Chương 1: Những chuyện ngày qua
Hắn là đồng nghiệp ở quán cơm tôi làm thêm mỗi buổi chiều. Còn nhớ, lúc mới đến, hắn lầm lũi đứng sau lưng anh chủ, trên người là áo phông màu đỏ nhàu nhĩ và quần vải rách gối, mặt mày thì lấm lem như một con mèo hoang vừa bới thùng rác về. Tay hắn xách ba lô du lịch – cái ba lô xẹp lép, nghe chừng ngoài chai nước suối còn non nửa dắt ở mé trái ra, bên trong cũng chẳng có mấy tư trang. Nhưng khi anh chủ quán yêu cầu người mới chào hỏi chúng tôi, hắn từ từ ngẩng đầu, đôi mắt nhỏ, xếch, tròng mắt đen xám lần lượt quét qua tôi và Trinh, cái cằm nhọn vô thức nhướng lên, phảng phất lộ ra khí độ không ăn nhập với dáng vẻ chật vật, nghèo nàn của hắn.
Hắn hé miệng, giọng nói không có vẻ cố tình đè thấp xuống, mà là trời sinh trầm khàn, như một tay hút thuốc lâu năm đã sắp ngỏm vì ung thư phổi:
- Tôi là Phạm Văn Nam.
Chỉ có thế, rồi hắn lại cúi đầu, khoác ba lô lên vai, tóc mai dài rủ xuống, che đi đôi mắt lương bạc.
Tôi và đồng nghiệp còn lại ngồi sau quầy nước nhìn nhau, đều có chút bối rối, vẫn là tôi nhanh mồm nhanh miệng hơn, tỏ ra thân thiện, đáp:
- Chào Nam nhé, mình là Yến, kia là Trinh, còn anh Phúc nữa, mà lão ấy chạy đâu mất rồi.
Hắn im lặng gật đầu.
Theo những gì chúng tôi hỏi được từ anh chủ thì hắn quê ở tỉnh lẻ, bỏ học năm lớp tám vì nhà nghèo quá, sau đó loanh quanh trong địa phương làm vài công việc nặng nhọc nhưng chẳng kiếm được bao nhiêu, cuối cùng mới quyết tâm bỏ nhà ra phố lập nghiệp. Chẳng qua, nghiệp còn chưa kịp lập đã bị lũ móc túi ở bến xe dạy cho một bài học nhớ đời. Hắn với cái ba lô trống không lang thang khắp nơi mấy ngày nay, cuối cùng kiệt sức nằm bết xê lết cạnh thùng rác trong con ngõ nhỏ bên hông quán chúng tôi.
Anh chủ bắt gặp cảnh ấy, thương tình cho một suất cơm ăn, hỏi rõ nguồn cơn lại kiểm tra chứng minh thư, thấy tên tuổi quê quán rõ ràng, trông hắn cũng thật thà biết việc, mới quyết định làm phúc, nhận hắn vào quán. Mặc dù đó giờ vẫn có tôi với cái Trinh, nhưng quán ăn nằm trên đường lớn, buôn bán rất khá, những lúc đắt khách, hai đứa con gái vừa phụ bếp vừa bưng bê lại kiêm cả thu tiền, xem chừng cũng không được nhanh nhẹn lắm.
Anh chủ bận nấu đồ, bèn nhờ chúng tôi dẫn hắn vào ở trong phòng nghỉ của nhân viên. Tôi và cái Trinh âm thầm đùn đẩy cho nhau, không ai muốn rước lấy của nợ ấy. Đúng lúc đó có khách vào ngồi, con nhóc láu cá chạy lên trước đon đả lau bàn, mời khách gọi món, nhiệt tình khác hẳn mọi khi. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành chậm chạp đi tới bên hắn, cười gượng nói:
- Nam đi theo tôi.
Tôi cũng không để ý hắn có đi theo hay chưa, tự vén tấm mành nhựa, rảo bước về phía phòng nghỉ cho nhân viên. Sang mồm nói phòng nghỉ, nhưng nó chỉ là một gian nhà kho cũ cỡ sáu, bảy mét vuông, kê cái giường lạch không và một cái tủ ngăn kéo nhỏ. Nhà tôi ở ngay tổ bên cạnh, cái Trinh với anh Phúc cũng trọ gần đây nên phòng này chưa từng có ai dùng.
Hắn bước vào, lúc đi qua cửa còn phải hơi khom lưng. Trong không gian chật hẹp đó, tôi chợt nhận ra hắn có một chiều cao thật đáng ngưỡng mộ. Hắn đặt ba lô xuống đất, không nhìn quanh phòng mà nhìn tôi chằm chằm. Tôi thấy hơi khó chịu nhưng cũng chẳng nói ra, chỉ dặn dò:
- Chăn chiếu ở trong tủ, nhà tắm với nhà xí ra sân sau, nhìn bên tay trái là thấy. Đầu xuân vẫn lạnh, nếu muốn tắm nước nóng thì xả nước giếng khoan đun bằng siêu điện, nước trong phích là nước mưa tụi tôi đun để uống, không được tự tiện lấy.
Hắn lại gật gật đầu, kiệm lời đến mức tôi quên mất là hắn biết nói. Nhưng thiết nghĩ vừa trải qua nhiều sóng gió như thế, ở nơi tứ cố vô thân này, hắn có chút buồn rầu, uể oải cũng không lạ. Tôi lượt qua, nghĩ chẳng còn gì để giao phó, bèn ra khỏi phòng, lúc quay trở lại, trên người đã trang bị thêm một tấm tạp dề. Thò đầu vào thấy hắn vừa ngồi xuống giường, tôi mỉm cười:
- Hôm nay thì thôi, Nam nghỉ ngơi đi, từ ngày mai bắt đầu theo anh Phúc học việc nhé.
Tôi chưa kịp nghe hắn trả lời gì thì đã có khách gọi, bèn chạy tuốt ra ngoài. Hôm nay là thứ bảy, đúng tầm mấy anh con trai đi đánh bóng ở cái sân đất cách đây một con phố ào vào tìm đồ lót dạ, từ giờ đến tối chắc chúng tôi không được một phút ngơi tay.
Bận túi bụi chẳng để ý, vô tình ngẩng đầu lên, tôi phát hiện ra, không biết từ lúc nào, hắn đã đang lúi húi xếp xe cho khách ở bên ngoài, chốc chốc lại chạy vào rót nước, nhặt rau, đảo cơm thoăn thoắt. Hắn nói ít, làm nhiều, khỏe mạnh lại nhanh nhẹn, việc trên tay tôi nghiễm nhiên nhàn đi thấy rõ. Thất thần một lát, đến khi nghe có người kêu gọi cốc bia mãi chưa đem ra tôi mới giật mình chạy đi lấy.
Từ hôm đó, hắn chính thức trở thành một phần của quán cơm Đức Hòa. Anh chủ mến hắn vì hiền lành ít nói, anh Phúc mến hắn vì hay lam hay làm, cái Trinh mến hắn vì giúp nó đỡ phải xách nước dội bồn cầu. Còn tôi, tôi không rõ cảm xúc của mình với hắn là gì nữa.
Trừ buổi đầu tiên hắn tới, những ngày còn lại, hai người chúng tôi không giao tiếp mấy, ngoài những chuyện rau dưa cá mắm của quán. Mãi cho đến một lần hắn tìm tôi, ngượng nghịu mượn kim chỉ, tôi thuận miệng hỏi để làm gì, hắn ậm ừ không đáp. Hôm sau, nhìn cái cầu vai đã chuyển màu cháo lòng lòi ra đầu chỉ đỏ của hắn, tôi vừa buồn cười vừa thương. Chiều ngày thứ hai, tôi tranh thủ đến sớm, quả nhiên thấy tấm áo mục lỗ chỗ ấy vẫn phơi trên sào ở sân sau. Cuối buổi, đang quét nhà, hắn bỗng đứng lù lù ở phía trước, tôi bèn cười bảo:
- Xê ra đi em.
Hắn lập tức lùi sang một bên, đồng thời nói vừa nhỏ vừa nhanh như sợ ai cướp lời:
- Áo tôi, là Yến vá lại giúp đúng không?
Tôi liếc hắn, thấy hắn đang nhìn mình, đôi mắt sâu như biển đêm. Tôi quay đầu đi, vô tư đáp:
- Có gì đâu, hôm nào tôi lười rửa cốc chén Nam lại giúp tôi.
Mọi khi cái Trinh, anh Phúc có quần áo sờn rách, tôi cũng hay máy tay sửa giúp, hắn mới đến nên không biết đó thôi.
Hắn chẳng nói, chỉ lẳng lặng gật đầu, lúc nào cũng thế.
Từ đó, khoảng cách giữa hai chúng tôi dường như được kéo lại gần hơn một chút. Có lần vô tình thấy hắn cầm tờ báo khách để quên, tranh thủ giờ nghỉ trưa đọc ngấu nghiến, sau đó cẩn thận cất ở dưới gối, tôi mới biết hắn cũng mê đọc. Về sau, mấy cuốn truyện thuê tôi sẽ cố xem nhanh hơn để cho hắn đọc ké. Hắn chưa bao giờ nói ra mình có bao nhiêu yêu quý chúng, nhưng hắn sẽ giữ sách ở nơi cao, sạch, kín đáo nhất trong phòng, không dám đọc lúc làm việc vì sợ chẳng may để dầu mỡ dính lên giấy, đọc xong còn viết cảm nhận vào sổ cá nhân và trả lại tôi đúng ngày đúng giờ, trang trọng như giao dịch một món hàng bạc triệu.
Mỗi lần thấy thế, tôi lại phì cười, vò cái đầu đinh mới cắt của hắn, trêu:
- Khiếp quá, ai không biết còn tưởng mình buôn vàng lá!
Hắn để mặc tôi lộng hành, cặm cụi đánh dấu ngày trả sách trong cuốn lịch cầm tay.
Quay đi quay lại, tôi thấy cái Trinh đang nhìn về phía này, miệng cười gian xảo, chợt nhận ra hành động của mình có phần gần gũi quá, bèn bỏ của chạy lấy người, đến nhặt rau cùng nó.
Trinh huých tay tôi:
- Người ta nhìn mình kìa.
Tôi cười, tay vẫn bứt rau đều:
- Mắt họ, cấm được à?
Quan hệ giữa chúng tôi ngày càng tốt lên. Hắn rộng lượng chẳng bao giờ phàn nàn chuyện hai con nhóc nhỏ hơn mình mấy tuổi mà cứ quen miệng xưng hô bằng vai phải lứa, còn vui vẻ tham gia vào những buổi tụ tập bí mật mỗi buổi chiều thứ bảy của chúng tôi. Ngày Tám tháng Ba, hắn bẽn lẽn đặt vào tay tôi và cái Trinh, mỗi đứa một bông cẩm chướng đỏ bọc trong giấy bóng kính, nhủ nhỉ:
- Ngày của Yến và Trinh, tôi có món quà nhỏ, hai bạn đừng chê nhé.
Hai bông hoa này chắc cũng cỡ một ngày lương của hắn rồi.
Cái Trinh cười ha hả, vỗ vai hắn:
- Cảm ơn Nam, nhưng lần sau Nam muốn tặng quà cho Yến thì cứ tặng thôi, Trinh chẳng để ý đâu. Chứ "dương Đông kích Tây" thế này mang tiếng Trinh lắm.
Hắn giấu tay sau lưng, không dám nhìn ai, lắp bắp nói còn xoong nồi chưa rửa rồi đi vội xuống bếp. Ở trên này, mọi người cùng cười, hùa vào trêu đùa tôi, tôi gàn mà không được, chỉ biết kéo tóc che đi vành tai nóng rực.
Tôi cũng cảm nhận được hắn đối xử với tôi có chút khác so với mọi người, nhưng đơn thuần cho rằng vì hắn quý con chữ, nên quý luôn cả người đem chúng đến với hắn, chứ chẳng nghĩ nhiều. Bị nói trắng ra như vậy, ngược lại khiến tôi không được tự nhiên, bất giác né tránh hắn.
Hắn không ngốc, lập tức cảm nhận được sự bất thường của tôi. Nhưng khác với tôi, hắn vẫn nên làm gì làm đấy, nên nói gì nói đấy, chưa từng vì tôi cố ý tạo khoảng cách mà thẹn quá hóa giận hay ủ dột buồn chán. Tôi cũng không phải người để bụng, toàn nói trước quên sau, nên được vài hôm chúng tôi lại trở về như trước kia, giúp đỡ lẫn nhau, trêu đùa vui vẻ, thỉnh thoảng còn bàn luận hăng say về những cuốn sách vừa đọc.
Nhìn hắn nắn nót viết từng con chữ lên trang sổ chỉ to bằng hai bao diêm, ghi lại một lời bình hay mà tôi ngẫu nhiên nói ra, tôi chợt thấy trong lòng có chút chua xót, xem ra chúng tôi đều đã hiểu lầm mất rồi. Hắn không giỏi biểu đạt bằng lời nên dùng hành động để thay thế, hắn không có nơi bấu víu nên dễ cảm động vì những cử chỉ tốt bụng nhỏ nhoi, hắn cô đơn nên khao khát được bày tỏ. Phải chăng tất cả đã tạo thành những xúc cảm phức tạp lại tinh vi trong đôi mắt hắn – thứ mà tất cả chúng tôi, bao gồm hắn, đều ngộ nhận là tình yêu?
Nhưng rồi một biến cố xảy ra đã khiến mọi chuyện thay đổi nghiêng trời lệch đất.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro