thế. Tiền đạo của HAGL sẽ thầm cảm ơn những lời chỉ trích. Vì không có chỉ trích, chưa chắc có Công Phượng bản lĩnh, bền bỉ cùng tuyển Việt Nam viết nên hành trình kỳ diệu.
"Thứ gì không đánh gục được bạn, đều có thể khiến bạn mạnh mẽ hơn". Công Phượng có thể gục ngã lần nữa không? Có thể, nhưng không phải hôm nay. Mà ngã rồi lại đứng dậy, làm lại, có sao đâu Phượng nhỉ?
Tác giả: Nguyễn Nam
----------
©: Bóng đá và đời sống
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro