Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

𝐂𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝟔 - 𝐜𝐨̂̉𝐧𝐠 đ𝐢̣𝐚 𝐧𝐠𝐮̣𝐜


Nhiệt độ hôm nay ấm hơn hôm qua rất nhiều. Chúng tôi cố gắng ăn thêm một chút trước khi đi. Vào lúc sáu giờ chiều, Ivan dùng điện thoại liên hệ với nhóm thợ lặn để tới địa điểm như chỉ dẫn. Khu vực đó cách chúng tôi khoảng một cây số về hướng nam. Tức là chỉ cần đi dọc bờ sông là có thể thấy địa điểm hẹn. Bất đắc dĩ phải đổi địa điểm hẹn là do những người trong đường dây lo sợ cảnh sát sẽ tiếp tục truy quét người vượt biên như hôm qua.
Khi chúng tôi đến chỗ hẹn thì trời đã tối hẳn. Ivan để chúng tôi trốn trong bụi cây, còn anh ta ra ngoài để chờ đợi. Một lúc sau, cả đoàn nhìn thấy từ dưới nước ngoi lên bốn người mặc quần áo lặn màu xanh đen. Trên lưng còn đeo một bình dưỡng khí. Vừa thấy đồng bọn, người đi đầu tiên trong số đó ném về phía Ivan một hòn đá. Anh ta đứng im lặng, rút trong túi áo ra một đồng xu rồi tung lên cao. Lúc này mấy người thợ lặn mới cởi mặt nạ dưỡng khí ra rồi bắt đầu bàn bạc với Ivan một lúc. Chú Sang thì thào nhẩm tính bên tai tôi:
“Bọn này thuê những bốn người thợ lặn. Cả người dẫn đường lẫn người trong đoàn là mười hai người. Chỉ cần một người kéo túi nylon qua sông. Nếu tính ra thì chỉ cần ba lượt kéo. Ít nhất cũng phải mất vài tiếng.”
Cái Phượng băn khoăn:
“Chú có nhầm không? Bề ngang của con sông này cũng không quá rộng mà.”
Chú Sang lắc đầu phản bác:
“Nhìn trên mặt sông là một chuyện, lặn dưới đáy lại là một chuyện khác. Cứ chờ xem rồi sẽ biết”
Những người thợ lặn bắt đầu kéo ra mấy cái túi nylon màu trong suốt. Thoạt nhìn trông khá mỏng manh, nhưng khi chạm vào tôi mới biết chất liệu của những chiếc túi này dày dặn hơn là tôi nghĩ. Tôi, Duy Anh, bà Loan và cái Phượng là những người vượt sông đầu tiên. Mỗi người được phát cho vài quả bóng bay để tự thổi phồng. Ai cũng hiểu ý, đây chính là “bình dưỡng khí” tự chế của chúng tôi. Chưa dừng lại ở đó, trong người mỗi kẻ vượt sông đều phải thủ sẵn hai con dao, phòng khi có trường hợp gì bất trắc sẽ rạch túi để trốn ra ngay.
Ngoại trừ tôi có vẻ bình tĩnh, thì ba người còn lại lộ rõ vẻ hoang mang. Tôi cố gắng trấn an bọn họ:
“Mọi người đừng lo. Nếu có vấn đề gì thì chúng ta vẫn có thể thoát ra được mà. Đám thợ lặn này cũng không để ai gặp vấn đề gì đâu. Nếu không thì làm sao bọn họ kiếm được tiền.”
Nghe thấy tôi nói vậy, Duy Anh hơi mỉm cười, nhưng vẫn run bần bật. Mặc dù ngoài mặt tôi cứng họng là thế. Ấy vậy mà đến khi nằm co quắp ở bên trong hai hàm răng của tôi bắt đầu đánh lập cập. Tôi đặt tay vào túi đựng dao, miệng liên tục khấn vái Trời Phật để đỡ sợ. Một người thợ lặn túm lấy đầu túi nylon kéo ra mép nước. Người khác đứng ở dưới đáy túi ra sức dìm tôi xuống đáy sông. Một suy nghĩ kì quặc đột nhiên ập đến trong đầu. Những người đàn bà không chồng mà chửa, bị cả làng thả bè trôi sông như ngày xưa chắc cũng giống tình cảnh của tôi hiện giờ.
Nước bắt đầu dập dềnh, chiếc túi nylon tôi đang nằm bắt đầu chìm nghỉm xuống dưới. Mới một phút trước tôi còn nhìn thấy mọi người đứng trên bờ ngóng theo. Vậy mà chỉ một lúc sau, mọi thứ xung quanh tôi bắt đầu tối om. Nhiệt độ bắt đầu hạ đột ngột, tôi thấy hai tai mình ù đi, người bắt đầu khó thở.
Quả bóng bay trong tay tôi lúc này bắt đầu phát huy tác dụng. Tôi thả một đầu bóng để thở một chút rồi lại phải đóng đầu bóng bay lại ngay. Nhờ có ánh đèn mờ mờ từ chiếc mũ của người thợ lặn mà tôi nhìn thấy một khoảng nước mênh mông đến rợn ngợp. Kể từ lúc bắt đầu hành trình vượt biên này, chưa bao giờ tôi cảm thấy mạng sống của mình mong manh đến thế. Tôi nhắm nghiền mắt lại, cố gắng không nghĩ tới tình huống xấu nhất có thể xảy đến với mình.
Cái lạnh ở trong túi nylon dưới nước khác hẳn với cái lạnh trên bờ. Nước táp vào phần lưng của tôi hệt như cái lưỡi của một con quái vật khổng lồ đang liếm láp. Tôi muốn trở mình một chút cũng không được vì bắt buộc phải giữ nguyên tư thế cho tới khi ngoi lên bờ. Để vơi bớt tâm trạng lo lắng, tôi bắt đầu khấn niệm rồi lại lẩm nhẩm đếm số trong đầu. Dường như thời gian ở dưới lòng sông dài như vô tận. Khi quả bóng bay trong tay tôi bắt đầu dần cạn oxi, thì chiếc túi nylon bỗng nhẹ bẫng. Tôi thấy chiếc bong bóng bao trọn lấy người mình đang rời khỏi mặt nước. Ánh trăng vàng lại xuất hiện ở tít trên cao.
“Qua rồi! Vượt qua được rồi!!” Tôi khấp khởi reo lên khe khẽ.
Người thợ lặn kia hì hục kéo tôi lên trên bờ rồi để tôi tự rạch túi chui ra ngoài. Cơn gió đêm cuối thu thổi ùa vào mát lạnh, xua tan đi sự bí bách vừa rồi. Ngay lập tức tôi phải tìm một chỗ  thật kín đáo để chờ những người đến sau. Ngồi trong bụi cây rậm rạp, tôi nhìn theo bóng dáng người thợ lặn vừa rồi vụt biến mất dưới làn nước đen ngòm. Bọn Duy Anh xuất phát cùng lúc với tôi, đáng lý giờ này phải có mặt tại đây rồi mới phải. Lòng tôi nóng như lửa đốt. Chẳng lẽ họ gặp phải trục trặc gì?
Tôi cố nhìn về phía bờ sông bên kia, nhưng chẳng thấy gì ngoài một vùng tối tăm, rợn ngợp. Gió lại bắt đầu thổi vù vù bên tai, làm cho toàn thân tôi run rẩy vì hai ốm quần và tay áo đều đang ướt sũng. Tiền trong người tôi cũng dính nước, nhưng tôi không dám mạo hiểm lấy tiền ra kiểm tra. Nhất là trước mặt những người trong đường dây thế này.
Mặt nước lại xao động, tôi nhìn về hướng 10 giờ thì phát hiện một người thợ lặn cao to mang theo một cái túi nylon lóp ngóp lên bờ. Tôi nhận ra bên trong là cái Phượng. Con bé đang lóng ngóng rạch túi thoát thân. Ngay sau đó là hai chiếc túi nylon đựng bà Loan, Duy Anh gần như xuất hiện cùng một lúc. Tôi mừng rỡ, vội lấy một viên đá cuội dưới chân ném về phía cái Phượng để ra hiệu. Ba người lập tức chạy lại gần chúng tôi, người ai cũng ướt như chuột lột. Tôi quàng tay ôm lấy cái Phượng và bà Loan, miệng nửa mếu nửa cười.
Bốn người chúng tôi ngóng về phía bờ bên kia để chờ đợi. Nhiệt độ lúc này chỉ vào khoảng bốn độ. Trong trường hợp không vượt sông thật sớm, thì đừng nói tới chú Sang, và hai cô gái kia, mà ngay cả đám người lực lưỡng khỏe mạnh như bọn Ivan cũng không thể nào chống chọi. Tôi chắp hai tay vào để cầu khấn, chỉ mong sao cả đoàn chúng tôi không bị cảnh sát và chó nghiệp vụ bắt tại trận như nhóm người vào đêm hôm qua.
Duy Anh nhìn tôi dè dặt hỏi:
“Sao lâu thế chị nhỉ?”
Tôi cắn môi lắc đầu:
“Không biết nữa. Nhưng chắc chắn họ sẽ lên được bờ thôi.”
Bà Loan có vẻ phân vân:
“Có khi nào mấy người thợ lặn kia bị đuối sức không?”
Cái Phượng lắc đầu quầy quậy:
“Không thể nào! Làm được những việc này đâu phải là chuyện đơn giản đâu cô. Đoàn mình còn ít người, những đoàn khác cả gần hai chục người thì sao?”
Tôi đánh nhẹ vào vai cái Phượng:
“Không nói chuyện nữa. Coi chừng có người nghe thấy.”
Cái Phượng im lặng. Mọi người nhìn về mặt sông êm ả, chờ đợi những người tiếp theo xuất hiện. Thời gian cứ chậm chạp trôi qua, tôi không muốn nhìn đồng hồ vì điều đó chỉ khiến cho bản thân thêm nóng ruột. Tiếng một con chim cú mèo từ mảng rừng đằng sau vẳng lại. Tôi quay người để nhìn theo quán tính, dẫu biết rằng không gian phía sau chẳng có chút ánh đèn. Chưa đến nửa phút sau, từ trên mặt nước có bóng hai người thợ lặn bước lên trên bờ. Tiếng ho khục khục quen thuộc của chú Sang vang lên, một người trong đám ra hiệu cho chú giữ im lặng, rồi mặc kệ chú tự xoay xở để vào bờ với chúng tôi. Chú Sang lồm cồm bò ra ngoài, còn giúp Đức Hà Nội chui khỏi. Nối gót theo sau là Jane và Anne mang gương mặt tái nhợt bò khỏi túi để trèo lên bờ. Phượng và Duy Anh nhìn nhau mỉm cười. Chúng tôi không hẹn mà đồng loạt thở phào nhẹ nhõm. Đoàn vượt biên đã sang được hai phần ba, chỉ còn nhóm của Ivan dẫn đường nữa là đông đủ.
Tôi nhẩm tính đợt đầu tiên đám thợ lặn kéo chúng tôi sang đến bờ mất khoảng mười phút. Đợt thứ hai khoảng mười hai phút. Vậy thì đợt thứ ba này sẽ dài nhất. Nước sông bắt đầu lên cao, tràn cả vào chỗ chúng tôi đang ngồi, hiện tượng này báo hiệu thời điểm thủy triều dâng đã đến. Đức Hà Nội thất thần nói bâng quơ:
“Thủy triều dâng cao, rất dễ gặp xoáy nước.”
Cái Phượng quắc mắc nhìn anh chàng:
“Đừng nói gở như thế. Mình còn phải phụ thuộc vào bọn nó đấy.”
Bà Loan toan nói chen vào thì dưới nước lại ngoi lên ba người thợ lặn. Tôi nhìn thấy Ivan, gã tóc đỏ và gã trọc đầu nhanh nhẹn rạch túi thoát ra bên ngoài. Lần này những người thợ lặn không vội rời đi mà trầm mình dưới khúc sông để chờ đợi. Ivan nói nhỏ với chúng tôi, gương mặt anh ta cắt không còn giọt máu:
“Một người thợ lặn bị hụt chân rơi vào xoáy nước ngầm ở phía dưới. Không biết giờ ra sao rồi!”
Tôi nghe mà bàng hoàng, cố căng mắt nhìn xuống khúc sông. Năm phút, bảy phút, rồi mười phút trôi qua. Ivan ôm mặt, xoa mái tóc xoăn màu vàng nhạt bước chậm rãi về phía ba người thợ lặn. Anh ta bắt tay rồi nói với họ vài câu bằng tiếng Nga. Mặc dù chẳng ai trong số chúng tôi hiểu gì, nhưng qua biểu cảm cũng có thể biết được rằng Ivan đang chia buồn với bọn họ. Những người thợ lặn mất đi một đồng đội, còn chúng tôi mất đi một người dẫn đường.
Điều đáng sợ ở chỗ, hai gã đàn ông còn lại và Ivan đều không tỏ ra đau buồn gì trước sự ra đi của người bạn. Chú Sang đại diện cho mọi người trong đoàn định nói vài câu chia buồn, thì Ivan gạt đi. Anh ta nói rằng dấn thân làm nghề lái người là phải xác định sống nay chết mai. Buồn phiền cũng chẳng có ích gì.
Lại nói thêm, cổng địa ngục này từ xưa đến nay có một lời nguyền mà chỉ những kẻ trong đường dây mới biết. Ấy là những đoàn nào vượt sông thành công thì đều phải bỏ lại một mạng người. Bằng không sẽ bị cảnh sát tóm gọn hoặc chết thảm trên bờ như đoàn của gã da đen, mà chúng tôi được tận mắt chứng kiến vào ngày hôm qua. Họa hoằn lắm mới có đoàn đi qua trót lọt mà chẳng hề tổn hại chút nào. Mọi người trong đoàn nhìn gương mặt của gã trọc đầu và gã tóc hung đỏ, cả hai vẫn bình thản chẳng hề biến sắc. Thế rồi, tất cả lặng lẽ bước vào khu rừng biên giới ở Ba Lan trong sự im lặng dọa người. Ai  cũng sợ rằng giọng nói của mình bị những cảnh sát biên phòng phát hiện.
* * * * *
Càng đi lâu trong rừng, chúng tôi càng thấy sự khác biệt đáng kể. Nếu như rừng ở Ukraine khô ráo và sạch sẽ, thì rừng ở  vùng biên giới Ba Lan lại lởm chởm đầy ổ gà, ổ voi. Trong những cái ổ gà ấy là một lớp bùn đã lắng cặn đọng lại ở phần đáy, bên trên là một lớp nước trong veo. Ivan tay cầm la bàn, đi phăng phăng ở phía trước để dẫn đường. Bụng tôi bắt đầu sôi lên vì đói. Đống đồ ăn chiều hôm qua ở bờ sông bên kia đã bị tiêu hóa từ bao giờ. Cái Phượng đưa cho tôi một viên kẹo để ngậm, nhưng cũng chẳng ăn thua.
Điều khiến tôi không ngờ là vị ngọt từ kẹo càng làm chúng tôi khát khô cả cổ họng. Duy Anh thều thào hỏi người đi trước mặt:
“Anh Đức ơi... Còn nước không?”
Đức Hà Nội lắc đầu:
“Hết rồi! Vất hết ở bờ sông bên kia rồi.”
Chú Sang nghe thấy thế thì ngoái lại nhìn:
“Chịu khó một tí. Một chút nữa thôi là lên xe về nhà tập trung rồi. Đừng nói chuyện nữa.”
Gã tóc hung đỏ quắc mắt nhìn mọi người như để cảnh cáo. Tôi uể oải nhìn xung quanh. Khắp nơi đều là cây bạch dương đang dần rụng lá. Cảnh vật thoạt nhìn rất giống bên Nga, nhưng mật độ cây lại dày hơn hẳn. Chính vì thế việc di chuyển trên địa hình này đặc biệt mất sức hơn bình thường. Trời tang tảng sáng, Ivan dừng chân ở một gốc cây to và bắt đầu liên lạc với người trong đường dây. Ban đầu tôi cứ ngỡ rằng sẽ được lên xe để đi luôn. Sau cùng mới biết, cả đoàn phải chờ ở trong rừng khoảng một ngày, nhanh nhất thì tối ngày mai mới có thể đi tiếp. Mọi người nhìn nhau, cảm giác nản lòng bắt đầu dâng lên. Cơn đói có thể nhịn được, nhưng còn nước uống không thể không có.
Hai mắt bà Loan mờ đi vì đói và khát. Chú Sang nhìn chằm chằm vào một cái ổ gà rất lớn. Tựa hồ lấy hết tinh thần, chú vục mặt xuống dưới để mà uống. Không ai trong chúng tôi cảm thấy hành động ấy là bẩn thỉu. Trái lại, mọi người lập tức học theo, còn hơn là chết khát. Chẳng mấy chốc đã uống no một bụng nước.
Tôi ngồi dựa vào một gốc cây, hai tay vuốt ngực cho đỡ nghẹn. Cơn khát đã được giải tỏa, nhưng cái đói vẫn lảng vảng xung quanh. Để cho quên đi cảm giác dạ dày đang quặn lên từng hồi, chúng tôi lấy một lớp lá bạch dương phủ lên người mình rồi ngủ vùi. Nằm trên mặt đất vừa ẩm ướt vừa lạnh lẽo, tôi chùm cái mũ lên đầu, hai mắt nhắm nghiền cố gắng ru mình vào giấc ngủ. Một giấc mộng bất ngờ ập đến như đã hẹn từ lâu. Tôi lại thấy mình mặc một chiếc áo dài trắng tinh khôi, đứng nép mình dưới một cành phượng nở đầy hoa rực rỡ. Ở phía xa xa là một chiếc băng rôn màu xanh đậm, phía bên trên có ghi dòng chữ: “Chào Mừng Tân Sinh Viên Nhập Học”. Những dòng chữ nhấp nháy ở phía trước hệt như có ma lực thôi thúc tôi bước tới. Khi chỉ còn cách tấm băng rôn vào bước chân, một làn gió thổi thốc vào khiến cho sân trường đột nhiên chao đảo rồi biến mất. Lại một lần nữa tôi bừng tỉnh, ngơ ngác nhìn xung quanh. Chẳng còn hoa phượng dưới ánh nắng vàng rực rỡ, cũng chẳng có tà áo dài thướt tha. Tôi đang khoác lên mình một bộ quần áo chỗ ướt chỗ khô, trên người phủ đầy lá rụng, giống hệt như những người khác. Tôi ngước mắt lên trời, không muốn để dòng nước từ khóe mi lăn xuống gò má của mình.
* * * * *
Chúng tôi ở lại cánh rừng mất một ngày một đêm. Jane và Anne tìm quanh gốc cây được vài cây nấm, nhưng không ai dám chắc đó có phải là nấm độc hay không. Cuối cùng đành vất đi trong sự tiếc rẻ. Tôi sục sạo khắp túi áo, túi quần, mới tìm được nửa túi bánh nhỏ xíu. Chúng tôi đem chia nhau. Mùi bánh thơm lừng lan tỏa trong khoang miệng chưa được bao lâu thì đã hết. Đói lại hoàn đói.
Cả đoàn cũng không dám đốt lửa lên để sưởi ấm, vì sợ rằng cột khói sẽ làm cho người khác chú ý, mà dù cho có muốn thì cũng chẳng tìm được củi khô.
Chiều muộn hôm ấy, Ivan ra hiệu cho chúng tôi chuẩn bị rời đi. Cả đoàn mừng rơi nước mắt vì biết được mình sẽ thoát khỏi tình trạng này. Chúng tôi lê tấm thân rệu rã đi men ra được đến bìa rừng. Khi đến nơi đã thấy hai chiếc ô tô màu đen chờ sẵn. Hai gã tài xế chia tám người chúng tôi nhét vào thùng xe phía sau. Mặc dù trong đoàn không có ai quá to béo, nhưng việc bốn người trưởng thành chen chúc trong một thùng xe chật hẹp cũng chẳng hề dễ chịu. Tôi, Phượng, Jane và Anne bị nhét vào trong chiếc xe đi đầu tiên, còn những người còn lại thì nằm trong thùng xe phía sau. Bọn Ivan vốn sở hữu quốc tịch Nga, cho nên có thể đường hoàng ngồi ở ghế đằng trước. Lần thứ hai tôi nằm trong xe, tuy không xóc bằng lần trước nhưng toàn thân bị tê cứng, đau nhức đến độ chẳng thể nào chịu nổi. Xe bắt đầu lăn bánh được một lúc. Cái Phượng thì thào nói với tôi:
“Không biết bao giờ mới đến được nơi. Cứ như thế này thì chết!”
Tôi không trả lời nó, chỉ nhìn đồng hồ một cách chăm chú. Chúng tôi bắt đầu rời cánh rừng biên giới Ba Lan vào lúc 18h39 phút. Mặc dù không biết bản thân mình sẽ bị đưa đi đâu, nhưng tôi vẫn thầm mong có thể đến được trạm trung chuyển tiếp theo trước đêm nay.
Cho đến rất nhiều ngày sau đó, tôi vẫn không thể nào quên được hơi nóng bốc lên từ phía động cơ ô tô bốc lên phả vào mặt, quyện cùng với mùi xú uế thoang thoảng của những người đi trước để lại. Bốn cô gái chúng tôi nắm chặt tay nhau, cố gắng cắn răng chịu đựng. Gắng gượng nghĩ về những viễn cảnh tươi đẹp ở London đang đợi tôi.
Mải suy nghĩ, tôi không hay để ý rằng Jane đang nhìn tôi rồi mỉm cười, tôi đáp lễ lại bằng một nụ cười thoảng nhẹ trên gương mặt. Giây phút ấy tôi giật mình nhận ra, từ lúc dấn thân vào hành trình này, tuy lúc nào cũng cận kề sinh tử, nhưng chí ít tôi còn có nhiều người ở bên. Thậm chí còn nhiều hơn là khi tôi vẫn còn ở nhà. Ý nghĩ lãng đãng, vẩn vơ ấy khiến cho tôi được an ủi hơn một chút.
Xe chạy hơn ba tiếng nhưng vẫn chưa đến nơi. Lúc này đã gần mười một giờ đêm, bụng tôi đói đến cồn cào, chân tay thì rệu rã như muốn gẫy rời. Tiếng cái Phượng gọi tôi vang lên khe khẽ:
“Lam! Lam ơi!”
“Gì thế?” Tôi trả lời.
“Con bé Anne này....”
Thấy cái Phượng ấp úng, tôi chưa kịp hiểu gì thì thấy dưới lưng mình có một dòng nước âm ấm. Tôi rọi chiếc đèn pin nhỏ xíu về phía mặt cái Phượng, nó nhăn nhó rồi lắc đầu tỏ vẻ bất lực. Tôi thở dài an ủi:
“Thôi chịu khó. Ít nữa thế nào cũng được tắm rửa nghỉ ngơi mà.”
Ngoài mặt thì nói vậy, nhưng tôi vẫn cảm thấy lợm giọng vì tình cảnh của mình lúc này. Tôi đoán chắc rằng, một lát nữa thôi khi phát hiện có người tiểu tiện trong xe, mấy tên cai lệ sẽ quát nạt rồi chửi bới om sòm. Về phương diện này thì tôi đặc biệt cảm thông với bọn nó. Đã làm cái nghề nguy hiểm này, kị nhất là để lại dấu vết chứng tỏ có người đã từng ở trên xe.
Mấy hôm trước Ivan còn kể với tôi, nhiều tay lái người khác vì muốn tiết kiệm tiền nên mới nhét mười mấy người vào trong một chiếc xe ô tô bốn chỗ loại nhỏ. Đến khi mở thùng ra mới phát hiện, có người trong xe đã tắc thở từ bao giờ. Sau vụ ấy nhiều người không dám nhồi nhét nhiều như vậy nữa. Trừ những kẻ muốn kiếm thêm tiền.
Độ một tiếng sau, xe đi chậm dần rồi dừng hẳn lại. Tôi nghe bên ngoài có tiếng lạch xạch mở cốp. Giọng nói của Ivan vang lên:
“Xuống hết đi! Tới nơi rồi.”
Thời khắc được bước ra ngoài, tôi có cảm tưởng như mình từ cõi chết trở về. Ivan đưa chúng tôi đến một căn nhà nhỏ nằm cạnh rừng. Ngôi nhà được làm bằng gỗ sồi phết sơn màu trắng có một hàng rào nho nhỏ che chắn trước sân. Thâm tâm của tôi biết rằng, nơi này lại là một trạm trung chuyển khác. Đặc điểm chung của chúng là đều nằm tách biệt với khu dân cư, và không khí lúc nào cũng điêu tàn.
Ivan mở cửa cho chúng tôi bước vào. Bên trong đã có sẵn vài người khác. Tất cả đều là người Việt trạc tuổi tôi và Phượng. Một cô gái phấn son lòe loẹt, mặc một chiếc váy đỏ đang nằm trên ghế, chân gác lên bụng một gã trung đông có râu quai nón. Vài người khác thì tụ tập đánh bài, vừa nói chuyện vừa cười hô hố. Gã tóc hung đỏ vừa trông thấy cảnh tượng ấy liền điên máu, rút từ bên hông ra một cái roi quất vun vút xuống bàn. Gã chửi tục bằng cả tiếng Nga lẫn tiếng Anh. Nghe tiếng chửi bới của y, những người kia vội vã bỏ chạy vào bên trong. Cô gái mặc váy đỏ rời đi không kịp, bị y quất cho một roi vào người rồi kéo xềnh xệch vào bên trong.
Suy nghĩ đầu tiên nảy ra trong đầu tôi khi nhìn thấy cảnh tượng ấy là: “Ổ chứa!” Tôi quay ra nhìn chú Sang, chú lắc đầu chán nản. Tên người trung đông bây giờ mới giật mình thức giấc. Vừa trông thấy Ivan với gương mặt lạnh te, y cười nịnh nọt rồi nói vài lời hỏi han ra vẻ ân cần lắm. Ivan quắc mắt nhào đến cho y mấy cái bạt tai. Sau cùng quay lại nhìn chúng tôi rồi hất hàm:
“ Phòng cuối cùng ở hành lang tầng hai. Mọi người đi lên đó nghỉ ngơi một chút đi, ngày kia sẽ lên đường sang biên giới để tới Đức.”
Chúng tôi nối nhau bước lên cầu thang ọp ẹp và bẩn thỉu. Duy Anh không để ý, vô tình giẫm phải một vật nho nhỏ màu trắng đục ở dưới sàn. Thằng bé kêu thốt lên một tiếng. Đức Hà Nội quay lại hỏi luôn:
“Làm sao đấy?”
Duy Anh cúi đầu để nhìn cho rõ, rồi nó nhăn mặt chửi thề một câu:
“Mẹ khỉ! Là bao cao su.”
Chúng tôi vội vã bước thật nhanh về căn phòng cuối cùng ở hành lang. Vừa đẩy cửa vào, một mùi ẩm mốc bốc lên khiến cho bà Loan ho sặc sụa. Căn phòng không quá nhỏ, có tới ba chiếc giường và một bộ bàn ghế kê sát tường. Bên hông có một nhà tắm, ngập ngụa bên trong toàn là bao cao su đã sử dụng. Cái Phượng vừa nhìn đã vội quay mặt đi dể nôn khan. Tôi cố gắng tươi tỉnh:
“Ít ra đêm nay còn được ngủ trên giường. Không phải ngủ ở nơi màn trời chiếu đất nữa.”
Đức Hà Nội nghe thấy thì tán đồng:
“Đúng đấy! Lại còn có chỗ để tắm. Cái cốp xe chỗ bọn này nằm vừa nãy còn nguyên cả một bãi nôn đã khô lại. Vừa nhìn thấy đã rùng cả mình.”
Mặc dù rất mệt mỏi, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng quét dọn rồi mới ngủ. Jane và Anne nhanh nhẹn dọn thật sạch cái nhà tắm bên hông, tôi kiểm tra thì thấy ở đây có nước nóng. Xem ra cũng không quá tệ nếu so với mấy căn nhà hoang bẩn thỉu ở Ukraina.
Dọn dẹp xong xuôi thì nghe thấy tiếng Ivan gõ cửa bên ngoài. Anh ta mang vào cho cả đoàn một túi bánh mì và thịt nguội. Vẫn là thứ bánh mì dày đặc bột và cứng còng như lần trước. Nhưng vì quá đói nên chúng tôi chẳng nghĩ gì mà ăn ngấu ăn nghiến. Cả đoàn tám con người dùng chung một cái ly uống nước đã cáu bẩn. Lúc đang ăn, tôi thấy có nhiều tiếng động vang lên ở mấy căn phòng bên cạnh. Tiếng chửi, tiếng quát tháo của những người trong đường dây làm tôi giật mình thon thót. Bà Loan nhíu mày dặn dò mọi người:
“Một lát nữa đám đàn ông ngủ ở giường sát cửa. Đàn bà con gái ngủ ở hai cái giường bên trong. Mấy người này... đủ mọi thành phần... Chỉ sợ là đêm nay sẽ có chuyện đấy.”
Duy Anh và cái Phượng sốt sắng gật đầu. Chú Sang kiểm tra cửa phòng thì phát hiện không thể chốt lại từ bên trong. Vậy nên chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì phương án cũ. Tức là một vài người sẽ thức để canh gác cho người khác ngủ, sau đó đổi lại. Duy Anh xung phong thức canh gác đầu tiên. Cũng chính vì thế mà đêm hôm đó, đoàn chúng tôi bị mất trộm.
________________________
Còn tiếp

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #kinhdi