Chào các bạn! Vì nhiều lý do từ nay Truyen2U chính thức đổi tên là Truyen247.Pro. Mong các bạn tiếp tục ủng hộ truy cập tên miền mới này nhé! Mãi yêu... ♥

𝐂𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝟒- 𝐔𝐤𝐫𝐚𝐢𝐧𝐚 𝐯𝐚̀ 𝐧𝐡𝐮̛̃𝐧𝐠 đ𝐞̂𝐦 𝐤𝐢𝐧𝐡 𝐡𝐨𝐚̀𝐧𝐠


Ivan gật đầu rồi bắt đầu tiến về phía trước. Cả đoàn bước đi trong sự thấp thỏm và hồi hộp. Trên đầu là bầu trời với ánh trăng bàng bạc, bốn xung quanh là rừng cây um tùm bắt đầu đỏ lá. Chúng tôi cúi đầu bước đi, không dám hỏi cũng không dám than mệt. Khi nào muốn giải quyết nhu cầu vệ sinh, mọi người sẽ hắng giọng một cái để ra hiệu cho kẻ dẫn đường dừng lại.
Thời tiết mùa thu ở nước Nga vào ban đêm đặc biệt lạnh. Tôi có chiếc mũ len còn có thể che được mưa gió. Những người như Anne và Jane mất gần hết hành lý chỉ đành lấy tạm tấm khăn choàng của tôi để quấn quanh đầu. Điều mà mọi người sợ nhất lúc này là bị cảm lạnh, vì liên tục phải chịu đựng sương đêm ngấm vào da thịt. Trong lòng chỉ mong sao sớm được nghỉ chân để hong người bên bếp lửa.
Nhắc đến mấy căn nhà kho cũng có nhiều chuyện để kể. Lúc mới bắt đầu đi, tôi cứ ngỡ rằng nơi này là do ngẫu nhiên mà có. Về sau mới biết, đây chẳng khác gì những trạm dừng chân được đường dây vận chuyển người xây dựng. Để tới được từng nhà kho dựng sẵn, cần phải dùng la bàn và cả bản đồ chứ không thể nào đi theo trực giác. Bởi lẽ, di chuyển trong rừng vào ban đêm, nhìn nơi nào cũng giống nơi nào.
Nhịp sống của cả đoàn diễn ra rất đều đặn. Ban ngày chúng tôi sẽ được vào trong một chiếc nhà kho dựng tạm để nghỉ ngơi và ăn uống. Đồ ăn chủ yếu là mì ăn liền và vài loại bột nén lại thành từng miếng rất giống với lương khô ở Việt Nam. Nguồn nước cũng là một vấn đề nan giải. Mấy ngày đầu còn có nước uống để duy trì, những ngày sau đó nước cạn dần, mà trời thì chẳng hề có một giọt mưa nào thêm nữa. Chiếc đồng hồ trên tay tôi chưa hiện đại đến mức có thể đo được độ ẩm, nhưng vết bong tróc trên da ngày một lớn dần cũng đủ để mách cho tôi biết, khí hậu nơi này quá khô so với thời tiết ở Việt Nam. Đức Hà Nội bảo với tôi, cứ thế này thì chúng tôi sẽ chết khát ở dọc đường. Cái Phượng và Duy Anh bình thường vẫn là người hay nói nhiều nhất, ấy vậy mà bây giờ cả hai đều im thin thít kể cả khi ăn cũng như lúc nghỉ. Không cần hỏi tôi cũng biết rằng, mọi người sợ khi nói chuyện, tuyến nước bọt hoạt động nhiều sẽ dẫn đến cảm giác nhanh khát. Cơn thấp thỏm ấy khiến tôi đứng ngồi không yên. Hoặc là tìm kiếm giải pháp để cầm cự cho tới biên giới, hoặc là chúng tôi sẽ gục chết trong rừng. 
Vào buổi sáng ngày thứ năm kể từ khi băng qua rừng, tôi hỏi thầm Ivan:
“Ở khu rừng này có dòng suối nào không?”
Ivan khẽ lắc đầu. Tôi nhìn mấy chai nước đã quá nửa mà lo lắng đến phát sốt.
“Vậy anh nghĩ lương thực và nước uống có cầm cự được đến nơi không?”
Lần này thì Ivan không trả lời. Anh ta để lại tôi với sự thất vọng dâng lên từ trong lòng. Từ trước đến nay tôi vẫn cứ nghĩ, chuyến hành trình này chỉ cần tránh được cảnh sát tức là thành công một nửa. Không ngờ mọi thứ lại diễn biến tồi tệ hơn những gì mà người ta có thể tưởng tượng được. Tôi đem chuyện này nói với mọi người. Chú Sang lắc đầu chán nản:
“Vừa phải đi đường rừng, vừa phải mang theo vũ khí phòng thân. Bọn ở trong đường dây không mang theo đồ ăn nhiều đâu. Một chai nước cất vào ba lô đồng nghĩa với việc thêm một phần gánh nặng. Lần trước bạn chú cũng có một thằng bị chết ở giữa đường. Mọi người ở nhà cứ nghĩ là bị giết chết, hoặc cùng lắm là bị tai nạn. Nào có ai ngờ, nó bị chết khát dọc đường. Đến cái xác cũng không mang được về nhà. Lúc đó chú cứ tưởng người ta nói đùa. Nào ngờ...”
Chú Sang bỏ lửng câu nói càng khiến cho Duy Anh hoang mang:
“Giờ mình đặt chân tới Ukraina rồi. Bao giờ thì mới kết thúc chuyến đường rừng này?”
Đức Hà Nội uể oải lắc đầu. Trong chúng tôi không ai dám chắc chắn bất cứ điều gì. Mọi người rơi vào tình trạng bế tắc, nhưng vẫn bắt buộc phải duy trì việc băng rừng vào buổi đêm, ban ngày thì ngủ vùi.
Một buổi chiều trời âm u, tôi tỉnh dậy trong cơn khát khô của cổ họng. Nhìn xung quanh mọi người vẫn đang ngủ say. Tiếng ngáy của chú Sang và mấy gã đội mũ len vang lên đều đều. Tôi len lén mở cửa để bước ra ngoài. Ivan, Duy Anh và Đức Hà Nội đang nhặt nhạnh vài cây củi khô để chuẩn bị đốt lửa nấu mì ăn liền. Thấy tôi tiến đến để nhập bọn, Duy Anh khẽ gật đầu để thay cho lời chào rồi lại tiếp tục cúi xuống.
Càng đi sâu vào trong rừng cảnh vật càng hoang vu đến mức rợn ngợp. Mặc dù con đường mòn ở khu rừng biên giới này vẫn vừa đủ để xe ô tô cỡ nhỏ di chuyển, nhưng từ hôm có mặt ở đây, chúng tôi chưa từng thấy tiếng của bất cứ thiết bị động cơ nào. Điều đó làm cho tôi có cảm giác trong phạm vi mấy chục dặm quanh đây, chỉ có chúng tôi lai vãng.
Khi tôi đang suy nghĩ miên man thì có một thanh âm khe khẽ từ xa dội lại. Tôi đứng sững lại để nghe ngóng. Thấy thái độ của tôi bất thường, Đức Hà Nội đập nhẹ vào vai tôi:
“Làm sao đấy?”
Tôi vội vã đặt một ngón tay lên trên miệng ra hiệu cho mọi người im lặng. Lần này thì có tiếng thét lên thất thanh, rồi tiếng kêu van thảm thiết. Gương mặt lấm tấm tàn nhang của Ivan biến sắc, anh ta vội vã kéo chúng tôi nấp vào bụi cây um tùm. Ba người chúng tôi chưa kịp phản ứng thì lại nghe thấy tiếng khóc thét rồi tắt lịm. Chúng tôi đưa mắt nhìn Ivan để chờ đợi một câu trả lời. Ivan nép người sát vào lùm cây, sau khi đã chắc chắn là nhìn từ ngoài cũng không thể phát hiện được có người đang trốn ở đây, anh ta mới thì thào:
“Đừng ra ngoài bây giờ, hình như ở đây đang có kền kền ăn xác!”
Tôi giật mình kinh ngạc:
“Kền kền ăn xác là sao?”
Nhìn Đức Hà Nội và Duy Anh, tôi biết họ cũng mờ mịt chẳng hiểu gì. Ivan giải thích vắn tắt, kền kền ăn xác là tiếng lóng chỉ những băng nhóm nhỏ thường đi theo những nhóm người đi cắm trại hoặc những cặp đôi đang hò hẹn để giết người cướp của. Phương thức hoạt động của đám kền kền rất đơn giản, ấy là cướp sạch  giết sạch.  Những người nào thường dạo chơi ở những khu vực vắng vẻ là mục tiêu hàng đầu của bọn chúng. Đối với những đoàn vượt biên như chúng tôi thì ít bị tấn công hơn, phần vì có người dẫn đường, phần vì đám kền kền sợ người trong đường dây trả thù.
Ivan kể rằng đêm hôm qua có nghe thấy tiếng đàn hát ở xa xa, nhưng nghĩ là mình nghe nhầm nên lại thôi. Không ngờ đến sáng hôm nay lại nghe thấy tiếng kêu cứu. Đức Hà Nội phỏng đoán rằng, có thể bọn kền kền đã mai phục cả đêm. Chúng không dám ra tay vào buổi tối vì lúc ấy những người đi cắm trại kia vẫn còn thức. Vào buổi sáng khi họ còn đang say ngủ là thời điểm lý tưởng nhất để tấn công. Ivan gật gù tỏ vẻ đồng tình. Duy Anh hỏi tôi:
“Làm sao bây giờ hả chị? Mình có nên chạy ra cứu họ không?”
Tôi giật mình trừng mắt với nó:
“Điên à? Bọn mình cũng là người phạm pháp đấy. Có chạy ra cũng không chống trả được đâu.”
Thằng bé không nói thêm gì nữa. Chúng tôi ngồi trong lùm cây tối tăm, cành cây chỉa ra vướng vào chiếc áo phao của tôi kêu loạt xoạt. Bốn người chúng tôi bắt buộc phải giữ yên tư thế, không dám cử động vì sợ sẽ có người nghe được. Tôi nhìn đồng hồ để nhẩm đếm. Gần mười phút sau, khung cảnh lại yên ắng như lúc cả bọn mới đến đây. Tôi thì thầm vào tai Ivan:
“Giờ sao? Ra ngoài được chưa?”
Ivan liếc nhìn chiếc đồng hồ trên tay tôi, sau khi cân nhắc một lúc cũng gật đầu. Tôi những tưởng cả bọn sẽ đi về nhà kho, nhưng Ivan lại rẽ sang hướng khác. Đức Hà Nội và Duy Anh nhanh nhẹn bám theo sau. Một suy nghĩ thoáng lên trong đầu tôi, ba người kia đang muốn đến nơi bọn kền kền vừa ra tay. Tôi muốn cản bọn họ lại, nhưng không kịp. Cuối cùng đành chạy theo.
Rừng cây bạch dương đang mùa đỏ lá, chỉ một cơn gió thoảng qua cũng làm cho tiếng lá cây xào xạc. Trong hơi gió, tôi ngửi thấy mùi thoang thoảng của thiên nhiên trong lành vào buổi sáng sớm. Chỉ có điều, hôm nay gió còn đem theo cả thứ mùi tanh tanh của máu.
Trực giác nghề nghiệp của Ivan đủ để mách bảo cho gã biết âm thanh vừa rồi phát ra từ hướng nào. Chúng tôi len lỏi qua những thân cây mọc thẳng tắp. Càng gần đến nơi, mùi máu tươi càng bốc lên nồng nặc.
“Kia rồi!” Duy Anh reo lên khe khẽ.
Chúng tôi nhìn theo tay thằng bé chỉ về phía trước. Cách trước mặt chúng tôi gần chục mét là mấy chiếc lều cắm trại màu xanh, màu đỏ. Tôi nuốt nước bọt để lấy tinh thần rồi bước tiếp. Khi vừa nhìn thấy những mảnh xác đầu tiên, tôi ngồi thụp xuống đất, chân tay bắt đầu run lẩy bẩy.
Không thể nói rằng đây là giết người, mà phải nói là một vụ thảm sát mới đúng. Trên mặt đất toàn là máu, xác người vương vãi khắp nơi. Những nạn nhân đều bị giết trong tình trạng khỏa thân. Người nào người nấy đều bị chém bằng một nhát dao chí mạng. Cả thảy có năm người đàn ông và sáu người đàn bà. Đa phần đều là dân da trắng. Ivan bắt đầu đi xung quanh một vòng để xem xét.
Tư trang và tiền bạc đều bị lấy đi hết, chỉ còn đồ ăn bị vất lại trong mấy cái thùng. Thấy có đồ ăn, Ivan và Đức Hà Nội vội vàng chạy tới để vác lên vai. Cơn buồn nôn khi nhìn thấy máu của tôi bắt đầu trào lên dữ dội. Duy Anh tái mét mặt nhưng cũng cố gắng chất đầy mấy chai nước suối vào bao tải rồi khoác lên người. Tôi dằn lòng, cố gắng giữ bình tĩnh để không ói ra chút mì ít ỏi ăn từ đêm hôm qua. Lúc tôi vừa bước qua một cô gái tóc dài, đột nhiên cô ấy tỉnh dậy bám vào chân tôi. Bị dọa làm cho giật mình, tôi hét lên một tiếng. Ba người kia lập tức quay lại. Cô gái đưa gương mặt đầy máu nhìn tôi để cầu cứu. Mặc dù nói không ra hơi, nhưng tôi vẫn hiểu cô ấy đang van xin mình. Ivan lạnh lùng bước đến, khoảnh khắc ấy tôi cứ ngỡ rằng anh ta sẽ đỡ cô ấy dậy. Ấy thế mà Ivan chỉ khẽ đá một cái, cánh tay của cô gái kia bị hất văng khỏi chân tôi. Tôi cứng đờ người, miệng lắp bắp không thành tiếng:
“Anh...anh làm cái gì thế hả?”
Hắn nói giọng lạnh tanh:
“Đi thôi! Chúng ta không giúp gì cho bọn họ được đâu.”
Tôi nhìn Đức Hà Nội, anh ta lúng túng quanh đi. Tôi lại nhìn sang Duy Anh, thằng bé ngập ngừng một lát rồi cắm đầu đi thẳng. Tôi ngó xuống dưới chân mình, người con gái kia đã lặng lẽ từ giã cõi đời. Nhìn vào đôi mắt trợn tròn của cô ấy, tôi thấy sắc đỏ của cây rừng và màu xanh của bầu trời trên cao phản chiếu lại. Hai bàn tay run run, tôi lấy vạt áo để vuốt mắt cho người xấu số, miệng khẽ lẩm bẩm:
“Yên nghỉ nhé. Xin chị phù hộ cho tôi vượt qua được hành trình này.”
Nói rồi tôi đứng dậy rời đi, cố gắng không để cho mắt mình hoe đỏ.
* * * * *
Mười phút sau, chúng tôi đã về tới căn nhà kho đang tá túc. Những người trong nhà đã dậy từ bao giờ. Vừa nhìn thấy thức ăn chất trong bao tải, bà Loan đã hỏi ngay:
“Ở đâu thế này hả Lam?”
Tôi lắc đầu, không muốn nói chuyện. Đức Hà Nội hiểu ý nên kể lại chuyện vắn tắt vừa xảy ra trong rừng. Mọi người im phăng phắc lắng nghe, ngay cả ba gã tây cùng với Jane và Anne, dù tôi biết họ chẳng hiểu gì. Một gã đàn ông và Phượng phân chia thức ăn thành những phần bằng nhau để mọi người cùng mang đi. Ngồi bên bếp lửa, Đức Hà Nội hỏi chuyện Ivan:
“Anh nghĩ là bao lâu nữa mới có người phát hiện ra mấy cái xác này?”
Ivan  rũ rũ đám lá cây còn vương trên áo khoác của mình, trầm giọng trả lời:
“Không biết nữa. Nhưng chắc là không lâu đâu. Thỉnh thoảng trực thăng vẫn quét qua chỗ này để tìm bọn buôn ma túy. Những người kia cắm trại ở vùng trống trải như vậy, không sớm thì muộn cũng có người phát hiện. Vậy nên chúng ta phải rời khỏi đây càng sớm càng tốt.”
Tất cả mọi người đều cho là phải. Hiện giờ chúng tôi đã có đầy đủ đồ ăn thức uống, tình thế bi đát lúc trước đã được giải quyết. Vậy nên, chẳng còn lý do gì để nấn ná ở đây thêm nữa cả. Những người đi vượt biên lúc nào cũng phải chạy đua với thời gian. Thêm một ngày chậm trễ là cơ hội thành công càng trở nên mong manh, số tiền mà gia đình vay mượn để gửi lo lót cho đường dây lại chồng thêm lãi. Tối hôm ấy chúng tôi ăn uống sớm hơn mọi khi. Vầng trăng vừa mới nhú lên ở trên cao là mọi người trong đoàn đã sẵn sàng. Tôi ngước mắt về hướng những người cắm trại đã chết. Đức Hà Nội hiểu ý, anh ta lại vỗ nhẹ vào chiếc ba lô của tôi để an ủi:
“Em đừng tự trách mình. Chúng ta không thể làm gì khác được trong hoàn cảnh ấy. Mình phải nghĩ cho mình trước tiên...”
Tôi khẽ cúi đầu, trong lòng biết rằng anh ta nói đúng. Những ngày sau đó, tôi thường xuyên nằm mơ rồi giật mình thức giấc. Lần nào cũng như lần nào, tôi đều thấy ánh mắt tha thiết cầu khẩn của người phụ nữ tóc dài. Hình ảnh của cô ấy trước khi chết cứ hằn sâu vào trong tâm trí tôi không thể nào biến mất.
Thậm chí có một lần nọ, tôi choàng tỉnh giấc thì lại nhìn thấy Ivan ngồi xem bản đồ trong căn nhà kho tranh tối tranh sáng. Ivan biết tôi vẫn còn nhớ tới nạn nhân xấu số kia. Anh ta nói một câu không đầu không cuối:
“Trước đây tôi cũng như cô.”
“Như tôi là sao?” Tôi hỏi lại.
“Lần đầu tiên nhìn thấy người ta chết trước mặt mình mà không làm gì được.” Ivan trầm giọng.
Cơn tò mò dâng lên trong lòng. Tôi ngồi thẳng lưng, chờ đợi anh ta kể tiếp. Ivan rút trong túi áo ra một bao thuốc lá, nhẹ nhàng châm lửa rồi rít một hơi dài.
“Mẹ tôi vốn là người Việt. Bố tôi là người Nga. Hai người quen nhau từ thập kỷ 70. Sau đó yêu nhau và sinh tôi ra đời. Năm tôi mười một tuổi, trong một đêm mưa bão có một bọn kền kền xông vào nhà...”
Ivan ngừng lại, rít thuốc lá liên tục. Tôi vẫn ngóng theo chờ đợi.
“Một đứa trẻ con, mười một tuổi, tận mắt nhìn thấy ba thằng kền kền cưỡng bức mẹ mình rồi giết chết. Máu của bà bắn vào mặt tôi.”
Giọng Ivan mỗi lúc một nhỏ dần. Những lời cuối cùng của anh ta chìm trong tiếng nói mơ của Duy Anh. Trùng hợp thay, thằng bé cũng vừa gọi mẹ. Tôi vốn định an ủi anh ta thêm vài câu, nhưng lúc đó Anne trở dậy. Ivan nói với cô ta vài câu gì đó. Một biểu cảm khó hiểu thoáng qua gương mặt của cô gái. Ivan đứng lên, kéo Anne vào một góc. Trong nhà kho lại vang lên tiếng thở nặng nề. Tôi nhìn xuống chiếc ba lô của mình, một góc của cuốn sổ nhật ký đập vào mắt.
Tôi sực nhớ ra, phải hơn mười ngày nay tôi chưa viết gì cả. Trời bắt đầu lạnh hơn trước. Trong thời gian sắp tới, có lẽ việc ngủ nghỉ sẽ ít đi, thay vào đó là phải di chuyển liên tục. Một trong những cột mốc khắc nghiệt và cam go nhất trên cung đường từ Nga sang Pháp đó là phải vượt qua một dòng sông chảy cuồn cuộn. Cái Phượng hỏi gã đàn ông tóc hung đỏ tên của con sông ấy, gã nhún vai rồi viết một dòng chữ trên nền đất. Cả hai chúng tôi không rõ phải đọc chữ cái ấy như thế nào. Thế là gã vẽ mấy đường ngoằn ngoèo tượng trưng cho nước, phía dưới có rất nhiều đầu lâu và xương người.
Xuất thân từ một vùng biển quanh năm sóng vỗ miên man vào bờ cát, ngay từ ngày nhỏ tôi đã theo lũ trẻ con trong làng tập bơi ngoài bãi biển. Ấy vậy mà khi nhìn thấy hình ảnh nguệch ngoạc này, bất giác một mớ cảm xúc hỗn độn len lỏi vào trong lòng tôi. Tôi vừa mong ngóng được nhìn thấy địa danh mà những người trong đường dây vẫn gọi là cổng tử thần, vừa hồi hộp không dám đối diện với thử thách này. Ivan cảnh báo chúng tôi, đã từng có đoàn vì bị mắc kẹt trong khu rừng biên giới giữa Nga và Ukraina, mà khi đến sông thì trời đã lạnh. Nước sông lúc này bắt đầu đông lại thành những mảng nước đá trôi bập bềnh trên bề mặt. Đoàn người đó vẫn bắt buộc phải sang sông, nhưng rồi phân nửa trong số họ chết sạch. Nguyên nhân không phải là vì nước quá lạnh, mà bởi những mảng băng nhọn hoắt đâm xuyên vào người. Máu đỏ ối loang khắp một vùng nước mênh mang.
Tôi ngẩn ngơ một lúc rồi hí hoáy viết vào một trang giấy còn trống:
Ngày... tháng.... năm 1999
Người ta vẫn nói, chuyến hành trình vượt biên mà tôi đang đi, đều phải dựa vào may mắn. Cách đây vài tháng, tôi cũng đã từng nghĩ như vậy. Phải tới giờ phút này, tôi mới hiểu rằng, cả quãng đường vốn là một ván bài phải đặt cược bằng tính mạng. Người chơi cùng với chúng tôi là tử thần.
Hy vọng tôi, à không, chúng tôi sẽ chiến thắng.
* * * * *
Những chuỗi ngày tiếp theo vẫn không có gì khác biệt. Chúng tôi vẫn duy trì việc băng rừng vào ban đêm, ăn ngủ vào ban ngày. Tinh thần của mọi thành viên trong đoàn đều sa sút trầm trọng. Tôi có cảm giác như mình đang lạc vào một khu mê cung khổng lồ. Cảnh vật giống nhau y hệt, ngoài đá sỏi và lá cây vàng ruộm thì chẳng còn thứ gì khác. Mới chỉ một tuần lễ trước đây chúng tôi lo chết đói chết khát dọc đường, thì giờ đây cảm giác nản lòng lại bắt đầu trỗi dậy. Tôi không biết phải cắt nghĩa thứ vô hình ấy như thế nào. Thế là tôi tâm sự với bà Loan. Trong nhà kho lúc ấy chỉ còn tôi, cái Phượng và bà Loan thức để trông chừng cho mọi người ngủ. Bà Loan nghe xong thì lặng lẽ cời đống lửa bằng một cành cây nho nhỏ. Giọng bà chầm chậm:
“Hai đứa còn trẻ nên chưa biết rằng cuộc sống sau này chính là một vòng luẩn quẩn như thế. Người ta yêu nhau, cưới nhau rồi tình cảm nhạt dần. Cả hai phải trải qua những ngày buồn chán, thế nhưng không ai dám rời đi vì sợ phải bắt đầu lại từ đầu. Hoặc cũng có khi, tình yêu đôi lứa lúc này đã thay bằng trách nhiệm. Con đường này cũng thế, chúng ta tự nguyện đi, lo âu rồi e ngại, nhưng bảo quay lại thì chắc chắn sẽ không. Đời là vậy.”
Tôi và cái Phượng nhìn nhau, không biết phải nói gì thêm nữa. Ở ngoài kia gió lại thổi, tàn lá lại rung rinh. Một ngày yên bình hiếm hoi trôi qua. Tối hôm ấy, trong đoàn chúng tôi lại xảy ra chuyện.
* * * * *
Lúc chuẩn bị khởi hành, Jane luống cuống gọi Ivan. Tất cả quay lại nhìn thì phát hiện Anne đang ngồi thụp xuống đất, gương mặt nhăn lại vì đau đớn. Chú Sang nhìn theo:
“Con bé ấy bị làm sao thế?”
Tôi không trả lời, vội vàng chạy lại để giúp Jane dìu Anne đứng dậy. Cả người cô ấy nóng ran. Bà Loan áp bàn tay lên trán Anne, khẽ cau mày nói nhỏ:
“Nó sốt rồi. Không có nhiệt kế để đo nhưng sốt cao đấy.”
Ba gã đàn ông tây đứng ở ngoài cửa bắt đầu hút thuốc. Ivan đến tận nơi để xem xét. Gã nhìn Anne rồi hỏi bà Loan:
“Liệu có lây cho người khác không?”
Bà Loan hơi nghiêng đầu:
“Chưa chắc! Nhưng chắc chắn là không thể đi được trong hôm nay. Ít ra phải chờ hạ cơn sốt mới được.”
Gã đàn ông trọc đầu hắng giọng gọi Ivan. Chẳng có ai để ý đến gã. Bà Loan lấy từ trong balo ra vài viên thuốc đủ các màu. Chờ cho Jane giúp Anne uống thuốc xong, bà mới hướng dẫn cho cô gái nằm xuống, rồi bắt đầu cạo gió bằng một chiếc thìa nhỏ xíu mang theo bên mình. Gã trọc lại giục đi, nghe trong khẩu khí đã có chút bực mình. Lần này thì Đức Hà Nội bốp chát lại:
“Nó bị ốm rồi. Làm sao mà đi được.”
Mặc dù bất đồng ngôn ngữ, nhưng cả hai bên vẫn phần nào hiểu được ý tứ của nhau. Gã trọc bùng lên cơn giận, kéo lấy cái Phượng bắt phải đi. Vừa nhìn thấy thế, chú Sang đã giằng lấy tay con bé rồi mắng xối xả vào gã trọc:
“Người ta bị ốm không đi được, mày cứ muốn bỏ lại người ta là thế nào. Nếu ít nữa mày cũng bị bệnh rồi nằm đấy, chúng tao cũng sẽ bỏ mặc thì mày tính làm sao? Làm sao hả?”
Mấy gã tây có vẻ bất ngờ trước thái độ của chú Sang. Bình thường chú vốn điềm đạm, hòa nhã là thế. Ai mà ngờ được có những lúc chú lại nổi giận đùng đùng thế này. Ivan thấy tình hình căng thẳng, vội đứng dậy kéo ba gã đàn ông ra bên ngoài. Trong này chỉ còn lại chúng tôi. Đức Hà Nội chửi thề:
“Mẹ nhà chúng nó. Ít ra mình cũng là khách hàng thuê dịch vụ. Vậy mà lúc ốm đau nó đối xử với con người ta thế này đây.”
Cái Phượng khẽ suỵt một tiếng. Ánh mắt nó nhìn ra bên ngoài như thể sợ ai nghe thấy:
“Khe khẽ thôi. Coi chừng bọn nó nghe thấy.”
Tôi chẳng buồn quan tâm tới bất đồng đầu tiên bùng nổ trong đoàn kể từ lúc vượt biên đến giờ. Tôi áp tay lên trán Anne rồi thì thầm:
“Khoảng bao lâu thì con bé này khỏi ốm hả cô? Nói đi cũng phải nói lại, mình không nấn ná ở đây lâu được.”
Bà Loan thở dài, cúi xuống nhìn gói thuốc ít ỏi trong tay mình. Jane hiểu nhầm rằng bệnh của Anne không thể chữa khỏi, nên chụp lấy hai tay của bà Loan mà khóc. Bà y tá về hưu vội vàng trấn an:
“Không sao... Không sao...Ok! Ok!”
Đức Hà Nội thay bà trấn an Jane. Chừng như đã hiểu ra câu chuyện, con bé mới chịu yên tâm để quay lại ngồi túc trực bên cạnh bạn. Một lúc sau Ivan trở về, trên tay còn đem theo hai con chim đã chết và một cái ná cao su. Nhìn qua trông giống hệt món đồ mà bọn trẻ con ở quê tôi vẫn thường chơi. Tôi không biết là giống chim gì, nhưng dẫu sao chúng còn dễ ăn hơn là thịt hộp và mì gói.
* * * * *
Chúng tôi bám trụ ở căn nhà kho đấy mấy ngày. Những căn nhà kho do người bên đường dây xây dựng lên đều giống nhau y hệt, chỉ khác về vị trí. Tôi không muốn bước ra ngoài thêm nữa. Biết đâu ở ngoài kia lại có thêm một vụ án mạng nào đó, hoặc nghiêm trọng hơn sẽ gặp bọn kền kền ăn xác thối hệt như lời Ivan mô tả.
Để giết thời gian trong lúc chờ Anne khỏi bệnh. Lớp học tiếng Anh tại chỗ của “thầy giáo” Đức Hà Nội lại tiếp tục hoạt động. Jane thấy tò mò nên cũng học cùng với chúng tôi. Kết quả, tôi và mọi người học được vài câu chào hỏi bằng tiếng Trung Quốc và tiếng Nga, còn tiếng Anh thì cũng chỉ dừng lại ở mức giới thiệu về bản thân mình. Dẫu rằng lớp học chỉ có thể viết chữ trên nền đất bằng một cành cây khô, nhưng đó lại là khoảnh khắc yên bình hiếm có trong suốt hành trình này.
Được ăn ngủ đủ giấc trong vài ngày khiến cho tinh thần của ai cũng phấn chấn. Ngay cả chú Sang cũng kêu bớt đau lưng, và bắt đầu bàn bạc với chúng tôi về cung đường sắp tới.
Nhắc đến dòng sông tử thần mà chúng tôi sắp phải vượt qua, người đàn ông chưa đến ngũ tuần này bất chợt ngần ngại. Những người bạn đã từng vượt biên dặn đi dặn lại chú rằng phải hết sức cẩn thận khi đi ngang khúc sông này. Thứ làm nên sự hiểm trở của khúc sông không phải là nước chảy xiết, hay những người cảnh sát tuần tra liên tục trên bờ, mà là độ sâu của sông và nhiệt độ khắc nghiệt mỗi khi đêm xuống.
Những người dân sống xung quanh khu vực này coi dòng sông như một ranh giới tự nhiên phân cách giữa Ukraina và Ba Lan. Người ta ước chừng, độ sâu của sông có thể lên tới 17 – 18 mét, tương đương với một tòa nhà ba, bốn tầng.
Chúng tôi lặng người, ai nấy đều nhìn nhau với vẻ mặt hoảng sợ. Những người khác không biết bơi đã đành, ngay cả tôi và Đức Hà Nội quen với bơi lội từ bé cũng thấy lạnh cả người.
Cái Phượng nâng tay tôi lên để nhìn đồng hồ. Con số báo hiệu nhiệt độ lúc này chỉ còn sáu độ C. Trời chưa đổ tuyết nhưng nghĩ tới việc lội qua sông lúc này, thật chẳng khác nào bước vào địa ngục. Bà Loan thở dài, miệng lẩm bẩm niệm Phật. Bỗng chốc đoàn chúng tôi rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Không vượt sông cũng chết, mà chấp nhận vượt sông thì cái chết có khi còn tới nhanh hơn. Tôi tần ngần nghĩ đến khoản nợ lửng lơ ở trên đầu mình. Cuối cùng vẫn quyết định đi tiếp.
Tuy nhiên ông trời không phải lúc nào cũng chiều lòng người. Lúc chúng tôi vừa chuẩn bị ra khỏi cửa thì trời bắt đầu đổ mưa. Gã trọc đầu lần trước vẫn muốn rời đi ngay, nhưng Ivan ngẫm nghĩ một hồi rồi quyết định chờ đến khi mưa tạnh. Chú Sang tán đồng quyết định của gã. Chú nói với chúng tôi:
“Người Việt có câu: Đi biển sợ bão, đi rừng sợ mưa. Di chuyển trong rừng vào ban đêm đã nguy hiểm, giả như còn gặp mưa nữa thì bất trắc xảy ra càng lớn. Thà muộn một tí mà an toàn còn hơn.”
Mọi người trong nhóm không có ai phản đối. Chúng tôi rải lá cây xuống dưới nền nhà để nằm cho ấm. Cơn mưa đến bất thường làm cho bầu không khí càng thêm buốt rét. Duy Anh vùi mấy cục đá vào trong bếp lửa, sau đó lôi ra bọc lại bằng lá cây để ở gần chỗ ngủ. Ba gã đàn ông kia thấy vậy thì trố mắt nhìn. Tôi và Đức Hà Nội nhìn nhau phì cười. Cách ủ ấm chỗ ngủ này, có đứa bé con nào được đi học tại Việt Nam mà không biết.
Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy, bên ngoài trời vẫn mưa không ngớt. Ivan trấn an với mọi người rằng đây chỉ là trận mưa để chuyển mùa. Chúng tôi vẫn còn cơ hội để đi tới vùng giáp biên trước khi trời đổ tuyết.
Quả đúng như lời anh ta nói, khoảng ba ngày sau, trời tạnh ráo. Cơn gió khô khốc đem theo hơi lạnh thấu xương thổi thốc qua từng khe cửa hẹp của căn nhà kho rách nát. Cái Phượng giúp tôi tết gọn mái tóc của mình thật chặt rồi tiếp tục đội mũ len. Đã hai lần không thể khởi hành, lần này mọi người đều khấp khởi, hy vọng chặng đường tiếp theo sẽ khởi hành được suôn sẻ. Không ai ngờ rằng, buổi tối hôm ấy lại xảy ra chuyện.
* * * * *
Vào lúc bảy giờ tối, trời vẫn còn lác đác mưa nên ánh trăng tỏa ánh sáng vằng vặc như lần trước đã biến mất từ bao giờ. Mặt đất ướt nhẹp khiến cho việc di chuyển lại càng khó khăn hơn trước. Để giữ cho bản thân mình không bị ngã, cả nhóm tự kiếm cho mình một cành cây đủ lớn để chống xuống đất. Ivan vẫn đi phía trước để mở đường. Thỉnh thoảng tôi lại thấy anh ta nhìn chằm chằm vào cái la bàn để chắc chắn rằng cả đoàn vẫn đang đi đúng hướng.
Khóe mắt bên trái của tôi cứ giật giật không ngừng. Ngay từ ngày còn nhỏ, mỗi khi tôi máy mắt là y như rằng có chuyện không may xảy ra. Tim đập thình thình vì hồi hộp, tôi căng mắt nhìn trong bóng tối để đề phòng. Đi thêm một một đoạn nữa, vẫn không thấy động tĩnh gì. Tâm thế phòng bị của tôi chuẩn bị nơi lỏng, thì đột nhiên Ivan quay ngoắt lại phía sau nói rành rọt:
“Có tiếng máy bay trực thăng. Trốn đi!”
Chúng tôi cuống cuồng chạy theo Ivan trong im lặng. Những chiếc balo chất đầy quần áo và thức ăn ở trên vai hiện giờ chẳng khác nào đá tảng. Bốn phía đều mịt mùng, cả đoàn chỉ có thể dựa vào ánh đèn pin chập chờn của người dẫn đường mà chạy theo. Việc bám sát người phía trước là điều bắt buộc để có thể giữ được tính mạng mỗi lúc như thế này. Trong điều kiện thiếu sáng, chỉ cần một chút bất cẩn thôi cũng có thể bị cành cây chọc thủng mắt. Vừa chạy tôi vừa khom người thật thấp, điều này tuy có khiến cho tốc độ chậm hơn bình thường, nhưng lại đảm bảo an toàn. Tiếng bước chân đoàn người chạy đạp vào đống lá khô tạo thành những tiếng sột soạt. Ivan hất mặt về phía trước ra hiệu:
“Góc hai giờ phía trước có một cái hầm bỏ hoang. Chạy mau.”
Giọng nói của Ivan bị át đi trong tiếng động cơ ù ù phát ra từ một chiếc trực thăng lừng lững xuất hiện trên cao. Gió to làm cho cây rừng vạt ra từng đám, cát bụi bay mù mịt. Ivan lại gào lên:
“NHANH LÊN!!!”
Balo trên vai như muốn cản lại bước chân của tôi. Nhờ ánh đèn pin, tôi nhìn thấy thấp thoáng phía trước có một cái hố khá lớn nằm khuất dưới một rặng cây um tùm. Tám người vượt biên, bốn kẻ dẫn đường, tổng cộng là mười hai người nhảy lần lượt xuống cái hố cạn. Lúc đầu tôi cứ ngỡ sẽ có một cú va chạm đau điếng. Vậy mà không, mặt đất mềm và xốp. Từ dưới đáy và miệng hố chỉ cách nhau khoảng tầm hai mét. Diện tích của hố khá rộng, đủ để cho cả đoàn chen chúc. Chiếc trực thăng vẫn liệng qua liệng lại ở trên cao. Đất cát bay tứ phía, dội thẳng xuống đầu chúng tôi. Mặc dù biết rõ là người ngồi trên trực thăng chẳng thể nào nghe được chúng tôi nói chuyện, nhưng không một ai trong đoàn dám hé răng nửa lời. Tôi thầm khấn vái trong đầu:
“Lạy Trời, lạy Phật cho con thoát khỏi ải này. Con không muốn bị cảnh sát bắt. Con không muốn bị đưa đến trại tị nạn đâu...Lạy trời.”
Phải gần mười phút sau tiếng trực thăng mới xa dần rồi tắt hẳn. Cảnh vật trong rừng lại quay trở về dáng vẻ âm u như trước. Bốn gã dẫn đường nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga. Gương mặt của ba tên đội mũ len có vẻ căng thẳng. Chú Sang run giọng hỏi Ivan:
“Vừa nãy... vừa nãy là cảnh sát Ukraina đi tìm người vượt biên như chúng ta à?”
Ivan dụi mắt, lắc đầu uể oải đáp:
“Không phải. Chỉ là một nhóm người vượt biên đám cảnh sát không bao giờ huy động đến cả máy bay trực thăng đâu. Khả năng lớn là bọn cớm truy quét nhóm buôn thuốc phiện thôi. Bọn nó thường dùng con đường này để làm nơi giao dịch. Nhiều lần còn có cả tiếng đấu súng, sau đó là xác người chảy máu lênh láng. Bọn trong băng nhóm cũng không dám đến để đưa cái xác về. Sau cùng là cảnh sát đưa đi.”
Ngừng một lát, rồi Ivan buông thêm một câu:
“Phải rất may mắn thì xác mới được nguyên vẹn trở về. Không may thì sẽ gặp bọn kền kền...” 
Đoàn người nhìn nhau, trên vẻ mặt mỗi người lộ rõ vẻ thất thần. Tôi khẽ nuốt nước bọt, không ngờ rằng ban đêm ở rừng Ukraina lại kinh hoàng đến vậy. Từ lúc tới đây, chúng tôi chủ yếu là băng rừng. Ròng rã hơn hai tháng trời mới đặt chân được đến vùng biên giới này. Thế nhưng chỉ cần một chút sơ sẩy thôi, cả nhóm phải trả giá bằng tính mạng của mình.
Ivan bàn bạc với ba tên đội mũ len rồi quyết định sẽ ở lại đây hết đêm. Đêm hôm sau mới bắt đầu đi tiếp. Khoảng cách đến con sông ranh giới còn vài chục kilomet đường rừng nữa. Bà Loan và cái Phượng lo lắng không biết phải làm thế nào để vượt qua con sông hung hãn ấy. Chú Sang xoa mặt lắc đầu:
“Cứ đi ra được khu rừng này đã rồi mới tính tiếp. Lo lắng điều đó bây giờ chẳng khác nào tự hù dọa bản thân.”
Đức Hà Nội và tôi đều cho là phải nên đồng loạt gật đầu. Mục tiêu trước mắt là phải giữ cho bản thân mình sống sót khỏi khu rừng này. Không ai có thể chắc chắn được những kẻ buôn thuốc phiện kia còn ở nơi này hay không. Trong tình thế này, những kẻ dẫn đường lựa chọn biện pháp an toàn. Tức là chờ đợi trong cái hố cạn cho tới đêm mai, sau đó mới tiếp tục đi tiếp. Tôi nhìn xung quanh cái hố, chẳng có gì ngoài đất đá, lá cây và cỏ rác. Sự lạc quan trong tôi gần như biến mất. Gió tiếp tục gào thét ở bên trên, cái rét cắt da cắt thịt của ban đêm tràn xuống khiến cho chúng tôi phải xích lại gần nhau để cho bớt lạnh. Răng của cái Phượng va vào nhau lập cập, con bé run rẩy nói với tôi:
“Tao...tao.. lạnh quá Lam ơi... Bao...bao nhiêu độ rồi?”
Tôi choàng tay ôm lấy vai nó, nó vòng ra sau eo tôi siết chặt. Tôi nói dối:
“Vẫn 6 độ thôi! Chỉ lạnh hơn lúc sáng 2 độ. Ngày mai... ngày mai sẽ ấm hơn.”
Giọng cái Phượng thì thào:
“V...vậy... à?  Sao... sao tao lại thấy buốt thế nhỉ..”
Tôi đưa mắt nhìn chiếc đồng hồ màu đỏ trên cổ tay. Con số màu xanh cho tôi biết nhiệt độ hiện tại chỉ vỏn vẹn 4 độ. Sương lạnh ban đêm bay là là trên miệng hố khiến cho tôi có cảm giác sắp đi vào âm ti địa ngục. Ngày còn bé, có lần tôi vẫn theo chân đám bạn trong làng đi ra ngoài nghĩa địa vào ban đêm để thử thách xem ai gan dạ hơn. Tôi là con gái nhưng lì lợm chẳng kém gì con trai. Khi bọn con gái chạy về hết thì tôi vẫn ở lại. Kết thúc những cuộc thi ngang tài ngang sức ấy luôn luôn là những đòn roi của mẹ. Bố tôi vốn dĩ không quan tâm lắm tới đứa con gái duy nhất, nhưng mẹ tôi lại sợ tôi “vượt rào” với ai đó. Trong suy nghĩ của những người ở quê, điều ấy chẳng khác nào bôi tro trát trấu vào mặt cả dòng họ. Điều mẹ hoảng sợ nhất ấy là tôi làm xấu mặt gia đình. Tôi ngửa mặt lên trời để nhìn từng mảng sương bay bay, không khí bây giờ thật giống với những đêm ở nghĩa địa. Mặc dù kỉ niệm ấy chỉ cách đây vài năm thôi, nhưng tôi vẫn cảm thấy nó đã xa cách nửa đời người.
Cái lạnh, cái đói làm cho cả đoàn ngủ không ngon giấc. Lúc hai giờ sáng, nhiệt độ tiếp tục hạ, chạm mốc 3 độ C. Kể từ lúc tới Ukraina, đây là đêm lạnh lẽo, cũng là đêm kinh hoàng nhất mà tôi phải trải qua. Lúc tôi đang thiu thiu ngủ, còn nghe thấy vài tiếng súng vọng lại từ đâu đó. Vừa mở mắt ra đã thấy Ivan cầm chắc cây súng trong tay, đang nghe ngóng động tĩnh. Trông thấy tôi thức dậy, anh ta lặng lẽ ra hiệu cho tôi giữ im lặng. Một lúc sau có tiếng chó sủa, rồi tất cả lại tịch mịch như lúc trước. Đêm hôm ấy, thật dài.
______________
Còn tiếp

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen247.Pro

Tags: #kinhdi