Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Ngày 20: Mạch truyện

Nếu bạn không phải kiểu nghĩ tới đâu viết tới đó. Thì đây là lúc bạn viết mạch truyện chính.

Luôn có một vấn đề nan giải khi viết văn, đó là mạch truyện có quá nhiều hướng để đi, trong khi đó bạn chỉ được chọn một hướng để viết tiếp. Nếu bạn thử đi theo tất cả mọi hướng thì sẽ rất mệt, vì mỗi hướng đi lại có thêm rất nhiều ngã rẽ nữa. Để giải quyết vấn đề này, đầu tiên bạn cần nhìn xa trông rộng một chút. Bằng cách vẽ sơ đồ để mô phỏng toàn bộ mạch truyện, bạn có thể chọn ra được một vài hướng đi hợp lý. Tuy nhiên nếu chỉ nhìn từ trên xuống như các cấp lãnh đạo là không đủ, bạn còn phải nhìn từ dưới lên. Tức là đọc nghiền ngẫm từ đầu đến vị trí đang thi công. Và cân nhắc xem nên đi hướng nào thì câu truyện sẽ trở nên hay nhất.

Dĩ nhiên trong quá trình edit, việc đọc đi đọc lại một đoạn văn do chính mình viết dễ khiến sinh nhàm chán, khiến bạn phóng nhanh vượt ẩu và bỏ sót những chỗ cần can thiệp. Để giải quyết vấn đề này, một số tác giả đưa ra 1 phương pháp gọi là luật 3 ngày. Tức là bỏ hoang vị trí mà bạn thấy không ổn trong 3 ngày, cho đầu óc nghỉ ngơi hoặc làm việc khác. Khi bạn quay lại, bạn sẽ đọc nó một cách khách quan và tỉnh táo hơn. Nếu không muốn chờ 3 ngày, bạn có thể làm việc nhóm với người khác, để họ giúp bạn trong đọc thử và nhận xét.

Ngoài việc xây dựng cốt truyện, việc phân bổ nội dung cũng rất quan trọng. Đầu tiên là lập ra một danh sách các hoạt cảnh (Act) mà bạn sẽ sử dụng trong câu chuyện của mình. Những act ngắn thì bạn có thể gói gọn trong 1 chương. Thường là những tình huống đơn giản kiểu gặp gỡ, làm quen, ngắm phong cảnh, đánh quái... Còn những act dài thì bạn phải viết vài chương mới hết được. Thường là về những trường đoạn phức tạp, xung đột kịch được đẩy cao, sự thật được phơi bày, đánh boss...

Ví dụ như trong The Hobbit, đoạn Bilbo và các người lùn đụng độ lũ troll được tóm gọn trong 1 chap. Còn khi cả nhóm tới được Lonely mountain, từ lúc tìm ra lỗ khóa, tới lúc dụ Smaug ra ngoài thì hết 3 chap. Một ví dụ khác là trong bộ Kính vạn hoa của Nguyễn Nhật Ánh, mỗi act hoàn chỉnh thường có 10 chap, rất dễ đọc.

Việc kết thúc và khởi đầu gọn ghẽ trong một chương chưa hẳn là đã đủ. Các tác giả chuyên nghiệp có xu hướng viết sao cho độc giả đọc hết chương này lại muốn đọc chương kế tiếp. Hay nói đúng hơn, họ đang gây cơn sốt lên các độc giả. Mỗi người đều có một cách riêng để gây sốt, nhưng thông thường họ sẽ đánh vào tâm lý tò mò của người đọc.

Việc đưa chuyện lên cao trào sau đó nhảy chương là một cách truyền thống để giữ cho người đọc dí mũi vào quyển sách. Nhưng vì nó là cách truyền thống, và dễ làm xáo trộn mạch truyện, nên ngày nay người ta thường tìm cách khác. Như là để lại vài lời úp mở, hoặc những câu văn đổi gió ở cuối chương, nhằm khiến độc giả thêm tò mò. Nhưng không giống như trò giật tít của các trang báo mạng, các nhà văn sẽ dùng lời lẽ mềm mại hơn và bí mật tạo ra những nghi vấn từ trước rồi bung ra ở gần cuối nhằm cám dỗ người đọc bước sang chương kế tiếp.

Bài tập về nhà:

Hãy vẽ sơ đồ mạch truyện của mình.

Trong trường hợp nếu bạn chuyên viết kiểu tự do không cần setup mạch truyện trước, thì hãy thử đo đạc độ dài các chương đã viết 1 chút, xếp sắp lại chúng nếu cần.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro