Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Chương 4: Vậy dưỡng nên trò liệu có yên?

Phần I: Châu Mùa
Chương 4: Vậy dưỡng nên trò liệu có yên?

Biển mang bát ngát bạc ngàn
Trông chờ đêm xuống trăng tan dịu dàng
Chỉ là muốn hát cho vang
Khúc ca biển muốn gửi sang cho người

—–

Trầm Viên, năm 261. Nước non dần chỉ còn nước mắt. Dân chúng chỉ còn biết báu víu vào những hy vọng nhỏ nhoi để mong rằng mình sẽ có thể sống tiếp. Còn việc liệu họ sống tiếp được hay không thì chẳng ai chắc hết cả. 

   Năm 258, Trầm Tín Nghinh – vua nước Trầm Viên cho quân xâm lược nước Giáo, gây ảnh hưởng đến hai nước còn lại, khiến dân cả châu Hoán Đảo trở nên loạn cào và từ đó người ta đặt cho tình hình này là “Loạn Hoán Đảo”. Người nước khác nghe chuyện, đa phần sẽ cảm thấy tiếc thương cho giai thoại từ xa xưa của Hoán Đảo rồi thôi; còn người ở trên châu lục ấy, thì lại tuyệt vọng đến mức chỉ thể cầu đến những tín ngưỡng, dù chẳng rõ có thật hay không để đổi lấy niềm hy vọng ngày chiến tranh kết thúc. Thật ra họ vẫn có thể lên thuyền, chạy đến châu thổ khác để tìm con đường sống, nhưng lòng họ chẳng nỡ rời quê hương.

   Hoán Đảo – một phần đảo lớn ngoài khơi xa được lập nên và phát hiện trễ nhất tại Tự Ngôn. Tuy là trễ, thế nhưng nơi đây luôn được công nhận là châu thổ thương dân nhất. Thông tin về nơi đây vào những năm Tự Ngôn trước 300 đều chỉ là dã sử, bởi vùng đảo này ở quá xa khu vực đất liền, vì thế không có thuyền tàu nào dám đi đến xác thực cả. Mãi đến năm Tự Ngôn thứ 355, nước Hoán Đảo chia đàng sẻ nghé, dân chúng lo sợ, nên nhất quyết vào đất liền từ đảo xa để tìm cơ hội sống, từ đó người ta mới biết ở ngoài biển xa có một nơi mang tên Hoán Đảo. 

   Thường khi người ta nghe về Hoán Đảo sẽ bắt đầu mong muốn đến để sống ở nơi đó thay vì đất liền, bởi sự yên bình mà nó mang lại cho dân. Chắc do nếp vua thương dân, dù tan đàn sẻ nghé vẫn không để ai phải chịu thiệt thòi nên mới có được khung cảnh ấy. Thế nhưng tiếc thay đảo không may mắn giữ được nếp đó mãi, những mong muốn về Hoán Đảo cũng từ đó mà dần mất đi.

   – Có sao không?

   Lý Thanh Hồng đỡ đứa bé chỉ mới bảy tám tuổi lo chạy chối chết mà bị té đau đứng dậy, nhẹ giọng hỏi nó.

   Chiến loạn hoành hành, dân lo chạy giặc. Lý Thanh Hồng sau khi bị giặc cướp mất mẹ cha trong ba năm gắng gượng, nhìn thấy có đứa bé một thân một mình chạy bán sống bán chết là biết nó giống với cô. Bởi vì biết nó giống mình, nên cô bé không nỡ bỏ nhóc chờ chết mà nán lại giúp nó. Thằng nhóc thấy có một chị dừng lại giúp đỡ. Chân tay rung lẩy bẩy, rướm nước mắt vì sợ. 

   Chiến tranh cướp mất mẹ cha
Con thơ chỉ dám đau mà lặng im 
   Chiến tranh moi mất ruột tim
  Mẹ cha chết đổi con yên sống đời. 

Lý Thanh Hồng thấy cậu nhóc thút thít, bèn dẫn cậu đến một chỗ vắng người dỗ dành. Tuy nhóc có vẻ rất sợ hãi, nhưng chắc do biết Lý Thanh Hồng lo cho nó, cho nên không phản kháng hành động của cô bé. 

   Cô bé dỗ nó, đoán chắc có lẽ cú sốc mất đi cha mẹ vừa mới đây nên khó mà nguôi ngoai, thế nên nó khóc rất lâu. Lâu đến mức nó quên mất phải ngừng khóc như nào. Lý Thanh Hồng hiểu nó được ít nhiều, nên mềm lòng ngồi lại, xoa dịu nỗi đau, dỗ dành tiếng sụt sùi của nó. Và cứ như thế, hai chị em họ đã cùng chạy đua với cái chết suốt một khoảng thời gian dài. 

   – Những người đó hát không sợ bị bắt sao chị?

   Tí ngồi ở góc cùng Lý Thanh Hồng, nhìn đoàn hát trước mắt mà hỏi khờ.

   Lý Thanh Hồng nghe Tí hỏi, trạng thái cô hơi bơ phờ nhìn về phía đoàn. Chiến tranh quá đỗi lạnh lùng, vậy mà có người dám diễn xướng. Họ không coi trọng mạng sống của họ, đến người xem họ cũng không thấy quan trọng sao?

   Nghĩ đến những điều đó, trong đầu Lý Thanh Hồng bất chợt hiện lên những hình ảnh rợn người và đầy vô tình. Nó khiến cho cô khó bề yên lòng, cứ dán mắt vào khu đoàn hát. 

   – Vậy mình bảo vệ họ nhé?

   Chiến tranh thì mãi chẳng chấm dứt, mạng mình còn lo chưa xong, thế mà Lý Thanh Hồng lại muốn tìm cách giúp những người khác. Có lẽ bởi cô căm hận chiến tranh và thương những người bỏ mạng nên muốn tìm cách để phản kháng lại họ, dù cô còn rất nhỏ, sức lực cũng chẳng bao.

   Thật ra trên đường đi này, Lý Thanh Hồng đã gặp rất nhiều người có suy nghĩ ấy. Cô không phải người đầu tiên, cho nên chẳng có gì kì lạ cả. Mỗi khi nghĩ đến phản kháng, trong đầu cô sẽ xuất hiện hình ảnh chính mình giết chết những kẻ độc ác chẳng ra gì đang ngẩn cao đầu, không quan tâm họ đã sai trên cao. Dường như nó dần trở thành hy vọng sống lớn nhất của cô bây giờ.

   Nhưng Lý Thanh Hồng bất giác nhìn đến Tí. Đôi mắt nó ti hí, không to tròn như những đứa trẻ khác, thân thể thì gầy gò yếu đuối. Lòng trắc ẩn chợt dâng cao, Lý Thanh Hồng chợt cảm thấy xót dạ. 

   – Vậy mình có được ăn không ạ?

   Cô im lặng, không đáp lại lời của Tí, chỉ xoa đầu cậu bé. 

   Bên trong đoàn kịch, sau ba hồi trống, tiếng đờn dần dà được phát ra. Những du dương, êm diệu pha lẫn sự sợ hãi, buồn rầu trải dài trên từng khoảnh khắc một. Lý Thanh Hồng không ở bên trong, thế nhưng nghe thôi đã biết được vở kịch bắt đầu rồi.

   “Hỡi non cao sông dài!!!”

Giọng nói rền vang khắp khung trời của nàng đào nương phát lên mở đầu cho vở kịch. Lý Thanh Hồng bên ngoài thoáng lạnh gáy vì giọng nói kia. Bất giác tưởng tượng ra khung cảnh bên trong đoàn kịch. 

    Lý Thanh Hồng và Tí đã trốn ở khu này từ sớm. Vì thế cô biết rõ bên trong có rất nhiều người vào chờ xem kịch. Mà đã đông thì khó mà giữ cho không khí bên trong im lặng được. Thế nhưng khi giọng nói kia cất lên, trong đầu Lý Thanh Hồng chỉ hiện lên một sự trật tự kì lạ. 

   Dần rồi, cô và Tí chìm vào tiếng say sưa.

   “Tại sao phải khuất phục trong khi sống theo họ ta chẳng khác nào mọ rợ? Nhất quyết! Ta phải đòi lại công bằng cho chính ta!”

   Quỳnh Thúy Trang cất cao giọng của bản thân hệt như một nữ tướng. Rồi lại ngâm lên những giai điệu cao ngất, bất khuất như thể một lời cảnh cáo. Nàng kiêu ngạo ngước mặt lên trời mang theo đó là bóng lưng gầy yếu đáng thương. Người nghe và xem kịch bên dưới đài diễn vì bị nàng dẫn dắt mà lặng im trông chờ, chờ đến mức không ai nỡ lên tiếng phá vỡ khoảnh khắc ấy. 

   Chiến tranh đôi lúc chẳng phải chỉ có mấy khung cảnh tướng sĩ các quân đánh nhau tranh giành tiếng chủ. Cũng chẳng hoàn toàn là cuộc đấu trí của những tướng quân chẳng biết có anh dũng thiện chiến hay ác độc tham lam hay không. Vốn nó chỉ là một phần của hai từ được cho là cốt cách “chiến tranh” mà thôi. Bởi bỏ qua những điều đó, chiến tranh còn có nhiều vấn đề hơn cả như thế. Trong đó, chiến tranh có những người dân; những dân tộc; những linh hồn và hơn thế là những người phải cam chịu. 

   Tình trạng của Hoán Đảo, là minh chứng rõ nhất. Bỏ những tướng quân, tướng sĩ đã hy sinh. Hoán Đảo có những bà mẹ đã điên dại vì con mất, có thể đứa con là một trong những tướng sĩ trong năm quân, cũng có thể là một đứa trẻ chưa biết rõ nguy hiểm là gì, càng có thể là một linh hồn bất khuất; nhưng cho đến cuối cùng thì dù là gì đi chăng nữa, những đứa con ấy cũng đã chẳng còn. Chiến tranh là khung cảnh, kẻ đầu bạc tiễn mái đầu xanh. 

Có những dân tộc, vẫn luôn êm đềm sống như thế. Chẳng biết thế giới là như thế nào và có lẽ họ cũng chẳng cần biết. Họ chỉ muốn sinh ra, lớn lên, có một mái ấm ấm êm và rồi nhìn con, nhìn cháu hạnh phúc trong ngôi nhà của bọn chúng. Thế rồi… Cũng chẳng biết từ bao giờ, những dân tộc đó ngày một xác xơ và cũng chẳng biết sau bao nhiêu năm kéo dài tiếp theo, họ có còn dân tộc để chôn rau cắn rốn hay không. Chiến tranh là những tộc dân chẳng còn dân tộc nữa. 

   Không chỉ là những người sống. Mà chiến tranh còn có những người đã bỏ mạng ở đâu đó trên những mảnh đất quê hương. Có những đêm, lờ mờ ta ngủ say bị phá rối vì nỗi uất hận khó nguôi ngoai. Có những lúc, chẳng biết là đêm hay ngày bị ám ảnh bởi cảnh máu chảy thành sông mà khó lòng đi tiếp. Chẳng biết rốt cuộc, linh hồn có thật hay không, ma quỷ là giả hay vốn chúng đang cùng tồn tại ở một bản thể khác. Chỉ biết rằng có những người sống, đã dần dại khờ theo tiếng rên khóc, hình ảnh lạnh lẽo và cảm giác ghê gợn mà chẳng biết nó xuất hiện từ đâu ra. Chiến tranh là những linh hồn oan ức. 

   Còn rất nhiều, rất nhiều điều về chiến tranh. Viết ra chẳng hết, kể ra theo trí nhớ của từng người đã trải qua cũng chẳng đủ. Mọi câu truyện, góc nhìn dường như cũng chỉ là một trong những khung cảnh đau đớn của nó. Mà vở “Tuồng chiến” Quỳnh Thúy Trang đang diễn đây, cũng vẫn chỉ là một phần trong những sự đau khổ đó.

   “Nước non ngàn mảnh con người
   Sao người nỡ biến tiếng cười thành đau…?”

   Có lẽ, bởi người ta muốn bấu víu vào những vở kịch để cầu mong ngày nước non hòa bình, cho nên họ ngồi lại lắng nghe. Chẳng chê dở, chẳng khen hay, chẳng bàn luận kịch bản hay người diễn đẹp hay xấu. Họ chỉ im lặng, chìm theo và lặn theo từng khung cảnh trước tấm màng nhung đỏ thẳm mà thôi. 

   “Đất này đỏ thẵm biết bao
   Còn người nào nữa mà cầu… non sông…”

   Lời hát cất vang, Quỳnh Thúy Trang khẽ rung người sau lớp áo tuồng. Thầm ghét sao, sự sợ hãi không tên trong lòng mình. 

   Ở bên ngoài, Lý Thanh Hồng cũng khẽ rùng mình vì tiếng hát tiếc thương kia. Phải chi không có chiến tranh, thì biết đâu cô có thể cùng cha và mẹ để dành tiền rồi ghé đến đoàn vào một ngày nào đó đẹp trời và nghe họ hát. Những tiếc thay nó đang diễn ra, và cô chẳng còn người thân nào để trông mong đến mai sau nữa rồi… Chỉ còn mỗi cô mà thôi. 

   Có lẽ bởi dòng suy nghĩ buồn ấy cùng tiếng hát kia, mà mắt của Lý Thanh Hồng cũng dần ngấm lệ. Cô khẽ quay đi, tránh ánh nhìn của Tí và lau vội nước mắt.

   Chắc bởi cô vẫn chưa lớn đến mức kìm được lòng mình mỗi khi nhớ về những người đã mất. Cho nên khống chế cảm xúc thật không phải chuyện dễ dàng với cô.

   Sau khi kìm lại những cảm xúc đang trào của mình xong, Lý Thanh Hồng bèn quay ra với Tí. Chắc bởi do tiếng hát của nàng đào trong đoàn nọ rất hay, nên Tí lờ mờ muốn say ngủ. Lý Thanh Hồng biết ý, tính đưa tay vỗ cho nó ngủ thế nhưng khi quay ra lại bắt gặp một đoàn quân lính đang tiến tới, bèn vội vàng bóp tay Tí bảo nó tỉnh táo. Tí đang buồn ngủ bị đánh thức, thì quay ra hỏi:

   – Em không được ngủ sao?

  Lý Thanh Hồng quay ra. Xoa đầu Tí:

   – Giặc tới rồi! Mình giúp những người bên trong chạy thoát để sau này còn nghe cải lương tiếp nhé?

   Tí không nghe quá rõ lời của Lý Thanh Hồng. Chỉ nghe rõ được câu mở rằng giặc tới. Vội hốt hoảng đứng lên muốn tìm cách chạy. Nhưng thấy Lý Thanh Hồng cứ ngồi im, nhìn về khía đoàn hát. Cậu bé mới ráng nhớ lại lời của Lý Thanh Hồng. 

   Bên trong đoàn kịch, Thủy Diệp bước vào, đảo mắt nhìn khắp nơi xung quanh. Bất chợt bắt gặp được thân hình cùng gương mặt và dáng vẻ quen thuộc thì thở phì ra. Vội đi đến, ngồi trước mặt Giáng Danh Phương, than trời trách đất:

   – Giáng huynh bảo không đi du sơn ngoạn thủy vì chỉ có bao nhiêu đó. Sao nay lại đến đây làm gì? Anh muốn bỏ mạng nhỉ? Làm em phải đi tìm anh mệt hết cả người.

    Giáng Danh Phương liếc xéo Thủy Diệp đầy chán ghét. Vốn đã ngứa mắt cậu vì bảng Tài không được đứng đầu. Nay lại gặp cậu ở đây, còn nói giọng điệu như anh ta là người bắt buột cậu đến nơi này vậy.

   Nhưng chắc có lẽ hôm nay đặc biệt, vở tuồng này là vở Giáng Danh Phương đang ngóng nghe, thế nên không muốn nói nhiều đến Thủy Diệp. Quay mặt tập trung vào nàng đào trên sân khấu cùng tách trà ấm. 

   Thái độ này của Giáng Danh Phương làm cho Thủy Diệp hơi mắc cười. Cứ ngỡ anh ta gặp cậu, vì tức giận cái việc bị cướp mất hạng một, sẽ quát nạt một trận. Ai ngờ đâu Giáng Danh Phương lại lơ cậu đi một cách đương nhiên như này.

   “Ta là nữ nhi, chẳng đánh giặc cầm thương, nhưng ta vẫn là nữ tướng!”

   Bỏ qua cảm xúc nổi lên trong lòng. Thủy Diệp quay ra nhìn lên sân khấu. Nàng đào kia mặc bộ áo tuồng trắng, gương mặt ẩn chút nét buồn, nhưng nó không ảnh hưởng gì đến vở tuồng nàng đang diễn cả. Từng lời thoại, câu hát mà nàng hát cứ êm tai dần đều, làm Thủy Diệp cũng phải cảm thán. Cậu quay ra Giáng Danh Phương, thấy anh đang tập trung mãi trên sân khấu. Thầm hiểu anh đang muốn xem tuồng cho trọn vẹn. Thủy Diệp cũng định cho Giáng Danh Phương được như thế. Thế nhưng chợt nhớ ra trước giờ Giáng Danh Phương chẳng bao giờ xem mấy vở kịch ở Song Thanh với thái độ thế này hết, thế là nổi hứng muốn nói khích mấy câu.

   Thủy Diệp mở đầu:

   – Hôm nay Giáng huynh làm em mở mang tầm mắt thiệt. Mê xem kịch tới độ mình đứng sau em mà không thèm để ý luôn cơ. Đúng là, người đứng hạng hai có khác!

   Giáng Danh Phương lại liếc Thủy Diệp một cái. Vở kịch đang hay, anh không muốn bị những lời khích của Thủy Diệp ảnh hưởng. Thế rồi vẫn im lặng, rót trà, uống cạn để dằn sự bực tức trong người lại. Thủy Diệp để đó, anh sẽ tính sổ sau. 

Thủy Diệp nhìn ly trà thứ hai Giáng Danh Phương rót ra, chờ khi nó gần đến miệng, thì giật lấy nó, uống cạn. Biết là vô duyên, nhưng đã là Giáng Danh Phương thì nó chỉ là chọc tức mà thôi. Nên Thủy Diệp cứ thế mà làm. 

   Đúng ý Thủy Diệp, Giáng Danh Phương bực bội mắng. Dù mắng, thế nhưng vẫn rất nhỏ giọng:

   – Diệp Miên Sinh! Mi thôi chưa!

   Thủy Diệp khoái chí:

   – Thủy Diệp đã làm gì đâu mà Giáng huynh gọi hẳn tên họ của em thế này!

   – Thủy Thủy Diệp Diệp cái *trốc mi! Mi là Diệp Miên Sinh, tau không quen Thủy Diệp gì sất! Cút xéo về nhà mi!

*Trốc (Phương ngữ miền Trung): Đầu.

   Giáng Danh Phương gằn giọng. Khó chịu tới mức đứng thẳng cả người, chỉ tay hẳn vào mặt Thủy Diệp. Trông thái độ của Giáng Danh Phương bấy giờ chẳng khác gì người cha đang muốn giáo huấn con. Người xem kịch thấy Giáng Danh Phương đang mất trật tự, cũng khó chịu ít nhiều, nên lên tiếng nhắc nhở. Thủy Diệp thấy Giáng Danh Phương chợt hèn ngang mà ngồi xuống. Cười chưa kịp đã đời, lại lên tiếng chọc tiếp:

   – Thủy Diệp là người đứng trước anh một bật ấy! 

   Mặt Giáng Danh Phương đỏ ké, muốn ngắt nhéo, đánh đấm Thủy Diệp một trận cho vừa lòng mình. Thế nhưng nhận ra xung quanh không mấy phù hợp. Chỉ đành gắng im lặng, để mặc Thủy Diệp làm gì thì làm.

   Lý Thanh Hồng và Tí bước vào trong đoàn. Không dám la lớn, chỉ sợ nếu la lên, thì hai chị em sẽ bị địch xử tử trước tiên. Nên đảo mắt nhìn xung quanh một vòng. 

   Đoàn kịch này diễn vào thời chiến. Mà đã vào thời chiến thì chuyện tiền nong chẳng phải vấn đề của họ. Họ chỉ muốn diễn cho người dân xem, cho thõa lòng họ nên Lý Thanh Hồng và Tí mới vào trong đoàn dễ dàng như này. Nhưng cũng vì điều đó, Lý Thanh Hồng phải đi loanh quanh tìm kiếm chủ đoàn rất lâu. 

   May sao, do Giáng Danh Phương đang bị chọc tức, gây khó chịu cho người ta, nên chủ đoàn đi đến nhắc nhở hai người. Lúc ấy, Lý Thanh Hồng chớp ngay thời cơ, vội chạy đến. 

   Tí thấy Lý Thanh Hồng đang hơi rung, thế là thay Lý Thanh Hồng lay tay áo của chủ đoàn hát, rồi ghé vào tai của chủ đoàn: 

   – Chú ơi, ở đằng kia giặc đang đến! 

   Khương Chấn Phàm đang loay hoay nhắc nhở Giáng Danh Phương. Bất chợt bị Tí kéo đến và bảo về giặc. Ông hơi rùng mình, nhưng cũng không để sự lo lắng hiện lên mặt. Khẽ xoa đầu Tí, liếc mắt nhìn Lý Thanh Hồng đang chờ đợi. Bèn quay đi.

   Thủy Diệp thấy có chút gì đó không đúng lắm. Thế nhưng không hỏi nhiều, chỉ đứng nhìn hai chị em Lý Thanh Hồng với đôi mắt thăm dò. 

Khương Chấn Phàm vội bước đến gần chỗ người nhắc tuồng. Nói nhỏ với cô về phía trước, sau đó cho người mang mọi người rời đi để dễ bề chạy thoát. 

   Phan Bảo – Kép phụ của vở nghe xong, vội kéo anh của mình – Phan Bội để chạy đi. Thế nhưng Phan Bội lại không đi, mà khẽ gỡ tay em trai mình ra, quay lên tiếp tục vở tuồng. 

   Mọi người xung quanh bấy giờ đã được dẫn đi một số. Quỳnh Thúy Trang sau khi nghe được lời thông báo của người nhắc tuồng thì hơi đảo mắt nhìn về phía Phan Bội. Sau khi thấy anh đang bước lên tiếp tục vở kịch thì lòng chợt bình lặng được mấy phần. Dường như cô cũng biết rõ rằng vào lúc này cả hai đều hiểu suy nghĩ của nhau. Thế là mặc cho xung quanh đang dần thưa thớt, diễn cho đến cuối cùng. 

   Phan Bảo đứng phía dưới, đôi chân rung rẫy, chợt cảm thấy mình như một tội nhân nhìn về phía Phan Bội. Anh của cậu đang muốn làm gì vậy? 

   Thủy Diệp nhận ra vấn đề sớm, thế là nhanh chóng muốn kéo Giáng Danh Phương đi. Thế nhưng Giáng Danh Phương lại không vội đi. Mà đứng đối mắt với Lý Thanh Hồng. 

   Giáng Danh Phương lên tiếng: 

   – Hai chị em bọn mi có thể chạy trước. Tại sao phải nán lại đây? 

   Biết là đồng bào quan trọng, nhưng lỡ như đi không kịp và bị bắt thì sao? Lý Thanh Hồng rất bình tĩnh, trả lời Giáng Danh Phương: 

   – Cho dù có chết, thì giúp được mọi người thoát chết có là gì! 

   Lý Thanh Hồng nhìn Tí, quay lên nhìn người lạ đang nói chuyện với mình:

   – Chỉ là nước đang gặp nạn… Tôi nhờ chú giúp tôi…

   Thấy Giáng Danh Phương gật đầu như đã hiểu lời của mình, Lý Thanh Hồng bèn đẩy Tí về phía người nọ, kèm theo một cái cúi đầu biết ơn. Dẫu Tí không phải em ruột của cô, nhưng nó cũng đi với cô được khoảng thời gian dài làm cô mến tay mến chân nó ít nhiều. Hơn nữa, tuy nó con nhỏ lại ngoan ngoãn hơn xa lứa trẻ khác làm cô cứ xót lòng xót dạ muốn lo lắng cho nó không thôi. Thật ra cô cũng không muốn để nó lại cho một người xa lạ nào cả, bởi ai biết đâu đó là người xấu xa thế nào. Nhưng cô lại nhận ra nếu cô ôm lấy đứa bé này mãi, thì cả hai chị em chỉ thể chờ chết mỗi ngày mà thôi. Lý Thanh Hồng không muốn phải khuất phục trước cảnh nước non thế này, cô muốn ít ra mình cũng phải góp được phần sức để giúp phần nào cho nước non. Thế nên cô đành phải cắn răng, gửi đứa em khờ cho người nào đó cô tin tưởng, dù sự tin tưởng ấy chỉ có một phần nhỏ nhoi mà thôi.

   Giáng Danh Phương dường như hiểu ý. Nắm lấy tay Tí, quay đầu rời đi cùng Thủy Diệp, để Lý Thanh Hồng đứng đó. Mai sau, chẳng biết Lý Thanh Hồng sẽ thế nào. Nhưng có lẽ Giáng Danh Phương biết, dù là mảnh đất chôn xác hay là căn nhà bập bẹ, cô bé ấy cũng là một linh hồn đáng được tôn vinh. 

   Bấy giờ, đoàn kịch đã chẳng còn ai. Phan Bảo đang rung rẩy cũng bị Khương Chấn Phàm kéo đi. Nhưng Quỳnh Thúy Trang và Phan Bội vẫn tiếp tục diễn kịch, chẳng mảy may dừng lại. 

   Khi nãy, Khương Chấn Phàm đã hỏi cả hai rằng: 

 – Có chắc muốn diễn đến cuối hay không?

   Cả hai chỉ cười nhẹ, quay đầu cất vang tiếng hát của bản thân. Để mặc xung quanh đã chẳng còn ai nữa. 

   —– 

   Để tôi kể cho người nghe câu chuyện chẳng biết có thật hay là không. Về ngày xưa, giữa chiến tranh khắp vùng. 

   Năm đó, vua cao khởi nguồn chiến tranh. Người dân bị bắt làm nô lệ, bị hành hạ, đánh giết để phục vụ bọn chúng. Những thôn nữ có chút nhan sắc thì bị đưa vào trại, phục vụ giường chiếu hay là hát cho chúng nghe để dễ bề ngủ yên. Và tôi là một trong những cô thôn nữ ấy. 

   Tôi chẳng biết rằng chiến tranh đã bắt đầu từ bao giờ. Cũng chẳng còn nhớ tôi là người của nước nào, thuộc dân tộc nào hết cả. Tôi chỉ biết, tôi đã bị nhốt trong căn chồi ấy rất lâu, rất lâu. 

   Lần đầu tiên, tôi được ngắm nhìn thế giới xung quanh là vào hôm chàng đến và đưa tay cứu tôi ra khỏi nơi ấy. Từ đó, tôi mới biết mình là người nước nào và thế nào mới là cuộc đời. Thế là, tôi đã có được những lý tưởng sống cho chính mình.

   Tôi yếu đuối lắm! Thế nên cũng chẳng làm được gì để giúp đồng bào, dân tộc. Chỉ biết giúp mọi người trong quân, nấu vài bữa cơm cho mọi người khi canh gác, đặng có sức đánh với quân lòng lang dạ sói kia. 

   Tháng trôi, năm dài. Tôi dần quên đi phần quá khứ đau đớn kia. Cứ ngỡ, rồi chiến tranh sẽ kết thúc. Tôi và chàng sẽ bên nhau, giặc sẽ đền lại cho những người hy sinh một sự báo ứng thích đáng. Thế nhưng chúng lại đông và ác độc quá mức. Và rồi tôi lại bị bắt về cái nơi đen tối kia. Khi ấy, tôi đã thề rằng: “Ta là nữ nhi, chẳng dám cầm thương! Nhưng ta là nữ tướng!” 

   Hàng ngày, bọn chúng dày vò, chà đạp tôi và những người khác. Những khúc hát tôi ru chúng làm cho tôi ngày một chán ghét giọng hát của mình. Thế nhưng, tôi biết bọn chúng đang mê mẩn giọng hát này của tôi. Nên tôi đã chiều theo ý chúng, để rồi bọn chúng say mê tôi. 

   Hôm ấy, là ngày rất nóng. Suốt cả một ngày, cứ nóng bức oi ả làm cho lòng tôi cứ mãi mà chẳng yên. Tôi bước vào căn cứ của chúng, hát lên khúc ru ngủ của thường ngày, chẳng hiểu sao khi ấy lòng tôi hạnh phúc đến lạ lùng. 

   Chúng dần chìm vào giấc ngủ. Tôi cũng dần tỉnh táo hơn bao giờ hết. Tôi nhìn khung cảnh xung quanh, ánh đèn dầu leo lắt chiếu sáng cho căn chồi vì sự xuất hiện của chúng mà bẩn thiểu đi rất nhiều. Và rồi, tôi vươn tay để lửa lan khắp lòng mình. 

   “Dẫu cho ta là nữ nhân thôi thì đã sao? Ta thà chết trên ngọn lửa cho chính ta thêu nên để chết cùng các người! Còn hơn là làm nữ nhân hầu hạ dưới chân giường lũ giặc các ngươi!!!”

Sau trận lửa lớn ấy. Tôi may mắn trốn thoát ra. Nhìn ngọn lửa ngày một bùng lên ấy, làm tôi cứ lâng lâng thỏa mãn trong lòng. Tôi chẳng đánh đuổi được giặc, cũng chẳng chắc trận cháy sẽ tàn phá được bao nhiêu phần của lũ giặc ấy. Chỉ biết rằng mình thắng rồi. 

   Tôi men theo con đường mà tôi nghĩ là quen thuộc. Tìm về khu đóng quân quen thuộc. Nhìn mọi người vui mừng vì tôi và những người bị bắt khác đã quay về mà ấm áp không thôi. Sau này, may mắn sao chúng tôi cũng kết thúc được chiến tranh. Đất nước và dân tộc được trở về nền độc lập tự do mà ai cũng mong cầu. 

   Ngày hôm ấy, tôi đã đứng trước mọi người. Vui mừng không thôi, cất lên khúc cải lương được viết riêng cho chính tôi.

   Khúc rằng: “Nước ta sẽ mãi nước ta, chẳng ai…”

   —–

   “Nước ta sẽ mãi nước ta, chẳng ai…” 

   Vân Xung bước vào đoàn, nhìn xung quanh đã chẳng còn một ai. Chỉ còn hai kẻ kép đào đang gắng sức cho vở tuồng đang diễn. Ông ta khinh thường cười lớn. Rồi binh lính của ông, thẳng tay giết chết Quỳnh Thúy Trang và Phan Bội. 

   Vở kịch kia không kịp kết thúc, Quỳnh Thúy Trang và Phan Bội đã bỏ mạng. 

   —–

   Giáng Danh Phương dẫn Tí và Thủy Diệp rời khỏi khu vực nguy hiểm. Ghé bên bờ biển, chờ tàu đến. Sau khi lên tàu rồi, anh đưa cho Tí một cái bánh để thằng bé ăn lót dạ. 

   Tí nhìn Giáng Danh Phương, chẳng hiểu sao nó lại không sợ người này. Nó chỉ nhìn về phía bờ biển, hoang mang hỏi: 

   – Sao chú không mang chị đi?

   Giáng Danh Phương không đáp lại câu hỏi, mà chuyển sang chủ đề khác:

   – Mi ăn không? Không ăn tau ăn đấy.

   Tí vội vã cầm lấy cái bánh, ngốn vào họng. Chạy giặc quá lâu, nó đói đến mức sắp chết. Nay có đồ để ăn, làm sao mà bỏ qua nó được. Thôi cứ ăn trước rồi hỏi chị sau. 

   Giáng Danh Phương thấy dáng vẻ ăn uống đói khát của Tí, không cản nó. Nhẹ giọng hỏi:

   – Mi tên gì? 

   – Con tên Tí! 

   Giáng Danh Phương nhăn mặt. Tên xấu vậy? 

   – Mi làm học trò của tau nhé?

   – Học trò? 

   Tí là dân đen nên mấy câu từ học thức này nọ nó đâu có biết, thế nên mới hỏi lại. Giáng Danh Phương cũng rất kiên nhẫn, nhẹ nhàng giải thích: 

   – Tau sẽ là thầy của mi, được không? 

   Thầy là cha. Tí được dạy là như thế. Giáng Danh Phương cũng không giải thích rõ về điều này, thế nên mắt cậu tròn xoe gật đầu đồng ý. 

   Giáng Danh Phương ngẫm nghĩ một hồi, sau đó lại nói: 

   – Mi là học trò của tau, thế nên tau sẽ đặt cho mi cái tên mới! Tên Tí chẳng hay chút nào, đi theo Tài nhân như ta bắt buộc phải có tên hay! 

   – Tên Tí rất đẹp! 

   Tí chẳng biết đẹp xấu là gì. Chỉ biết mẹ hay khen nó đẹp. 

   – Ngu ngốc! Từ nay mi sẽ tên là Giáng Thanh Phúc… Không, mi sẽ tên là Giáng Thanh La tức nốt nhạc thứ sáu. Sau này không được xưng Tí, mà phải xưng là Thanh La, biết chưa?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro