1.
(Toàn bộ là lời tự sự của Min Yoongi, không có đối thoại. Tình tiết được viết dựa vào bài hát Dear My Friend - 어땠을까 - Agust D ft. Kim Jong Wan. Không đúng hoàn toàn. Tên của người bạn thân là sự sáng tạo của tác giả.)
Khuyến khích vừa nghe nhạc vừa đọc.
_____________________________
Tôi có một người bạn. Tên cậu ấy là Jung Yi Won.
Ngày còn bé, tôi thường hay bị bắt nạt vì tính cách lầm lì ít nói. Bọn chúng thấy tôi hiền, liền bắt nạt, tạt nước, xé sách vở, chửi và cả đánh nhau, chưa món nào là tôi chưa từng thử qua. Mọi người xung quanh không ai hiểu được tôi kể cả cha mẹ. Họ bảo với tôi rằng, "Bạn bè chỉ đùa thôi", nhưng tôi biết rõ tình cảnh lúc đó của tôi tệ như thế nào. Với bản chất trầm tính, càng lúc, tôi càng ngại tiếp xúc xã hội, tự ti về chính mình. Càng lúc, tôi càng lún sâu vào vũng bùn do chính tôi tạo ra, một cách tuyệt vọng.
Nhưng rồi ngay cái khoảnh khắc đen tối ấy, Yi Won xuất hiện. Cậu ta tình cờ gặp tôi trên sân thượng trường trong giờ ra chơi, khi cậu ta lên tản bộ còn tôi trốn sau lỗ thông khí của máy lạnh và khóc một mình. Thấy tôi, cậu ta ngạc nhiên lắm. Nhưng rồi, suốt 15 phút, cậu ta đã lắng nghe tôi, an ủi tôi và đưa tôi ra khỏi đó, kéo tay toi ra khỏi hố đen tuyệt vọng , mãi đến khi tiếng chuông vào lớp vang lên.
Từ ngày hôm ấy, việc đến trường mỗi ngày với tôi không còn là cơn ác mộng nữa. Trên sân thượng vào những giờ ra chơi, tôi kể cho cậu ta nghe về những chuyện xảy ra trong ngày, về bạn bè, lũ bắt nạt, bài tập và gia đình của mình. Yi Won luôn an ủi tôi bằng những từ ngữ nhẹ nhàng, cậu ấy luôn đứng về phía tôi, kể cho tôi nghe về những bộ phim cậu ấy thích, những câu chuyện mà cậu ấy tin chắc rằng tôi sẽ rất vui khi nghe thấy. Người khác ngại tiếp xúc với tôi vì sợ bị vạ lây đến lũ bắt nạt; giờ ăn trưa, Yi Won đến lớp tôi và đưa tôi đi ăn chung trước con mắt ngạc nhiên của các bạn học cùng lớp. Đối với tôi lúc ấy, Yi Won chẳng khác gì một người hùng. Cậu ấy không sợ lũ bắt nạt nên tôi cũng chẳng còn sợ chúng nữa; tôi bắt đầu phản kháng lại chúng vì tôi biết rằng dù có thế nào Yi Won cũng sẽ luôn ủng hộ tôi. Bọn chúng bắt đầu cảm thấy phiền mỗi khi tôi chống lại, dần dần chúng cũng mặc kệ và buông tha tôi. Dù khoảng thời gian ấy còn nhiều khó khăn đối với một đứa trẻ như tôi, nhưng tôi cũng cảm nhận được rằng ít nhất cũng còn người thật sự yêu thương mình, quan tâm mình, và tôi cố gắng tồn tại nhờ chút hi vọng mong manh đó.
Cấp 2 của chúng tôi trôi qua vô cùng tẻ nhạt, rồi mùa thu đến, chúng tôi bước vào ngưỡng cửa cấp 3. Chúng tôi trở thành bạn bè cùng lớp, cùng bàn tại một trường công lập cách xa trường cũ. Chúng tôi ngày càng thân thiết hơn, cùng nhau đi học, cùng nhau về nhà qua 2 chuyến xe buýt và 1 chuyến tàu điện ngầm. Những tháng ngày tươi trẻ đó, chúng tôi cùng nhau chinh phục hết một vùng trời Daegu rộng lớn. Năm tôi 17 tuổi, tôi được nhận vào một công ty giải trí với tư cách là một nhà sản xuất âm nhạc và một rapper, từ đó tôi ở lại kí túc xá của công ty, không còn chung đường về với cậu ta nữa. Nhưng điều đó không khiến tình bạn của chúng tôi phai nhạt. Tối hôm đó, trước ngày tôi vào trú nơi kí túc, chúng tôi ra Sinsu-dong (một quận của Seoul), hai đứa con trai hai lon nước ngọt, chúng tôi tâm sự với nhau. Tôi hỏi Yi Won cậu ta đã có dự định gì cho tương lai chưa, cậu ấy bảo, "từ trước đến giờ, tao vẫn muốn được đứng đầu thiên hạ." Rồi cậu ta cười buồn, bảo muốn trở thành một nhà văn, nhưng cái nghề ấy lênh đênh lắm, phụ thuộc phần nhiều vào ý trời, nên đành từ bỏ ước mơ về phụ cha mẹ làm nông. Yi Won xuất thân từ nông thôn, nhà vốn nghèo, lương thực và tiền bạc chỉ mong đợi vào một mảnh đất và hai sào vườn, có ngày còn không đủ ăn. Tôi khá giả hơn một chút, nhưng vẫn không đủ nhiều để giúp đỡ cậu ấy, chỉ có thể gom vài củ khoai hay một bát cơm vun thêm một chút đem qua nhà. Tôi hỏi Yi Won vậy lớn lên cậu tìm việc ở thành phố rồi gửi về quê đi, cậu ấy chỉ cười mà chẳng nói gì. Gió thổi từ cửa sông vào lạnh ngắt, nơi bờ sông có hai thằng con trai ngồi cạnh nhau, tiếng va chạm lon vang lên lách cách, năm 17 tuổi, chúng ta còn quá trẻ khi mơ đến những giấc mơ vĩ đại.
Rồi một ngày cuối đông, Yi Won bảo với tôi rằng cậu ta đã tìm được một công việc bán thời gian ở tiệm gà rán. Chính phủ lúc đó không cho trẻ dưới 18 tuổi làm việc, nhưng chủ quán đã động lòng với hoàn cảnh của cậu và nhận cậu vào làm với tư cách là cháu trai từ quê lên phụ quán. Tôi vỗ vai cậu ấy, "chúc mừng cậu nhé." Mỗi ngày đi bộ ngang quán gà, tôi thấy hình bóng cậu ấy, một người con trai chăm chỉ và luôn hết mình với công việc, dù nó chỉ là tạm bợ để giúp đỡ gia đình. Đôi khi tôi cảm thấy mình may mắn hơn Yi Won rất nhiều, tài chính gia đình ổn, được hậu thuẫn theo đuổi đam mê và được rất nhiều người ủng hộ, có nơi ở đàng hoàng, còn Yi Won tan ca lúc 10h đêm, phải chạy vội về để kịp đón chuyến tàu cuối cùng trong ngày, rồi đạp xe thêm vài cây mới đến nhà, chợp mắt đến tảng sáng lại phải chạy xe đi học.
Rồi khoảng thời gian khó khăn ấy cũng trôi qua nhanh, chúng tôi ra trường vào một ngày hạ đầy nắng. Yi Won dù điểm tốt nghiệp rất cao nhưng lại không đủ điều kiện học tiếp kể cả khi nhận học bổng, đành phải gác lại ước mơ, tiếp tục làm việc ở quán gà vào ban đêm và chạy vặt ở các đài truyền hình vào ban ngày. Tôi được công ty hậu thuẫn học lên đại học và trở thành thực tập sinh của một nhóm nhạc nam hip-hop gồm 7 thành viên.
Trước ngày ra mắt, tôi và Yi Won gặp nhau tại bờ sông Hàn. Hai thằng con trai 17 tuổi vô tư ngày ấy, đã bị thời gian mài mòn trở thành hai gã đàn ông 20 tuổi từng trải nhiều sự đời. Trong khi tôi chai mặt với những lời mắng chửi của các tiền bối về các sản phẩm âm nhạc, cậu ta cũng trơ lì với dầu ăn nóng và cả những lời khinh dể dành cho công việc tạp vụ ở các đài truyền hình. Hai thằng đàn ông, hai lon bia và một dĩa đồ nhắm, chúng tôi im lặng ngắm nhìn dòng sông chảy xuôi, những đoá hoa anh túc đỏ rực mọc lác đác hai bên bờ sông càng làm khung cảnh thêm trầm lặng, từng tiếng chạm lon vang lên cô độc. Khi đã bắt đầu trở thành một thần tượng, nghĩa là tôi sẽ không còn thời gian thảnh thơi ngồi uống bia hay đi gặp bạn bè như bất kì một người bình thường nào khác nữa. Khi nghe câu chúc mừng từ Yi Won, trái tim tôi quặn thắt lại. Chúng tôi, không ai bảo ai đều nhận thức rõ, đây có lẽ là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau, nên chúng tôi cố gắng tận hưởng và nắm bắt khoảnh khắc này lâu nhất có thể.
Rồi tiếng chuông điện thoại của Yi Won vang lên. Bố cậu ta gọi. Qua lời kể của Yi Won, tôi hay tin gia đình cậu ta hùn vốn chơi hụi* cùng với một số gia đình khác, rồi chủ hụi cầm tiền chạy trốn mất tăm mất dạng. Toàn bộ tài sản của gia đình cậu bị người ta lấy đi mất, chủ nợ thuê giang hồ đến đập phá nhà cửa, lấy hết tài sản có giá trị, bao gồm cả tiền cậu nai lưng làm lụng vất vả hơn 2 năm mới kiếm được. Mẹ cậu biết tin, đã lên cơn đau tim và đang nằm bệnh viện điều trị.
Có lẽ đó là nguyên nhân gây ra cảm xúc bất an, bồn chồn cho tôi và Yi Won ngày hôm nay. Cuộc gọi đã ngắt từ lâu, chúng tôi vẫn ngồi yên đó, sững sờ, bất ngờ vì thông tin vừa mới đến. Rồi Yi Won dợm đứng dậy, bảo với tôi cậu ấy sẽ trở về nhà thu xếp ổn thoả. Linh tính bất an của tôi lại trỗi dậy. Khoảnh khắc đó, tôi muốn níu tay cậu ấy lại, muốn bảo cậu ấy đừng đi, nhưng cuối cùng, tôi chẳng thể nói gì. Tôi mở ví, rút hết tiền trong ví đưa cho cậu ấy, "coi như đây là lời hẹn của chúng ta. Nhớ phải bình an trở lại đấy."
Chúng tôi ôm lấy nhau lần cuối, rồi tôi đứng nhìn cậu ấy rời đi khi bàn đồ nhắm chỉ vừa vơi đi hơn nửa.
_________________________
*Chơi hụi: (nguồn từ Wikidepia)
Khi chơi hụi cần có một người đứng ra làm chủ (chủ hụi) và mời các thành viên khác cùng chơi (con hụi). Chủ hụi có trách nhiệm đi thu tiền (tài sản) của con hụi. Một "dây hụi" có thể không giới hạn người chơi. Các thành viên của dây hụi thống nhất góp một loại tài sản có giá trị giao dịch như: , , ,... Dây hụi cũng thỏa thuận số lượng tài sản góp, số kỳ góp, thời gian góp, kỳ mở hụi,...
Ví dụ: Một dây hụi mười người, góp ngày 10.000₫, mở hụi cuối tháng. Như vậy, chẳng hạn đến kỳ mở hụi thứ nhất (ngày thứ 30), bà A được "hốt hụi" thì bà nhận được số tiền là: 10.000₫ × 10 người × 30 ngày = 3.000.000₫ (trong đó có tiền bà góp là: 10.000₫ × 30 ngày = 300.000₫), ngoài ra, nếu có thỏa thuận thì bà A phải trích ra một số tiền hoa hồng cho chủ hụi. Qua việc chơi dây hụi này, bà A mượn được nguồn vốn gấp 10 lần bà góp để dùng vào việc riêng.
Qua kỳ hụi thứ hai, bà A và các con hụi khác vẫn phải góp 10.000₫ một ngày. Đến kỳ mở hụi (ngày thứ 60), một người khác cũng sẽ được "hốt hụi" với số tiền tương tự bà A. Hụi kết thúc khi tất cả các con hụi đều đã được hốt hụi.
Trong trường hợp này, gia đình Yi Won bị giật hụi, tức là tất cả số tiền góp lại đều bị mất vào tay tên chủ hụi. Nhiều gia đình nghèo cả tin, vì bị giật hụi, vỡ hụi mà phá sản. Nếu ai coi '25, 21' có thể hiểu rõ hơn về điều này.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro