TRƯỞNG NAM HOẶC ÚT NAM THÌ PHẢI NUÔI BỐ MẸ
"Trưởng nam hoặc út nam thì bắt buộc phải ở cùng cha mẹ, phải nuôi cha mẹ."
Đây vốn là suy nghĩ của hầu hết mọi người dù là thời xưa hay là hiện tại. Rằng việc ở cùng và phụng dưỡng cha mẹ nhất định là việc của con trai trưởng hoặc là trai út.
Thời đại 2020 rồi, mà suy nghĩ này không những chỉ là của bậc cha chú, mà còn là của hầu hết thanh niên.
Bố mẹ nuôi nấng dù là 3 anh chị em, hay nuôi nấng 10 anh chị em trong nhà, nhưng miễn không phải là anh cả trong nhà, càng không phải là con trai út trong nhà thì có thể trút bỏ được gánh nặng: "Sau này lấy vợ không phải ở cùng bố mẹ, không cần phụng dưỡng cha mẹ già."
Khi quen bạn gái, gia đình bạn gái hỏi là con thứ mấy trong nhà, miễn không phải trưởng, không phải út thì đồng tình ủng hộ. Nếu là con trưởng hoặc con út thì ít nhiều sẽ có sự phản đối.
Tôi tự hỏi liệu phong tục và suy nghĩ định kiến đó từ đâu mà ra.
Cha mẹ nuôi con cái dù là có bao nhiêu đứa con, miếng ăn vẫn chia đều, tình thương luôn bao trùm tất cả. Nhưng các anh chị lớn được sinh ra trước, được ra đời trước, đi làm xa, lập nghiệp và lấy vợ, ổn định được chỗ ở. Tự cho mình cái quyền được độc lập và nhường quyền nuôi nấng cha mẹ cho đứa em út còn đang ở quê học.
Trước tới giờ, tôi không hề có quan niệm bố mẹ bắt buộc phải ở với ai, phải do ai phụng dưỡng. Mà là khi các anh chị em có gia đình riêng, bố mẹ thấy hợp và thích ở với ai thì lựa chọn. Song có câu: "bố mẹ có thể nuôi cùng 1 lúc 10 miệng ăn, nhưng 10 đứa con thì không thể cùng lúc nuôi bố mẹ". Bố mẹ cũng không được quyền lựa chọn. Vì không được quyền lựa chọn nên tuân theo suy nghĩ phong tục tập quán phong kiến từ xưa là sẽ ở cùng con trai trưởng, hoặc út nam. Vì là phong tục tập quán từ xưa nên sẽ không ai dám phá vỡ hoặc từ chối. Nếu từ chối sẽ trở thành người con bất hiếu, ruồng bỏ cha mẹ.
Có thể tôi là con gái trong một gia đình có anh trai và em trai, nên ít nhiều cũng bị tư tưởng cổ xưa kia thấm nhuần nên trước giờ cũng không hề có suy nghĩ mình phải ở cùng cha mẹ.
Nhưng việc cha mẹ ở với ai đi chăng nữa, gia đình 4 anh chị em chúng tôi cũng phải ngồi lại. Để bố mẹ lựa chọn. Và những người còn lại hàng tháng phải cho bố mẹ tiền sinh hoạt, để bố mẹ có tiền để dành những lúc ốm đau cần thuốc thang, hoặc cần mua đồ gì muốn mua.
Bố mẹ tôi đương nhiên thích ở quê, lại quen với cuộc sống thường ngày ở nơi quen thuộc nên chọn ở cùng anh trai tại căn nhà hiện tại. Tôi cũng nói rõ quan điệm của mình với bố mẹ và anh chị em trong nhà.
"Bây giờ anh chị em đều có gia đình riêng, cũng có nhà cửa riêng. Bố mẹ thích ở đâu với ai cũng đều được. Ví dụ bố mẹ ở với anh chị hai, nhưng có lúc muốn ở cùng với chị gái một tháng vẫn có thể đến ở cùng, muốn vào ở cùng con vài tuần thì cũng có thể đến. Miễn sao bố mẹ thấy thoải mái, vui vẻ khi ở cùng là được rồi"
Anh chị em chúng tôi cũng đều thống nhất, và bố mẹ cũng đều đồng tình. Để không phải để anh trai cảm thấy trọng trách phải lo cho bố mẹ hết thẩy, hoặc những đứa con còn lại thì lại cảm thấy giờ đây bố mẹ không phải là trách nhiệm của mình nữa mà được phép rũ bỏ bố mẹ.
Nếu với suy nghĩ bố mẹ phải ở cùng anh trai trưởng, hoặc em trai út, vậy thì những gia đình đều sinh con gái, chắc về già bố mẹ tự nuôi thân, không ai phụng dưỡng cũng sẽ không bị người đời bảo là bất hiếu sao?
Mà kể cả bố mẹ lựa chọn ở với trai trưởng, hay con út, thì những anh chị em còn lại cũng không thể tự nghĩ mình không liên quan gì đến việc phụng dưỡng cha mẹ. Có thể người đời không lên án bạn, bạn cũng không cảm thấy ấy náy nhưng về góc nhìn bao quát hơn, phụng dưỡng bố mẹ là trách nhiệm chung của tất cả anh chị em.
Việc bố mẹ lựa chọn sống cùng ai thì tất cả cùng đều có trách nhiệm lo cho cha mẹ.
Tôi thấy rất nhiều cảnh cha mẹ ở cùng với con trai út. Gia đình sống chủ yếu bằng nghê trồng trọt, lời không bao nhiêu 1 vụ mà lỗ thì hàng tháng đều đều. Vợ chồng làm công việc nhà nước, lương giáo viên được ba cọc ba đồng. Phải lo cho cha mẹ từ đầu đến cuối, từ tiền sinh hoạt, ăn uống, tiền bố mẹ đi ăn cưới trả lễ, tiền đóng bảo hiểm, đủ loại tiền. Người vợ cũng cố gắng lo chu toàn cho cha mẹ chồng, nhưng thật sự bế tắt vì làm mãi cũng không có dư, không thể nghĩ đến chuyện sinh con. Bảo hiểm một năm tham giao mười mấy triệu vợ chồng phải bán vàng cưới để đóng. Người chồng lại luôn mang suy nghĩ bố mẹ ở cùng thì mình phải lo cho bố mẹ hết thảy mọi thứ. Không nghĩ đến việc bàn bạc trao đổi lại với các anh các chị. Các anh chị cũng ít khi nghĩ đến việc gửi tiền hàng tháng cho bố mẹ vì đã có em út lo mọi thứ. Cũng ít khi lo lắng về việc bố mẹ già cả khi ốm đau sẽ thế nào. Thi thoảng một năm hai lần ngày lễ tết về thì cho bố mẹ một ít tiền bọc túi như khách phương xa đến thăm. Vợ của người em út là con trong gia đình chỉ có 3 chị em gái. Các chị em đi lấy chồng cả hiện giờ chỉ có bố mẹ tự lo cho nhau. Lại về sống trong một gia đình mà bản thân phải lo chu toàn mọi thứ cho bố mẹ chồng. Ngẫm nghĩ tới bố mẹ mình chưa từng ăn bữa cơm nào mình nấu mà ứa nước mắt.
Lối suy nghĩ và tư tưởng cổ hủ là thứ đáng sợ nhất, vì luôn nghĩ trong đầu đều đó là bất di bất dịch không thể nào thay đổi. Song tư duy và quan niệm của con người là thử dễ trao dồi và cải tiến nếu con người muốn cải thiện. Đừng xem bố mẹ chung của nhau chỉ là bố mẹ của một ai đó, để gánh lấy hết toàn bộ trách nhiệm hoặc đùng đẩy toàn bộ nghĩa vụ.
Gia đình chồng tôi có đông anh em, 3 anh trai lớn một chị gái, còn chồng tôi là con trai út. Các anh chị đã lớn tuổi, có gia đình riêng và người thì mua nhà sài gòn, người thì mua nhà khác tỉnh. Đất đai không thiếu, tiền tài mở rộng. Nên các anh chị em đều không nghĩ đến việc trở về quê, và vì còn có chồng tôi là con trai út nên trước khi chồng tôi lập gia đình các anh chị đã thẳng thắng nêu rõ quan niệm rằng bố mẹ do chồng tôi chăm sóc.
Rằng: - Các anh ai cũng có nhà cửa công việc ổn định rồi. Giờ chỉ còn mỗi em ở gần xem thu xếp về gần nhà làm để lo cho bố mẹ
- Tất cả đều có tài sản riêng rồi, giờ đất đai của bố mẹ do em quản và phụng dưỡng cha mẹ
- Nhà này không cần em dâu nào không cao học xa, làm cao trọng vọng, chỉ cần biết chăm lo cho gia đình, lo cho bố mẹ là được rồi.
Lúc tôi quen chồng tôi nghe anh kể cũng có đôi chút khó hiểu. Lấy đâu ra luận điểm chưa gì đã quy tất cả trách nhiệm lên đầu một người. Còn thay chồng tôi lựa chọn người vợ phù hợp với gia đình. Trong khi người vợ mà các anh lựa chọn là người hiện đại, ra đời kiếm tiền, có chức có quyền, không cần lo phụng dưỡng ai, thậm chí còn không cần làm việc nhà.
Hơn nữa chồng tôi đã làm công việc ở Tỉnh khác hơn 7 năm. Công việc cũng được xem là ổn định chứ không phải lông bông, lương và phúc lợi cũng được gọi là khá. Tôi lại làm việc ở cùng tỉnh với chồng. Công việc khá tốt, lương thu nhập ổn lại có khả năng tiến xa, phát triển cao. Nếu có lập gia đình vợ chồng tôi cũng phải ở lại đây để phát triển. Không thể bỏ công việc về quê chăm ruộng vườn và sống cùng bố mẹ.
Đương nhiên, tôi cũng không phải người theo tư tưởng phải sống riêng. Nhưng ít nhất trong vòng 5 năm mới kết hôn, tôi muốn có không gian riêng cho vợ chồng son. Sau đó, khi đã có nhà có cửa, chúng tôi có thể đón bố mẹ sang ở cùng. Chồng tôi cũng có trao đổi về việc ai phụng dưỡng cha mẹ chồng, nên tôi ít nhiều cũng có tâm lý sẽ cùng chồng mình phụng dưỡng tốt cho cha mẹ.
Nhưng phải có sự lựa chọn. Hoặc là vợ chồng tôi lựa chọn từ bỏ nơi đây, hai là bố mẹ lựa chọn từ bỏ quê để theo chúng tôi. Về phần này tôi tuyệt đối khó nhân nhượng. Không thể từ bỏ công việc để trở về quê. Nên tôi và chồng thống nhất sẽ nói chuyện với bố mẹ về việc bán lại ruộng vườn hoặc cho thuê để an tâm về sống cùng với vợ chồng tôi. Nhưng tôi nghĩ việc này cũng khá quan trọng, mong muốn tất cả anh chị em họp tụ lại để trao đổi cũng như khuyên nhủ bố mẹ. Vì ở quê xa xôi, các anh chị về thăm cũng không được bao lần vì bất tiện đi lại. Nếu dọn lên chỗ vợ chồng tôi thì sẽ tiện đường thăm nom cho con cháu, cũng như gần các bệnh viện lớn, hay trường học.
Nhưng đó là ý của vợ chồng tôi thôi. Chưa chính thức tập tụ mọi người lại thì nghe các anh bảo: Đó là việc của vợ chồng nó, để vợ chồng nó tự nói với bố mẹ.
Tôi khá bất ngờ trước câu nói này của các anh. Lẽ nào các anh từ lâu đã có suy nghĩ việc của bố mẹ vốn không phải là việc của các anh nữa. Bố mẹ phải là do con trai út lo lắng, chăm nom và quyết định mọi thứ?
Các anh mang suy nghĩ ấy trong đầu để hàng ngày thoải mái nghĩ đến con đường phát triển của bản thân, của gia đình riêng của các anh. Bỏ mặc mọi thứ khác liên quan đến bố mẹ cho gia đình đứa em út lo lắng. Nhưng các anh cũng không sợ bị mang tiếng là bất hiếu, vì nghĩa vụ đã được đẩy hết cho người em út-một việc mà mọi người cho là đương nhiên.
Xưa nay tôi là người vốn tự lập, tự kiếm tiền nuôi thân, cũng như tích góp cho đến lúc có tài sản. Tôi chưa từng mong chờ hưởng tài sản từ bố mẹ ruột hay bố mẹ chồng. Nên tôi rất ghét những suy nghĩ hay câu nói: "Ở với bố mẹ được bố mẹ cho nhà cửa đất đai, không phải lo nghỉ việc kiếm tiền mua đất xây nhà là sướng rồi chứ than gì nữa."
Vợ chồng tôi tình nguyện nuôi dưỡng bố mẹ tại nhà của chúng tôi kiếm được. Về đất đai tài sản của bố mẹ, bố mẹ có quyền bán, tặng, hoặc cho bất kỳ ai chúng tôi cũng không màng đến.
Việc chấp nhận phụng dưỡng cha mẹ chồng không phải ép buộc bất cứ ai cũng giống như tôi. Mà là ở hoàn cảnh của tôi việc phụng dưỡng bố mẹ là việc tôi có khả năng làm. Vì mẹ chồng tôi khá hiền lành. Vì bố chồng tôi tuổi đã khá cao, người lại không được khỏe. Bố mẹ có ở cùng chúng tôi nhiều lắm cũng chỉ 10 năm hay 15 năm nữa. Với vợ chồng chúng tôi cũng đã nghĩ trong đầu xây nhà 2 tầng. Tầng trệt sẽ do bố mẹ quản, tầng 2 là không gian riêng của vợ chồng tôi. Ăn cơm có bố mẹ nói chuyện cùng nhau cũng hay hơn những buổi chỉ có 2 vợ chồng mệt mỏi ăn cơm bờ cơm bụi.
Hơn nữa vợ chồng tôi có thu nhập ổn định, đủ khả năng lo cho bố và mẹ đầy đủ.
Những hoàn cảnh khác tôi thật không dám nghĩ đến khi rơi vào thế tương tự. Vì suy nghĩ của số đông hầu như để cho người ở cùng bố mẹ lo hết mọi thứ. Những người con khác của bố mẹ bớt đi nhiều về cái gọi là trách nhiệm. Thậm chí có trường hợp khác các anh chị quay lại trách cứ người ở cùng bố mẹ vì không lo được chu toàn.
Thậm chí hai thế hệ ở cùng nhau có thể phát sinh nhiều bất đồng. Không tránh khỏi tranh cải, có bố mẹ thương con thì bỏ qua, có bố mẹ khó tính thì lấy đó làm thù hằn. Bếu xấu con trai và con dâu không đối xử tốt, tìm kiếm sự đồng tình từ các người con khác.
Giống như mẹ tôi, xưa giờ không có được sự quan tâm yêu thương từ bà nội. Những gì mẹ tôi cho bà thì đều là thừa thải, những thứ mà các cô cá chú, hay thím khác cho thì được bà biết ơn. Thậm chí mẹ tôi còn bị em gái của ba tôi mắng chửi là đối xử tệ bạc với bà Nội. Mỗi lần bà ốm thì bảo do chính mẹ tôi hành hạ. Nhưng chúng tôi là con cháu, cũng đã lớn trưởng thành, có mắt và có tai. Có cảm nhận đâu là việc đúng sai. Hàng xóm sát bên còn biết mẹ tôi chăm lo cho bà như thế nào. Nhưng mãi bà tôi không có cảm tình với mẹ tôi. Bà thương các cô nhiều hơn, thương các chú khác nhiều hơn thương ba tôi. Nhưng ba tôi là con trưởng nên bà về sống cùng từ khi tôi lên lớp 9. Song sống mãi nhưng cũng không lấy được tình cảm của bà. Bởi vì bà là ngươi khó tính, lại luôn hướng về nơi khác. Lúc còn nhỏ tôi cũng từng hỏi ba rằng: Tại sao bà nội không thích nhà mình mà vẫn sống ở đây? Bà nội thích cô út hơn sao không sống cùng cô út?
Khi ấy tôi cũng chỉ nghe ba trả lời vì ba là con trai trưởng nên bà phải ở với ba, rằng ba phải thờ phụng tổ tiên. Nhưng khi ấy tôi nghĩ trong lòng, nếu tôi là bà nội, tôi thích cô út tới như vậy tôi sẽ lựa chọn ở cùng cô út, hoặc không thì ở cùng chú thứ năm. Bởi dù sao bà vẫn tỏ vẻ có tình cảm với chú thứ năm hơn.
Sau khi Ba tôi mất, mẹ tôi cũng mất đi chỗ dựa tinh thần. Những tủi nhục chịu đựng vì sự bất bình mà bà nội và các cô gây ra, khiến mẹ tôi không còn dùng cảm để giữ lấy mối quan hệ đó nữa. Sau khi ba tôi mất, bà nội tỏ ý muốn rời khỏi nhà tôi, mẹ tôi cũng không muốn giữ. Vì xưa giờ nhờ có ba mà mối quan hệ giữa hai người mới được hòa hợp. Lúc này Bà mới sang nhà chú thứ 5 ở. Tưởng đâu được đúng ý của bà mà sống hạnh phúc, thì đâu được chừng 3 tháng, bà tôi tính khó không ai chịu được. Thím của tôi nói thẳng với bà rằng chỉ ở tạm thì được, còn nếu bà xác định ở luôn thì không được. Chú của tôi cũng không cản, đồng tình để bà đi. Nhưng bà là người quyết rời bỏ gia đình tôi sau hơn 20 năm chung sống, giờ quay về cũng không được. Bà phải vào nhà con gái út ở. Nghe đâu một thời gian bị dượng nói ra vào, nhưng cũng không có chỗ nào khác để đi. Cô thứ 6 từng mắng chửi mẹ tôi ngược đãi Bà cũng không thấy rước bà về ở, cũng không can ngăn lúc thím thứ 5 bảo bà dọn đi.
Căn bản mẹ tôi hiền lành chịu đựng vì Ba tôi mà nhịn cho gia đình êm thấm. Chứ nếu là tôi, bị em của chồng chửi mắng ngược đãi mẹ chồng, thì tôi cũng sẽ đấu lại ngay lập tức.
Bởi vậy, thuận theo hoàn cảnh, thuận theo điều kiện mà quyết định việc có phụng dưỡng bố mẹ lúc về già. Con cái phải luôn luôn mang trong mình trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ dù cha mẹ có ở cùng với ai. Phải xem đó là việc chung mà cùng gánh vác, không xem đó là việc của một người, nếu người đó làm không tốt thì quay sang quở trách, còn bản thân thì như vị khách qua đường thi thoảng ghé thăm cho quà. Bố mẹ cũng phải có suy nghĩ thoáng, không ép buộc con cái, lựa chọn con đường nào dễ dàng cho cả hai thế hệ để cùng tiến về phía trước. Bố mẹ không phải là bố mẹ của riêng ai cả. Cho tới khi bố mẹ rời bỏ cỏi đời này, bố mẹ đều là bố mẹ của chúng ta, chúng ta đều có trách nhiệm chung trong tất cả mọi việc liên quan đến việc bố mẹ ở với ai, ai chăm lo, và ai phụng dưỡng. Nếu bạn đẩy trách nhiệm sang cho con trai trưởng, hay con trai út để cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng trong mỗi bước đi về sau, vậy thì hãy nghĩ đến một ngày bạn không có con trai, hoặc không có bất cứ người con nào chấp nhận phụng dưỡng... Chúng ta nên thay đổi tư duy, thay đổi quan niệm để đời sau có sự suy nghĩ thông thoáng hơn. Trách nhiệm nếu như cùng nhau san sẻ chẳng phải sẽ nhẹ nhàng hơn sao?
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro