Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

Ngày 10: Giọng điệu

Giọng điệu là cảm xúc hoặc trạng thái mà bạn hướng tới trong lời văn. Ở Việt Nam thì vấn đề này ít được nhắc tới. Vì có một luật lệ vô hình áp đặt rằng các nhà văn chỉ nên viết với giọng điệu khách quan, nếu bộc lộ quá nhiều cảm xúc trong lời kể của mình thì bị xem là thiếu chuyên nghiệp, giọng văn trẻ con, cường điệu hóa... Nhưng trong nền văn học Anh, giọng điệu là một vấn đề lớn khiến nhiều tác giả trẻ đau đầu. Và giọng trơ như chúng ta hay dùng chỉ là một trong vô số các giọng điệu được các nhà văn nghiên cứu và sử dụng.

Để lấy ví dụ về giọng văn, chúng ta nên bắt đầu bằng sự cường điệu. Không chỉ xuất hiện trong văn nói, trong văn viết chúng ta cũng hay bắt gặp giọng điệu này. Thử lắng nghe một số bài phát biểu của các chính trị gia phương tây, bạn sẽ thấy việc thay đổi giọng điệu có tác động lớn tới tinh thần và tình cảm của người nghe như thế nào. Ví dụ tiêu biểu là các bài diễn văn của Hitler. Nhờ thay đổi giọng điệu, ông ta đã khéo léo biến các quan điểm tàn nhẫn của mình thành những bài ca chính nghĩa đầy lòng yêu nước.

Khi viết văn, việc cài đặt giọng điệu cho lời thoại của các nhân vật vốn là chuyện thường ở huyện rồi. Nhưng việc thiết lập giọng điệu cho lời kể của tác giả thì hơi khác một chút. Như trong tác phẩm Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn, một trong trong những truyện ngắn đầu tiên của nền văn học hiện đại Việt Nam, thì được một số nhà phê bình thời nay đánh giá là giọng văn còn khá "non nớt" vì đã sử dụng quá nhiều cụm từ cảm thán trong lời kể như "ấy", "thật là", "sao cho xiết". Nhận định đó không hẳn đã đúng. Chính giọng điệu của người kể mới là thứ đem tác phẩm tới trái tim người đọc.

Có vô số giọng điệu cho các bạn chọn lựa: vui tươi, hài hước, hắc ám, rùng rợn, lạc quan, châm biếm, bình dị, bi tráng, hào hùng... Việc của bạn chỉ là sử dụng chúng sao cho hợp lý, lôi cuốn và cả mới lạ nữa. Đọc qua một số tác phẩm nổi tiếng, bạn sẽ thấy việc ứng dụng giọng điệu có ở tất cả mọi nơi. Giọng hùng tráng hay được sử dụng trong High fantasy, vì nó đem lại tính sử thi (Epic!). Giọng đau thương hay bi tráng hay gặp trong các bi kịch của Shakespeare, ông ấy là bậc thầy khi viết giọng đó. Giọng châm biếm thì hay đi cùng với Aziz Nesin (Những kẻ thích đùa). Giọng đen tối thì có trong văn của Sapkowski (The Witcher)...

Đối với các độc giả 'trưởng thành', dòng fantasy không chiếm được cảm tình cao hơn so với các thể loại khác, như romance, tragedy, hay horror. Bởi vì chúng ta không có sự đa dạng về giọng điệu. Hay nói đơn giản hơn, bên fantasy không chú trọng vào việc đâm một nhát dao thẳng vào tim độc giả bằng nhiều cách khác nhau. Hầu hết các tác giả fantasy ban đầu chỉ hướng tới niềm vui của những cuộc phiêu lưu, và đề cao lòng nhân hậu (như Tolkien hay Rowling). Những trường hợp đặc biệt trong dòng fantasy thường là những người rất thành công (như GRRM), nhưng mà đọc truyện của họ thì thấy đắng lòng thật.

Các bạn viết văn khi còn trẻ. Việc sử dụng giọng 'trơ' để viết nhằm tránh việc cái tôi của mình làm hỏng giá trị tác phẩm. Nhưng khi đã có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm hơn, giọng văn chính là chìa khóa để bạn vượt vũ môn từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp. Còn về cái tôi của bạn, muốn che giấu hay bộc lộ nó thế nào cũng được, miễn là hay. Chúng ta là nhà văn, chúng ta sẽ làm tất cả những gì cần thiết để tác phẩm hay hơn, tuyệt vời hơn nữa.

Bài tập về nhà:

Làm chủ giọng văn không phải là việc có thể thành thạo trong một ngày được. Bạn cần nhiều năm để cải thiện kỹ năng đó. Hôm nay hãy thử viết ra một mẩu truyện bằng 3 giọng điệu khác nhau thử xem.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro