4. Qtrình dự giờ, phân tích giờ dạy
Câu 4: Anh (chị) hãy nêu quy trình dự giờ, phân tích giờ dạy của giáo viên?
Quy trình dự giờ bao gồm 4 bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị dự giờ
-Xác định mục đích dự giờ
-Xác định vị trí dự giờ trong tiến độ chương trình
-Nắm được mục đích yêu cầu, nội dung bài giảng và các dự kiến thực hiện bài giảng của giáo viên.
-Tìm hiểu nắm tình hình học sinh lớp sắp dự giờ.
-Phác thảo kế hoạch cần quan sát.
-Xác định phương pháp kiểm tra tri thức, kỹ năng của học sinh sau giờ học (kiểm tra bằng bài tập nhỏ hoặc câu hỏi điều tra, kiểm tra bài tập trắc nghiệm, điền vào phiếu học tập…)
Bước 2: Tiến hành dự giờ
Người dự giờ phải làm tốt việc ghi chép để sau đó tái hiện những tình huống dạy học cơ bản nhằm cho phép đánh giá bài học đó theo tiếp cạn hệ thống. Khi dự giờ của giáo viên, Hiệu trưởng cần chú ý quan sát những vấn đề sau:
-Nội dung bài giảng: Nội dung có phù hợp với yêu cầu chương trình và sách giáo khoa, phù hợp với trình độ tiếp thu của học sinh không? Nội dung có chính xác, hệ thống và đảm bảo tính giáo dục không?
-Phương pháp làm việc của thầy trò: Thầy kiểm tra, cho điểm đánh giá học sinh như thế nào? Giảng bài mới ra sao? (Giới thiệu bài, dẫn dắt học sinh tiếp thu kiến thức mới, chú ý các phương pháp dạy học mà giáo viên đang sử dụng). Rèn kỹ năng, củng cố kiến thức cho học sinh như thế nào? Phát huy tính tích cực, tự giác của học sinh, động viên cả lớp tham gia vào quá trình dạy học ra sao? (quan sát hoạt động của thầy và trò).
-Sử dụng đồ dùng dạy học trên lớp như thế nào? Có hiệu quả không?
-Tổ chức nền nếp tự học, công việc tự làm của học sinh trên lớp, không khí học tập của học sinh trong lớp.
-Hệ thống câu hỏi và bài tập rèn luyện kỹ năng: Đánh giá số lượng và chất lượng câu hỏi và bài tập.
-Mối quan hệ hợp tác giữa thầy và trò, giữa trò và trò.
-Vấn đề vệ sinh sức khỏe: Giờ giấc ra vào lớp, tư thế ngồi học của học sinh trong lớp.
-Đánh giá chất lượng của tiết học và kết quả học tập của học sinh.
Bước 3: Phân tích và đánh giá giờ dạy của giáo viên
üPhân tích giờ dạy
-Phân tích giờ dạy là sự khái quát hóa sư phạm, nâng những nhận xét cụ thể thành những nhận định tổng quát và nêu lên các lý lẽ của những nhận định đó bằng cách xác định tất cả các mối liên hệ của những hiện tượng quan sát được theo căn cứ khoa học.
-Phân tích giờ dạy là chỉ ra các ưu khuyết điểm và nguyên nhân của chúng trong 3 thành tố của nó:
+Hoạt động của giáo viên: Công tác chuẩn bị, nội dung kiến thức, phương pháp dạy học, sử dụng đồ dùng dạy học, phân phối thời gian.
+Hoạt động của học sinh: Nề nếp học tập, phương pháp học tập, khả năng tiếp thu kiến thức kỹ năng, kết quả học tập (qua phiếu học tập khảo sát nhỏ).
+Quan hệ giao tiếp: Quan hệ thầy – trò, quan hệ trò – trò; việc sử lý tình huống xảy ra trong giờ học của giáo viên.
-Phân tích kết quả bài kiểm tra làm cơ sở cho việc trao đổi, góp ý cho giáo viên.
üĐánh giá giờ dạy
-Đánh giá giờ dạy là kết quả của những suy luận logic bắt nguồn từ kết quả giờ dạy trên lớp và những nhận định có được trong giai đoạn phân tích bằng cách so sánh chúng với mục đích của giờ lên lớp và với yêu cầu dự giờ.
-Đánh giá giờ dạy là nêu ra kết quả của giờ học đó (mức độ đạt được so với mục đích bài giảng, kết quả học tập của học sinh có đạt với yêu cầu mà giáo viên đặt ra không?) và chỉ ra trình độ lao động của người dạy (trình độ kiến thức, khả năng giảng dạy, tinh thần trách nhiệm) cũng như những đặc tính của lao động học tập của học sinh (kiến thức và kỹ năng, năng lực nhận thức, thái độ học tập) trong quá trình dạy học của bài học đó.
-Hiệu trưởng đánh giá giờ dạy theo “Tiêu chuẩn giờ lên lớp” đã được xây dựng. Tiêu chuẩn chung nhất để đánh giá kết quả giờ dạy là:
+Thông qua khối lượng tài liệu sách giáo khoa đã được quy định, một nội dung bài lên lớp nhất định, trong phạm vị thời gian nhất định giáo viên đã xây dựng được nhiều nhất cái đáng xây dựng trong tâm hồn, trí tuệ của học sinh và chống triệt để cái cản trở sự phát triển tâm hồn, trí tuệ học sinh.
+Chúng ta không thể đồng ý kiểu đánh giá giờ lên lớp là tốt hay chưa tốt chỉ căn cứ một cách hời hợt, phiến diện ở chỗ giáo viên có ap dụng phương pháp này hay phương pháp kia không, ở chỗ có sử dụng đồ dùng dạy học hay không mà cần xem giáo viên có sử dụng hiệu quả hay không…
+Vấn đề đặt ra không phải dùng nhiều hay ít câu hỏi mà câu hỏi đặt ra có đúng lúc không? Đúng yêu cầu hay không? Tuy nhiên, trong việc dự giờ, Hiệu trưởng cũng phải có tiêu chuẩn đánh giá giờ dạy một cách cụ thể (căn cứ biểu mẫu chỉ đạo chung), vấn đề là Hiệu trưởng vận dụng nó như thế nào để giúp giáo viên nâng cao chất lượng giờ dạy.
-Khi phân tích, đánh giá giờ dạy của giáo viên, Hiệu trưởng cần ghi chép cụ thể những ý kiến nhận xét của mình và những ý kiến những vấn đề cần góp ý cho giáo viên để chuẩn bị cho cuộc trao đổi với giáo viên đạt hiệu quả cao.
Bước 4: Trao đổi với giáo viên
-Điều cần chú ý trong khi troa đổi với giáo viên là Hiệu trưởng không tiến hành đơn phương bằng những nhận xét mà cùng giáo viên trao đổi, tìm đến những quyết định tối ưu để nâng cao hiệu quả giờ dạy.
-Giáo viên phải trả lời những câu hỏi: Mục tiêu của giờ dạy là gì? (Nội dung kiến thức, những kỹ năng cần rèn luyện cho học sinh, hình thành phương pháo học cho học sinh, rèn luyện thái độ, tinh thần học tập, giáo dục tư tưởng…qua bài dạy). Giáo viên tự đánh giá mức độ đạt mục tiêu của bài dạy.
-Hiệu trưởng căn cứ vào những thông tin thu thập được qua quan sát giờ dạy, nêu lên những câu hỏi, những gợi ý để giáo vien trình bày những định hướng của mình khi tiến hành giờ dạy.
-Trao đổi với giáo viên về kết quả bài kiểm tra, phân tích ưu khuyết điểm của học sinh.
-Hiệu trưởng và giáo viên cùng trả lời câu hỏi: Làm thế nào để nâng cao chất lượng giờ dạy? Qua đó Hiệu trưởng cũng góp ý cho giáo viên sửa chữa những thiếu sót, khích lệ giáo viên phát huy ưu điểm.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro