9. 1985 (6) Con đường mới
Sau khi chia tay Lucas tôi về nhà phi lên giường ngủ tiếp.
Vì sao?
Vì tôi đã tìm được ra manh mối của chuyến du hành năm năm rồi. Năm năm trước ở cạnh Lucas bé nên một tuần liền tôi không thể trở về thế giới của mình. Nhưng mới chỉ chia tay cậu ta một ngày, tôi ngủ một giấc đã đi tiếp đến năm năm sau gặp Lucas trưởng thành. Vậy bây giờ Lucas đã rời xa tôi, tôi ngủ thêm một giấc là sẽ đi đến tiếp năm năm nữa rồi? Tôi cảm thấy lập luận này của mình không hề sai. Bản năng đã nói cho tôi biết nhan sắc bất phàm của Lucas chính là dấu hiệu của người đặc biệt. Tôi sẽ đi đến năm năm tiếp theo gặp Lucas 25 tuổi.
Tôi hí hửng đắp chăn nằm ngủ, tỉnh dậy bởi tiếng chuông điện thoại inh ỏi. Tôi mắt nhắm mắt mở nhấc máy nghe.
"Mai, sao giờ này em vẫn chưa đến làm."- Giọng Lisa vang qua ống nghe.
"Làm gì cơ?"- Tôi mờ mịt gãi đầu.
"5 giờ chiều rồi sao em chưa đến quán rượu phục vụ. Vẫn còn dư âm ly rượu chị ủ hôm qua à?"- Lisa bật cười qua ống nghe.
Ớ!
Á!
Lúc này tôi mới tá hỏa nhìn đồng hồ treo tường. Tôi thế mà đã ngủ đến chập tối! Tôi vội vàng nói nhanh qua máy: "Xin lỗi chị Lisa, em đến ngay đây." rồi ớ tạm chiếc áo khoác chạy nhanh đến quán. Khi tôi đến nơi thì thấy Bob và Lisa đang đứng nói chuyện với nhau, thấy tôi chị khoanh tay hỏi thăm: "Hôm qua say quá à?"
Tôi mệt mỏi gật đầu: "Rượu của chị nặng đô thật đấy."
"Sáng nay em đi tiễn Lucas không?"
Tôi gật đầu.
"Thằng bé ổn chứ?"
"Cậu ấy tỉnh táo lắm không có vẻ gì mệt mỏi cả."
Lisa hút điếu thuốc nhả khói lên trần thở dài có chút suy tư.
"Vậy là Lucas đã rời khỏi chốn này."
Hôm nay là thứ hai nên quán không đông khách. Ngồi kiểm tra số rượu dư xong tôi ngồi ở quầy chống cằm suy tư. Tôi rất thắc mắc tại sao tôi lại không đi tiếp mặc dù đã xa Lucas? Tôi mải mê nghĩ ngợi không cả để tâm có khách đến, Bob phải vỗ vào vai tôi gọi: "Mai, có khách."
Tôi choàng tỉnh luống cuống đánh đổ cốc bia.
Lisa biết được cười rộ lên trêu: "Cô bé này nhớ Lucas quá rồi."
Không phải mà!!!
Hôm nay quán vắng và mọi người vẫn còn dư âm mệt mỏi sau buổi tiệc tối hôm qua nên Lisa quyết định đóng cửa quán sớm. Chín giờ tối, tôi và Bob được ra về. Về đến nhà mở tủ lạnh, lấy đồ ăn, nhai miếng cơm thịt kho thơm mềm trong miệng, tôi nhận ra kể từ giờ sẽ không có chàng trai mỗi buổi trưa xách đồ ăn lên cho tôi hay nấu cho tôi bát mỳ trứng mỗi khi tôi tan ca đêm cũng sẽ không có ai đưa tôi về nhà mỗi khi trời tối. Tôi thở dài, nhận ra một điều có lẽ tôi đã phụ thuộc vào Lucas nhiều hơn tôi nghĩ.
Bữa nay được tan ca sớm nên tôi dư thời gian ngồi chơi, tôi lấy giấy bút vạch lại mốc thời gian tôi suy đoán. Nếu nguyên nhân không phải là Lucas thì yếu tố nào vẫn giữ tôi ở lại đây? Chẳng lẽ ở năm 1985 này tôi vẫn có chuyện quan trọng hơn cần làm. Năm 1985 thì có sự kiện gì? Tôi không hề có chút manh mối nào.
Tôi nghĩ ngợi không ra quyết định buông bút nằm dài, tôi nhìn trần nhà trống trơn. Tôi nhớ lại lời nói của Lucas ban sáng. Đúng là tôi không thể làm quán rượu của Lisa một cách lâu dài, đặc biệt khi hôm qua nghe Lisa nói chị từng làm gián điệp cho phía Đức. Có ai mà không biết mối quan hệ từng vô cùng căng thẳng của Mỹ và Đức trong thế chiến thứ hai. Dù bây giờ đã là năm 1985 nhưng tôi thấy Lisa vẫn đang che giấu điều gì đó, cả Bob và Remy cũng vậy. Hai người họ thân thiết với Lisa chắc chắn thân phận cũng không bình thường. Tôi không phải người giỏi chính trị hay tài quan sát nên không đoán ra được nhưng cảm thấy bản thân đúng là nên tránh xa nơi này. Khó là ở chỗ không làm ở quán rượu của Lisa tôi sẽ làm gì để duy trì cuộc sống đây? Tôi không có bằng cấp lại là người Châu Á nên khó có thể kiếm được công việc tốt. Tài năng đặc biệt cũng không. Sở thích thì...
Khoan đã. Nếu không có bằng cấp thì tôi đi học và lấy thêm bằng là được rồi! Tôi bật dậy chạy ra tủ giày lấy những tờ báo hàng sáng vẫn được nhét qua khung cửa được tôi nhặt xếp ra một bên. Tôi lật nhanh đến chuyên mục quảng cáo tìm các khóa học ngắn hạn:
"Khóa học máy tính kéo dài 6 tháng tại Providence có cấp bằng và chứng chỉ. Giờ học linh hoạt. Đặc biệt giới thiệu việc làm giúp học viên.
Khóa học mỹ thuật ba tháng cho trẻ nhỏ.
Khóa học viết báo dành cho người yêu viết hoặc muốn làm truyền thông. Học xong có thể làm việc ngắn hạn ở tòa soạn thành phố."
Tôi di ngón tay đọc từng dòng quảng cáo và dừng lại ở khóa học viết báo. Tôi rất thích viết và từng có thời gian điều hành việc viết bài quảng cáo cho câu lạc bộ ở trường cấp ba và đại học nên đây có thể xem là công việc khá phù hợp với tôi.
Thời gian học kéo dài khoảng 8 tháng, học năm buổi trên một tuần, có hai lớp học là lớp sáng và tối, địa điểm là Providence.
Tôi lấy bút dạ khoang tròn ở ô đó đợi sáng mai sẽ gọi điện hỏi trung tâm tư vấn kỹ càng hơn. Tôi đã có trong đầu một hướng đi mới.
Sáng hôm sau tôi đi đến quán tìm Remy và Lisa. Remy đang ghi sổ.
Tôi gõ bàn: "Chào Remy. Chị Lisa có ở quán không."
Remy ngước lên nhìn tôi, lắc đầu.
"Đi công tác rồi chắc hai ngày nữa về."
Tôi ngó nghiêng, quán buổi sáng dường như không có khách, vắng ngắt.
"Remy tôi có chuyện muốn nói với anh. Anh có muốn đổi ca làm với tôi không?"- Tôi dè dặt hỏi.
Remy dừng bút viết, ngẩng lên nhìn tôi, đôi mắt xám của anh ta trở nên sắc lạnh:
"Cô muốn đổi ca làm với tôi?"
"Đúng vậy. Ca tối giờ không hợp tôi lắm. Nếu anh đồng ý tôi sẽ thử hỏi Lisa xem sao."- Tôi rất ngây ngô trả lời.
Remy cười như không cười hững hờ nói: "Tùy cô."
Tôi gật đầu xem như một tín hiệu tốt, tạm biệt anh ta ra về.
"Chai rượu 58, tại sao cô biết?"- Remy bất ngờ nói vọng sau lưng tôi.
Tôi dừng lại quay đầu nhìn anh ta không giấu giếm nói: "Bởi vì chai rượu đó hao rất nhanh. Dù anh đã ghi khá cẩn thận nhưng tôi thắc mắc tại sao buổi sáng lại có người uống rượu mạnh như vậy. Dù tần suất đã giãn ra nhưng dường như tuần nào cũng có khách sáng dùng ít nhất 50ml. Nhưng tôi đã thấy buổi sáng nhiều nhất cũng chỉ có khoảng 6 khách đổ lại, có hôm không. Còn lần nữa tôi vô tình thấy một chiếc bình nhỏ rơi khỏi túi áo của anh mùi và màu rất giống chai 58 nên biết thôi."
Thực ra đối với tôi chai rượu 58 là một chai rượu đặc biệt. Thứ nhất là bởi con số thứ hai là vì mùi vị. Là nhân viên của quán tôi có cơ hội được Lisa cho nếm thử các loại rượu bày trên kệ. Ngoài các chai có nhãn mác tên tuổi thì Lisa có một kệ rượu riêng gồm bay chai chỉ đánh số. Tôi có hỏi lý do vì sao không đề tên thì Lisa bảo để nghe thần bí hấp dẫn thực khách. Chữ số dán trên bình tương đương với độ mạnh dần của rượu. Bảy chai rượu tương ứng với các số: 11; 12; 27 ; 29; 55; 58; 89. Từ 11 -29 là những chai rượu hoa quả, rượu trắng. Riêng chai số 58 và 89 tôi đặc biệt ấn tượng. Chai 58 mùi hương thơm nhẹ của cam thảo, uống có vị đăng đắng, xuống đến họng chuyển thành cay nóng, sau hai mươi phút rượu ngấm thì khiến đầu óc choáng váng, cơ thể lâng lâng nhẹ nhàng như mây. Dùng để thư giãn sau những mệt mỏi thực sự rất tuyệt.
Chai 89 có màu đỏ như cánh hoa hồng, thơm dịu đặc biệt hấp dẫn nhưng uống vào một ly là khiến người say quên lối về. Khi ấy lưỡi sẽ mềm ra, não như hoạt động chậm lại cảnh vật trước mắt sẽ biến ảo thần kỳ tùy tâm trí người uống. Có vài vị khách khi gặp chuyện buồn đều tìm đến loại rượu này, họ nói sau khi uống xong cảm thấy quên hết những đau khổ giống như thuốc tiên song họ chỉ dám uống một lần.
"Cô không nói lại với Lisa sao?"-Remy nhìn tôi nghi hoặc
Tôi lắc đầu. "Tất cả chỉ là phỏng đoán của tôi và theo tôi thấy thì anh cũng không giống người nghiện rượu. Hơn nữa tôi cũng không thích lo chuyện bao đồng vậy nên..."- tôi nhún vai nghiêng đầu ra hiệu.
"Tôi đi về được rồi chứ?"- Tôi chỉ ra cửa ám chỉ lịch sự.
"Cô về đi."- Remy trả lời.
Ngừng một lúc anh ta nói tiếp: "Chuyện cô muốn đổi ca tôi sẽ nói lại với Lisa."
"Cảm ơn anh."Tôi khách sáo nói và ra về.
Ba ngày sau tôi gặp được Lisa. Khi ấy chị đang ngồi vắt chéo chân, biếng nhác ăn khoai tây chiên bên quầy rượu. Thấy tôi đến, chị vào chủ đề chính luôn:
"Nghe nói em muốn chuyển sang ca làm sáng."
"Vâng."- tôi gật đầu.
"Có thể cho chị biết lý do không?"
"Em sẽ đi học vào buổi tối."- Tôi thành thật trả lời.
"Học gì?"- Lisa nhíu mày.
"Một khóa học đào tạo về viết văn, viết báo. Em sẽ lên thành phố đi học vào mỗi buổi tối cho nên ca làm đến mười một giờ không phù hợp với giờ giấc của em."
Tôi nói xong cúi mắt đắn đo đôi chút rồi nói tiếp: "Chị Lisa, cảm ơn chị đã nhận em vào làm việc nhưng môi trường của quán rượu không phù hợp với em. Em nghĩ mình vẫn nên tìm một lối đi khác... mong chị có thể tạo điều kiện cho em."
Thừa nhận một điều tôi không phải người giỏi ăn nói. Tôi từng thấy một vài người để xin nghỉ việc thường nói chuyện rất vòng vèo để không mất lòng sếp nhưng tôi không làm được thế, tôi lựa chọn thẳng thắn vào vấn đề.
Lisa nghe xong lời tôi, chị rướn người kề sát, đôi mắt xanh nhìn của chị như nhìn thẳng vào tâm trí của tôi, chị mỉm cười, nụ cười tô son đỏ trông thật kiều diễm nhưng ẩn chứa nguy hiểm như loài mãng xà quan sát con mồi của mình trong bóng tối.
"Mai, liệu chị tin em được bao nhiêu đây?"- Lisa thì thầm như tự nói.
"Nếu em làm ca sáng lương chỉ bằng một nửa ca tối thôi, đồng ý chứ?"
Tôi bặm môi có chút khó chịu trong lòng nhưng phải nhìn xa về tương lai đồng ý:
"Vâng."
"Chuyện em muốn làm ca sáng chị sẽ sắp xếp chưa thể được luôn."- Lisa quay ngang với tôi, thông báo. "Em không gấp chứ?"
"Không. Cảm ơn chị Lisa, cảm ơn chị đã giúp em."- Tôi mừng rỡ, cười vui vẻ cúi người 45 độ cảm ơn chị.
Tôi khá háo hức với chặng đường mới của bản thân. Tối hôm đó tôi về gọi điện thoại cho Lucas.
"Lucas tôi sắp lên thành phố học rồi."- Tôi vui vẻ thông báo qua máy.
"Thật sao. Chúc mừng chị."- Giọng Lucas khàn qua máy vọng lại.
"Đúng vậy. Tôi sẽ theo đuổi ngành học tôi thích."Nhớ lại kỳ thi đại học khi tôi 18 tuổi. Vì bố tôi đã chọn ngành học kinh tế tiền tệ nhưng chỉ qua hết kỳ học năm nhất tôi đã thấy đây không phải là ngành phù hợp với bản thân. Tôi thích tiền, nhưng bắt tôi phải tính toán nợ có, áp dụng các nguyên tắc tính toán rắc rối thực sự như giết mòn tôi. Tôi học không nổi nên mỗi lần lên lớp đều thấy áp lực. Bây giờ có cơ hội lựa chọn lại tôi sẽ thử theo đuổi ngành học tôi vẫn hứng thú là ngành viết xem sao.
"Lucas cậu ổn không? Giọng cậu có vẻ mệt mỏi."- Tôi hỏi thăm
"Tôi ổn. Chỉ là mấy nay chưa quen khí hậu nên hơi mệt chút thôi chị đừng lo."- Nói xong câu này Lucas kho khù khụ.
"Nếu vậy cậu hãy pha nước gừng ấm cùng mật ong để uống nhé, phương thuốc này trị cảm tốt lắm. Tôi không làm phiền cậu nữa, cậu mau nghỉ ngơi đi. Tạm biệt."- Tôi dặn dò sau đó dập máy.
Kể từ khi lên Boston, Lucas cứ hai tuần sẽ viết thư gửi cho tôi. Từng hàng chữ nắn nót gọn gàng trên giấy, câu đầu tiên luôn là hỏi thăm sức khỏe của tôi sau đó kể chuyện về cuộc sống, trường lớp. Đúng là nét chứ nết người. Nhìn chữ viết đã biết phần nào phẩm chất của Lucas. Ngay thẳng, ôn hòa, chính trực, lịch sự. Tôi cất những lá thư của Lucas vào ngăn kéo thi thoảng hồi đáp lại cho cậu ấy.
Tôi nhanh chóng bắt đầu con đường mới của mình.
Buổi học đầu tiên đến lớp. Lớp học có hơn 30 học sinh và đa phần là các anh chị lớn tuổi. Người đứng lớp là một người đàn ông tuổi ngoài 40, mái tóc hoa râm, mặc áo sơ mi trắng, quần jeans xám dài. Thầy bước vào lớp nhìn chúng tôi, giới thiệu qua loa và bắt đầu giảng bài.
"Theo các trò đâu là thứ có thể lay động cảm xúc của mọi người bất kể năm tháng?"- Thầy giáo nhìn chúng tôi, hỏi.
"Thưa thầy là nhan sắc."- Một anh học sinh da màu trả lời.
Thầy lắc đầu.
"Là trí tuệ sắc bén."- Một chị sinh viên da trắng phát biểu.
"Là tiền bạc và quyền lực."
Thầy lắc đầu. "Đều không phải."
Rồi thầy đi lên bảng nhấc bút viết một chữ to đùng "Story".
"Là câu chuyện."- Thầy giáo nói.
"Các trò sẽ bầu chọn cho vị chính trị gia có câu chuyện hồi bé gia đình nghèo khó sống trong khu ở chuột tràn đầy bạo loạn bất ổn nhưng ông vẫn nỗ lực học tập để đỗ vào trường đại học danh tiếng hay một chính trị gia từ bé sống sung sướng trong nhung lụa làm Tổng thống?"
Cả lớp im lặng nhìn thầy.
"Phần đa sẽ nghiêng về vị chính trị gia đầu tiên đúng không? Vì các trò cảm thấy câu chuyện của ông ấy thật xúc động, truyền cảm hứng, các trò thấy đồng cảm và tin nếu ông ta đã trải qua những khó khăn như thế ông chắc chắn sẽ hiểu nỗi khổ của nhân dân và đem lại những quyền lợi tốt để cải thiện đời sống của những người trong cảnh khốn khó."- Thầy giáo nhìn chúng tôi từ từ nói. "Dù chẳng có gì chắc chắn rằng ông ấy đã sống như thế nhưng câu chuyện với tiêu đề: "Vị Tổng thống có tuổi thơ cơ cực vượt khó thành tài"chắc chắn sẽ gây ấn tượng và tạo cảm quan tốt với các trò."
"Đó chính là sức mạnh của câu chuyện."- Thầy giáo mỉm cười hiền hậu.
"Một câu chuyện hay có thể giúp các trò xây dựng được cả một đế chế hùng mạnh, viết nên sử sách, thay đổi vận mệnh và ngược lại câu chuyện cũng có thể hủy hoại một quốc gia."- Mắt thầy sâu lắng.
"Để tôi lấy cụ thể ví dụ cho các trò dễ hiểu nhé. Có hai nước A và B. Nước A là nước lớn, B là nước nhỏ. Nước A rất muốn thôn tính nước B vì nước B có nhiều tài nguyên khoáng sản, bảo vật quý hiếm nhưng nếu A đột ngột dẫn quân đi đánh chiếm B chắc chắn sẽ bị các nước láng giềng dị nghị, chỉ trích, người dân không thuận theo. Vậy theo các trò nước A sẽ làm gì để hợp lý hóa việc đánh chiếm nước B."
"Viết một câu chuyện bôi nhọ nước B"- Tôi giơ tay phát biểu.
"Chính xác! Nước A sẽ dùng truyền thông của mình nói xấu nước B với toàn thế giới. Nói nước B là nước tàn bạo, man rợ, cổ hủ và nước A cần phải giúp đỡ nước B, giúp nước B được khai hóa, tự do phát triển. Và cứ như vậy A điềm nhiên dẫn quân đánh chiếm nước B, biến nước B thành của mình."
Tôi căng cơ mặt nhịn cười. Hóa ra đây là cách Mỹ đã làm để nắm được thế giới trong tay. Thầy giáo giảng bài quả nhiên sâu sắc.
"Nhưng thưa thầy nếu viết sai sự thật, hại người sẽ không phải sai trái với nghề lắm sao?"- Tôi nói tiếp.
"Trò tên gì?"- Thầy gió nghển cổ nhìn về phía tôi.
"Mai Alison thưa thầy."
"Trò Alison em nói đúng. Viết sai sự thật hại người là không đúng, là chà đạp lên nghề nhưng trò đã bao giờ hỏi sự thật là gì chưa? Sự thật thực chất là một định nghĩa mông lung được tạo dựng bởi lời nói và niềm tin đại đa số. Mọi người tin vào thứ họ muốn tin và cho rằng đó là sự thật. Đôi khi những thứ trò đã đọc, đã nghe, thậm chí đã nhìn không phải là toàn bộ sự thật, không phải sự thật. Cho nên viết báo là một nghề khó bởi ngòi bút các trò sẽ định hướng và thay đổi suy nghĩ của công chúng trong dài hạn, hãy tìm hiểu thật kỹ, cân nhắc viết sao để không cảm thấy cắn rứt với lương tâm."
"Bài tập hôm nay sẽ là viết một câu chuyện về uống sữa. Các trò có thể lựa chọn mặt tích cực hay tiêu cực đều được chỉ cần câu chuyện của các trò chặt chẽ đủ sức thuyết phục thì tốt cũng xấu và xấu cũng thành tốt. Hãy cho tôi thấy bút lực của các trò."- Thầy giáo phủi tay cười hóm hỉnh rời khỏi lớp.
Kết thúc buổi học tôi thấy mình ngộ ra chân lý mới.
Tuần đầu tiên của ca làm sáng tôi được làm cùng Remy để biết cách vận hành. Buổi sáng thường ít khách đến uống rượu chủ yếu là khách thuê phòng. Nhiệm vụ của tôi là ghi tên khách, đưa chìa khóa phòng, nhận tiền phòng. Nếu khách trả phòng thì gọi cô lao công lên dọn dẹp, kiểm tra các phụ phí phát sinh. Nói chung là nhàn hơn buổi tối nhiều nên tôi thường mang sách đến đọc.
Dạo gần đây tôi chú trọng đọc các loại sách về lịch sử và văn hóa xứ cờ hoa, lý do là vì thầy chúng tôi bảo nếu muốn viết truyện thì cần phải có kiến thức lịch sử thật vững chắc. Tôi trở thành hội viên thân thiết của thư viện.
Mỗi tuần đều mang những cuốn sách dày cộp đọc. Nhớ lại khi ở thời đại của tôi, có thời gian rảnh tôi sẽ mở máy tính xem phim hoặc đi uống cà phê lướt điện thoại với trò chứ đời nào lật sách ra đọc. Ngặt nỗi về thời đại này tôi không có thiết bị điện tử, nếu mỗi ngày chỉ ngồi chống cắm chờ khách đến chắc tôi chết vì buồn chán mất. Dẫu vậy dần dần tôi thấy được lợi ích của đọc nhiều sách. Tôi biết thêm lịch sử văn hóa Mỹ, có cơ hội hiểu sâu các tác phẩm văn học nổi tiếng của Mỹ như The Great Gatsby, To kill a mocking bird.
Tuy nhiên điều khó khăn nhất với tôi đó chính là học hiểu sự phân chia quyền lực của Mỹ. Chính trị luôn là một vấn đề nổi cộm của mỗi quốc gia. Hành nghề viết báo chuyên mục này chính là hòn đá nóng bỏng tay nên thầy giáo đặc biệt nhắc nhở chúng tôi học cho chắc. Vì khi viết báo chính trị tốt chúng tôi dễ dàng được các tòa soạn tuyển chọn thậm chí cơ hội thăng tiến cũng cao hơn các ký giả ở chuyên mục khác.
Nhưng bản thân tôi chẳng muốn dính dáng đến câu chuyện chính trị nhạy cảm lại nguy hiểm này nên học không vào được đầu. Cố gắng lắm tôi nhớ vài ý cơ bản. Quyền lực của chính phủ Mỹ có ba nhánh riêng biệt, mỗi nhánh có quyền hạn riêng của mình luôn được kiểm tra và cân bằng. Điều này để đảm bảo không bên nào sẽ trở nên đầy quyền lực. Nhóm đầu tiên là Nhóm Lập pháp và được xem là nhóm quan trọng nhất. Nhóm này gồm 100 thượng nghị sĩ Mỹ và 435 thành viên trong Hạ viện Hoa Kỳ, nó còn gọi tắt là Quốc hội Hoa Kỳ. Ban hành luật pháp là chức năng chính, ngoài ra còn phê duyệt thẩm phán liên bang và sự công bằng thông qua ngân sách quốc gia và tuyên bố chiến tranh. Mỗi tiểu bang sẽ có hai thượng nghị sĩ.
Nhánh thứ hai là Hành pháp, các nhà lãnh đạo của này của chính phủ là Tổng thống và Phó tổng thống những người có trách nhiệm thực thi pháp luật mà Quốc hội đặt ra nói nôm na thì họ nghe theo Quốc hội. Tổng thống làm việc với nhóm cố vấn được gọi là nội các, họ có trách nhiệm hỗ trợ Tổng thống trong việc đưa ra những quyết định quan trọng trong lĩnh vực chuyên môn của mình như quốc phòng, ngân sách, an ninh quốc gia, họ cũng chỉ huy các lực lượng vũ trang và gặp mặt lãnh đạo các quốc gia khác.
Nhánh cuối cùng là Tư pháp bao gồm các tòa án trong thành phố làm công việc giải thích luật pháp của đất nước và trừng phạt người phá vỡ chúng.
"Cô có vẻ thích tìm hiểu về Mỹ nhỉ?"- Một vị khách ngồi bên bàn bỗng bắt chuyện với tôi.
Khi chuyển lên làm ca sáng tôi nhận thấy một sự chênh lệch lớn về các loại khách của quán rượu. Ca sáng các vị khách thường ngồi yên lặng, một mình thư thả thưởng thức rượu còn ca tối các khách ai cũng sôi nổi, họ túm năm tụm ba hát hò, dô ta ỗn ã.
"Đây là tài liệu yêu cầu cho môn học nên cháu đọc."- Tôi ngẩng lên lễ phép trả lời.
"Nước Mỹ vĩ đại..."- Người đàn ông đội mũ liếc nhìn hàng chữ trên sách của tôi, bật cười với giọng điệu châm biếm.
"Toàn những thứ lừa phỉnh, mị dân."- ông ta cất tiếng nói một cách chán ghét sau đó bỏ lại ly rượu rời đi. Tôi cảm nhận rõ một sự thật các vị khách buổi sáng đều rất ghét Mỹ nhưng Remy đã nhắc nhở tôi: "Hãy giữ thái độ không thích lo chuyện bao đồng của cô khi làm ca sáng. Đừng hỏi, đừng nói, đừng tỏ vẻ quan tâm quá nhiều. Chỉ cần làm cho tốt công việc của bản thân." Nên trước những lời lẽ như vậy tôi thường chọn cách im lặng.
Mỗi ngày của tôi đều diễn ra theo thời gian biểu sáng năm giờ dậy đến cửa hàng dọn dẹp. Chiều một giờ bắt xe buýt lên thành phố học đến tám giờ tan. Mỗi ngày đều bận rộn vắt kiệt thể trạng của tôi. Tôi thấy ngưỡng mộ những anh chị khi họ có thể vừa đi làm vừa theo học đại học, họ thật nghị lực và tài giỏi. Rất nhanh mùa đông đã đến Cloudy. Khi tháng 11, tôi lần đầu tiên được thấy tuyết rơi và chiêm ngưỡng khung cảnh tuyết rơi trên mặt biển, thật sống động và xinh đẹp. Những bông tuyết trắng tinh khôi rơi thật khẽ lên mặt biển xanh yên ả rồi dần chìm xuống hòa vào làn nước trong xanh làm nước biển trở nên mát lạnh, tuyết trắng phủ kín dọc đường bờ biển. Hai màu xanh trắng tuy lạnh lẽo nhưng lại đem đến cảm giác trong lành sạch sẽ.
Tôi thích cảm giác giẫm đôi giày bông lên lớp tuyết xôm xốp và ngắm biển mỗi sáng. Nhìn mặt biển xanh sẫm tôi nhớ đến đôi mắt xanh lấp lánh ánh sáng của Lucas. Đã hai tháng tôi không gặp cậu ấy, không biết Lucas đã quen với nhịp sống thành phố chưa. Cậu ấy đã từng hành quân nên sẽ dễ dàng thích nghi thôi nhỉ?
Có lẽ là do mùa đông đến thời tiết lạnh hơn nên buổi sáng cũng đã có thêm nhiều vị khách. Họ ghé quán làm những ly rượu trắng cho ấm người rồi đi làm. Trong số ngươi đến và đi tôi để ý đến một vị khách kỳ lạ hay ngồi gần cửa sổ. Từ dạo mùa đông đến, ông hay ngồi đó gọi một ly vang trắng nhâm nhi. Chẳng nói chuyện với ai hay đọc báo, chỉ đơn thuần cô đơn ngồi đó đôi mắt ngây dại ngắm dòng người vội vã qua lại.
"Chị Lisa người ngồi đó là ai vậy?"- Tôi thì thầm vì tôi quá tò mò bởi dáng vẻ của ông ấy. Nó làm tôi nhớ đến nội của tôi. Ông nội tôi những năm cuối đời mắc căn bệnh lạ về thần kinh nên ông thường hay bê ghế ra cạnh cửa sổ ngồi vẩn vơ. Râu tóc ông bạc trắng, gương mặt già nhăn nheo sầu muộn, đôi mắt mờ đục nhìn ra ngoài sân, dáng vẻ cô liêu tịch mịch. Nghe bố kể lại thì năm đó ông tôi đi buôn bận bịu không có thời gian về nhà. Ngày ấy bà nội ở nhà bị động thai nên sinh trước dự tính, bà bị khó sinh ngặt nỗi chồng không có nhà động viên giúp đỡ, trong làng cũng không có bà đỡ giỏi, kết quả cả bà nội và người chú chưa kịp cất tiếng khóc chào đời của tôi đã cùng nhau qua đời. Khi nội biết chuyện ông đã đau khổ ăn năn mãi. Về già nỗi nhớ người thân càng hành hạ tâm trí ông, ông hay ra cửa sổ ngồi lẩm nhẩm tên người vợ quá cố và đứa con trai đã mất. Ngày tôi còn bé đã chạy ra nắm lấy bàn tay nhăn nheo khô gầy của ông, an ủi ông đừng buồn. Ông nhìn tôi đỏ ửng hai vành mắt, ôm tôi khóc nghẹn ngào. Sau hôm ấy ông tôi ốm nặng, vài tháng sau ông qua đời.
"Ông Scott sao?"- Lisa ngoái đầu nhìn.
"Chị biết ông ấy à."
"Ừ khách quen mỗi dịp đông."
"Tại sao lại là khách quen mỗi dịp đông?"- Tôi thắc mắc.
"Vì ba mùa còn lại ông ấy đi chu du thế giới, mùa đông về thị trấn nghỉ dưỡng nên mới gặp."
"Sao lại chú ý ông ấy."- Lisa chống cằm hỏi tôi.
"Chỉ là em thấy tò mò vì ông ấy ngồi đó cô đơn không trò chuyện với bất kỳ ai cả"- tôi rót thêm cốc trà cho chị.
"Nhớ nguyên tắc Remy nói với em chứ? Đừng tò mò nhiều."- Lisa đưa ngón tay trỏ lên môi ra hiệu bí mật.
Tôi ngoan ngoãn gật đầu lui đi.
Lisa ngoắc tay gọi tôi lại: "Mai, lần trước em nói muốn tìm một hướng đi mới đúng không. Em có thích môi trường giáo dục không chị nghĩ chị có một công việc mới cho em."
Tôi ngạc nhiên: "Chị giúp em tìm việc?"
Lisa mỉm cười trêu đùa: "Dù sao tâm trí của em cũng không hướng về nơi này của chị."
"Công việc gì hả chị?"- Tôi hỏi.
"Chăm sóc trẻ con, dạy chúng nó học chữ. Em làm được chứ?"
Tôi chớp mắt, chắc là có thể. Tôi cũng từng đi dạy gia sư cho mấy đứa trong xóm nên cũng xem như có kinh nghiệm.
"Chăm sóc trẻ con mấy tuổi thế chị?"- Tôi hỏi kỹ càng.
"Mấy đứa bé tầm 6 -8 tuổi. Một người trò của chị làm quản lý tại một trại trẻ cho trẻ mồ côi đang muốn tìm giáo viên dạy văn cho bọn trẻ. Treo biển tuyển dụng cũng một thời gian nhưng chưa có ai ứng tuyển. Nếu em thấy thích chị sẽ nói với anh í một câu. Sang mùa xuân có thể đi làm."
"Nhưng em không có bằng đào tạo sư phạm?"- tôi e ngại nói.
"Không cần lo đâu họ chỉ tuyển người dạy lũ trẻ tạm thời, tầm 6 tháng thôi. Em hiểu biết cơ bản về văn học lịch sử Mỹ là được. Lương không quá cao nhưng đãi ngộ xã hội tốt, em sẽ được nghỉ thứ bảy và chủ nhật."
Nghỉ thứ bảy và chủ nhật?
Kể từ khi đến làm tại quán Lisa tôi đã quên mất khái niệm về hai ngày nghỉ quan trọng với dân đi làm. Đối với tôi hai ngày này còn trở thành cơn ác mộng khi lượng khách đông gấp ba bốn ngày thường, giờ được nghe nghỉ thứ bảy chủ nhật mà thấy thiêng liêng quý hóa đặc biệt quá. Tôi sao dám từ chối.
Tháng 11 qua đi, tháng 12 đến kéo theo không khí Giáng sinh ngập tràn từ đầu phố đến cuối phố. Các cửa hàng đồ chơi, tiệm cà phê treo chuông, dán bông tuyết và hình ông già Noel lên cửa kính, cây thông được trang trí đủ sắc màu đặt ở khắp các cửa hàng. Ba màu xanh, đỏ, nâu bao chùm cả con phố.
Tôi nhìn mọi người tấp nập cũng thấy lòng hào hứng hỏi Lisa tiệm mình không trang trí gì sao? Lisa châm một điếu thuốc nhả vòng khói uốn lượn trong không trung trả lời, bán rượu thôi cần gì phải cầu kỳ.
"Vậy em có thể nướng bánh không? Bánh cậu bé bánh gừng tặng thêm cho khách nhân dịp Giáng sinh?"- Tôi bặm môi dè dặt hỏi.
"Bánh tặng Giáng sinh?"- Lisa bật cười như đang nghe một điều kỳ quái
Tôi gật gật đầu. Nhìn mọi người tấp nập chuẩn bị Giáng sinh đã lan truyền cho tôi cảm giác muốn làm gì đó. Dù sao công việc buổi sáng cũng nhàn nếu tìm thêm được việc nướn bánh này để làm thay vì chăm chăm đọc sách cũng vui. Tâm hồn thiếu nữ bếp núc của tôi đang trào dâng lắm rồi!
"Nếu em thích thì làm. Nhưng nhớ dọn sạch bếp."- Lisa thở dài miễn cưỡng đồng ý với ý tưởng của tôi. Nhìn chị ấy trông vô tâm kiêu kỳ là vậy nhưng tiếp xúc một thời gian tôi thấy Lisa rất tốt bụng, chị đã cho tôi việc làm, kiếm việc cho tôi, tạo tôi những điều kiện tốt nhất có thể. Dẫu đằng sau nguyên do là gì trong lòng tôi luôn biết ơn Lisa.
Kể từ khi Lucas đi tôi toàn tự mình nấu ăn. Giai đoạn đầu không khả quan lắm món ăn tôi nấu khá khó nuốt song không thể hành hạ cái lưỡi cái bụng của mình mãi được nên tôi kiên trì tập luyện dần cũng khá lên, đến bây giờ nấu nướng không thành vấn đề. Tôi đứng trong bếp mặc tạp dề, mắt nhìn vào công thức bánh gừng Giáng sinh tôi có được từ Lucas bắt đầu trộn bộn quấy sữa, vất vả một hồi cuối cùng cũng cho ra thành phẩm. Tuy cậu bé bánh gừng của tôi có nghuệch ngoạc xấu xí, ăn hơi khô nhưng vị cũng không đến nỗi nào. Với lần đầu nướng bánh thì như này với tôi là quá tốt. Tôi hào hứng đóng gói bày lên trên tủ tiệm. Tốt bụng gắp bánh ra đĩa mang đến cho các vị khách có mặt ở quán.
"Bánh quán tặng nhân dịp Giáng sinh. Mời Bác dùng thử ạ."- Tôi tươi cười cúi người đặt đĩa bánh gừng lên bàn rượu của Bác Scott. Bác quay ra nhìn tôi, đôi mắt xanh lạnh lùng nhìn tôi rồi nhìn đĩa bánh, bác không nói gì lại quay ra cửa sổ ngắm nhìn tiếp. Lòng nhiệt thành của tôi tuy không được đáp lại nhưng tôi không buồn. Đều đặt hai tuần tiếp đó, tôi nướng bánh mang đến tận bàn cho Bác Scott nhưng Bác đều không động một miếng. Nói đúng hơn những chiếc bánh gừng này không được các vị khách ủng hộ.Từ sáng đến tối lượng tiêu thụ rất ít dù là đồ tặng kèm. Lisa, Bob, Remy đã cố ăn bánh ủng hộ tôi nhưng đến tuần thứ hai họ đều đen mặt lắc đầu. Tôi buồn thiu. Lisa thấy chẹp miệng khuyên tôi
"Đôi khi muốn làm sản phẩm tặng kèm em phải xem mình đang phục vụ cho tệp khách hàng nào để chọn ra sản phẩm phù hợp, không phải em nghĩ ý tưởng đó hay là họ sẽ yêu thích đâu."
Tôi thở dài vỡ mộng. Đây có thể xem như bài học cho ý tưởng kinh doanh của tôi. Làm sản phẩm phù hợp với khách hàng chứ không phải thỏa mãn sở thích của tôi. Tôi nuốt ngược nước mắt vào trong lủi thủi gom bánh dư mang lên thành phố tặng cho các trò học. Tôi gói lại dự án làm bánh tặng Giáng sinh tại tiệm rượu từ đó.
Khi lễ Giáng sinh cận kề, tôi được nghỉ học một tuần. Bỗng nhiên có nhiều thời gian trống như thế tôi không biết phải làm gì nên đến quán của Lisa xin làm thêm ca tối. Ngày lễ nhộn nhịp ồn ào chút cũng không sao cả còn hơn tôi cô đơn một mình trong căn phòng trống. Buổi tối quán rượu thắp nến, đốt lò sưởi, màu vàng cam bao chùm căn nhà trông ấm áp hơn hẳn so với buổi sáng.
"Lucas có nói Giáng sinh này về không?"- Lisa lắc rượu hỏi tôi.
"Hình như không. Cậu ấy nói muốn ở Boston làm thêm nghiên cứu."- Tôi vừa rót bia cho khách vừa trả lời.
"Thằng bé này bị thành phố hấp dẫn quá rồi."- Lisa trêu cười.
"Mai, nghỉ lễ em có kế hoạch gì không?"- Lisa quay đối tượng sang tôi.
Tôi lắc đầu.
"Chắc em viết báo cáo rồi đi ngủ thôi."
"Nhạt nhẽo thế."- Lisa đánh giá.
"Có muốn đến nhà thờ cùng chị không?"- Lisa rủ tôi.
"Nhà thờ ạ? Đi với chị sao? Nếu vậy tốt quá dù sao em chưa từng đến nhà thờ của thị trấn."- Tôi vui vẻ đồng ý.
Lisa lim rim mắt hài lòng với câu trả lời của tôi rồi tiếp tục tận hưởng tiếng nhạc Giáng sinh du dương từ loa phát. Chợt nhớ ra gì đó, chị quay ra phía bếp lò dặn dò:
"Bob. Cậu nhớ để ý củi lửa nhé. Đừng để khách lại gần."
Bob gật đầu.
"Chị để ý chuyện nhỏ vậy à?"-Tôi ngạc nhiên.
Lisa mệt mỏi cảm thán: "Mấy dịp lễ này nhà nào cũng đốt đèn, đốt nến lo lắm. Mai, em không biết thôi chứ trước đây từng có khách say rượu khướt nên bước chân cả vào bếp sưởi đấy. Em ở nhà cũng nên cẩn thận. Trời rét nên nhà nào cũng dùng bếp sưởi nhiều hơn."
Tôi không quen đốt củi và cũng không dám dùng lò sưởi do chi phí tiền điện đắt đỏ cho nên chỉ trườm một túi nước ấm lên ga và kẹp dưới lòng bàn chân sau đó quấn thật dày chăn đi ngủ. Tằn tiện như vậy nên chẳng may tôi bị cảm lạnh. Buổi sáng hôm Giáng sinh đã cảm thấy người nặng trịnh nong nóng nhức đầu nhẹ. Đến chiều tối cả người tôi sốt bừng lên, họng đau, đầu đau tôi đành phải gọi điện từ chối đi nhà thờ với Lisa. Nằm dài trên giường cả người tôi mềm oặt mê man thiếp đi. Có lẽ do cơn sốt tôi đổ rất nhiều mồ hôi, nóng hầm hập và khó thở.
"Cháy! Cháy! Cháy rồi!!! Mau dậy đi!"- Tiếng hét thất thanh từ đâu vẳng vẳng trong đầu tôi.
"Cháy rồi! Aaaa."- Tiếng hét ngày càng loạn lay tỉnh tôi đang đương cơn mê man.
Tôi nặng nề nhấc con mắt mình dậy trong vài giây đã nghĩ đó là mơ cho đến khi tiếng hét đâm thẳng vào màng nhĩ tôi. Tôi bất ngờ bật tung chăn vùng dậy, thấy ngoài cửa sổ ánh lửa đỏ đang liếm lên, cả nhà bốc lên mùi cháy khét. Tôi bước xuống giường hẵng còn hoảng hốt hai chân run rẩy chưa giữ được thăng bằng tự lẩm nhẩm như kẻ điên: "Cháy rồi...cháy rồi phải chạy đã. Mình phải chạy."- Tôi vừa nói nhưng đầu óc tôi lắc lư đau nhức. Mùi cháy xâm nhập vào mũi tôi. Tôi xác định phương hướng chạy ra phía cửa, đến gần cửa nhớ ra còn cuốn sổ tiết kiệm. Cuốn sổ tôi đã kiếm bằng cả mạng sống! Tôi chạy ngược lại mở ngăn kéo lấy đồ. Lấy xong tôi bịt mũi ho khù khụ chạy ra cửa, mở toang cửa chỉ thấy khói đen mù mịt từ cầu thang bốc lên thành từng đụn, mùi cháy khét làm đầu tôi càng đau đớn, hành lang vắng lặng, tôi không thể nhớ được cửa thoát hiểm ở đâu.
Không được nếu đứng ở đây mình sẽ chết mất, tôi lao đảo đóng cửa quay vào nhà. Tôi dấp một chiếc khăn ướt đắp lên mũi cho dễ thở. Sức nóng của lửa ngày càng lan rộng, qua tấm kính cửa sổ tôi thấy sắc cam bập bùng dữ dội như đang nuốt trọn cả ngôi nhà. Tôi hoảng sợ cúi xuống theo bản năng. Mồ hôi vã ra như tắm. Vì bị khói làm cay mắt mà nước mắt tôi chảy ròng ròng, tim tôi đập nhanh, phổi như muốn nổ tung, hít thở trở nên ngột ngạt khó khăn. Phòng tôi ở tầng ba không thể nhảy xuống được. Ngoài cửa khí đen bao kín. Nhìn quanh phòng trước sau đều không có đường chạy lẽ nào tôi sẽ chết ở đây, tôi sẽ chết cháy ư? Cứ như vậy kết thúc cuộc đời của mình ở thế giới này dù chưa làm được gì? Nhưng nếu chết rồi tôi sẽ được quay lại thế giới của mình? Phải rồi, nếu tôi kết liễu đời mình ở đây tôi có thể quay về với bố mẹ. Có lẽ cơn sốt và khí độc lan tràn đã làm tinh thần tôi thêm yếu mềm tôi không còn sức phản kháng nữa, tôi muốn gặp bố mẹ, tôi nghĩ vậy và bỏ chiếc khăn che mũi ra từ từ nhắm mặt lại...
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro