Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

6 bai hoc kn

6 bài học kinh nghiệm

Những thành tựu đạt được trên dây là kết quả cả một quá trình tìm tòi, đổi mới, bám sát thực tiễn, phấn đấu gian khổ của Đảng và nhân dân ta. Đó là : Nghị quyết Hội nghị trung ương sáu (Khóa IV) với những chính sách làm cho sản xuất "bung ra"; Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (Khóa IV) về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp; các Quyết định 25, 26-CP của Thủ tướng Chính phủ về nhiều nguồn cân đối và ba phần kế hoạch; Đại hội V của Đảng với việc xác định lại thứ tự ưu tiên trong phát triển kinh tế, khẳng định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu; Nghị quyết Hội nghị Trung ương tám (Khóa V) tháng 6-1985 về giá, lương, tiền; Kết luận của Bộ Chính trị (Khóa V) tháng 8-1986 về một số vấn đề lớn thuộc quan điểm kinh tế...

Những thử nghiệm ban đầu về đổi mới nói trên là tiền đề dẫn tới đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội VI. Đường lối ấy hình thành trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tổng kết những kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân, của các cấp, các ngành, hợp quy luật, thuận lòng người, nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Trong quá trình đổi mới, đặc biệt vào những thời điểm có tính bước ngoặt, Đảng ta đã có những quyết sách rất quan trọng. Đó là những kết luận kịp thời của Hội nghị Trung ương sáu (Khóa VI) khẳng định 5 nguyên tắc của công cuộc đổi mới; là sự bác bỏ kiên quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa VI tại các Hội nghị Trung ương sáu, bảy, tám đối với những mầm mống đầu tiên về đa nguyên chính trị chớm xuất hiện trong Đảng; những nghị quyết Trung ương nhận định sắc bén và kịp thời về diễn biến của tình hình quốc tế vào những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90; việc thông qua cương lĩnh, Chiến lược, điều lệ Đảng (sửa đổi) tại Đại hội VII; thông qua Hiến pháp mới năm 1992; chỉ rõ thời cơ và nguy cơ, xác định nhiệm vụ đẩy tới một bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ; các nghị quyết Trung ương khóa VII và nhiều nghị quyết, quyết định lớn khác của Đảng và Nhà nước cụ thể hóa, bổ sung và phát triển đường lối đổi mới trên hầu hết các lĩnh vực. Với những quyết định đúng đắn ấy, toàn Đảng, toàn dân ra đã vượt qua khó khăn, trở ngại, đưa công cuộc đổi mới đi đến thắng lợi hôm nay.

Tổng kết chặng đường đổi mới 10 năm qua, có thể rút ra một số bài học chủ yếu sau đây:

1- Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Xác định rõ đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là quan niệm đúng đắn hơn về chủ nghĩa xã hội và thực hiện mục tiêu ấy bằng những hình thức, bước đi và biện pháp phù hợp. Kết hợp sự kiên định về nguyên tắc và chiến lược cách mạng với sự linh hoạt, sáng tạo trong sách lược, nhạy cảm nắm bắt cái mới.

Đổi mới phải được thực hiện trên cơ sở bảo vệ, kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và những thành tựu cách mạng đã đạt được. Phê phán nghiêm túc sai lầm, khuyết điểm phải đi đôi với khẳng định những việc làm đúng, không phủ nhận sạch trơn quá khứ, không hoang mang, mất phương hướng, từ thái cực này chuyển sang thái cực khác.

2- Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị.

Xét trên tổng thể, Đảng ta bắt đầu công cuộc đổi mới từ đổi mới về tư duy chính trị trong việc hoạch định đường lối và các chính sách đối nội, đối ngoại. Không có sự đổi mới đó thì không có mọi sự đổi mới khác. Song, Đảng ta đã đúng khi tập trung trước hết vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đổi mới kinh tế, khắc phục khủng hoảng kinh tế- xã hội, tạo tiền đề cần thiết về vật chất và tinh thần để giữ vững ổn định chính trị, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân, tạo thuận lợi để đổi mới các mặt khác của đời sống xã hội.

Trong việc đổi mới tổ chức và cơ chế hoạt động của hệ thống chính trị, chúng ta đã đi những bước thận trọng và vững chắc, bắt đầu từ giải quyết những vấn đề cấp bách nhất và đã chín muồi, với nhận thức đây là việc rất cần thiết nhưng đặc biệt phức tạp, nhạy cảm và nếu vội vã để xảy ra sai lầm sẽ phải trả giá rất đắt, có khi không cứu vãn được.

Mục tiêu chủ yếu của đổi mới hệ thống chính trị là nhằm thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân. Bài học lớn là dân chủ nhất thiết phải đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Khắc phục những hiện tượng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời chống khuynh hướng dân chủ cực đoan, quá khích. Dứt khoát bác bỏ mọi mưu toan lợi dụng "dân chủ", "nhân quyền" nhằm gây rối về chính trị, chống phá chế độ, hoặc can thiệp vào nội bộ nước ta. Không chấp nhận đa nguyên, đa đảng.

3- Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.

Vận dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý nền kinh tế thị trường là để sử dụng mặt tích cực của nó phục vụ mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ không đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Kinh tế thị trường có những mặt tiêu cực mâu thuẫn với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Đó là xu thế phân hóa giàu nghèo quá mức, là tâm lý sùng bái đồng tiền, vì đồng tiền mà chà đạp lên đạo đức, nhân phẩm... Đi vào kinh tế thị trường, phải kiên quyết đấu tranh khắc phục, hạn chế tối đa những khuynh hướng tiêu cực đó.

Để phát triển sức sản xuất, cần phát huy khả năng của mọi thành phần kinh tế, thừa nhận trên thực tế còn có bóc lột và sự phân hóa giàu nghèo nhất định trong xã hội, nhưng phải luôn quan tâm bảo vệ lợi ích của người lao động, vừa khuyến khích làm giàu hợp pháp, chống làm giàu phi pháp, vừa coi trọng xóa đói, giảm nghèo, từng bước thực hiện công bằng xã hội, tiến tới làm cho mọi người, mọi nhà đều khá giả.

4- Mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc.

Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, vì nhân dân và do nhân dân. Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Đảng. Cũng do nhân dân hưởng ứng đường lối đổi mới, dũng cảm phấn đấu, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách mà công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu hôm nay. Để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên, giành những thành tựu lớn hơn, cần thực hiện tốt hơn nữa việc mở rộng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, cả ở trong nước và ở nước ngoài, phát huy dân chủ, động viên tối đa sức mạnh của toàn thể dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh.

5. Mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại.

Công cuộc đổi mới của nhân dân ta ngày nay phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân các nước. Đi đôi với phát huy cao độ ý chí tự lực tự cường, động viên mọi nguồn lực bên trong, cần khai thác tốt nước điều kiện thuận lợi mới trong quan hệ đối ngoại, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước vì hòa bình, độc lập và phát triển, tạo môi trường quốc tế thuận lợi và tranh thủ những nhân tố tích cực phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Mở rộng quan hệ quốc tế phải trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi, giữ gìn, phát huy bản sắc và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thực hiện da phương hóa và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại. Coi trọng và tiếp tục phát huy những quan hệ truyền thống.

6- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt.

Sự nghiệp cách mạng của nước ta do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đảng ta là đảng cầm quyền. Những thắng lợi và thành tựu, những thất bại và tổn thất của cách mạng đều gắn liền với trách nhiệm của Đảng. Trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng phải nghiêm túc xem xét những sai lầm, khuyết điểm và yếu kém của mình, đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo. Các thế lực chống chủ nghĩa xã hội và độc lập dân tộc luôn chĩa mũi nhọn vào Đảng, tập trung sức phá hoại nền tảng tư tưởng và tổ chức của Đảng. Thủ đoạn họ thường dùng là xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phủ nhận sự hy sinh và công lao của những người cộng sản, thổi phồng sai lầm, khuyết điểm của Đảng, đòi thực hiện nhân quyền và dân chủ kiểu tư sản, đòi phi chính trị hóa bộ máy nhà nước, đòi đa nguyên, đa đảng nhằm tước bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Họ lợi dụng những kẻ cơ hội, phản bội về chính trị, hoặc thoái hóa về phẩm chất đạo đức để chia rẽ, làm suy yếu, phá hoại Đảng từ bên trong.

Nhận rõ yêu cầu mới của cách mạng và âm mưu thủ đoạn chống phá Đảng nói trên, Đảng ta xác định trong giai đoạn hiện nay lãnh đạo kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. coi trọng tổng kết công tác xây dựng Đảng. Củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ. Tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tinh tiên phong của Đảng. Ngăn chặn khuynh hướng hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng. Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao trình độ và hiệu quả lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro