𝐂𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝟓 - 𝐁𝐢𝐞̂́𝐧 𝐜𝐨̂́ 𝐭𝐫𝐨𝐧𝐠 𝐫𝐮̛̀𝐧𝐠
Những người đi vượt biên đều gọi con sông nằm giữa biên giới Ba Lan và Ukraine là cổng địa ngục. Sở dĩ có tên gọi như thế là bởi số lượng người bỏ mạng khi vượt qua sông này quá nhiều. Thậm chí, cả những người biết bơi cũng không thể toàn mạng. Chiều ngang của sông khoảng 60 mét, chiều dài thì đám lái người không ước lượng được. Cảnh vật hai bên bờ hoang vu, liên tục có tiếng chó nghiệp vụ sục sạo. Đây là cột mốc bắt buộc phải vượt qua nếu như muốn vào biên giới Ba Lan.
Chúng tôi may mắn hơn người khác khi xuất phát vào thời điểm cuối thu đầu đông. Mặc dù thời tiết lạnh buốt nhưng chưa tới mức đóng băng. Có những đoàn đi vào mùa đông, mặt sông đóng băng, không ai dám mạo hiểm để bước lên đống băng lúc này. Người ta sợ chỉ cần không may bước vào phần băng mỏng là sẽ sụt xuống dưới vùng nước lạnh băng, mãi mãi vùi thây ở đó. Trong trường hợp không bị làm mồi cho cá thì việc bám vào nhau đi đi lại lại giữa địa hình trống trải cũng dễ bị cảnh sát phát hiện. Chính vì lẽ đó mà người trong đường dây không bao giờ đưa người sang sông vào mùa đông tuyết đổ.
Kể từ sau cái đêm kinh hoàng xuất hiện trực thăng rà quét trên đầu. Cả đoàn chúng tôi phải mất gần ba ngày mới có thể đến khu rừng giáp với cổng địa ngục. Tôi nhìn thấy trên bản đồ của Ivan, con sông được đánh dấu với kí hiệu ngoằn ngoèo màu xanh, để tới được nó lại phải tiếp tục băng rừng.
Ivan nói với chúng tôi, từ lúc rời Nga chạm vào đất Ukraina đến giờ, chúng tôi đã đi hết chiều ngang của đất nước này. Chỉ cần băng qua một cánh rừng nữa thôi, cả đoàn sẽ vượt sông để sang đất nước khác.
Thông tin này khiến mọi người vừa mừng vừa lo. Ròng rã hơn hai tháng trời chúng tôi chỉ biết tới đường rừng, còn chưa nhìn thấy bất cứ ngôi nhà nào. Đức Hà Nội nói đùa rằng, con đường chúng tôi đang đi giống như con đường tơ lụa nối liền châu Á với châu Âu từ những thế kỷ trước. Tôi mỉm cười miễn cưỡng, vì nếu xét về độ nguy hiểm, con đường vượt biên còn nguy hiểm gấp mấy lần.
Buổi sáng cuối cùng ở trong ngôi nhà bỏ hoang giữa cánh rừng lá đỏ, vào lúc tôi đang ngủ thì chợt nghe thấy tiếng bước chân người lao xao. Tim tôi giật thót một cái, rõ ràng đó là tiếng bước chân người, không thể nào nhầm được. Tôi vội vã đánh thức Ivan dậy để cảnh báo. Vừa nghe thấy tiếng bước chân, cơn ngái ngủ của ba gã đàn ông đội mũ len lập tức biến mất. Theo những gì Ivan phán đoán, đoàn người phía trước không dưới mười người. Quanh đây chỉ có duy nhất một cái nhà bỏ hoang mà chúng tôi đang tá túc. Nếu để hai bên chạm mặt nhau, chưa biết chừng sẽ xảy ra chuyện. Để bảo đảm an toàn, chúng tôi lập tức phải rời đi ngay. Tuyệt đối không được nấn ná.
Tôi khẽ đánh thức Duy Anh, cái Phượng và bà Loan. Ở bên kia chú Sang khẽ ra hiệu cho Jane và Anne chuẩn bị ba lô trong im lặng. Tôi từng nghe nói tới việc, những người sống ở vùng sa mạc có thể nghe được âm thanh cách xa hơn mười kilomet, không ngờ những kẻ đi đường rừng nhiều lại cũng có thể nhạy cảm với tiếng động như vậy. Vài phút sau, cả đoàn đã vội vã rời khỏi căn nhà bỏ hoang. Trước khi đi còn không quên đổ chút nước lên trên bếp lửa đang cháy giữa nhà.
Sương sớm còn đọng trong rừng vào buổi sáng khiến bầu không khí xung quanh lạnh lẽo nhưng trong lành. Chúng tôi không dám đi gần những tàn cây rậm rạp, bởi lẽ chỉ cần một trận gió thoảng qua cũng làm cho sương đêm đọng lại trên đám lá cây rơi xuống ướt đẫm cả người. Giữa bầu không khí hanh khô thế này, việc giữ ấm cho bản thân mình là vấn đề ưu tiên số một.
Duy Anh nhìn bốn bề xung quanh, nơi đây vốn dĩ trống trải. Nó hỏi Ivan:
“Giờ mình đi tiếp hay chờ đợi ở đâu hả anh?”
Ivan nhíu mày suy tính. Gã đàn ông trọc đầu lần trước vỗ vai anh ta rồi chỉ về góc mười giờ. Cả hai bàn bạc một lúc, Ivan khoát tay với mọi người:
“Đi thôi! Thằng trọc bảo gần đây có mấy cái hốc đá, tạm thời có thể làm chỗ nghỉ chân.”
Thấy có thể dừng lại để nghỉ ngơi, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Cả đêm qua đã băng đường rừng, vừa mới chợp mắt một lúc đã phải rời nhà hoang. Dù chẳng than vãn nhưng người nào cũng mệt. Cả đoàn người lê bước đạp lên trên lớp lá vàng, lá đỏ. Chưa đầy vài phút sau, mấy hốc đá xám xịt đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Gọi là hốc đá, nhưng thực chất chúng chỉ là phiến đá xếp san sát nhau. Điểm lý tưởng nhất của nơi này ấy là được bao bọc bởi mấy rặng cây thấp lè tè. Thảm thực vật ở đây dù có nét tương đồng với những cánh rừng bên Nga, nhưng vẫn có những đặc điểm khác biệt. Những bụi cây rậm rạp giữa thời tiết hanh khô như thế này là một ví dụ. Đức Hà Nội toan đi nhặt củi để đốt lên sưởi ấm như mọi lần, thì bị Ivan ngăn lại. Anh ta nói rằng đống lửa có thể tạo ra cột khói, làm cho người khác phát hiện vị trí của chúng tôi. Huống chi hốc đá này còn không cách căn nhà bỏ hoang mà cả đoàn vừa rời đi bao xa.
Đứng đây cũng có thể nhìn thấy căn nhà bỏ hoang khi nãy. Mấy người đàn ông trong nhóm cố gắng ngụy trang chỗ ẩn nấp của chúng tôi bằng những cành cây chằng chịt. Những người còn lại gom lá khô để trải lên mấy phiến đá, mục đích để giảm bớt cái lạnh. Khi chúng tôi vừa chuẩn bị xong xuôi, cũng là lúc căn nhà bỏ hoang đón một đoàn khách mới. Người đi đầu tiên là một gã da đen cao lớn. Nhìn chiều cao của gã, tôi liên tưởng ngay đến những vận động viên chơi bóng rổ từng thấy trên tivi. Nối gót phía sau là bảy – tám người xếp thành một hàng. Đi cuối cùng là một gã râu ria xồm xoàm, trên đầu vẫn còn gác lên cặp kính nhìn trong bóng đêm. Không cần đoán cũng biết, những người này cũng là một đoàn vượt biên như chúng tôi. Ivan lẩm bẩm rằng từ trước đến giờ rất ít khi có chuyện những đoàn vượt biên gặp nhau trong rừng. Anh ta suy đoán, đám người kia cũng muốn vượt sông trước khi thời tiết trở nên quá lạnh. Tôi định hỏi Ivan thêm vài câu, nhưng nếu mở lời vào lúc này sợ rằng sẽ phát ra tiếng động. Cuối cùng tôi chỉ lặng lẽ nằm xuống ngủ vùi, sau đó sẽ thức dậy để đổi ca trực cho người khác.
Không biết vì quá mệt hay vì suy nghĩ nhiều mà lần này tôi lại chiêm bao thấy một giấc mơ quái dị. Xung quanh tôi cơ man nước và xương người. Từng chiếc sọ người trắng ởn cứ dập dềnh trôi lại phía tôi. Tôi nhìn thấy một cô gái chới với giữa dòng nước xiết, hai tay cố gắng giơ lên để kêu cứu nhưng chẳng có ai đáp lời. Tôi cố gắng bơi ngược dòng để tới gần cô ấy thì lại bị nước đẩy ra xa. Vài giây sau, một dòng nước xoáy xuất hiện nuốt chửng lấy thân hình nhỏ bé ấy. Tôi choàng tỉnh giấc, mồ hôi vẫn lấm tấm trên trán.
Ivan và mọi người vẫn đang ngon giấc. Ngoài tôi ra thì chú Sang và Duy Anh vẫn thức để canh gác cho mọi người. Chú Sang khẽ chỉ vào trong căn nhà hoang trước mặt rồi hạ giọng thật thấp, nói với tôi:
“Nãy giờ trong đó có tiếng đánh đập, cãi nhau. Không biết là có chuyện gì?”
Tôi hơi nhún vai tỏ vẻ không quan tâm. Vì quả thực, những diễn biến trong ấy chẳng can hệ gì đến chúng tôi. Mặc dù đã cố gắng nằm xuống nhưng vẫn không sao ngủ được. Thế là tôi quyết định để chú Sang đi ngủ sớm hơn một chút. Không phải là tôi hào hiệp gì cho cam, mà nghĩ đến con sông tử thần sắp tới, tôi lo rằng chú và Loan sẽ khó lòng mà chống đỡ được. Tôi cố gắng dỏng tai để nghe ngóng tiếng nước chảy, nhưng chẳng thấy gì ngoài tiếng một con chim rừng kêu lên khe khẽ.
Vào lúc tôi đang ngẩn ngơ nghĩ ngợi thì cánh cửa nhà hoang bật mở. Tên thanh niên râu ria xồm xoài gốc Trung Đông xuất hiện ở cửa, một tay hắn kéo theo một cô bé mặt còn non choẹt. Tôi thoáng sửng sốt, chẳng lẽ gã định...
Đúng như những gì tôi dự đoán. Tên thanh niên đẩy con bé xuống lớp lá khô dưới gốc cây cách chúng tôi chỉ khoảng vài bước chân. Mặc cho con bé van xin, hắn ta vẫn cởi phăng chiếc thắt lưng rồi kéo cái quần bò đã bạc màu xuống ngang đầu gối. Nước mắt tôi bắt đầu trào ra, hai bàn tay nắm chặt lại. Tôi vùi mặt xuống hai đầu gối, cố gắng không phải nghe tiếng thở hồng hộc, tiếng chửi bới, tiếng lá cây xào xạc, hòa cùng với tiếng khóc nhỏ dần của con bé con trước mặt. Phải đến mười lăm phút sau, gã đốn mạt kia mới khẽ rùng mình rồi đứng dậy. Tôi hé mắt nhìn xuyên qua lùm cây, chợt phát hiện gã da đen lại bước ra. Cô bé kia tưởng mọi chuyện đã xong xuôi, nó mếu máo định mặc quần áo lại thì bàn tay gã da đen lại lôi cột hai bàn tay nó vào một cây bạch dương nho nhỏ trước mặt. Trên tay gã còn cầm một sợi roi nho nhỏ. Mỗi lần tiếng roi vút lên không trung là cành cây lại rung lên bần bật. Tôi nghe rõ mồn một con bé thều thào như sắp chết:
“Cứu con với mẹ ơi! Cứu con với!!”
Giây phút ấy tôi gục xuống hoàn toàn, hai bàn tay nắm chặt, chỉ hận không thể nào chạy ra giết chết hai thằng tây đốn mạt đó. Bất chợt tôi thấy một bàn tay lạnh cóng khẽ nắm lấy tay mình. Tôi nghiêng đầu nhìn sang bên thì thấy Duy Anh ở đó, mắt nó đỏ au, miệng mấp máy:
“Con bé nó đi vào nhà rồi. Không sao nữa đâu chị.”
Cảnh tượng vừa nãy ngoài hai chị em tôi ra chỉ còn rừng cây im lìm chứng kiến. Tôi đem theo tâm trạng nặng nề suốt cả ngày hôm đó. Bà Loan thấy tôi buồn bã thì hỏi thăm, tôi đem chuyện đó kể lại cho nhóm người Việt trong đoàn nghe. Tất cả mọi người đều im lặng. Bà Loan khẽ thở dài: “Vượt biên là thế đấy. Chỉ có điều con bé ấy còn nhỏ quá.”
Riêng Đức Hà Nội thì lầm rầm một câu hát quen thuộc:
“Trẻ thơ ơi! Tin buồn... từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”
(Chú thích: Lời bài hát Gọi tên bốn mùa của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn)
* * * * *
Trời sẩm tối, bên ngoài mưa lại rơi lâm thâm. Cả đoàn quyết định sẽ di chuyển sau khi nhóm người kia rời đi. Ivan đoán chắc chắn rằng đoàn người kia không thể nấn ná quá lâu trong căn nhà hoang này. Âu cũng do bởi tình hình khu vực biên giới này mấy ngày này mỗi lúc một căng thẳng. Nếu còn chần chừ thì chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này.
Trăng vừa lên, đoàn người kia lục tục bước ra khỏi căn nhà hoang hệt như phỏng đoán. Gã đàn ông da đen đi phía trước, lần này gã đội thêm một chiếc mũ len che gần hết trán. Tôi cố nhìn để tìm kiếm đứa bé gái hồi sáng. Con bé ở gần cuối cùng, nói đúng hơn là có một người đàn ông người Việt cõng nó trên vai. Ánh trăng mờ ảo chẳng thể nào soi tỏ được gương mặt của nó, nhưng tôi cũng có thể đoán được cả tinh thần lẫn thể xác của nó đều vơi gần một nửa.
Đoàn người lặng lẽ bước đi, thỉnh thoảng gã Trung Đông còn quất roi vào để thúc giục người ta đi nhanh hơn. Nhìn cảnh tượng ấy tôi ngẫm lại mình. Thì ra, so với những đoàn vượt biên khác, chúng tôi đi cùng với bọn Ivan còn may mắn lắm.
Chờ cho những người kia đi khuất hẳn, Ivan mới lặng lẽ ra hiệu cho mọi người bắt đầu khởi hành. Chúng tôi đi thật chậm, cố gắng không để phát ra bất cứ tiếng động nào. Khi đã đi được khoảng một giờ đồng hồ, Ivan nhẩm tính rằng đoàn người phía trước chắc cũng sắp đến bờ sông. Trước kia những tay lái người trong đường dây vượt biên thường lựa chọn cách thức để cho chúng tôi bơi qua, bởi nếu dùng thuyền thì khó lòng qua nổi mắt của cảnh sát và chó nghiệp vụ. Song cách đó thật quá rủi ro, bởi vì không phải ai cũng biết bơi lội.
Mãi tới sau này, người ta mới nghĩ ra một cách, ấy là bỏ chúng tôi vào trong những túi nylon cỡ lớn, sau đó cho thợ lặn mang bình oxy để kéo người sang sông. Để cho những người sang đến bờ sông an toàn, có khi phải mất hết đêm, nhiều khi còn sang đến ngày hôm sau.
Việc hẹn gặp những tên thợ lặn trong đường dây cũng là cả một vấn đề. Bởi lẽ, cả người dẫn đường lẫn thợ lặn đều phải chắc chắn đối phương không bị cảnh sát gài vào. Vậy nên chúng sẽ có ám hiệu để nhận biết. Hệt như cái lần Trung trọc bàn giao chúng tôi cho bọn Ivan vậy.
Thêm vào đó, việc đúng giờ hẹn và vị trí hẹn cũng phải thực sự chính xác. Có lần Ivan nói với tôi, để thông báo ngày giờ mà đoàn vượt biên sẽ đến mép sông, anh ta sẽ phải tìm cách liên lạc theo số điện thoại của đường dây tại Ukraina. Việc này không nhiều người biết, bởi chúng chẳng khác gì bí mật “nghề nghiệp” không được tiết lộ ra ngoài.
Mười giờ đêm, cơn mưa lất phất đã ngưng hẳn. Làn gió lạnh buốt liền thế chỗ ngay tức thì. Người trước bám chặt vào ba lô của người sau để dò dẫm trong đêm tối. Đi thêm một lúc nữa, bên tai tôi nghe thấy có tiếng nước chảy từ xa dội lại. Tôi thì thào với cái Phượng đang đi trước mình.
“Phượng ơi! Mày có nghe thấy tiếng gì không?”
“Không! Tiếng gì?” Cái Phượng hơi ngoái đầu lại để hỏi.
Tôi cau mày:
“Hình như có tiếng nước chảy, với cả tiếng chó sủa nữa.”
Cái Phượng nghe ngóng một lát rồi lắc đầu:
“Tao chẳng nghe thấy gì cả. Mày có nghe lầm không đấy?”
Tôi chưa kịp trả lời thì gã đàn ông tóc hung đỏ đã cằn nhằn, không cho cả hai nói chuyện thêm nữa. Chúng tôi vẫn lặng lẽ đi, tâm trạng bất an của tôi mỗi lúc một rõ rệt.
Mặt trăng vừa ló ra khỏi áng mây đen, soi tỏ khoảng không trước mặt. Cả đoàn nhìn thấy ở phía xa xa có một vùng nước mênh mông. Một đoạn sông như được dát vàng bởi ánh trăng vằng vặc. Tôi không có tâm trạng, cũng chẳng có nhiều thời gian để thưởng ngoạn cảnh đẹp ấy. Ivan xoay chiếc la bàn để xác định địa điểm hẹn mấy tên thợ lặn. Theo chỉ dẫn của Ivan, chúng tôi vừa mới rẽ sang theo hướng 3 giờ để men theo đám cây rừng thì đột nhiên có tiếng súng nổ. Ivan và mấy gã đội mũ len phản ứng nhanh nhất, cả bọn nhào người nằm rạp xuống đất. Chúng tôi vội vã làm theo, trống ngực bắt đầu đập liên hồi. Tiếng súng lại vang lên ở phía xa. Anh ta quay lại nói thầm với chúng tôi:
“Bò đi! Không được đứng dậy.”
Người trong đoàn làm theo răm rắp. May mà chiếc áo phao tôi đang mặc khá dày nên cây rừng lẫn đá sỏi chỉ sước qua mà không hề làm tổn hại đến da thịt. Tôi nghe thấy Jane và Anne rên rỉ khe khẽ, áo quần của họ mỏng hơn tôi, chắc không chịu nổi cành cây khô đâm vào người.
Chúng tôi cứ bò như thế trong vài phút. Khi đến gần mép sông, Ivan dẫn mọi người trốn vào trong một lùm cây rậm rạp để chờ đợi. Từ vị trí này có thể dễ dàng quan sát được bên ngoài. Mặt sông trống trải, chẳng có bóng dáng một chiếc thuyền bè nào đi ngang qua. Ở cách chúng tôi không xa là đoàn vượt biên của gã da đen dẫn đầu. Nằm trong bụi rậm, cả đoàn nhìn thấy rõ hai người thợ lặn cao to mang theo bình dưỡng khí đang nhét người vào bên trong một chiếc túi nylon khổng lồ. Người nằm phía trong phải nằm co lại để tiết kiệm diện tích. Sau cùng cả hai gã thợ lặn sẽ dìm cái túi bọc người xuống sông. Thế rồi hai gã thợ lặn cùng chiếc túi kia biến mất, gã da đen ra hiệu cho đám người phía sau phải trốn sau gốc cây để chờ đợi. Thời gian cứ thế trôi qua. Tôi gõ nhẹ vào chiếc đồng hồ để báo hiệu cho Ivan biết lúc này đã quá nửa đêm. Anh ta gật đầu nhưng vẫn không nói gì. Mọi người bắt đầu sốt ruột.
Hai tiếng sau, người trong đoàn của gã da đen đã đi gần hết. Sống lưng của tôi bắt đầu đau điếng vì phải giữ nguyên tư thế nằm sấp quá lâu. Đột nhiên, tôi nghe thấy một người đàn ông ở trong đoàn bên kia hét lớn:
“Bỏ mẹ! Cảnh sát bắt hết bọn kia rồi!!”
Tiếng nói ấy làm cho cả đoàn giật mình.
“Thôi rồi! Có phục kích!” Ý nghĩ ấy thoáng nhanh trong đầu tôi.
Tôi vội vã phóng mắt ra bên kia bờ sông thì nhìn thấy ánh đèn pin cao áp chiếu rọi. Ánh sáng chói lòa chiếu thẳng vào mắt khiến tôi chẳng nhìn thấy gì. Cả đoàn chúng tôi không ai bảo ai bèn cố gắng áp bụng vào mặt đất để trốn. Gã da đen cao lớn gầm lên một tiếng rồi cùng với gã người trung đông bỏ chạy thoát thân. Người đàn ông Việt Nam kia vội vàng đuổi theo. Tiếng bước chân bịch bịch nện xuống mặt đất truyền tới khiến cho chúng tôi đang nằm rạp nghe thấy rõ mồn một. Một tiếng hét thất thanh, tiếng chó sủa ầm ĩ ở bờ sông bên kia, tiếng súng nổ vang lên liên tiếp. Ai cũng đoán rằng, gã trung đông đã rút súng bắn chết người đàn ông Việt Nam kia để tránh vướng chân. Chứng kiến cảnh tượng phía trước làm tôi rùng cả mình. Nếu như chúng tôi khởi hành đến bờ sống sớm hơn một chút, nếu như chúng tôi vượt sông trước đoàn của gã da đen, thì có lẽ giờ này cả đoàn đang ngồi trên xe của cảnh sát để đưa về trại tị nạn.
Chờ tới gần sáng không thấy có động tĩnh gì nữa, chúng tôi quyết định sẽ tìm một chỗ kín đáo để nghỉ ngơi. Ivan nói với mọi người:
“Đêm nay sẽ chính thức vượt sông.”
Không một người nào dám phản đối. Chúng tôi lặng lẽ gật đầu rồi bắt đầu lục tục giở trong ba lô ra để tìm thức ăn. Mọi người bảo nhau rằng, bao nhiêu thứ phải đánh chén hết, vì không thể mang theo quá nhiều đồ đạc khi chui trong túi nylon. Đó là còn chưa kể tới việc quần áo, tư trang hay bất cứ những thứ gì không quan trọng đều phải bỏ lại hết. Tôi tần ngần bỏ lại vài đồ đạc của mình trong một hốc cây đã mục rỗng. Chỉ giữ lại quyển nhật ký và cây bút đã theo mình từ khi còn ở Việt Nam. Tôi nhìn thấy Duy Anh đang bọc lại một tấm hình gia đình trong túi, còn cái Phượng thì lồng một chiếc nhẫn vào sợi dây chuyền đeo trước ngực. Tôi không có ảnh gia đình, nói đúng hơn là tôi đã từng phân vân không biết rằng có nên đem theo hay không. Bởi lẽ trong bức hình ấy, bố mẹ chỉ chụp cùng với em trai của tôi mà thôi.
Ngồi vẩn vơ một lát, bụng tôi bắt đầu sôi lên òng ọc. Tôi vội vã chạy ra một gốc cây ở phía xa xa. Vốn dĩ tôi muốn rủ cái Phượng đi theo, nhưng càng nhiều người càng dễ bị chú ý, nên đành đi một mình. Lúc ra về, tôi giật mình tưởng rằng mình bị lạc đường. Trước mặt và sau lưng đều toàn là cây cối. Cảnh vật giống nhau hệt như ở trong mê cung.
Tôi vuốt vuốt ngực mình để tự trấn an, hai tai cố gắng nghe ngóng để tìm xem tiếng nói chuyện của người trong đoàn, song vô ích. Tôi hoảng sợ đi vào xung quanh để tìm đoạn đường nào đó có vẻ thân thuộc. Mải nhìn tứ phía, bỗng nhiên tôi vấp phải một thứ gì đó chắn ngang đường, khiến toàn thân ngã nhào xuống đất.
Khi tôi lồm cồm bò dậy, ngoái đầu lại phía sau thì giật thót mình khi phát hiện trước mặt là một xác người. Ấy là một người đàn ông đang nằm úp mặt xuống đất, ở vị trí khoang bụng của ông ta có một vệt máu rỉ ra làm cho vạt đất đổi thành màu đỏ thẫm. Đây không phải gã da đen cao lớn, càng không phải tên Trung Đông hôm trước. Tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng mình chưa gặp người này bao giờ. Lúc ấy tôi đã định quay đầu bỏ chạy, nhưng vừa đi được vài bước tôi đã cảm thấy có điều gì đó kì lạ. Tôi xoay người, ngồi thụp xuống đất, chật vật lật xác người chết kia trở lại. Phải mất một lúc, tôi mới kéo được cỗ thi hài đã cứng còng mới nằm ngửa mặt lên trời. Đôi mắt của người đã chết màu xanh biếc, đồng tử mở rộng, chết không nhắm mắt. Ở khoang bụng và giữa ngực ông ta có hai vết đạn bằng đầu ngón tay út. Chắc hẳn đêm hôm qua tiếng súng mà chúng tôi nghe được là ở vị trí này.
Tôi run run chạm tay vào cái túi áo đang căng phồng của người kia. Ở túi bên trái, tôi chỉ thấy vài tờ giấy nháp ghi ngoằn ngoèo toàn chữ nước ngoài, cùng với một mảnh bản đồ đã rách nát. Vừa sờ đến túi quần bên phải, tim tôi đập rộn ràng khi biết được bên trong có một tệp tiền dầy cộp. Vừa rút ra, mắt tôi như hoa lên vì ấy là một cọc tiền đủ màu bên trên có ghi dòng chữ fifty pound (Chú thích: năm mươi bảng Anh). Tim tôi muốn bắn ra ngoài lồng ngực vì kích động. Tôi vội vàng chia tiền ra thành mấy phần. Một phần tôi giấu vào trong đôi tất đang đi dưới chân. Sau đó tôi gài tiền vào trong phần áo ngực bên trong. Cuối cùng chỉ để lại một vài đồng bên ngoài túi áo.
Khi tôi vừa giấu xong tiền thì nghe thấy tiếng Ivan và Duy Anh gọi mình. Tôi vội vã vuốt mắt cho người chết, rồi tấp tểnh đi theo hướng phát ra tiếng nói, cố tỏ ra thái độ thật tự nhiên như chẳng hề có chuyện gì xảy ra.
Thằng bé Duy Anh hỏi tôi đi đâu mà lâu quá, mọi người đều sốt ruột. Tôi lắp bắp nói dối nó rằng mình bị đau bụng, rồi quên mất đường về. Ivan có vẻ không tin những gì tôi nói cho lắm, nhưng cũng chỉ nhún vai bỏ đi.
Con đường trở về chỗ chúng tôi đang trốn tưởng như xa mà lại rất gần. Mọi người tranh thủ ngủ một giấc để tối lấy sức mà đi. Tôi nhìn xa xăm về bờ sông ở phía bên kia, trong lòng vừa khấp khởi vì bỗng nhiên nhặt được một số tiền lớn, vừa lo sợ không biết có đến Ba Lan được an toàn hay không? Trong đầu tôi mường tượng ra viễn cảnh, nếu chúng tôi bị bắt giữ ngay ở bờ sông giống như đám người hôm qua, thì khả năng lớn nhất là sẽ bị trả về Ukraina để vào tù. Đức Hà Nội từng kể với tôi, bạn thân của anh ta từng bị giam ở trong tù gần bốn tháng. Mười sáu tuần dài đằng đẵng trong gian ngục khủng khiếp ấy là những chuỗi ngày bị đám bạn tù thuộc mọi quốc tịch đánh đập dã man. Rất nhiều người trong đó, dù là nam giới nhưng vẫn bị cưỡng bức tới chết. Có vài người không chịu nổi còn chủ động cắn lưỡi tự tử. Đức Hà Nội kể xong, tôi thấy khóe mắt anh ta đỏ ngầu. Rất nhiều tháng sau đó tôi mới hiểu rằng, chàng trai đã bị giam trong tù ấy, là người mà anh ta thầm yêu thương.
Vầng thái dương rực rỡ bắt đầu khuất sau rặng núi cao vời vợi. Nghĩ đến câu chuyện của Đức Hà Nội, tôi tranh thủ lôi cuốn sổ nhật ký ra để viết vội vài dòng:
𝑁𝑔𝑎̀𝑦... 𝑡ℎ𝑎́𝑛𝑔... 𝑛𝑎̆𝑚 𝟏𝟗𝟗𝟗
𝑉𝑎̀𝑖 𝑔𝑖𝑜̛̀ đ𝑜̂̀𝑛𝑔 ℎ𝑜̂̀ 𝑛𝑢̛̃𝑎 𝑡ℎ𝑜̂𝑖 𝑙𝑎̀ 𝑡𝑜̂𝑖 𝑠𝑒̃ 𝑡𝑎̣𝑚 𝑏𝑖𝑒̣̂𝑡 đ𝑎̂́𝑡 𝑛𝑢̛𝑜̛́𝑐 𝑈𝑘𝑟𝑎𝑖𝑛𝑎 𝑛𝑎̀𝑦 đ𝑒̂̉ 𝑡𝑜̛́𝑖 𝐵𝑎 𝐿𝑎𝑛. 𝑇𝑟𝑢̛𝑜̛́𝑐 𝑚𝑎̣̆𝑡 𝑡𝑜̂𝑖 ℎ𝑖𝑒̣̂𝑛 𝑔𝑖𝑜̛̀ 𝑙𝑎̀ 𝐶𝑜̂̉𝑛𝑔 Đ𝑖̣𝑎 𝑁𝑔𝑢̣𝑐. 𝑀𝑜𝑛𝑔 𝑠𝑎𝑜 𝑐ℎ𝑢́𝑛𝑔 𝑡𝑜̂𝑖 đ𝑒̂̀𝑢 𝑐𝑜́ 𝑡ℎ𝑒̂̉ 𝑡𝑜̛́𝑖 đ𝑢̛𝑜̛̣𝑐 𝑏𝑜̛̀ 𝑎𝑛 𝑡𝑜𝑎̀𝑛. 𝐼𝑣𝑎𝑛 𝑛𝑜́𝑖 𝑟𝑎̆̀𝑛𝑔 𝑎𝑛ℎ 𝑡𝑎 𝑠𝑒̃ 𝑡𝑖𝑒̂́𝑝 𝑡𝑢̣𝑐 đ𝑖 𝑐𝑢̀𝑛𝑔 𝑐ℎ𝑢́𝑛𝑔 𝑡𝑜̂𝑖. Đ𝑖𝑒̂̀𝑢 𝑛𝑎̀𝑦 𝑘ℎ𝑖𝑒̂́𝑛 𝑚𝑜̣𝑖 𝑛𝑔𝑢̛𝑜̛̀𝑖 𝑦𝑒̂𝑛 𝑡𝑎̂𝑚 ℎ𝑜̛𝑛 𝑟𝑎̂́𝑡 𝑛ℎ𝑖𝑒̂̀𝑢. 𝐶𝑜̂́ 𝑙𝑒̂𝑛 𝑛𝑎̀𝑜 𝐿𝑎𝑚. 𝐻𝑦 𝑣𝑜̣𝑛𝑔 𝑚𝑜̣𝑖 𝑐ℎ𝑢𝑦𝑒̣̂𝑛 𝑠𝑒̃ 𝑡ℎ𝑎̣̂𝑡 𝑡𝑜̂́𝑡 đ𝑒̣𝑝.
____________________________________
Còn tiếp
Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro