Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Am muu ngay tan the (full)

Sidney Sheldon

ÂM MƯU NGÀY TẬN THẾ

Dịch giả : Nguyễn Bá Long

Uctendort. Thuỵ Sĩ

Chủ nhật, 14 tháng Mười, lúc 15 giờ 00

Các nhân chứng đứng trên rìa hiện trường, nhìn trân trối trong im lặng, không thể nói gì vì quá sửng sốt. Quang cảnh trước mắt họ thật kỳ dị, một cơn ác mộng hoang sơ xuất xứ từ đâu đó sâu kín, tối tăm trong tiềm thức tập thể của người nguyên thuỷ. Mỗi nhân chứng có một phản ứng khác nhau.

Người thứ nhất ngất đi. Người thứ hai nôn oẹ. Một phụ nữ run lên bần bật. Một người khác thì nghĩ: Mình sắp lên cơn đau tim mất. Vị tu sĩ già nắm lấy chuỗi hạt và đưa tay làm dấu. Hãy giúp con, thưa Cha. Hãy giúp tất cả chúng con. Hãy che chở cho chúng con trước sự hiện hình của quỷ dữ. Sau cùng thì tất cả chúng con đều đã nhìn thấy bộ mặt của Satăng. Đó là ngày tận thế. Ngày phán xử đã đến.

Trận chiến cuối cùng là đây... Trận chiến đấu cuối cùng... Trận chiến đấu cuối cùng giữa cái thiện và cái ác.

Ngày thứ nhất.

Thứ hai, 15 tháng Mười

- Anh lại thấy mình trong cái quân y viện chật chội ở căn cứ Củ Chi, Việt Nam và Susan đang cúi người trên giường anh, trông thật đáng yêu trong chiếc áo choàng trắng, thì thầm, "Tỉnh dậy nào, chàng thuỷ thủ. Anh đâu có muốn chết!".

Và khi nghe thấy giọng nói đầy quyến rũ của cô, anh gần như quên đi sự đau đớn của mình. Cô đang thì thầm điều gì đó nữa bên tai anh, nhưng một cái chuông nào đó đang réo vang, và anh không thể nghe rõ cô nói gì. Anh đưa tay kéo cô lại gần nhưng bàn tay chỉ quờ vào một khoảng không.

Chính tiếng chuông điện thoại đã làm Robert Bellamy tỉnh hẳn. Anh miễn cưỡng mở mắt, không muốn giấc mơ qua đi. Chiếc điện thoại bên cạnh giường vẫn réo dai dẳng. Anh nhìn đồng hồ, 4 giờ sáng. Anh chụp lấy máy, bực bội vì ngủ dỡ mắt, giấc mơ ngắt quãng.

- Quỷ quái thật, có biết mới là mấy giờ không hả?

- Ông chỉ huy Bellamy phải không?

- Phải.

- Tôi có một tin báo cho ông, ông chỉ huy. Ông được lệnh phải trình diện tướng Hilliard tại trụ sở Cục An ninh Quốc gia (NSA) ở Fort Meade vào đúng 6 giờ sáng. Ông đã nghe rõ chưa, thưa ông chỉ huy?

- Rồi. Và chưa. Phần lớn là chưa rõ.

Robert Bellamy chậm chạp đặt ống nghe xuống, trầm ngâm. Chuyện quái gì mà NSA đòi anh thế nhỉ?

Và chuyện gì gấp gáp đến mức phải gặp vào lúc 6 giờ sáng? Anh lại nằm xuống và nhắm mắt lại, cố tìm lại giấc mơ. Giấc mơ giống như thật. Tất nhiên anh biết điều gì đã khiến giấc mơ xuất hiện. Susan vừa gọi điện cho anh tối hôm trước.

- Robert...

Như từ bao giờ vẫn vậy, giọng nói của cô luôn có tác động đến anh. Anh run run thở mạnh.

- Chào Susan.

- Mọi chuyện bình thường cả chứ, anh Robert?

- Tất nhiên. Tuyệt vời. Moneybags thế nào?

- Thôi đừng, anh.

- Thôi được. Thế Monte Banks thế nào?

Anh đã không thể nói "chồng em". Anh ta là chồng cô ấy, Susan.

- Anh ấy khoẻ. Em chỉ muốn nói với anh là chúng ta sắp phải xa nhau một thời gian. Em không muốn anh phải lo lắng.

Thật đúng là cô ấy, đúng là Susan. Anh cố giữ giọng nói bình tĩnh.

- Lần nầy em đi đâu vậy?

- Bọn em bay qua Brasil.

Trên chiếc Boeing 727 của Moneybags.

- Monte có chút công việc ở đó mà.

- Thật ư? Anh nghĩ là chồng em sở hữu cả quốc gia đó.

- Thôi đi Robert. Xin anh.

- Xin lỗi.

Một giây im lặng.

- Em mong anh tỏ ra dễ chịu hơn.

- Nếu em có ở đây thì hẳn là thế.

- Em muốn anh tìm được một ai đó thật tuyệt vời, và anh hạnh phúc.

- Susan, anh đã tìm được một người tuyệt vời. - Cổ họng anh tắt nghẹn. - Và em biết chuyện gì xảy ra không? Anh đã mất cô ấy.

- Nếu anh cứ còn nói thế, em sẽ không gọi anh nữa đâu.

Đột nhiên, anh cảm thấy sợ hãi.

- Đừng nói thế. Đừng, em?

Với anh, cô là chiếc phao cứu sinh. Anh không thể chịu nổi ý nghĩ rằng không bao giờ được nói chuyện với cô nữa. Anh cố tỏ ra vui vẻ.

- Anh sẽ ra ngoài và kiếm một cô tóc vàng thật khêu gợi để rồi cùng làm tình cho đến bã người ra thì thôi.

- Em muốn anh kiếm được một ai đó.

- Anh hứa với em đấy.

- Em lo cho anh, em yêu anh!

- Không cần thiết. Anh thật sự bình thường. - Anh nghẹn lời với lời nói đối của chính mình. Giá mà cô biết sự thật. Nhưng anh không thể nào mang chuyện của mình ra bàn với ai. Đặc biệt là Susan. Anh không thể chịu được ý nghĩ về sự buồn khổ của cô.

- Từ Brasil, em sẽ gọi điện cho anh. - Susan nói.

Một lúc im lặng. Họ không thể rời nhau ra bởi vì có quá nhiều điều để nói, quá nhiều thứ tốt hơn là không nên nói đến, không được nói đến.

- Anh Robert, em phải đi đây.

- Susan?

- Dạ.

- Anh yêu em. Anh sẽ luôn luôn yêu em!

- Em biết. Em cũng yêu anh, Robert.

Và đó chính là điều mỉa mai cay đắng. Họ vẫn yêu nhau đến thế.

Hai người thật đẹp đôi, tất cả bạn bè họ đều đã nói như vậy. Điều gì đã làm đảo lộn tất cả?

Robert Bellamy ra khỏi giường và đi ngang căn phòng khách vắng lặng với đôi chân trần. Căn phòng gợi nhớ sự vắng bóng của Susan. Quanh phòng là hàng chục tấm ảnh của Susan và anh, những hình ảnh đọng lại. Hai người đi câu cá ở vùng cao nguyên Scotland, trước một tượng Phật trên đất Thái Lan, trên một cỗ xe ngựa chạy trong mưa qua những khu vườn Borghese ở Rome. Và trong mỗi tấm ảnh, họ đều đang cười và ôm chặt lấy nhau, hai con người đang yêu nhau nồng thắm.

Anh đi vào phòng bếp đặt một bình cà phê. Đồng hồ chỉ 4 giờ 15. Anh lưỡng lự giây lát, rồi nhấc điện thoại quay số. Sáu hồi chuông réo và sau cùng anh nghe thấy tiếng Đô đốc Whittaker ở đầu dây đằng kia.

- Hêlô.

- Thưa Đô đốc.

- Gì vậy?

- Đây là Robert. Tôi thật xin lỗi vì đã đánh thức ngài. Tôi vừa có một cú điện thoại khá kỳ lạ từ Cục an ninh quốc gia.

- NSA à? Họ muốn gì vậy?

- Tôi không biết. Tôi được lệnh trình diện tướng Hilliard vào lúc 6 giờ.

Một thoáng im lặng trầm ngâm.

- Có thể là người ta định chuyển anh sang đó.

- Không thể thế được. Điều đó thật vô lý. Sao họ lại...

- Robert, rõ ràng là có chuyện gì đấy khẩn cấp.

- Sao anh không gọi lại cho tôi sau cuộc gặp nhỉ?

- Tôi sẽ gọi. Cảm ơn ngài.

Cuộc đối thoại chấm dứt. Robert nghĩ: lẽ ra mình không nên làm phiền ông già. Đô đốc đã rời chức vụ đứng đầu Tình báo hải quân để nghỉ hưu từ hai năm trước đây. Bị buộc phải nghỉ hưu thì đúng hơn. Người ta bàn tán rằng để an ủi, Bộ Hải quân đã dành cho ông một văn phòng nhỏ ở đâu đó để ngồi chơi xơi nước với mấy thứ công việc vớ vẩn. Giờ đây, ông Đô đốc không hề biết gì về những hoạt động tình báo hiện nay. Nhưng ông là thầy của Robert. Ông là người gần gũi với Robert hơn bất kỳ ai trên thế gian nầy, tất nhiên là không kể Susan. Mà Robert thì cần phải nói chuyện với ai đó. Với việc Susan ra đi, anh cảm thấy hoàn toàn mất thăng bằng và luôn tưởng tượng rằng ở một nơi nào đó, trong một thời gian và không gian khác, anh và Susan vẫn đang là một cặp vợ chồng hạnh phúc, cười đùa vô tư và yêu thương nhau. Hoặc có thể là không, Robert mệt mỏi nghĩ. Có thể do mình đã không biết khi nào nên dừng lại.

Cà phê đã xong. Vị đắng ngắt. Anh băn khoăn không biết liệu có phải nó được nhập về từ Brasil hay không nữa.

Anh mang theo ly cà phê vào phòng tắm và ngắm mình trong gương. Anh đang nhìn vào một người đàn ông ở độ tuổi bốn mươi, cao to và khoẻ mạnh, khuôn mặt rắn rỏi, cái cằm khoẻ, mái tóc đen và cặp mắt sẫm, sắc sảo, thông minh. Trên ngực anh là một vết sẹo dài và sâu, kỷ niệm vụ máy bay rơi. Nhưng đó là ngày hôm qua. Đó là Susan. Còn lúc nầy là hôm nay. Không có Susan. Anh cạo râu, tắm và rồi bước lại tủ quần áo. Mình mặc gì nhỉ, anh băn khoăn. Đồng phục Hải quân hay đồ dân sự? Mà nào ai quan tâm đâu nhỉ? Anh khoác lên người bộ complê màu tàn thuôc lá cùng với chiếc sơmi trắng và chiếc càvạt màu lục lam. Anh biết rất ít về Cục An ninh quốc gia, chỉ biết cái Dinh Thự bí mật đó, như người ta đặt tên lóng cho nó, đã thay thế cho tât cả các cơ quan tình báo khác của nước Mỹ và là cơ quan bí mật nhất trong tất cả số đó. Họ muốn gì ở mình? Mình sẽ biết ngay thôi mà.

Cục An ninh quốc gia nằm ẩn mình kín đáo trong một cánh rừng hoang rộng tám mươi hai mẫu ở Fort Meade, bang Maryland, với hai toà nhà lớn gấp đôi khu trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia. Cơ quan nầy được lập ra nhằm giúp đỡ kỹ thuật để bảo vệ các kênh thông tin của nước Mỹ và thu lượm các số liệu tình báo điện tử trên khắp thế giới, hoạt động khủng khiếp đến mức mỗi ngày nó sản sinh ra chừng bốn mươi tấn tài liệu.

Khi Robert Bellamy đến cổng thì trời vẫn còn tối. Anh cho xe đỗ sát bờ tường cao tới hai mét rưỡi, còn căng dây thép gai phía trên. Một bốt gác đặt ở đó với hai người bảo vệ có vũ trang. Một người lính đứng lại bên trong nhìn ra trong lúc người kia tiến đến bên chiếc xe.

- Tôi có thể giúp gì cho ông?

- Sĩ quan chỉ huy Bellamy tới gặp tướng Hilliard.

- Xin ông cho xem giấy tờ, ông chỉ huy?

Robert Bellamy móc ví và lấy tấm thẻ căn cước của anh có ghi Phòng 17 Tình báo hải quân. Người lính gác xem tấm thẻ một cách cẩn thận và đưa trả lại cho anh.

- Cảm ơn ông chỉ huy.

Anh ta gật đầu với người lính đứng trong bốt gác, và cánh cổng mở ra. Người lính gác phía trong nhấc điện thoại.

- Sĩ quan chỉ huy Bellamy đang trên đường vào.

Một phút sau, Robert Bellamy tiến đến trước một chiếc cổng điện đóng kín bưng.

Một người lính gác tiến đến bên chiếc xe.

- Sĩ quan chỉ huy Bellamy phải không?

- Đúng vậy.

- Xin phép được xem giấy tờ của ông?

Anh đã toan phản đối nhưng rồi lại nghĩ. Thây kệ. Đây là lãnh địa của họ mà. Anh lại móc ví ra và đưa tấm thẻ cho người lính.

- Cảm ơn ông chỉ huy. - Người lính làm một tín hiệu nào đó không rõ, và cánh cổng mở ra.

Khi Robert Bellamy lái xe tiến vào, anh lại nhìn thấy một bức tường bảo vệ thứ ba ở trưóc mặt. Lạy Chúa, anh nghĩ, mình đang ở trong vùng cấm rồi.

Một người gác mặc quân phục khác bước lại bên chiếc xe. Khi Robert Bellamy đưa tay để lấy chiếc ví ra thì người gác nhìn biển số xe và nói:.

- Xin chạy thẳng tới toà nhà điều hành, thưa ông chỉ huy. Sẽ có người đón ông tại đó.

- Cám ơn.

Cánh cổng mở ra, và Robert cứ theo đường xe chạy, tới bên một toà nhà khổng lồ trắng toát. Một người đàn ông mặc đồ dân sự đang đứng đợi phía bên ngoài, run lên vì những cơn gió lạnh của tháng mười.

- Ông chỉ huy, ông có thể để xe ở ngay đó. Chúng tôi sẽ lo sau. - Anh ta gọi to.

Robert Bellamy để chìa khoá lại trong xe và bước ra. Người đàn ông đứng đón anh chừng ba mươi tuổi, dáng cao, gầy, nước da mai mái.

- Tôi là Harrison Keller. Tôi sẽ đưa ông đến phòng làm việc của tướng Hilliard.

Họ đi vào một phòng tiền sảnh lớn, trần nhà cao.

Một người đàn ông mặc đồ dân sự đang ngồi sau chiếc bàn.

- Sĩ quan chỉ huy Bellamy.

Robert Bellamy quay người lại. Anh nghe tiếng kêu tách của một chiếc máy ảnh.

- Cám ơn ngài.

- Cái gì? - Robert Bellamy quay sang Keller.

- Chỉ mất một phút thôi. - Keller đoán chắc với anh.

Sáu mươi giây sau, Robert Bellamy được trao cho một tấm phù hiệu nhận dạng màu xanh trắng với ảnh của anh trên đó.

- Xin ông đeo tấm phù hiệu nầy liên tục trong thời gian ông ở trong toà nhà nầy, ông chỉ huy.

Được. Họ bắt đầu đi theo một hành lang dài, sơn màu trắng, Robert Bellamy thấy những chiếc camêra bảo vệ được đặt cách nhau chừng sáu mét dọc theo cả hai bên hành lang.

- Toà nhà nầy có lớn lắm không?

- Khoảng hơn hai trăm ngàn mét vuông, thưa ông chỉ huy...

- Thế cơ à?

- Dạ. Cái hành lang nầy là hành lang dài nhất thế giới - ba trăm hai mươi lăm mét. Chúng tôi hoàn toàn tự nhốt mình ở đây. Tại đây có một trung tâm mua bán, tiệm cà phê, trạm bưu điện, tám Snackbar, một bệnh viện kèm theo một phòng mổ, một phòng khám nha khoa, một chi nhánh ngân hàng nhà nước của vùng Laurel, một tiệm giặt là, một tiệm giầy, một hiệu cắt tóc và một vài cửa hàng linh tinh khác nữa.

Một cái nhà ở xa của mình, Robert nghĩ. Anh cảm thấy chán nản một cách kỳ lạ.

Họ đi ngang qua một khu vực rộng lớn đầy những máy tính điện tử. Robert dừng chân, kinh ngạc.

- Một ấn tượng mạnh, phải không ạ? Đó mới chỉ là một trong số những phòng máy tính của chúng tôi. Hệ thống nầy gồm những máy giải mã và những máy tính trị giá 3 tỉ đôla.

- Có tất cả bao nhiêu người làm việc ở đây?

- Khoảng mười sáu ngàn.

Anh được dẫn vào chiếc thang máy, loại dành riêng, mà Keller sử dụng với một chìa khoá. Họ đi lên tầng trên và bắt đầu theo một lối khác trên dãy hành lang dài cho tới khi họ tới khu phòng làm việc ở phía cuối hành lang.

- Ngay trong nầy thôi, ông chỉ huy.

Họ bước vào một phòng đợi lớn, với bốn bàn thư ký. Hai trong số thư ký đã đến làm việc. Harrison Keller gật đầu với một trong hai người, và cô ta bấm một cái nút. Cánh cửa dẫn vào căn phòng phía trong bật mở.

- Xin mời vào, thưa quý vị. Tướng quân đang đợi các ông.

- Đi lối nầy. - Harrison Keller nói.

Robert Bellamy lặng lẽ theo anh ta. Anh thấy mình bước vào căn phòng rộng lớn, trần nhà và tường đều được bọc một lớp cách âm dầy. Căn phòng đầy đủ tiện nghi, với nhiều những bức ảnh và vật kỷ niệm có tính chất cá nhân. Rõ ràng là người đàn ông ngồi sau chiếc bàn kia đã ở đây khá lâu rồi.

Tướng Mark Hilliard, phó giám đốc NSA, có vẻ chừng giữa tuổi 50, dáng rất cao, khuôn mặt nổi bật với cặp mắt giá lạnh, sắt đá, tư thế đĩnh đạc. Ông tướng mặc một bộ complê mà xám, chiếc sơmi trắng và càvạt xám. Mình đã đoán đứng, Robert nghĩ.

Harrison Keller cất tiếng:

- Báo cáo tướng Hilliard, đây là sĩ quan chỉ huy Bellamy.

- Cảm ơn ông đã ghé qua, ông sĩ quan.

Cứ như là một lời mời đên dự bữa tiệc trà vậy.

Hai người đàn ông bắt tay nhau.

- Mời ngồi. Tôi xin cược là ông muốn dùng một ly cà phê.

Ông ta đọc được ý nghĩ người khác.

- Vâng, thưa ngài.

- Còn Harrison?

- Không, cảm ơn ngài. - Anh ta ngồi xuống một chiếc ghế dựa ở góc phòng.

Một nút bấm được ấn xuống, cánh cửa mở ra, một người phương Đông mặc đồng phục bước vào với một khay cà phê và bánh nướng Đan Mạch. Robert để ý thấy anh ta không đeo phù hiệu nhận dạng. Thật tệ.

Cà phê được rót ra. Mùi thơm ngào ngạt.

- Ông uống thế nào nhỉ? - Tướng Hilliard hỏi.

- Uống đen ạ. - Ly cà phê thật ngon.

Hai người đàn ông ngồi đối diện nhau, trên những chiếc ghế da mềm.

- Ngài giám đốc yêu cầu tôi gặp ông.

Ngài giám đốc, Edward Sanderson. Một nhân vật huyền thoại trong nghề gián điệp. Một nghệ sĩ rối, bậc thầy, tài ba và nhẫn tâm, nổi danh với vỉệc tổ chức hàng chục cuộc đảo chính táo bạo trên khắp thế giới ít khi người ta nhìn thấy ông xuất hiện trước công chúng mà chỉ thầm thì nói về ông ta ở chốn riêng tư.

- Ông đã ở phòng 17 ngành tình báo hải quân bao lâu rồi, ông sĩ quan? - Tướng Hilliard hỏi.

- Mười lăm năm. Robert không úp mở. Anh dám đánh cược cả tháng lương rằng ông tướng có thể nói chính xác ngày anh gia nhập ONI.

- Trước đó, tôi tin là ông đã chỉ huy một phi đội máy bay của Hải quân ở Việt Nam.

- Thưa ngài, vâng.

- Ông đã bị bắn rơi. Họ không nghĩ là ông có thể qua khỏi.

Tay bác sĩ nói: "Hãy quên anh ta đi. Anh ta sẽ không qua được được đâu". Anh đã muốn chết đi cho rảnh. Sự đau đớn thật không thể chịu nổi. Và rồi Susan đang cúi xuống bên anh: "Mở mắt ra nào, chàng thuỷ thủ anh đâu có muốn chết". Anh đã bắt hai mắt mình phải mở ra và qua sự lờ mờ trong đau đớn, nhìn thấy người phụ nữ đẹp nhất mà anh từng thấy trên đời. Cô có khuôn mặt trái xoan mềm mại, mái tóc đen dầy, đôi mắt nâu long lanh và một nụ cười ấm lòng. Anh đã cố mở miệng nói, nhưng điều đó quá sức.

Tướng Hilliard đang nói điều gì đó.

Robert Bellamy kéo đầu óc mình trở về với hiện tại.

- Ngài nóì gì, thưa tướng quân?

- Chúng ta có một rắc rối, ông sĩ quan. Chúng tôi cần sự giúp đỡ của ông.

- Chuyện gì vậy, thưa ngài?

Ông tướng đứng dậy và bắt đầu đi đi lại lại.

- Điều tôi sắp nói với ông là một vấn đề rất nhạy cảm. Nó còn trên mức tối mật.

- Rõ, thưa ngài.

Ngày hôm qua, ở vùng núi Alps, Thuỵ Sĩ, một quả bóng thám không thời tiết của NATO đâm vào núi. Có một vài dụng cụ thí nghiệm quân sự tối mật ở trên quả cầu đó.

Robert thấy mình bỗng phân vân, không hiểu tất cả những chuyện nầy sẽ dẫn tới đâu.

- Chính phủ Thuỵ Sĩ đã chuyển tất cả những dụng cụ nầy khỏi quả cầu đó, nhưng đáng tiếc là hình như có một số người đã chứng kiến vụ tai nạn. Điều có tính quan trọng sống còn là không ai trong số họ được nói với bất kỳ ai khác về những gì họ đã trông thấy. Bởi nó có thể cung cấp những thông tin quý giá cho một số nước nhất định. Ông nghe tôi nói đấy chứ?

- Thưa ngài, tôi nghĩ là như vậy. Ông muốn tôi nói chuyện với các nhân chứng và cảnh cáo họ không bàn tán về những gì họ đã trông thấy.

- Không hoàn toàn như vậy, ông sĩ quan.

- Vậy thì tôi không hiểu?

- Tôi muốn ông đơn thuần tìm ra những nhân chứng nầy. Những người khác sẽ nói với họ về sự im lặng cần thiết kia.

- Tôi hiểu. Tất cả những nhân chứng nầy đều ở Thuỵ Sĩ ư?

Tướng Hilliard dừng lại trước mặt Robert.

- Đó chính là khó khăn của chúng ta, ông sĩ quan ạ ông biết đấy, chúng ta không hề biết họ là ai. Hay họ ở đâu.

Robert nghĩ là anh đã bỏ qua điều gì đó.

- Xin ngài nói lại?

- Chúng ta chỉ có một thông tin duy nhất là các nhân chứng đi trên một chiếc xe buýt du lịch theo tuyến. Họ ngẫu nhiên đi qua hiện trường khi quả bóng thám không bị nạn gần một làng nhỏ tên là... ông ta quay sang Harrison Keller.

- Uctendort.

Viên tướng quay lại phía Robert.

- Khách xuống xe trong ít phút để xem vụ tai nạn và rồi lại tiếp tục đi. Khi chuyến du lịch kết thúc, những người khách nầy lại tản đi tứ phương.

Robert chậm rãi nói:

- Thưa tướng quân Hilliard, có phải ngài đang nói rằng không hề có hồ sơ gì về việc những người nầy là ai hoặc họ đã đi đâu ư?

- Đúng thế.

- Và ngài muốn tôi sang đó tìm họ?

- Đúng thế. Ông đã được người ta tin cậy tiến cử. Tôi nghe nói ông có thể nói lưu loát dăm bảy thứ ngôn ngữ, và ông có một tiểu sứ hoạt động tuyệt vời: Ngài giám đốc đã thu xếp để ông được tạm thời chuyển sang NSA.

- Khủng khiếp thật! Tôi cho là tôi sẽ làm việc với chính phủ Thuỵ Sĩ về chuyện nầy?

- Không, ông sẽ làm việc một mình thôi.

- Một mình? Thế nhưng...

- Chúng ta không được kéo bất kỳ ai khác vào sứ mệnh nầy. Tôi không sao nói hết được tầm quan trọng của những gì có trong quả cầu đó, ông sĩ quan ạ. Vấn đề là thời gian. Tôi muốn ông báo cáo với tôi về kết quả mỗi ngày của công việc ông làm.

Viên tướng viết một con số lên tấm các và đưa nó cho Robert.

- Có thể gọi tôi ở số máy nầy, ngày cũng như đêm. Một chiếc máy bay đang đợi để đưa ông tới Zurich. Ông sẽ được đưa về chỗ ở để thu xếp hành lý cần thiết, và rồi ông sẽ được đưa ra sân bay.

Quá nhiều cho lời "Cảm ơn ông đã ghé qua". Robert muốn hỏi "Sẽ có người cho mấy con cá vàng của tôi ăn trong thời gian tôi đi vắng chứ?" nhưng anh có cảm giác rằng câu trả lời sẽ là "ông không có con cá vàng nào cả"

- Ông sĩ quan, trong công việc của ông bên ONI, tôi cho là ông có những quan hệ tình báo ở nước ngoài?

- Thưa ngài, vâng. Tôi có một vài người bạn có thể có ích.

- Ông không được tiếp xúc với bất kỳ ai trong số họ. Ông không được phép có bất kỳ tiếp xúc nào cả. Không còn nghi ngờ là những nhân chứng mà ông sẽ tìm kiếm là công dân của nhiều nước khác nhau. - Viên tướng quay sang Harrison Keller.

Keller bước đến bên một chiếc tủ hồ sơ ở góc phòng và mở ra. Anh ta lấy một phong bì lớn, chuyển cho Robert.

- Có năm mươi ngàn đôla trong nầy bằng một số đồng tiền châu Âu khác nhau và hai mươi ngàn đôla Mỹ. Ông cũng sẽ thấy dăm bộ giấy tờ giả sẽ được chuyển đến vào lúc cần thiết.

Tướng Hilliard giơ ra một tấm các bọc nhựa màu đen bóng và dầy cộp với một vạch trắng trên đó.

- Còn đây là chiếc thẻ tín dụng.

- Tôi không cho là tôi sẽ cần đến nó, thưa tướng quân. Số tiền mặt sẽ là đủ, và tôi còn một chiếc thẻ tín dụng của ONI rồi.

- Cầm lấy.

- Tốt thôi. - Robert xem xét tấm thẻ. Nó được đảm bảo bởi một nhà băng mà anh chưa bao giờ được nghe thấy tên. Phía dưới tấm thẻ có một số điện thoại.

- Không có cái tên nào trên thẻ cả. - Robert nói.

- Nó tương đương với một tấm ngân phiếu trắng đấy. Nó không đòi hỏi sự nhận diện nào. Hãy yêu cầu họ gọi điện đến số máy trên thẻ khi ông mua một thứ gì đó. Điều quan trọng là ông phải luôn luôn giữ nó trong người.

- Vâng.

- Và nầy, ông sĩ quan?

- Dạ, thưa ngài.

- Ông phải tìm được những nhân chứng đó. Tất cả bọn họ. Tôi sẽ thông báo với giám đốc rằng ông đã bắt đầu nhận nhiệm vụ nầy.

Cuộc gặp gở kết thúc.

Harrison Keller tiễn Robert ra phòng ngoài. Một lính thuỷ đánh bộ mặc quân phục đã ngồi ở đó. Anh ta đứng dậy khi hai người bước vào phòng.

- Đây là đại uý Dougherty. Anh ấy sẽ đưa ông ra sân bay. Chúc may mắn.

- Cảm ơn.

Hai người bắt tay nhau. Keller quay đi và bước trở vào văn phòng của tướng Hilliarđ.

- Ông đã sẵn sàng chưa, thưa ông sĩ quan chỉ huy? - Đại uý Dougherty hỏi.

- Rồi.

Mà sẵn sàng gì mới được cơ chứ? Trong qụá khứ, anh đã giải quyết nhiều nhiệm vụ tình báo phức tạp, nhưng chưa bao giờ có chuyện điên rồ như thế nầy. Người ta muốn anh tìm kiếm một số lượng không rõ những nhân chứng không được biết là ai và không biết là người nước nào. Xác suất được thua trong chuyện nầy ra sao đây? Robert phân vân. Mình cảm thấy giống như Nữ hoàng Trắng trong Xuyên qua lớp kính vậy. Sao có lúc tôi tin là có tới sáu điều không thể được trước bữa ăn sáng. Ồ, đây là cả sáu điều đó cộng lại.

- Tôi được lệnh đưa ông thẳng về chỗ ở và rồi ra căn cứ không quân Andrews, - đại uý Dougherty nói. - Có một chiếc máy bay đang đợi.

Robert lắc đầu.

- Tôi phải ghé vào cơ quan tôi trước đã.

Dougherty lưỡng lự.

- Cũng được. Tôi sẽ cùng đi với ông đến đó và đợi ông.

Dường như không thấy anh thì họ không tin anh vậy. Bởi vì anh đã biết có một quả bóng thám không bị nạn ư? Điều đó thật vô lý. Anh trao lại tấm phù hiệu của mình tại bàn đón tiếp và bước ra ngoài trời giá lạnh, rạng sáng. Chiếc xe của anh không còn đó.

Thay vào chỗ đó là một chiếc xe sang trọng dài thượt.

- Chiếc xe của ông sẽ được bảo quản, thưa ông chỉ huy, - đại uý Dougherty nói với anh. - Chúng ta sẽ đi chiếc xe nầy.

Có một sự quan tâm chu đáo về tất cả đến mức Robert cảm thấy hơi khó chịu.

- Được anh nói.

Và họ lên đường tới Cục Tình báo hải quân. Mặt trời buổi sớm mờ nhạt đã biến mất sau những đám mây mưa. Sẽ là một ngày xấu. Theo nhiều nghĩa chứ không hẳn chỉ là một, Robert nghĩ

Ottawa, Canada, 24 giờ 00

Mật danh của ông ta là Janus. Ông ta đang trình bày trước mười hai người trong một căn phòng được bảo vệ cẩn mật nằm trong một khu vực quân sự.

- Như tất cả các ông đã được thông báo, Chiến dịch Ngày Tận Thế đã được bắt đầu. Có một số các nhân chứng phải được tìm ra một cách nhanh chóng và lặng lẽ nhất ở chừng mức có thể. Chúng ta không thể tính chuyện tìm kiếm họ thông qua các kênh an ninh chính quy do nguy cơ bị tiết lộ.

- Chúng ta đang dùng ai vậy? - Người Nga. Nóng nảy. To lớn.

- Tên anh ta là Robert Bellamy, sĩ quan chỉ huy.

- Anh ta được lựa chọn như thế nào vậy? - Người Đức. Vẻ quý tộc. Tàn nhẫn.

- Viên sĩ quan nầy được chọn sau khi máy tính tìm kiếm một cách kỹ càng trong các hồ sơ của CIA, FIA, và nửa tá cơ quan tình báo khác.

- Xin cho tôi được hỏi về những phẩm chất của anh ta? - Người Nhật Bản. Lịch sự. Quỷ quyệt.

- Sĩ quan chỉ huy Bellamy là sĩ quan nghiệp vụ nói được sáu thứ tiếng một cách thành thạo và có một lý lịch mẫu mực. Anh ta liên tiếp tỏ ra hết sức năng lực. Anh ta không còn ai thân thích đang sống.

- Anh ta biết gì về tính cấp bách của vụ nầy không? - Người Anh. Trưởng giả. Nguy hiểm.

- Anh ta biết. Chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi rằng anh ta sẽ rất nhanh chóng tìm thấy tất cả các nhân chứng.

- Anh ta có biết mục đích của sứ mệnh mình đang làm không? - Người Pháp. Ưa tranh luận. Bướng bỉnh.

- Không.

- Và khi anh ta đã tìm thấy các nhân chứng thì sao? - Người Trung Quốc thông minh. Kiên nhẫn.

- Anh ta sẽ được khen thưởng xứng đáng.

Trụ sở cục Tình báo hải quân chiếm toàn bộ tầng năm của khu Ngũ Giác Đàirộng lớn, một tầng nhà lọt thỏm giữa cái khu trụ sở làm việc lớn nhất thế giới, với tổng cộng mười bảy dặm hành lang và hai mươi chín nghìn nhân viên quân sự và dân sự.

Nội thất của trụ sở Cục phản ánh truyền thống đi biển của nó. Bàn làm việc và tủ hồ sơ hoặc mang màu xanh ôliu, của thời chiến tranh thế giới thứ hai, hoặc màu xám của tàu chiến, trong thời kỳ chiến tranh Việt nam. Tường và trần nhà được sơn màu da bò hoặc màu kem. Hồi đầu, Robert không thể chịu nổi cách trang trí nội thất kiểu Spartan nầy, nhưng từ lâu nay, anh đã trở nên quen thuộc với nó.

Lúc nầy, khi anh bước vào toà nhà và tiến lại bàn thường trực, người lính gác quen thuộc ngồi sau bàn nói:

- Xin chào ông sĩ quan chỉ huy. Tôi có thể xem giấy ra vào của ông được không ạ?

Robert đã làm việc ở đây 7 năm, nhưng thủ tục nầy chưa bao giờ thay đổi. Anh xuất trình giấy tờ theo đúng bổn phận của mình.

- Cám ơn ông chỉ huy.

Trên đường tới phòng làm việc của mình, Robert nghĩ tới đại uý Dougherty đang đợi anh trong khu đậu xe phía cổng vào lối bờ sông. Anh ta đang chờ để đưa anh ra chuyến bay tới Thuỵ Sĩ, bắt đầu một cuộc đi săn vô vọng.

Khi Robert tới phòng làm việc của mình, cô thư ký Barbara của anh đã ở đó.

- Xin chào ông chỉ huy. Ông phó giám đốc muốn gặp ông tại phòng làm việc của ông ấy.

- Ông ấy có thể đợi. Hãy liên lạc với Đô đốc Whittaker cho tôi.

- Thưa ông, vâng.

Một phút sau, Robert đã đang nói chuyện với Đô đốc.

- Tôi cho là anh đã kết thúc cuộc gặp của anh rồi phải không, Robert?

- Cách đây chỉ vài phút.

- Chuyện thế nào?

- Cũng thú vị. Ngài có rảnh để đến ăn sáng với tôi không, thưa Đô đốc? - Anh cố giữ giọng nói bình thường. Không hề có chút lưỡng lự nào.

- Được. Chúng ta sẽ gặp nhau ở đó chứ?

- Vâng. Tôi sẽ để sẵn cho ngài tấm giấy ra vào dùng cho khách.

Rất tốt. Tôi sẽ đến anh trong vòng một giờ.

Robert gác máy và nghĩ. Việc mình phải để giấy ra vào dùng cho khách cho ngài Đô đốc: thật là điều mỉa mai. Chỉ mới cách đây vài năm, ông còn là một ông gíà đáng kính đây, phụ trách Tình báo hải quân.

Ông nghĩ gì về chuyện đó nhỉ?

Robert bấm nút gọi thư ký của anh trên máy liên lạc nội bộ:

- Dạ, thưa ông chỉ huy?

- Tôi đang chờ Đô đốc Whittaker. Thu xếp một giấy ra vào cho ông.

- Tôi sẽ lo việc đó ngay ạ.

Bây giờ đã đến lúc phải trình diện lão phó giám đốc. Lão Dustin Thornton khốn kiếp.

Lustin Thornton "bẩn thỉu", phó giám đốc Cục Tình báo hải quân, đã nổi tiếng là một trong những vận động viên điền kinh xuất sắc nhất trong số những người tốt nghiệp trường Annapolis. Thornton có được cái vị trí cao hiện nay là nhờ một trận bóng bầu dục.

Nói chính xác là một trận đấu giữa Lục quân và Hải quân. Thornton, một sinh viên sắp tốt nghiệp của Annapolis, với dáng người cao to lừng lững, giữ chân hậu vệ trong trận đấu quan trọng nhất trong năm của Hải quân. Vào đầu hiệp thứ tư, Lục quân đang dẫn 13-0, hai lần được phạt sau gôn và sắp đến lúc đổi sân, số mệnh đã can thiệp và thay đổi cuộc đời Thornton. Anh ta chặn được một đường chuyền của Lục quân, xoay người và lướt qua đội hình của đối phương để dành một cú phạt tiếp gôn. Hải quân để lỡ cơ hội ghi điểm nhưng nhanh chóng có được một bàn thắng. Sau cú phát bóng sau đó, Lục quân để lỡ cơ hội đầu tiên và phạm lỗi bên sân Hải quân. Tỉ số trận đấu lúc đó là Lục quân 13, Hải quân 9, và thời gian đang trôi mau.

Khi trận đấu bắt đầu trở lại, một quả bóng được chuyền cho Thornton và anh ta bị chèn ngã bởi một cầu thủ Lục quân. Phải mất một lúc lâu anh ta mới đứng dậy được. Viên bác sĩ chạy vào sân. Thornton giận dữ xô ông ta ra.

Chỉ còn ít giây nữa, các cầu thủ la hét gọi một đường chuyền biên. Thornton được được bóng ở ngay trên vạch năm mét năm mươi của anh ta và dẫn bóng lên với tốc độ và sức mạnh dường như không gì cản nổi. Anh ta lao qua đội hình đối phương như một chiếc xe tăng, quật ngã tất cả những kẻ thiếu may mắn ngáng đường. Chỉ còn hai giây nữa, Thornton vượt qua đường biên ngang với bàn thắng quyết định, và lần đầu tiên trong bốn năm trời, Hải quân đã có trận thắng Lục quân. Nhưng bản thân điều đó không có mấy tác động đến cuộc đời của Thornton. Điều đã làm cho trận đấu nầy trở nên có ý nghĩa là việc Willard Stone và con gái là Eleanor ngồi trong khu dành riêng cho những nhân vật quan trọng. Khi đám đông khán giả đứng cả dậy, reo hò chúc mừng người anh hùng của Hải quân thì Eleanor quay sang cha và thì thào nói: "Con muốn gặp anh ta".

Eleanor Stone là một phụ nữ đầy ham muốn. Cô ả có khuôn mặt thô, một thân hình nở nang và những đòi hỏi không thể nào thoả mãn được. Ngắm nhìn Dustin Thornton lừng lững trên sân, cô ả đã cố hình dung xem anh ta sẽ như thế nào ở trên giường. Giá mà cái kia của anh ta cũng to như thân thể... Cô ả đã không phải thất vọng.

Sáu tháng sau, Eleanor và Dustin Thornton làm đám cưới. Đó là điểm khới đầu. Dustin Thornton đi làm cho bố vợ và được đưa vào một thế giới huyền bí mà anh ta nằm mơ cũng không thấy.

Willard Stone, bố vợ của Thornton, là một người đàn ông kỳ lạ. Một tỉ phú với những mối liên hệ chính trị đầy thế lực và một quá khứ được che phủ trong một bức màn bí mật. Ông ta là một nhân vật trong bóng tối có thể giật dây mọi chuyện tại các thủ đô trên khắp thế giới. Khi đó, ông ta đã ở tuổi 60, một người đàn ông thận trọng mà mỗi cử chỉ đều chính xác và hợp lý, một con người sắc sảo với cặp mắt sụp xuống không bao giờ để lộ điều gì. Willard Stone tin rằng không nên phung phí những lời nói và tình cảm, và để đạt được mục đích thì ông ta sẵn sàng tàn nhẫn.

Những lời đồn đại về Willard Stone thật huyền bí. Ông ta được cho là đã hạ sát một đối thủ cạnh tranh ở Malaysia và có một cuộc tình nồng cháy với người vợ yêu của một vị tiểu vương. Người ta nói rằng chính ông ta đã trợ giúp cho một cuộc cách mạng thành công ở Nigiêria. Chính phủ đã có dăm bảy phán quyết chống lại ông ta, nhưng chúng luôn luôn bị bỏ rơi nửa chừng một cách bí hiểm. Rồi chuyện về các vụ hối lộ các thượng nghị sĩ bị mua chuộc, các bí mật kinh doanh hị đánh cắp, và những nhân chứng bị mất tích...

Stone là một cố vấn cho các tổng thống và các quốc vương. Ông ta là một thế lực trần trụi và thô thiển.

Một trong số rất nhiều những tài sản của ông ta là một dinh thự rộng lớn, biệt lập trên vùng núi bang Colorado, nơi hàng năm, các nhà khoa học, các ông chủ công nghiệp, và các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp với những cuộc bàn bạc bí mật. Lính gác có vũ trang ngăn chặn tất cả những vị khách không được mời.

Willard Stone không chỉ tán thành cuộc hôn nhân của con gái, mà còn khuyến khích nó. Thằng con rể mới của ông trông sáng sủa, đầy tham vọng và quan trọng nhất là có vẻ dễ bảo.

Mười hai năm sau cuộc hôn nhân đó, Stone thu xếp để Dustin được bo nhiệm làm đại sứ tại Nam Triều Tiên. Mấy năm sau, Tổng thống bổ nhiệm ông ta làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc. Khi Đô đốc Ralph Whittaker đột ngột bị đẩy khỏi chức vụ quyền giám đốc Cục Tình báo hải quân, Thornton đã ngồi vào vị trí nầy.

Ngay hôm đó, Willard Stone hứa:

- Tao có những kế hoạch lớn cho mầy, Dustin. Những kế hoạch vĩ đại. - Và ông ta phác ra những nét lớn.

Hai năm trước, Robert có cuộc gặp đầu tiên vớỉ vị quyền giám đốc mới của ONI.

- Ngồi xuống, ông sĩ quan. - Không một vẻ thân tình trong giọng nói của Dustin Thornton. - Qua hồ sơ về ông, tôi biết ông là một tay vô tổ chức, đại loại là như vậy.

Lão muốn nói chuyện quái quỷ gì vậy nhỉ? Robert băn khoăn. Anh quyết định phải giữ mồm giữ miệng.

Thornton ngước mắt lên.

- Tôi không biết Đô đốc Whittaker điều hành cái Cục nầy như thế nào thời ông ta phục trách, nhưng kể từ bây giờ trở đi, chúng ta sẽ làm việc theo đúng nguyên tắc. Tôi muốn mọi mệnh lệnh của tôi phải được thực hiện đúng tới từng chữ. Tôi nói đã rõ chưa hả?

Giêxu, Robert, nghĩ chúng ta gặp chuyện gì ở đây thế nhỉ?

- Tôi nói đã rõ chưa hả, ông sĩ quan?

- Rõ.

Ông muốn mệnh lệnh của ông phải được thực hiện đúng tới từng chữ. Anh phân vân không hiểu người ta có muốn anh đứng nghiêm chào hay không. Tất cả là vậy thôi.

Nhưng đã đâu phải là tất cả.

Một tháng sau, Robert được phái đi Đông Đức để đón một nhà khoa học muốn đào tẩu. Đó là một nhiệm vụ đầy nguy hiểm bởi lẽ Stasi cơ quan cảnh sát mật Đông Đức, đã biết về vụ đào tẩu được dự kiến nầy và đang theo dõi nhà khoa học một cách chặt chẽ.

Bất chấp điều đó, Robert đã mang được nhà khoa học qua khỏi biên giới, tơi một địa chỉ an toàn. Khi anh đang thu xếp để đưa ông ta về Washington thì nhận được một cú điện của Dustin Thornton nói rằng tình hình đã thay đổi và anh phải chấm dứt nhiệm vụ ngay.

- Chúng ta không thể cứ quẳng ông ta ở đây được, - Robert đã phản đối. - Họ sẽ giết ông ta mất.

- Đó là việc của lão ta, - Thornton đáp. - Nhiệm vụ của ông là trở về ngay.

Kệ xác ông, Robert nghĩ, tôi sẽ không bỏ rơi ông ấy. Anh đã gọi cho một người bạn ở MI6, Cơ quan Tình báo Anh, và phân trần với anh ta về tình thế của mình.

- Nếu như quay về Đông Đức, - Robert nói, - họ sẽ cắt cổ ông ấy. Anh sẽ nhận ông ta chứ?

- Ồ anh bạn cũ, tôi sẽ xem có thể làm gì được.

- Mang ông ta lại.

Và nhà khoa học kia đã được dành cho một nơi ẩn náu ở nước Anh. Dustin Thornton đã không bao giờ tha thứ cho Robert về việc không chấp hành chỉ thị của hắn. Có sự thù địch giữa hai người kể từ đó.

Thornton đã mang chuyện nầy bàn với bố vợ.

- Những khẩu đại bác không kiểm soát được như Bellamy là rất nguy hiểm, - Willard Stone cảnh cáo. - Họ là một mối nguy hiểm về mặt an ninh. Những người như thế hãy nên loại bỏ đi. Hãy nhớ như vậy và Thornton đã ghi nhớ.

Lúc nầy, bước dọc theo hành lang đến phòng làm việc của Dustin Thornton, Robert không thể không nghĩ tới những khác biệt giữa hắn và Whittaker. Trong cái nghề như nghề của anh, sự tin cậy là yếu tố đầu tiên. Anh không tin Dustin Thornton.

***

Thornton đang ngồi ở bàn làm việc khi Robert bước vào.

- Ông muốn gặp tôi phải không?

- Phải. Ngồi xuống, ông sĩ quan. - Mối quan hệ giữa họ chưa bao giờ đạt đến giai đoạn có thể gọi tên nhau.

- Tôi được báo là ông tạm thời chuyển sang Cục An ninh quốc gia. Khi ông trở lại, tôi có một...

- Tôi sẽ không trở lại. Đây là sứ mạng cuối cùng của tôi.

- Cái gì?

- Tôi sẽ thôi việc.

Sau nầy nghĩ lại, Robert không biết chính xác anh đã chờ đợi một phản ứng như thế nào nữa. Có vài khả năng, Dustin Thornton có thể tỏ ra ngạc nhiên, hoặc có thể đã tranh luận, hoặc tức giận hay tỏ ra nhẹ nhõm... Thay vì thế, ông ta chỉ nhìn Robert và gật đầu.

- Ra vậy đấy hả?

Khi Robert trở lại phong mình, anh nói với cô thư kỷ.

- Tôi chuẩn bị đi xa một thời gian. Tôi sẽ lên đường trong vòng một giờ nữa.

- Có chỗ nào để có thể kiếm ông được không ạ?

Robert nhớ đến mệnh lệnh của tướng Hilliard.

- Không.

- Còn mấy cuộc gặp mà ông đã...

- Huỷ đi. - Anh nhìn đồng hồ. Đã đến lúc gặp Đô đốc Whittaker.

***

Họ ăn sáng trong khu vườn trung tâm của Ngũ Giác Đàitại tiệm cà phê Ground Zero (Mặt bằng Số Không). Nó được gọi như vậy là bởi lẽ đã có người cho rằng Ngũ Giác Đài sẽ là nơi diễn ra đòn tấn công hạt nhân đầu tiên chống lại nước Mỹ. Robert đã thu xếp để họ ngồi được ở chiếc bàn trong góc, nơi có thể có một chút riêng tư. Đô đốc Whittaker đến rất đúng giờ và trong khi nhìn ông đi đến bên bàn anh thấy dường như ông có vẻ già hơn và nhỏ bé hơn đi, như thế là tình trạng chờ nghỉ hưu đã làm cho ông già quắc người lại vậy. Ông vẫn là một người đàn ông có vẻ ngoài dễ gây ấn tượng, dáng dấp khoẻ mạnh, cái mũi La Mã, hai gò má cao và tóc lốm đốm bạc.

Robert đã từng phục vụ dưới quyền đô đốc trong chiến tranh Việt nam và sau nầy ở Cục Tình báo hải quân, và anh rất tôn trọng ông. Còn hơn cả sự tôn trọng nữa. Robert thừa nhận với chính mình. Đô đốc Whittaker là người thay cho cha anh.

Vị đô đốc ngồi xuống.

- Chào Robert. Ồ, có phải họ chuyển anh qua bên NSA không?

Robert gật đầu.

- Vâng, tạm thời.

Cô phục vụ đến và hai người xem thực đơn.

- Tôi đã quên mất là đồ ăn ở đây tồi tệ thế nào rồi, - Đô đốc Whittaker vừa nói vừa mỉm cười. Ông nhìn quanh phòng, vẻ mặt đầy nỗi luyến tiếc không được nói ra thành lời.

Ông ấy mong muốn được trở lại chốn nầy. Robert nghĩ, lạy Chúa.

Họ gọi món ăn. Khi cô phục vụ đã đi ra ngoài tầm nghe, Robert nói:

- Thưa Đô đốc, tướng Hillard đang phái tôi đi một chuyến đi dài ba nghìn dặm rất khẩn cấp để tìm cho được một số nhân chứng đã nhìn thấy một vụ tai nạn khinh khí cầu. Tôi thấy rất lạ. Và có điều gì đó thậm chí còn lạ hơn nữa. "Vấn đề là thời gian", đó là nguyên văn lời tướng Hilliard, ấy thế mà tôi đã được lệnh không được dùng tới bất kỳ cơ sở tình báo nào của tôi ở nước ngoài vào vụ nầy.

Đô đốc Whittaker có vẻ lúng túng.

- Tôi cho rằng ông ta có những lý do của mình.

- Tôi không thể nào hình dung ra những lý do đó là cái gì nữa. - Robert nói.

Đô đốc Whittaker chăm chú nhìn Robert. Sĩ quan chỉ huy Bellamy đã phục vụ dưới quyền ông ở Việt nam và là phi công giỏi nhất phi đoàn. Con trai của đô đốc, Edward, là người phụ trách ném bom của Robert, và trong cái ngày khủng khiếp mà máy bay của họ bị bắn hạ, Edward đã chết. Robert may mắn lắm mới còn sống. Đô đốc đã tới quân y viện thăm anh.

"Anh ta chắc không qua khỏi được", các bác sĩ đã nói với ông như vậy. Robert nằm đó trong nỗi đau đớn cùng cực cực, đã thì thầm, "Cháu xin lỗi về Edward... Cháu thật có lỗi".

Đô đốc Whittaker đã nắm chặt tay Robert. "Bác biết là cháu đã làm tất cả những gì có thể làm được. Giờ đây, cháu phải bình phục lại, rồi cháu sẽ khoẻ".

Ông rất mong Robert sống được. Trong tâm trí Đô đốc, Robert là con trai ông, đứa con trai sẽ thay cho chỗ của Edward. Và Robert đã qua khỏi.

- Robert nầy.

- Dạ, thưa Đô đốc?

- Tôi hy vọng là anh sẽ thành công trong chuyến đi Thuỵ Sĩ nầy.

- Tôi cũng vậy. Đây là sứ mạng cuối cùng của tôi.

- Anh vẫn quyết tâm thôi việc à?

Vị Đô đốc là người duy nhất mà Robert có thể tin cậy.

- Tôi đã chán ngấy rồi.

- Với Thornton ấy à?

- Không chỉ hắn ta. Tôi nữa. Tôi đã chán chuyện can thiệp vào cuộc đời của những người khác. Tôi chán những lời dối trá và sự lừa lọc cùng với những lời hứa suông không bao giờ được có ý thực hiện cả. Tôi chán chuyện lôi kéo người khác và để bị người khác lôi kéo. Tôi chán những cuốc chơi, sự nguy hiểm và những sụ, phản bội. Nó đã làm mất đỉ của tôi mọi thứ.

- Anh có ý định sẽ làm gì không?

- Tôi sẽ kiếm một việc gì đó có ích cho cuộc đời tôi một việc tích cực gì đó.

- Nếu họ không để cho anh đi thì sao?

- Họ không có sự lựa chọn nào khác, phải vậy không? - Robert nói.

Chiếc xe hơi sang trọng đang đợi ở khu đậu xe cạnh cổng vào lối bờ sông.

- Ông sẵn sàng chưa, thưa ông sĩ quan chỉ huy? - Đại uý Dougherty hỏi.

Sẵn sàng như bao giờ tôi cũng vậy, Robert nghĩ.

***

Đại uý Dougherty đưa Robert trở về nhà để anh có thể thu xếp hành lý. Robert không hề biết anh sẽ phảì đi bao lâu. Cái nhiệm vụ không thể thực hiện được nầy sẽ mất bào nhiêu thời gian nhỉ? Anh sắp xếp số quần áo đủ dùng trong một tuần và, ở phút cuối cùng, bỏ thêm vào tấm ảnh của Susan lồng trong khung kính. Anh nhìn đăm vào gương mặt yêu quý hồi lâu và nghĩ liệu có phải cô đang vui vẻ ở Brasil không. Anh nghĩ, mình hy vọng là không. Mình hy vọng lá cô ấy đang cô nhưng ngày tệ hại nhất. Và ngay lập tức anh cảm thấy xấu hổ với chính mình.

Khi đến căn cứ không quân Andrews, máy bay đợi anh. Đó là chiếc C20A, một máy bay phản lực của không quân.

Đại uý Dougherty chìa tay ra.

- Chúc ông may mắn.

- Cám ơn. Mình sẽ cần tới nó. Robert leo lên máy bay. Tổ lái đã có mặt đông đủ, kết thúc việc kiểm tra trước chuyến bay. Có một phi công, phi công phụ, hoa tiêu dẫn đường bay, và người phục vụ, tất cả đều mặc quân phục không quân. Robert rất quen thuộc với chiếc máy bay nầy. Nó chứa đầy những thiết bị điện tử. Phía bên ngoài, gần đuôi, có một ăng-ten tần số cao trông giống như một chiếc cần câu lớn. Trong khoang máy bay, có mười hai chiếc điện thoại màu đỏ treo trên vách và một chiếc điện thoại thường, màu trắng. Các liên lạc bằng ra-đa đều được mã hoá và ra-đa của máy bay hoạt động trên một tần số quăn sự. Phần lớn màu trong khoang máy bay là màu xanh da trời của không quân và trong khoang ngồi là những chiếc ghế dựa rất tiện dụng.

Robert thấy rằng anh là người khách duy nhất.

Người lái chính chào anh.

- Xin được đón tiếp ông, thưa ông sĩ quan chỉ huy. Nếu như ông cài dây an toàn vào là chúng ta được phép cất cánh.

Robert làm theo và ngả người trên ghế trong khi chiếc máy bay chạy dọc theo đường băng. Một phút sau, anh thấy cái cảm giác quen thuộc của tình trạng tăng trọng lượng khi máy bay lao lên không trung.

Anh đã thôi lái từ vụ bị rơi kia, khi anh được thông báo rằng anh sẽ không bao giờ có thể lái được nữa. Còn bay nữa, Robert nghĩ, họ nói mình sẽ không sống nổi ấy chứ. Một điều kỳ diệu - Không, đó là nhờ Susan... Việt nam. Anh đã được đưa đến đó với cấp bậc thượng uý, biên chế trên hàng không mẫu hạm Ranger với cương vị một sĩ quan tác chiến, chịu trách nhiệm huấn luyện phi công tiêm kích và vạch kế hoạch cho chiến lược tiến công. Anh chỉ huy một phi đội cường kích Kẻ xâm nhập A- 6A và có rất ít thời gian nghỉ ngơi sau những căng thẳng của cuộc chiến. Một trong số ít những kỳ nghỉ phép, anh đã đến thăm Bangkok, chừng một tuần lễ, và trong thời gian, đó thậm chí anh không thèm ngủ nghê gì. Thành phố ấy giống như một vương quốc Disney được tạo ra cho những khoái lạc của giống đực. Trong giờ đầu tiên ở thành phố nầy, anh gặp một cô gái Thái Lan xinh đẹp, và cô ta đã ở suốt bên anh cả quãng thời gian và dạy anh một vài câu tiếng Thái. Anh thấy thứ ngôn ngữ đó thật mềm mại và ngọt ngào.

Arun sawasdi. Chào buổi sáng.

Khưn na chak nai? Bạn từ đâu đến?

Khun kamrant chain pai? Bạn đi đâu bây giờ thế?

Cô cũng dạy anh một số câu khác nữa, nhưng không nói với anh nghĩa của chúng là thế nào, và khi anh nói lại thì cô khúc khích cười.

Khi Robert trở về tàu Ranger, Bangkok dường như chỉ còn là một giấc mơ xa xôi. Chiến tranh mới là hiện thực và là một nỗi khủng khiếp. Ai đó cho anh xem một số nhưng tờ truyền đơn mà lính thuỷ đánh bộ Mỹ rải ở Bắc Việt nam. Truyền đơn viết:

"Các công dân thân mến,

Lính thuỷ quân lục chiến Mỹ đang chiến đấu bên cạnh các lực lượng Nam Việt nam tại Đức Phổ (1) nhằm tạo cho nhân dân Việt nam một cơ hội sống cuộc sống tự do, hạnh phúc, không phải chịu đói khát và đau khổ. Nhưng nhiều người Việt nam đã phải trả giá bằng tính mạng của họ, và nhà cửa của họ bị huỷ hoại bởi lẽ họ đã giúp đỡ cho Việt Cộng.

Những làng xóm ở Hải Môn, Hải Tân, Sa Đình, Tạ Bình và nhiều nơi khác đã bị huỷ diệt vì lý do đó. Chúng tôi sẽ không ngần ngại trước mọi làng xóm nào tiếp tay cho Việt Cộng, những kẻ đang bất lực trước việc ngăn chặn sức mạnh phối hợp của Chính phủ Việt nam (2) và đồng minh. Sự lựa chọn thuộc về các bạn. Nếu các bạn từ chối để Việt Cộng dùng làng xóm thôn ấp của các bạn như chiến trường của họ, nhà cửa và sinh mạng của các bạn sẽ được an toàn".

Chúng ta đang cứu vớt những người dân khốn khổ cứ cho là thế, Robert đã nung nấu nghĩ ngợi.

Và tất cả những gì chúng ta đang huỷ diệt là đất nước của họ.

***

Hàng không mẫu hạm Ranger được trang bị tất cả những kỹ thuật hoàn hảo nhất có thể nhồi nhét được cho nó. Chiếc tàu là căn cứ của 16 máy bay, 40 sĩ quan và 350 binh sĩ. Lịch bay được đưa ra ba hoặc bốn giờ trước chuyến xuất kích đầu tiên trong ngày.

Trong phòng kế hoạch chiến đấu của trung tâm tình báo con tàu, các thông tin mới nhất và các bức ảnh do thám được trao cho những người điều khiển vũ khí để rồi đến lượt họ lập lịch trình bay của chính họ.

Giêsu, sáng nay họ trao cho chúng ta một thắng cảnh, Edward Whittaker, người phụ trách vũ khí của Robert, kêu lên.

Edward Whittaker trông giống cha như đúc nhưng có tính cách hoàn toàn khác. Trong khi ngài đô đốc là một nhân vật khủng khiếp, nghiêm túc và khổ hạnh thì con trai ông là một thanh niên thực dụng, nồng nhiệt và dễ mến. Anh ta đã có được cương vị của mình "giống như bao nhiêu người khác". Đồng đội không còn để ý đến chuyện Edward là con trai người chỉ huy của họ song rất rõ rằng, đó là người phụ trách vũ khí xuất sắc nhất trong phi đoàn. Anh ta và Robert đã trở thành cặp bạn thân.

- Chúng ta sẽ bay tới đâu vậy? - Robert hỏi.

Vì những tội lỗi của chúng ta, ta đã chọn phải Khu Sáu. Đó là phi vụ nguy hiểm nhất trong tất cả. Điều đó có nghĩa là phải bay theo hướng bắc tới Hà Nội, Hải Phòng và khu vực châu thổ sông Hồng, nơi có lưới lửa phòng không dày đặc nhất. Thời gian mười hai năm xâm chiếm Việt nam là thời kỳ chiến tranh dài lâu nhất từ trước đến nay đối với nước Mỹ. Robert Bellamy đang mắc phải những vấn đề nghiêm trọng.

Những phi đội F-4 của họ đang bị tiêu hao. Bất chấp sự thật là những máy bay của nó ưu việt hơn hẳn những chiếc MiG(3) của Nga, Hải quân Mỹ đang phải mất một chiếc F-4 để có thể bắn hạ được hai chiếc MiG. Đó là một tỉ lệ không thể chấp nhận được.

Robert được triệu tập đến Phòng chỉ huy của Đô đốc Ralph Whittaker.

- Thưa Đô đốc, ngài cho gọi tôi ạ?

- Anh nổi tiếng là một phi công cừ khôi. Tôi cần sự giúp đỡ của anh.

- Thưa ngài, chuyện gì ạ?

- Chúng ta đang bị tiêu huỷ bởi kẻ thù khôn ngoan. Tôi đã cho làm một báo cáo phân tích kỹ lưỡng. Không có vấn đề gì đối với những máy bay của chúng ta. Vấn đề là việc huấn luyện những người sử dụng chúng. Anh hiểu chứ?

- Thưa ngài, vâng.

- Tôi muốn anh chọn lấy một nhóm và dạy dỗ lại họ về chiến thuật và cách sử dụng vũ khí...

Nhóm mới nầy được gọi là Top Gun, và trước khi họ kết thúc, thì tỉ lệ kia mới thay đổi từ 2-1 xuống 12-1. Cứ hai chiếc F-4 bị mất là 24 chiếc MiG bị bắn hạ. Mất tám tuần huấn luyện căng thẳng để hoàn thành nhiệm vụ nầy và sau cùng thì Bellamy đã trở về với chiếc tàu của mình. Đô đốc Whittaker đã đón tiếp anh.

Một thành quả tuyệt hảo, chàng sĩ quan ạ.

- Cám ơn Đô đốc.

Bây giờ chúng ta hãy trở lại với công việc.

- Tôi sẵn sàng, thưa ngài.

Robert đã bay ba mươi tư phi vụ ném bom từ tàu Ranger không hề có sự cố gì.

Phi vụ thứ ba mươi lăm của anh là tới Khu Sáu.

Họ đã bay qua bầu trời Hà Nội và đang hướng về phía tây bắc, tới vùng trời Phú Thọ, Yên Bái. Lưới lửa phòng không đang mỗi lúc một dầy đặc thêm. Edward Whittaker ngồi phía bên phải Robert chăm chú nhìn vào màn hình ra-đa , lắng nghe những âm thanh trầm trầm đáng lo ngại của ra-đa cảnh giới của đối phương đang quét trên bầu trời.

Bầu trời phía trước mặt họ giống như bầu trời nước Mỹ ngày quốc khánh, điểm những cụm khói trắng của đạn phòng không hạng nhẹ phía dưới thấp, những cụm khói xám sẫm của đạn pháo 55mm, những đám khói đen của đạn pháo 100mm và những đường đạn đỏ rực của súng máy hạng nặng.

- Chúng ta đang tiến đến mục tiêu đấy, Edward nói. Giọng nói của anh ta qua cáp nghe có vẻ xa xôi đến kỳ lạ.

- Rõ rồi.

Chiếc A- 6A Kẻ xâm nhập đang bay với tốc độ 800km một giờ, và với vận tốc đó, thậm chí với cả sự nặng nề của lượng bom mang theo, nó vẫn rất cơ động và đối phương khó có thể truy đuổi.

Robert với tay và bật công tắc sử dụng vũ khí. Một tá bom loại 500 bảng Anh lúc nầy đã sẵn sàng được phóng ra. Anh đang hướng thẳng đến mục tiêu.

Một giọng nói trong radio của anh vang lên.

- Romeo - anh có một con quỷ đằng sau đấy.

Robert ngoái lại nhìn. Một chiếc MiG đang từ phía mặt trời bay lại phía anh. Robert lật nghiêng và bay chéo xuống. Chiếc MiG bám theo. Nó đã bắn một quả tên lửa. Robert liếc mắt nhìn bảng đồng hồ. Quả tên lửa đang lao đến rất nhanh. Cách ba trăm mét... hai trăm mét trăm rươi mét...

- Đồ khốn! - Edward quát lên. - Chúng ta còn chờ gì nữa.

Robert đã đợi đến giây cuối cùng, rồi phóng ra một đám nhiễu kim loại và đổi hướng bay vọt lên cao, để mặc quả tên lửa lao theo đám nhiễu nổ tung một cách vô hại xuống phía mặt đất bên dưới.

- Ơn Chúa, - Edward nói. - Và cảm ơn cả cậu nữa, anh bạn ạ.

Robert tiếp tục bay lên và đột ngột vòng lại phía sau chiếc MiG. Tay phi công kia bắt đầu động tác lẩn tránh thì đã quá muộn. Robert phóng ra một quả Sidewinder và nhìn theo nó chui tọt vào đuôi chiếc MIG rồi nổ tung. Một giây sau, bầu trời bị phủ bởi một trận mưa những mảnh kim loại.

Một giọng nói vang lên trong cáp nghe.

- Khá lắm, Romeo.

Lúc nầy chiếc máy bay đã ở phía bên kia mục tiêu.

- Nào, ta bắt đầu, - Edward nói. Anh ta ấn cái nút đỏ rồi nhìn những trái bom lao xuống mục tiêu.

Phi vụ đã hoàn thành. Robert hướng máy bay bay về phía tàu mẹ.

Đúng lúc đó, họ thấy một tiếng động khác thường.

Chiếc cường kích vốn nhanh nhẹn và ngoan ngoãn là thế bỗng trở nên nặng trịch.

- Chúng ta đã dính đạn rồi. - Edward kêu lên.

Cả hai chiếc đèn tín hiệu báo cháy đều loè đỏ.

Chiếc máy bay lảo đảo và không còn tuân theo sự điều khiển.

Một giọng nói vang lên trong radio:

- Romeo nầy, đây là Tiger. Anh có muốn chúng tôi che chắn cho không?

Robert đưa ra quyết định chớp nhoáng.

- Không, cứ tiếp tục đến mục tiêu của anh đi. Tôi sẽ cố lết về căn cứ.

Chiếc máy bay bay chậm lại và càng trở nên khó điều khiển hơn.

- Nhanh lên, Edward hồi hộp nói, không thì chúng ta sẽ muộn giờ ăn trưa mất.

Robert nhìn đồng hồ đo độ cao. Chiếc kim đang tụt xuống nhanh chóng. Anh mở máy liên lạc chính.

- Romeo gọi căn cứ. Chúng tôi đã bị đạn.

- Căn cứ gọi Romeo. Tình hình xấu lắm không?

- Tôi không rõ. Tôi nghĩ là tôi có thể bay về nhà được.

- Giữ máy. - Một giây sau, giọng nói kia trở lại. - Tín hiệu của anh là Chalie đang trở về.

Điều đó có nghĩa là họ được phép hạ cánh xuống hàng không mẫu hạm ngay lập tức.

- Rõ.

- Chúc may mắn.

Chiếc máy bay đang sắp bị lật. Robert cố lấy lại thăng bằng, cố lấy thêm độ cao.

- Nào, bạn thân mến, bạn có thể làm được mà. - Khuôn mặt Robert căng thẳng. Họ đang mất độ cao quá nhiều. - Chúng ta còn bao lâu nữa hả?

Edward nhìn bản đồ bay.

- Bảy phút.

- Tôi sẽ cho cậu ăn bữa trưa nóng sốt đấy.

Robert cố hết sức để giữ chiếc máy bay bay thẳng với tất cả tài nghệ của mình, sử dụng van dầu và bánh lái. Độ cao vẫn tiếp tục tụt xuống tới mức báo động. Nhưng sau cùng, ở phía trước mặt, Robert nhìn thấy mặt nước biển lấp loá của vịnh Bắc bộ.

- Chúng ta về đến nhà rồi, anh bạn ạ. - Robert nói - Chỉ vài dặm nữa thôi.

- Khủng khiếp thật. Tớ không ngờ và không biết từ đâu, hai chiếc MIG ầm ầm lao xuống. Những loạt đạn bắt đầu xuyên vào thân Kẻ xâm nhập A-6A.

- Eddie. Nhảy dù đi! - Anh quay sang nhìn. Edward sụp người trên chiếc dây an toàn, nửa bên phải bị xé nát, máu phun đầy khoang lái.

- Không. - Anh thét lên.

Một giây sau, Robert chợt cảm thấy đau điếng ở ngực. Ngay lập tức, bộ đồ bay của anh ướt đẫm máu.

Chiếc máy bay bắt đầu rơi theo một hình xoắn ốc.

- Anh cảm thấy mình đang ngất đi. Với chút sức lực cuối cùng anh tháo dây an toàn và quay sang nhìn Edward lần cuối cùng.

- Tớ xin lỗi, - anh thì thầm, rồi ngất đi và cho tới sau nầy cũng không thể nhớ được anh đã bật dù và rơi xuống mặt nước như thế nào. Một tín hiệu cấp cứu được phát đi và một chiếc trực thăng Vua biển SH-3A từ chiếc tàu U.S.S Yorktown bay vòng tròn, tìm cách cứu anh lên. Ở phía xa, đội bay nhìn thấy những chiếc tàu chiến Trung Quốc cỡ nhỏ đang lao đến, nhưng đã quá muộn.

Khi họ mang được Robert lên trực thăng, một nhân viên y tế thoáng nhìn thân thể dập nát của anh và nói "Lạy Chúa, thậm chí anh ta sẽ không về được tới bệnh viện nữa".

Họ tiêm cho Robert một liều thuốc giảm đau, băng chặt lồng ngực anh lại và chở anh về bệnh viện dã chiến số 12 ở căn cứ Củ Chi.

Bệnh viện 12 phục vụ cho các căn cứ Củ Chi, Tây Ninh và Dầu Tiếng có bốn trăm giường bệnh rải rác trong hơn một chục khu điều trị với những chiếc nhà tôn tháo lắp được, nối liền với nhau bằng những hành lang và tạo thành một khu liên hợp hình chữ U. Bệnh viện nầy có hai bộ phận cấp cứu, một cho những ca phẫu thuật và một cho những ca bỏng, mà cả hai luôn luôn trong tình trạng quá tải. Khi Robert được đưa vào máu anh nhỏ giọt thành vệt trên sàn.

Một bác sĩ phẫu thuật với vẻ khó chịu cắt những lớp băng quanh lồng ngực Robert, xem xét, và uể oải nói:

- Anh ta sẽ không thể qua được. Đưa anh ta lại phòng lạnh đi. - Và viên bác sĩ bước đi.

Robert nửa mê nửa tỉnh, thoáng nghe thấy lời viên bác sĩ. Vậy đấy, anh nghĩ, một kiểu chết thật tẻ ngắt.

- Anh không muốn chết phâi không, chàng thuỷ thủ? Mở mắt ra đi. Nào.

Anh mở mắt và lờ mờ nhìn thấy một bóng áo trắng và một khuôn mặt phụ nữ. Cô ta còn nói thêm gì nữa, nhưng anh không thể nghe được lời cô. Khu điều trị quá ồn ào, đầy những tiếng la thét và rên rỉ của bệnh nhân, tiếng các bác sĩ quát lên những mệnh lệnh, và tiếng chân các y tá cuống cuồng chạy vòng quanh chăm sóc những thân thể đầy thương tích đang nằm đó.

Suất 48 tiếng đồng hồ sau đó, Robert luôn trong tình trạng đau đớn và mê sảng. Chỉ mãi sau nầy anh mới biết rằng cô y tá đó, Susan Ward, đã thuyết phục được một bác sĩ mổ và tiếp máu cho anh.

Để dành lại sự sống cho anh, họ đã đặt bốn đường truyền máu vào cái thân thể nhàu nát của anh và liên tiếp truyền máu đồng thời qua cả bốn đường.

Khi ca mổ kết thúc, viên bác sĩ trưởng kíp mổ thở dài:

- Chúng ta đã phí thời gian. Khả năng anh ta qua được không quá mười phần trăm.

Thế nhưng viên bác sĩ đã không biết Robert Bellamy. Và ông ta càng không biết Susan Ward. Robert thấy dường như bất kỳ lúc nào anh mở mắt ra, Susan cũng đang ngồi bên, cầm tay anh, vuốt ve trán anh, chăm sóc anh và mong anh sống. Anh mê sảng phần lớn thời gian và lúc nào Susan cũng lặng lẽ bên anh trong đêm đơn độc, nghe những lời lảm nhảm của anh.

"Góc bổ nhào sai, anh không thể lao cắm đầu vuông góc xuống mục tiêu hoặc sẽ ném bom xuống sông...

Bảo họ chuyển góc bổ nhào chếch đi vài độ trên mục tiêu. Bảo họ... - Anh lẩm bẩm.

- Em sẽ bảo họ, - Susan dịu dàng nói.

Người Robert ướt đẫm mồ hôi. Cô lau đi cho anh.

"Các anh phải bỏ cả năm cái kẹp an toàn đi nếu không ghế lái sẽ không bật ra được... Kiểm tra lại chúng đi..

Được rồi. Bây giờ thì ngủ đi.

"Các chốt hãm trên các giá treo bị trục trặc... Có Chúa mới biết được là bom rơi xuống những đâu...

Susan phần lớn không thể hiểu nổi bệnh nhân của cô nói gì cả.

Susan Ward là trưởng nhóm y tá phục vụ phòng mổ cấp cứu. Cô sinh ra ở một thị trấn nhỏ thuộc bang Idaho và đã lớn lên cùng với cậu bé nhà trên, Frank Prescott, con trai ông thị trưởng. Mọi người trong thị trấn đều cho rằng một ngày nào đó họ sẽ lấy nhau.

Susan có một cậu em trai, Michael, mà cô rất yêu quý. Vào dịp sinh nhật lần thứ mười tám, cậu ta đã nhập ngũ rồi được gửi sang Việt nam, và ngày nào Susan cũng viết thư cho cậu. Ba tháng sau ngày cậu đăng lính, gia đình Susan nhận được một bức điện tín và cô biết nó nói gì trước khi họ giở ra.

Khi Frank Prescott nghe tin, anh ta lao sang.

- Tôi rất lấy làm buồn, Susan. Tôi rất thích Michael.

Và rồi anh ta đã mắc lỗi khi cất lời.

- Chúng ta hãy cưới ngay đi thôi.

Susan nhìn anh ta và quả quyết.

- Không. Tôi còn phải làm một việc quan trọng đối với cuộc đời của tôi.

- Hãy vì chúa. Em còn việc gì quan trọng hơn việc làm vợ tôi hả?

Câu trả lời là Việt nam.

Susan nhập học một trường y tá.

Cô đã ở Việt nam được mười một tháng, làm việc không biết mệt mỏi, khi Robert Bellamy được đưa đến và cầm chắc cái chết. Cứu chữa có chọn lọc là một thực tiễn chung tại bệnh viện cấp cứu tiền phương.

Các bác sĩ thường kiểm tra hai hoặc ba bệnh nhân một lượt và đưa ra những phán quyết vắn tắt về việc sẽ cố cứu lấy ai trong số họ. Vì những lý do mà chính cô cũng không thật rõ, Susan chỉ nhìn thân thể bằm dập của Robert Bellamy và hiểu rằng cô không thể để anh chết được. Có phải đó chính là cậu em trai mà cô muốn cứu sống hay không? Hay còn là điều gì nữa. Cô đã kiệt sức và quá mệt mỏi với công việc, nhưng thay cho việc nghỉ ngơi, cô đã dành mọi thời gian rỗi để chăm sóc anh.

Susan đã xem xét lý lịch bệnh nhân của anh. Một phi công và một huấn luyện viên cừ khôi, đã có một huân chương Chữ thập Hải quân. Nơi sinh của anh là Harvey, bang Illinois, một thành phố công nghiệp nhỏ ở phía nam Chicago. Anh đã gia nhập Hải quân sau khi tốt nghiệp cao đẳng và đã huấn luyện ở Pensacola. Anh chưa có vợ.

Mỗi ngày, trong khi Robert Bellamy đang bình phục, mấp mé giữa làn ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết, Susan đều thì thầm bên tai anh.

- Cố lên, chàng thuỷ thủ. Em đang đợi anh đấy.

Một đêm, sáu ngày sau khi anh được mang vào bệnh viện, khi anh đang lảm nhảm trong một cơn mê sảng, đột nhiên Robert ngồi thẳng dậy trên giường, nhìn Susan, và nói một cách rõ ràng:

- Không phải là giấc mơ. Đúng cô thật.

Susan cảm thấy tim cô nẩy lên.

- Vâng, - Cô nói khẽ khàng. - Thật là em mà.

- Tôi nghĩ là tôi đang nằm mê. Tôi nghĩ là tôi đã lên thiên đường và Chúa sai cô đến với tôi đấy.

Cô nhìn vào mắt Robert và nói đầy vẻ nghiêm túc.

- Nếu để anh chết, thì thà là em giết anh.

Anh đưa mắt nhìn quanh phòng điều trị.

- Tôi... ở đâu thế nầy?

- Bệnh viện dã chiến số 12 tại Củ Chi.

- Tôi đã ở đây bao lâu rồi?

- Sáu ngày.

- Eddie, cậu ấy...

- Em thật buồn.

- Tôi phải nói với ngài Đô đốc.

Cô cầm lấy tay anh và dịu dàng nói:

- Ông ấy biết rồi. Ông ấy đã đến đây thăm anh.

Robert ứa nước mắt.

- Tôi căm ghét cuộc chiến tranh khốn nạn nầy. Không thể nào nói lên được.

***

Từ thời điểm đó trở đi, sự hồi phục của Robert đã làm cho các bác sĩ ngạc nhiên.

- Chúng ta sắp chuyển anh ta đi khỏi đáy được rồi, - họ nói với Susan. Và cô cảm thấy choáng váng.

Robert không hề biết một cách chính xác là anh đã yêu Susan từ khi nào. Có thể là lúc cô đang thay băng cho anh và cô thì thầm khi họ nghe tiếng bom rơi gần đó. "Họ đang chơi bài ca của chúng ta đấy".

Hoặc có thể là khi họ bảo Robert rằng anh đã đủ sức để được đưa về bệnh viện Walter Reed ở Washington nằm dưỡng bệnh, và Susan nói: "Anh nghĩ là em sẽ ở lại đây và để cho một cô y tá khác được chăm sóc cái thân thể tuyệt vời nầy ư? Ồ, không. Em sẽ xoay xở mọi cách để được cùng đi với anh!

Họ cưới nhau hai tuần sau đó. Robert phải mất một năm mới bình phục hoàn toàn, và suốt thời gian đó Susan chăm sóc cho mọi nhu cầu của anh, ngày và đêm. Anh chưa bao giờ gặp một ai giống như cô và cũng chưa bao giờ anh có thể tưởng tượng mình lại yêu ai đến như vậy. Anh yêu lòng trắc ẩn và sự nhạy cảm ở cô, tình yêu nồng nàn và sức sống mãnh liệt của cô. Anh yêu vẻ đẹp và tính hài hước của cô.

Vào lần kỷ niệm ngày cưới đầu tiên, anh nói với cô "Em là người phụ nữ đẹp nhất, tuyệt vời nhất, thân thương nhất trên đời nầy. Trên trái đất nầy không có ai có sự nồng ấm, hóm hỉnh và thông minh như em".

Và Susan đã ôm lấy anh thật chặt, thầm thì bằng cái giọng mũi nhưng trong trẻo của cô: "Anh cũng vậy em biết".

Họ chia xẻ với nhau không chỉ tình yêu. Họ thật sự ham muốn cũng như tôn trọng nhau. Tất cả bạn bè đều như ghen tị và mừng cho họ. Bất kỳ khi nào đó nói chuyện về một đám cưới hạnh phúc, thì Robert và Susan luôn luôn là tấm gương họ nêu ra. Họ hợp nhau về mọi mặt, thực sự là một đôi bạn tinh thần.

Susan còn la người đàn bà gợi tình nhất mà Robert từng biết và chỉ cần một lời nói, một sự đụng chạm là họ có thể làm cho nhau bừng bừng ham muốn. Một buổi tối, họ dự tính đi đến một bữa tiệc trịnh trọng, Robert đã hơi bị trễ. Anh đang đứng dưới vòi tắm hoa sen thì Susan bước vào phòng tắm với bộ váy áo hở vai, trông thật đáng yêu.

- Lạy Chúa, trông em khêu gợi quá, - Robert nói. - Thật tệ là chúng ta mất hết thì giờ rồi.

- Ôi anh đừng lo về điều đó, - Susan nhoẻn cười.

Rồi một giây sau, cô tụt váy ra và ôm chầm lấy Robert trong làn nước.

Họ không bao giờ đến được cái bữa tiệc kia.

Susan cảm nhận được những nhu cầu của Robert thậm chí còn trước cả chính anh, và cô lo liệu cho tất cả những thứ đó. Robert cũng chu đáo với cô ngang như vậy. Susan thường thấy những thư tình trên bàn trang điểm hoặc trong giầy khi cô chuẩn bị mặc quần áo. Hoa và những món quà nhỏ được gửi đến cô vào những ngày lễ nầy nọ.

Và cái chính là tiếng cười mà họ chia sẻ. Tiếng cười tuyệt vời.

***

Tiếng viên phi công chợt vang lên trong hệ thống liên lạc nội bộ.

- Thưa ông chỉ huy, mười phút nữa chúng ta sẽ hạ cánh xuống Zurich.

Những ý nghĩ của Robert Benamy vụt trở lại với hiện tại, tới nhiệm vụ của anh. Trong 15 năm ở Tình báo Hải quân, anh đă từng có hàng chục trường hợp đầy thách thức, nhưng vụ nầy hẳn là vụ kỳ dị nhất. Anh đang trên đường tới Thuỵ Sĩ để tìm kiếm những nhân chứng vô danh trên một chiếc xe bus, những người đã như biến mất vào không khí rồi vậy.

Cứ cho đây là việc phải tìm một cái kim trong đồng cỏ khô đi chăng nữa thì thậm chí mình cũng không biết cái đống rơm đó nằm tại chỗ nào. Sherlock Holmes ở đâu khi mà mình cần đến ông ấy nhỉ?

- Xin ông thắt dây lưng an toàn vào cho?

Chiếc C20A đang lướt trên những khoảng rừng tối, và một giây sau, hạ cánh xuống đường băng được đánh dấu bằng những ngọn đèn hiệu hạ cánh của sân bay, hướng tới toà nhà nhỏ của bộ phận điều hành chung, tránh xa khu ga chính. Vẫn còn những vũng nước đọng trên sân do những trận mưa trước đó, nhưng bầu trời đêm thì thật trong trẻo.

- Thời tiết điên rồ, - Viên phi công nhận xét. - Chủ nhật trời nắng, mưa suốt ngày hôm nay và đêm lại quang đãng. Ở đây ông không cần đến đồng hồ đâu. Cái mà ông thật sự cần là một phong vũ biểu. Tôi thu xếp cho ông một chiếc ô tô chứ, ông chỉ huy?

- Không, cảm ơn.

Từ phút nầy trở đi, anh phải hoàn toàn tự mình làm mọi việc. Robert chờ cho chiếc máy bay đã chạy đi xa, rồi lên một chiếc xe bus nhỏ chạy về khách sạn trong sân bay. Ở đó, anh chìm vào một giấc ngủ không hề mơ mộng gì.

Chú thích:

(1) Một huyện của tỉnh Quảng Ngãi.

(2) Chính quyền Sài gòn

(3) MiG máy bay tiêm kích của Liên Xô, viết tắt tên hai người thiết kế là Mikoyan và Gurevich, chữ "i" nhỏ đứng giữa tương tự "&" của tiếng Anh. Trong chiến tranh, không quân Bắc Việt nam sử dụng chủ yếu MiG 21 (số lượng lúc cao nhất là 72 chiếc MiG 21). Tác giả hơi quá cường điệu về máy bay A-6A là máy bay ném bom đời cũ, bay chậm, chỉ sử dụng ở miền Nam, nơi lực lượng phòng không yếu, hoặc cùng lắm ở "Đường mòn Hồ Chí Minh" và Nam Lào, A-6A không dám xông vào khu vực Hà nội - Hải Phòng, nơi có hệ thống phòng không được coi là khá mạnh với MiG 21, tên lửa SAM-2 và pháo 100 mm, A6A càng không phải là đối thủ của MIG-21. Tỷ lệ rơi giữa F-4H và MiG-21 là 1:1, chứ không phải là 12:1 như tác giả viết. Bản thân người đánh máy đã tận mắt nhìn thấy những cuộc không chiến giữa MiG 21 và F4H trên vùng trời Thái Nguyên và Hải Phòng. Ngày 16-4-1967, chiếc F4H bị MiG 21 bắn rơi ngay trên vùng trời thành phố Hải Phòng, phi công Mỹ bị bắt tại chỗ (chú thích của người đánh máy)

Ngày thứ hai.

8 giờ 00.

Sáng hôm sau, Robert đến trước một nhân viên đang ngồi sau chiếc bàn làm việc của hãng cho thuê ô tô châu Âu.

- Xin chào, - Anh ta nói bằng tiếng Đức.

Đó là một lời nhắc nhở rằng anh đang ở trong vủng nói tiếng Đức trên đất Thuỵ Sĩ.

- Xin chào, - anh đáp lại cũng bằng tiếng Đức. - Anh có xe cho thuê không?

- Thưa ông, có. Ông sẽ cần nó trong bao lâu?

Một câu hỏi hay. Một giờ ư? Hay có thể là một năm hoặc hai năm?

- Tôi không rõ.

- Ông có định mang trả chiếc xe tại đây không?

- Có thể là như vậy.

Tay nhân viên lạ lùng nhìn anh.

- Rất tốt. Xin ông điền vào các mẫu giấy tờ nầy cho?

Robert trả tiền thuê xe bằng cái thẻ tín dụng đặc biệt màu đen mà tướng Hilliard đã đưa cho anh. Tay nhân viên xem xét tấm thẻ, lúng túng, và nói:

- Xin lỗi một chút.

- Anh ta biến mất vào một căn phòng và khi trở ra, Robert hỏi, - Có gì rắc rối không hả?

- Không, thưa ông. Không có gì cả.

Đó là một chiếc Opel Omega màu xám. Robert lái xe ra con đường cao tốc của sân bay và chạy vào thành phố. Anh rất thích Thuỵ Sĩ. Đây là một trong những đất nước đẹp nhất trên thế giới. Nhiều năm về trước, anh đã từng đi trượt tuyết ở đây, liên hệ với Espionage Abreilung - Cơ quan tình báo của Thuỵ Sĩ. Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, cơ quan nầy được tổ chức thành 3 bộ phận: D, P và I, mỗi bộ phận phụ trách riêng rẽ các địa bàn Đức, Pháp và Italia.

Hiện nay, mục tiêu chính yếu của nó gắn liền với việc phát triển các hoạt động gián điệp được tiến hành trong các tổ chức khác nhau của Liên Hiệp Quốc ở Geneva.

Robert có bạn hữu trong cơ quan tình báo Thuỵ Sĩ, nhưng anh nhớ lời dặn của tướng Hilliard, "Anh không được liên hệ với bất kỳ ai trong số họ".

Quãng đường vào thành phố mất hai mươi lăm phút. Robert đến đầu mối giao thông Dubendorf rồi cho xe hướng về phía khách sạn Doler Grand. Nó vẫn đúng như anh còn nhớ: một lâu đài kiểu Thuỵ Sĩ lớn quá cỡ nhìn ra hồ Zurich với những tháp nhỏ gây ấn tượng mạnh, bao bọc bởi cây cỏ. Anh đậu xe và bước vào tiền sảnh. Phía bên trái là bàn tiếp tân.

- Xin chào.

- Xin chào. Tôi muốn có một phòng cho một đêm, được chứ?

Họ trao đổi bằng tiếng Đức.

- Vâng. Ông thanh toán thế nào ạ?

- Bằng thẻ tín dụng của tôi. - Vẫn chiếc thẻ tín dụng có màu trắng đen mà tướng Hilliard đã đưa cho anh. Robert hỏi xin một tấm bản đồ Thuỵ Sĩ và sau đó được đưa tới một căn phòng đầy đủ tiện nghi trong khu phòng mới của khách sạn. Căn phòng có một ban công nhỏ nhìn ra hồ. Robert đứng đó, hít thở khí trời mùa thu mát lành và nghĩ tới nhiệm vụ trước mắt anh.

Anh không có gì để mà tiếp tục cả. Không một dấu vết chết tiệt nào. Tất cả, các dữ liệu cho bài toán anh đều hoàn toàn không được biết. Tên của cái hãng du lịch kia. Số lượng những du khách kia. Tên tuổi và địa chỉ nào đó của họ. "Có phải tất cả các nhân chứng đều ở Thuỵ Sĩ không? - "Đó chính là khó khăn của chúng ta. Chúng ta không hề biết họ là ai, hay họ ở đâu. Và như vậy thì chỉ tìm được một vài nhân chứng đó cũng đã quá khó. "Ông phải tìm được tất cả các nhân chứng đó? Thông tin duy nhất mà anh có được là địa điểm và thời gian: Uetendort, Chủ nhật, ngày 14 tháng Mười".

Anh cần có một sợi rơm, một cái gì đó để mà bám vao. Nếu anh nhớ chính xác thì tất cả những xe du lịch theo tuyến trong thời gian một ngày, chỉ xuất phát từ hai thành phố lớn Zurich và Geneva. Robert mở một ngăn kéo và lấy ra cuốn danh bạ điện thoại dầy cộp/ Mình sẽ tìm vần M, để cầu may thôi, Robert nghĩ.

Có tới gần một chục hãng du lịch được đăng ký: Sunshine Tours, Swisstour, Tour Service, Touralpino, Tourisma Reisen... Anh sẽ phải kiểm tra từng hãng một. Anh ghi lại địa chỉ của tất cả các hãng đó và lái xe tới những văn phòng của vài hãng gần đấy nhất.

Có hai nhân viên ở sau dãy bàn dài để tiếp du khách. Khi một trong hai người rảnh việc, Robert cất tiếng:

- Xin lỗi. Vợ tôi là một trong số khách đi theo tuyến của các anh chủ nhật tuần trước, và cô ấy đã để quên chiếc ví trên xe. Tôi nghĩ là cô ấy đã hồi hộp bởi vì nhìn thấy quả bóng thám không bị tai nạn ở gần Uetendort.

Tay nhân viên chau mầy.

Hẳn là ông nhầm rồi. Tuyến của chúng tôi không hề tới gần Uctendort.

- Ồ xin lỗi. - Vậy là một.

Nơi dừng chân thứ hai có vẻ có kết quả hơn.

- Tuyến du lịch của các anh có đi Uetendort không nhỉ?

- Ồ có ạ - Người nhân viên mỉm cười. - Các tuyến của chúng tôi đi đến khắp nơi trên đất Thuỵ Sĩ. Những thắng cảnh đẹp nhất. Chúng tôi có một đi Zermatt - tuyến đặc biệt. Cũng có tuyến du lịch tốc hành đi Glacier và Palm. Tuyến Vòng tròn lớn sẽ khởi hành trong...

- Có phải các anh có một chuyến đi hôm chủ nhật mà xe đã dừng lại để xem cái khinh khí cầu bị đâm vào núi đó không? Tôi hiểu là vợ tôi đã trở về khách sạn muộn và...

Người nhân viên sau bàn nói với vẻ đầy công phẫn:

- Chúng tôi rất tự hào với thực tế là các chuyến đi du lịch theo tuyến chúng tôi là không bao giờ trễ cả. Chúng tôi không dừng ngoài chương trình.

Vậy là một trong những xe của các anh đã không dừng lại để xem cái khinh khí cầu đó phải không?

- Chắc chắn là không.

- Cảm ơn. - Vậy là hai.

Văn phòng thứ ba mà Robert ghé đến đặt tại Bahnhofplatz, và tấm biển bên ngoài đề SunBhme Tours.

Robert bước đến bên chiếc bàn tiếp khách.

- Xin chào... Tôi muốn hỏi anh về một trong số những xe đi tuyến của các anh. Tôi có nghe một quả bóng thám không bị tai nạn ở gần Uetendort và người lái xe của các anh đã dừng lại nửa giờ cho du khách xem.

- Không, không. Anh ta chỉ dừng lại mười lăm phút thôi. Chúng tôi có những lịch trình rất nghiêm ngặt.

Trúng rồi.

- Ông nói là ông quan tâm đến chuyện gì trong việc nầy nhỉ? - Nhân viên Hãng du lịch hỏi khi thấy khách im lặng.

Robert móc ra một trong những tấm các đã được trao cho anh.

- Tôi là phóng viên, - Robert nói một cách sốt sắng. - Và tôi đang viết cho Tạp chí Du lịch và sự thanh thản về hiệu quả của xe bus ở Thuỵ Sĩ, so sánh với các nước khác. Tôi không biết liệu tôi có thể phỏng vấn người lái xe của các anh được không?

- Đó sẽ là một bài báo thú vị đấy. Rất thú vị là đằng khác. Người Thuỵ Sĩ chúng tôi tự hào về hiệu quả làm việc của mình.

- Và niềm tự hào đó là xứng đáng, - Robert quả quyết với anh ta.

- Liệu tên Hãng chúng tôi có được nhắc đến không?

- Sẽ ở vị trí nổi bật đấy.

Tay nhân viên mỉm cười.

- Ồ vậy thì tôi thấy không có gì bất lợi cả.

- Tôi có thể nói chuyện với anh ta ngay bây giờ được không?

- Hôm nay là ngày nghỉ của ông ta. - Anh ta viết một cái tên lên mẩu giấy.

Robert Bellamy đọc ngược dòng chữ Hans Beckerman.

Tay nhân viên viết thêm địa chỉ.

- Ông ta ở Kapel. Đó là một làng nhỏ, cách Zurich chừng 40 kilômét. Lúc nầy thì ông sẽ có thể tìm thấy ông ta ở nhà.

Robert Bellamy cầm lấy mẩu giấy.

- Rất cám ơn anh. Nhân tiện, - Robert nói, - để chúng tôi có đầy đủ các dữ kiện cho câu chuyện, anh có biết số lượng vé đã bán ra cho chuyến đi đó không?

- Tất nhiên. Chúng tôi lưu hồ sơ về tất cả các chuyến du lịch. Xin đợi một phút. - Anh ta nhấc một cái cặp phía dưới bàn và giở một trang ra.

- À, đây rồi. Chủ nhật, Hans Beckerman. Có 7 hành khách. Anh ta lái chiếc Iveco ngày hôm đó, chiếc xe bus nhỏ.

Bảy người khách vô danh và người lái xe. Robert cố cầu may.

- Anh có tên những du khách đó không?

- Thưa ông, người ta từ ngoài đường bước vào, mua vé và lên đường. Chúng tôi không yêu cầu một thứ giấy tờ gì.

Tuyệt thật.

- Một lần nữa, cảm ơn anh nhé. - Robert đi ra phía ngoài cửa.

Tay nhân viên với theo:

- Tôi mong ông sẽ gửi cho chúng tôi một bản của bài báo nhé.

- Chắc chắn rồi. - Robert đáp.

***

Chi tiết đầu tiên của vấn đề là chiếc xe bus, và Robert lái xe đến Talstrassr, nơi những chiếc xe bus khởi hành, thầm mong nó có thể để lộ một dấu vết nào đó. Chiếc xe Iveco sơn màu nâu và trắng bạc, nhỏ vừa đủ để có thể vượt những con đường dốc của dãy núi Alps, với mười bốn ghế ngồi dành cho khách. Bảy người đó là ai, và họ đã biến đi đường nào?

Robert ngồi vào xe của mình. Anh xem bản đồ và đánh dấu đường đi. Anh đi đường Lavessneralle ra khỏi thành phố, tới vùng Albis, nơi bắt đầu dãy núi Alps, và hướng tới làng Kapel. Anh chạy theo hướng nam, ngang qua dẫy đồi nhỏ bao quanh Zurich và bắt đầu leo lên dây Alps huyền diệu. Anh lái xe chạy qua Adliswil, Langnau và Hausen và bao nhiêu làng mạc vô danh khác với những ngôi nhà nhỏ làm bằng gỗ và quang cảnh đẹp như tranh. Gần một tiếng sau, anh tới Kapel. Ngôi làng nhỏ nầy có một tiệm ăn, một nhà thờ, một bưu điện và khoảng hơn một chục ngôi nhà nằm rải rác quanh những quả đồi. Robert đỗ xe và bước vào tiệm ăn. Một cô hầu bàn đang lau chùi cái bàn gần cửa ra vào.

- Xin chào cô. Cô có biết nhà ông Beckerman ở đâu không? - Anh nói bằng tiếng Đức.

- Dạ. - Cô gái chỉ tay dọc theo con đường. - Phía cuối kia kìa.

- Cảm ơn.

Robert rẽ phải chỗ cái nhà thờ và chạy đến một ngôi nhà hai tầng xây bằng đá vẻ khiêm nhường, với mái ngói. Anh ra khỏi xe và bước đến trước cửa. Không nhìn thấy chuông, anh đành phải gõ cửa.

Một người phụ nữ to lớn với hàng ria mép mờ mờ ra mở cửa.

- Có gì vậy?

- Xin lỗi vì đã làm phiền chị. Ông Beckerman có nhà không ạ?

Chị ta nhìn anh có vẻ nghi ngờ.

- Ông muốn gì ở ông ấy hả?

Robert trao cho chị ta một nụ cười thật quyến rũ.

- Chị hẳn phải là vợ của ông Beckerman. - Anh móc cái thẻ phóng viên ra. - Tôi đang làm một bài trên tạp chí về những người lái xe bus Thuỵ Sĩ, và chồng chị được giới thiệu với tạp chí của tôi là một trong những người lái xe an toàn nhất nước.

Gương mặt chị ta sáng lên và nói một cách đầy tự hào:

- Hans của tôi là một người lái xe tuyệt vời.

- Chị Beckerman, đó là điều mà mọi người đều nói với tôi. Tôi muốn được phỏng vấn ông ấy.

- Phỏng vấn Hans của tôi cho một tờ tạp chí ư? - Chị ta đỏ bừng mặt. - Điều đó thật thú vị. Xin mời vào.

Chị ta dẫn Robert vào một căn phòng khách nhỏ và gọn gàng ngăn nắp.

- Xin chờ ở đây. Tôi sẽ gọi Hans.

Ngôi nhà có trần thấp nhưng sáng sủa, sàn nhà bằng gỗ màu sẫm, đồ đạc bằng gỗ trong nhà khá giản dị. Có một cái lò sưởi bằng đá và những tấm rèm treo trên các cửa sổ.

Robert đứng đó ngẫm nghĩ. Đây không chỉ là đầu mối tốt nhất mà còn là đầu mối duy nhất của anh.

"Người ta từ ngoài đường bước vào, mua vé và lên đường Chúng tôi không yêu cầu một thứ giấy tờ gì..."

Từ đây mình còn chưa biết sẽ đi đâu, Robert nhăn nhó nghĩ. Nếu ở đây không ổn, mình luôn luôn có thể cho đăng một lời rao:

"Xin mời bảy du khách trên chiếc xe bus đã nhìn thấy vụ tai nạn khinh khí cầu hôm chủ nhật đến phòng khách sạn của tôi vào lúc mười hai giò trưa mai. Sẽ có bữa điểm tâm".

Một người đàn ông mảnh khảnh và hói đầu xuất hiện. Nước da ông mai mái và ông ta để một bộ ria mép dầy, đen rất không hợp với toàn bộ vẻ ngoài của mình.

- Xin chào ông.

- Tôi là Smith. Xin chào ông. - Giọng Robert đầy nhiệt tình. - Tôi đang rất mong ngóng được gặp ông, ông Beckerman.

- Vợ tôi nói là ông đang viết một câu chuyện về những người lái xe bus chúng tôi. - Ông ta nói với một giọng Đức nặng trịch.

Robert nở một nụ cười với vẻ tranh thủ tình cảm.

- Đúng thế. Tờ tạp chí của tôi rất quan tâm đến hồ sơ lái xe an toàn tuyệt vởi của ông và...

- Thôi đi. - Beckerman thô lỗ cắt ngang. - Ông quan tâm tới cái vụ tai nạn chiều hôm qua, không phải thế ư?

Robert làm ra vẻ lúng túng.

- Sự thực là, vâng, tôi cũng muốn bàn cả chuyện đó nữa.

- Vậy thì sao ông không nói thẳng ra hả? Ngồi xuống.

- Cảm ơn. - Robert ngồi xuống chiếc đi văng.

Beckerman nói:

- Tôi lấy làm tiếc là không thể mời ông uống một chút, nhưng quả là chúng tôi không còn trữ sẵn rượu trong nhà. - Ông ta đập đập tay vào bụng. - Loét dạ dày. Thậm chí các thầy thuốc không thể cho tôi thuốc giảm đau được. Tôi phản ứng với tất cả các loại đó. - Ông ta ngồi xuống phía đối diện với Robert. - Nhưng mà ông không đến đây để nói về sức khoẻ của tôi có phải không, hả? Ông muốn biết gì nào?

- Tôi muốn nói chuyện với ông về những người khách đi trên chiếc xe của ông hôm chủ nhật, mà ông dừng lại gần Uetendort nơi quả bóng thám không đâm vào núi ấy.

Hans Beckerman nhìn anh chòng chọc.

- Bóng thám không nào? Ông nói chuyện gì vậy?

- Quả bóng mà...

- Ông nói con tàu không gian ấy ư?

Đến lượt Robert kinh ngạc.

- Tàu... không gian?

- Phải, một cái đĩa bay.

Phải mất một giây để những lời nầy được cảm nhận hết. Robert thấy ớn lạnh một cách đột ngột.

- Có phải ông đang nói với tôi là ông đã nhìn thấy một cái đĩa bay không?

- Phảỉ. Với những xác chết trong đó.

"Ngày hôm qua, ở vùng núi Alps, Thuỵ Sĩ, một quả bóng thám không thời tiết của NATO đâm vào núi, có một vài dụng cụ thí nghiệm quân sự tối mật trên quả cầu đó".

Robert phải rất cố gắng để giữ vẻ bình tĩnh.

Ông Beckerman, ông có chắc chắn cái mà ông đã nhìn thấy là một đĩa bay không hả?

- Tất nhiên. Cái mà họ gọi là một vật thể bay lạ.

- Và có những người chết ở trong đó?

- Không phải là người, không phải. Những sinh vật. Rất khó mô tả họ. - Ông ta hơi rùng mình. - Họ rất nhỏ với những đôi mắt to, rất lạ. Họ mặc những bộ quần áo có màu kim loại bạc. Trông rất sợ.

Robert lắng nghe, đầu óc anh rối bời.

- Những hành khách của ông có trông thấy không?

- Ồ có. Tất cả chúng tôi đều trông thấy. Tôi đã dừng ở đó có tới mười lăm phút ấy. Họ muốn chúng tôi dừng lại lâu hơn, nhưng hãng luôn rất nghiêm ngặt về lịch trình.

Robert biết câu hỏi là vô ích thậm chí trước cả lúc anh nói ra.

- Ông Beckerman, ông có biết tên của một hành khác nào trong số đó không?

- Thưa ông, tôi là người lái xe. Hành khách mua vé ở Zurich và chúng tôi đưa họ đi về phia táy nam đến Interlaken và rồi theo hướng tây-bắc tơi Bern. Họ có thể hoặc là xuống Bern, hoặc trở về Zurich. Không ai cho biết tên cả.

- Ông không có cách nào để nhận diện bất kỳ ai trong số họ à? - Robert nói một cách tuyệt vọng.

Người lái xe bus ngẫm nghĩ giây lát.

- Ồ tôi có thể nói với ông là trên thuyến đó không có trẻ em. Toàn đàn ông.

- Chỉ có đàn ông thôi hả?

Beckerman ngẫm nghĩ.

- Không, không phải thế. Cũng có một phụ nữ.

Kinh khủng. Điều đó thật sự thu hẹp thêm khả năng tìm kiếm, Robert nghĩ. Câu hỏi tiếp theo: Quái quỷ thế nào mà mình lại nhận cái nhiệm vụ nầy cơ chứ?

- Ông Beckerman, ông đang nói là một nhóm du khách lên chiếc xe bus của ông ở Zurich và rồi khi chuyến đi kết thúc thì đơn thuần là họ tản đi có phải vậy không?

- Đúng thế, ông Smith.

Vậy là thậm chí không có cả cái đống cỏ khô.

- Ông có nhớ bất kỳ điều gì về số hành khách không? Bất kỳ điều gì họ đã nói hoặc làm?

Beckerman lắc đầu.

- Thưa ông, để ý đến họ làm gì, miễn là được trả tiền thôi chứ. Trừ phi họ gây rắc rối gì. Như cái ông người Đức đó.

Robert ngồi im phăng phắc. Anh nhẹ nhàng hỏi:

- Người Đức nào?

- Tất cả những hành khách khác đều hứng thú xem cái vật thể bay lạ kia và những sinh vật chết trong đó, thế mà cái lão già nầy cứ phàn nàn đòi chúng tôi phải nhanh lên để đến Bern vì lão ta phải chuẩn bị bài giảng gì đó cho trường đại học vào buổi sáng...

Mọi sự bắt đầu đây.

- Ông có còn nhớ gì khác về ông ta không?

- Không.

- Không gì cả ư?

- Ông ta mặc một cái áo choàng màu đen.

Tuyệt.

- Ông Beckerman nầy, tôi muốn nhờ ông một việc. Ông có thể chở tôi đến Uctendort được không?

- Hôm nay là ngày nghỉ của tôi. Tôi bận với...

- Tôi rất vui lòng được trả công ông mà.

- Thế hả?

- Hai trăm đồng mác.

- Tôi không...

- Tôi sẽ trả bốn trăm mác.

Beckerman nghĩ một chút.

- Sao lại không nhỉ? Đi chơi hôm nay cũng đẹp trời đấy chứ?

Họ đi về phía nam, qua Luzern và những làng đẹp như tranh vẽ ở Immensee và Meggen. Phong cảnh đẹp đến ngợp thở, nhưng đầu óc Robert còn mải với những chuyện khác.

Họ chạy qua Engelberg, với tu viện cổ Benedictine, và Brunig, con đèo dẫn tới vùng Interlaken. Xe họ băng qua Leissigen và Faulensse, với một hồ lớn xanh thẳm điểm những cánh buồm trắng xoá.

- Còn bao xa nữa? - Robert hỏi.

- Sắp tới rồi, - Hans Beckerman hứa.

Sau khi chạy được gần một giờ thì họ tới Spiez.

Hans Beckerman nói:

- Bây giờ thì không còn xa nữa. Chỉ qua Thun là tới.

Robert cảm thấy tim mình bắt đầu đập nhanh hơn.

- Anh sắp được chứng kiến một thứ gì đó vượt khỏi sức tưởng tượng, những người khách xa lạ từ những hành tinh khác. Họ chạy qua Thun, một ngôi làng nhỏ, và ít phút sau khi họ đến gần một cánh rừng gần xa lộ Hans Beckerman đưa tay chỉ và nói:

- Kia, kìa.

Robert đạp phanh và dừng lại bên đường.

- Bên kia kìa. Sau những cái cây đó.

Robert thấy cái cảm giác hồi hộp mỗi lúc một tăng.

- Được. Chúng ta hãy nhìn xem.

Một chiếc xe vận tải chạy qua. Khi nó đi khỏi, Robert và Hans Beckerman đi sang đường. Robert đi theo người lái xe bus ngược lên một đoạn dốc dẫn tới cánh rừng.

Con đường đã hoàn toàn khuất khỏi tầm mắt. Lúc họ bước tới một quãng trống, Beckerman lớn tiếng nói:

- Đúng chỗ nầy đây.

Nằm trên mặt đất phía trước họ là những mảnh vụn nát của một quả bóng thám không.

Mình đã quá già trong nghề nầy mất rồi, Robert mệt mỏi nghĩ. Mình đã thực sự mê muội vì câu chuyện đĩa bay của hắn.

Hans Beckerman nhìn đăm đăm vào cái thứ đang nằm trên mặt đất, một vẻ bối rối hiện lên trên gương mặt ông ta.

- Mẹ kiếp, không phải nó.

Robert thở dài.

- Không phải nó, có phải không?

Beckerman lắc đầu.

- Nó đã ở đây ngày hôm qua mà.

- Có thể là những người nhỏ bé màu xanh của ông đã chở nó đi rồi đấy.

- Không, không. Họ chết cả rồi. - Beckerman khăng khăng.

Chết. Điều đó là lời kết luận chính xác cho cái sứ mệnh của mình. Đầu mối duy nhất của mình là một thằng điên nhìn thấy những con tàu không gian.

Robert bước đến bên mảnh quả cầu để xem xét nó một cách cẩn thận hơn. Nó là một cái bao nhôm lớn có đường kính khoảng năm mét, với những cạnh răng cưa nơi nó bị rách ra khi đâm xuống đất. Tất cả các thiết bị đã được mang đi, đúng như tướng Hilliard đã nói với anh. "Tôi không thể nào nói hết tầm quan trọng của những gì chứa trong quả cầu đó"

Robert đi vòng quanh quả cầu xẹp lép, sục mũi giầy trong đám cỏ ướt tìm kiếm một dấu vết mờ nhạt nhất có thể có. Không có gì. Nó giống hệt hàng chục quả bóng thám không thời tiết khác mà anh đã từng nhìn thấy trong những năm qua.

Ông già vẫn không chịu đầu hàng, vẫn đầy cái vẻ ương ngạnh rất Đức. "Những thứ lạ lùng đó... Họ làm chúng giống như thế nầy nầy. Ông biết đấy, họ có thể làm được mọi thứ".

Không còn gì để làm ở đây nữa, Robert quyết định.

Bít tất của anh đã ướt hết vì những đám cỏ ướt. Anh bước đến bên cái vỏ quả cầu.

- Ông giúp tôi nâng cái góc nầy lên chứ?

Beckerman nhìn anh một chút, ngạc nhiên.

- Ông muốn tôi nâng nó lên ư?

- Phải.

Beckerman nhún vai. Ông ta cầm một góc của cái thứ vật liệu rất nhẹ kia và nâng lên trong khi Robert nâng một góc khác. Anh nâng mảnh nhôm lên cao quá đầu và bước vào phía trong. Hai chân anh ngập trong cỏ.

- Ở dưới nầy cũng ướt. - Robert gọi với ra.

- Tất nhiên. Trời mưa suốt cả ngày hôm qua. Toàn bộ mặt đất đều ướt.

Robert từ bên dưới quả cầu chui ra.

- Đáng ra nó phải khô.

"Thời tiết điên rồ, viên phi công nói. "Chủ nhật trời nắng?" Đó là ngày quả cầu đâm xuống đất. Mưa suốt ngày hôm nay và đêm lại quang đãng. Ở đây ông không cần đến đồng hồ đâu. Cái mà ông thật sự cần là một cái phong vũ biểu.

- Cái gì hả?

- Thời tiết thế nào khi ông ta nhìn thấy cái vật thể bay lạ?

Beckerman ngẫm nghĩ một lát.

- Đó là một buổi chiều đẹp trời.

- Trời nắng chứ?

- Vâng. Trời nắng.

- Nhưng trời mưa suốt cả ngày hôm qua phải không?

Beckerman nhìn anh, khó hiều.

- Vậy thì sao?

- Vậy thì nếu quả câu nầy ở đây suốt đêm, mặt đất bên dưới nó phải khô, hoặc cùng lắm là ẩm thôi do sự thẩm thấu. Thế nhưng nó lại ướt đẫm, giống như phần còn lại ở khu vực nầy.

Beckerman ngẩn ra.

- Tôi không hiểu. Điều đó có nghĩa là thế nào?

- Nó có thể có nghĩa là, - Robert nói một cách thận trọng, - ai đó đã đặt quả cầu nầy ở đây ngày hôm qua sau khi trời đã bắt đầu mưa và mang đi cái mà ông đã nhìn thấy.

Hay có cách giải thích nào đó điên rồ hơn mà anh chưa nghĩ tới? Ai lại làm một cái việc điên khùng như vậy?

Không điên đến thế đâu, Robert nghĩ. Chính phủ Thuỵ Sĩ có thể đã làm việc nầy để đánh lừa bất kỳ một vị khách tò mò nào. Cái mẹo đầu tiên cửa một việc bưng bít là tưng tin giả. Robert bước qua đám cỏ ướt chăm chú nhìn mặt đất và tự mắng mình là một kẻ khờ dại cả tin.

Hans Beckerman nghi hoặc nhìn Robert.

- Nầy ông, ông nói là ông viết cho tạp chí nào nhỉ?

- Du lịch và Sự thanh thản.

Hans Beckerman mừng rỡ.

- Ồ. Vậy thì tôi cho rằng ông sẽ muốn chụp ảnh tôi giống như cái thằng cha kia.

- Cái gì?

- Cái tay chụp ảnh đã chụp hình bọn tôi ấy mà.

- Ông đang nói đến ai vậy? - Robert cau mầy.

Cái tay chụp ảnh. Tay đó đã chụp ảnh cho chúng tôi trước cái xác con tàu. Hắn ta nói sẽ gửi cho chúng tôi mỗi người một tấm. Một vài người khách khác cũng có máy ảnh.

Robert nói từ tốn:

- Hãy khoan nào. Ông đang nói là có ai đó đã chụp hình các du khách kia ở đây ngay trước cái vật thể bay lạ phải không?

- Đó chính là điều tôi đang nói với ông đấy.

- Và ông ta hứa gửi cho mỗi người các ông một tấm ảnh?

- Đúng vậy.

- Vậy thì ông ta hẳn phải lấy tên và địa chỉ của các ông chứ?

- Ồ tất nhiên. Nếu không thì ông ta biết gửi chúng đi như thế nào được?

Robert đứng lặng người, toàn thân nóng bừng bừng.

Sự tình cờ tuyệt vời, Robert, mi là một thằng không may mắn. Một sứ mạng bất khả thi bỗng đột ngột trở thành một miếng bánh. Anh không còn phải đi tìm bẩy du khách vô danh kia nữa. Tất cả những gì mà anh phải làm là tìm tay chụp ảnh.

***

- Sao lúc trước ông không nhắc đến ông ta, ông Beckerman?

- Ông hỏi tôi về những hành khách kia mà.

- Ý ông nói ông ta không phải là một hành khách của ông à?

Hans Beckerman lắc đầu.

- Không - Ông ta chỉ tay. - Xe của ông ta bị chết máy phía bên kia xa lộ. Một chiếc xe cẩu đang sắp sửa lôi nó đi thì xảy ra vụ nầy với chấn động mạnh, và ông ta chạy sang đường để xem có chuyện gì xảy ra. Khi nhìn thấy nó, ông ta trở về xe, chộp lấy máy ảnh và quay trở lại. Thế rồi ông ta bảo tất cả chúng tôi đứng vào để chụp hình trước cái đĩa bay đó.

Cái người chụp ảnh đó có nói tên với ông không?

- Không.

- Ông có nhớ gì về ông ta không?

Hans Beckerman cố tập trung trí nhớ.

- Ồ, ông ta là một người ngoại quốc. Người Mỹ hoặc Anh.

- Ông nói là một chiếc xe cẩu đã sẵn sàng lôi xe của ông ta đi?

Đúng thế.

- Ông có nhớ chiếc xe cẩu chạy đi đường nào không?

- Phía bắc. Tôi đoán rằng ông ta mang nó đi Bern. Thun thì gần hơn nhưng vào chủ nhật thì mọi ga-ra ở Thun đều đóng cửa.

- Cám ơn ông. Ông đã giúp tôi rất nhiều. - Robert mỉm cười.

- Ông sẽ không quên gửi cho tôi bài báo của ông sau khi kết thúc chứ?

- Không. Đây là tiền của ông và thêm một trăm mác cho sự giúp đỡ của ông. Tôi sẽ đưa ông về nhà.

Họ đi về xe. Khi Beckerman mở cửa xe, ông ta dừng lại và quay sang Robert.

- Ông thật là hào phóng. - Ông ta móc trong túi ra một miếng kim loại nhỏ hình vuông, cỡ bằng cái bật lửa, có chứa một tinh thể màu trắng nhỏ xíu.

- Cái gì thế nầy?

- Tôi đã thấy nó trên mặt đất hôm chủ nhật trước lúc chúng tôi quay lại xe.

Robert xem xét cái vật lạ lùng kia. Nó nhẹ như giấy và có màu của cát. Một cạnh ráp của nó cho thấy nó có thể là một phần của bộ phận khác. Một phần của cái thiết bị chứa trong quả bóng thám không kia? Hay một phần của một vật thể bay lạ?

- Có thể nó sẽ mang lại may mắn cho ông, - Beckerman nói trong lúc ông ta đang xếp những đồng tiền mà Robert vừa đưa cho ông ta vào ví. - Với tôi thì đã hẳn là thế rồi. - Ông ta ngoác miệng cười và chui vào xe.

***

Đã đến lúc phải tự hỏi mình một câu hỏi nghiêm túc: Mình có thật sự tin có những vật thể bay lạ không? Anh đã đọc nhiều bài báo điên rồ của những g người nói là họ đã thấy những con tàu không gian và đủ loại chuyện kỳ quặc khác và anh đã thường gắn những tin tức nầy với những người hoặc là tìm kiếm sự nổi tiếng hoặc là cần phải tự tìm đến sự giúp đỡ của một bác sĩ tâm thần giỏi. Nhưng trong mấy năm gần đây, có những tin tức không dễ gì bác bỏ được. Các tin tức về việc nhìn thấy các vật thể bay lạ bởi các nhà du hành vũ trụ, các phi công quân sự các viên chức cảnh sát, những người có uy tín những người né tránh sự xuất hiện trước công chúng.

Thêm vào đó là tin đáng quan ngại về một vật thể lạ đâm xuống Roswell bang New Mexico, nơi dường như đã tìm thấy xác của những sinh vật lạ. Chính phủ bị cho là đã bưng bít chuyện đó và đã mang đi mọi bằng chứng. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, các phi công đã báo cáo về việc nhìn thấy những thứ lạ lùng mà họ gọi là những chiếc máy bay tiêm kích Foo, những vật thể bay không xác định được lai lịch bay sát tới họ và rồi biến mất. Có những câu chuyện về những thị trấn được viếng thăm bởi những vật thể không giải thích được từ trên trời bay vút xuống. Nếu thật sự có những sinh vật lạ trong các vật thể bay lạ từ một hệ mặt trời khác đến thì sao? Robert phân vân. Điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến thế giới của chúng ta? Liệu điều đó sẽ có nghĩa là hoà bình? Chiến tranh? Sự chấm dứt của nền vản minh mà chúng ta đã biết chăng? Anh thấy minh phần nào mong rằng Hans Beckerman là một kẻ ngớ ngẩn điên rồ, và thật sự là quả bóng thám không thời tiết đã đâm xuống đất. Anh sẽ phải tìm một nhân chứng khác để hoặc là xác nhận câu chuyện của Beckerman hoặc là bác bỏ nó. Nhìn bề ngoài, câu chuyện dường như không thể tin được, thế nhưng có một điều gì đó làm bận tâm Robert: Giá như nó chỉ là một quả bóng thám không gặp nạn, thậm chí nó có mang những thiết bị đặc biệt chăng nữa, vì sao mình lại bị gọi đến một cuộc gặp gỡ tại NSA vào lúc 6 giờ sáng và được cho biết điều khẩn cấp là phải nhanh chóng tìm ra tất cả các nhân chứng? Có một vụ bưng bít nào không?

Và nếu vậy thì vì sao?

Cuối ngày hôm đó, một cuộc họp báo được tổ chức tại Geneva, trong khu văn phòng giản dị của Bộ Nội vụ Thuỵ Sĩ. Có tới hơn năm chục phóng viên có mặt trong phòng và cả một đám đông ở ngoài hành lang. Có các đại diện phát thanh, truyền hình và báo chí từ hơn một chục nước, nhiều người trong số họ lỉnh kỉnh với micrô và các thiết bị ghi hình. Dường như tất cả bọn họ đều đang cất tiếng cùng một lúc.

- Chúng tôi nghe tin tức nói rằng đó không phải là một quả bóng thám không thời tiết...

- Có phải đó là một cái đĩa bay không?

- Tin đồn rằng cô những xác chết lạ ở trên con tàu...

- Có phải một sinh vật lạ còn sống không?

- Phải chăng chính phủ đang tìm cách che giấu sự thật trước nhân dân?

Vị quan chức báo chí cất cao giọng để lấy lại trật tự:

- Thưa các quý vị, đã có một sự hiểu lầm đơn giản. Chúng tôi liên tục nhận được những cú điện thoại kiểu nầy. Người ta nhìn thấy những vệ tinh, sao băng... Chẳng nhẽ không phải là thú vị sao khi mà những tin tức về các vật thể bay lạ luôn luôn được đưa ra dưới dạng nặc danh? Có thể người báo tin nầy thật sự tin đó là một vật thể bay lạ, nhưng trên thực tế, chỉ là một quả bóng thám không bị rớt xuống mặt đất. Chúng tôi đã thu xếp phương tiện để đưa các bạn tới đó. Xin mời quý vị theo tôi...

Mười lăm phút sau, hai xe bus chở đầy các phóng viên và các camera ghi hình đã lên đường đi Uctendort để mục kích những gì còn lại của vụ tai nạn bóng thám không? Khi tới nơi, họ đứng trong đám cỏ ướt xem xét cái vỏ kim loại rách toác. Vị quan chức báo chí nói:

- Đây là cái đĩa bay bí ẩn của các vị. Nó đã xuất phát từ căn cứ không quân của chúng tôi ở Vevey. Theo chỗ chúng tôi biết, thưa quý vị, không hề có những vật thể bay lạ mà chính phủ chúng tôi không thể giải thích một cách xác đáng và cũng theo chỗ chúng tôi biết, không có bất kỳ một vị khách lạ nào tới thăm chúng ta. Chính sách dứt khoát của chính phủ chúng tôi là nếu như thu được bất kỳ băng chứng nào về vấn đề nầy, lập tức chúng tôi sẽ để điều đó trở thành thông tin đại chúng. Nếu như không còn câu hỏi nào nữa...

Nhà để máy bay số 17 tại căn cứ không quân Langley ở bang Virginia được khoá kín và bảo vệ nghiêm ngặt. Bên ngoài, bốn lính thuỷ đánh bộ canh gác toà nhà và bên trong, ba sĩ quan cấp cao của Lục quân luân phiên nhau mỗi người tám giờ canh gác một căn phòng luôn đóng kín. Không một sĩ quan nào biết anh ta đang canh gác cái gì. Ngoài các nhà khoa học và các bác sĩ đang làm việc trong đỏ, chỉ có ba người khách được phép bước vào căn phòng đóng kín kia.

Vị khách thứ tư vừa mới tới. Ông ta được thiếu tướng Paxton, người phụ trách an mnh, ra đón.

- Xin mời thăm chuồng thú của chúng tôi.

- Tôi đã rất mong đợi điều đó.

- Ông sẽ không phải thất vọng. Xin đi lối nầy.

Bên ngoàì cửa phòng đóng kín là một cái giá với bốn bộ quần áo khử trùng, trắng tinh có thể bao kín toàn bộ cơ thể.

- Xin ông vui lòng mặc lên người cho! - Viên tướng nói.

- Tất nhiên rồi. - Janus chui người vào trong bộ quần áo. Chỉ còn có thể thấy mặt ông ta qua tấm che mặt bằng kính. Ông ta mang hai cái ủng trắng to tướng ra bên ngoài đôi giày của mình và viên tưóng dẫn ông ta tới cửa căn phòng đóng kín kia. Người lính gác đứng tránh sang một bên, và viên tướng mở cửa.

- Trong nầy đây.

Janus bước vào phòng và nhìn quanh. Ở chính giữa phòng là chiếc phi thuyền không gian. Trên những chiếc bàn mổ ở phía bên là xác của hai sinh vật lạ.

Một nhà nghiên cứu bệnh học đang thực hiện một ca giải phẫu trên một trong hai cái xác.

Tướng Paxton hướng sự chú ý của vị khách tới chiếc phi thuyền.

- Chúng tôi đang xem xét ở đây cái mà chúng tôi cho là một con tàu do thám, - tướng Paxton giải thích. - Chúng tôi tin chắc rằng nó có một kênh liên lạc trực tiếp nào đó với phi thuyền mẹ.

Hai người bước lại gần hơn để xem xét. Đường kính của nó xấp xỉ chục mét. Phần bên trong có hình dạng như một viên ngọc với cái trần có thể mở rộng ra được và ba cái đi văng giống như những chiếc ghế bố phân vách được phủ bằng những tấm panen có gắn những đĩa kim loại rung.

- Có rất nhiều thứ chúng tôi chưa thể hiểu được, - tướng Paxton thú nhận. - Nhưng mà những gì chúng tôi đã biết thì thật đáng ngạc nhiên - Ông ta chỉ một dãy thiết bị trên những tấm panen nhỏ. - Đó là một hệ thống kính quang học mạch liên hợp có góc nhìn rộng, có vẻ là một hệ thống dò tìm sự sống, một hệ thống dẫn đường mà nói thẳng ra là nó khiến chúng ta mù tịt và một hệ thống thông tin có khả năng tổng hợp ngôn ngữ. Chúng tôi nghĩ là nó hoạt động bằng một dạng năng lượng điện từ trường nào đó.

- Có vũ khí nào trên đó không? - Janus hỏi.

Tướng Paxton giang rộng hai tay trong một cử chỉ tỏ ý thất bại.

- Chúng tôi không rõ. Có rất nhiều thiết bị trên đó mà chúng tôi chưa hiểu.

- Còn nguồn năng lượng thì sao?

- Phán đoán cao nhất của chúng tôi là nó sử dụng hyđrô đơn nguyên tử trong một mạch kín để chất thải của nó, nước, có thể được liên tục tái chế thành hyđrô sản sinh năng lượng. Với nguồn năng lượng vĩnh viên ấy nó có thể thoải mái bay trong khoảng không gian liên hành tinh. Có thể phải mất nhiều năm chúng ta mới biết hết những bí mật ở đây. Và còn có một điều kinh ngạc nữa. Xác chết của hai sinh vật lạ được chằng trên ghế của họ. Nhưng những vết lõm ở trên ghế thứ ba cho thấy nó cũng có một chủ nhân.

- Ông đang nói, - Janus từ tốn hỏi, - rằng có thể một sinh vật đang mất tích ư?

- Dường như chắc chắn là thế.

Janus đứng yên với một thoáng chau mầy.

- Chúng ta hãy nhìn các kẻ xâm nhập nầy một chút.

Hai người bước lại những chiếc bàn trên đó có xác hai sinh vật lạ. Janus đứng nhìn chằm chằm vào những hình thù kỳ dị kia. Thật khó tin là những sinh vật có trí tuệ. Trán của chúng lớn hơn mức ông ta tưởng. Họ đều hói đầu và không có lông mi cũng như lông mày. Mắt của họ trông giống như những quả bóng bàn vậy.

Người bác sĩ đang tiến hành phẫu thuật ngẩng lên khi hai người bước lại.

- Thật kỳ lạ, - Ông ta nói. - Một bàn tay đã được cắt khỏi thân thể một trong hai sinh vật lạ. Không hề thấy có máu, nhưng ở trong những ống, có thể là mạch ven, có một chất lỏng màu xanh. Phần lớn đã chảy hết ra ngoài.

- Một chất lỏng màu xanh à? - Janus hỏi.

- Phải, - Người bác sĩ lưõng lự. - Chúng tôi cho là những sinh vật nầy là một dạng của đời sống thực vật.

- Một loài thực vật biết nghĩ ư? Ông nói nghiêm túc đấy chứ?

- Hãy nhìn cái nầy. - Người bác sĩ nhấc một can nước và dội lên cánh tay của sinh vật đã mất một bàn tay. Trong khoảnh khắc, không có chuyện gì xảy ra. Và rồi bỗng nhiên, tại đầu cụt của cánh tay, một thứ chất màu xanh lục ứa ra và từ từ hình thành một bàn tay.

Hai người nhìn chết lặng.

- Giêxu. Những sinh vật nầy đã chết hay chưa thế nầy?

Đó là một câu hỏi thú vị. Những cơ thể nầy không còn sống, theo cảm nhận của con người, thế nhưng chúng cũng không phù hợp với định nghĩa về sự chết.

- Tôi chỉ cho là họ đang ở trạng thái ngủ đông mà thôi.

Janus vẫn đang nhìn đăm đăm vào cái bàn tay vừa được hình thành.

- Nhiều thực vật cho thấy các dạng thông minh khác nhau.

- Thông minh ư?

- Ồ phải. Có những loài cây tự nguy trang mình, tự bảo vệ bản thân chúng. Lúc nầy, chúng ta đang có những thí nghiệm kinh hoàng về đời sống thực vật.

- Tôi muốn được xem những thí nghiệm đó. - Janus nói.

- Được thôi. Tôi sẵn sàng thu xếp.

***

Căn nhà kính thí nghiệm khổng lồ nằm trong một khu liên hợp của chính phủ cách Washington 30 dặm.

Trên tường là một tấm biển đề:

"Những cây thích và những cây dương xỉ vẫn không hề mục nát, Tuy nhiên, không có gì phải nghi ngờ khi chúng bừng tỉnh. Chúng cũng sẽ nguyền rủa và thề nguyện. Ralph Waldo Emerson Thiên nhiên, 1836."

Giáo sư Rachman, người phụ trách khu liên hợp nầy là một ông thần giữ của sốt sắng, đầy nhiệt huyết với nghề nghiệp của mình.

- Chính Charles Darwin là người đầu tiên nhận biết được khả năng suy nghĩ của cỏ. Luther Burbank đã tiếp nối bằng việc giao tiếp với chúng.

- Ông có thật sự tin rằng có thể có điều đó không?

- Chúng tôi biết là có điều đó. George Washington Carver đã chuyện trò với cây cối và chúng đã cho ông hàng trăm sản phẩm mới. Carver nói. Khi tôi chạm vào một bông hoa, nghĩa là tôi đang chạm vào Thượng đế. Nhưng bông hoa có mặt trước loài người từ lâu trên trái đất nầy, và chúng sẽ tiếp tục tồn tại hàng triệu năm sau loài người. Qua loài hoa, tôi nói chuyện với Thượng đế...

Janus nhìn quanh ngôi nhà kính lớn mà họ đang đứng ở bên trong. Những cây cỏ và các loài hoa lạ làm khu nhà ngập trong những sắc màu rực rỡ của cầu vồng. Hương hoa pha quyện vào nhau, thơm ngát.

- Tất cả những gì trong khu nhà nầy đếu sống động. - Giáo sư Rachman nói. - Những cây cỏ nầy có thể cảm thấy yêu, ghét, đau đớn và kích động... giống như những động vật. Ngài Jagadis Chandra Bose đã chứng minh rằng chúng phản ứng với một giọng nói.

- Làm sao người ta có thể chứng minh điều đó? - Janus hỏi.

- Tôi sẽ sẵn sàng chứng minh cho ông thấy. - Racham bước đến bên chiếc bàn chất đầy cây. Bên cạnh là một chiếc máy đo. Rachman nhấc một đầu dây và cặp nó vào một cái cây. Kim trên đồng hồ của máy ở vị trí không làm việc.

- Trông nầy, - Ông ta nói, rồi ghé lại gần cái cây hơn và thì thầm. - Ta nghĩ rằng mi rất đẹp. Mi đẹp hơn tất cả những cái cây khác ở đây...

Janus thấy chiếc kim hơi dịch chuyển.

Đột nhiên, giáo sưa Rachman quát lên với cái cây:

- Mi thật là xấu. Mi sắp phải chết. Mi có nghe ta nói không? Mi sắp phải chết.

Chiếc kim bắt đầu rung lên, rồi giật bắn lên trên.

- Lạy Chúa, - Janus nói. - Tôi không thể nào tin được. Điều mà ông nhìn thấy, - Rachman nói, - tương tự như một con người bị quát mắng. Các tạp chí quốc gia đều đã đăng những bài viết về các thí nghiệm nầy.

Một trong những thí nghiệm hấp dẫn nhất là một thí nghiệm về khả năng nhìn, được tiến hành với sáu sinh viên. Một trong số họ, những người kia không biết, được chọn đi vào một căn phòng có hai cái cây, một cây được nối với máy đo. Cậu ta phá nát hoàn toàn cái cây kia. Sau đó, từng người sinh viên một được yêu cầu đi vào trong phòng, bước ngang qua cái cây.

Khi những sinh viên vô tội đi vào, máy đo không ghi lại được gì cả Nhưng đúng lúc kẻ có tội xuất hiện thì kim trên máy đo vọt lên.

- Thật không thể tin được.

- Nhưng đó là sự thật. Chúng ta cũng đã biết rằng cây cối có phản ứng với các loại âm nhạc khác nhau.

- Các loại khác nhau?

- Phải. Họ đã làm một thí nghiệm tại Đại học Temple Buell ở Denver với những cây hoa khoẻ mạnh được đặt trong các lồng kính riêng biệt. Nhạc rock gay gắt được truyền dẫn vào một lồng, nhạc xita miền Đông Ấn Độ được truyền dẫn vào một lồng, và lồng thứ ba không có âm nhạc gì hết. Một kíp ghi hình của hãng CBS đã ghi lại thí nghiệm nầy với kỹ thuật chụp hình cách quãng. Vào cuối tuần thứ hai, những cây hoa được nghe nhạc rock đã chết, nhóm không có nhạc thì phát triển bình thường và nhóm nghe nhạc xita thì nở rộ với hoa và cành vươn cả về phía phát ra tiếng nhạc. Walter Cronkite đã cho chiếu bộ phim trên chương trình của ông ta. Nếu như ông muốn kiểm tra, bộ phim đó được chiếu ngày 26 tháng 10 năm 1970.

- Ông đang nói là cây cối cũng có một sự thông minh nào đó phải không?

- Chúng thở, ăn và sinh sản. Chúng có thể cảm thấy đau và chúng có thể có các biện pháp tự vệ chống lại những kẻ thù của mình. Thí dụ, một số loài cây tiết ra một thứ độc tố để đầu độc vùng đất xung quanh nó và nhờ vậy, ngăn chặn những kẻ cạnh tranh. Một số loài khác thì tiết ra những chất kiềm để làm cho chúng trở nên không thể chấp nhận được đối với các loại côn trùng. Chúng tôi đã chứng minh được rằng cây cỏ giao tiếp với nhau được ở mức nào đó.

- Có. Tôi có nghe chuyện đó. - Janus nói.

- Một vài loài cây là những loài ăn thịt. Chẳng hạn như cây bắt ruồi. Một số loài phong lan có vẻ ngoài và mùi giống như những con ong cái để bắt những con ong đực. Những giống khác thì lại giống những con ong bắp cày cái để lôi cuốn những con ong bắp cày đực tìm đến thụ phấn cho chúng. Một loài phong lan khác lại có mùi như mùi thịt ôi để dụ dỗ những con nhặng quanh đó đến với chúng.

Janus lắng nghe từng lời.

- Có một loài hoa có một cánh phía trên có khớp nối và khi một con ong đậu vào thì cánh hoa đậy lại. Lối thoát duy nhất là một lối nhỏ xíu dẫn ra phía sau và trong khi con ong loay hoay để thoát ra thì nó đã phải mang theo một chút phấn hoa. Có tới năm nghìn loài cây hoa mọc ở vùng Đông Bắc và mỗi loài lại có những đặc tính riêng. Việc cây cỏ có khả năng suy nghĩ đã được chứng tỏ nhiều lần.

Janus đang ngẫm nghĩ: Và sinh vật mất tích kia đang lấn khuất đâu đó.

Ngày thứ ba, Bern, Thuỵ Sĩ

Thứ tư ngày 17 tháng Mười

Bern là một trong những thành phố mà Robert yêu thích nhất. Nó duyên dáng, đầy những tượng đài thật đáng yêu và những ngôi nhà cổ bằng đá tuyệt đẹp được xây dựng từ hồi thế kỷ 18. Nó là thủ đô của Thuỵ Sĩ, là một trong những thành phố phồn vinh nhất của nước nầy, và Robert cứ băn khoăn không biết những chiếc xe điện màu xanh lá cây có liên quan gì tới màu sắc của đồng tiền không. Anh thấy rằng người dân ở Bern dễ chịu hơn những người dân ở các vùng khác của Thuỵ Sĩ. Họ đi lại khoan thai hơn, nói năng chậm rãi hơn và nhìn chung là điềm đạm hơn. Trước đây anh đã có mấy lần làm việc ở Bern với Cục An ninh Thuỵ Sĩ, trong trụ sở Waisenhauspoatz của họ. Anh có bạn bè có thể giúp ích ở đó, nhưng những chl thị đối với anh là rõ ràng.

Khó hiểu, nhưng rõ ràng. Phải mất mười lăm phút gọi điện thoại Robert mới tìm ra được cái gara đã chữa xe của tay thợ ảnh kia. Đó là một xưởng nhỏ ở Fribourgstrasse, và người thợ máy, Fritz Mandel, cũng đồng thời là ông chủ. Mandel có lẽ vào cuối tuổi bốn mươi, với một khuôn mặt dễ sợ, đầy mụn trứng cá, một thân hình gầy gò và một cái bụng phệ ra vì bia. Khi Robert đến, ông ta đang làm việc trong cái kho chứa dầu mỡ.

- Xin chào, - Robert lên tiếng.

Mandel ngẩng lên.

- Xin chào. Tôi có thể làm gì cho ông?

- Tôi quan tâm tới một chiếc xe mà ông đã mang về đây hôm chủ nhật.

- Đợi một chút, để tôi làm xong cái nầy đã.

Mười phút sau, Mandel chui ra và chùi hai bàn tay đầy dầu mỡ vào một cái giẻ bẩn thỉu.

- Chính ông là người đã gọi điện sáng nay? Có chuyện phàn nàn về việc ấy à? - Mandel hỏi. - Tôi không chịu trách nhiệm về...

- Không, - Robert đảm bảo với ông ta. - Không có gì cả. Tôi đang tiến hành một điều tra và tôi quan tâm tới người lái chiếc xe đó.

- Mời vào văn phòng!

Hai người đi vào một văn phòng nhỏ và Mandel mở một tủ đựng giấy tờ.

- Ông nói chủ nhật trước à?

- Đúng vậy.

Mandel lấy ra một tấm các.

- À! Cái tay đã chụp tấm hình trước cái vật thể bay lạ đó chứ gì.

Hai bàn tay Robert chợt ướt đẫm mồ hôi.

- Ông đã nhìn thấy cái vật thể bay lạ đó à?

- Phải. Tôi gần như chết lặng.

- Ông có thể mô tả lại không?

Mandel nhún vai.

- Nó - nó dường như đang hoạt động.

- Ông nói gì cơ?

- Ý tôi nói, có một thứ ánh sáng quanh nó. Nó liên tục thay đổi màu sắc. Nó có màu xanh da trời... rồi xanh lục trong không biết. Rất khó mô tả. Và có những sinh vật nhỏ bé trong đó. Không phải là con người, nhưng... - Ông ta ngừng bặt.

- Bao nhiêu?

- Hai.

- Họ còn sống không?

- Tôi thấy họ như đã chết. - Ông ta nhíu mầy. - Tôi sung sướng là ông đã tin tôi. Tôi đã nói với bạn bè, song họ đều cười nhạo tôi. Ngay cả vợ tôi cũng nghĩ là tôi đã say. Nhưng mà tôi biết tôi đã nhìn thấy gì chứ.

- Về cái xe mà ông đã kéo đi... - Robert nói.

- À. Chiếc Renault. Nó bị chảy dầu và những đệm lót bị cháy. Việc kéo nó đi phải trả một trăm hai mươi lăm francs. Chủ nhật, tôi tính gấp đôi.

- Người lái xe trả bằng séc hay thẻ tín dụng hả?

- Tôi không nhận séc cũng như thẻ tín dụng. Anh ta trả bằng tiền mặt.

- Francs Thuỵ Sĩ chứ?

- Đồng bảng.

- Ông có chắc không?

- Chắc. Tôi nhớ là đã phải kiểm tra tỉ giá hối đoái mà.

- Ông Mandel, ông có tình cờ biết gì về cái biển số của chiếc xe đó không?

- Tất nhiên. - Mandel liếc nhìn tấm các. - Đó là một chiếc xe đi thuê. Avis. Anh ta thuê nó ở Geneva.

- Ông có thể cho tôi cái số xe đó không?

- Được có gì đâu? Ông ta viết những con số lên một mẩu giấy và trao nó cho Robert. - Mà có chuyện gì vậy? Cái vật thể bay lạ kia à?

- Không, - Robert nói với một giọng chân thành nhất. Anh móc ví và lấy ra một tấm thẻ chứng minh. - Tôi ở IAC, Câu lạc bộ ô tô Quốc tế. Hãng của tôi đang làm một nghiên cứu điều tra về những xe kéo.

- Ồ.

***

Robert rời khỏi cái gara, trong lòng bàng hoàng.

Có vẻ như chúng ta có trong tay một vật thể bay lạ khốn kiếp và hai sinh vật lạ chết trên đó. Vậy thì tại sao tướng Hilliard nói dối anh khi mà ông ta biết Robert sẽ phát hiện rằng đó là một chiếc đĩa bay bị đâm xuống đất?

Chỉ có thể có một lời giải thích, và đột nhiên Robert cảm thấy rùng mình ớn lạnh.

Chiếc phi thuyền mẹ khổng lộ lặng lẽ treo lơ lửng trong khoảng không gian vũ trụ tối sẫm, dường như bất động, đang di chuyển với tốc độ hai mươi hai nghìn dặm một giờ, đồng bộ một cách chính xác với quỹ đạo của trái đất. Sáu sinh vật lạ ở trên phi thuyền đang chăm chú lên chiếc màn hình quang học có thị trường ba chiều chiếm cả một bức tường của phi thuyền.

Trên màn hình, trong khi hành tinh trái đất quay, họ theo dõi những hình ảnh tự động hiện lên về những gì ở phía dưới đồng thời một máy quang phổ điện tử phân tích về thành phần hoá học của những hình ảnh vừa xuất hiện. Bầu khí quyển của những vùng đất mà họ đang bay qua bị ô nhiễm nặng nề. Những nhà máy lớn làm bẩn không khí với những khí thải độc hại, dầy và đen đặc trong khi những chất thải không thể bị phân huỷ nhờ vi khuẩn được đổ đầy những bãi thải và xuống biển.

Những sinh vật lạ nầy chìm xuống những đại dương, đã có thời hoang sơ và trong xanh, giờ đây đen ngòm vì dầu và nâu vàng vì những chất cặn bã. Mầu hồng rực của vùng Vách Chắn lớn đang ngả sang trắng nhợt và hàng tỉ con cá đang chết dần chết mòn. Nơi cây cối bị chặt hạ ở vùng rừng nhiệt đới Amazon giờ đây là một khoảng trống lớn, khô cằn. Những máy móc trên phi thuyền cho thấy nhiệt độ ở trái đất đã tăng lên kể từ cuộc thám hiểm trước của họ cách đây ba năm. Họ có thể nhìn thấy những cuộc chiến tranh đang được tiến hành trên trái đất phía dưới, phun thêm những chất độc mới vào bầu khí quyển.

Những sinh vật lạ nầy trao đổi với nhau bằng thần giao cách cảm.

- Con người trên trái đất đã không có gì thay đổi.

Thật đáng buồn. Họ đã không học được gì cả.

- Chúng ta sẽ dạy họ.

- Anh đã thứ liên lạc với những thành viên kia chưa?

- Rồi. Có chuyện trục trặc. Không có trả lời.

- Anh phải tiếp tục cố xem.

- Chúng ta phải tìm thấy con tàu.

Trên trái đất, phía dưới quỹ đạo của chiếc phi thuyền không gian kia hàng cây số Robert đã đặt một cú điện thoại cho tướng Hilliard từ một máy điện thoại an toàn. Dường như ông ta có mặt ở đầu dây ngay lập tức.

- Xin chào ông sĩ quan ông có gì để báo cáo không hả?

Có. Tôi muốn nói rằng ông là một thằng chó đẻ dối trá.

- Về quả bóng thám không đó, thưa ngài... hoá ra đó có thể là một vật thể bay lạ.

Anh chờ đợi.

- Phải, tôi biết. Có những lý do an ninh quan trọng mà tôi đã không thể nào nói hết với anh trước đó.

Cái trò hai mặt quan cách. Một thoáng im lặng.

Tướng Hilliard nói:

- Ông sĩ quan, tôi sắp nói với ông một điều tuyệt mật. Cách đây ba năm, chính phủ chúng ta đã phải đối mặt với những sinh vật lạ. Họ đã hạ cánh xuống một trong những căn cứ thuộc khối NATO của chúng ta. Chúng ta đã giao tiếp được với họ.

- Họ... họ đã nói gì ạ? - Robert cảm thấy tim mình đập rộn lên.

- Họ nói rằng có ý định tiêu diệt chúng ta.

- Tiêu diệt chúng ta ư? - Anh cảm thấy rùng mình.

- Đúng vậy. Họ nói sẽ trở lại để chiếm lấy hành tinh nầy và biến chúng ta thành nô lệ, và rằng chúng ta không có cách gì để ngăn cản họ được. Chưa có. Nhưng chúng ta đang tìm. Chính bởi vậy, điều khẩn cấp là chúng ta phải tránh nỗi kinh hoàng cho dân chúng và dành thêm thời gian. Tôi nghĩ là bây giờ thì ông có thể hiểu tầm quan trọng của việc không để các nhân chứng bàn luận về những gì họ đã nhìn thấy. Nếu chuyện về họ được tiết lộ ra thì đó sẽ là một thảm hoạ đối với thế giới.

- Ngài không nghĩ rằng tốt hơn là chuẩn bị cho dân chúng và...

- Ông sĩ quan, vào năm 1938, một bác sĩ trẻ tên là Orson Welles làm một vở kịch truyền thanh với cái tên "Chiến tranh giữa các hành tinh" về chuyện những sinh vật lạ xâm lăng trái đất nầy. Chỉ trong vòng ít phút, đã có một sự hoảng sợ trong các thành phố trên khắp nước Mỹ. Một bộ phận dân chúng quá khích đã tìm cách chạy trốn khỏi những kẻ xâm lăng tưởng tượng kia. Các đường liên lạc điện thoại bị nhiễu loạn, các xa lộ bị tắc nghẽn. Nhiều người bị chết. Tất cả trở nên rối loạn. Không, chúng ta phải tìm ra cách tiếp đón các sinh vật lạ kia trước khi công bố mọi chuyện. Chúng tôi muốn ông tìm ra những nhân chứng kia là để bảo vệ cho chính họ và để chúng ta có thể kiểm soát được tình hình.

- Vâng. Tôi... tôi hiểu. - Robert thấy mình đang toát mồ hôi.

- Tốt. Tôi cho rằng ông đã nói chuyện với một trong số các nhân chứng?

- Tôi đã tìm được hai trong số họ.

- Tên?

- Hans Beckerman. - Ông ta là người lái xe của chiếc xe bus du lịch theo tuyến đó. Ông ta sống ở Kapel...

- Và người thứ hai?

- Fritz Mandel. Anh ta có một cái gara ở Bern. Anh ta chính là người thợ máy đã kéo chiếc xe của nhân chứng thứ ba về xưởng.

- Tên của nhân chứng đó?

- Tôi chưa có. Tôi đang tìm kiếm. Ngài có muốn tôi nói chuyện với họ về việc cần thiết phải im lặng về cái vật thể bay lạ nầy không?

- Không. Nhiệm vụ của ông đơn thuần là tìm ra các nhân chứng. Sau đó, chúng ta sẽ để các chính phủ của họ lo chuyện với từng người. Ông đã biết có bao nhiêu nhân chứng chưa?

- Rồi. Bẩy hành khách cùng người lái xe, người thợ máy và một người đi ô tô ngang qua.

Ông phải tìm ra tất cả bọn họ. Từng người trong số mười nhân chứng đã mục kích vụ tại nạn. Rõ chưa?

- Rõ, thưa ngài.

Robert gác ống nghe, đầu óc rối bời. Những vật thể bay lạ là chuyện có thật. Những sinh vật xa lạ kia là những kẻ thù. Tướng Hilliard đã trao cho anh nhiệm vụ nầy nhưng đã không nói với anh tất cả. Họ còn giấu anh điều gì nữa không nhỉ?

***

Hãng cho thuê xe hơi Avis đặt ở số 44 phố Lausanne ở trung tâm Geneva. Robert xồng xộc đi vào và tiến tới trước một phụ nữ đang ngồi sau bàn.

- Tôi có thể giúp ông chứ?

Robert ném mẩu giấy với số biển kiểm soát của chiếc xe Renault được viết trên đó.

- Tuần trước, hãng cô đã cho thuê chiếc xe nầy. - Tôi muốn biết tên cái người đã thuê nó. - Giọng anh đầy tức giận.

Cô nhân viên rúm người lại.

- Tôi xin lỗi, chúng tôi không được phép đưa ra các thông tin đó.

- Ồ, thế thì thật là quá tại hại, - Robert cáu kỉnh - bởi vì trong trường hợp đó, tôi sẽ phải kiện hãng của cô để đòi một khoản tiền lớn.

- Tôi không hiểu. Có chuyện gì vậy?

- Tôi sẽ nói cho cô nghe có chuyện gì, cô gái. Chủ nhật tuần trước chiếc xe nầy đã đâm vào tôi trên xa lộ và làm xe tôi hỏng nặng. Tôi đã ghi lại được số xe của hắn ta, nhưng hắn thì lái xe chạy mất trước khi tôi có thể giữ được hắn.

- Tôi hiểu rồi. - Cô nhân viên nhìn Robert trong giây lát. - Xin lỗi một chút. - Cô biến mất vào trong một căn phòng phía sau. Mấy phút sau cô quay lại, mang theo một hồ sơ. - Theo hồ sơ của chúng tôi, có một trục trặc với động cơ của chiếc xe nầy, nhưng không có báo cáo về bất kỳ một tai nạn nào.

- Ồ thì bây giờ tôi đang báo cáo đây thôi. Và tôi cho rằng hãng của cô phải chịu trách nhiệm về chuyện nầy. Các cô sẽ phải trả tiền sửa xe cho tôi. Đó là một chiếc xe Porsche mới tinh, và nó sẽ làm cho các cô mất một đống tiền...

- Tôi rất lấy làm tiếc, thưa ông, nhưng do không được báo về vụ tai nạn nên chúng tôi không thể chịu bất kỳ trách nhiệm gì.

- Nầy, - Robert nói bằng một giọng dịu hơn. - Tôi muốn thật công bằng. Tôi không muốn hãng của cô phải chịu trách nhiệm. Tất cả những gì tôi muốn là cái thằng cha kia phải trả tiền cho những hư hỏng mà hắn đã gây ra cho cái xe của tôi. Đó là cái trò gây chuyện rồi bỏ chạy. Thậm chí tôi có thể báo cảnh sát về chuyện nầy. Nếu cô cho tôi biết tên và địa chỉ hắn ta, tôi sẽ nói chuyện trực tiếp với hắn và chúng tôi có thể giải quyết với nhau mà không mắc mớ gì đến hãng nầy. Như thế đã công bằng chưa nào?

Cô nhân viên ngẫm nghĩ.

- Được. Chúng tôi hẳn là muốn vậy hơn. - Cô nhìn xuống cặp hồ sơ trong tay và nói. - Tên của người thuê xe là Leslie Mothershed.

- Còn địa chỉ?

- 213 A đường Grove, Whitechapel, London, khu 3 Đông. - Cô ngước lên. - Ông chắc chắn là hãng chúng tôi không dính vào chuyện kiện tụng chứ hả?

- Tôi hứa với cô như vậy, - Robert cam đoan. - Đây là chuyện riêng giữa Leslie Mothershed và tôi.

Robert Bellamy có mặt trên chuyến bay đầu tiên đi London.

***

Ông ta ngồi một mình trong bóng tối, tập trung và thận trọng rà lại từng giai đoạn của bản kế hoạch đề tin chắc rằng không có một kẽ hở nào, không thể có trục trặc gì. Những ý nghĩ của ông ta bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại dịu dàng.

- Janus đây.

- Janus. Tướng Hilliard.

- Nói đi.

- Sĩ quan Bellamy đã phát hiện hai nhân chứng đầu tiên.

- Rất tốt. Lo việc đó ngay đi.

- Thưa ngài, vâng.

- Hiện giờ ông sĩ quan đang ở đâu?

- Trên đường đi London. Ông ta sẽ sớm xác định được người thứ ba.

- Tôi sẽ báo cho Uỷ ban về những kết quả của ông ta. Hãy tiếp tục báo cho tôi biết tình hình. Tình trạng của chiến dịch nầy vẫn là khẩn cấp.

- Thưa ngài, tôi hiểu. Tôi đề nghị...

Đường liên lạc bị cắt.

Điện khẩn.

Tối mật.

NSA gửi Giám đốc Bundesanwaltschaft.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

1. Hans Beckerman - Kapel.

2. Fritz Manael - Bern.

Hết.

Vào lúc nửa đêm, trong một trang trại nhỏ cách Uctendort mười lăm dặm, gia đình Lagenfeld bị khuấy động bởi một chuỗi các hiện tượng lạ. Đứa con lớn thức giấc bởi một luồng ánh sáng màu vàng nhạt chiếu qua cửa sổ phòng ngủ. Khi cậu ta trở dậy để xem chuyện gì thì luồng ánh sáng biến mất.

Ở ngoài sân, Tozzi, con chó săn giống Đức, bắt đầu sủa vang giận dữ, đánh thức ông già Lagenfeld.

Ông chủ trại miễn cưỡng rời khỏi giường để nạt con vật thôi sủa, và khi vừa bước ra ngoài thì nghe tiếng bầy cừu hoảng hot trong chuồng, tìm cách thoát ra.

Khi đi qua cái máng ăn vốn đầy nước do trời mới mưa, ông thấy rằng cái máng khô khốc.

Và đúng lúc đó, tất cả đèn trong nhà vụt tắt. Khi ông chủ trại trở vào nhà và nhấc điện thoại để gọi bảo sở điện lực thì thấy đường dây bị cắt rồi.

Nếu như điện còn sáng thêm một vài giây thì ông chủ trại có thể đã trông thấy một phụ nữ đẹp một cách kỳ lạ từ khu sân trại của ông đi ra phía ngoài đồng.

Cục Tình báo - Geneva

13 giờ 00.

Vị bộ trưởng ngồi trong cán phòng nằm lọt ở trung tâm của toà nhà trụ sở Cục Tình báo Thuỵ Sĩ, nhìn viên phó giám đốc đang đọc nốt bức điện.

Rồi ông ta thu nó về, bỏ vào trong cái cặp hồ sơ có đánh dấu Tuyệt mật, cất cái cặp vào trong ngàn kéo bàn và khoá lại.

- Hans Beckerman và Fritz Mandel.

- Phải.

Không có vấn đề gì; thưa ngài bộ trưởng. Chuyện nầy sẽ được lo liệu chu tất.

- Tốt.

- Sao ạ?

- Thủ tiêu. Ngay lập tức.

***

Sáng ngày hôm sau, trên đường đi làm, Hans Beckerman lại bị cái bụng của ông ta hành hạ. Lẽ ra mình phải bắt cái thằng cha phóng viên kia xì tiền cho cái vật mà mình đã nhặt được. Tất cả những tờ tạp chí nầy đều lắm tiền cả. Có thể mình đã kiếm được vài trăm đồng mác. Và như vậy mình đã có thể đến một bác sĩ tử tế để chữa cái bụng của mình.

Đang lái xe chạy ngang hồ Turler thì phía trước, bên lề xa lộ, ông ta thấy một người phụ nữ vẫy xin đi nhờ. Beckerman cho xe chạy chậm lại để có thể nhìn người phụ nữ rõ hơn. Cô ta trẻ trung và trông thật hấp dẫn. Ông ta dừng xe lại bên lề đường. Cô gái tiến lại bên xe.

- Xin chào, - Beckerman nói - Tôi có thể giúp cô chứ?

Ở gần, trông cô ta còn xinh đẹp hơn.

- Cảm ơn. - Cô ta có giọng Thuỵ Sĩ. - Em cãi cọ với người bạn trai của em, và anh ta đã ném em xuống đây, giữa nơi đồng không mông quạnh nầy.

- Chà, chà. Thật là tồi tệ.

- Ông không phiền lòng cho em đi nhờ xe tới Zurich chứ?

- Có gì đâu. Vào đi, vào đi!

Cô gái mở cửa và vào ngồi cạnh Hans.

- Ông thật tốt bụng, - Cô ta nói. - Tên em là Karen.

- Hans. - Ông ta cho xe chuyển bánh.

- Em không biết em sẽ xoay sở thế nào nếu không có ông, Hans ạ.

- Ồ tôi chắc là sẽ không ai không dừng xe một cô gái xinh đẹp như cô.

Cô xích lại gần ông ta hơn.

Nhưng em chắc rằng người đó sẽ không đẹp trai như ông đâu.

- Thế hả? - Ông ta đưa mắt nhìn sang.

- Em nghĩ là ông thật đẹp trai.

- Cô nên nói như vậy với vợ tôi. - Ông ta mỉm cười.

- Ồ, ông có vợ à. - Cô gái tỏ vẻ thất vọng. - Sao tất cả những người đàn ông tuyệt vời thì đều có vợ rồi nhỉ? Mà trông ông cũng thông minh nữa.

Ông ta ngồi thẳng người thêm chút nữa.

- Nói thật với ông là em rất lấy làm tiếc vì đã dính dáng với cái người bạn trai kia của em. - Cô ta cọ quậy người trên ghế và chiếc váy ngắn hếch lên tới ngang đùi. Hans cố không đưa mắt nhìn. - Em thich những người đàn ông đứng tuổi, chín chắn, Hans ạ. Em thấy họ gợi tình hơn so với những người trẻ tuổi. Cô ta cọ người vào ông. - Hans, ông có thích chuyện tình dục không?

Ông ta hắng giọng.

- Tôi à? Ồ cô biết đấy tôi là một thằng đàn ông mà...

- Em có thể thây điều đó, - Cô ta đáp và vuốt ve đùi Beckerman. - Em có thể nói với ông thế nầy không nhỉ? Rằng cái cuộc cãi vã với người bạn trai đã làm cho em hứng tình đấy. Ông có muốn làm tình với em không?

Hans đã không thể nào tin được ở vận may của mình. Cô ta thật xinh đẹp và từ những gì ông ta có thề nhìn thấy thì hắn cô ta phải có một tấm thân rất quyến rũ. Ông ta nuốt nước bọt.

- Tôi muốn, nhưng mà tôi đang trên đường đi làm và...

- Sẽ chỉ mất it phút thôi mà. - Cô ta mỉm cười. - Phía trước mặt có một con đường nhánh dẫn vào rừng. Sao chúng ta lại không dừng lại... ở đó nhỉ?

Ông ta cảm thấy bị kích thích. Mẹ kiếp. Đến lúc mà mình nói chuyện với đám đàn ông ở sở chuyện nầy. Họ sẽ không bao giờ tin mất.

- Được thôi. Sao lại không nhỉ? - Hans cho xe rời khỏi xa lộ và chạy theo con đường nhỏ bụi bặm dẫn vào một cánh rừng mà ở đó những chiếc xe chạy ngang không thể nhìn thấy họ.

Cô ả lần tay người lên đùi ông ta:

- Lạy Chúa, ông có cặp chân thật khoẻ mạnh.

- Hồi trẻ, tôi là một vận động viên điền kinh mà, - Beckerman khoác lác.

- Em cởi quần ông ra nhé. - Cô ta cởi chiếc thắt lưng và rồi giúp Hans tụt quần xuống. Ông ta đã cương cứng.

- A, thật là to. - Cô ta bắt đầu ve vuốt nó.

- Hãy ngậm nó vào miệng. - Ông ta rên rỉ.

- Ông thích được hôn ở chỗ đó phải không?

- Phải.

Vợ ông ta không bao giờ làm như vậy cả.

- Vâng. Ông cứ thoải mái.

Beckerman thở mạnh và nhắm mắt lại. Hai bàn tay mềm mại của cô ta đang vuốt ve cái vật giống đực của ông ta. Hans cảm thấy như có một mũi kim châm vào đùi và mở choàng mắt ra. "Cái gì...?"

Toàn thân ông ta cứng đờ, mắt trợn lên. Cổ ông ta tắc nghẹn và không thể nào thở được. Người phụ nữ nhìn ông ta sụp xuống trên tay lái. Cô ta ra khỏi xe và đẩy cái xác chết sang ghế bên, rồi ngồi vào sau tay lái, cho xe chạy trở lại xa lộ. Tới rìa một đoạn đường vắng bóng xe cộ, cô ta mở cửa xe, giậm ga và khi chiếc xe bắt đầu trườn về phía trước thì lao ra ngoài, rồi đứng nhìn chiếc xe lộn xuống bờ dốc dựng đứng. Năm phút sau, một chiếc xe hơi sang trọng màu đen dừng lại bên cạnh cô ta.

- Có gì trục trặc không.

- Không.

***

Fritz Mandel đang ở trong văn phòng, sắp đóng cửa gara thì hai người đàn ông bước vào.

- Xin lỗi, - anh ta nói, - tôi đang chuẩn bị đóng cửa rồi. Tôi không thể...

Một trong hai người kia cắt ngang.

- Xe chúng tôi chết trên xa lộ. Chúng tôi muốn kéo nó đi.

- Vợ con tôi đang đợi. Chúng tôi có việc tối nay.

- Tôi có thể cho các ông tên một...

- Chúng tôi sẵn sàng trả hai trăm đôla. Chúng tôi đang vội.

- Hai trăm đôla?

- Đúng thế. Và chiếc xe của chúng tôi cũng bị hỏng nặng. Chúng tôi muốn anh sửa chữa nó. Điều đó có thể là chúng tôi sẽ phải trả thêm hai hoặc ba trăm đôla nữa.

- Thé hả? - Mandel trở nên quan tâm hơn.

- Đó là một chiếc Rolls, - một trong hai người đàn ông kia nói. - Hãy cho chúng tôi xem ông có những thiết bị gì ở đây mới được. - Họ, bước vào trong khu xưởng và đứng bên kho dầu mỡ. - Trang thiết bị tốt đấy.

- Thưa ông, vâng! - Mandel hãnh diện nói. - Toàn thứ tốt nhất.

Người lạ mặt móc ví ra.

- Đây. Tôi có thể trả ông trước một chút. - Anh ta lấy ra mấy tờ giấy bạc và trao nó cho Mandel. Khỉ anh ta đưa tay ra, chiếc ví tuột khỏi tay và rơi vào trong thùng mỡ.

- Chết rồi. - Đừng lo. - Mandel nói. - Tôi sẽ lấy lên.

- Anh ta nhoài vào trong thùng. Đúng lúc đó, một trong hai người đàn ông kia bước lại bên cái nút bấm dùng để điều khiển chiếc máy nâng thuỷ lực và ấn nút. Chiếc bàn nâng bắt đầu hạ xuống.

- Cẩn thận. Ông đang làm gì đấy? - Mandel nhìn lên.

Anh ta định trèo lên. Khi những ngón tay anh ta vừa bám lên thành, người đàn ông thứ hai dùng chân đạp nghiến lên và Mandel kêu lên đau đớn, rơi xuống.

Chiếc bàn nâng thuỷ lực nặng trịch vẫn lạnh lùng hạ xuống phía trên đầu anh ta.

- Hãy cho tôi ra. - Anh ta kêu gào. - Cứu tôi với!

Chiếc bàn nâng đã chạm vào vai và bắt đầu ép anh ta xuống dưới sàn. Vài phút sau, khi những tiếng la thét đã chấm dứt, một trong hai ngựời đàn ông kia bấm nút nâng chiếc bàn nâng lên. Người đồng hành của anh ta cúi xuống nhặt lấy cái ví, thận trọng không để máu giây vào quần áo. Hai người đàn ông quay ra và cho xe chạy biến vào trong màn đêm.

Điện khẩn.

Tối mật.

Cục Tình báo Thuỵ Sĩ gửi Phó giám đốc NSA.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

1. Hans Beckerman đã bị thủ tiêu.

2. Fritz Manael đã bị thủ tiêu.

Hết.

Ottawa, Canada.

24 giờ 00.

Janus đang phát biểu trước nhóm mười hai thành viên.

- Đang có những tiến bộ đáng hài lòng. Hai trong số các nhân chứng đã được bịt miệng. Sĩ quan Bellamy đaag bám theo người thứ ba.

- Đã có bước đột phá nầy trong Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) chưa? - Người Italia. Dữ dội. Không kiên nhẫn.

- Chưa, nhưng chúng tôi tin rằng kỹ thuật Chiến tranh giữa các hành tinh sẽ được hoàn thiện và sớm phát huy tác dụng.

Chúng ta phải làm mọi việc có thể được để đẩy nhanh nó. Nếu có chuyện tiền bạc thì... - Người Arập. Bí ẩn. Dè dặt.

- Không. Chỉ còn phải thử nghiệm thêm mà thôi.

- Cuộc thử sắp tới sẽ diễn ra khi nào? Người Autralia. Nhiệt tình. Thông minh.

Một tuần nữa. Chúng ta sẽ gặp lại ở đây sau 48 giờ.

Ngày thứ tư - London.

Thứ năm, ngày 18 tháng Mười.

Leslie Mothershed có thần tượng là Robin Leach. Là một người ham mê chương trình "Phong cách của những người giàu có và nổi tiếng", Mothershed chăm chú theo dõi cách đi đứng, ăn mặc và nói năng của những vị khách của Robin Leach, bởi vì anh ta tin rằng một ngày nào đó, mình cũng sẽ xuất hiện trên chương trình nầy. Từ khi còn là một cậu bé, anh ta đã cảm thấy rằng số mệnh của mình là phải trở thành một nhân vật nào đó, giàu và nổi tiếng.

- Con là người rất đặc biệt đấy, - mẹ anh ta vẫn thường nói. - Con của mẹ rồi đây sẽ nổi tiếng khắp thế giới.

Cậu bé con thường đi ngủ với lời nói đó vang vang trong tai cho đến khi cậu ta thực sự tin là như thế.

Khi lớn lên, Mothelshed biết rằng mình có những khó khăn: Cậu ta không hề biết rõ mình sẽ trở nên nổi tiếng và giàu có bằng cách nào. Một dạo, Mothershed ám ảnh với ý nghĩ sẽ trở thành một ngôi sao màn bạc, thế nhưng cậu ta lại có tính nhút nhát khác thường. Cũng đã thoáng thèm muốn trở thành một ngôi sao bóng đá, nhưng cậu ta lại không phải là một vận động viên. Rồi lại nghĩ tới việc trở thành một khoa học gia nổi tiếng, hay một luật gia vĩ đại, có trong tay những ngân khoản khổng lồ. Thật không may, học lực của cậu ta vào loại xoàng và rồi cậu ta rời ghế nhà trường mà cũng không gần hơn được chút nào với ước vọng. Đơn giản là cuộc sống nầy không công bằng. Về mặt thể lực, trông cậu thật thiếu cảm tình, gầy, với nước da xanh nhợt, ốm yếu và cậu thấp choằn, chỉ có một mét sáu lẻ một chút. Mothershed luôn nhấn mạnh tới cái chỗ lẻ ấy. Cậu tự an ủi mình với một thực tế là những người nổi tiếng đều có khổ người thấp: Napoléon, Dudley Moore, Dustin Hoffman, Peter Falk...

Nghề duy nhất thực sự làm cho Leslie Mothershed thấy thích thú là chụp ảnh. Song nó thật là đơn giản. Ai cũng có thể làm được. Người ta chỉ cần ấn cái nút.

Mẹ cậu đã mua cho cậu một cái máy ảnh nhân sinh nhật lần thứ sáu của cậu và đã không tiếc lời ngợi ca những tấm ảnh mà cậu chụp được. Khi lên mười, Mothershed đã tin rằng cậu là một nhà nhiếp ảnh sáng giá. Cậu tự nhủ rằng mình hoàn toàn có tài như Ansel Adams, Richard Avedon, hay Margaret Bourke White. Với một khoản cho vay của bà mẹ, Leshe Mothershed đã mở một hiệu ánh ngay trong cái căn hộ ở Whitechpel của mình.

- Hãy bắt đầu bằng việc nhỏ, - bà mẹ nói, - nhưng nghĩ lớn. Và đó chính là điều Leslie đã làm. Anh ta bắt đầu rất nhỏ và nghĩ thì rất lớn, nhưng thật không may là anh ta không hề có tài năng nhiếp ảnh. Anh ta chụp những cuộc diễu hành, những con vật, những bông hoa và tin tưởng gửi chúng cho tất cả các tờ báo và tạp chí, và chúng luôn luôn bị gửi trả. Mothershed tự an ủi mình rằng tất cả những thiên tài đều đã bị phản bác trước khi tài năng của họ được công nhận. Anh ta tự cho mình là một kẻ tử vì đạo trước chủ nghĩa vật chất tầm thường.

Và rồi, từ trên trời cơ hội lớn cho anh ta đã tới. Người anh em họ của bà mẹ anh ta, làm việc cho hãng xuất bản Anh Harper Collins, tiết lộ vớí Mothershed rằng họ đang chuẩn bị làm một cuốn sách nhỏ giới thiệu về Thuỵ Sĩ.

- Lislie, họ vẫn chưa chọn được người nhiếp ảnh vậy cháu nên sang Thuỵ Sĩ ngay đi và mang về vài tấm ảnh có tầm cỡ thì cuốn sách nầy có thể sẽ là của cháu.

Lislie Mothershed vội vã thu xếp hành trang và lên đường đi Thuỵ Sĩ. Anh ta biết, một cách thật sự, rằng đây chính là cơ hội mà anh ta đã tìm kiếm. Cuối cùng thì những kẻ ngu ngốc cũng sắp phải công nhận một tài năng. Anh ta thuê một chiếc xe ở Geneva và đi khắp nơi chụp hình những ngôi nhà gỗ kiểu Thuỵ Sĩ, những thác nước, và những đỉnh núi cao tuyết phủ. Anh ta chụp cảnh hoàng hôn, bình minh và cảnh những người nông dân đang làm việc trên những cánh đồng.

Và rồi, giữa những thứ đó, số mệnh đã can thiệp và thay đổi cuộc sống của anh ta. Trên đường đến Bern, động cơ xe của anh ta bị hỏng. Anh ta dừng xe lại bên lề đường, bực tức. Vì sao lại là mình? Anh ta ngồi đó, cáu kỉnh, tiếc cho thời gian bị mất và món tiền phải trả để kéo xe đi sửa. Mothershed rền rĩ, vì sao những chuyện nầy luôn xảy ra với mình nhỉ? Phía sau anh ta mười lăm kilômét là làng Thun. Mình sẽ gọi xe kéo ở đó, Mothershed nghĩ. Như vậy thì không đến nỗi quá đắt.

- Anh ta vẫy một chiếc xe chở dầu chạy ngang.

- Tôi cần một cái xe kéo, - Mothershed giải thích. - Anh có thể dừng lại một cái gara nào đó ở Thun và bảo họ đến đây hộ tôi được không?

Người lái chiếc xe bồn lắc đầu.

- Hôm nay là chủ nhật anh bạn ạ. Gara gần nhất có thể vẫn làm việc sẽ phải là Bern.

- Bern à? Từ đây đến đó phải năm chục kilômét.

- Tôi sẽ phải trả cả đống tiền mất.

Người lái xe bồn mỉm cười.

- Đúng thế. Ở đó họ sẽ tính giá làm ngày chủ nhật mà. - Và anh ta rồ ga chuẩn bị cho xe chạy.

- Gượm đã. - Nhà nhiếp ảnh khó khăn lắm mới thốt ra lời.

- Tôi sẽ trả tiền cho chiếc xe kéo từ Bern.

- Được Tôi sẽ bảo họ phái ai đó đến đây.

Lislie Mothershed ngồi buồn nản trong chiếc xe hỏng của mình. Tất cả những gì mình cần là thế nầy đây, anh ta cay đắng nghĩ. Anh ta đã chi quá nhiều tiền để mua phim và bây giờ lại sẽ phải trả tiền cho một thằng ăn cắp nào đó để kéo chiếc xe nầy đi. Phải mất gần hai tiếng đồng hồ dài đằng đẵng, chiếc xe kéo mới đến. Khi người thợ máy bắt đầu móc sợi dây cáp từ chiếc xe tải vào chiếc xe của anh ta thì từ phía bên kia con đường có một vầng sáng loá, kèm theo là một tiếng nổ lớn, và Mothershed ngẩng lên, thấy một vật thể sáng loá rơi từ trên trời xuống. Chiếc xe duy nhất khác trên xa lộ lúc bấy giờ là một chiếc bus du lịch, và nó dừng lại sau chiếc xe của Lislie. Hành khách trên chiếc xe bus vội vã chạy về phía xảy ra vụ tai nạn. Mothershed lưỡng lự, giằng xé giữa tính tò mò và việc muốn tiếp tục lên đường. Anh ta quay người và đi theo những hành khách của chiếc xe bus.

Khi đến nơi xảy ra sự cố, anh ta đứng đó chết lặng.

Lạy Chúa, anh ta nghĩ, đó không phải là sự thật. Anh ta nhìn chằm chằm vào chiếc đĩa bay... Lislie Mothershed đã nghe chuyện về những vật thể lạ và đã đọc về chúng, nhưng chưa bao giờ anh ta tin rằng chúng có thật.

Anh ta há hốc mồm, kinh hãi trước cái cảnh tượng kỳ quáỉ. Vỏ chiếc đĩa bay đã bị tung ra, và anh ta có thể thấy hai cái xác ở trong đó, nhỏ thó, với những cái đầu to, mắt trũng, không có tai và gần như không có cằm. Họ có vẻ như đang mặc những bộ quần áo bằng kim loại màu bạc.

Nhóm du khách chung quanh anh ta đứng nhìn trong sự im lặng ghê sợ. Người đàn ông đứng cạnh anh ta ngất xỉu. Một người đàn ông khác quay đi và nôn mửa. Một tu sĩ có tuổi nắm chặt lấy chuỗi hạt và cứ lảm nhảm điều gì đó.

- Lạy Chúa, - ai đó nói. - Đó là một cái đĩa bay.

Và đối với Mothershed thì đó chính là lúc Chúa hiện hình. Một điều kỳ diệu đã rơi ngày vào trong lòng anh ta. Anh ta, Lislie Mothershed, đã có mặt tại chỗ, với máy ảnh, để ghi lại câu chuyện thế kỷ nầy.

Không một tờ báo hay tạp chí nào trên thế giới nầy lại bác tấm hình mà anh ta sắp chụp. Một cuốn sách nhỏ giới thiệu về Thuỵ Sĩ ư? Thiếu chút nữa thì anh ta cười váng lên với cái ý nghĩ đó. Anh ta sắp làm cho cả thế giới phải ngạc nhiên. Tất cả các chương trình của Robin Leach đầu tiên. Anh ta sẽ bán những tấm hình của mình cho các tờ London Times, Sun, Mail, Mirror - Cho tất cả các báo cht tiếng Anh và cho cả các báo chí nước ngoài nữa - Le Figaro và Paris Match, Oggi và Der, Tag, Time và USA Today. Báo chí khắp nơi sẽ năn nỉ để có được những tấm ảnh của anh ta. Nhật Bản và Nam Phi, Nga và Trung Quốc và không biết nhưng đâu nữa. Mothershed thấy tim mình đập rộn lên vì quá hồi hộp. Mình sẽ không cho ké nào được độc quyền cả. Từng tờ báo sẽ phải trả tiền trực tiếp cho mình. Mình sẽ bắt đầu với giá một trăm nghìn bảng một tấm, có thể là hai trăm ngàn. Và mình sẽ bán đi bán lại. Anh ta bắt đầu sốt sắng nhẩm tính số tiền sắp sửa thu được.

Lislie Mothershed mải mê với tương lai may mắn của anh ta đến mức suýt quên cả việc chụp ảnh.

- Ôi lạy Chúa. Xin lỗi, - anh ta nói, không biết là với ai nữa, và chạy như bay trở lại xe để lấy bộ độ nghề chụp ảnh.

Người thợ máy đã nâng bổng một đầu chiếc xe hỏng lên và sẳn sàng kéo nó đi.

- Chuyện gì đang xảy ra ở đó thế? - Anh ta hỏi.

- Hãy lại đó mà xem. - Mothershed đáp.

Hai người chạy ngang qua đường về phía cánh rừng, và Mothershed chen qua đám du khách.

- Xin lỗi, xin lỗi.

- Anh ta điều chỉnh ống kính máy ảnh và bắt đầu chụp cái vật thể bay lạ kia với những hành khách kỳ dị của nó. Mỗi khi tiếng máy kêu tạch, Mothershed lại nghĩ, Một triệu bảng... một triệu bảng nữa... một triệu bảng nữa.

Vị tu sĩ bước qua chỗ anh ta và nói:

- Đó là gương mặt của quỷ Satăng.

Satăng, mẹ kiếp, Mothershed hào hứng nghĩ. Đó là gương mặt cửa tiền bạc. Đây sẽ là những bức ảnh đầu tiên chứng tỏ rằng thật sự có tồn tại những đĩa bay. Và rồi, đột nhiên, một ý nghĩa khủng khiếp nảy ra trong đầu anh ta. Nếu những tờ tạp chí chết tiệt kia cho rằng những tấm ảnh là giả thì sao? Đã có hàng đống những tâm ảnh giả về những vật thể bay lạ. Cơn hào hứng của anh ta biến mất. Nếu như họ không tin mình thì sao? Và đó là lúc Lislie Mothershed chợt có một ý nghĩ khác.

Có chín nhân chứng đang đứng xung quanh anh ta. Dù chỉ là vô tình, họ sẽ xác nhận tính chân thực cho phát hiện của anh ta.

Mothershed quay lại trước nhóm du khách.

- Thưa quý bà và quý ông, - anh ta nói to. - Nếu tất cả quý vị muốn có ảnh của mình được chụp ở đây, xin đứng thành hàng và tôi vui lòng được gửi cho mỗi vị một tấm, tặng không thôi.

Những tiếng kêu lên vui vẻ. Chỉ trong tích tắc, các du khách trên chiếc xe bus, trừ vị tu sĩ, đã đứng thành hàng bên cạnh xác của chiếc vật thể bay kia. Vị tu sĩ đầy vẻ ái ngại. Ông ta nói:

- Tôi không thể, đó là quỷ dữ.

Mothershed cần vị tu sĩ. Ông ta sẽ là nhân chứng có sức thuyết phục nhất trong tất cả.

- Đó chính là vấn đề, - Mothershed cố thuyết phục. - Cha không thấy sao? Đây chính là lời chứng của cha về sự tồn tại của quỷ dữ.

Và sau cùng thì vị tu sĩ đã bị thuyết phục.

- Đứng giãn ra một chút, - Mothershed yêu cầu, - để chúng ta còn có thể nhìn thấy cái đĩa bay chứ.

Các nhân chứng sửa lại chỗ đứng.

- Được rồi. Rất tốt. Tuyệt. Giữ nguyên thế nhé, nào.

- Anh ta chụp khoảng nửa tá ảnh nữa và lấy ra một cái bút chì và một mẩu giấy.

- Nếu như các vị ghi tên và địa chỉ lại, tôi sẽ lo để mỗi vị nhận được một tấm ảnh.

Anh ta không có ý định gửi tấm ảnh nào đi cả đề mỗi vị nhận được một tấm ảnh. Tất cả những gì anh ta muốn chỉ là những nhân chứng để chứng thực mà thôi. Hãy để mặc những tờ báo và tạp chí chết tiệt kia lo chuyện đó.

Và rồi, đột nhiên, anh ta nhận thấy một vài người trong nhóm du khách kia cũng có máy ảnh. Anh ta không thể để cho ai nữa ngoài anh ta có những bức ảnh nầy. Chỉ có những tấm ảnh đề "Do Lislie Mothersheđ chụp" mới được tồn tại mà thôi.

- Xin lỗi, - anh ta nói với tất cả. - Những ai trong số quý vị có máy ảnh, nếu các vị muốn tôi sẽ chụp giúp để các vị có vài tấm trong máy của chính các vị.

Những chiếc máy ảnh được nhanh chóng trao cho Lishe. Khi anh ta quỳ xuống để lấy khuôn hình cho lần chụp đầu, không ai để ý thấy rằng Mothershed bật mở buồng phim và cứ để nó hở như thế. Thế, một chút ánh sáng mặt trời tươi đẹp nầy sẽ giúp cho nhưng tấm ảnh biến mất. Thật tệ, các bạn của tôi, nhưng chỉ có những người chuyên nghiệp mới được phép chớp lấy các cơ hội lịch sử của bọ.

Mười phút sau, Mothershed đã có tất cả tên và địa chỉ của đám khách du lịch. Anh ta nhìn chiếc đĩa bay một lần cuối và phấn khởi nghĩ: Mẹ nói thật đúng, mình sẽ trở nên giàu có và nổi tiếng.

Anh ta không thể nào đợi tới lúc quay trở về London để rửa những tấm ảnh quý giá kia.

***

- Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra thế nhỉ?

Suốt đêm, các đồn cảnh sát ở khu vực Uctendort ngập trong những cú điện thoại.

- Có kẻ nào đó cứ lảng vảng xung quanh nhà tôi...

- Có những thứ ánh sáng lạ phía bên ngoài...

- Đàn gia súc của tôi đang phát điên lên. Hẳn phải có những con sói đâu đây...

- Có ai đó làm khô kiệt máng nước của nhà tôi...

Và cú điện thoại khó giải thích trong số đó:

- Nầy, sếp, ngài nên phái nhiều xe kéo ra trục xa lộ chính ngay đi thôi. Một cơn ác mộng. Tất cả giao thông đã ngừng trệ.

- Cái gì hả? Vì sao?

- Không ai biết cả. Tất cả các động cơ xe đều chết đột ngột.

Đó là một đêm mà họ sẽ không bao giờ quên.

Nhiệm vụ nầy sẽ kéo dài bao lâu nhỉ? Robert nghĩ ngợi trong lúc buộc dây an toàn vào người trên chiếc ghế hạng nhất của hãng Hàng không Thuỵ Sĩ.

Khi chiếc máy bay lao trên đường băng, những chiếc động cơ Rolls - Royce khổng lồ của nó như uống lấy không khí của trời đêm, Robert thả lỏng người và nhắm mắt lại. Có phải mới chỉ cách đây vài năm mình đã đi cũng chuyến bay nầy, cùng với Susan sang London không nhỉ? Không. Có vẻ như đã cách đây cả một đời người rồi.

Chiếc máy bay hạ cánh xuống sân bay Heathrow lúc 6 giờ 29 phút chiểu theo đúng thời gian biểu. Robert ra khỏi đám đông và lên một chiếc tắcxi chạy vào thành phố. Anh nhìn hàng trăm cái mốc quen thuộc và như có thể nghe thấy tiếng Susan thích thú bình luận về chúng. Trong nhưng ngày tươi sáng ấy, việc họ ở đâu không bao giờ là một vấn đề. Đơn giản là họ ở bên nhau, thế là đủ. Họ mang theo bên mình hạnh phúc và những niềm hứng thú đặc biệt đối với nhau. Mối quan hệ của họ ]à một cuộc hôn nhân sẽ có một kết thúc vui sướng.

Gần như thế.

Những rắc rối của họ bắt đầu một cách thật tình cờ với một cú điện thoại của Đô đốc Whittaker khi Robert và Susan đang du ngoạn ở Thái Lan. Khi đó, Robert đã rời khỏi Hải quân được sáu tháng và không hề nói chuyện với vị Đô đốc trong suốt quãng thời gian đó. Cú điện thoại, gọi cho họ tại khách sạn Oriental ở Bangkok, là cả một sự ngạc nhiên.

- Robert hả? Đô đốc Whittaker.

- Thưa Đô đốc. Thật vui khi nghe thấy tiếng ngài.

- Không dễ gì tìm được anh đâu. Anh đang theo đuổi chuyện gì vậy hả?

- Không có gì nhiều. Nói một cách đơn giản là chúng tôi đang có một tuần trăng mật dài với nhau.

- Susan có khoẻ không? Mà là Susan chứ?

- Vâng. Cô ấy khoẻ, cảm ơn ngài.

- Anh phải mất bao lâu để trở về Washington hả?

- Ngài nói gì cơ ạ?

- Điều nầy chưa công bố, nhưng tôi đã được bổ nhiệm một chức vụ mới, Robert. Họ cứ tôi làm phó giám đốc Phòng 17 Tình báo hải quân. Tôi muốn anh cùng làm việc.

Robert giật mình.

- Tình báo hải quân ạ? Thưa Đô đốc, tôi không hề biết gì về...

- Anh có thể học. Anh sẽ làm một công việc rất hữu ích cho đất nước mình, Robert. Anh sẽ đến và bàn việc nầy với tôi chứ?

- Ồ.

- Tốt. Tôi sẽ chờ anh ở văn phòng của tôi vào ngày thứ hai, lúc 9 giờ 00. Cho tôi gửi lời chào tới Susan nhé.

Robert kể lại câu chuyện với Susan.

- Tình báo hải quân à? Có vẻ thú vị đấy.

- Có thể, - Robert nói vẻ nghi ngờ. - Anh không hề biết công việc thế nào.

- Thì anh phải tìm hiểu chứ.

Anh nhìn cô trong giây lát.

- Em muốn anh nhận phải không?

Cô quàng tay ôm lấy anh.

- Em muốn anh làm bất kỳ điều gì mà anh muốn làm. Em nghĩ là anh sẵn sàng trở lại với công việc. Em để ý thấy là trong mấy tuần vừa qua, anh đã trở nên bồn chồn.

- Anh nghĩ là em đang tìm cách vứt bỏ anh, - Robert trêu chọc. - Tuần trăng mật đã kết thúc rồi.

Susan kề đôi môi cô lại sát môi anh.

- Không bao giờ. Em chưa bao giờ nói với anh là em đến phát điên lên vì anh như thế nào hả, chàng thuỷ thủ? Để em cho anh thấy nhé...

Sau nầy nghĩ lại, khỉ đã quá muộn, Robert cho rằng đó chính là lúc bắt đầu của sự chấm dứt cuộc hôn nhân của họ. Lời đề nghị lúc đó có vẻ thật tuyệt vời và anh đã trở lại Washington để gặp Đô đốc Whittaker.

- Công việc nầy đòi hỏi trí tuệ, lòng dũng cảm, và sự sáng tạo, Robert ạ. Anh có cả ba thứ đó. Đất nước chúng ta đã trở thành mục tiêu của bất kỳ một chế độ độc tài tầm thường và nhỏ bé nào có thể nuôi dưỡng một nhóm khủng bố hoặc xây dựng một nhà máy chế tạo vũ khí hoá học. Một trong số các nước nầy đang tìm cách sản xuất bom nguyên tử để buộc chúng ta phải hối lộ họ. Công việc của tôi là xây dựng một mạng lướì tình báo để phát hiện chính xác họ đang làm gì và tìm cách ngăn chặn lại. Tôi muốn anh giúp đỡ.

Sau cùng, Robert đã chấp nhận công việc ở Tình báo hải quân, và chính anh cũng ngạc nhiên là anh thấy thích thú và hơn thế, có năng khiếu với nó. Susan tìm được một căn hộ tử tế ở Rosslyn, bang Virginia không xa nơi Robert làm việc, và vùi đầu vào việc mua sắm đồ đạc trong nhà. Robert đã được gửi đến Trang trại - trung tâm huấn luyện của CIA, dành cho những điệp viên hoạt động ngầm.

Nằm trong một khu vực được canh gác cẩn mật thuộc bang Virgineia, Trang trại chiếm một diện tích hai mươi dặm vuông, hầu hết được bao phủ bởi những rừng thông cao vút, với những toà nhà chính nằm trong một khu quang đãng rộng mười mẫu và cách cổng chính hai dặm. Những con đường đất toả ra qua những cánh rừng, với những barie chắn ngang và những tấm biển Miễn vào đặt ở mọi nơi. Tại một sân bay nhỏ, những chiếc máy bay không số hiệu hạ cánh và cất cánh vài lần mỗi ngày. Trang trại có vẻ bề ngoài đầy yên bình, với cây lá sum suê, hươu nai chạy nhảy trong rừng và những toà nhà nhỏ nằm rải rác thanh thản quanh một khu đất rộng lớn. Tuy nhiên, bên trong khu vực nầy lại là một thế giới khác hẳn.

Robert đã nghĩ là sẽ được huấn luyện cùng với người của Hải quân, nhưng anh ngạc nhiên khi thấy học viên là một sự pha trộn cả người của CIA, Lính thuỷ đánh bộ, Lục quân, Hải quân và Không quân. Mỗi học viên mang một con số riêng và ở trong một căn phòng như kiểu nhà ngủ tập thể thuộc một trong số những ngôi nhà Spartan hai tầng xây bằng gạch.

Tại khu dành cho các sĩ quan độc thân, nơi Robert ở mỗi người có một phòng riêng và dùng chung phòng tắm với một người khác. Phòng ăn chung ở phía bên kia đường, đối diện với khu nhà nầy.

Hôm Robert nhập trường, anh được đưa tới một giảng đường cùng với ba mươi người mới tới khác.

Một đại tá người da đen to lớn đã phát biểu với nhóm học viên. Ông ta chừng ở giữa tuổi 50, tạo ấn tượng bằng một vẻ thông minh, sắc sảo và lạnh lùng. Ông ta nói một cách rõ ràng, sinh động và không một câu thừa.

- Tôi là đại tá Frank Johnson. Tôi muốn hoan nghênh các bạn có mặt ở đây. Trong thời gian nầy, các bạn sẽ chỉ dùng tên đầu của mình. Từ giờ phút nầy trở đi cuộc đời các bạn sẽ là một cuốn sách đóng kín.

Tất cả các bạn đã được tuyên thệ giữ bí mật. Tôi khuyên các bạn phải giữ lời thề đó, thật nghiêm ngặt. Các bạn không bao giờ được phép bàn công việc của mình với bất kỳ ai - Vợ con, gia đình, bè bạn. Các bạn đã được tuyển lựa đưa tới đây bởi vì các bạn có những phẩm chất đặc biệt. Trước mặt các bạn có nhiều công việc nặng nề để phát triển nhưng phẩm chất đó, và không phải tất cả các bạn đều sẽ vượt qua được. Các bạn sẽ tham gia vào những công việc mà trước đây các bạn chưa từng bao giờ nghe đến. Tôi không thể nào nói hết được tầm quan trọng của công việc mà các bạn sẽ làm sau khi kết thúc ở đây. Trong các giới tự do nào đó, người ta lấy việc chỉ trích các ngành tình báo của chúng ta làm một thứ mốt, dù đó là CIA, Lục quân, Hải quân hay Không quân, nhưng tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng nếu không có những người chịu hy sinh như các bạn thì đất nước nầy sẽ gặp phải những khó khăn khủng khiếp. Ngăn chặn điều đó sẽ là công việc của các bạn. Những người nào trong số các bạn tốt nghiệp trường nầy sẽ trở thành các sĩ quan chỉ huy. Mà nói thẳng ra thì một sĩ quan chỉ huy là một điệp viên. Anh ta hoạt động bí mật.

Trong lúc ở đây, các bạn sẽ được sự huấn luyện tốt nhất thế giới trong lĩnh vực tình báo và phản gián.

Các bạn sẽ có những bài giảng về liên lạc điện đài, mật mã, vũ khí và bản đồ. Các bạn sẽ dự một lớp về mối quan hệ giao tiếp giữa con người với nhau.

Các bạn sẽ được hướng dẫn cách xây dựng một mối quan hệ như thế nào làm sao kết luận được về các động cơ của một cá nhân, lảm sao để làm cho đối tượng của bạn cảm thấy yên tâm.

Cả lớp nghe từng lời.

Các bạn sẽ học cách gặp gỡ và tuyển một gián điệp như thế nào. Các bạn sẽ được huấn luyện để đảm bảo rằng các địa điểm gặp gỡ là an toàn. Các bạn sẽ hợc về các "hộp thư chết", về cách liên lạc bí mật với các nguồn tin của các bạn. Nếu các bạn thành công với những việc làm nầy, các bạn sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách bí mật và không bị lộ.

Robert cảm thấy không khí hồi hộp bao trùm tất cả.

Một số trong các bạn sẽ hoạt động dưới bình phong chinh thức. Nó có thể là bình phong ngoại giao hoặc quân sự. Những người khác sẽ làm việc dưới những bình phong bán chính thức trong tư cách cá nhân; như những nhà kinh doanh, những nhà khảo cổ, hoặc những nhà văn., bất kỳ nghề nghiệp gì cho phép các bạn tiếp cận được những lĩnh vực và những loại người có thể có những thông tin quan trọng mà các bạn đang tìm kiếm. Và bây giờ, tôi sẽ trao các bạn lại cho các hướng dẫn viên của các bạn. Chúc may mắn.

Robert thấy công việc huấn luyện thật hấp dẫn. Hướng dẫn viên là những người đã từng hoạt động ngoài địa bàn và đều là những chuyên gia đầy kinh nghiệm.

Robert tiếp thu các thông tin kỹ thuật khá dễ dàng. Ngoài những chương trình mà đại tá Johnson đã đề cập đến, còn có một chương trình ôn luyện các ngôn ngữ và một chương trình về mật mã thật khó khăn.

Đại tá Johnson là cả một sự hấp dẫn đối với Robert. Người ta xì xào rằng ông ta có những mối quan hệ chặt chẽ tại Nhà Trắng và từng tham gia vào những hoạt động ngầm cao cấp. Ông ta thường biến mất khỏi Trang trại vào ngày nào đó và đột nhiên lại xuất hiện.

Một điệp viên tên Ron đang điều khiển một buổi lên lớp.

"Trong một chuyên án nghiệp vụ ngầm có sáu giai đoạn. Đầu tiên là phát hiện. Khi bạn biết bạn cần thông tin gì, thách thức đầu tiên đối với bạn là phát hiện và nghiên cứu những cá nhân có khả năng tiếp cận với thông tin đó. Giai đoạn hai là đánh giá. Một khi bạn đã phát hiện được đối tượng, bạn phải đánh giá anh ta có thật sự có thông tin mà bạn cần và liệu có thể tuyển chọn anh ta được không. Động cơ gì thúc đẩy anh ta? Anh ta có hài lòng với công việc không? Anh ta có hằn học gì với sếp của anh ta không? Anh ta có khó khăn về tiền bạc không? Nếu triển vọng là có thể tiếp cận được và có một động cơ nào đó có thể khai thác được thi các bạn chuyển sang giai đoạn ba.

"Giai đoạn ba là giai đoạn phát triển. Các bạn xây dựng một mối quan hệ với một đối tượng dự tuyển.

Đầu tiên, các bạn phải tạo được tiếp xúc nhiều nhất có thể. Giai đoạn tiếp theo là tuyển chọn. Khi bạn nghĩ là đã sẵn sàng, bạn phải nghiên cứu anh ta về mặt tâm ly. Bạn sử dụng bất kỳ thứ vũ khí tâm lý gì mà bạn có trong tay: trả thù sếp của anh ta, tiền bạc, tác động của nó. Nếu một sĩ quan chỉ huy làm tốt công vĩẹc của anh ta thì thường là đối tượng dự tuyển sẽ đồng ý.

Đến thế là tốt rồi. Bạn đã có một gián điệp làm việc cho bạn. Bước tiếp theo là điều khiển anh ta. Bạn phải đảm bảo an toàn không chỉ cho chính bạn mà còn cho cả anh ta nữa. Bạn phải tổ chức các cuộc gặp gỡ bí mật và huấn luyện anh ta sử dụng vi phim và, nếu thích hợp, cả điện đài nữa. Bạn sẽ huấn luyện cho anh ta cách phát hiện ngoại tuyến, cách khai báo khi bị tra hỏi, vân vân.

"Giai đoạn cuối cùng là chấm dứt liên lạc. Sau một thời gian, có thể là người được bạn tuyển chọn sẽ bị thuyên chuyển tới một vị trí công tác khác và không còn tiếp cận được với nguồn thông tin nữa, hoặc có thể chúng ta không còn cần tới nguồn thông tin mà anh ta có. Trong bất kỳ tình huống nào, mối quan hệ đó phải chấm dứt, nhưng điều quan trọng là phái chấm dứt nó ra sao để gián điệp đó không cảm thấy bị lợi dụng và tìm cách trả thù...

Đại tá Johnson đã nói đúng. Không phải tất cả đều qua được khoá học. Những gương mặt quen cứ biến mất. Không chút dấu tích. Không ai biết vì sao.

Không ai hỏi.

Một hôm, trong khi nhóm học chuẩn bị đi Richmond để thực tập ngoại tuyến, hướng dẫn viên của Robert nói:

- Chúng ta sẽ xem khả năng của anh thế nào, Robert ạ. Tôi sẽ phái ai đó bám đuôi anh. Tôi muốn anh cắt đuôi. Anh có nghĩ là anh có thể làm được điều đó không?

- Có thưa ông.

- Chúc may mắn.

***

Robert đi xe bus đến Richmond và rồi bắt đầu đi bộ trên các đường phố. Chỉ trong vòng năm phút anh đã nhận diện được nhưng người bám theo anh.

Bọn họ có hai người. Một người đi bộ và một người đi trong ô tô. Robert tìm cách lẩn vào trong các tiệm ăn và các cửa hiệu rồi nhanh chóng ra bằng các cửa sau, nhưng anh không thể nào dứt họ được. Họ được huấn luyện quá tốt. Sau cùng, lúc gần như đã đến giờ phải trở về Trang trại, Robert vẫn chưa thể nào thoát khỏi họ. Họ bám theo anh quá chặt chẽ. Robert bước vào một cửa hiệu bách hoá, và hai người kia đứng vào những vị trí mà họ có thể khống chế được cả các lối vào lẫn lối ra. Robert dùng thang máy đi lên khu bán quần áo cho đàn ông. Ba mươi phút sau, khi đi xuống, anh mặc trên người một bộ complê khác, cái áo khoác và mũ khác, và đang vừa đi vừa nói chuyện với một người phụ nữ, trong tay anh bế một đứa trẻ.

- Anh đi ngang qua những người theo dõi anh mà không hề bị nhận ra.

Ngày hôm đó, anh là người duy nhất đã cắt "đuôi" thành công.

***

Bản thân những thuật ngữ được dạy ở Trang trại cũng là một thứ ngôn ngữ rồi.

"Các bạn có thể sẽ không dùng đến tất cả những thuật ngữ nầy, - người hướng dẫn viên nói với cả lớp nhưng các bạn nên biết chúng. Có hai loại gián điệp khác nhau: gián điệp gây ảnh hưởng và gián điệp hành động. Người gián điệp gây ảnh hưởng tìm cách thay đổi dư luận ở quốc gia nơi anh ta hoạt động.

Còn gián điệp hành động được phái đi để gây rối và tạo ra những tình hình lộn xộn. "Đòn bẩy sinh vật là tiếng lóng của CIA chỉ việc hăm doạ. Cũng có nhưng vụ "túi đen", thay đổi từ những vụ hối lộ đến những vụ đột nhập. Watergate là một vụ như vậy.

Ông ta nhìn quanh lớp để tin rằng cả lớp đang chú ý. Họ nghe như uống lấy từng lời.

Đôi khi các bạn có thể cần tới "thợ giày" - đó là người làm hộ chiếu giả mạo.

Robert băn khoăn, liệu có bao giờ anh cần tới một thợ giày hay không.

Thuật ngữ "Giáng cấp tối đa" là một thuật ngữ đáng sợ. Nó có nghĩa là sự thanh lọc bằng cách giết đi. Từ thanh loại cũng như vậy. Nếu bạn nghe ai đó nói về "Công ty", thì đó là biệt danh chúng ta dùng đề cập tới Cơ quan tình báo Anh. Nếu bạn được yêu cầu "tẩy uế" một căn phòng, bạn sẽ không đi tìm các tổ mối mà bạn sẽ phải tìm ra các dụng cụ nghe trộm.

Lối nói bí ẩn nầy làm cho Robert thấy hứng thú.

"Các tiểu thư" là tiếng lóng chỉ các cô gái được phái đi để dàn xếp với đối tượng. "Huyền thoại" là lai lịch của một gián điệp được tạo ra để cung cấp cho anh ta một vỏ bọc. "Đi riêng" có nghĩa là rời khỏi nghề.

Hướng dẫn viên đưa mắt nhìn cả lớp.

- Có ai trong các bạn biết một "người dạy sư tử" là thế nào không hả?

Ông ta đợi câu trả lời. Im lặng.

- Khi một gián điệp bị bỏ rơi, đôi khi anh ta cảm thấy tức bực và có thể đe doạ tiết lộ những gì anh ta biết. Một người đầy cơ bắp, một tài tử dạy sư tử, được gọi đến để làm cho anh ta dịu đi. Tôi tin chắc không ai trong số các bạn sẽ phải đối mặt với một tài tử như thế.

Lời bình luận gây ra một tiếng cười sợ hãi.

Rồi có từ "lên sởi". Nếu một đối tượng chết vì lên sởi điều đó có nghĩa là đối tượng bị giết một cách khéo léo đến mức cái chết có vẻ như là một tai nạn hoặc do những lý do tự nhiên. Một cách gây bệnh sởi là đúng hợp chất "Tabun". Đó là một hợp chất không màu hoặc hơi nâu, gây tê liệt thần kinh khi ngấm qua da. Nếu ai đó trao cho bạn một cái "đàn hộp" điều đó có nghĩa là họ đang trao cho bạn một máy phát vô tuyến. Người sử dụng điện đài được gọi là một nhạc sĩ. Trong tương lai, một số trong các bạn sẽ phải hoạt động "trần trụi". Đừng vội cởi bỏ quần áo điều đó đơn giản có nghĩa là bạn chỉ có một mình và không có sự hỗ trợ nào cả. Còn một điều nữa mà tôi muốn nói đến hôm nay. Sự trùng lặp tình cờ. Trong công việc của chúng ta, không có "con vật" đó: Nó thường báo hiệu nguy hiểm. Nếu các bạn thường xuyên chạm trán cùng một người nào đó, hoặc khi hoạt động các bạn thường xuyên phát hiện một chiếc xe nào đó, hãy che cái mông của mình đi. Có thể các bạn đang gặp chuyện chẳng lành. Cuối cùng, tôi nghĩ là hôm nay thế là đủ, thưa quý vị. Ngày mai chúng ta sẽ lại tiếp tục nơi chúng ta ngừng lại nầy.

Thỉnh thoảng, đại tá Johnson gọi Robert vào văn phòng của ông ta để "chuyện gẫu", như cách ông ta nói. Các câu chuyện có vẻ bình thường một cách không tin nổi và Robert biết ẩn trong đó là một cuộc thăm dò đang diễn ra.

- Tôi nghe nói anh có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, Robert.

- Đúng vậy ạ.

Suốt nửa giờ sau đó, họ nói chuyện về hôn nhân, lòng trung thành, và lòng tin.

Một lần khác:

- Đô đốc Whittaker coi anh như con, Robert. Anh biết thế chứ?

- Vâng. Nỗi đau về cái chết của Edward là một cái gì đó không bao giờ qua đi.

Họ đã nói chuyện về sự trung thành, bổn phận và cái chết.

- Robert, anh đã đối mặt với cái chết hơn một lần. Anh có sợ chết không?

Không. Nhưng chết cho đáng chết, Robert nghĩ. Chứ không phải một cái chết vô nghĩa.

Những cuộc gặp làm cho Robert chán nản bởi vì họ như đang nhìn vào một tấm gương dị dạng. Đại tá Johnson có thể nhìn rõ anh, nhưng bản thân đại tá lại vô hình, một con người bi ẩn được bao bọc bởi một bức màn bí mật.

Khoá học kéo dài 16 tuần, và trong thời gian đó, không ai trong số họ được giao tiếp với thế giới bên ngoài. Robert nhớ Susan một cách ghê gớm. Đây là thời gian họ xa nhau lâu nhất. Khi đã hết bốn tháng, đại tá Johnson gọi Robert vào văn phòng của ông ta.

- Đây là cuộc gặp để tạm biệt. Anh đã làm việc rất tuyệt vời, Robert. Tôi nghĩ là anh sẽ thấy tương lại của mình rất hấp dẫn đấy.

- Cám ơn ngài. Tôi cũng hy vọng như thế.

- Chúc may mắn.

Đại tá Johnson nhìn Robert bước ra. Ông ta ngồi yên trong năm phút rồi có một quyết định. Ông ta bước tới bên cửa và khoá trái lại. Rồi ông ta nhấc điện thoại lên gọi.

***

Susan đang đợi anh. Cô mở cửa căn hộ của họ, trên người là một chiếc váy ngủ trong veo chẳng che đậy được gì cả. Cô lao vào trong vòng tay anh và ôm anh thật chặt.

- Chào anh, chàng thuỷ thuỷ. Anh muốn một cuộc vui chứ?

- Thì anh đang có đây thôi, - Robert nói đầy vẻ hạnh phúc, - Chỉ bằng việc ôm em.

- Chúa ơi, em nhớ anh quá. - Susan lùi lại và thốt lên. - Nếu có chuyện gì xảy ra với anh thì em nghĩ là em chết mất.

- Chẳng bao giờ có chuyện gì xảy ra với anh cả.

- Anh hứa chứ?

- Anh hứa.

- Trông anh có vẻ mệt mỏi. - Cô nhìn anh, một thoáng lo lắng.

- Đó là một khoá học rất căng thẳng, - Robert thừa nhận. Anh đã nói bớt đi. Với tất cả bài vở phải học, cùng với các bài thực hành trực tiếp, không học viên nào có thể ngủ quá vài tiếng một đêm. Không có mấy lời phàn nàn chỉ vì một lý do rất đơn giản: Họ đều biết rõ rằng cái mà họ đang học, một ngày nào đó có thể cứu mạng sống cho họ.

- Em biết chính xác là anh cần gì bây giờ, - Susan tuyên bố.

- Anh sẽ nói. - Robert nhoẻn cười. Anh ôm lấy cô.

- Khoan đã. Cho em vài phút. Anh cởi quần áo đi.

- Anh nhìn cô bước đi và nghĩ, Sao người ta lại có thể may mắn thế nhỉ? Anh bắt đầu cởi quần áo.

Vài phút sau, Susan quay lại. Cô dịu dàng nói.

- Hừm, em thích anh trần truồng cơ.

Anh nghe thấy giọng người hướng dẫn viên nói:

"Một số trong các bạn sẽ hoạt động trần trụi. Điều đó có nghĩa là bạn chỉ có một mình và không có sự hỗ trợ nào?" Mình đang lao vào chuyện gì thế nhỉ? Anh đã đẩy Susan vào chuyện gì vậy?

Cô dẫn anh vào trong phòng tắm. Bồn tắm được bơm đầy nước có lẫn nước hoa, và căn phòng mờ tối với bốn ngọn nến lung linh.

- Đón anh về nhà, anh yêu. - Cô cởi chiếc váy ngủ mỏng dính và bước vào bồn tắm. Anh theo bước cô.

- Susan.

- Đừng nói. Hãy dựa vào người em.

- Anh cảm thấy hai bàn tay cô vuốt ve trên lưng và hai bả vai anh, cảm thấy những đường cong mềm mại của thân thể cô áp vào người anh, và anh quên đi nỗi mệt của mình. Họ làm tình với nhau, trong làn nước ấm, và khi họ đã lau khô người, Susan nói:

- Chơi trước thế là quá nhiều đấy. Bây giờ mình mới thật sự vào cuộc nhé.

Họ lại làm tình và sau đó, khi Robert sắp thiếp đi ôm Susan trong tay, anh nghĩ, sẽ luôn luôn là như thế nầy. Mãi mãi.

Ngày thứ hai sau đó, Robert đến làm việc ngày đầu tiên tại Phòng 17 Cục Tình báo hải quân tại Lầu Năm Góc. Đô đốc Whittaker nồng nhiệt:

- Chúc mừng đã trở về, Robert. Rõ ràng là anh đã rất gây ấn tượng với đại tá Johnson.

- Chính ông ta cũng rất gây ấn tượng. - Robert mỉm cười.

Ngồi uống cà phê, vị đô đốc hỏi:

- Anh đã sẵn sàng làm việc chưa hả?

- Rất sẵn sàng.

- Tốt. Chúng ta có một vụ việc ở Rhodesia...

Làm việc ở Cục Tình báo hải quân thậm chí còn hấp dẫn hơn cả những gì Robert đã chờ đón. Mỗi nhiệm vụ một khác, và Robert được giao những việc được phân loại là tối nhạy cảm. Anh mang về một người đào nhiệm cho biết hoạt động buôn lậu ma tuý của Noriega ở Panama, phát hiện một điệp viên làm việc cho Marcos trong toà lãnh sự quán Mỹ ở Manila, và giúp dựng lên một trạm nghe lén ở Morocco. Anh được cử đi công tác tới Nam Phi và vùng Đông Âu. Điều duy nhất làm anh phiền muộn là việc phải xa Susan lâu. Anh không muốn phải xa cô và anh thường nhớ cô một cách khủng khiếp. Anh có sự hứng thú trong công việc của mình nhưng Susan thì không có gì cả.

Công việc nghiệp vụ của Robert cứ ngày càng tăng lên. Anh ngày càng ít khi có mặt ở nhà, và đó chính là thời gian mà vấn đề đối với Susan trở nên nghiêm trọng.

Mỗi khi Robert về đến nhà, anh và Susan thường lao vào vòng tay của nhau một cách đầy thèm khát và rồi làm tình đầy cuồng nhiệt. Nhưng những lúc như thế mỗi ngày mỗi thưa ra. Với Susan dường như ngay sau khi Robert trở về thì anh lại lập tức bị phái đi với một nhiệm vụ mới.

Chuyện càng xấu thêm khi Robert không thể nào bàn công việc của anh với cô. Susan không hề biết anh đi đâu, làm gì. Cô chỉ biết rằng anh liên quan với những công việc nguy hiểm và cô lo sợ rằng một ngày nào đó anh sẽ không bao giờ trở về nữa. Cô không dám hỏi anh. Cô cảm thấy mình như một người lạ, hoàn toàn bị tách khỏi một phần quan trọng trong đời sống của anh. Đời sống của họ. Mình không thể tiếp tục như thế nầy được. Susan quyết định.

Khi Robert trở về sau bốn tuần đi công tác ở Trung Mỹ, Susan nói:

- Robert, em nghĩ chúng ta nên nói chuyện với nhau.

- Có chuyện gì vậy? - Robert hỏi. Anh đã biết là có chuyện gì.

- Em sợ. Chúng mình đang mất nhau, và em không muốn thế. Em không thể chịu được.

- Susan.

- Khoan đã. Để em nói nốt. Anh có biết trong bốn tháng qua chúng mình được ở bên nhau bao lâu không? Chưa đầy hai tuần. Mỗi khi anh trở về, em cảm thấy dường như anh là một người khách chứ không phải là chồng em.

Anh ôm chặt Susan vào trong lòng.

- Em biết là anh yêu em đến thế nào mà.

- Xin đừng để chuyện gì xảy ra cho chúng mình. - Cô tựa đầu vào anh.

- Anh sẽ không để như thế, - anh hứa. - Anh sẽ nói chuyện với Đô đốc Whittaker.

- Bao giờ nào?

- Ngay lập tức.

***

- Đô đốc sẽ gặp ông bây giờ, thưa ông chỉ huy.

- Cảm ơn.

Đô đốc Whittaker đang ngồi sau bàn làm việc, ký giấy tờ. Khi Robert bước vào, ông ngẩng lên và mỉm cười.

- Chúc mừng đã trở về và xin có lời khen ngợi. Công việc của anh làm ở El Salvador thật là tuyệt vời.

- Cảm ơn ngài.

- Mời ngồi. Tôi có thể mời anh chút cà phê chứ?

- Không, xin cảm ơn Đô đốc.

- Anh muốn nói chuyện với tôi hả? Thư ký của tôi nói là có việc khẩn cấp. Tôi có thể làm gì cho anh nào?

Thật là khó mở đầu.

- Ồ thưa ngài, đây là chuyện cá nhân thôi. Tôi đã cưới vợ chưa đầy hai năm và...

- Anh có một sự lựa chọn tuyệt vời đấy, Robert. Susan là một phụ nữ đáng yêu.

- Vâng, tôi đồng ý như vậy. Vấn đề là ở chỗ tôi đi xa hầu hết thời gian, và cô ấy bất hạnh về chuyện đó - Anh vội nói thêm. - Và cô ấy hoàn toàn có quyền như vậy. Đó không phải là chuyện bình thường.

Đô đốc Whittaker dựa người trên lưng ghế và trầm ngâm nói:

- Tất nhiên là anh không được làm việc trong điều kiện bình thường. Đôi lúc phải có những hy sinh.

- Tôi biết, - Robert bướng bỉnh đáp, - nhưng tôi sẽ không hy sinh cuộc sống vợ chồng của tôi. Điều đó là quá sức đối với tôi.

- Tôi hiểu. Thế anh yêu cầu gì nào? - Vị Đô đốc nhìn anh dò xét.

- Tôi hy vọng là ngài có thể tìm cho tôi một vài công việc mà tôi không phải xa nhà nhiều như vậy. Hẳn phải có cả trăm công việc cho tôi ở quanh đây.

- Nghĩa là gần nhà hơn.

- Vâng.

Vị đô đốc chậm rãi nói:

- Chắc chắn là anh sẽ toại nguyện. Tôi không cho là không thể dàn xếp được một chuyện như vậy.

Robert mỉm cười nhẹ nhõm.

- Ngài thật tốt bụng, thưa Đô đốc. Tôi rất biết ơn về điều đó

- Phải, tôi nghĩ chắc chắn là chúng ta có thể thu xếp chuyện đó. Hãy nói hộ tôi với Susan là vấn đề đã được giải quyết.

- Tôi không còn biết cảm ơn ngài như thế nào cho phải. - Robert đứng dậy, rạng rỡ.

Đô đốc Whittaker vẫy tay ngỏ ý cho anh đi ra.

- Tôi không thể để chuyện gì xảy ra đối với một nhân viên quý báu như anh được. Còn bây giờ thì hãy về nhà với người vợ trẻ của anh đi.

Khi Robert nói lại với Susan, cô sướng run lên. Cô choàng tay ôm lấy anh.

- Ôi anh yêu. Thật là tuyệt diệu.

- Anh sẽ xin ông ta nghỉ vài tuần để chúng ta có thể có một chuyến đi đâu đó. Nó sẽ là tuần trăng mật thứ hai của chúng ta.

- Em đã quên mất thế nào là một tuần trăng mật rồi, - Susan thì thầm. - Hãy cho em thấy đi!

Robert đã cho cô thoả lòng.

***

Sáng hôm sau, Đô đốc Whittaker cho gọi Robert.

- Tôi muốn anh biết rằng tôi đang thu xếp vấn đề mà chúng ta bàn ngày hôm qua.

- Cảm ơn Đô đốc. - Bây giờ là lúc nói đến chuyện xin nghỉ phép đây. - Thưa ngài...

Đô đốc Whittaker nói:

- Robert, có chuyện thế nầy. - Vị Đô đốc bắt đầu đi đi lại lại Khi ông cất lời, giọng ông ta đầy vẻ lo lắng sâu sắc. - Tôi vừa được thông báo rằng CIA đã bị đối phương cấy người vào. Dường như có một sự tiết lộ đều đặn các thông tin tối mật. Tất cả những gì họ biết về điệp viên nầy chỉ là cái mật danh Con Cáo của anh ta. Hiện nay anh ta đang ở Argentina. Họ cần một người bên ngoài CIA lo cho vụ nầy. Giám đốc CIA đã yêu cầu anh. Họ muốn anh tìm ra điệp viên kia và mang anh ta về đây. Tôi đã bảo với họ là quyết định nầy tuỳ thuộc ở anh. Anh có muốn nhận nó hay không?

- Tôi e rằng phải bỏ qua nó thôi, thưa Đô đốc. - Robert lưỡng lự.

- Robert, tôi tôn trọng quyết định của anh. Anh đã phải đi liên tục và chưa bao giờ từ chối một nhiệm vụ nào. Tôi biết là điều đó không dễ dàng gì đối với đời sống vợ chồng của anh.

- Thưa ngài, tôi muốn nhận nhiệm vụ nầy. Chỉ có điều - Anh không cần phải nói đâu, Robert. Ý kiến của tôi về công việc và sự cống hiến của anh vẫn giữ nguyên.

- Tôi chỉ mong ở anh có một điều thôi.

- Điều gì vậy thưa Đô đốc?

- Ông phó giám đốc CIA yêu cầu được gặp anh, bất luận quyết định của anh là thế nào. Vì phép lịch sự. Anh không phiền lòng chứ?

- Tất nhiên là không, thưa ngài.

Ngày hôm sau, Robert lái xe đến Langley để gặp viên phó giám đốc CIA.

- Xin mời ngồi, ông sĩ quan, - Viên phó giám đốc nói khi Robert bước vào phòng đầu căn nhà rộng lớn. - Tôi đã nghe nhiều về ông. Tất nhiên là toàn những lời tốt đẹp cả.

- Cảm ơn ngài.

Đó là một người đàn ông đã sang tuổi sáu mươi, dáng người mảnh khảnh với mái tóc bạc trắng và một bộ ria mép nhỏ cứ động đậy mỗi khi ông ta hút píp thuốc. Tốt nghiệp Đại học Yale, ông ta ra nhập Cục phục vụ chiến lược (OSS) trong chiến tranh thế giới thứ hai và rồi vào CIA khi cơ quan nầy được thành lập sau chiến tranh và dần dần lên tới chức vụ hiện nay của một trong những cơ quan tình báo lớn nhất và hùng mạnh nhất thế giới.

Ông sĩ quan, tôi muốn ông biết rằng tôi tôn trọng quyết định của ông.

Bellamy gật đầu.

- Tuy nhiên, có một việc mà tôi cảm thấy cần phải lưu ý với ông.

- Chuyện gì vậy, thưa ngài?

- Tổng thống đích thân tham gia vào chiến dịch lột mặt nạ của Con Cáo.

- Thưa ngài, tôi đã không biết điều đó.

- Ông coi nó, cũng như tôi nữa, là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan nầy kể từ khi ra đời đến nay. Tôi có biết về chuyện của gia đình ông, và tôi chắc rằng Tổng thống cũng thông cảm. Ông thực sự là một người đàn ông có khuynh hướng gia đình. Nhưng việc ông không nhận nhiệm vụ nầy có thể, tôi phải nói thế nào nhỉ, làm xấu mặt Cục Tình báo Hải quân và Đô đốc Whittaker.

- Đô đốc không có liên quan gì tới quyết định của tôi thưa ngài, - Robert nói.

- Tôi hiểu điều đó, ông sĩ quan, thế nhưng Tổng thống có hiểu như vậy hay không?

Tuần trăng mật sẽ phải bị hoãn lại mất, Robert nghĩ.

Khi Robert báo tin với Susan, anh nhẹ nhàng nói:

- Đây sẽ là chuyến đi công tác ra nước ngoài cuối cùng của anh. Sau chuyến nầy, anh sẽ ở nhà nhiều đến mức em phát chán lên cho mà xem.

Cô mỉm cười với anh.

- Trên đời nầy làm gì có nhiều thời gian đến thế.

- Chúng mình sẽ ở bên nhau mãi mãi.

Cuộc săn đuổi Con Cáo là một trong những công việc tuyệt vọng nhất mà Robert từng gặp. Anh đã tìm được dấu vết của hắn ở Argentina nhưng chậm so với con mồi một ngày. Những dấu vết dẫn tới Tokyo và Trung Quốc, rồi Malaisia. Dù Con Cáo là ai không biết, hắn để lại một chút dấu vết đủ để dẫn đến nơi hắn đã có mặt nhưng không bao giờ đến được nói hắn đang có mặt.

Hết ngày rồi đến tuần, hết tuần rồi đến tháng, và Robert luôn ở phía sau Con Cáo. Hầu như ngày nào anh cũng gọi điện cho Susan. Thoạt đầu thì là: "Anh sẽ trở về nhà sau vài ngày thôi, em yêu". Và rồi, "Anh có thể về nhà vào tuần tới". Và sau cùng "Anh không rõ là khi nào thì sẽ về được". Cuối cùng, Robert đã phải bỏ cuộc. Anh đã bám theo dấu vết Con Cáo suốt hai tháng rưỡi mà không có kết quả gì.

Khi anh trở về với Susan, cô có vẻ thay đổi. Hơi lạnh nhạt một chút.

- Anh xin lỗi, em yêu, - Robert xin lỗi. - Anh không hề biết là phải mất nhiều thời gian như thế. Chỉ là...

- Họ sẽ không bao giờ buông tha anh, có phải không, Robert?

- Gì cơ? Tất nhiên là họ sẽ phải buông anh ra.

- Em không nghĩ như thế. Em đã nhận việc làm ở bệnh viện Memorial ở Washington. - Cô lắc đầu.

- Em nói gì? - Anh giật mình.

- Em sẽ lại là một y tá. Em không thể cứ ngồi chờ anh trở về nhà với em, phiền muộn về việc anh đang ở đâu và anh đang làm gì, phiền muộn không hiểu anh đã chết hay còn sống nữa.

- Susan, anh...

- Cũng được thôi mà, anh yêu của em. It nhất thì em cũng sẽ làm được việc gì đó có ích trong những lúc anh đi vắng. Điều đó sẽ làm cho sự chờ đợi trở nên nhẹ nhàng hơn.

Và Robert không còn biết trả lời thế nào. Anh báo cáo lại thất bại của mình với Đô đốc Whittaker. Vị Đô đốc tỏ ra thông cảm.

- Tôi đã có lỗi trong việc đồng ý để anh làm nhiệm vụ đó Từ nay trở đi, chúng ta sẽ để cho CIA tự giải quyết những vấn đề khốn kiếp của họ. Robert, tôi xin lỗi.

Robert nói với ông về việc Susan nhận làm y tá.

- Có thể đó là một ý kiến hay đấy, - Vị Đô đốc trầm ngâm nói. - Nó sẽ làm cho cuộc sống vợ chồng của anh bớt căng thẳng. Thỉnh thoảng, nếu như ảnh có những công tác ở hải ngoại, tôi chắc cũng đỡ rắc rối.

Cái gọi là thỉnh thoảng kia hoá ra gần như liên tục. Đó chính là lúc cuộc hôn nhân thật sự bắt đầu tan rã.

Susan làm việc tại bệnh viện Memorial trên cương vị một y tá giúp việc ở phòng mổ, và khi Robert có nhà, cô thường cố gắng xin nghỉ để ở bên anh, nhưng càng ngày cô càng bận rộn hơn với công việc.

- Em thật sự cảm thấy thích thú, anh yêu ạ. Em cảm thấy em đang làm được một công việc có ích.

Cô thường nói chuyện với Robert về các bệnh nhân của cô, và anh nhớ cô đã từng chăm sóc anh như thế nào, cô đã giúp anh trở nên khoẻ mạnh và trở lại với cuộc sống ra sao. Anh đã hài lòng thấy rằng cô đang làm một công việc tốt mà cô cảm thấy yêu thích, song có một thực tế là họ ngày càng gặp nhau ít hơn. Khoảng cách về tình cảm giữa họ ngày càng rộng ra. Có một sự ngượng ngập mà trước đây chưa bao giờ có. Họ như hai người xa lạ, cố gắng một cách tuyệt vọng để bắt chuyện với nhau.

Khi Robert trở lại Washington sau sáu tuần công công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ, anh đưa Susan đi ăn tối ở Sans Souci.

Sulsan nói:

- Ở bệnh viện chỗ em mới có một bệnh nhân. Anh ta bị một tai nạn máy bay khủng khiếp và các bác sĩ nghĩ rằng anh ta khó có thể sống nổi, thế nhưng em sẽ chăm sóc để anh ta có thể qua được. - Đôi mắt cô bừng sáng.

Vớí mình, cô ấy cũng như vậy. Robert nghĩ. Anh băn khoăn không biết liệu cô cũng cúi xuống bên người bệnh mới nầy và nói: "Hãy mau khoẻ. Em đang đợi anh" hay không. Anh cố dứt bỏ ý nghĩ đó.

- Robert, anh ta tuyệt lắm. Tất cả các y tá đều phát điên lên vì anh ta.

- Tất cả ư? Anh ngẫm nghĩ.

Trong lòng anh nhen nhóm một chút nghi ngờ, dằn vặt nhưng anh đã dẹp được ý nghĩ đó đi.

Họ gọi bữa ăn.

Ngày thứ bẩy tiếp đó, Robert đi Bồ Đào Nha và ba tuần lễ sau, khi anh trở về, Susan mừng rỡ chào đón anh.

- Ngày hôm nay, lần đầu tiên Monte đã đi lại được. - Nụ hôn của cô đầy vẻ qua quýt.

- Monte?

- Monte Banks. Đó là tên anh ta. Anh ta sẽ đâu vào đấy. Các bác sĩ đã không thể tin nổi, nhưng mà tụi em sẽ không chịu đâu.

- Tụi em.

- Kể cho anh nghe về anh ta xem nào.

- Anh ta thật sự đáng mến. Anh ta luôn luôn cho mấy đứa bọn em quà. Anh ta rất giàu có. Anh ta lái một chiếc máy bay riêng và anh ta đã bị một tai nạn khủng khiếp, và...

- Những quà gì hả?

- Ồ, anh biết đấy, chỉ những thứ lặt vặt ấy mà - kẹo, hoa, sách và đĩa hát. Anh ta muốn tặng những chiếc đồng hồ đắt tiền cho tất cả bọn em nhưng tất nhiên là bọn em phải từ chối rồi.

- Thì tất nhiên.

- Anh ta có một chiếc du thuyền, những con ngựa...

Đó là khi mà Robert bắt đầu gọi anh ta là Cái túi tiền (moneybags).

Lần nào từ bệnh viện trở về nhà, Susan cũng nói chuyện về anh ta.

- Robert, anh ta thật sự chân thành.

Chân thành là nguy hiểm đây.

- Và anh ta rất quan tâm đến người khác. Anh có biết hôm nay anh ta đã làm gì không? Đã yêu cầu tiệm Jockey gửi bữa trưa tới cho tất cả những y tá có mặt đấy.

Thằng cha nầy kinh tởm thật. Thật lố bịch, Robert cảm thấy mình trở nên cáu kỉnh.

- Cái thằng cha bệnh nhân tuyệt vời đó của em đã có vợ chưa hả?

- Chưa, anh yêu. Nhưng sao cơ?

- Anh chợt nghĩ vậy thôi.

- Hãy vì Chúa, anh không ghen đấy chứ? - Cô cười vang.

- Với cái thằng cha già cỗi mới học đi ấy ư? Tất nhiên là không.

Mẹ kiếp, dứt khoát là thế. Nhưng anh không hề muốn làm phiền lòng cô.

Khi Robert ở nhà, Susan cố không nhắc tới bệnh nhân của cô, nhưng nếu cô không thì Robert lại gợi chuyện.

- Cái túi tiền thế nào rồi?

- Tên anh ta không phải là Cái túi tiền, - Cô nói vẻ trách móc, mà là Monte Banks.

- Gì chả được.

Thật tiếc là cái thằng chó đẻ đó không chết trong vụ tai nạn kia cho rảnh chuyện.

***

Hôm sau là ngày sinh nhật của Susan.

- Nầy, anh bảo nhé, - Robert sốt sắng nói, - Chúng ta sẽ làm lễ kỷ niệm. Chúng ta sẽ đi và có một bữa tối tuyệt vời ở đâu đó và...

- Em phải làm việc ở bệnh viện cho tới 8 giờ cơ.

- Cũng được. Anh sẽ tới đón em ở đó.

- Được đấy Monte muốn gặp anh lắm. Em đã nói về anh rất nhiều cho anh ta nghe.

- Anh cũng muốn gặp thằng cha đó, - Robert quả quyết với cô.

Khi Robert tới bệnh viện, người thường trực nói:

- Xin chào ông sĩ quan. Susan đang làm việc trên khoang chỉnh hình ở tầng ba. Cô ấy đang đợi ông đấy. - Chị ta nhấc điện thoại lên.

Lúc Robert bước ra khỏi thang máy, Susan đang đứng chờ anh trong bộ đồng phục trắng bong, và tim anh đập rộn lên. Ôi, nàng sao mà đẹp thế.

- Xin chào người đẹp.

Susan mỉm cười, nhưng cảm thấy không thoải mái một cách hơi lạ.

- Chào anh, Robert. Vài phút nữa là em hết phiên trực. Nào đi. Em sẽ giới thiệu anh với Monte.

- Tôi đang sốt ruột đây.

Cô dẫn anh vào một phòng riêng rộng rãi, đầy những sách và hoa quả, và nói:

- Monte, đây là chồng... em, anh Robert.

Robert đứng đó, nhìn người đàn ông nằm trên giường. Anh ta lớn hơn anh chừng ba, bốn tuổi và rất giống Paul Newman. Thoáng nhìn, Robert đã thấy coi thường anh ta.

- Tôi rất vui lòng được gặp ông, ông sĩ quan. Susan đã kể tất cả về ông cho tôi nghe.

Phải chăng đó là thứ chuyện họ nói với nhau vào lúc nửa đêm khi cô ấy ở bên giường anh ta?

- Cô ấy rất tự hào về ông. - Cái túi tiền nói thêm.

Thế đấy anh bạn, lại còn ném ra vài mẩu bánh nữa.

Susan nhìn Robert, lòng những mong anh xử sự cho lịch thiệp. Anh phải cố gắng lắm.

- Tôi hiểu là ông sắp rời khỏi nơi đây.

- Vâng, chủ yếu là nhờ có người vợ của ông. Cô ấy là một người y tá kỳ diệu.

Nào, chàng thuỷ thủ. Anh nghĩ là em sẽ để cho một gã nào đó được có tấm thân tuyệt vời nầy ư?

- Vâng, đó chính là đặc tính của cô ấy. - Robert không thể nào giấu nổi vẻ cay đắng trong giọng nói của mình.

Bữa tiệc sinh nhật là cả một sự tuyệt vọng. Susan chỉ những muốn nói chuyện về người bệnh nhân của cô.

- Anh ta có làm cho anh nhớ tới ai không, anh yêu?

- Đến Boris Karloff.

- Sao anh cứ phải thô lỗ với anh ta thế nhỉ?

- Anh nghĩ là anh xử sự lịch thiệp. Có đíều anh không thích hắn ta. - Anh lạnh lùng nói.

- Thậm chí anh chưa hề quen biết gì. Anh ta có gì để anh không thích nào? - Susan nhìn anh chằm chằm.

- Anh không thích cái lối hắn ta nhìn em. Anh không thích cái lối em nhìn hắn ta. Anh không thích thấy cuộc sống vợ chồng cửa chúng ta đang tiêu tan như thế nầy. Lạy Chúa, anh không muốn mất em.

- Xin lỗi. Anh cho là anh hơi mệt.

Họ im lặng suốt bữa ăn.

Sáng hôm sau, khi Robert chuẩn bị tới sở, Susan nói:

- Anh Robert, em có chuyện muốn nói với anh...

Và anh cảm thấy như bị một cú đánh vào bụng.

Anh không thể nào chịu được việc cô sắp nói thành lời những gì đang xảy ra.

- Susan...

- Anh biết là em yêu anh. Em sẽ luôn yêu anh. Anh là người đàn ông đáng yêu nhất, tuyệt vời nhất mà em từng biết.

- Thôi nào...

- Không, để em nói nốt. Em thật khó nói ra chuyện nầy. Trong năm qua, chúng ta khơng mấy khi được sống bên nhau: Chúng ta không còn một cuộc sống vợ chồng nữa. Chúng ta đã xa cách nhau.

Mỗi lời nói của cô như một phát dao đâm vào thân thể anh.

- Em nói đúng, - anh nói với một vẻ tuyệt vọng. - Anh sẽ thay đổi. Anh sẽ thôi việc ở cơ quan. Ngay bây giờ. Hôm nay. Chúng mình sẽ đi đâu đó và...

Cô lắc đầu:

- Không, anh Robert. Cả hai chúng ta đều biết là như thế không được. Anh đang làm công việc mà anh muốn làm. Nếu vì em mà anh bỏ việc, anh sẽ luôn luôn dằn vặt về chuyện đó. Đây không phải là chuyện là lỗi của ai. Có điều - Chuyện là thế. Em muốn ly dị.

Tất cả dường như tối sầm trước mắt anh. Đột nhiên, anh cảm thấy bụng quặn lên.

- Đừng nghĩ như thế, Susan. Chúng ta sẽ tìm cách để...

- Quá muộn rồi. Em đã nghĩ về chuyện nầy từ lâu lắm rồi. Suốt cả thời gian anh đi xa và em ở nhà mong ngóng anh, em đã nghĩ về điều nầy. Chúng ta đã đang sống những cuộc đời riêng rẽ. Em cần hơn thế kia. Em cần cái mà anh không thể cho em được nữa.

Anh đứng lặng, cố kiềm chế tình cảm của mình.

- Chuyện nầy - Chuyện nầy có liên quan gì tới thằng cha Cái túi tiền không hả?

- Monte đã ngỏ lời cầu hôn với em. - Susan lưỡng lự.

- Và em sẽ bằng lòng ư? - Anh cảm thấy tim mình thắt lại.

- Vâng.

Đó là cơn ác mộng điên rồ. Không phải chuyện nầy đang xảy ra, anh nghĩ. Không thể như thế được. Nước mắt anh ứa ra.

Susan choàng tay, ôm chặt lấy anh.

- Em sẽ không bao giờ cảm thấy yêu một ngứời đàn ông như em đã cảm thấy yêu anh được. Em yêu anh bằng cả tâm hồn và trái tim mình. Em sẽ luôn luôn yêu anh. Anh là người bạn yêu quý nhất của em. - Cô lùi ra và nhìn vào mắt anh. - Song như thế chưa đủ. Anh có hiểu thế không?

Tất cả những gì anh hiểu là cô đang vò xé anh.

- Chúng ta có thể cố gắng. Chúng ta sẽ làm lại và...

- Anh Robert, em xin lỗi. - Giọng cô nghẹn lại. - Em thật xin lỗi, nhưng mọi chuyện đđ hết rồi.

Susan bay đi Reno để làm thủ tục ly dị, và chàng sĩ quan Robert Bellamy say rượu suốt hai tuần lễ liền.

***

Nhưng thói quen cũ thật khó mất. Robert gọi điện cho một người bạn ở Cục Điều tra Liên bang (FBI).

Trước đây, Al Traynor đã nhiều dịp có quan hệ với Robert và anh tin cậy anh ta.

- Tray, tôi cần cậu giúp đờ.

- Giúp đỡ? Cậu cần một bác sĩ thần kinh thì có. Quái quỷ thế nào mà cậu lại để mất Susan thế hả?

Chuyện của họ có thể đã lan đi khắp cả thành phố. Đó là cả một câu chuyện dài và buồn.

- Robert, tôi thật sự lấy làm tiếc. Cô ấy là một phụ nữ tuyệt vời. Tôi... mà thôi. Tôi có thể giúp gì cậu?

- Tôi muốn cậu kiểm tra về một người trên máy tính điện tử.

- Được rồi. Cậu cho tôi cái tên.

- Monte Banks. Chỉ là chuyện thẩm tra thông thường thôi.

- Rồi. Cậu muốn biết những gì?

- Có thể là hắn ta không có trong hồ sơ của cậu. Tray ạ, nhưng nếu có... hắn ta có bao giờ bị phạt vì chuyện đậu xe, đánh chó, vượt đèn đỏ chẳng hạn? Chuyện thông thường ấy mà.

- Chắc chắn là thế rồi.

- Tôi muốn biết hắn kiếm tiền ở đâu ra. Tôi muốn biết về tiểu sử của hắn.

- Vậy hả, chỉ chuyện thông thường, phải vậy không?

- Và nầy, Tray, chỉ giữ chuyện nầy riêng giữa chúng ta thôi nhé. Đó là chuyện riêng mà. Được chứ?

- Không có gì cả. Tôi sẽ gọi cho cậu vào sáng mai.

- Cảm ơn. Tôi nợ cậu một bữa trưa đấy.

- Bữa tối.

- Cũng được.

Robert gác máy và nghĩ: Hình ảnh một người đang vớ những cọng rơm. Mình hy vọng vào chuyện gì nhỉ, rằng hắn ta và tên Jack kẻ cướp và Susan lại lao trở vào vòng tay mình chăng?

***

Sáng sớm ngày hôm sau, Dustin Thornton cho gọi Robert.

- Ông đang làm gì vậy, ông sĩ quan?

Ông ta thừa biết mình đang làm gì mà, Robert nghĩ. - Tôi đang giải quyết hồ sơ của tôi về nhà ngoại giao Singapore, và...

- Việc đó có vẻ như nhưng không chiếm bao nhiêu thời gian của ông.

- Ông nói gì ạ?

- Ông sĩ quan, trong trường hợp ông quên, tôi xin nhắc là Cục Tình báo hải quân không được phép điều tra về các công dân Mỹ.

Robert nhìn ông ta, kinh ngạc.

- Ông...

- Tôi mới được bên FBI thông báo rằng ông đang tìm cách thu thập những thông tin hoàn toàn không thuộc thấm quyền của Cục nầy.

Robert cảm thấy một cơn giận chợt bùng lên. Thằng chó đẻ Traynor kia đã phản bội anh. Không eòn gì là bạn bè nữa.

- Đó là một chuyện cá nhân, - Robert nói. - Tôi...

- Các máy tính của FBI không phải là để phục vụ cho những sở thích của ông, cũng không phải là để giúp ông xía vào đời tư của các công dân. Ông đã rõ chưa?

- Rõ.

- Thế thôi.

Robert chạy lao về phía phòng của anh. Những ngón tay anh run rẩy khi quay số 202-324-3000. Một giọng trả lời:

- FBI đây.

- Cho tôi gặp Al Traynor.

- Xin chờ một chút.

Một phút sau, có tiếng một người đàn ông.

- Xin chào. Tôi có thể giúp gì ông vậy?

- Vâng. Tôi muốn gặp Al Traynor.

- Tôi xin lỗi. Điệp viên Traynor không còn ở cơ quan nầy.

- Cái gì? - Robert cảm thấy giật mình.

- Điệp viên Traynor đã bị thuyên chuyển.

- Thuyên chuyển à?

- Phải.

- Đến đâu?

- Boiso. Nhưng anh ta sẽ còn chưa có mặt tại đó một thời gian. Tôi e là một thời gian dài đấy.

- Ý ông nói gì vậy?

- Đêm qua, trong khi đang chạy trong công viên Rock Creek, anh ta bị một chiếc xe đâm rồi bỏ chạy. Ông có thể tin được không hả? Một thằng khốn kiếp nào đó hẳn đã uống say đến phát rồ. Hắn lao xe của hắn trên đường chạy. Traynor bị quăng đi xa tới hơn chục mét. Anh ta khó mà qua khỏi được.

Robert gác máy. Đầu óc anh quay cuồng. Chuyện quỷ quái gì đang xảy ra thế nhỉ? Monte Banks, cái thằng giàu có, mắt xanh ấy đang được bảo vệ. Bảo vệ cái gì? Ai bảo vệ hắn? Lạy Chúa, Robert nghĩ, Susan đang lao vào chuyện gì không biết nữa?

Anh đến thăm cô ngay chiều hôm đó.

Cô ở tại căn hộ mới của mình, một căn hộ kép đẹp đẽ trên phố M. Anh tự hỏi không biết có phải Cái túi tiền đã mua cho cô hay không. Đã mấy tuần họ không gặp nhau, và anh như nghẹt thở khi nhìn thấy cô.

- Susan, xin lỗi vì đã đường đột như thế nầy. Anh biết là anh đã hứa không làm vậy.

- Anh nói là có chuyện gì đó nghiêm trọng.

Đúng thế. Bây giờ, khi đã ở đây, anh không biết phải bắt đầu như thế nào. Susan, anh đến để cứu em ư? Cô ấy sẽ cười vào mặt anh.

- Có chuyện gì vậy?

- Đó là chuyện về Monte.

- Chuyện gì về anh ấy vậy? - Cô chau mầy.

- Đây mới là phần khó khăn. Làm sao anh có thể nói với cô chuyện mà chính anh cũng chưa biết? Tất cả những gì anh biết là có một chuyện gì đó nghiêm trọng lắm. Đúng là Monte Banks có trong bộ nhớ của FBI, với một phiêu lưu ý: Không được tiết lộ thông tin nào nếu không được sự cho phép thích hợp. Và việc thẩm tra đã lập tức bị đá ngược lại đối với Cục Tình báo hải quân. Vì sao?

- Anh không nghĩ là anh ta, anh ta có gì đó có vẻ không thật.

- Em không hiểu.

- Susan, anh ta kiếm tiền từ đâu hả?

Cô có vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi nầy.

- Monte có một doanh nghiệp xuất khẩu rất thành công.

Cái thứ vỏ bọc cổ lỗ nhất trên thế gian nầy.

Lẽ ra anh phải biết là không nên đến đây để đưa ra cái lập luận nửa vời của mình mới phải. Anh cảm thấy mình ngớ ngẩn. Susan đang đợi câu trả lời và anh không có gì để nói.

- Vì sao anh lại hỏi như thế?

- Anh, anh chỉ muốn tin chắc rằng anh ta là người thích hợp cho em mà thôi, - Robert nói không ra đâu vào đâu.

- Ôi Robert. - Giọng cô đầy vẻ thất vọng.

Anh cho là anh không nên đến đây. Đúng thế, anh bạn.

- Anh xin lỗi em.

Susan bước đến và ôm lấy anh. Cô dịu dàng nói.

- Em hiểu.

Nhưng cô đâu có hiểu gì. Cô đã không hiểu rằng một cuộc thẩm tra bình thường về Monte Banks đã bị chặn đứng lại, hất ngược về Cục Tình báo hải quân và cái người toan tìm kiếm những thông tin đó đã bị loại bỏ.

Có những cách khác để thu thập thông tin và Robert bắt tay vào việc tìm kiếm chúng một cách thận trọng.

Anh gọi điện cho một người bạn làm ở tạp chí Forbes.

- Robert. Lâu quá không gặp. Tôi có thể giúp gì anh thế?

Robert nói chuyện với anh ta.

- Monte Banks à? Rất thú vị là anh đã nhắc đến tên anh ta. Chúng tôi nghĩ rằng anh ta phải có tên trong danh sách Bốn trăm người giàu nhất của tờ Forbes nầy, nhưng mà không kiếm đâu ra thông tin về anh ta cả. Anh có gì cho chúng tôi không đấy?

Một con số không.

Robert đi tới thư viện công cộng tìm kiếm cái tên Monte Banks trong cuốn Tiểu sử các nhân vật. Hắn ta không có tên trong đó.

- Anh quay lại tìm kiếm trong bộ phận lưu trữ các số báo Bưu điện Washington xung quanh thời gian Monte Banks bị tai nạn máy bay. Có một mẩu nhỏ về vụ tai nạn nầy. Nó nhắc đến Banks như một nhà doanh nghiệp.

Tất cả đều có vẻ trong sáng cả. Có thể mình nhầm, Robert nghĩ. Có thể thằng cha Monte Banks nầy chẳng có vấn đề gì cả. Chính phủ đã không bảo vệ cho hắn nếu như hắn là một tên gián điệp, một tên tội phạm hoặc một tên buôn lậu ma tuý... Sự thật là mình vẫn đang cố bám vào Susan mà thôi.

***

Trở lại với cuộc sống độc thân là một nỗi cô đơn, một sự trống rỗng, một chuỗi những ngày bận rộn và những đêm mất ngủ. Một cơn sóng tuyệt vọng thường tràn lên anh một cách bất chợt và anh thường phải khóc. Anh khóc cho bản thân mình, cho Susan và cho tất cả những gì mà họ đã mất. Sự hiện diện của Susan có ở mọi nơi. Căn hộ nầy vẫn đầy kỷ niệm về cô. Robert đau khổ với tất cả những điều nhắc nhở ấy, và mỗi phòng đều hành hạ anh với những hồi tưởng về giọng nói của Susan, tiếng cười và sự nồng ấm của cô. Anh nhớ tất cả những đường cong mềm mại trên thân thề cộ khi cô nằm trần truồng trên giường đợi anh, và nỗi đau trong anh là không thể chịu đựng nổi.

Bạn bè quan tâm tới anh.

- Đừng phiền muộn, Robert.

Và sự quan tâm của họ đều thống nhất ở một việc:

- Tớ sẽ kiếm cho cậu một con bé.

Họ là những cô gái xinh đẹp và gợi tình, cao có, thấp có. Họ là những người mẫu, những cô thư ký, những người làm nghề quảng cáo, những phụ nữ bỏ chồng và những nữ luật sư. Nhưng không có ai trong số họ là Susan. Anh không có gì chung với bất kỳ ai trong số họ, và việc cố chuyện trò một chút với những cô gái xa lạ mà anh không hề quan tâm chỉ làm cho anh cảm thấy cô đơn hơn. Robert không có ham muốn kéo một ai trong số họ vào giường ngủ. Anh muốn có một mình. Anh muốn quay lại cuốn phim kia từ đầu và viết lại kịch bản của nó. Khi nhìn lại, thật dễ thấy những sai lầm của anh, dễ thấy phải sửa lại cái kịch bản với Đô đốc Whittaker như thế nào.

CIA bị thâm nhập bởi một người mang mật danh Con Cáo. Ông phó giám đốc đã yêu cầu để anh tìm kiếm hắn.

Không, thưa Đô đốc. Xin lỗi. Tôi đang chuẩn bị đưa vợ tôi đi hưởng tuần trăng mật thứ hai.

***

Anh muốn thay đổi lại cuộc đời mình, để nó có một kết thúc đẹp đẽ. Nhưng đã quá muộn. Cuộc sống không dành cho những cơ hội lần thứ hai. Anh đã hoàn toàn cô độc. Anh tự đi mua sắm, tự nấu ăn và đi tới hiệu giặt là gần đó mỗi khi anh ở nhà.

Đó là một thời gian cô đơn và khổ sở nhất trong đời Robert. Nhưng thế cũng vẫn còn chưa phải là điều tệ hại nhất. Một người phụ nữ làm nghề thiết kế thời trang xinh đẹp mà anh gặp ở Washington đã mấy lần gọi điện mời anh đi ăn tối. Robert thật sự không muốn, nhưng sau cùng thì anh cũng nhận lời. Cô ta đã chụẩn bị một bữa tối ngon lành cho hai người dưới ánh sáng của những ngọn nến.

- Em là một đầu bếp giỏi, - Robert nói.

- Chuyện gì em cũng giỏi cả. - Và không có gì để nhẩm lẫn trong ý cô ta hết. Cô ta nhích lại gần anh hơn. - Hãy để em chứng tỏ cho anh thấy nhé. - Cô ta đặt tay lên hai đùi anh và đưa đầu lưỡi mơn trớn môi anh.

Đã lâu quá rồi, Robert nghĩ. Có thể là quá lâu thật.

Họ cùng nhau lên giường, và trước sự thất kinh của Robert, đó là một tai hoạ. Lần đầu tiên trong đời, anh hoàn toàn bất lực. Anh cảm thấy nhục nhã.

- Đừng phiền lòng, anh yêu, - Cô ta nói. - Rồi đâu sẽ vào đấy thôi.

Cô ta đã nhầm.

Robert trở về nhà, cảm thấy ngượng ngùng và chán nản. Anh biết rằng thật là điên rồ và ngớ ngần, anh đã cảm thấy việc làm tình với một phụ nữ khác là một sự phản bội đối với Susan. Sao mình lại có thể ngu ngốc đến thế nhỉ?

Vài tuần sau đó, anh lại thứ làm tình với một nữ thư ký xinh xắn ở Cục Tình báo hải quân. Trên giường, cô gái đầy nhục cảm, mơn trớn khắp thân thể anh và ngậm anh trong cái miệng nóng ấm của cô. Nhưng không ăn thua gì. Anh chỉ muốn có Susan. Sau lần ấy anh không thử nữa. Anh đã nghĩ tới việc phải đến bác sĩ, nhưng lại thấy quá ngượng ngùng. Anh biết câu trả lời đối với vấn đề của anh, và nó không hề có liên quan gì đến chuyện y tế cả. Anh đành dồn tất cả sức lực của mình vào công việc.

Susan gọi điện cho anh ít nhất mỗi tuần một lần.

"Đừng quên lấy quần áo ở chỗ hiệu giặt, - Cô thường nói. Hoặc. "Em đang cho một cô giúp việc đến chỗ anh để dọn dẹp căn hộ. Em cá với anh rằng nhà cửa rất lộn xộn đấy".

Mỗi cú điện thoại lại làm cho sự đơn độc càng trở nên khó chịu đựng hơn.

Cô đã gọi điện cho anh vào đêm trước ngày cưới.

- Anh Robert, em muốn anh biết rằng ngày mai em cưới.

Anh thấy ngạt thở. Anh hổn hển nói.

- Susan.

- Em yêu Monte, - Cô nói, nhưng em cũng yêu anh. Em sẽ yêu anh đến chết. Em không muốn anh quên điều đó.

Còn biết đáp lại thế nào?

- Robert, anh có sao không?

Chắc chắn là không sao. Mạnh khoẻ. Trừ một việc mình là một thằng quan hoạn khốn kiếp. Bỏ cái tính từ đó đi.

- Anh Robert?

- Anh không thể nào làm cô phiền lòng vì chuyện của mình.

- Anh khoẻ. Song, anh xin em một điều thôi, được chứ, em yêu?

- Bất cứ điều gì mà em có thể làm được.

- Đừng... đừng để hắn ta đưa em đi trong tuần trăng mật tới những nơi mà chúng ta đã từng đến.

Anh cúp máy, lao ra ngoài và đi uống đến say mèm.

***

Đó là chuyện một năm trước. Đó là quá khứ. Anh đã bị buộc phải đối mặt với thực tế là giờ đây Susan thuộc về một người khác. Anh buộc phải sống trong hiện tại. Anh có công việc để làm. Bây giờ đã đến lúc phải nói chuyện với Leslie Mothershed, tay thợ ảnh đã chụp những tấm hình và có tên của các nhân chứng mà Robert có nhiệm vụ phải tìm kiếm trong chuyến công tác cuối cùng nầy của anh.

h

Lislie Mothershed đang ở trong một tâm trạng phấn khích. Ngay khi trở về tới London, khư khư cuộn phim quý giá, anh ta vội vã lao vào cái phòng kho nhỏ mà anh ta đã biến thành buồng tối và kiểm tra lại mọi thứ đồ nghề: khay tráng, nhiệt biểu, những cái cặp bốn cái bình lớn, đồng hồ, thuốc rửa, thuốc hiện, thuốc hãm. Anh ta bật một ngọn đèn đỏ nhỏ phía trền đầu rồi hai bàn tay run lên, lấy cuộn phim ra. Anh ta thở mạnh, cố tự kiềm chế.

Anh ta thở mạnh, cố tự kiềm chế. Lần nầy không được để có sai sót gì, anh ta nghĩ. Không sai sót gì cả. Mẹ ơỉ, cái nầy là để cho mẹ đây.

Một cách thận trọng, anh ta cuốn phim vào chiếc lõi đặt vào trong khay và đổ thuốc rửa vào, thứ dung dịch đầu tiên mà anh ta sẽ phải dùng đến. Nó đòi hỏi giữ đều ở nhiệt độ 20oC và thỉnh thoảng lại phải khuấy đều. Sau mười một phút, anh ta đổ hết cái dung dịch đó đi và đổ thuốc hãm vào.

Lishe lại bắt đầu hồi hộp, lo sợ có một nhầm lẫn nào đó. Anh ta trút bỏ thuốc hãm để rửa lần đầu và rồi để phim nằm trong một khay đầy nước trong vòng mười phút. Sau đó là hai phút liên tục khuấy động trong một chất tẩy; và mười hai phút nữa trong nước. Ba mươi giây ngâm trong một dung dịch khác để đảm bảo không còn những vết lỗi trên phim âm bản. Sau cùng, hết sức thận trọng, anh ta lấy phim ra và treo nó lên bằng những chiếc cặp và dùng một miếng thấm để thấm đi những giọt nước cuối cùng trên phim. Anh ta đợi một cách kiên nhẫn để cuộn phim âm bản khô đi.

Đã đến lúc nhìn thấy một chút. Mothershed cầm đoạn phim đầu tiên lên, nín thở trong tiếng tim đập thinh thịch, và giơ nó lên trước ánh sáng. Hoàn hảo.

Tuyệt đối hoàn hảo.

Mỗi tấm phim là một viên ngọc, một bức ảnh mà bất kỳ nhiếp ảnh gia nào trên thế giới cũng phải tự hào nếu như chụp được nó. Mọi chi tiết của chiếc phi thuyền không gian lạ kia đều rõ ràng, kể cả những cái xác của hai sinh vật lạ nằm trong đó.

Mắt Mothershed chợt chú ý vào hai thứ mà trước đó anh ta đã không hề để ý, và anh ta xem lại cẩn thận hơn. Ở nơi mà vỏ chiếc phi thuyền vỡ ra, anh ta có thể trông thấy ba cái đi văng nhỏ bên trong thế nhưng lại chỉ có hai sinh vật lạ. Điều lạ nữa là bàn tay của một trong hai sinh vật kia đã bị chặt đứt. Không hề nhìn thấy chỗ nào trong tấm ảnh đó có bàn tay đó. Có thể là sinh vật nầy chỉ có một tay, Mothershed nghĩ. Lạy Chúa, những bức ảnh nầy là tuyệt tác. Mẹ nói đúng. Mình là một thiên tài. Anh ta nhìn quanh căn phòng nhỏ và nghĩ. Lần sau mình sẽ rửa phim trong một căn buồng tối rộng rãi, đẹp đẽ trong biệt thự của mình ở Eaton Square.

Anh ta sờ mó những tấm phim quý giá như kẻ hà tiện sờ mó những đồng vàng của mình. Không một tờ báo hay tạp chí nào trên thế giới lại khỏng bất chấp mọi giá để có được tấm hình nầy. Suốt những năm vừa qua, những kẻ khốn kiếp đó đã khước từ những tấm ảnh của anh ta vớì dòng ghi chú đầy báng bổ. Cảm ơn ông đã gửi những tấm ảnh mà chúng tôi gửi trả nơi đây. Chúng không phù hợp với nhu cầu hiện nay của chúng tôi? Và, Cảm ơn ông đã gửi tới. Chúng quá giống với những tấm ảnh mà chúng tôi đã in. Hay đơn giản là, Chúng tôi gửi trả những tấm ảnh mà ông đã gửi tới?

Trong nhiều năm, anh ta đã phải cầu cạnh những kẻ khốn kiếp nầy để có công ăn việc làm và bây giờ chúng sẽ phải bò đến đây, và anh ta sẽ bắt chúng phải trả giá.

Lishe không thể chờ đợi được nữa. Anh ta phải bắt đầu ngay lập tức. Do chỗ cái công ty Điện thoại Anh đốn mạt kia đã cắt điện thoại của anh ta chỉ đơn thuần vì lẽ quý vừa qua chậm trả tiền có vàì ba tuần lễ, Mothershed phải ra ngoài để gọi. Cao hứng, anh ta quyết định tới tiệm Langan, một tiệm ăn có tiếng, và tự thết mình một bữa trưa xứng đáng. Tiệm Langan là quá cao so với khả năng tài chính của Lislie, nhưng nếu như có một dịp kỷ niệm nào đó thì chính là lúc nầy dây. Chẳng nhẽ không phải anh ta sắp trở nên giàu có và nổi tiếng sao?

Người phục vụ đưa Mothershed tới ngồi vào một chiếc bàn nơi góc phòng, và ở đó, tại một bàn cách chừng ba mét, anh ta nhìn thấy hai khuôn mặt quen thuộc Anh ta đột nhiên nhận ra họ là ai, và thoáng run người lên. Chính là Michael Caine và Roger Moore.

Lislie mong giá như mẹ mình còn sống để có thể nghe kể lại về điều nầy. Bà rất thích được đọc về những minh tinh màn bạc. Hai người đàn ông kia đang nói cười vui vẻ không có chút bận tâm gì trên đời, và Mothershed không thể nào không nhìn họ. Họ không hề để mắt đến anh ta. Hal thằng cha hợm hĩnh. Leslie Mothershed nghĩ một cách giận dữ. Chắc họ chờ mình tới xin chữ ký. Hừm, chỉ vài ngày nữa thì họ sẽ phải xin mình ấy chứ. Họ sẽ sấp sấp ngửa ngửa để mà giới thiệu mình với bạn bè của họ. "Leslie, tôi muốn ông gặp Charles và Di, và đây là Fergie và Andrew. Leslie, các vị biết rồi, người đã chụp nhưng bức ảnh nổi tiếng về cái vật thể bay lạ kia". Lúc Mothershed ăn xong, anh ta đi qua hai minh tinh kia và lên gác để tới buồng điện thoại. Bộ phận hỏi đáp cho anh số máy của tờ Sun.

- Tôi muốn gặp người phụ trách biên tập ảnh.

- Chapman đây. - Một giọng đàn ông cất lên.

- Liệu có giá trị gì với ông nếu như ông có những tấm ảnh về một vật thể bay lạ vớì những xác chết của hai sinh vật lạ trong đó không hả?

Giọng ở đầu dây đằng kia nói:

- Nếu như những tấm ảnh xem được thì chúng tôi có thể sử dụng như là thí dụ về một trò đùa thông minh và...

Mothershed nói một cách gay gắt:

- Chuyện nầy không phải là một trò đùa. Tôi có tên của chín nhân chứng có tiếng tăm, là những người sẽ làm chứng rằng đó là sự thật, trong đó có một tu sĩ.

Giọng của người đàn ông kia thay đổi.

- Ô? Và những bức ảnh nầy được chụp ở đâu thế?

- Chuyện đó thì ông khỏi quan tâm, - Leslie thoái thác. Anh ta sẽ không chịu để họ lừa để biết bất kỳ một thông tin nào. - Ý ông thế nào?

Giọng nói kia đầy vẻ thận trọng:

- Nếu như ông có thể chứng minh những bức ảnh đó là xác thực, thì đúng là chúng tôi sẽ rất quan tâm tới chúng.

Chắc chắn là thế rồi, Leslie sung sướng nghĩ.

- Tôi sẽ liên lạc lại với ông. - Anh ta gác máy.

Hai cú điện thoại nữa cũng hài lòng như thế. Leslie đã phải tự nghĩ rằng việc kiếm tên và địa chỉ của các nhân chứng là một nước cờ thiên tài. Giờ thì không kẻ nào có thể vu cho anh ta là cố tình bịp bợm. Những tấm ảnh nầy chuẩn bị xuất hiện trên trang đầu của tất cả những tờ báo và tạp chí lớn nhất thế giới. Với tên tuổi của mình: ảnh của Leslie Mothershed.

Khi Mothershed rời tiệm ăn, anh ta đã không thể cưỡng lại việc bước lại bên chiếc bàn nơi hai ngôi sao màn bạc đang ngồi.

- Xin lỗi. Xin lỗi vì đã quấy rầy quý vị, song tôi muốn được xin chữ ký của quý vị, được chứ ạ?

Roger Moore và Michael Caine mỉm cười một cách thân mật. Họ ký tên lên hai mảnh giấy và trao chúng cho tay thợ chụp ảnh.

- Cảm ơn.

Khi Leslie Mothershed ra tới bên ngoài, anh ta xé toạc những mảnh giấy và ném chúng đi.

Thây kệ họ. Anh ta nghĩ. Mình còn quan trọng hơn họ nhiều.

Robert lên một chiếc xe taxi để đi Whitechapel. Chiếc xe chạy qua City, khu thương mại lớn của London, hướng về phía đông cho tới khi gặp đường Whitechapel, một khu vực đầy tai tiếng từ cả một thế kỷ trước với Jack kẻ cướp. Dọc theo đường Whitechapel là hàng tá gian hàng ngoài trời bán đủ mọi thứ, từ vải vóc, rau tươi đến những tấm thảm.

Khi chiếc taxi đến gần địa chỉ Mothershed, phố xá trông mỗi lúc một tồi tàn hơn. Những hình vẽ nguệch ngoạc đầy trên các bờ tường. Xe chạy ngang qua tiệm Đôi tay của Weaver, Robert nghĩ: Đó hẳn là nơi lui tới của Mothershed. Một tấm biển khác đề: Cá ngựa, Walter... Có thể là Mothershed chơi cá ngựa ở đây.

Sau cùng, họ tới số 213 A đường Grove. Robert để chiếc taxi đi và xem xét toà nhà trước mặt. Đó là một ngôi nhà hai tầng xấu xí được chia thành những căn hộ nhỏ, trong đó có người đàn ông có danh sách toàn bộ những nhân chứng mà Robert được phái đi tìm.

Leslie Mothershed đang ở trong phòng khách, mê mải nghĩ tới cái điều may mắn trời cho thì nghe tiếng chuông gọi cửa. Anh ta nhìn lên, giật mình, và chợt cảm thấy lo sợ một cách lạ lùng. Tiếng chuông lặp lại một lần nữa. Mothershed vơ lấy những tấm ảnh quý giá và vội vã đi vào phòng tối, để xen chúng vào giữa một chồng ảnh cũ kỹ, rồi trở ra phòng khách và bước tới mở cửa. Anh ta nhìn chằm chằm vào người lạ mặt đang đứng đó.

- Gì thế hả?

- Ông là Leslie Mothershed?

- Đúng thế. Tôi có thể giúp gì được ông?

Cho phép tôi vào nhà được chứ?

- Tôi không biết. Có chuyện gì đã chứ?

Robert móc ra một tấm thẻ căn cước của Bộ Quốc phòng và giơ lên.

- Ông Mothershed, tôi tới đây vì công việc. Chúng ta có thể nói chuyện ở đây hoặc về là Bộ.

Đó là một trò bịp. Thế nhưng anh có thể thấy rõ nỗi sợ hãi trên mặt tay thợ ảnh.

- Tôi không rõ ông đang nói về chuyện gì cả; nhưng... mời vào. - Leslie nuốt nước miếng.

Robert bước vào căn phòng tồi tàn. Nó đầy vẻ ảm đạm, chẳng ra đâu vào đâu, một chỗ mà chẳng ai muốn sống cả.

- Xin ông vui lòng giải thích rõ là ông đến có việc gì ạ? Mothershed cố lấy giọng bình thản.

- Tôi tới để chất vấn ông về một vài tấm ảnh mà ông đã chụp.

- Anh ta biết mà. Anh ta đã biết ngay từ khi nghe thấy tiếng chuông gọi cửa. Bọn khốn kiếp đang toan cướp vận may của mình. Hừ, mình sẹ không để cho chúng làm được điều đó.

- Ông nói những bức ảnh nào vậy?

- Những bức ảnh mà ông chụp tại nơi một vật thể bay lạ bị rơi. - Robert nói một cách kiên nhẫn.

Mothershed nhìn Robert một thoáng, như thể bị ngạc nhiên, và rồi cố phá lên cười.

- Ồ, ra thế. Tôi mong giá mà tôi có chúng để đưa cho ông.

- Ông đã chụp những tấm ảnh đó chứ?

- Tôi đã cố.

- Ý ông nói gì... ông đã cố ư?

- Chẳng được cái quái gì cả. - Mothershed húng hắng ho. - Máy của tôi bị lọt sáng. Đây là lần thứ hai tôi bị thế nầy. - Anh ta bắt đầu ba hoa.- Thậm chí tôi đã ném cả phim đi. Chúng chẳng ra làm sao. Phí cả phim. Và hẳn ông biết là độ nầy phim đắt thế nào.

Anh ta là một kẻ nói dối tồi, Robert nghĩ. Anh ta đã quá lo sợ. Robert nói vẻ thông cảm:

- Chán thật. Lẽ ra thì những tấm ảnh đó sẽ rất có ích đấy.

Anh không đả động gì tới danh sách những hành khách kia. Nếu như Mothershed đã nói dối về những tấm ảnh thì anh ta cũng sẽ nói dối về những hành khách. Robert đưa mắt nhìn quanh. Những tấm ảnh và cả bản danh sách phải được giấu đâu đó. Hẳn là không khó tìm. Căn hộ bao gồm một phòng khách nhỏ, phòng ngủ, phòng tắm và có một cái cửa hình như dẫn vào một phòng xép. Không có cách nào có thể buộc người đàn ông nầy đưa ra những thứ kia. Nhưng anh muốn có những tấm ảnh và bản danh sách đó trước khi Cơ quan Tình báo Anh mò tới và nẫng chúng đi. Anh cần bản danh sách đó cho chính mình.

- Vâng. - Mothershed thở dài. - Những tấm ảnh đó đáng giá cả một gia tài ấy chứ.

- Hãy kể cho tôi nghe về chiếc phi thuyền không gian đi xem nào, - Robert nói.

Mothershed nhún vai ra vẻ miễn cưỡng. Cái cảnh khủng khiếp đó đã in vào óc anh ta mãi mãi.

- Tôi sẽ không bao giờ quên được nó, - anh ta nói. - Chiếc phi thuyền dương như... rung động, như thể nó vẫn còn đang hoạt động. Nó có cái gì đó thật khủng khiếp. Và ở bên trong có xác của hai sinh vật lạ.

- Ông có thể kể cho tôi nghe đôi điều về những người khách đi trên chiếc xe bus được chứ.

Chắc chắn rồi, Mothershed nghĩ một cách hả hê. Tôi có tên và địa chỉ của họ.

- Không, tôi sợ là không thể. - Mothershed tiếp tục cố giấu đi sự hồi hộp của mình. - Lý do tôi không thể giúp gì ông về những người khách là ở chỗ tôi không đi chiếc xe đó. Tất cả bọn họ đều là những người lạ.

- Tôi hiểu. Ồ, cảm ơn về sự hợp tác của ông, ông Mothershed. Tôi đánh giá cao điều đó. Lấy làm tiếc về những tấm ảnh của ông.

- Tôi cũng vậy, - Mothershed nói.

Anh ta nhìn cánh cửa khép lại sau lưng người lạ kia và sung sướng nghĩ. Mình cừ thật. Mình đã qua mặt bọn chó đẻ kia.

Bên ngoài hành lang, Robert đang xem xét cái ổ khoá trên cánh cửa. Một ổ khoá Chubb. Và là một model cổ. Anh chỉ cần vài giây để mở nó. Anh sẽ theo dõi ngôi nhà vào lúc nữa đêm và chờ tay thợ ảnh rời khỏi nhà vào buổi sáng. Một khi mình có danh sách những hành khách kia trong tay thì nhiệm vụ còn lại sẽ là đơn giản.

***

Robert thuê phòng trong một khách sạn nhỏ gần căn hộ của Mothershed và gọi điện cho tướng Hilliard.

- Thưa tướng quân, tôi có tên của tay nhân chứng người Anh.

- Đợi một chút. Rồi. Nói đi, ông sĩ quan.

- Leslie Mothershed. Anh ta sống ở Whitechael, số 213 A đường Grove.

Robert không nhắc tới bản danh sách hành khách và những tấm ảnh. Cái đó là những con chủ bài của anh trong vụ nầy.

***

Cửa hiệu Reggir nằm trong một ngõ cụt nhỏ trên đường Brompton. Đó là một cửa hiệu nhỏ mà khách hàng của nó chủ yếu là đám nhân viên và thư ký làm việc quanh đó. Những bức tường cửa hiệu phủ đầy áp phích quảng cáo về bóng đá và những phần tường còn có thể nhìn thấy thì không hề được quét vôi kể từ cuộc chiến tranh ở kênh Suez.

Chiếc điện thoại ở sau quầy hàng réo vang hai lần trước khi một người đàn ông to lớn mặc chiếc áo len to sù nhấc ống nghe lên. Người đàn ông trông rõ là kẻ sống ở khu Đông thành phố, trừ cái kính một mắt có gọng bịt vàng được gắn chặt phía trong tròng à rõ ràng đối với bất kỳ ai nhìn ông ta kỹ một chút: Con mắt kia của ông ta là bằng thuỷ tinh màu xanh da trời thường thấy trên các quảng cáo du lịch.

- Reggie đây.

- Đây là Giám mục.

- Dạ, thưa ngài, - Reggie nói, giọng ông ta đột nhiên chỉ còn là một lời thì thầm.

- Tên của khách hàng chúng ta là Mothershed. Tên thường gọi là Leslie. Sống ở 213 A đường Grove. Chúng tôi muốn đơn đặt hàng nầy phải được thực hiện nhanh chóng. Rõ chưa.

- Thưa ngài, việc coi như đã xong.

Leslie Mothershed miên man trong giấc mơ vàng ngọc.

Anh ta đang được giới báo chí quốc tế phỏng vấn. Họ đang hỏi về cái lâu đài khổng lồ mà anh ta vừa mua ở Scotland, về cái biệt thự của anh ta ở miền Nam nước Pháp và về chiếc du thuyền lớn. Và có đúng là Nữ Hoàng đã mời ông nhận chân nhiếp ảnh gia chính thức của Hoàng gia không?. Đúng. Tôi nói là tôi sẽ trả lời sau. Còn bây giờ, thưa các quý bà và quý ông, xin tất cả các vị thứ lỗi cho, tôi không kịp hẹn chương trình của tôi với đài BBC mất...

Cơn mơ màng của anh ta bị phá ngang bởi tiếng chuông cửa. Anh ta nhìn đồng hồ. Mười một giờ. Thằng chó đẻ quay lại à? Anh ta bước đến bên cửa và thận trọng mở cửa. Trước ngưỡng cửa là một người đàn ông thấp lùn hơn Mothershed (đó là điều đầu tiên anh ta chú ý) với cặp kính dầy cộp và một khuôn mặt gầy guộc, tái xám.

- Xin lỗi, - người đàn ông rụt rè nói. - Tôi xin lỗi là đã làm phiền ông vào giờ nầy. Tôi sống ở cuối phố.

- Tôi thấy tấm biển ở ngoài nói ông là một thợ ảnh.

- Việc gì hả?

- Ông có làm ảnh hộ chiếu không ạ?

Leslie Mothershed làm ảnh hộ chiếu? Con người sắp có cả thế giới nầy ấy à? Điều đó cũng giống như đòi Mechelangelo quét vôi buồng tắm vậy.

- Không, - anh ta thô bạo nói và toan khép cửa lại.

- Thực sự là tôi không muốn làm phiền ông, nhưng tôi đang kẹt quá: Chuyến bay đi Tokyo của tôi là vào tám giờ sáng mai, thế mà trước đây một chút tôi lấy hộ chiếu ra xem và lạ rằng không hiểu thế nào mà cái ảnh bị bong ra. Không thấy đâu cả. Tôi đã tìm khắp mọi nơi. Họ sẽ không cho tôi lên máy bay khi mà hộ chiếu không có ảnh. - Người đàn ông nhỏ bé gần như sắp phát khóc.

- Tôi lấy làm tiếc, - Mothershed nói, - tôi không thể giúp ông.

- Tôi xin trả ông một trăm bảng.

Một trăm bảng? Cho một người có cả một lâu đài một biệt thự và một du thuyền ư? Đó là một sự xúc phạm.

Người đàn ông nhỏ bé, yếu ớt kia nói tiếp:

- Thậm chí tôi có thể trả cao hơn. Hai trăm hoặc ba trăm. Ông biết đấy, thực sự là tôi phải có mặt trên chuyến bay đó, nếu không tôi sẽ bị mất chỗ làm việc của mình.

Ba trăm bảng để chụp một tấm ảnh hộ chiếu.

Không kể việc rửa ảnh thì nó chỉ mất chừng mười giây Mothershed bắt đầu tính toán. Điều đó có nghĩa là 1800 bảng một phút. Một nghìn tám trăm bảng một phút có nghĩa là 10800 bảng một giờ. Nếu như anh ta làm một ngày tám tiếng, điều đó có nghĩa là 94400 bảng một ngày. Trong một tuần, con số đó sẽ là...

- Ông sẽ làm chứ ạ?

Sự hợm hĩnh của Mothershed bị thách thức bởi lòng tham và lòng tham đã thắng. Mình có thể có một chút tiền tiêu vặt.

- Mời vào, - Mothershed nói. - Đứng sát vào bức tường kia đi.

- Cám ơn. Tôi thật sự biết ơn ông.

Mothershed thầm mong anh ta có một chiếc máy ảnh polaroid. Cái máy đó sẽ làm mọi việc trở nên thật đơn giản. Anh ta cầm chiếc Vivitar của mình lên và nói:

- Yên nhé.

Mười giây sau, việc đã xong.

Sẽ phải mất một chút thời gian đề rửa ảnh, Mothershed nói. - Nếu như ông trở lại vào lúc...

- Nếu không có gì phiền thì tôi xin chờ.

- Tuỳ ông thôi.

Mothershed cầm chiếc máy ảnh đi vào phòng tối, đút nó vào trong cái túi đen, tắt chiếc đèn trên đầu và bật ngọn đèn đỏ, rồi tháo phim ra. Anh ta sẽ làm việc nầy một cách qua quýt. Dù sao thì ảnh hộ chiếu trông cũng thường xấu xí. Mười lăm phút sau, khi Mothershed đang ngâm phim trong thuốc hiện thì bắt đầu ngửi thấy mùi khói. Anh ta ngừng tay. Có phải là mình tưởng tượng ra không nhỉ? Không. Mùi khói mỗi lúc một nồng nặc hơn. Anh ta quay ra mở cửa.

Cửa dường như bị kẹt. Mothershed đẩy mạnh. Cánh cửa vẫn đóng chặt.

- Nầy, - anh ta gọi vọng ra. - Có chuyện gì ngoài ấy thế?

Không có tiếng đáp lại.

- Nầy! - Anh ta tì vai vào cánh cửa cố đẩy ra nhưng dường như ở phía ngoài có một vật gì đó đè nặng giữ chặt cánh cửa. - Ông gì ơi?

Không có tiếng trả lời. Âm thanh duy nhất mà anh ta nghe thấy ở bên ngoài đó là một tiếng đổ vỡ lớn. Mùi khói càng thêm nồng nặc. Căn hộ đang bị cháy. Có thể vì thế mà ông ta chạy ra. Hẳn là ông ta đang đi kêu cứu. Leslie Mothershed lao vai vào cánh cửa mạnh hơn, nhưng cánh cửa không bật ra.

- Cứu - Anh ta thét lên. - Cứu tôi với.

Khói bắt đầu tràn vào phía dưới cánh cửa, và Mothershed cảm thấy lửa đang bắt đầu liếm vào nó. Không khí trở nên ngột ngạt. Anh ta bắt đầu nghẹt thở. Phổi anh ta bỏng rát và anh ta bắt đầu ngất đi. Anh ta khuỵu xuống.

- Ôi lạy Chúa, xin đừng để con chết vào lúc nầy. Đừng vào lúc mà con sắp làm giàu có và nổi tiếng...

***

- Reggie đây.

- Đơn đặt hàng đã làm xong chưa?

- Thưa ngài, rồi ạ. Hơi quá lửa một chút nhưng đúng lúc.

- Tuyệt vời.

***

Vào lúc hai giờ sáng, khi Robert đến đường Grove để bắt đầu việc theo dõi, anh thấy đường phố bị tắc nghẽn. Khúc phố đầy những xe cứu hoả, xe cấp cứu và xe cảnh sát. Robert lách qua đám đông những người đang đứng xem và vội vã chen vào sát bên trong. Toàn bộ toà nhà bị ngọn lứa trùm lên. Từ bên ngoài, anh có thể thấy rằng căn hộ của tay thợ ảnh ở tầng hai đã bị thiêu rụi hoàn toàn.

- Chuyện xảy ra thế nào vậy? - Robert hỏi một người lính cứu hoả.

- Chúng tôi chưa rõ. Xin đứng lùi lại cho.

- Người bà con của tôi sống trong căn hộ kia. Anh ấy có làm sao không?

- Tôi e là nghiêm trọng. - Giọng anh ta trở nên thông cảm. - Hiện họ đang mang anh ta ra khỏi toà nhà đấy.

Robert trông theo hai nhân viên y tế đẩy chiếc cáng bên trên có một thi thể vào trong một chiếc xe cấp cứu.

- Tôi sống cùng với anh ấy, - Robert nói. - Tất cả xống ảo của tôi ở cả trong đó. Tôi muốn vào và...

- Chẳng ích gì đâu, thưa ông. Trong đó chẳng còn gì ngoài đống tro tàn. - Người lính cứu hoả lắc đầu.

Không còn gì ngoài tro tàn. Kể cả những tấm ảnh và bản danh sách hành khách quý giá kia với tên tuổi và địa chỉ của họ. Một sự không may khốn kiếp, Robert cay đắng nghĩ.

***

Tại Washington, Dustin Thornton đang ăn trưa với ông bố vợ trong một phòng ăn riêng xa hoa ở khu văn phòng của Williard Stone. Dustin Thornton cảm thấy hồi hộp. Trước mặt ông bố vợ đầy thế lực bao giờ ông ta cũng mất đi vẻ tự nhiên.

Williard Stone đang ở trong một tâm trạng vui vẻ.

- Tối qua, tôi cùng ăn tối với Tổng thống. Ông ta nói với tôi rằng ông ta rồi hài lòng về công việc của anh, Dustin.

- Con rất biết ơn.

- Anh làm việc khá đấy. Anh đang giúp vào việc chống lại đám người đó.

- Đám người nào.

- Những kẻ muốn bắt đất nước vĩ đại nầy phải quỳ gối. Nhưng không chỉ là những kẻ thù bên ngoài đòi hỏi chúng ta phải cảnh giác. Đám đó là cả những kẻ làm ra bộ phục vụ đất nước của chúng ta, nhưng không hoàn thành bổn phận của mình. Nhưng kẻ không chấp hành mệnh lệnh.

- Những kẻ lầm lạc.

- Đúng thế đó. Dustin. Những kẻ lầm lạc. Chúng phải bị trừng phạt. Nếu như...

Một người đàn ông bước vào phòng.

- Xin thứ lỗi cho tôi, thưa ông Stone. Các quý ông đó đã đến. Họ đang đợi ông ạ.

- Được Stone quay sang con rể. - Ăn cho xong đi Dustin. Tôi có chút việc quan trọng phải làm. Có thể một hôm nào đó tôi sẽ nói lại cho anh nghe.

Các đường phố Zurich chật ních với những sinh vật trông kỳ dị có những hình thù quái gở, những tên khổng lồ dị dạng với những thân hình to lớn, kỳ cục, những cặp mắt nhỏ xíu và mầu da giống như màu cá luộc Họ là giống ăn thịt và cô ghét cái thứ mùi hôi hám toả ra từ thân thể họ. Một số thuộc giống cái mang trên người những mảnh da thú, sản phẩm còn lại của những thú vật đã bị họ giết hại. Cô vẫn còn choáng váng với cái tai nạn khủng khiếp đã cướp đi sự sống của các bạn đồng hành của cô.

Cô đã ở trái đất bốn chu kỳ thời gian mà những sinh vật lạ lùng nầy gọi là tháng, và cô đã không ăn gì trong suốt thời gian đó. Cô khát đến lả người đi...

Chút nước duy nhất mà cô đã uống được là chút nước mưa trong cái máng của người chủ trại, và từ đêm đó trời không hề có mưa. Ngoài thứ nước đó thì mọi thứ nước trên trái đất nầy là không thể uống được.

Cô đã đi vào một nơi để ăn uống những thứ xa lạ nhưng cô không thể nào chịu nổi mùi hôi hám. Cô đã thử ăn rau và quả tươi của họ, nhưng chúng chẳng có vị gì và không ngon lành như thức ăn ở nhà.

Cô có tên là Duyên Dáng 1, dáng người cao, nghiêm trang, xinh đẹp với cặp mắt màu xanh lá cây ngời sáng. Kể từ lúc rời khỏi nơi xảy ra tai nạn, cô đã hoá thân thành một người trái đất, và đi qua những đám đông mà không hề bị để ý.

Cô ngồi trước một cái bàn, trên một cái ghế cứng quèo rất bần tiện được làm cho con người, và cô đọc những ý nghĩ của những sinh vật ở quanh cô.

Có hai sinh vật đang ngồi bên một chiếc bàn gần kề. Một sinh vật nói to:

Đó là cơ hội cả đời chỉ có một lần, Frank ạ. Chỉ cần năm mươi ngàn francs là anh có thể bắt đầu rồi. Anh có năm mươi ngàn francs, phải không nào? - Cô đọc những ý nghĩ trong đầu anh ta. Nào, đồ con lợn. Tao cần số tiền đó.

Tất nhiên, nhưng tôi không biết. - Tôi sẽ phải vay khoản tiền đó ở vợ tôi.

Đã bao giờ tôi xui bậy anh trong chuyện đầu tư chưa hả? - Hãy quyết định đi.

Đó là một khoản tiền lớn. - Cô ta sẽ không bao giờ đưa nó cho tôi cả.

Nhưng còn về tiềm năng? Đó là cơ hội kiếm bạc triệu đấy? - Hãy đồng ý đi.

Thôi được Tôi tham gia. - Có thể phải bán đi một ít nữ trang của cô ấy.

Mình ăn được nó rồi. Frank, anh sẽ không bao giờ phải hối tiếc đâu. - Hãn ta hoàn toàn có thể thua thiệt về thuế.

Duyên Dáng 1 không hề hiểu nổi câu chuyện đỏ có ý nghĩa gì.

Ở phía cuối phòng ăn, một người đàn ông và một người đàn bà đang cùng ngồi bên một chiếc bàn. Họ đang thì thầm nói chuyện với nhau. Cô định thần để lắng nghe câu chuyện của họ.

Lạy Chúa. - Người đàn ông nói. - Quái quỷ thế nào mà em lại có chửa được hả? Cô là đồ ngu ngốc.

Thế anh nghĩ vì sao mà em có chửa hả? - Vì báu vật giống đực của anh đấy.

Có chửa là cách mà những sinh vật nầy thai nghén, sinh sản một cách vụng về bằng các cơ quan sinh dục, của họ, giống như những con vật trên cánh đồng vậy.

Tina, về chuyện nầy em định thế nào? - Cô ta phải đi phá thai.

Ê. Anh muốn em làm gì hả? Anh bảo là anh sẽ nói với vợ anh về em mà. - Anh là một thằng nói dối khốn kiếp.

Nầy em yêu, anh sẽ nói, nhưng lúc nầy không được. - Tôi dính với cô một cách thật là điên rồ. Lẽ ra tôi phải biết cô là kẻ gây rắc rối.

Paul, lúc nầy em cũng thật buồn. Thậm chí em không còn nghĩ là anh yêu em. - Xin hãy nói là anh yêu em đi. - Tất nhiên là anh yêu em. Chỉ có điều ngay lúc nầy chính là lúc vợ anh đang gặp hoàn cảnh khó khăn. - Tôi không hề định để mất cô ấy.

Lúc nầy em cũng đang gặp khó khăn. Anh không hiểu điều đó à? Em đang mang bầu đứa con của anh. - Và anh không hề có ý định cưới tôi. Nước mắt chảy ra từ hai mắt cô ta.

Bình tĩnh nào, em yêu. Anh đảm bảo với em là mọi chuyện rồi sẽ ổn cả. Anh cũng muốn có con như em thôi. - Mình sẽ phải thuyết phục cô ta đi phá thai.

Ở cái bàn kề bên họ, một sinh vật giống đực đang ngồi một mình.

Họ đã hứa với mình. Họ nói là cuộc đua đã được ấn định, rằng mình không thể thua, và như một thằng ngốc, mình đã ném tất cả tiền cho bọn họ. Mình phải tìm cách kiếm lại trước khi đám thanh tra tới. Mình không thể nào chịu được nếu họ tống mình vào tù. Mình sẽ tự sát trước. Thề có Chúa, mình sẽ tự sát.

Tại một chiếc bàn khác, một người đàn ông và một người đàn bà đang dở câu chuyện.

- Không hề có chuyện như vậy. Đơn giản là anh đã mua ngôi nhà nghỉ xinh đẹp trên núi nầy, và anh nghĩ là sẽ tốt cho em khi đi nghỉ cuối tuần cho thoải mái. - Chúng ta sẽ có nhiều thời gian nghỉ ngơi trên giuờng của anh, cô bé ạ.

Claude, em không biết. Em chưa bao giờ đi xa với một người đàn ông nào. - Mình ngờ là anh ta tin như thế.

Phải, nhưng đây không phải là chuyện tình dục đâu. Anh chợt nghĩ đến cái nhà nghỉ bởi vì em nói là em cần được nghỉ ngơi. Em có thể nghĩ về anh như một người anh trai của em - Và chúng ta sẽ thử phạm cái tội loạn luân đầy vui thú và cổ lỗ kia xem sao.

Duyên Dáng 1 không hề biết rằng những người khác nói nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau, bởi lẽ cô có thể chen vào trong đầu họ bằng ý thức của mình và hiểu họ đang nói gì.

Mình phải tìm cách liên lạc với tàu mẹ, cô nghĩ.

Cô lấy ra nột cái máy phát xách tay màu bạc. Đó là một hệ thống mạch liên hợp phân cách mà một nửa gồm vật chất hữu cơ sống và nửa kia gồm một hợp chất kim loại của một hệ mặt trời khác. Nhóm vật chất hữu cơ bao gồm hàng nghìn tế bào đơn lẻ để khi chúng chết đi, những tế bào mới được nhân ra và giữ cho những liên lạc liên tục. Thật không may, cái bộ phận tinh thể dùng để điều khiển chiếc máy phát đã gãy ra và rơi mất. Cô đã thử liên lạc với tàu mẹ, nhưng thiếu bộ phận nầy chiếc máy phát trở nên vô tích sự.

Cô cố ăn thêm một lá rau diếp nữa, nhưng không còn chịu nổi mùi vị của nó. Cô đứng dậy và bước ra phía cửa. Cô thu ngân gọi phía sau:

- Thưa cô, xin chờ một phút. Cô chưa trả tiền ăn.

- Tôi xin lỗi. Tôi không có thứ phương tiện thanh toán của các bạn.

- Cô có thể nói điều đó với cảnh sát ấy.

Duyên Dáng 1 nhìn thẳng vào mắt cô thu ngân và chờ cô ta khuỵu xuống. Cô quay đi và bước khỏi chỗ ăn uống đó.

Mình phải tìm cái bộ phận tinh thể. Họ đang chờ nghe tin tức của mình. Cô đã phải cố tập trung các giác quan, nhưng mọi thứ dường như cứ nhoè đi và méo mó. Không có nước, cô biết thế, cô sẽ chết mất.

Ngày thứ năm.

Bern, Thuỵ Sĩ.

Robert đang đi vào ngõ cụt. Anh không nhận ra là đã trông cậy nhiều thế nào vào việc kiếm được cái danh sách của Mothershed. Tan thành mây khói cả. Robert nghĩ. Theo đúng nghĩa đen của nó. Các dấu vết bây giờ thật mờ nhạt. Lẽ ra mình phải đoạt bản danh sách kia lúc mình ở trong căn hộ của Mothershed.

Điều đó sẽ dạy cho mình một bài học. Tất nhiên. Một ý nghĩ đâu đó có trong đầu anh chợt nổi lên. Hans Beckerman có nói: "Tất cả những hành khách đều muốn được xem cái vật thể bay lạ và những sinh vật chết trong đó, nhưng cái lão già ấy thì cứ phàn nàn đòi sớm về Benr bởi vì lão ta phải chuẩn bị một bài giảng ở trường đại học". Chuyện thật mơ hồ, nhưng đó là tất cả những gì Robert có trong tay.

Anh thuê một cái xe ở sân bay Bern và chạy về hướng trường đại học. Anh rời khỏi đường Rathausgasse, con đường chính của thành phố Bern và lái xe chạy tới Langgassetrsase, nơi có Đại học Bern. Trường đại học nầy gồm dăm toà nhà, cao bốn tầng, với hai dãy ngang và những tượng đá lớn trên mái. Ở mỗi đầu sân, mặt trước của toà nhà là nhùng cửa sổ bằng kính của nhữtng phòng hộc, và ở phía sau trường là một khoảng vườn lớn nhìn ra sông Aare.

Robert bước lên bậc thềm của toà nhà hành chính và bước vào phòng thường trực. Thông tin duy nhất mà Beckerman trao cho anh là ông khách đó người Đức và ông ta đang chuẩn bị bài giảng cho ngày thứ Hai.

Một sinh viên đã chỉ cho anh tới Phòng hành chính.

Một phụ nữ ngồi sau bàn có một vóc người thật dễ sợ. Bà ta mặc một bộ complê cắt rất vừa vặn, mang một cặp kính gọng đen và tóc được búi thành một búi nhỏ. Bà ta ngước nhìn lên khi Robert bước vào.

- Xin mời.

Robert móc ra một tấm thẻ cảnh sát quốc tế.

- Tôi đang thực hiện một cuộc điều tra, và tôi sẽ đánh giá cao sự hợp tác, thưa cô.

- Bà. Bà Schreiber. Điều tra chuyện gì vậy?

- Tôi đang tìm kiếm một giáo sư.

- Tên ông ta? - Bà ta cau mầy.

- Tôi không biết.

- Ông không biết cả tên ông ta?

- Không. Ông ta là một giảng viên mời thôi. Ông ta có một bài giảng ở đây, cách đây vài ngày. Hôm thứ Hai.

- Ngày nào cũng, có nhiều giảng viên mời tới đây giảng bài. Môn học của ông ta là môn gì?

- Bà nói gì ạ?

- Ông ta dạy môn gì? - Giọng bà ta trở nên mất kiên nhẫn. - Ông ta dạy môn học gì?

- Tôi không biết.

Bà ta không giấu vẻ bực tức.

- Trời đất. Tôi không thể giúp ông. Và tôi không có thì giờ cho những chuyện phù phiếm nầy. Bà ta định quay đi.

- Ồ, đây không phải là chuyện phù phiếm. - Robert cam đoan với bà ta. - Hoàn toàn nghiêm túc đấy. - Anh cúi xuống và thấp giọng nói. - Tôi sẽ phải để bà biết công việc của tôi. - Vị giáo sư nầy liên quan tới một tổ chức đĩ điếm.

Bà Schreiber há mồm kinh ngạc.

- Cảnh sát quốc tế đã theo dõi ông ta trong nhiều tháng. Thông tin chúng tôi hiện có cho thấy ông ta là người Đức và rằng ông ta có một bài giảng ở đây vào ngày mười lăm tháng nầy. - Anh đứng thẳng người lên. - Nếu bà không muốn giúp đỡ, chúng tôi có thể tiến hành một cuộc điều tra chính thức tại trường nầy. Tất nhiên, dư luận...

- Không, không. - Bà ta nói. - Không thể để nhà trường liên quan tới một chuyện như vậy. - Trông bà ta đầy vẻ lo ngại. - Ông nói là ông ta giảng bài ở đây hôm nào nhỉ?

- Ngày mười lăm. Thứ hai.

Schreiber nhỏm dậy và đi tới bên tủ hồ sơ. Bà ta mở tủ và lướt qua đám giấy má. Từ một chiếc cặp, bà ta rút ra mấy tờ giấy.

- Đây rồi! Có ba giáo sư mời giảng vào hôm mười lăm.

- Người tôi muốn biết là người Đức.

Tất cả họ đều là người Đức. - Schreiber nói quả quyết. Bà ta sắp xếp mấy tờ giấy trong tay. - Một bài giảng là về các vấn đề kinh tế, một về hoá học và một về tâm lý...

- Tôi có thể xem chúng được không?

Một cách miễn cưỡng, bà ta đưa xấp giấy cho Robert.

- Anh xem kỹ từng tờ. Trên mỗi tờ đều có một cái tên với địa chỉ nhà riêng và số điện thoại.

- Nếu ông muốn, tôi có thể làm bản sao cho ông.

- Không, cảm ơn. - Anh đã nhớ tất cả những cái tên và những con số. Không có ai trong số nầy là người mà tôi đang tìm kiếm.

Bà Schreiber thở phào nhẹ nhõm.

Ôi cảm ơn Chúa. Đĩ điếm. Chúng tôi sẽ không bao giờ dinh dáng đến một chuyện như vậy.

- Xin lỗi đã làm phiền bà vì một chuyện không đâu.

Robert đi ra và hướng tới một trạm điện thoại công cộng trong thành phố.

Cú điện thoại đầu tiên là tới Berlin.

- Giáo sư Streubek phải không ạ?

- Phải.

Đây là Công ty xe du lịch Sunshine. Ông để quên kính trên chiếc xe bus của chúng tôi hôm chủ nhật trước khi ông đi du lịch ở Thuỵ Sĩ và...

- Tôi không hiểu ông muốn nói chuyện gì nữa. - Giọng ông ta có vẻ khó chịu.

- Ông ở Thuỵ Sĩ hôm mười bốn, có phải vậy không, thưa giáo sư?

- Không. Ngày mười lăm. Để giảng bài ở Đại học Bern.

- Và ông không đi chuyến xe du lịch của chúng tôi ư?

- Tôi không có thì giờ cho một chuyện ngốc nghếch như vậy. Tôi là một người bận rộn. - Và ông giáo sư gác máy.

Cú điện thoại thứ hai là tới Hamburg.

- Giáo sư Heinrich phải không ạ?

- Đây là giáo sư Heinrich!

Công ty xe du lịch Sunshine. Ông có ở Thuỵ Sĩ vào ngày mười bốn tháng nầy phải không ạ?

- Vì sao mà ông muốn biết?

Bởi vì chúng tôi tìm thấy chiếc cặp của ông trên một trong những chiếc xe bus của chúng tôi, thưa giáo sư, và...

- Ông nhầm người rồi, tôi không có mặt trên chiếc xe bus du lịch nào hết.

- Ông không đi tuyến du lịch của chúng tôi đến Jungfrau à?

- Tôi đã nói với ông rồi, không.

- Tôi xin lỗi vì đã làm phiền ông.

Cú điện thoại thứ ba được gọi tới Munich.

- Giáo sư Otto Schmidt phải không ạ?

- Vâng.

- Giáo sư Schmidt, đây là công ty xe du lịch Sunshine. Chúng tôi giữ cặp kính mà ông đã để quên trên một chiếc xe của chúng tôi cách đây ít hôm, và...

Hẳn là có chuyện nhầm lẫn rồi.

Tim Robert thắt lại. Anh đã thua. Không còn gì để mà tiếp tục nữa. Giọng nói ở đầu dây kia tiếp tục.

- Tôi có kính của tôi đây thôi. Tôi đâu có mất.

Robert chợt thấy phấn chấn.

- Ông chắc thế chứ, giáo sư? Ông đi tuyến Jungfrau ngày mười bốn có phải không ạ?

- Vâng, vâng, nhưng tôi đã nói rồi, tôi không mất gì cả mà.

- Cảm ơn ông rất nhiều, thưa giáo sư. - Robert gác máy. Vò bở rồi.

Robert, quay mấy số máy khác, và chỉ sau hai phút anh đã đang nói với tướng Hilliard.

- Tôi có hai việc phải báo cáo. - Robert nói. - Về nhân chứng ở London mà tôi đã nói với ngài.

- Sao?

- Anh ta đã chết trong một vụ cháy đêm qua.

- Thế hả? Thật tệ quá.

- Thưa ngài, vâng. Nhưng tôi tin rằng tôi đã phát hiện một nhân chứng khác. Tôi sẽ để ngài biết ngay sau khi kiểm tra lại.

- Tôi sẽ chờ báo cáo của ông, ông sĩ quan.

Tướng Hilhard đang báo cáo với Janus.

- Sĩ quan Bellamy đã phát hiện một nhân chứng nữa.

- Tốt. Nhóm công tác đang trở nên sốt ruột. Tất cả đều lo ngại rằng câu chuyện sẽ loang ra trước khi SDI đi vào hoạt động.

- Tòi sẽ sớm có những thông tin nữa cho ngài.

- Tôi không muốn thông tin, tôi muốn thấy những kết quả.

- Vâng, thưa ngài Janus.

***

Platténstrasse, ở Munich, là một khu phố nhỏ, yên tĩnh với những ngôi nhà xây bằng gạch màu nâu xám xịt co cụm lại với nhau như thể để phòng vệ.

Ngôi nhà số 5 giống hệt với những ngôi nhà hàng xóm. Bên trong cổng là một dãy hộp thư. Một tấm biển nhỏ dưới một trong những hộp thư có ghi dòng chữ "Giáo sư Otto Schmidt". Robert bấm chuông.

Một người đàn ông cao, gầy với một mớ tóc bạc loà xoà mở cửa. Ông ta mặc một chiếc áo nhàu nhĩ, mồm ngậm chiếc tẩu. Robert không hiểu liệu ông ta tạo ra hình ảnh một giáo sư đại học mô phạm hay chính cái hình ảnh đó là tạo ra ông ta.

- Ông là giáo sư Schmidt?

- Phải!

- Tôi không biết liệu tôi có thể nói chuyện với ông một lát được không. Tôi ở...

- Chúng ta đã nói chuyện với nhau, - giáo sư Otto Schmidt nói. - Ông là người đã gọi điện thoại cho tôi sáng nay. Tôi là một chuyên gia trong lĩnh vực nhận biết giọng nói. Mời vào.

- Cám ơn ông.

Robert bước vào một căn phòng bề bộn sách vở. Trên các bức tường, từ sàn nhà lên tới trần là những giá sách đầy kín. Ở đâu cũng thấy sách trên bàn, trên sàn, trên ghế. Đặc điểm nổi bật trong căn trong căn phòng dường như là những việc làm chưa được nghĩ kỹ.

- Ông chẳng phải là từ một hãng du lịch Thuỵ Sĩ nào cả, có phải thế không hả?

- Ô tôi...

- Ông là người Mỹ.

- Vâng.

- Và cuộc viếng thăm nầy không liên quan gì đến cặp kính không hề bị mất của tôi.

- Ồ không, thưa ông.

- Ông quan tâm đến cái vật thể bay lạ mà tôi đã nhìn thấy. Đó là một cảnh tượng ghê sợ. Tôi đã luôn tin rằng có thể có những thứ đó, nhưng tôi không bao giờ nghĩ là tôi sẽ được chứng kiến.

- Hẳn phải là một cú sốc khủng khiếp.

- Đúng thế.

- Ông có thể kể cho tôi nghe chút gì về chuyện đó không?

- Nó, nó dường như vẫn hoạt động. Có một thứ ánh sáng lung linh bao quanh nó. Xanh da trời. Không có thể là hơi xám một chút. Tôi, tôi không chắc.

Anh nhớ lại lời mô tả của Mandel: "Nó liên tục thay đổi màu sắc. Trông nó thoáng xanh da trời... rồi lại xanh lá cây. Nó đã bị vỡ toang ra và tôi nhìn thấy được hai xác chết trong đó. Nhỏ... mắt to. Họ mặc thứ gì đó giống như một bộ quần áo bằng bạc vậy..."

- Ông có thể kể gì với tôi về những bạn đồng hành của ông không?

- Những người cùng đi với tôi trên chiếc xe bus ấy à?

- Vâng.

Vị giáo sư nhún vai.

- Tôi không biết gì về họ cả. Tất cả bọn họ đều là những người lạ. Khi đó tôi đang tập trung về một bài giảng mà tôi sẽ giảng vào sáng ngày hôm sau. Tôi rất ít để ý tới những hành khách khác.

Robert nhìn vẻ mặt ông ta, chờ đợi.

- Nếu như nó sẽ là có ích cho ông, - Vị giáo sư nói, - thì tôi có thể nói cho ông biết họ là người nước nào. Tôi dạy hoá học, nhưng có sở thích về nghiên cứu âm thanh.

- Bất kỳ những gì ông nhớ được đều đáng quý cả.

- Có một tu sĩ người Italia, một người Anh, một người Hungary, một người Mỹ nói giọng Texas, một cô gái Nga.

- Nga à?

- Phải. Nhưng cô ta không phải dân Mátxcơva. Theo giọng nói, tôi đoán cô ta ở Kiev, hoặc là rất gần đó.

Robert chờ đợi, nhưng chỉ còn có sự im lặng.

Ông không nghe thấy bất kỳ ai trong số họ nhắc tới tên hay nói chuyện về nghề nghiệp của họ à?

- Xin lỗi. Tôi đã nói rồi. Tôi đang suy nghĩ về bài giảng của tôi. Rất khó tập trung suy nghĩ. Người Mỹ nói giọng Texas và vị tu sĩ ngồi cùng với nhau. Người Mỹ đó nói luôn mồm. Đủ mọi thứ chuyện. Tôi không biết ông tu sĩ thậm chí có hiểu hay không.

- Ông tu sĩ...

- Ông ta nói giọng La Mã.

- Ông có thể nói thêm gì nữa về bất kỳ ai trong số họ không?

- Tôi sợ là không. - Vị giáo sư nhún vai. Ông ta hút một hơi thuốc. - Tôi lấy làm tiếc là không thể giúp gì cho ông.

Một ý nghĩ chợt đến với Robert.

- Ông nói ông là một nhà hoá học phải không nhỉ?

- Phải.

- Tôi không biết liệu ông có bằng lòng nhìn cái nầy một chút không, thưa giáo sư. - Robert thò tay vào túi và lôi ra mẩu kim loại mà Beckerman đã đưa cho anh. - Ông có thể bảo tôi cái nầy là cái gì được không ạ?

Giáo sư cầm cái mẩu kim loại từ tay Robert, và trong lúc xem xét nó, vẻ mặt ông ta chợt thay đổi.

- Anh, anh kiếm cái nầy ở đâu?

- Tôi sợ là tôi không thể nói được. Ông có biết nó là cái gì không?

Có vẻ như nó là một bộ phận của một chiếc máy phát.

- Ông có chắc thế không?

Ông ta lật lật miếng kim loại trong tay.

- Tinh thể nầy là chất dilithium. Rất hiếm. Thấy những vết khía nầy không? Chúng cho thấy miếng nầy được gắn vào một bộ phận lớn hơn. Bản thân miểng kim loại... Lạy Chúa, tôi chưa bao giờ trông thấy cả. - Giọng ông ta đầy xúc động. - Ông có thể đề cho tôi giữ nó trong vài ngày được không? Tôi muốn có những phân tích quang phổ về nó.

- Tôi e là không thể được, - Robert nói.

- Nhưng...

- Xin lỗi, - Robert cầm lại miếng kim loại.

Vị giáo sư cố giấu vẻ thất vọng.

- Thôi, ông có thể mang nó lại sau vậy. Sao ông không cho tôi danh thiếp của ông nhỉ. Nếu tôi còn nhớ thêm được gì nữa, tôi sẽ gọi cho ông.

- Có vẻ như tôi chẳng còn tấm nào ở đây cả. - Robert lục lọi trong túi một chút.

- Phải rồi, tôi cũng nghĩ là thế. - Giáo sư Schmidt thủng thẳng nói.

***

- Sĩ quan chỉ huy Bellamy đang trên máy.

- Đây ông sĩ quan? - Tướng Hilliard nhấc máy.

- Tên của nhân chứng mới nhất là giáo sư Schmidt. Ông ta sống ở số 5 Plattenstrasse, Munich.

- Cám ơn ông sĩ quan. Tôi sẽ thông báo với nhà chức trách Đức ngay lập tức. - Robert đã toan nói: "Tôi e rằng đó là nhân chứng cuối cùng mà tôi có thể tìm được", nhưng có điều gì đó đã chặn anh lại. Anh không muốn phải thú nhận sự thất bại. Vậy mà các dấu vết đã trở nên thật mờ nhạt. Một người Texas và một vị tu sĩ. Vị tu sĩ kia từ La Mã tới. Một thời gian. Cùng với cả triệu vị tu sĩ khác. Và không có cách nào để nhận dạng ông ta cả: Mình có một sự lựa chọn. - Robert nghĩ. - Mình có thể từ bỏ và trở về Washington, hoặc là mình có thể đi Rome và cố một lần cuối cùng...

***

Trụ sở của Cục Bảo vệ Hiến Pháp, nằm ở trung tâm Berlin, trên đường Neumarkterstrasse. Đó là một toà nhà lớn màu xám không có gì đặc biệt, khó có thể phân biệt được với những toà nhà xung quanh.

Bên trong, trên tầng ba, sếp cơ quan, thanh tra Otto Joachim đang xem một bức điện. Ông ta đọc nó hai lần, rồi với tay nhấc chiếc điện thoại đỏ trên bàn.

***

Ngày thứ sáu.

Munich, Đức.

Sáng hôm sau, trên đường đi đến phòng thí nghiệm hoá học, Otto Schmidt nghĩ lại câu chuyện trao đổi với người Mỹ tối hôm trước. Cái mẫu kim loại đó có thể từ đâu ra nhỉ? Một vật mà ông chưa bao giờ thấy. Và cái người Mỹ kia đã làm cho ông ta ngạc nhiên.

Ông ta nói là quan tâm tới những người khách đi trên chiếc xe bus. Vì sao? Bởi vì tất cả họ đều là những nhân chứng trước cái đĩa bay kia ư? Phải chăng họ sẽ được khuyến cáo là không được bàn tán? Nếu vậy thì vì sao người Mỹ kia đã không khuyến cáo mình?

Có chuyện gì lạ vậy, vị giáo sư kết luận. Ông ta vào trong phòng thí nghiệm, cởi áo khoác treo lên móc và mặc lên người cái áo choàng rỏi bước lại chiếc bàn nơi ông ta đã làm việc nhiều tuần nay với một thí nghiệm hoá học. Nếu thành công, ông ta nghĩ, điều nầy có thể có nghĩa là một giải Nobel. Ông ta nhấc cái cốc đựng nước tinh khiết và rót vào một bình chứa đựng một thứ chất lỏng màu vàng. Lạ nhỉ. Mình không nghĩ là nó lại có màu vàng sáng thế nầy.

Tiếng nổ thật là khủng khiếp. Căn phòng thí nghiệm nồ tung, và những mảnh thuỷ tinh cùng với những mảnh thịt người văng tung toé lên những bức tường.

Điện khẩn.

Tối mật.

BFV gửi Phó giám đốc NSA.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

Otto Schmidt đã bị thủ tiêu

Hết.

Robert không nghe được tin về cái chết của vị giáo sư. Anh đã có mặt trên một chuyến bay của hãng hàng không Alitalia, trên đường tới Rome.

Dustin Thornton bắt đầu cảm thấy bất an. Giờ đây ông ta có quyền lực và nó cứ như một thứ ma tuý lại muốn có thêm nữa. Bố vợ ông ta, Williard Stone, luôn hứa hẹn đưa ông ta vào một thế giới bí ẩn khép kín nào đó nhưng cho đến giờ lão vẫn chưa thực hiện lời hứa đó.

Một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, Thornton biết rằng thứ sáu nào bố vợ mình cũng biến mất. Thornton đã gọi điện xin ăn trưa với lão.

- Xin lỗi, - thư ký của Williard Stone trả lời, - nhưng hôm nay ngài Stone đi vắng.

- Ô chán quá. Thế trưa thứ sáu tới thì sao?

- Xin lỗi ông Thornton, thứ sáu tới ngài Stone cũng sẽ đi vắng.

Lạ nhỉ và thậm chí nó còn trở nên lạ hơn khi mà hai tuần sau đó Thornton cũng gọi lại và vẫn nhận được cùng một câu trả lời. Thứ sáu nào lão già cũng biến đi đâu thế nhỉ? Lão ta không phải là người say mê chơi gôn hay đam mê một thú vui nào cả.

Lý do hẳn là một người đàn bà. Vợ của Williard Stone ưa giao thiệp và rất giàu có. Bà ta là một phụ nữ đài các và cũng có tính cách mạnh mẽ hệt ông chồng. Bà ta không phải loại phụ nữ tha thứ được cho chồng về chuyện trăng hoa. Nếu lão ta đang có một vụ ngoại tình, Thornton nghĩ, điều đó có nghĩa là mình tóm được gáy lão. Ông ta hiểu là phải tìm ra cho bằng được.

5 giờ sáng ngày thứ sáu tiếp theo đó, Dustin Thornton đã ngồi sùm sụp sau tay lái của một chiếc Ford Taurus rất bình thường, đậu cách toà dinh thự sừng sững của Willard Stone nửa dãy phố. Đó là một buổi sáng lạnh giá và ảm đạm, và Thornton luôn tự hỏi ông ta đang làm gì ở đó. Có thể là có một lời giải thích hoàn toàn hợp lý nào đó cho cái hiện tượng kỳ cục nầy của Stone.

Mình đang phí thời gian, Thornton nghĩ. Nhưng có điều gì đó đã kìm chân ông ta lại.

Lúc 7 giờ, hai cánh cổng lớn mở ra và một chiếc xe xuất hiện. Ngồi sau tay lái là Williard Stone. Thay vì chiếc xe sang trọng thường dùng, lúc nầy lão ta đang ngồi trong một chiếc xe chở hàng nhỏ, màu đen mà đám gia nhân vẫn sử dụng. Thornton đột nhiên cảm thấy hồi hộp. Ông ta biết là mình đang phát hiện một chuyện gì đó. Người ta thường sống theo một khuôn phép riêng, và Stone đang phá vỡ cái khuôn phép ấy.

Phải là chuyện một người đàn bà.

Lái xe một cách thận trọng và giữ một khoảng cách khá xa chiếc xe chở hàng, Thornton bám theo ông bố vợ xuyên qua các đường phố Washington tới một con đường dẫn đi Arlington.

Mình phải thật tế nhị trong chuyện nầy, Thornton nghĩ. Mình không muốn làm quá mạnh. Mình sẽ thu thập tất cả các thông tin có thể có được về lão, và rồi mình sẽ lật quân bài. Mình sẽ nói với lão rằng mình chỉ quan tâm tới chuyện bảo vệ cho lão mà thôi. Lão sẽ hiểu. Lão chẳng bao giờ muốn có chuyện bê bối om sòm.

Dustin Thornton quá mải mê với những suy nghĩ đến nỗi suýt không rẽ theo Williard Stone. Họ đã tới một khu dân cư dành riêng. Chiếc xe hàng màu đen đột nhiẽn mất hút vào con đường nhỏ chạy dài trong bóng cây.

Dustin Thornton dừng xe, lựa chọn cách theo dõi tốt nhất. Liệu ông ta có nên chạm mặt với Williard trước sự không chung thuỷ của lão ta lúc nầy không? Hay nên đợi cho đến khi Stone đi khỏi và nói chuyện với người đàn bà kia trước đã? Hay nên yên lặng thu thập tất cả những thông tin cần thiết và rồi nói chuyện với ông bố vợ? Ông ta quyết định phải tìm hiểu cụ thể.

Thornton đậu xe ở một đường phụ và đi vòng theo con đường nhỏ ở phía sau ngôi nhà hai tầng kia. Một hàng rào gỗ bao quanh khu sân sau nhưng điều đó không có trở ngại gì. Thornton mở cổng và bước vào bên trong.

Ông ta đang đứng trước một khu vườn lớn, xinh đẹp và được chăm sóc chu đáo với ngôi nhà khuất phía sau.

Ông ta nhẹ nhàng đi dưới hàng cây chạy ngang bãi cỏ tới đứng bên cửa sau của ngôi nhà và tính toán bước đi tiếp theo. Ông ta cần có bằng chứng về chuyện đang xảy ra. Không có nó thì lão già sẽ cười vào mặt cho. Dù chuyện gì đang xảy ra bên trong kia thì lúc nầy thì cũng đều có thể là chìa khoá dẫn tới tương lai của ông ta. Phải tìm ra cho được.

- Rất nhẹ nhàng, Thornton thử mở cánh cửa sau.

Nó không được khoá. Ông ta lọt vào bên trong và thấy mình đang đứng trong một phòng bếp lớn kiểu cổ. Không có ai xung quanh cả. Thornton tiến đến bên cánh cửa phụ, nhẹ nhàng đẩy ra. Trước mặt ông ta là gian tiền sảnh lớn. Ở phía đầu kia là một cánh cửa đóng kín, có thể là dẫn tới một phòng thư viện. Thornton bước tới hết sức nhẹ nhàng. Ông ta đứng nép bên cánh cửa.

Không hề có tiếng động gì bên trong. Có thể là lão già đang ở trong phòng ngủ trên gác.

Thornton đẩy cửa ra. Ông ta đứng trước ngưỡng cửa, chết đứng. Có hơn một chục người đàn ông đang ngồi trong phòng, quanh một chiếc bàn lớn.

- Vào đi Dustin, - Williard nói. - Chúng tôi đang chờ anh đấy.

Tình hình ở Rome tỏ ra là khó khăn cho Robert, một cuộc thử thách tinh thần làm cho anh kiệt sức. Anh đã đi nghỉ tuần trăng mật ở đây với Susan, và ở đây cũng đầy những kỷ niệm. Rome đồng nghĩa với Roberto, người quản lý khách sạn Hassler cho mẹ anh, một người nặng tai nhưng có thể nhìn miệng người nói để hiểu với năm thứ tiếng. Rome có nghĩa là khu vườn của biệt thự D Este ở Tivoli, và niềm vui sướng của Susan trước một trăm dòng suối do con trai của Lucretia Borgia tạo nên. Rome là Otello, dưới chân. Những bậc thềm Tây Ban Nha, rồi Toà thánh Vatican và những bức bích hoạ nổi tiếng của Michelangelo. Rome là sự pha trộn giữa những giai điều nhạc du dương ở Tre Scalini cùng tiếng cười vui của Susan, và tiếng cô nói: "Robert, hãy hứa với em là chúng mình sẽ luôn hạnh phúc như thế nầy nhé".

Mình đang làm cái quái gì ở đây nhỉ? Robert băn khoăn. Mình không hề biết tí gì về vị tu sĩ kia, hay thậm chí là liệu ông ta có ở Rome hay không. Đã đến lúc nghỉ ngơi, về nhà và quên hết những thử nầy.

Nhưng có điều gì đó trong anh, một nét bướng bỉnh thừa kế từ một ông tồ nào đó đã chết từ lâu, ngăn không cho anh làm như vậy. Mình sẽ cố gắng một ngày nữa, Robert quyết định. Một ngày nữa thôi.

Sân bay Leonardo da Vinci thật đông người và đối với Robert thì dường như bất kỳ ai cũng có thể là một tu sĩ. Anh đang tìm kiếm một tu sĩ trong thành phố có, bao nhiêu? Năm mươi nghìn tu sĩ phải không nhỉ? Hay một trăm nghìn? Trên taxi đến khách sạn Hassler, anh chú ý tới những đám đông các tu sĩ mặc áo choàng đi trên đường phố. Không thể được, Robert nghĩ. Mình hẳn là điên thật rồi.

Anh được viên phó quản lý chào đón ở tiền sảnh khách sạn Hassler.

- Ông Bellamy. Thật mừng là lại được thấy ông.

- Cám ơn. Pietro. Ông có phòng cho tôi nghỉ lại một đêm không?

- Cho ông, tất nhiên rồi. Luôn luôn sẵn sàng.

Robert được đưa đến một phòng mà anh đã từng ở.

- Nếu có cần gì xin ông cứ...

Tôi cần một điều kỳ diệu khốn kiếp, Robert nghĩ.

Anh ngả người nằm xuống, cố tĩnh tâm.

Vì sao một tu sĩ ở Rome lại đi Thuỵ Sĩ nhỉ? Có mấy khả năng. Ông ta có thể đi nghỉ, hoặc có thể dự một hội nghị tôn giáo. Ông ta là vị tu sĩ duy nhất trên chiếc xe bus đó. Điều đó có nghĩa gì nhỉ? Không gì cả. Ngoài một điều là ông ta không cùng đi với nhóm, có thể như vậy thôi. Bởi thế có thể là một chuyến đi thăm bạn bè hay gia đình của ông ta. Hoặc cũng có thể là ông ta đi cùng một nhóm, và riêng ngày hôm đó thì họ có những chương trình riêng lẻ. Những ý nghĩ của Robert cứ quẩn quanh trong một cái vòng tuyệt vọng.

Hãy trở lại từ đầu. Ông tu sĩ nầy đã tới Thuỵ Sĩ như thế nào nhỉ? Nhiều khả năng là ông ta không có một cái xe ô tô riêng. Ai đó có thể cho ông ta đi nhờ, nhưng khả năng nhiều hơn là việc ông ta đã đi bằng máy bay tầu hoả hoặc xe bus. Nếu là đi nghỉ thì ông ta hẳn đã không có nhiều thời gian. Bởi vậr hãy giả thiết rằng ông ta đã đi bằng máy bay.

Cách lập luận đó chẳng dẫn đến đâu cả. Các hãng hàng không không ghi lại nghề nghiệp của hành khách. Vậy thì vị tu sĩ kia cũng chỉ có một cái tên như bao nhiêu những cái tên khác trong danh sách hành khách. Nhưng nếu ông ta là thành viên của một nhóm...

***

Toà thánh Vatican, nơi ở chính thức của Giáo hoang, vươn lên một cách uy nghi trên đồi Vatican, bên bờ Tây sông Tiber, phía tây bắc thành Rome. Mái vòm cao của nhà thờ Basilica, do Michellangelo thiết kế, đứng sừng sững trên quảng trường rộng lớn, đêm ngày đầy những khách thuộc đủ mọi tín ngưỡng.

Quảng trường nầy được bao quanh bởi những chiếc cột trụ hình bán nguyệt được xây dựng xong vào năm 1667 dưới bàn tay của Bernini, với 284 chiếc cột đá hoa cương xếp thành bốn hàng và trên đó là một bao lớn đỡ 140 bức tượng. Robert đã thăm nơi nầy tới cả chục lần, nhưng lần nào anh cũng cảm thấy nghẹt thở trước quang cảnh ở đó.

Tất nhiên, phía trong Toà thánh, quang cảnh còn ngoạn mục hơn nữa. Nhà thờ Sistine: toà bảo tàng và Cung Sala đẹp đến mức không thể tả xiết.

Nhưng vào ngày hôm đó, Robert đã đến đây không phải để ngắm cảnh: Anh tìm được Phòng quan hệ với công chúng của Toà Thánh ở khu dành cho những việc liên quan đến bên đời. Người đàn ông trẻ tuổi ngồi sau bàn rất lịch thiệp.

- Tôi có thể giúp ông không ạ?

Robert đưa nhanh tấm thẻ ra.

- Tôi ở tạp chí Time. Tôi đang làm một bài viết về một số giáo sĩ đã tham dự một hội nghị tôn giáo ở Thuỵ Sĩ cách đây một hai tuần gì đó. Tôi đang cần những tư liệu về thân thế.

Người đàn ông kia nhìn anh một thoáng, rồi chau mầy.

- Chúng tôi có một số giáo sĩ dự một hội nghị ở Venise tháng trước. Gần đây thì không có giáo sĩ nào của chúng tôi đến Thuỵ Sĩ cả. Xin lỗi, tôi sợ là tôi không thể giúp gì cho ông.

- Việc nầy thật rất quan trọng, - Robert vội vã nói. - Làm thế nào để tôi có thể có những thông tin đó được?

- Cái nhóm mà ông tìm kiếm... họ đại diện cho dòng tu nào thế? Ông nói gì ạ? Đạo Thiên chúa có rất nhiều dòng: Dòng Francis, Marist, Benetdictine, Trappist, Jesuit, Dominic và một số dòng khác nữa.

- Tôi khuyên ông đến dòng tu của họ và hỏi ở đó xem.

Chỗ đó là chỗ quái nào? Robert nghĩ.

- Ông có gợi ý nào khác không hả?

- Tôi e là không.

Mình cũng thế, Robert nghĩ. Mình đã tìm thấy đồng cỏ. Mình không thể nào tìm được cái kim.

Anh rời khỏi Toà Thánh và lang thang trên các đường phố của thành Rome, mải mê với khó khăn của mình mà không hề để ý đến những người xung quanh đến quảng trường Appolo, anh ngồi vào một tiệm cà phê ngoài trời và gọi một ly Cinzano. Ly rượu vẫn ở yên trước mặt anh, không hề được động.

Với tất cả những gì anh đã biết thì vị tu sĩ kia có thể vẫn còn ở Thuỵ Sĩ. Ông ta thuộc dòng tu nào?

Mình không biết. Và mình chỉ có mỗi lời vị giáo sư kia nói rằng ông ta là người La Mã.

Anh uống một ngụm.

Có một chuyến bay đi Washington vào lúc chiều tối. Mình sẽ đi chuyến đó, Robert quyết định: Mình bỏ cuộc thôi. Ý nghĩ đó làm anh bực tức. Nhảy ra, nhưng không phải là cười mà là khóc. Đã đến lúc phải đi rồi.

- Tiền nầy.

- Thưa ngài, vâng.

Robert đưa mắt bâng khuâng nhìn quanh quảng trường. Phía bên đối diện với tiệm cà phê, một chiếc xe bus đang lấy khách. Trong dãy hành khách có hai tu sĩ, Robert nhìn hành khách đưa tiền vé và rồi đi xuống phía cuối xe.

Khi hai tu sĩ tới chỗ người bán vé, họ mỉm cười với ông ta và ngồi xuống ghế mà không trả tiền.

- Séc của ngài, thưa ngài, - người bồi bàn nói.

Thậm chí Robert không nghe thấy anh ta. Đầu óc anh đang quay cuồng. Nơi đây, ngay trong lòng nhà thờ Thiên Chúa, các tu sĩ có những đặc quyền nhất định. Có thể có thế thôi...

***

Văn phòng của hãng Hàng không Thuỵ Sĩ nằm ở số 10 đường P. chỉ cách đường Veneto khoảng 5 phút. Robert được một người đàn ông ngồi sau dãy bàn dài tiếp.

- Xin cho được gặp ông giám đốc?

- Tôi là giám đốc đây. Tôi có thể giúp gì ông?

- Michael Hudson, cảnh sát quốc tế. - Robert chìa ra một tấm thẻ.

- Tôi có thể làm gì cho ông được, ông Hudson?

- Một số hãng hàng không quốc tế đang phàn nàn về việc giảm giá vé bất hợp pháp ở châu Âu, và ở Rome nói riêng. Thể theo công ước quốc tế...

- Ông Hudson, tôi xin lỗi, nhưng Hàng không Thuỵ Sĩ không có cho giảm giá. Mọi người đều phải trả theo giá đã công bố...

- Tất cả hả?

- Tất nhiên là trừ những nhân viên của hãng.

- Các ông không giảm giá cho các giáo sĩ à?

- Không. Với hãng nầy, họ phải trả cả vé.

- Cám ơn ông đã dành thời giờ. - Và Robert bước ra.

***

Chỗ dừng tiếp theo - Và cũng là hy vọng cuối cùng của anh - là hãng Alitalia.

- Có chuyện giảm giá bất hợp pháp không? - Ông giám đốc sững người nhìn Robert, kinh ngạc. - Chúng tôi chỉ giảm giá cho nhân viên của chúng tôi.

- Các ông không giảm giá cho các tu sĩ à?

Gương mặt ông giám đốc sáng lên.

- A, chuyện đó thì có: Nhưng đó không phải là bất hợp pháp. Chúng tôi đã có những thoả thuận với bên Nhà thờ.

Tim Robert rộn lên.

- Vậy đó nếu như một tu sĩ muốn bay đi từ Rome, chẳng hạn như đến Thuỵ Sĩ, thì ông ta sẽ đến hãng nầy chứ?

- Ồ, vâng, như vậy ông ta sẽ đỡ tiền hơn.

Robert nói:

- Để có thông tin mới nhất cho các máy tính của chúng tôi, sẽ rất có ích nếu như ông có thể cho tôi biết bao nhiêu tu sĩ đã bay đến Thuỵ Sĩ trong hai tuần lễ qua. Ông có hồ sơ chứ?

- Vâng, tất nhiên. Để dễ cho chuyện thuế má.

- Tôi thật sự cần những thông tin đó.

- Ông muốn biết có bao nhiêu tu sĩ đã bay đi Thuỵ Sĩ trong hai tuần qua phải không ạ?

Đúng. Zurich hoặc Geneva.

- Xin đợi cho một chút. Tôi sẽ gọi từ máy tính ra.

Năm phút sau, ông giám đốc quay lại với một bản in từ máy tính.

- Trong hai tuần qua chỉ có duy nhất một tu sĩ bay bằng Alitalia đi Thuỵ Sĩ. - ông ta xem tờ giấy trong tay. - Ông ta rời khỏi Rome vào ngày 7, đi Zurich. Ông ta đăng ký bay trở về hai ngày sau đó.

- Tên ông ta? - Robert hít một hơi sâu.

- Cha Rometo Patrini.

- Địa chỉ?

Ông ta lại nhìn xuống.

- Ông ấy sống ở Orvieto. Nếu ông cần gì thêm. - Ông ta ngước nhìn lên, Robert đã đi khỏi.

Ngày thứ bảy.

Orvieto, Italia

Anh dừng xe tại một chỗ đỗ bên lề đường 71, và phía bên kia thung lũng, trên sười núi, là cái thành phố đó với cảnh quan tuyệt đẹp Đó là trung tâm Etruscan cổ với một nhà thờ lớn nổi tiếng thế giới, dăm nhà thờ khác và một tu sĩ, người đã chứng kiến vụ tai nạn của một vật thể bay lạ.

Thành phố vẫn nguyên vẹn qua năm tháng, với những đường phố lát đá và những ngôi nhà cổ duyên dáng, cùng với khu chợ trời nơi những người nông dân mang bán gà và rau quả tươi.

Robert tìm được một nơi để đỗ xe trên quảng trường Duomo. Anh băng ngang quảng trường và đi vào trong nhà thờ lớn Trong nhà thờ vắng ngắt, trừ một giáo sĩ vừa rời khỏi nơi điện thờ.

***

- Xin lỗi Cha, - Robert nói. Tôi đang tìm kiếm một tu sĩ ở thành phố nầy: người đã ở Thuỵ Sĩ hồi tuần trước. Có thế Cha...

Vị tu sĩ sững lại, mặt đầy vẻ khó chịu.

- Tôi không thể nói với ông chuyện nầy.

- Tôi không hiểu. Tôi chỉ muốn tìm.

Robert ngạc nhìn ông ta ngạc nhiên.

- Ông ấy không ở nhà thờ nầy. Ông ấy từ nhà thờ San Giovenale.

Và vị tu sĩ đi nhanh ngang qua Robert. Tại sao ông ta lại thiếu thiện chí thế nhỉ?

***

Nhà thờ San Giovenale nằm ở khu Vecchio, một khu vực đầy màu sắc với những tháp chuông và những nhà thờ thời Trung cổ. Một tu sĩ trẻ tuổi đang chăm sóc mảnh vườn cạnh đó. Ông ta ngước nhìn lên khi Robert lại gần.

- Xin chào ông.

- Xin chào. Tôi đang tìm kiếm một tu sĩ, người đã ở Thuỵ Sĩ hồi tuần trước. Ông ấy...

- Phải, phải. Tội nghiệp Cha Patrini. Một điều khủng khiếp đã xảy đến với ông ấy.

- Tôi không hiều. Chuyện khủng khiếp gì vậy?

- Nhìn thấy cỗ xe của quỷ dữ. Đó là điều quá sức chịu đựng của ông ấy. Ông ấy đã bị một cơn sốc thần kinh, thật tội nghiệp.

- Tôi rất lấy làm tiếc về điều đó, - Robert nói. - Bây giờ ông ấy ở đâu? Tôi muốn nói chuyện với ông ấy.

- Ông ấy đang ở bệnh viện gần quảng trường San Patrizio, nhưng tôi ngờ là các bác sĩ sẽ không cho phép ai thăm ông ấy đâu.

Robert đứng đó, bối rối. Chẳng mấy ích lợi gì với một người đang bị thần kinh.

- Tôi hiểu. Cám ơn ông rất nhiều.

***

Bệnh viện đó là một toà nhà một tầng khiêm nhường ở gần ngoại ô thành phố. Anh dừng xe và bước vào trong một hành lang nhỏ. Có một y tá ngồi sau bàn đón tiếp.

- Xin chào, - Robert nói. - Tôi muốn gặp Cha Patrini.

- Rất tiếc, nhưng... điều đó là không thể được. Ông ấy không thể nói gì với bất kỳ ai.

Lúc nầy, Robert quyết không để bị chặn lại. Anh phải lần theo dấu vết mà giáo sư Schmidt đã trao cho anh.

- Cô không hiểu, - Robert nhẹ nhàng nói. - Cha Patrini yêu cầu gặp tôi. Tôi đã từ Orvieto đến đây theo yêu cầu của ông ấy.

- Ông ấy yêu cầu gặp ông?

- Phải. Ông ấy viết thư sang Mỹ cho tôi. Tôi đã đi ngần ấy dặm đường tới đây chỉ để gặp ông ấy thôi.

Cô y tá lưỡng lự.

- Tôi không biết nói thế nào. Ông ấy rất nặng.

- Tôi tin chắc là ông sẽ vui hơn khi thấy tôi.

- Bác sĩ không có ở đây... - Cô quyết định. - Thôi được ông có thể tới phòng ông ấy, thưa ông, nhưng ông chỉ được phép ở đó vài phút thôi đấy.

- Tôi cũng chỉ cần có thế thôi, - Robert nói.

- Ông đi lối nầy.

Họ đi theo một hành lang ngắn, hai bên là những căn phòng nhỏ, gọn gàng. Cô y tá dẫn Robert vào một trong những phòng đó.

- Chỉ một vài phút thôi nhé, thưa ông.

- Cảm ơn.

Robert bước vào căn phòng nhỏ bé. Người đàn ông đang nằm trên giường trông như một hình nhân nhợt nhạt trên tấm vải trải giường trắng toát. Robert lại gần ông ta và nhẹ nhàng nói:

- Thưa Cha...

Vị tu sĩ quay mặt để nhìn lên anh, và Robert chưa bao giờ nhìn thấy một nỗi thống khổ nào như thế trong mắt một con người.

- Thưa Cha, tên tôi là...

Ông ta túm lấy cánh tay Robert.

- Giúp tôi với, - Vị tu sĩ lầm bầm, - Ông phải giúp tôi. Lòng tin của tôi đã mất. Cả đời tôi, tôi đã thuyết giảng về Chúa và Đức Tin, và bây giờ tôi biết là không có Chủa. Chỉ có quỷ sứ và nó đã đến để hại chúng ta...

- Thưa Cha, nếu Cha...

- Chính mắt tôi đã nhìn thấy mà. Có hai tên trong cái xe của quỷ sứ, nhưng sẽ còn nữa. Ôi! Những tên khác sẽ kéo đến. Hãy chờ xem. Tất cả chúng ta sẽ bị đày xuống địa ngục.

- Xin Cha hãy nghe tôi. Cái mà Cha nhìn thấy không phải là quỷ sứ. Đó là một con tàu vũ trụ mà.

Vị tu sĩ buông tay Robert và đột nhiên nhìn Robert với vẻ tỉnh táo hơn.

- Ông là ai? Ông muốn gì hả?

- Tôi đến đây để hỏi Cha về chuyến xe bus mà Cha đã đi ở đất Thuỵ Sĩ. - Robert nói.

- Chiếc xe bus. Giá mà tôi đã đừng đến gần nó. - Vị tu sĩ lại trở nên kích động.

Robert không muốn thúc ép ông ta, nhưng anh không có cách nào khác.

- Cha đã ngồi bên một người đàn ông trên chiếc xe đó. Một người Texas. Cha đã nói chuyện nhiều với người đó, Cha nhớ không?

- Một câu chuyện. Người Texas. Có, tôi nhớ.

- Ông ta có nói với Cha là ông ta sống ở đâu không?

- Phải, tôi có nhớ ông ta. Ông ta từ Mỹ đến.

- Đúng. Từ Texas. Ông ta có nói với Cha nhà ông ta ở đâu không?

- Có, có, ông ta có nói với tôi.

- Ở đâu thế, Cha? Nhà ông ta ở đâu?

- Texas. Ông ta nói về Texas.

- Đúng thế. - Robert gật đầu vẻ khuyến khích.

- Chính mắt tôi đã nhìn thấy chúng. Tôi mong Chúa đã làm cho tôi bị mù. Tôi...

- Thưa Cha, người đàn ông từ Texas. Ông ta có nói với Cha ông ấy ở đấy không? Ông ta có nhắc tới một cái tên nào không?

- Texas, có. Ponderosa.

Robert vẫn cố gắng.

- Đó là trên tivi. Đây là người đàn ông thật sự cơ mà. Ông ta ngồi cạnh Cha trên...

Vị tu sĩ lại hôn mê.

- Chúng đang đến đấy. Trận quyết chiến thiện ác đây rồi. Kinh Thánh nói dối. Chính quỷ dữ sẽ xâm chiếm trái đất nầy. - Lúc nầy ông ta đang hét lên thật to. - Nhìn kìa. Nhìn kìa. Tôi có thể nhìn thấy chúng.

Cô y tá vội vã bước vào. Cô nhìn Robert vẻ không bằng lòng.

- Ông phải ra đi thôi, thưa ông.

- Tôi cần một phút nữa thôi.

- Không, thưa ông. Đủ rồi.

Robert nhìn vị tu sĩ một lần cuối. Ông ra vẫn lảm nhảm rời rạc. Robert quay người bước đi. Không còn có thể làm gì hơn được nữa. Anh đã cố hết sức để vị tu sĩ dẫn dắt anh đến người Texas kia, nhưng anh đã thua.

Robert trở ra xe và chạy về Rome. Rốt cuộc thế là xong. Những dấu vết duy nhất mà anh đã bỏ lại - nểu chúng có thể được coi là những dấu vết - là lời nhắc đến một phụ nữ Nga, một người Texas, và một người Hungary. Nhưng không có cách nào để tìm ra họ được. Nước cờ tàn. Thật là buồn khi đã đi xa đến thế nầy để rồi lại bị chặn lại. Giá mà ông tu sĩ tỉnh táo đủ lâu để cung cấp được cho anh vài thông tin cần thiết. Chỉ một chút nữa. Ông tu sĩ đã nói gì nhỉ?

Ponderosa. Ông tu sĩ già đã xem tivi quá nhiều và trong cơn mê sảng, rõ ràng là ông ta đã lẫn người Texas kia vào chương trình "Bonanza" của một đạo diễn nổi tiếng trên tivi. Ponderosa, nơi gia đình h bí ẩn Cartwirght sinh sống. Ponderosa. Robert giảm ga và từ từ dừng lại bên đường, những ý nghĩ vùn vụt trong đầu anh. Anh quay ngược xe lại và lao nhanh về hướng Orvieto.

Nửa giờ sau, Robert đang nói chuyện với người chủ quán của một quán nhỏ ở quảng trường Republica.

- Các ông có một thành phố thật đẹp. - Robert nói. - Thật thanh bình.

- Ồ vâng, thưa ông. Chúng tôi hoàn toàn hài lòng với nơi đây. Ông đã bao giờ đến Italia trước đây chưa?

- Tôi có một phần của tuần trăng mật ở Rome.

Robert, anh đã làm cho tất cả những mơ ước của em trở thành sự thật. Từ hồi em còn là một con bé con, em đã muốn được đến Rome đấy?

- À Rome. Quá lớn. Quá ồn ào.

- Tôi công nhận.

- Ở nơi đây, chúng tôi sống cuộc sống bình dị nhưng chúng tôi hạnh phúc.

Robert bình thản nói:

- Tôi để ý thấy trên nhiều mái nhà ở đây có ăngten tivi.

- Ồ vâng, đúng thế. Chúng tôi hoàn toàn theo kịp thời đại trong lĩnh vực đó.

- Cái đó thì rõ. Thành phố nầy nhận được bao nhiêu kênh vô tuyến?

- Duy nhất chỉ một.

- Tôi nghĩ là các ông có khá nhiều chương trình tivi của Mỹ chứ?

- Không, không. Đây là một kênh của nhà nước. Ở đây chúng tôi chỉ có những chương trình được thực hiện ở Italia thôi.

- Cám ơn. Trúng rồi.

***

Robert đặt điện thoại gọi cho Đô đốc Whittaker.

Một thư ký trả lời máy.

- Văn phòng Đô đốc Whittaker đây.

Robert có thể hình dung ra căn phòng. Nó thường là một chỗ kín đáo khuất mắt dành cho những người hết thời mà chính phủ không còn sử dụng vào việc gì được nữa.

- Xin cho tôi được nói chuyện với ngài Đô đốc? Sĩ quan Bellamy đây.

- Xin ông chờ một chút, ông chỉ huy.

Robert băn khoăn liệu có còn ai liên hệ gì nữa với Đô đốc không khi mà giờ đây, vị Đô đốc một thời đầy quyền lực kia đã là một thành viên của đội quân về vườn. Có thể là không.

- Robert, rất mừng là anh gọi lại. - Giọng ông già có vẻ mệt mỏi. - Anh đang ở đâu thế?

- Thưa ngài, tôi không thể nói được.

Một thoáng ngập ngừng.

- Tôi hiểu. Tôi có thể lâm gì cho anh không đây?

- Có, thưa ngài. Việc nầy thật bất tiện vì tôi đà được lệnh không tiếp xúc với bất kỳ ai. Nhưng tôi cần được giúp đỡ. Tôi không biết ngài có thể kiểm tra một việc cho tôi được không?

- Chắc chắn là tôi có thể cố gắng. Anh muơn biết gì nào?

- Tôi cần biết liệu có một cái trại đâu đó ở Texas có tên là Ponderosa không?

- Như trong chương trình Bonanza ấy à?

- Vâng, thưa ngài.

- Tôi có thể làm được, Tôi sẽ liên lạc với anh thế nào?

- Thưa Đô đốc, tôi nghĩ tốt hơn là tôi sẽ gọi lại cho ngài.

- Phải. Cho tôi một hoặc hai tiếng nhé. Tôi sẽ giữ việc nầy chỉ có hai chúng ta biết thôi.

- Cảm ơn ngài.

Dường như Robert cảm thấy sự mệt mỏi đã biến mất trong giọng nói của ông già. Ít nhất thì ông cũng đã được yêu cầu làm một việc gì đó, cho dù rằng đó chỉ bình thường là việc tìm ra một cái trang trại.

Hai tiếng sau, Robert gọi lại cho Đô đốc Whittaker.

- Tôi đang đợi anh đây, - Vị Đô đốc nói. Trong giọng ông có vẻ hàl lòng. - Tôi đã có thông tin mà anh muốn.

- Và sao? - Robert nín thở.

- Có một cái trại Ponderosa ở Texas. Nó ở ngay phía ngoài Waco. Chủ của nó là một ông Dan Wayne nào đó.

Robert thở ra nhẹ nhõm.

- Cám ơn ngài rất nhiều, thưa đô đốc, - Robert nói. - Tôi nợ ngài một bữa tối khi nào tôi trở về.

- Robert, tôi mong ngóng dịp đó.

Cú điện thoại tiếp theo của Robert là gọi cho tướng Hilliard.

- Tôi đã phát hiện một nhân chứng khác ở Italia. Cha Patrini.

- Một tu sĩ à?

- Vâng. Ở Orvieto. Ông ta đang nằm viện, rất nặng. Tôi e là giới chức trách Italia sẽ không thể nói gì được với ông ta.

- Tôi sẽ chuyển lời ông. Cảm ơn, ông sĩ quan.

Hai phút sau, tướng Hilliard đã đang nói chuyện điện thoại với Janus.

- Tôi vừa nghe sĩ quan chi huy Bellamy báo cáo.

- Nhân chứng mới nhất là một tu sĩ. Một cha Patrini nảo đó ở Orvieto.

- Lo chuyện đó đi.

Điện khẩn.

Tối mật.

NSA gửi Phó giám đốc SIFAR.

Không trích chép.

Một bản duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận thế.

5. Cha Patrini - Orvieto.

Hết điện.

Trụ sở SIFAR nằm trên đường Pineta, ở rìa ngoại ô phía nam thành Rome, trong một khu vực bao bọc bởi những nhà trại. Điều duy nhất có thể làm cho người qua đường chú ý tới toà nhà bằng đá trông đầy vẻ công nghiệp, bình thường kia với haỉ khối nhà lớn là bức tường cao vây quanh, trên có chăng dây thép gai và ở mỗi góc đều có một trạm gác. Nằm ẩn trong một khu quân sự, nó là một trong những cơ quan an ninh bí mật nhất trên thế giới mà người ta ít biết đến nhất. Có những tấm biển xung quanh khu nhà, trên ghi dòng chữ: "Không bước qua giới hạn nầy".

Trong một căn phòng kiểu Spartan trên tầng hai của toà nhà chính, đại tá Francesco Cesar đang xem bức điện khẩn mà ông ta vừa nhận được. Viên đại tá ở trạc tuổi ngoài năm mươi, với một vóc người khoẻ mạnh và gương mặt rỗ, lì lợm. Ông ta đọc bức điện đến lần thứ ba.

Vậy là sau cùng Chiến dịch Ngày Tận thế đã đang diễn ra. Thật may là chúng ta đã chuẩn bị cho điều nầy. Cesar nghĩ. Ông ta nhìn xuống bức điện một lần nữa. Một tu sĩ.

***

Đã quá nửa đêm khi một bà xơ đi ngang qua phòng của các y tá trực đêm tại cái bệnh viện nhỏ ở Orvieto.

- Tôi đoán là bà ấy đang đến gặp bà Fillipi, - Cô y tá Tomasino nói.

- Hoặc bà ấy, hoặc ông già Rigano. Cả hai đều đang nguy kịch lắm rồi.

Bà xơ kia lặng lẽ đi vòng qua các góc nhà và bước thẳng vào phòng của vị tu sĩ. Ông ta đang ngủ vẻ yên ả, hai bàn tay gấp lại để trên ngực như thể đang cầu nguyện. Ánh trăng xuyên qua tấm rèm cửa, tạo thành một vệt sáng ngang mặt vị tu sĩ.

Bà xơ lấy từ dưới áo ra cái hộp nhỏ. Một cách thận trọng, bà ta lấy ra chuỗi hạt thuỷ tinh rất đẹp và để nó vào trong lòng hai bàn tay ông tu sĩ già.

Trong khi sửa lại những hạt thuỷ tinh cho ngay ngắn, bà ta dùng một hạt quệt nhanh lên ngón tay cái của ông. Một vết xước mờ xuất hiện. Bà xơ lấy ra một cái lọ bé xíu có đầu nhỏ giọt và cẩn thận nhỏ ba giọt lên chỗ vết xước kia.

Chỉ cần vài phút để cái độc tố chết người kia phát huy tác dụng. Bà xơ thở dài trong khi làm dấu thánh trước người đã chết. Rồi bà bỏ đi, lặng lẽ như lúc đến.

Điện khẩn.

Tối mật.

SIFAR gửi Phó giám đốc NSA.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

5. Cha Patrini - Orvielo đã bị thủ liêu.

Hết điện.

Frank Johnson được lựa chọn bởi lẽ ông ta đã từng là một lính Mũ nồi xanh ở Việt nam và được đồng đội của ông ta gọi là Máy giết người. Ông ta thích giết chóc. Có động cơ làm việc và rất thông minh.

- Hoàn toàn phù hợp với chúng ta, - Janus nói. - Tiếp xúc với ông ta một cách thận trọng. Tôi không muốn để mất người nầy.

Cuộc gặp đầu tiên diễn ra trong trại lính. Một đại uý đang nói chuyện với Frank Johnson.

- Ông không phiền muộn gì về chính phủ của chúng ta à? - Viên đại uý hỏi. - Nó được điều hành bởi một nhúm những kẻ yếu đuối đang phung phí nguồn tài lực. Đất nước nầy cần có sức mạnh hạt nhân, nhưng những chính trị gia quỷ tha ma bắt kia đang ngăn chặn chúng ta xây dựng những nhà máy mới. Chúng ta lệ thuộc bọn Ảrập khốn kiếp về dầu lửa và chính phủ sẽ cho phép khai thác dầu ở ngoài khơi bờ biển chúng ta chứ? Ồ, không. Họ lo lắng cho những đàn cá hơn là cho chúng ta. Ông có nghĩ gì về chuyện đó không?

- Tôi hiểu ý ông, - Frank Johnson nói.

- Tôi biết là ông hiểu bởi vì ông có đầu óc. Viên đại uý vừa nói vừa quan sát vẻ mặt Johnson. - Nếu như Quốc hội không làm gì để cứu vớt đất nước của chúng ta thì một số nào đó trong chúng ta sẽ phải làm gì đó.

Trông Frank Johnson có vẻ lúng túng.

- Một số trong chúng ta à?

- Phải. - Bây giờ thế là đủ rồi, viên đại uý nghĩ. - Chúng ta sẽ nói về chuyện đó sau.

Buổi nói chuyện sau đi vào việc cụ thể hơn.

- Có một nhóm những người yêu nước muốn bảo vệ thế giới của chúng ta, ông Frank ạ. Họ là những vị có quyền lực lớn. Họ đã thành lập một Uỷ ban. Uỷ ban nầy có thể phải vượt qua một số đạo luật nào đó để công việc của nó đạt hiệu quả, nhưng mà sau cùng, thì điều đó cũng đáng giá. Ông có quan tâm không?

- Tôi rất quan tâm. - Frank Johnson mỉm cười.

Đó là lúc bắt đầu. Buổi gặp sau diễn ra ở Ottawa, Canada, và Frank Johnson đã gặp một số thành viên trong Uỷ ban nầy... Họ đại diện cho những nhóm quyền lợi đầy thế lực ở chừng một chục nước.

- Chúng ta được tổ chức tốt, - một thành viên giải thích với Frank Johnson. - Chúng ta có một hệ thống chỉ huy nghiêm ngặt. Có các Phòng Tuyên truyền, Tuyển chọn, Chiến thuật, Liên lạc... và một Đội biệt kích.

Ông ta nói tiếp.

- Gần như tất cả các tổ chức tình báo trên thế giới là một bộ phận của nó.

- Ý ông nói là những người đứng đầu của...?

- Không, không phải là những người đứng đầu.

- Các cấp phó. Những người trực tiếp biết chuyện gì đang xảy ra, và bỉết rõ nguy cơ nào mà các nước đang gặp phải.

***

Các cuộc họp diễn ra ở mọi nơi trên thế giới - Thuỵ Sĩ, Marốc, Trung Quốc, - Và Johnson có mặt đầy đủ.

Đó là sáu tháng trước lúc đại tá Johnson gặp Janus.

Viên tướng đã cho triệu tập ông ta.

- Tôi mới nhận được nhưng báo cáo rất tốt đẹp về ông, đại tá.

- Tôi ưa thích công việc của mình, - Frank Johnson mỉm cười.

- Tôi cũng nghe như thế. Ông ở một vị trí rất thuận lợi để có thể giúp đỡ chúng tôi.

Frank Johnson ngồi thẳng người lên hơn.

- Tôi sẽ làm bất cứ việc gì có thể được.

- Tốt. Ở Trang trại, ông phụ trách việc giám sát đào tạo các điệp viên bí mật cho nhiều cơ quan khác nhau?

- Đúng thế.

- Và ông biết họ cùng những khả năng của họ.

- Rất tường tận.

- Điều tôi muốn ông làm là, - Janus nói, - tuyển chọn những người nào mà ông cảm thấy sẽ có ích nhất cho tổ chức của chúng ta. Chúng ta chỉ quan tâm đến những người tốt nhất.

- Đó là việc dễ dàng, - đại tá Johnson nói. - Không có vấn đề gì - Ông ta thoáng lưỡng lự. - Tôi băn khoăn...

- Gì vậy?

- Tôi có thể làm việc đó bằng tay trái của mình. Tôi thật sự muốn làm hơn thế, một việc gì đó lớn hơn. - Ông ta dướn mình về phía trước. - Tôi có nghe nói về Chiến dịch Ngày Tận thế. Đó mới chính là sân của tôi. Tôi muốn được tham gia, thưa ngài.

Janus ngồi nhìn ông ta hồi lâu. Rồi gật đầu.

- Được ông vào cuộc rồi đó.

- Cảm ơn ngài. - Johnson mỉm cười. - Ngài sẽ không phải ân hận gì.

Đại tá Frank Johnson sung sướng rời khỏi cuộc gặp.

Bây giờ thì ông ta thừa để cho họ thấy ông ta có thể làm được những gì.

Ngày thứ tám.

Waco. Texas.

Dan Wayne có một ngày không vui. Mà chính xác thì là một ngày vô cùng tệ hại. Ông vừa trở về từ toà án quận Waco, nơi ông phải đối mặt với các thủ tục về vỡ nợ. Vợ ông dan díu với tay bác sĩ trẻ của bà ta và đang làm thủ tục ly hôn ông với mục đích kiếm được một nữa tất cả những gì mà ông có (điều đó có nghĩa là không gì cả, như ông đã quả quyết với luật sư của bà ta). Và ông sẽ phải mất một trong những con bò đấu có hạng của mình. Dan Wayne cảm thấy số mệnh thật đen đủi. Ông đã không làm gì để đến nỗi phải chịu tất cả những chuyện nầy. Ông là một người chồng tốt, một chủ trại giỏi giang. Ông ngồi lặng trong phòng làm việc, ngẫm nghĩ về tương lai ảm đạm.

Dan Wayne là một người đàn ông kiêu hãnh. Ông biết tất cả những lời đùa cợt về những người Texas to mồm, nói khoác một tấc đến trời, nhưng ông vẫn thật sự cảm thấy mình có điều gì đó đáng hãnh diện.

Ông sinh ra ở Waco, trong một khu vực nông nghiệp giàu có của châu thổ sông Brazos. Waco là một thị trấn hiện đại, nhưng vẫn phảng phất hương vị của quá khứ, thời mà nó hình thành, tồn tại và phát triển trên năm cây trụ: gia súc, bông, ngô, trường học và văn hoá. Wayne yêu mến Waco bằng tất cả trái tim và khối óc, khi ông gặp vị tu sĩ trên chuyến du lịch bằng xe bus ở Thuỵ Sĩ kia, thì gần như ông đã nói suốt năm tiếng đồng hồ về cái thị trấn quê hương mình.

Vị tu sĩ nói với ông là muốn rèn luyện tiếng Anh, nhưng thực ra, khi nghĩ lại, thì hoá ra là gần như chỉ có một mình ông nói cả câu chuyện.

- Waco có tất cả mọi thứ, - Ông ta đã tâm sự với vị tu sĩ Thời tiết của chúng tôi thì tuyệt vời. Chúng tôi không cho phép trời quá nóng hay quá lạnh. Chúng tôi có hai mươi ba trường học trong vùng và có Đại học Baylor. Chúng tôi có bốn tờ báo, mười đài phát thanh và năm đài truyền hình. Chúng tôi có Phòng truyền thống mà ông phải choáng cả người. Ý tôi nói, ở đó là lịch sử. Nếu ông thích câu cá, thưa Cha, thì sông Brazos sẽ là nơi mà ông không thể quên. Rồi chúng tôi còn có một khu săn bắn và một trung tâm nghệ thuật lớn. Tôi cam đoan với ông, Waco là một trong những thành phố có một không hai trên thế giới. Ông phải đến thăm chúng tôi mới được.

Và vị tu sĩ già nhỏ bé đã mỉm cười, gật gật đầu, còn Dan Wayne nghi hoặc, không hiểu ông ta nghe được bao nhiêu tiếng Anh.

Dan Wayne đã thừa kế của người cha một ngàn mẫu đất trang trại, và đã làm đàn gia súc sinh sôi từ hai ngàn lên đến mười ngàn. Lại còn một con ngựa đua đáng giá cả một gia tài nữa. Vậy mà bọn khốn kiếp đang toan cướp đi tất cả của ông. Thị trường gia súc sụt xuống hoặc việc ông chậm trả tiền thế nợ đâu có phải là lỗi của ông. Các nhà băng đều hùa vào để làm hại ông và cơ hội duy nhất để ông ta tự cứu mình là tìm ra được người mua lại trang trại, thanh toán cho các chủ nợ và giữ lại một chút tiền lãi...

Wayne đã nghe có một người Thuỵ Sĩ giàu có muốn mua một trang trại ở Texas, và ông ta đã bay đi Zurich để gặp người đó. Nhưng té ra đó chỉ là trò thả mồi bắt bóng. Cái trang trại trong đầu cái thằng cha công tử bột đó là một hay hai mẫu đất với một cái vườn rau nhỏ xinh xinh.

Đó là lý do vì sao mà vô tình ông lại có mặt trên chuyến xe bus khi cái chuyện kỳ lạ kia xảy ra. Ông đã có đọc về chuyện đĩa bay, nhưng ông chưa bao giờ tin những chuyện đó cả. Giờ đây, nhờ Chúa, ông dứt khoát đã tin. Ngay sau khi ông trở về, ông gọi điện một chủ bút một tờ báo địa phương.

- Johnny, tôi mới nhìn thấy một cái đĩa bay thật sự với mấy xác người kỳ quặc chết trong đó.

- Thế hả? Ông có chụp tấm ảnh nào không thế, Dan?

- Không. Tôi có chụp mấy tấm, nhưng hỏng cả.

- Không sao. Chúng tôi sẽ cho một tay nhiếp ảnh tới đó. Nó đã trên trang trại của ông phải không?

- Ồ không. Thực ra là nó ở Thuỵ Sĩ kia.

Một thoáng im lặng.

- Ồ ra vậy, nếu như ông tình cờ nhìn thấy nó trên trang trại của ông, Dan, thì gọi lại cho tôi nhé.

- Khoan. Một thằng cha cũng nhìn thấy, nó sẽ gửi cho tôi một tấm ảnh mà...

Nhưng Johnny đã gác máy.

Thế đó.

Gần như là Wayne mong có một cuộc xâm lăng của những người từ hành tinh khác. Có thể họ sẽ giết sạch những tên chủ nợ khốn kiếp của ông. Ông nghe thấy có tiếng xe đang chạy vào và nhỏm dậy bước đến bên cửa sổ nhìn ra. Có vẻ là một gã ở miền Đông.

Có thể lại là một chủ nợ khác. Những ngày nầy họ ở đâu ra mà lắm thế cơ chứ.

Dan Wayne mở cửa trước.

- Xin chào.

- Ông là Daniel Wayne...

- Bạn bè gọi tôi là Dan. Tôi có thể làm gì cho ông thế?

Dan Wayne không hề như Robert đã hình dung; một mẫu người Texas vạm vỡ. Ông ta thanh mảnh, dáng quý tộc và điều bộ hơi rụt rè. Điều duy nhất thể hiện gốc gác của ông ta là giọng nói.

- Tôi không biết liệu có thể xin ông vài phút được không?

- Tôi cũng chỉ còn ngần ấy thời gian, - Wayne nói. - Nhân tiện xin được hỏi, ông không phải là một chủ nợ ư?

- Một chủ nợ ấy à? Không?

- Tốt. Xin mời vào.

Hai người cùng ngồi ở phòng khách. Đó là một căn phòng lớn với đồ đạc rất tiện nghi theo kiểu miền Tây.

- Ông có một chỗ ở đẹp quá, - Robert nói.

- Dạ. Tôi được sinh ra trong ngôi nhà nầy. Tôi có thể mời ông uống gì nhỉ? Một chút gì mát, được không?

- Không, cảm ơn. Tôi không khát.

- Xin mời ngồi.

- Robert ngồi xuống chiếc đi văng bọc da mềm mại.

- Ông gặp tôi có việc gì thế?

- Tôi được biết là ông có đi một tuyến du lịch bằng xe bus ở Thuỵ Sĩ hồi tuần trước?

- Đúng thế. Cô vợ cũ thuê người theo dõi tôi à? Ông không làm việc cho cô ta đấy chứ?

- Không, thưa ông.

- Ồ, - ông ta chợt hiểu ra. - Ông quan tâm đến cáí đĩa bay kia chứ gì. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy gì khủng khiếp đến thế. Nó luôn thay đổi màu sắc. Và những sinh vật đã chết kia nữa. - Ông ta rùng mình. - Tôi vẫn nằm mê thấy nó.

- Ông Wayne, ông có thể nói với tôi bất kỳ điều gì về những người khách trên cùng chuyến xe đó được không?

- Xin lỗi. Tôi không thể giúp gì ông. Tôi đi có một mình.

- Tôi biết, nhưng ông có nói chuyện với những người khách khác chứ, phải không nào?

- Nói thật với ông, tôi rất nặng đầu nặng óc. Tôi đã chẳng chú ý mấy tới bất kỳ ai khác.

- Ông có nhớ bất kỳ chuyện gì về bất kỳ ai trong số họ không?

Day Wayne im lặng một lát.

- Ồ có một tu sĩ người Italia. Tôi có nói chuyện với ông ta một chút. Ông ta có vẻ là một người dễ mến. Tôi muốn nói để ông biết là cái đĩa bay kia thật sự làm cho ông ta choáng váng. Ông ấy cứ nói mãi về chuyện quỷ sứ.

- Ông có nói chuyện với ai khác nữa không?

Day Wayne nhún vai.

- Không hẳn... Chờ một phút. Tôi còn trò chuyện với ông chủ một nhà băng ở Canada. - Ông ta đưa lưỡi liếm môi. - Nói thật với ông, tôi đang có một chút khó khăn tài chính ở đây, với cái trang trại nầy. Có thể là tôi mất nó. Tôi ghét cái đám chủ nhà băng khốn kiếp kia. Bọn chúng toàn là những kẻ hút máu. Dù sao thì tôi nghĩ là cái thằng cha nầy có thể khác. Khi biết ông ta là chủ nhà băng, tôi đã nói chuyện với ông ta về việc thu xếp một kiểu tín dụng nào đó ở đây. Nhưng hắn cũng giống như tất cả bọn chúng thôi. Hắn không thể nào hờ hững hơn thế được.

- Ông nói hắn ta ở Canada à?

- Phải, Fort Smith, trên mãi vùng Các lãnh thổ Tây Bắc. Tôi e rằng đó là tất cả những gì tôi có thể nói với ông rồi đấy.

Robert cố giấu tâm trạng kích động của mình.

- Ông Wayne, xin cảm ơn ông, ông đã giúp ích rất nhiều. - Robert đứng dậy.

- Thế thôi à?

- Thế thôi.

- Ông có muốn ở lại dùng bữa tối không?

- Không, cảm ơn. Tôi phải lên đường thôi. Chúc may mắn trong chuyện trang trại nhé.

- Cảm ơn.

Fort Smith, Canada. Các lãnh thổ Tây Bắc.

***

Robert đợi cho đến khi tiếng Hilliard xuất hiện trên máy.

- Có ông sĩ quan hả?

- Tôi đã tìm được một nhân chứng khác. Dan Wayne. Ông ta là chủ trại Ponderosa, một trang trại bên ngoài Waco, Texas.

- Rất tốt. Tôi sẽ để cho cơ quan của chúng tôi ở Dallas nói chuyện với ông ta.

Điện khẩn.

Tối mật.

NSA gửi Phó giám đốc CIA:

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

6. Daniel Wayne - Waco.

Hết.

Tại Langley, Virginia, phó giám đốc Cục Tình báo Trung ương đang trầm ngâm xem bức điện số 6. Công việc thật trôi, chảy. Sĩ quan Bellamy đang làm việc tuyệt hảo. Janus đã đúng. Người đàn ông đó luôn luôn đúng. Và ông ta có quyền lực để những mong muốn của ta được thực hiện. Bao nhiêu quyền lực... Ông ta nhìn bức điện một lần nữa. Chuyện nầy sẽ không khó khăn gì. Rồi nhấn cái nút.

***

Hai người đàn ông đến trang trại bằng chiếc xe chở hàng màu xanh sẫm.

Họ đỗ xe ngoài sân, ra khỏi xe và thận trọng nhìn quanh. Ý nghĩ đầu tiên của Dan Wayne là họ đến để tịch biên cái trại. Ông ta mở cửa trước cho họ.

- Ông là Dan Wayne?

- Vâng. Tôi đây.

Ông ta chỉ mới nói được có thế.

Người đàn ông thứ hai đã bước vòng lại phía sau và cầm một cái bình da dùng để đựng rượu đánh mạnh vào đầu ông ta.

Một trong hai người đàn ông với vóc cao to hơn xốc ông chủ trại đã bất tỉnh lên vai và mang ông ta ra ngoài chuồng bò. Hai người đàn ông phớt lờ những con vật và đi thẳng vào phía trong cùng. Trong cái khoang đó là một con ngựa giống màu đen tuyệt đẹp.

Người đàn ông cao to nói:

- Đây chỗ nầy.

- Anh ta hạ Wayne xuống.

Người đàn ông thứ hai bước lại gần cửa khoang nhốt con ngựa, và đánh nó bằng cái gậy có điện. Nó lồng lên, hất tung hai chân sau. Một cú đánh mạnh hơn nữa vào mũi nó. Nó lồng lên điên cuồng, trong cái không gian chật chội, va đập vào bốn góc, răng nhe ra và lòng trắng mắt ngầu lên.

Nào, - người đàn ông cao to nhấc Dan lên và quăng ông ta vào trong cái khoang của con ngựa đực.

Họ đứng nhìn cái quang cảnh đẫm máu trong vài giây rồi hài lòng bỏ đi.

Điện khẩn.

Tối mật.

Phó giám đốc CIA gửi Phó giám đốc NSA.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

6. Daniel Wayne - Waco - Đã bị thủ tiêu.

Hết.

Ngày thứ chín.

Fort Smith, Canada.

Fort Smith nằm ở vùng Các lãnh thổ Tây Bắc là một thị trấn thịnh vượng với hai nghìn dân phần đông là chủ trại và những người chăn nuôi gia súc cùng với một số ít thương nhân. Khí hậu ở đây khắc nghiệt, với những mùa đông đài và băng giá, còn bản thân thị trấn nầy là một bằng chứng sống động đối với thuyết Darwin về sự tồn tại của những gì thích nghi nhất.

William Mann là một trong những sinh vật thích nghi đó, một kẻ sống sót. Ông ta sinh ra ở Michigan, nhưng hồi ngoài ba mươi tuổi, đã đến Fort Smith trên một chiếc tàu đánh cá và cho rằng cộng đồng nơi đây cần có một nhà băng tốt hơn. Ông ta đã chộp được cơ hội. Ở đó chỉ còn một nhà băng khác nữa và William Mann mất không đầy hai năm để đẩy đối thủ của mình ra ngoài cuộc đấu. Mann điều hành nhà băng rất đúng cách. Vốn say mê toán học, ông ta coi sóc để sao cho những con số luôn luôn là có lợi cho mình. Ông rất hay nói tới câu chuyện đùa về một người đàn ông đến một ông chủ nhà băng mượn tiền cho một ca mổ khẩn cấp cho đứa con nhỏ của mình. Khi người vay tiền nói không có gì thế chấp, ông chủ nhà băng bèn đuổi ông ta ra.

- Tôi sẽ đi, - người đàn ông nói, - nhưng tôi muốn bảo cho ông biết rằng cả đời tôi chưa bao giờ thấy ai nhẫn tâm như ông cả.

- Đợi một chút, - Ông chủ nhà băng đáp lại. - Tôi sẽ cho ông một khả năng nầy. Một trong hai con mắt tôi làm bằng thuỷ tinh. Nếu ông có thể nói đó là bên mắt nào, thì tôi sẽ cho ông vay.

- Con mắt trái của ông. - Ngay lập tức, ông vay tiền đáp.

- Không ai biết chuyện nầy cả. Làm sao mà ông có thể đoán được? - Ông chủ nhà băng kinh ngạc.

- Thật dễ thôi. Trong một thoáng, tôi tưởng là đã thấy một ánh nhìn thông cảm ở con mắt bên trái, bởi vậy tôi biết nó là con mắt thuỷ tinh.

Câu chuyện đó, đối với William Mann, là bài học tốt cho một nhà kinh doanh. Người ta không thể buôn bán trên cơ sở sự thông cảm. Phải nhìn xuống mức thấp nhất. Trong khi các nhà băng khác ở Canada và Mỹ đổ liểng xiểng thì nhà băng của William Mann mạnh hơn bao giờ hết. Nguyên tắc của ông ta rất đơn giản: Không cho vay tín dụng để khởi đầu công việc làm ăn. Không đầu tư với những trái phiếu vô tích sự. Không cho những người láng giềng vay, dù họ đang có đứa con cần được giải phẫu gấp.

Mann hết sức kinh hãi trước hệ thống nhà băng Thuỵ Sĩ Những ông thần giữ của ở Zurich là chủ của các chủ nhà băng. Bởi vậy, một hôm, William Mann đã quyết định phải đi Thuỵ Sĩ, trao đổi với một vài ông chủ nhà băng ở đó để xem ông ta còn thiếu sót gì không, còn cách nào để có thể vắt thêm từng xu Canada được không. Ông ta đã được tiếp đón tử tế, nhưng rốt cuộc thì cũng không học được gì thêm. Các phương thức kinh doanh ngân hàng của ông ta là đáng ngưỡng mộ, và các ông chủ nhà bằng Thuỵ Sĩ đã không hề ngần ngại nói ra điều đó.

Hôm phải lên đường trở về, Mann quyết định tự cho mình một cuộc du ngoạn trên dãy Alps. Chuyến đi thật chán ngắt. Phong cảnh thì đẹp, nhưng cũng chẳng hơn gì cảnh quan Fort Smith. Một trong số những du khách, một người Texas, đã cả gan toan thuyết phục ông ta cấp tín dụng cho một cái trang trại đang vỡ nợ: ông ta đã cười vào mũi gã. Điều duy nhất trong chuyến đi được coi là có chút thích thú, chính là vụ tai nạn của cái gọi là đĩa bay kia. Trong một giây, Mann đã không tin vào sự thật đó. Ông ta tin đó là do chính phủ Thuỵ Sĩ bày đặt ra để gây ấn tượng cho khách du lịch. Ông ta đã từng đến Thế giới Walt Disney, và đã nhìn thấy những điều tương tự, trông thì như thật nhưng lại là giả. Đó là con mắt thuỷ tinh của Thuỵ Sĩ, ông ta mỉa mai thầm nghĩ.

William Mann sung sướng được trở về nhà.

Từng phút của ông chủ nhà băng nầy đều được ấn định tỉ mỉ cho mỗi ngày làm việc, và khi viên thư ký bước vào nói có một người lạ muốn được gặp, thì ý nghĩ đầu tiên của Mann là mời ông ta đi.

- Ông ta muốn gì?

- Ông ta nói muốn phỏng vấn ông. Ông ta đang viết một bài báo về các chủ nhà băng.

Đó lại là vấn đề hoàn toàn khác. Sự xuất hiện đúng cách là tốt cho công cuộc kinh doanh. William Mann chỉnh lại chiếc áo khoác, vuốt tóc ngay ngắn, và nói:

- Đưa ông ta vào.

Khách là một người Mỹ, ăn mặc sang trọng, điều đó chứng tỏ ông ta làm việc cho một tạp chí hoặc một tờ báo lớn.

- Ông ỉà Mann phải không ạ?

- Phải.

- Tôi là Robert Bellamy.

- Thư ký của tôi nói rằng ông muốn viết một bài báo về tôi.

- Ồ không phải là hoàn toàn về ông, - Robert nói. - Nhưng tất nhiên là ông sẽ nổi bật trong đó. Tờ báo của tôi.

- Tờ nào vậy?

- Nhật báo Wall Strees.

- À thế thì tuyệt vời.

- Tờ Nhật báo cảm thấy rằng hầu hết các chủ nhà băng đều quá xa rời với những gì đang xảy ra trên thế giới. Họ ít khi di chuyển, họ không chịu đi tới những nước khác. Trái lại, thưa ông Mann, ông có tiếng là rất hay đi.

- Tôi nghĩ là như vậy, - Mann nói một cách khiêm nhường. - Thực tế là tôi vừa mới trở về từ chuyến đi Thuỵ Sĩ tuần trước.

- Thật thế ư? Ông có hài lòng với nó không?

- Có. Tôi đã gặp gỡ một vài chủ nhà băng ở đó. Chúng tôi đã thảo luận về các vấn đề kinh tế thế giới.

Robert đã rút ra một cuốn sổ và đang ghi chép.

- Ông có thời gian giải trí không?

- Không hẳn. Ờ, tôi có một chuyến đi du ngoạn bằng xe bus. Trước đây, tôi chưa bao giờ được thấy dãy Alps.

Robert ghi chép thêm một chút.

- Một chuyến du lịch. Đó chính là cái mà chúng tôi đang tìm kiếm, - Robert nói đầy vẻ khuyến khích. - Tôi hình dung là ông đã gặp nhiều người đáng mến trên chuyến xe bus đó.

- Đáng mến ư? - Ông ta nghĩ đến cái người đàn ông Texas toan vay tiền. - Không hẳn là như thế.

- Ô?

Mann nhìn ông khách. Tay phóng viên nầy rõ ràng là chờ ông ta nói thêm. "Tất nhiên là ông sẽ nổi bật trong đó"

- Có một cô gái người Nga.

- Thế ư? Hãy nói với tốt về có ta. - Robert ghi vào sổ.

- Ồ, chúng tôi bắt chuyện với nhau, và tôi đã giải thích cho cô ta hiểu nước Nga lạc hậu như thế nào và đang hướng tới những khó khăn khủng khiếp ra sao, trừ phi họ thay đổi.

- Hẳn là cô ta bị gây ân tướng rất mạnh, - Robert nói.

- Ồ có chứ. Có vẻ là một cô gái thông minh. Nghĩa là với người Nga. Ông biết đấy, tất cả họ đều bị cô lập quá. Cô ta có nói tên không?

- Không, à..., khoan nào. Olga gì đó.

- Cô ta có ngẫu nhiên nói là từ đâu tới không?

- Có. Cô ta làm việc tại một thư viện lớn ở Kiev.

Đó là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của cô ấy, tôi đoán, là nhờ có cải tổ. Nếu như ông muốn biết ý kiến của tôi... - Ông ta ngừng lời để cho Robert ghi lại - Về mặt chính trị, Gorbachev đi quá nhanh, còn về mặt kinh tế thì ông ta lại đi quá chậm.

- Thật là kỳ lạ. - Robert lẩm bẩm.

Anh bỏ ra nửa giờ nữa với tay chủ nhà băng, nghe những bình luận chủ quan của ông ta về đủ mọi thứ, từ Thị trường chung đến kiểm soát vũ trang. Anh đã không thể có thêm thông tin gì về những hành khách khác.

***

Khi Robert trở về khách sạn, anh gọi ngay cho tướng Hilliard.

- Xin chờ một chút, ông chỉ huy Bellamy.

- Anh nghe thấy một loạt tiếng lách cách, và rồi tiếng tướng Hilliard vang lên.

- Có! Ông sĩ quan?

- Thưa tướng quân, tôi vừa tìm ra một hành khách nữa.

- Tên?

- William Mann. Ông ta có một nhà băng ở Fort Smith, Canada.

- Cảm ơn. Tôi sẽ báo cho giới chức Canada nói chuyện với ông ta ngay lập tức.

- Nhân thể có việc là ông ta trao cho tôi một manh mối khác. Tối nay tôi sẽ phải bay đi Nga. Tôi cần có một thị thực của Intourist Nga.

- Ông đang gọi từ đâu đấy?

- Fort Smith.

- Dừng lại khách sạn Visigoth ở Stockholm. Sẽ có một phong bì cho ông ở chỗ tiếp tân.

- Cảm ơn ngài.

***

Vào lúc 11 giờ đêm hôm đó, chuông cửa nhà William Mann réo vang. Ông ta không hề đợi ai, và càng không ưa những khách viếng thăm bất ngờ. Người quản gia đã nghỉ, và vợ ông ta đang yên giấc trong phòng riêng trên gác. Khó chịu, Mann ra mở cửa. Hai người đàn ông mặc đồ đen đứng sững trước ông.

- Ông là William Mann phải không?

- Phải.

Một trong hai người kia rút ra tấm căn cước.

- Chúng tôi ở Ngân hàng Canada. Chúng tôi có thể vào được không?

- Có chuyện gì vậy? - Mann chau mầy.

- Chúng tôi muốn thảo luận ở trong nhà, nếu như ông không phản đối.

- Được - Ông ta dẫn họ vào phòng khách.

- Mới đây ông đến Thuỵ Sĩ phải không?

- Câu hỏi làm cho ông ta bị bất ngờ.

- Cái gì? Phải, nhưng có chuyện quái quỷ gì thế?

- Trong thời gian ông đi vắng, chúng tôi đã kiểm tra sổ sách của ông, ông Mann. Ông có biết là tại ngân hàng của ông thiếu hụt một triệu đô la không?

William Mann nhìn hai người đàn ông, thất kinh.

- Các ông nói cái gì vậy? Tuần nào tôi cũng đích thân kiểm tra sổ sách mà. Chưa bao giờ thiếu một đồng xu nào cả.

- Một triệu đô la, thưa ông Mann. Chúng tôi nghĩ là ông phải chịu trách nhiệm biển thủ số tiền đó.

Mặt đỏ bừng lên, Mann thấy mình lắp bắp.

- Sao, sao các người dám... Cút khỏi đây ngay trước khi tao gọi cảnh sát.

- Điều đó chẳng có lợi gì cho ông cả. Cái chúng tôi muốn ở ông là phải biết hối hận.

Lúc nầy, ông ta nhìn họ chằm chằm, tức tối.

- Hối hận? Hối hận chuyện gì hả? Các người điên rồi.

- Không đâu, thưa ông.

Một trong hai người đàn ông rút ra một khẩu súng.

- Ông Mann, ngồi xuống.

- Ôi, lạy Chúa! Mình bị cướp rồi.

- Nầy, - Mann nói, - hãy lấy bất kỳ thứ gì các người muốn. Không cần phải bạo hành và...

- Xin mời ngồi xuống.

Người đàn ông thứ hai bước đến bên tủ rượu. Nó bị khoá. Hắn đập vỡ tấm kính và lấy ra một cái cốc uống nước lớn, rót đầy rượu và mang đến chỗ Mann đang ngồi.

- Uống đi. Nó sẽ làm cho ông thấy thoải mái.

- Tôi, tôi không bao giờ uống sau bữa tối. Bác sĩ của tôi...

- Uống đi, nếu không cái ly sẽ đầy óc của ông đấy. - Gã kia dí súng vào thái dương Mann.

Bây giờ thì Mann hiểu là mình đang ở trong tay hai thằng điên. Ông ta run run cầm cốc rượu lên và uống một ngụm.

- Uống cạn đi.

Ông ta uống một ngụm lớn hơn.

- Các các ông muốn gì? - Ông ta cất cao giọng, hy vọng rằng bà vợ có thể nghe thấy và đi xuống nhà, nhưng đó chỉ là một mong muốn tuyệt vọng. Ông biết rõ bà luôn ngủ say như chết. Rõ ràng là hai người nầy đến để cướp bóc. Tại sao họ không vơ vét rồi chuồn đi nhỉ?

- Muốn lấy gì thì lấy, - Ông ta nói. - Tôi sẽ không ngăn trở gì.

- Uống nốt đi.

- Không cần phải thế nầy. Tôi...

- Uống nốt đi.

Gã đàn ông đánh mạnh vào phía trên tai, Mann kêu lên đau đớn.

Ông ta uống nốt chỗ Wishky còn lại và cảm thấy choáng váng.

- Két của tôi ở trong phòng ngủ trên gác, - Ông ta nói, giọng bắt đầu líu lại. - Tôi sẽ mở nó cho các anh. - Có thể điều đó sẽ làm cho vợ mình thức giấc và bà ta sẽ gọi điện cho cảnh sát.

- Không vội gì, - gã cầm súng nói. - Ông có nhiều thời gian để uống.

Người thứ hai đi lại chỗ tủ rượu và rót đầy một ly khác.

- Đây!

- Không, thật mà, - William Mann phản đối. - Tôi không muốn.

Ly rượu được ấn vào tay.

- Uống đi.

- Tôi thật sự không...

Một quả đấm giáng vào chỗ bị đáng súng đập. Mann suýt ngất đi vì đau đớn.

- Uống đi.

Thôi được nếu như đó là điều chúng mầy muốn thì sao lại không nhỉ? Cơn ác mộng nầy càng qua nhanh càng tốt. Ông ta uống một ngụm lớn và đưa tay bịt miệng.

- Nếu như tôi uống nữa, tôi sẽ nôn mất.

- Nếu như mà nôn, tôi sẽ giết ông. - Gã kia nói ngay.

Mann ngước nhìn hắn, rồi gã cùng đi với hắn. Dường như cứ mỗi tên biến thành hai vậy.

- Các người muốn gì cơ chứ? - Ông ta lẩm nhẩm.

- Ông Mann, chúng tôi đã nói rồi. Chúng tôi muốn ông hối hận.

- Được Tôi hối hận. - William Mann ngật ngưỡng gật đầu.

Hai gã mỉm cười.

- Ông thấy đấy, đó là tất cả những gì chúng tôi yêu cầu Bây giờ... - Hắn ấn một mẩu giấy vào tay Mann. - Tất cả những gì ông phải làm là viết. Tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho tôi...

- Có thế thôi hả? - William ngước mắt lên vẻ u muội.

- Thế thôi. Và rồi chúng tôi sẽ đi khỏi đây.

Ông ta đột nhiên cảm thấy phấn chấn. Vậy là chuyện chỉ có thế Họ là những kẻ cuồng tín. Ngay sau khi họ đi, mình sẽ gọi cảnh sát và cho bắt hết. Mình sẽ kiện để những kẻ khốn kiếp nầy bị treo cổ.

- Viết đi ông Mann.

Ông ta thấy khó tập trung đầu óc.

- Anh nói anh muốn tôi viết gì hả?

- Hãy viết, "Tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho tôi".

- Phải. - Ông ta cầm bút một cách khó khăn, cố tập trung và bắt đầu viết. "Tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho tôi!"

Gã nhặt mảnh giấy từ tay Mann, những ngón tay cầm sát mép giấy.

- Ông Mann, thế là tốt. Thấy dễ dàng chưa?

Căn phòng bắt đầu quay cuồng.

- Phải. Cảm ơn. Tôi đã hối hận. Bây giờ thì các anh đi chứ?

- Tôi thấy là ông thuận tay trái?

- Sao cơ?

- Ông thuận tay trái.

- Đúng.

- Gần đây, vùng nầy có nhiều tội phạm, ông Mann. Chúng tôi sẽ để cho ông giữ khẩu súng nầy.

Mann cảm thấy một khẩu súng được đặt vào bàn tay trái mình - Ông có biết sử dụng một khẩu súng như thế nào không?

- Không.

- Rất đơn giản. Ông dùng như thế nầy nhé... - Gã ta đàn ông nâng khẩu súng lên thái dương William và miết ngón tay của ông chủ nhà băng lên cò súng.

Một tiếng nổ bị bóp nghẹt. Mẩu giấy dính máu được thả xuống sàn nhà.

- Thế là xong, - một trong hai gã nói. - Chúc ngủ ngon, ông Mann.

Điện khẩn.

Tối mật.

CGHQ gửi Phó giám đốc NSA.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

7. William Mann - Fort Smih - Đã bị thủ tiêu

Hết.

***

Ngày thứ mười.

Fort Smith, Canada.

Sáng hôm sau, các nhân viên thanh tra ngân hàng báo cáo về việc mất một triệu đô la tại nhà băng của Mann. Cảnh sát đã xếp cái chết của Mann vào dạng tự sát.

Khoản tiền bị mất kia chẳng bao giờ được tìm thấy.

Ngày thứ mười một.

Brussels, 3 giờ 00.

Tướng Shipley, chỉ huy trưởng tại Bộ tư lệnh khối NATO, được người sĩ quan phụ tá của ông đánh thức dậy.

- Thưa tướng quân, tôi xin lỗi vì phải đánh thủc ngài, nhưng dường như chúng ta đang có tình hình báo động.

Tướng Shipley dụi mắt cho hết ngái ngủ. Đêm trước, ông đã phải thức khuya để tiếp đón các Thượng nghị sĩ từ Mỹ tới thăm.

- Có chuyện gì vậy Billy?

- Tôi vừa nhận được tin báo từ đài ra-đa , thưa ngài. Hoặc là tất cả các thiết bị của chúng ta trở nên điên loạn, hoặc là chúng ta đang có những người khách lạ.

Tướng Shipley bật ra khỏi giường.

- Nói với họ là năm phút nữa tôi sẽ tới.

***

Căn phòng ra-đa mờ tối đầy kín các sĩ quan và binh sĩ tập hợp xung quanh các màn ảnh ra-đa sáng bừng đặt ở chính giữa. Họ quay lại và đứng nghiêm khi ông tướng bước vào.

- Nghỉ. - Ông ta bước tới viên sĩ quan trực ban, đại uý Muller. - Lewis, có chuyện gì thế?

Đại uý Muller đưa tay vuốt đầu.

- Tôi thua. Ngài có bao giờ thấy một máy bay nào có thể bay với tốc độ 22 nghìn dặm một giờ, đột ngột dừng lại, và rồi bay theo hướng ngược lại không?

- Anh đang nói cái gì vậy hả? - Tướng Shipley trợn mắt lên.

Căn cứ vào màn ảnh ra-đa của chúng ta thì đó chính là những gì diễn ra trong suốt nửa giờ đồng hồ qua. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ đó có thể là một thứ thiết bị điện tử gì đó đang được thử nghiệm, nhưng chúng tôi đã kiểm tra lại với người Nga, người Anh, người Pháp, và họ cũng ghi nhận được cùng một thứ như vậy trên các màn hình ra-đa của họ.

- Vậy thì không thể là chuyện trục trặc trong thiết bị được, - tướng Shipley nặng nề nói.

- Vâng, thưa ngài. Trừ phi giả thiết rằng tất cả các ra-đa trên thế giới đều bất chợt trở nên điên rồ hết.

Bao nhiêu cái đó đã xuất hiện trên màn ra-đa ?

- Hơn một chục. Chúng chuyển động nhanh đến mức chỉ bám theo cũng đã khó khăn lắm rồi. Chúng tôi ghi nhận được chúng, và chúng lại biến mất ngay. Chúng tôi đã loại trừ các hiện tượng khí quyển, khí tượng, sao băng, bóng thám không, và mọi phương tiện bay mà chúng ta đã biết. Tôi đang tính cho vài máy bay cất cánh, nhưng những vật thể nầy, không biết là thứ gì nữa, bay cao khủng khiếp đến mức chúng ta không bao giờ có thể đến gần chúng được.

Tướng Shipley bước lại một trong những màn ra-đa .

Hiện bây giờ trên màn hình của các anh có cái gì không?

- Thưa không. Chúng đi rồi. - Anh ta ngập ngừng một giây. - Nhưng, thưa tướng quân, tôi có cảm giác hãi hùng là chúng sẽ còn trở lại.

Ottawa, 5 giờ 00.

Khi Janus đọc dứt bản báo cáo của tướng Shipley, vị người Italia đứng dậy và nói với vẻ kích động:

- Chúng đang sẵn sàng xâm lăng chúng ta.

- Chúng xâm lăng chúng ta rồi. - Người Pháp nói.

- Chúng ta đã quá trễ. Đó là một thảm hoạ. - Người Nga nói. - Không có cách nào.

Janus cắt ngang.

- Thưa quý vị, đó là một thảm hoạ mà chúng ta có thể ngăn chặn.

- Như thế nào? Ngài biết đòi hỏi của chúng à? - Người Anh nói.

- Vấn đề không phải là những đòi hỏi của chúng. - Người Brasil nói. - Việc chúng ta làm gì với cây cối của chúng ta đâu phải việc của họ. Cái gọi là hiệu ứng nhà kính chỉ là một thứ khoa học rác rưởi, hoàn toàn chưa được kiểm nghiệm.

- Còn về chúng tôi thì sao? - Người Đức nói. - Nếu chúng buộc chúng tôi phải làm sạch bầu không khí trên các thành phố của nước Đức, chúng tôi sẽ phải đóng cửa các nhà máy và sẽ không còn lại ngành công nghiệp nào cả.

- Còn chúng tôi sẽ phải ngừng sản xuất ô tô, - người Nhật Bản nói. - Và rồi nền văn minh của thế giới nầy sẽ thế nào?

- Chúng ta đều cùng trong một tình thế như nhau. - Người Nga nói. - Nếu như phải ngừng tất cả những gì làm ô nhiễm môi trường, như họ đòi hỏi, thì điều đó sẽ huỷ hoại các nền kinh tế thế giới. Chúng ta phải dành thêm thời gian cho đến khi sẵn sàng với cuộc Chiến tranh giữa các hành tinh.

Đồng ý như vậy. Vấn đề trước mắt của chúng ta là giữ cho dân chúng bình tĩnh và tránh sự hỗn loạn lan tràn. - Janus nói một cách quả quyết.

- Công việc của sĩ quan chỉ huy Bellamy thế nào rồi? - Người Canada nói.

- Đang có những kết quả tuyệt hảo. Ông ta sẽ hoàn tất nhiệm vụ trong một hai ngày tới.

Kiev, Ucraina.

Giống như hầu hết những phụ nữ Nga khác, Olga Romanchanko đã trở nên chán ngán với cải tổ.

Thoạt đầu tất cả những thay đổi được hứa hẹn sẽ diễn ra trên Tổ quốc Nga có vẻ thật hấp dẫn. Những ngọn gió tự do thổi trện các đường phố, và niềm hy vọng tràn ngập bầu không khí. Có những lời hứa hẹn về thịt và rau tươi trong các cửa hàng, những quần áo đẹp những đôi giầy da thật và cả trăm thứ tuyệt diệu khác. Nhưng giờ đây, sáu năm sau khi nó vận hành, sự vỡ mộng cay đắng đã xen vào. Hàng hoá khan hiếm hơn bao giờ hết. Thực sự là mọi thử đều thiếu và giá cả tăng vọt. Những ổ gà lớn ngổn ngang trên các đường phố chính. Nhan nhản những cuộc biểu tình và số tội phạm tăng lên. Những hạn chế cũng nghiêm ngặt hơn bao giờ hết. Cải tổ và công khai đã bắt đầu có vẻ rỗng tuếch như những lời hứa hẹn của các nhà chính trị đã khơi xướng chúng.

Olga đã làm việc tại một thư viện trên quảng trường Lenkosomol ở trung tâm Kiev bẩy năm trời. Cô ba mươi hai tuổi và chưa bao giờ bước chân ra khỏi Liên Xô. Trông Olga khá hấp dẫn, hơi mập một chút, nhưng ở Nga thì điều đó không bị coi là một nhược điềm.

Cô đã từng kết hôn với hai người đàn ông, và họ đều đã bỏ rơi cô: Dmitri, người đã đi Leningrad, và Ivan, người đã bỏ đi Mátxcơva. Olga đã toan đi theo để cùng sống với Ivan, nhưng không có hộ khẩu Mátxcơva thì điều đó là không thể được.

Khi sinh nhật lần thứ ba mươi ba của cô đến gần, Olga quyết tâm đi thăm thú thế giới bên ngoài một lần cho biết. Cô đến gặp giám đốc thư viện, người tình cờ lại là bà dì của cô.

- Cháu muốn được nghỉ phép, - Olga nói.

- Khi nào thì cô muốn đi?

- Tuần sau.

- Chúc vui vẻ.

Mọi chuyện thật đơn giản. Trước thời cải tổ, đi nghỉ phép có nghĩa là đi Biển Đen, Samarkan hoặc Tbilisi, hoặc là bất kỳ chỗ nào khác nhưng không vượt khỏi lãnh thổ Liên Xô. Còn giờ đây, nếu tháo vát một chút thì cả thế giới sẽ mở ra trước bạn. Olga lấy một cuốn bản đồ từ trên giá sách và chúi đầu vào đó.

Bên ngoài là cả một thế giới lớn. Châu Phi, châu Á, Bắc và Nam Mỹ... Cô e ngại đi xa đến như thế, bèn lật sang tấm bản đồ châu Âu. Thuỵ Sĩ, cô nghĩ. Đó là nơi mình sẽ tới.

Cô sẽ chẳng bao giờ thú nhận với ai trên đời nầy, nhưng Thuỵ Sĩ đã hấp dẫn cô, chủ yếu vì cô đã hơn một lần được biết mùi chocolat của nó, và cô không bao giờ có thể quên được cảm giác đó. Cô thích ăn kẹo. Ở Nga - khi mà người ta có thể kiếm được - thì cũng là thứ kẹo không đường và mùi vị thì chẳng ra gì.

Olga đã phải đổi mạng sống chỉ vì thèm được ăn kẹo chocolat.

Hành trình trên chuyến bay Aeroflot tới Zurich là một sự khởi đầu thú vị. Chưa bao giờ đi máy bay, Olga rất hồi hộp khi phi cơ hạ cánh xuơng sân bay quốc tế ở Zurich. Trong không khí có cái mùi gì đó khang khác. Có thể là mùi vị của tự do thật sự, Olga nghĩ. Tiền bạc của cô rất eo hẹp, và cô đã đặt phòng trước ở Leonhare, một khách sạn nhỏ, rẻ tiền, ở số 136 Limmatquai.

Olga làm thủ tục ở bàn tiếp tân.

- Đây là lần đầu tiên tôi tới Thuỵ Sĩ, - Cô trình bày với nhân viên khách sạn bằng một thứ tiếng Anh ngắc ngứ. - Anh có thể gợi ý cho tôi nên làm gì không.

- Tất nhiên. Ở đây thì có nhiều thử lắm, - anh ta nói với cô. - Có thể là cô nên bắt đầu với một vòng quanh thành phố. Tôi sẽ thu xếp việc đó.

- Cảm ơn.

Olga thấy Zurich thật hấp dẫn. Cô sững sờ trước cảnh quan và những âm thanh của thành phố nầy.

Người đi đường ăn mặc đẹp và lái những chiếc xe đắt tiển. Với Olga thì dường như tất cả mọi người ở Zurich đều là những nhà triệu phú... Và còn những cửa hiệu dọc con đường Bahnhofstrasse, đường phố buôn bán chính của Zurich, và cô ngạc nhiên trước mức độ phong phú đến không thể tin được trong các ô kính: nào váy, nào áo khoác, váy lót, giầy dép, đồ nữ trang, bát đĩa, đồ gỗ, ô tô, sách báo, ti vi, radio, đồ chơi và đàn piano... Hàng hoá bày bán dường như không kể xiết. Và rồi Olga chợt đi ngang qua tiệm Sprungli, nổi tiếng về mứt và kẹo chocolat. Trời, chocolat!

Bốn ô kính lớn đầy ngập, đủ các loại khác nhau. Có cả chuối bao chocolat và những hạt chocolat trong chứa một chút rượu hảo hạng. Chỉ nhìn thôi cũng đã thấy sướng. Olga những muốn mua tất cả, nhưng khi biết giá rồi thì đành chỉ mua một hộp thập cẩm nhỏ và một hộp lớn những chocolat thanh.

Trong tuần lễ tiếp theo đó, Olga đã thăm khu vườn Zurichchhorn, bảo tàng Rietherg và nhà thờ Grossmunster - được xây cất trong thế kỷ mười một, và hơn một chục điểm du lịch tuyệt vời khác. Sau cùng, đã cũng sắp hết thời gian.

Người nhân viên ở khách sạn Leonhare nói với cô:

- Hàng xe bus du lịch Sunshine có một tuyến rất hấp dẫn trên vùng núi Alps. Tôi nghĩ là cô có thể thưởng ngoạn điều đó trước khi rời khỏi đây.

- Cảm ơn, Olga nói. - Tôi sẽ thử xem.

Khi rời khỏi khách sạn, nơi dừng chân đầu tiên của cô là tiệm Sprungli, và nơi tiếp theo là văn phòng hãng Sunshine đề làm thủ tục cho một chuyến đi.

Quang cảnh đẹp đến nghẹt thở, và giữa chừng của chuyến đi, họ đã chứng kiến vụ nổ của cái mà thoạt đầu cô nghĩ là đĩa bay, nhưng ông chủ nhà băng người Canada ngồi cạnh cô đã giải thích rằng đó chỉ là chuyện bày đặt của chính phủ Thuỵ Sĩ dành cho du khách, và rằng không hề tồn tại cái mà cô vừa nghĩ đến.

Olga đã không hoàn toàn bị thuyết phục. Khi trở về nhà ở Kiev, cô đã mang chuyện nầy ra nói với bà dì của mình.

- Chắc là có đĩa bay, - bà dì nói. - Chúng bay trên bầu trời nước Nga suốt ấy mà. Cháu nên bán câu chuyện của mình cho một tờ báo.

Olga đã tính làm như vậy nhưng lại sợ bị người ta cười cho. Đảng Cộng sản không muốn các đảng viên của mình trở thành đối tượng của sự nhạo báng.

Dù sao chăng nữa, Olga kết luận, bên cạnh chuyện Dmitri và Ivan, kỳ nghỉ của cô là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời. Thật là khó khăn khi bắt tay vào trở lại với công việc.

***

Chiếc xe bus của Intourist chạy mất một giờ trên con đường cao tốc mới được xây dựng từ sân bay về tới trung tâm Kiev. Đó là lần đầu tiên Robert tới đây, và anh có ấn tượng mạnh mẽ với những công trình xây dựng đâu đâu cũng thấy trên dọc đường và những toà nhà ở lớn đang mọc lên khắp nơi. Chiếc xe bus dừng lại trước khách sạn Dniepr và đổ xuống hơn hai chục hành khách. Robert nhìn đồng hồ đeo tay mình, 8 giờ. Thư viện đóng cửa mất rồi. Anh làm thủ tục thuê phòng ở cái khách sạn lớn ấy, nơi mà một phòng đã được đặt trước cho anh, uống một cốc ở quầy rượu và đi vào trong cái phòng ăn trắng toát mộc mạc để ăn một bữa tối với trứng cá muối, dưa chuột, cà chua, sau đó là món khoai tây hầm với chút thịt có thêm nhiều bột, tất cả được kèm với Vodka và nước khoáng.

Thị thực nhập cảnh đã được để sẵn cho anh tại khách sạn ở Stockholm như tướng Hilliard đã hứa.

Đó là kêt quả nhanh chóng của sự hợp tác quốc tế, Robert nghĩ. Nhưng chẳng có sự hợp tác nào cho mình cả. Từ nghiệp vụ gọi là "Trần trụi".

Sau bữa ăn, Robert hỏi han đôi chút tại bàn tiếp tân và đi vơ vẩn ra quảng trường Lenkosomol. Kiev thật sự gây ngạc nhiên đối với anh. Là một trong những thành phố cổ kính nhất nước Nga, với dáng vẻ châu Âu nó nằm trên bờ sông Dniepr, với những công viên xanh tươi và những đường phố rộng lớn có cây trồng dọc hai bên. Ở đâu cũng thấy các nhà thờ, và chúng là những thí dụ ngoạn mục cho kiến trúc tôn giáo, như các nhà thờ Thánh Vladimir, Thánh Andrew, và Thánh Sofia - nhà thờ sau cùng nầy được hoàn tất vào năm 1037, và tu viện Pechersk, công trình kiến trúc cao nhất thành phố. Susan sẽ rất yêu thích những phong cảnh nầy, Robert nghĩ. Cô chưa bao giờ đến nước Nga. Anh băn khoăn không biết cô đã từ Brasil trở về hay chưa. Cảm thấy bị thôi thúc, anh gọi điện thoại cho cô khi trở lại khách sạn, và anh ngạc nhiên thấy gần như không hề phải chờ đợi gì.

- Xin chào? - Cái giọng cổ khêu gợi ấy.

- Chào. Brasil thế nào?

- Robert. Em cố gọi cho anh mấy lần. Không có ai trả lời.

- Anh không có nhà.

Ôi! Cô đã được huấn luyện quá kỹ để không hỏi là anh đang ở đâu.

- Anh có khoẻ không đấy?

Đối với một thằng quan hoạn thì khoẻ.

- Tất nhiên. Khoẻ. Cái túi tiền Monte thế nào?

- Anh ấy khoẻ. Robert, ngày mai chúng em sẽ đi Gibraltar.

Tất nhiên là trên cái du thuyền của thằng cha Cái túi tiền khốn kiếp kia. Tên nó là gì ấy nhỉ? À, phải, Thanh Bình.

- Bằng du thuyền?

- Vâng. Anh có thể gọi cho em ở đó. Anh có nhớ số máy không?

Anh nhớ. - WS387. WS có nghĩa gì nhỉ? Susan tuyệt diệu chăng?... Sao lại phải xa nhau chăng...Kẻ đi cướp vợ người?

- Anh Robert?

- Có anh nhớ. WS (Wishky và Đường) 337.

- Anh sẽ gọi chứ? Để em biết là anh khoẻ mạnh mà.

- Rồi. Anh nhớ em, cô bé ạ.

Một im lặng đau đớn, hồi lâu. Anh chờ đợi. Anh đợi cô nói gì nhỉ?

Đến cứu em khỏi cái thằng cha quyến rũ nầy, gã trông giống một Paul Newman và đã bắt em phải đi trên chiếc du thuyền lộng lẫy của hắn và sống trong những cung điện nhỏ nhắn nghèo khổ ờ Monte Carlo, Paris, London và chỉ có Chứa mới, biết được là còn ở những đâu nưà. Giống như một thằng ngu, anh thấy mình có phần mong cô sẽ nói như thế.

- Em cũng nhớ anh, Robert. Hãy tự chăm sóc mình.

Và đường dây bị cắt. Anh còn lại ở nước Nga, đơn độc.

***

Ngày thứ mười hai.

Kiev, Ucraina.

Sáng sớm hôm sau, khi thư viện mở cửa được mười phút, Robert đã bước vào toà nhà lớn, ảm đạm, và tiến lại bàn thường trực.

- Xin chào. - Robert nói.

Người phụ nữ ngồi sau bàn ngẩng lên.

- Xin chào. Ông cần gì?

- Vâng. Tôi đang tìm một người phụ nữ mà tôi tin là đang làm việc ở đây, cô Olga.

- Olga? Có đấy. - Chị ta chỉ sang một phòng khác. - Cô ấy ở trong phòng kia.

- Cám ơn.

Thật là dễ dàng. Robert bước đi ngang qua một nhóm sinh viên đang chăm chú làm việc bên những chiếc bàn dài. Chuẩn bị cho một thứ tương lai gì thế không biết? Robert băn khoăn. Anh tới một phòng đọc nhỏ hơn và bước vào bên trong. Một người phụ nữ đang bận bịu xếp lại những cuốn sách.

- Xin thứ lỗi, - Robert nói.

- Gì thế ạ? - Chị ta quay lại.

- Chị là Olga?

- Tôi là Olga. Ông cần gì ở tôi thế?

Robert nở một nụ cười gây thiện cảm.

- Tôi đang viết một bài báo về công cuộc cải tổ và ảnh hưởng của nó đối với những người Nga ở tầng lớp trung bình. Nó có tác động đến đời sống của chị không?

Người phụ nữ nhún vai.

- Trước Gorbachev, chúng tôi không dám mở miệng. Bây giờ chúng tôi có thể mở miệng nhưng lại không có gì để cho vào cả.

Robert thử một mẹo khác.

- Chắc chắn là có những thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Thí dụ, bây giờ các bạn có thể đi du lịch.

- Hẳn là ông nói đùa. Với một ông chồng và sáu đứa con thì ai mà có tiền đi du lịch?

- Thì chị vẫn có thể có tiền đề đi Thuỵ Sĩ và... - Robert cố thêm.

- Thuỵ Sĩ ư? Trong đời tôi chưa bao giờ mơ được đến đó.

- Chị chưa bao giờ tới Thuỵ Sĩ hả? - Robert từ tốn nói.

- Tôi đã nói rồi đấy thôi. - Chị ta hất hàm về phía một phụ nữ tóc sẫm đang chọn sách trên bàn. - Cô ấy mới là người may mắn được tới Thuỵ Sĩ đấy.

- Tên cô ấy là gì thế? - Robert liếc mắt nhìn.

- Olga. Cùng tên với tôi.

- Cám ơn. - Anh thở dài.

Một phút sau, Robert đã nói chuyện với cô Olga thứ hai kia.

- Xin lỗi, - Robert nói. - Tôi đang viết một bài báo về cải tổ và ảnh hưởng của nó đến đời sống của người dân Nga.

- Dạ? - Cô gái nhìn anh một cách cảnh giác.

- Tên cô là gì?

- Olga. Olga Romanchanko.

- Hãy nói cho tôi biết, cô Olga, rằng cải tổ có tác động gì đến cô không?

Sáu năm về trước, hẳn Olga Romanchanko sẽ sợ phải nói chuyện với một người nước ngoài, nhưng giờ đây thì điều đó đã được phép.

- Không hẳn có gì, - Cô nói một cách thận trọng. - Mọi thứ phần lớn vẫn như cũ thôi.

- Không có gì thay đổi trong cuộc sống của cô ư? - Người khách lạ vẫn bướng bỉnh.

Cô ta lắc đầu.

- Không. - Và rồi cô nói thêm vì lòng yêu nước. - Tất nhiên là bây giờ chúng tôi có thể đi du lịch ra nước ngoài.

- Và cô đã đi rồi? - Anh tỏ ra quan tâm.

- Ô, vâng. - Cô hãnh diện nói. - Tôi vừa mới từ Thuỵ Sĩ trở về. Một đất nước rất đẹp.

- Tôi đồng ý, - anh nói. - Cô có cơ hội làm quen với ai trong chuyến đi đó không?

- Tôi đã gặp rất nhiếu người. Tôi ngồi xe bus và chúng tôi đi lên vùng núi cao. Dãy Alps. - Đột nhiên, Olga nhận ra là cô không nên nhắc tới chuyện nầy bởi vì người khách lạ có thể hỏi cô về con tàu vũ trụ; và cô không muốn nói ra. Chuyện đó chỉ có chuốc cho cô những rắc rối mà thôi.

- Thế à? Robert hỏi. - Hãy nói cho tôi nghe về những người trên chiếc xe bus đó.

Nhẹ cả người. Olga đáp:

- Rất thân thiện. Họ ăn mặc... - Cô ra hiệu bằng tay, - rất giàu. Tôi gặp cả một người từ thủ đô của ông tới, từ Washington D.C.

- Thế hả?

- Vâng. Rẩt tử tế. Ông ấy đã cho tôi tấm danh thiếp.

- Cô vẫn giữ nó chứ? - Tim Robert đã ngưng lại một nhịp.

- Không Tôi đã ném nó đi rồi. - Cô nhìn quanh. - Tốt hơn là không nên giữ những thứ đó.

Khốn kiếp.

Và rồi cô nói thêm:

- Tôi nhớ tên ông ta. Parker. Parker, giống như tên cái bút của các ông ấy. Kenvin Parker. Rất quan trọng trong các vấn đề chính trị. Ông ấy kề chuyện các Thượng nghị sĩ phải kiếm phiếu thế nào.

- Đó là điều ông ấy nói với cô à? - Robert giật mình.

- Vâng. Ông ấy đã đưa họ đi du lịch và tặng quà, và rồi họ bỏ phiếu ủng hộ cho những gì mà khách hàng của ông ấy cần. Đó là con đường dân chủ ở nước Mỹ.

Một người vận động hành lang. Robert để Olga nói thêm mười lăm phút sau đó, nhưng anh không gó thêm được thông tin có ích gì về những hành khách khác.

***

Robert gọi điện cho tướng Hilliard từ phòng khách sạn của anh.

- Tôi đã tìm thấy nhân chứng người Nga. Tên cô ta là Olga Romanchako, làm việc tại thư viện trung tâm ở Kiev.

- Tôi sẽ để một quan chức Nga nói chuyện với cô ta.

Điện khẩn.

Tối mật.

NSA gửi Phó giám đốc GRU.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

8. Olga Romanchanko Kiev.

Hết

Chiều hôm đó, Robert bay trên chiếc Tu-154 của Aeroflo tới Paris. Anh tới nơi sau 3 giờ 25 phút và chuyển sang một chuyến bay của hãng hàng không Pháp đi Washington D.C.

***

Lúc 2 giờ sáng, Olga Romanchanko nghe thấy tiếng xe ô tô phanh gấp trước toà nhà nơi cô sống, trên phố Veryk. Các bức tường mỏng manh đến nỗi cô có thể nghe được tất cả những tiếng nói ngoài phố. Cô dậy khỏi giường và đến nhìn qua cửa sổ. Hai người đàn ông mặc đồ dân sự đang ra khỏi chiếc xe Chaika màu đen, kiểu xe mà các quan chức chính phủ sử dụng.

Họ đi vào cổng chung cư của cô. Bóng dáng họ làm cho cô thấy rùng mình. Nhưng năm qua, một số người hàng xóm của cô đã mất tích, không ai trông thấy họ bao giờ nữa. Một số bị đầy đi Siberia. Olga không biết lần nầy mật vụ đang săn lùng ai, và ngay khi vẫn còn đang nghĩ như vậy, có tiếng gõ cửa, làm cô giật bắn minh. Họ muốn gì ở mình nhỉ? Cô lo lắng.

Hẳn là có sự nhầm lẫn.

Khi cô mở cửa, hai người đàn ông đang đứng đó.

Đồng chí Olga Romanchanko phải không?

- Dạ.

- Cơ quan Tình báo Quân sự GRU khét tiếng.

Họ sấn sổ bước vào phòng.

- Các các anh muốn gì?

Chúng tôi sẽ là người hỏi. Tôi là Thượng sĩ Yuri Gromkov. Đây là Thượng sĩ Vladimir Zemsky.

- Có... có chuyện gì sai trái chăng? Tôi đã làm gì nào? - Cô đột ngột cảm thấy sợ hãi.

- Ồ vậy là cô biết mình đã làm gì đó sai trái. - Zemsky chộp lấy.

- Không, chắc chắn là không. - Olga nói, bối rối. - Tôi không biết vì sao các anh lại tới đây.

- Ngồi xuống. - Gromkov quát lên. Olga làm theo, run rẩy.

- Cô vừa từ Thuỵ Sĩ trở về, phải không nào?

- Dạ, dạ, - Cô lắp bắp, - nhưng đó - đó là... Tôi được phép của...

- Olga Romanchanko, hoạt động gián điệp bất hợp pháp.

- Hoạt động gián điệp? Cô khiếp sợ. - Tôi không hiểu các anh đang nói gì.

Người đàn ông cao to nhìn chằm chằm vào thân thể cô và Olga bỗng nhận ra cô chỉ có một cái váy ngủ mỏng tang trên người.

- Đi. Cô phải đi cùng chúng tôi.

- Nhưng, có một sự nhầm lẫn kinh khủng. Tôi là một thủ thư. Xin hỏi bất kỳ ai ở đây.

- Nào. - Anh ta kéo cô đứng dậy.

- Các anh mang tôi đi đâu?

- Về trụ sở. Họ muốn thẩm vấn cô.

Họ cho phép cô mặc áo khoác ra ngoài váy ngủ.

Cô bị đẩy xuống cầu thang và ấn vào trong chiếc Chaika.

Olga nghĩ tới tất cả những người đã phải ngồi vào trong chiếc xe giống như thế nầy, đề không bao giờ trở về, cô chết lặng đi vì sợ hãi.

Người đàn ông cao to, Gromkov, lái xe. Olga được đẩy vào ghế sau, ngồi cùng với Zemsky. Anh ta dường như không làm cho cô sợ hãi bằng người kia, nhưng cô đã bị tê liệt với việc biết họ là ai và điều gì sắp xảy ra với mình.

- Xin hãy tin tôi. - Olga nói một cách khẩn khoản. Tôi không bao giờ phản bội.

- Câm mồm. - Gromkov quát lên.

Nầy, chẳng lý do gì phải quá cứng rắn với cô ấy cả. Thực ra thì tôi tin cô ấy. - Vladimir Zemsky nói.

Olga cảm thấy tim mình rộn lên vì hy vọng.

- Thời thế đã thay đổi. - Zemsky nói tiếp. - Đồng chí Gorbachev không muốn chúng ta quấy nhiễu những người vô tội. Những ngày đó đã qua rồi.

- Ai nói là cô ta vô tội? - Gromkov càu nhàu. - Có thể là có có thể là không. Ở trụ sở họ sẽ tìm ra ngay thôi mà.

Olga ngồi nghe hai người đàn ông nói về cô như thể cô không hề có ở đó.

- Nào, Yuri, cậu biết là ở trụ sở thì cô ấy sẽ thú tội cho dù có tội hay không. Tớ không thích thế. - Zemsky nói.

- Chuyện đó thì quá tệ. Chúng ta chẳng thể làm gì được đâu Được chứ.

- Cái gì?

Người đàn ông ngồi bên cạnh Olga im lặng một thoáng.

- Nghe nầy, - anh ta nói, - tại sao chúng ta không thả quách cô ấy ra nhỉ? Chúng ta có thể nói lại là cô ấy không có nhà. Chúng ta sẽ trì hoãn một hoặc bai ngày, và họ sẽ quên chuyện cô ấy đi vì họ có quá nhiều người để tra hỏi rồi.

Olga toan nói gì đó, nhưng cổ họng cô khô khốc.

Cô mong mỏi đến tuyệt vọng là người đàn ông ngồi cạnh cô thuyết phục được người kia vì sao chúng ta phải liều mạng để cứu cô ta hả?

- Chúng ta được gì nào? Cô ấy sẽ làm gì cho chúng ta nào? - Gromkov làu bàu.

Zemsky quay lại và nhìn Olga vẻ dò hỏi. Olga cố cất lời:

- Tôi không có tiền bạc gì.

- Ai cần tiền của cô? Chúng tôi có rất nhiều tiền.

- Cô ta có thứ khác. - Gromkov nói.

Olga chưa kịp trả lời thì Zemsky nói:

- Khoan đã, Yuri Ivanovich, cậu không thể đòi cô ấy làm điều đó.

- Tuỳ cô ta thôi. Cô ta có thể ngọt ngào với chúng ta hoặc là tới trụ sở và sẽ bị tra tấn trong một hoặc hai tuần lễ. Có thể là họ sẽ tống cô ta vào trong một cái chuồng cọp xinh xắn.

Olga đã nghe về những cái chuồng cọp. Những hầm giam chiều một mét, chiều hai mét lạnh lẽo với một cái giường gỗ và không chăn chiếu gì. "Ngọt ngào với chúng ta". Thế nghĩa là thế nào nhỉ?

- Tuỳ cô ta.

- Cô muốn thế nào? - Zemsky quay sang Olga.

- Tôi, tôi không hiểu.

- Anh bạn tôi nói rằng nếu như cô ngọt ngào với chúng tôi, chúng tôi có thể bỏ qua vụ nầy. Sau một thời gian ngắn: có thể họ sẽ quên chuyện của cô.

- Tôi tôi sẽ phải làm gì cơ?

Gromkov mỉm cười với cô qua tấm gương chiếu hậu.

- Hãy dành cho chúng tôi ít phút ở cô. - Anh ta nhớ tới một câu đã đọc ở đâu đó. - Hãy nằm đó và nghĩ tới hoàng đế. - Rồi cười khoái trá.

Olga đột nhiên hiểu ra họ muốn gì. Cô lắc đầu.

- Không. Tôi không thể làm điều đó.

Được. - Gromkov bắt đầu tăng tốc độ. - Ở trụ sở họ sẽ có một cuộc vui với cô.

- Khoan.

Cô đang trong cơn hoảng sợ và không biết phải làm gì. Cô đã nghe những cầu chuyện khủng khiếp về điều gì xảy đến đối với những người bị bắt giữ và trở thành tội nhân. Cô đã nghĩ rằng tất cả những chuyện đó đã chấm dứt, nhưng bây giờ thì cô hiểu là không phải. Cải cách vẫn còn đang là một hy vọng, một tưởng tượng. Họ sẽ không cho phép cô có một luật sư hoặc nói chuyện với bất kỳ ai. Trong quá khứ, bạn bè của cô đã bị nhân viên GRU hãm hiếp, sát hại. Cô đã mắc bẫy. Nếu cô chịu vào tù, họ có thể giam giữ cô nhiều tuẩn lễ, đánh đập, hãm hiếp cô, hoặc có thể còn tệ hại hơn. Với hai người đàn ông nầy, ít ra thì chuyện đó cũng chỉ qua đi trong ít phút và rồi họ sẽ thả cô ra. Olga đi đến một quyết định.

- Cũng được, cô đau khổ nói. - Các anh có muốn quay trở lại căn hộ của tôi không?

- Tôi biết có một chỗ tốt hơn. - Gromkov nói. Anh ta vòng xe ngược lại.

- Tôi xin lỗi về chuyện nầy, nhưng anh ta là chỉ huy. Tôi không thể ngăn anh ta được. Zemsky thì thầm.

Olga không đáp lại.

Họ chạy ngảng qua Nhà hát Opera Shevchenko màu đỏ rực và hướng tới một công viên có cây cối bao quanh. Vào giờ nầy, công viên hoàn toàn vắng ngắt.

Gromkov lái xe chạy dưới những hàng cây và rồi tắt điện, tắt máy.

- Ra ngoài đi. - Anh ta nói.

Cả ba người bước ra khỏi xe.

- Cô thật may mắn. Chúng tôi thả cô ra thật dễ dàng. Tôi hy vọng là cô sẽ đánh giá cao điều đó. - Gromkov nhìn Olga.

Olga gật đầu, không dám nói gì vì quá sợ.

Gromkov dẫn họ tới một chỗ quang.

- Cởi ra.

Trời lạnh, Olga nói. - Chẳng lẽ chúng ta không thể...?

- Làm theo lời tao trước khi tao thay đổi ý kiến. - Gromkov tát mạnh vào mặt cô.

Olga ngập ngừng một giây, và khi hắn ta lại giơ tay chực đánh, cô bắt đầu cởi khuy áo khoác.

- Cởi hẳn ra.

Cô thả cái áo rơi xuống đất.

- Giờ đến cái váy ngủ.

Olga chậm chạp kéo cái váy qua đầu và lột hẳn nó ra, run lên trong trời đêm giá lạnh, đứng trần truồng dưới ánh trăng.

- Tấm thân ngon lành. - Gromkov nói. Hắn ta bóp hai đầu vú cô.

- Đừng...

- Mầy nói nửa lời, chúng tao sẽ mang mầy đến trụ sở. - Anh ta đẩy cô nằm xuống đất.

Mình sẽ không nghĩ tới chuyện nầy. Mình sẽ cố nghĩ là mình đang ở Thuỵ Sĩ, trên chiếc xe bus du đi du lịch và ngắm những phong cảnh đẹp đẽ.

Gromkov tụt quần ra và giang rộng hai chân Olga.

Mình có thể nhìn thấy đỉnh Alps tuyết phủ. Có một cái xe trượt tuyết chạy ngang, trên đó là hai đứa trẻ, một trai, một gái.

Cô thấy hắn luồn tay dưới hông cô và ấn cái giống đực vào trong cô, làm cô đau đớn.

Có những chiếc xe đẹp đẽ đang chạy trên xa lộ. Nhiều xe hơn bao giờ cô từng nhìn thấy trong đời. Ở Thuỵ Sĩ mỗi người đều có một chiếc xe.

Hắn đang dồn dập mạnh hơn trên người cô, cấu véo cô kêu lên những tiếng kêu như thú hoang.

Mình sẽ có một ngôi nhà nhỏ ở trên núi. Người Thuỵ Sĩ gọi là gì nhỉ? Chalét. Và mình sẽ có kẹo chocolat hàng ngày. Có hàng hộp.

Lúc nầy, Gromkov đã buông cô ra, thở hồng hộc.

Hắn đứng lên và quay sang Zemsky.

Đến lượt cậu.

Mình sẽ lấy chồng và có con, và cả nhà sẽ đi trượt tuyết vào mùa đông.

Zemsky dã mở sẵn khoá quần và lập tức nằm đè lên cô.

Đó sẽ là một cuộc sống tuyệt vời. Mình sẽ không bao giờ trở về Nga. Không bao giờ. Không bao giờ.

Hắn đã ở trong cô, còn làm cô đau đớn hơn cả gã kia, ghì chặt hai mông cô và đè thân thề cô xuống nền đất lạnh, cho đến lúc sự đau đớn tưởng chừng như không thể chịu đựng được nữa.

Mình và gia đình sẽ sống ở một trang trại, một nơi luôn vắng lặng và thanh bình, và có một mảnh vườn với những bông hoa xinh đẹp.

Zemsky đã xong và nhìn lên người bạn đồng nghiệp.

- Tôi cảm thấy cô ta sướng. - Hắn cười. Rồi cúi xuống tóm lấy đầu Olga và bẻ gẫy cổ cô.

Ngày hôm sau, trên tờ báo địa phương có mẩu tin về việc một cô thủ thư bị hiếp và bị giết chết trong công viên. Kèm theo đó là một lời cảnh cáo nghiêm khắc của giới chức trách rằng những cỏ gái trẻ đi một mình vào công viên buổi tối là rất nguy hiểm.

Điện khẩn.

Tối mật.

Phó giám đốc GRU gửi Phó giám đốc NSA.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

8. Olga Romanchanko - Kiev - Đã bị thủ tiêu

Hết

Williard Stone và Monte Banks là những kẻ thù tất yếu. Cả hai đều là những con thú ăn thịt tàn bạo, và cánh rừng mà chúng đang lảng vảng rình rập là những bức tường đá cao ngất trên Wall Strees, với những chủ nhân đầy quyền lực, những ông chủ tài chính cỡ bự và những vụ chuyển nhượng cổ phiếu khổng lồ.

Hai người đã đụng độ nhau lần đầu tiên trong vụ dành giật một công ty có lợi nhuận lớn. Williard Stone đã thắng thầu lần đầu và hy vọng là không có trục trặc gì. Ông ta có thế lực quá mạnh và tiếng tăm của ông ta khủng khiếp đến độ ít ai dám đương đầu nên đã rất đỗi ngạc nhiên khi được biết có một nhà doanh nghiệp trẻ tên là Monte Banks đang tranh thầu với ông Stone buộc phải nâng thầu và số tiền cứ cao lên mãi. Sau cùng Williard Stone cũng dành được quyền kiểm soát công ty đó, nhưng với lãi suất thấp hơn nhiều so với dự tính.

Sáu tháng sau, trong một cuộc bỏ thầu để mua lại một hãng điện tử lớn, Stone lại chạm chán Monte Banks.

Giá thầu cứ leo lên mãi và lần nầy thì Banks thắng.

Khi Williard Stone biết Monte Banks dự định cạnh tranh với mình để dành quyền kiềm soát một hãng máy tính, ông ta quyết định đã đến lúc phải đối mặt với đối thủ. Hai người đàn ông gặp nhau trên mảnh đất trung lập ở đảo Paradise thuộc bang Bahamas.

Williard Stone đã cho điều tra kỹ lưỡng về lai lịch của địch thủ và biết rằng Monte Banks xuất thân từ một gia đình kinh doanh dầu mỏ giầu có và đã khôn khéo thương lượng để đưa di sản thừa kế của anh ta vảo một tổ hợp quốc tế.

Hai người ngồi vào bàn ăn trưa. Williard Stone, già và khôn ngoan, còn Monte Banks thì trẻ và hăng hái.

- Anh đang trở thành một cái ung nhọt nhức nhối đấy! - Williard mở đầu câu chuyện.

Từ miệng ông nói ra thì đó là một lời khen ngợi lớn Monte Banks mỉm cười.

- Anh muốn gì?

- Như ông thôi. Tôi muốn làm chủ thế giới nầy.

- Ồ, thế giới nầy đủ lớn. - Williard Stone trầm ngâm nói.

- Nghĩa là thế nào?

- Có đủ chỗ cho cả hai chúng ta.

Đó là ngày mà họ trở thành bạn của nhau. Mỗi người đều thành công trong việc kinh doanh của mình một cách riêng rẽ, nhưng mỗi khi có những đề án mới - gỗ, dầu, bất động sản - thì họ lại phối hợp với nhau, thay vì đối chọi. Đã vài lần Cơ quan chống kinh doanh bất hợp pháp của Bộ Tư pháp đã cố ngăn chặn những vụ làm ăn của họ, nhưng các mối quen biết của Williard Stone đã luôn tỏ ra có ích. Monte Banks là chủ của những công ty hoá chất phải chịu trách nhiệm trước sự ô nhiễm môi trường tràn lan trên các sông hồ, nhưng khi anh ta bị truy tố, thì bản cáo trạng lại bị bỏ lửng một cách bí ẩn.

Hai người đàn ông đó có một mối quan hệ cộng sinh hoàn hảo.

Chiến Dịch Ngày Tận Thế là lẽ đương nhiên đối với họ, và cả hai đều tham gia nhiều vào nó. Họ đang sắp kiếm được một hợp đồng mua mười triệu mẫu rừng xanh tốt trong vùng nhiệt đới Amazon. Đó sẽ là một trong những hợp đồng béo bở nhất mà họ kiếm được từ trước tới nay.

Họ không thể chấp nhận bất kỳ vật cản nào trên đường đi của mình.

Ngày thứ mười ba.

Washington, D. C.

Thượng nghị viện Mỹ trong một kỳ họp toàn thể...

Vị thượng nghị sĩ trẻ từ bang Utah đang phát biểu và những gì đang xảy đến với hệ sinh thái của chúng ta là một điều ô nhục quốc gia. Đã đến lúc bộ máy vĩ đại nầy phải nhận ra rằng việc giữ gìn di sản quý báu mà các bậc tiền bối đã để lại chính là nghĩa vụ thiêng liêng của mình. Không chỉ là nghĩa vụ thiêng liêng mà còn là đặc quyền của chúng ta trong việc bảo vệ đất đai, không khí, và các vùng biển khơi bị phá huỷ trước những lợi ích đặc quyền ích kỷ. Và chúng ta có làm điều nầy không? Chúng ta có làm việc một cách tốt nhất với tất cả lương tâm của mình không? Hay chúng ta cho phép uy lực của đồng tiền chi phối mình.

Kevin Paker, ngồi trong phòng dành cho khách thăm, đã đưa mắt nhìn đồng hồ tới lần thứ ba trong vòng năm phút. Ông ta sốt ruột, không hiểu bài diễn văn sẽ còn kéo dài bao lâu nữa. Ông ta ngồi chờ chỉ bởi lẽ sắp đến giờ dùng bữa trưa với vị thượng nghị sĩ mà ông cần nhờ giúp đỡ. Kevin Pakker thích thú với việc đi ngang qua những hành lang quyền lực, chén chú chén anh với các ông nghị, tiêu xài phóng tay để đổi lấy những ân huệ chính trị.

Ông ta lớn lên trong nghèo đói ở Eugene, tiểu bang Oregon. Cha là người nghiện rượu, có một kho chữa gỗ nhỏ và đã biến cái nhẽ ra là một sự kinh doanh ăn phát đạt thành một thảm hoạ. Cậu con trai phải làm việc từ tuổi mười bốn, và bởi vì mẹ cậu đã bỏ đi theo một người đàn ông khác từ mấy năm trước, nên cậu đã không hề có đời sống gia đình. Paker dễ dàng có thể trở thành một kẻ lang bạt và kết thúc giống như ông bố, thế nhưng cứu cánh của cậu ta lại là cái vẻ đẹp trai và thêm nữa, rất có cá tính. Paker có mái tóc vàng lượn sóng và dáng dấp rất quý tộc mà hắn là thửa hưởng của ông cụ tổ lâu đời nào đó.

Một người giầu có trong thị trấn tiếc cho cái vẻ ngoài đó đã dành cho cậu ta việc làm và nhiều sự khích lệ. Người giầu có nhất thị trấn, Jch Goodspell, đặc biệt nhiệt tình giúp đỡ Paker và đã dành cho cậu ta một việc làm ngoài giờ tại một trong những công ty của mình, và là một người độc thần, ông ta thường mời Paker đến cùng ăn tối tại nhà.

- Cậu có thể thành đạt trong xã hội nầy đấy, - Goodspell nói, - nhưng cậu không thể làm nên nếu không có bạn bè.

- Tôi biết thế, thưa ngài. Và tất nhiên đầu tiên là tôi biết ơn thiện chí của ngài.

- Tôi có thể làm cho cậu nhiều hơn nữa, - Goodspdll nói. Họ đang ngồi trên chiếc đi-văng trong phòng khách, sau bữa ăn tối. Ông ta quàng tay ôm lấy cậu. - Còn nhiều nữa. - Ông ta bóp vai cậu. - Cậu có một thân hình đẹp, cậu biết thế không?

- Cám ơn ngài.

- Cậu có bao giờ cảm thấy cô đơn không?

- Thưa ngài, có. Lúc nào tôi cũng cô đơn.

- Ồ, cậu không phải cô đơn nữa. - Ông ta ve vuốt cánh tay cậu. Tôi cũng thấy cô đơn, cậu biết đấy. Người ta cần có ai đó để được ôm ấp, vuốt ve.

- Vâng, thưa ngài.

- Cậu đã có cô bạn gái nào chưa?

- Có tôi có đi cùng Sue Ellen một dạo.

- Cậu đã ngủ với con bé chưa?

- Không, thưa ngài. - Cậu đỏ bừng mặt.

- Kevin, cậu bao nhiêu tuổi rồi hả?

- Thưa ngài, mười sáu ạ.

- Đó là lứa tuổi tuyệt vời. Đã đến lúc cậu phải khởi đầu một sự nghiệp. - Ông ta quan sát Paker một thoáng. - Tôi cam đoan là cậu sẽ rất khá trong lĩnh vực chính trị.

- Chính trị ư? Thưa ngài, tôi không biết gì về nó cả.

- Vậy nên cậu sẽ phải đi học. Và tôi sẽ giúp cậu.

- Cám ơn ngài.

- Có rất nhiều cách để tỏ lòng biết ơn với người khác, - Goodspell nói. Ông ta xoa xoa dọc đùi cậu bé. - Nhiều cách. - Ông ta nhìn vào mắt Paker. - Cậu có hiểu ý tôi không.

- Có Jeb ạ.

Đó là lúc bắt đầu.

Khi Kevin tốt nghiệp trường trung học Churchill, Goodspell gửi cậu đến Đại học Oregon. Cậu nghiên cứu môn khoa học chính trị, và Goodspell thu xếp để người được ông ta bảo hộ được gặp mặt những nhân vật cần thiết. Họ đều có ấn tượng tốt với người thanh mên đầy vẻ hấp dẫn. Với những mối quan hệ của mình, Paker thấy mình có thể gắn kết lại những nhân vật quan trọng với nhau. Việc trở thành một chuyên gia vận động hành lang ở Washington là một bước tự nhiên, và Paker rất thạo việc.

Goodspell đã chết trước đó hai năm, nhưng lúc ấy thì Paker cũng đã có được một tài năng với một sở thích đối với công việc mà người đỡ đầu đã truyền dạy anh. Anh ta thích kiếm những cậu trai trẻ và đưa tới những khách sạn khuất nẻo, nơi mà anh ta không bị nhận mặt.

Vị thượng nghị sĩ tiểu bang Utah rốt cuộc cũng đang kết thúc bài phát biểu:

- ... và bây giờ tôi nói với các ngài rằng, sẽ phải thông qua dự luật nầy nếu muốn cứu những gì còn lại trong hệ sinh thái của chúng ta. Vào lúc nầy tôi muốn đề nghị một cuộc bỏ phiếu công khai.

Ơn Chúa, buổi họp vô tận nầy đã sắp kết thúc.

Kevin Paker nghĩ đến một buổi tối đang chờ đón ông ta, và bắt đầu thấy hứng tình. Đêm hôm trước, ông ta đã gặp một cậu trai trẻ ở tiệm Danny P. Street Station, một tiệm dành cho những kẻ đồng tính luyén ái nổi tiếng. Thật không may là cậu trai kia đã có bạn. Nhưng buổi tối đó họ đã để ý đến nhau, và trước khi ra đi, Paker đã viết mấy chữ và luồn vào tay cậu ta. Một dòng chữ đơn giản "Đêm mai nhé". Cậu ta đã mỉm cười và gật đầu.

Kevin Paker vội vã mặc quần áo để đi. Ông ta muốn có mặt trước khi cậu trai trẻ kia đến. Cậu ta thật quá hấp dẫn, và Paker không muốn để ai đó nẫng mất. Chuông cửa réo vang. Mẹ kiếp. Paker ra mở cửa.

Một người lạ đang đứng đó.

- Kevin Paker?

- Phải.

- Tên tôi là Bellamy. Tôi muốn nói chuyện với ông một phút.

- Ông phải hẹn trước với thư ký của tôi. Tôi không bàn công việc sau giờ làm việc. - Paker nóng nảy nói.

- Đây không hẳn là công việc, ông Paker. Nó liên quan tới chuyến đi Thuỵ Sĩ của ông cách đây một hai tuần.

- Chuyến đi Thuỵ Sĩ của tôi à? Chuyện gì vậy.

- Cơ quan của tôi quan tâm tới một vài người mà có thể là ông đã gặp ở đó. Robert chìa tấm thẻ CIA giả của anh ra.

Kevin Paker quan sát người khách một cách thận trọng hơn. CIA có thể muốn gì ở ông ta nhỉ? Ở đâu bọn họ cũng thò mũi vào. Mình có để hở sườn không nhỉ?

Không nên chọc tức người nầy một tí nào cả. Ông ta mỉm cười.

- Mời vào. Tôi đang vội vì một cuộc hẹn, nhưng ông nói là sẽ không quá một phút phải không?

- Không, thưa ông. Tôi tin là ông đã đi một chuyến xe bus du lịch ra khỏi Zurich?

Vậy là cái chuyện đó. Chuyện cái đĩa bay kia đây. Đó là cái thứ khủng khiếp nhất mà ông ta đã từng nhìn thấy.

- Ông muốn biết về cái đĩa bay đó phải không ạ, tôi muốn nói để ông biết đó là một hiện tượng phi thường.

- Hắn là thế, nhưng nói thẳng là cơ quan chúng tôi không tin vào chuyện đĩa bay. Tôi tới đây để xem ông có thể nói gì cho tôi biết về những du khách cùng đi trên chuyến xe bus đó.

- Ồ chuyện đó thì tôi sợ là không thể giúp được ông. Tất cả họ đểu là những người lạ cả. - Paker giật mình.

- Tôi biết thế, ông Paker, - Robert nhẫn nại nói, - nhưng ông hẳn có nhớ điều gì về họ chứ.

- Có một đôi chút... Tôi nhớ là có trao đổi vài lời với một tay người Anh đã chụp ảnh cho chúng tôi. - Paker nhún vai.

Leslie Mothershed.

- Ai nữa?

- Ồ vâng. Tôi có nói chuyện chút xíu với một cô gì Nga. Cô ta có vẻ rất dễ chịu. Tôi nghi rằng cô ta làm nghề giữ thư viện ở đâu đó.

Olga Romanchanko.

- Thật tuyệt ông còn có thể nhớ tới ai nữa không, ông Paker?

- Không, tôi cho rằng thế là... - À, có hai người đàn ông. Một là người Mỹ, một ông Texas.

Dan Wyane.

- Và người kia?

- Ông ta là một người Hungary, chủ một gánh tạp kỹ, hay xiếc hay một thứ đại loại là như thế. - Ông ta cố nhớ. Đó là một gánh tạp kỹ.

- Ông có chắc thế không, ông Paker?

- Ồ chắc. Ông ta còn kề cho tôi nghe vài chuyện về công việc của mình mà. Chắc chắn là ông ta rất hồi hộp khi trông thấy cái đĩa bay ấy. Tôi nghĩ là nếu được thì ông ta đã mang nó về gánh hát của mình để làm một tiết mục phụ rồi. Tôi phải thừa nhận rằng đó là một cảnh thật kinh khủng. Đáng ra tôi phải nói về chuyện nầy nhưng tôi không thể chịu được việc bị lẫn vào cái đám người kỳ quặc nhận xằng là họ đã nhìn thấy những cái đĩa bay.

- Ông ta có tình cở cho ông biết tên mình hay không? Cái ông chủ gánh xiếc ấy.

- Có, nhưng đó là một trong những cái tên ngoại quốc không thể phát âm được. Tôi e là mình đã quên mất rồi.

- Ông còn nhớ gì nữa về ông ta không?

- Chỉ duy nhất có điều là ông ta rất vội trở về. - Ông ta đưa mắt nhìn đồng hồ. - Tôi còn có thể làm gì nữa cho ông không? Tôi đã bị muộn rồi đấy.

- Thôi, cảm ơn ông Paker. Ông đã giúp tôi rất nhiều.

- Có gì đâu ông ta cười một cách nhã nhặn với Robert. Ông phải ghé thăm tôi tại văn phòng một lúc nào đó. Chúng ta sẽ chuyện trò được lâu hơn.

- Thế nào tôi cũng đến.

Gần xong rồi, Robert nghĩ. Họ có thể nhận lấy công việc của mình và giao nó cho người khác. Đã đến lúc thu vén những gì còn lại của đời mình và bắt đầu lại từ đầu.

Robert gọi điện thoại cho tướng Hilliard.

- Tôi đã gần xong rồi, thưa tướng quân. Tôi đã tìm ra Kevin Paker. Ông ta là một chuyên gia vận động hành lang ở Washington, D.C. Tôi đang trên đường để xác minh nốt người khách cuối cùng.

- Tôi rất hài lòng, - tướng Hilliard nói. - Ông đã làm việc một cách tuyệt vời, ông sĩ quan. Hãy trở về chồ tôi càng sớm càng tốt.

- Vâng thưa ngài.

Điện khẩn.

Tối mật.

NSA gửi Phó giám đốc CIA.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

9. Kevin Paker - Washington, D. C.

Hết.

Khi Kevin Paker đến quán Danny, ông ta thậm chí thấy còn đông khách hơn cả tối hôm trước. Những người đàn ông lớn tuổi thì mặc những bộ đồ nghiêm túc trong khi hầu hết những người trẻ tuổi thì chỉ quần bò, áo thể thao và đi giày ống. Có một số ít trông không giống ai, mặc những bộ áo liền quần bằng da màu đen, và Paker luôn cảm thấy ghê tởm những "của" đó. Những động tác thô bạo là rất nguy hiểm và ông ta chưa bao giờ lao vào cái thứ sống gấp kỳ quặc đó.

Thận trọng, đó luôn luôn là khẩu hiệu của ông ta. Thận trọng. Cậu thanh niên đẹp trai kia vẫn chưa có ở đó nhưng Paker cũng không sốt ruột. Cậu ta sẽ đến sau, đẹp và tươi trẻ, khi những người khác đều đã mệt mỏi với những thân thể ướt đẫm mồ hôi.

Kevin Paker bước lại quầy rượu, gọi một ly và nhìn quanh. Các màn ảnh tivi trên tường đang truyền những hình ảnh của đài truyền hình MTW. Danny là một quán S và M - đứng và làm dáng. Những người trẻ tuổi lựa những dáng đứng tỏ ra quyến rũ nhất, trong khi những người già nua - người mua - sẽ ngắm nghía họ và chọn lựa. Những quán S và M là loại thượng hạng nhất. Không bao giờ có những vụ ẩu đả ở đó bởi lẽ hầu hết khách hàng đều mang theo những chiếc răng bọc vàng, và họ không khi nào muốn bị đánh gãy răng cả.

Kevin Paker để ý thấy rằng nhiều vị khách đã chọn được bạn chơi của họ. Ông ta lắng nghe những câu chuyện quen thuộc ở xung quanh, và thích thú là nó vẫn rất quen thuộc, cho dù nó diễn ra ở tiệm rượu tiệm nhảy, quán vidéo, hay ở những câu lạc bộ ngầm tuần nào cũng thay đổi địa điểm. Đó là một thứ tiếng lóng riêng biệt.

"Nữ hoàng đó thì nước non gì. Cô ta nghĩ mình là tất cả.

"Hắn xả vào tôi không phải lúc. Hắn ta giận dữ khủng khiếp. Nói những chuyện tế nhi...

"Bạn thích trên hay dưới?

"Trên. Tôi phải gọi hàng đã, em gái búng những ngón tay.

"Tốt. Tớ thích họ.

"Hắn tưởng tớ là cái đầu lọc... Đúng, đó là lối tớ về cân nặng, nước da, thái độ. Tớ bảo, "Mary, Thưa chúng ta thế là xong". Nhưng cũng đau. Vì thế nầy tớ tới đây đêm nay, cố gắng kiếm hắn nhé. Tôi có thể có thêm một ly được không?

Lúc 1 giờ sáng, cậu thanh niên kia bước vào. Cậu ta nhìn quanh và trông thấy Paker, bèn đi tới bên ông ta. Cậu ta còn xinh trai hơn là Paker nghĩ.

- Xin chào.

- Xin chào. Xin lỗi, tớ hơi muộn.

- Không sao. Tôi đợi được mà.

Chàng thanh niên rút ra một điều thuốc lá và chờ người đàn ông lớn tuổi châm lửa cho.

- Tôi đã luôn nghĩ đến cậu. - Paker nói.

- Thế hả?

Cặp lông mi của cậu ta thật lạ thường.

- Đúng thế, tôi có thể gọi cho cậu một ly chứ~

- Nếu ông thấy vui với điều đó.

- Cậu có thích làm cho tôi sung sướng không? - Paker mỉm cười.

Cậu ta nhìn thẳng vào mắt ông ta và dịu dàng nói:

- Tôi nghĩ thế.

- Tôi nhìn thấy người đàn ông đi cùng cậu ở đây đêm qua. Ông ta không hợp với cậu.

- Vậy ông sẽ hợp với tôi chứ?

- Có thể lắm. Tại sao chúng ta không thử xem nhỉ? Cậu có muốn đi dạo một chút không?

- Được đấy!

Paker rộn lên vì hồi hộp.

- Tôi biết một nơi ấm cúng và không bị ai quấy rầy.

- Tốt đấy. Tôi sẽ không uống rượu kia nữa.

Khi họ vửa bước về phía cửa trước thì hai cánh cửa đột nhiên mở toang và hai thanh niên vạm vỡ bước vào quán. Họ chắn lối cậu thanh niên.

- Đây rồi đồ chó đẻ. Tiền mầy nợ tao đâu?

- Tôi không hiểu anh định nói gì. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy anh... - Cậu ta nhìn lên, ngơ ngác.

- Đừng có nói với tao cái kiểu cứt đái đó. - Gã kia túm lấy vai cậu và lôi ra ngoài phố.

Paker giận dữ nhìn theo. Ông ta những muốn can thiệp nhưng lại không dám dính vào bất kỳ thứ gì có thể dẫn đến một vụ bê bối. Ông ta đứng chôn chân tại chỗ nhìn cậu bé mất hút vào bóng đêm.

Gã thứ hai mỉm cười với Kevin vẻ thông cảm.

- Ông nên chọn bạn cẩn thận hơn. Cậu ta là điềm gở đấy!

Paker nhìn người đang nói một cách kỹ hơn. Gã có mái tóc vàng và khá hấp dẫn, với một hình thể gần như tuyệt hảo. Paker có cảm nghĩ rằng sau cùng thì chưa hẳn là đã mất toi buổi tối nay.

- Có thể là cậu nói đúng, - Ông ta nói.

- Chúng ta không bao giờ biết số phận dành sẵn cho mình những gì, phải không nào? - Gã nhìn vào trong mắt Paker.

- Đúng thế Tôi là Tom. Tên cậu là gì?

- Paul.

- Paul nầy, tôi có thể mời cậu một ly chứ?

- Cám ơn ông.

- Cậu có chương trình đặc biệt gì cho tối nay không?

- Cái đó tuỳ ở ông.

- Cậu có muốn cùng qua đêm nay với tôi không?

- Nghe được đấy.

- Chúng ta đang nói đến bao nhiêu tiền ấy nhỉ?

- Tôi thích ông. Với ông thì hai trăm.

Ba mươi phút sau, Paul dẫn Kevin Paker vào trong một toà nhà cũ trên phố Jefferson. Họ lên thang gác, tới tầng ba và đi vào một căn phòng nhỏ. Paker nhìn quanh.

- Tuềnh toàng nhỉ? Vào một khách sạn thì hơn.

Paul nhoẻn cười.

- Ở đây riêng tư hơn. Ngoài ra thì chúng ta chỉ cần một cái giường thôi mà.

- Cậu nói đúng. Sao cậu không cởi quần áo ra đi? Tôi muốn nhìn thứ mà tôi đang mua.

- Tất nhiên. - Paul bắt đầu cởi. Gã có một thân thể tuyệt vời Paker nhìn gà và cảm thấy sự đòi hỏi quen thuộc bắt đầu dâng lên.

Bây giờ ông cởi quần áo đi, - Paul thì thầm. - Nhanh lên, tôi thèm muốn ông.

- Tôi cũng thèm muốn em, Mary. - Paker bắt đầu cởi quần áo.

- Ông thích kiểu gì? - Paul hỏi. - Trên hay dưới?

Chúng ta hãy dạo đầu một chút đã. Xin lỗi về lối nói cầu kỳ. Chúng ta có cả đêm mà.

- Tất nhiên. Tôi vào buồng tắm. - Paul nói. - Tôi sẽ trở lại ngay thôi.

Paker nằm trần truồng trên giường, chờ đợi những lạc thú tuyệt diệu sắp đến. Ông ta nghe thấy tiếng người bạn chơi ra khỏi buồng tắm và đi về phía giường. Ông ta giang tay ra.

- Lại đây với tôi, Paul, - Ông ta nói.

- Tôi đến đây.

Và Paker cảm thấy đau nhói khi có một lưỡi dao cắm vào ngực. Hai mắt ông ta mở bừng ra, rồi ngước lên, ngáp ngáp.

- Lạy Chúa, cái gì...?

Paul mặc quần áo vào.

- Đừng bận tâm về chỗ tiền, - gã nói. - Đó là tiền phòng.

* *

Điện khẩn.

Tối mật.

CIA gửi Phó giám đốc NSA.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

9. Kevin Paker - Washington D.C - Đã bị thủ tiêu

Hết.

***

Robert Bellamy không kịp nghe bản tin tối bởi vì anh đã ở trên một chuyến bay đi Hungary đề tìm kiếm người chủ gánh tạp kỹ.

Ngày thứ mười bốn.

Buđapest

Chuyến bay từ Paris đến Buđapest bằng Hàng không Malév mất hai giờ năm phút. Robert không biết gì mấy về Hungary trừ một điều rằng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nước nầy là đồng minh trong phe Trục, và sau đó đã trở thành một chư hầu của Nga. Robert đi chuyến xe bus của sân bay về trung tâm Buđapest, và đầy ấn tượng với những gì anh thấy. Những toà nhà cũ và lối kiến trúc cổ kính. Toà nhà Quốc hội trên phố Rudolph là một công trình kiến trúc lớn theo kiểu Gôtích mới, vượt hẳn lên trên thành phố, còn trên đồi Castle là Cung điện Hoàng gia. Đường phố đầy ắp những xe cộ và những người đi mua hàng.

Chiếc xe bus dừng lại trước khách sạn Duna In tercontinental. Robert đi vào trong tiền sảnh và tiến đến bên quầy lễ tân.

- Xin lỗi, - Robert nói, - Ông có nói được tiếng Anh không?

- Igan. Có, Tôi có thể làm gì cho ông ạ?

- Một người bạn tôi đã đến Buđapest cách đây ít ngày, và anh ta khoe rằng đã được xem một buổi trình diễn tạp kỹ tuyệt vời. Tôi rất muốn được xem nó một lần. Ông có thể bảo cho tôi biết phải tìm nó ở đâu không?

Người lễ tân chau mầy.

- Tạp kỹ à? - Ông ta lấy ra một tấm bản đồ và nhìn nhanh trên đó. - Xem nào. Tại Buđapest lúc nầy, chúng tôi có một nhà hát opera, mấy nhà hát kịch, ballet, các tuyến du lịch thành phố đêm và ngày, những chuyến du ngoạn về nông thôn. - Ông ta nhìn lên. - Xin lỗi. Không có tạp kỹ.

- Ông có chắc thế không?

Người kia đưa bản danh sách cho Robert.

- Ông hãy tự nhìn xem.

Nó được viết bằng tiếng Hungary.

- Thôi được. Tôi có thể nói với ai khác về chuyện nầy không? - Robert trả lại cho ông ta.

- Bộ Văn hoá may ra có thể giúp ông được.

Ba mươi phút sau, Robert đã đang nói chuyện với một nhân viên trong văn phòng của Bộ Văn hoá.

- Không có gánh tạp kỹ nào ở Buđapest. Ông có chắc rằng bạn ông xem ở Hungary không?

- Chắc.

- Nhưng anh ta không nói rõ ở đâu à?

- Không.

- Tôi xin lỗi. Tôi không thể giúp gì cho ông. - Người nhân viên có vẻ sốt ruột. - Nếu không còn gì khác thì...

- Không. - Robert đứng dậy. - Cảm ơn ông. - Anh ngập ngừng. - Tôi còn một câu hỏi nữa. Nếu như tôi muốn mang một gánh xiếc hoặc một gánh tạp kỹ vào Hungary, tôi có phải xin phép trước không?

- Tất nhiên.

- Tôi sẽ làm việc đó ở đâu?

- Cơ quan đăng ký Buđapest.

Toà nhà của cơ quan cấp giấy phép nằm ở khu Buda gần bức tường thành thời Trung cổ. Robert phải đợi ba mươi phút trước khi anh được đưa vào phòng của một quan chức trông đầy vẻ trịnh trọng và vênh vang.

- Tôi có thể giúp ông gì nhỉ?

Robert mỉm cười.

- Tôi hy vọng là thế. Tôi không muốn làm mất thời gian của ông với một việc bình thường cỏn con nầy, nhưng tôi tới đây cùng với con trai tôi và nó có nghe về một gánh tạp kỹ đang biểu diễn đâu đó ở Hungary, và tôi đã hứa đưa nó đi xem. Ông biết trẻ con sẽ thế nào khi mà nó nghĩ một chuyện gì đó trong đầu rồi đấy.

- Thế ông muốn tôi giúp về việc gì vậy?

- Ồ nói thật với ông, dường như không có ai biết gánh tạp kỹ đó đang ở đâu, và Hungary là một đất nước lớn và tươi đẹp đến thế,... Ồ, người ta bảo tôi rằng nếu có ai đó biết mọi chuyện ở Hungary thì người đó chính là ông.

Vị quan chức gật đầu.

- Đúng. Không có những thứ như vậy được phép trình diễn nếu không có giấy phép. - Ông ta ấn nút chuông và một thư ký bước vào. Một cuộc trao đổi ngắn bằng tiếng Hungary. Cô thư ký đi ra và trở lại sau hai phút với một số giấy tờ. Cô ta trao chúng cho vị quan chức kia. Ông ta xem qua rồi nói với Robert, - Trong ba tháng vừa qua, chúng tôi đã cấp giấy phép cho hai gánh tạp kỹ. Một đã đóng cửa cách đây một tháng.

- Còn gánh kia?

Gánh kia hiện đang biểu diễn ở Sorpon. Một thị trấn nhỏ gần biên giới với Đức.

- Ông có tên của người chủ gánh không?

- Bushfekete. Laslo Bushfekete. - Vị quan chức lại nhìn vào tờ giấy.

***

Lasol Bushfekete đang có những ngày sung sướng nhất trong đời. Trên đời, có ít người may mắn để được làm đúng những việc mà mình muốn làm, và Lasol Bushfekete là một trong số ít những người may mắn đó. Với chiều cao chừng một mét tám và nậng gần một trăm năm chục cân, Bushfekete nom khá to béo.

Ông ta chưng diện một cái đồng hồ đeo tay nạm kim cương, những chiếc nhẫn kim cương và một cái dầy chuyền vàng to tướng. Bố ông ta có một gánh tạp kỹ nhỏ, và khi chết đi, đã để lại cho con trai. Nó là cuộc sống duy nhất của ông ta.

Lasol Bushfekete có những giấc mơ lớn. Ông ta tính mở rộng gánh tạp kỹ nhỏ của mình thành một trong những gánh tạp kỹ lớn nhất châu Âu. Ông ta muốn được biết tới như là một ông vua của trò tạp kỹ. Tuy nhiên, lúc nầy thì ông ta chỉ có thể có những trò hấp dẫn thường thấy: Người đàn bà béo và Người đàn ông xăm mình. Hai anh em song sinh người Xiêm và Các xác ướp một nghìn năm, được đào lên từ đáy những lăng mộ ở Ai Cập cổ đại. Rồi có trò Nuốt gươm, Ăn lửa và có Marika, cô gái nhỏ bé duyên dáng với tiết mục thôi miên rắn. Nhưng sau cùng thì chẳng qua họ cũng chỉ như một gánh hát rong.

Bây giờ, chỉ qua một đêm, tất cả những thử đó sắp thay đổi. Giấc mơ của Lasol Bushfekete sắp biến thành sự thật.

Lasol đã đi Thuỵ Sĩ để quan sát một nghệ sĩ ảo thuật mà ông được nghe tới. Trong tiết mục nầy, người nghệ sĩ được bịt mắt, khoá hai tay, nhất vào trong một cái thùng nhỏ, rồi lại được bỏ vào trong một cái hòm lớn và sau cùng, tất cả được bỏ vào trong một cái bể đầy nước. Nghe qua điện thoại thì có vẻ thật hấp dẫn, nhưng khi xem tận mắt thì Bushfekete thấy có một điều không thể chấp nhận được: Người biểu diễn phải mất ba mươi phút để thoát ra ngoài. Không có khán giả nào trên thế giới nầy lại ngồi nhìn một cái hòm trong một cái bể nước suốt ba mươi phút.

Chuyến đi đó đã có vẻ hoàn toàn là một sự lãng phí về mọi thứ. Lasol Bushfekete đã quyết định làm một chuyến du ngoạn để giết thời gian chờ tới chuyến bay trở về. Và hoá ra nó đó đã làm thay đổi cuộc đời ông ta.

Giống như những du khách cùng đi, Bushfekete đã nhìn thấy vụ nổ và chạy băng qua cánh đồng đề cố gắng giúp cho những người nào còn sống sốt trong cái mà tất cả bọn họ đều nghĩ là một vụ tai nạn máy bay. Nhưng cái cảnh ngộ mà ông ta đã nhìn thấy thật là khủng khiếp. Không còn nghĩ ngờ gì, đó chính là một cái đĩa bay và trong đó là hai cái xác nhỏ bé, kỳ lạ. Những du khách đứng há hốc mồm ra nhìn.

Lasol Bushfekete thì đi vòng quanh để xem xét phía sau cái đĩa bay đó trông như thế nào, và rồi ông ta đã đứng dừng lại, trợn mắt nhìn. Khoảng ba mét phía sau cái xác con tàu, nằm trên mặt đất khuất tầm nhìn của các du khách khác, là một bàn tay nhỏ xíu bị cắt rời với sáu ngón tay và hai ngón cái đối nhau.

Thậm chí không nghĩ ngợi gì, Bushfekete rút khăn mùi xoa ra, bọc lấy cái bàn tay kia và chuồn nó vào trong cái túi hồ lô của mình. Tim ông ta đập như phát rồ. Ông ta đã có bàn tay của một sinh vật ngoài trái đất thật sự. Từ nay trở đi, mi có thể quên tất cả những người đàn bà béo, những người đàn ông xăm mình, những người nuốt gươm và ăn lửa, ông ta nghĩ. Hãy bước lên nào, các quý bà và quý ông, để được thưởng thức một lần trong đời. Cái mà các vị sẽ thấy là một thứ chưa hề có ai nhìn thấy bao giờ. Chắc vị sẽ nhìn thấy một trong những vật kỳ diệu nhất của vũ trụ.

Đó không phải là một động vật. Đó không phải là một thực vật. Đó không phải là một khoáng vật. Đó là cái gì ư? Đó là một bộ phận của thi thể một người hành tinh khắc... một sinh vật từ vũ trụ tới... Thưa các quý bà, quý ông, đây không phái là chuyện khoa học viễn tưởng, đây là chuyện có thật. Với 500 forint, các vị có thể chụp ảnh...

Và ỗng ta sực nhớ. Ông ta hy vọng là cái thằng cha thợ ảnh đã có mặt ở nơi xảy ra vụ tai nạn sẽ nhở gửi tấm ảnh mà hắn đã hứa. Ông ta sẽ cho phóng to lên và để cạnh nơi trưng bày. Điều đó thật hấp dẫn. Cái nghề mua vui cho thiên hạ. Cưộc đời là thế đó. Cái nghề mua vui cho thiên hạ.

Ông ta nóng lòng trở lại Hungary để bắt đầu thực hiện giấc mơ vĩ đại của mình.

Khi về tới nơi và mở cái khăn mùi xoa ra, ông ta thấy rằng cái bàn tay kia đã héo đi. Nhưng khi ông ta rửa sạch bụi đất, thì thật ngạc nhiên, nó lại trở nên nguyên vẹn như lúc ban đầu.

Bushfekete đã giấu bàn tay vào một nơi an toàn và đặt làm một cái hòm kính choáng lộn với một cái máy giữ ẩm riêng cho nó. Khi đã trưng bày nó xong ở gánh tạp kỹ, ông ta sẽ cùng với nó đi khắp châu Âu, khắp thế giới. Ông ta sẽ tổ chức trưng bày ở các bảo tàng. Ông ta sẽ có các buổi giới thiệu riêng cho các nhả khoa học, thậm chí có thể là cho cả các nguyên thủ quốc gia nữa. Và ông ta sẽ bắt tất cả bọn họ phải trả tiền. Cái tài sản huyền thoại của ông là không có giới hạn nào hết.

Ông ta đã không hề nói với ai về vận may của mình, ngay cả với người tình của ông ta, Marika, cô vũ nữ xinh đẹp đầy gợi cảm thường biểu diễn với những chú hổ mang và những chú rắn phì, hai loài rắn độc nguy hiểm nhất. Tất nhiên là những cái răng độc của chúng đã bị nhổ đi nhưng khán giả thì không biết điều đó vì Bushfekete cũng có giữ một con hổ mang vằn còn nguyên những chiếc răng độc. Ông ta để con rắn cho dân chúng xem không mất tiền, và nó giết chết những con chuột trước mắt họ. Chẳng có gì ngạc nhiên khi khán giả đều rợn người nhìn Marika xinh đẹp để cho những con rắn trườn trên tấm thân hở hang đầy khêu gợi của cô. Hai hoặc ba đêm trong một tuần, Marika đến lều của Bushfekete và bò trườn lên người ông ta, với cái lưỡi mềm mại như của một con rắn. Họ đã làm tình với nhau đêm hôm trước và Bushfekete vẫn còn mệt mỏi với những trò vật lộn tuyệt vời của Marika.

Dòng suy nghĩ của ông ta bị cắt ngang bởi một người khách.

- Ông là Bushfekete?

- Ông đang nói với ông ta đấy. Tôi có thể làm gì cho ông nào?

- Tôi biết là ông mới từ Thuỵ Sĩ về tuần trước.

Bushfekete lập tức cảnh giác ngay. Có người nhìn thấy mình nhặt cái bàn tay ấy chăng?

- Có chuyện gì... gì thế?

- Ông đã đi chuyến xe bus chủ nhật trước phải không?

- Phải. - Bushfekete thận trọng đáp.

Robert Bellamy nhẹ cả người. Cuối cùng thì cũng xong. Đây là nhân chứng cuối cùng. Anh đã nhận một nhiệm vụ không thể làm nổi và đã làm xong nhiệm vụ đó. Một kết quả tuyệt vời, nếu như mình tự nói về nó. Chúng ta không hề biết họ ở đâu. Hay họ là ai và anh đã tìm ra tất cả. Anh cảm thấy trút được một gánh nặng kinh khủng. Giờ thì anh tự do. Tự do trở về nhà và bắt đầu một cuộc sống mới.

- Có chuyện gì về chuyến đi của tôi hả, thưa ông?

- Không quan trọng, - Robert trấn an ông ta.

Nó không còn quan trọng nữa. Tôi quan sát tới những bạn đồng hành của ông, ông Bushfekete, nhưng bây giờ thì tôi nghĩ tôi đã có tất cả những thông tin về họ, nên...

- Ôi, trời đất ơi! Tôi có thể nói tất cả về họ cho ông, - Lasol Bushfekete nói. - Có một tu sĩ từ Orvieto, Italia, một người Đức; tôi nghĩ ông ta là một giáo sư hoá học ở Munich, một cô gái Nga, làm trong một thư viện ở Kiev, một chủ trại ở Waco, Texas, một tay chủ nhà băng Canada, ở vùng Các lãnh thổ, vả một người chuyên vận động hành lang ở Washington D. C. Tên là Kevin Paker.

Lạy Chúa, Robert nghĩ. Nếu mình vớ được ông ta ngay từ đầu thì đã đỡ bao nhiêu thời gian. Người đàn ông nầy thật lạ lùng. Ông ta nhớ tất cả bọn họ.

- Ông có trí nhớ tốt thật, - Robert nói.

- Dạ, - Bushfekete cười. - Ồ, và người phụ nữ kia nữa chứ.

- Người phụ nữ Nga.

- Không, không, người phụ nữ khác. Dáng cao, mảnh mai, trong bộ đồ trắng tinh.

Robert nghĩ một chút. Không có ai khác nói tới một người phụ nữ thứ hai cả.

- Tôi nghĩ là ông nhầm.

- Không, tôi không nhầm, - Bushfekete bướng bỉnh. - Có hai người phụ nữ ở đó.

Robert bực bội.

- Khi tay thợ ảnh kia chụp cho chúng tôi trước cái đĩa bay, cô ta đứng ngay cạnh tôi. Cô ta đẹp lắm. - Ông ta ngừng lời. - Có điều tôi không nhớ là có nhìn thấy cô ta ở trên xe hay không. Có thể là cô tả ngồi đâu đó ở phía sau. Tôi còn nhớ là trông cô ấy hơi xanh. Tôi đã hơi lo cho cô ấy.

- Khi tất cả trở về xe thì ông có thấy cô ta không? - Robert chau mầy.

- Về điều nầy thì tôi không thể nói được, bởi tôi quá xúc động với cái đĩa bay nên không còn để tâm tới gì khác nữa.

- Có chuyện gì không ổn ở đây rồi. Có thể là có mười một nhân chứng chứ không phải mười chăng? Mình sẽ phải kiểm tra lại điều đó, Robert nghĩ.

- Cám ơn ông Bushfekete, anh nói.

- Có gì đâu. Chúc may mắn.

- Cám ơn, - Bushfekete mỉm cười. Ông ta không cần may mắn. Không cần nữa. Một khi đã có cái bàn tay của một sinh vật lạ thật sự trong tay mình.

Đêm hôm đó, Robert gửi báo cáo cuối cùng cho tướng Hilliard.

- Tôi đã có tên ông ta. Lasol Bushfekete. Ông ta có một gánh tạp kỹ đang lưu diễn ở Sorpon, Hungary.

- Đó là nhân chứng cuối cùng phải không?

- Vâng, thưa ngài. - Robert lưỡng lự một giây. Anh đã toan nói tới người khách thứ tám, nhưng rồi anh quyết định phải chờ cho tới khi kiểm tra lại đã. Điều đó không chắc đã có thật.

- Cám ơn, ông sĩ quan. Tốt lắm.

Điện khẩn.

Tối mật.

NSA gửi Phó giám đốc HRQ.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

10. Lasol Bushfekete.

Hết.

***

Họ đến lúc nửa đêm, khi gánh tạp kỹ đã đóng cửa.

Mười lăm phút sau họ ra đi, cũng lặng lẽ như khi đến.

Lasol Bushfekete mơ ông ta đang đứng trước cửa một cái lều trắng lớn, nhìn dòng người đông nghịt xếp hàng vào cửa mua vé với cái giá 500 forint.

Đi lối nầy, các bạn. Hãy xem một phần thân thể thật sự của một sinh vật từ ngoài vũ trụ. Không phải là một bức vẽ, không phải là một bức ảnh, mà là một phần thật sự của một người vũ trụ thật sự. Chỉ 500 forint để được thưởng thức một lần trong đời, một hình ảnh bạn sẽ không bao giờ quên.

Và rồi ông ta vào giường với Marika, cả hai cùng trần truồng, và ông ta cảm thấy hai đầu vú của cô áp lên ngực, đầu lưỡi cô liếm láp trên thân thể và cô bò trườn trên khắp người ông ta. Rồi ông ta đưa tay ra với cô và hai bàn tay ông ta túm phải vật gì đó lành lạnh và trơn nhẫy. Ông ta tỉnh dậy và mở mắt, thét toáng lên, và đó chính là lúc con rắn hổ mang bổ xuống.

Người ta thấy xác ông ta vào buổi sáng hôm sau.

Cái lồng nhốt con rắn độc không bị bẻ răng trống rỗng.

Điện khẩn.

Tối mật.

HRQ gửi Phó giám đốc NSA.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

10. Lasol Bushfekete. Đã bị thủ tiêu

Hết.

Tướng Hilliard nhấc ống nghe trên cái máy điện thoại màu đỏ.

- Janus, tôi đã nhận được báo cáo cuối cùng từ sĩ quan chỉ huy Bellamy. Ông ta đã tìm ra nhân chứng cuối cùng. Tất cả đều đã được chăm sóc.

- Tuyệt vời. Tôi sẽ thông báo cho những nơi khác.

- Tôi muốn ông tiến hành ngay lập tức phần kế hoạch còn lại của chúng ta.

- Vâng, ngay lập tức đây.

Điện khẩn.

Tối mật.

NSA gửi Phó giám đốc: SIFAR, MI-6, GRU, CIA, COMSEC, DCI, CGHQ, BFV.

Không ghi chép lại.

Bản số 1 duy nhất.

Trích yếu: Chiến dịch Ngày Tận Thế.

11. Sĩ quan chỉ huy Robert Bellamy - thủ tiêu.

Hết.

Ngày thứ mười lăm.

Robert Bellamy ở vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Có thể có một nhân chứng thứ mười một không nhỉ? Và nếu có thì tại sao lúc trước không hề có ai khác nhắc tới cô ta? Người nhân viên bán vé cho chuyến xe bus đó đã nói với anh rằng chỉ có bẩy hành khách. Robert tin rằng tay chủ gánh tạp kỹ đã nhầm lẫn. Lờ nó đi thật là một việc dễ dàng với giả thiết rằng điều đó không có thật, nhưng quá trình huấn luyện của Robert lại không cho phép làm thế. Anh quả có kỷ luật. Câu chuyện của Bushfekete phải được kiểm tra lại. Bằng cách nào? Robert đã rất băn khoăn về chuyện đó. Hans Beckerman. Người lái chiếc sẽ đó sẽ biết.

- Anh đăng ký điện thoại gọi cho Hãng Sunshine. Trụ sở hãng đóng cửa. Trong danh bạ vùng Kapel không có một Hans Beckerman nào cả. Mình sẽ phải đi Thuỵ Sĩ một lần nữa và giải quyết chuyện nầy, Robert nghĩ. Mình không thể bỏ bất kỳ một dấu vết gì.

Khi Robert đến tới Zurich thì trời đã khuya. Bầu không khí lạnh và trong lành, trăng sáng. Robert thuê một chiếc xe và chạy theo con đường giờ đây đã quen dẫn tới cái làng Kapel nhỏ bé. Anh chạy ngang ngôi nhà thờ và dừng lại trước cửa nhà Hans Beckerman, hiểu rằng mình đang bám vào một sự cầu may. Căn nhà tối om. Robert gõ cửa và chờ. Anh gõ cửa một lần nữa, run lên vì không khí lạnh giá của trời đêm.

Sau cùng thì vợ Beckerman cũng ra mở cửa. Chị ta choàng trên người một cái áo choàng vải thô bạc màu.

- Dạ?

- Chị Beckerman, tôi không biết chị có còn nhớ tôi không? Tôi là người phóng viên đang viết bài về Hans đây. Xin lỗi vì đã làm phiền chị vào lúc khuya khoắt thế nầy, nhưng thật tôi rất cần nói chuyện với chồng chị.

- Chỉ có sự im lặng đáp lời anh.

- Chị Beckerman?

- Hans chết rồi.

- Cái gì hả? - Robert giật mình.

- Chồng tôi chết rồi rồi, tôi xin lỗi. Làm sao?

- Xe của Hans đã đâm xuống một triền núi. - Giọng chị ta thật đau đớn. - Cảnh sát nói đó là vì trong cơ thể anh ấy toàn chất ma tuý.

- Ma tuý à?

Loét dạ dầy. Các bác sĩ thậm chí không thể cho tôi thuốc giảm đau nữa. Tôi phần ứng với tất cả nhưng thứ đó..

- Cảnh sát nói đó là tai nạn à?

- Dạ.

Họ có tiến hành mổ giám định không?

- Có, và họ tìm thấy ma tuý. Chẳng có ý nghĩa gì.

- Anh không còn biết nói thế nào.

- Tôi thật lấy làm buồn, chị Beckerman. Tôi...

Cánh cửa đóng lại, còn Robert một mình giữa trời đêm giá lạnh.

- Một nhân chứng đã chết. Không - hai. Leslie Mothershed đã chết trong một vụ cháy. Robert ngẫm nghĩ hồi lâu. Hai nhân chứng đã chết. Anh như nghe thấy tiếng người huấn luyện viên ở Trang trại: "Còn một điều nữa tôi muốn nói tới hôm nay. Sự trùng hợp. Trong công việc cửa chúng ta, không có cái thứ đó. Nó thường báo hiệu sự nguy hiểm. Nếu anh cứ luôn gặp một người, hoặc phát hiện vẫn chiếc xe ấy khi anh đang hoạt động, hãy che lấy cái mông mình. Có thể anh đang gặp rắc rối đó"

Có thể đang gặp rắc rối. - Robert bị chi phối bởi một loạt những cảm xúc đầy mâu thuẫn. Điều đã xảy ra phải là sự trùng hợp, và tuy vậy... Mình phải kiểm tra về cái người khác bí ẩn đó.

***

Cú điện thoại đầu tiên của anh là gọi tới Fort Smith, Canada. Một giọng phụ nữ đầy vẻ quẫn trí trả lời:

- Dạ?

- Xin cho gặp William Mann.

- Rất tiếc. Chồng tôi, chồng tôi không còn với chúng tôi nữa. - Giọng nói kia nghẹn ngào.

- Tôi không hiểu bà nói gì.

- Ông ấy đã tự sát.

Tự sát? Tay chủ nhà băng sắt đá đó mà tự sát? Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra ấy nhỉ? Robert nhăn trán. Điều mà anh hình dung là không thể chấp nhận nổi, tuy nhiên... Anh bắt đầu gọi hết cú điện thoại nầy đến cú điện thoại khác.

***

- Xin cho gặp giáo sư Schmidt.

- Ồ giáo sư đã chết trong một vụ nổ ở phòng thí nghiệm...

***

- Tôi muốn nói chuyện với Dan Wayne.

- Thật tội nghiệp. Con ngựa đua đã giày chết ông ta cách đây...

***

- Xin cho gặp Laslo Bsshfekete.

- Gánh tạp kỹ đóng cửa rồi. Laslo đã chết...

***

- Xin cho gặp Fritz Mandel.

- Fritz đã bị chết trong một tai nạn quái dị...

Lúc nầy những dấu hiệu báo động đã là rõ ràng.

***

- Olga Romanchanko.

- Cô bé tội nghiệp. Và cô ấy còn trẻ thế mà...

***

- Tôi gọi đến để xem tình hình Cha Patrini.

- Linh hồn tội nghiệp đó đã ra đi trong giấc ngủ.

***

- Tôi cần nói chuyện với Kevin Parker.

- Kevin đã bị giết...

Chết. Tất cả mọi nhân chứng đều đã chết. Chính anh là người đã phát hiện và xác minh về họ. Tại sao anh lại không biết chuyện gì đang xảy ra? Bởi vì bọn khốn kiếp kia chờ anh rời khỏi một nước nào đó rồi mới hành quyết các nạn nhân của chúng. Người duy nhất mà anh báo cáo công việc là tướng Hilliard.

"Chúng ta không được để bất kỳ ai khác dính vào sứ mệnh nầy... Tôi muốn ông hàng ngày báo cáo công việc cho tôi".

Họ đã dùng anh để tìm ra các nhân chứng. Đằng sau tất cả những chuyện nầy là thế nào? Otto Schmidt đã bị giết chết ở Đức. Hans Beckerman và Fritz Mandel ở Thuỵ Sĩ. Olga Romanchanko ở Nga, Dan Wayne và Kevin Parker ở Mỹ, William Mann ở Canada, Leslie Mothershed ở Anh, Cha Patrini ở Italia và Laslo Bushfekete ở Hungary. Điều đó có nghĩa là các cơ quan an ninh của gần một chục nước đã dính líu vào một vụ bưng bít lớn nhất trong lịch sử. Một ai đó ở cấp rất cao đã quyết định rằng tất cả các nhân chứng vụ đĩa bay kia phải chết. Nhưng ai? Và vì sao?

Đó là một âm mưu cỡ quốc tế và mình đang nằm trong cái âm mưu đó.

Ưu tiên: Chui vào vỏ bọc. Robert thật khó tin nổi là họ định giết luôn cả anh nữa. Anh là một người trong số họ. Nhưng cho đến khi đã nghĩ tới chuyện đó thì không thể mạo hiểm. Việc đầu tiên phải làm là kiếm một tấm hộ chiếu giả. Điều đó có nghĩa là phải tìm đến Ricco ở Rome.

Robert lên chuyến bay xuất cảnh tiếp theo và thấy phải cố gắng để thức. Anh đã không nhận ra mình kiệt sức đến thế nào. Áp lực của suốt mười lăm ngày qua, chưa kể sự chênh lệch thời gian do việc đi lại bằng máy bay, đã làm cho anh kiệt quệ.

Máy bay đáp xuống sân ga Leonardo da Vinci, và khi anh bước vào nhà ga, người đầu tiên anh nhìn thấy là Susan. Anh dừng lại, sững sờ. Cô quay lưng lại phía anh, và trong một khoảnh khắc, anh đã nghĩ là mình nhầm. Và rồi anh nghe thấy cô nói.

- Cảm ơn. Tôi có xe đón rồi.

- Susan... - Robert bước lại bên cô.

Cô quay lại, giật mình.

- Robert. Thật là tình cờ làm sao. Nhưng là một sự kinh ngạc đáng yêu.

- Anh nghĩ em đang ở Gibraltar kia mà?

Cô gượng cười.

- Vâng. Chúng em đang trên đường tới Áo, nhưng Monte có chút việc cần phải làm ở đây trước đã. Tối nay chúng em sẽ lên đường. Anh làm gì ở Rome thế?

- Anh đang lo nốt một chút cỏng việc.

Chạy trốn vì cái mạng sống của anh. Đó là công việc cuối cừng của anh đấy. Anh đã thôi rồi, em yêu ạ. Từ giờ, chúng mình sẽ luôn ở bên nhau, và không gì có thể chia cắt chúng ta nữa. Hãy bỏ Monte và trở về với anh đi! Nhưng anh không thể nói nên lời. Anh đã gây cho cô đủ điều rồi. Cô đang hạnh phúc với cuộc sống mới của cô. Hãy cứ để như thế, Robert nghĩ.

- Trông anh mệt mỏi lắm. - Cô nhìn anh chăm chú.

- Anh vừa phải chạy loăng quăng một chút. - Anh mỉm cười.

Họ nhìn vào trong mắt nhau, và điều kỳ diệu kia vẫn còn đó. Sự thèm khát cháy bóng, và những kỷ niệm, tiếng cười cùng sự thông cảm.

Susan cầm lấy tay anh trong hai bàn tay cô và dịu dàng nói:

- Robert. Ôi, Robert. Em muốn chúng mình...

- Susan...

Và đúng lúc đó, một người đàn ông vạm vỡ trong bộ đồng phục tài xế bước đến bên Susan.

- Thưa bà Banks, xe đã sẵn sàng.

- Cám ơn. - Cô quay sang Robert. - Em xin lỗi. Em phải đi bây giờ đây. Xin anh tự chăm sóc lấy mình.

- Chắc chắn rồi.

Anh đứng nhìn theo cô. Có bao nhiêu điều anh muốn nói với cô. Cuộc sống đầy những chuyện có tính chất thời điểm. Thật vui lại được thấy Susan, nhưng mà có chuyện gì trong đó khiến anh thấy lo lẳng nhỉ? Tất nhiên rồi. Sự trùng hợp. Lại một sự trùng hợp.

Anh gọi taxi đi về khách sạn Hassler.

- Chúc mừng đã trở lại, ông sĩ quan.

- Cám ơn.

- Tôi sẽ cho một người hầu phòng mang hành lý cho ông.

- Khoan! - Robert nhìn đồng hồ. 10 giờ tối. Anh muốn lên gác và ngủ một giấc, nhưng trước hết anh phải lo chuyện hộ chiếu đã.

- Tôi sẽ không lên trên phòng ngay. - Robert nói. - Tôi muốn ông cho người mang hành lý lên trước đi.

- Tất nhiên, thưa ông sĩ quan.

Khi Robert vừa định quay đi thì cửa thang máy bật mở và một nhóm khách ào ra, cười nói ầm ĩ. Ro ràng là họ đã uống một vài cốc. Một tròng số họ, dáng người mập, mặt đỏ gay, vẫy vẫy Robert.

- Xin chào anh bạn thân... vui vẻ chứ?

- Tuyệt vời, - Robert đáp. - Tuyệt vời đấy.

Robert bước ra, tới bên chiếc taxi đỗ bên ngoài.

Khi anh vừa định chui vào xe thì chợt để ý thấy một chiếc Opel màu xám trông rất bình thường đậu phía bên kia đường. Trông nó hơi bình thường quá mức. Nó đậu giữa những chiếc xe sang trọng, thênh thang.

- Phố Monte Grappa. - Robert nói với người lái xe. Trên đường, Robert nhìn qua tấm kính sau xe. Không có chiếc Opel xám nào cả. Mình đang trở nên hoảng hốt quá, Robert nghĩ. Khi họ tới phố Monte Grappa, Robert ra khỏi xe ở đầu phố. Khi trả tiền người lái xe, anh nhìn qua khoé mắt: chiếc Opel màu xám cách xa chừng nửa đoạn phố, tuy nhiên anh có thể thề rằng nó không hề theo dõi anh. Trả tiền xong, anh rời khỏi chiếc taxi và bắt đầu thong thả bước đi, thỉnh thoảng đừng lại để ngó vào các ô kính cửa hàng cửa hiệu.

Qua sự phản chiếu của một ô kính, anh thấy chiếc Opel đang từ từ đi theo anh. Khi Robert tới góc phố tiếp theo, anh để ý thấy đó là con phố với đường một chiều. Anh rẽ vào đó theo hướng ngược lại với dòng xe cộ đông đúc. Chiếc Opel lưỡng lự ở góc phố và rồi lao vọt đi đến đón Robert ở đầu đằng kia. Robert quay ngược trở lại và đi về phố Monte Grappa. Không còn thấy chiếc Opel kia đâu nữa.

Robert vẫy chiếc taxi khác:

- Tới phố Monticelli.

Toà nhà đó đã cũ kỹ và trông không mấy thiện cảm, một di sản còn lại của những ngày đã qua. Trước đây trong nhiều chuyến công tác, Robert đã đến nơi nầy. Anh bước xuống ba bậc của một tầng hầm và gõ cửa. Một con mắt xuất hiện ở lỗ nhòm trên cánh cửa và một giây sau cánh cửa mở toang ra.

- Roberto. - Một người đàn ông kêu lên. Ông ta choàng tay ôm lấy Robert. - Khoẻ không, anh bạn của tôi?

Đó là một người đàn ông to béo ở độ tuổi 60 với bộ râu lởm chởm trắng xoá, đôi lông mầy rậm, bộ răng vàng khè và cái cằm béo núc. Ông ta đóng cửa và khoá trái lại.

- Tôi khoẻ, Ricco.

Ricco không có họ. "Với một người như tôi, ông ta thường khoác lác, Chỉ cần cái tên cộc lốc đó là đủ. Cũng giống như Garbo vậy".

- Hôm nay tôi có thể làm gì cho anh vậy, anh bạn?

- Tôi đang có một phi vụ. - Robert nói, - Và tôi đang rất vội. Ông có thể làm cho tôi một hộ chiếu không?

Ricco mỉm cười.

- Giáo hoàng có phải tín đồ Thiên Chúa giáo không hả? - Ông ta lạch bạch đi tới cái tủ kê ở góc phòng và mở khoá tủ. - Anh muốn mang quốc tịch nào đây?

Ông ta lôi ra một mớ hộ chiếu với các bìa khác nhau và lựa lựa từng quyển. - Chúng ta có một hộ chiếu Hy Lạp, rồi Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Tư, Anh...

- Mỹ. - Robert nói.

Ricco rút ra một quyển hộ chiếu có bìa màu xanh da trời.

- Đây. Cái tên Arthur Butterfield có hấp dẫn anh không thế?

- Tốt rồi. - Robert đáp.

- Anh đứng dựa vào tường đi, tôi sẽ chụp hình cho anh.

Robert bước đến bên tường. Ricco mở ngăn kéo và lấy ra chiếc máy ảnh Polaroid. Một phút sau, Robert cầm xem tấm ảnh của mình.

- Không thấy tôi cười. - Robert nói.

- Cái gì hả? - Ricco nhìn anh, ngạc nhiên.

- Tôi đã không cười. Chụp cái khác đi.

- Được thôi. Tuỳ ý anh. - Ricco nhún vai.

- Có khá hơn. - Robert mỉm cười khi bức ảnh thứ hai được chụp. Anh nhìn tấm ảnh và nói, rồi thản nhiên nhét tấm ảnh đầu vào túi.

- Bây giờ đến phần kỹ thuật cao, - Ricco tuyên bố rồi bước tới bàn làm việc. Ông ta đặt tấm ảnh vào mặt trong quyển hộ chiếu.

Robert bước tới một cái bàn khác, ngổn ngang những dụng cụ hành nghề của Ricco và tuồn một lưỡi dao cạo cùng một lọ keo dán trong trong túi áo khoác.

Ricco đang xem xét sản phẩm của ông ta.

- Không tồi. - Ông ta nói rồi trao cho Robert quyển hộ chiếu. - Năm nghìn đôla.

- Và hoàn toàn đáng giá. - Robert đáp trong lúc đếm 10 tờ 500 đôla.

- Làm việc với người của các anh thật dễ chịu.

- Anh biết là tôi quý anh.

Robert biết chính xác là ông ta đang nghĩ gì về anh. Ricco là một thợ giày thiện nghệ, làm việc cho gần một chục chính phủ - Và chẳng trung thành với chính phủ nào. Anh đút quyển hộ chiếu vào túi áo.

- Chúc may mắn, ông Butterfield. - Ricco mỉm cười.

- Cám ơn.

Ngay khi cánh cửa khép lại sau lưng Robert, Ricco vớ lấy điện thoại. Thông tin luôn là tiền bạc đối với ai đó.

Bên ngoài, đi được chừng hai chục mét, Robert lấy quyển hộ chiếu mới ra khỏi túi và dúi nó vào trong một thùng rác. Nhiễu. Đó là một kỹ thuật mà khi là một phi công anh đã dùng để tạo những cái đuôi giả cho tên lửa của đối phương. Hãy để cho họ săn lùng Arthur Butterreld.

Chiếc Opel xám dừng cách chừng nửa đoạn phố.

Chờ đợi. Không thể thế được.

Robert tin chắc rằng chiếc xe đó là cái đuôi duy nhất. Anh đã chắc chắn là chiếc Opel đã bị mất dấu, vậy mà nó vẫn tìm ra. Họ phải có một cách nào đó để bám theo từng bước đi của anh. Câu trả lời duy nhất: Họ đã dùng một thứ máy phát nào đó, và anh phải luôn mang nó theo người. Nó được gắn vào quần áo của anh chăng? Không. Họ không có cơ hội nào cả Đại uý Dougherty đã có mặt lúc anh sắp xếp hành lý nhưng anh ta không thể biết Robert sẽ mang theo bộ quần áo nào. Robert thầm kiểm kê lại những gì mà anh mang theo người - tiền mặt, chìa khoá, một cái ví khăn mùi xoa, thẻ tín dụng... Chiếc thẻ tín dụng.

"Tôi không nghĩ là tôi cần đến nó, thưa tướng quân" - "Cầm lấy. Vã hãy luôn giữ nó trong người".

Đồ chó đẻ gian xảo. Không có gì lạ khi họ tìm được anh dễ dàng như vậy.

Không còn nhìn thấy chiếc Opel xám nữa. Robert lấy tấm thẻ tín dụng ra, xem xét nó. Nó hơi dầy hơn một tấm thẻ tín dụng thông thường. Hơi vặn nó một chút, anh có thể cảm thấy một lớp gì đó bên trong.

Họ sẽ điều khiền từ xa cho tấm thẻ hoạt động. Tốt.

Robert nghĩ. Hãy để cho bọn khốn nạn nầy bận bịu.

Có mấy cái xe vận tải đỗ dọc trên phố đang bốc và dờ hàng. Robert nhìn những biển số xe. Khi tới bên một chiếc xe tải với biển số của Pháp, anh nhìn quanh để chắc chắn là mình không bị quan sát rồi ném tấm thẻ lên trên thùng xe.

- Cho đến khách sạn Hassler. - Anh vẫy một chiếc taxi.

***

Ttrong tiền sảnh, Robert bước tới chỗ người gác cửa.

- Làm ơn xem đêm nay có chuyến bay nào đi Paris không nhé.

- Vâng, ông sĩ quan. Ông có chọn hãng hàng không cụ thể nào không?

- Hãng nào cũng được. Chuyến bay đầu tiên là đủ.

- Tôi rất sung sướng được lo chuyện nầy.

- Cám ơn. - Robert bước đến chỗ tiếp tân. - Xin cho chìa khoá phòng tôi. Phòng 314. Và tôi sẽ trả phòng trong vài phút nữa thôi.

- Dạ, thưa ông Bellamy. - Người nhân viên với tay lên một ô và lấy ra chìa khoá cùng một cái phong bì. - Đây, có một cái thư cho ông.

Robert nghiêm mặt. Chiếc phong bì được dán kín và được ghi rất đơn giản. "Sĩ quan chỉ huy Bellamy"

Anh nắn nhẹ xem có chất dẻo hoặc thứ kim loại gì bên trong hay không, rồi thận trọng mở nó ra. Bên trong là một tấm các quảng cáo về một nhà hàng Italia.

Hoàn toàn bình thường. Tất nhiên, trừ cái tên của anh trên phong bì.

- Anh có nhớ ai đưa cho anh cái nầy không?

- Tôi xin lỗi. - Người nhân viên nói với vẻ ân hận. - Nhưng quả thật là tối nay chúng tôi bận rộn quá...

Điều đó không quan trọng. Người đàn ông kia sẽ chẳng nhớ ra bộ mặt nào cả. Hắn ta đã nhặt tờ quảng cáo ở đâu đó cho nó vào phong bì rồi đứng ngay cạnh quầy và chờ xem chiếc phong bì đó được cho vào cái ô mang số phòng bao nhiêu.

Lúc nầy hắn ta hẳn đang chờ trong trong của Robert.

Đã đến lúc nhìn mặt kẻ thù.

Robert nghe thấy những tiếng nói ồn ào, anh quay lại và thấy đám khách say rượu lúc trước đang đi vào tiên sảnh, vừa cười vừa hát. Rõ ràng là họ đã uống thêm ít nữa. Người đàn ông mập nói:

- Kìa, chào anh bạn. Anh đã lỡ một tiệc vui.

Robert tính toán rất nhanh trong đầu.

- Anh thích hội hè à?

- Hô hô.

- Có một cuộc ra trò đang diễn ra trên lầu. - Robert nói. Rượu mạnh, gái... - bất kỳ thứ gì mà các anh muốn. Cứ việc đi theo tôi, các bạn.

- Đó chính là lối chơi của người Mỹ, anh bạn. - Người đàn ông vỗ vỗ vào lưng Robert. - Nghe thấy chứ, các chàng trai? Anh bạn của chúng ta đây chiêu đãi một cuộc.

Họ chen chúc nhau cùng vào thang máy và đi lên tầng ba.

Người đàn ông say rượu nói:

- Những người Italia nầy rõ ràng là biết phải sống như thế nào. Tôi đoán là họ đã phát minh ra những cuộc hội hè, phải không?

- Tôi sẽ cho các bạn thấy một cuộc vui thật sự. - Robert hứa.

Họ đi theo dọc hành lang tới trước phòng anh.

Robert tra chìa khoá vào ổ và quay lại nói với tất cả bọn họ:

- Các bạn đã sẵn sàng vui một chút chứ?

Những tiếng trả lời "có" đồng thanh cất lên.

Robert quay chìa, đẩy cửa mở và đứng sang một bên. Căn phòng tối om. Anh bật điện lên. Một người lạ mặt cao và gầy đứng giữa phòng với một khẩu Mode có gắn ống giảm thanh rút ra nửa chừng. Người đàn ông đó nhìn đám đông với vẻ mặt thảng thốt và đẩy nhanh khẩu súng vào trong áo khoác.

- Nầy. Rượu đâu hả? - Một trong những người say kia hỏi.

Robert chỉ vào gã lạ mặt.

- Anh ta có đó. Đến mà lấy.

Cả bọn xông về phía gã kia.

- Rượu đâu, anh bạn...

- Gái đâu?...

- Hãy kiếm cuộc liên hoan nầy ở ngoài đường...

Gã kia cố lách tới chỗ Robert nhưng đám đông đã cản hắn lại. Gã bất lực nhìn theo trong khi Robert khoá cửa từ bên ngoài. Anh lao xuống cầu thang hai bậc một.

Dưới nhà, trong tiền sảnh, Robert đang đi ra cửa thì người gác gọi to. "Ồ, ông Bellamy, tôi đã đặt vé cho ông rồi đấy. Ông đi chuyến bay 312 của Hàng không Pháp đi Paris. Chuyên bay khởi hành lúc một giờ sáng."

- Cám ơn, - Robert đáp vội.

Anh đi ra ngoài và vào các quảng trường nhỏ phía trước những bậc thềm Tây Ban Nha. Một chiếc taxi đang để một người khách xuống. Robert chui vào ngay.

- Phố Monte Grappa.

Giờ đây, anh đã có câu trả lời của mình. Họ định giết anh. Họ sẽ không thấy việc đó dễ dàng. Lúc nầy anh đã là kẻ bị săn đuổi thay vì anh là người đi săn, nhưng anh có một lợi thế lớn. Họ đã huấn luyện anh kỹ lưỡng. Anh biết tất cả những thủ thuật của họ, những điểm mạnh và những điểm yếu, và anh sẽ dùng kiến thức đó để chặn họ lại. Đầu tiên anh phải tìm cách không để chúng bám đuôi. Những kẻ săn lùng anh chắc phải được nghe một câu chuyện gì đó. Họ sẽ được bảo là anh bị truy nã về tội buôn ma tuý, hoặc giết người, hoặc là hoạt động gián điệp. Họ sẽ được cảnh cáo trước: Hắn ta rất nguy hiểm. Đừng để lỡ cơ hội. Hảy bắn hạ ngay.

- Nhà ga Rome. - Robert nói với người lái taxi.

Họ đang săn lùng anh, nhưng họ sẽ chưa đủ thời gian để phân phát ảnh của anh. Cho đến lúc nầy, anh không bị nhận diện.

Chiếc taxi dừng lại trước toà nhà số 36 phố Giovanni Giolitti và người lái xe nói:

- Thưa ông, nhà ga đây rồi.

- Chúng ta hãy đợi một phút. - Robert ngồi lại trong xe, quan sát mặt tiền của nhà ga. Dường như chỉ có những hoạt động bình thường. Mọi thứ đều có vẻ bình thường. Taxi và những chiếc xe hòm kính đang đến và đi, đưa và đón khách. Những người khuân vác đang bốc và xếp hành lý. Một cảnh sát đang bận rộn ra lệnh cho những chiếc xe rời khỏi khu vực cấm đỗ. Nhưng có gì đó đã làm cho Robert lo ngại. Anh chợt nhận thấy điểm không bình thường của toàn bộ bức tranh. Ba chiếc xe lớn không biển số đỗ ngay đối diện với nhà ga, trong khu vực cấm đỗ và không có ai trong xe. Viên cảnh sát phớt lờ chúng.

- Tôi thay đổi ý định rồi. - Robert nói với người lái taxi - Tới số 110/A phố Veneto.

Đó là nơi khó có ai đến tìm kiếm anh.

Đại sứ quán Mỹ và toà lãnh sự Mỹ được bố trí trong một toà nhà màu hồng trên phố Veneto, với một hàng rào sắt đen ngòm trước mặt. Vào giờ nầy thì toà đại sứ đã đóng cửa, nhưng bộ phận hộ chiếu của nó thì làm việc suốt hai mươi tư giờ để giải quyết những trường hợp khẩn cấp. Trong lối vào ở tầng một, một người lĩnh thuỷ quân lục chiến ngồi sau bàn.

Người lính nhin lên khi Robert tiến đến gần.

- Thưa ông, tôi có thể giúp ông?

- Vâng. - Robert nói - Tôi muốn hỏi về việc xin hộ chiếu mới. Tôi bị mất hộ chiếu.

- Ông là công dân Mỹ?

- Phải.

Họ sẽ lo chuyện của ông ở trong đó. Phòng cuối cùng. - Người lính chỉ một văn phòng phía xa.

- Cám ơn.

Có dăm bảy người ở trong cái phòng đó xin hộ chiếu, báo mất hộ chiếu, và xin thị thực, xin gia hạn...

- Tôi có cần xin thị thực đến Anbani không? Tôi có bà con ở đó...

- Tôi muốn cái hộ chiếu nầy được gia hạn tối nay.

- Tôi phải đi một chuyến bay...

- Tôi không hiểu thế nào nữa. Hẳn là tôi đã mất nó ở Milan...

- Họ đã lấy cái hộ chiếu ngay trong ví của tôi...

Robert đứng nghe. Trộm cắp hộ chiếu là cái trò phổ biến ở Italia. Phải có ai đó trong số nầy sắp được nhận hộ chiếu mới. Đứng đầu hàng là một người đàn ông đứng tuổi, quần áo lịch thiệp đang được trao một quyển hộ chiếu.

- Của ông đây, thưa ông Cowan. Tôi lấy làm tiếc là ông đã gặp chuyện rủi ro như thế. Tôi e là ở Rome có nhiều kẻ cắp lắm đấy.

- Tôi sẽ phải cẩn thận để chúng không thể lấy được quyển nầy. - Cowan nói.

- Ông nên như thế, thưa ông.

Robert để ý nhìn Cowan cho quyển hộ chiếu vào trong túi áo khoác và quay người định bước đi. Robert bước đến trước mặt ông ta. Khi một phụ nữ lấn tới, Robert chúi vào người Cowan như thể anh bị đẩy và làm ông ta suýt ngã.

- Tôi thật xin lỗi. - Robert nói. Anh cúi xuống chỉnh lại xống áo cho ông ta.

- Không sao. - Cowan nói.

Robert quay đi và bước vào nhà vệ sinh nam giới ở cuối hành lang, tấm hộ chiếu của ông kia đã ở trong túi anh. Anh nhìn quanh để có thể tin chắc rằng chỉ có một mình, rồi bước vào một trong các buồng vệ sinh. Anh lấy ra lưỡi dao cạo và lọ keo dán mà đánh cắp của Ricco. Rất cẩn thận, anh rạch miếng vỏ nhựa và lấy tấm ảnh của Cowan ra. Sau đó, anh cho tấm ảnh của anh mà Ricco đã chụp vào. Anh dủng keo dán mép tấm bìa lại như cũ và kiểm tra lại. Hoàn hảo. Giờ đây, anh đã là Henry Cowan. Năm phút sau, anh đã ở trên phố Veneto, chui vào một chiếc taxi.

- Ra sân bay.

Lúc 12 giờ 30, Robert tới sân bay Leonardo da Vinci.

Anh đứng bên ngoài, kiểm tra xem có gì bất thường không. Bề ngoài, mọi thứ đều tỏ ra bình thường. Không có xe cảnh sát, không có những người đàn ông đáng ngờ. Robert đi vào nhà ga và dừng lại ngay bên trong cửa. Có nhiều quầy vé của nhiều hãng hàng không nằm rải rác trong khu ga. Không có ai lảng vảng hay ẩn sau những chiếc cột. Anh đứng nguyên tại chỗ, cảnh giác. Anh không thể giải thích được, thậm chí là cho chính mình, nhưng dù sao chăng nữa thì mọi việc có vẻ quá bình thường.

Ngang phía bên kia phòng là quầy vé của Hàng không Pháp. "Ông đi chuyến bay 312 của Hàng không Pháp. Chuyến bay khởi hành lúc một giờ sáng".

Robert tiến đến chỗ một phụ nữ mặc đồng phục đang ngồi sau quầy vé của Hàng không ltalia.

- Xin chào.

- Xin chào. Tôi có thể giúp ông không, thưa ông?

Có Robert nói:

- Xin cô cho gọi ông sĩ quan Robert Bellamy tới chỗ buồng điện thoại miễn phí được không?

- Tất nhiên. - Cô ta đáp, rồi nhấc chiếc micrô lên.

Cách đó vài mét, một phụ nữ béo tuổi trung niên đang kiểm tra lại mấy cái vali, cãi cọ gay gắt với nhân viên hàng không về tiền quá cước.

- Ở Mỹ, họ không bao giờ bắt trả tiền quá cước cả.

- Tôi xin lỗi, thưa bà. Nhưng nếu bà muốn mang theo tất cả những túi nầy thì bà phải trả thêm cho số quá trọng lượng.

Robert đến gần hơn. Anh nghe thấy giọng cô nhân viên trên loa phóng thanh.

"Mời sĩ quan Robert Bellamy tới buồng điện thoại miễn phí màu trắng. Sĩ quan Bellamy, xin mời tới buồng điện thoại miễn phí màu trắng".

Lời thông báo đó vang vang trong khắp nhà ga sân bay.

Một người đàn ông với một cái túi khoác đang đi ngang chỗ Robert.

- Xin lỗi. - Robert nói.

- Có gì vậy? Người đàn ông quay sang.

- Tôi nghe vợ tôi đang nhắn tìm tôi, nhưng, - anh chỉ đám túi của người đàn bà, - tôi không thể bỏ hành lý ở đây được. Anh rút ra một tờ 10 đôla và đưa nó cho người kia - Nhờ ông làm ơn tới cái buồng điện thoại màu trắng kia và nói với cô ấy là một tiếng nữa tôi sẽ đón cô ấy tại khách sạn, được chứ. Tôi thật sự biết ơn ông.

Người đàn ông kia nhìn tờ bạc 10 đôla trong tay.

- Được thôi.

Robert nhìn anh ta đi vào buồng điện thoại và nhấc máy lên. Anh ta áp ống nghe vào tai và nói:

- Hêlô?... Hêlô?...

Một giây sau, bốn người đàn ông to lớn mặc đồ đen không biết từ đâu xuất hiện và ập tới, áp chặt người đàn ông không may kia vào tường.

- Nầy. Cái gì thế?

- Hãy yên lặng nào. - Một người đàn ông trong số kia nói.

- Các ông đang làm cái trò gì thế hả? Bỏ tay khỏi người tôi ngay.

- Đừng làm rộn lên, ông sĩ quan. Không ích gì...

- Sĩ quan? Các ông đã nhầm người rồi. Tên tôi là Melvyn Davis. Tôi ở Omaha.

- Thôi đừng giở trò.

- Đợi một phút. Tôi đã bị lừa rồi. - Người đàn ông mà các ông tìm ở kia kla. - Anh ta chỉ tay về chỗ Robert đứng lúc trước.

Không có ai ở đó cả.

Bên ngoài nhà ga, một chiếc xe bus của sân bay đang sắp sửa khởi hành. Robert lên xe, đứng lẫn vào những hành khác khác. Anh tìm chỗ ngồi ở cuối xe, tập trung nghĩ tới bước đi tiếp theo.

- Anh nóng lòng muốn được nói chuyện với Đô đốc Whittaker để thử tìm câu trả lời về những gì đang diễn ra, đề biết ai là kẻ phải chịu trách nhiệm trong việc giết hại những người vô tội chỉ vì họ đã chứng kiến cái mà họ đáng ra không được nhìn. Đó là tướng Hilliard chăng? Dustin Thorton? Hay bố vợ Thornton, Willard Stone, cái con người đầy bí ân. Có thể lão ta, bằng cách nào đó, có dính dáng vào vụ nầy chăng? Hay đó là Edward Sanderson, giám đốc NSA? Họ có thể cùng phối hợp với nhau không? Nó có lên cao tới cấp Tổng thống không? Robert cần những câu trả lời.

Chiếc xe bus chạy một tiếng mới tới Rome. Khi xe dừng trước khách sạn Eden, Robert xuống xe.

Mình phải rời khỏi nước nầy, Robert nghĩ. Chỉ có một người duy nhất ở Rome là anh còn có thể tin cậy.

Đại tá Francesco Cesar, thủ trưởng SIFAR, cơ quan an ninh Italia. Ông ta sẽ giúp Robert thoát khỏi đây.

***

Đại tá Cesar làm việc khuya. Những bức điện tới tấp đi và đến giữa các cơ quan an ninh các nước, và tất cả đều liên quan tới sĩ quan Robert Bellamy.

Đại tá Cesar đã từng làm việc với Robert trước đây và ông ta rất quý anh. Cesar thở dài khi ông ta xem xét bức điện mới nhất để trước mặt. Thủ tiêu. Và trong khi ông ta đang đọc điện thì thư ký của ông ta bước vào:

- Sĩ quan Bellamy đang chờ ngài trên đường dây số một.

Đại tá Cesar trợn mắt nhìn cô thư ký:

- Bellamy? Chính anh ta à? Thôi được.

Ông ta đợi cô thư ký ra khỏi phòng, và chộp lấy điện thoại.

- Robert?

- Chào Francesco. Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra thế?

- Anh trả lời tôi thì có, anh bạn. Tôi đã và đang nhận đủ loại thông báo về anh. Anh đã làm gì vậy?

- Đó là một câu chuyện dài. - Robert nói - Và tôi không có thởi gian. Ông đã nghe những gì thế?

- Rằng anh đã tách riêng. Rằng anh đã bị tuyển loại và đang hót như một con hoàng yến vậy.

- Cái gì hả?

- Tôi nghe nói anh đã có một hợp đồng với người Trung Quốc và...

- Lạy Chúa. Thật là lố bịch.

- Thế hả? Tại sao?

- Bởi vì một giờ trước đây họ còn đang khát khao có thêm thông tin mà.

- Hãy vì Chúa, Robert. Không phải chuyện đùa đâu.

- Hãy nói đi, Francesco. Tôi vừa mới đẩy mười người vô tội tới chỗ chết. Người ta dự kiến tôi là người thứ mười một đấy.

- Anh đang ở đâu?

- Tôi ở Rome. Có vẻ như tôi không thể nào rời khỏi cái thành phố khốn kiếp nầy của ông.

- Thế đấy. - Có một sự im lặng nặng nề. - Tôi có thể làm gì để giúp anh?

- Đưa tôi tới một ngôi nhà an toàn, nơi chúng ta có thể nói chuyện, và tôi có thể tính xem sẽ đi khỏi đây bằng cách nào. Ông lo được chuyện đó không?

- Được nhưng anh phải cẩn thận. Rất cẩn thận. Tôi sẽ đích thân đón anh.

- Cám ơn Francesco. Tôi thật sự biết ơn. - Robert thở phào nhẹ nhõm.

- Như người Mỹ các anh nói, anh nợ tôi một. Anh đang ở đâu?

- Quán Lido ở Trastevere.

- Cứ đợi ở đó. Đúng một tiếng nữa tôi sẽ đến.

- Cám ơn ông bạn của tôi. - Robert cúp máy. Nó sẽ là một tiếng dài chờ đợi.

Ba mươi phút sau, hai chiếc xe không biển số dừng lại cách tiệm Lido chừng chục mét. Trong mỗi chiếc xe có bốn người đàn ông và tất cả đều mang súng tiểu liên.

Đại tá Cesar ra khỏi chiếc xe đi đầu.

- Hãy làm cho nhanh. Đừng để ai khác bị thương.

- Cứ bắn hạ ngay.

Một nửa bọn họ lặng lẽ đi vòng ra phía sau ngôi nhà.

Từ trên tầng thượng của một toà nhà phía bên kia đường, Robert Bellamy đứng quan sát Cesar và đám lính của ông ta lăm lăm súng trong tay ập vào trong quán. Được, thằng khốn kiếp. Robert giận dữ nghĩ, chúng ta sẽ chơi theo lối của mầy.

Ngày thứ mười sáu.

Rome, Italia.

Từ quảng trường Duomo, Robert gọi điện cho đại tá Cesar từ một buồng điện thoại công cộng.

- Chuyện bạn bè có gì thế? - Robert hỏi.

- Đừng giả bộ, anh bạn. Tôi chấp hành mệnh lệnh, cũng như anh thôi. Tôi có thể đảm bảo với anh rằng việc chạy trốn của anh là không ích gì. Anh đứng đầu danh sách truy nã của tất cả các cơ quan tình báo. Tới một nửa các chính phủ trên thế giới nầy đang tìm kiếm anh.

- Ông có tin rằng tôi là một kẻ phản bội không?

Casar thở dài.

- Tôi tin hay không thì đâu có nghĩa gì, Robert. Đây không hề có chuyện cá nhân. Tôi phải chấp hành mệnh lệnh.

- Xoá sổ tôi?

- Anh có thể làm nó trở thành nhẹ nhàng hơn bằng cách tự nộp mình...

- Cám ơn, đồ đểu. Nếu còn cần lời khuyên, tôi sẽ hỏi han đầu gối mình. - Anh dập máy xuống.

Robert hiểu rằng anh còn lẩn trốn lâu bao nhiêu thì càng ở trong tình thế nguy hiểm hơn bấy nhiêu.

Các nhân viên an ninh của cả gần một chục nước đang khép chặt vòng vây quanh anh.

Phải có một cái cây nào đó, Robert nghĩ. Ý tưởng nầy xuất phát từ chuyện kể về một người thợ săn trong một cuộc đi săn ở Châu Phi. "Con sư tử đã chạy trốn. Tôi không có súng và cũng không có chỗ nào để trốn. Xung quanh không hề có lấy một bụi rậm hay một cái cây nào. Và con thú đang lao thẳng tới chỗ tôi, mỗi lúc một gần hơn". "Anh đã thoát được như thế nào?", một người nghe chuyện hỏi. "Tôi chạy tới một cái cây gần nhất và trèo lên" - "Nhưng mà anh nói là không có cái cây nào cơ mà". - "Cậu không hiểu. Phải có một cái cây nào đó". Và mình phải tìm được nó, Robert nghĩ.

- Anh nhìn quanh quảng trường, giờ nầy đã vắng ngắt. Anh cho rằng đã đến lúc phải nói chuyện với người đã đẩy anh vào cơn ác mộng nầy, tướng Hilliard.

Nhưng anh sẽ phải cẩn thận. Kỹ thuật điện tử cho phép dò tìm một máy điện thoại đang hoạt động gần như ngay tức thời. Robert để ý thấy cả hai buồng điện thoại gần buồng mà anh đang đứng trong đều bỏ không.

Tuyệt. Bỏ qua số điện thoại riêng mà tướng Hilliard đã trao cho anh, anh quay số tổng đài của NSA. Khi nhân viên tổng đài trả lời, Robert nói:

- Xin cho văn phòng tướng Hilliard.

Một phút sau, anh nghe thấy tiếng một thư ký.

- Văn phòng tướng Hilliard.

Robert nói.

- Xin chờ điện thoại tử nước ngoài gọi đến.

- Anh thả treo chiếc ống nói và chạy đến cái buồng điện thoại cạnh đấy. Anh nhanh chóng quay lại cái số đó

Một cô thư ký khác trả lời máy:

- Văn phòng tướng Hilliard.

- Xin giữ máy chờ điện thoại gọi từ nước ngoài, - Robert nói. Anh để chiếc ống nói treo lủng lẳng và bước vào buồng thứ ba, quay số. Khi một thư ký khác nữa trả lời, Robert nói:

- Đây là sĩ quan Bellamy. Tôi muốn nói chuyện với tướng Hilliard.

Một tiếng kêu ngạc nhiên.

- Xin chờ một chút, thưa ông sĩ quan.

Người thư ký ấn nút máy nội bộ.

- Thưa ngài, sĩ quan Bellamy đang trên đường dây số ba.

Tướng Hilliard đưa mắt nhln Harrison Keller.

- Bellamy đang trên kênh số ba. Bắt đầu dò tìm ngay, nhanh lên.

Harrison Keller lao đến bên một chiếc điện thoại trên bàn phụ và quay số gọi Trung tâm Điều phối Mạng thông tin, hoạt động liên tục hai mươi tư giờ trong ngày. Viên sĩ quan cao cấp đang trực ban trả lời máy.

- Trung tâm điều phối đây. Adams.

- Dò tìm khẩn cấp một cú điện thoại gọi đến sẽ phải mất bao nhiêu lâu? - Keller thầm thì.

- Khoảng một hai phút.

- Bắt đầu đi. Văn phòng tướng Hilliard, đường số ba. Tôi sẽ chờ. Anh ta nhìn ông tướng và gật đầu.

Tướng Hilliard nhấc máy.

- Ông sĩ quan, phải không?

Tại Trung tâm điều phối, Adams cho một con số vào trong máy tính.

Ông ta nói:

- Chúng ta bắt đầu.

- Tôi nghĩ đã đến lúc ngài và tôi cần nói chuyện, thưa tướng quân.

- Tôi sung sướng là òng đã gọi, ông sĩ quan. Tại sao ông không đến đây và chúng ta có thể bàn về chuyện nầy nhỉ? Tôi sẽ thu xếp một máy bay cho ông và ông có thể có mặt ở đây trong...

- Không, cảm ơn. Quá nhiều tai nạn xảy ra cho các chuyến bay, thưa tướng quân.

Trong phòng thông tin, ESS - hệ thống tìm kiếm điện tử đã được bắt đầu hoạt động. Màn ảnh của máy tính bắt đầu sáng lên. AX 121 - B... AX 122 - C... AX 123 - C...

- Thế nào? - Keller thì thầm vào ống nói.

Trung tâm điều phối thông tin New Jersey đang tìm kiếm những cú điện thoại đường dài ở khu vực Washington. D.C. Giữ máy.

Màn ảnh trắng xoá đi. Rồi dòng chữ "Điện thoại đường dài từ ngoại quốc trên kênh một" hiện lên trên màn ảnh.

Cú điện thoại đang được gọi đến từ đâu đó ở Châu Âu. Chúng tôi đang tlm xem ở nước nào...

Tướng Hilhard đang nói:

- Ông Bellamy, tôi cho rằng có một sự hiểu lầm. Tôi có một đề nghị...

Robert cúp máy:

Tướng Hilliard nhìn sang Keller.

- Đã kiếm được chưa?

Harrison nói vào trong máy nối với Adams.

- Thế nào rồi?

- Chúng ta đã mất hắn.

Robert bước vào buồng điện thoại thứ hai và cầm ống nói.

Thư ký của tướng Hilliard nói.

- Sĩ quan Bellamy ở kênh số hai.

- Ông sĩ quan hả?

- Hãy để tôi có một đề nghị, - Robert nói. - Tướng Hilliard đưa tay bịt chặt ống nói.

- Bắt đầu lại việc dò tìm đi.

Harrison nhấc máy và nói với Adams. "Ông ta lại gọi. Kênh hai. Nhanh lên".

- Được. Thưa tướng quân, đề nghị của tôi là ngài hãy cho tất cả người của ngài lui. Và tôi muốn ngay bây giờ.

- Tôi nghĩ là ông đã hiểu lầm tình hình rồi, ông sĩ quan. Chúng ta có thể dàn xếp chuyện nầy nếu...

- Tôi sẽ nói với ngài chúng ta phải dàn xếp như thế nào. Hiện có lệnh thủ tiêu tôi. Tôi muốn ngài huỷ nó đi.

Tại trung tâm điều phối thông tin, màn ảnh của máy tính đưa ra một thông tin mới: AX 155 - C Nhánh A21 đã được xác định. Tổ hợp 301 tới Rome. Kênh Đại Tây Dương 1.

- Chúng ta kiếm được rồi, - Adams nói vào trong máy. - Chúng ta đã dò tìm ra kênh dẫn tới Rome.

- Kiếm cho tôi số máy và nơi đặt máy, - Keller nói với ông ta.

Tại Rome, Robert đưa mắt nhìn đồng hồ.

- Ngài đã trao cho tôi một nhiệm vụ. Tôi đã thực hiện nó.

- Ông thực hiện rất tốt, ông sĩ quan. Đây là điều tôi...

Đường dây vụt chết lặng.

Viên tướng quay sang Keller.

- Hắn lại cúp rồi.

Keller nói vào trong máy ông đã kiếm được chưa hả?

- Nhanh quá, thưa ông.

Robert bước vào buồng điện thoại tiếp theo và nhấc máy.

Giọng cô thư ký của tướng Hilliard xuất hiện trong máy nội bộ.

- Sĩ quan Bellamy trên đường dây số 1, thưa tướng quân.

Viên tướng quát lên:

- Tìm thằng chó đẻ ngay.

Ông ta nhấc máy:

- Ông sĩ quan hả.

- Tôi muốn ngài nghe: thưa tướng quân, và nghe một cách kỹ càng. Ngài vừa giết một số người vô tội. Nếu ngài không cho người của ngài lui ngay, tôi sẽ đến với giới báo chí và nói cho họ biết chuyện gì đang xảy ra.

- Tôi sẽ không khuyên ông làm như thế, trừ phi ông muốn bắt đầu một sự hoảng loạn trên toàn thế giới. Những sinh vật lạ kia là có thật và chúng ta bất lực trước họ. Họ đang sẵn sàng tiến hành các bước đi của họ. Ông không thể biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu những tin nầy lọt ra ngoài.

- Cả ngài cũng vậy thôi, - Bellamy vặn lại. - Tôi không để cho ngài có lựa chọn nào cả. Nếu như còn một vụ mưu sát đối với tôi, tôi sẽ cho công bố mọi chuyện.

- Thôi được, - Tướng Hilliard nói. - Ông thắng.

- Tôi sẽ huỷ bỏ. Tại sao lại không được nhỉ? Chúng ta có thể...

- Bộ máy dò tìm của ngài lúc nầy hẳn đang làm việc rất tốt, - Robert nói. - Chúc một ngày tốt đẹp.

Liên lạc bị cắt.

- Đã kiếm được chưa? - Keller quát vào trong máy.

- Gần tới, thưa ông. Hắn gọi từ một khu vực ở trung tâm Rome. Hắn đã liên tục thay máy gọi cho chúng ta. - Adams đáp.

Viên tướng nhìn sang Keller.

- Thế nào?

- Xin lỗi tướng quân. Chúng ta chỉ biết rằng ông ta đang ở đâu đó tại Rome. Ngài có tin lời đe doạ của ông ta không? Chúng ta có huỷ kế hoạch đối với ông ta không?

- Không. Chúng ta sẽ trừ khử hắn.

***

Robert rà lại những khả năng lựa chọn của mình.

Chúng thật là ít ỏi. Họ sẽ giám sát các sân bay, các nhà ga, các tuyến xe bus và các hăng cho thuê xe.

- Anh không thể thuê phòng ở khách sạn bởi vì SIFAR hẳn đã đưa ra các thông báo. Tuy nhiên, anh phải rời khỏi Rome. Anh cân có một vỏ bọc. Một người bạn đồng hành. Họ sẽ không để ý tới một người đàn ông và một người đàn bà đi cùng nhau. Đó là lúc bắt đầu.

Một chiếc taxi đang đỗ nơi góc phố, Robert vò rối mái tóc, kéo trễ cà vạt xuống, và đi loạng choạng như người say rượu đến bên chiếc taxi.

- Nầy, anh kia, - Anh gọi. - Anh kia.

Người lái xe nhìn anh vẻ khinh miệt.

Robert lôi ra một tờ 20 đô la và ấn nó vào tay người lái xe.

- Nầy anh bạn, tôi muốn cưỡi một chút. Anh có hiểu không hả? Anh có biết chút tiếng Anh nào không đấy?

Người lái xe nhìn tờ bạc.

- Ông muốn có một người đàn bà?

- Anh hiểu đúng đấy, anh bạn. Tôi muốn có một người đàn bà.

- Được thôi, Người lái xe nói.

Robert chui vào và xe chuyển bánh. Anh nhìn lại phía sau. Không có ai bám theo. Đầu óc anh căng thẳng.

Một nửa số các chính phủ trên thế giới nầy đang tìm kiếm anh". Và không có quyền chống án nào cả. Mệnh lệnh đối với họ là hạ sát anh.

Hai mươi phút sau, họ tới To di Ounto, một khu vực "đèn đỏ" của Rome, toàn đĩ điếm các loại. Họ chạy tiếp tới đường Archeologica, và người lái xe dừng lại ở đầu đường.

- Ông sẽ tìm thấy một người đàn bà ở đây, - anh ta nói.

- Cám ơn anh bạn. - Robert trả tiền theo số đo trên đồng hồ và loạng choạng ra khỏi xe. Nó lao đi với tiếng bánh xe rít lên.

Robert nhìn quanh, xem xét đường phố. Không có cảnh sát. Một vài chiếc xe và một vài người bộ hành.

Hơn một chục cô gái điếm đang đi lại trên phố.

Trên tinh thần "Hãy quây những đối tượng thường xuyên lại", cảnh sát cứ hai tháng một lần lại càn quét để làm hài lòng những tiếng nói đạo đức và đưa đĩ điếm từ phố Veneto đầy lộ liễu tới khu vực nầy, nơi họ sẽ không xúc phạm những bà quý phái ngồi uống trà ở tiệm Doney. Vì lý do đó, hầu hết các tiểu thư nầy đều rất hấp dẫn và ăn mặc tử tế. Có một cô làm cho Robert phải để ý.

Cô ta có vẻ mới ngoài hai mươi, mái tóc dài màu sẫm, mặc chiếc váy màu đen và chiếc áo khoác ngắn màu trắng dễ trông, và ngoài cùng là một cái áo khoác bằng lông lạc đà. Robert đoán cô ta là một diễn viên hoặc một người mẫu nghiệp dư. Cô ta đang nhìn Robert.

Robert loạng choạng lại gần cô ta.

- Chào cô bé, - anh lè nhè. Cô em có nói tiếng Anh được không?

- Có

- Tốt. Em và anh, chúng ta sẽ có một cuộc vui chứ.

Cô mỉm cười ngập ngừng. Những người say rượu có thể gây rắc rối.

- Có thể là ông nên tỉnh táo lại trước đã. - Cô ta có một giọng nói thật mềm mại.

- Nầy, anh đủ tỉnh táo đấy nhé! Ông sẽ phải trả đủ một trăm đôla.

- Được thôi, em yêu.

Cô ta có một quyết định trong đàu.

- Tốt. Nào đi. Có một khách sạn ngay đằng đầu phố.

- Tuyệt vời. Tên cô em là gì thế?

- Pier.

- Còn anh là Henry. - Một chiếc xe cảnh sát xuất hiện ở đằng xa, chạy lại phía họ. - Chúng ta hãy đi khỏi đây.

Hai người phụ nữ khác nhìn một cách ghen tị trong khi Pier và người khách Mỹ kéo nhau đi.

Khách sạn đó không phải là Hassler, nhưng thằng bé mặt đầy mụn ngồi ở cái bàn dưới nhà đã không đòi trình hộ chiếu. Thực tế, cậu ta chỉ hơi ngước nhìn lên lúc đưa chìa khoá cho Pier.

- Năm mươi ngàn lia.

Pier nhìn Robert. Anh lấy tiền đưa cho thằng bé.

Căn phòng mà họ đi vào có một cái gường lớn kê ở góc phòng, một cái bàn nhỏ, hai cái ghế gỗ và một cái gương treo phía trên bồn tắm. Có một cái mắc treo quần áo ở sau cánh tủ.

- Ông phải trả tiền trước.

- Tất nhiên. - Robert đếm ra một trăm đôla.

- Cám ơn.

Pier bắt đầu cởi váy áo. Robert bước đến bên cửa sổ. Anh gạt tấm rèm sang một bên và nhìn ra. Mọi thứ có vẻ bình thường. Anh hy vọng là cho đến lúc nầy cảnh sát đang bám theo chiếc xe tải màu đỏ trên đường trở về Pháp. Robert thả tấm rèm ra và quay lại Pier đã trần truồng. Cô có một thân thể đẹp đến ngạc nhiên. Đôi vú trẻ trung, chắc nịch, bộ mông tròn trặn, một cái eo nhỏ và cặp chân dài, thon thả.

Cô nhìn Robert.

- Sao ông không cởi quần áo ra, Henry?

- Đây là đoạn phải mẹo nói thật với cô, - Robert nói, - tôi nghĩ là tôi đã uống hơi nhiều một chút. Tôi không thể làm gì với cô được.

Cô ta nhìn anh với ánh mắt cảnh giác.

- Vậy sao ông lại...

- Nếu tôi ở lại đây và ngủ một chút, chúng ta có thể làm tình vào buổi sáng.

Cô nhún vai.

- Em còn phải làm việc. Em sẽ mất tiền.

- Không sao. Tôi sẽ lo chuyện đó. - Anh đếm ra mấy tờ một trăm đôla và đưa cho cô. - Như thế là đủ chứ?

Pier nhìn số tiền và tính toán trong đầu. Thật cám dỗ. Ngoài kia trời lạnh mà lại còn ế khách. Mặt khác người đàn ông nầy có điều gì đó rất lạ. Đầu tiên là thực ra anh ta có vẻ không say. Anh ta ăn mặc thật đẹp, và với ngần ẩy tiền, anh ta có thể thuê buồng cho họ ở một khách sạn tốt. Ô, Pier nghĩ, thì việc quái gì?

- Được Chỉ có mỗi cái giường nầy cho hai chúng ta thôi.

- Thế là tốt rồi.

Pier nhìn Robert lại bước đến bên cửa sổ và vén góc tấm rèm sang một bên.

- Ông đang tìm kiếm cái gì à?

- Có cửa sau ra khỏi khách sạn không?

Mình đang chui vào cái chuyện gì thế nầy? Pier băn khoăn. Người bạn thân nhất của cô đã bị bọn du đãng giết chết. Pier vẫn tự cho mình là hiểu cách xử sự của đàn ông, nhưng người nầy đã làm cho cô lúng túng. Anh ta có về không giống một tên tội phạm, thế nhưng vẫn...

- Vâng, có. - Cô ta đáp.

Có một tiếng thét đột ngột và Robert vội ngoái lại.

- Dio. Dio. Sono venuta tre volte. - Đó là một giọng nữ, từ phòng bên cạnh vẳng qua những bức tường giấy mỏng dính.

- Cái gì thế? - Tim Robert bắt đầu đập nhanh.

- Chị ta đang sung sướng. Chị ta nói rằng vừa có cơn khoái cảm lẩn thứ ba đấy. - Pier nhoẻn cười.

Robert nghe thấy tiếng giường cọt kẹt dữ đội.

- Ông sẽ đi ngủ chứ? Pier đứng đó, trần truồng nhìn anh, không hề ngượng ngập.

- Tất nhiên. - Robert ngồi xuống giường.

- Ông không cởi quần áo ra à?

- Không.

- Tuỳ ông thôi. - Pier đến bên giường và nằm xuống bên cạnh Robert. - Em mong là ông đừng ngáy, - Pier nói.

- Cô có thể nói với tôi về điều đó vào lúc sáng ra.

Robert không có ý định ngủ. Anh muốn kiểm tra đường phố trong đêm để tin chắc rằng họ đã không mò tới đây. Sau cùng thì họ cũng sẽ lần tới những khách sạn hạng ba nầy, nhưng nó cũng sẽ còn làm cho họ mất khối thời gian. Họ có quá nhiều chỗ phải để mắt tới trước đã. Anh nằm đó, cảm thấy xương cốt mỏi nhừ và nhắm mắt lại để nghỉ một chút. Anh thiếp đi. Anh đã trở về nhà, trong giường của mình và anh cảm thấy thân thể nóng ấm của Susan ở bên. Cô ấy đã trở về, anh sung sướng nghĩ. Cô ấy đã trở về với mình. Em yêu, anh nhớ em quá.

***

Ngày thứ mười bảy

Rome, Italia.

Robert thức giấc vì ánh nắng mặt trời soi vào mặt.

Anh bật ngồi dậy, hoảng hết nhìn quanh trong một giây ngỡ ngàng. Khi nhìn thấy Pier, trí nhớ lập tức trở lại. Anh nhẹ nhõm cả người. Pier đang đứng chải đầu trước gương.

- Chúc một ngày tốt đẹp. - Cô ta nói. - Không thấy ông ngáy.

Robert nhìn đồng hồ. 9 giờ sáng. Anh đã lãng phí những thời gian quý báu.

- Ông có muốn làm tình bây giờ không? Ông đã trả tiền mà.

- Thế nầy là được rồi. - Robert nói.

Pier vẫn trần truồng, đầy khêu gợi, bước lại bên giường - Thật không ông?

- Nếu như muốn thì tôi cũng không thể, cô gái ạ. Đúng thế.

- Cũng được. - Cô ta vừa mặc quần áo vừa hỏi với vẻ bình thản. - Susan là ai thế?

- Câu hỏi đó làm anh bị bất ngờ.

- Susan? Vì sao cô lại hỏi thế?

- Ông đã nói ra trong lúc ngủ.

- Anh nhớ lại giấc mơ của mình. Susan đã trở vể với anh. Có thể đó là một tín hiệu.

- Cô ấy là một người bạn.

Cô ấy là vợ tôi. Cô ấy sắp chán cái thằng cha Cái Túi tiền và một ngày nào đó sẽ trở về với tôi. Nghĩa là nếu như tôi còn sống được.

Robert bước đến bên cửa sổ. Anh vén tấm rèm và nhìn ra ngoài. Lúc nầy, đường phố đã đông đúc khách bộ hành và các cửa hàng cửa hiệu đã mở cửa. Không có dấu hiệu nguy hiểm nào.

Đã đến lúc bắt tay vào kế hoạch, anh quay lại cô gái.

- Pier, cô có thích có một chuyến đi nho nhỏ với tôi không?

Cô ta nhìn anh, nghi hoặc.

- Một chuyến đi. Đi đâu?

- Tôi phải đi Venice vì công việc, và tôi không thích đi một mình. Cô có thích Venice không?

- Có.

- Tốt. Tôi sẽ trả tiền cho thời gian của cô, và chúng ta sẽ có một kỳ nghỉ ngắn với nhau. - Anh lại chăm chú nhìn ra cửa sổ. - Tôi biết một khách sạn đáng yêu ở đó Khách sạn Cipriani.

Mấy năm trước, anh và Susan đã ở tại khách sạn Hoàng gia Danieli, sau anh đã có lần trở lại và thấy nó xuống cấp nghiêm trọng, còn giường mềm thì không thể chịu nổi. Điều duy nhất còn lại của những gì hấp dẫn trước đó là Luciano, ngồi tại quầy tiếp tân.

- Ông sẽ phải trả một nghìn đôla một ngày. - Dù trong lòng cô sẵn sàng chấp nhận với cái giá năm trăm.

- Đồng ý. - Robert nói. Anh đếm ra hai ngàn đôla - Ta hãy bắt đầu thế nầy nhé.

Piér lưỡng lự. Cô ta đã linh cảm thấy rằng có chuyện gì đó Nhưng người ta đã hoãn lại việc khởi sự quay bộ phim mà cô được hứa cho một vai phụ trong đó, và cô lại cần tiền. "Đồng ý," cô ta nói.

- Chúng ta đi nào.

Dưới nhà, Pier thấy anh quan sát đường phố thận trọng trước khi bước ra vẫy một chiếc taxi. Ông ta là mục tiêu của một kẻ nào đó, Pier nghĩ, mình phải thôi vụ nầy mới được.

- Nầy, - Pier nói. - Tôi không chắc là tôi có thể đi Venice với ông được. Tôi...

- Chúng ta sẽ có một khoảng thời gian thú vị mà, Robert nói.

Thẳng ngay bên kia phố, anh nhìn thấy một tiệm kim hoàn. Anh nắm lấy tay Pier.

Đi nào. Tôi sẽ kiếm cho cô một cái gì đó thật đẹp.

- Nhưng.

Anh dẫn cô băng qua đường vào cửa hàng trang sức. Người bán hàng đứng sau quầy nói:

- Xin chào, thưa ông. Tôi có thể giúp ông ạ?

- Phải, - Robert nói. - Chúng tôi muốn tìm kiếm một thử gì đó đáng yêu cho tiểu thư đây. Em có thích ngọc lục bảo không?

- Em, có.

- Anh có một cái vòng lục bảo nào không? - Robert nói với người bán hàng.

- Có thưa ông. Tôi có một cái vòng lục bảo rất đẹp Anh ta bước lại bên một cái tủ và lấy nó ra. - Đây là cái đẹp nhất của chúng tôi. Mười lăm ngàn đôla.

- Em có thích nó không? - Robert nhìn Pier.

Không nói nên lời, cô gật đầu.

- Chúng tôi sẽ lấy. - Robert nói. Anh đưa cho người bán hàng tấm thẻ tín dụng ONI của anh.

- Xin chờ một phút. - Người bán hàng đi vào một phòng ở phía sau. Khi trở ra, anh ta nói. - Tôi sẽ gói nó lại cho ông, hay...

- Không cô bạn tôi sẽ đeo nó. - Robert nói và lồng nó vào cổ tay Pier. Cô ta nhìn nó chằm chằm, sững sờ.

- Trông nó sẽ đẹp hơn ở Venice, có phải thế không? - Robert nói với cô ta.

Pier ngẩng lên mỉm cười với anh.

- Rất đẹp.

Khi họ đã ra ngoài phố, Pier nói:

- Em... em không biết phải cảm ơn anh thế nào.

- Tôi chỉ muốn cô vui, - Rỏbert nói. Cô có xe không?

- Không. Em từng có một chiếc xe cũ, nhưng nó đã bị đánh cắp.

- Cô vẫn có bằng lái xe chứ?

- Vâng, nhưng mà không có xe thì cái bằng nào có ích gì? - Cô nhìn anh ngạc nhiên.

- Rồi cô sẽ thấy. Chúng ta hây đi khỏi đây.

- Anh vẫy một chiếc taxi.

- Đến phố Po.

Cô ta ngồi trong taxi, quan sát anh. Sao ông ta lại muốn có cô đi cùng đến thế nhỉ? Thậm chí ông ta đã không sờ đến cô. Có thể ông ta...?

- Dừng lại. - Robert kêu người lái xe. Họ đang ở cách Hãng cho thuê xe ô tô Maggiore chừng một trăm mét.

- Ta sẽ xuống đây. - Robert nói với Pier. Anh trả tiền tắcxi và chờ cho nó đi khuất. Anh đưa cho Pier một xấp tiền dầy. - Tôi muốn cô thuê một chiếc xe cho chúng ta. Hãy hỏi lấy một chiếc Fiat hoặc một chiếc Alfa Romeo. Hãy nói với họ là chúng ta sẽ dùng trong bốn hoặc năm ngày. Chỗ tiền nầy đủ cho khoản trả trước. Hãy thuê nó bằng tên của cô. Tôi sẽ chờ ở cái quán đôl diện bên nầy đường.

Cách đấy không đầy tám dẫy phố, hai thám tử đang tra xét người tài xế bất hạnh của chiếc xe tải màu đỏ mang biển số Pháp.

- Tôi không biết gì hết. Tôi không hiểu thế quái nào mà cái thẻ kia lại có trên thùng xe của tôi. - Người lái xe kêu lên. - Hẳn là một gã Italia điên khùng nào đó đã làm chuyện nầy.

Hai thám tử nhìn nhau. Một trong hai người nói:

- Tôi sẽ gọi điện báo cáo về việc nầy.

***

Francesco Cesar ngồi trước bàn làm việc, ngẫm nghĩ về những diễn biến mới nhất. Thoạt đầu, công việc có vẻ thật đơn giản. "Các ngài sẽ tìm được hắn ta không chút khó khăn gì. Vào lức thích hợp, chúng tôi sẽ cho cái thiết bị phát tín hiệu kia hoạt động, và nó sẽ dẫn các ngài tới thẳng chỗ hắn". Rõ ràng là ai đó đã đánh giá thấp sĩ quan chỉ huy Bellamy.

Đại tá Frank Johnson đang ngồi trong văn phòng tướng Hilliard, vóc người to lớn của ông ta choán hết cả cái ghế.

Chúng ta đã dùng tới một nửa số nhân viên ở châu Âu để săn lùng hắn. - Tướng Hilliard nói. - Cho tới nay thì họ vẫn chưa gặp may.

- Chỉ may mắn cũng không đủ. - Đại tá Johnson nói. - Bellamy rất cừ.

- Chúng ta biết hắn hiện ở Rome. Thằng chó đẻ đó đã mua một cái vòng với giá mười lăm ngàn đôla.

- Chúng ta đã vây chặt hắn. Hắn không có lối nào để thoát khỏi Italia hết. Chúng ta biết cái tên, đang dùng trên hộ chiếu của hắn - Arthur Butterfield.

Đại tá Johnson lắc đầu.

- Nếu tôi không nhầm về Bellamy thì ngài không thể có một manh mối gì về cái tên mà anh ta đang dùng. Điều duy nhất ngài có thể chắc chắn là Bellamy sẽ không làm điều mà ngài tin rằng anh ta sẽ làm. Chúng ta đang săn đuổi một người ngang tầm với người giỏi nhất trong nghề. Có thể là còn hơn thế. Nếu có nơi nào để thoát, Bellamy sẽ chạy đến đó. Nếu có nơi nào để ẩn náu, Bellamy sẽ ẩn náu ở đó. Tôi nghĩ cách tốt nhất cho chúng ta là đưa anh ta ra công khai, để phát hiện. Cho đến lúc nầy, anh đã đang khống chế tất cả các bước đi. Chúng ta phải dành quyền chủ động khỏi tay anh ta.

- Ý ông nỏi là công bố à? Trao cho báo chí à?

- Đúng vậy!

- Chuyện đó sẽ rất nhạy cảm: Chúng ta không thể chấp nhận việc bị lộ mặt.

Tướng Hillard bặm môi.

- Chúng ta sẽ không phải bộc lộ mình. Chúng ta sẽ đưa ra một thông báo, rằng anh ta bị truy nã về tội buôn lậu ma tuý. Với cách đó, chúng ta có thể đưa Tổ chức Cảnh sát Quốc tế và tất cả các cơ quan cảnh sát ở châu Âu vào cuộc mà không hề lộ ra bàn tay của chúng ta.

Tướng Hilliard ngẫm nghĩ một lát.

- Tôi thích ý kiến đó.

- Tốt quá. Tôi sẽ đi Rome. - Đại tá Johnson nói. - Tôi sẽ đích thân phụ trách cuộc săn lùng nầy.

Khi đại tá Frank Johnson trở về văn phòng riêng, ông tỏ ra trầm tư hẳn. Không còn nghi ngờ gì nữa.

Ông phải tìm cho được sĩ quan chỉ huy Bellamy.

Robert nghe tiếng chuông điện thoại réo mãi. Lúc nầy là 6 giờ sáng ở Washington. Mình luôn luôn đánh thức ông già dậy sớm, Robert nghĩ.

Sau hồi chuông thứ sáu thì vị đô đốc trả lời máy.

- Hello.

- Thưa đô đốc, tôi Robert.

- Cái gì...

- Đừng nói gì cả. Điện thoại của ngài có thể bị gắn máy nghe trộm. Tôi sẽ nói rất nhanh thôi. Tôi muốn nói với ngài đừng tin vào bất kỳ điều gì họ nói về tôi. Tôi muốn ngài cố tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Sau nầy có thể tôi cần tới sự giúp đỡ của ngài.

- Tất nhiên. Bất kỳ việc gì mà tôi có thể làm được, Robert.

- Tôi biết. Tôi sẽ gọi lại cho ngài sau.

Robert gác máy. Không đủ thời gian để bị dò tìm.

- Anh nhìn thấy một chiếc Fiat màu xanh dừng lại bên ngoài quán. Pier ngồi sau tay lái.

- Ngồi sang bên đi. - Robert nói. - Tôi sẽ lái.

- Pier nhường chỗ cho anh.

- Chúng ta lên đường đi Venice chứ? - Pier nói.

- Hừm. Chúng ta phải dừng lại một vài nơi trước đã. Đã đến lúc rải xung quanh một vài dấu vết giả.

Phía trước là Hãng dịch vụ du lịch Rossini. Robert dừng xe lại. - Tôi sẽ trở ra sau một phút thôi.

Pier nhìn theo anh đi vào trong hãng. Mình có thể cứ lái xe đi, cô ta nghĩ, và cầm khoản tiền, ông ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy mình cả. Nhưng cái xe khốn kiếp nầy lại được thuê theo tên mình. khốn kiếp.

Bên trong trụ sở hãng, Robert bước đến chỗ người phụ nữ ngồi sau quầy.

- Xin chào. Tôi có thể giúp ông ạ?

- Phải. Tôi là Robert Bellamy. Tôi muốn đi du lịch. - Robert nói với chị ta. - Tôi muốn đăng ký trước.

Đó chính là công việc của chúng tôi, thưa ông.

- Ông định đi đâu? - Chị ta mỉm cười.

- Tôi muốn có một vé máy bay hạng nhất đi Bắc Kinh, vé một chiều.

Chị ta ghi điều đó.

- Và khi nào ông muốn lên đường.

- Thứ sáu nầy.

- Rất được. - Chị ta ấn mấy phím bấn trên một chiếc máy tính. Có một chuyến bay của Hãng hàng không Trung Quốc khởi hành lúc 7 giờ 40 tối thứ sáu.

- Rất tốt.

Chị ta ấn mấy phím nữa.

- Đây! Sự đặt vé trước của ông đã được xác nhận.

- Sẽ trả tiền mặt hay...?

- Ồ tôi chưa xong. Tôi muốn đặt một vé xe lửa đi Buđapest.

- Và vào lúc nào vậy, thưa ông?

- Thứ hai tới.

- Và tên hành khách?

- Cùng tên.

- Ông bay đi Bắc Kinh vào thứ sáu và... - Chị ta lạnh lùng nhìn anh.

- Tôi chưa xong đâu, - Robert lịch thiệp nói. - Tôi muốn có một vé máy bay một chiều đi Miami, Florida vào chủ nhật.

Lúc nầy thì chị ta trợn tròn mắt nhìn anh.

- Thưa ông, nếu như đây là một kiểu?...

Robert rút tấm thẻ tín dụng ONI của anh ra và trao nó cho chị ta.

- Hãy tính tiền vé vào tấm thẻ nầy.

Chị ta nhìn nó một thoáng.

- Xin lỗi. - Chị ta đi vào trong một phòng ở phía sau và trở ra sau vài phút. - Hoàn toàn được. Chúng tôi sẽ vui lòng thu xếp tất cả. Ông muốn tất cả vé đều cùng một tên phải không ạ?

- Phải. Sĩ quan chỉ huy Bellamy.

- Rất tốt.

Robert nhìn chị ta ấn thêm những phím bấm trên máy tính. Một phút sau, ba chiếc vé xuất hiện. Chị ta xé chúng khỏi chiếc máy in.

- Xin cho những chiếc vé vào từng phong bì một. - Robert nói.

- Tất nhiên. Ông có muốn tôi sẽ gửi chúng đến...?

- Tôi sẽ mang chúng đi luôn.

- Vâng, thưa ông.

Robert ký phiếu thanh toán bằng thẻ tín dụng và chị ta đưa cho anh hoá đơn.

- Xin chào ông. Chúc một chuyến đi, những chuyến đi ạ!

- Cám ơn. - Robert mỉm cười.

Một phút sau anh đã ngồi sau tay lái.

- Bây giờ chúng ta đi chứ? - Pier hỏi.

Chúng ta còn phải dừng ở một vài nơi nữa, - Robert nói.

Pier nhìn anh cẩn thận quan sát đường phố trước khi cho xe chuyển bánh.

- Tôi muốn nhờ cô giúp cho một việc. - Robert nói với cô ta.

Bây giờ bắt đầu có chuyện đó, Pier nghĩ. Ông ta sẽ đòi mình làm điều gì đó khủng khiếp.

- Việc gì ạ? Cô ta hỏi.

Họ đã dừng lại trước khách sạn Victoria. Robert trao cho Pier một chiếc phong bì.

- Tôi muốn cô vào thuê một phòng hạng nhất với tên sĩ quan Robert Bellamy. Nói với họ rằng cô là thư ký của ông ấy và ông ấy sẽ đến sau một tiếng, nhưng cô muốn lên xem phòng trước. Khi vào trong phòng rồi thì để phong bì lại trên một cái bàn nào đó trong phòng.

- Có thế thôi à? - Cô ta nhìn anh ngạc nhiên.

Phải.

- Được.

Thật không thể hiểu người đàn ông nầy. Cô ta muốn biết cái người Mỹ điên khùng nầy đang làm gì. Và sĩ quan Robert Bellamy là ai?

Pier ra khỏi xe và đi vào trong tiền sảnh khách sạn. Cô ta hơi lo lắng. Trong quá trình hành nghề, cô đã bị ném ra khỏi một vài khách sạn hạng nhất. Thế nhưng người nhân viên ngồi sau bàn đã chào cô một cách tử tế.

- Tôi có thể giúp cô, thưa tiểu thư?

- Tôi là thư ký của sĩ quan Robert Bellamy. Tôi muốn thuê một phòng hạng nhất cho ông ấy. Ông ấy sẽ có mặt ở đây sau một giờ.

Người nhân viên xem tấm sơ đồ phòng.

- Đúng là tôi còn một phòng hạng nhất rất đẹp.

- Xin cho tôi xem qua được không?

- Tất nhiên. Tôi sẽ cho người đưa cô lên.

Một viên phó quản lý đưa Pier lên gác. Họ bước vào căn phòng khách của khu phòng và Pier nhìn quanh.

- Cô hài lòng chứ, thưa cô?

Pier không hề biết tí gì về những việc thế nầy.

- Được thế nầy là được. - Cô ta lấy chiếc phong bì ra khỏi ví và đặt nó lên chiếc bàn uống cà phê. - Tôi sẽ để cái nầy lại cho ông sĩ quan. - Cô ta nói.

- Được.

Pier không ngăn nổi tò mò. Cô ta mở chiếc phong bì. Trong đó là một chiếc vé máy bay một chiều đi Bắc Kinh với cái tên sĩ quan Robert Bellamy. Pier bỏ tấm vé vào trong phong bì, để nó lên trên bàn và đi xuống gác.

Chiếc Fiat màu xanh đỗ trước cửa khách sạn.

- Có chuyện gì không hả?

- Không.

- Chúng ta phải dừng ở hai nơi nữa, và rồi chúng ta sẽ lên đường. - Robert vui vẻ nói.

Chỗ dừng tiếp theo là khách sạn Valadier. Robert trao một chiếc phong bì khác cho Pier.

- Tôi muốn cô đặt trước một phòng ở đây cho cái tên sĩ quan Robert Bellamy. Nói với họ là ông ấy sẽ đến làm thủ tục trong vòng một giờ. Rồi...

- Tôi để cái phong bì nầy lại trên phòng.

- Đúng.

Lần nầy, Pier đi vào khách sạn tự tin hơn. Phải cư xử như một tiểu thư, cô nghi. Người ta cần phải có một thái độ đàng hoàng. Đó chính là cái bí quyết khốn nạn.

Còn một phòng trống ở khách sạn nầy.

- Tôi muốn xem qua nó. - Pier nói.

Một viên phó quản lý đưa Pier lên gác.

- Đó là một trong những phòng đẹp nhất của khách sạn chúng tôi.

Căn phòng đẹp thật.

- Tôi cho là cũng được. Ông sĩ quan là người rất đặc biệt, ông phải biết thế. - Pier nói vẻ kiêu kỳ.

Cô ta lấy cái phong bì thứ hai ra, mở phong bì vào nhìn vào bên trong, Nó đựng một cái vé xe lửa đi Buđapest mang tên sĩ quan Robert Bellamy. Pier nhìn chằm chằm vào tấm vé, bối rối. Cái trò gì thế nầy nhỉ? Cô ta để lại tấm vé trên chiếc bàn cạnh giường.

- Thế nào? - Khi Pier xuống xe, Robert hỏi.

- Tốt cả.

Nơi dừng cuối cùng nhé.

Lần nầy là khách sạn Leonardo da Vinci. Robert trao cho Pier cái phong bì thứ ba.

- Tôi muốn cô...

- Em biết.

Bên trong khách sạn, một nhân viên nói:

- Vâng, đúng là chúng tôi còn một phòng hạng nhất rất tốt, thưa tiểu thư. Cô nói là khi nào thì ông sĩ quan sẽ đến nhỉ?

- Sau một giờ. Tôi muốn kiểm tra căn phòng trước xem có được không?

- Tất nhiên rồi, thưa cô.

Khu phòng nầy còn sang trọng hơn cả hai khu phòng trước. Viên phó quản lý cho cô xem phòng ngủ rộng rãi với một cái giường có trướng phủ ở giữa phòng.

Thật là một sự lãng phí, Pier nghĩ. Một đêm nghỉ ở đây đối với mình là cả một gia tài. Cô lấy ra chiếc phong bì thứ ba và ngó vào trong. Nó chứa một vé máy bay đi Miami, Florida. Pier để chiếc phong bì lên trên giường.

Viên phó quản lý đưa Pier trở lại phòng khách.

- Chúng tôi có ti vi màu, - Ông ta bước lại gần chiếc ti vi và bật nó lên. Một tấm ảnh của Robert hiện lên trên màn hình. Giọng người phát thanh viên đang nói: "... và Cảnh sát Quốc tế tin rằng hiện hắn đang ở Rome. Hắn ta bị truy nã để thẩm vấn về một đường dây buôn lậu ma tuý quốc tế. Đây là Bernard Shaw của chương trình thời sự CNN". Pier nhìn chòng chọc vào màn hình ti-vi, chết sững.

Tất cả đều đáng hài lòng chứ ạ? - Viên phó quản lý tắt máy.

- Vâng, - Pier chậm chạp đáp. Một tên buôn lậu ma tuý.

- Chúng tôi mong chờ được tiểp đón ông sĩ quan.

Khi Pier ngồi vào trong xe cùng với Robert, cô đã nhìn anh với cặp mắt khác.

- Giờ thì chúng ta sẵn sàng lên đường rồi. - Robert mỉm cười.

Tại khách sạn Victoria, một người đàn ông trong một bộ complê màu sẫm đang xem xét danh sách đăng ký khách. Anh ta ngẩng lên nhìn người nhân viên.

- Sĩ quan Bellamy làm thủ tục thuê phòng lúc mấy giờ?

Ông ta chưa đến đây. Cô thư ký của ông ta đặt buồng. Cô ta nói ông ta sẽ có mặt trong vòng một giờ.

Người đàn ông quay sang nhìn người đi cùng với anh ta.

Cho kiểm tra toàn bộ khách sạn. Lấy thêm lực lượng. Tôi sẽ chờ ở trên gác. - Anh ta quay sang người nhân viên. - Mở khoá phòng cho tôi.

Cửa mở ra. Người đàn ông mặc complê màu sẫm di chuyển một cách thận trọng, súng cầm tay. Khu phòng trống không.

- Anh ta nhìn cái phong bì ở trên bàn và nhặt nó lên. Ngoài phong bì ghi: "Sĩ quan Robert Bellamy".

Anh ta mở phong bì và liếc nhìn vào bên trong. Một tích tắc sau, anh ta đã quay số gọi về trụ sở SIFAR.

Francesco Cesar đang họp dở chừng với đại tá Frank Johnson. Trước đó hai tiếng đồng hồ, đại tá Johnson đã hạ cánh xuống sân bay Leonardo da Vinci nhưng ông ta không hề tỏ ra mệt mỏi.

Theo chỗ chúng ta biết, - Cesar đang nói, Bellamy vẫn còn ở Rome. Chúng ta đã có hơn 30 báo cáo về những dấu vết của anh ta.

- Có xác minh được gì không?

- Không.

Điện thoại réo vang.

- Thưa đại tá, đây là Luigi. - Giọng nói trong điện thoại vang lên. - Chúng tôi đã kiếm được hắn rồi. Tôi đang ở trong khu phòng của hắn ta tại khách sạn Victori ạ. Tôi có tấm vé máy bay đi Bắc Kinh của hắn. Hắn sẽ đi vào ngày thứ sáu.

Cesar cất giọng đầy hồi hộp.

- Tốt. Cứ ở đó. Chúng tôi sẽ đến ngay.

Ông ta gác máy và quay sang đại tá Johnson.

- Thưa đại tá, tôi e rằng chuyến đi của ông thật phí công. Chúng tôi đã tóm được hắn. Hắn đã đăng ký thuê phòng tại khách sạn Victoria. Họ tìm thấy một chiếc vé máy bay mang tên hắn, đi Bắc Kinh vào ngày thứ sáu.

Bellamy dùng tên anh ta để đăng ký thuê phòng khách sạn ư? Đại tá Johnson ôn hoà nói.

- Phải.

- Và vé máy bay cũng mang tên anh ta hả?

- Phải. Đại tá Cesar đứng dậy. - Chúng ta hãy cùng tới đó.

- Đừng để phí thời gian của ông. - Đại tá Johnson lắc đầu - Cái gì hả?

- Béllamy sẽ không bao giờ...

Điện thoại lại réo vang. Cesar chộp máy. Một giọng nói vang lên:

- Đại tá phải không? Đây là Mario. Chúng tôi đã phát hiện Bellamy. Hắn ta ở khách sạn Valadier.

- Hắn ta sẽ đi tàu hoả tới Buđapest vào ngày thứ hai.

- Ngài muốn chúng tôi làm gì?

- Tôi sẽ liên lạc lại với anh. - Đại tá Cesar nói.

Ông ta quay sang nhìn đại tá Johnson.

- Họ tìm thấy một vé xe lửa đi Buđapest mang tên Bellamy. Tôi không hiểu cái gì...

- Điện thoại lại đổ chuông.

- Hả? - Giọng ông ta gay gắt hơn.

- Đây là Bruno. Chúng tôi đã phát hiện ra Bellamy. Hắn đặt phòng tại khách sạn Leonardo da Vinci. Hắn ta sẽ bay đi Miami vào chủ nhật. Tôi sẽ phải...

- Trở về đây. - Cesar quát lên. Ông ta dập mạnh máy xuống - Hắn giở trò gì vậy?

Đại tá Johnson nói một cách quả quyết.

- Anh ta đang lo liệu để ông phung phí nhân lực của ông, có phải thế không nào?

- Chúng ta làm gì bây giờ hả?

- Chúng ta bẫy thằng chó đẻ đó.

***

Họ đang chạy trên đường Cassia, gần Logiata, hướng tới Venice ở phía bắc.

Cảnh sát hẳn đang bịt mọi ngả đường chính dẫn khỏi Italia, nhưng chắc họ đợi anh về phía tây, để sang Pháp hoặc Thuỵ Sĩ. Từ Venice, Robert nghĩ, mình có thể đi xuồng máy cao tốc tới Trièste và tìm đường đến Áo. Sau đó...

Tiếng Pier cắt ngang những suy nghĩ của anh.

- Em đói.

- Cái gì?

- Chúng ta chưa hề ăn sáng hoặc ăn trưa.

- Tôi xin lỗi. - Robert nói. Anh đã quá mải nghĩ ngợi mà quên cả chuyện ăn uống. - Chúng ta sẽ dừng ở tiệm ăn tới nhé.

Pier quan sát anh trong lúc lái xe. Cô chưa bao giờ thấy khó xử đến thế. Cô sống trong một thế giới của đám ma cô và kẻ cắp và những kẻ buôn bán ma tuý. Người đàn ông nầy khỏng giống như một tội phạm.

Họ dừng lại một thị trấn bên đường, trước một tiệm ăn nhỏ. Robert lái xe vào khu đậu xe và anh cùng Pier rời khỏi xe.

Cái tiệm ăn đầy kín những khách quen và ồn ào với những câu chuyện và tiếng bát đĩa loảng xoảng.

Robert tìm một cái bàn ở sát tường và ngồi xuống chiếc ghế nhìn ra cửa ra vào. Một người hầu bàn đi đến và đưa cho họ thực đơn.

Robert nghĩ: Lúc nầy hẳn Susan đang ở trên thuyền rồi. Đây có thể là lần cuối cùng mình có thể nói chuyện với cô ấy.

- Cô xem thực đơn đi. - Robert đứng dậy. - Tôi sẽ quay lại ngay thôi.

Pier nhìn theo anh đi ra một máy điện thoại công cộng chỗ gần bàn của họ.

- Anh bỏ một đồng tiển xu vào trong máy.

- Tôi muốn nói với tổng đài hàng hải ở Gibralta.

- Cám ơn.

Ông ta gọi cho ai ở Gibralta nhỉ? Pier tò mò. Phải chăng đó là lối thoát của ông ta?

- Xin chào, tôi muốn gọi chiếc du thuyền Mỹ, Thanh Bình, ngoài khơi Gibralta, tính tiền ở đó. Whisky Sugar 337. Cảm ơn.

Những nhân viên tổng đài trao đổi với nhau trong một vài phút và anh được chấp nhận.

Robert nghe thấy tiếng Susan trên máy.

- Susan.

- Robert. Anh khoẻ không?

- Khoẻ. Anh chỉ muốn nói với em...

- Em biết anh muốn nói gì. Điều đó được nói đầy trên đài và trên tivi. Vì sao mà Cảnh sát Quốc tế lại truy lùng anh hả?

- Đó là một câu chuyện dài.

- Anh cứ nói. Em muốn biết.

Anh lưỡng lự.

- Đó là chuyện chính trị, Susan. Anh có bằng chứng là một số chính phủ đang cố bưng bít mọi chuyện quan trọng. Vì thế mà Cảnh sát Quốc tế truy lùng anh đấy.

Pier chăm chú nghe phần cuối cuộc nói chuyện của Robert.

- Em có thể làm gì để giúp anh hả?

- Không có gì cả, em yêu ạ. Anh gọi lại để được nghe thấy tiếng em một lần nữa trong trường hợp trong trường hợp anh không thoát khỏi được chuyện nầy.

- Đừng nói thế. - Trong giọng cô có vẻ hoảng sợ. - Anh có thể nói với em anh đang ở nước nào không"

- Italia.

Một thoáng im lặng ngắn.

- Được. Bọn em không ở xa anh lắm. Bọn em ở ngay ngoài khơi Gibralta mà, bọn em có thể đón anh ở bất kỳ chỗ nào anh muốn.

- Không, anh...

- Hãy nghe em. Đó có thể là cơ hội thoát duy nhất của anh.

- Anh không thể để em làm điều đó, Susan ạ. Em sẽ gặp nguy hiểm.

Monte bước vào trong phòng đúng lúc có thể nghe được một phần câu chuyện.

- Để anh nói chuyện với anh ta.

- Chờ một phút, Robert, Monte muốn nói chuyện với anh đấy.

- Susan, anh không...

- Robert, tôi hiểu là anh đang gặp khó khăn nghiêm trọng. - Giọng Monte xuất hiện trên máy.

- Anh có thể cho như vậy. Điều dối trá nhất trong năm.

- Chúng tôi muốn giúp anh thoát ra. Họ sẽ không tìm kiếm anh trên một chiếc du thuyền. Vì sao anh lại không để chúng tôi đón anh nhỉ?

- Monte, cảm ơn, tôi cảm ơn chuyện đó. Câu trả lời là không.

- Tôi nghĩ là anh đang mắc một sai lầm. Ở đây, anh sẽ an toàn.

Vì sao hắn lại sốt sắng giúp đỡ thế cơ chứ.

- Dù sao chăng nữa thì cũng xin cảm ơn. Tôi sẽ lo chuyện của tôi. Tôi muốn được nói chuyện tiếp với Susan.

- Được thôi. - Monte Banks trao lại máy cho Susan. - Hãy thuyết phục hắn. - Anh ta khuyến khích cô.

- Xin để bọn em giúp anh. - Cô nói vào trong máy.

- Em đã giúp anh rồi, Susan. - Anh phải ngưng lời trong một thoáng. - Em là phần tốt đẹp nhất trong đời anh. Anh chỉ muốn em biết rằng anh sẽ luôn luôn yêu em. - Mặc dù luôn luôn có thể không còn là chuyện gì to tát nữa.

- Anh sẽ còn gọi cho em chứ?

- Nếu như anh có thể.

- Hứa với em đi.

- Thôi được. Anh hứa.

Anh chậm chạp gác máy. Vì sao mình lại làm điều đó đối với cô ấy? Vì sao mình làm điều đó đối với chính mình? Bellamy, mầy là một thằng ngốc đa cảm.

Anh đi trở lại bàn.

- Chúng ta ăn thôi. - Robert nói. Họ gọi đồ ăn.

- Em nghe thấy câu chuyện của ông. Cảnh sát đang truy tìm ông, có phải không?

Robert giật mình. Bất cẩn quá. Cô ta sẽ trở thành điều rắc rối.

- Đó là chuyện hiểu lầm một chút. Tôi...

- Đừng làm em như một con ngốc. Em muốn giúp ông.

- Vì sao cô lại muốn giúp tôi? - Anh nhìn cô một cách cảnh giác.

Pier nhoài người về phía trước.

- Bởi vì ông thật hào phóng với em. Và em ghét cảnh sát. Ông không biết cái cảnh em đứng đường thế nào, bị bọn chúng săn đuổi và coi như rác rưởi. Chúng bắt em vì tội bán dâm nhưng chúng mang em vào những phòng kín của chúng và truyền tay nhau chơi. Chúng là đồ súc vật. Em sẽ làm bất kỳ điều gì để có thể trả thù bọn chúng. Bất kỳ điều gì mà em có thể giúp được ông.

- Pier, không có điều gì cô...

- Cảnh sát có thể bắt được ông một cách dễ dàng ở Venice. Nếu ông ở một khách sạn, họ có thể tìm được ông. Nếu ông tìm cách lên một con tàu, họ sẽ đón bẫy ông. Nhưng em biết một chỗ mà ông sẽ an toàn trước bọn họ. Mẹ và em em sống ở Naples. Chúng ta có thể đến đấy. Cảnh sát sẽ không bao giờ tìm kiếm ông ở đó cả.

Robert im lặng một lát, ngẫm nghĩ. Điều Pier nói hoàn toàn có ý nghĩa. Một ngôi nhà tư sẽ an toàn hơn bất kỳ nơi nào khác, và Naples là một thành phố cảng lớn. Từ đó có thể dễ dàng kiếm được một con tàu. Anh ngập ngừng trước khi trả lời. Anh không muốn mang lại nguy hiểm cho Pier.

- Pier, nếu cảnh sát tìm thấy tôi, họ sẽ hạ sát tôi theo mệnh lệnh. Cô sẽ bị coi như một tòng phạm. Cô có thể là đang tự đẩy mình vào chuyện rắc rối đấy.

- Điều đó thật đơn giản. - Pier mỉm cười. - Chúng ta sẽ không để cho họ tìm thấy.

Robert mỉm cười đáp lại nụ cười của cô ta. Anh có một quyết định trong đầu.

- Được. Ăn cho xong đi. Chúng ta sẽ đi Naples.

***

- Người của ông không biết anh ta đi về hướng nào phải không? - Đại tá Frank Johnson nói.

- Lúc nầy thì không. Nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian, trước khi... - Francesco Cesar thở dài.

- Chúng ta không có thời gian. Ông đã xác minh về nơi ở hiện nay của người vợ cũ của anh ta chưa đấy?

- Vợ cũ của anh ta à? Chưa. Tôi không cho rằng...

- Vậy là ông chưa làm bài tập rồi. - Đại tá Johnson quát lên. - Cô ta đã cưới một người đàn ông tên là Monte Banks. Tôi đề nghị ông tìm kiếm họ ngay.

Nhanh lên.

Cô lang thang dọc theo các đường phố lớn, dường như không biết là mình đang đi đâu. Từ cái vụ tai nạn khủng khiếp đó đã bao nhiêu ngày rồi nhỉ?

Cô không đếm được nữa. Cô mệt mỏi đến mức khó khăn lắm mới nghỉ ngơi được. Cô khát nước một cách khủng khiếp, nhưng không phải là thứ nước bị ô nhiễm mà những người trái đất vẫn uống, mà phải là nước mưa trong sạch. Cô cần có thứ chất lỏng tinh khiết để phục hồi sự sống trong cô, để có lại sức khoẻ mà tìm lại cái bộ phận tinh tế trong cái máy phát. Cô đang đuối sức.

Cô bước loạng choạng và đâm sầm vào một người đàn ông.

- Ô. Nhìn xem. - Người chào hàng Mỹ nhìn cô kỹ hơn và mỉm cười. - Xin chào. Không ngờ lại đụng vào cô như thế nầy.

Một con búp bê tuyệt vời làm sao vâng, có gì mà không ngờ.

- Cô từ đâu tới cô bé?

- Hệ mặt trời thứ bảy của các thiên hà.

- Tôi thích những cô gái hài hước. Cô đang đi đâu thế? - Ông ta cười phá lên.

- Tôi không biết. - Cô lắc đầu. - Ở đây, tôi là một người lạ.

- Cô đã ăn tối chưa? Lạy chúa, mình nghĩ mình đang gặp may đây.

- Chưa. Tôi không thể ăn được đồ ăn của các vị.

Mình đã vớ phải một người kỳ quặc thật sự đây. Nhưng là một người đẹp.

- Cô đang ở đâu?

- Tôi chẳng ở đâu cả.

- Cô không ở cả khách sạn à?

Một khách sạn ư? - Cô đã nhớ. Những cái hộp cho lữ khách.

- Không. Tôi phải tìm một nơi nào đó để ngủ. Tôi rất mệt.

Ông ta ngoác mồm cười.

- Ồ tôi có thể lo chuyện đó. Sao cô không lên phòng khách sạn của tôi nhỉ? Ở đó có một cái giường to đẹp và tiện nghi. Em có thích thế không?

- Ồ, có rất thích.

- Tuyệt. - Ông ta không dám tin vào vận may của mình. Mình cam đoan là cô ta sẽ tuyệt vời trong chuyện ái ân cho mà xem.

- Giường của ông chuyên dành cho việc ái ân à? - Cô nhìn ông ta ngạc nhiên.

- Cái gì? Không, không. Cô thật thích đùa, có phải thế không hả? - Ông ta trố mắt nhìn cô.

- Chúng ta có thể đi ngủ bây giờ được không? - Cô gần như không thể mở nổi mắt ra nữa.

- Chắc chắn là thế. Khách sạn của tôi ở ngay góc phố thôi. - Ông ta xoa hai tay vào nhau.

Khi đã vào trong phòng, người đàn ông hỏi:

- Cô có muốn uống gì không? Chúng ta hãy làm cho cô mềm ra một chút.

Cô muốn uống khủng khiếp, nhưng không phải cái thứ nước uống mà người trái đất nầy có thể mời.

- Không. - Cô nói. - Giường ở đâu?

Lạy Chúa, cô ta đang nóng rực rồi.

- Ở trong nầy, em yêu. - Ông ta dẫn cô vào phòng ngủ. - Em không muốn uống thật à?

- Thật mà.

- Vậy thì sao em không... ờ, cởi ra đi?

Cô gật đầu. Đó là một tập quán của người trái đất.

Cô cởi cái váy đang mặc ra. Dưới váy đó, cô không còn gì hết. Thân thể cô là cả một vẻ đẹp thanh tú.

Người đàn ông nhìn cô đăm đắm, sung sướng nói;

- Đây là đêm may mắn của anh, em yêu ạ. Và cả là của em nữa. Anh sẽ làm tình với em để em thấy rằng em chưa bao giờ được làm tình cả. Ông ta xé bỏ quần áo một cách cuống cuồng và nhảy lên giường, nằm vào cạnh cô. - Nào, - Ông ta nói. - Anh sẽ cho em thấy một cuộc tình ra trò. - Ông ta ngước nhìn lên. Mẹ kiếp, anh lại vẫn để đèn kìa. - Ông ta định nhỏm dậy.

- Thôi khỏi. - Cô ngà nghệt nói. - Tôi sẽ tắt nó đi.

Và trong khi ông ta nhìn, cánh tay cô với ra, dài ra mãi, ngang căn phòng rộng, và những ngón tay của cô biến thành những dây leo màu xanh khi chúng bám vào cái công tắc điện.

Trong bóng tối, ông ta thét lên.

Họ đang chạy với tốc độ cao trên xa lộ Sole dẫn đi Naples. Trong suốt nữa giờ, họ chạy trong im lặng, mỗi người mê mải với những ý nghĩ của mình.

Pier phá vỡ sự im lặng:

- Ông sẽ ở nhà mẹ em trong bao lâu? - Cô hỏi.

- Ba hoặc bốn ngày, nếu được.

- Thế thì được.

Robert không định ngủ lại đó quá một đêm, hai là cùng. Nhưng anh giữ im kế hoạch của mình. Ngay khi nào tìm được một con tàu an toàn, anh sẽ lên đường rời khỏi Italia.

- Em sốt ruột mong được gặp lại gia đình, - Pier nói.

- Cô chỉ có một người anh em nữa thôi à?

- Vâng, Carlo. Nó là em em.

- Pier, kể cho tôi nghe về gia đình đi.

Cô ta nhún vai.

- Chẳng có gì nhiều mà kể. Cha em cả đời làm việc dưới bến tàu. Khi em mười lăm tuổi, một chiếc cẩu đổ xuống giết chết ông. Mẹ em thì đau ốm và em phải nuôi bà, nuôi cả Carlo. Em có một người bạn ở xưởng phim Cinecitta và anh ta kiếm cho em những vai phụ. Họ trả rất ít và em đã phải ngủ với thằng cha trợ lý đạo diễn. Em cho rằng ở ngoài đường em có thể còn kiếm được nhiều tiền hơn. Bây giờ thì em làm cả hai nghề...

Không hề có vẻ tự thương cảm trong giọng nói của cô ta.

- Pier, cô có chắc là mẹ cô không phản đối việc cô mang một người lạ về nhà không?

- Em tin chắc. Mẹ con em rất gần gũi. Mẹ sẽ vui khi thấy em về. Ông yêu lắm hả?

- Bà mẹ cô ấy ư? - Robert nhìn sang cô ta, ngạc nhiên.

- Người phụ nữ mà ông nói chuyện điện thoại trong quán ăn ấy, Susan.

- Điều gì làm cho cô nghĩ là tôi yêu cô ấy?

- Giọng nói của ông. Cô ấy là ai thế?

- Một người bạn.

- Cô ta thật may mắn. Em mong giá mà cũng có ai quan tâm đến em như thế. Robert Bellamy có phải tên thật của ông không?

- Đúng.

- Và ông là một sĩ quan à?

Khó trả lời hơn.

- Tôi không rõ, Pier, - anh đáp, - trước đây thì là như thế.

- Ông có thể nói với em vì sao mà Cảnh sát quốc tế săn lùng ông không?

Anh nói một cách thận trọng:

- Tốt hơn là tôi không nói gì với cô thêm nữa. Chỉ ở bên tôi cũng đủ chuốc cho cô nhiều rắc rối. Cô biết càng ít càng tốt.

- Được thôi ông Robert.

Anh nghĩ tới hoàn cảnh lạ lùng đã đưa họ đến với nhau.

- Tôi hỏi cô điều nầy nhé. Nếu như cô biết những sinh vật lạ đến trái đất bằng những con tàu vũ trụ thì cô có sợ không hả?

- Ông hỏi nghiêm túc đấy chứ? - Pier nhìn anh một thoáng.

- Rất nghiêm túc.

Cô lắc đầu:

- Không. Em nghĩ là điều đó sẽ thật là thú vị.

- Ông có tin vào những chuyện đó không?

- Tôi không biết. - Robert cười vang.

- Chuyện nầy có liên quan gì tới việc cảnh sát săn lùng ông không đấy?

- Không, - Robert đáp nhanh. - Không có gì.

- Nếu như em nói với ông điều nầy, ông có hứa là sẽ không cáu với em không đã?

- Tôi hứa.

Khi cô ta nói, giọng cô ta thật nhỏ đến mức anh khó khăn lắm mới nghe thấy.

- Em nghĩ là em yêu ông.

- Pier...

- Em biết là em thật ngốc nghếch. Nhưng chưa bao giờ em nói với ai như thế cả. Em muốn ông hiểu như thế.

- Pier, tôi lấy làm hãnh diện.

- Ông chế giễu em đấy ư?

- Không, không hề, - anh nhìn cái đông hồ đo xăng. - Tốt hơn là chúng ta nên tìm ngay một cây xăng.

Mười lăm phút sau, họ tới nơi.

- Chúng ta sẽ đổ xăng ở đây. - Robert nói.

- Phải - Pier mỉm cười. - Em mong có thể gọi và báo cho mẹ em biết là em đang mang một người đàn ông đẹp trai về nhà.

Robert ghé xe vào sát cây xăng và nói với người phục vụ:

- Xin đổ đầy cho.

- Vâng, thưa ông.

Pier nhoài người và hôn lên má Robert.

- Em sẽ trở lại ngay.

Robert nhìn theo cô đi vào phía trong trạm để đổi tiền lẻ để gọi điện thoại. Cô ta đẹp thật, Robert nghĩ. Và thông minh. Mình phải thận trọng để khỏi xúc phạm cô ta.

Bên trong trạm, Pier đang quay điện thoại. Cô ta quay lại mỉm cười và vẫy vẫy Robert. Khi người nhân viên tổng đài thưa máy, Pier nói:

- Cho tôi Cảnh sát quốc tế. Nhanh lên.

Ngay từ khi nhìn thấy trên màn ảnh tivi thông báo về Robert Bellamy, Pier đã biết rằng mình sắp trở thành giàu có. Nếu như Interpol, lực lượng cảnh sát chống tội phạm quốc tế, đang tìm kiếm Robert thì hẳn phải có một khoản tiền thưởng lớn cho việc bắt giữ được người nầy. Và cô lại là người duy nhất biết ông ta hiện ở đâu. Khoản tiền thưởng nầy sẽ là của cô ta tốt. Việc thuyết phục được ông ta đến Naples, nơi cô có thể theo dõi chặt ông ta, quả là một việc làm thiên tài.

Trên điện thoại, tiếng một người đàn ông nói:

"Interpol đây, cho phép tôi giúp bà?"

Tim Pier đập thình thịch. Cô ta liếc nhìn qua cửa kính để có thể tin chắc rằng Robert vẫn đang ở chỗ bơm xăng.

- Vâng. Các ông đang tìm kiếm một người tên là sĩ quan Robert Bellamy phải không?

Một thoáng im lặng.

- Xin cho hỏi ai đang gọi vậy?

- Không cần biết chuyện đó. Các ông có tìm kiếm ông ta hay không?

- Tôi sẽ phải để bà nói chuyện với một người khác.

- Xin bà vui lòng chờ máy? - Ông ta quay sang người trợ lý. - Tìm xem máy nào đang gọi đó, nhanh lên.

Ba mươi giây sau, Pier đang nói chuyện với một quan chức cấp cao.

- Vâng, thưa bà. Tôi có thể giúp bà chăng.

- Không. Đồ ngốc. Tôi đang tìm cách giúp các người thì có. Tôi biết sĩ quan Robert Bellamy. Các ông có muốn giữ ông ta hay không?

- Nhưng, có, thưa bà, chúng tôi rất muốn bắt ông ta. Và bà nói là đang giữ ông ta à?

- Đúng thế. Ông ta đang đi với tôi đây. Ông ta đáng giá bao nhiêu với các ông thế?

- Bà đang nói về chuyện tiền thưởng ư?

- Tất nhiên là tôi đang nói về tiền thưởng. - Cô ta lại nhìn qua kính cửa sổ. Những thằng cha nầy mới ngu ngốc làm sao.

Viên quan chức ra hiệu cho người trợ lý của ông ta hành động nhanh chóng hơn.

- Chúng tôi chưa treo giải thưởng đối với cái đầu của ông ta, thưa bà, bởi vậy...

- Ồ vậy thì ấn định ngay đi. Tôi đang vội.

- Bà đang chờ một khoản tiền thưởng bao nhiêu ạ?

- Tôi không biết. - Pier nghĩ một chút. - Năm mươi nghìn đôla có được không?

- Năm mươi nghìn đôla là cả một khoản tiền lớn. Nếu như bà nói cho tôi biết hiện bà đang ở đâu chúng tôi có thể đến chỗ bà và thương lượng về chuyện đó...

Hẳn hắn ta nghĩ mình là một con ngu ngốc.

Không. Hoặc là các ông đồng ý trả như tôi muốn hoặc...

Pier nhìn lên và thấy Robert đang lại gần.

- Nhanh lên. Có hay không?

- Rất tốt, thưa bà. Chúng tôi đồng ý trả bà...

Robert đang đi lại gần Pier.

Pier nói vào trong máy:

- Mẹ, chúng con sẽ về vào lúc ăn tối. Mẹ sẽ thích anh ấy. Anh ấy rất hay. Tốt. Chúng con sẽ về gặp mẹ sau. Chào mẹ.

Pier gác máy và quay lại Robert.

- Mẹ đang sốt ruột được gặp anh.

***

Tại trụ sở cảnh sát quốc tế, viên quan chức cấp cao kia nói:

- Anh đã tìm ra cú điện thoại đó chưa?

- Rồi. Nó được gọi từ một cây xăng trên xa lộ Sole.

Có vẻ như họ đang trên đường đi Naples.

***

Đại tá Francesco Cesar và đại tá Frank Johnson đang nghiên cứu tấm bản đồ treo trong phòng làm việc của Cesar.

- Naples là một thành phố lớn, - Đại tá Cesar nói. - Có tất cả nghìn chỗ cho anh ta ẩn náu ở đó.

- Về người phụ nữ kia thì sao?

- Chúng ta không hề biết cô ta là ai.

- Vì sao chúng ta không tìm hiểu? - Johnson hỏi.

- Bằng cách nào? - Cesar nhìn ông ta, ngạc nhiên.

- Nếu như Bellamy vội vã cần có một phụ nữ đồng hành để nguy trang, anh ta sẽ làm gì hả?

- Có khả năng là anh ta sẽ nhặt một con điếm.

- Đúng. Chúng ta cần bắt đầu từ đâu hả?

- Từ Tor di Ounto.

Họ chạy dọc theo con đường Archeologica và quan sát những cô gái điếm đang uốn éo. Ngồi cùng xe với đại tá Cesar và đại tá Johnson là đại uý Bellini thanh tra cảnh sát khu vực nầy.

- Chuyện nầy sẽ không dễ đâu. - Bellini nói. - Chúng nó đều ganh ghét nhau, nhưng khi động tới cảnh sát thì chúng lại như chị em ruột thịt vậy. Chúng sẽ không hé răng.

- Chúng ta sẽ xem. - Đại tá Johnson nói.

Bellini ra lệnh dừng lại và ba người bước ra khỏi xe. Những cô gái điếm nhìn họ đầy vẻ cảnh giác. Bellini bước đến bên một trong số những cô gái.

- Chào Maria. Công việc thế nào?

- Sẽ tốt hơn nếu ông đi khỏi đây.

Chúng tôi không có ý định ở lại. Tôi chỉ muốn hỏi cô một câu thôi. Chúng tôi đang tìm một người Mỹ, người đã nhặt một trong những cô gái ở đây đêm hôm qua. Chúng tôi muốn biết cô bé đó là ai. Cô có thể giúp chúng tôi không?

- Mấy cô gái điếm khác đã xúm quanh để nghe chuyện.

- Tôi không thể giúp ông. - Maria nói. - Nhưng tôi biết người có thể giúp được.

Bellini gật đầu hài lòng.

- Tốt. Ai?

Maria chỉ sang một cửa hiệu ở bên kia đường. Tấm biển trong cửa kính đề: Xem bói - Xem chỉ tay.

- Bà Lucia có thể giúp ông.

Các cô gái cười vang tán thưởng.

Đại uý Bellini nhìn họ và nói:

- Vậy là các cô đều thích đùa có phải không? Ồ, chúng ta sẽ chơi một trò mà tôi nghĩ là các cô sẽ rất thích. Hai ông đây rất muốn biết tên cô gái đã đi cùng với người Mỹ kia. Nếu các cô không biết cô ta là ai, tôi đề nghị các cô nói với bạn bè của mình, tìm ra ai đó biết, và khi các cô có câu trả lời thì gọi điện cho tôi.

- Sao chúng tôi lại phải làm thế? - Một trong số họ hỏi đầy vẻ thách thức.

- Các cô sẽ biết.

Một giờ sau, tất cả gái điếm ở Rome thấy họ đang bị vây ráp. Các xe tuần tiễu quét thành phố và bắt tất cả những cô gái lang thang trên các đường phố cùng với những tên dắt gái của họ. Những lời kêu gào phản đối vang lên.

- Các ông không thể làm thế... Tôi đã trả tiền bảo vệ cho cảnh sát.

- Tôi đã hành nghề ở khu vực nầy năm năm nay...

- Tôi đã cho ông và các bạn ông chơi không. Ông không nhớ à?

- Tôi trả ông tiền bảo vệ để làm gì hả...

Tới ngày hôm sau, các đường phố thực sự sạch bóng gái điếm và các nhà giam thì chật ních.

Đại tá Cesar và đại tá Johnson đang ngồi trong phòng làm việc của đại uý Bellini.

- Sẽ khó mà giữ mãi họ trong trại giam được. - Đại uý Bellini cảnh cáo. - Tôi cũng có thể nói thêm rằng chuyện nầy sẽ là rất tệ hại cho ngành du lịch.

- Đừng lo. - Đại tá Johnson nói. - Sẽ có kẻ phun ra. Hãy cứ giữ nguyên sức ép.

Đến chiều thì họ đột phá được. Thư ký của đại uý Bellini nói:

- Có một ông Lorenzo muốn gặp ông.

- Cho ông ta vào.

Ông Lorenzo mặc một bộ complê rất đắt tiền và đeo ba cái nhẫn kim cương trên ba ngón tay. Ông ta vốn là một kẻ chuyên nghề dắt gái.

- Tôi có thể làm gì cho ông hả? - Bellini hỏi.

Lorenzo mỉm cười.

- Đó là việc tôi có thể làm cho ông cơ, thưa quý vị. Một người quen của tôi báo với tôi rằng các ông đang tìm kiếm một gái làng chơi, đã rời khỏi thành phố với một người Mỹ, và do chỗ chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác với nhà chức trách nên tôi nghĩ là tôi sẽ trao cho các ông cái tên của cô ta.

- Cô ta là ai? - Đại tá Johnson nói.

Lorenzo phớt lờ câu hỏi đó.

- Tất nhiên, tôi tin chắc là các ông sẽ bày tỏ sự đánh giá cao bằng cách thả tất cả những cô gái của tôi cùng bạn bè họ.

Đại tá Cesar nói:

- Chúng tôi không quan tâm đến bất kỳ con điếm nào của ông. Tất cả những gì chúng tôi muốn là tên của cô gái kia.

- Đó là một tin rất mừng, thưa ông. Nói chuyện với những người hiểu biết luôn là một điều thú vị. Tôi biết rằng...

- Tên cô ta, Lorenzo.

- Vâng, tất nhiên. Tên cô ta là Pier. Pier Valli. Người Mỹ kia đã ngủ qua đêm với cô ta ở khách sạn Incrocio và sáng hôm sau thì họ ra đi. Cô ta không phải là một trong những cô gái của tôi. Nếu như tôi có thể nói...

***

Bellini đã nói vào máy điện thoại.

- Mang tới hồ sơ Pier Valli. Gấp.

- Tôi hy vọng quý ngài sẽ tỏ lòng tri ân bằng cách...

Bellini nhìn lên và nói vào trong máy:

- Và chấm dứt chiến dịch Puttana.

- Cám ơn. - Lorenzo cười.

Năm phút sau, hồ sơ về Pier Valli được đặt trên bàn Bellini.

- Cô ta bắt đầu hành nghề khi mới mười lăm tuổi.

- Từ đó, cô ta bị bắt giữ cả chục lần. Cô ta...

- Cô ta từ đâu đến? - Đại tá Johnson cắt ngang.

- Naples. - Hai người đàn ông nhìn nhau. - Cô ta có mẹ và một thằng em ở đó.

- Ông có thể tìm xem cụ thể là ở đâu không?

- Tôi có thể kiểm tra được.

- Làm đi. Ngay bây giờ.

Họ đang đi vào vùng ngoại ô Naples. Những căn nhà cũ nằm dọc theo các đường phố chật hẹp, quần áo phơi hầu như khắp các mặt trước ngôi nhà, làm cho những toà nhà như thể là những quả núi bằng bê tông treo những lá cờ đầy màu sắc.

- Anh đã bao giờ đến Naples chưa? - Pier hỏi.

Có một lần. - Giọng Robert nghẹn lại. Susan đang ngồi bên anh, khúc khích. Em nghe nói Naples là một thành phố tinh quái. Chúng mình có thể làm nhưng điều tinh quái ở đây được không, anh yêu? - Chúng ta sẽ sáng tạo ra cái gì đó mới lạ, Robert hứa.

- Anh có sao không đấy? - Pier nhìn anh.

- Tôi không sao cả. - Robert trở lại với hiện tại.

Họ đang chạy dọc theo bờ vịnh, trước pháo đài Ovo một pháo đài cổ bỏ hoang nằm sát bên bờ biển.

Khi họ tới phố Toledo, Pier nói với vẻ hồi hộp.

- Rẽ chỗ nầy.

Họ đang hướng tới khu Spaccanapoli, khu phố cổ của Naples.

- Ngay trước mặt. Rẽ trái vào phố Benedetto Croce. - Pier nói.

Robert lái xe rẽ sang. Đường bắt đầu đông hơn và tiếng còi xe inh ỏi. Anh đã không nhớ là Naples ồn ào như thế nào. Anh cho xe chạy chậm lại để tránh đâm vào những người đi bộ và những con chó chạy ngang mũi xe như thể là chúng được phú cho sự bất tử vậy.

- Rẽ phải ở chỗ nầy. - Pier hướng dẫn, - Vào khu Plebiscito.

Giao thông ở đây còn tệ hơn và nhà cửa san sát.

- Dừng. - Pier kêu lên.

Robert dừng xe lại bên lề đường, trước một dãy những cửa hiệu tồi tàn.

- Đây là nơi mẹ cô sống à? - Robert nhìn quanh.

- Không. - Pier nói. - Tất nhiên là không.

- Cô ta nhoài người ra và nhấn còi xe. Một giây sau, một phụ nữ trẻ bước ra khỏi một cửa hiệu. Pier chạy đến chỗ chị ta. Họ ôm chầm lấy nhau.

- Trông em thật là tuyệt. - Người phụ nữ kêu lên. - Hẳn là em làm ăn được.

- Đúng thế. - Pier chia cổ tay ra. - Nhìn cái vòng mới của em nầy.

- Ngọc thật à?

- Tất nhiên là thế.

- Anna. Ra ngoài nầy. Xem ai đây nầy. - Người phụ nữ kia gọi ai đó trong cửa hiệu.

Robert nhìn, không thể tin được.

- Pier...

- Một phút thôi mà, anh yêu. - Cô ta nói. - Em phải chào bạn bè một chút.

Chỉ trong vài phút, gần một chục người phụ nữ đã vây quanh Pier, thán phục chiếc vòng đeo tay của cô trong khi Robert ngồi nghiến răng, bất lực.

- Anh ấy phát điên lên vì em. - Pier tuyên bố. - Cô ta quay về phía Robert.

- Đúng không anh?

Robert chỉ muốn bóp cổ cô ta, nhưng anh không thể làm gì được.

- Đúng thế. - Anh nói. - Pier, bây giờ chúng ta có thể đi được chưa hả?

- Một phút nữa.

- Ngay bây giờ. - Robert nói.

- Cũng được. - Pier quay sang đám phụ nữ. - Chúng tôi phải đi bây giờ. Chúng tôi có một cuộc hẹn quan trọng. Xin chào.

- Xin chào.

Pier chui vào trong xe ngồi cạnh Robert, và những người phụ nữ đứng nhìn theo họ.

- Họ là những người bạn cũ. - Pier nói một cách sung sướng.

- Tuyệt lắm. Nhà của mẹ cô ở đâu?

- Ồ, bà không ở trong thành phố.

- Cái gì?

- Bà sống ở bên phía ngoài thành phố, trong một trang trại nhỏ cách đây nửa giờ xe chạy.

Trang trại đó nằm ở ngoại ô phía nam Naples, một ngôi nhà xây bằng đá cách xa mặt đường.

- Nó đấy. - Pier kêu lên. - Có đẹp không?

Đẹp. Ngôi nhà ở xa trung tâm thành phố làm cho Robert thấy thích. Sẽ không có lý do nào cho bất kỳ ai đến tìm anh ở đây. Pier nói đúng. Đó là một ngôi nhà tuyệt đối an toàn.

Họ bước đến cửa trước, và khi còn chưa tới thì cánh cửa bật mở và mẹ của Pier đứng đó, mỉm cười với cô gái. Bà ta là một hình mẫu khi về già của cô con gái, mảnh mai, tóc bạc và khuôn mặt đầy những nếp nhăn suy tư.

- Pier, con gái của mẹ. Mẹ nhớ con quá.

- Mẹ, con cũng nhớ mẹ. Đây là người bạn mà con đã gọi điện thoại báo cho mẹ là con sẽ mang về nhà.

Bà mẹ đã không hề ngập ngừng gì.

- A! Vâng, xin được đón tiếp anh.

- Jones. - Robert nói.

- Vào đi, vào đi!

Họ đi vào trong phòng khách. Đó là một căn phòng lớn tiện nghi và ấm cúng với đầy đồ đạc.

Một cậu bé chừng hai mươi bước vào phòng. Cậu ta thấp, với nước da thẫm và khuôn mặt gầy, ủ rũ, cặp mắt nâu buồn thảm. Cậu ta mặc quần bò và một cái áo khoác ngắn trên có hàng chữ Diavoh Rossi. Mặt cậu ta sáng lên khi nhìn thấy chị.

- Pier.

- Chào Carlo.

Họ ôm chầm lấy nhau.

- Chị về làm gì thế?

- Bọn chị về thăm nhà một vài ngày. - Cô quay sang Robert. - Đây là em trai em, Carlo. Đây là anh Jones.

- Chào Carlo.

- Xin chào. - Carlo tò mò nhìn khách.

- Ta sẽ dọn một cái buồng xin đẹp ở phía đằng sau cho cặp uyên ương. - Bà mẹ nói.

- Nếu như không phiền... nghĩa là, nếu bà còn có một phòng ngủ thừa thì tôi muốn có một phòng riêng cho mình. - Robert nói.

Có một thoáng lúng túng. Cả ba người nhìn Robert chòng chọc.

Bà mẹ quay sang Pier.

- Đồng tính luyến ái à?

Pier nhún vai. Con không biết. Nhưng cô ta biết rằng anh không phải là một người như vậy.

- Tuỳ anh thôi. - Bà mẹ nhìn Robert. Bà ta lại ôm lấy Pier. - Mẹ thật sung sướng là lại được thấy con. Đi vào trong bếp. Mẹ sẽ pha cà phê cho cả nhà.

Trong bếp, bà mẹ kêu lên:

- Tuyệt vời. Làm sao con lại gặp anh ta? Anh ta trông có vẻ rất giàu. Và cái vòng mà con đang đeo. Nó phải đáng cả một gia tài. Ơn Chúa. Tối nay, mẹ sẽ làm một bữa thịnh soạn. Mẹ sẽ mời tất cả hàng xóm để họ có thể gặp...

- Không, mẹ. Mẹ không được làm thế.

- Nhưng con ạ, vì sao chúng ta lại không báo tin mừng của con cho mọi người? Tất cả bạn bè của chúng ta sẽ hài lòng.

- Mẹ, anh Jones chỉ muốn nghỉ một vài ngày. Không tiệc tùng. Không hàng xóm gì hết.

- Cũng đành. Con muốn thế nào cũng được. - Bà mẹ thở dài.

Mình sẽ dàn xếp để ông ta bị bắt ở xa nhà để mẹ khỏi bị phiền phức.

Carlo cũng đã chú ý đến cái vòng.

- Cái vòng đó. Chúng là ngọc thật hả? Ông mua nó cho chị tôi à?

Ở thằng bé có cái gì đó mà cho Robert không thích.

- Hãy hỏi cô ấy.

Pier và bà mẹ từ trong bếp đi ra. Bà mẹ nhìn Robert.

- Anh thật không muốn ngủ với Pier à?

- Cám ơn. Không. - Robert lúng túng.

- Em sẽ chỉ phòng ngủ cho anh. - Pier nói.

Cô ta dẫn anh đi về phía cửa sau của ngôi nhà tới một phòng ngủ lớn, tiện nghi với một cái giường đôi ở giữa phòng.

- Robert, anh ngại là mẹ sẽ nghĩ gì khi chúng ta ngủ với nhau à? Bà biết em làm gì mà.

- Không phải thế. - Robert nói. - Đó là... - Anh không có cách nào để giải thích. - Tốt xin lỗi, tôi...

- Không sao cả. - Giọng Pier lạnh tanh.

Cô ta cảm thấy bị xúc phạm một cách vô lý. Đến giờ là hai lần ông ta từ chối ngủ với cô. Mình nộp ông ta cho cảnh sát cũng đáng, cô nghĩ. Song tuy vậy cô vẫn cảm thấy hơi tội lỗi. Thực sự là ông ta tử tế.

Nhưng năm mươi nghìn đôla là năm mươi nghìn đôla.

Trong bữa ăn tối, bà mẹ nói nhiều, còn Pier, Robert và Carlo thì im lặng và mải theo đuổi những ý nghĩ riêng.

Robert thì khẩn trương tính toán kế hoạch trốn chạy của mình. Ngày mai, anh nghĩ, mình sẽ ra bên cảng và tìm một con tàu rời khỏi đây.

Pier thì nghĩ tới cú điện thoại mà cô ta đang tính gọi. Mình sẽ gọi từ trong thành phố để cảnh sát không thể tìm tới đây được.

Carlo thì quan sát người lạ mặt mà chị cậu ta đã lôi tha về nhà. Hẳn là có thể kiếm chác chút gì.

Sau bữa ăn, hai người phụ nữ đi vào trong bếp.

Robert ngồi một mình với Carlo.

- Ông là người đàn ông đầu tiên mà chị tôi đưa về đây. - Carlo nói. - Chị ấy chắc phải thích ông lắm.

- Tôi rất thích cô ấy.

- Thế hả? Ông sẽ chăm sóc chị ấy chứ?

- Tôi nghĩ là chị cậu có thể tự chăm sóc lấy mình.

- Phải. Tôi biết. - Carlo cười.

Người lạ ngồi trước mặt cậu ta ăn mặc rất lịch sự và rõ ràng là giàu. Vì sao ông ta lại ở đây trong khi ông ta có thể ở một khách sạn đàng hoàng nào đó? Lý do duy nhất mà cậu ta có thể nghĩ tới là người đàn ông nầy đang lẩn trốn. Và điều đó mang lạ một điểm thú vị. Khi một người người giàu có đang lẩn trốn, dù là thế nào, cách nào, thì cũng có thể kiếm tiền từ chuyện đó.

- Ông từ đâu tới thế? - Carlo hỏi.

Chẳng từ nơi nào cụ thể cả. - Robert nhẹ nhàng đáp. Tôi đi lại rất nhiều.

- Tôi hiểu. - Carlo gật đầu.

Mình sẽ tìm hiểu qua Pier xem ông ta là ai. Có thể ai đó sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền để đổi lấy ông ta, và mình cùng Pier có thể chia chác số đó.

- Ông có làm việc không? - Carlo hỏi.

- Nghỉ hưu.

Cũng không khó khăn gì để buộc người đàn ông phải mở miệng, Carlo nghĩ. Lucca, lãnh tụ của băng Diavoli Rossi, có thể nghiền nát ông ta một cách nhanh chóng.

- Ông sẽ ở với chúng tôi bao lâu?

- Thật khó nói.

Sự tò mò của thằng bé bắt đầu làm cho Robert để ý.

Pier và bà mẹ từ trong bếp đi ra.

- Anh có muốn uống thêm chút cà phê không? - Bà mẹ hỏi.

- Không, cảm ơn. Một bữa tối thật là ngon.

- Có gì đâu Ngày mai tôi sẽ chuẩn bị cả một bữa tiệc cho anh. - Bà mẹ mỉm cười.

- Tuyệt. - Lúc đó thì anh đã đi rồi. Anh đứng dậy. - Nếu bà không phiền, tôi muốn đi nghỉ, tôi hơi mệt.

- Tất nhiên. - Bà mẹ nói. - Chúc ngủ ngon.

- Chúc ngủ ngon.

Họ nhìn theo Robert đi về phía phòng ngủ.

- Ông ta không nghĩ là chị đáng ngủ với ỏng ta, phải không? - Carlo cười.

Lời nhận xét đó làm cho Pier đau nhói, đúng với nghĩa đen của nó. Cô ta sẽ chẳng bận lòng nếu như Robert là một kẻ đồng tính luyến ai nhưng cô ta nghe thấy anh nói chuyện với Susan và cô ta biết rõ. Mình sẽ thử xem.

Nằm trong giường, Robert nghĩ về bước đi tiếp theo của mình. Tạo ra một cái đuôi giả cộng với cái thiết bị dấu trong tấm thẻ tín dụng kia sẽ dành cho anh thêm một chút thời gian, nhưng anh không quá trông vào điều đó. Bây giờ hẳn là họ đã tìm được chiếc xe tải màu đỏ kia rồi. Những kẻ săn đuổi anh rất tàn nhẫn và thạo nghề. Liệu những người đứng đầu các chính phủ có dính vào vụ bưng bít lớn nầy không? Hay đó là một tổ chức bên trong một tổ chức, một nhóm cao cấp trong cộng đồng tình báo đang tự tiện hành động một cách bất hợp pháp. Robert càng nghĩ thì càng thấy rằng có nhiều khả năng là nhưng người đứng đầu các chính phủ có thể không hề biết chuyện gì đang xảy ra. Một ý nghĩ loé lên trong anh.

Dường như anh luôn luôn thấy kỳ quặc với việc Đô đốc Whittaker đột nhiên phải rời khỏi Cục Tình báo hải quân và bị đưa tới một nơi kiểu như Siberia. Nhưng nếu như có ai đó buộc ông ta phải nghỉ bởi vì họ biết rằng ông ta sẽ không bao giờ dính vào một âm mưu, thì điều đó bắt đầu có ý nghĩa. Mình phải liên hệ với đô đốc, Robert nghĩ. Ông ta là người duy nhất anh có thể tin cậy để lần tới sự thật về những gì đang xảy ra. Ngày mai, anh nghĩ. Ngày mai. Anh nhắm mắt lại và thiếp đi.

Tiếng kẹt của cánh cửa phòng ngủ đã làm anh thức giấc Anh ngồi dậy trên giường, lập tức đề phòng.

Có ai đó đang đi lại phía giường. Robert căng người ra, sẵn sàng bật dậy. Anh ngửi thấy mùi nước hoa và cảm thấy cô gái trườn vào giường, bên cạnh anh.

- Pier... Cô làm gì?

- Yên nào. - Thân thể cô áp chặt vào người anh. Cô hoàn toàn trần truồng. - Em cô đơn quá. - Cô thì thầm, và áp sát vào anh hơn nữa.

- Tôi xin lỗi, Pier, tôi không thể làm gì cho cô được.

- Không ư? Vậy thì để em làm gì đó cho anh. - Pier nói. Giọng cô ngọt ngào.

- Không ích gì đâu. Cô không thể. - Robert chán chường ghê gớm. Anh muốn tránh cho cả hai người sự lúng túng về cái điều sẽ không xảy ra nầy.

- Anh không thích em ư, Robert? Anh không nghĩ là em có một tấm thân đẹp à?

- Có chứ.

Và cô bắt đầu. Anh cảm thấy thân thể nóng ấm của cô ta áp lên anh chặt hơn.

Cô bắt đầu vuốt ve anh một cách dịu dàng, những ngón tay cô ta mơn trớn trên ngực anh, và nhẹ nhàng lần xuống phía dưới.

Anh phải chặn cô lại trước khi sự thất bại đầy xúc phạm kia được lặp lại.

- Pier, tôi không thể làm tình. Tôi đã không thể gần một người đàn bà kể từ... một thời gian dài.

- Anh không phải làm gì cả, Robert. - Pier nói. - Em chỉ muốn chơi một chút. Anh có thích được cùng chơi với em không?

Anh không cảm thấy gì cả. Quỷ tha ma bắt Susan. Cô ta đã rời bỏ anh không chỉ với bản thân mình mà cả một phần đàn ông của anh nữa.

Pier đang trườn xuống phía thân thể anh.

- Nằm sấp xuống đi - Cô nói.

- Pier, không ích gì Tôi...

Cô ta lật anh lên, và anh nằm đó nguyền rủa Susan, nguyền rủa sự bất lực của chính mình. Anh có thể cảm thấy đầu lưỡi của Pier đang lần dọc trên sống lưng anh, mơn trớn và dịch dần xuống thấp mãi, thấp mãi.

Những ngón tay của cô ta vuốt ve trên da thịt anh.

- Pier...

- Yên nào.

Anh đành nằm im, mắt nhắm lại, thấy đầu lưỡi của cô mềm và ấm, thấy đôi vú cô rà lướt trên da thịt mình. Rồi anh bắt đầu thấy bị kích thích hơn.

Rồi, anh nghĩ. Rồi. Ôi, rồi. Và anh bắt đầu cứng đơ ra, cho đến khi anh không còn chịu được nữa, anh túm lấy Pier và lật ngửa cô ra.

Cô sờ vào đó và kêu lên.

- Lạy Chúa, thật đáng nể. Em muốn có anh ở trong em.

Robert đi vào trong cô và rồi nữa, nữa. Anh dường như thấy mình được hồi sinh. Pier rất thành thạo, đầy cuồng nhiệt, và Robert miệt mài với cái phần thân thể mềm mại như nhung của cô đêm đó. Đêm đó họ làm tình với nhau đến ba lần. Sau cùng, họ ngủ thiếp đi.

***

Ngày thứ mười tám Naples, Italia.

Sáng ra, khi luồng sáng nhẹ chiếu qua cửa sổ, Robert thức giấc. Anh ôm Pier chặt trong vòng tay mình và thì thầm.

- Cám ơn em.

- Anh thấy thế nào? - Pier mỉm cười ranh mãnh.

- Tuyệt vời. - Robert nói. Và thực là như vậy.

- Anh là một con thú. - Pier rúc vào người anh.

Robert cười.

- Em hợp với điều đó. - Anh nói.

Pier ngồi thẳng dậy và nói với vẻ nghiêm túc:

- Anh không phải là một kẻ buôn lậu ma tuý chứ?

- Không. Một câu hỏi ngây thơ.

- Nhưng Cảnh sát Quốc tế truy lùng anh?

- Đúng. - Điều đó có ý nghĩa hơn.

- Mắt cô ta sáng lên.

- Em biết. Anh là một điệp viên. - Cô ta hồi hộp cứ như một đứa trẻ. -Thật à?

Robert phải bật cười. Và anh nghĩ. Từ miệng của những cô gái trẻ...

- Thú nhận đi. - Pier khăng khăng. - Anh là một điệp viên phải không?

- Phải. - Robert trầm giọng nói. - Anh đúng là một điệp viên.

- Em biết mà. - Mắt Pier sáng lên. - Anh có thể kể cho em nghe một vài bí mật được không?

- Loại bí mật gì hả?

- Anh biết đấy, những bí mật gián điệp - mật mã, và những thứ như thế. Em thích đọc truyện tình báo lắm. Và em chỉ đọc loại đó.

- Thế hả?

- Ồ, vâng. Nhưng đó chỉ là những chuyện bịa. Anh biết những chuyện thật, phải khỏng nào? Chẳng hạn những tín hiệu mà các điệp viên hay dùng. Anh có được phép nói cho em biết một tín hiệu không?

Robert nói một cách nghiêm túc:

- Ồ, thực ra là không nên, nhưng anh cho rằng một thì được. Mình có thể nói điều gì để cô ta tin nhỉ? - Đó là cái tín hiệu rèm cửa cũ kỹ.

- Tín hiệu rèm cửa cũ kỹ à? - Cô ta tròn mắt.

- Phải. - Robert chỉ vào một cái cửa sổ phòng ngủ. - Nếu mọi thứ bình thường thì người ta sẽ để tấm rèm treo lên. Nhưng nếu rắc rối người ta hạ một tấm rèm xuống. Đó là một tín hiệu báo đề đồng nghiệp của mình tránh đi.

- Tuyệt thật. Em chưa bao giờ đọc được điều đó trong một cuốn tiểu thuyết nào. - Pier nói một cách sôi nổi.

- Tất nhiên. - Robert nói. - Đó là điều rất bí mật.

- Em sẽ không nói với ai. - Pier hứa. - Còn gì nữa?

- Gì nữa hả? Robert nghĩ một chút.

- Ồ có một trò chơi điện thoại.

- Kể cho em nghe đi. - Pier xích lại bên anh.

- Ồ giả dụ một bạn điệp viên gọi điện thoại cho em để biết mọi chuyện có ổn thoả không. Anh ta sẽ hỏi gặp Pier. Nếu như mọi chuyện đều ổn, em nói: "Đây là Pier". Nhưng nếu có bất kỳ trục trặc gì thì em nói: ông nhầm số máy rồi.

- Kỳ diệu thật. - Pier kêu lên.

Những huấn luyện viên của mình ở Trang trại hẳn là sẽ đau tim nếu họ nghe thấy mình nói ra thứ ngớ ngẩn nầy.

- Anh có thể kể cho em gì nữa không? - Pier hỏi.

- Anh nghĩ thế là đủ những điều bí mật cho một buổi sáng rồi.

Robert cười lớn.

- Thôi được.

Cô cọ thân thể mình dọc theo người Robert.

- Anh có thích tắm một chút không? - Pier hỏi.

- Thích.

Họ xoa xà phòng cho nhau dưới làn nước ấm và khi Pier dang chân Robert ra để rửa cho anh, anh thấy mình lại cứng lên.

Họ làm tình dưới vòi hoa sen.

Trong lúc Robert mặc quần áo, Pier khoác lên người chiếc váy mặc ở nhà và nói:

- Em sẽ gặp anh vào lúc ăn sáng.

Carlo đang đợi chị ở trong phòng ăn.

- Hãy nói với tôi về người bạn của chị đi. - Cậu ta bảo.

- Về cái gì?

- Chị gặp ông ta ở đâu?

- Ở Rome.

- Chắc ông ta rất giàu nên mới mua cho chị cái vòng kia.

- Ông ta thích tao. - Cô nhún vai.

Carlo nói:

- Chị có biết tôi nghĩ gì không hả? Tôi nghĩ là người bạn chị đang lẩn trốn điều gì đó. Nếu chúng ta nói ra đúng chỗ, có thể có một khoản tiền thưởng lớn.

Pier bước lại gần thằng em trai, mắt cô ta long lên:

- Đừng có dính vào chuyện nầy, Carlo.

- Vậy là ông ta đang chạy trốn...

- Thằng nhóc con nghe đây, tao cảnh cáo mầy. Hãy lo việc của mầy ấy.

Cô ta không có ý định chia phần tiền thưởng với bất kỳ ai.

Carlo nói với vẻ trách móc:

- Bà chị nhỏ bé, chị định vơ cả cho mình chứ gì?

- Không. Mầy không hiểu, Carlo.

- Không à?

Pier nói với vẻ nghiêm chỉnh:

- Nói thật với mầy, anh Jones đang lẩn tránh bà vợ của anh ấy. Bà ta thuê một thám tử để săn lùng. Đó là tất cả câu chuyện.

- Sao chị không nói trước? Vậy thì chẳng phải thứ to tát tôi sẽ quên chuyện nầy đi. - Carlo mỉm cười.

Tốt. - Pier nói và Carlo nghĩ, mình sẽ phải tìm hiểu xem thực sự ông ta là ai.

***

Janus đang nói chuyện điện thoại.

- Các anh có tin tức gì chưa?

- Chúng tôi biết rằng sĩ quan Bellamy hiện ở Naples.

- Các anh có người ở đó không?

- Có. Lúc nầy họ đang tìm kiếm hắn ta. Chúng tôi có một manh mối. Hắn ta đang đi cùng với một con điếm có gia đình ở Naples. Chúng tôi nghĩ chúng có thể đến đó. Chúng tôi đang theo sát.

- Báo cáo kịp thời cho tôi.

***

Tại Naples, Phòng Nhà cửa đô thị đang bấn bíu tìm kiếm nơi ở của bà mẹ Pier Valli.

Hơn một chục nhân viên an ninh và lực lượng cảnh sát Naples đang lộn trái thành phố ra để tìm kiếm Robert.

Carlo thì mải miết tính các kế hoạch đối với Robert.

Pier thì chuẩn bị gọi lại cho Interpol.

Mối hiểm hoạ treo lơ lửng đâu đây dường như thật rõ ràng, và Robert cảm thấy như anh có thể với tay ra và chạm vào nó. Khu bến cảng tấp nập hoạt động như một cái tổ ong với nhan nhản những con tàu bốc và dỡ hàng. Nhưng thêm vào đó còn có một điểm khác nữa: Những chiếc xe cảnh sát chạy lên chạy xuống với những cảnh sát mặc thường phục và những thám tử trông thật lộ liễu thẩm vấn nhưng công nhân và những thuỷ thủ. Cuộc săn người khẩn trương nầy làm cho Robert hoàn toàn ngạc nhiên. Dường như thể họ đã biết anh ở Naples, bởi lẽ nếu không thì họ không thể nào cùng lúc ráo riết như thế nầy trong việc săn lùng anh ở tất cả các thành phố lớn của Italia. Thậm chí anh đã chẳng buồn ra khỏi xe.

- Anh quay xe lại và rời khỏi khu cảng. Điều mà anh đã nghĩ là một kế hoạch đơn giản - lên một chiếc tàu hàng đi Pháp - giờ đây đã trở thành nguy hiểm. Bằng cách nào đó họ đã lần theo anh tới đây. Anh rà lại các lựa chọn của mình. Đi bằng xe thì dù ngắn dài cũng đều quá nguy hiểm. Lúc nầy thì hẳn sẽ có những trạm kiểm soát xung quanh thành phố. Các bến cảng đều được canh gác. Điều đó có nghĩa là ga xe lửa và sân bay cũng sẽ bị giám sát chặt chẽ. Anh đang ở trong một gọng kìm và nó đang khép lại.

Robert nghĩ đến đề nghị của Susan. Bọn em ở ngay ngoài khơi Gibralta. Bọn em có thể vòng lại và đón anh ở bất kỳ chỗ nào anh muốn. Đó có thể là khả năng thoát duy nhất của anh đấy? Anh không hề muốn kéo Susan vào chuyện nguy hiểm, vậy mà anh không còn nghĩ được đến một sự lựạ chọn nào khác. Đó là cách duy nhất thoát khỏi cái bẫy mà anh đang bị kẹt ở trong. Họ sẽ không tìm kiếm anh trên một du thuyền tư nhân. Nếu mình lên được Thanh Bình, anh nghĩ, họ có thể thả mình gần bờ biển Marseilles, và mình có thể tự lên bờ. Bằng cách đó họ sẽ không bị nguy hiểm.

- Anh dừng lại trước một tiệm ăn nhỏ bên đường và đi vào để gọi điện thoại.

Sau năm phút, anh được nối liên lạc với du thuyền Thanh Bình.

- Xin cho gặp bà Banks.

- Tôi sẽ nói là ai đang gọi ạ?

Monte có một thằng quản gia khốn kiếp trực điện thoại trên du thuyền.

- Cứ nói là một người bạn cũ.

Một phút sau, anh nghe thấy tiếng Susan.

- Robert, anh đấy à?

- Thứ đồ bỏ đây.

- Họ... họ chưa bắt được anh hả?

- Chưa, Susan. - Nói ra cái đề nghị kia với anh thật khó khăn. - Lời đế nghị của em vẫn còn giá trị chứ?

- Tất nhiên rồi. Khi nào...?

- Em có thể đến Naples vào đêm nay được không?

Susan lưỡng lự.

- Em không biết. Chờ em một tí.

Robert nghe thấy tiếng trao đổi. Rồi Susan trở lại bên máy.

- Monte nói là có trục trặc một chút về động cơ, nhưng chúng em có thể đến Naples sau hai ngày.

Quỷ tha ma bắt. Anh ở đây thêm ngày nào là thêm khả năng bị bắt ngày đó.

- Được. Thế cũng tốt.

- Bọn em sẽ tìm anh như thế nào?

- Anh sẽ liên lạc với em.

- Robert, xin anh hãy cẩn thận.

- Anh đang cố gắng. Đúng là như thế.

- Anh sẽ không để chuyện gì xảy ra cho anh chứ?

- Không, anh sẽ không để chuyện gì xảy ra cho mình. Và cả cho em nữa.

Khi Susan gác máy, cô quay lại mỉm cười với chồng:

- Anh ấy sẽ lên thuyền.

***

Một giờ sau, ở Rome, Francesco Cesar trao một bức điện cho đại tá Frank Johnson. Bức điện được gửi từ du thuyền Thanh Bình. Nội dung: Bellemy sẽ lên thuyền Thanh Bình. Sẽ thông báo cho các ông. Bức điện không có người ký.

- Tôi đã thu xếp hánh lý để giám sát tất cả các liên lạc đi và đến từ tàu Thanh Bình. - Cesar nói. Ngay khi nào Bellamy lên thuyền, chúng ta sẽ tóm hắn.

Carlo Valli càng nghĩ càng chắc chắn rằng cậu ta sắp trúng một quả lớn. Câu chuyện bịa của Pier rằng người Mỹ nầy đang lẩn trốn vợ chỉ là một trò đùa. Ông Jones kia đang chạy trốn, đúng thế, nhưng mà là chạy trốn cảnh sát. Có thể là có một giải thưởng treo cho người đàn ông nầy. Có thể là một khoản lớn. Việc nầy phải thật khéo léo. Carlo quyết định mang bàn với Mario Lucca, thủ lĩnh của băng Diavoli Rossi.

Sáng sớm ra, Carlo ngồi lên chiếc xe Vespa và chạy tới phố Sorceila, đằng sau quảng trường Garibandi.

Cậu ta dừng lại trước một khu nhà cũ, và nhấn chuông trên một cái hộp thư vớ toác có ghi tên "Lucca".

Một phút sau, một tiếng nói quát lên:

- Thằng nào đấy?

- Carlo đây. Tôi cần nói chuyện vớì anh, Mario.

- Giờ nầy là giờ tốt đấy. Lên đi.

Mario Lucca đang đứng trước cửa mở toang, trần truồng. Ở cuối phòng, Carlo có thể nhìn thấy một cô gái.

- Gấp à? Có chuyện quái gì mà mầy đến sớm thế nầy?

- Mario, tôi không thể ngủ được. Tôi quá hồi hộp. Tôi nghĩ là mình đang vớ được một quả lớn.

- Thế hả? Vào đi.

Carlo bước vào căn phòng chật chội, bừa bãi.

- Đêm qua, bà chị tôi mang về một thằng cha.

- Thế thì sao? Pier là một con điếm mà. Cô ta...

- Ừ, nhưng mà thằng cha nầy giàu. Và ông ta đang lẩn trốn.

- Ông ta đang lẩn trốn ai?

- Tôi không biết. Nhưng tôi sẽ tìm ra. Tôi nghĩ là có thể có một khoản tiền thưởng lớn treo trên đầu ông ta.

- Sao không hỏi bà chị mầy?

Carlo cau mầy.

- Pier muốn ăn một mình. Anh sẽ thấy cái vòng tay mà ông ta mua cho bà ấy. Vòng ngọc.

- Một cái vòng? Hả? Giá bao nhiêu?

- Rồi tôi sẽ bảo anh. Tôi sẽ bán nó trong sáng nay.

Lucca đứng đó, ngẫm nghĩ:

- Tao bảo mầy thế nầy, Carlo. Vì sao ta lại không nói chuyện với người bạn của chị mầy hả? Hãy tóm hắn và mang hắn tới câu lạc bộ ngay sáng nay.

Câu lạc bộ là một cái nhà kho rỗng ở Sanita, nơi có một cái phòng cách âm.

- Hay. - Carlo mỉm cười. - Tôi có thể dễ dàng đưa ông ta tới đó.

- Chúng tao sẽ đợi hắn. - Lucca nói. - Và sẽ nói chuyện với hắn một chút. Tao hy vọng là hắn ta có một cái giọng hay bởi vì hắn sắp phải hát cho chúng ta nghe.

Khi Carlo trở về nhà, Robert đã đi. Carlo hết hoảng.

- Bạn chị đi đâu rồi? - Cậu hỏi Pier.

- Anh ấy nói là đi vào trong thành phố một lát.

- Anh ấy sẽ quay lại. Sao?

- Tò mò tí thôi. - Cậu ta nặn ra một nụ cười.

Carlo đợi bà mẹ và Pier vào bếp sửa soạn bữa trưa rồi vội và đi vào phòng Pier. Cậu ta nhìn thấy cái vòng ngọc được giấu trong một cái váy lót đề trong ngăn kéo tủ bèn nhanh chóng bỏ nó vào túi và đang trên đường ra khỏi nhà thì bà mẹ từ trong bếp gọi:

- Carlo, mầy không ở nhà ăn trưa à?

- Không. Con có hẹn. Con sẽ về sau, mẹ ạ.

Cậu ta ngồi lên chiếc Vespa và phóng về phía quảng trường Spagnolo. Có thể cái vòng nầy là của rởm, cậu ta nghĩ. Nó có thể chỉ là thuỷ tinh. Mình mong là không trở thành thằng ngớ ngẩn trước mắt Lucca. Cậu ta dừng xe trước một tiệm kim hoàn nhỏ với tấm biển hiệu đề: "Orologia". Chủ tiệm, Gambino, là một người đàn ông lớn tuổi, xương xẩu, với một bộ tóc giả màu đen xộc xệch và một cái mồm toàn răng giả. Ông ta nhìn lên khi Carlo bước vào.

- Xin chào, Carìo. Cậu ra khỏi nhà sớm đấy.

- Dạ.

Hôm nay cậu kiếm được cho tôi cái gì vậy?

Carlo lấy cái vòng tay ra và đặt nó lên trên mặt quầy.

- Cái nầy.

Gambino cầm nó lên. Khi nhìn nó, hai mắt ông ta trợn tròn.

- Cậu kiếm được cái nầy ở đâu thế?

- Một bà dì giàu có chết và để lại nó cho tôi. Nó có đáng giá gì không?

- Có thể. Gambino nói một cách thận trọng.

- Đừng có lòng vòng với tôi.

Gambino có vẻ bị xúc phạm.

- Tôi đã lừa cậu bao giờ chưa hả?

- Thì suốt đấy còn gì.

- Bọn trẻ con chúng mầy cứ giỡn hoài. Tôi sẽ nói cho cậu biết tôi định thế nào, Carlo. Tôi không chắc có thể lo chuyện nầy một mình. Nó rất có giá đấy.

- Thật hả? - Tim Carlo ngừng đập một nhịp. - Tôi sẽ phải xem có thể giao nó ở đâu đó không.

- Tôi sẽ gọi cho cậu tối nay.

Được Carlo nói. Cậu ta chộp lại cái vòng.

- Tôi sẽ giữ nó tới khi nào ông trả lời.

Carlo lâng lâng rời khỏi cửa tiệm. Vậy là cậu ta đã đúng. Thằng cha kia giàu thật và cũng điên khùng nữa: Không thì sao lại có thể tặng một cái vòng đắt tiền như thế nầy cho một con điếm?

Trong cửa hiệu, Gambino nhìn theo Carlo. Ông ta nghĩ, bọn ngu ngốc nầy đang dính vào một chuyện quỷ quái gì thế nhỉ? Từ dưới quầy, ông ta nhặt lên một tờ thông báo được gửi tới tất cả các tiệm kim hoàn. Trong đó có mô tả về chiếc vòng mà ông ta vừa nhìn thấy, nhưng ở phía dưới thì thay vào số điện thoại thường dùng của cảnh sát, là một chú thích đặc biệt: Báo cho SIFAR ngay? Gambino có thể phớt lờ một thông báo thông thường của cảnh sát, như đã hàng trăm lần ông ta làm như vầy, nhưng về SIFAR thì ông ta đủ biết là không nên qua mặt nó. Ông ta không muốn mất khoản lời của cái vòng kia, nhưng lại cũng không muốn chui đầu vào rọ. Một cách miễn cưỡng, ông ta nhấc máy và quay số trên trên bản thông báo.

Đó là cái đẹp của những khủng khiếp, quay cuồng, và là cái bóng của thần chết. Nhiều năm trước, Robert được phái đi công vụ ở Borneo và đã xuyên qua rừng rậm để lần theo một tên phản bội. Đó là vào dịp tháng Mười, trong lễ Musin takoolt, cái mùa ăn người truyền thống, khi mà những thổ dân của vùng rừng rậm sống trong nỗi khủng khiếp của Ballh Salang, thứ ma quái săn người để uống máu. Đó là một mùa săn của những tên sát nhân, và bây giờ, đối với Robert, Naples đột nhiên trở thành những cánh rừng rậm ở Borneo. Cái chết rình rập trong không trung. Đi với ma phải mặc áo giấy, Robert nghĩ. Họ sẽ phải bắt được mình trước đã. Họ đã lần ra mình như thế nào? Pier. Chắc hẳn họ phải lần ra anh qua Pier. Mình phải trở lại ngôi nhà kia và cảnh cáo cô ta, Robert nghĩ. Nhưng trước hết mình phải kiếm cách thoát khỏi nơi nầy.

Anh lái xe ra phía ngoại ô thành phố, nơi những con đường cao tốc bắt đầu, với hy vọng là nhờ một điều kỳ diệu nào đó mà đường không bị kiểm soát.

Còn cách năm trăm mét thì tới đầu đường, anh thấy cảnh sát lập rào chắn. Anh quay xe lại và chạy về trung tâm thành phố.

Robert lái xe chạy chậm, tập trung suy nghĩ, cố đặt mình vào trong vị trí của những kẻ đang săn lùng anh. Họ sẽ cho chặn tất cả những con đường ra khỏi Italia. Tất thảy mọi con tàu rời khỏi nước nầy cũng sẽ bị kiểm tra.

Trong đầu anh chợt nảy ra một kế hoạch. Sẽ chẳng có lý do gì để họ lục soát những con tàu không rời khỏi Italia. Đó là một cơ hội, Robert nghĩ. Anh lại chạy về phía cảng.

***

Chiếc chuông nhỏ trên cửa tiệm kim hoàn kêu vang và Gambino ngẩng đầu lên. Hai người đàn ông mặc complê màu sẫm bước vào. Họ không phải là khách hàng.

- Tôi có thể giúp gì các ông?

- Ông là Gambino phải không?

- Phải. - Ông ta phơi ra những chiếc răng giả.

- Ông vừa gọi báo về một cái vòng ngọc lục bảo.

SIFAR. Ông ta đã đang đợi họ. Nhưng lần nầy thì ông ta ở cùng phía với những thần chết.

- Đúng thế. Là một công dân yêu nước, tôi cảm thấy đó là nghĩa vụ của mình.

- Dẹp thử vớ vẩn đó đi. Ai mang đến?

- Một thằng bé tên là Carlo.

- Nó có để cái vòng lại không?

- Không, nó mang đi luôn.

- Tên họ của Carlo là gì?

Gambino nhô cao một bên vai lên.

- Tôi không biết tên họ của nó. Nó là một thằng trong băng Diavoli Rossi. Đó là một trong những băng nhóm địa phương ở đây. Đứng đầu băng là nột thằng tên là Lucca.

- Ông có biết chúng tôi có thể tìm được Lucca ở đâu không?

Gambino lưỡng lự. Nếu như Lucca tìm ra rằng ai đã nói thì hắn sẽ cắt lưỡi người ấy. Nếu không nói thì những người nầy cũng sẽ đập ông ta vỡ sọ.

- Hắn sống ở phố Sorcella, phía sau quảng trường Garibaldi.

- Cám ơn ông Gambino. Ông đã giúp chúng tôi nhiều.

- Tôi luôn sung sướng được cộng tác với...

Hai người kia đã ra khỏi tiệm.

***

Lucca đang nằm trên giường với cô bạn gái thì hai người đàn ông đẩy tung cánh cửa phòng.

Lucca nhảy ra khỏi giường.

- Cái trò mẹ gì thế nầy? Các người là ai hả?

Một người đàn ông chìa ra tấm thẻ.

SIFAR. Lucca nuốt giận.

- Nầy, tôi không làm gì sai trái cả. Tôi là một công dân tôn trọng luật pháp.

- Chúng tôi biết thế, Lucca. Chúng tôi không quan tâm tới anh. Chúng tôi quan tâm tới một thằng bé tên là Carlo.

Carlo. Vậy là về chuyện đó. Cái vòng khôn kiếp kia. Thằng Carlo dính vào chuyện trời đánh gì thế nhỉ? SIFAR không có chuyện phái người đi tìm một thứ đồ nữ trang bị đánh cắp.

- Nào, anh có biết nó hay không hả?

- Có thể.

- Nếu anh không chắc, chúng tôi sẽ làm cho anh nhớ lại tại trụ sở của chúng tôi.

- Khoan. Bây giờ tôi nhớ ra rồi. - Lucca nói. - Hẳn là các ông nói tới Carlo Valli. Nó làm sao hả?

- Chúng tôi muốn nói chuyện với nó. Nó sống ở đâu?

Mọi thành viên của băng Diavoli Rossi đều đã phải uống máu thề trung thành, rằng chúng sẽ chết trước khi phản lại một thành viên khác. Đó chính là điều đã làm cho Diavoli Rossi trở thành một băng mạnh như vậy. Chúng gắn bó với nhau. Một vì tất cả và tất cả vì một.

- Anh có muốn đi vào trung tâm thành phố không hả?

- Để làm gì? - Lucca nhún vai. Hắn ta trao địa chỉ của Carlo.

***

Ba mươi phút sau, Pier mở cửa và thấy hai người lạ đứng trước mặt.

- Cô là Valli?

- Phải. Rắc rối rồi.

- Chúng tôi có thể vào nhà được không?

Cô ta muốn nói là không, nhưng không dám.

- Các ông là ai?

Một trong hai người đàn ông móc ví và chìa ra một tấm thẻ. SIFAR. Đây không phải là những người mà cô ta đã mặc cả. Pier cảm thấy lo sợ là họ sẽ cướp mất cái khoản tiền thưởng của mình.

- Các ông muốn gì ở tôi?

- Chúng tôi muốn hỏi cô vài câu?

- Cứ việc Tôi không có gì để mà giấu giếm.

Ơn Chúa, Pier nghĩ, Robert đi vắng. Mình vẫn có thể thương lượng.

- Cô từ Rôme đi xe về đây ngày hôm qua phải không? Đó là một câu khẳng định.

- Phải. Điều đó phạm luật chăng? Hay tôi chạy nhanh quá?

Người đàn ông kia mỉm cười. Nhưng nụ cười không làm cho vẻ mặt anh ta thay đổi.

- Cô có một người bạn đồng hành phải không?

- Phải. - Pier thận trọng trả lời.

- Anh ta là ai vậy, thưa cỏ.

Cô ta nhún vai.

- Một người đàn ông tôi gặp trên đường. Ông ta muốn đi nhờ tới Naples.

Người đàn ông thứ hai hỏi:

- Ông ta có ở cùng cô bây giờ không?

- Tôi không biết ông ta hiện ở đâu. Tôi thả ông ta xuống khi chúng tôi về tới thành phố, và ông ta biến mất.

- Có phải tên người hành khách của cô là Robert Bellamy không?

Cô ta nhíu mầy suy nghĩ.

- Bellamy hả? Tôi không biết. Tôi không nghĩ là ông ta có nói tên cho tôi biết.

- Ồ chúng tôi nghĩ là có đấy. Ông ta vớ được cô ở Tor di Ounto, cô đã ngủ qua đêm với ông ta ở khách sạn Incrocio, và sáng hôm sau ông ta mua cho cô một cái vòng ngọc. Ông ta bảo cô tới một vài khách sạn với những cái vé xe lửa và máy bay và rồi cô thuê một chiếc xe, và đi Naples, phải không nào?

Họ biết tất cả. Pier gật đâu, mắt cô ta đầy lo sợ.

- Người bạn của cô sẽ trở lại, hay ông ta đã rời Naples hả?

Cô ta lưỡng lự, lựa câu trả lời lợi nhất. Nếu như cô nói với họ là Robert đã rời khỏi thành phố thì họ cũng không tin cô cơ mà. Họ sẽ đợi ngay trong ngôi nhà nầy và khi ông ta xuất hiện, họ có thể buộc tội cô đã giấu giếm cho ông ta và bắt giữ cô như một tòng phạm. Cô cho rằng nói thật thì còn hơn.

- Ông ta sẽ trở lại. - Pier nói.

- Ngay à?

- Tôi không rõ.

- Ồ chúng tôi sẽ tự thu xếp cho mình. Cô không phiền nếu chúng tôi ngó quanh một chút chứ?

Họ phanh áo khoác, để lộ ra những khẩu súng.

- Không... không.

Họ toả ra, đi lại ngó nghiêng khắp nhà.

Bà mẹ từ trong bếp bước ra.

- Những người đàn ông nầy là ai vậy?

- Họ là bạn của anh Jones. - Pier nói. - Họ đến gặp anh ấy.

Bà mẹ cười.

- Một người đàn ông ra dáng lắm. Các ông có muốn ăn trưa một chút không?

- Có chứ, bà mẹ. - Một trong hai người đàn ông nói. - Chúng ta sẽ có món gì thế?

Đầu óc Pier rối bời. Mình phải gọi lại cho Interpol, cô ta nghĩ. Họ nói họ sẽ trả năm mươi ngàn đôla.

Trong khi đó, cô phải giữ cho Robert đừng về nhà cho đến khi cô dàn xếp xong chuyện "bán" anh. Nhưng bằng cách nào? Cô ta bỗng nhớ lại câu chuyện buổi sáng. Nếu có rắc rối thì người ta buông một tâm mành xuống... để báo cho ai đó tránh đi.

Hai người đàn ông đang ngồi trong phòng ăn, ăn một bát xúp.

- Ở đây sáng quá. - Pier nói.

Cô ta nhỏm dậy và đi vào trong phòng khách kéo một tấm rèm xuống. Rồi cô ta trở lại bên bàn. Mình mong là Robert nhớ cái dấu hiệu báo động nầy.

Robert vừa lái xe chạy về nhà Pier vừa nghĩ kế hoạch tẩu thoát của anh. Không hoàn hảo lắm, anh nghĩ, nhưng ít nhất thì nó cũng làm cho họ mất phương hướng và cho mình có thêm thời gian. Khi về gần tới ngôi nhà, anh giảm tốc độ và quan sát xung quanh.

Một thứ đều có vẻ bình thường. Anh sẽ cảnh cáo Pier đừng dính vào và rồi sẽ ra đi. Khi chuẩn bị dừng xe trước cửa nhà, có điều gì đó làm cho anh thấy lạ. Một tấm rèm phía trước được buông xuống. Những cái khác thì vẫn treo. Có thể là một sự ngẫu nhiên nhưng... một tiếng chuông báo động vang lên trong đầu anh.

Có phải Pier đã nghiêm túc với cái trò vặt của anh chăng? Phải chăng chính là một tín hiệu báo động đó? Robert dận ga và tiếp tục cho xe chạy. Anh không thể có bất kỳ mạo hiểm nào, cho dù là mỏng manh nhất. Anh lái xe đến một cái tiệm cách đó gần hai cây số và đi vào gọi điện thoại.

Họ đang ngồi tại bàn ăn thì chuông điện thoại kêu.

Những người đàn ông cảm thấy căng thẳng. Một trong hai người bọn họ chực nhỏm dậy.

- Liệu có phải Bellamy gọi điện về đây không?

Pier nhìn anh ta có vẻ coi thường.

Tất nhiên là không. Sao ông ta phải làm thế nhỉ?

Cô đứng dậy và bước tới bên điện thoại, nhấc máy.

- Hello?

- Pier hả? Anh nhìn thấy tấm rèm cửa sổ và...

Tất cả những gì cô phải làm là bảo rằng mọi thử vẫn ổn thoả và anh có thể về nhà. Họ sẽ bắt anh và cô có thể đòi khoản tiền thưởng cho mình. Nhưng liệu họ có đơn thuần chỉ bắt hay không? Cô như có thể nghe được lời Robert nói: "Nếu như cánh sát tìm thấy tôi họ được lệnh phải hạ thủ ngay".

Hai người đàn ông ngồi lại bàn đang chăm chú nhìn cô. Với năm mươi ngàn đôla cô có thể làm được bao nhiêu việc. Nào là quần áo đẹp, những chuyến đi, một căn hộ xinh xắn ở Rome. Và Robert sẽ chết. Ngoài ra cô ta còn căm ghét cảnh sát. Pier nới vào máy:

- Ông nhầm số máy.

Robert nghe thấy tiếng máy bị cúp và đứng lặng, sững sờ. Cô ta đã tin vào trò đùa của anh, và có thể điều đó đã cứu mạng anh. Chúa phù hộ cho cô ta.

Robert quay xe và thay vì chạy vào khu cảng chính chuyên phục vụ cho những tàu chở hàng và những tàu đi biển xa, anh lái xe chạy về phía bên kia, ngang qua khu Santa Lucia, tới một cầu tàu nhỏ, nơi có một tấm biển treo trên một kiốt ghi: "Capri và Ischia".

Robert dừng xe ở một nơi dễ thấy và bước đến chổ người bán vé.

- Khi nào thì có chuyến thuyền cao tốc đi Iscbia?

Ba mươi phút nữa.

- Thế còn đi Capri?

- Năm phút.

- Cho tôi một vé một chiều đi Capri.

- Vâng, thưa ông.

- Vâng, thưa ông - nghĩa là thế nào? - Robert to tiếng. - Tại sao các người không nói tiếng Anh như những người khác hả?

Người đàn ông kia trợn mắt ngạc nhiên.

Lũ các người đều giống nhau cả. Ngu ngốc. Hay như các người nói, stupidio. - Robert ném ít tiền cho người đàn ông kia, chộp lấy vé và đi về phía chiếc thuyền.

Ba phút sau, anh đã đang trên đường tới đảo Capri.

Chiếc thuyền tử từ rời bến, thận trọng đi theo đúng luồng lạch. Khi đã ra tới đường giới hạn bên ngoài, nó lao về phía trước, chồm lên hẳn khỏi mặt nước.

Trên thuyền đầy những khách du lịch từ nhiều nước khác nhau, vui vẻ trò chuyện bằng bao nhiêu thử ngôn ngữ. Không ai để ý gì tới Robert. Anh đi tới một quầy rượu nhỏ nơi bán những đồ uống. Anh nói với tay chủ quán:

- Cho tôi vodka pha.

- Thưa ông, vâng.

Anh nhìn tay chủ quán pha rượu.

- Đây thưa ông.

Robert cầm ly rượu lên, nhấp một ngụm. Ann đập mạnh ly rượu xuống mặt quầy:

- Lạy Chúa, các người gọi thứ nầy là rượu à? - Anh nói. - Mùi như nước đái ngựa vậy. Có chuyện gì với bọn người Italia khốn kiếp các người thế hả?

Mọi người xung quanh nhìn anh chòng chọc.

Người chủ quán nói, cứng cỏi.

- Xin lỗi, thưa ông, chúng tôi đã dùng thứ tốt nhất.

- Đừng nói với tao chuyện cứt đái đó.

Một người Anh gần đó dằn giọng.

- Ở đây có phụ nữ. Tại sao ông không chú ý ngôn từ một chút?

- Tôi không cần phải chú ý gì hết. - Robert quát lên. - Các người có biết ta là ai không? Ta là sĩ quan Robert Bellamy. Và họ lại còn gọi đây là một chiếc thuyền chứ? Đúng là một khúc gỗ bỏ đi.

- Anh đi lại mũi thuyền và ngồi xuống. Anh có thể cảm thấy ánh mắt của tất cả mọi người đang nhìn theo. Tim anh đập thình thịch, nhưng cuộc chơi đâu đã xong.

Khi chiếc thuyền ghé vào đảo Capri, Robert bước tới quầy bán vé xe bus. Một người đàn ông lớn tuổi đang đứng trong quầy bán vé.

Một vé. - Robert quát lên. - Và nhanh lên. Tôi không có cả ngày đâu. Ông đã quá già nua cho việc bán vé rồi, đúng thế. Ông nên ở nhà. Có thể vợ ông đang dan díu với tất cả đám hàng xóm đấy.

Ông già đã toan nổi cơn lôi đình. Những người đi qua đều nhìn Robert một cách khó chịu. Robert chộp lấy chiếc vé và bước vào chuyến xe chật ních người. Họ sẽ nhớ mình, anh nghĩ một cách quả quyết.

- Anh đang để lại một cái đuôi mà chẳng ai là không thấy Khi chiếc xe dừng lại, Robert chen ra khỏi đám đông. Anh đi theo phố Vittoro Emanuele ngoằn ngoèo, tới khách sạn Quisiana.

- Tôi cần một phòng. - Anh nói với người nhân viên sau quầy.

- Tôi xin lỗi. - Người nhân viên kia đáp. - Nhưng chúng tôi hết phòng rồi. Có...

Robert đưa cho anh ta sáu mươi ngàn lia.

- Phòng nào cũng được.

- Ồ, trong trường hợp đó, tôi nghĩ là chúng tôi có thể thu xếp cho ông được, thưa ông. Xin ông làm đăng ký ạ?

Robert viết tên: Sĩ quan Robert Bellamy.

- Ông sẽ ở chỗ chúng tôi bao lâu, ông sĩ quan?

- Một tuần.

- Được lắm. Cho tôi xin hộ chiếu của ông?

- Tôi để nó cùng với hành lý. Vài phút nữa nó sẽ được mang lại đây.

- Tôi sẽ cho người đưa ông lên phòng.

- Bây giờ thì không. Tôi phải ra ngoài một chút đã. Tôi sẽ trở lại ngay.

Robert rời khỏi tiền sảnh khách sạn và đi ra phố.

Những kỷ niệm như luồng gió lạnh quất vào đầu anh.

Anh đã từng đi dạo ở đây với Susan, thăm thú những đường phố nhỏ hẹp, và đi dạo dọc trên phố Ignazio và Li Campo. Đó là những ngày huyền diệu. Họ đến thăm khu Grotta Azzurra và uống cà phê sáng ở quảng trường Umberto. Họ đi xe bus lên Anacapri vả cưỡi lừa đi Villa Jovis, ngồi nhà của Tiberus và đi bơi trong vùng nước màu xanh lục ở Marina Piccola. Họ đi mua sắm dọc trên phố Victorio Emanuele và ngồi ghế đu lên đỉnh Solaro, chần họ lướt trên đám lá nho và những bụi cây nhỏ. Về phía bên phải, họ có thể nhìn thấy những ngôi nhà chạy dài xuống sười núi tới sát biển, những bụi cây đậu chổi hoa vàng rực bao phủ mặt đất mọt chuyến đi mười một phút trên một vùng đất huyền thoại với những cây cối xanh ngát, những ngôi nhà trắng và xa xa là vùng biển xanh. Trên đỉnh núi, họ đã uống cà phê ở quán Barbarossa và rồi đi vào một ngôi nhà thở nhỏ để tạ ơn Chúa đã phù hộ cho họ và cảm ơn lẫn nhau.

Robert đi trở lại trạm xe bus ở quảng trường Umberto, và lên xe trở về, lặng lẽ trà trộn vào những hành khách khác. Khi xe dừng lại ở bến sau cùng, anh bước ra, thận trọng tránh người bán vé lúc trước.

Anh đi tới cái kiốt ở bến tàu. Bằng một giọng đặc sệt Tây Ban Nha, Robert hỏi:

- Bao nhiêu phút nữa thì có tàu đi Iscbia?

- Chừng hai mươỉ phút.

- Cám ơn. - Robert mua một vé.

- Anh đi vào cái quán ở trước bến cảng và kiếm một chỗ ngồi ở phía trong, nhấm nháp ly rượu. Lúc nầy thì không nghi ngờ gì là họ đã tìm thấy chiếc xe, và cuộc săn lùng anh đang khép chặt lại. Anh mở rộng tấm bản đồ châu Âu ra trong đầu. Việc anh quay lại Pháp sẽ không có ý nghĩa gì. Vậy là Pháp, Robert nghĩ. Một bến cảng đông đúc để rời Italia.

Civitavechia. Mình phải đến Civitavechia. Du thuyền Thanh Bình.

Anh đổi tiền lẻ ở chỗ chủ quán và tới gọi điện thoại. Người nhân viên tổng đài hàng hải phải mất tới mười phút để nối máy cho anh. Susan trả lời gần như ngay lập tức.

- Bọn em đang chờ tin anh.

Bọn em. Anh thấy điều đó thật thú vị.

Động cơ đã được sửa xong. Sáng sớm chúng em có thể tới Naples. Chúng em sẽ đón anh ở đâu?

Để cái du thuyền Thanh Bình tới đây thì quá mạo hiểm. Robert nói:

- Em có nhớ cái chỗ xuôi ngược đều giống nhau đó không? Chúng ta đã đi tới đó trong tuần trăng mật.

- Cái gì?

- Anh đã nói đùa về nó bởi vì anh đã kiệt sức đấy.

Đầu dây đằng kia im lặng. Rồi tiếng Susan dịu dàng:

- Em nhớ.

- Du thuyền có thể đón anh ở đó vào ngày mai được không?

- Chờ một tí.

Anh chờ. Susan trở lại máy.

- Được bọn em có thể ở đó.

- Tốt. - Robert ngần ngại. Anh nghĩ tới tất cả những người vô tội đã chết. - Anh đang đòi hỏi ở em nhiều quá. Nếu mà họ tìm ra việc em đã giúp anh thì em có thể gặp nguy hiểm khủng khiếp.

- Đừng lo. Chúng em sẽ gặp anh ở đó. Cẩn thận nhé.

- Cám ơn.

Liên lạc bị cắt.

Susan quay lại với Monte Banks.

- Anh ấy sẽ đến.

Tại trụ sở SIFAR ở Rome, họ đang nghe câu chuyện trên phòng liên lạc. Có bốn người đàn ông trong phòng.

Người nhân viên kỹ thuật nói:

- Chúng tôi đã ghi lại trong trường hợp ngài muốn nghe một lần nữa, thưa ngài.

Đại tá Cesar đưa mắt hỏi ý Frank Johnson.

- Phải. Tôi muốn nghe phần nói về nơi họ sẽ gặp nhau. Có vẻ như là anh ta nói chỗ xuôi ngược. Đó là một nơi nào ở Italia?

Đại tá Cesar lắc đầu.

- Tôi chưa bao giở nghe thấy. Chúng ta sẽ kiểm tra. - Ông ta quay lại người trợ lý. - Tìm trên bản đồ xem. Và cứ giám sát tất cả các liên lạc đi và đến của du thuyền Thanh Bình.

- Thưa ngài, vâng.

***

Chuông điện thoại lại kêu và Pier định đứng dậy để trả lời máy.

- Để yên. - Một trong hai người đàn ông nói. Anh ta bước đến chỗ điện thoại và nhấc máy.

- Hello!

Anh ta nghe một phút rồi ném cái máy xuống và quay lại phía người đồng nghiệp.

- Bellamy đã đi thuyền tới Capri. Chúng ta đi thôi.

Pier nhìn hai người đàn ông vội vã ra cửa và nghĩ: Chúa không có ý định cho mình ngần ấy tiền, hẳn là thế. Mình mong rằng anh ấy thoát được.

Khi chiếc phà đi Ischia cặp bến, Robert hoà vào đám đông trèo lên bờ. Anh cố thu mình, tránh nhìn vào mắt mọi người. Ba mươi phút sau, chiếc phà cặp vào Ischia. Robert xuống và đi tới một quầy bán vé trên cầu tầu. Một tấm biển thông báo cho thấy chuyến phà đi Soriento sẽ khỏi hành sau mười phút.

- Cho một vé khứ hồi đi Soriento. - Robert nói.

Mười phút sau, anh đã trên đường đi Sonento, trở lại đất liền. May ra thì cuộc săn lùng sẽ bị hướng tới Capri, Robert nghĩ. May ra.

***

Chợ thực phẩm ở Soriento chật ních. Những người nông dân từ ngoại ô vào mang theo hoa quả tươi và rau, và những máng lưỡi bò chất đống trên những quầy thịt. Đường phố đầy những người qua lại.

Robert tiến đến bên người đàn ông to béo mặc một cái áo choàng bẩn thỉu đang chất hàng lên một xe tải.

- Xin lỗi ông - Robert nói bằng một thứ tiếng Pháp hoàn hảo. - Tôi đang tìm phương tiện đi Civitavechia. Ông có đi về hướng đó không?

- Không. Salerno. - Ông ta chỉ về phía một người đàn ông đang chất hàng lên một cái xe tải gần đó. - Guiseppe có thể giúp ông được.

- Cảm ơn.

Robert đi đến chiếc xe tải kia.

- Thưa ông, liệu ông có tình cờ đi Civitavechia không?

- Có thể. - Người đàn ông kia đáp lại một cách hờ hững.

- Tôi sẽ vui lòng được trả tiền.

- Bao nhiêu?

Robert đưa cho ông ta một trăm ngàn lia.

- Với ngần nầy tiền thì ông có thể mua cho mình cả một vé máy bay đi Róme, phải thế không?

Robert lập tức nhận ra ngay sai lầm của mình. Anh nhìn quanh vẻ sợ hãi.

- Sự thật là mấy chủ nợ đang theo dõi tôi ở sân bay. Tôi cẩn đi bằng xe tải mà.

Người đàn ông kia gật đầu.

- À tôi hiểu. Được, lên đi. Chúng ta sẽ đi ngay đấy.

Robert há hốc mồm.

- Tôi rất mệt mỏi. Nói thế nào nhỉ? Mệt phải không ông có bằng lòng nếu cho tôi ngủ ở thùng xe không?

- Đi đường xóc lắm đấy, nhưng tuỳ ông thôi.

- Cám ơn.

Thùng chiếc xe tải nầy chết đầy những thùng và hòm rỗng. Guiseppe nhìn Robert trèo lên và ông ta đóng tấm chắn đằng sau lại. Trên thùng xe, Robert giấu mình sau mấy cái thùng. Anh chợt thấy mình mệt mỏi đến thế nào.

Cuộc săn lùng đã bắt đầu làm cho anh kiệt sức.

Anh đã không ngủ bao lâu rồi nhỉ? Anh nghĩ tới Pier và hình ảnh cô ta đã đến với anh đêm qua, đã làm cho anh cảm thấy mình lại là một người đàn ông hoàn toàn. Anh hy vọng là cô đã đúng. Robert ngủ thiếp đi.

Trong cabin xe, Guiseppe đang nghĩ về người hành khách của mình. Có tin về một người Mỹ mà nhà chức trách đang truy lùng. Người khách nói giọng Pháp nhưng trông như một người Mỹ, và ông ta ăn mặc như một người Mỹ. Cũng đáng kiểm tra xem. Có thể có phần thưởng ngon lành.

Một giờ sau, tại một nơi dừng dành riêng cho xe tải trên xa lộ, Guiseppe đỗ trước một cây xăng.

- Bơm đầy đi. - Ông ta nói.

Ông ta đi vòng lại sau xe và nhìn vào thùng xe.

Người khách của ông ta đang ngủ.

Guiseppe đi vào trong quán ăn và gọi điện cho cảnh sát địa phương.

Cú điện thoại được chuyển thẳng cho đại tá Cesar.

- Phải. - Ông ta nói với Guiseppe. - Có vẻ rất giống người đàn ông của chúng tôi. Nghe kỹ dây. Anh ta rất nguy hiểm, bởi vậy ông phải làm đúng theo lời tôi hiểu chưa?

- Vâng, thưa ngài.

Bây giờ ông đang ở đâu?

Tại nơi dừng xe tải AGIP trên đường đi Civitavechia.

- Và bây giờ anh ta đang ở trong thùng xe của ông à?

- Vâng.

Câu chuyện đã làm cho ông ta sợ. Đáng ra mình chỉ nên lo việc của mình thôi.

- Đừng làm bất cứ điều gì để anh ta nghi ngờ nhé. Trở lại xe và cứ lái đi. Cho tôi số biển và hình dạng chiếc xe của ông.

Guiseppe nói cho ông ta biết.

- Tốt. Chúng tôi sẽ lo mọi chuyện. Giờ thì đi đi.

Đại tá Cesar quay sang đại tá Johnson, hớn hở:

- Tóm được hắn rồi. Hãy cho dựng các trạm kiểm soát còn chúng ta có thể đến đó trong ba mươi phút bằng máy bay lên thẳng.

Lên đường.

Khi Guiseppe gác máy, ông ta lau hai bàn tay đẫm mồ hôi lên trên áo và đi ra xe. Mình hy vọng là không có vụ nổ súng. Maria sẽ giết mình. Mặt khác, nếu như khoản tiền thưởng kha khá một chút...

Ông ta trèo lên cabin và cho xe chạy về hướng Civitavechia.

Ba mươi lăm phút sau, Guiseppe nghe thấy tiếng trực thăng bay trên đầu. Ông ta nhìn lên. Nó mang ký hiệu của cảnh sát quốc gia. Trên xa lộ phía trước mặt, ông ta thấy hai chiếc xe cảnh sát đỗ nối đuôi nhau tạo thành một rào chắn ngang, và đằng sau là cảnh sát với súng tiểu liên trong tay. Chiếc trực thăng hạ xuống bên lề đường và Cesar cùng đại tá Frank Johnson bước ra.

Khi tới gần chỗ đường bị chắn, Guiseppe giảm tốc độ rồi dừng lại. Ông ta tắt máy và nhảy ra, chạy thẳng tới chỗ sĩ quan cảnh sát.

- Hắn ta trong thùng xe. - Ông ta thét lớn.

Cesar quát:

- Khép vào!

Các cảnh sát cùng ập lại, súng lăm lăm.

- Đừng bắn. - Đại tá Johnson quát lớn. - Để anh ta cho tôi. - Ông tiến về phía thùng xe. - Nào ra đi, Robert. - Đại tá Johnson gọi. Hết rồi.

Không có phản ứng gì.

- Robert, anh có năm giây.

Im lặng. Họ chờ đợi.

Cesar quay lại phía người của mình và gật đầu.

- Không! - Đại tá Johnson quát lên. Nhưng đã quá muộn.

Đám cảnh sát đã bắt đầu xả súng vào thùng chiếc xe tải. Tiếng súng chói tai. Những mảnh vỡ bay tung toé vào không gian. Mười giây sau, tiếng súng ngừng.

Đại tá Johnson nhảy lên thùng xe và đá tung những hòm, thùng cản lối ông ta.

Rồi quay xuống nhìn Cesar.

- Anh ta không có đây.

***

Ngày thứ mười chín

Civitavechia Italia.

Civitavechia là một cảng biển cổ kính trên tuyến đường tới Rome, được canh giữ bởi một pháo đài lớn mà Michelangelo hoàn thiện vào năm 1537. Đây là một trong những cảng bận rộn nhất châu Âu, phục vụ cho tất thảy những vận tải đường biển đi và đến từ Rome và Sardinia. Mới sáng sớm nhưng bến cảng đã sống động với những hoạt động ầm ĩ. Robert đi qua khu ga đường sắt rồi bước vào một quán nhỏ đầy mùi thức ăn cay nồng và gọi đồ ăn sáng.

Du thuyền Thanh Bình sẽ chờ anh ở nơi hẹn trước. Anh biết ơn việc Susan đã nhớ nó. Trong tuần trăng mật, họ đã ở trong phòng và làm tình suốt ba ngày đêm. Sau đó, Susan nói: "Anh có muốn đi bơi không, anh yêu?" Robert lắc đầu. "Không. Anh không thể nhấc người lên được." - "Anh có thể lắm, trước khi thấy Elba(1): rồi Susan cười phá lên và họ lại làm tình. Và thật may mắn, cô ấy đã nhớ cái trò chơi chữ ấy.

Bây giờ tất cả những gì anh phải làm là kiếm một chiếc thuyền chở anh tới Elba. Anh đi dọc theo những đường phố dẫn ra cảng. Khu vực cảng náo nhiệt với những hoạt động của nó, đông đúc những tàu hàng, những thuyền máy và những thuyền tư nhân. Có một bến dành cho phà. Mắt Robert sáng lên khi anh nhìn thấy nó. Đó sẽ là cách an toàn nhất để đi Elba. Anh sẽ dễ dàng hoà mình vào đám đông.

Khi Robert bắt đầu đi về phía bến phà, anh để ý thấy một chiếc xe màu sẫm không có gì đáng chú ý đậu cách đó chừng nửa quãng phố. Anh dừng lại. Nó mang biển số công. Có hại người đàn ông ngồi trong xe đang quan sát bến cảng. Robert quay lại và ới về một hướng khác.

Rải rác trong đám công nhân cảng và khách du lịch, anh phát hiện thấy những thám tử mặc thường phục đang tìm cách để không lộ diện. Họ đứng như những ngọn đèn hiệu báo nguy hiểm. Tim Robert bắt đầu đập mạnh. Làm sao mà họ đã có thể lần theo anh tới đây được nhỉ? Và rồi anh nhớ lại những gì đã xảy ra trước đó.

Lạy Chúa, mình đã nói với thằng cha lái xe tải là mình đi đâu mà. Ngu ngốc. Mình sẽ rất mệt đây.

Anh đã ngủ thiếp đi trên chiếc xe tải và khi xe dừng lại, không có những rung lắc, anh đã tỉnh giấc, nhìn ra và thấy Guiseppe đi vào trong cây xăng để gọi điện thoại. Chẳng biết ông ta gọi ai, song, không được phép mạo hiểm, anh đã chuồn khỏi xe và chui vào thùng một chiếc xe khác cũng chạy về Civvitavechia ở phía bắc.

Anh đã tự bẫy mình. Họ đang tìm kiếm anh ở đây. Cách đây vài trăm mét là cả hơn chục chiếc thuyền có thể cho anh một lối thoát. Nhưng bây giờ thì không còn nữa.

Robert rời khỏi khu cảng và đi vào thành phố. Anh đi ngang qua một toà nhà lớn với một tấm biển sặc sỡ treo trên tường. Tấm biển đề: "Hãy vào khu chợ. Vui vẻ cho tất cả. Đồ ăn. Trò chơi. Đu quay. Xem cuộc đua lớn".

Anh dừng lại nhìn.

Anh đã tìm thấy lối thoát cho mình.

Chú thích:

(1) Thấy Elba (I saw Elba) đọc ngược là (Albe was I) có nghĩa là "Trước đây thì tôi có thể" (ND.)

Trong khu chợ, bên ngoài thành phố chừng năm dặm, là một loạt những chiếc khinh khí cầu đủ màu sắc bầy ra trên cả một khu vực, trông giống như những cầu vồng hình tròn. Chúng được cột vào những chiếc xe tải trong lúc những người phục vụ trên mặt đất đang bận rộn bơm khí lạnh vào. Khoảng gần một chục chiếc xe đuổi bắt đỗ ở đó, sẵn sàng lao theo những chiếc khinh khí cầu, trong mỗi xe là hai người đàn ông, một người lái và một người tìm kiếm.

Robert bước lại gần người có vẻ là phụ trách ở đây.

- Hình như các ông sẵn sàng cho một cuộc đua lớn thì phải? - Robert nói.

- Đúng thế. Đã bao giờ ngồi trong một khinh khí cầu chưa hả?

- Chưa.

Họ đang bay là là trên hồ Cormo và anh cho khinh khí cầu hạ xuống cho tới khi nó chạm cả vào mặt nước. "Chúng ta sẽ đâm xuống mất. Susan hét lên. Anh mỉm cười "Không, không đâu!". Mặt dưới của khinh khí cầu đang nhảy múa trên những ngọn sóng. Anh ném đi một túi cát và quả cầu lại bắt đầu bay lên. Susan cười vang và ôm lấy anh, nói...

Người đàn ông kia nói:

- Ông nên thử một chút. Đó là một môn thể thao tuyệt vời.

- Phải. Cuộc đua hướng về đâu thế?

- Nam Tư. Đang có gió đông rất đẹp. Chúng tôi sẽ khởi hành trong ít phút nữa. Tất hơn là nên bay vào buổi sáng sớm khi mà không khí còn mát.

- Thế à? - Robert tiếp nhận lời mời một cách lịch sự.

Anh đã từng đến Nam Tư vào một kỳ nghỉ hè ngắn ngủi. "Chúng ta phải đưa bốn người ra khỏi đó, ông sĩ quan. Chúng ta phải đợ cho đến khi không khí mát hơn. Nếu như vào mùa đông một khinh khí cầu chở được bốn người thì nó chỉ có thể chở được hai người vào mùa hè". Robert thấy tổ bay đã gần như hoàn thành việc bơm không khí vào những quả cầu và bắt đầu đất những ngọn lửa ga lớn, hướng ngọn lửa vào miệng quả cầu để đất nóng không khí bên trong. Những quả cầu, vốn đang nằm bẹp dí, bắt đầu ngóc dậy cho tới khi những cái giỏ treo bên dưới đứng thẳng lên.

- Tôi ngó quanh một chút có được không? - Robert hỏi.

- Xem đi! Chỉ đừng có cản lối ai thôi.

- Vâng.

Robert đến bên một khinh khí cầu đã được bơm đầy ga. Nó được giữ với mặt đất duy nhất bằng một sợi dây thừng buộc vào một trong những chiếc xe tải.

Người chuẩn bị cho nó đã đi ra xa làm gì đấy. Không có ai khác ở gần cả.

Robert trèo vào trong một cái giỏ dưới quả cầu và quả bóng lớn dường như choán cả khoảng trời trên đầu anh. Anh kiểm tra các trang thiết bị, đồng hồ đo độ cao, các bản đồ, một dụng cụ đo để giám sát nhiệt độ bên trong quả cầu, một máy báo mức tăng độ cao và một hộp đồ nghề. Mọi thứ đều đâu vào đấy.

Robert với tay vào trong hòm đồ và lấy ra một con dao. Anh cắt sợi dây buộc và một giây sau, quả cầu bắt đầu bay lên.

Nầy. - Robert thét lớn. - Có chuyện gì thế? Cho tôi xuống.

Người đàn ông mà anh đã nói chuyện trước đó há mồm nhìn quả cầu đang bay đi...

Hãy bình tĩnh. Đừng hoảng sợ. - Ông ta thét lên. - Trên đó có một cái máy đo độ cao. Dùng những vặt dằn trên đó để giữ ở độ cao chừng ba trăm mét. Chúng tôi sẽ gặp ông ở Nam Tư. Ông có nghe thấy tôi nói không?

- Tôi có nghe.

Quả cầu bay lên mỗi lúc một cao, mang anh về phía đông, ngày càng xa Elba ở phía tây. Nhưng Robert không lo ngại. Gió đổi chiều ở những độ cao khác nhau.

Chưa có quả cầu nào khác xuất phát cả. Robert nhìn thấy một chiếc xe đuổi bắt lên đường, bám theo anh.

- Anh ném bớt vật dằn và theo dõi đồng hồ đo độ cao.

Hai trăm mét... hai trăm rưởi, ba trăm, bốn trăm.

Ở độ cao sáu trăm mét, Robert có thể thấy những khinh khí cầu khác bắt đầu xuất phát và bay về phía đông, hướng tới Nam Tư. Không gian yên tĩnh trừ tiếng gió ù ù.

"Robert, thật yên ả làm sao. Cứ như là bay trên một đám mây vậy. Giá mà chúng mình có thể ở trên nầy mãi. Cô đã ôm anh thật chặt. Đã bao giờ anh làm tình trên một khinh khí cầu chưa?" Cô thì thầm. Chúng mình hãy thử xem.

Và sau đó. "Em cuộc là chúng mình là nhữngngười duy nhất trên thế giới nầy đã yêu nhau trên khinh khí cầu đó anh yêu ạ".

Lúc nầy, Robert đang ở trên biển Tyrrhenian, bay theo hướng tây bắc về phía bờ biển Tuscany. Phía dưới, một chuỗi đảo nằm rải rác thành một vòng tròn ngoài khơi, mà Elba là hòn đảo to nhất trong số đó.

Napoleon đã bị đày ra đây, và ông đã chọn nó bờ vì vào ngày quang trời, Robert nghĩ, ông có thể nhìn thấy hòn đảo Corsics yêu quý của mình, nơi ông đã sinh ra. Trong thời kỳ bị đày, Napoleon chỉ có một ý nghĩ là làm sao trốn thoát và trở về nước Pháp.

Mình cũng vậy. Chỉ có điều Napoleon không có Susan và chiếc du thuyền Thanh Bình đến cứu mà thôi.

Đằng xa, ngọn núi Capanne đột nhiên hiện ra, vươn cao vào bầu trời tới một cây số. Robert kéo cái dây an toàn giúp mở van ở trên đỉnh quả cầu để không khí nóng có thể thoát ra ngoài, và quả cầu bắt đầu hạ xuống. Phía bên dưới, Robert có thể nhìn thấy màu hồng và màu xanh tươi đẹp của Elba, màu hồng của đất đỏ và những ngôi nhà kiều Tuscan, còn màu xanh là của rừng rậm. Dưới đó, những bãi biền trắng xoá hoang sơ nằm rải rác quanh mép đảo.

Anh hạ xuống chân ngọn núi, cách xa thành phố, để ít thu hút sự chú ý càng nhiều càng tốt. Có một con đường không xa nơi anh hạ xuống lắm, và anh đi ra đó, chờ cho đến khi có một chiếc xe chạy ngang qua.

- Ông có thể cho tôi đi nhờ vào thành phố được không? - Robert gọi.

- Tất nhiên. Nhảy vào đi.

Người lái xe là một ông cụ chừng tuổi hơn tám mươi, với khuôn mặt già nua nhăn nheo.

- Tôi có thể thề là trước đây một lát tôi nhìn thấy trên trời một quả khinh khí cầu. Anh có nhìn thấy nó không?

- Không. - Robert nói.

- Đến thăm nơi nầy à?

- Chỉ đi ngang qua thôi. Tôi đang trên đường đến Rome.

- Tôi đã đến đó một lần. - Ông lão gật đầu.

Khi họ tới Portogerrairo, thủ phủ và là thành phố duy nhất trên đảo Elba, Robert xuống xe.

- Chúc một ngày tốt lành! - Ông lão nói bằng tiếng Anh.

- Lạy Chúa, Robert nghĩ, ở đây có cả người California.

Robert đi dọc phố Garibaldi, còn đường phố chính đông ngập khách du lịch, mà phần lớn là các gia đình, và dường như thời gian đã dừng lại. Không có gì thay đổi, trừ việc mình đã mất Susan và nửa số chính phủ trên thế giới đang tìm cách hạ thủ mình. Nếu không thì, Robert gượng gạo nghĩ, mọi thứ đều vẫn hệt như trước.

Anh mua cái ống nhòm trong một cửa hiệu bán quà kỷ niệm, đi đến bến cảng và ngồi vào một chiếc bàn bên ngoài tiệm Stella Mariner, nơi anh có thể nhìn toàn bộ khu cảng. Không có những chiếc xe đáng nghi ngờ, không có xuồng cảnh sát và không thấy bóng cảnh sát nào. Họ vẫn nghĩ là đã vây chặt anh trên đất liền, anh sẽ an toàn khi lên du thuyền Thanh Bình. Bây giờ tất cả những gì anh phải làm là chờ nó đến mà thôi.

- Anh ngồi đó, nhấm nháp ly procanico, một thứ rượu vang trắng bản xứ tinh khiết, trông chờ chiếc Thanh Bình. Anh rà lại kế hoạch của mình một lần nữa. Chiếc du thuyền sẽ thả anh ở gần bờ biển Marseilles, và anh sẽ tìm đường đi Paris nơi anh có một người bạn.

Lee Po, người sẽ giúp đỡ anh. Thật là mỉa mai. Anh nhớ lại lời nói của Francesco Cesar: "Tôi nghe nói anh đã có một hợp đồng với người Trung Quốc?

Anh biết rằng Lee Po sẽ giúp anh bởi vì Lee đã một lần cứu mạng cho Robert, và theo truyền thống cổ Trung Hoa, ông ta đã trở thành người có trách nhiệm với Robert. Đó là một vấn đề win yu - "danh dự".

Lee Po là người của Guojia Anquanbu, Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc, chuyên chống gián điệp. Nhiều năm trước, Robert bị bắt trong khi tìm cách đưa một nhân vật bất đồng ra khỏi Trung Quốc. Anh bị đưa tới Qincheng, nhà tù của cơ quan an ninh ở Bắc Kinh.

Lee Po là một gián điệp đôi, trước đây từng làm việc cho Robert, đã dàn xếp cho Robert trốn thoát được.

Tại biên giới Trung Quốc, Robert đã nói:

- Anh nên rời khỏi đây trong khi anh vẫn còn sống, Lee. Sự may mắn không kéo dài mãi đâu.

- Tôi có khả năng chịu đựng và tồn tại. - Lee Po đã mỉm cười.

Một năm sau, Lee Po được thuyên chuyển tới Sứ quán Trung Quốc ở Paris.

Robert quyết định đã đến lúc thực hiện bước đầu tiên. Anh rời khỏi tiệm ăn và đi ra bến cảng. Khu cảng đầy những con thuyền to nhỏ đang rời khỏi Portoferraio.

Robert tiến lại gần một người đàn ông đang lau chùi thân một xuồng máy bóng nhoáng. Đó là chiếc Donzi, với động cơ V-8 351 mã lực.

- Một chiếc xuồng đẹp. - Robert nói.

- Merci. - Người đàn ông gật đầu.

- Tôi không hiểu liệu tôi có thể thuê nó để đi chơi một vòng quanh cảng được không?

Người đàn ông dừng tay và nhìn Robert.

- Điều dó có thể được. Anh thạo về tàu thuyền không?

- Có ở nhà tôi cũng có một chiếc Donzi.

Người đàn ông kia gật đầu hài lòng.

- Anh từ đâu đến thế?

- Oregon. - Robert nói.

- Anh sẽ phải trả bốn trăm francs một giờ.

Robert mỉm cười.

- Được.

- Và phải đặt tiền trước, tất nhiên.

- Tất nhiên.

- Nó đã sẵn sáng rồi. Anh có muốn sử dụng nó ngay không?

- Không. Tôi còn phải lo mấy việc lặt vặt. Tôi nghĩ là đến sáng mai.

- Mấy giờ?

- Tôi sẽ nói cho ông sau.

- Anh đưa cho người đàn ông một ít tiền.

- Đây là một phần tiền cọc. Tôi sẽ gặp lại ông vào sáng mai.

Anh đã cho rằng thật là nguy hiểm nếu để cho du thuyền Thanh Bình đi vào cảng. Có những thủ tục nhất định. Viên Capitaméra di porto - "giám đốc cảng" cấp cho mỗi con thuyền một giấy phép và quy định thời gian lưu lại.

Robert tính để chiếc du thuyền Thanh Bình dính líu tới anh ít bao nhiều càng tốt bấy nhiêu. Anh sẽ đón nó ngoài biển.

***

Trong văn phòng của Bộ Hàng hải Pháp, đại tá Cesar và đại tá Johnson đang nói chuyện với nhân viên tổng đài hàng hải.

- Anh có tin chắc là đã không còn liên lạc nào nữa với du thuyền Thanh Bình không?

- Không, thưa ngài, kể từ câu chuyện cuối cùng mà tôi đã báo cáo.

- Cứ tiếp tục nghe. - Đại tá Cesar quay sang đại tá Johnson và mỉm cười. - Đừng lo. Chúng ta sẽ biết ngay khi sĩ quan Bellamy lên du thuyền Thanh Bình mà.

- Nhưng tôi muốn tóm hắn trước khi hắn lên thuyền.

Nhân viên tổng đài nói:

- Thưa đại tá Cesar, không có chỗ ngược xuôi nào được ghi trên bản đồ Italia. Nhưng tôi nghĩ là chúng ta có thể xác định nó.

- Ở đâu?

- Nó không phải là một địa điểm, thưa ngài. Nó là một từ.

- Cái gì hả?

- Vâng, thưa ngài. Một từ ngược xuôi hoặc một câu mà đọc ngược xuôi cũng vẫn vậy. Thí dụ, Madam Im Adam. Chúng tôi đã cho chạy máy tính. - Anh ta đưa cho Cesar một danh từ sài những từ ngữ.

Đại tá Cesar và đại tá Johnson nhìn lướt qua bản danh sách "Kook... deed, bib, bob, bob... dad... dud... eve... gag... mon... non... non... Otto... pop... sees tot... toot".

Cesar nhìn lên.

- Chẳng giúp ích gì mấy, có phải không?

- Có thể chứ, thưa ngài. Rõ ràng là họ đang dùng một kiểu mật mã. Và một trong những câu chơi chữ nổi tiếng nhất mà người ta gán cho Napoleon đã nói là "Able was I, before I saw Elba" - "Tôi đã có thể, trước khi thấy Elba."

Đại tá Cesar và đại tá Johnson nhìn nhau.

- Elba. Lạy Chúa. Hắn ta ở đó.

***

Ngây thứ hai mươi Đảo Elba.

Thoạt đầu, nó chỉ như một dấu chấm ở phía chân trời, rồi nhanh chóng lớn dần lên trong ánh nắng ban mai. Qua ống nhòm, Robert nhìn nó hiện rõ thành chiếc du thuyền Thanh Bình. Không còn nhầm lẫn gì về con thuyền. Trên biển không có nhiều cái giống như nó.

Robert vội vã đi xuống dưới bãi, nơi anh đã dàn xếp thuê chiếc xuồng máy.

- Xin chào.

Người chủ của chiếc xuồng máy ngẩng lên.

- Xin chào. Anh đã sẵn sàng mang nó ra khơi chưa?

Robert gật đầu.

- Rồi.

- Anh muốn dùng nó tlong bao lâu.

- Không hơn một hoặc hai giờ.

Robert đưa cho người đàn ông phần tiền cọc còn lại và bước vào trong xuồng.

- Chăm sóc nó cẩn thận đấy. - Người đàn ông nói.

- Đừng lo. - Robert cam đoan với ông ta. - Tôi sẽ chu đáo.

- Người chủ xuồng cởi dây néo và vài giây sau chiếc xuồng đã hướng ra biền, lao nhanh về phía chiếc Thanh Bình. Khi lại gần anh nhìn thấy Susan và Monte Banks đang đứng trên boong. Susan vẫy anh và anh có thể thấy sự lo âu trên gương mặt cô. Robert lái xuồng áp sát vào chiếc du thuyền và ném một sợi dây cho người thuỷ thủ.

- Ngài có muốn mang nó lên không? - Người thuỷ thủ gọi xuống.

- Không, cứ để nó đấy. Người ta sẽ tìm thấy nó ngay thôi mà.

Robert trèo thang lên trên boong tàu làm bằng gỗ tếch không một vết gợn. Đã có một lần Susan mô tả chiếc Thanh Bình cho Robert nghe và anh đã bị gây ấn tượng, nhưng khi tận mắt nhìn thấy thì còn hơn thế nữa. Nó dài hơn một trăm mét với một phòng sang trọng dành cho chủ nhân, tám phòng đôi cho khách, và các cabin có một đội thuỷ thủ 16 người. Nó còn có một phòng khách nhỏ, một phòng ăn, một phòng đọc sách và một bể bơi trên boong.

Con thuyền được lắp hai động cơ diesel turbo loại D399 mười sáu máy, công suất một nghìn hai trăm năm mươi mã lực và mang theo mười xuồng nhỏ dùng để lên bờ. Phần nội thất được làm ở Italia với bàn tay của Luigi Sturchio. Nó là cả một cung điện nổi.

- Em rất mừng là anh thoát được. - Susan nói.

Và Robert có ấn tượng rằng cô không được thoải mái, rằng có chuyện trục trặc gì đó. Hay đó chỉ là vì anh căng thẳng quá?

Trông cô hoàn toàn xinh đẹp, nhưng không hiểu sao, anh cảm thấy thất vọng. Mình đã chờ đợi cái quái gì nhỉ? Rằng cô ấy sẽ xanh xao và khốn khổ ư?

Anh quay sang Monte.

- Tôi muốn anh hiểu rằng tôi thật biết ơn khi được đặt chân lên đây.

- Rất vui được giúp cho anh. - Monte nhún vai.

Người đàn ông nầy là một ông thánh.

- Kế hoạch của anh thế nào?

- Tôi muốn anh vòng lại và hướng về phía tây, tới Marseilles. Anh có thể thả tôi từ ngoài khơi và...

Một người đàn ông mặc đồng phục trắng toát tiến đến. Ông ta ở trạc tuổì năm mươi, dáng người nặng nề với một bộ râu được cắt tỉa gọn gàng,

- Đầy là thuyền trưởng Simpson. Đây là... - Monte Banks nhìn Robert hỏi ý.

- Smith. Tom Smith.

Chúng ta sẽ đi về Marseilles, ông thuyền trưởng. - Monte nói.

- Chúng ta không vào Elba hả?

- Không.

- Cũng được thôi. - Thuyền trưởng Simpson có vẻ ngạc nhiên.

Robert nhìn bao quát phía chân trời. Không có gì cả.

- Tôi đề nghị chúng ta đi thấp dưới đường chân trời.

Khi ba người đã ngồi trong cái phòng khách nhỏ, Monte hỏi:

- Anh không nghĩ là anh cần giải thích cho chúng tôi à?

- Có chứ. - Robert nói. - Nhưng không phải bây giờ. Các vị biết về vụ nầy càng ít bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Tôi chỉ có thể nói với các bạn là tôi hoàn toàn vô tội. Tôi đã bị lôi vào một trò chính trị gì đó. Tôi biết quá nhiều, và tôi đang bị săn đuổi. Nếu tìm được họ sẽ giết ngay tôi.

Susan và Monte đưa mắt nhìn nhau.

- Họ không có lý do gì để gắn tôi với du thuyền Thanh Bình cả. - Robert tiếp tục. - Hãy tin tôi, Monte, tôi đã chọn cách khác để trốn, nếu như có.

Robert nghĩ về tất cả những người đã bị giết chỉ vì anh đã tìm ra họ. Anh không thể chịu nổi nếu có việc gì xảy ra cho Susan. Anh cố giữ gịọng nhẹ nhàng.

- Về các vị tôi sẽ biết ơn nếu không ai nhắc tới việc tôi đã từng có mặt trên thuyền nầy.

- Tất nhiên là không. - Monte nói.

Con thuyền từ từ quay lại và bắt đầu đi về phía tây.

- Nếu anh cho phép, tôi phải có đôi lời với viên thuyền trưởng.

Bữa ăn tối là cả một sự lúng túng, với những vẻ là lạ mà Robert không hiểu, một sự căng thẳng dường như có thể sờ thấy được. Có phải đó là vì sự có mặt của anh không? Hay là điều gì khác? Một điều gì đó giữa hai người bọn họ chăng? Mình càng rời khỏi đây sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, Robert nghĩ.

***

Họ đang ngồi trong phòng khách nhỏ uống rượu sau bữa tối thì thuyền trưởng Simpson đi vào.

- Khi nào thì chúng ta tới Marseilles? - Robert hỏi.

- Nếu thời tiết cứ như thế nầy chúng ta sẽ tới đó vào chiều mai, thưa ông Smith.

Có gì đó trong dáng điệu của thuyền trưởng Simpson làm Robert thấy khó chịu. Viên thuyền trưởng hơi cục cằn, gần như đến mức thô lỗ. Nhưng hẳn là giỏi nghề, Robert nghĩ, nếu không thì Monte đã không thuê ông ta. Susan xứng đáng với chiếc du thuyền nầy. Cô ấy xứng đáng với mọi điều tốt đẹp nhất.

Vào lúc 11 giờ, Monte nhìn đồng hồ và nói với Susan:

- Anh nghĩ là chúng ta nên đi nghỉ thôi, em yêu.

Susan liếc nhìn Robert.

- Vâng.

Cả ba người đứng dậy.

- Anh sẽ thấy một bộ quần áo để thay ở trong phòng của anh. Chúng ta cùng khổ người mà. - Monte nói.

- Cám ơn.

- Chúc ngủ ngon, Robert.

- Chúc ngủ ngon, Susan.

Robert đứng đó, nhìn theo người phụ nữ mà anh yêu dấu đi vào giường với kẻ tình địch của mình. Tình địch ư? Mình còn định lừa dối ai nữa? Anh ta là người thắnng cuộc còn mình là kẻ thua.

Giấc ngủ là một cái bóng chập chờn nhảy múa ở ngay ngoài tầm tay. Nằm trong giường, Robert nghĩ rằng ở phía bên kia tấm ngăn, chỉ cách vài mét, là người phụ nữ mà anh yêu hơn bất kỳ ai trên đời. Anh hình dung Susan nằm trần truồng trên giường - cô ấy không bao giờ mặc váy ngủ - và anh tự cảm thấy mình bị rung động. Liệu lúc nầy Monte có đang làm tình với cô hay không... Và cô có đang nghĩ về anh với những ngày tháng tuyệt vời mà họ đã có bên nhau hay không? Có thể là không. Ồ, anh sẽ bước ra hẳn cuộc đời cô ngay thôi mà. Có thể là anh sẽ không bao giờ gặp lại cô nữa.

Trời đã tảng sáng trước khi anh chợp mắt.

***

Trong phòng thông tin của SIFAR, ra-đa đang đò tìm thuyền Thanh Bình. Đại tá Cesar quay sang đại tá Johnson và nói:

- Thật quá tệ là đã không chặn được hắn ở Elba, nhưng giờ đây thì chúng ta tóm được hắn rồi. Đã có sẵn một tàu cao tốc. Chúng ta chỉ chờ tin từ du thuyền Thanh Bình là xuất phát thôi.

***

Ngày thứ hai mươi mốt.

Sáng sớm, Robert đứng trên boong quan sát mặt biển yện tĩnh. Thuyền trưởng Simpson đến bên anh.

- Xin chào. Ông Smith, có vẻ là thời tiết sẽ ổn định đấy.

- Vâng.

- Chúng ta sẽ đến Marseilles vào lúc mấy giờ. Chúng ta sẽ dừng lại đó có lâu không?

- Tôi không biết. - Robert lịch thiệp đáp. - Để xem:

- Vâng, thưa ông.

Robert nhìn Simpson rảo bước bước đi. Con người nầy thế nào nhỉ?

Robert đi về phía đuôi thuyền và nhìn bao quát khắp chân trời. Anh không thấy gì cả, song tuy vậy, trong quá khứ, bản năng đã cứu anh không chỉ một lần. Đã từ lâu, anh biết cách dựa vào bản năng đó.

Có chuyện xấu rồi.

Ngoài tầm mắt, phía sau đường chân trời, chiếc tàu cao tốc Stromboli của hải quân Italia đang đuồi theo du thuyền Thanh Bình.

***

Khi Susan đến ăn sáng, trông cô xanh tái và ủ rũ.

- Em có ngủ ngon không, em yêu? - Monte hỏi.

- Ngon. - Susan nói.

Vậy là họ không cùng chung phòng. Robert cảm thấy dễ chịu một cách vò lý khi biết điều đó. Anh và Susan thường xuyên ngủ chung giường và thân thể trần truồng đầy đặn của cô mơn trớn khăp thân thể anh... Lạy Chúa, mình không được nghĩ như thế nầy nữa.

Phía trước chiếc Thanh Bình, về phía bên mạn phải là một chiếc tàu đánh cá của đội tàu Marseilles đang kéo về một mẻ cá mới.

- Các anh có muốn ăn trưa với cá tươi không? - Susan hỏi.

- Cả hai người đàn ông đều gật đầu.

- Tốt đấy.

Họ gần như đã đến ngay phía trước con tàu đánh cá.

Khi thuyền trưởng Simpson đi ngang qua, Robert hỏi:

- Khi nào thì chúng ta tới Marseilles vậy?

- Chúng ta sẽ đến đó sau hai giờ nữa. Marseilles là một cảng đầy hấp dẫn. Ông đã đến đó bao giờ chưa, ông Smith?

- Nó đúng là một cảng hấp dẫn. - Robert đáp.

***

Trong phòng thông tin của SIFAR, hai đại tá đang đọc bức điện vừa được gửi đến từ chiếc du thuyền Thanh Bình. Nó được viết đơn giản: Bây giờ.

- Chiếc Thanh Bình hiện ở vị trí nào? - Đại tá Cesar gầm lên.

- Họ đang hướng vào cảng, còn cách Marseilles hai giờ đồng hồ.

- Ra lệnh cho chiếc Stromboli vượt lên và sang mạn ngay.

Ba mươi phút sau, chiếc tàu cao tốc của Hải quân Italia Stromboli đã ập sát chiếc Thanh Bình. Susan và Monte đang ở đuôi thuyền nhìn chiếc tàu chiến áp vào mạn tàu họ.

Một giọng nói vang lên từ loa phóng thanh của chiếc tàu chiến.

- Du thuyền Thanh Bình chú ý. Dừng lại. Chúng tôi sẽ sang mạn. Susan Và Monte đưa mắt nhìn nhau. Thuyền trưởng Simpson vội vã chạy lại phía họ.

- Ông Banks...

- Tôi nghe thấy rồi. Làm theo lời họ. Tắt máy.

- Thưa ông, vâng.

Một phút sau, tiếng máy tàu tắt đi và chiếc du thuyền nằm đong đưa trên mặt nước. Susan và Monte nhìn những người thuỷ thủ có vũ trang được hạ xuống, từ chiếc tàu cao tốc của Hải quân, trong một chục xuồng.

Lát sau, hơn một chục thuỷ thủ đã đang trèo lên thang dây của chiếc Thanh Bình.

Viên sĩ quan chỉ huy, một thiẽu tá hải quân, nói:

- Xìn lỗi vì đã làm phiền, thưa ông Banks, Chính phủ Italia có lý do để tin rằng ông đang chứa chấp một kẻ bị truy nã. Chúng tôi được lệnh khám con thuyền của ông.

Susan đứng nhìn những người thuỷ thủ dàn ra, đi dọc trên boong và đi xuống bên dưới để lục soát các phòng.

- Đừng nói gì cả...

- Nhưng...

Không một lời.

Họ đứng im lặng, nhìn cuộc lục soát diễn ra.

- Báo cáo chỉ huy, không hề thấy bóng dáng hắn ta. - Một thuỷ thủ báo cáo.

- Anh có tin chắc thế không?

Chắc chắn, thưa ngài. Trên thuyền không có hành khách nào và chúng tôi đã nhận diện từng người trong thuỷ thủ đoàn.

Viên chỉ huy đứng lặng, thất vọng. Các cấp trên của anh ta đã mắc một sai lầm nghiêm trọng.

Anh ta quay sang Monte, Susan và thuyền trưởng Simpson:

- Tôi nợ quý vị một lời xin lỗi. - Anh ta nói. - Tôi thật lấy làm tiếc vì đã làm phiền quý vị. Chúng tôi sẽ rời đi ngay bây giờ. - Anh ta quay người bước đi.

- Ông chỉ huy...

- Có?

Thuyền trưởng Simpson nói với vẻ khó khăn:

- Người đàn ông mà các ông tìm kiếm đã thoát đi trên một con tàu đánh cá cách đây nửa giờ. Các ông sẽ không khó khăn gì trong việc bắt anh ta.

Năm phút sau, chiếc Stromboli lao nhanh về hướng Marseilles. Viên thiếu tá hải quân hoàn toàn hài lòng với bản thân. Các chính phủ trên thế giới đang truy lùng sĩ quan chỉ huy Robert Bellamy và mình là người đã tìm thấy hắn. Có thể sẽ được đề bạt trong vụ nầy, anh ta nghĩ.

Từ trên cầu chỉ huy, một sĩ quan hàng hải gọi to:

- Ông chỉ huy, xin ông lên đây được chứ?

Họ đã phát hiện chiếc tàu đánh cá rồi ư? Viên thiếu tá hải quân vội vã chạy lên cầu chỉ huy.

- Nhìn kìa, thưa ông.

Viên thiếu tá thoáng nhìn và tim anh ta lặng đi.

Xa xa về phía trước phủ kín cả đường chân trời là toàn bộ đội tàu cá Marseilles, một trăm chiếc tàu giống hệt nhau đang trên đường vào cảng. Không còn cách nào trên đời nầy để xác định sĩ quan Benamy ẩn náu ở trên chiếc nào.

Anh đánh cắp một chiếc xe ở Marseilles. Đó là chiếc Fiat 1800 Spider mui trần, đỗ trên một phố phụ tối tăm. Nó được khoá và không hề có chìa khoá nào cắm trên công tắc. Không khó khăn gì. Nhìn quanh để chắc không bị ai để ý Robert rạch tấm vải bạt nói xe và thò tay vào bên trong mở chốt cửa. Anh ngồi vào trong xe và với tay xuống phía dưới mặt bảng đồng hồ, lôi ra tất cả mớ dây công tắc điện. Anh giữ sợi dây to màu đỏ trong một tay và tay kia cầm từng sợi còn lại dí vào nó cho đến khi thấy bảng đồng hồ sáng lên. Sau đó, anh xoắn hai sợi đó với nhau và gì những sợi còn lại vào hai đầu dây vừa xoắn cho đến khi động cơ bắt đầu khởi động. Một giây sau, Robert đã trên đường đi Paris.

Ưu tiên đầu tiên của anh là tìm kiếm. Khi tới ngoại ô Paris, anh dừng lại tại một buồng điện thoại công cộng. Anh gọi đến căn hộ của Lee và nghe thấy giọng nói quen thuộc trên máy trả lời tự động:

- Xin chào. Tôi lấy làm tiếc là không có nhà, nhưng không có nguy cơ của việc tôi không trả lời lại bạn. Hãy chờ tôi gọi lại". Robert nhẩm đếm các từ theo mã riêng của họ. Các từ khoá là: Lấy làm tiếc... nguy cơ cẩn thận... Tất nhiên là điện thoại bị nghe trộm. Lee đang chờ anh gọi, và đây là cách ông ta báo động cho Robert.

Anh ta phải kiếm ông ta càng sớm càng tốt. Anh sẽ dùng một mã khác mà trước kia họ đã từng dùng.

Robert đi dọc theo phố Faubourg Saint-Honoré. Anh đã từng đi trên phố nầy với Susan. Cô đã dừng lại trước một ô kính cửa hiệu và đứng theo dáng của một manơcanh. "Anh có thích em mặc bộ váy đó không, Robert?" - "Không, anh thà được thấy em không mặc gì còn hơn". Và họ đã thăm diện Louvre, và Susan đã đứng chết lặng trước Mona Lisa, mắt cô ướt đẫm...

Robert đi về phía trụ sở của tờ báo Le Matin. Trước cổng vào chừng một quãng phố, anh chặn một cậu thiếu niên trên đường.

- Cậu sẽ muốn kiếm năm mươi francs chứ hả?

- Làm việc gì ạ? - Cậu bé nhìn anh một cách nghi ngờ.

Robert nghệch ngoạc mấy chữ lên một mẩu giấy và trao nó cho cậu bé cùng với một tờ 50 francs.

- Chỉ việc mang cái nầy vào cho báo Le Matin, mục tin rao vặt.

- Thế thì được.

Robert nhìn theo cậu bé đi vào toà nhà. Mẩu tin sẽ kịp được in vào số báo sáng hôm sau. Nội dung của nó: Tily. Cha ốm nặng. Cần con. Hãy về gặp bố ngay. Mẹ.

Bây giờ thì chẳng còn việc gì để làm ngoài chờ đợi. Anh không dám vào thuê buồng khách sạn bởi vì họ có thể đã thông báo đi khắp các nơi. Paris là một quả bom hẹn giờ.

Robert lên một chiếc xe bus du lịch đông khách và ngồi vào cuối xe, cố gắng giữ im lặng và không đề ai chú ý. Nhóm du khách đến thăm khu vườn Luxembourg, điện Louvre, lăng Napoleon và Les Invalides cùng hàng chục nơi khác. Và Robert luôn luôn cố hoà lẫn vào giữa đám đông.

***

Ngày thứ hai mươi hai.

Paris, Pháp.

Anh mua vé xem một buổi biểu diễn khuya tại rạp Moulin Rouge cùng với một nhóm du khách khác.

Buổi diễn bắt đầu vào lúc 2 giờ sáng. Sau đó, anh dành phần còn lại của đêm đi quanh khu đồi Montmartre, từ quày nầy sang cái khác.

Các tờ báo sẽ không xuất hiện trên các đường phố trước 5 giờ sáng. Lúc 5 giờ kém một vài phút, Robert đã đứng chờ cạnh một sạp báo: Một chiếc xe tải màu đỏ dừng lại và thằng bé ném một nắm báo xuống vỉa hè. Robert nhặt tờ đầu tiên lên. Anh lật mục quảng cáo. Lời nhắn của anh ở đó. Bây giờ thì chẳng cỏn gì để làm ngoài việc chờ đợi.

Buổi trưa, Robert lững thững đi vào một tiệm bán thuốc lá nhỏ, nơi hàng chục những mẩu tin nhắn được dán vào một tấm bảng. Đó là những lời rao tìm người làm, cho thuê nhà, sinh viên tìm người cùng thuê phòng, bán xe đạp. Ở giữa tấm bảng, Robert thấy mẩu tin mà anh đang tìm kiếm. "Tilly mong gặp anh. Gọi cô ấy ở 50 41 26 45.

***

Lee Po trả lời ngay ở tiếng chuông đầu tiên.

- Robert hả?

- Chào Lee.

- Lạy Chúa, chuyện gì xảy ra vậy?

- Tôi đang hy vọng là anh sẽ nói cho tôi biết.

- Anh bạn, người ta đang chú ý đến anh hơn cả chú ý đến tổng thống Pháp đấy. Các bức điện đang xoay quanh anh. Anh đã làm gì vậy? Thôi, đừng nói. Dù sao chăng nữa thì anh cũng đang rất nguy. Họ đã nghe trộm điện thoại của Sứ quán Trung Quốc, cả điện thoại của tôi ở nhà cũng vậy và họ đang theo dõi căn hộ của tôi. Họ đã hỏi tôi rất nhiều về anh.

- Lee, anh có biết tất cả nhưng chuyện nầy là...

- Không nói qua điện thoại được. Anh có còn nhớ căn hộ của Tống ở đâu không?

Bạn gái của Lee.

- Có

- Tôi sẽ gặp anh ở đó sau nửa giờ nữa.

- Cám ơn.

Robert hoàn toàn hiểu rõ Lee đang tự dấn thân vào nguy hiểm như thế nào. Anh nhớ lại chuyện đã xảy ra với Al Traynor bạn của anh ở FBI. Mình như một con chim lợn khốn kiếp. Cứ đến gần ai là người đó lại phải chết.

***

Căn hộ đó nằm trên phố Benouville trong một khu vực yên tĩnh của Paris. Khi Robert tới, bầu trời u ám với những cơn mưa dông và anh có thể nghe thấy tiếng sấm xa xa. Anh đi vào hành lang và bấm chuông cửa một căn hộ. Lee Po mở cửa ngay lập tức.

- Vào đi ông ta nói. - Nhanh lên.

Lee Po đóng cửa và khoá lại. Kể từ lần anh gặp trước, Lee Po đã không có gì thay đổi. Ông ta cao, gầy và vẫn cứ như trẻ mãi.

Hai người đàn ông bắt tay nhau.

- Lee, anh có biết chuyện quái quỷ gì đang xảy ra không?

- Ngồi xuống, Robert.

Robert ngồi xuống.

Lee quan sát anh một thoáng.

- Anh đã bao giờ nghe nói về Chiến dịch Ngày Tận Thế chưa?

- Chưa. Nó có liên quan gì tới nhữag vật thể bay lạ không hả? - Robert chau mầy.

- Hoàn toàn liên quan tới những cái đĩa bay ấy, Robert, thế giới đang đứng trước một thảm hoạ.

Lee Po bắt đầu đi đi lại lại.

- Những sinh vật lạ đang đến trái đất để huỷ diệt chúng ta. Ba năm trước, họ đổ bộ xuống đây và gặp gỡ các quan chức chính phủ đề đòi tất cả các cường quốc công nghiệp đóng cửa các nhà máy hạt nhân và chấm dứt việc đốt các nhiên liệu hoá thạch.

Robert chăm chú nghe, kinh ngạc.

- Họ đòi ngừng sản xuất dầu mỏ, hoá chất, cao su chất dẻo. Điều đó có nghĩa là việc đóng cửa hàng nghìn nhà máy trên thế giới. Các nhà máy sản xuất ô tô và sát thép sẽ buộc phải đóng cửa. Nền kinh tế thế giới sẽ trở thành một mớ hỗn loạn.

- Vì sao họ lại...

- Họ tuyên bố rằng chúng ta làm ô nhiễm vũ trụ, huỷ hoại trái đất và các đại dương... Họ muốn chúng ta ngừng sản xuất vũ khí, ngừng gây chiến tranh. Một nhóm các nhân viên quyền lực từ mười hai nước đã tập hợp lại - đó là những nhà công nghiệp hàng đầu của Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc... Một người có mật danh là Janus đã phối hợp các cơ quan tình báo trên khắp thế giới vào Chiến dịch Ngày Tận Thế để ngăn chặn những sinh vật lạ kia. - Ông ta quay lại nhìn Robert. - Anh đã nghe về SDI chứ?

- Cuộc chiến tranh giữa các vì sao. Các hệ thống vệ tinh nhằm bắn hạ các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Liên Xô.

Lee lắc đầu.

- Không. Đó là cái vỏ ngoài. SDI được tạo ra không phải để chống lại những người Nga. Nó đang được nhằm vào mục tiêu cụ thể là bắn hạ các đĩa bay. Đó là cơ hội duy nhất để ngăn chặn họ.

Robert ngồi lặng người, cố gắng lĩnh hội hết những gì Lee Po đang nói, trong lúc những tiếng sấm lớn dần.

- Ý anh nói là các Chính phủ đứng sau...

- Chúng ta hãy cho rằng có các phe phái bên trong mỗi chính phủ. Chiến dịch Ngày Tận Thế đang được điều hành một cách riêng biệt. Giờ thì anh đã hiểu chưa?

- Lạy Chúa. Các chính phủ không biết rằng... - Anh ngước nhìn Lee Po. - Lee, làm sao mà anh biết rõ như thế?

- Robert, rất đơn giản thôi. - Lee trầm ngâm nói. - Tôi là mối liên hệ với Trung Quốc. - Trong tay ông ta xuất hiện một khẩu Beretta.

Robert trố mắt nhìn khẩu súng.

Lee xiết cò và tiếng súng hoà lẫn với tiếng sét chói tai và một ánh chớp sáng loà ngoài cửa sổ.

Vài giọt nước mưa trong trẻo đầu tiên đã làm cô tỉnh giấc. Cô đang nằm trên một cái ghế trong công viên, kiệt sức đến không đi được nữa. Trong hai ngày qua cô đã cảm giác thấy sức sống đang rời khỏi cô. Mình sẽ chết ở đây, trên hành tinh nầy. Cô bồng bềnh trôi vào cái mà cô nghĩ là giấc ngủ cuối cùng của mình. Và rồi một trận mưa đổ đến. Trận mưa may mắn. Cô gần như không thể tin nổi. Cô ngẩng đầu lên và cảm thấy những giọt nước mát lăn xuống trên mặt cô. Trời mưa mỗi lúc một to hơn. Dòng nước mát lành, tinh khiết. Rồi cô đứng dậy và vươn hai tay lên cao, để cho nước đổ xuống người, mang lại cho cô sức mạnh mới, làm cho cô sống lại. Cô tắm mình trong mưa, và hấp thụ nó vào ngay trong thân thể mình, cho đến khi cở thấy sự mệt mỏi biến mất, thấy mình mỗi lúc một khoẻ hơn lên, cho tới sau cùng, cô nghĩ, mình đã sẵn sàng. Mình có thể nghĩ một cách mạch lạc. Mình biết ai có thể giúp mình tìm đường trở về. Cô lấy ra cái máy phát nhỏ, nhắm mắt lại, và bắt đầu tập trung đầu óc.

Chính cái ánh chớp sáng loà đã cứu mạng cho Robert. Ngay cái lúc Lee Po xiết cò, ánh chớp bên ngoài cửa sổ bừng lên đột ngột đã làm cho ông ta bị phân tán trong giây lát. Robert dịch người và viên đạn đã trúng vào vai phải anh chứ không phải vào ngực.

Khi Lee nâng nòng súng để bắn nữa, Robert co chân đạp mạnh, đánh bật khẩu súng khỏi tay ông ta. Lee chồm về phía trước và đấm mạnh vào chỗ vai bị thương của Robert. Đau một cách khủng khiếp. Cái áo khoác của anh thấm đầy máu. Anh bất ngờ đánh mạnh cùi chỏ về phía trước.

Lee thét lên đau đớn. Ông ta trả đòn, bắt một cú chặt cổ chết người, và tránh được. Hai người đàn ông thủ thế với nhau, cả hai đều thở dốc, cố tìm một chỗ hở của đối phương để ra đòn. Họ lặng lẽ chiến đấu như trong một trận quyết đấu có tính nghi lễ từ thời tiền sử và mỗi người đều biết rằng chỉ một người còn được sống mà bước ra khỏi chỗ nầy. Robert đang đuối sức đi. Vết thương ở vai anh mỗi lúc một đau, và anh có thể nhìn thấy cả máu mình đang nhỏ giọt xuống sàn nhà.

Thời gian đứng về phía Lee Po. Mình phải dứt điểm nhanh chóng, Robert nghĩ. Anh bước tới với một cú đá chính diện nhanh. Thay vì né người, Lee hứng chịu toàn bộ sức nặng của cú đá và đủ gần để đánh thẳng khuỷu tay vào vai Robert. Robert lùi lại. Lee sấn tới với một cú đá hiềm hóc, và Robert loạng choạng. Lee chồm tới ngay lập tức, đấm liên tiếp, hết cú nầy đến cú khác vào vai anh, dồn anh ngang qua phòng. Robert đã quá yếu để có thể ngăn được trận mưa những cú đấm kia. Mắt anh bắt đầu mờ đi. Anh đổ vào người Lee, túm lấy ông ta và hai người ngã xuống, làm vỡ tan cái mặt bàn bằng thuỷ tinh. Robert nằm trên sàn, kiệt sức. Thế là xong, anh nghĩ. Chúng đã thắng.

Anh nằm đó gần ngất đi, chờ Lee kết liễu mạng sống của anh. Không, có gì cả. Chậm chạp, đau đớn, Robert ngẩng đầu dậy. Lee nằm bên cạnh anh trên sàn nhà, mắt mở trừng trừng nhìn lên trần. Một mảnh kính lớn đâm vào ngực ông ta như một lưỡi dao găm trong suốt.

Robert cố ngồi dậy. Anh rất yếu vì mất máu. Vai anh đau buốt. Mình phải kiếm một bác sĩ, anh nghĩ.

Có một cái tên - ai đó mà cơ quan nầy thường dùng ở Paris - một người nào đó ở bệnh viện Mỹ. Hilsinger.

Đúng rồi. Leon Hilsinger.

***

Bác sĩ Hilsinger đang sắp rời khỏi phòng làm việc lúc cuối ngày thì điện thoại gọi tới. Cô y tá của ông đã về nhà nên ông phải tự nghe điện. Giọng nói ở đầu đằng kia líu lại.

- Bác sĩ Hilsinger phải không?

- Vâng Đây là Robert Bellamy... Cần có sự giúp đỡ của ông. Tôi bị thương nặng lắm. Ông sẽ giúp tôi chứ?

- Tất nhiên. Anh ở đâu?

- Khỏi lo chuyện đó. Tôi sẽ gặp ông tại Bệnh viện Mỹ sau nửa giờ. - Bác sĩ... đừng nói về cú điện thoại nầy với bất kỳ ai.

- Anh cứ tin ở tôi.

Máy bị gác.

Bác sĩ Hilsinger quay một số máy.

- Tôi vừa nói chuyện điện thoại với sĩ quan Robert Bellamy. Tôi sẽ gặp anh ta tại Bệnh viện Mỹ sau nửa giờ nữa...

- Cảm ơn bác sĩ.

Bác sĩ Hilsinger đặt máy xuống. Ông ta nghe thấy tiếng cửa phòng bật mở và nhìn lên. Robert Bellamy đang đứng đó với một khẩu súng trong tay.

- Tôi đã nghĩ lại. Robert nói. - Có thể là tốt hơn nếu bác sĩ chữa cho tôi ở đây.

Ông bác sĩ cố giấu vẻ ngạc nhiên.

- Anh, anh cẩn đến một bệnh viện.

- Quá gần vởi nhà xác. Băng bó cho tôi nhanh lên. - Anh chỉ nói cũng thấy khó khăn.

Ông ta toan phản đối, rồi nghĩ tốt hơn là làm theo.

- Được Tuỳ anh thôi. Tốt nhất là tôi cho anh một mũi gây tê. Nó sẽ...

Đừng nghĩ tới chuyện đó nữa. Robert nói. - Đừng mẹo. - Anh cầm khẩu súng trong tay trái. Nếu tôi không sống mà ra khỏi đây thì ông cũng đừng hòng. Hỏi gì nữa không? - Anh cảm thấy choáng.

- Không. - Bác sĩ Hilsinger nuốt nước bọt.

- Vậy thì làm đi...

Bác sĩ Hilsinger dẫn Robert vào phòng bên cạnh, một phòng khám với đầy các thiết bị y tế. Chậm chạp và thận trọng, Robert cởi áo khoác ra. Cẩm súng trong tay, anh ngồi xuống bên bàn. Bác sĩ Hilsinger có một con dao mồ trong tay và những ngón tay Robert nắm chặt báng súng.

- Thư giãn một chút. Bác sĩ Hilsinger nói một cách sợ hãi. - Tôi sẽ cắt miếng áo sơ mi của anh.

Vết thương trần trụi và đỏ sậm máu.

- Cái đầu đạn vẫn còn ở trong nầy. - Bác sĩ Hilsinger nói. - Anh sẽ không chịu nổi trừ phi tôi cho anh...

- Không. - Anh sẽ không để cho mình bị tiêm thuốc mê. - Cử lấy nó ra.

- Tuỳ ý anh.

Robert nhìn viên bác sĩ bước lại chỗ máy khử trùng và cho vào đó một chiếc panh. Anh ngồi ghé vào mép bàn, cố chống lại cơn choáng ngất đang đe doạ trùm lên mình. Anh nhắm mắt lại trong một giây và bác sĩ Hilsinger đã đang đứng trước mãt anh với chiếc panh trong tay.

- Nào bắt đầu. - Ông ta đưa panh vào chỗ vết thương và Robert thét lên vì đau đớn. Mắt anh toé hoa cà hoa cải. Anh suýt ngất đi.

- Ra rồi. - Bác sĩ Hilsinger nói.

Robert ngồi yên, run rẩy và hít mạnh cố lấy lại sự tỉnh táo.

- Anh có sao không đấy? - Bác sĩ Hilsinger chăm chú nhìn anh.

Phải mất một giây, Robert mới có thể cất lời:

- Không sao... Băng vào đi.

Viên bác sĩ rót nước ôxy già vào vết thương và Robert lại muốn ngất đi. Anh nghiến chặt răng. Cố nào. Sắp xong rồi. Và sau cùng, ơn Chúa, cơn đau đớn nhất đã qua. Viên bác sĩ băng bó kỹ cái bả vai cho Robert.

- Đưa cho tôi cái áo khoác. - Robert nói.

Bác sĩ Hilsinger nhìn anh chòng chọc.

- Anh không thể đi bây giờ được. Thậm chí là anh không thể bước nổi nữa.

- Đưa cho tôi cái áo khoác lại đây. - Anh hầu như không nói lên lời. Anh nhìn viên bác sĩ đi qua phòng để lấy cái áo khoác, và hình ảnh ông ta nhoè đi thành hai.

- Anh đã mất nhiều máu. Bác sĩ Hilsinger lưu ý. Anh đi bây giờ sẽ rất nguy hiểm.

Và nếu ở lại thì còn nguy hiềm hơn, Robert nghĩ.

Anh cẩn thận mặc áo vào và cố đứng vững. Hai chân anh muốn nhũn xuống và anh vội túm lấy mép bàn.

- Anh sẽ không thể đi được. - Bác sĩ Hilsinger nói.

- Tôi sẽ đi. - Robert nhìn cái bóng nhoè trước mắt.

Nhưng anh biết rằng ngay khi anh bước ra là bác sĩ Hilsinger sẽ lại nhấc điện thoại lên. Robert để mắt tới cuộn băng phẫu thuật dày mà bác sĩ Hilsinger đã sử dụng.

- Ngồi xuống ghế. - Giọng anh líu lại.

- Sao? Anh tính...

- Ngồi xuống. - Robert nâng khẩu súng lên.

Bác sĩ Hilsinger làm theo. Thật khó khăn khi nhặt cuộn băng lên bởi vì anh chỉ có thể dùng được một tay. Anh kéo một đầu băng và bắt đầu gỡ nó ra. Anh bước lại gần bác sĩ Hilsinger.

- Hãy ngồi yên và ông sẽ không đau đớn gì cả.

Anh buộc hai đầu băng vào ghế, và rồi quấn nó quanh hai tay viên bác sĩ.

- Việc nầy thật sự không cần thiết. - Bác sĩ Hilsinger nói. - Tôi sẽ không...

- Im đi. - Robert tiếp tục trói viên bác sĩ vào ghế.

Những cố gắng của anh làm cho cơn đau lại bắt đầu trở lại. Anh nhìn viên bác sĩ và khẽ níi:

- Tôi không thể ngất được...

Anh ngất đi.

***

Anh đang lơ lửng trong không gian, bập bềnh không trọng lượng trong những tầng mây trắng, thanh thản. Tỉnh dậy. Anh không muốn tỉnh dậy nữa. Anh muốn cái cảm giác tuyệt vời nầy kéo dài mãi mãi.

Tỉnh dậy. Có cái gì đó đang tì mạnh bên sười anh.

Cái gì đó trong túi áo khoác của anh. Mắt vẫn nhắm nghiền, anh thò tay vào túi và cầm nó ra tay. Đó là một bộ phận bằng tinh thể thuỷ tinh. Anh lại trôi vào giấc ngủ.

Robert. Đó là một giọng phụ nữ, mềm mại và dỗ dành. Anh đang ở trên một cánh đồng xanh đáng yêu, và không gian đầy tiếng nhạc, nắng rực rờ trên đầu.

Một phụ nữ đang đi lại gần anh. Cô ta cao và đẹp, với một khuôn mặt trái xoan dịu dàng và làn da mịn, nõn nà. Cô mặc một bộ váy áo trắng tinh. Giọng cô dịu dàng, âu yếm.

"Robert, không còn ai làm cho anh đau đớn nữa. Đến với em. Em đang chờ anh đây".

Robert từ từ mở mắt. Anh nằm yên đó một hồi lâu rồi ngồi dậy, đột ngột chìm trong một cảm giác hồi hộp. Giờ đây anh đã biết ai là nhân chứng thứ mười một và anh biết phải gặp cô ấy ở nơi nào.

Ngày thứ hai mươi ba

Paris, Pháp.

Từ văn phòng của viên bác sĩ, anh gọi điện cho Đô đốc Whittaker.

- Thưa Đô đốc? Robert đây.

- Robert. Chuyện gì thế? Họ bảo tôi...

- Đừng để ý chuyện đó bây giờ. Tôi cần ngài giúp đỡ thưa Đô đốc. Ngài đã bao giờ nghe cái tên Janus chưa?

Đô đốc Whittaker chậm rãi nói:

- Janus ư? Không. Chưa bao giờ nghe nói tới.

- Tôi đã phát hiện ra rằng ông ta đang đứng đầu một tổ chức bí mật và ra lệnh sát hại nhiều người vô tội còn bây giờ ông ta đang tìm cách giết tôi. Chúng ta phải chặn ông ta lại.

- Tôi có thể giúp anh như thế nào?

- Tôi muốn liên lạc với Tổng thống. Ngài có thể dàn xếp một cuộc gặp khỏng?

Một giây im lặng.

- Tôi chắc là có thể.

- Còn nữa. Liên quan đến tướng Hilliard.

- Hả? Như thế nào?

- Và còn những người khác. Hầu hết các cơ quan tình báo ở châu Âu cũng dính vào chuyện nầy. Bây giờ tôi chưa thể giải thích gì hơn được. Tôi muốn ngài gọi cho Hilliard. Bảo ông ta là tôi đã tìm thấy nhân chứng thứ mười một.

- Tôi không hiểu. Nhân chứng thứ mười một về cái gì cơ chứ?

- Thưa Đô đốc, tôi xin lỗi, nhưng tôi không thể nói với ngài được. Hilliard sẽ biết. Tôi muốn ông ta gặp tôi ở Thuỵ Sĩ.

- Thuỵ Sĩ à?

Bảo ông ta tôi là người duy nhất biết nhân chứng thứ mười một kia ở đâu. Nếu ông ta có một hành động sai thôi là hợp đồng bị huỷ. Hãy nói ông ta đến Doler Grand ở Zurich. Sẽ có thư nhắn cho ông ta ở chỗ thường trực. Bảo ông ta tôi cũng muốn cả Janus đến Thuỵ Sĩ đích thân ông ta.

- Robert, anh có chắc biết anh đang làm gì không?

- Không, thưa ngài. Tôi không chắc. Nhưng đây là cơ hội duy nhất mà tôi có được. Tôi muốn ngài bảo ông ta rằng điều kiện của tôi là khỏng thể thương lượng gì. Thử nhất, tôi muốn một hành lang an toàn tớí Thuỵ Sĩ. Thứ hai, tôi muốn tướng Hilliard và Janus gặp tôi ở đó. Thứ ba, sau đó, tôi muốn có một cuộc gặp với Tồng thống.

- Robert, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể được. Làm sao tôi có thể liên lạc với anh?

- Tôi sẽ gọi lại. Ngài sẽ cần có bao nhiêu thởi gian ạ?

- Để cho tôi một giờ.

- Vâng.

- Và nầy Robert...

Anh có thể nghe thấy nỗi đau đớn trong giọng nói của ông già.

- Dạ, thưa ngài?

- Cẩn thận nhé.

- Thưa ngài, xin đừng lo. Tôi là người sống sót. Ngài hẳn nhớ.

***

Một tiếng sau, Robert lại đang nói chuyện với Đô đốc Whittaker.

- Anh đã có một cam kết. Tướng Hilliard có vẻ lo sợ với cái tin về một nhân chứng khác. Ông ta hứa với tôi là anh sẽ không bị làm hại. Các điều kiện của anh sẽ được đáp ứng. Ông ta đang bay đi Zurich và sẽ có mặt ở đó vào sáng mai.

- Còn Janus?

Janus sẽ đi cùng với chuyến máy bay với ông ta.

- Cám ơn Đô đốc. Còn Tổng thống? - Robert cảm thấy nhẹ nhõm.

- Tôi đã đích thân nói với ông ấy: Các phụ tá của ông ấy sẽ dàn xếp một cuộc gặp với anh bất kỳ lúc nào anh sẵn sàng.

- Ơn Chúa.

- Tướng Hilliard có một máy bay để chở anh tới.

- Không được. - Anh sẽ không để họ đẩy vào một cái máy bay. - Tôi đang ở Paris. Tôi muốn có một chiếc ô tô và tôi sẽ tự lái lấy. Tôi muốn nó được để trước khách sạn Lettré ở Montparnasse trong vòng một giờ đồng hồ tới.

- Tôi sẽ lo chuyện đó.

- Thưa Đô đốc?

- Có gì vậy Robert?

- Cám ơn ngài. - Anh thật khó giữ giọng nói bình tĩnh.

***

Anh đi dọc theo phố Lettré một cách chậm chạp, do vết đau và tiến tới khách sạn kia mọt cách thận trọng. Đậu ngay trước toà nhà là một chiếc Mercedes màu đen. Không có ai trong xe. Ngang bên kia đường là một chiếc xe sơn màu trắng xanh của cảnh sát và một người mặc sắc phục cảnh sát đang ngồi sau tay lái. Trên lề đường hai người mặc quần áo dân sự đứng nhìn Robert tiến lại. Mật vụ Pháp.

Robert thấy khó thở. Tim anh đập mạnh. Liệu có phải anh đang đi vào một cái bẫy không? Đảm bảo duy nhất mà anh có là nhân chứng thứ mười một. Hilliard có tin anh không? Như thế có đủ không?

Anh bước tới chỗ chiếc xe, đợi những người kia ra tay. Họ đứng nguyên, yên lặng quan sát anh.

Robert đi đến phía ghế lái của chiếc Mercedes và nhìn vào bên trong. Những chiếc chìa khoá được cắm vào ổ điện. Anh có thể cảm thấy những người kia dán mắt vào anh trong khi anh mở cửa và ngồi vào ghế lái. Nếu tướng Hillard lừa dối Đô đốc Whittaker thì bây giờ là lúc mọi thứ sẽ kết thúc trong một tiếng nổ dữ dội đây.

Nào. Robert hít mạnh và với tay trái xoay chiếc chìa khoá. Tiếng máy nổ êm. Những nhân viên mật vụ đứng nhìn anh lái xe đi. Khi Robert đến khu giao lộ một chiếc xe cảnh sát chèn vào phía trước anh và trong một giây, Robert nghĩ là anh sẽ bị chặn lại.

Nhưng thay vì thế, chiếc xe cảnh sát bật đèn hiệu đỏ và dòng xe cộ dường như biến mất. Họ còn hộ tống mình nữa chứ.

Trên đầu, Robert nghe thấy tiếng động của một chiếc trực thăng. Anh liếc nhìn lên. Sườn chiếc trực thăng có in phù hiệu của cảnh sát quốc gia Pháp.

Tướng Hilliard đã làm tất cả những gì có thể được để bảo đảm là anh đến Thuỵ Sĩ an toàn. Và sau khi mình cho ông ta thấy nhân chứng thứ mười một, Robert nghĩ một cách quả quyết, ông ta sẽ lại tính chuyện giết mình. Nhưng ông tướng sẽ phải ngạc nhiên.

***

Robert đến Thuỵ Sĩ vào lúc 4 giờ chiều. Tại biên giới chiếc xe của cảnh sát Pháp quay lại và một chiếc xe của cảnh sát Thuỵ Sĩ tháp tùng cho anh. Lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu vụ nầy, Robert cảm thấy thư thái ơn Chúa là Đô đốc Whistaker có những bạn bè ở cấp cao. Với việc Tổng thống đang chờ một cuộc gặp với Robert, tướng Hilliard sẽ không dám làm hại anh. Đầu óc anh chuyển sang nghĩ tới người phụ nữ mặc đồ trắng, và ngay lúc đó, anh nghe thấy tiếng cô. Âm thanh của tiếng nói đó vang đến chiếc xe.

- Nhanh lên, Robert. Tất cả chúng tôi đang đợi anh.

- Tất cả? Không phải chỉ một à? Mình sẽ biết ngay thôi mà, Robert nghĩ.

***

Tại Zurich, Robert dừng xe trước khách sạn Dolder Grand và viết một mẩu giấy lại chỗ thường trực.

- Tướng Hilliard sẽ hỏi tôi. - Robert bảo người nhân viên. - Xin đưa cái nầy cho ông ấy.

- Thưa ông, vâng.

Ra bên ngoài, Robert bước lại chô chiếc xe cảnh sát đã hộ tống anh. Anh cúi xuống nói với người lái xe.

- Từ đây trở đi, tôi muốn chỉ có một mình.

- Cũng được, thưa ông sĩ quan. - Người lái xe lưỡng lự.

Robert ngồi trở lại vào xe của mình và bắt đầu lái về hướng Uetendorf, nơi chiếc đĩa bay đã đâm xuống.

Vừa lái xe, anh vừa nghĩ tới tất cả những thảm kịch đã xảy ra vì nó và những sinh mạng đã mất. Hans Beckerman và Cha Patrim, Leslie Mothershedvà William Dann, Daniel Wayne và Otto Schmidt, Laslo Bushrekete và Fritz Mandel, Olga Romanchanko và Kevin Parker.

Chết. Tất cả họ đều đã chết. Mình muốn thấy mặt Janus, Robert nghĩ, và nhìn thẳng vào mắt ông ta.

Những làng mạc như lao vun vút bên đùòng, và vẻ hoang sơ của dãy Alps át đi những cuộc đổ máu và nỗi kinh hoàng đã bắt đầu từ đây. Chiếc xe tới Thun và Robert bắt đầu cảm thấy hồi hộp. Phía trước là cánh đồng nơi anh và Beckerman đã tìm thấy vỏ quả bóng thám không thời tiết, nơi mà cơn ác mộng bắt đầu. Robert dừng xe lại bên đường và tắt máy.

Rồi anh ra khỏi xe, băng ngang qua đùòng và đi tới chỗ cánh đồng đó.

Hàng nghìn mẩu ký ức ùa về trong đầu anh. Cú điện thoại gọi lúc 4 giờ sáng. "Ông được lệnh phải trình diện với tướng Hilliard tại trụ sở Cục An ninh Quốc gia ở Fort Meade vào đúng 6 giờ sáng nay. Ông đã rõ chưa, ông sĩ quan?"

Lúc đó thì anh hiểu về nó ít làm sao. Anh nhớ lại những lời nói của tướng Hilliard "Ông phải tìm ra những nhân chứng đó. Tất cả bọn họ! Và cuộc tìm kiếm đã từ Zurich dân tới Bern, London, Munich, Rome, và Orvieto, từ Waco tới Fort Smith, từ Kiev tới Washington và Budapest. Rồi vệt máu đó đã đi tới chỗ kết thúc, tại đây, nơi nó bắt đầu.

Cô đang đợi anh đúng như Robert biết thế, và trông cô giống hệt như trong giấc mơ của anh. Họ tiến lại với nhau và dường như cô đang lướt về phía anh, một nụ cười rạng rỡ trên gương măt cô.

Robert, cảm ơn anh đã đến.

Có phải thật sự anh nghe thấy cô nói không, hay là anh đang nghe những ý nghĩ của cô nhi? Làm sao người ta lại có thể nói chuyện với một sinh vật lạ được Tôi phải đến. Anh nói một cách đơn giản.

Cảnh tượng nầy có một vẻ hoàn toàn không thật.

Mình đang đứng đây nói chuyện với một ai đó thuộc một thế giới khác. Mình phải hoảng sợ mới phải, thế mà trong cả đời mình, chưa bao giờ mình cảm thấy thanh thản hơn thế nầy.

- Tôi phải nhắc cô. - Robert nói. - Một số người đang đến đây và muốn làm hại cô. Tốt hơn là cô hãy đi trước khi họ đến.

- Tôi không thể đi được.

Và Robert hiểu. Anh thọc tay trái vào trong túi và lấy ra cái mẩu kim loại nhỏ có chứa miếng tinh thể kia.

- Robert, cảm ơn anh. Mặt cô sáng lên.

Anh đưa nó cho cô và nhìn cô lẳp nó vào cái vật mà cô cầm trong tay.

- Bây giờ thì sao? - Robert hỏi.

Bây giờ tôi có thể liên lạc với bạn bè tôi. Họ sẽ đến với tôi.

Liệu có điềm báo gì trong câu nói đó không nhì?

Robert nhớ lại lời tướng Hilliard: "Họ định chiếm hành tinh nầy và biến chúng ta thành nô lệ. Nếu tướng Hilliard nói đúng thì sao? Ai sẽ ngăn chặn họ? Robert nhìn đồng hồ của mình. Đã gần đến giờ tướng Hllliard và Janus đến, và ngay cả khi Robert còn đang nghĩ thế, anh nghe thấy tiếng một chiếc trực thăng Huey khổng lồ đang từ hướng bắc bay tới.

Các bạn anh đã tới.

Bạn bè. Họ là những kẻ tử thù của anh và anh quyết tâm vạch mặt chúng là những kẻ sát nhân, quyết tâm tận diệt chúng.

Cỏ và hoa trên cánh đồng bắt đầu rạp xuống khi chiếc trực thăng chuẩn bị hạ cánh.

Anh sắp đối mặt với Janus. Ý nghĩ đó làm anh ngập trong một cơn giận khủng khiếp. Cánh cửa trực thăng mở ra.

Susan bước xuống.

Trong chiếc tàu mẹ, lơ lửng cao bên trên trái đất, có một niềm vui lớn. Tất cả những ngọn đèn trên các bức tường đều bật lên màu xanh.

Chúng ta đã tìm thấy cô ấy.

Chúng ta phải nhanh lên.

Chiếc phi thuyền khổng lồ bắt đầu lao nhanh xuống cái hành tinh ở mãi xa phía dưới.

Chỉ trong một khoảnh khắc, thời gian ngừng lại và rồi vỡ ra làm hàng nghìn mảnh. Robert nhìn sững khi Susan bước ra khỏi chiếc trực thăng. Cô đứng đó một giây và rồi đi về phía Robert, nhưng Monte Banks, người ở ngay phía sau đã tóm lấy cô và kéo cô lùi lại.

- Chạy đi, Robert. Chạy. Họ sẽ giết anh.

Robert bước một bước về phía cô và đúng lúc đó, tướng Hilliard và đại tá Frank Johnson bước ra khỏi chiếc trực thăng.

Tướng Hilliard nói:

- Tôi đây, ông sĩ quan. Tôi đã giữ phần cam kết của mình.

Ông ta bước về phía Robert và cô gái mặc đồ trắng.

- Tôi cho rằng đây là nhân chứng thứ mười một sinh vật lạ bị mất tích. Tôi chắc rằng chúng ta sẽ thấy cô ta rất hấp dẫn. Vậy, sau cùng, thế là xong.

- Chưa đâu. Ông nói là ông sẽ đưa Janus tới.

- Ồ, có, Janus khăng khăng đòi đến gặp anh.

Robert quay về phía chiếc trực thăng. Đô đốc Whitstaker đang đứng ở cửa chiếc máy bay.

- Anh yêu cầu gặp tôi, phải không Robert?

Robert trợn tròn mắt nhìn ông ta, không thể tin nổi, và có một cuộn phim màu đỏ hiện lên trước mắt anh. Dường như cả thế giới của anh đã sụp đổ.

- Không. Sao...? Nhân danh Chúa, vì sao?

Vị Đô đốc bước về phía anh:

- Anh không hiểu có phải không? Anh không bao giờ hiểu. Anh lo ngại về một vài sinh mạng vô nghĩa. Chúng tôi lo ngại về việc cứu cả thế giới nầy. Trái đất nầy thuộc về chúng ta để chúng ta muốn làm gì thì làm.

Ông ta quay sang nhìn người phụ nữ mặc đồ trắng:

- Nếu những sinh vật các người muốn chiến tranh, các người sẽ có chiến tranh. Và chúng ta sẽ cho các người biết nếm đòn đánh trả. - Ông ta quay lại phía Robert - Anh đã phản bội tôi. Anh đã là con trai tôi. Tôi để cho anh thay chỗ Edward. Tôi cho anh cơ hội phục vụ đất nước mình. Và anh đã đáp lại tôi như thế nào hả? Anh đã đến năn nỉ tôi cho anh được làm việc gần nhà để gần gũi vợ anh. - Giọng ông ta đầy vẻ khinh miệt. - Không đứa con trai nào của tôi lại được phép có những mong muốn thấp hèn như thế. Lẽ ra từ lúc đó tôi đã phải thấy những phẩm chất của anh đã bị méo mó đi như thế nào rồi.

Robert đờ người, choáng váng không nói nên lời.

- Tôi đã phá vỡ cuộc sống gia đình anh bởi vì tôi vẫn còn tin ở anh, nhưng...

- Ngài đã phá...

- Còn nhớ khi CIA phái anh săn đuổi Con Cáo chứ? Tôi đã dàn xếp chuyện đó. Tôi đã hy vọng là việc đó sẽ làm cho anh tỉnh ngộ. Anh đã thất bại vì không có Con Cáo nào cả. Tôi nghĩ là tôi đã rèn giũa anh, rằng anh đã là một người của chúng tôi. Và rồi anh nói với tôi là anh sẽ bỏ cơ quan. Đó là lúc tôi biết anh không phải là một con người yêu nước, rằng anh phải bị loại trừ, bị tiêu diệt. Nhưng trước hết anh phải hoàn thành phần việc trong sứ mệnh nầy của chúng tôi.

- Sứ mệnh của các ngài? Giết chết tất cả những người vô tội ư? Ngài điên rồi.

- Họ phải bị giết để khỏi reo rắc sự kinh hoàng.

- Giờ đây chúng tôi đã sẵn sàng đối phó với những sinh vật lạ. Tất cả những gì chúng tôi cần là thêm một chút thời gian, và anh đã cho chúng tôi điều đó.

Người phụ nữ mặc đồ trắng đứng nghe, không hề nói gì, nhưng lúc nầy những ý nghĩ của cô đang được truyền vào đầu những người có mặt. "Chúng tôi tới đây để ngăn chặn các người khỏi huỷ diệt hành tinh của các người". Tất cả chúng ta đều thuộc về một vũ trụ. Hãy nhìn lên.

Họ ngẩng đầu nhìn lên trời. Có một đám mây trắng lớn trên đỉnh đầu và trong khi họ nhìn lên, nó thay đổi ngay trước mắt họ. Họ đang nhìn vào một hình ảnh về một vùng băng ở cực trái đất, và trong khi họ nhìn, nó bắt đầu tan ra và nước chảy ào và các sông, biển trên thế giới, làm ngập London và Los Angeles, New York và Tokyo và các thành phố ven biển khắp thế giới trong một cảnh phim chóng mặt.

Hình ảnh đó chuyển sang một viễn cảnh về những miền đất hoang hoá, mùa màng cháy trụi dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, xác động vật chết nằm ngổn ngang khắp nơi. Hình ảnh trước mắt họ lại thay đổi, và họ nhìn thấy những cuộc nổi loạn ở Trung Quốc, những người chết đói ở Ấn Độ, và một cuộc chiến tranh hạt nhân tàn phá, và sau cùng là những con người sống trong các hang động. Hình ảnh đó từ từ biến đi.

Có một thoáng im lặng trong kinh sợ. "Đó là tương lại của các người nếu như các người tiếp tục sống như thế nầy".

Đô đốc Whittaker là người đầu tiên bừng tỉnh.

- Trò thôi miên tập thề. - Ông ta quát lên. - Ta tin chắc là mi có thể cho chúng ta thấy những trò đùa thú vị khác. - Ông ta tiến về phía sinh vật lạ. - Ta sẽ mang mi trở lại Washington cùng ta. Chúng ta cần có nhiều thông tin từ miệng mi. - Vị Đô đốc quay sang Robert. - Anh đã xong đời. - Ông ta quay sang Frank Johnson. - Hãy lo về hắn đi.

Đại tá Johnson rút súng ngắn ra khỏi bao.

Susan vùng khỏi Monte và chạy đến bên cạnh Robert. Cô thét lên:

- Không.

- Giết hắn đi. - Đô đốc Whittaker nói.

Đại tá Johnson đang chĩa súng vào vị Đô đốc.

- Đô đốc ngài đã bị bắt.

Đô đốc trợn mắt nhìn ông ta.

- Cái gì? Anh nói cái gì hả? Tôi bảo anh giết hắn đi. Anh là một người trong chúng tôi.

- Ông nhầm! Tôi chưa bao giờ như thế cả. Tôi đã xâm nhập tổ chức của các ông từ lâu. Tôi tìm kiếm sĩ quan chỉ huy Robert Bellamy không phải là đề giết mà là để cứu anh ấy. - Ông ta quay sang Robert. - Tôi xin lỗi đã không thể đến với anh sớm hơn.

Mặt Đô đốc Whittaker xanh tái đi.

- Vậy thì anh cũng sẽ bị tiêu diệt. Không ai có thể cản đường chúng tôi. Tổ chức của chúng tôi.

- Ông không còn có một tổ chức nào nữa. Vào lúc nầy, tất cả những thành viên của nó đều đang bị quây lại. Hết rồi, ông Đô đốc!

Trên đầu, bầu trời dường như rung lên do ánh sáng và âm thanh. Chiếc phi thuyền mẹ khổng lồ đang treo lơ lửng ngay trên đỉnh đầu họ, từ trong tàu toả ra những ánh sáng màu xanh lục. Họ kinh hãi nhìn nó đổ bộ xuống. Một phi thuyền không gian nhỏ hơn xuất hiện, rồi một chiếc khác, rồi hai chiếc nữa, hai chiếc nữa cho đến khi bầu trời dường như bị che kín, và một tiếng động lởn trong không trung lan toả thành một điều nhạc tưng bừng vang vọng khắp núi rừng. Cánh cửa của con tàu mẹ mở ra và một sinh vật xuất hiện.

Người phụ nữ mặc đồ trắng quay sang Robert.

- Bây giờ tôi đi đây.

Cô bước về phía Đô đốc Whittaker, tướng Hilliard và Monte Banks.

- Các vị đi theo tôi.

- Không. Tôi sẽ không đi. - Đô đốc Whittaker lùi lại.

- Có chứ. Chúng tôi sẽ không làm ông đau đớn gì. - Cô chìa tay ra và trong một khoảnh khắc, không có gì xảy ra cả. Rồi, ngay trước mắt những người khác, cả ba người đàn ông từ từ bước đi như mê ngủ về phía con tàu không gian.

- Không. - Đô đốc Whittaker thét lên.

Khi cả ba người mất hút vào trong con tàu, ông ta vẫn còn la hét.

Người phụ nữ mặc đồ trắng quay lại phía những người khác:

- Họ sẽ không bị hại. Họ còn phải học hỏi nhiều. Vì họ đã có hiểu, họ sẽ được mang trở lại đây.

Susan ôm chặt lấy Robert.

Nói với mọi người rằng họ phải ngừng ngay lại việc giết chết hành tinh nầy, Robert. Hãy làm cho họ hiểu.

- Tôi chỉ là một con người.

Có hàng nghìn người như anh mỗi ngày. Con số các bạn thêm nhiều. Một ngày nào đó sẽ có hàng triệu và các bạn phải cất lên tiếng nói mạnh mẽ. Anh sẽ cố gắng chứ?

- Tôi sẽ cố gắng. Sẽ cố gắng.

- Bây giờ chúng tôi ra đi. Nhưng chúng tôi sẽ theo dõi các bạn. Và chúng tôi sẽ còn trở lại.

Người phụ nữ mặc đồ trắng quay người bước vào trong con tàu. Những ánh đèn bên trong tàu toả sáng hơn, hơn nữa cho đến khi dường như chúng chiếu sáng cả bầu trời. Đột nhiên, không hề có dấu hiệu gì báo trước con tàu mẹ cất lên, theo sau là con tàu nhỏ hơn cho đến sau cùng, tất cả mất hút vào trong không trung bao la. "Nói với mọi người rằng họ phải ngừng việc giết chết hành tinh nầy". Đúng thế, Robert nghĩ.

Giờ thì mình biết rằng sẽ phải làm gì trong phần còn lại của cuộc đời mình.

Anh nhìn Susan và mỉm cười.

SỰ KHỞI ĐẦU

Lời tác giả

Để viết cuốn sách nầy tôi đã đọc nhiều cuốn sách cùng nhiều bài báo và tạp chí dẫn lời những nhà du hành vũ trụ được cho là gặp những hiện tượng lạ ngoài khí quyển: Đại tá Frank Borman trên tàu Gemini 7 được cho là đã chụp những bức ảnh về một vật thể bay lạ (UFO) đã bay theo anh ta.

Meil Armstrong trên tàu Appolo 11 nhìn thấy hai tàu không gian lạ khi anh ta đổ bộ xuống mặt trănng. Buzz Aldrin đã chụp ảnh một con tàu không gian lạ trên mặt trăng. Đại tá L. Gordon Cooper chạm trán vớt một UFO lớn trên một chuyến bay của Đề án Mercury ở vùng Perth, Australia, và đã ghi lại những tiếng nói của một số ngôn ngữ lạ sau đó được luận là không được biết tới ở trái đất.

Tôi đã nói chuyện với những người nầy, cũng như với những nhà du hành khác và môi người đều cam đoan vời tôi rằng những câu chuyện đó là giả mạo nhiều hơn chứ không phải là xác thực, rằng họ không hế biết gì về bất kỳ một dạng UFO nào. Vài ngày sau câu chuyện của tôi qua điện thoại với Đại tá Gordon Cooper, anh ta đã gọi lại cho tôi.

Tôi trả lởi máy, nhưng anh ta đột nhiên không còn ở đâu dây nữa. Một năm sau, tôi dã nhận được lá thư do anh ta viết đề ngày 9-11-1978, và bàn về chuyện những UFO.

Tôi gọi điện lại cho Đại tá Cooper để hỏi xem lá thư đó có phải là thật không. Lần nầy thì anh ta cởi mở hơn.

Anh ta nói với tôi là đúng và rằng trên các chuyên bay vào vũ trụ, anh ta đã tận mắt chứng kiến vài chuyến bay của các UFO. Anh ta cũng nhắc tới việc các nhà du hành khác cũng trải qua những hiện tượng như vậy và họ được cảnh cáo là không bàn tới chúng.

Tôi đã đọc cả chục cuốn sách chứng minh một cách thuyết phục rằng những cái đã bay là có thật. Tôi đã xem những cuốn băng vidéo mà nội dung là những tấm ảnh chụp các đĩa bay và đã gặp các bác sĩ nội khoa ở Mỹ và nước ngoài chuyên chẩn trị những người tự nhận đã bị lôi vào trong UFO.

Các bác sĩ nói họ đã có hàng trăm trường hợp mà trong đó các chi tiết do các nạn nhân kể lại là giống nhau đến khủng khiếp, bao gồm cả những dấu vết giống nhau không giải thích được trên cơ thể của họ.

Một vị tướng không quản phụ trách Dự án Sách Xanh một nhóm công tác của chính phủ Mỹ được thành lập để điều tra về các đã bay đảm bảo với tôi rằng chưa bao giờ có những bằng chứng có sức thuyết phục về đĩa bay hay các sinh vật lạ.

Tuy nhiên, trong lời nói đầu của cuốn sách khác có giá trị của Tomothy Good là cuốn Vượt trên điều tối mật: Vụ bưng bít tầm thế giới về UFO ngài Hill Norton, Đô đốc Hạm đội và là Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh từ năm 1971 đến 1973 viết:

"Bằng chứng rằng có những vật thể được nhìn thấy trong khí quyển của chúng ta, và thậm chí trong vũ trụ xa xôi, mà không thể được coi là những vật thể do con người tạo ra hay do bất kỳ lực lượng vật chất nào khác mà các nhà khoa học của chúng ta đã biết đối với tôi dường như là quá mạnh... Một số rất lớn những lần nhìn thấy được đảm bảo bởi những người mà uy tín của họ đối với tôi là không thể nghi ngờ được. Điều kinh ngạc là quá nhiều người đã là những người quan sát được huấn luyện, chẳng hạn như các sĩ quan cảnh sát và các phi công dân sự hay quân sự...

Vào năm 1933, Phi đoàn số 4 của Thuỵ Điển đã bắt đầu một cuộc điều tra về một máy bay lạ xuất hiện trên bầu trời Scandinavi, và vào ngày 30-4-1934. Thiếu tướng Erik Reuterswaerd đưa ra thông báo sau đây cho báo chí:

"Việc so sánh các báo cáo nầy cho thấy không còn có nghi ngờ gì về những chuyến bay bất hợp pháp qua các khu vực bí mật quân sự của chúng ta. Có nhiều báo cáo từ những người đáng tin cậy mô tả sự quan sát ở cự ly gần về vật thể bay khó hiểu nầy. Và trong mọi trường hợp vẫn có thể lưu ý tới một nhận xét chung, không có các dấu hiệu hay các dấu hiệu nhận biết khác được nhìn thấy trên các vật thể bay nầy... Câu hỏi đặt ra là: Chúng là ai hay là cái gì, và vì sao chúng vi phạm không phận của chúng ta?

Năm 1974, giáo sư Paul Santorini, một nhà khoa học hàng đầu của Hy Lạp, được yêu cầu điều tra về các tên lửa bay trên bầu trời tổ quốc. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của ông ta đã bị che đậy:

"Chúng tôi nhanh chóng kết luận rằng chúng không phải là những tên lửa. Nhưng trước khi chúng tôi có thể làm thêm bất cứ điều gì thì quân đội, sau khi tham khảo các quan chức nước ngoài, đã ra lệnh: ngừng cuộc điều tra. CÁC NHÀ KHOA HỌC NGOẠI QUỐC ĐÃ BAY ĐẾN HY LẠP ĐỂ TRAO ĐỔI BÍ MẬT VỚI TÔI" (Sự nhấn mạnh được thêm vào).

Ông giáo sư đã khẳng định rằng một "TẤM MÀN BÍ MẬT TRÊN THẾ GIỚI" bao phủ UFO bởi vì, trong nhiều lý do, có lý do là các nhà cầm quyền không muốn thừa nhận sự tồn tại của một thế lực mà "KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG PHÒNG THỦ" chống lại nó.

Tử năm 1974 đến 1952, Trung tâm tình báo Kỹ thuật không quân (ATIC) đã nhận được chừng 1500 báo cáo chính thức về các vụ nhìn thấy đĩa bay. Trong số nầy có hai mươi phần trăm được không quân (Mỹ) cho là không thể giải thích được.

Thống chế Không quân Dowding, Tư lệnh Bộ chỉ huy không quân Hoàng gia Anh trong thời kỳ của cuộc chiên tranh dành nước Anh hồi năm 1940 viết:

Hơn 10.000 trường hợp nhìn thấy (đĩa bay) đã được báo cáo, phần lớn không có được bất kỳ SỰ GIẢI THÍCH KHOA HỌC NÀO". Chúng đã bị phát hiện trên các màn ảnh ra-đa ... và các tốc độ ghi nhận được lên tới chừng 9000 dặm một giờ... Tôi TLN RẰNG NHỮNG VẬT THỂ NầY CÓ TỒN TẠI VÀ RẰNG CHÚNG KHÔNG DO BẤT KỲ QUỐC GIA NÀO TRÊN TRÁI ĐẤT NẦY SẢN XUẤT RA (Sự nhấn mạnh, thêm vào). Từ đó tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc thú nhận rằng chúng đến từ nguồn ngoài trái đất.

Gần đây, ở Elmwood, Wisconsin (Mỹ) toàn bộ thành phố đã nhìn thấy những đã bay di chuyển trên bầu trời của họ trong vài ngày liền.

Tướng Lionel Max Chassin, người đã lên tới chức Tổng chỉ huy Các lực lượng không quân Pháp và đã giữ chức vụ Điều phối viên Phòng không Các lực lượng không quân Đồng Minh, Trung âu (NATO) viết:

Việc nhìn thấy những vật bay lạ giờ đây không còn là vấn đề... Con số những người chín chắn, thông thái, có học, hoàn toàn làm chủ những khả năng của mình và là những người đã "nhìn thấy thứ gì đó" rồi đã mô tả lại nó đang tăng lên hàng ngày.

Rồi có vụ Roswell nổi tiếng hồi năm 1947. Theo các báo cáo của nhân chứng, vào tối ngày 2-7-1947 một vật thể hình đĩa sáng được nhìn thấy trên bầu trởi Roswell, bang New Mexico (Mỹ). Ngày hôm sau, một chủ trại và hai người con đã tìm thấy các mảnh vỡ vương vãi trên một diện tích rộng. Nhà chức trách được báo cáo và một tuyên bố chính thức đã được đưa ra khẳng định rằng mảnh vỡ của một chiếc đĩa bay đã được thu lại.

Một tuyên bố báo chí thứ hai được đưa ra ngay lập tức khẳng định rằng đó chẳng là cái gì khác ngoài mảnh vỡ của một quả bóng thám không thời tiết, cái đã được trưng bày một cách đúng mực trong một cuộc họp báo. Trong khi đó thì mảnh vỡ thật sự kia được cho là bị chuyển đến Wright Field. Các xác chết được một nhân chứng mô tả là:

Giống như con người nhưng họ không phải là con người. Đầu họ tròn, mắt nhỏ và họ không có tóc. Mắt họ cách xa nhau. Chúng hoàn toàn nhỏ so với tiêu chuẩn của chúng ta và đầu họ quá to so với thân thể. Họ mặc những thứ có vẻ như là áo liền quần mầu xám. Có vẻ như tất cả họ đều thuộc giống đực và có một số trong họ... Các nhân viên quân sự ập đến và chúng tôi đã được yêu cầu rời khỏi khu vực đó và không nói với bất kỳ ai về những gì chúng tôi đã nhìn thấy.

Theo một tài liệu có được từ một nguồn tin tình báo vào năm 1984 thì một Uỷ ban tối mật với mật danh danh Majestic 12, hay MJ-12, đã được Tổng thống Truman thành lập vào năm 1947 để điều tra về UFO và báo cáo các kết quả trực tiếp cho Tổng thống. Tài liệu nầy, đề ngày 18 tháng 11 năm 1952, và được phân loại TỐI MẬT - MAJIC - KHÔNG TRÍCH CHÉP, được cho là do Đô đốc Hillenkoetter chuẩn bị cho Tổng thống đắc cử Dwight Eisenhower và chứa đựng sự khẳng định ngạc nhiên rằng xác chết của bốn sinh vật lạ đã được thu lại cách hiện trường Roswell hai dặm.

Năm năm sau ngày được thành lập, Uỷ ban nầy viết một báo cáo cho tổng thống đắc cử khi đó là Eisenhower về vấn đề UFO và yêu cầu phải giữ kín:

"Những liên quan tới nền an ninh quốc gia tiếp tục có tầm quan trọng ở chỗ động cơ và ý đồ tối thượng của những người khách nầy hoàn toàn chưa được biết rõ... Vi những lý do nầy, cũng như các cân nhắc kỹ thuật quốc tế hiển nhtên và nhu cầu tối hậu tránh một sự hoảng sợ công cộng bằng mọi giá, nhóm Majestic 12 hoàn toàn nhất trí cho rằng việc áp đặt các quy chế an ninh nghiêm ngặt nhất phải được tiếp tục một cách không có gián đoạn dưới chính quyền mới.

Sự giải thích chính thức kèm theo lời phủ nhận tính xác thực của tài liệu nầy là đáng nghi ngờ.

Cục An ninh quốc gia (NSA) được cho là thủ giữ hơn một trăm tài liệu liên quan tới UFO. CIA khoảng năm mươi và DIA, sáu mươi tài liệu.

Thiếu tá Donald Keyhoe một cựu phụ tá của Charled Lindberrgh, đã công khai buộc tội chính phủ Mỹ phủ nhận sự tồn tại của các UFO dù với lý do là ngăn chặn sự hoảng loạn công cộng.

Tháng Tám 1948, khi bản Dự báo Tình hình tuyệt mật của Trung tâm Tình báo kỹ thuật Không quân đưa ra ý kiến rằng các UFO là những vị khách liên hành tinh, tướng Vandenberg, Tham mưu trưởng không quân lúc đó, ra lệnh đốt tài liệu nầy.

Phải chăng có một âm mưu cấp chính phủ ở phạm vi thế giới nhằm giấu giếm sự thật đối với dân chúng?

Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi của 6 năm, hai mươi ba nhà khoa học Anh làm việc trong các dự án kiểu Chiến tranh giữa các vì sao đã chết trong các hoàn cảnh đáng đặt câu hỏi. Tất cả họ đều đã làm việc trên các khía cạnh khác nhau của cuộc chiến tranh điện tử, bao gồm sự nghiên cứu về UFO. Sau đây là danh sách những người đã quá cố thời gian và hoàn cảnh qua đời của họ.

1-1982. Giáo sư Keith Bowex: Chết trong một tai nạn ô tô.

2-7-1982. Jack Wolfendent: Chết trong một tai nạn tàu lượn.

3-11-1982. Emest Brockway: Tự sát.

4-1983. Stephen Drinkwater: Treo cổ tự tử.

5-4-1983. Trung tá Anthony Goldey: Mất tích, được coi là chết.

6-4-1984. George Franks: Treo cổ tự sát.

7-1985. Stephen Oke: Treo cổ tự sát.

8-11-1985. Jonathan Wash: Nhảy từ nhà cao tự sát

9-1986. Tiến sĩ Jhon Brittan: Tự sát bằng chất độc hoá học.

10-10-1986. Arshad Sharif: Tự sát bằng cách quấn một sợi thừng quanh cổ, buộc nó vào một gốc cây, và rồi ngồi vào xe lái đi với tốc độ cao. Xảy ra ở Bristol, cách nhà riêng ở London một trăm dặm.

11-10-1986. Vimar Daiibhai: Tự sát bằng cách nhảy từ một cái cầu ở Bristol, cách nhà riêng ở London một trăm dặm.

12-1-1987. Avtar Singh - Gida: Mất tích, bị coi là đã chết.

13-2-1987. Peter Peapell: Tự sát, bò vào gầm xe trong gara.

14-3-1987. David Sand: Đâm xe vào quán cà phê.

15-4-1987. Mark Wisner: Tự bóp cổ chết.

16-4-1987. Stuard Gooding: Bị giế( ở Cyprus.

17-4-1987. David Greenhalgh: Ngã xuống từ một cai câu.

18- 4-1987. Shani Warren: Tự tử bằng cách chết đuối

19.5-1987. Michael Baker: Chết trong tai nạn ố tô.

20-5-1988. Trevor Knight: Tự tử.

21-8-1988. Alistair Beckham: Tự bóp cổ chết.

22-8-1988. Thiêu tướng Peter Ferry: Tự bóp cổ chết.

23. Không biết thời gian. Victor Moore: Tự tử.

Những trường hợp ngẫu nhiên chăng?

Trong ba thập kỷ qua, ít nhất đã có 70 nghìn báo cáo về những vật thể trên bầu trời và một số khác không đếm xuể có thể là nhiều gấp mười lần, những vụ nhìn thấy đã không được báo cáo.

Tin tức về những UFO đến từ cả trăm nước trên khắp hành tinh. Ở Tây Ban Nha, Đức, Pháp, hay Tiệp Khắc cũng vậy, những đã bay nầy đều được biết đến như là những vật thể bay lạ không rõ nguồn gốc.

Nhà thiên văn học nổi tiếng Carl Sagan đã ước tính rằng riêng hệ Ngân Hà của chúng ta có thể có chừng 250 tỉ ngôi sao. Khoảng một triệu trong số đó, theo ông, có thể có những điều kiện thích hợp cho một nền văn minh nào đó.

Chinh phủ chúng ta (Mỹ) phủ nhận sự tồn tại của trí tuệ ngoài trái đất, ấy vậy mà vào ngày kỷ niệm Columbus trong năm 1992, tại California và Puerto Rico, cơ quan Quản trị Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cho hoạt động các kính thiên văn vô tuyến được trang bị những máy thu đặc biệt và các máy tính có khả năng phân tích ngay lập tức mười triệu kênh vô tuyến nhằm tìm kiếm những tín hiệu của cuộc sống trí tuệ trong vũ trụ.

NASA gọi đó là sứ mệnh MOP - Dự án quan sát vi sóng, nhưng các nhà thiên văn học gọi nó là SETI - Tìm kiếm trí tuệ ngoài trái đất.

Tôi đã hỏi hai cựu tổng thống Mỹ xem họ có bất kỳ tin tức gì về các UFO hay không, nhưng họ đều trả lời là không.

Liệu họ có thể nói với tôi về việc họ đã có bất kỳ thông tin nào không? Với tấm màn bí mật dường như đang bao phủ vấn đề nầy, tôi nghĩ là không.

Những đã bay có thật sự tồn tại hay không? Có phải chúng ta đang được viếng thăm bởi những sinh vật lạ từ một hành tinh khác hay không? Với kỹ thuật mới đang tiến ngày càng sâu hơn vào vũ trụ, tìm kiếm những dấu hiệu của cuộc sống trí tuệ trong không gian, có thể chúng ta sẽ có câu trả lởi nhanh hơn nhiều so với điều chúng ta chở đợi, có rthiều người đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ, những nhà thiên văn học và vũ trụ học nào đó không muốn chở đợi câu trà lời kia, đã tự mình ra bờ rìa vũ trụ và đưa ra những tiên đoán của họ. Jill Tartar, một nhà vật lý học thiên thể và là một thành viên của dự án SETI tại Trung tâm nghiên cứu NASA ở Ames, bang Lowa, là một người trong số đó.

Có 400 tỉ ngôi sao trong Thiên hà. Chúng ta được sinh ra từ bụi vũ trụ, một thứ thật sự phồ biến. Trong vũ trụ đây bụi nầy, khó mà tin rằng chúng ta là những sinh vật có trí tuệ duy nhất.

Ngày 9 tháng 11, 1978

Đại sứ Griffith.

Phái đoàn Grenada tại Liên Hợp Quốc.

866, Đại lộ số 2

Phòng 502

New York, New York 10017

Đại sứ Griffith thâm mến, Tôi muốn chuyển tới ngài quan điểm của tôi về các vị khách tữ ngoài trái đất, thường được nhắc tới như là những UFO, và gợi ý về việc có thể làm gì để ứng phó thích hợp với họ.

Tôi tin rằng những phương tiện bay tữ ngoài trái đất và đội bay của chúng đang từ các hành tinh khác dến thăm trái đất tiến bộ hơn chúng ta một chút về mặt kỹ thuật. Tôi cảm thấy chúng ta cần có một chương trình phối hợp ở cấp cao để thu thập và phân tích một cách khoa học các số liệu từ khắp nơi trên thế giới liên quan tới bất kỳ một cuộc gặp (đã bay) nào, và quyết định thế nào là tốt nhấl để giao tiếp với các vị khách nầy một cách thiện chí. Trước hết, có thể chúng ta phải cho họ thấy là chúng ta đã biết cách giải quyết các vấn đề của mình bằng các biện pháp hoà bình, chứ không phải bằng chiến tranh, trước khi chúng ta được chấp nhận là một thành viên chính thức của vũ trụ. Sự chấp nhận nầy sẽ chứa những khả năng kinh khủng để làm thế giới của chúng ta tiến nhanh trong mọi lĩnh vực. Chắc chắn rằng khi đó thì Liên Hiệp Ouốc đã được giao phó một trách nhiệm trong việc xử lý vấn đề nầy một cách thích hợp và khẩn trương. Tôi cần chỉ rõ rằng tôi không phải là một nhà nghiên cứu UFO có kinh nghiệm. Tôi cũng chưa có may mắn được bay trong một UFO, cũng chưa gặp đội bay của một chiếc nào. Song tôi thấy rằng tôi có tư cách nào đó để bàn về chúng bởi vì tôi đã có mặt ở ven cái khoảng không rộng lớn mà chúng ta đã bay trong đó. Tuy vậy, hồi năm 1951, tôi đã có dịp có hai ngày quan sát nhiều chuyến bay của chúng, với các kích thước khác nhau, bay trong đội hình chiến đấu, chủ yếu là từ đông sang tây, ngang qua châu Âu. Họ bay ở độ cao hơn mức có thể với tới, với các máy bay chiến đấu của chúng tôi hồi đó.

Tôi cũng muốn chỉ ra rằng hầu hết các nhà du hành vũ trụ đều rất miễn cưỡng, dù chỉ là bàn tới các UFO, bởi vì có rất nhiều người đã bán bừa bãi các câu chuyện và những tài liệu giả mạo, không ngần ngại bôi nhọ tên tuổi và tiếng tăm của họ. Một số ít những nhà du hành tiếp tục có tham gia vào vấn đề UFO đã phải làm việc đó một cách hết sức thận trọng. Có một số người trong chúng tôi tin vào những UFO và đã có những cơ hội nhìn thấy một UFO trên mặt đất hoặc từ một máy bay.

Nếu như Liên Hiệp Ouốc tán thành theo đuổi vấn đề nầy và gắn vào đó uy tín của mình, có thể nhiều người có năng lực hơn nhiều sẽ đồng ý bước tới và cung cấp những giúp đỡ và những thông tin.

Tôi hy vọng được gặp các ngài sớm.

Chân thành, L. Gordon Cooper

Đại tá Không quân Mỹ (nghỉ hưu)

Phi hành gia.

HẾT

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro