Ngày 19: Nhân vật
Vì mọi người đều hiểu rõ về tầm quan trọng của các nhân vật rồi. Nên chúng ta sẽ vào việc chính luôn.
Hồ sơ nhân vật gồm hai phần: thông tin cá nhân và các mẩu truyện liên quan. Thông tin cá nhân bao gồm tên, tuổi, nghề nghiệp, chủng loài, giới tính, quốc tịch, quê quán, địa chỉ, ngoại hình, số đo 3 vòng,... Còn các mẩu truyện thì gồm các tình tiết chính gắn liền với mạch truyện và các tình tiết phụ ít liên quan hơn, thường kể về quá khứ xa xôi hoặc những biến cố nho nhỏ nhằm tô điểm nhân vật.
Các nhân vật chính luôn được đầu tư từ trước, hình ảnh của họ luôn rõ nét trong đầu bạn, nên viết về họ cũng không quá khó. Chúng ta có thể dễ dàng lập thông tin cá nhân cho họ. Còn các mẩu truyện gắn liền với họ thì có rất nhiều nên bạn có thể từ từ bổ sung trong quá trình viết. Nhân vật chính sẽ đi xuyên suốt chiều dài tác phẩm. Nhưng khi liệt kê các mẩu truyện về họ, bạn nên phân chia chúng theo từng hoạt cảnh (act) để tránh bị rối. Điều này rất cần thiết trong những câu truyện đa tuyến, khi mà mạch truyện xoay quanh nhiều nhân vật cùng lúc thay vì chỉ có một người. Khi đó nhân vật chính của act này lại không xuất hiện hoặc chỉ làm nhân vật phụ ở act khác. Rồi tới act cuối cả đám mới chịu đi cùng nhau để đánh boss.
Với các tác phẩm có ít nhân vật phụ (dưới 10 người) thì chúng ta có thể chuẩn bị thông tin về họ từ trước. Nhưng với những tác phẩm có từ vài chục đến vài trăm nhân vật phụ, thì các tác giả sẽ đẻ họ ra dọc theo quá trình sáng tác. Vì các mẩu truyện liên quan tới nhân vật phụ không nhiều, nên bạn có thể ghim sẵn chúng lên tường để chờ nhân vật phụ được sản xuất. Còn về phần thông tin cá nhân, mỗi nhân vật phụ là một cuộc chơi ngẫu nhiên. Bạn chỉ cần thay đổi 1 số chi tiết nho nhỏ là có thể tạo ra 1 ấn tượng khác về nhân vật đó. Nhờ đó, chúng ta có thể hạn chế được sự trùng lặp.
Ngoài những nhân vật siêu phụ thì khỏi phải nói, trong cốt truyện đôi khi còn có những nhân vật phụ mà bạn muốn biến họ trở nên sâu sắc và đáng chú ý hơn. Muốn thế, chúng ta phải tăng mức độ cho họ qua 3 cấp. Ở mức sơ cấp, như bao nhân vật phụ khác, chúng ta đưa ra một tổ hợp thông tin về họ sao cho người đọc không có cảm giác trùng lặp. Tiếp theo, lên trung cấp, dựa trên ấn tượng ban đầu của nhân vật đó, bạn có thể bồi đắp nét đặc trưng cho nhân vật, như là một thói quen, một câu nói cửa miệng, một cái nhìn, một đặc điểm ngoại hình... Còn nếu bạn muốn đưa nhân vật phụ lên một mức độ thân thiết hơn nữa (cao cấp), thì hãy đối xử với họ như nhân vật chính. Tức là khai thác chiều sâu của họ thông qua lời nói, hành động, quá khứ,... Cuối cùng tăng tần suất xuất hiện của họ lên ở các tình tiết phụ (nếu muốn tạo sự gần gũi) hoặc các tình tiết chính (nếu muốn tăng tầm quan trọng). Ba bước vừa rồi cũng là cách để bạn tạo ra một nhân vật chính.
Ở nước ngoài, có một từ khóa có thể giúp bạn tham khảo, phân tích và chế tạo nhân vật một cách nhanh chóng, đó là Archetype. Archetype là tên gọi của 1 kiểu nhân vật điển hình. Có nhiều cách phân chia Archetype khác nhau, thậm chí có cả chiến tranh giữa các tác giả về nó. Do đó, khi nghiên cứu Archetype, bạn có thể tham khảo nhiều nhưng chỉ nên sử dụng một, nhằm tránh sự mâu thuẫn.
Trong fantasy chúng ta thường có một số kiểu Archetype sau:
Người hùng (Hero): là kiểu nhân vật chính thường gặp nhất. Thường mang trên mình sứ mạng lớn lao. Đặc trưng bởi sự dũng cảm, mạnh mẽ và cứng đầu. Ví dụ: Harry Potter, Eragon, Frodo...
Đối thủ truyền kiếp (Nemesis): là kiểu nhân vật phản diện thường gặp nhất. Có xu hướng đối đầu và thắng thế nhân vật chính về nhiều mặt. Nhưng cuối cùng vẫn thua. Ví dụ: Darth Vader, Voldemort, Lex Luthor...
Bạn tốt (Sidekick): là kiểu nhân vật phụ mà truyện nào cũng có. Có nhiệm vụ làm trợ tá cho nhân vật chính, và hi sinh cho họ. Ví dụ: Ron, Luigi, Samwise...
Người thầy (Mentor): là người huấn luyện và đưa ra lời khuyên cho nhân vật chính, cũng là người cung cấp các thông tin quan trọng trong cốt truyện. Có xu hướng tử ẹo. Ví dụ: Gandalf, Dumbledore, Kenobi...
Đối tượng cảm nắng (Love Interest): là người mà nhân vật chính nhắm tới. Nếu đối tượng này yêu người khác, chúng ta có tình tay ba. Còn nếu họ rơi vào tay kẻ xấu, chúng ta có NTR. Ví dụ: Juliet, Esmeralda, Guinevere...
Tên ngốc (Fool): có thể trùng với bạn tốt hoặc trợ tá cũng được. Dù trong phần lớn câu truyện, kiểu nhân vật này chỉ pha trò hề. Nhưng vào lúc quan trọng nhất, họ sẽ nói ra điều mà các nhân vật khác không muốn nghe nhưng cần phải nghe. Ví dụ: Dory, Smee, Haymitch...
Bài tập về nhà:
Hãy nêu ví dụ về 1 nhân vật chính, 2 nhân vật phụ cao cấp, 3 nhân vật phụ trung cấp, và 4 nhân vật phụ sơ cấp. Trong đó phải có ít nhất 1 kẻ phản diện.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro