35. CON SƯ TỬ
35. CON SƯ TỬ
Tích chuyện con sư tử hung dữ hối cải và giáo hóa đàn em và cả khu rừng (12 trang):
Thuở xưa tại xứ Ấn Độ, dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn, dựa mé sông Hằng, có một đám rừng to rộng lớn rậm hoang, nơi ấy không có dấu chơn người đi tới được. Bấy giờ trong giữa rừng, có một con sư tử chúa cao lớn dị thường, sắc lông vàng rực, không một điểm pha lộn. Con sư tử có bộ lông sang trọng ấy, cai quản trọn khu rừng, cả thảy các thú kia đều là tay sai bộ hạ. Đội binh hùng mạnh của nó gồm có : cọp, beo, voi, gấu, khỉ, vượn, chó, thỏ, trâu v.v... đủ cả các thú rừng do sư tử chúa rèn tập un đúc từ lâu. Với một đạo binh tinh luyện ấy, ủng hộ, chúa sư tử nghinh ngang, không còn phải sợ ai nữa hết. Bao phen thắng trận vẻ vang, lấn đất giành rừng, hiện bây giờ sư tử chúa giàu sang cường thạnh, ranh giới mênh mông ; mồi thịt mỗi ngày ăn không hết kịp, mà lại không có bầy thú nào dém bén mảng đến toan trả thù chi cả.
Đã từ lâu rồi, chúa sư tử hưởng phước trong sự bình yên, mỗi buổi có gấu, voi đem đến dâng cho thịt tươi ngon tốt, không còn phải mắc bận đi kiếm ăn nữa. Chúa sư tử rất hãnh diện, trong đám đa thê, hoàng hậu, cung phi, toàn là mỹ nữ xinh đẹp, quanh quẩn tối ngày, chúa sư tử ta không còn biết thời gian bao rộng chi cả. Mỗi khi lâm triều là chúa ta ngự yến thiết tiệc say sưa, no nê, phình bụng, la lối ngông càn, thét vang gầm dội.
Đời sống của sư tử chúa chỉ biết sát hại để ăn, giành giựt cho có, dâm dục chơi bời, la lối ngông nghêu, say sưa bất kể. Mỗi ngày bộ hạ chúng nó đi bắt thịt sống ăn tươi, cho đến thịt của đồng bạn con nào chết thì con khác ăn, theo lời sư tử chúa dạy bảo, hễ gặp thịt ăn được là phải ăn đặng sống.
Chúng nó không có lòng nhơn chi cả. Sau khi ăn rồi, ngủ đã, thay cho sự ở không, là chúng nó tiêu khiển bằng sự tập dượt võ nghệ, vật cắn lẫn nhau, cùng tìm kiếm thú khác lấn ranh, rượt bắt, thị oai, cướp giựt, không lẽ có ăn, dư của, lại chịu rầu buồn, chúng nó tìm sự vui chơi loại cái, loạn luân bất kể, thấy gặp nô đùa. Đời của chúng nó, đực cái là để chơi vui, loại cái phải là con vật hy sinh thân mạng cho đồng loại, phải chịu cho chúng loại đực thỏa mãn nhục dục, và phải sanh con cho chúng nó ăn thịt nữa. Ngoài sự dâm dục, chúng nó gầm thét vang rền, dậy tai điếc óc, ca hát giỡn la nô đùa chọc ghẹo, chúng nó chửi rủa, khoe khoang, đâm thọc, láo dối chi chi đủ tiếng, chát chúa om sòm. Đã vậy nào thôi, chúng nó lại tinh không lắm, quân sư vượn của chúng nó, lại chế ra nhiều thứ rượu ngon say mạnh, bằng các thứ trái chín, lượm gom chất ủ. Mỗi khi ăn uống, thì có khỉ dâng rượu, gấu dâng thịt ; uống say để được ăn nhiều, la lớn, ngủ ngon, dâm dục mạnh, vật lộn hay, cắn giết giỏi. Uống say để cho hừng chí, vui hăng, liều mạng. Đời của chúng nó dạy xúi cho nhau như vậy, từ nhỏ cho đến lớn, đời kiếp không sửa đổi chi cả, cho nên xã hội của chúng nó, không có gì đông đảo, chẳng có con vật nào được sống tới già. Chúng nó sống trong cuộc đời ngang ngược, hợm hĩnh, giữa sự bao vây thù oán. Còn các con vật nhỏ yếu thì phải sợ sệt lo trốn tránh mãi, không biết làm sao sống được.
Một hôm con sư tử chúa bị bệnh cảm gió, vì bởi uống rượu nhiều, ba ngày nhịn đói tóp khô, không ăn uống chi được, bụng vì ăn thịt sống nên sanh chất độc, quặn đau lăn lộn, miệng hôi, lưỡi đắng, uống ăn mửa chảy, tánh mạng rất nguy nan. Bấy giờ chung quanh nó, không còn có một con cọp beo sư tử cái nào cả, cho đến chó cũng không ngơ, mà văng vẳng nghe phía ngoài xa, lại có tiếng gầm thét vui cười trửng giỡn. Khi ấy sư tử chúa tức giận vô cùng. Không có miếng nước nào uống, nó khô cổ khát quá, rán lết lại gần vùng nước dưới khe bên chân núi, nó khòm đầu xuống, uống xong, đuối sức quá, nó nằm mẹp xuội nơi đó, thở mệt, nhắm mắt xuôi đờ. Chẳng biết bao lâu nó mới tỉnh dậy mở mắt ra, nhìn xuống mặt nước, xem thấy gương mặt của nó khô khan, cằn cỗi, như đã quá già, thêm sự ác hung tàn bạo xấu xa, tỏ ra đó là một bộ xương da khủng khiếp. Nó nhìn xem lại thân thể tay chân, gầy đét, ốm o, chỉ còn xương bọc lấy da thôi, không còn sự xinh đẹp mạnh mẽ chi nữa cả. Hôm nay thế lực nó đã tàn, thời vận của nó đã hết, phước đức cũng không ngơ.
Nó càng đau càng mệt, lại càng tức giận thù ghét bầy tôi ác gian của nó, nó rán hộc lên vài tiếng kêu gọi, cũng chẳng thấy ai thưa. Nó ậm ực nói thầm trong dạ rằng : để rồi ta mạnh lại, các ngươi sẽ biết tay ta hết thảy ! Nhưng sau câu nói thầm ấy, nó bỗng giựt mình, mà nhận thấy ra rằng : tay chân của nó không rán gượng đứng lên đi đặng. Nó thấy nó nói vô lý quá, vì bịnh của nó sắp chết, và thịt của nó sẽ bị chúng kia xé ăn. Suy nghĩ đến đó nó buồn rầu hối hận lắm, tự nói rằng : Mình không phải giận ghét những kẻ kia mới phải, vì chính mình đã dạy bảo chúng nó như vậy ! Mình đã dạy bảo và làm gương cho chúng nó rằng : Con nào chết, phải xé thịt mà ăn, sống là phải sát sanh, trộm cướp, dâm dục, láo xược, say sưa. Nào mình đã có dạy tập chúng nó làm gương trung nghĩa, hiếu thuận, thương yêu, nuôi bịnh, nhơn ái, nghĩa ân, lễ phép, cùng là sự chơn thật tỉnh táo, khiêm nhượng, trang nghiêm, tinh khiết chi đâu. Bây giờ mình đi phiền trách chúng nó sao cho phải lẽ ; mà tại sao mình không phiền trách lấy mình, vì việc làm sái quấy của mình, mãi để lại về sau, tai hại chung cho tất cả. Đời sống như thế thì đâu còn được yên vui, kẻ nhỏ yếu hiền lương phải sợ sệt khổ chết trước, kẻ ác dữ sức lực thì cũng phải sợ sệt khổ chết sau. Như vậy thì đâu có ai sống mãi, đâu có ai được sống tới già, và cõi đất nầy không bao giờ có đông đảo sống chung nhau được. Nó thấy hối lỗi lắm, nó buồn ghét, trở lại cái tự cao háo thắng, tuổi xuân xanh hợm hĩnh của nó. Chừng ấy nó mới biết là nó đã đi lạc. Con đường liều bướng của nó đã phác họa ra ấy, không có mục đích, và không đi đến đâu được. Nó thấy nó đã cùng đường rồi, không còn biết đi đâu, đến đâu, sau nữa ? Nó thấy nó sẽ chết đi, rồi thì bơ vơ, khổ não, không có một chút chi là của vốn, và nó cũng sẽ không biết nó là ai, ra sao nữa đực, xét đến việc ấy nó sợ lắm ! Nó thấy nó đau là tại ăn thịt, nó mê muội là tại uống rượu, nó ốm già mau là tại dâm dục, tất cả đều thù oán nó, và đều muốn giết nó để giựt quyền, là vì thói quen cướp giựt. Nó hôm nay tắt tiếng khan cổ, và kêu không ai lại, là bởi sự la lối ngông cuồng láo xược. Nó thấy nó đã đau sắp chết, mà hiện tại trong mỗi lúc, nghi sợ như có thú khác ẩn núp báo thù, là do trước kia nó đã lấn ranh đoạt xứ của người ta. Mỗi ngọn gió thổi qua, nó tưởng chừng như có con thú giặc nghịch nào nhảy đến chụp nó. Nằm đó mà cặp mắt nó không phút yên định được ; trước kia nó vui sướng bao nhiêu, là hôm nay nó khổ sầu bấy nhiêu. Nhứt là nó sợ sau khi chết rồi, tội lỗi nó còn để lại đời sau, cả loài vật đều noi gương theo giáo lý ác hung của nó, mà khổ chết vì nhau.
Bây giờ nó nghĩ ra một phương pháp đền tội, là nó phải sống, có rán để mà sống, gắng gượng mà sống, phải bò lết sống thêm. Nó phải đi ngược lại con đường của nó, nó phải quên mình hạ thấp xuống nhỏ-nhoi, để cứu vớt đồng loại. Ý định đã quyết, nó bỏ hết, quên hết những sự việc đã qua, nó chỉ còn thấy có con đường khai vạch bởi trí não nó thôi, nó không còn kể gì bịnh nặng nữa, nó hăng- hái can-đảm đứng dậy và bước đi, nó tin tưởng chắc chắn rằng : Phật, thánh, thần tiên vô-hình chi đó, ắt đã vui lòng chứng-kiến ủng-hộ cho sự muốn làm lành của nó, các bậc ấy đã tha thứ xóa bỏ tội-lỗi của nó hết rồi, bây giờ đây chắc là phải thương mến cảm-động nó lắm ; vì nó hứa sẽ nguyện thay thế đấng hóa-sanh, cứu-vớt dắt đường cho chủng-loại. Nó cố rán bước đi, quên cả ốm đau, sự hừng của nó làm cho khắp mình nóng ran, mồ-hôi chảy đượm, tiêu tan chứng bịnh. Nó bước đi với quả tim bồng-bột của nỗi mừng nỗi lo, cũng giống như một ông thầy tu ngồi tham-thiền mới đắc đạo, đứng dậy sắp đi ra dạy đạo cho chúng-sanh ngày mai.
Nó lần mò bước đi xiểng-niểng, vào giữa đám rừng sâu, trước sự ngạc-nhiên, dừng lặng, của trăm ngàn con thú khác, đang nhảy múa thét la gầm giỡn. Vì ai ai cũng tưởng là nó sắp chết, đang chết ; chúng nó cũng sắp sẽ đi chia thịt ông chủ nó, thế mà sao chủ nó lại còn sống, mạnh giỏi và đến đây, thuốc chi ở đâu hay như vậy ? Thế là cả bọn thôi chơi, lặng in, xúm nhau bu lại, để hỏi thăm nghe dạy, khi ấy chúa sư-tử mới thốt ra giọng cảm-động, run-run, khàn-khàn mà nói rằng : Hỡi các anh em ! Trước hết các anh em hãy tha thứ tội -lỗi cho tôi, mà đừng kêu gọi xem tôi là chúa tể nữa. Các anh em hãy coi tôi là kẻ có tội trọng hơn ai hết, là thấp nhỏ xấu xa hơn hết ! Bởi vì sao vậy ? Vì hôm nay Tôi đã thức tỉnh giác-ngộ, sám-hối ăn-năn, nên quá ghê sợ quá hổ-thẹn tội-lỗi lắm. Hỡi các anh em! tôi đã lầm, mà dắt dẫn cả anh em đều lầm lộn nữa, thật là tội-lỗi ác quấy của tôi lớn lắm. Từ xưa cho đến nay, bao nhiêu sự chết khổ của đồng loài, là bởi tại tôi, và từ nay sắp đến những về sau, sự chết khổ của đồng loại, cũng là tội ác của tôi nữa. Vậy nên hôm nay tôi sống trở lại, sống để đền tội chuộc tội, cứu vớt tội, bằng cách tôi phải dắt dẫn chỉ đường cho anh em đi, để rửa bớt tội ác của tôi trong muôn một. Hỡi các anh em ! Tôi rất cảm-động mà thấy trong khi tôi đau nặng sắp chết, các anh em lại có lòng nhơn, tha thứ cho thân mạng tôi còn được sống sót đây. Tôi rất xấu-hổ mà thấy lòng nhơn của các anh em ấy, cao thương đáng kính, hơn ác tâm của tôi từ bấy lâu nay. Đến đây sư-tử chúa vừa khóc chảy nước mắt, ngó xuống dàu-dàu, mà chẫm rãi nói thêm rằng : "Lòng nhơn của các anh em ấy tôi quý kính lắm, tôi ước mong sao cho điều lành ấy nẩy -nở giữa sự sống của chúng ta trước hết! Hôm nay tôi chưa phải chết, hay là Trời chưa cho tôi phải chết, vì tôi còn phải xin chuộc tội-lỗi với anh em, tôi rất cám ơn anh em, anh em muốn cho tôi sống, anh em muốn được sự sung-sướng bởi tiếng cám ơn. Có lẽ anh em đều muốn cho tất cả chúng-sanh đều đem lại cho anh em những tiếng cám ơn vang dội mãi mãi, để cho các anh em sung-sướng mãi mãi ! Sự sung-sướng ấy tốt hơn là sự vui chơi trụy -lạc, nơi vật-chất xác thân, ăn thịt, uống rượu, nói dối, dâm-dục, cướp bóc, tự cao, ác xảo. Sự sung-sướng ấy cũng như hôm nay, các anh em được sung-sướng trước mặt tôi, với lời nói hạ mình nhỏ-nhoi thấp-thỏi của tôi, chút ít đây vậy. Muốn có sự sung-sướng đầy dẫy tràn-trề mãi mãi ấy, là các anh em trước hết chớ gọi tôi là loạn óc, là điên rồi nhe ! Không đâu, anh em ! Hôm nay tôi tỉnh lắm, tôi sáng lắm, vì tôi đã mới tìm ra được một con đường khác lạ, hay cao, quý báu lắm, tốt đẹp sạch sẽ mà vĩnh-viễn nữa. Con đường đó trái ngược với con đường đã qua của chúng ta. Tức là con đường thiện vậy : phải, một chữ thiện là đủ rồi. Thế nào gọi là thiện ? Thiện nghĩa là lành, lại cũng như thiện nghệ là lành nghề, thay cho sự chuyên-môn rành lành nghệ nghiệp dối tạm. Chúng ta hôm nay phải chuyên-môn rành lành lẽ sống, cái sống. Tức là cái sống thiện lành kinh-nghiệm, hay là phải thiện lành kinh nghiệm về cái sống ấy.
Hỡi các anh em ! Chúng ta phải chữa sửa mau lẹ, hành-vi của chúng ta, chúng ta không nên sát sanh đồng loại nữa, chúng ta không nên dùng cái lớn to sức lực, để ăn thịt uống huyết lẫn nhau nữa, lẽ thật là sống, chúng ta phải sống, tất cả phải sống với ta. Chúng ta đừng gây thù oán vô ích với nhau, bằng sự chặt đứt con đường sống của ai nấy. Chúng ta phải tấn hóa, phải làm cho cõi thú của chúng ta, trở nên lớp cao ráo tốt đẹp, hơn là sự chết khổ xưa nay. Cái sống thiện của chúng ta là phải nhơn-ái. Nhơn ái, nhơn-từ, nhơn-đức, lòng nhơn là phải chứa đức, hiền từ, thương yêu, lòng nhơn phải là nấc thang, cao trên hơn vật-chất, lạc thú ngông càng, lòng nhơn phải là cảnh sống của tất cả. Lòng nhơn phải là áo mặc, nhà cửa món ăn, thuốc uống của chúng ta, là hạnh phúc của cải chúng ta. Hỡi các anh em ! Ai là kẻ đã ngó thấy xa, biết sợ cái đau, cái già, cái chết, cái không thường thất -bại. Nào ai đã nghĩ đến sau khi chết, hoặc không phải trở lại đời sau, hay mặt đất nầy nó sẽ ra sao ? Hỡi các anh em ! Phải sống, phải sống trước đã, phải ở trong lòng nhơn, trong cái sống thiện.
Hỡi các anh em ! Nào ai là kẻ đã từng có sự đau-đớn, tức-tối, và như thế là chúng ta nên rộng lượng mà dòm ngó đến kẻ khác, vì họ cũng y như ta vậy, ta đã không muốn cái gì, thì đừng bắt kẻ khác phải chịu cái ấy, mà ta muốn gì và họ không muốn gì ? Trả lời được câu ấy, là ta thấy ra tất cả thế-giới chúng-sanh ngay.
Hỡi các bạn ơi ! Cái biết của chúng ta, nó bảo chúng ta phải lo học thôi ! Hỡi các bạn ơi ! Cái tư-tưởng linh-thiêng của chúng ta, nó bảo chúng ta phải có đủ thần-thông vậy ! Hợi các bạn ơi ! Cái sống của chúng ta, nó bảo chúng ta phải sống mãi, và tất cả cũng phải sống y như chúng ta ! Nầy là cái sát- sanh, nó cản trở con đường đi của chúng ta và ai nấy. Nầy là cái trộm cắp, cái dâm-dục, cái nói dối, cái uống rượu, ham vui xấc lối ỷ thị, cũng y như vậy. Nó làm cho chúng ta xa lìa mục - đích cái sống, không còn biết có chi mùi vị; chúng ta càng sa ngã theo nó, càng khó đi đứng vững -vàng. Cái sát sanh làm cho thân ta phải chết, phải bị chúng giết hại lại ! Cái trộm cắp nó sẽ làm cho thân ta phải thiếu-thốn, vì phải bị chúng cắp trộm lại ! Cái tà-dâm nó làm cho thân ta phải chết, mau già, sanh bịnh, phải bị chúng hiếp đáp trở lại ! Cái nói dối, khoe -khoang, đâm-thọc, rủa chửi, nó làm cho trí ta phải hư, và không còn có sự chi chơn thật, nơi cõi của ta, và những kẻ khác với nhau nữa ! Sự say-sưa, cái thứ nước rượu say-sưa, nó sẽ làm cho chúng ta tăng thêm sự tham-lam, sân-giận, si-mê tối đốt, đối với cái sống học tu, lẽ thật, cái phải mà thôi. Biết bao nhiêu muôn ngàn sự tai hại bấy lâu nay, từ trẻ cho đến già, già cũng in như trẻ nhỏ, không ai qua khỏi cái ác, cái ăn, cái lấy, cái chơi, cái nói, cái say, chỉ có bấy nhiêu. Xã- hội của chúng ta chưa từng có ai được sống lâu, đuợc đông nhiều, được trang nghiêm im lặng. Chúng ta chưa từng xúm nhau lại để cùng nhau bàn ra lẽ phải ! Nào chúng ta đã biết đến cái học cái tu ? Cuộc đời của chúng ta mãi vẫn no rồi ngủ, chán nản mỏi mệt mà không ích chi hết. Sao chúng ta chẳng tìm ra một lối sống mới ? Tại sao chúng ta chẳng thay đổi cách sống mới, những hành động mới, cho được có ý nghĩa thích hay hơn ? Hỡi các anh em ! Từ nay chúng ta hãy bắt đầu vào sự việc của cái thiện, cái sống, cái học, cái tu, cùng nhau cố sức tìm sự yên vui ích-lợi, vĩnh-viễn bền dài, để gầy dựng hạnh-phúc tương-lai về sau cho cả thảy. Như vậy mới là thích thú hay ho, cái chết của chúng ta ấy sẽ là không phải chết, vì hành-vi của nó vẫn sống mãi trên đời. Cái sống của chúng, ta sẽ không vị-kỷ, vô dụng, chán nản bởi thời-gian võ-trụ. Chúng ta phải trở nên những ông thầy giáo. Chúng ta phải trở nên những ông thầy tu. Chúng ta làm những ông già sống mãi. Đó là con đường, và chỗ kết cuộc của chúng ta, các bạn ạ ! Tôi tin chắc rằng : sự phát-minh, sự văn-minh, sự tiến-triển do hột giống nhơn lành tốt đẹp của chúng ta, nó sẽ đem lại cho chúng ta những kết-quả an-vui, sau khi thác và trong đời, chúng-sanh ai ai cũng hưởng dùng cất giữ được.
Hỡi các bạn ơi ! Đời sống mới của chúng ta hãy bắt đầu thay đổi đi, thật hành mau chóng tức-khắc ngay đi, kẻo rồi chúng ta chết đến, không xem kip những cái kết quả. Hỡi các bạn ơi ! Trước hết với lòng nhơn của chúng ta, chúng-sanh về sau, ắt sẽ kêu gọi tên của cõi chúng ta, là mặt đất nhơn loại loài người, vì nơi cõi ấy có tiếng người người, biết nguòi chớ không có biết mình, tiếng mình của lòng duy-kỷ nữa ! Và những ai được cao thượng hơn, tâm trí rộng lớn hơn, bậc trên, chắc chúng ta sẽ gọi là Trời. Còn bậc nào hoàn toàn giác -ngộ, sẽ được kêu là Phật, là ngôi chánh-giác quý báu hơn hết ! Hỡi các bạn ơi ! Tội -lỗi trong đời, không biết nói sao cho hết, tai hại chẳng biết kể sao cho cùng! Chớ chi tất cả chúng-sanh từ-bi hỷ-xả với nhau, để sống chung tu học, thì tốt đẹp biết bao nhiêu ! Hỡi các bạn ơi ! Tôi muốn sao cho tất cả tâm-đia của chúng ta đều nhỏ rút nhu-nhuyễn mịn-màng, như những hột cát vàng, trải lót trên mặt trần -gian, để nâng cao chứa đựng chúng-sanh về sau, cho họ thành nên quả Phật hết thảy, (ở trên mặt đất cát vàng nhỏ rứt bằngthẳng trong sạch ấy) được vậy tức là tôi sung -sướng lắm ! Hỡi các anh em ôi ! Tôi chỉ muốn đầu tiên trước hết, nơi cõi của loại thú mê-muội vui chơi, tôi sẽ làm một cái chén ngọc, để chứa nước cam-lồ mát-mẻ ! Tôi muốn hy-sinh trải tâm ra làm một cái nhà to lớn, để chứa nuôi học dạy, cho tất cả chúng-sanh, chóng mau thành Phật, thế là tôi sẽ được vui mừng toại nguyện lắm, mà tôi thì không có ước mong vọng cầu chi cho tôi cả. Như thế tức là ý muốn của tôi, ngay trong ngày hôm nay, chúng ta hãy cải -thiện lại hết những tội-lỗi trái ngược của chúng ta, phải khuyến-khích nhau, bằng sự chen đua lẽ phải. Kể từ đây trở đi, ai mà còn tật quấy, là rất tự xấu hổ đối với những nhân vật kia.
Trong đời nếu chúng ta mà tự biết chê mình chỗ sai quấy, và biêt khen tán việc tốt phải của người, thì quý báu lắm ; cũng như ai biết hy-sinh mình, để giúp cho kể khác nên thì người ấy tức là bậc Thánh-nhân, đáng cho kẻ đời sau thờ bái, gọi là bậc ông già thầy giáo, tiên-sanh, Trời, Phật, tự họ sẽ tôn-sùng kính-trọng, mãi mãi không bao giờ quên.
Sau khi sư - tử chúa nói xong, mệt quá ngất lịm chúi xuống, giây lâu tỉnh dậy, nhìn ngó đồng bạn vẫn còn ngồi im đó, mà hỏi thêm rằng : "Hỡi các bạn ! Các bạn đã nghĩ sao ? Từ nay chúng ta hãy xóa bỏ những giai-cấp tội -lỗi ấy hết đi, chúng ta phải chỉ là chúng-sanh, tất cả với nhau, có một tiếng chúng-sanh thôi. Chỉ có một cái thiện là nền tảng chơn gốc của chúng ta ! Thiện là con đàng dày-đặc êm-ái thông-lưu hơn hết. Sở dĩ hôm nay tôi mới nói đến được lời như thế là bởi tôi gặp phải cảnh cùng đường rồi. Hỡi các bạn ơi ! Tôi cùng đường không phải là chết, mà là cái ác, cái mê -muội; tôi thấy sau khi chết, không còn biết phải đi đâu, ở đâu. Hơn nữa như sự sống hiện-tại đây, quanh-quẩn dốt-nát mãi có bấy nhiêu, tôi đã chán nhàm ghê sợ quá; tôi không còn muốn sống thêm, như trong cảnh xưa nay ấy, tôi không còn muốn sống thêm, như trong cảnh xưa nay ấy, tôi không còn muốn phải nhập thai sanh trở lại, để mang thân của loại thú như vầy. Nhưng mà hỡi các bạn ơi ! Dầu tôi có phải trở lại làm một con cọp con đi nữa, thì cũng chưa chắc còn sống sót được, vì với cái ác, mà tất cả họ sẽ ắt ăn thịt. Như vậy là chúng ta chỉ có một đời kiếp, rồi thôi sao, hỡi các bạn ? Tôi tiếc cái sống quá, tôi muốn sống mãi, chúng ta hãy sống mãi nhe các bạn ! Và như vậy là chúng ta không nên thái-quá bất cập nữa. Từ nay chúng ta nên hãy tập ăn rau trái đạm-bạc, không nên cần dùng nuôi dưỡng sưc lực làm chi nữa. Chúng ta phải học tu, làm gương không sát hại, để cho con đường sống của chúng ta, mỗi kiếp được sanh ra, có chỗ, kéo dài, tu học, cho đến khi hoàn -toàn cao-viễn tột bực, nghỉ-ngơi trọn vẹn !"
Chúa sư-tử nói xong, tiếng vừa mới dứt, cả bọn đồng thanh đứng dậy, do thẳng hai tay lên cao, thét lên vang dậy rằng :"Phải, phải lắm ! Hay lắm ! Qúi báu lắm ! Lạ mới thay ! Vui thay ! Chúng tôi đã thấy ra được sự lợi-ích lớn xa ấy rồi, từ nay chúng tôi cúi xin phụng-mạng, từ nay chúng tôi đã được sống, đã biết rỏ nẽo sống, mục-đích của chúng tôi. Chúng tôi rất mang ơn Ngài điểm -hóa, cứu sống chúng tôi muôn ngàn kiếp, và lại thêm sự chỉ đạo cho chúng tôi đi nữa. Vậy xin Đức Ngài hãy an tâm, từ đây trở đi, chúng tôi sẽ cố rán tu học, theo lời Đức Ngài chỉ dạy quý báu ấy. Chúng tôi sẽ không để cho Đức Ngài nhọc tâm, thương-xót, lo-lắng cho chúng tôi thêm nữa ! Chúng tôi xin chơn thành kính trọng, chúc mong cho Đức Ngài được an vui thân mạng, sống mãi với chúng tôi, để dạy bảo cho chúng tôi thêm, đời đời kiếp kiếp, chúng tôi nguyện xin thờ Đức Ngài làm thầy luôn luôn, không hề xa lìa nhau cho đến khi tất cả được thành Phật!".
Sau sự đồng tâm phát nguyện của tất cả đó, khu rừng rậm ấy trở nên sáng chói, chông gai hết sạch, mưa nắng điều hòa, gió thanh thổi nhẹ, đực cái phân chia, lớn nhỏ hòa-thuận và bắt đầu từ đấy, dân-cư đông đảo thêm hoài, đạo-đức càng nêu cao chiếu rọi.
Đạo-luật của sư tử ban hành với giáo-lý, từ-bi, bác-ái, bình đẳng, thanh-tịnh, hòa-hiệp, sống chung, mà nhóm giác ngộ đầu tiên theo bên chơn sư-tử, là những bậc kiểu-mẫu. Họ sống chúng nhau rất êm ái thuận-hòa, vầy hiệp thành đoàn, dưới sự huấn dạy của sư-tử. Mỗi ngày thầy trò họ nhóm họp dưới gốc cây, hoặc bên bờ suối, để học dạy lẫn nhau. Đói thì kiếm trái cây cùng rau cỏ đỡ dạ qua ngày, họ chỉ dùng tạm để sống tu học trau tâm. Việc làm của họ là giáo-hóa cho nhau, xem xét cho nhau những điều khuyết điểm để chữa sửa chỉ khuyên lẫn nhau. Hễ ai trọn lành trọn phải, là có phận- sự phải dắt-dìu kẻ còn ái quấy thiếu sót. Đời sống của họ là một cuộc đời tịnh-lạc, xứ của họ là xứ tịnh độ, người người đều chất phác hiền-lương, là những bậc siêu-nhơn thoát-tục.
Con sư-tử ấy sau khi cảm -hoa xng đồng-loại xứ ấy rồi, bấy giờ nó đã già yếu tật bịnh, nhưng nó cũng rán đi ra xa, giảng đạo rộng lần tới mãi. Nó rán hết sức lực bước chân đi run -rẩy, đi để cứu vớt chúng-sanh. Nó cố rán gân cổ lên to, để thốt ra từ tiếng nói, với giọng khàn-khàn run-run cảm động. Nó nguyện nó sẽ đi đi mãi, nó nói hoài, xác thân dầu có rủ nát dưới cột cây nào cũng được, miễn là chúng-sanh trước mắt nó, được sống, được yên vui tu học, thì nó thỏa lòng lắm. Cũng có những còn vật nhỏ-nhít khờ-dại bướng-bỉnh chẳng tin nghe, làm cho con sư-tử phải chảy nước mắt nhủ khuyên cho đến khi nào tỉnh-ngộ, vâng chịu, thật-hành theo, bấy giờ nó mới yên tâm, lìa ra, đi tới nơi chỗ khác kế đó nữa.
Chẳng bao lâu, nó đi được giáp hết cả khu rừng xứ Ấn-Độ, khắp cả loài vật trong rừng, thảy được sống chung nhàn-lạc hạnh-phúc lắm, không còn chia ranh thù oán cắn xé lẫn nhau. Các thú dữ, đã biết ăn lần rau trái, chỉ còn một số ít con non, đang tập ăn thịt thúi chết, bởi tự nó đau bịnh mà thôi, chớ không ai giết hại.
Những môn đệ của sư-tử khi đã thành tài rồi, cũng chia ra đi khắo nơi giáo-hoa, càng ngày mối đạo càng lan rộng thanh-hành. Cho đến khi sư-tử ấy bỏ xác rồi, trong chư đệ-tử vẫn tiếp-tục nối chí y như thế. Và cũng nhờ đó mà con đường đạo-đức ấy kéo dài đến đời này; trên bước tiến-triển, từ loài thú đến loài người từ lúc dã-man đến khi văn-minh, mà khởi điểm là ở nơi một chữ thiện vậy.
THÍCH GIẢI
Giáo lý duy thức:
Triết-lý của bài này là chỉ rõ rằng : cái tâm của ta là chúa tể như sư-tử, vì nhơn-loại có, là do từ trong cái ác mà tiến lần ra. Cái khổ cái chết sẽ làm cho tâm ta lần lần trở nên giác ngộ. Còn quan- quân tướng-tá là các cái ý thức, tình-dục, thọ, tư, trí, tưởng, chí, sắc, hành, khẩu, thân, v.v... các pháp của trong tâm ta vậy. Khi tâm mê thì các pháo đều mê, cũng như chúa ác thì bầy tôi thảy ác. Khi tâm giác thì các pháp đều giác, cũng như chúa thiện thì bầy tôi thảy thiện. Cho nên gọi, mình làm chủ, dạy chúng-sanh của mình là y như thế.
Lại cũng giống như Phật Thích-Ca, khi xưa còn làm Thái-tử ở trong cung điện, cao sang tột bực, thịt rượu nữ-sắc, mê muội khác nào sư-tử chúa kia, ngôi vị ấy là của nhiều kiếp tạo gây nên tội-lỗi, một khi Ngài có cái cảm-tưởng giác-ngộ của sự gì, bịnh, chết, tu. Ngài thấy ra được sự tu để dứt trừ tội-lỗi và cứu chữa chúng -sanh.
Ngài tạo nên xứ Ấn-Độ, con đường đạo Phật quan-trọng cho cả toàn dân noi dấu, để lại đến ngày nay. Đó tức là sự thành-công của sư-tử vương vậy.
Sự tích này thật là một mảnh gương soi đời quý báu vô cùng. Loài vật còn tu, huống chi nhơn loại.
Sao chúng ta chưa lo tu hết.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro