Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Những thảm cảnh vượt biên



Đã là thuyền nhân Việt thì ai cũng có một ký ức, một câu chuyện phiêu lưu nhớ đời để thuật lại. Bão tố, sóng dữ, hải tặc, đói khát, tới bờ hoặc bị đẩy ra khơi trở lại đều là thảm cảnh chung của thuyền nhân hai miền.
Theo thống kê giai đoạn này có gần một triệu thuyền nhân đã đến được các trại tỵ nạn, thì cũng chừng ấy số người đã vùi thây giữa biển khơi, hay trên các núi rừng đường bộ vì đủ các lý do.
- Tôi xin tập hợp một số câu chuyện đặc biệt kinh hoàng của các tàu gặp nạn trên biển theo lời kể của các thuyền nhân trong trại và sưu tầm từ các báo chí, sách viết về giai đoạn này.
Câu truyện của tôi so với họ thì quá đỗi bình thường. 😢😢
Những ai đã trở về các nước vùng Đông Nam Á, nhất là đến Malaysia và Indonesia, dừng chân tại những nghĩa trang thuyền nhân, đều cảm thấy bùi ngùi thương cảm cho những người vì một thiên đường huyển hoặc, đành gạt lệ rời bỏ quê hương làng mạc, ruộng vườn, người thân... để liều mình vượt trùng dương tìm đường sống trong cái chết. Con đường đi đến Hồng Kông tương đối là an toàn nhất so với đường đến Indo, Malaysia, Thái Lan.

Ngày 26-11-1978 tàu Kim Hoàng MT065- tức Mỹ Tho 065, chở trên 300 Hoa Kiều đăng ký bán chính thức vượt biên rời Việt Nam. Sau 5 ngày lênh đênh trên biển cả, khoảng 5 – 6 giờ chiều ngày 30-11-1978 thì tàu tới bờ biển Malaysia.
Vì chính sách đẩy tàu thuyền ra biển, lính biên phòng Mã Lai bắn ra không cho tàu cặp bến, tàu phải bỏ neo cách bờ khoảng 200 thước chờ trời sáng tìm phương cách giải quyết. Nửa đêm bão tới. Khoảng 5 giờ sáng thì tàu chìm khiến trên 170 người thiệt mạng. Tử thi được mai táng trong hai ngôi mộ tập thể tại Malaysia.

Câu chuyện của chị Trịnh Thanh Tùng, người phụ nữ sống sót trong vụ án Bolinao 52 vào năm 1988, khi thuyền vượt biên của chị bị một chiến hạm Mỹ từ chối không vớt, gây nên thảm cảnh vô cùng khủng khiếp.
Được biết, vì để sống sót giữa biển cả mênh mông, không nước, không lương thực, chị đã phải uống nước tiểu của con trai mình và chấp nhận ăn thịt đồng loại để giữ mạng sống cho mình và con trai. Chị kể:
"Có người nói là khi nào tôi chết thì lấy thịt tôi làm thức ăn để cho mọi người sống sót còn tới bến bờ chứ nếu không thì không ai biết như thế nào...Nghe nói vậy thì mình không biết ai nói câu nói và ai đã làm chuyện đó...
Câu chuyện của một con tàu ra đi từ vùng Cái Sắn, Rạch Giá vào tháng Ba năm 1977 có lẽ hãi hùng hơn cả. Tàu bị hải tặc cướp, hãm hiếp.
Khi bị tấn công lần thứ nhì, đám thanh niên nhất quyết chống lại và 62 thuyền nhân đã bị chúng giết, chỉ còn một người sống sót vì bị những xác chết khác đè lên.

Có những con thuyền lạc đường, cạn thức ăn, nước uống nên người đã phải ăn thịt người để sống, mẹ phải cắt vú mình lấy máu cho con bú kẻo không đứa bé chết khát. Nhiều người đã chết vì đói khát, người thoi thóp sống lo thủy táng người chết và chỉ còn biết cầu xin người đã chết phù hộ. Có khi những điều khấn xin được đáp lại bằng những cơn mưa hoặc được tàu lớn cứu vớt.

Tháng Bảy năm 1979 có một tàu vượt biển bị bão đánh vỡ ra từng mảng, 350 người chỉ còn 14 sống sót và đã có một hài nhi ra đời giữa lòng biển khơi trong khi người mẹ, tuổi chừng 30, đang bám víu lấy mạng sống trên một chiếc bè trôi nổi mà người đỡ đẻ lại là một nam học sinh ở tuổi 17.
Câu chuyện vượt biển này tưởng như kết thúc ở bến bờ tự do, nhưng 14 người sống sót lại được tàu đánh cá của Việt Nam vớt, đưa trở về điểm khởi hành. Không biết số mạng của đứa bé trai sinh giữa lòng biển khơi giờ đây ra sao?

Bia tưởng niệm những người đã chết trên đường vượt biên dựng trong nghĩa trang trại tị nạn Galang, Indonesia.

Trên biển có khi tưởng như tìm được sinh lộ thì lại đi vào cõi chết. Như chuyện của anh Sáu Hoàng, cựu sĩ quan hải quân.
Sau nhiều ngày mất phương hướng vì tàu hỏng máy, thấy một bình nhựa trôi trên biển nên anh nhảy xuống vớt với hy vọng tìm được nhãn hiệu hay một dấu chỉ nào để biết tàu đang trôi dạt nơi đâu, có gần bờ bến không.
Dưới nước anh Hoàng nắm được bình, nhưng con tàu bỗng trôi nhanh khiến anh bơi đuổi không kịp. Nhiều người trên tàu ném hết mọi thứ có thể nổi để anh bám vào, nhưng chẳng cứu anh được. Con tàu hỏng máy đã bỏ anh lại.

Trong một chuyện kể khác, cũng là trường hợp tàu hư, lạc đường vào năm 1989.
Sau nhiều ngày đói khát, tàu trôi dạt đến gần một đảo hoang, bốn thanh niên nhảy xuống bơi vào tìm xem có sự sống, thức ăn hay không. Khi họ bơi trở ra thì con tàu lại cứ trôi xa đảo, bỏ lại bốn thanh niên trên đảo hoang.

May mắn thoát hiểm nguy trên biển, đến được đất liền nhưng cũng chẳng có cơ hội định cư. Ðó là câu chuyện về chị Nguyệt một mình đến được trại, ở lâu vì không có diện định cư nên phải bán mình nuôi thân, nuôi gia đình còn ở Việt Nam. Chị mua hương bán phấn với lính Thái, mang thai, xấu hổ quá chị tự tử.

Có những người khi thoát chết đến được trại tị nạn thì bị ám ảnh quá phải cắt tóc đi tu, có người phát điên và treo cổ tự tử là chuyện bình thường.

Khi làn sóng người vượt biển lên cao, chính phủ các nước Ðông Nam Á có lệnh không cho ngư dân của họ cứu vớt thuyền nhân. Nhiều tàu bè quốc tế cũng đã làm ngơ trước tín hiệu SOS của thuyền gặp nạn. Nhưng không phải tất cả thuyền trưởng đều quay mặt đi.
Có những câu chuyện thuyền trưởng tàu Phi Luật Tân, tàu Nhật, tàu Mỹ vì lương tâm đã cứu vớt nhiều người vượt biển được kể lại. Ngay cả khi hải tặc Thái Lan tạo kinh hoàng cũng có những ngư dân Thái cứu người vượt biển, đem họ vào bến bờ bình an.
Có người thương binh một chân, là cựu đai úy trong quân đội Thái, đã nhỏ nước mắt khi nhìn thấy một em bé Việt Nam chỉ còn da bọc xương trên tay người mẹ đang đi tìm sữa. Ông đã cho bà 20 đồng baht để bà ra chợ mua sữa cho đứa bé.

Hai thập niên trước, thảm trạng của thuyền nhân đã được ghi lại trong tập tài liệu Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan do nhà văn Nhật Tiến và ký giả Dương Phục kể.

Hai mươi năm sau, những câu chuyện đi tìm tự do được kể lại trong "Chuyện Kể Hành Trình Biển Ðông" bởi nhiều nhân chứng. Ðây không phải là một tác phẩm văn chương mà là một chứng liệu lịch sử.
Nhiều trong số 46 bài viết là tự truyện của những tác giả không phải là người cầm bút chuyên nghiệp hay có tài năng văn chương. Họ kể lại bằng lối văn mộc mạc, chân thành. Ðó là những câu chuyện có thực, rất thực.

Trong thế kỷ vừa qua thế giới đã chứng kiến nhiều vụ giết người tập thể: lò hơi ngạt giết người Do Thái trong các trại tập trung; Khờ Me Ðỏ tàn sát người Cam Bốt; dân bộ lạc ở Rwanda, Châu Phi giết nhau; diệt chủng ở Bosnia-Kosovo. Ở những nơi này ngày nay còn nhiều chứng tích để lại như một nhắc nhở cho nhân loại.

Nhưng hàng trăm ngàn thuyền nhân đã bỏ mình, thân xác họ chìm sâu trong lòng biển cả. Còn chăng là một số hình ảnh của Cao Ủy Tị Nạn ghi lại những xác người, màu đỏ đen, da dính vào xương, nằm phơi trên đồi san hô giữa biển cả.
Những người sống sót còn có thể kể lại câu chuyện của mình cho con cháu. Nhưng những người chết rồi thì sao, liệu  họ có được xác nhận đã chết. Ai biết được họ đã trải qua những gì. Không ai xác nhận được số thuyền nhân đã làm mồi cho cá và mất tích trên biển cả😢😢
( Còn nữa)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro