3
Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong một hoàn cảnh khá đặc biệt: Lúc đó cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào giai đoạn gay go quyết liệt, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải có sự nỗ lực vượt bậc, có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm đối với sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, đạo đức cách mạng, phương pháp làm việc, công tác vận động quần chúng.
Tác phẩm đề cập đến nhiều nội dung (6 phần). Bài viết này chỉ tập trung khái quát các nguyên tắc, phương pháp luận mà Bác nói về học tập, rèn luyện của cán bộ, đảng viên và ý nghĩa thực tiễn của nó.
1. Đảng Cộng sản chân chính và đội ngũ cán bộ của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Cần chăm lo xây dựng Đảng, chuẩn bị một đội ngũ ngang tầm với vị trí của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức đúng đắn vai trò của tư tưởng tiên tiến. Bác bôn ba tìm đường cứu nước nhằm nhận thức đúng tình hình, tìm tư tưởng tiên tiến, kinh nghiệm tiên tiến để thực hiện cách mạng ở Việt Nam. Theo Người, chỉ có vận dụng sáng tạo lý luận Mác-Lênin vào Việt Nam thì kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công. Để giải quyết nhiệm vụ đó phải có đảng tiên phong, có đội ngũ cán bộ tốt. Người viết: "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém"(1). Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự là lực lượng tiền phong về trí tuệ, về phẩm chất đạo đức, phải là những hạt giống tốt để nhân rộng trong xã hội và các đoàn thể. Vì rằng, "Muốn lập làng kiểu mẫu, đội kiểu mẫu v.v.. thì trước phải đào tạo ra những người kiểu mẫu, để làm cán bộ cho làng đó, đội đó"(2).
Từ tác phẩm Đường cách mệnh (1927) cho đến Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nào cũng coi trọng việc phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đó là kết quả tiếp thụ tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, sự sáng suốt, tài tình của Bác trong vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin, trí tuệ cao nhất của thời đại vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Việc khẳng định vai trò Đảng Cộng sản và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng là một nguyên tắc phương pháp luận Hồ Chí Minh.
Ngày nay, trung thành với nguyên tắc đó, Đảng ta hết sức chăm lo xây dựng Đảng, đào tạo, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đại hội X của Đảng chỉ rõ công tác quan trọng trong xây dựng Đảng: Giáo dục tư tưởng chính trị, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, đổi mới công tác cán bộ, xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, kiện toàn tổ chức và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
2. Tự phê bình và phê bình, thường xuyên học tập nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên là quy luật phát triển của Đảng, là điều kiện bảo đảm cho Đảng hoàn thành mọi nhiệm vụ nhân dân giao phó.
Người phê bình sự sao nhãng học tập của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, Người xác định những vấn đề có tính nguyên tắc trong học tập: Xác định rõ mục tiêu, thời gian, tài liệu, phương pháp học tập, kết hợp học và hành, phê bình và tự phê bình, kiểm tra, báo cáo kết quả vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn.
Đề cập đến nhiệm vụ học tập đối với cán bộ, đảng viên dưới dạng tự phê bình, phê bình và sửa chữa không chỉ phản ánh nhận thức đúng đắn của Bác về vai trò của học tập trong hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, mà còn là tầm nhìn xa, trông rộng của Bác về yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để khắc phục sự tụt hậu. Bác viết: "Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi. Hiện nay, phong trào cách mạng rất cao. Nhưng thử hỏi cán bộ và đảng viên ta đã mấy người biết rõ lý luận và biết áp dụng vào chính trị, quân sự, kinh tế và văn hoá? Đã mấy người hiểu "biện chứng" là cái gì?"(3).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích rất sâu sắc tác hại của lười biếng học tập, tích luỹ tri thức, nâng cao trình độ lý luận. Người viết: "Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại"(4). Đồng thời Bác cho rằng bệnh chủ quan, kinh nghiệm đã làm xuất hiện tư tưởng coi thường tri thức, coi thường lý luận, chỉ đề cao kinh nghiệm cục bộ của bản thân mình, đơn vị mình. Người phê phán: "Họ quên rằng: Kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi. Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ"(5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu rất cao về sự thống nhất học và hành, lý luận và thực tiễn. Người không hài lòng với thói mọt sách, học để trang sức, có học rồi kiêu ngạo, thiếu khiêm tốn. Người chỉ rõ: "Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông"(6); có bằng cấp "mới chỉ có trí thức một nửa... Muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế"(7).
Tư tưởng học để biết, để làm cán bộ, làm cách mạng, để phụng sự nhân dân là vấn đề có tính nguyên tắc của học tập. Để thực hiện mục tiêu đó cần có tri thức khoa học toàn diện, là sự hiểu biết về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Người viết: "Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: Một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra"(8).
Phân tích của Bác về sự cần thiết phải học tập, học kết hợp chặt chẽ với hành luôn luôn có giá trị phương pháp luận đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Trong thời đại hiện nay, với sự tác động mạnh mẽ của khoa học tiên tiến và công nghệ hiện đại, sự bùng nổ thông tin, sự xuất hiện của kinh tế tri thức, việc học tập và phương pháp học tập càng có ý nghĩa quan trọng. Đối với nước ta, nếu mọi người không tích cực học tập, xã hội không nhanh chóng trở thành một xã hội học tập thì nguy cơ tụt hậu xa hơn càng rõ rệt. Chính vì vậy Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định khoa học - công nghệ cùng với giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu.
3. Học tập và rèn luyện trong thực tiễn cách mạng để nâng cao phẩm chất cao đẹp của người cách mạng.
Theo quan điểm của Bác, quá trình học tập, công tác là điều kiện để từng cán bộ, đảng viên tìm tòi các giá trị chân chính và nâng cao phẩm giá của mình cho xứng đáng với vị trí người lãnh đạo quần chúng. Các phẩm chất tốt đẹp không hình thành tự phát mà do rèn luyện, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Bác đã chỉ rõ những biểu hiện tập trung nhất của đạo đức cách mạng: Vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào, chí công vô tư.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi quá trình nâng cao trình độ, hiểu biết, tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn phải kết hợp chặt chẽ với sự phát triển các đức tính tốt đẹp của người cách mạng: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Nhận thức và hoạt động để kế thừa đạo đức - văn hoá Đông - Tây nhằm nuôi dưỡng sự thật thà, yêu thương, hết lòng giúp đồng chí, đồng bào; kiên quyết đấu tranh chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân; khổ đi trước, hạnh phúc hưởng sau; không tham giàu sang, không sợ cực khổ, không sợ quyền uy. Theo Bác, các yếu tố trên xây tạo nên cái Nhân của con người và là cơ sở làm người có nhân. Làm người phải ngay thẳng. không có tâm đức xấu, không làm bậy, không có gì phải giấu Đảng; biết điều chỉnh lợi ích; tận tụy với công việc; thường xuyên tự phê bình và phê bình. Đó là con đường phấn đấu theo Nghĩa. Để có phẩm chất Trí, Người dạy: Không có gì tư túi, làm mù quáng; đầu óc trong sạch, sáng suốt; nhận thức lý luận tốt; xây dựng kế hoạch hành động tốt; biết xem xét người, xem xét việc; làm tốt nhân sự, cân nhắc người tốt, đề phòng người gian. Trí được gắn liền với Dũng, có nghĩa là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải có gan làm; thấy khuyết điểm có gan sửa chữa; có gan chịu đựng khó khăn, có gan hy sinh. Cuối cùng là Liêm, tức là không tham địa vị; không tham tiền tài; không tham sung sướng; không tham người tâng bốc mình; quang minh chính đại, không hủ hoá; chỉ có một ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định các tiêu chí rất cơ bản về những đức tính của người cách mạng, đó cũng là phương hướng phấn đấu của mọi người Việt Nam. Lúc sinh thời Người là tấm gương sáng cho mọi người. Tuy Người đi xa, nhưng tấm gương Hồ Chí Minh vẫn ngời sáng. Những vấn đề có tính nguyên tắc trong xác định giá trị đích thực con người của Bác đang soi sáng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm tốt hơn công tác đào tạo - giáo dục; tăng cường hơn nữa tự tu dưỡng rèn luyện đạo đức, nhân cách theo lý luận và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro