Ánh Bình Minh Cuối Cùng
- Mẹ, mẹ định dối gạt bản thân mình tới bao giờ nữa?! - Tôi nhìn mẹ mình qua lớp kính dày ngăn cách giữa "bệnh nhân" và người thăm bệnh. Thời gian lặng lẽ đánh cắp tuổi xuân của mẹ, mái đầu đen mượt ngày nào đã điểm vài sợi bạc, những nếp nhăn hằn trên gương mặt bà. Từ tận đáy lòng mình, tôi biết bà đã lo lắng và suy nghĩ cho tôi rất nhiều.
Hôm nay mẹ tôi tới thăm. Thường thì bà sẽ ấn định rõ một ngày trong tháng, nhưng đây lại là một buổi gặp mặt bất thình lình. Chắc hẳn bạn thắc mắc tôi đang ở đâu đúng không? Tôi cá là bạn cũng đoán ra phần nào rồi, phải, tôi đang ở trong một trại "chữa bệnh đồng tính". Xu hướng tính dục và bản dạng giới là những khái niệm lạ lẫm đối với xã hội Việt Nam những năm 2000, cũng bởi vì vậy mà việc bị người khác phê phán và miệt thị là chuyện không thể tránh khỏi. Điều này khiến cho việc mở lòng và chấp nhận những người như chúng tôi trở nên vô cùng khó khăn, bởi chẳng ai lại muốn tiếp xúc với những "kẻ dị hợm" cả.
- Đăng, mẹ đã hỏi bác sĩ trị liệu về tình hình bệnh của con, loạn dục chuyển giới có thể chữa được con ạ. Đừng từ bỏ, hãy tiếp nhận điều trị, con muốn sống tiếp mà, phải không con? - Mẹ tôi nói, toát ra từ trong ánh mắt bà là sự quyết tâm và mong mỏi.
Tôi im lặng cúi đầu, mặc cho bà khẩn khoản nài xin tôi chấp nhận rằng mình bị bệnh. Nhưng tôi không thể thoả hiệp và cũng không muốn thỏa hiệp. Tôi nhìn vào mắt mẹ, cảm nhận được tình yêu và sự lo lắng vô điều kiện từ mẹ dành cho mình, song tôi cũng hiểu rằng bà rất đau lòng khi hiểu rằng đứa con dứt ruột đẻ ra đã không còn giống như kỳ vọng nữa. Trái tim tôi như rỉ máu, đau lắm chứ, nhưng tôi không thể chối bỏ chính mình.
- Mẹ, con không bị bệnh. Con chẳng thiết sống nữa nếu như không được là chính mình. Mẹ không thể hiểu cho con sao? - Lí nhí - Con thích trang điểm, con thích mặc quần áo phụ nữ, con muốn được sải bước trên đôi cao gót...
- Sao mày có thể thốt ra những lời tởm lợm như vậy?! - Mẹ cắt ngang lời tôi bằng một câu mạt sát mang tính sát thương cao. - Sao mày không thể bình thường như bao người, lớn lên và cưới vợ sinh con?! Mày là đàn ông, Đăng ạ. Mày là một thằng đàn ông! Đừng cư xử như bọn bệnh hoạn vô học nữa!
Mẹ tôi hét lên, tiếng hét như vụn vỡ và lạc đi theo dòng cảm xúc của mỗi người chúng tôi ngay lúc này. Tôi đã đánh giá quá thấp những định kiến về giới của mẹ đối với tôi, bà sẵn sàng vì lòng tự trọng của mình mà đẩy tôi vào bước đường khốn cùng. Càng nghe lời chì chiết của mẹ, tôi cúi đầu càng sâu. Tôi sợ lắm, sợ mẹ giận, mẹ buồn; nhưng tôi không thể làm gì hơn ngoài xin mẹ chấp nhận con người mình.
- Mẹ, con không thể giả dối mãi như vậy được. Con sống không phải để làm người khác hài lòng. Con muốn được tự do là chính mình! WHO người ta không còn coi bọn con là bệnh hoạn từ lâu rồi. Cả cuộc đời con chỉ có một mong muốn đó thôi, con chưa từng làm hại ai vì mong muốn của mình. Tại sao tất cả mọi người lại hùa nhau chỉ trích điều đó?
Lòng tôi đau nhói. Tôi rất muốn khóc nhưng phải nén lại, mẹ đã vì tôi mà lo nghĩ nhiều rồi, tôi không muốn khiến bà buồn thêm nữa. Vì thế, tôi cười thành tiếng, tiếng cười đứt quãng xen lẫn âm thanh nấc nghẹn phát ra từ cổ họng. Mắt mẹ đỏ hoe, ầng ậng nước, đôi vai mẹ rung lên rồi đưa mu bàn tay quệt vội những giọt nước mắt trực trào.
- Cuộc đời của con không phải chỉ có một mình con, mà còn có cả những người xung quanh nữa, Đăng ạ. Xã hội này sẽ giết chết cả nhà mình bằng những lời bỉ bai nhục mạ. Con ơi, con đừng chỉ biết sống cho mình mà hãy sống cho cha mẹ nữa. Con ơi!
- Mẹ, mẹ không thể thương con vì con chính mình hả mẹ? Bố mẹ đã nuôi dưỡng con bao nhiêu năm, dạy con học nói học đi. Thay cho con từng cái tã, đút cho con từng thìa cơm. Hai người đã tự hào gọi con là con yêu của hai người, nhưng con khi đủ chín chắn để bộc lộ con người mình thì con không còn là con của cha mẹ nữa sao?
Tôi vẫn là tôi dù ở trong bất cứ hình hài nào. Tôi không phải quái vật, cũng không phải kẻ biến thái và bệnh hoạn! Tôi là con của bố mẹ tôi!
Mẹ tôi đã vỡ oà khi nghe câu hỏi tôi đặt ra, bà đứng dậy và bỏ đi ngay sau đó cùng với sự bất lực chất chứa trong những giọt buồn đong đầy nơi khóe mắt. Tuy không nhận được câu trả lời của bà nhưng tôi biết, sâu thẳm trong bà, bà luôn xem tôi là đứa con bé bỏng của mình. Mẹ vẫn yêu tôi, nhưng tình yêu của mẹ dường như đã bị những định kiến xã hội chôn vùi. Tôi rất mong mẹ sẽ hiểu và chấp nhận mình. Tình yêu chân chính sẽ vượt qua mọi rào cản, đừng bao giờ nhân danh tình yêu để ràng buộc con người bởi giới tính, màu da hay bất kì một điều gì khác.
- Mẹ ơi, con xin lỗi mẹ. Mẹ gửi lời xin lỗi tới bố giúp con, mẹ nhé! - Tôi nói với theo khi bóng dáng bà dần khuất sau cánh cửa lớn.
Trở về xà lim của mình, thứ chào đón tôi chỉ là bốn bức tường gạch cô đơn. Tôi cảm thấy rất mệt mỏi nhưng lại không muốn từ bỏ, thứ có thể giết chết tôi là sự chối bỏ chính mình. Con người thật đằng sau vẻ ngoài nam tính này vẫn luôn là một điều khắc khoải trong lòng tôi. Nếu như có thể, tôi không muốn tồn tại nữa, tôi muốn mình được sống. Hơn hết là được sống như một người phụ nữ.
Tôi dần chìm vào những hồi tưởng của quá khứ, từ khi hiểu chuyện đã nhận thức được sự khác biệt của con người mình. Tôi thích chơi búp bê, hay ăn mặc đỏm dáng và thích thể hiện sự nữ tính mặc cho gia đình, thầy cô dạy rằng con trai phải mạnh mẽ, nam tính. Càng lớn, sự khác biệt trong tôi cũng lớn dần theo năm tháng. Dần dà, tôi nhận ra rằng mình ghét những bộ quần áo nam giới mà mẹ mua; ghét cái kiểu tóc ngắn lởm chởm như quả chôm chôm thối của mình; tôi càng tự ti hơn bởi thân hình ục ịch, bụng vượt quá mặt mà bản thân đang sở hữu. Cũng bởi vì vậy, tôi không có quá nhiều bạn bè và cũng chẳng mở lòng với ai bao giờ.
Cho đến một đêm nọ, đó là đêm sinh nhật mười lăm tuổi của tôi. Bố mẹ tôi đều là công chức nên thường xuyên phải đi công tác xa nhà, đêm nay cũng không ngoại lệ. Tôi lẳng lặng ngồi trong phòng ngủ của bố mẹ, ngắm nhìn từng bộ quần áo được treo ngay ngắn trong tủ và son phấn trên bàn trang điểm. Hành động đó giống một lời biểu đạt thầm kín rằng "con nhớ bố mẹ rất nhiều".
Cũng giống như hầu hết các chàng trai mới lớn, tôi rất hào hứng mặc thử quần áo của cha mẹ để tưởng tượng dáng vẻ của bản thân khi đã trưởng thành. Tôi lục tung tủ quần áo, ngắm nghía từng bộ một. Nào là áo măng tô có hàng khuy thẳng tắp của bố, áo phông thể thao màu sắc rực rỡ của mẹ. Ồ, và cả chiếc xu - chiêng đỏ tươi nữa. Cái xu - chiêng đỏ được treo trên cái móc sắt có một sức quyến rũ đặc biệt, khiến ánh mắt của tôi dán chặt vào kể từ phát hiện ra. Ma xui quỷ khiến thế nào, tôi lại vươn tay tới và tháo nó từ trên móc treo xuống. Từng đường nét phối ren ở đệm mút như vẽ lên trong đầu tôi một ý nghĩ không tưởng, càng nhìn nó tôi càng như bị thôi miên. Mặc nó đi! Mặc thử đi! Chắc sẽ đẹp lắm!
Tôi đến trước gương và đặt cái xu - chiêng xuống bàn sau đó cởi tấm áo đang mặc ra, làn gió đêm lùa vào từ khe cửa nhẹ nhàng mơn trớn từng thớ da thịt trần trụi của tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy phấn khích và tự do thế này. Tôi không thể chờ thêm được nữa, tôi muốn nhìn thấy hình ảnh mình trong chiếc xu - chiêng của mẹ. Dè dặt ướm nó lên người, tôi chết lặng trước hình ảnh phản chiếu trong gương. Cái áo ngực đỏ chẳng ôm vừa vòng một của tôi, từng ngấn mỡ xô ép lại và đôi chỗ xổ hẳn ra ngoài. Thay vì tự ti vì điều đó, tôi chợt thấy hình ảnh này trong mắt mình đẹp đến lạ. Bởi đây là lần đầu tiên trong đời, tôi không phải giấu diếm hay xấu hổ với chính mình. Tôi không thể tin vào mắt mình, đây thật sự là tôi sao? Hình ảnh phản chiếu dường như là tôi mà cũng chẳng phải tôi, đó là một cô gái trong chiếc áo lót đỏ rực. Tôi giật thót, không thể tin được mình đang mặc áo lót phụ nữ. Cảm giác kích thích bắt đầu lấn át lý trí, tôi nhận thức được mình thực sự dám bước ra khỏi vùng an toàn và thể hiện bản thân theo cách khác biệt. Tôi chạm tay lên mái tóc lởm chởm, giờ đây chúng không còn quan trọng với tôi nữa.
Nhưng rồi sự hoang mang và hoảng loạn cũng nhanh chóng ập đến, tôi cảm nhận được những cảm xúc mâu thuẫn đang đối chọi gay gắt với nhau trong tâm trí và cơ thể của mình. Màu sắc táo bạo và phá cách của chiếc áo khiến tôi cảm thấy bản thân mình giống một con vịt bị mắc kẹt giữa một bầy báo săn. Bởi ở xã hội này, trai phải ra trai mà gái phải ra gái. Tôi không biết liệu mọi người sẽ nhìn mình như thế nào, họ sẽ chấp nhận hay phê phán tôi như thứ dòng dị hợm. Sự tự tin mà tôi đã tích lũy dường như tan biến, thay vào đó là nỗi bất an và sợ hãi trong lòng.
Tôi loay hoay tìm cách khống chế cơn trầm uất ấy, nhưng không thể. Nhiều năm sống giả dối đã dần hình thành nên nỗi cô đơn và trống trải bên trong. Những ngón tay đặt trên chiếc xu - chiêng run lẩy bẩy, lòng bàn tay tôi mướt mồ hôi. Cảm giác day dứt và sai trái đang ngự trị trong trái tim tôi, tôi giống như một đứa trẻ hư đang lầm đường lạc lối, đi ngược lại với quy chuẩn xã hội. Tôi bật khóc nức nở, nội tâm tôi xao động mãnh liệt. Mặc kệ cái xu - chiêng rơi xuống đất, tôi ôm lấy đầu mình ngồi thụp xuống đất, hóa ra bao nhiêu năm nay tôi đã sống dưới lớp vỏ bọc của một người khác. Những giọt nước mắt nóng hổi hoà tan lời uất nghẹn ở đầu môi, tôi là cô gái bị mắc kẹt trong thân xác một chàng trai.
Tôi nhớ tới bố mẹ mình, những kì vọng mà họ đặt cho tôi khiến tôi nghẹt thở. Trong đầu tôi bắt đầu mường tượng ra nỗi thất vọng của họ, niềm tin của bố sụp đổ, trái tim yếu đuối của mẹ vỡ vụn. Cõi lòng của mẹ cha sẽ vì con "quái vật" bên trong tôi mà tan nát. Tôi chìm sâu vào cảm giác tội lỗi và mớ bòng bong hỗn độn trong đầu, chẳng biết đã qua bao lâu, tôi thiếp đi.
- Đăng, sao con lại ngủ ở đây?
Tôi choàng tỉnh từ trong cơn mộng mị khi loáng thoáng nghe thấy giọng mẹ mình. Tôi ngồi bật dậy, trước mắt tôi là bố mẹ mình, họ đã trở về sau chuyến công tác dài ngày. Ánh mắt của bố mẹ tràn đầy sự khó hiểu nhìn xuống tôi, lúc này tôi mới nhận ra mình đang cởi trần và ôm khư khư cái xu - chiêng đỏ của mẹ. Lúng túng và xấu hổ, tôi vội vàng ném nó ra. Cái áo lót đỏ bay lên và nằm im dưới chân bố tôi. Những tưởng bố sẽ phán xét hành động của mình nhưng ông chỉ vỗ vai tôi, tự hào nói:
- Đăng của bố đã trưởng thành rồi.
Hình như bố đang hiểu lầm, hình như ông đang nghĩ tôi giải quyết nhu cầu sinh lý của mình bằng cái xu - chiêng của mẹ. Còn về chủ nhân của nó - mẹ tôi, bà nhặt áo của mình lên, giọng bà sang sảng:
- Dù thế cũng không được làm trò với quần áo của mẹ, người ta không biết lại nói nhà mình dạy con không ra gì.
Bố tôi kéo tôi dậy, dúi vào trong tay tôi một tấm áo mới như một món quà sinh nhật muộn. Ông quay sang đáp lời mẹ tôi:
- Nó như vậy còn hơn bọn bê đê sáng nay mình gặp. Gớm chết đi được!
Tôi hiểu lời bố tôi nói, "bọn bê đê" mà ông nhắc tới là những thanh niên khác người ăn mặc nữ tính, trang điểm lòe loẹt. Đối với những con người ấy, thật ra cũng chả một lí do sâu xa cụ thể nào để người ta ghét họ cả, người ta cứ vin vào hai chữ "truyền thống" mà phê phán thôi. Xã hội truyền thống đã phân định những cậu trai như tôi phải ăn mặc đứng đắn, quần áo cũng phân ra nam riêng nữ riêng. Ấy thế mà họ lại vượt qua giáo điều, ăn mặc thời trang "lố lăng", bán nam bán nữ. Nhìn món quà trong tay mình, trong đầu tôi bỗng vang lên một câu hỏi, "Vì sao nam phải ra nam, nữ phải ra nữ?". Dù là nam hay nữ thì chúng ta cũng đều là con người cả mà. Chúng ta có quyền lựa chọn điều mình thích, miễn là nó không gây hại cho ai. Giống như áo quần vậy, áo chỉ là áo, quần chỉ là quần thôi. Cái nào mình thấy đẹp thì mình mặc, điều gì khiến mình tự tin thì mình làm. Nghĩ thì là thế, nhưng những lời tôi đáp lại trái ngược hoàn toàn.
- Con xin lỗi mẹ. Nhưng mà bố nói đúng đấy, con mà giống như họ chắc bố mẹ sẽ chịu không nổi mất.
Bố mẹ tôi nhìn nhau rồi cười lớn, tiếng cười xua bớt đi sự ngượng nghịu trong tôi. Bố lấy lại tấm áo và ướm nó lên người tôi, động tác của ông rất tự nhiên trái ngược hoàn toàn với lời nói và ánh mắt uy nghiêm của mình.
- Nếu như con là một thằng bê đê dị hợm, bố sẽ giết con rồi sẽ cùng mẹ con chết theo con. Đăng ạ, mấy con bóng đó từ khi sinh ra đã bệnh hoạn, đó là sự xấu hổ của gia đình, dòng họ chúng nó. Con phải nhìn chúng nó mà rút kinh nghiệm, biết chưa?
Bố tôi là một người đàn ông gia trưởng, tôi không thể tưởng tượng ra cảnh ông phát hiện con mình là một người chuyển giới thì ông sẽ phản ứng ra sao. Lòng tôi run lên vì sợ hãi, tôi né tránh ánh mắt của bố. Tôi lo rằng ông sẽ lần ra dấu vết gì đó từ trong đáy mắt mất bình tĩnh của mình. Sau lời răn dạy của bố, tôi luôn sống trong thấp thỏm và lo âu. Tôi dần trưởng thành qua những lời giáo huấn và định kiến về giới của gia đình, những người xung quanh mình. Thi thoảng tôi cùng lũ bạn của mình bắt gặp một thanh niên "hợm hĩnh" đi lại trên đường. Những đứa bạn tôi là con nhà nòi, lớn lên cùng với những tiêu chuẩn giới tính xã hội, thành thử ra không ít lần chúng nó sẽ xông tới và tẩn cho người ta một trận. Tuy không trực tiếp tham gia vào nhưng tôi cũng chẳng có một chút động thái giúp đỡ hay can ngăn nào cả, tôi bàng quan đứng đó và bỏ mặc con người tội nghiệp ấy. Người nọ bị đánh túi bụi dù chẳng gây ra bất cứ một lỗi lầm nào.
Cũng vào cái hôm định mệnh ấy, tôi đã gặp lại người đó trên đường trở về nhà mình sau cuộc ẩu đả. Trên thân thể của người nọ có rất nhiều những vết bầm tím, quần áo thì bị xé tả tơi. Thật là một thảm trạng của xã hội hiện đại! Trong lòng tôi có rất nhiều điều muốn nói nhưng lại không sao thốt nên lời. Phần vì áy náy, phần vì tò mò, tôi đi về phía đó toan bắt chuyện. Người nọ thấy tôi thì sợ hãi bỏ chạy, nét mặt hoảng loạn và căng thẳng kia khiến tâm hồn tôi tê rần. Tôi nào có thì giờ để nghĩ, nhanh chóng chạy theo và bắt kịp tốc độ. Có lẽ biết mình không thể thoát được, người nọ mới dừng lại và ngồi thụp xuống vệ đường. Hai tay ôm lấy đầu, hét lên:
- Tôi có làm gì cậu đâu, sao cậu cứ bám lấy tôi mãi không buông thế?!
Ấy là Chanh đấy, giờ tôi phải xưng hô sao đây? Tôi bối rối ngồi xuống ngay bên cạnh. Có lẽ tôi nên gọi theo giới tính sinh học của đằng ấy, nghĩ thế, tôi bèn nói:
- Thì anh cứ đứng lại nghe tôi nói đã.
Người kia ngẩng lên, cắm cảu đáp:
- Anh cái gì mà anh? Chế!
- Vâng, chế.
- Sao? Nói đi cưng.
Tôi lần lữa mãi mới lên tiếng:
- Chế cũng biết xã hội này không tiếp nhận đồng tính, vì sao chế còn cố gắng ăn mặc và thể hiện ra vậy?
- À, ra là cái này - Gương mặt người ấy sáng lên niềm tự hào. - Thế có ai cấm không được thể hiện hả? Những người như chế chẳng có tội tình gì khi yêu con người thật của mình cả, nên cứ ngẩng cao đầu tiến về phía trước. Sinh ra như thế này chẳng phải bệnh hoạn gì, chả qua là đặc biệt hơn những người khác một tí thôi.
- Nhưng người ta sẽ ghét bỏ và thậm chí là đánh đập, buông lời bỉ bai. Thay vì thế, sao chế không ăn mặc bình thường rồi sống âm thầm thôi? Dù gì cũng là sống mà, mình sống mà không bị mỉa mai không phải tốt hơn ạ?
Chế ấy nhìn tôi, thoáng qua trong mắt đó là sự cứng cỏi và kiên định.
- Cưng ạ, sống mà phải diễn vai một người không phải là mình thì có khác nào đã chết đâu. Mà sống đúng với con người mình đâu có phải là tội đâu, chế sống sao cũng là cuộc đời của chế mà. Cưng thử nhìn chế đi, cái áo này phối với cái quần này đẹp, mặc lên người chế khiến chế thấy mình xinh hơn thì chế mặc. Chế mặc lên người chế chứ có ép ai mặc như vậy trên người họ đâu. Họ nói sao là chuyện của họ, chế đang sống cuộc đời mình chứ chả sống bằng miệng của xã hội. Xã hội khuyến khích con người sống hạnh phúc, vậy tại sao đối với hạnh phúc của những người như chế lại là sai?
- Nhưng...
Lời nói của người nọ đã giáng những đòn nặng nề vào tâm trí tôi. Lời chống chế tới đầu môi lại nghẹn lại, lần đầu tiên tôi hiểu được rằng hình hài của hạnh phúc đa dạng vô cùng. Anh ta lấy người anh ta yêu là hạnh phúc. Cô ta tốt nghiệp loại giỏi và làm được công việc mình yêu thích là hạnh phúc. Đám trẻ lang thang nhận được một bữa ăn no là hạnh phúc. Người mẹ già chứng kiến sự thành công, sung túc của con mình là hạnh phúc. Và với những người chúng tôi, được là chính mình cũng là hạnh phúc.
Đằng ấy nhìn tôi, ôn tồn hỏi:
- Cưng tên gì?
- Đăng ạ.
- Ừ, Đăng. Chế nói Đăng nghe này, chẳng có tự nhiên nào đặt ra tiêu chuẩn cho hai phái nam và nữ cả, chỉ có con người đặt ra tiêu chuẩn cho nhau thôi. Thể hiện bản sắc của mình không xấu, cái xấu là cách số đông ép buộc mình phải từ bỏ chính mình kìa.
Sau cuộc trò chuyện đó, tôi thất thểu trở về nhà, bố mẹ cũng đã bày sẵn bàn cơm chờ tôi rồi. Tôi im lặng ngồi xuống vị trí của mình, trong đầu tôi đang bùng nổ một cuộc chiến giữa tiêu chuẩn xã hội này đặt ra và bản sắc của con người. Tôi đã bị dằn vặt bởi những câu nói đó, tôi không biết việc mình làm có đúng không, tôi không biết mình sống như vậy có lệch chuẩn và đáng bị lên án không. Tôi thực sự muốn được công nhận là một cô gái, tôi phải làm gì đây? Sao mày không đối diện, thay vì miệt mài trốn tránh? Tôi tự hỏi lòng mình. Tôi nên cho mình thêm thời gian hay làm rạch ròi nó ngay bây giờ nhỉ. Tâm trí tôi lúc này tràn ngập hàng tá câu hỏi không có người giải đáp. Trong vô thức, tôi nói với bố mẹ tôi.
- Bố mẹ, con muốn trở thành một cô gái.
Bố mẹ tôi ngừng động tác ăn uống lại và nhìn tôi chằm chặp. Có lẽ họ không thể tin vào tai mình được nữa, đồng thanh hỏi lại.
- Mày đang nói cái gì đấy Đăng?
- Bố mẹ, con muốn được là chính mình, con muốn trở thành một cô gái.
Mặt bố tôi tái đi rồi dần trở nên đỏ bừng, bao nhiêu giận dữ ông trút hết lên bàn ăn, cơm canh bị hất đổ ngổn ngang ra bàn, ra sàn. Mẹ tôi ngã quỵ, bà ôm lấy ngực mình thở gấp từng đợt.
- Mày bị bệnh à?! Thằng khốn nạn biến thái! Bản thân mày là đàn ông, được là chính mình thì phải ra dáng đàn ông chứ con?! Mày thế này thì sao bọn tao nhìn mặt người ngoài?! Ai dạy cho mày mấy cái tư tưởng mất dạy, bệnh hoạn như thế đấy? Ở nhà chúng tao có dạy mày như vậy không?
Thân là một người con, lòng tôi như bị dao cứa khi nhìn thấy bố mẹ vì tôi mà ra nông nỗi này. Nhưng là một con người, tôi xứng đáng được hưởng thứ hạnh phúc thuộc về riêng mình. Tôi đã quá mệt mỏi và chán chường cuộc sống phải che đậy con người thật, tỏ ra là một thằng đàn ông để chiều lòng người khác rồi. Tôi mong rằng bố mẹ có thể tiếp nhận con người mình, bởi tình yêu và sự ủng hộ của đấng sinh thành còn cao hơn cả những điều tiếng xã hội trong lòng tôi.
- Bố mẹ! Bố mẹ hãy hiểu cho con. Con không thể tiếp tục vờ như mình là một người đàn ông nữa. Con xin lỗi bố mẹ... bấy lâu nay, con đã...
- Mày là đàn ông! Đăng ạ. Phụ nữ họ tới tháng thì họ mới là phụ nữ! Mày làm gì có kì kinh nguyệt? Đàn bà mà không có kì kinh nguyệt à? Không phải ăn mặc như phụ nữ, tỏ ra như phụ nữ là có thể trở thành phụ nữ đâu. Điều đó chỉ làm mày trông bệnh hoạn hơn thôi! Đứa nào?! Đứa nào đã lây cho mày?!
Bố tôi rống lên, ông đẩy tôi ngã ngửa ra sau. Cả người tôi va đập mạnh xuống đất, nhưng cơn đau đó không khiến tôi biết sợ. Ngược lại nó khiến tôi càng trở nên mạnh mẽ và kiên định hơn. Tôi lồm cồm bò dậy, đáp trả lại bố bằng những lời lẽ hùng hồn:
- Con không bị bệnh, đó là con người thật của con. Đồng tính, chuyển giới cũng không phải là bệnh! Không phải là bệnh thì đâu có lây được. - Tôi cố giữ sự bình tĩnh. - Phụ nữ chuyển giới họ không có kinh nguyệt! Con không tới tháng!
- Đồ ngu! Thứ trời đánh! Đàn bà phải có kinh nguyệt. Chừng nào mày có kinh nguyệt đi rồi tao nhận mày là đàn bà.
Bạn biết không, sau những lời xúc phạm của bố, trong lòng tôi dần hình thành một cơn bão dữ dội. Mọi lí trí của tôi bị cuốn trôi chỉ còn lại sự giận dữ và uất ức. Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là mình phải có kinh nguyệt bằng mọi giá. Tôi lao vào bếp, cầm trên tay con dao gọt hoa quả, nước mắt lưng tròng. Tôi nhìn hạ bộ của mình như một khối u ác tính. Tôi muốn cắt bỏ nó hoàn toàn để dần hiện thực hoá con người bên trong mình. Đôi bàn tay run rẩy, con tim tôi đập thình thịch liên hồi. Những câu mắng mỏ, miệt thị ào ạt xâm lấn như dòng nước lũ. Tôi muốn thoát khỏi cơn bĩ cực này bằng hành động thiết thực nhất. Lưỡi dao bén ngọt cứa xuống, thân dưới của tôi đau như gãy ra làm đôi. Máu lênh láng, mọi thứ sống động như thật. Có phải sau nhát cắt đó tôi đã giống phụ nữ rồi không? Tôi đã chảy máu, những giọt máu kinh nguyệt đầu đời!
- Đăng ơi!
Bố mẹ tôi hoảng hốt ập vào. Trong cơn mê man, tôi thấy bố khóc, những giọt nước mắt đau buồn lướt vội trên gò má ông. Người bố mạnh mẽ cả cuộc đời gian truân đã khóc. Còn mẹ tôi thì gục xuống và rú lên từng tiếng thất thanh não lòng. Trong khoảnh khắc chấp chới giữa thực tại và ý thức, tôi chợt thấy mình thật ngu xuẩn. Thành kiến và sự nông nổi đã đẩy tôi đi đến bước đường cực đoan, tôi sẽ phải mang trên mình vết sẹo làm khổ cả đời. Tới tận sau này, phía dưới tôi vẫn còn vết sẹo đó, vết sẹo đánh dấu sự thay đổi của Đăng, vết sẹo nhắc tôi nên sống đúng với con người mình.
Tôi lịm đi, khi tỉnh dậy thì đã bị đưa tới nơi khỉ ho cò gáy gọi là trại chữa bệnh đồng tính này. Cuộc sống trong này chẳng khác nào địa ngục trần gian, tôi bị nhồi nhét đủ thứ quy chuẩn vào đầu, bị tẩy não, bị hành hung dù tôi chẳng làm điều gì sai cả. Nhiều đêm, tôi chỉ nghĩ tới cái chết. Tôi muốn chết đi cho mình và bố mẹ đỡ khổ. Nhưng tôi lại không có dũng khí để làm điều đó, nhiều năm bị cầm tù đã khiến tôi trở nên nhút nhát và nhạy cảm hơn. Tôi cứ sống vật vờ như vậy, người còn sống mà lòng như đã chết. Chính những định kiến của xã hội này đã giết chết tôi.
Nghĩ tới đây, tôi rùng mình tỉnh lại từ những mộng tưởng của quá khứ. Ánh mặt trời đã ló rạng, ngày mới đến rồi. Sau nhiều ngày bị giam hãm cả về tâm trí lẫn thể xác, tôi như được chính mình cổ vũ, chạy vụt ra khỏi cân xà lim đã vây khốn mình một thời gian dài. Tôi lao lên tầng thượng của toà nhà, cảm nhận những tia nắng ban mai cùng làn gió tươi mới thoảng qua mặt mũi mình. Chúng tôi chỉ là những người bình thường bị mắc kẹt trong thân xác khác với tâm hồn, điều đó không có nghĩa là chúng tôi dị hợm hay bệnh hoạn. Máu chúng tôi vẫn đỏ, tim chúng tôi vẫn đập. Sự khác biệt duy nhất giữa chúng tôi và phần còn lại của xã hội là những bất công mà chúng tôi phải gánh chịu trong suốt phần đời mình. Tôi muốn dùng sinh mệnh này để cảnh tỉnh xã hội đang kìm kẹp thân thể và tâm hồn của những người như chúng tôi. Lặng ngắm ánh mặt trời cuối cùng trong đời mình, tôi muốn tận hưởng những điều dịu dàng đó trước khi mọi thứ trước mắt chỉ còn lại một màn đen đặc. Nhìn về phía bình minh, đầu tôi thoáng qua gương mặt bố mẹ mình, những gương mặt méo mó vì đau khổ. Trong lòng tôi đã có quyết định, tôi sẽ giải thoát cuộc đời mình tại nơi đây.
Cuộc sống không bao giờ kết thúc tại cái chết. Những câu chuyện và giá trị vẫn tiếp tục tồn tại trong những trái tim đang chiến đấu. Dù hành trình của tôi đã kết thúc, song hy vọng và ý chí của tôi sẽ sống mãi trong những tâm hồn đang đấu tranh. Tôi tin rằng một ngày nào đó, cuộc chiến chống kì thị sẽ kết thúc; tất cả mọi người sẽ được chấp nhận và đánh giá dựa trên nhân cách và phẩm chất của mình.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro