Chương 9
Những ngày sau đó cả nhà tôi như có đám tang. Chẳng ai buồn nói với nhau câu nào. Tôi bị nhốt trong phòng, kể cả đi học cũng bị cấm. Một ngày, rồi hai ngày trôi qua. Mẹ vẫn đều đặn mang cơm vào phòng, dáng vẻ mệt mỏi, không nói gì khác ngoài câu: “Con ăn cơm đi.”
Tôi nằm cả ngày nhìn chằm chằm vào trần nhà, đầu óc trống rỗng. Đôi lúc, nước mắt lặng lẽ rơi trong vô thức.
Chiều đến, tôi ngồi nhìn khu vườn xơ xác ngoài cửa kính. Ánh nắng yếu ớt thấp thoáng qua những vạt lá. Tôi bước đến mở toang cửa phòng, nhưng chẳng đón được cơn gió nào ngoại trừ hơi ẩm ngột ngạt nồng nồng vị đất.
Tôi trở lại bên giường, khẽ thở dài. Mẹ bước vào, lặng lẽ đến bên tôi. Mẹ vạch lưng tôi lên, nhẹ xoa thứ dầu nóng nặng mùi. Tự dựng tôi lại rưng rưng nước mắt. Tôi mím chặt môi, tức tưởi hỏi mẹ:
“Dù con có là cái thứ gì đi nữa. Thì con vẫn là con của mẹ, phải không mẹ?”
Tôi bật khóc. Bao nhiêu nước mắt dồn nén bấy ngày qua được dịp tuôn trào.
Mẹ buồn bã nhìn tôi, nhẹ vuốt mái tóc trước trán tôi.
“Phải không mẹ?” Tôi run giọng.
Mẹ ôm tôi vào lòng, đung đưa như những ngày tôi còn nhỏ mẹ vẫn thường hát ru vỗ giấc cho tôi. Mẹ thì thầm: “Ừ… ừ…”
“Con không muốn làm cho ba giận con đâu.” Tôi vẫn thút thít.
Mẹ vỗ về: “Ba cần thời gian.”
Mẹ bảo tôi ăn cơm rồi chuẩn bị tập vở. Ngày mai tôi được phép đi học trở lại. Mẹ rời khỏi phòng rồi, nhưng tôi chẳng buồn động đến chén đũa, cứ ngồi thế nhìn trời đang chuyển mây mưa. Tiếng TV từ phòng khách liên tục đưa tin về một trận áp thấp đang đổ bờ.
Cuối cùng trời cũng đổ mưa. Đèn trong nhà đã tắt hết. Đồng hồ điện tử trên tay tôi kêu tít khi con số chỉ giờ chuyển sang mười một.
Cộc. Cộc.
Âm thanh từ phía cửa kính khiến tôi giật mình. Tôi suýt hét toáng lên khi thấy cặp mắt lấp lánh sáng trên một bóng đen thấp thoáng ngoài cửa sổ. Tuấn đưa tay ra dấu cho tôi giữ im lặng. Tôi rón rén bước đến mở cửa sổ. Tuấn nhoài thân người ướt sủng vào trong phòng.
Hơi thở cậu nồng nặc mùi rượu, khắp người be bét máu me.
Tôi gắt: “Ba tôi mà thấy cậu ở đây sẽ giết cậu đấy.”
Tuấn cười, mặt đờ đẫn vì cơn say: “Cậu sẽ không để ba cậu làm thế đâu.”
Tôi bảo Tuấn ngồi im, rồi lén lút chui ra khỏi phòng. Tôi hồi hộp băng qua phòng khách lấy hộp sơ cứu rồi thở phào nhẹ nhõm khi về lại đến phòng. Cẩn thận lau những vết thương để không làm Tuấn đau, tôi thì thào:
“Cậu cũng bị ba đánh hả?”
“Không.” Tuấn trố mắt. “Tôi đi đánh cái bọn ăn hiếp chó con đấy.”
Tôi thở dài, cố kéo Tuấn ngồi lên giường. Cậu ta rên lên đau đớn. Tôi hốt hoảng:
“Cậu bị đau ở đâu thế?”
Tuấn cởi những nút áo trên cùng, những vết bầm tím dần hiện ra. Giọng Tuấn khi say nghe như một đứa trẻ đang thỏ thẻ tập nói, cậu ta chỉ tay vào ngực mình, thều thào:
“Tôi bị đau ở đây này. Có một con chó con tha mất quả tim của tôi đi… đi mất biệt cả hai ngày mà không trả lại.”
Sóng mũi tôi cay cay. Tôi cúi gầm mặt, vờ băng lại những vết xước trên tay Tuấn để tránh ánh mắt của cậu ấy.
“Chó con sao thế?” Tuấn ngây ngô. “Chó con bị ba đánh hả? Sao lại bị đánh?”
Tôi không trả lời, cảm nhận những giọt nóng hổi trên má mình. Tôi lầm bầm:
“Ba cậu nói cậu chỉ lợi dụng tôi để chọc tức ông ấy thôi.”
“Cậu tin à?” Tuấn giận giữ.
Tôi khẽ gắt: “Cậu nói nhỏ thôi. Ba mẹ tôi ở tầng trên có thể nghe thấy đấy.”
Tuấn nhìn quanh vẻ sợ sệt như trẻ con, rồi cúi xuống thì thầm vào tay tôi: “Cậu tin à?”
“Thế cậu nói tôi phải làm sao?” Tôi hoàn thành nốt vòng cuối cùng trong kỹ thuật băng cổ tay.
Tuấn dùng tay còn lại cho vào túi quần, cố móc cái ví ra. Cậu lẩm bẩm:
“Có nhớ đầu năm lớp mười tôi cắt nát nhừ cái thẻ học sinh của chó con không.”
Tôi gật đầu. Lần đó tôi tức điên lên và không nói chuyện với Tuấn suốt một tuần.
Tuấn mở ví ra, đưa cho tôi xem:
“Thật ra tôi muốn lấy hình của chó con nên mới làm thế đấy.”
Tôi nhìn cái mặt ngu ngu của mình trong tấm hình thẻ 3×4, chẳng mấy chốc hình ảnh trước mặt tôi nhòe đi vì nước mắt. Tuấn đưa hai tay mân mê vành tai của tôi, giọng cậu ngượng nghịu:
“Hai năm qua, chó con biết tôi khổ sở lắm không. Mỗi lúc thấy cái mặt chó con phụng phịu như thế này, là tôi lại không kiềm được lòng mình. Còn nữa…”
Tuấn kéo tôi lại gần, đặt lên môi tôi một nụ hôn thật nhẹ, rồi mỉm cười:
“Chó con nói đi. Cái đó có phải là lợi dụng hay không?”
“Lợi dụng chứ còn gì nữa.” Tôi xấu hổ làu bàu.
Đúng là chẳng hơi đâu tranh cãi với những đứa điên và say. Tuấn véo vào mặt tôi một cú đau điếng, rồi thô bạo kéo tôi vào lòng. Tôi để yên như thế một lúc, lắng nghe tiếng trái tim Tuấn đập những nhịp thật đều đặn bên cạnh. Mãi đến lúc Tuấn thiếp đi, tôi mới loay hoay cởi giày cho cậu và đi cất hộp sơ cứu.
Gió rít mạnh qua khe cửa sổ, bên ngoài trời đổ mưa như trút nước.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro