Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc part3

PHÁN QUYẾT SỐ 40

TRANH CHẤP TRONG HỢP ĐỒNG ĐẠI DIỆN BÁN HÀNG

Các bên:

            Nguyên đơn    : Công ty đại diện bán hàng Mỹ

            Bị đơn : Công ty Tây Ban Nha

Các vấn đề được đề cập:

-

Uỷ quyền thực tế

-

Sửa đổi hợp đồng

-

Thoả thuận bằng hình thức văn bản theo pháp luật Thuỵ Sỹ

-

Phê chuẩn giao dịch hợp pháp bằng hành vi sau đó

Tóm tắt vụ việc:

Một công ty Mỹ và một công ty Tây Ban Nha ký kết một Thoả thuận đại diện bán hàng (Thoả thuận) vào năm 1982 trong đó có qui định các khu vực và lãnh thổ mà công ty Mỹ được chào bán các sản phẩm hàng hoá của công ty Tây Ban Nha và hưởng hoa hồng từ các hợp đồng mua bán này. Thoả thuận qui định mọi sửa đổi đối với Thoả thuận phải được lập thành văn bản. Hai bên thoả thuận sẽ đưa các tranh chấp trong tương lai ra giải quyết tranh chấp tại trọng tài ICC ở Geneva và luật áp dụng cho hợp đồng là luật Thuỵ Sỹ.

Sau đó giữa họ đã phát sinh tranh chấp liên quan đến việc liệu công ty Mỹ có quyền được hưởng hoa hồng từ việc bán hàng cho khách hàng tại Lebanon, một quốc gia nằm ngoài các khu vực lãnh thổ được nêu trong Thoả thuận hay không. Vấn đề mấu chốt cần xác định trong tranh chấp này là liệu giữa các bên có tồn tại thoả thuận bổ sung danh sách lãnh thổ qui định trong Thoả thuận ban đầu hay không. Công ty Tây Ban Nha thì cho là không vì Thoả thuận yêu cầu các thoả thuận mới phải được lập thành văn bản và thực tế đã không có một sửa đổi bằng văn bản nào. Ngoài ra, những bản telex và văn thư là bằng chứng duy nhất của việc này lại được ký bởi người không được uỷ nhiệm đại diện cho công ty Tây Ban Nha.

Ngược lại, phía công ty Mỹ cho rằng thực tế đã có sửa đổi có giá trị pháp lý đối với Thoả thuận liên quan đến việc bổ sung vào danh sách lãnh thổ được phép thực hiện dịch vụ thoả thuận và công ty Mỹ phải được hưởng hoa hồng đối với tất cả các hợp đồng thực hiện với khách hàng Lebanon.

Phán quyết của trọng tài:

1. Về việc chủ thể ký kết không có tư cách pháp lý đại diện cho công ty Tây Ban Nha:

Bị đơn phản đối giá trị pháp lý của các bản Telex và văn thư mà Nguyên đơn coi là bằng chứng của việc sửa đổi Thoả thuận với lý do ông X, người ký vào các văn bản đó, không được uỷ quyền làm đại diện cho Bị đơn. Bị đơn thừa nhận là về mặt pháp luật, ông X là đại diện cho Bị đơn với tư cách là giám đốc phụ trách xuất khẩu nhưng Bị đơn lại lý luận rằng trên thực tế ông X chưa từng đại diện cho Công ty.

Uỷ ban trọng tài đã bác lý lẽ này của Bị đơn với các lý do sau:

Thứ nhất

, chỉ một căn cứ là ông X được Bị đơn uỷ quyền theo pháp luật cũng đủ để xác định rằng Bị đơn bị ràng buộc bởi chữ ký của người này cho dù ông X có được uỷ quyền trên thực tế hay không. Nếu Bị đơn không có ý định tự ràng buộc trách nhiệm với chữ ký riêng hay chữ ký chung với người khác của ông X thì Bị đơn phải nhấn mạnh điều này trước khi ký kết Thoả thuận Đại diện bán hàng.

Thứ hai

, theo qui định của Điều 37 Luật nghĩa vụ Thuỵ Sỹ, luật điều chỉnh hợp đồng, thì trừ khi một bên đã thông báo một cách hợp thức về việc huỷ bỏ đại diện thì có thể tin một cách trung thực rằng việc uỷ quyền đại diện vẫn có giá trị pháp lý. Qui định pháp lý này được áp dụng cho vụ việc đang xem xét mặc dù Bị đơn cho rằng tên của ông X chưa bao giờ được đưa vào đăng ký kinh doanh như là một người phụ trách điều hành của công ty mình. Thực tế là ông X đã cùng ký vào một hợp đồng nhân danh Bị đơn với chấp thuận minh thị của chính công ty này.

2. Về việc có hay không có các sửa đổi đối với Thoả thuận:

Điều 2 của Thoả thuận qui định rằng mọi sửa đổi đối với Thoả thuận phải được “lập thành văn bản bởi một trong số các giám đốc điều hành”. Trên thực tế, liên quan đến 3 hợp đồng mua bán với khách hàng Lebanon, giám đốc điều hành của hai bên (ông X phía Bị đơn và ông Y phía Nguyên đơn) đã trao đổi với nhau một số bản telex và fax, thậm chí ông X đại diện của Bị đơn còn gửi cho Nguyên đơn các hoá đơn giao hàng theo ba hợp đồng với khách hàng Lebanon.

Điều 12 Luật nghĩa vụ Thuỵ Sỹ quy định: “Nếu luật yêu cầu rằng một thoả thuận phải được lập thành văn bản, qui định này cũng áp dụng cho các thay đổi đối với thoả thuận đó, trừ các qui định bổ sung hoặc phụ trợ không trái với thoả thuận đó”.

Như vậy, trong vụ việc này, để trả lời cho câu hỏi trên thực tế giữa các bên có tồn tại một sửa đổi hợp thức hay không, chúng ta phải làm rõ ba vấn đề sau đây:

-

Thứ nhất, các bản telex và fax được trao đổi giữa ông X và ông Y lần lượt là đại diện cho Bị đơn và Nguyên đơn, có chữ ký của ông X nhưng thiếu chữ ký của ông Y, có được coi là “những văn bản” hợp thức hay không?

-

Thứ hai, ba hợp đồng ký với khách hàng Lebanon có được coi là “các qui định bổ sung hoặc phụ trợ không trái với Thoả thuận” theo Điều 12 Luật nghĩa vụ hay không?

-

Thứ ba, việc Bị đơn giao kết và thực hiện các hợp đồng với khách hàng Lebanon đồng thời gửi các hoá đơn bán hàng theo các hợp đồng này cho Nguyên đơn có thể được coi là “một sự chấp thuận bằng hành vi” sửa đổi Thoả thuận hay không?

Về vấn đề thứ nhất:

Điều 14(1) và (2) Luật nghĩa vụ Thuỵ Sỹ qui định: Để tự ràng buộc mình với văn bản, một bên phải hoặc là trực tiếp ký hoặc là ký thông qua các phương thức kỹ thuật khác nhưng chỉ trong các giao dịch được tập quán chấp nhận.

Hiện nay, việc liên lạc thông qua các phương thức kỹ thuật, mà nhiều nhất là telex, đã trở nên rất phổ biến trong các giao dịch kinh doanh. Tốc độ của các giao dịch hiện đại và khoảng cách giữa các chủ thể tham gia giao dịch cần một sự liên lạc trao đổi nhanh chóng các lời đề nghị giao kết và trả lời, việc này chỉ có thể thực hiện được thông qua telex hoặc telecopier (sao chụp từ xa). Do đó, không phải là bất bình thường khi trong vụ việc này, các bên đã thiết lập các qui định đặc biệt cho một số giao dịch nhất định thông qua telex.

Theo qui định, các bản giao dịch này phải có đầy đủ chữ ký của hai bên. Tuy nhiên, trong trường hợp này, việc ông Y không ký không làm thay đổi bản chất của vấn đề vì rõ ràng là yêu cầu về một thoả thuận bằng văn bản và được ký chủ yếu nhằm bảo vệ bên không muốn bị ràng buộc (tức Bị đơn) mà chữ ký bị thiếu lại là chữ ký của Nguyên đơn.

Tuy nhiên, sau đó đáng ra họ phải xác nhận lại thoả thuận của mình bằng cách trao đổi các tài liệu bằng văn bản phù hợp với Điều 2 Thoả thuận. Nhưng thực tế đã không có văn bản xác nhận lại nào giữa hai bên.

Như vậy, về nguyên tắc, các bản telex và fax do hai bên trao đổi với nhau không đáp ứng được các yêu cầu về hình thức để được coi là “sửa đổi bằng văn bản” đối với Thoả thuận.

Về vấn đề thứ hai:

Cần phải ghi nhận rằng Thoả thuận Đại diện không phải là một hợp đồng đơn giản theo đó mỗi bên có thể theo đuổi lợi ích riêng của mình, mà những lợi ích này thường là đối lập với lợi ích của đối tác. Ngược lại Thoả thuận đại diện là một hợp đồng hợp tác theo đó các bên cùng theo đuổi một mục đích chung: đạt được nhiều hợp đồng bán hàng với các khách hàng do Bên Đại diện giới thiệu cho Bên được đại diện. Vì thế trong hợp đồng này tồn tại nghĩa vụ hợp tác giữa Nguyên đơn và Bị đơn, một nghĩa vụ giống như nghĩa vụ ràng buộc các cổ đông trong một công ty với nhau hoặc giữa người đại diện và người được đại diện. Nghĩa vụ hợp tác này buộc Bị đơn ít ra cũng phải có những bảo lưu đối với Nguyên đơn để Nguyên đơn có thể tiến hành một số hành vi mà Nguyên đơn không được uỷ quyền.

Như vậy, việc Nguyên đơn giới thiệu cho Bị đơn khách hàng nước Lebanon cũng có thể được coi như một trường hợp “bảo lưu” và có thể chấp nhận được. Nói một cách khác, các hợp đồng với khách hàng Lebanon có thể được xem là “các qui định bổ sung hay phụ trợ không trái với Thoả thuận” và có giá trị pháp lý mặc dù không được thực hiện bằng hình thức văn bản với điều kiện là Bị đơn cũng chấp thuận điều này.

Về vấn đề thứ ba:

Như trên đã xem xét, bản thân các bản telex và fax trong vụ việc này không tạo thành một thoả thuận minh thị về việc Bị đơn chấp thuận sẽ trả tiền hoa hồng. Tuy nhiên thực tế các hoá đơn giao hàng của ba giao dịch bán hàng có liên quan đã được gửi kèm theo văn thư này và người ta sẽ không thể giải thích tại sao những hoá đơn này lại được ông X gửi cho Nguyên đơn nếu không phải là để phục vụ cho việc tính toán, ví dụ, tiền hoa hồng. Từ hành vi này có thể suy ra ý định trả tiền hoa hồng cho Nguyên đơn cho ba giao dịch này của Bị đơn dù khách hàng có các trụ sở đăng ký ngoài “lãnh thổ được phép thực hiện dịch vụ”.

Luật Thuỵ Sỹ thừa nhận nguyên tắc phê chuẩn các giao dịch hợp pháp bằng hành vi cuối cùng, ngay cả trong trường hợp các giao dịch này vốn không hợp pháp về mặt hình thức, và thậm chí ngay cả khi chúng có lỗi lớn. Điều 31 Luật nghĩa vụ qui định về vấn đề này như sau:

"Một thoả thuận bị vô hiệu do nhầm lẫn hoặc do gian lận, hay một thoả thuận được thiết lập do bị đe doạ được coi như đã được phê chuẩn trong trường hợp bên không muốn bị ràng buộc bởi thoả thuận đó không thông báo cho bên kia quyết định không duy trì thoả thuận của mình, hay không đòi lại tiền mà mình đã trả".

Theo án lệ của Thuỵ Sỹ (ví dụ, Journal des Tribunaux năm 1959, 486) bên không muốn bị ràng buộc bởi một thoả thuận chỉ cần tuyên bố phản đối trong thời hạn là một năm. Do đó, theo Luật Thuỵ Sỹ một thoả thuận được giao kết với lỗi nghiêm trọng vẫn có thể được coi là có hiệu lực chỉ vì lý do không có bên nào phản đối thoả thuận đó. Luật nghĩa vụ Thuỵ Sỹ cho phép việc phê chuẩn các thoả thuận vô hiệu hay thậm chí bất hợp pháp đơn giản chỉ bằng một hành vi ngầm hiểu có giá trị như một sự phê chuẩn.

Về ba giao dịch đã thực hiện này, Bị đơn đã chấp nhận khách hàng mà không đưa ra bất kỳ điều kiện bảo lưu gì đối với Nguyên đơn, đã giao hàng và nhận tiền. Đây rõ ràng là một trường hợp phê chuẩn bằng hành vi và, theo nghĩa này, dù rằng xét từ góc độ hình thức các bản telex và các tài liệu khác được trao đổi giữa các bên chưa đáp ứng điều kiện sửa đổi bằng văn bản đối với Thoả thuận, Thoả thuận này trên thực tế đã được sửa đổi trong phạm vi ba giao dịch có liên quan thông qua thái độ ủng hộ của Bị đơn đối với khách hàng và đối với Nguyên đơn.

Tuy nhiên, từ các bản Telex được trao đổi giữa các bên thì cũng không thể suy ra là họ đã từng có ý định mở rộng Thoả thuận của họ sang Lebanon. Nói cách khác, Bị đơn chưa bao giờ chấp thuận sẽ trả tiền hoa hồng cho Nguyên đơn cho tất cả các giao dịch mà Nguyên đơn có thể tiến hành với một khách hàng Lebanon bất kỳ.

Vì vậy, có thể kết luận rằng giữa các bên đã có sửa đổi về phạm vi lãnh thổ “được phép thực hiện dịch vụ” đối với Thoả thuận nhưng chỉ giới hạn ở ba hợp đồng đã ký kết với khách hàng Lebanon.

Vì vậy, Uỷ ban trọng tài đã bác lý lẽ của cả hai bên.

Bình luận và lưu ý:

Ngày nay hiện tượng giao kết hợp đồng hay thoả thuận thông qua các phương thức kỹ thuật như telex, fax, thư điện tử v..v đã trở nên khá phổ biến. Pháp luật nhiều nước cũng đã thừa nhận các hình thức này. Tuy nhiên, quy định của các nước về giá trị pháp lý của các hình thức này vẫn còn nhiều khác biệt, đặc biệt là vấn đề có nên coi các hình thức này tương đương với hình thức văn bản hay không. Vì thế, để bảo đảm giá trị và tính an toàn pháp lý cho các giao dịch của mình, khi tiến hành giao dịch thông qua telex, fax hay các phương thức kỹ thuật khác, các bên cần xác nhận lại bằng văn thư chính thức tuân thủ các hình thức yêu cầu như chữ ký, dấu... Văn bản xác nhận thể hiện một cách xác thực ý chí của các bên và có giá trị chứng cứ quan trọng trong các trường hợp có tranh chấp phát sinh liên quan đến giao dịch này.

Khi có nghi ngờ hay phản đối gì về giá trị pháp lý của giao dịch mà mình đã ký kết thì cần nêu/tuyên bố phản đối trong thời hạn do luật quy định, nếu luật không quy định thời hạn thì phải trong thời hạn hợp lý. Sự im lặng hay việc tiếp tục thực hiện giao dịch, theo pháp luật của nhiều nước, được coi như một “sự phê chuẩn” đối với giao dịch đó và là một hình thức hợp pháp hoá giao dịch đó ngay cả khi giao dịch ban đầu có khiếm khuyết hay thậm chí trái pháp luật. Mặc dù nguyên tắc “Im lặng không có nghĩa là đồng ý” được thừa nhận một cách rộng rãi trong nhiều hệ thống pháp luật, nguyên tắc này cũng không ngăn cản các quốc gia đặt sự ổn định của quan hệ pháp luật lên vị trí ưu tiên hơn trong một số trường hợp nhất định.

PHÁN QUYẾT SỐ 41

TRANH CHẤP TRONG HỢP ĐỒNG PHÂN PHỐI Ô TÔ

Các bên:

Nguyên đơn    : Nhà phân phối Libăng

Bị đơn : Nhà sản xuất ôtô Tây Âu

Các vấn đề được đề cập:

- Thoả thuận làm đại lý phân phối

- Chấm dứt hợp đồng

- Lạm dụng quyền

- Thiệt hại

Tóm tắt vụ việc:

Nguyên đơn, một công ty Libăng, và Bị đơn, một công ty Tây Âu chuyên sản xuất ôtô, đã ký một hợp đồng, theo đó Nguyên đơn sẽ là nhà phân phối cho Bị đơn tại Libăng. Hợp đồng quy định rằng Nguyên đơn không chỉ bán ôtô mà còn thực hiện dịch vụ hậu mãi và cung cấp các phụ tùng thay thế. Do đó Nguyên đơn phải xây dựng một ga-ra ôtô kèm theo một nhà kho. Dựa trên Điều 19 của Hợp đồng về quyền chấm dứt hợp đồng, Bị đơn tuyên bố chấm dứt hợp đồng sau ba tháng, và một trong các lý do được viện dẫn là Nguyên đơn đã không xây dựng ga-ra kèm theo nhà kho.

Theo điều khoản trọng tài ICC nêu trong hợp đồng, Nguyên đơn khởi kiện Bị đơn theo trình tự trọng tài tại Paris, Pháp. Nguyên đơn cho rằng Bị đơn không được quyền chấm dứt hợp đồng như Điều 19 của Hợp đồng quy định, và đòi bồi thường thiệt hại đối với khoản lợi nhuận bị tổn thất khoảng một triệu bảng Libăng.

Phán quyết của trọng tài:

1. Luật áp dụng:

Các quy phạm xung đột luật:

Luật sư của cả hai bên đã tuyên bố tại toà án trọng tài rằng trong trường hợp này các trọng tài viên có quyền quyết định luật áp dụng đối với hợp đồng theo các quy tắc luật xung đột của Pháp. Các trọng tài viên, tuy không bắt buộc phải tuân theo các quy tắc luật xung đột của nước nơi tiến hành thủ tục trọng tài, nhưng phải tuân theo thoả thuận này của các bên về áp dụng quy phạm xung đột pháp luật. Theo quy tắc xung đột luật của Pháp liên quan đến hợp đồng, luật áp dụng cho hợp đồng trong trường hợp này cần được xác định dựa trên ý định (đương nhiên hoặc ngầm định) của các bên đối với việc xác định luật áp dụng, và dựa vào việc kiểm tra các tình tiết.

Xét trong trường hợp này, các bên không có thoả thuận về luật điều chỉnh hợp đồng. Do vậy, việc áp dụng theo cách thức lựa chọn luật áp dụng của Toà án tối cao Pháp là thích hợp, có nghĩa là trong trường hợp không có thoả thuận về luật điều chỉnh hợp đồng, thì phải phân tích các khía cạnh kinh tế của việc thực hiện hợp đồng để thấy được thoả thuận của các bên và trên cơ sở đó xác định luật áp dụng.

Luật điều chỉnh hợp đồng:

Các trọng tài viên cho rằng nếu hợp đồng được lập với mục đích duy nhất liên quan đến việc bán ôtô thì luật của nước Bị đơn chắc chắn sẽ là luật áp dụng và điều này phù hợp với ý chí của các bên. Hợp đồng đã được Bị đơn ký tại nước họ sau khi Nguyên đơn ký tại Beyrouth (Libăng). Hơn nữa, điểm quan trọng đặc biệt là việc giao hàng phải được thực hiện tại nơi bốc hàng (tại một cảng ở nước Bị đơn), theo Điều 7 của Hợp đồng. Điều này cho thấy rằng mọi hoạt động giao dịch diễn ra tại nước Bị đơn.

Tuy nhiên, các trọng tài viên thấy rằng đối tượng của hợp đồng rộng hơn, đó còn là việc phân phối sản phẩm của Bị đơn ở Libăng. Mặc dù Nguyên đơn phải gánh chịu rủi ro của việc bán được ít hàng, vì thù lao của Nguyên đơn là chênh lệch giữa giá bán và giá mua nhưng Nguyên đơn vẫn có các nghĩa vụ bảo đảm việc phân phối các sản phẩm của Bị đơn ở Libăng. Về phần mình, Bị đơn phải góp ý kiến về việc này song cũng có quyền đòi hỏi Nguyên đơn thực hiện nghĩa vụ. Điều này có thể thấy qua các cuộc kiểm tra định kỳ như được quy định trong hợp đồng. Do đó, việc bán hàng chỉ là một phần của toàn bộ quan hệ pháp lý giữa Nguyên đơn và Bị đơn mà việc thực hiện được tiến hành tại Libăng. Hơn nữa, tranh chấp đang xem xét phát sinh từ việc thực hiện nghĩa vụ của Nguyên đơn tại Libăng.

Các trọng tài viên kết luận:

Xét trong vụ việc này, hợp đồng phải được coi như thực hiện chủ yếu tại Libăng; và do hợp đồng không quy định điều khoản liên quan đến việc lựa chọn luật điều chỉnh nên việc chọn luật Libăng là luật điều chỉnh không thể bị phản đối.

2. Các khiếu kiện có thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài hay không:

Về việc đơn kiện của Nguyên đơn là có hội đủ điều kiện để có thể được xem xét hay không, các trọng tài viên đã dẫn chiếu hai Điều khoản của Bộ Luật nghĩa vụ của Libăng. Theo Điều 124: một người gây thiệt hại cho người khác phải bồi thường cho những thiệt hại đó nếu người đó đã vượt quá giới hạn quyền của mình do thiếu thiện chí. Theo Điều 248 liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng, một người chấm dứt hợp đồng phải bồi thường thiệt hại nếu người đó lạm dụng quyền chấm dứt hợp đồng, nói cách khác có nghĩa là nếu những gì mà người đó làm trái với tinh thần của Luật hoặc của hợp đồng. Hai qui định này của luật Libăng giúp cho các trọng tài viên có thể xác định liệu Bị đơn có sử dụng quyền chấm dứt hợp đồng theo Điều 19 là vượt quá hay lạm dụng theo như hai quy định trên. Do đó, Uỷ ban trọng tài quyết định những khiếu kiện này có thể được xem xét (tức các trọng tài viên có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện này). 

3. Lạm dụng quyền chấm dứt hợp đồng:

Tranh chấp giữa các bên về khối lượng hàng bán, việc bảo quản phụ tùng thay thế và dịch vụ hậu mãi, Bị đơn đã khiếu nại với lý do Nguyên đơn không xây dựng ga-ra kèm theo nhà kho. Tuy nhiên, các trọng tài viên nhận thấy rằng nhà sản xuất ôtô đã hoãn việc giao hàng là liên quan đến khối lượng hàng bán không đủ, và do đó viện dẫn này không có cơ sở.

Liên quan đến việc không xây dựng ga-ra kèm theo nhà kho, trọng tài viên cho rằng Bị đơn đã không dành cho Nguyên đơn một cơ hội để giải thích tình trạng của mình trước khi đưa ra thông báo về việc chấm dứt hợp đồng. Trên thực tế đúng là Nguyên đơn đã hoàn tất kế hoạch xây dựng, và việc xây dựng chỉ đợi cho đến khi mùa mưa ở Libăng kết thúc.

Các trọng tài viên kết luận rằng Bị đơn đã sử dụng quyền chấm dứt hợp đồng trái với tinh thần của hợp đồng như được qui định trong Điều 248 của Bộ Luật nghĩa vụ Libăng.

4. Thiệt hại:

Nhà phân phối Libăng đã khiếu kiện đòi tổng bồi thường thiệt hại tương đương với hai năm lợi nhuận bị tổn thất, dựa trên cơ sở lợi nhuận thu được trong năm trước, hoặc dựa trên cơ sở trung bình cộng lợi nhuận của ba năm qua.

Theo uỷ ban trọng tài, mặc dù trên thực tế số lượng hàng bán ra trong năm trước có tăng lên nhưng điều này không thể sử dụng để xác định thiệt hại vì thị trường mua bán ô tô luôn luôn biến động về cung cầu. Do đó các trọng tài viên đã chọn phương pháp thứ hai do Nguyên đơn đưa ra. Họ đã tính lợi nhuận ròng trung bình thu được trong ba năm qua là khoảng 150.000 bảng Libăng một năm. Mặc dù Nguyên đơn đã tính toán thiệt hại của mình trên cơ sở lợi nhuận hai năm bị tổn thất, các trọng tài viên đã quyết định cho Nguyên đơn chỉ được hưởng một năm đền bù tổn thất do bản thân Nguyên đơn cũng thừa nhận về phần mình có gặp phải một số khó khăn.

PHÁN QUYẾT SỐ 42

TRANH CHẤP TRONG HỢP ĐỒNG PHÂN PHỐI THIẾT BỊ

Các bên:

Nguyên đơn         : Nhà xuất khẩu Mĩ

Bị đơn                  : Nhà phân phối Ac-hen-ti-na

Các vấn đề được đề cập:

- Hợp đồng phân phối hàng hoá

- Phán quyết bộ phận

- Chọn luật thực chất và hợp đồng không đàm phán (adhesion contract)

- Chấm dứt hợp đồng

- Rút lại quyết định chấm dứt hợp đồng

- Quan hệ trước khi ký kết hợp đồng

- Giảm thiểu thiệt hại

Tóm tắt vụ việc:

Trong Hợp đồng phân phối hàng hoá quốc tế (sau đây gọi là Hợp đồng) ký ngày 8 tháng 8 năm 1979, Nguyên đơn đã chỉ định Bị đơn làm nhà phân phối thiết bị của mình ở Ac-hen-ti-na.

Điều 15 của Hợp đồng quy định khi có tranh chấp hoặc bất đồng xảy ra giữa các bên mà không thể dàn xếp thông qua thương lượng thì các bên sẽ đưa ra trọng tài theo các quy tắc của Phòng thương mại quốc tế (ICC). Nơi xét xử trọng tài (như đã sửa đổi ngày 31 tháng 8 năm 1979) là Trinidad và Tobago, West Indies.

Hợp đồng sẽ tự động chấm dứt sau hai năm nhưng có thể gia hạn Hợp đồng bằng một văn bản thoả thuận giữa hai bên. Hợp đồng đã hết hạn vào ngày 8 tháng 8 năm 1981.

Tuy nhiên, Nguyên đơn và Bị đơn đã ký các thoả thuận gia hạn hợp đồng ngắn hạn và vì vậy, cả hai bên tiếp tục thực hiện Hợp đồng.

Ngày 9 tháng 3 năm 1983, Nguyên đơn đã thông báo cho Bị đơn là Nguyên đơn đang trong quá trình soạn thảo một Hợp đồng phân phối hàng hoá quốc tế mới và chỉ còn vài tháng nữa Hợp đồng mới này sẽ hoàn thành. Do đó, Nguyên đơn quyết định gia hạn Hợp đồng đang thực hiện thêm hai tháng tính từ thời điểm Nguyên đơn đưa Hợp đồng mới cho Bị đơn để Bị đơn có đủ thời gian để xem xét Hợp đồng mới này. Nhưng sau đó Nguyên đơn đã không gửi bản hợp đồng mới này.

Trong thời gian này ở Ac-hen-ti-na, sau cuộc tuyển cử, một đảng chính trị khác lên nắm quyền. Chính phủ mới dự định sẽ ban hành các chính sách hoàn toàn mới liên quan đến tye lệ nội địa hoá của hàng hoá. Vì vậy, Nguyên đơn và Bị đơn đã tiến hành một số cuộc thương lượng về vấn đề này và đây dần dần trở thành vấn đề chính đối với Nguyên đơn. Tháng 11 năm 1983, Nguyên đơn nhận thấy các quy định thương mại đối với hoạt động của Nguyên đơn ở Ac-hen-ti-na đã thay đổi và buộc Nguyên đơn phải có sản xuất thực tế ở Ac-hen-ti-na. Vì vậy, Nguyên đơn muốn chỉ định một công ty khác làm đối tác và nhà phân phối.

Ngày 2 tháng 12 năm 1983, Nguyên đơn đã gửi telex cho Bị đơn chính thức thông báo từ ngày 1 tháng 2 năm 1984 kết thúc bản hợp đồng đã được gia hạn liên tiếp. Cũng trong bản telex đó, Nguyên đơn đã thông báo cho Bị đơn là Nguyên đơn sẽ chọn một công ty Ac-hen-ti-na khác làm nhà phân phối.

Bị đơn phản đối bản telex của Nguyên đơn và thông báo cho Nguyên đơn nếu Nguyên đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng, Bị đơn sẽ kiện ra toà án của Ac-hen-ti-na. Nguyên đơn đề nghị nên cố gắng đàm phán và giải quyết một cách hữu nghị những thay đổi trong quan hệ thương mại giữa hai bên, đồng thời yêu cầu Bị đơn đến California để làm việc với Nguyên đơn. Sau đó, ngày 11 tháng 1 năm 1984 Nguyên đơn gửi một bản telex cho Bị đơn để huỷ bỏ bản telex thông báo chấm dứt hợp đồng ngày 2 tháng 12 năm 1983 nhằm "tạo điều kiện cho hai công ty đàm phán một bản hợp đồng liên quan đến việc tiếp tục các hoạt động của Nguyên đơn ở Ac-hen-ti-na". Tháng 2 năm 1984 Nguyên đơn và Bị đơn đã gặp nhau tại California, nhưng không giải quyết được bất đồng giữa hai bên.

Hai bên đã tiến hành một loạt các cuộc gặp, trao đổi qua thư và telex sau đó. Nhiều cách giải quyết đã được đưa ra nhằm rút dần các hoạt động hiện tại của Nguyên đơn ở Ac-hen-ti-na, nhưng Bị đơn đã bác các đề nghị của Nguyên đơn và yêu cầu bồi thường do Nguyên đơn đã đơn phương vi phạm Hợp đồng.

Trong bản telex ngày 29 tháng 3 năm 1984, Nguyên đơn chính thức đề nghị gia hạn Hợp đồng thêm hai năm với các điều khoản và điều kiện tương tự như bản Hợp đồng gốc kể từ ngày Bị đơn chấp thuận sự gia hạn. Nhưng trong bản telex ngày 4 tháng 4 năm 1984, Bị đơn đã bác đề nghị của Nguyên đơn và cho rằng Nguyên đơn đã tự ý chấm dứt quan hệ giữa hai bên vào ngày 2 tháng 12 năm 1983.

Ngày 16 tháng 5 năm 1984 Bị đơn đã ký hợp đồng phân phối độc quyền với một công ty Pháp, đối thủ cạnh tranh của Nguyên đơn. Đổi lại, Nguyên đơn đã ký hợp đồng phân phối độc quyền với một công ty Ac-hen-ti-na khác vào tháng 4 năm 1985.

Tháng 8 năm 1984 Nguyên đơn nộp yêu cầu xét xử trọng tài cho ICC, và muốn có một phán quyết trọng tài "tuyên bố Hợp đồng đã được chấm dứt hợp lệ" và "cấm Bị đơn khởi kiện ở Ac-hen-ti-na".

Bị đơn đã kiện lại đòi bồi thường thiệt hại 19.000.000 USD liên quan đến các thiệt hại về:

- Dự trữ phụ tùng thiết bị

- Thiết bị thuộc sở hữu của Bị đơn và thiết bị cho người khác thuê

- Các hợp đồng cho thuê thiết bị

- Hợp đồng bảo dưỡng thiết bị

- Tổn thất liên quan đến việc bán phụ tùng nâng cấp thiết bị đã được lắp đặt

- Tổn thất hợp đồng trong quá trình thực hiện

- Lợi nhuận bị giảm do mất thị phần trong tương lai

- Chi phí đi lại

Ngày 26 tháng 11 năm 1985, các bên và các trọng tài viên đã ký Văn bản về thẩm quyền của trọng tài. Các vấn đề sẽ được giải quyết bằng trọng tài là:

Khiếu kiện của Nguyên đơn:

(1) - Bản telex Nguyên đơn gửi cho Bị đơn ngày 2 tháng 12 năm 1983 trong đó Nguyên đơn thông báo cho Bị đơn ý định (hoặc quyết định) chấm dứt Hợp đồng từ ngày 1 tháng 2 năm 1984 có phải là chấm dứt bất hợp pháp (vi phạm nghiêm trọng) Hợp đồng và những bản gia hạn hợp đồng mà hai bên đã thoả thuận không?

(2) - Giả sử rằng bản telex ngày 2 tháng 12 năm 1983 đã vi phạm nghiêm trọng Hợp đồng thì liệu bản telex ngày 11 tháng 1 năm 1984 của Nguyên đơn (Bị đơn đã trả lời bản telex này bằng bản telex ngày 19 tháng 1 năm 1984) có được coi là rút lại hợp pháp yêu cầu chấm dứt hợp đồng nói trên không?

(3) - Đề nghị của Nguyên đơn ngày 29 tháng 3 năm 1984 (gia hạn Hợp đồng thêm hai năm với các điều khoản và điều kiện giống như Hợp đồng gốc) cùng với bản telex ngày 4 tháng 4 năm 1984 của Bị đơn (trong đó Bị đơn phản đối đề nghị của Nguyên đơn với lý do đề nghị đó được đưa ra một cách thiếu thiện chí) có chấm dứt quan hệ thương mại giữa hai bên và giải phóng Nguyên đơn khỏi các trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Bị đơn không?

(4) - Việc Nguyên đơn ký kết hợp đồng với một công ty Ac-hen-ti-na khác hoặc Bị đơn ký kết hợp đồng với một công ty Pháp, hoặc các hoạt động hay ký kết hợp đồng của Nguyên đơn và Bị đơn với các công ty khác có phải là sự vi phạm nghĩa vụ của một bên với bên kia trong hợp đồng hay không?

Khiếu kiện lại của Bị đơn:

(5) - Bị đơn có quyền đòi Nguyên đơn bồi thường các thiệt hại và tổn thất không ?

(6) - Nếu cho rằng Bị đơn sẽ được bồi thường, liệu Bị đơn có quyền nhận toàn bộ số tiền yêu cầu không? Hoặc liệu số tiền bồi thường đó có phải điều chỉnh theo những lời bào chữa của Nguyên đơn hay không?

Phí trọng tài:

(7) - Bên nào sẽ chịu phí trọng tài và các chi phí pháp lý? Nếu cả hai bên đều phải chịu phí trọng tài và các chi phí pháp lý thì tỷ lệ phân chia cho các bên sẽ như thế nào?

Trong bản biện hộ ngày 16 tháng 1 năm 1986, Bị đơn đã điều chỉnh lại số tiền đòi bồi thường là 27.500.000 USD.

Phán quyết của trọng tài:

1. Quyền của Uỷ ban trọng tài được ban hành phán quyết bộ phận:

Điều 21 Quy tắc thủ tục của ICC phân biệt giữa phán quyết bộ phận và phán quyết cuối cùng. Rõ ràng, Uỷ ban trọng tài có thể đưa ra quyết định sơ bộ về các nghĩa vụ trước khi giải quyết các vấn đề khác đòi hỏi thời gian lâu hơn. Trong một số trường hợp, việc ban hành phán quyết bộ phận có thể đẩy nhanh thủ tục tố tụng do đã giới hạn được các vấn đề cần giải quyết nhưng không tước đi quyền của các bên được trình bày các chứng cứ và lập luận về tất cả các vấn đề có liên quan.

Trong vụ này, Nguyên đơn khiếu kiện là Nguyên đơn đã chấm dứt hợp lệ Hợp đồng và vì vậy, không phải chịu trách nhiệm với Bị đơn. Nhưng khiếu kiện đòi bồi thường thiệt hại của Bị đơn lại dựa trên sự tồn tại của trách nhiệm đó. Các trọng tài viên tin rằng hoàn toàn có thể quyết định vấn đề trách nhiệm của Nguyên đơn đối với Bị đơn trước khi đi vào phân tích số tiền Bị đơn đòi bồi thường trong đơn kiện lại.

Điều này có nghĩa là bốn vấn đề đầu tiên trong Văn bản xác định thẩm quyền của trọng tài  nên được giải quyết trước khi xem xét ba vấn đề còn lại về khiếu kiện lại của Bị đơn và phí trọng tài.

Mặc dù, Bị đơn phản đối ban hành phán quyết bộ phận, các trọng tài viên cho rằng sự phản đối của Bị đơn là không hợp lý. Uỷ ban trọng tài cũng lưu ý Luật trọng tài của Trinidad và Tobago, nơi tiến hành tố tụng trọng tài, quy định các trọng tài viên có thể tuỳ ý ban hành phán quyết tạm thời (Bản phụ lục thứ nhất, Điều 10).

2. Áp dụng luật thực chất:

Điều 16 của Hợp đồng quy định Hợp đồng được giải thích và điều chỉnh bởi luật của bang California Mỹ. Tuy nhiên, để xác định luật áp dụng cho vụ tranh chấp này, Bị đơn yêu cầu phải coi Hợp đồng là hợp đồng không đàm phán nhưng Nguyên đơn không đồng ý như vậy. Bị đơn còn lập luận rằng Uỷ ban trọng tài không nên quá coi trọng điều khoản chọn luật áp dụng trong Hợp đồng, vì các điều khoản của luật California không có lợi cho Bị đơn bằng các điều khoản của luật Ac-hen-ti-na, luật mà lẽ ra đương nhiên điều chỉnh quan hệ hợp đồng giữa hai bên bởi đây là luật của nơi thực hiện hợp đồng.

Tuy nhiên, Nguyên đơn luôn nhấn mạnh rằng luật thực chất của bang California được áp dụng khi thực hiện Hợp đồng hoặc khi có vi phạm Hợp đồng vì luật này đã được chính các bên trong Hợp đồng lựa chọn và Hợp đồng này không thể coi là một hợp đồng không đàm phán

.

Quan điểm thống nhất của các trọng tài viên là: luật điều chỉnh hợp đồng (tức luật áp dụng để xác định liệu Hợp đồng phân phối hàng hoá quốc tế có phải là hợp đồng không đàm phánkhông và liệu điều khoản lựa chọn luật trong Hợp đồng có hiệu lực không) trong vụ việc này sẽ là luật California, luật do các bên lựa chọn, nếu việc lựa chọn này là có giá trị.

Thực tế, theo cả luật California và luật Ac-hen-ti-na, Nguyên đơn và Bị đơn đều được coi là các đối tác thương mại. Khi tham gia ký kết hợp đồng cũng như khi cùng nhau giải quyết các bất đồng, cả hai bên đã hành động với tư cách là đối tác thương mại của nhau. Các chứng cứ cho thấy rằng cả hai bên đều có đủ năng lực pháp lý để tiến hành các hành vi thương mại của mình.

Chắc chắn, Bị đơn không thể coi mình là người tiêu dùng (người sử dụng dịch vụ). "Một công ty danh tiếng nhất trên thị trường" Ac-hen-ti-na không thể được coi là "người tiêu dùng". Hơn nữa, hợp đồng không thể coi là một hợp đồng mẫu được in cố định do Nguyên đơn soạn thảo và được đưa cho Bị đơn để xem xét trên cơ sở "chấp thuận hoặc không chấp thuận toàn bộ hợp đồng" (tức chấp thuận hoặc không chấp thuận chứ không có quyền sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng - đây là tính chất đặc trưng của hợp đồng không đàm phán).

Trên thực tế, vụ việc không đơn giản như vậy. Bị đơn không lập luận rằng Nguyên đơn có sự độc quyền, hoặc rằng tất cả các nhà sản xuất trong lĩnh vực cụ thể này đã sử dụng mẫu hợp đồng chuẩn thống nhất. Bị đơn thậm chí không lập luận rằng mình đã buộc phải chấp nhận mẫu hợp đồng chuẩn do Nguyên đơn đưa ra. Tất nhiên, các trọng tài viên không cho rằng ở đây có sự công bằng tuyệt đối giữa hai bên hoặc luôn dễ dàng để vạch ra ranh giới rõ ràng giữa miễn cưỡng chấp thuận và thiếu tự nguyện. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Uỷ ban trọng tài nhận thấy rằng khi hợp đồng đã có hiệu lực các bên không có sự phản đối điều khoản chọn luật áp dụng trong hợp đồng cũng như toàn bộ Hợp đồng.

Hơn nữa, các chứng cứ cho thấy rằng Bị đơn đã có cơ hội để thảo luận và thương lượng các điều khoản Hợp đồng. Việc nơi xét xử trọng tài đã chuyển từ Luân-đôn về Trinidad theo yêu cầu của Bị đơn đã cho thấy rõ ràng là ở một chừng mực nhất định, các điều kiện của hợp đồng đã được các bên thương lượng một cách có hiệu quả.

Ngoài ra, Bị đơn đã không chứng minh được rằng sự lựa chọn luật California sẽ mang lại những kết quả pháp lý không công bằng. Bằng chứng là Bị đơn tiếp tục dựa vào các án lệ của California khi mà điều này có lợi hơn cho khiếu kiện của Bị đơn. Vì vậy, các trọng tài viên không cho rằng Bị đơn đã phải chấp thuận một điều khoản lựa chọn luật vô lý vì lý do đây là hợp đồng không đàm phán nên Bị đơn thực tế đã không được lựa chọn gì.

Uỷ ban trọng tài kết luận: theo luật California mà cả hai bên viện dẫn trong vụ kiện này, Hợp đồng phân phối hàng hoá quốc tế ký kết giữa các bên là một hợp đồng chuẩn quốc tế chứ không phải là một hợp đồng không đàm phán.

Không tính đến vấn đề hợp đồng không đàm phán, Uỷ ban trọng tài cho rằng điều khoản lựa chọn luật California có hiệu lực không những chỉ theo luật California mà còn theo Luật xung đột, Luật tư pháp quốc tế Argentina và luật Trinidad và Tobago.

Mục 16 của Hợp đồng quy định: "Hợp đồng này được giải thích và sẽ được điều chỉnh bởi luật của bang California, Mĩ."

Uỷ ban trọng tài trong vụ Công ty TNHH Empresa de Viacao Aerea Rio Grandense (Vairig Airlines) kiện Công ty Boeing hợp đồng đã đi đến quyết định rằng: một khi các bên đã có thoả thuận lựa chọn luật của một quốc gia để áp dụng cho hợp đồng thì có nghĩa là các bên đã chọn luật thực chất của quốc gia đó trừ hai ngoại lệ sau: (1) khi quốc gia được chọn không có mối quan hệ gì lớn với hợp đồng đó hoặc với các bên trong hợp đồng, hoặc (2) khi việc áp dụng luật của nước đó sẽ đi ngược lại chính sách cơ bản của chính nước này.

Trong vụ này, rõ ràng là Hợp đồng có quan hệ thực tế với ít nhất một trong các bên trong hợp đồng và không bên nào khiếu kiện rằng luật thực chất California đi ngược lại chính sách cơ bản hoặc nguyên tắc của các luật có thể được áp dụng cho hợp đồng, thậm chí ngay cả khi luật Ac-hen-ti-na là luật áp dụng. Ít nhất, Uỷ ban trọng tài không thấy Bị đơn đưa ra những lập luận về điều này. Thực tế, luật được chọn có quy định sự bảo hộ hợp lý cho nhà phân phối.

Như vậy, vụ việc này không rơi vào bất kỳ ngoại lệ nào trong số hai ngoại lệ để không áp dụng luật thực chất California.

3. Chấm dứt bất hợp pháp hợp đồng:

Để quyết định xem liệu Nguyên đơn có vi phạm nghiêm trọng hợp đồng với Bị đơn hay không khi Nguyên đơn thông báo chấm dứt hợp đồng phân phối hàng hoá bằng telex ngày 2 tháng 12 năm 1983, Uỷ ban trọng tài phải phân tích quan hệ pháp lý giữa các bên vào thời điểm đó, đặc biệt theo thư Nguyên đơn gửi Bị đơn ngày 9 tháng 3 năm 1983.

Theo Uỷ ban trọng tài, Hợp đồng phân phối hàng hoá gốc giữa các bên ký ngày 8 tháng 8 năm 1979 đã hết hạn sau hai năm, vào ngày 8 tháng 8 năm 1981. Sau đó, Hợp đồng đã được gia hạn năm lần trong những khoảng thời gian ngắn hơn, lần gia hạn cuối cùng là thêm hai tháng và kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1983. Uỷ ban trọng tài cho rằng trong tất cả các lần gia hạn hợp đồng thì ngoài thời hạn hợp đồng, tất cả các điều khoản của hợp đồng gốc đều được giữ lại. Trong số những điều khoản của hợp đồng được giữ lại đó có (1) điều khoản quy định Hợp đồng sẽ tự động chấm dứt khi thời hạn hợp đồng kết thúc, tuỳ thuộc vào khoảng thời gian gia hạn được lập bằng văn bản thoả thuận giữa hai bên (Đoạn 2.a, Hợp đồng), và (2) các điều khoản quy định một bên có thể chấm dứt hợp đồng bằng một bản thông báo trước 30 ngày cho bên kia nếu bên kia vi phạm hợp đồng (một trong bốn trường hợp vi phạm nêu trong Hợp đồng) (Đoạn 2.b, Hợp đồng). Uỷ ban trọng tài xét thấy Nguyên đơn không kiện việc chấm dứt hợp đồng phân phối do Bị đơn vi phạm hợp đồng, nên việc chấm dứt hợp đồng của Nguyên đơn không thể dựa trên Đoạn 2.b.

Trong năm 1982 và 1983, Bị đơn đã đồng ý gia hạn hợp đồng ngắn hạn và tìm kiếm từ Nguyên đơn sự bảo đảm cho một quan hệ lâu dài. Cuối cùng, khi Bị đơn đến văn phòng của Nguyên đơn ở California và theo yêu cầu của Bị đơn, Nguyên đơn đã đưa cho Bị đơn một văn bản đề ngày 9 tháng 3 năm 1983, đây là chi tiết rất quan trọng trong vụ này. Theo văn bản đó, Nguyên đơn sẽ gia hạn hợp đồng thêm hai tháng sau khi Nguyên đơn đưa cho Bị đơn bản Hợp đồng phân phối quốc tế mới mà Nguyên đơn nói rằng đang trong quá trình chuẩn bị để nâng cấp quan hệ phân phối quốc tế lên một cơ sở pháp lý mới.

Vì vậy, với thời hạn hai tháng gia hạn hợp đồng lần cuối cùng kết thúc vào 30 tháng 4 năm 1983, Nguyên đơn đã gia hạn hợp đồng trong một khoảng thời gian không hạn định, hợp đồng được gia hạn thêm hai tháng sau một thời điểm không xác định, tức là khi Bị đơn nhận được bản hợp đồng phân phối quốc tế mới. Dù có quan điểm khác nhau về cách diễn đạt trên, các bên hoàn toàn chấp thuận rằng văn thư ngày 9 tháng 3 năm 1983 là cơ sở của việc gia hạn hợp đồng. Tuy nhiên, các bên không thống nhất quan điểm về hiệu lực pháp lý của nội dung văn thư này liên quan đến việc cung cấp bản hợp đồng mới của Nguyên đơn và thời gian trả lời hai tháng dành cho Bị đơn.

Mặt khác, mặc dù trong văn thư nói trên Nguyên đơn có đưa ra các mốc thời gian liên quan đến quan hệ tương lai của các bên, Uỷ ban trọng tài không cho rằng với văn thư ngày 9 tháng 3 năm 1983 Nguyên đơn đã cam kết không chấm dứt hợp đồng hiện tại nếu không đưa trước bản hợp đồng phân phối quốc tế mới để Bị đơn xem xét. Trước hết, quan hệ pháp lý giữa các bên ngày 9 tháng 3 năm 1983 về cơ bản là trên cơ sở hợp đồng không thời hạn, mà theo luật California các bên có quyền chấm dứt hợp đồng không thời hạn, miễn là hợp đồng đã thực hiện được một khoảng thời gian hợp lý và bên muốn chấm dứt hợp đồng phải thông báo về việc này cho bên kia trước một khoảng thời gian hợp lý. Hơn nữa, theo luật California một bên có quyền chấm dứt hợp đồng mà không cần phải đưa ra lý do trừ khi các bên có thoả thuận khác.

Trên cơ sở những lần gia hạn hợp đồng ngắn hạn và theo án lệ của California, Uỷ ban trọng tài cho rằng Nguyên đơn vào ngày 9 tháng 3 năm 1983 đã gia hạn Hợp đồng vô thời hạn. Theo lập luận này, Nguyên đơn có quyền chấm dứt hợp đồng này trên cơ sở thông báo trước hai tháng cho Bị đơn về quyết định chấm dứt hợp đồng.

Tuy nhiên, trong vụ việc này, hợp đồng không chỉ đơn giản được gia hạn một khoảng thời gian không hạn định, mà về hình thức, hợp đồng gia hạn để có thời gian chuẩn bị cho một hợp đồng phân phối mới giữa các bên. Và đây là một chi tiết hết sức quan trọng trong vụ việc này. Tuy nhiên, các bên cần biết rằng các điều kiện thực hiện của hợp đồng không thời hạn về cơ bản dễ bị thay đổi. Trong vụ này, Bị đơn đã biết Nguyên đơn rất cần đối tác ở Ac-hen-ti-na; vào cuối năm 1983, Bị đơn cũng biết được các điều kiện hạn chế mới mà Nguyên đơn đặt ra cho Bị đơn với tư cách là một đối tác giúp Nguyên đơn thâm nhập thị trường. Ngoài ra, các điều khoản mới của hợp đồng phân phối hàng hoá mới  trong đó đặc biệt là các điều khoản liên quan đến các điều kiện thực hiện hợp đồng, thời hạn,... đã không được xác định rõ.  Điều này cho thấy giữa các bên chưa hề đạt được một thoả thuận nào về các điều kiện này cũng như chưa hề bàn bạc cụ thể trước ngày 9 tháng 3 năm 1983 hoặc vào bất kỳ thời điểm nào trước khi thông báo chấm dứt hợp đồng vào tháng 12.

Sự không rõ ràng này, thể hiện trong khái niệm mơ hồ về "giai đoạn thứ hai" phát triển thị trường Ac-hen-ti-na, không thể bị bỏ qua khi xác định tầm quan trọng và tác động pháp lý của hợp đồng phân phối mới. Theo luật California, các hợp đồng chờ chấp thuận của các bên không phải là các hợp đồng có giá trị thi hành. "Nếu một hợp đồng không đủ rõ ràng để toà án có thể giải thích chính xác hoặc nếu một điều khoản chính của hợp đồng tương lai bị bảo lưu thì hợp đồng này không làm phát sinh các nghĩa vụ pháp lý đối với các bên" (Phán quyết trọng tài trong vụ Công ty cho thuê Thiết bị Transamerica kiện Ngân hàng Union, vụ Công ty White Point kiện Herrington)

Từ các căn cứ nêu trên, Uỷ ban trọng tài kết luận Nguyên đơn không bị mất quyền chấm dứt hợp đồng cho dù Nguyên đơn không đưa bản hợp đồng mới cho Bị đơn. Nếu Uỷ ban trọng tài quyết định khác thì Nguyên đơn, để giải quyết những khó khăn do có thay đổi hoàn cảnh trong quá trình thực hiện hợp đồng vô thời hạn, sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đưa vào bản hợp đồng mới những điều khoản mà Bị đơn không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, đây chưa phải là kết luận cuối cùng của uỷ ban trọng tài về vấn đề này. Uỷ ban trọng tài thấy rằng tuyên bố rõ ràng của Nguyên đơn trong văn thư ngày 9 tháng 3 năm 1983 về bản hợp đồng mới cùng với một loạt các tuyên bố rõ ràng hoặc ngụ ý của Nguyên đơn trong năm 1982 và 1983 về quan hệ tương lai giữa Nguyên đơn và Bị đơn đã khiến Bị đơn hy vọng về triển vọng một quan hệ lâu dài. Trong hoàn cảnh này, quyền tự do đơn phương chấm dứt quan hệ hợp đồng của Nguyên đơn không còn ở mức độ tuyệt đối như trước khi các tuyên bố trên chưa được đưa ra. Uỷ ban trọng tài thấy việc Nguyên đơn chấm dứt hợp đồng là quá bất ngờ. Nguyên nhân chủ yếu của việc chấm dứt hợp đồng từ phía Nguyên đơn là những thay đổi trong chính sách kinh tế của đảng chính trị mới thắng cử ở Ac-hen-ti-na ngày 30 tháng 10 năm 1983. Nhưng rõ ràng là vào thời điểm tháng 11 hoặc 12 năm 1983 các chính sách mới của đảng thắng cử chưa thể thành hiện thực và vì thế động cơ thúc ép Nguyên đơn chấm dứt ngay hợp đồng chưa tồn tại.

Nguyên đơn lập luận rằng vào năm 1983 Bị đơn đã đưa ra rất nhiều các bằng chứng về sự bấp bênh trong quan hệ hiện tại và tương lai với Nguyên đơn. Thực tế hồ sơ vụ kiện cũng phản ánh sự bấp bênh đó và cũng có nhiều lời khai của các nhân chứng của cả hai bên về điều này. Các cuộc đàm phán của Bị đơn trong suốt thời gian này với công ty của Pháp, một đối thủ cạnh tranh của Nguyên đơn chính là bằng chứng của sự bấp bênh trong quan hệ giữa Bị đơn và Nguyên đơn. Tuy nhiên hồ sơ vụ kiện cũng cho thấy trong suốt thời gian đó Nguyên đơn vẫn khích lệ bằng văn bản và bằng lời với Bị đơn về triển vọng tiếp tục hợp tác giữa hai bên. Như vậy, ở đây có cả những yếu tố khẳng định và phủ định việc bản thân Bị đơn nhận thức được về khả năng Nguyên đơn sẽ chấm dứt hợp đồng. Uỷ ban trọng tài nhận định rằng vào ngày 9 tháng 3 năm 1983 và sau đó, các yếu tố phủ định có vẻ có ưu thế hơn (nói một cách khác, lý do để Bị đơn tin tưởng là Nguyên đơn vẫn tiếp tục hợp đồng với mình chiếm ưu thế hơn), do đó bác lập luận của Nguyên đơn rằng trong trường hợp này không cần phải thông báo trước cho Bị đơn về việc chấm dứt hợp đồng vì Bị đơn đã biết rõ về khả năng này

Luật áp dụng để giải quyết vấn đề này là luật California. Như đã đề cập ở trên, mặc dù về nguyên tắc luật California không bắt buộc các bên phải thực hiện các nghĩa vụ nêu tại các hợp đồng chưa được các bên chấp thuận chính thức, nhưng luật này cũng đồng thời qui định nghĩa vụ hành động của các bên phải một cách thiện chí cho dù hợp đồng chưa chính thức ký kết. Trong vụ này, nghĩa vụ thiện chí của Nguyên đơn đối với Bị đơn đòi hỏi Nguyên đơn phải thông báo chấm dứt hợp đồng trước một khoảng thời gian nhiều hơn là Nguyên đơn đã làm trên thực tế.

Tóm lại, vì những lý do nói trên, Uỷ ban trọng tài cho rằng thông báo hai tháng trước khi chấm dứt hợp đồng là quá ngắn và vì vậy, hợp đồng đã bị chấm dứt một cách đột ngột. Do đó, việc chấm dứt hợp đồng và các hợp đồng đã gia hạn của Nguyên đơn là trái pháp luật.

4. Rút lại quyết định chấm dứt hợp đồng:

Luật thương mại California Mục 2-611(1) quy định trước khi kết thúc thời hạn thực hiện nghĩa vụ của bên muốn chấm dứt hợp đồng, bên muốn chấm dứt hợp đồng có thể rút lại quyết định chấm dứt hợp đồng của mình, với điều kiện là bên kia không phản đối việc tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc không coi quyết định chấm dứt hợp đồng đó là quyết định cuối cùng. Các toà án California, trong một số vụ việc, đã cho rằng bên quyết định chấm dứt hợp đồng sẽ không bị coi là vi phạm hợp đồng nữa nếu sau đó bên này rút lại quyết định huỷ bỏ hợp đồng. Vì vậy, Nguyên đơn lập luận là với bản telex ngày 11 tháng 1 năm 1984, Nguyên đơn không còn bị coi là đã vi phạm hợp đồng do đơn phương chấm dứt hợp đồng nữa.

Tuy nhiên, cũng trong các án lệ nói trên, các toà án cũng nhấn mạnh là để rút lại quyết định chấm dứt hợp đồng một cách rõ ràng, bên muốn rút lại quyết định phải thể hiện ý định rõ ràng và không được đưa vào hợp đồng cũ các điều kiện mới. Bên đó phải khôi phục lại quan hệ pháp lý như trước khi nó bị vi phạm hợp đồng. Bản telex ngày 11 tháng 1 năm 1984 của Nguyên đơn thực tế không đề cập đến việc khôi phục hợp đồng phân phối; ngược lại, nó lại được chú thích là "Đàm phán để giải quyết quan hệ hiện tại giữa Nguyên đơn và Bị đơn". Uỷ ban trọng tài nhận thấy bản telex này giống một lời đề nghị đàm phán nhằm rút dần quan hệ với Bị đơn hơn là để khôi phục lại quan hệ trước đó.

Như tuyên bố của Toà án tối cao California trong vụ Taylor, bên bị thiệt hại có thể lựa chọn nhiều cách giải quyết. Bên đó có thể coi việc chấm dứt hợp đồng là một sự vi phạm hợp đồng trước thời hạn và ngay lập tức đòi bồi thường cho sự vi phạm hợp đồng đó, ... hoặc bên đó có thể coi yêu cầu chấm dứt hợp đồng đơn giản chỉ là một sự đe doạ không mấy giá trị... . Theo ý kiến của uỷ ban trọng tài, văn bản trả lời ngày 19 tháng 1 năm 1984 của Bị đơn không thể coi là Bị đơn đã quyết định bỏ qua vi phạm này của Nguyên đơn. Bị đơn chỉ bày tỏ rõ nguyện vọng muốn đến California để tìm ra một giải pháp bảo vệ các quyền lợi của mình và để hai bên khỏi phải dẫn nhau ra toà.

Vì những lý do nêu trên, các trọng tài viên quyết định rằng bản telex ngày 11 tháng 1 năm 1984 của Nguyên đơn không được coi là sự sửa đổi hợp pháp vi phạm của Nguyên đơn do đơn phương chấm dứt hợp đồng.

5. Chấm dứt quan hệ thương mại:

Uỷ ban trọng tài cho rằng trong bản telex ngày 29 tháng 3 năm 1984 Nguyên đơn chính thức đề nghị Bị đơn gia hạn hợp đồng với các điều khoản và điều kiện tương tự như hợp đồng gốc thêm hai năm kể từ ngày Bị đơn chấp thuận. Đây là một đề nghị hợp lý và có thiện ý để tiếp tục thực hiện hợp đồng theo bản hợp đồng gốc.

Bị đơn không tiếp tục chấp thuận các điều khoản của hợp đồng gốc vì thời hạn của hợp đồng được Nguyên đơn đề nghị là hai năm chứ không phải là năm hay mười năm và hơn nữa, trong đó có những điều khoản đã làm tổn hại quan hệ giữa hai bên trong một năm rưỡi trước đó. Tuy nhiên, sau khi nhận được lời đề nghị, lẽ ra Bị đơn phải trình bày rõ tất cả các lý do phản đối các điều khoản đó, kể cả điều khoản về thời hạn hợp đồng vì như vậy sẽ buộc người đưa ra lời đề nghị phải xem xét sửa đổi đề nghị của mình. Nhưng Bị đơn đã đương nhiên coi lời đề nghị đó là hoàn toàn không thể chấp nhận và không có thiện ý, và vì lý do này Bị đơn đã bác lời đề nghị thông qua bản telex 2379 ngày 4 tháng 4 năm 1984. Theo quan điểm của các trọng tài viên, sự bác bỏ như vậy không có đủ cơ sở.

Tuy nhiên điều này cũng không giảm bớt trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Bị đơn từ phía Nguyên đơn. Uỷ ban trọng tài đã quyết định rằng Nguyên đơn đột ngột thông báo chấm dứt quan hệ hợp đồng cho Bị đơn ngày 2 tháng 12 năm 1983. Vì vậy, Bị đơn có quyền đòi bồi thường cho những tổn thất phát sinh mà bên đó có thể chứng minh được, nhưng chỉ xét những tổn thất phải gánh chịu cho đến khi Bị đơn vô lý bác đề nghị gia hạn hợp đồng của Nguyên đơn.

Nói cách khác, theo chương 2 của Bộ luật dân sự California (từ mục 1485 đến mục 1505 và đặc biệt là mục 1492), khi một bên trì hoãn thực hiện nghĩa vụ hoặc vi phạm hợp đồng bằng cách chấm dứt đột ngột hợp đồng, bên đó phải bồi thường tổn thất cho bên kia theo luật định.

Uỷ ban trọng tài thấy rằng phù hợp với mục 1492 của Bộ luật dân sự California việc trì hoãn thực hiện hợp đồng buộc một bên có thể phải bồi thường toàn bộ và đầy đủ các thiệt hại cho bên kia. Trong hợp đồng này, thời không phải là vấn đề cốt lõi đối với nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng:  một hợp đồng mà đã có hiệu lực hơn bốn năm và trở thành một hợp đồng vô thời hạn thì thời gian không còn là vấn đề quan trọng đối với hợp đồng.

Điều này hoàn toàn phù hợp với quy tắc luật California về giảm thiểu thiệt hại. Theo qui tắc này, Bị đơn phải giảm thiểu thiệt hại phát sinh từ việc Nguyên đơn đột ngột chấm dứt hợp đồng. Ít nhất, đề nghị của Nguyên đơn ngày 29 tháng 3 năm 1984 về gia hạn hợp đồng thêm hai năm đã tạo cho Bị đơn một cơ hội thích hợp để giảm thiểu thiệt hại. Uỷ ban trọng tài tin rằng sẽ không công bằng khi một bên từ chối cho bên kia cơ hội để sửa chữa sai lầm.

Các trọng tài viên không quyết định làm thế nào để đánh giá hoặc giảm thiểu thiệt hại gây ra bởi sự chấm dứt hợp đồng sai trái. Điều đó sẽ được giải quyết trong phán quyết cuối cùng khi Uỷ ban trọng tài dựa trên tất cả những chứng cứ để ra quyết định về vấn đề thứ năm và điểm thứ sáu trong số các vấn đề cần quyết định.

6. Ký kết hợp đồng với các đối thủ cạnh tranh (tiềm tàng):

Uỷ ban trọng tài đã tuyên bố luật California thừa nhận một nghĩa vụ ngầm định về thiện chí và công bằng khi giao kết hợp đồng và không làm tổn hại đến quyền lợi của bên kia nhằm đạt được lợi ích từ hợp đồng.

Từ các tài liệu và chứng cứ do các bên trình bày, các trọng tài viên nhận thấy Nguyên đơn và Bị đơn đã tiến hành giao dịch buôn bán và đàm phán không chính thức với các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng của bên kia. Nói một cách công bằng, không bên nào đã cư xử một cách thiện chí khi thực hiện các cuộc đàm phán và giao dịch đó.

Có thể thấy cả hai bên đều vi phạm nghĩa vụ về thiện chí. Nhưng Uỷ ban trọng tài không có ý định xem xét sự công bằng giữa các bên trong những giao dịch đó bởi vì không bên nào có các chứng cứ thuyết phục Uỷ ban trọng tài rằng việc làm sai trái của bên kia nghiêm trọng đến mức phải bồi thường.

Trong phán quyết bộ phận ban hành năm 1986, các trọng tài viên đã quyết định các vấn đề trên như sau:

- Thông báo chấm dứt hợp đồng của Nguyên đơn quá bất ngờ và vì thế bị coi là chấm dứt Hợp đồng bất hợp pháp.

- Bản telex ngày 11 tháng 1 năm 1982 của Nguyên đơn không có giá trị rút lại việc chấm dứt hợp đồng bất hợp pháp nói trên.

- Đề nghị ngày 24 tháng 3 năm 1984 của Nguyên đơn (gia hạn Hợp đồng với các điều khoản và điều kiện tương tự với Hợp đồng gốc) cùng với bản telex ngày 4 tháng 4 năm 1984 của Bị đơn (bác đề nghị của Nguyên đơn), chấm dứt quan hệ thương mại giữa hai bên, nhưng không làm cho Nguyên đơn thoát khỏi trách nhiệm phải bồi thường cho Bị đơn các thiệt hại và tổn thất phát sinh.

- Không có đủ chứng cứ chứng minh các bên ký kết hợp đồng với đối thủ cạnh tranh (tiềm tàng) của bên kia.

- Các vấn đề còn lại sẽ được quyết định trong phán quyết cuối cùng.

PHÁN QUYẾT SỐ 43

TRANH CHẤP VỀ THANH TOÁN TRONG

HỢP ĐỒNG LI-XĂNG

Các bên:

Nguyên đơn    : Công ty Pháp

Bị đơn : Công ty Mỹ

Các vấn đề được đề cập:

            - Hợp đồng cho phép sử dụng sáng chế

            - Hợp đồng tự động bị huỷ bỏ

            - Nghĩa vụ hạn chế thiệt hại

            - Đồng tiền thanh toán

Tóm tắt vụ việc:

Nguyên đơn (công ty Pháp) ký một Hợp đồng với Bị đơn (công ty Mỹ) theo đó Nguyên đơn nhượng quyền sử dụng tên và nhãn hiệu hàng hoá của mình trong ba năm cho Bị đơn, để sử dụng trên những sản phẩm do công ty này sản xuất và được tiêu thụ trong phạm vi lãnh thổ Mỹ. Thông thường theo phương thức hoạt động này, Bị đơn phải trả (sáu tháng một lần) các khoản phí tương đương với một số phần trăm nhất định của doanh thu và một khoản bảo đảm tối thiểu trong mọi trường hợp. Về điều này, Hợp đồng qui định rằng việc không thanh toán các khoản phí vào các ngày đáo hạn tương ứng sẽ dẫn đến việc Hợp đồng tự động bị huỷ bỏ và việc không tuân thủ một trong những điều khoản của hợp đồng bởi một trong các bên cũng dẫn đến những hậu quả tương tự, mà không làm ảnh hưởng đến quyền được bồi thường thiệt hại của bên kia.

Thực tế, Bị đơn chỉ thanh toán một khoản tiền bảo đảm tối thiểu theo hợp đồng trong năm đầu tiên và đã quyết định chấm dứt hợp đồng. Nguyên đơn kiện Bị đơn ra trọng tài tại Bruxelles, Bỉ, yêu cầu Bị đơn thanh toán khoản bảo đảm tối thiểu còn lại vào ngày đáo hạn theo quy định của hợp đồng trong khoảng thời gian hai năm.

Phán quyết của trọng tài:

Trọng tài viên bác yêu cầu trên của Nguyên đơn với các lý do sau:

-

Trên thực tế, khiếu nại này là trái với ý chí của các bên được biểu hiện trong hợp đồng và trái với tập quán và thực tiễn nói chung trong hoạt động thương mại và đặc biệt là trong quan hệ thương mại quốc tế;

- Các điều khoản hợp đồng nói trên là hoàn toàn rõ ràng và cụ thể và các điều khoản hợp đồng không bao gồm điều khoản hạn chế hay bảo lưu nào dù nhỏ nhất về tính hợp pháp và tự động của việc huỷ bỏ hợp đồng.

Từ các lý do trên, trọng tài quyết định Nguyên đơn không có quyền và căn cứ để khiếu nại đòi được trả những khoản phí theo hợp đồng sẽ đến hạn sau ngày huỷ bỏ hợp đồng.

Tuy  nhiên, Trọng tài viên cho rằng Nguyên đơn có quyền nhận được khoản đền bù thiệt hại do vi phạm hợp đồng, với điều kiện đã cố gắng hết sức mình nhằm giới hạn mức độ thiệt hại của vi phạm hợp đồng gây ra vì lý do:

-

Điều 10 của hợp đồng có quy định rõ ràng điều khoản bảo lưu về quyền được bồi thường này;

-

Khoản bồi thường được xác định là khoản bảo đảm tối thiểu đến ngày X, bởi vì Bị đơn đã có thư thông báo dự kiến khả năng tiếp tục quan hệ hợp đồng trong một khoảng thời gian xác định và do đó Nguyên đơn đã không tìm cách để đặt các quan hệ hợp đồng mới với một hoặc nhiều công ty khác ở Mỹ để thay thế cho quan hệ hợp đồng với Bị đơn. Triển vọng về đàm phán và bàn bạc với Bị đơn không còn kể từ ngày X. Kể từ ngày X, Nguyên đơn lẽ ra phải nỗ lực thiết lập những quan hệ mới nhằm bù đắp những thiệt hại gây ra do chấm dứt hợp đồng với Bị đơn; Nguyên đơn đã không đưa ra một bằng cớ nào dù nhỏ nhất về các nỗ lực này. Do đó, hoàn toàn hợp lý và công bằng khi cho rằng nếu như Nguyên đơn đã tiến hành những nỗ lực như vậy thì Nguyên đơn đã có thể giảm một nửa những thiệt hại gây ra do sự chấm dứt hợp đồng nói trên với Bị đơn.

Cuối cùng, vấn đề cần phải bàn bạc đồng tiền nào sẽ được chọn là đồng tiền thanh toán. Về vấn đề này, trọng tài viên đã tuyên bố như sau:

Xét rằng trong hợp đồng do hai bên ký kết, đồng đôla đã được sử dụng như đồng tiền thanh toán do vậy cũng phải là đồng tiền được sử dụng trong phán quyết, và thậm chí là đồng tiền sử dụng để bồi thường bởi vì khoản này nhằm đền bù những tổn thất trên thị trường Mỹ.

PHÁN QUYẾT SỐ 44

TRANH CHẤP VỀ VIỆC LỰA CHỌN LUẬT ÁP DỤNG TRONG HỢP ĐỒNG LI-XĂNG

Các bên:

Nguyên đơn    : Nhà sản xuất Mỹ

Bị đơn             : Người cho phép sử dụng bằng sáng chế Italia

Các vấn đề được đề cập:

- Luật áp dụng thực chất

-  Lex mercatoria

- Điều 13 Quy tắc của ICC

- Luật của nơi có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng

- Công ước Rôme 1980

- Áp dụng phối hợp các quy tắc luật xung đột

Tóm tắt vụ việc:

Bị đơn, người sở hữu bằng sáng chế và Nguyên đơn, nhà sản xuất Mỹ, đã ký một hợp đồng cho phép Nguyên đơn độc quyền sản xuất và bán các thiết bị ở Mỹ và Canađa dựa trên các bằng sáng chế và công nghệ của Bị đơn. Tranh chấp phát sinh khi Nguyên đơn tuyên bố Hợp đồng bị vi phạm và khởi kiện Bị đơn đòi bồi thường những thiệt hại phát sinh. Bị đơn không thừa nhận việc vi phạm hợp đồng với lý do là Nguyên đơn không trả tiền mua quyền sử dụng sáng chế khi chấm dứt hợp đồng. Bị đơn cũng kiện lại đòi bồi thường thiệt hại.

Các bên đã đưa tranh chấp ra trọng tài ICC. Văn bản xác định thẩm quyền của trọng tài quy định Uỷ ban trọng tài sẽ xác định luật thực chất áp dụng cho hợp đồng. Bị đơn yêu cầu áp dụng lex mercatoria, bao gồm các nguyên tắc chung của luật và tập quán; trong khi đó, Nguyên đơn yêu cầu áp dụng luật của Mỹ và đặc biệt là luật bang Massachusetts, đồng thời dẫn chiếu lex mercatoria nếu cần thiết. Do các bên không thoả thuận được với nhau, Uỷ ban trọng tài đã phải giải quyết vấn đề này bằng một phán quyết tạm thời.

Trong phán quyết tạm thời, Uỷ ban trọng tài đã quyết định áp dụng luật của Mĩ và luật bang Massachusett bởi đó là luật của nơi có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng.

Phán quyết của trọng tài:

Mục IX Văn bản xác định thẩm quyền của trọng tài quy định Uỷ ban trọng tài sẽ quyết định luật áp dụng thực chất cho vụ tranh chấp bằng một phán quyết tạm thời, giống như Điều 32 Công ước trọng tài liên bang Thuỵ Sỹ. Trong khi đó, đoạn 3 Điều 13 Quy tắc ICC quy định nếu các bên không chỉ ra được luật áp dụng thì Uỷ ban trọng tài sẽ xác định luật áp dụng bằng các quy tắc luật xung đột, và đoạn 5 Điều 13 quy định trong mọi trường hợp, Uỷ ban trọng tài phải xem xét cả các điều khoản hợp đồng và những tập quán thương mại liên quan.

Quy tắc ICC không buộc Uỷ ban trọng tài phải chọn quy tắc luật của nơi tiến hành tố tụng trọng tài, trong vụ này là các quy tắc luật xung đột của Thuỵ Sỹ.

Theo thông lệ xét xử trọng tài hiện nay của ICC, để xác định luật áp dụng cho vụ tranh chấp, uỷ ban trọng tài ICC có thể sử dụng phương pháp áp dụng tổng hợp các quy tắc luật xung đột của tất cả các quốc gia có liên quan đến tranh chấp.

Trong vụ này, các quốc gia liên quan đến tranh chấp là:

-

Thuỵ Sỹ, nơi tiến hành thủ tục tố tụng trọng tài

-

Hoa Kỳ nói chung và bang Massachusetts nói riêng, nước Nguyên đơn mang quốc tịch

-

Italia, nước Bị đơn mang quốc tịch.

Nếu Quy tắc luật xung đột của Mĩ được dùng để xác định luật áp dụng thì phải xem xét một số nhân tố sau khi xác định nơi có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng:

-

Nơi ký kết hợp đồng

-

Nơi đàm phán hợp đồng

-

Nơi thực hiện hợp đồng

-

Địa điểm của đối tượng thực hiện chính của hợp đồng

-

Nơi cư trú cố định, nơi cư trú thường xuyên, quốc tịch và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh của các bên.

Theo Quy tắc luật xung đột của Italia, luật áp dụng là luật của nơi ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, Italia đã phê chuẩn và thi hành Công ước EEC ngày 19 tháng 6 năm 1980 về luật áp dụng cho các nghĩa vụ hợp đồng. Công ước này công nhận nguyên tắc về luật của "nơi có mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng". Điều 4(2) Công ước EEC quy định nơi có "mối liên hệ mật thiết nhất" là nước cư trú thường xuyên của bên phải thực hiện "nghĩa vụ chính của hợp đồng". Tuy  nhiên, Điều 4(5) Công ước EEC quy định Điều 4(2) không áp dụng khi xét trên mọi khía cạnh, hợp đồng có mối liên hệ mật thiết nhất với một nước khác, không phải nơi cư trú thường xuyên của bên phải thực hiện nghĩa vụ chính của hợp đồng.

Quy tắc luật xung đột của Thuỵ Sỹ cũng thừa nhận việc áp dụng luật của nơi mối liên hệ mật thiết nhất với hợp đồng. Toà án Liên bang Thuỵ Sỹ đã cho rằng luật áp dụng là luật của nơi cư trú cố định hoặc nơi cư trú thường xuyên của người phải thực hiện nghĩa vụ chính của hợp đồng và trong hợp đồng này, về nguyên tắc thì nghĩa vụ chính là nghĩa vụ của bên phải thanh toán tiền mua quyền sử dụng sáng chế.

Bởi Hợp đồng này được xem là một thoả thuận cho phép sử dụng sáng chế và bí quyết sản xuất nên Nguyên đơn được quyền sử dụng ở Mĩ và Canađa các sáng chế tại Mĩ của Bị đơn và bí quyết sản xuất liên quan đến sáng chế này.

Mặc dù người phải thực hiện nghĩa vụ chính của Hợp đồng cư trú ở Italia, Hợp đồng lại có mối liên hệ mật thiết nhất với Mĩ, đặc biệt với bang Massachusetts vì Mĩ là nơi thực hiện và địa điểm của đối tượng thực hiện chính của hợp đồng (sáng chế).

Uỷ ban trọng tài cho rằng theo Quy tắc luật xung đột của Mĩ thì luật áp dụng cho vụ tranh chấp sẽ là luật Mĩ nói chung và luật bang Massachusetts nói riêng.

Trên cơ sở Công ước EEC và theo Quy tắc luật xung đột của Italia thì kết quả xác định luật áp dụng cũng tương tự .

Theo Quy tắc luật xung đột của Thuỵ Sỹ, Toà án Liên bang Thuỵ Sỹ đã xác định luật áp dụng cho Hợp đồng là luật của nơi cư trú cố định của người cho phép sử dụng bằng sáng chế bởi vì Toà án cho rằng đây là bên thực hiện nghĩa vụ chính của Hợp đồng. Cách xác định này cũng đã được Luật Liên bang mới của Thuỵ Sỹ về luật tư pháp quốc tế công nhận. Tuy nhiên, cách xác định này đã bị chỉ trích, bởi luật của nơi cư trú của người được quyền sử dụng sáng chế có thể bao gồm một số nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ. Trong các vụ việc trước đó, Toà án Liên bang Thuỵ Sỹ cũng đã áp dụng luật của nơi thực hiện nghĩa vụ chính của hợp đồng.

Trong vụ này, xem xét mọi khía cạnh thì thấy giải pháp chọn luật Mĩ và luật bang Massachusetts là luật áp dụng chắc chắn được Quy tắc luật xung đột của Thuỵ Sỹ thừa nhận. Vì vậy, dựa vào Điều 13(3) Quy tắc ICC, Uỷ ban trọng tài quyết định áp dụng luật của Mĩ và luật bang Massachusetts.

Mặt khác, Điều 13(5) Quy tắc ICC buộc Uỷ ban trọng tài phải xem xét cả các tập quán thương mại liên quan. Nguồn của lex mercatoria cũng là các tập quán thương mại và về cơ bản, lex mercatoria thường được áp dụng trong thương mại quốc tế.

Vì vậy, Uỷ ban trọng tài quyết định như sau:

1. Luật của Mĩ nói chung và luật bang Massachusetts nói riêng là luật áp dụng cho vụ tranh chấp và nếu cần thiết sẽ áp dụng cả lex merctoria.

2. Các chi phí, kể cả phí liên quan tới phán quyết tạm thời này sẽ được xác định trong phán quyết cuối cùng.

PHÁN QUYẾT SỐ 45

TRANH CHẤP TRONG HỢP ĐỒNG LI -XĂNG

VỀ MỘT HỢP CHẤT DƯỢC PHẨM

            Các bên:

Nguyên đơn    : Công ty sử dụng sáng chế

                        Bị đơn : Công ty cho phép sử dụng sáng chế Mỹ

            Các vấn đề được đề cập:

-

         Hợp đồng cho phép sử dụng sáng chế

-

         Bằng sáng chế hết thời hạn bảo hộ do lỗi của chủ sở hữu sáng chế và hậu quả (chấm dứt Hợp đồng sử dụng sáng chế)

-

         Quyền đòi bồi thường của người được phép sử dụng sáng chế

                Tóm tắt vụ việc:

Bị đơn (một công ty Mĩ) nộp đơn xin cấp bằng sáng chế số XX001 tại Pháp năm 1972 cho hợp chất XX1, phương pháp để sản xuất ra hợp chất này và các ứng dụng hợp chất này để sản xuất thuốc chữa bệnh. Đến năm 1976 thì Bị đơn chính thức được cấp bằng sáng chế.

Nguyên đơn (một công ty Pháp) và Bị đơn đã ký một Hợp đồng về quyền lựa chọn, theo đó Nguyên đơn trả cho Bị đơn thứ nhất 100.000 USD và được đặc quyền lựa chọn thực hiện một số quyền về sáng chế nhằm khai thác XX1 ở Pháp và một số nước khác.

Hợp đồng cho phép sử dụng sáng chế được Nguyên đơn và Bị đơn ký năm 1979, theo đó Bị đơn cấp cho Nguyên đơn giấy phép độc quyền sử dụng bằng sáng chế số XX001 để thiết kế sản phẩm (dưới các dạng khác nhau) từ hợp chất XX1 phù hợp với các chỉ dẫn của Bị đơn, sử dụng và bán sản phẩm đó ở Pháp và một giấy phép bán độc quyền (semi-exclusive) sử dụng và bán sản phẩm đó ở một số nước khác.

Theo Hợp đồng, Nguyên đơn cam kết chấp nhận chịu mọi chi phí tiến hành các nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng theo quy định để được đăng ký kinh doanh sản phẩm nói trên.

Hợp đồng quy định Hợp đồng sẽ có hiệu lực từ ngày ký cho đến ngày Bằng sáng chế số XX001 hết thời hạn bảo hộ. Theo luật của Pháp, thời hạn bảo hộ của một bằng sáng chế là 20 năm kể từ ngày nộp đơn xin cấp, vì vậy, thời hạn bảo hộ của bằng sáng chế số XX001 đến năm 1992 mới kết thúc.

Năm 1979, Nguyên đơn và Bị đơn cũng đã ký một hợp đồng cung cấp, theo đó Bị đơn thứ nhất đồng ý cung cấp cho Nguyên đơn hợp chất XX1 với một số điều kiện nhất định về chất lượng, giá cả, thanh toán, v.v... Hợp đồng cung cấp quy định Hợp đồng này sẽ còn hiệu lực chừng nào Hợp đồng cho phép sử dụng sáng chế vẫn còn hiệu lực.

Năm 1985, Nguyên đơn biết được rằng Bằng sáng chế số XX001 đã hết thời hạn bảo hộ từ năm 1980 do chủ sở hữu bằng sáng chế, Bị đơn, không đóng phí hàng năm theo quy định của Luật sáng chế Pháp.

Nguyên đơn đã kiện ra trọng tài đòi Bị đơn bồi thường:

- Số tiền Nguyên đơn đã thanh toán cho Bị đơn là 200.000 USD do Bị đơn vi phạm Hợp đồng, không đóng phí bảo hộ dẫn tới chấm dứt Hợp đồng (vì Hợp đồng có hiệu lực cho đến khi kết thúc thời hạn bảo hộ của bằng sáng chế) mà không hề thông báo gì cho Nguyên đơn.

- Các chi phí cho các cuộc thử nghiệm và nghiên cứu mà Nguyên đơn đã tiến hành trong suốt 6 năm (theo Nguyên đơn, việc nghiên cứu này kéo dài mà không đạt kết quả do Bị đơn cố tình cung cấp các thông tin sai lệch và mẫu không chính xác của hợp chất XX1)

- Một khoản tiền bồi thường cho các thiệt hại phát sinh, kể cả lợi nhuận bị tổn thất.

- Tiền lãi của các khoản tiền nói trên.

            Phán quyết của trọng tài:

1.

Về đơn phản đối thẩm quyền của trọng tài:

Bị đơn nộp đơn phản đối thẩm quyền của trọng tài và cho rằng vụ việc cần phải do một toà án dân sự Pháp xét xử hoặc ít nhất tố tụng trọng tài cũng phải hoãn lại cho đến khi vấn đề thẩm quyền của trọng tài được xác định chính xác. Đơn phản đối của Bị đơn dựa trên các căn cứ sau đây:

(i) Uỷ ban trọng tài đã vượt quá giới hạn thẩm quyền của mình khi ra quyết định yêu cầu các bên trình các tài liệu về việc bằng sáng chế hết thời hạn bảo hộ;

(ii) Quyết định nói trên của Uỷ ban trọng tài làm nảy sinh trong tố tụng trọng tài một vấn đề mới liên quan trực tiếp đến "thời hạn bảo hộ của bằng sáng chế", một vấn đề thuộc trật tự công cộng và chỉ thuộc thẩm quyền xét xử của các toà án dân sự Pháp;

            (iii) Ngoài ra, đề xuất sửa đổi nội dung bản tranh tụng của Bị đơn có viện dẫn đến bằng sáng chế bổ sung số YY002 (theo Bị đơn, bằng sáng chế YY002 cũng có nội dung bao hàm hợp chất XX1, vì thế dù bằng sáng chế XX001 có hết thời hạn bảo hộ thì Nguyên đơn vẫn không bị ảnh hưởng vì lý do bằng YY001 vẫn còn thời hạn bảo hộ tại Pháp). Vì giữa hai bên chưa có thoả thuận trọng tài đối với bằng sáng chế này nên trọng tài không có thẩm quyền xét xử.

Căn cứ vào nguyên tắc về quyền xác định thẩm quyền xét xử của chính mình (Điều 8(3) Qui tắc ICC), uỷ ban trọng tài đã quyết định bác đơn yêu cầu của Bị đơn và xác định rằng trọng tài có thẩm quyền trong vụ việc này với những lý do sau đây:

-

Trong vụ việc này các bên đều thừa nhận rằng bằng sáng chế số XX001 cho hợp chất XX1 đã hết hiệu lực từ năm 1980. Như vậy ở đây không có tranh chấp về thời hạn của bằng sáng chế và uỷ ban trọng tài không có trách nhiệm giải quyết vấn đề này. Do đó, uỷ ban trọng tài có thẩm quyền xét xử trong vụ việc này dù thời hạn của bằng sáng chế có phải là vấn đề thuộc trật tự công cộng và nằm trong phạm vi đặc quyền xét xử của các toà án dân sự Pháp hay không.

-

Các chứng cứ mà trọng tài yêu cầu (nhằm xác định xem việc bằng sáng chế hết thời hạn bảo hộ là do lỗi của Bị đơn hay chỉ là hệ quả của sự bất cần hoặc một sự kiện khác vượt quá tầm kiểm soát của Bị đơn) liên quan đến khiếu kiện của Nguyên đơn về hành vi gian lận của Bị đơn. Mà khiếu kiện này nằm trong phạm vi thẩm quyền xét xử của trọng tài. Vì thế, trọng tài hoàn toàn có thẩm quyền yêu cầu các bên trình bày các chứng cứ này.

-

Theo Điều 16 Qui tắc ICC, các bên trong tố tụng trọng tài chỉ có thể đưa ra các khiếu kiện mới hoặc bổ sung thêm các chi tiết cho khiếu kiện của mình nếu thoả mãn một trong hai điều kiện sau đây: thứ nhất, các bổ sung hoặc khiếu kiện mới này vẫn thuộc phạm vi của Văn bản về thẩm quyền xét xử của trọng tài; thứ hai, các bổ sung hoặc khiếu kiện mới này được tất cả các bên chấp thuận và được thông báo tới Toà Trọng tài ICC. Trong vụ việc này, bổ sung khiếu kiện của Bị đơn có liên quan đến YY001, bằng sáng chế không được qui định trong Văn bản thẩm quyền của uỷ ban trọng tài cũng không được các bên cùng chấp thuận. Ngoài ra, uỷ ban trọng tài cũng nhấn mạnh rằng tranh chấp giữa các bên không chỉ liên quan đến hợp chất XX1 mà quan trọng hơn là về những vi phạm hợp đồng. Vì vậy, trọng tài bác bổ sung khiếu nại mới này của Bị đơn và tuyên bố vẫn có thẩm quyền trong vụ việc này.

2. Về việc vi phạm hợp đồng của Bị đơn:

Về nguyên nhân của việc hết hạn bảo hộ của bằng sáng chế, sau khi xem xét các chứng cứ, uỷ ban trọng tài kết luận: bằng sáng chế hết thời hạn bảo hộ là do Bị đơn không đóng phí bảo hộ 90 USD/năm mặc dù đã nhận được đầy đủ các thông báo nộp phí.

Nguyên đơn cho rằng việc Bị đơn cố tình không đóng phí bảo hộ đã làm cho bằng sáng chế XX001 cho hợp chất XX1 hết thời hạn bảo hộ ở Pháp trước thời hạn dự kiến (năm 1992) và hệ quả là làm cho Hợp đồng giữa Nguyên đơn và Bị đơn tự động hết hiệu lực (do hiệu lực của Hợp đồng phụ thuộc vào thời hạn bảo hộ của bằng sáng chế). Do đó, Bị đơn đã vi phạm nghiêm trọng Hợp đồng.

Để chứng minh cho lập luận của mình, luật sư của Nguyên đơn viện dẫn trước Uỷ ban trọng tài quyết định của Toà Phúc thẩm Paris trong vụ Fridor vs. Exhenry (Paris, ngày 3 tháng 3 năm 1953). Trong vụ đó, người sở hữu bằng sáng chế không đóng phí hàng năm nên đã làm chấm dứt thời hạn bảo hộ của bằng sáng chế. Toà án cho rằng việc đóng phí hàng năm là trách nhiệm của chủ sở hữu sáng chế và nếu chủ sở hữu không làm như vậy, anh ta có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người sử dụng sáng chế.

Bị đơn lập luận: việc bằng sáng chế hợp chất XX1 hết thời hạn bảo hộ không ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của Nguyên đơn theo Hợp đồng sử dụng sáng chế, thậm chí Nguyên đơn tiếp tục hưởng lợi theo Hợp đồng cho phép sử dụng sáng chế, đặc biệt từ bằng sáng chế số YY002. Bị đơn cho rằng người cho phép sử dụng sáng chế chỉ có nghĩa vụ chuyển cho người sử dụng sáng chế thông tin đầy đủ về sáng chế và những cải tiến đã được phát hiện và bảo hộ trước khi ký hợp đồng cho phép sử dụng sáng chế.

(Trước khi giải quyết vấn đề này, Uỷ ban trọng tài nhắc lại rằng trong giai đoạn bắt đầu tố tụng trọng tài, Uỷ ban trọng tài đã quyết định là bằng sáng chế số YY002 không được đưa vào nội dung bản tranh tụng của các Bị đơn theo quy định tại Quy tắc ICC. Tuy nhiên, trong bản tranh tụng, luật sư của các Bị đơn vẫn đưa ra các lập luận dựa trên sự tồn tại của bằng sáng chế này. Do vậy, Uỷ ban trọng tài xem xét và quyết định về lập luận này của các Bị đơn)

Cũng trong vụ Frior, Toà án đã bác lập luận của người cho phép sử dụng bằng sáng chế rằng trên thực tế, người sử dụng bằng sáng chế vẫn tiếp tục giữ độc quyền sau khi bằng sáng chế hết thời hạn bảo hộ. Toà án kết luận nghĩa vụ cung cấp cho người sử dụng bằng sáng chế những kinh nghiệm và công nghệ liên quan không phải là một nhân tố độc lập có thể duy trì bằng sáng chế sau khi đối tượng chính của bằng sáng chế không còn nữa. Tuy nhiên, Toà án cho rằng các yếu tố thực tế sau khi thời hạn bảo hộ của bằng sáng chế cũng cần phải được lưu ý xem xét để xác định thiệt hại thực tế mà người sử dụng sáng chế đã phải chịu.

Do đó, trong vụ việc này, đối tượng của Hợp đồng đã không còn và bằng sáng chế YY001 không thể thay thế đương nhiên cho XX001. Hợp đồng sử dụng sáng chế đã chấm dứt, do vậy ngay cả khi Bị đơn thực sự có mang lại cho Nguyên đơn những lợi ích nhất định hay các tư vấn về kỹ thuật sau khi thời hạn bảo hộ bằng sáng chế đã kết thúc thì Bị đơn vẫn phải chịu trách nhiệm vì đã làm hợp đồng chấm dứt và phải bồi thường cho Nguyên đơn.

Uỷ ban trọng tài kết luận:

Hợp đồng cho phép sử dụng sáng chế đã chấm dứt khi bằng sáng chế hợp chất XX1 hết thời hạn bảo hộ. Vì Bị đơn phải chịu trách nhiệm cho việc bằng sáng chế chấm dứt thời gian bảo hộ trước thời hạn nên Bị đơn cũng chịu trách nhiệm đối với việc Hợp đồng chấm dứt trước thời hạn.

Uỷ ban trọng tài cũng thấy rằng hành vi của Bị đơn dẫn đến bằng sáng chế hết thời hạn bảo hộ và việc các Bị đơn không thông báo sự kiện này cho Nguyên đơn suốt 5 năm là một lỗi rất nặng, do đó Nguyên đơn có quyền đòi bồi thường tổn thất lợi nhuận mà đáng lẽ Nguyên đơn có thể được hưởng theo Hợp đồng này tính đến năm 1992. Uỷ ban trọng tài quyết định các Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn số lợi nhuận bị tổn thất là 37.365.173 FF.  

PHÁN QUYẾT SỐ 46

TRANH CHẤP TRONG HỢP ĐỒNG LI - XĂNG

VỀ CHAI ĐỰNG ĐỒ UỐNG NHẸ

            Các bên:

Nguyên đơn    : Chủ sở hữu bằng sáng chế Italia

                        Bị đơn             : Người sử dụng bằng sáng chế Italia

            Các vấn đề được đề cập:

-

Quyết định của cơ quan hành chính gia hạn miễn phí thời hạn bảo hộ bằng sáng chế

-

Thẩm quyền xét xử của trọng tài

            Tóm tắt vụ việc:

Nguyên đơn là chủ sở hữu sáng chế đã đăng ký ở Italia, có quyền sở hữu đầy đủ và được hưởng các lợi ích từ các sáng chế và ứng dụng sáng chế trong sản xuất chai nhựa polyethylene dùng để đựng đồ uống nhẹ có ga.

Năm 1979, Nguyên đơn và công ty X ký Hợp đồng cho phép sử dụng sáng chế chai đựng đồ uống nhẹ (chai SDK).

Ở Italia, loại chai SKD được cấp bằng sáng chế số .... Bằng sáng chế này được nêu trong Phụ lục A của Hợp đồng. Nguyên đơn cũng là chủ sở hữu của năm bằng sáng chế khác ở Italia (xem Phụ lục B của Hợp đồng) liên quan đến các loại chai SKD đặc biệt hoặc phương pháp sản xuất hoặc thiết bị sản xuất ra các loại chai này.

Năm 1984, với sự đồng ý của Nguyên đơn, công ty X đã chuyển nhượng Hợp đồng cho công ty con của mình, Bị đơn.

Năm 1985, Bị đơn gửi cho Nguyên đơn bản telex đề cập tới một Sắc lệnh của Chính phủ Italia ngày 22 tháng 6 năm 1979 đăng trong Công báo ngày 7 tháng 8 năm 1979 (sau đây gọi là Sắc lệnh).

Điều 4 của Sắc lệnh quy định tăng thời hạn bảo hộ của các bằng sáng chế ở Italia từ 15 năm lên 20 năm và Điều 84 quy định "những người được cho phép sử dụng sáng chế và những người đã đầu tư có hiệu quả và nghiêm túc để sử dụng sáng chế có quyền nhận một giấy phép không độc quyền bắt buộc (a non exclusive compulsory license) để sử dụng sáng chế miễn phí trong thời gian gia hạn thêm với điều kiện thời hạn bảo hộ của sáng chế sắp hết. Nếu bằng sáng chế chưa hết thời hạn bảo hộ thì không áp dụng quyền này."

Viện dẫn các điều khoản nói trên, Bị đơn đã thông báo cho Nguyên đơn rằng họ sẽ ngừng trả tiền mua quyền sử dụng sáng chế vào cuối năm 1985 bởi vì tính đến năm 1985 sáng chế đã đăng ký được 15 năm. Nguyên đơn phản đối và cho rằng Bị đơn không có quyền ngừng trả tiền mua quyền sử dụng sáng chế.

Qua bản telex ngày 3 tháng 7 năm 1986, Bị đơn đã yêu cầu Nguyên đơn cấp một giấy phép không độc quyền sử dụng bằng sáng chế miễn phí (a non exclusive free license) cho đến ngày 16 tháng 12 năm 1990. Bị đơn còn nhấn mạnh "nếu yêu cầu chính thức này không được chấp nhận trong vòng 15 ngày kể từ ngày hôm nay, Bị đơn có quyền nộp đơn cho Văn phòng sáng chế Italia để chính thức xin cấp giấy phép bắt buộc (a compulsory license) phù hợp với các điều khoản liên quan của Luật sáng chế Italia."

Theo yêu cầu của Bị đơn, Bộ Công nghiệp Italia ban hành một Quyết định cấp cho Bị đơn một giấy phép bắt buộc không độc quyền (a non exclusive compulsory license) sử dụng sáng chế miễn phí trong vòng 5 năm từ ngày 16 tháng 12 năm 1985 đến ngày 15 tháng 12 năm 1990.

Do Bị đơn từ chối thanh toán tiền mua quyền sử dụng sáng chế nên  Nguyên đơn đã kiện ra trọng tài đòi Bị đơn bồi thường thiệt hại hợp đồng và trả tất cả mọi khoản thanh toán theo Hợp đồng cho đến ngày bằng sáng chế hết thời hạn bảo hộ, đó là ngày 16 tháng 12 năm 1990.

   Phán quyết của trọng tài:

(Phán quyết trình bày dưới đây chỉ giải quyết vấn đề khả năng thụ lý khiếu kiện của Nguyên đơn)

Bị đơn phản đối thẩm quyền xét xử của trọng tài với các lý do sau đây:

Thứ nhất, Quyết định của Bộ Công nghiệp Italia đã hoàn toàn giải quyết được khiếu kiện của Nguyên đơn. Vì vậy, cần chấm dứt vụ kiện. Theo Bị đơn Điều 84 của Sắc lệnh đã trao cho Bộ Công nghiệp Italia quyền cấp giấy phép sử dụng sáng chế miễn phí. Không có Toà án hay trọng tài nào có thể thay thế Bộ Công nghiệp Italia thực hiện quyền lực hành chính này.

Thứ hai, nếu Bị đơn có giấy phép sử dụng bằng sáng chế miễn phí có hiệu lực pháp lý, thì Bị đơn hoàn toàn không vi phạm hợp đồng; nếu không thì Hợp đồng đương nhiên bị vi phạm. Điều này có nghĩa là vấn đề xác định vi phạm hợp đồng cũng đồng thời là việc xác định quyền của Bị đơn theo Điều 84 của Sắc lệnh. Quyền sử dụng sáng chế của Bị đơn căn cứ trên cơ sở Quyết định của Bộ Công nghiệp Italia chứ không căn cứ trên Hợp đồng. Nói cách khác, tranh chấp đưa ra Uỷ ban trọng tài không liên quan đến các quyền của Bị đơn phát sinh từ Hợp đồng hay giải thích hợp đồng như quy định trong điều khoản trọng tài của Hợp đồng. Vì vậy trọng tài không có thẩm quyền.

Ngoài ra, Bị đơn còn cho rằng Uỷ ban trọng tài không thể phủ nhận Quyết định ngày 16 tháng 5 băn 1988 của Bộ Công nghiệp Italia. Uỷ ban trọng tài cần xem xét Quyết định của Bộ Công nghiệp Italia và sau khi khẳng định giấy phép của Bộ Công nghiệp Italia cho phép sử dụng sáng chế miễn phí thì phải tuyên bố Bị đơn không vi phạm hợp đồng. Theo Bị đơn, nếu sự việc chỉ trong giới hạn như vậy thì tranh chấp có thể đưa ra xét xử trọng tài.

Về phần mình, Nguyên đơn lập luận như sau:

Vấn đề duy nhất Uỷ ban trọng tài phải quyết định là trong phạm vi của Quyết định của Bộ Công nghiệp Italia, Bị đơn có phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả tiền mua quyền sử dụng sáng chế cho Nguyên đơn nữa hay không. Theo Nguyên đơn, vấn đề này không được quyết định bởi Bộ Công nghiệp Italia vì cơ quan này chỉ quyết định xem liệu Bị đơn có quyền nhận giấy phép theo Điều 84 của Sắc lệnh không. Bộ Công nghiệp Italia không đưa ra bất cứ giải thích Hợp đồng nào bởi việc đó thuộc thẩm quyền của Uỷ ban trọng tài. Vì vậy, Nguyên đơn cho rằng Uỷ ban trọng tài phải thực hiện quyền giải thích hợp đồng.

Theo Nguyên đơn, Quyết định của Bộ Công nghiệp không miễn cho Bị đơn các nghĩa vụ hợp đồng phải trả tiền mua quyền sử dụng sáng chế cho Nguyên đơn.

Hơn nữa, Nguyên đơn còn cho rằng Bị đơn đã lẫn lộn giữa quyền sử dụng sáng chế miễn phí mà Bị đơn có được theo Quyết định của Bộ Công nghiệp Italia và khiếu kiện của Nguyên đơn đòi tiền bản quyền theo hợp đồng. Đối với Nguyên đơn, Uỷ ban trọng tài phải xem xét việc Quyết định của Bộ Công nghiệp có tác động như thế nào đến vụ tranh chấp. Bản thân Quyết định của Bộ Công nghiệp phải được giải thích và áp dụng theo Hợp đồng.

Uỷ ban trọng tài có ý kiến như sau:

Vấn đề chính được đưa ra trước Uỷ ban trọng tài là liệu Bị đơn có quyền ngừng trả tiền mua quyền sử dụng sáng chế theo Hợp đồng không và liệu Bị đơn có phải trả tiền bồi thường thiệt hại vi phạm hợp đồng không.

Theo điều khoản trọng tài trong Hợp đồng "bất kỳ tranh chấp nào liên quan tới giải thích hoặc thực hiện Hợp đồng này và bất kỳ vấn đề nào nảy sinh từ Hợp đồng mà các bên không thể giải quyết trong một thời hạn hợp lý, sẽ được đưa ra trọng tài theo các quy tắc của Phòng thương mại quốc tế." Việc trả tiền mua quyền sử dụng sáng chế qui định tại Hợp đồng và việc vi phạm hợp đồng do không trả tiền mua quyền sử dụng sáng chế là các vấn đề liên quan đến  việc thực hiện hợp đồng.

Uỷ ban trọng tài không chấp nhận quan điểm của Bị đơn cho rằng tranh chấp không thể đưa ra trọng tài vì "vấn đề về vi phạm hợp đồng trùng với vấn đề xác định quyền của Bị đơn theo Điều 84 của Sắc lệnh". Bị đơn từ chối thẩm quyền của trọng tài dựa trên một căn cứ duy nhất là Quyết định ngày 16 tháng 5 năm 1988 của Bộ Công nghiệp Italia đã cho Bị đơn quyền ngừng trả tiền mua quyền sử dụng sáng chế. Nguyên đơn đã bác quan điểm này trước Uỷ ban trọng tài. Nguyên đơn nhấn mạnh vấn đề cần xem xét ở đây là liệu trong phạm vi Quyết định của Bộ Công nghiệp Italia, Bị đơn có nghĩa vụ tiếp tục trả tiền mua quyền sử dụng sáng chế cho Nguyên đơn theo Hợp đồng nữa hay không. Vấn đề này liên quan tới giải thích Hợp đồng và theo quy định của điều khoản trọng tài trong Hợp đồng, Uỷ ban trọng tài được phép giải thích Hợp đồng.

Hơn nữa, do Nguyên đơn nói rõ là Nguyên đơn không phản đối Quyết định của Bộ Công nghiệp Italia, Uỷ ban trọng tài không được các bên yêu cầu phải quyết định xem liệu Bị đơn có quyền được nhận giấy phép sử dụng sáng chế miễn phí trong phạm vi Điều 84 của Sắc lệnh không, một vấn đề vượt ra ngoài phạm vi thẩm quyền của Uỷ ban trọng tài. Quyết định ngày 16 tháng 5 năm 1988 là một trong những nhân tố pháp lý Uỷ ban trọng tài cần xem xét khi xác định quyền của Bị đơn không phải trả tiền mua quyền sử dụng sáng chế theo Hợp đồng nhưng sự tồn tại của Quyết định này không tước đi quyền giải thích Hợp đồng và xác định tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng của Uỷ ban trọng tài. Thực tế, Bị đơn không hoàn toàn phản đối quan điểm này, bởi Bị đơn đã thừa nhận rằng Uỷ ban trọng tài có thể xem xét Quyết định của Bộ Công nghiệp và sau khi đã khẳng định giấy phép cho Bị đơn quyền sử dụng sáng chế miễn phí thì tuyên bố là Bị đơn không vi phạm Hợp đồng. Điều này cho thấy việc Bị đơn khước từ đưa tranh chấp ra trọng tài trên thực tế là sự khước từ một trong những giải pháp mà Uỷ ban trọng tài có thể đề xuất với Bị đơn. Nếu Uỷ ban trọng tài có thẩm quyền quyết định Bị đơn không vi phạm Hợp đồng, Uỷ ban trọng tài cũng có thẩm quyền đưa ra quyết định về các vi phạm hợp đồng khác.

Vì các lý do nêu trên, Uỷ ban trọng tài quyết định tranh chấp có thể đưa ra trọng tài và Uỷ ban trọng tài có thẩm quyền quyết định xem liệu Bị đơn có quyền ngừng trả tiền mua quyền sử dụng sáng chế theo Hợp đồng không và nếu ngừng trả tiền mua quyền sử dụng sáng chế thì Bị đơn có vi phạm Hợp đồng không. 

PHÁN QUYẾT SỐ 47

TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN THẾ QUYỀN TRONG

HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM TÍN DỤNG

            Các bên:

Nguyên đơn    : Ngân hàng (A)

                        Bị đơn : Người cung cấp bảo lãnh (B)

            Các vấn đề được đề cập:

-

Quyền khởi kiện của người được bảo hiểm

-

Thế quyền

            Tóm tắt vụ việc:

Ngân hàng A, Nguyên đơn, cho một công ty vay tiền để xây dựng nhà máy. Việc cho vay này được thực hiện trên cơ sở bảo lãnh trả của B, Bị đơn. Hợp đồng vay qui định luật áp dụng là luật Pháp.

Sau đó A ký một hợp đồng bảo hiểm tín dụng với COFACE (Công ty bảo hiểm ngoại thương Pháp) theo đó COFACE cam kết sẽ thanh toán cho A tiền bảo hiểm là x% trị giá khoản vay khi xảy ra sự kiện được bảo hiểm (tức là khi khoản vay không được trả đúng hạn và người bảo lãnh B từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình).

            Trên thực tế, B đã từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình khi đến hạn. COFACE, vì thế, đã trả cho Ngân hàng A một khoản tiền là x% trị giá khoản vay theo đúng hợp đồng bảo hiểm tín dụng.

            Ngân hàng A đã kiện B ra trọng tài yêu cầu B trả khoản tiền vay mà B đã đứng ra bảo lãnh.

Phán quyết của trọng tài:

(Phán quyết trọng tài trình bày dưới đây chỉ giải quyết vấn đề về quyền khởi kiện của Nguyên đơn)

Khi tố tụng trọng tài mới bắt đầu, Bị đơn, trên cơ sở tư vấn của người vay, đã đưa ra lập luận rằng Nguyên đơn không có quyền khởi kiện trong vụ việc này vì Nguyên đơn thực tế đã được COFACE thanh toán tiền bảo hiểm cho khoản vay. Nhưng trong quá trình tố tụng sau đó Bị đơn không hề nhắc lại lập luận này. Trong các bản giải trình và biện hộ của mình, Bị đơn chỉ nêu rằng Nguyên đơn không có quyền kiện đòi toàn bộ khoản vay được Bị đơn bảo lãnh mà chỉ có quyền kiện đòi phần tiền không được COFACE thanh toán bảo hiểm.

Tuy nhiên, căn cứ vào các sự kiện được viện dẫn và các chứng cứ do các bên đưa ra, uỷ ban trọng tài thấy rằng cần thiết phải giải quyết vấn đề: Nguyên đơn có quyền khởi kiện đòi Bị đơn thanh toán toàn bộ khoản vay hay không khi Nguyên đơn đã được COFACE thanh toán tiền bảo hiểm là x% khoản vay được bảo lãnh, tính cả vốn lẫn lãi? (Liệu ở đây quyền khởi kiện của Nguyên đơn có bị chuyển sang cho COFACE theo nguyên tắc thế quyền trong bảo hiểm hay không?)

Điều L.121-12 Bộ luật bảo hiểm Pháp qui định: người bảo hiểm, sau khi đã trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm, được thay thế người được bảo hiểm trong việc đòi và khởi kiện (gọi là thế quyền) đối với khoản nợ tương đương với khoản tiền bảo hiểm mà người bảo hiểm đã thanh toán cho người được bảo hiểm. Qui định về thế quyền này là một trong các qui tắc cơ bản của luật về bảo hiểm và đã được khẳng định trong nhiều phán quyết của Toà Phá án Pháp.

Trong vụ việc này, hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa Ngân hàng A và COFACE. COFACE là một công ty nhà nước hoạt động với mục đích hỗ trợ các nhà xuất khẩu thông qua việc cung cấp các bảo đảm tín dụng cho các khoản vay trung hạn trong một số giao dịch có tầm quan trọng nhất định. COFACE bảo hiểm cho các nhà xuất khẩu đối với các rủi ro xảy ra khi nhà xuất khẩu không thu được tiền từ đối tác của mình. Thực tế, COFACE không bảo hiểm toàn bộ rủi ro mà chỉ bảo hiểm một số phần trăm nhất định của rủi ro. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm buộc người được bảo hiểm phải có sự cẩn trọng tối thiểu khi tiến hành các giao dịch và có trách nhiệm giảm thiểu thiệt hại khi có rủi ro xảy ra. Hợp đồng mà COFACE ký với Ngân hàng A thể hiện đầy đủ các qui tắc hoạt động nói trên của COFACE và được xác định là một Hợp đồng bảo hiểm tín dụng.

Theo khoản 3 Điều L.111-1 Bộ luật bảo hiểm, các hợp đồng bảo hiểm tín dụng không thuộc phạm vi áp dụng của Điều L.112-12 qui định về việc thế quyền của người bảo hiểm đối với người được bảo hiểm. Như vậy, trong vụ việc này, việc thế quyền không được áp dụng một cách đương nhiên theo qui định tại Điều L.112-12. Để xác định có tồn tại thế quyền trong vụ việc này hay không, và nếu có thì thế quyền cần phải được hiểu như thế nào, trọng tài phải dựa trên các căn cứ khác sẽ được xem xét lần lượt dưới đây.

Thứ nhất, Điều XV Hợp đồng qui định: bất kỳ việc thanh toán tiền bảo hiểm nào do COFACE thực hiện đều dẫn tới hệ quả là COFACE được thay thế người được bảo hiểm trong việc thực hiện quyền đòi và khởi kiện đòi khoản tiền vay được bảo hiểm, các khoản lãi và các khoản tiền khác có liên quan đến khoản vay chính. Như vậy, trong trường hợp này, thế quyền giữa người bảo hiểm và người được bảo hiểm sau khi tiền bảo hiểm đã được thanh toán là hoàn toàn rõ ràng: khoản tiền bảo hiểm đã được thanh toán trước khi tố tụng trọng tài này bắt đầu, COFACE là người thụ hưởng duy nhất của x% khoản tiền nợ phát sinh từ hợp đồng cho vay của Ngân hàng và Ngân hàng A chỉ còn quyền khởi kiện đối với y% còn lại của khoản nợ này.

Thứ hai, Bộ luật bảo hiểm cũng như các điều khoản trong Hợp đồng bảo hiểm có những qui định cho thấy việc thế quyền không phải là tuyệt đối (tức là ngay cả khi có thế quyền, người bảo hiểm lẫn người được bảo hiểm vẫn có những quyền và nghĩa vụ liên quan chặt chẽ với nhau). Điều A.432-5 Bộ luật bảo hiểm qui định mọi khoản tiền thu được (từ phía người có nghĩa vụ trả tiền) sau khi tiền bảo hiểm đã được thanh toán phải được phân chia cho người bảo hiểm và người được bảo hiểm theo tỷ lệ bảo hiểm qui định trong hợp đồng; tuy nhiên điều khoản này không xác định rõ trong số hai chủ thể này, ai là người có quyền đòi (hoặc kiện đòi) khoản nợ đó. Điều XII Các Điều kiện chung của Hợp đồng qui định “COFACE phải chịu các chi phí xét xử, với tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ bảo hiểm, trong các thủ tục tố tụng được tiến hành để tránh hoặc hạn chế những thiệt hại phát sinh từ rủi ro được bảo hiểm”. Điều XIII Các Điều kiện chung qui định rằng việc thanh toán tiền bảo hiểm phụ thuộc vào việc thực hiện các quyền gắn liền với khoản nợ được bảo hiểm của Người được bảo hiểm. Qui định này phù hợp với Điều 21 của Hợp đồng theo đó “Người được bảo hiểm (dù đã thế quyền cho Người bảo hiểm) vẫn có trách nhiệm tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết đề đòi lại khoản nợ của mình và cam kết tuân thủ các chỉ dẫn của COFACE liên quan đến vấn đề này. Việc thanh toán tiền bảo hiểm không giải phóng Người được bảo hiểm khỏi các nghĩa vụ đã nêu trong Hợp đồng bảo hiểm”. Từ các điều khoản này có thể thấy người được bảo hiểm sau khi đã nhận tiền bảo hiểm vẫn có quyền và tư cách khởi kiện đòi trả nợ.

Thứ ba, theo một án lệ của Toà Phá án Pháp trong phán quyết ban hành ngày 17 tháng 12 năm 1985, không một qui định nào trong hệ thống pháp luật hiện nay buộc người thế quyền phải tự mình thực hiện các quyền mà anh ta có và người thế quyền có thể để cho người được thế quyền thực hiện các quyền này. Việc thanh toán tiền bảo hiểm không giải phóng người vay nợ (người phải thanh toán khoản nợ được bảo hiểm) khỏi nghĩa vụ của mình. Như vậy, trong vụ việc này, COFACE hoàn toàn có thể để cho Ngân hàng thay mình kiện đòi toàn bộ khoản nợ. Điều này là hoàn toàn hợp lý bởi tiền nợ trong trường hợp này là một khoản vay trung hạn và Ngân hàng rõ ràng là có lợi thế hơn COFACE trong việc quản lý và theo dõi hồ sơ của việc vay nợ.

Thứ tư, Điều 10 Hợp đồng bảo hiểm có qui định “Khi COFACE không muốn tự mình tiến hành khởi kiện chống lại người có nghĩa vụ trả nợ, Người được bảo hiểm cam kết thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết và hợp lý để bảo vệ các quyền lợi của mình và đảm bảo việc thanh toán khoản tiền được bảo hiểm với sự chấp thuận và theo các chỉ dẫn của COFACE”. Với điều khoản này, có thể nói rằng trước khi tố tụng trọng tài được bắt đầu, COFACE đã uỷ quyền một cách minh bạch cho Ngân hàng tiến hành khởi kiện ra trọng tài theo đúng qui định tại hợp đồng để thu hồi lại toàn bộ khoản nợ. Tuy nhiên, COFACE vẫn bảo lưu quyền được đưa ra những chỉ dẫn cần thiết cho Ngân hàng A và quyền được thông báo về tiến trình tố tụng trọng tài. Như vậy, việc Ngân hàng A thay thế cho COFACE khởi kiện đòi Bị đơn toàn bộ khoản nợ là hoàn toàn phù hợp với thoả thuận uỷ nhiệm khiếu kiện giữa Ngân hàng và COFACE.

Thứ năm, về mặt nguyên tắc, khi có tranh chấp phát sinh giữa Người được bảo hiểm (ở đây là Ngân hàng A) và đối tác của họ (người vay nợ), Người bảo hiểm (COFACE) sẽ phải ngừng việc thanh toán tiền bảo hiểm cho đến khi tranh chấp liên quan được giải quyết xong (theo thủ tục giải quyết tranh chấp qui định tại hợp đồng vay nợ) và Người được bảo hiểm được thừa nhận là người thụ hưởng của khoản tiền vay đó (Phán quyết ngày 9 tháng 11 năm 1988, Toà Phúc thẩm Paris). Tuy nhiên, Người bảo hiểm vẫn có thể thanh toán một phần tiền bảo hiểm với điều kiện Người được bảo hiểm cam kết sẽ trả lại cho Người bảo hiểm khoản tiền bảo hiểm đã nhận nếu cơ quan xét xử (trọng tài hoặc toà án) ra quyết định bác bỏ yêu cầu của Người được bảo hiểm đối với khoản nợ bị tranh chấp. Do đó, trong vụ việc này, việc COFACE đã thanh toán tiền bảo hiểm cho Ngân hàng không vi phạm nguyên tắc ngừng thanh toán vì có tố tụng giải quyết tranh chấp.

Từ các căn cứ nêu trên, uỷ ban trọng tài kết luận: trong vụ việc này, Nguyên đơn hoàn toàn có tư cách pháp lý và có quyền lợi để khởi kiện đòi Bị đơn toàn bộ khoản vay, lãi và các khoản tiền khác liên quan đến khoản vay đó.

PHÁN QUYẾT SỐ 48

TRANH CHẤP TRONG HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM

THANH TOÁN TIỀN HÀNG

            Các bên:

                        Nguyên đơn    : Một ngân hàng Bỉ (X)

                                                  Một công ty Pháp (Y)

                        Bị đơn             : Hãng bảo hiểm (Z)

            Các vấn đề được đề cập:

- Quyền khởi kiện

                        - Luật áp dụng cho hợp đồng

                        - Bảo hiểm thông thường hay bảo hiểm tín dụng?

                        - Sự kiện bảo hiểm và tính không lường trước được của hợp đồng bảo                            hiểm

                        - Tình trạng phá sản của một bên trong tố tụng trọng tài

            Tóm tắt vụ việc:

Công ty Y ký hợp đồng bán nguyên vật liệu cho một người mua châu Phi. Hai bên thoả thuận tiền hàng phải được thanh toán bằng tín dụng chứng từ không huỷ ngang, có xác nhận, trong đó quy định trả 90% giá trị lô hàng sau mỗi lần giao hàng, 10% còn lại sẽ thanh toán khi bên bán xuất trình "Các thư giải phóng hàng" mà người mua phải phát hành 60 ngày sau khi chuyến hàng cuối cùng về đến điểm giao hàng. Việc mua bán này được thực hiện bằng nguồn tài chính của ngân hàng Bỉ (X).

            Một hợp đồng bảo hiểm đã được ký kết giữa X, Y và hãng bảo hiểm Z theo đó Z cam kết trả cho người bán khoản bảo hiểm trong trường hợp người mua không thanh toán 10% giá trị lô hàng khi các chứng từ lấy hàng đã được xuất trình. Thời gian bảo hiểm kéo dài từ ngày 1 tháng 11 năm 1988 đến ngày 31 tháng 3 năm 1989 và thời hạn đòi thanh toán tiền bảo hiểm là 510 ngày kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm.Theo bản Phụ lục của Hợp đồng, ngân hàng X, người sẽ trực tiếp trả phí bảo hiểm, sẽ được hưởng tiền bảo hiểm.

            Ngày 2/2/1989, công ty Y thông báo cho hãng bảo hiểm Z rằng việc dỡ hàng của chuyến tàu cuối cùng đã thực hiện vào ngày 26/11/1988 mà công ty này vẫn chưa nhận được " Các thư giải phóng hàng" đáng ra đã phải được ký phát chậm nhất là vào ngày 25/1/1989 tức là 60 ngày sau khi dỡ lô hàng cuối cùng để người bán có thể nhận được khoản thanh toán 10% còn lại. Công ty Y cũng thông báo cho hãng bảo hiểm Z rằng họ đã và đang tiến hành xác minh việc không thanh toán này tại nước của người mua và qua ngân hàng đã xác nhận tín dụng chứng từ nói trên. Hãng bảo hiểm Z trả lời rằng họ đã ghi nhận việc "Các thư giải phóng hàng" vẫn chưa được ký phát và họ chờ đợi kết quả tiếp theo của vụ việc.

            Sau đó, hãng Z nhận thấy rằng công ty Y đã thoả thuận với khách hàng của mình kéo dài thêm thời hạn tín dụng đến ngày 31/5/1989 mà không có sự đồng ý của hãng Z và thời hạn của hợp đồng bảo hiểm vì thế cũng bị ảnh hưởng. Trên cơ sở các căn cứ chấm dứt bảo hiểm, hãng Z cho rằng mình được giải phóng khỏi trách nhiệm bảo hiểm.

            Ngân hàng X (với tư cách là người kiện chính) và Công ty Y (với tư cách là người kiện phụ trợ

[1]

) đã kiện ra trọng tài yêu cầu Hãng Z trả tiền bảo hiểm như thoả thuận.

            Phán quyết của trọng tài:

            1. Về tư cách khởi kiện của công ty Y:

            Trong bản giải trình gửi cho trọng tài, các bên bị đơn đã đề nghị trọng tài xem xét tính hợp pháp của quyền khởi kiện của bên nguyên thứ hai. Trọng tài cho rằng yêu cầu này là hợp lý và chấp nhận xem xét giải quyết.

            Phụ lục của hợp đồng bảo hiểm ký ngày 30 tháng 11 năm 1988 quy định : "theo đề nghị của người được bảo hiểm, quyền hưởng bảo hiểm khi sự cố xảy ra sẽ được chuyển cho ngân hàng X" ; Phụ lục này đã được cả Y, Z và X  ký.

            Công ty Y không lập luận rằng các bên đã thoả thuận một phụ lục mới thay đổi nội dung bản phụ lục ký ngày 30 tháng 11 năm 1988, cũng không khẳng định mình được ngân hàng chấp thuận cho lấy lại quyền nhận tiền bảo hiểm. Trong khi đó khiếu kiện của ngân hàng chỉ nhằm một mục đích duy nhất là đòi hãng Z trả bảo hiểm đã quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Công ty Y cũng không đưa ra được một chứng cứ pháp lý nào chứng minh cho lập luận về tư cách "nguyên đơn bổ trợ" mà Nguyên đơn đã đưa ra bởi vì chính Ông ...., cán bộ phụ trách thủ tục phá sản của công ty Y, đại diện công ty này, đã viết rằng khoản tiền bồi thường trị giá ... phải được trả cho ngân hàng X, đơn vị đã cấp tín dụng cho khoản tiền 10% còn lại của hợp đồng bán hàng.

            Do đó, trọng tài kết luận rằng công ty Y không có quyền khởi kiện và vì vậy bác đơn kiện của công ty Y.

2. Về bản chất của hợp đồng bảo hiểm:

            Các bên có quan điểm khác nhau về bản chất của Hợp đồng bảo hiểm mà các bên đã ký kết. Đối với các Nguyên đơn, đó là một hợp đồng bảo hiểm thông thường và được điều chỉnh bởi Bộ luật Bảo hiểm Pháp, trong khi đó Bị đơn lại coi đây là một Bảo hiểm tín dụng :

            Hợp đồng bảo hiểm, phần Mở đầu của Các Điều kiện chung qui định : "hợp đồng bảo hiểm này được điều chỉnh bởi Luật của quốc gia thuộc Cộng đồng chung Châu Âu được nêu trong phần Các Điều kiện đặc biệt". Trong Các Điều kiện đặc biệt này có một điều khoản trọng tài trong đó qui định một cách chung chung là luật của Pháp sẽ là luật áp dụng cho hợp đồng. Không một quy định nào trong các Điều kiện chung hay Điều kiện đặc biệt dẫn chiếu cụ thể đến Bộ luật Bảo hiểm hay một quy định pháp quy khác của hệ thống luật Pháp.

            Tuy nhiên, khoản cuối của Điều 1 phần Các Điều kiện chung có quy định: "Các văn bản sau đây là bộ phận không tách rời của Hợp đồng bảo hiểm : bản hợp đồng này, các phụ lục của Các Điều kiện chung, các Điều kiện đặc biệt và bản hỏi đáp đã được người đề nghị bảo hiểm điền và ký tên trong đó có gắn kèm hợp đồng thương mại".

            Tại trang 10 của bản hỏi đáp do hãng Z lập và công ty Y ký tên có đoạn lưu ý người ký rằng việc khai không chính xác "tuỳ từng trường hợp có thể dẫn đến những hình thức phạt quy định trong các Điều L.113-8 và L.113-9 Bộ luật Bảo hiểm". Chứng cứ này do các bên Nguyên đơn đưa ra và được uỷ ban trọng tài chấp nhận.

            Do bản hỏi đáp này là một bộ phận của hợp đồng bảo hiểm nên rõ ràng là hợp đồng này thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật Bảo hiểm mà Bị đơn buộc phải tuân thủ. Do đó, không nhất thiết phải xem xét thêm vấn đề liệu các bên trong hợp đồng có thoả thuận  ký kết một hợp đồng bảo hiểm tín dụng theo định nghĩa của Jean Bastin (mà cả hai bên đương sự cùng viện dẫn) hay không. (Jean Bastin định nghĩa như sau: bảo hiểm tín dụng là "một hệ thống bảo hiểm cho phép các chủ nợ có thể thu hồi được các khoản nợ, thông qua khoản tiền bảo hiểm, trong trường hợp những người có nghĩa vụ trả nợ đã nêu đang trong tình trạng mất khả năng thanh toán và do đó không thể thanh toán được khoản nợ").

            Theo điều II của Các điều kiện chung của Hợp đồng bảo hiểm, tất cả các thiệt hại phát sinh trực tiếp hay gián tiếp từ: "sự mất khả năngtài chính của người được bảo hiểm hay của người mua/người bán của người được bảo hiểm" không thuộc phạm vi được bảo hiểm. (Theo qui định của hợp đồng bảo hiểm, việc thanh toán bảo hiểm sẽ được thực hiện nếu bên bán không được thanh toán số tiền hàng 10% còn lại do lỗi của người mua hàng không thực hiện nghĩa vụ ký phát các chứng từ lấy hàng). Điều này trái với định nghĩa của Jean Bastin về bảo hiểm tín dụng nên có thể kết luận bản hợp đồng ký kết giữa Nguyên đơn và Bị đơn năm 1988 không phải là một bảo hiểm tín dụng. Và vì thế không cần phải xem xét lập luận của Bị đơn rằng trong trường hợp này tồn tại sự mất khả năng thanh toán và rằng đây là trường hợp được loại trừ khỏi việc bảo hiểm.

            Trọng tài kết luận rằng Hợp đồng bảo hiểm này được điều chỉnh bởi Bộ luật Bảo hiểm và tất cả các điều kiện chung và điều kiện đặc biệt quy định trong Hợp đồng đó.

            3. Về nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm:

Bị đơn lập luận rằng mình không có bất cứ một nghĩa vụ nào đối với bên Nguyên đơn vì lý do trên thực tế phí baỏ hiểm chỉ được thanh toán vào ngày 8/2/1989, tức là sau khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (tiền hàng không được thanh toán do người mua Châu Phi không ký phát các chứng từ cần thiết để người bán nhận tiền hàng) vào ngày 26/1/1989.

            Nguyên đơn thừa nhận rằng đúng là theo Điều V của Các Điều kiện chung của Hợp đồng bảo hiểm, Hợp đồng này ‘chỉ có hiệu lực kể từ thời điểm thanh toán phí bảo hiểm’. Tuy nhiên, phần Các Điều kiện đặc biệt lại quy định rằng "dù cho ngày có hiệu lực theo qui định tại Các Điều kiện đặc biệt này là ngày nào, việc bảo hiểm chỉ được thực hiện nếu bên được bảo hiểm đã trả phí bảo hiểm. Nếu phí bảo hiểm không được trả, người bảo hiểm có quyền huỷ hợp đồng mà vẫn bảo lưu quyền đòi phí bảo hiểm".

Theo uỷ ban trọng tài, các Nguyên đơn đã rất có lý khi dẫn chiếu đến điều khoản này của Các Điều kiện đặc biệt, bởi vì Hợp đồng bảo hiểm quy định rõ rằng ‘trong trường hợp có sự bất đồng trong cách hiểu’, thì Các Điều kiện đặc biệt sẽ có hiệu lực ưu tiên hơn tất cả các quy định khác của Hợp đồng. Như vậy, Các Điều kiện đặc biệt sẽ là cơ sở để trọng tài xem xét giải quyết bất đồng này của các bên.

            Uỷ ban trọng tài thừa nhận đây là một điều khoản không mấy rõ ràng. Tuy nhiên điều khoản này không thể được hiểu là cho phép người được bảo hiểm chỉ trả tiền phí bảo hiểm sau khi đã xảy ra sự kiện được bảo hiểm; điều khoản này chỉ có thể được hiểu một cách thiện chí và trung thực, phù hợp với ý chí của các bên, là có thể trả phí bảo hiểm sau ngày hợp đồng có hiệu lực, tức là sau ngày 10 tháng 11 năm 1988, thời điểm bắt đầu thời hạn bảo hiểm, nhưng phải trước ngày xảy ra sự kiện được bảo hiểm. Bản chất của hợp đồng bảo hiểm là tính không thể dự đoán trước. Điều này cũng được Nguyên đơn thừa nhận. Nếu các Nguyên đơn được phép thanh toán phí bảo hiểm sau khi sự kiện được bảo hiểm đã xảy ra thì rõ ràng là hợp đồng bảo hiểm mất đi tính chất "không thể dự đoán trước được" này.

            Do vậy, trọng tài cho rằng : phí bảo hiểm được thanh toán vào ngày 7/2/1989, sau khi thời hạn 2 tháng để người mua ký phát các chứng từ lấy hàng đã kết thúc (vào ngày 25/1/1989), tức là sau thời điểm xuất hiện sự kiện được bảo hiểm, do đó Bị đơn không có nghĩa vụ thực hiện việc bảo hiểm, và khiếu kiện của các Nguyên đơn là không có căn cứ.

            4. Về trách nhiệm nộp phí trọng tài:

            Khi đơn kiện bị bác thì phí trọng tài và các phí khác đương nhiên sẽ do các nguyên đơn trả. Tuy nhiên, việc Y đang trong giai đoạn tiền phá sản đặt ra một vấn đề đặc biệt mà trọng tài xử lý như sau :

            Các Nguyên đơn hoàn toàn không có cơ sở khởi kiện yêu cầu Bị đơn thanh toán tiền bảo hiểm, do đó, phải chịu trách nhiệm trả toàn bộ phí trọng tài. Tuy nhiên, vì Nguyên đơn Y đang trong giai đoạn tiến hành thủ tục phá sản nên uỷ ban trọng tài không thể buộc các Nguyên đơn trả các phí xét xử (Phán quyết của Toà Dân sự Toà Phá án ngày 8 tháng 3 năm 1988 trong vụ Công ty Thinet kiện Labrely, Tạp chí Trọng tài năm 1989, trang 473).

            Do đó, uỷ ban trọng tài quyết định các Nguyên đơn (X và Y) phải chịu trách nhiệm chung và liên đới đối với toàn bộ phí trọng tài nhưng không ra quyết định buộc các Nguyên đơn phải trả ngay khoản phí này.

            ý kiến bảo lưu:

            1. Về quyền khởi kiện của Công ty Y:

            Đây là một trường hợp ít gặp trong thực tiễn xét xử: trong số hai nguyên đơn, một người hành động với tư cách là nguyên đơn phụ trợ trong khi nguyên đơn chính lại đưa ra một khiếu kiện hoàn toàn không có cơ sở.

            Thực tế trong vụ việc này, chính Công  ty Y và Ngân hàng X cũng lưỡng lự về quyền khởi kiện đòi người bảo hiểm thanh toán tiền bảo hiểm mà hai chủ thể này tin là họ có quyền được hưởng sau khi người mua không thanh toán tiền hàng.

            Ngân hàng, người được bảo hiểm và người bảo hiểm trên thực tế đều nhất trí rằng trong trường hợp có sự cố, tiền bồi thường sẽ được trả trực tiếp cho ngân hàng. Điều này thể hiện sự cẩn trọng hợp lý của bên cấp tài chính, người đã ứng trước số tiền mà bên mua phải trả cho bên bán. Qui định này thường đi đôi với việc chuyển cho ngân hàng quyền thụ hưởng đối với tín dụng chứng từ mà người mua phát hành để thanh toán tiền hàng. Nhưng, trong một trường hợp như thế này, việc chuyển dịch đó có dẫn tới việc chuyển dịch luôn quyền khởi kiện không ? Liệu đây có thể được coi là một hình thức thế quyền (tương đối hoặc tuyệt đối), một trường hợp ký kết hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba hay một uỷ nhiệm thanh toán (giữa Y và X) như qui định tại Điều 1277 Bộ luật Dân sự Pháp không?

            Do còn phân vân về điều này nên ngân hàng và người được bảo hiểm đã cùng khởi kiện, để cho trọng tài quyết định xem việc khởi kiện của ai là hợp lý, đơn kiện của ngân hàng với tư cách là bên khởi kiện chính hay đơn của người Công ty Y với tư cách là bên khởi kiện phụ trợ. Trọng tài rõ ràng đã chọn phương án đầu tiên, bởi vì họ cho rằng giữa người được bảo hiểm và người bảo hiểm không còn mối quan hệ hợp đồng nữa.

            Cách giải quyết này của uỷ ban trọng tài gây nhiều tranh cãi bởi việc ký kết một hợp đồng bảo hiểm cho bên thứ ba hưởng lợi vốn được coi như là một hình thức ký kết hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba (Xem H.L. và J. Mazeaud, F. Chabas Giáo trình Luật dân sự, Tập 2: Nghĩa vụ, trang 907), tức là người ký hợp đồng bảo hiểm vẫn được coi là một bên trong hợp đồng dù không được nhận tiền bảo hiểm, và do đó người ký bảo hiểm vẫn có quyền kiện người bảo hiểm nếu có tranh chấp về hợp đồng bảo hiểm. Nhưng đúng là sự khác nhau giữa hình thức thế quyền và ký hợp đồng vì quyền lợi của người thứ ba là rất nhỏ, thế quyền tồn tại khi "khi bên thứ ba tham gia vào việc ký kết hợp đồng vì lợi ích của mình và chấp nhận việc hưởng lợi bắt đầu từ thời điểm ký kết đó" (Giáo trình luật Dân sự đã dẫn, trang 1270). Điều này đã xảy ra trong vụ việc đang xét bởi chính ngân hàng đã tham gia vào việc ký kết hợp đồng bảo hiểm cùng với công ty Y và hãng bảo hiểm Z đồng thời cam kết sẽ tự mình trả phí bảo hiểm. Do đó, người được bảo hiểm ban đầu đã mất hoàn toàn mọi quyền khởi kiện đối với người bảo hiểm.

            2. Hợp đồng bảo hiểm thông thường hay Bảo hiểm tín dụng?

            Trong khoản 3, Điều L.111-1 của Bộ luật Bảo hiểm có quy định rằng ba đề mục đầu tiên của quyển I Bộ luật Bảo hiểm, liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, không áp dụng cho các giao dịch về bảo hiểm tín dụng.

            Để quyết định rằng hợp đồng bảo hiểm đang xem xét này không phải là một hợp đồng bảo hiểm tín dụng, trong khi nó rất giống như vậy, trọng tài đã phải tiến hành hai bước:

            Thứ nhất, xác định xem luật nào trong bản thân hệ thống pháp luật nội địa của Pháp có thể áp dụng cho hợp đồng đang xét (điều này có vẻ hơi lạ vì thông thường việc lựa chọn luật áp dụng chỉ được tiến hành khi có xung đột pháp luật giữa hai hay nhiều nước). Trọng tài đã quyết định rằng bản hợp đồng này được điều chỉnh bởi Bộ luật Bảo hiểm bởi vì các bên muốn như vậy chứ không xác định bản chất của hợp đồng trên cơ sở các đặc điểm của hoạt động bảo hiểm mà các bên thoả thuận. Mong muốn này của các bên được thể hiện thông qua việc dẫn chiếu đến hai điều khoản của Bộ luật Bảo hiểm trong bản hỏi đáp mẫu và là một bộ phận không tách rời của hợp đồng bảo hiểm, hoàn toàn giống như từ việc một số điều khoản của Bộ luật dân sự Pháp được nêu lên trong một bản hợp đồng quốc tế, một trọng tài có thể suy đoán là các bên muốn dùng luật của Pháp để điều chỉnh hợp đồng đó. Việc làm này của trọng tài nhằm xác định ý chí của các bên là hoàn toàn đúng đắn, nhưng liệu trong một hệ thống pháp luật nội địa các bên vẫn có quyền tự do lựa chọn áp dụng luật này hay luật khác để áp dụng cho hợp đồng của mình giống như trong một hợp đồng quốc tế không? Trong hệ thống pháp luật nội địa, quan hệ hợp đồng do các bên thiết lập phải tuân thủ các qui phạm bắt buộc không phụ thuộc vào việc xác định bản chất của quan hệ đó. Vì vậy, việc các bên tự thoả thuận trước với nhau về bản chất của quan hệ hợp đồng phải hết sức thận trọng. Tuy nhiên, trong phán quyết này, các trọng tài lại cho điều này là thứ yếu và từ việc phân tích hợp đồng bảo hiểm bị tranh chấp, uỷ ban trọng tài đã đi đến kết luận rằng đây không phải là một bảo hiểm tín dụng. Quan niệm về hợp đồng tín dụng của trọng tài theo đó bảo hiểm tín dụng chỉ giới hạn ở các hợp đồng bảo hiểm khi người phải thanh toán nợ mất khả năng thanh toán có vẻ là quá hẹp. Trong vụ việc này uỷ ban trọng tài đã đi đến kết luận rằng hợp đồng phải được điều chỉnh bởi Bộ luật bảo hiểm Pháp. Nhưng liệu kết luận này của trọng tài có cần thiết không khi thực ra một hợp đồng bảo hiểm tín dụng vẫn có thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Bảo hiểm Pháp, hoặc chính xác hơn là một phần của Bộ luật này (trừ phần không áp dụng cho bảo hiểm tín dụng).

            3. Về tính không thể dự đoán trước của hợp đồng bảo hiểm:

Trọng tài khẳng định chắc chắn rằng hợp đồng bảo hiểm là một hợp đồng không thể dự đoán trước được (việc thực hiện bảo hiểm phụ thuộc vào sự xuất hiện của sự kiện được bảo hiểm). Tuy nhiên tính chất này không phải là tuyệt đối, ít nhất là từ phía người bảo hiểm bởi khi nhận bảo hiểm người bảo hiểm phải có những số liệu thống kê và những tính toán về xác suất xảy ra sự cố làm căn cứ để tính phí bảo hiểm (CF. J. Carbonnier, Luật dân sự, T.4, số 11, trang 38).

            Tuy vậy, nếu so với các loại hợp đồng khác thì rõ ràng là trong hợp đồng bảo hiểm, yếu tố ngẫu nhiên có vai trò quan trọng và do đó tính không thể dự đoán trước vẫn được coi là một đặc tính của loại hợp đồng này. Vì thế quan điểm cho rằng người thụ hưởng bảo hiểm có thể làm cho hợp đồng có hiệu lực sau khi xảy ra sự kiện được bảo hiểm bằng cách thanh toán phí bảo hiểm là không thể chấp nhận được. Trong trường hợp này, yếu tố ngẫu nhiên không còn tồn tại đối với người được bảo hiểm cũng như đối với người bảo hiểm.

            4. Về quyết định liên quan đến việc nộp phí trọng tài:

Khi một bên tham gia vụ kiện mà đang trong giai đoạn tiến hành các thủ tục phá sản, bên đó không thể bị các trọng tài buộc thanh toán một khoản tiền. Như P. Ancel đã nhấn mạnh trong phần nhận định của mình tại bản án của Toà Phá án ngày 8 tháng 3 năm 1988 (Tài liệu đã dẫn, trang 473) và được uỷ ban trọng tài nhắc lại trong phán quyết của mình, khi một bên đương sự đang trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản, quyết định của trọng tài về một khoản nợ đối với bên đó (trong vụ việc này là khoản phí trọng tài) chỉ có thể quyết định trên nguyên tắc và xác định về mức tiền, chứ không bắt buộc phải thanh toán. Toà Phá án trên thực tế đã cho rằng nguyên tắc về việc hoãn các khoản truy nợ đối với cá nhân do phá sản không chỉ là trật tự công cộng quốc gia mà còn là một nguyên tắc của trật tự công cộng quốc tế. Do đó, có thể nói cách giải quyết của các trọng tài viên trong trường hợp này là hoàn toàn đúng về mặt nguyên tắc. Tuy nhiên, điểm khác biệt trong quyết định này là ở chỗ trọng tài đã quyết định rằng phí trọng tài sẽ thuộc trách nhiệm chung và liên đới giữa công ty Y và Ngân hàng X và không quyết định về việc phải thanh toán phí này vì có vấn đề thủ tục phá sản. Quyết định này của trọng tài cũng gây tranh cãi bởi trong số hai nguyên đơn, Ngân hàng X không ở trong tình trạng phá sản, như vậy liệu việc Ngân hàng X cũng được đối xử như Công ty Y có phải là công bằng không?

PHÁN QUYẾT SỐ 49

TRANH CHẤP TRONG LIÊN DOANH

   Các bên:

     Nguyên đơn    : Một công ty Trung Quốc

     Bị đơn             : Một công ty Pháp

   Các vấn đề được đề cập:

               - Thành lập một phòng ban trong Liên doanh

               - Hành động của Chủ tịch Hội đồng quản trị mà không có sự nhất trí của                          toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị

               - Thiệt hại      

   Tóm tắt vụ việc:

Ngày 16 tháng 5 năm 1992, Nguyên đơn, Bị đơn và hai bên khác ký hợp đồng Liên doanh thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Thượng Hải chuyên sản xuất quần áo. Văn bản chấp thuận thành lập Liên doanh được ban hành ngày 21 tháng 5 năm 1992 và giấy phép kinh doanh được cấp ngày 2 tháng 6 năm 1992. Ngày 25 tháng 8 năm 1992, Liên doanh bắt đầu hoạt động.

Ngày 15 tháng 10 năm 1992, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Liên doanh, một thành viên Hội đồng quản trị do Bị đơn chỉ định và một số người khác đến Phòng kinh doanh của Liên doanh lấy đi giắc cắm điện thoại và tuyên bố Liên doanh ngừng hoạt động để tiến hành một số điều chỉnh. Họ cũng niêm phong két an toàn và ba ngăn kéo bên trái bàn làm việc của nhân viên phụ trách tài chính, giữ chìa khoá ô tô của Liên doanh và bằng lái xe của người lái xe. Sáng ngày 16 tháng 10 năm 1992, Chủ tịch Hội đồng quản trị cử đại diện đến ngân hàng để đóng tài khoản của Liên doanh nhưng đã bị ngân hàng từ chối. Ngày hôm sau, tài khoản của Liên doanh ở Chi nhánh Thượng Hải - Ngân hàng Đầu tư Trung Quốc đã bị đóng. Vì vậy, mọi hoạt động của Liên doanh bị ngừng lại.

Nguyên đơn kiện Bị đơn vi phạm hợp đồng và gây thiệt hại 960.000 Nhân dân tệ cho Liên doanh. Theo Điều 43 của Hợp đồng Liên doanh, bất kỳ bên nào cản trở việc thực hiện các điều khoản hợp đồng và các phụ lục kèm theo sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng. Điều 54 của Điều lệ Liên doanh quy định Nguyên đơn được hưởng lợi nhuận từ hoạt động của liên doanh theo tỷ lệ đóng góp vào vốn điều lệ của Liên doanh, tức 15% lãi thu được của Liên doanh. Vì vậy, hành vi của Bị đơn gây thiệt hại cho Nguyên đơn 144.000 Nhân dân tệ và Nguyên đơn đã kiện Bị đơn ra Văn phòng Thượng Hải của Uỷ ban trọng tài thương mại và kinh tế quốc tế Trung Quốc (CIETAC) theo Điều 46 của Hợp đồng Liên doanh yêu cầu:

1.

Bị đơn phải bồi thường cho Nguyên đơn 144.000 Nhân dân tệ.

2.

Phí trọng tài do Bị đơn chịu.

3.

Bị đơn phải trả 3.700 Nhân dân tệ chi phí pháp lý.

Bị đơn lập luận rằng Phòng kinh doanh của Liên doanh thực tế đã được Tổng giám đốc và một thành viên Hội đồng quản trị thành lập một cách bất hợp pháp. Tổng giám đốc và thành viên Hội đồng quản trị đó đều do Nguyên đơn chỉ định. Việc thành lập Phòng kinh doanh không chỉ vi phạm Hợp đồng Liên doanh, Điều lệ Liên doanh mà còn vi phạm các bộ luật và quy định thương mại và công nghiệp của Trung Quốc. Hơn nữa, hành động của Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên doanh (do chính Nguyên đơn chỉ định) vào ngày 15 tháng 10 năm 1992 và những ngày sau đó không phải chỉ là hành động đơn phương của Bị đơn. Hành động này được tiến hành theo quyết định chung của năm thành viên Hội đồng quản trị trên cơ sở yêu cầu khẩn cấp của hơn 1/3 số thành viên Hội đồng quản trị. Quyết định này của các thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Liên doanh (tất cả những người này đều do Bị đơn chỉ định) được đưa ra do họ đã bị mua chuộc và vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ được giao. Những hành vi này của họ gây tổn thất cho Liên doanh nhưng đã được thực hiện và được Hội đồng quản trị phê chuẩn sau đó bằng quyết định ngày 21 tháng 10 năm 1992.

Phán quyết của trọng tài:

1.

Phòng kinh doanh của Liên doanh là một bộ phận nội tại chứ không phải là một chi nhánh của Liên doanh. Theo Quy định về quản lý thương mại và công nghiệp và ý kiến của Sở thương mại và công nghiệp Thượng Hải, không cần thẩm tra, phê chuẩn và cũng không cần đăng ký với sở thương mại và công nghiệp địa phương khi thành lập một phòng ban của Liên doanh.

2.

Hành động của Chủ tịch Hội đồng quản trị do Nguyên đơn chỉ định vào ngày 15 tháng 10 năm 1992 và những ngày sau đó không được toàn bộ hội đồng quản trị thông qua, mà chỉ được sự đồng ý của một số thành viên hội đồng quản trị. Sau đó, hành động này đã được thông qua bằng một nghị quyết của Hội đồng quản trị vào ngày 21 tháng 10 năm 1992 nhưng chỉ có một vài thành viên Hội đồng quản trị tham dự cuộc họp. Vì hành động đã không được toàn bộ thành viên Hội đồng quản trị thông qua nên nó hoàn toàn trái với các điều khoản trong Hợp đồng Liên doanh và Điều lệ Liên doanh.

3.

Trong thời gian từ 28 tháng 8 năm 1992 (khi Liên doanh bắt đầu hoạt đồng) cho đến ngày bắt đầu tố tụng trọng tài, Liên doanh không chính thức sản xuất hay ký kết hợp đồng với bất kỳ khách hàng nào. Vì vậy, yêu cầu của Nguyên đơn đòi bồi thường 144.000 Nhân dân tệ không có đủ chứng cứ và đã bị Uỷ ban trọng tài bác.

4.

Xét thấy cả Nguyên đơn và Bị đơn đều không yêu cầu huỷ Hợp đồng Liên doanh, Uỷ ban trọng tài đề nghị cả Nguyên đơn và Bị đơn và hai bên kia tuân thủ các điều khoản của Hợp đồng Liên doanh và Điều lệ Liên doanh, Luật Liên doanh với nước ngoài của Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Quy định về việc thi hành Luật Liên doanh với nước ngoài của Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, tất cả các vấn đề của Liên doanh phải được xem xét và quyết định bởi Hội đồng quản trị Liên doanh. Nếu tranh chấp phát sinh thì phải báo cáo cho cơ quan chính phủ có liên quan hoặc giải quyết thông qua tư vấn hay hoà giải của bên thứ ba.

5.

Phí trọng tài sẽ do cả Nguyên đơn và Bị đơn trả. Nguyên đơn trả 35% phí trọng tài và  phần còn lại do Bị đơn trả.

6.

Các loại chi phí pháp lý của Nguyên đơn sẽ do Nguyên đơn tự trả.

Phán quyết:

1.

Bác khiếu kiện của Nguyên đơn đòi Bị đơn bồi thường 144.000 Nhân dân tệ.

2.

Phí trọng tài do cả Nguyên đơn và Bị đơn trả. Nguyên đơn trả 35% phí trọng tài và phần còn lại do Bị đơn trả.

3.

Bác khiếu kiện của Nguyên đơn đòi Bị đơn thanh toán về phí pháp lý.

Phán quyết này có giá trị chung thẩm.

PHÁN QUYẾT SỐ 50

TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC LỰA CHỌN TƯ PHÁP HAY CÔNG PHÁP LÀM LUẬT ĐIỀU CHỈNH HỢP ĐỒNG

Các bên:

Nguyên đơn      : Người bán Italia

Bị đơn               : Người mua Hàn Quốc

Các vấn đề được đề cập:

-

Luật công quốc gia (public national law) và giá trị pháp lý của hợp đồng

-

Luật điều chỉnh hợp đồng

-

Quy tắc cạnh tranh của Cộng đồng châu Âu

Tóm tắt vụ việc:

Tranh chấp phát sinh sau khi "Hợp đồng cung cấp và mua hàng" có hiệu lực vào ngày 11 tháng 11 năm 1976. Thủ tục tố tụng trọng tài được tiến hành tại Toà án trọng tài ICC và Toà án này đã phê chuẩn việc chỉ định trọng tài viên duy nhất ở Hague.

Phán quyết này giải quyết hai vấn đề: sự thừa kế của Người bán Italia đối với các quyền và nghĩa vụ của một công ty đã sáp nhập với Người bán Italia và điều này đã được Bị đơn thừa nhận; yêu cầu của Người mua Hàn Quốc đề nghị uỷ ban trọng tài ra phán quyết tạm thời tuyên bố huỷ bỏ Hợp đồng năm 1976 do hợp đồng này không thể thực hiện được trên cơ sở luật công Hàn Quốc (Luật chống độc quyền, Luật giá cả và Luật thương mại công bằng).

Uỷ ban trọng tài cho rằng trong tố tụng trọng tài, công ty Italia là người thừa kế hợp pháp của công ty đã sáp nhập với nó và rằng Hợp đồng ngày 11 tháng 11 năm 1976 được điều chỉnh bởi luật tư pháp Hàn Quốc. Uỷ ban trọng tài đã bác yêu cầu tuyên bố Hợp đồng không thể thực hiện được và quyết định tiếp tục tố tụng trọng tài.

Phán quyết của trọng tài:

1. Về khả năng áp dụng luật công pháp của Hàn Quốc cho việc thực hiện hợp đồng

Uỷ ban trọng tài tiến hành phân biệt giữa luật tư điều chỉnh Hợp đồng và các quy tắc khác của luật công có thể áp dụng cho Hợp đồng. Các bên thừa nhận Hợp đồng chủ yếu được thực hiện trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vì vậy, cho dù luật tư pháp của bất cứ quốc gia nào điều chỉnh Hợp đồng, Hợp đồng vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của luật công Hàn Quốc. Do đó, Uỷ ban trọng tài phải xác định liệu luật Hàn Quốc như Bị đơn đã viện dẫn có áp dụng cho Hợp đồng không, cho dù luật này không điều chỉnh Hợp đồng.

Tuy nhiên, trong vụ này, luật công quốc gia như Nguyên đơn viện dẫn (Luật chống độc quyền, Luật giá cả, Luật thương mại công bằng) về bản chất là các quy tắc chung. Thông thường, việc áp dụng các quy tắc này phải trên cơ sở chính sách của nhà nước. Vì vậy, Uỷ ban trọng tài không thể tự do áp dụng công pháp Hàn Quốc như yêu cầu của Bị đơn nếu việc áp dụng này đòi hỏi trọng tài phải đánh giá, giải thích các chính sách của Nhà nước.

Mặt khác, Uỷ ban trọng tài được quyền áp dụng luật công pháp quốc gia chừng nào Uỷ ban trọng tài thấy rằng trong vụ kiện này, theo như thực tiễn tư pháp đã được công bố của các toà án quốc gia có thẩm quyền và/hoặc các chính sách đã được ban hành và công bố của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì các bộ luật mà Uỷ ban trọng tài đang xem xét đều bị coi là vô hiệu và không thể thực hiện được do bị công pháp của các quốc gia có liên quan cấm.

Do vậy, bên tham gia tố tụng trọng tài muốn áp dụng luật công pháp quốc gia phải chứng minh công pháp quốc gia thực sự có thể áp dụng được trong vụ kiện này và nếu áp dụng thì ở mức độ nào.

Bởi Bị đơn không cung cấp đủ chứng cứ về tình hình thị trường Hàn Quốc và vị trí của Nguyên đơn ở thị trường đó, Uỷ ban trọng tài cho rằng vào thời điểm đó, Nguyên đơn không thể giữ vị trí chi phối thị trường để có thể lạm dụng thị phần của mình, và bí quyết kỹ thuật liên quan tới sản xuất một loại sản phẩm và việc cung cấp nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm đó không phải là hai mục độc lập dẫn đến quy định hạn chế hoạt động của các bên ký kết hợp đồng trong Điều 4 của bản Thông báo nói trên.

Vì vậy, quan điểm của Uỷ ban trọng tài là Bị đơn không chứng minh được Điều 1 và Điều 2 của Hợp đồng có các điều khoản hạn chế hoạt động của các bên ký kết hợp đồng bị cấm bởi luật công pháp Hàn Quốc.

Bị đơn cũng viện dẫn Đạo luật thương mại công bằng và chống độc quyền Hàn Quốc năm 1980, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 1981. Theo quan điểm của Bị đơn, đạo luật này cũng áp dụng cho Hợp đồng. Tuy nhiên, trên thực tế Bị đơn đã huỷ Hợp đồng vào ngày 19 tháng 5 năm 1980 hoặc ngày 25 tháng 11 năm 1980.

Do Bị đơn đã không chỉ ra được rằng Đạo luật mới có hiệu lực hồi tố và Hợp đồng mặc dù bị huỷ vào năm 1980, nhưng vẫn có hiệu lực sau ngày 31 tháng 3 năm 1981, Uỷ ban trọng tài cho rằng Đạo luật mới của Hàn Quốc không liên quan tới vụ kiện này.

Trên cơ sở các văn bản đệ trình của hai bên, các cuộc thảo luận trong các phiên xét xử và các câu trả lời của Bị đơn đối với các câu hỏi về đối tượng của công pháp Hàn Quốc mà Uỷ ban trọng tài đưa ra, Uỷ ban trọng tài không chấp nhận áp dụng luật công pháp Hàn Quốc cho Hợp đồng.

2. Về việc áp dụng Điều 85 của Hiệp ước Rôma:

 Cũng như công pháp quốc gia, các quy tắc cạnh tranh (Điều 85) của Hiệp ước Rôme là các quy tắc chung và là một phần chính sách chung của Cộng đồng châu Âu. Vì việc áp dụng các quy tắc về cạnh tranh của Hiệp ước Rôme có liên quan tới vụ kiện, Uỷ ban trọng tài phải xem xét kỹ vấn đề này.

Từ thực tiễn tư pháp của Toà án Cộng đồng châu Âu, Điều 85 hoàn toàn có thể áp dụng trực tiếp đối với công dân của các quốc gia thành viên (tức là công dân của các quốc gia thanh viên có quyền căn cứ vào điều khoản này để yêu cầu tòa án quốc gia của họ để bảo vệ quyền lợi). Theo đoạn 2 Điều 85 của Hiệp ước, tất cả thoả thuận được ký kết vi phạm Điều 85 của Hiệp ước đều bị cấm và sẽ tự động vô hiệu.

Nếu Uỷ ban trọng tài thấy rằng toàn bộ hoặc một phần Hợp đồng đang xem xét vi phạm Điều 85 của Hiệp ước Rôme, thì một số điều khoản của hợp đồng hoặc toàn bộ hợp đồng sẽ bị coi là vô hiệu và không có giá trị thi hành.

Vì vậy, Uỷ ban trọng tài phải xem xét liệu Hợp đồng có bị cấm theo đoạn 1 Điều 85 của Hiệp ước Rôme không.

Theo các quyết định của Toà án tư pháp Cộng đồng châu Âu liên quan tới Điều 85 Hiệp ước Rôme, qui định cấm trong Điều này chỉ áp dụng cho các hợp đồng, thoả thuận được ký kết nhằm mục đích tạo ra sự ngăn cản, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh ở thị trường chung Cộng đồng châu Âu và có thể ảnh hưởng tới thương mại giữa các quốc gia thành viên của Cộng đồng châu Âu.

Bởi đây là Hợp đồng giữa một công ty Italia và một công ty Hàn Quốc và chủ yếu được thực hiện ở Hàn Quốc, Uỷ ban trọng tài cho rằng Hợp đồng không thể ảnh hưởng tới thương mại giữa các quốc gia thành viên Cộng đồng châu Âu và Hợp đồng, đặc biệt là điều 2, không có mục đích tạo ra sự ngăn cản, hạn chế hoặc bóp méo cạnh tranh ở thị trường chung Cộng đồng châu Âu. Vì vậy, Uỷ ban trọng tài không chấp nhận áp dụng Điều 85 Hiệp ước Rôme cho Hợp đồng.

3. Về luật điều chỉnh hợp đồng:

Hợp đồng đã được thực hiện cả ở Italia và Hàn Quốc. Vào thời điểm ký kết Hợp đồng, các bên không nói rõ luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng của họ. Vì các bên không lựa chọn luật điều chỉnh cũng như không thoả thuận về các nhân tố để xác định luật điều chỉnh hợp đồng nên trong tài quyết định việc xác định luật áp dụng cần dựa trên "trung tâm" của hợp đồng.

Mặc dù tên của Hợp đồng là Hợp đồng cung cấp và mua hàng, Hợp đồng này không chỉ đơn thuần là một hợp đồng cung cấp và mua hàng. Nguyên đơn đã trao cho Bị đơn quyền độc quyền sử dụng các bí quyết kỹ thuật liên quan đến sản xuất một loại sản phẩm ở Hàn Quốc. Bị đơn mua của Nguyên đơn nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm đó ở Hàn Quốc.

Xem xét các nhân tố đặc biệt này của Hợp đồng, Uỷ ban trọng tài thấy Hợp đồng chủ yếu thực hiện ở Hàn Quốc và có "trung tâm" ở Hàn Quốc. Do đó, luật tư pháp Hàn Quốc sẽ là luật điều chỉnh hợp đồng.

[1]

T

m d

ch t

thu

ế

ng Pháp "demandeur à titre subsidiaire"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: