4/10/1912: 10:53pm
Tôi đã tắm xong và thay đồ ngủ từ lâu. Lão tình nhân thì vẫn còn chưa chịu về phòng, hẳn còn đang mải mê với những câu chuyện chính trị và kinh tế trong phòng hút thuốc với các quý ngài đạo mạo khác trên tàu. Thế nên bây giờ tôi sẽ tranh thủ ghi lại một vài diễn biến chính trong những giờ đồng hồ vừa qua trước khi lên giường ngủ.
Chiều nay lão kia dậy vừa kịp lúc để giúp tôi chọn một bộ tunic màu tía và một chiếc áo bông khoác ngoài mặc cho cho bữa tiệc tối diễn ra trên boong A. Chiếc tunic kia ôm lấy cơ thể tôi hoàn hảo, thoải mái, và vẫn phô diễn được những chỗ da thịt duyên dáng nhất mà tôi muốn những kẻ khác phải ngẩn ngơ ngắm nhìn mỗi khi tôi sải bước đi qua. Mong muốn ấy của tôi đã được hiện thực hoá. Kiêu hãnh ngước cao đầu và hờ hững nhìn đời chỉ bằng nửa con mắt, tôi khoác tay người tình của mình bước dọc các hành lang đầy rẫy các nhân vật tầm cỡ, sang trọng. Thỉnh thoảng, lão tình nhân của tôi sẽ dừng lại đôi lát để bắt chuyện với vài gương mặt lạ lẫm mà tôi chẳng biết trước hoặc chẳng nhớ tên, cho tới khi lão giới thiệu với tôi. Kia thì là ông J. Bruce Ismay, giám đốc quản lý của hãng tàu White Star Line, chủ nhân của Titanic, và cũng là bạn đồng nghiệp của Thomas Andrews - kỹ sư đóng tàu tôi đã gặp trong chuyến tham quan boong tàu lúc trưa. Đây thì là John Jacob Astor đệ tứ, nhà triệu phú giàu có nhất trên tàu, đi cùng với người vợ bầu bì Madeleine của hắn ta. Chúng tôi còn được gặp những nhà thiết kế thời trang đến từ gia đình Duff Gordon, bắt tay với bà Margaret "Molly" Brown - một nhà thiện nguyện có tiếng, nâng ly với nữ diễn viên kịch câm Dorothy Gibson cùng những vị đạo diễn đến từ sân khấu Broadway...và còn tiếp tục giáp mặt với rất nhiều người nổi tiếng khác.
Khoang hạng nhất của tàu Titanic trông cứ như là một xã hội thượng lưu thu nhỏ với đầy đủ tất cả mọi kiểu người giàu có ở đất Anh lúc bấy giờ. Chúng tôi đã phải tốn rất nhiều thời gian thì mới thăm hỏi được hết tất cả mọi người. Không, nói đúng hơn là gần hết tất cả mọi người.
Hơn bảy giờ tối thì chúng tôi bước vào nhà hàng. Khi yên vị bên bàn ăn thì tôi đánh mắt một vòng quanh gian phòng sang trọng và bắt gặp gia đình của Ái Phương, ngồi ngay đối diện, cách chỉ hai, ba bàn, hình như vậy. Lúc ấy, tôi nhớ ra, rồi xoay sang lão tình nhân hỏi rằng vì sao chúng tôi lại không đến chào gia đình nọ. Lão buông dao và nĩa, vẻ nghĩ ngợi như thể vừa phải dạo một vòng trong trí nhớ già cỗi của mình trước khi nói: "Ta cũng không nhớ rõ lắm, nhưng những người ấy có lẽ chỉ là những thương nhân đến từ Ireland, không quá quan trọng để để ý. Cũng quen mặt đấy, nhưng ta chẳng nhớ nổi cái họ của những người đó.".
Tôi ậm ừ, chẳng hài lòng mấy với câu trả lời của lão vì chúng có quá ít thông tin. Tôi đã mong sẽ được biết nhiều điều hơn về nàng, hoặc, gia đình nàng. Nhưng tôi hơi ngại hỏi. Chúng tôi mới chỉ gặp nhau lần đầu.
Vừa ăn, tôi vừa dán mắt về phía cái bàn của gia đình ấy. Tôi đã lơ đãng trôi tuột ra khỏi chính cuộc trò chuyện của bàn mình. Song, lão tình nhân vẫn nhiệt tình huyên thuyên với những vị khách ngồi xung quanh thay cho tôi, và vả chăng, những người đang sôi nổi cùng với lão - những người đàn ông ấy, sẽ chẳng bận tâm nếu như không được một người đàn bà phản hồi hay để ý đến đâu. Với họ, chỉ có ý kiến và sự thừa nhận của những người đồng giới mới đáng coi trọng. Đàn bà chỉ việc lắng nghe. Chưa kể, tôi còn là một người đàn bà chẳng quan trọng. Tầm mười năm trước thì có thể quan trọng đấy, lúc tôi vẫn còn đương ở đỉnh cao của sự nghiệp. Nhưng bây giờ thì tôi chẳng là ai, chẳng có gì; tàn dư của cái kiếp cầm ca chỉ còn một chất giọng trầm đục chán ngán chẳng còn đủ hơi sức để hoàn thành hai, ba bài hát đơn giản. Giờ, tôi chỉ là tình nhân của một lão nhà giàu tình duyên vốn lận đận. Tôi thương cho lão và lão thương cho tôi. Thế nên chúng tôi bên nhau, nhẹ nhàng và dễ chịu, cũng không mấy quyến luyến, hay ràng buộc, hay xốc nổi như những cặp đôi trẻ tuổi. Thế nên lão chẳng ý kiến gì khi tôi xin phép lão rời bàn giữa bữa, vì tôi đã thấy gia đình Phương đứng lên, chuẩn bị ra khỏi nhà hàng.
Chợt, đôi mắt lấp lánh của nàng tìm thấy tôi ngay lúc ấy, ngay khi tôi vừa thì thầm vài lời với lão tình nhân và trước khi tôi bước hẳn ra khỏi bàn mình. Tôi giật mình vì cái nhìn của nàng sâu thẳm, xoáy vào trong tâm trí của mình. Nàng xoay sang nói điều gì đó với cha mẹ, và để họ rời đi trước, trong khi nàng vẫn đứng y nguyên ngay ở bàn mình, đợi tôi. Khi tôi đến thì ánh mắt nàng đã trở về hồn nhiên sáng trong như chính bản thể nàng.
"Xin chào," Nàng cười nhạt, rồi liếc nhìn qua vai tôi. "Đó có phải là chồng của Hương không?".
Tôi bình thản lắc đầu.
"Chúng ta nên kiếm chỗ khác nói chuyện." Tôi bảo, và ra dấu cho nàng đi cùng mình lên trên boong tàu. Trên ấy thì vắng vẻ hơn trong nhà hàng, và ở nơi vắng vẻ, ta thường sẽ có cảm giác ít bị soi mói hay theo dõi hơn.
Tôi với nàng ngồi ở đằng mũi tàu. Biển đêm thì yên lặng, còn gió đêm thì rít lên rất khẽ, rất xa xăm, dẫu cuối tiết xuân, trời vẫn còn rét. Nàng kéo khăn choàng qua vai và thoải mái ngả người về sau. Tấm váy của nàng rũ dài xuống trên sàn loang loáng như một vệt nước màu. Tối nay nàng bị buộc phải trở về với vẻ đẹp quy củ như một quý cô, chứ không thể tinh nghịch và tự do như hồi trưa, khi nàng chạy nhảy trên boong tàu cùng với tôi và Thomas. Nhưng chung quy lại, nàng vẫn đẹp như những ấn tượng đầu tiên của tôi về nàng cách đây mới chỉ mấy tiếng trước.
"Sao Hương nhìn em kĩ thế? Trên mặt em dính gì à?"
"Nào có. Tôi chỉ đang thấy lạ thôi...Tối nay những người hầu không theo đuổi em nữa hả?" Tôi xoay sang nhìn nàng, khéo léo viện cớ một cách khôi hài (theo tôi thấy là vậy).
"Em phải năn nỉ mãi thì cha mẹ mới đồng ý để em đi một mình đấy." Nàng phụng phịu.
"Một mình đâu? Em ở cùng với tôi cơ mà."
"Ừ thì đúng là thế."
"Vậy," Tôi hơi nghiêng người về phía nàng, vai chúng tôi chạm vào nhau, "cha mẹ em nghĩ có thể tin tưởng để cho tôi trông coi con gái họ à?".
Ái Phương ngừng một lát, ậm ừ, rồi giải thích thêm: "Không hẳn...Cha mẹ em bảo họ có biết quý ông đi cùng với Hương, và bảo rằng nếu là người quen của ông ấy thì hẳn cũng là người tốt. Nhưng mà ông ta không phải chồng Hương, vậy thì là ai? Trông hai người không giống họ hàng cho lắm, và...có vẻ hơi thân mật."
Nghe nàng chia sẻ thật lòng và ngây ngô như thế, tôi cũng chỉ biết cười trừ. Nàng toàn biết chọn những câu riêng tư nhất để hỏi, những câu mà người ta chẳng bao giờ buồn thắc mắc trong những cuộc nói chuyện xã giao qua loa. Song, có lẽ Ái Phương không xem việc nói chuyện với tôi là phép tắc xã giao, thế nên nàng mới dám hỏi như vậy. Tôi nên mừng mới phải, vì có một người bạn thật thà.
"Chúng tôi là tình nhân."
"Ồ." Nàng thốt lên, rất ngạc nhiên. "Có phải hai người sắp cưới không?".
"Không, chúng tôi không có ý định đó."
Nàng lại thảng thốt thêm lần nữa. Cũng dễ hiểu thôi mà. Đây là thời đại của những kẻ mộng mơ. Ai cũng tin tưởng vào những cuộc hôn nhân lâu dài và những cam kết hạnh phúc, còn những cuộc tình mơ hồ như tôi và lão kia thì thường bị làm lơ, tệ hơn là dè bỉu. Bảo sao ra đường lão cứ luôn phải giới thiệu tên tôi đi kèm với cái họ của lão, như thể chúng tôi đã cưới nhau được cả đời người. Nhưng kẻ ái ngại luôn chỉ có mình lão, còn tôi thì không. Tôi ưng nói sự thực.
Có lẽ ngượng ngùng và xa lạ với câu chuyện do chính mình khơi mào, Ái Phương vội xoay sang một chủ đề khác, mà thực ra, cũng không cách xa chủ đề cũ là bao.
"Thế...thế hai người làm gì nhỉ? Cha mẹ chỉ nhắc tên người đàn ông kia, họ không giới thiệu với em thêm điều gì."
"Tôi cũng không rõ lắm. Hình như lão tình nhân của tôi nổi tiếng cũng vì hay đi thiện nguyện ấy, giống như bà Molly. Margaret Molly Brown, hẳn em cũng biết bà ấy?" Tôi thờ ơ đáp. Thực ra tôi thấy mình cũng chẳng có mấy chuyện thú vị để kể về lão tình nhân. Dù sao thì tôi cũng mới chỉ quen lão được có dăm ba tháng, và đó là dăm ba tháng tôi đến với lão vì tiền và một chút ít tình, còn tiếng tăm hay quá khứ thì tôi chẳng quan tâm.
"À vâng, cha mẹ em có quen."
"Ừ, thì bà ta cũng hay làm từ thiện cùng với lão kia nữa, rõ ràng họ đều là những kẻ có tiền."
Trước khi tôi bắt đầu sa đà vào kể lể về những con người hào hoa ấy thêm nữa, thì Ái Phương bỗng ngăn tôi lại, bằng một câu hỏi mới.
"Thế còn Hương?"
"Tôi thì sao?"
"Hương thì làm cái gì ấy."
Trông nàng có vẻ hơi thất vọng vì tôi đã lơ đãng quên mất mạch trò chuyện, nhưng biết làm sao bây giờ. Nàng thất vọng là đáng. Tâm trí tôi chẳng trẻ trung như nàng, giản đơn như nàng, và có nhiều thứ đè nặng lên nó lắm. Mà tôi chẳng tiện kể ra.
"À," Tôi nói bằng giọng giả vờ áy náy, "Tôi từng là ca sĩ."
"Từng là?" Nàng hỏi lại. Thấy tôi gật đầu xác nhận, nàng tò mò: "Vậy là bây giờ Hương không hát nữa à? Vì sao thế?".
"Tôi hỏng giọng vì một cơn bệnh."
Nàng ậm ừ, vẻ cảm thông và dường như không muốn đào sâu thêm chuyện quá khứ tôi đau buồn nữa.
Với một ca sĩ mà nói thì giọng hát chính là linh hồn, sân khấu là thánh đường, lời ca là lời nguyện. Ngày tôi đánh mất linh hồn mình thì chẳng còn thánh đường nào mở cửa đón tôi vào nữa. Buồn thì buồn thật đấy, tiếc nuối thì cũng vô vàn, nhưng chuyện thành ra như ngày hôm nay...cũng là do tôi. Giá mà ngày xưa tôi tự biết lượng sức mình mà hát hò có chừng mực một tí thì dăm ba đợt viêm thanh quản đâu có quật ngã được tôi? Song, khi ấy thì tôi quá trẻ, quá háo thắng, quá tham vọng, đến độ chưa từng có một chủ nhà hát hay bầu show nào ở London tới mời mọc mà tôi nỡ từ chối. Thế là một ngày kia, tôi thức dậy, muốn luyện thanh, và thấy giọng hát mình đã không còn. Lúc đó áng chừng mới là những ngày đầu tiên của tuổi ba mươi hai. Bối rối và cũng vội vã, tôi tự biết thân biến phận mà rời khỏi ánh hào quang đã tự mình tạo ra.
Suýt nữa thì tôi tự bật cười vì nhớ lại cái hồi mà cả London lao đao vì sự biến mất đột ngột của mình. Vụ ấy hẳn cũng phải tốn hàng đống giấy mực của bên báo chí. Nhưng tới giờ thì yên ổn rồi. Mấy năm trở lại đây, vì không ca hát nữa, nên tôi chỉ sống lay lắt, nhạt nhẽo, và rất dè chừng nhờ mớ tài sản còn sót lại từ sự nghiệp đã lụi tàn. Rồi tôi bắt đầu có thú vẽ vời và làm thơ; cái thú ấy hóa ra thu hút các quý ông rất tợn, và biến tôi trở thành tình nhân của một vài người giàu có, trước khi cuối cùng thì tôi ở bên lão tình nhân bây giờ. Điều thú vị là may mắn chưa bao giờ rời bỏ tôi, dù cho số phận đã chơi tôi một vài vố đau điếng.
"Tiếc thật đấy."
Tôi lại nghe thấy giọng nàng vang lên. Nàng mím môi, trông hơi ủ rũ. Tôi tự hỏi có phải là vì nãy giờ tôi bận thờ ơ suy tư mà quên mất việc nên tiếp chuyện với nàng.
"Giá mà Hương còn hát được." Nàng nói thêm, và chưa dừng lại, "Em cũng thích hát lắm đấy! Hồi nhỏ, em còn mơ lớn lên làm ca sĩ; cha mẹ còn mời thầy dạy hát về cho em nữa!".
"Thế à! Thế bây giờ thì đã thành ca sĩ chưa?"
Ái Phương bình tĩnh lắc đầu.
"Em không thể hát hay bằng các danh ca ở London, nên em đành thôi."
"Sao lại như thế?" Tôi xoay hẳn người về phía nàng, rồi đằng hắng, "Hay là em hát cho tôi nghe thử xem."
"Được thôi. Nhưng nếu Hương có nhận xét, thì hãy nhận xét thật lòng nhé!"
Nàng che miệng khúc khích, rồi, hít một hơi thật sâu, nàng cất tiếng ca:
Oh! Say! Let us fly, dear
Where, kid? To the sky, dear
Oh you flying machine
Jump in, Miss Josephine
Ship ahoy! Oh joy, what a feeling
Tới đây, bỗng dưng nàng ngập ngừng, ánh nhìn láo liên và đôi môi cứ mấp máy câu hát cuối cùng mãi. Có vẻ là nàng quên lời. Còn tôi thì muốn giúp một chút.
"Where, boy? In the ceiling..." Tôi mở lời.
Mắt nàng sáng lên, và vui vẻ, nàng lặp lại câu hát của tôi.
"Ho, High, Hoopla we fly. To the sky so high." Nàng hát tiếp.
"Đúng rồi."
Come Josephine in my flying machine
Going up she goes! Up she goes!
Tự nhiên chúng tôi hát cùng nhau. Giọng nàng thì cao vút, lảnh lót như một con chim chiện ríu rít trong những buổi sớm đầu ngày. Giọng tôi thì nhỏ xíu, trầm khàn, không thể theo kịp những nốt thanh trong của nàng. Tôi chỉ bè cho nàng hát một tí thôi. Song, trong lòng tôi chợt phớt qua một cảm giác hoài niệm rất nhẹ nhàng. Tôi để yên cho cái hoài niệm ấy lan ra làm ấm thân thể mình; và tôi thấy hạnh phúc khi nhận ra rằng mình vẫn còn thích được hát. Có nhiều danh ca tôi quen, hoặc, đã từng quen, trở nên rất tuyệt vọng và thậm chí là điên dại khi nhận ra mình đã hết thời. Rất nhiều trong số đó chọn tự kết liễu lấy giọng ca và cả cuộc đời mình, số còn lại thì sống lay lắt những năm cuối đời mơ màng, quẫn trí. Thật may là tôi đã không đâm đầu vào những con đường ấy.
"Come Josephine, In My Flying Machine", đấy là tên của những giai điệu nàng vừa ca vang. Một bài hát của James Horner, vừa được ra mắt hồi hai năm trước, lém lỉnh và đáng yêu như một bài đồng dao cho trẻ nhỏ. Song, tôi thật thà cho rằng bài hát rất hợp với nàng, và nói thêm rằng không biết những người khác nghĩ sao, nhưng với riêng tôi thì giọng ca của nàng hoàn hảo. Không phải nàng đặc biệt vì kỹ thuật hay khả năng cảm âm, tôi không tôn sùng những chi tiết ấy quá mức. Với tôi thì điều quan trọng nhất là cảm xúc. Giọng ca của nàng thì là một giọng ca có hồn. Một cái hồn tươi trẻ và tràn trề đam mê. Sức sống căng đầy trong từng nốt nhạc nàng đã rót vào tai tôi, trong cái đôi mắt lấp lánh, trên môi cười mỉm chi, và là những vệt đỏ hồng nhảy nhót trên gò má nàng tuyệt đẹp trong những giây phút nàng thấy tôi cùng nàng hòa giọng.
Nàng đã là một người trình diễn xuất sắc! Và khiến tôi suýt tí nữa thì nhảy dựng lên reo hò vì đã tìm được một tâm hồn quá đỗi đồng điệu đêm nay.
Giá mà bây giờ trẻ lại, tôi sẽ mời nàng đến hát cùng mình trên những sân khấu lớn nhất ở London. Giá mà bây giờ còn giàu có xa xỉ, tôi sẽ chẳng tiếc gì khi vung tiền cho đám nhà báo viết bài ca ngợi nàng lên tận mây xanh. Giá mà không phải ở lại với lão tình nhân kia vì số phận đẩy đưa, tôi muốn trở thành bạn thân nhất với nàng, tôi sẽ theo nàng đi đến cùng trời cuối đất và chúng tôi sẽ hát vang những giai điệu tuyệt vời cho đến muôn đời về sau. Ôi, giá mà...Giá mà...
Những gì tôi có thể làm được bây giờ chỉ là lắng nghe khi nàng tiếp tục hát. Rồi, bởi vì nàng cũng thích thú và mong muốn, thỉnh thoảng, tôi sẽ chêm vào, hát cùng nàng đôi ba câu. Nàng cong môi cười thỏa mãn. Nụ cười yểu điệu như vầng trăng khuyết. Tôi nghĩ là mình cũng đã cười theo, ngớ ngẩn như một người điên, chẳng bận tâm đến tác phong nữa mà ngồi co gối lại, gác đầu lên tay, lắc lư theo những bài nhạc nàng hát. Ấy là một cảm giác thần kỳ. Tôi thấy như mình được trở lại với những thánh đường - những nhà hát, nhưng thay vì là một ca sĩ, tôi đang đóng vai một vị khách ngồi nghe nhạc, lần đầu tiên trong đời.
Sau cùng thì chúng tôi vẫn phải tạm biệt nhau. Ái Phương rời đi khi người nhà nàng tìm tới. Nàng nuối tiếc chào tôi và tôi cũng nhún vai chào lại, chào cả cha mẹ nàng. Họ đã lớn tuổi, tóc bạc nửa đầu, và trông phúc hậu. Tôi ở lại trên boong tàu đã vãn người một chốc, đợi gia đình họ đi mất, nghe thấy tiếng nàng ríu rít kể về mình với cha mẹ cứ xa dần, xa dần. Rồi tôi lôi cái bật lửa ra, làm một điếu Dunhill trước khi về phòng.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro