Nên trộm bao nhiêu là vừa đủ để không bị gọi là trộm?
Lý Tử Thất sinh năm 1990 ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Cô có một tuổi thơ khá cơ cực, phải trải qua nhiều đau khổ, mất mát. Cha mẹ ly hôn khi cô còn nhỏ. Sau đó không lâu thì cha mất, cô phải sống với mẹ kế. Ông bà thương mà đón về, chưa được mấy năm ông cô cũng qua đời, bỏ lại hai bà cháu sống nương tựa lẫn nhau. Mới 14 tuổi, cô đã phải đến thành phố Thâm Quyến để làm nhiều việc khác nhau, từ bồi bàn đến DJ quán bar. Tuy nhiên, sau rất nhiều phấn đấu và cố gắng, cuộc đời cô chính thức bước sang một trang mới - đẹp đẽ hơn, rực rỡ hơn - vào năm 2016, khi cô trở thành Youtuber nổi tiếng với những video mang màu sắc cổ trang ghi lại cảnh cô tự chế biến những món ăn, hay tự làm những vật dụng và mỹ phẩm truyền thống của Trung Quốc.
Có rất nhiều điều đóng góp vào thành công của Lý Tử Thất.
Như việc nông thôn bị đô thị hóa ồ ạt, cảnh đẹp đồng quê đã không dễ dàng thấy được, đặc biệt là khi bạn vừa muốn lướt điện thoại, chat chít, Facebook, Zalo vừa muốn ngắm mặt trăng tròn vành vạnh không bị ô nhiễm bởi ánh đèn neon. Lý Tử Thất giúp bạn nằm trong một căn phòng có wifi, máy lạnh và tận hưởng không khí miền quê.
Như việc chuyên môn hóa đã lan đến mọi ngóc ngách của đời sống. Bạn có thể viết chữ hàng ngày, nhưng tờ giấy và cây viết thời nay được tạo ra bằng cách nào thì bạn không biết, huống hồ gì thời xưa. Lý Tử Thất giúp bạn có thể xem được quá trình tạo ra những vật dụng như thế.
Như việc thế giới đã trở nên phẳng hơn. Các món ăn vì thế mà đa dạng hơn, lai tạp hơn. Công cụ làm bếp cũng hiện đại hơn, tiện lợi hơn, nhiều chất liệu hơn. Đôi khi, bạn phải tự hỏi, hồi xưa món này được nấu như thế nào, bếp núc ra làm sao. Lý Tử Thất giải đáp những thắc mắc đó cho bạn.
Vâng, có rất nhiều điều đóng góp vào thành công của Lý Tử Thất. Nhưng, trên tất cả, hẳn phải là sự sáng tạo, sự cố gắng và sự phấn đấu của chính bản thân cô ấy.
Đây là một câu chuyện đẹp. Dù những video của Lý Tử Thất có bị vài người quá khắc khe chỉ trích rằng chúng phơi bày cuộc sống khổ cực của miền quê Trung Quốc (???), hay có phải một mình cô làm tất cả mọi công đoạn trong quá trình chế biến và quay video không (???), thì đây vẫn là một câu chuyện rất đẹp. Nó truyền đi thông điệp rằng cố gắng, nỗ lực sẽ thành công.
*** *** ***
Thật không may, hay phải nói đúng hơn là thật không vui, khi có một Youtuber Việt Nam lại đóng vai người qua đường phản diện trong câu chuyện này. Vâng, chỉ là vai người qua đường phản diện thôi, chứ không phải là vai phản diện đâu, không xứng là vai phản diện đâu. Một người qua đường phản diện chọn tai tiếng cho mình để Lý Tử Thất nổi tiếng hơn; và quan trọng hơn là để những người nước ngoài khác thấy rằng lại có thêm một người Việt Nam nữa, thêm vào số nhiều người Việt Nam trước đây, ăn cắp mọi thứ có thể, không từ thứ gì.
Vậy vai người qua đường phản diện này làm gì để tạo thành kết quả như thế? Cô đã đạo nhái rất nhiều thứ, từ ý tưởng đến cách ăn mặc, trang điểm, cách bày trí gian bếp, góc máy quay, khung hình trong các video của Lý Tử Thất. Tất nhiên, cô là người Việt Nam, nên cô làm ra món ăn Việt Nam. Và việc làm ra món ăn khác trong video đầy rẫy các chi tiết còn lại giống của người ta thì có được gọi là đạo nhái hay không?
*** *** ***
Do đặc điểm lịch sử nước ta, từ Hán Việt thường tạo nên cảm giác trang trọng khi được sử dụng. Tuy nhiên, đôi khi nó lại góp phần giúp người nói và người nghe né tránh vấn đề. Từ đạo trong đạo văn, đạo ý tưởng có cùng trường nghĩa với đạo tặc, cường đạo, nghĩa là ăn trộm, ăn cắp. Mình dân miền Tây, không giỏi kiểu nói chuyện văn hoa khéo léo, nên xin phép được gọi thẳng là ăn trộm văn, ăn cắp ý tưởng. Huống hồ, hành động không đẹp thì không cần và không nên có một cái tên tạo nên vẻ trang trọng giả tạo. Nhìn thẳng vào vấn đề cho dễ giải quyết.
Cho nên, trước lúc các... (À, nếu gọi "trang trọng" thì là "đạo sĩ" đấy, nhưng như đã nói ở trên, việc này không cần thiết, cứ gọi là tên trộm đi.) Trước lúc các tên trộm đặc thù này định trộm, họ sẽ tự hỏi gì? Mình đoán là: "Nên trộm bao nhiêu là vừa đủ để không bị gọi là trộm?"
Lại xuất hiện một vấn đề - trộm đặc thù. Tại sao phải nói vậy? Vì ai cũng biết trộm tiền, trộm của, nói chung là trộm hiện vật, thì dù trộm 500 đồng, 1 ngàn cũng gọi là trộm. Người ta chỉ bảo trộm ít trộm nhiều, chứ vấn đề này không ai tranh cãi là trộm hay không phải là trộm. Nhưng ý tưởng thì khác. Có thể trùng hợp! Hoặc có thể dùng lý lẽ cao thượng để che giấu bản chất hành động ăn trộm đi. Chính vì lẽ đó mà nhiều tên trộm ý tưởng sẽ cố tìm ra cách thức và ranh giới để mình không bị gọi là trộm.
*** *** ***
Có thể có những cách nào ấy nhỉ?
Cách 1: Ghi nguồn trộm. Nghĩa là gián tiếp tuyên bố: Tôi trộm của trộm nên không có lỗi. Tôi không trộm cũng đã có người trộm rồi và sẽ có người khác trộm nữa.
Ví dụ cụ thể: Truyện này không phải do mình viết. Mình lấy từ nguồn xyz, đăng lên cho các bạn không có điều kiện mua sách cùng đọc. Nếu tác giả không đồng ý hãy nhắn tin cho mình, mình sẽ gỡ xuống ngay lập tức.
Cách 2: Mở đầu vài câu, "trích" cả tác phẩm, kết luận vài câu.
Ví dụ cụ thể: Hôm nay, trời mưa rả rích từ sáng đến giờ. Mưa làm mình nhớ nhà da diết. Nhớ miền Tây sông nước, nhớ giọng văn đậm chất miền Tây của Nguyễn Ngọc Tư nữa. (Phần kế tiếp là một truyện ngắn nào đấy của Nguyễn Ngọc Tư.) Mình dân miền Tây nên có thể hình dung rất rõ ràng cảnh sắc miền Tây qua từng dòng chữ trên đây. Nhưng không biết các bạn ở nơi khác thì sao ạ? Mọi người có thể trao đổi ý kiến không?
Cũng có bạn "có tâm" hơn - Viết 3 câu, trích 1/3 tác phẩm, viết tiếp 3 câu, trích tiếp 1/3 tác phẩm, viết thêm 3 câu, trích nốt 1/3 cuối cùng của tác phẩm, viết nốt 3 câu kết luận.
Cách 3: Trộm vài chi tiết phụ, đổi chi tiết chính. Hoặc ngược lại.
Ví dụ cụ thể chính là cô Youtuber Việt Nam trên đây. Mặc nguyên bộ quần áo giống từ kiểu dáng đến màu sắc, thắt cái bính tóc giống, trang trí vật dụng trong bếp giống, góc quay giống, khung hình giống, và làm ra món ăn khác. Hoặc là mặc quần áo khác, kiểu tóc khác, nhưng khung hình giống nhau, góc máy giống nhau, làm ra món ăn giống nhau.
Cách 4: Trộm mỗi chỗ một ít, sau đó ghép lại, ưu tiên trộm của những người chưa nổi tiếng ở Việt Nam để khó bị phát hiện.
Ví dụ cụ thể: Chuyện này âm nhạc chắc nhiều rồi. Không cần ví dụ đâu nhỉ? Thật ra, mình không nghe được các ca sĩ mới bây giờ hát cái gì, nên không nghe nhạc mới. Lúc cần, không thể nhớ ra được lập tức dù tin tức về trộm nhạc, trộm MV cũng xuất hiện trên báo hoài.
*** *** ***
Tóm lại, "Nên trộm bao nhiêu là vừa đủ để không bị gọi là trộm?"
Hỏi tức là đã tự trả lời. Trộm là trộm. Điều quan trọng là trộm, chứ không phải là bao nhiêu. Cách thức gì, số lượng ra sao không phải là trọng tâm. Một khi bạn đã bê nguyên xi, hoặc xào nấu ý tưởng đã từng gặp, đó chính là trộm ý tưởng. Một khi bạn ý thức tự hỏi rằng mình nên mào đầu như thế nào, thay đổi chi tiết nào để người khác không chỉ trích hoặc không nhận ra sự giống nhau, thì tức là trong thâm tâm bạn đã tự hiểu rằng mình đang ăn trộm. Lời nói hoa mỹ, biện hộ có vẻ hợp lý chỉ có thể lừa vài người trong chốc lát thôi. Không lừa được họ cả đời. Và, không lừa được bạn trong một phút nào cả.
Nếu bạn theo cách 1 và 2, hiển nhiên là bạn vi phạm bản quyền, bạn sẽ phải gỡ bỏ "tác phẩm của mình". Nếu không, khi người có thẩm quyền phát hiện, họ sẽ gỡ giúp bạn. View like gì đó sẽ như bọt nước vỡ tan tành.
Nếu bạn theo cách 3 và 4, sẽ có một bộ phận người tìm mọi cách bao biện, ngụy biện cho hành vi của bạn. Nhưng, hoặc là bạn tiếp tục trộm để ra sản phẩm mới, và bộ phận người này sẽ nhận ra sự thật và rời đi; hoặc là bạn không dám trộm nữa, không ra sản phẩm nào tiếp theo, và bạn sẽ chìm vào quên lãng. Like và view gì đó sẽ trở thành hào quang của quá khứ, bạn sẽ trở thành ví dụ điển hình cho những buổi nói chuyện về hậu quả của việc trộm ý tưởng.
Trường hợp hy hữu, khi nổi tiếng rồi, bạn ngừng trộm, bạn có tài năng để tự làm nên tác phẩm. Lúc đó, vết nhơ này sẽ theo bạn suốt đời. Khi bạn nổi bật, xung quanh vẫn râm ran những câu chất vấn: "Nó có trộm của ai mà chưa bị phát hiện không?" Dù sao dạng câu tán thưởng "Thằng ăn trộm đó cũng có tài năng quá chứ!" kèm theo câu hỏi "Sao lúc trước nó đi ăn trộm chi cho mang tiếng vậy?" dường như cũng không vui vẻ gì cho cam. Và có thể, bạn sẽ gặp kiểu phỏng vấn không hay ho gì cho lắm như thế này: "Bạn nghĩ sao khi A trộm tác phẩm của bạn? Bạn có đồng cảm với bạn ấy không khi trước đây mình cũng từng làm như thế?" Nghe chán nhỉ?!
Vậy nên, tốt nhất là đừng trộm. Dùng ý tưởng của mình, nổi tiếng đến đâu thì tùy khả năng. Chuyện này đơn giản như bạn dùng tiền của mình mua Samsung hoặc Iphone cũ vài triệu, chứ không sang nhà hàng xóm trộm tiền để mua bằng được Samsung Note hay Iphone X vài chục triệu. Thật sự đơn giản vậy thôi hà.
Đừng ham những thứ không phải là của mình. Và, những gì mình không muốn, đừng làm với người khác.
03/07/2020
Mấy bài viết của mình thường rất ít lượt xem. Nên khả năng được fan hâm mộ của cô Youtuber Việt Nam trên đây cũng như những người cảm thấy bị "đá thúng đụng nia" xem được là không cao. Tuy nhiên mình cũng xin nói trước, nếu ai không đồng ý quan điểm cũng như cách nói có phần thẳng thừng, gay gắt của mình, xin vui lòng bình luận có văn hóa. Mình sẵn sàng tranh luận có văn hóa về chủ đề này. Nhưng tuyệt đối không tiếp những bạn nói tục chửi thề, dù là kiểu đã "thẩm mỹ". Đối với mình, đó là sự xúc phạm, chứ không phải tiếng đệm vui miệng, thể hiện cảm xúc hay gì cả. Nhập gia vui lòng tùy tục.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro